Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

BÀI HỌC RÚT RA ĐƯỢC QUA GƯƠNG CÁC VỊ TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN ĐẦU

Thời sự Thần học – số 35, tháng 03/2004, tr. 127-145

_Giuse Phạm Công Liêm, O.P._


Đáp ứng lời kêu gọi của Đức Giêsu: “Các con hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), con cái của Giáo hội suốt 2000 năm qua đã rong ruổi khắp nơi, đến tận các hang cùng ngõ hẻm để thực thi chúc thư của Thầy mình. Mỗi người khi ra đi đều ôm ấp một ước vọng mong sao cho nước Chúa ngày càng rộng mở, được muôn người nhận biết. Vì lý do đó, có bao người đã thành công mỹ mãn, gặt hái được những kết qủa đáng kể. Nhưng, dù thành công hay thất bại, mỗi người khi đã bước chân đi, đều phải trả một giá rất đắt, không chỉ bằng nước mắt và mồ hôi mà còn cả bằng máu xương nữa.

Những thừa sai đầu tiên trên cánh đồng truyền giáo Việt nam từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVIII sẽ cho chúng ta một cái nhìn đúng đắn hơn về sứ vụ truyền giáo của Giáo hội. Đồng thời, qua các vị chắc chắn chúng ta cũng sẽ học được những kinh nghiệm bổ ích giúp bản thân thực thi sứ vụ trong tương lai.

I. Tình hình chính trị, tôn giáo và xã hội Việt nam thế kỷ XVI, XVII, XVIII


Có thể nói được rằng tình hình chính trị, tôn giáo và nếp sống của dân bản địa có ảnh hưởng trực tiếp đến các thừa sai không những về mặt tinh thần mà còn cả về hiệu quả của công việc nữa. Thế nên, chúng ta hãy tìm hiểu sơ qua những điểm này, một mặt như để cảm thông với các vị trong những thất bại nếu có do những ảnh hưởng của ngoại giới, mặt khác cũng thấy rõ được tinh thần hăng say truyền giáo bất chấp những khó khăn cản trở của các vị.

1. Về chính trị


Cha Đắc Lộ trong tập sách “Những cuộc hành trình và truyền giáo” xuất bản ở Paris năm 1653 đã ghi: “Cách đây độ 50 năm nước Cochinchina mới tách biệt khỏi xứ Tunquin. Trước đây, trong suốt 700 năm, cả hai là một lãnh thổ. Người mở đầu cuộc cách mạng đưa đến đấu tranh chia rẽ chính là ông tổ của nhà vua đang giữ chính quyền bấy giờ. Ông được vua nước Tunquin, anh rể của ông sai vào đất này, sau đó ông cho danh hiệu nhà vua đẹp hơn danh hiệu quan trấn và chức vị nhà vua cũng giá trị hơn chức vị của kẻ bầy tôi. Ông đã khởi loạn chống lại nhà vua của ông và tự xưng là chúa nước này. Từ đó ông dùng binh lực để bảo vệ ngôi báu, và truyền ngôi lại cho con cháu. Người xứ Tunquin đã nhiều lần đem quân vào đánh, nhưng đều không thu được thắng lợi nào cả….”.[1]

Thật vậy, nước Việt nam từ năm 1542 đến 1592 bị chia đôi: nam triều của vua Lê tính từ Thanh hoá trở vào, với Tây kinh ở thọ xuân. Còn Bắc triều của nhà Mạc tính từ Sơn Nam trở ra, với Đông kinh là Thăng Long. Tình hình chính trị từ năm 1542 trở đi ngày càng phức tạp rối ren hơn trước. Biến cố người Bồ đến Việt nam buôn bán từ khoảng 1540 có thể nói đã làm cho tình hình chính trị nước nhà vốn phức tạp lại còn phức tạp hơn. Để củng cố lực lượng tiêu diệt lẫn nhau vua Lê, chúa Trịnh cũng như nhà Mạc đã tìm đến người Bồ để trao đổi hàng hoá và khí giới. Nhân cơ hội ấy, các thừa sai người Bồ trên những chiếc tàu buôn, đã đặt chân lên đất Việt giảng đạo. Sự hiện diện của họ trên các chuyến tàu buôn thời kỳ này đôi khi còn được nể trọng, vì nó giúp các vua chúa tin chắc rằng người Bồ sẽ còn trở lại buôn bán, và khi cần thiết, các vua chúa có thể dùng họ để trao đổi và điều đình việc giao thương.

Nhưng, không phải lúc nào họ cũng được nể trọng và tự do truyền bá đạo lý. Những cản trở xảy đến vì lý do chính trị đã đành, song phần lớn cũng do nhịp độ giao thương giữa vua chúa và các thương gia người Bồ.

2. Về tôn giáo


Nếu như tình tình chính trị đôi khi có ảnh hưởng xấu đến việc truyền giáo, thiết tưởng đó chẳng phải là mối bận tâm chính yếu của các thừa sai. Việc truyền giáo cho vùng đất được mệnh danh là chiếc nôi của những tôn giáo lớn, trong đó đầy những mê tín dị đoan, ấy mới là những băn khoăn đáng sợ.

Cha Tissanier, một thừa sai trong giai đoạn đó nhận xét: “Cũng như ở Trung hoa, ba giáo phái chính ở Việt nam lúc đó là Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo. Tư tưởng của ba giáo phái ấy đều hoàn toàn trái ngược với luật Phúc âm”.[2]

Nhưng, theo cha Đắc Lộ thì người công giáo không bỏ rơi cũng như không phủ nhận hoàn toàn những giá trị có trong các tôn giáo ấy. Ngoài những thiếu sót và sai lầm, ba tôn giáo ấy đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ con người khỏi rơi vào tình trạng vô thần, trong khi chờ đợi tin lành đích thực đến với họ.

Còn các thừa sai thì chân nhận rằng, xã hội người Việt có một tổ chức rất cao. Người dân Việt có những đức tính, phong tục rất đáng khâm phục, đó là nhờ Nho giáo.

Như vậy có thể nói cản trở chính các thừa sai gặp phải nơi Nho giáo không phải là vấn đề tư tưởng, nhưng là ở một số tín đồ của phái Nho giáo. Họ là những quan chức, những Nho gia có đầu óc câu nệ và hẹp hòi, luôn cho rằng ngoài Nho giáo và Phật giáo ra, những tôn giáo khác đều là đạo tà.

Còn Phật giáo và Lão giáo, sau thế kỷ 15, đã bước vào tình trạng suy vi, trở thành tôn giáo của lớp dân thường. “Các tăng ni là những người chuyên bày ra các mối dị đoan, các lễ nghi phiền phức để cho bọn hạ lưu (nhất là đàn bà) đua theo”.[3] Làng nào, xã nào, người ta cũng đều thấy đầy dẫy các chùa chiền, với tầng tầng lớp lớp ông sư bà vãi sống nhờ vào sự mê tín của nhân dân. Họ chẳng khác nào những thầy pháp, thầy cúng, thầy bói của Lão giáo. Nói như cha Đắc Lộ, đó là một giáo phái tai hại hơn cả. Họ đã để lại trong lòng người dân đầy những mê tín dị đoan. Suốt cuộc truyền giáo, các cha đã phải bỏ bao nhiêu công sức mới mong gột rửa hết những mê tín đó nơi giáo dân.

3. Về người Việt


Theo cha Buzomi: “người Việt có những đức tính dung hoà giữa người Tàu và người Nhật.Họ không qúa nghiêng về văn chương. Tính tình cũng không thâm hiểm như người Tàu. Họ không quá nghiêng về quân bị. Tính tình cũng không độc ác như người Nhật… Tuy dễ nghe, dễ tin và nhiều mê tín, nhưng người dân Việt dễ nhận ra lẽ phải. Họ không kiêu căng hay tự tôn như người Tàu, vì thế trong khi trình bày đạo lý, các cha có thể đưa về với lẽ phải, với chính đạo. Với lòng sùng đạo sẵn có, một khi trở lại, những người công giáo Việt nam lại là những người nhiệt thành đạo đức hơn ai hết”.[4]

Như vậy, theo những thừa sai thì nước Việt nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII ở trong một bối cảnh chính trị hết sức phức tạp. Đất nước bị chia đôi. Các vua chúa luôn tìm cách tranh dành địa vị thôn tính lẫn nhau, cuộc nội chiến có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vấn đề các tôn giáo theo nhận xét của các thừa sai cũng là điều đáng lo, vì họ "đầy dẫy những mê tín dị đoan". Nên, để Tin mừng của Chúa có thể thâm nhập, bén rễ sâu và lan rộng trên toàn lãnh thổ này qủa không phải là dễ. Cần một phương pháp rao giảng thích hợp đã đành, nhưng mặt khác cũng cần phải có những con người đầy nhiệt huyết, xông pha không quản ngại hy sinh gian khổ, mới có thể làm cho mảnh đất này trở thành mảnh đất Kitô giáo được. Các thừa sai đến Việt nam trong giai đoạn này đã hoàn trọn tốt sứ mạng đó. Chính vì vậy mà tinh thần và dấu ấn của các vị vẫn còn in đậm trong lòng Giáo hội Việt nam suốt 400 năm nay.

II. Tinh thần và phương pháp truyền giáo của các thừa sai ở Việt nam thế kỷ XVI, XVII, XVIII


1. Tinh thần


a. Chọn lựa dấn thân

Nhìn đồng lúa chín vàng, những thợ gặt hân hoan vung liềm lên hái, bất chấp nắng mưa khó nhọc, chỉ mong ước một mùa bội thu. Hình ảnh đó giúp ta liên tưởng đến những thừa sai trong giai đoạn đầu của Giáo hội, đặc biệt là Giáo hội Việt nam. Họ là những ai ? Đời sống của họ thế nào ? công việc của họ ra sao ?...Người đời nay biết được họ chính là nhờ sách vở, nhờ cha ông kể lại. Song bấy nhiêu thì có thấm vào đâu với những con người suốt một đời hy sinh quên mình vì lý tưởng và vì tình thương yêu đồng loại. Tinh thần và cách sống của họ qua những ghi nhận dưới đây, đáng cho chúng ta bắt chước học đòi.

Sử sách thuật lại rằng, những thừa sai hải ngoại trước khi lên đường thi hành sứ vụ, đã được tiễn biệt bằng nghi thức rất cảm động. Những bậc vị vọng nhất trong buổi tiễn biệt đã quỳ xuống trước mặt họ và hôn chân họ. Nghi thức ấy long trọng tuyên bố với họ rằng: từ đây họ trở thành kẻ xa lạ với quê hương. Họ sẽ vĩnh viễn miên trường hát ca khúc “Đẹp thay bước chân người rao giảng Tin mừng” (Is 52,7).5 Do đó ta chẳng lạ gì khi thấy họ đã sống hết mình và hết tình nơi những vùng đất mới. Vùng đất mới ấy cũng chính là quê hương mới của họ. Những con người mới kia cũng chính là anh em của họ. Quê hương ấy có thể chẳng giống chốn cũ: chẳng giàu sang, tiện nghi và êm ấm bằng. Người anh em của họ có thể cũng chẳng được như những người đồng hương với họ: chẳng văn minh, lịch thiệp bằng... Nhưng họ đã chọn lựa và quyết sống hết mình với chọn lựa đó, cho dù có bị hiểu lầm, chống đối, lợi dụng hoặc bị đối xử tàn nhẫn... Vì Đức Kitô, và vì phần rỗi của anh em đồng loại, họ chấp nhận tất cả.

b. Chấp nhận gian khổ

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Giáo hội Việt nam thời sơ khai rất ít linh mục, đến nỗi, cứ một hay hai người, phải lo lắng cho cả một giáo đoàn đông đúc. Người dân Việt vốn tính siêng năng xưng tội và sốt sắng tham dự thánh lễ, nên các thừa sai lại càng bận rộn hơn, việc này nối tiếp việc khác. Ban ngày các vị phải dạy 5 đến 6 lớp giáo lý, ban đêm thì lo giải tội và dâng thánh lễ. Khi cuộc bách hại đạo xảy đến, công việc lại càng cực nhọc hơn, ngày các vị lo trốn tránh, còn đêm thì thường phải thức trắng để thi hành công tác mục vụ. Cuộc sống vất vả cực nhọc đã đành, lại còn bị vua quan bách bớ và hành hạ, những lúc như thế các vị chỉ còn cách thốt lên như thánh Phaolô: “Nếu chúng tôi không tin tưởng ở Đức Kitô, thì hẳn đời này không ai khốn khổ bằng chúng tôi”.[6]

Ngoài công việc vất vả dạy dỗ coi sóc đoàn chiên lúc thuận cũng như lúc nghịch, các vị còn phải lo chống trọi với bao khó khăn khác như thời tiết, khí hậu, đói khát...Cha Juan de Santa Cruz viết: “Cha bề trên địa phận Francois Deydier ở Phố Hiến thấy chúng tôi nhiệt thành với sứ mạng, nên đã trao cho chúng tôi 40 làng thuộc tỉnh Đông và tỉnh Nam, để chúng tôi hoạt động... Khu vực của chúng tôi đất đai rộng, nhưng ít bổn đạo và rất nghèo, đến độ không có làng nào đủ sức làm được cho chúng tôi một căn nhà, nên chúng tôi phải ở dưới thuyền đã mấy năm trời. Chúng tôi phải tốn phí nhiều tiền để sắm thuyền lớn mới có thể dâng Thánh lễ và làm các phép Bí tích như rửa tội, giải tội. Nhờ có nhiều sông ngòi, thuyền chúng tôi có thể đi khắp miền truyền giáo của chúng tôi trong 8 ngày. Sống và hoạt động như thế rất nguy hiểm, vì mưa bão xứ này lớn và mạnh lắm, lại còn liều mình lọt vào tay trộm cướp thường uy hiếp những thuyền đậu hai bên bờ ban đêm...”.[7]

Đó là lúc công việc truyền giáo gặp thuận lợi. Nhưng khi cơn bách hại đạo xảy đến, cuộc sống của các cha còn lận đận long đong gấp mấy. Ngày và đêm, các vị phải ẩn núp dưới những chiếc thuyền nhỏ nóng bức, chui lủi dưới đám lau sậy, nơi bùn lầy nước đọng. Các vị còn tâm sự: “Hoàn cảnh bắt buộc chúng tôi phải ẩn trong thuyền, chỉ ban đêm mới dám thò đầu ra ngoài để hít thở khí trời. Và dù chúng tôi sống luôn trên sông, tôi chỉ có dịp tắm mới có ba lần thôi, cho nên tôi ghẻ lở khổ sở lắm... Đã 30 năm chúng tôi ở trong xứ này, không tháng nào mà không phải ẩn mình để khỏi bị bắt...”[8]

Bên cạnh những thế lực vua quan ra sức đàn áp, các vị còn bị các ông sư bà vãi quấy phá phiền nhiễu nữa. Khi thấy dân chúng bỏ mình để theo các thừa sai, làm cho niêu cơm của mình bị đe doạ, vì số lợi nhuận thu vào ngày càng ít, họ đã tìm cách làm gián đoạn công việc của các vị. Khởi đầu họ đến gặp gỡ tranh luận, nhưng khi cuộc tranh luận không được thoả đáng, họ đã tìm cách vu oan, giáng hoạ và phá hoại các nơi thờ phượng như nhà thờ, nhà nguyện, bàn thờ... Bên cạnh đó, họ còn tạo ra nhiều tin đồn thất thiệt khác. Chuỗi kinh Mân côi các vị tặng cho giáo dân, họ cho rằng đó là một thứ bùa mê, ai đeo vào khi chết sẽ hoá kiếp làm tôi đòi, làm súc vật... Họ còn dựng nên cảnh địa ngục nơi đó có người đàn bà đang đau khổ quằn quại, chỉ vì bà này trước khi chết đã để cho các thừa sai đổ “một thứ nước tác oai tác quái lên đầu”. Họ đồn đại trong dân rằng, những thừa sai chính là các thầy pháp, đã được vua Bồ sai đến, để bắt hồn các người theo đạo. Họ còn bịa ra nhiều chuyện khác, hầu làm cho dân chúng xa lánh đạo, và làm cho người có đạo đâm ra nản lòng thối chí.

Cuộc sống các vị tưởng chừng như lúc nào cũng sôi động và căng thẳng, khi gặp cơn bách hại thì phải trốn tránh sự lùng bắt của quan quân, khi tình hình lắng dịu thì lại phải đối phó với những kẻ ganh tị quấy phá, thiết tưởng chẳng còn nỗi khổ nào hơn. Nguyên việc trốn lánh sự lùng bắt của quan quân thôi cũng đủ làm cho các thừa sai phải kiệt lực và chết sớm, chứ chưa cần kể đến bao nỗi khó khăn khác. Tinh thần và sự hy sinh cao cả của các vị thật khó có thể diễn tả hết bằng lời, càng tìm hiểu chúng ta càng thấy cảm phục các vị hơn.

Thế nhưng, điều chúng ta muốn học hỏi nơi các vị không chỉ là về lãnh vực tinh thần, nhưng còn về cả những phương pháp và cách tổ chức công việc nữa.

2. Phương pháp truyền giảng và hoạt động


a. Những trắc trở ban đầu

Có thể nói rằng, công việc truyền giáo của các thừa sai thế kỷ XVI không gặt hái được nhiều thành công lý do chính là thiếu phương pháp hội nhập và thích ứng. Khi đặt chân lên vùng đất này, vừa lạ lẫm, vừa không hiểu ngôn ngữ địa phương, và có lẽ cũng không được học hỏi kỹ lưỡng về phong tục, tập quán của vùng đất này, nên các vị đã không thích ứng kịp. Bên cạnh đó, yếu tố thời gian cũng có ảnh hưởng không ít . Vì với một khoảng thời gian ngắn ngủi các vị không thể lập nên những chương trình dài hạn và làm được những công việc lớn lao. Chính vì không thể hội nhập và thích ứng kịp thời, nên khi phải đụng chạm với một vùng đất đa nguyên tôn giáo, các vị gây ra những hiểu lầm đáng tiếc, Cụ thể nhất là chyện đụng chạm đến đạo thờ ông bà tổ tiên của người Việt. Với người Việt, thờ kính ông bà tổ tiên là hiếu đễ, là đạo của kẻ làm con, chữ “đạo” ở đây không thể hiểu như chữ “đạo” trong Kitô giáo. Chính vì không hiểu và phân biệt được điều đó, nên các vị ra sức cấm đoán và cho rằng làm như vậy là lỗi luật Chúa và trái đạo trời. Đã theo đạo thì chỉ được thờ một Chúa mà thôi... Lúc ấy, người dân Việt không thể hiểu được có một đạo nào tự xưng là đạo thật mà lại đi cấm đoán việc thờ ông bà tổ tiên, vốn là truyền thống đạo giáo của cả một dân tộc suốt hằng bao thế kỷ. Cho nên, người dân đã phản ứng lại với những gì mà các thừa sai rao giảng, và hai bên đã có sự xích mích với nhau. Nguyên do đó đã khiến cho đạo Kitô giáo không phát triển được nơi mảnh đất vốn được coi là hiền hoà này.

Không chỉ có thể, các vị còn vấp phải một điều đáng tiếc nữa, đó là sự hiểu lầm về Phật giáo. Do qúa nhiệt tình bênh vực và truyền bá đạo lý, các vị đã lập lại chính sai lầm của một số nhà nho đã nói ở trên, chỉ coi đạo mình là đạo thật, còn những tôn giáo khác biệt đều là tà đạo. Trong cuốn Phép giảng tám ngày, các vị đã coi Phật giáo là đạo thờ ngẫu tượng: “Nó dạy dân thờ bụt, và lấy mình, Thích ca, làm cội rễ các bụt, như thể mình là kẻ làm nên trời đất…”[9]. Điều đó làm cho các Phật tử đâm ra tức tối và phản ứng lại một cách gay gắt. Anh hưởng này sẽ còn kéo dài đến mãi thế kỷ XVIII, gây ra không ít những khó khăn cho những người đến sau.

Ngoài ra, có một số vị khác còn muốn đem cả nền văn minh tiến bộ của tây phương, và những hiểu biết của mình về đạo áp đặt nên các phong tục tập quán của người bản địa một cách vội vàng và thiếu cân nhắc... nên việc truyền giáo đã không đạt được những kết qủa mong muốn. Đến nỗi, Giáo hội đã phải lên tiếng khuyên nhủ: “Đừng hăng say, đừng đưa ra một luận điểm nào để thuyết phục các dân tộc này thay đổi các nghi thức, phong tục và tập quán của họ miễn là chúng không hiển nhiên đi ngược lại tôn giáo và luân lý. Có gì phi lý bằng việc bê nước Pháp, nước Ý, nước Tây Ban Nha hay một nước Châu Au nào đó sang bên Trung hoa? Hãy du nhập vào Trung hoa lòng tin chứ không phải là các nước này. Lòng tin không loại bỏ hay xúc phạm các nghi thức hay tập tục của bất kỳ một dân tộc nào, miễn là chúng không đáng chê trách, ngược lại, lòng tin muốn chúng ta duy trì và bảo vệ các nghi thức và tập tục này”.[10] Đây là một kinh nghiệm qúy giá dành cho các nhà truyền giáo sau này.

b. Chọn lựa phương pháp

Rút kinh nghiệm từ các bậc tiền bối, những thừa sai sau này, khi đến Việt nam đã chọn lựa một phương pháp dứt khoát là thích nghi với văn hoá điạ phương. Họ đã đến, sống và hoà mình vào nếp sống của người dân Việt, học hỏi thêm về văn hoá, phong tục và tập quán của xã hội Việt, đồng thời tìm hiểu thêm về tính tình của người dân, do vậy mà cách thức và lời giảng dạy họ thích ứng và phù hợp với trình độ của người dân, và người dân cũng dễ dàng chấp nhận hơn. Tác phẩm “Histoire du Royaume de Tunquin” đã cho thấy các vị hiểu rất rõ xã hội và con người Việt nam. Tác phẩm đã có những nhận xét rất đúng đắn về phong tục tập quán của cha ông ta, từ việc ma chay, cưới hỏi cho đến các tục lệ ngày tết, từ việc thờ kính ông bà tổ tiên cho đến việc thờ vua chúa...

Trong giao tiếp cũng như dạy dỗ, các vị đã sử dụng ngôn ngữ bản địa rất nhuần nhuyễn, chính vì thế mà không xảy ra những hiểu lầm đáng tiếc. Về của ăn, áo mặc cũng thế, các vị hầu như đã trở thành một người Việt thực thụ. Thức ăn hằng ngày của các vị là cơm, cá khô, chuối,... những ngày lễ trọng thì có thêm chút cá tươi, chút thịt. Còn về áo mặc, các vị chẳng khác người dân Việt chút nào, đến nỗi có lần quân lính khám xét thuyền các vị đang ở mà họ cũng không nhận ra.[11]

c. Đem đạo vào đời, đem đời trở về với đạo

Cũng với việc sử dụng phương pháp hội nhập và thích nghi, đa số các thừa sai trong giai đoạn thế kỷ XVII trở đi, đã đạt được nhiều thành công trong quá trình giảng dạy đạo lý. Cha Alexandre de Rhodes viết: “Mặc dầu có nhiều người rao giảng giáo lý Phúc âm cho những nước lương dân, chủ trương trước hết phải hủy diệt sai lầm tà giáo và làm cho tâm trí từ bỏ những quan niệm mơ hồ, trước khi xây dựng và giảng dạy những điểm và những nguyên lý của Kitô giáo,... còn về mầu nhiệm cao cả về Thiên Chúa Ba Ngôi thì chỉ trình bày cho người tân tòng vào lúc họ đã sẵn sàng chịu phép rửa tội, trước là để không làm rối trí họ vì những hoài nghi có thể nảy sinh về mầu nhiệm cực kỳ cao cả và khôn lường đó... Thế nhưng theo kinh nghiệm, giữa hai cách trên đây, tôi chọn một phương pháp giáo huấn cho các dân nước này. Nghĩa là không chống đối những sai lầm các giáo phái trước khi đặt một số các nguyên lý mà chỉ ánh sáng tự nhiên cũng hiểu biết được, như về việc sáng tạo vũ trụ, về cứu cánh và nguyên lý vạn vật đã được dựng nên và về an bài những loài có lý trí và nhiệm vụ phải nhận biết Người và phụng thờ Người. Như vậy để đặt vào tâm trí họ một nền tảng chắc chắn trên đó đều dựa vào mọi niềm tin khác để không làm cho họ chán nản khi nghe người ta đả phá và khinh dể những thờ tự của mình mặc dù là giả dối và những tập tục mê tín...”.[12] Cũng thế, khi nói về Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời đất, các vị đã dùng hình ảnh “Tam phụ” rất quen thuộc trong Nho giáo như sau: “Bây giờ ta phải hay có ba đấng bề trên, gọi là ba cha, ta phải thờ, ở đấng nào, cho nên đấng ấy. Đấng dưới là cha mẹ sinh thân xác cho ta; đấng giữa là vua chúa trị nước; đấng trên là Đức Chúa trời đất, làm Chúa trên hết mọi sự. Có ba đấng này ta mới được sống, được ở…”.[13]

Ngoài ra, cũng chính nhờ hiểu biết sâu xa về nếp sống văn hoá và sinh hoạt của dân chúng, mà các vị đã đánh đổi được những mê tín dị đoan vốn in đậm trong lòng dân bao đời để thay vào đó nhhững hình thức đạo đức bình dân. Như thay vì đeo bùa, ngải, các vị đã cổ võ họ đeo ảnh tượng. Thay vì khua chiêng, đánh trống, đốt vía, dựng cây nêu có ý xua đuổi ám khí, tà ma, các vị đã khuyên họ nên dùng nước thánh, nến phép và thánh giá... Hơn nữa, hầu đáp ứng lòng đạo đức sốt sắng của dân chúng, các vị đã soạn ra nhiều kinh bổn, phổ biến kinh Mân côi, viếng đàng thánh giá, ngắm 15 sự thương khó... chính những sáng kiến và những phương pháp giảng dạy dễ hiểu mà càng ngày các vị càng lôi kéo được nhiều người tin đạo và theo đạo hơn.

d. Chú trọng đến giới trí thức và quan lại. Dùng người Việt truyền giáo cho người Việt

Đây là một trong những vấn đề khó khăn và phức tạp. Vì như chúng ta đã biết, giới trí thức và quan lại trong xã hội phong kiến Việt nam thế kỷ XVI, XVII, XVIII đa số là những nhà nho yêu nước, có chân trong triều đình. Họ lại rất tự hào về truyền thống đạo giáo của mình. Nên, muốn họ tin đạo thì cũng đồng nghĩa với việc bắt họ phải thay đổi não trạng và cái nhìn, đồng thời phải hủy bỏ những tệ tục đã bén rễ sâu trong đời sống lâu nay, như tục đa thê chẳng hạn. Điều đó thực không phải dễ. Để làm được điều này, các thừa sai phải thật am hiểu về đời sống và phong tục tập quán của họ thì mới có thể điều chỉnh cái nhìn của họ sang một hướng tích cực hơn. Cha Đắc Lộ kể: “trong lần thuyết giáo hôm trước tôi trình bày cho họ về nguồn gốc linh hồn, là do chính Thiên Chúa tạo dựng, cha mẹ chúng ta không có tham dự vào đó chút nào. Hôm đó tôi tiếp tục trình bày về ông bà nguyên tổ và tội phạm của ông bà truyền lại cho con cháu muôn đời về sau vết nhơ mình đã sa ngã. Khi tôi vừa trình bày xong thì một người tân tòng trí khôn thông minh sắc sảo, đã dự buổi hôm trước đứng lên hỏi tôi: làm thế nào hoà hợp điều mà đạo trưởng vừa thuyết giáo lần này với điều mà đạo trưởng mới nói lần trước? ... nếu Adam không sinh ra linh hồn thì làm sao lại truyền tội cho linh hồn được?”.[14] Theo cha thì đây là một trong những vấn đề hóc búa, mà nếu như không có sự hiểu biết sâu xa về đạo và văn hóa điạ phương, các thừa sai sẽ không thể nào đưa ra những ví dụ cụ thể để trả lời thoả đáng được.

Quả thực, truyền giáo cho giới trí thức và quan lại là vấn đề khó nhưng không phải không thực hiện được. Các thừa sai đã chọn lựa công việc này là vì như chúng ta đã biết, trong xã hội Việt nam lúc bấy giờ, giới trí thức quan lại là những người nắm giữ sinh mệnh của người dân, và việc truyền giáo được tiến triển hay không phần lớn đều tuỳ thuộc ở họ, nên, chú trọng đến vấn đề này là một chọn lựa đúng đắn. Nếu họ không theo đạo vì còn bị ràng buộc bởi vấn đề chính trị hay địa vị, thì ít ra họ cũng có cảm tình với đạo, và như vậy việc truyền giáo sẽ thuận lợi hơn. Thực tế cho thấy, có nhiều vị chức trách và quan lại trong triều, khi trở lại đạo đã làm việc tông đồ rất hăng say, nắm những chức vụ trùm trưởng trong các họ đạo...Phần những thừa sai, các vị luôn tìm cách cổ võ, thúc đẩy hướng dẫn họ trong đức tin và công việc, đồng thời giao trách nhiệm cũng như công việc đúng theo khả năng của họ, và nhất là , biết sử dụng những những người Việt để truyền giáo cho người Việt.

e.Tổ chức hội thày giảng

Với con số giáo dân ngày càng tăng, lại rất siêng năng tham dự thánh lễ và lãnh các bí tích, các thừa sai thấy mình như không đủ sức đảm đương hết mọi công việc, vì thế, các vị đã nghĩ đến việc lập hội các thầy giảng. Trước mắt, các thầy này sẽ giúp hoặc sẽ thay thế các vị trong những công tác không đòi hỏi đến chức vị linh mục. Đây là một trong những kinh nghiệm các vị học được nơi các thánh Tông đồ, nhất là thánh Phaolô. Thánh Phaolô, trong hành trình truyền giáo cho dân ngoại, đến bất cứ nơi đâu ngài cũng chọn một trong số những người bản xứ có lòng nhiệt thành và sốt sắng giữ đạo để cộng tác với ngài trong công cuộc rao giảng. Các thừa sai trong giai đoạn này cũng muốn cho giáo đoàn mình coi sóc có những người lãnh đạo thuộc tầng lớp giáo dân, để công việc truyền giáo được phát triển mau chóng, vững mạnh và có thể sống tự lập khi thiếu vắng các vị. Vì dù thế nào đi chăng nữa, những người dân bản xứ cũng là những người biết rõ hơn ai hết những phong tục, tập quán cái hay cái dở của khu vực làng xã mình, và như thế, họ sẽ biết cách trình bày đạo lý phù hợp với trình độ và nếp sống của người dân hơn.

Nhưng khác với các tông đồ, những thừa sai thế kỷ XVI, XVII, thực sự đã không có đủ thẩm quyền để huấn luyện người này kẻ nọ lên chức thánh. Nên vấn đề không thể giải quyết một cách tức thời, mà cần phải có sự can thiệp của phía Rôma, nhất là thánh bộ truyền giáo lúc bấy giờ. Chính cha Đắc Lộ sau này đã sang Rôma để yêu cầu toà thánh ban chức giám mục cho Giáo hội Việt nam.

Đang khi chờ đợi sự can thiệp từ phía Rôma, thì ở Việt nam trong giai đoạn này, hình thức các cộng đoàn cơ bản truyền giáo đã được hình thành. Cộng đoàn cơ bản này bao gồm những giáo dân mới trở lại đạo nhưng rất nhiệt thành, có uy thế trong dân như bà Maria Minh Đức, quan Phaolô Bình, anh I-nha-xu, các ông nghè, ông tổng, các sư sãi...họ rất hăng say sống đạo và đã thuyết phục được nhiều người theo đạo. đây chính là giải pháp thích hợp nhất trong giai đoạn Giáo hội điạ phương thiếu vắng những mục tử.

Từ những cộng đoàn cơ bản này, các vị đã chọn ra một số những người nhiệt thành, không vướng bận việc gia đình đi theo và giúp đỡ mình trong việc mục vụ. Những người này sẽ được huấn luyện đầy đủ hơn về giáo lý thánh kinh để họ có thể dẫn dắt người khác, nhất là những dự tòng, tân tòng...

Cha Đắc Lộ kể, ngay từ giai đoạn đầu thành lập, Thiên Chúa đã lo liệu cho cha có được 10 người đi theo cộng tác trong việc giảng dạy. Ngài viết: “Đặc ân Chúa ban cho tôi trong thời kỳ này là thúc đẩy 10 người trai cộng tác với tôi trong việc truyền giáo cho dân xứ họ. họ là những người ở những miền khác nhau, nhưng cùng chung một lý tưởng hiến dâng tất cả cho Chúa và Giáo hội...Chúng tôi cùng nhau đi thăm các họ đạo, các làng, các huyện và Thiên Chúa đã chúc phúc cho hoạt động của chúng tôi được nhiều kết quả”.[15]

Và kể từ đây tổ chức Hội thày giảng đã ra đời. Tinh thần và lòng nhiệt thành truyền giáo của họ đã được cả thế giới biết đến. Vì là người điạ phương, nên trong những lúc đạo bị cấm cách, họ cũng dễ dàng di chuyển hơn các thừa sai, lại rất quen thuộc địa hình và người địa phương... Họ luôn là những cộng sự viên đắc lực của các thừa sai. Nơi nào cần là có họ. Công việc của họ tuy âm thầm và khiêm tốn nhưng không thể thiếu. Họ có thể đến từng gia đình, thăm hỏi, an ủi và giúp đỡ mọi người, mặt khác cũng có thể giúp các cha trông coi các họ đạo thậm chí cũng có thể mở mang các họ đạo mới...

Qua những thành quả và công việc của họ, các thừa sai đã khẳng định rằng, họ chính là những cột trụ của Giáo hội Việt nam trong tương lại. Và quả thật là như vậy, những linh mục đầu tiên của Việt nam đã phát xuất từ chính chiếc nôi này.

III. Nhận định


Có thể nói công cuộc truyền giáo ở Việt nam trong vòng ba thế kỷ đầu đã gặt hái được những thành quả rất đáng mừng. Công lao đó của các vị thừa sai chúng ta không bao giờ quên. Là những người kế tục các vị trong sứ vụ truyền giáo hôm nay, trên mảnh đất của các vị năm xưa, một lần nữa chúng ta tự hỏi chính mình do đâu mà các vị đã thành công như thế? Thiết tưởng câu trả lời đã được trình bày trong những phần trên. Nhưng, cũng cần thiết khẳng định lần nữa rằng, lý do chính khiến việc truyền giáo thành công là nhờ tinh thần và phương pháp làm việc của các vị thừa sai.

Về tinh thần, hầu hết các vị đều có một tinh thần hy sinh cao độ, không nghĩ đến lợi ích bản thân. Những tác động bên ngoài như cái đói, cái rách, cái lạnh, cái cùng khổ, bắt bớ không làm các vị chùn bước. Các vị chỉ có một mong ước duy nhất là làm sao cho mọi người được nghe Tin mừng, được biết Đức Kitô. Lý tưởng ấy, các vị đã chọn lựa và sống chết vì đó. Đây chính là bài học cho những ai muốn theo chân Đức Kitô trong sứ vụ truyền giáo.

Còn về phương pháp truyền giáo hội nhập và thích ứng với hoàn cảnh, thiết tưởng rằng nguồn gốc của nó đã có ngay trong Kinh thánh nhất là trong Tân ước. Trong suốt hành trình rao giảng của mình Đức Giêsu đã lập đi lập lại những phương pháp này, rồi tiếp đến là thánh Phaolô... Phần chúng ta, nếu biết áp dụng vào đúng nơi, đúng lúc, đúng đối tượng, chắc chắn sẽ thành công. Song chúng ta cũng phải chân nhận rằng, ngoài những lấn cấn ban đầu do chưa hiểu rõ các phong tục và tôn giáo nên đã để xảy ra những hiểu lầm đáng tiếc, còn thì các thừa sai từ thế kỷ XVII trở đi, đã biết hội nhập một cách khéo léo vào phong tục tập quán điạ phương. Đặc biệt, với một tinh thần nhiệt thành và sáng suốt, các vị đã đưa được những sáng kiến phù hợp với tinh thần đạo đức của người dân địa phương như: dâng hoa, dâng hạt, ngắm 15 sự thương khó Đức Giêsu, viếng đàng thánh giá... Và sở dĩ việc truyền giáo của các vị trên đất Việt vẫn ngày ngày đơm bông kết trái, chính là nhờ việc các vị đã đào tạo được những người địa phương kế tục mình trong sứ mạng rao giảng. Đây cũng là điểm chúng ta cần quan tâm trong sứ mạng sau này.

Ngoài những điều đáng biểu dương và học hỏi ở trên, chúng ta cũng cần kể ra một kinh nghiệm đau thương mà các thừa sai đã vấp phải, đó là cuộc tranh chấp giữa các tu sĩ Dòng Tên và các vị thừa sai Pháp, và cuộc xung đột về quyền bính giữa các tu sĩ dòng Đaminh và dòng Autinh. Hậu quả của những cuộc tranh chấp đó đã dẫn đến những chia rẽ thật đáng tiếc không chỉ trong nội bộ các dòng, mà còn ảnh hưởng xấu đến cả giáo dân. Qua những tài liệu sách vở, người ta còn biết những phe đối lập đã làm bất cứ chuyện gì kể cả triệt hạ và tố giác nhau, miễn sao phần thắng thuộc về mình.16 Đây quả là một kinh nghiệm đáng buồn, đáng cho chúng ta suy nghĩ.

Song không chỉ vì những thiếu sót và vấn đề tiêu cực xảy ra trên đây mà chúng ta phủ nhận hết công lao của các vị. Giáo hội nói chung và Giáo hội Việt nam nói riêng vẫn đang cần đến những chứng nhân nhiệt thành trong công tác truyền giáo. Vì theo thống kê gần đây chúng ta được biết: dân số thế giới hiện nay đã lên tới 6,3 tỉ người, trong đó chỉ có 1,995 tỉ tín hữu. Nếu đem so sánh con số những người tin theo Đức Kitô với dân số hoàn cầu, thì tín đồ Kitô giáo thuộc các hệ phái khác nhau chỉ chiếm 30%. Và nếu chỉ tính riêng công giáo mà thôi thì tỉ lệ đó chỉ còn là 15%. Còn với lục điạ Á châu, dân số hiện nay là 3,3 tỉ, trong đó công giáo chỉ vỏn vẹn 132 triệu tín hữu, tức 3,95%.17 Song như chúng ta đã biết, niềm tin tôn giáo và chiều sâu tâm linh nơi con người không thể đo lường bằng con số, thế nhưng, bản thông kê trên đây đáng cho chúng ta suy nghĩ và ý thức hơn về trách vụ truyền giáo của mình, luôn luôn phải học hỏi để tìm ra những phương pháp tốt nhất để giúp cho việc truyền giáo đạt hiệu quả hết sức có thể.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lm. Bùi Đức Sinh, Lịch sử Giáo hội công giáo, Nxb Chân lý, 1975
  2. Lm. Đào Trung Hiệu, Cuộc lữ hành đức tin, tập 2, Xb 1997
  3. Lm. Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt nam, tập 1, Nxb Hiện tại 1959
  4. Lm. Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học về tôn giáo, tập 1, Nxb Dấn thân, 2000
  5. Lm. Bùi Đức Sinh, Dòng Đaminh trên đất Việt, 1993
  6. UBĐK Công giáo, Ns. Công giáo và dân tộc, số 71, tháng 11.2000
  7. Trần An Bài, Thiên hùng sử, 1990
  8. Alexandre de Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng ngoài, bản việt ngữ, 1994
  9. Nguyễn Nghị, Trong dòng sông sự sống, Nxb TPHCM, 1996
  10. Nguyễn Khắc Xuyên – Phạm Đình Khiêm, Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên, Phép giảng tám ngày, Nxb. Tinh-Việt Văn-Đoàn, 1961

GHI CHÚ____

1. Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, tr. 52
2. Cuộc hành trình đến xứ Đông kinh, tr. 135
3. Văn học sử yếu, tr. 63-64
4. Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, tr. 57-58
5. Thiên hùng sử, tr. 5
6. 1Cr 15,19
7. Dòng Đaminh trên đất Việt, tr. 39
8. Nt, tr. 41
9. Phép giảng tám ngày, tr. 76
10. Trong dòng sông sự sống, tr. 5
11. Dòng Đaminh trên đất Việt, tr. 42
12. Lịch sử vương quốc đàng ngoài, tr. 113
13. Phép giảng tám ngày, tr. 5
14. Lịch sử truyền giáo ở Việt nam, tr. 169-170
15. Nt, tr. 161
16. Ns. Công giáo và dân tộc, tr. 77-78
17. Đường vào thần học các tôn giáo, tr. 87-88