CHỦ ĐỀ : TÌNH CA
LỜI GIỚI THIỆU
Thực ra trong nguyên bản Híp-ri, tựa đề của sách là “Bài ca của những bài ca” (Sir hassirim), được dịch sát chữ sang tiếng La-tinh là “Canticum canticorum”, cũng như các ngôn ngữ khác (Pháp: Cantique des cantiques; Anh: Song of songs; Tây Ban Nha: Cantar de cantares; Ý: Cantico dei cantici). Trong tiếng Việt, chúng ta thấy có nhiều cách dịch khác nhau, chẳng hạn như: “Ca đệ nhất”, “Diễm tình ca”, hoặc “Diễm ca”, “Diệu ca”, “Nhã ca”.
Chúng tôi dịch là “Tình ca”, giống như một vài bản dịch tiếng ngoại quốc (Anh: “Song of love” hoặc “Love song”; Pháp: Chant de l’amour; Tây Ban Nha: Canción de amor; Italia: Canto d’amore).
Các tín hữu Công giáo không có cơ hội nghe đọc sách Tình ca trong Thánh lễ Chúa Nhật, Lễ trọng. Bài đọc Kinh Sách trong Phụng vụ các Giờ kinh cũng không trích đọc sách Tình ca. Vì lý do gì ? Phải chăng vì sợ các bạn trẻ “chia trí”, nghĩ đến chuyện tình dục hơn là hướng lòng lên cùng Thiên Chúa? Nên biết là trong quá khứ, ông Origiène cũng như thánh Hiêrônimô/Giêrônimô đã khuyên các tín hữu không nên đọc sách này khi chưa được 30 tuổi ![1] Trong đạo Do-thái thì khác. Tình ca được đọc vào dịp lễ Vượt qua hằng năm, và trong phụng vụ sáng ngày Sabát hằng tuần.
Số báo này không có tham vọng chú giải sách Tình ca mà chỉ nhìn lại các lối đọc và giải thích trong lịch sử thần học Kitô giáo[2]. Chúng ta sẽ có dịp thấy rằng tác phẩm này không bị xếp vào sổ những sách cấm đọc, ngược lại đó là một tác phẩm được lưu trữ và chú giải trong các thư viện của các đan viện.
1. Tổng quan
Mở đầu là bài viết Các lối giải thích Tình ca trong lịch sử. Sau những giới thiệu tổng quát về tác phẩm (tác giả, tên gọi, thời gian biên soạn,…), tu sĩ Nguyễn Long Quân, O.P. sẽ điểm qua hai kiểu giải thích chính yếu trong dòng lịch sử thần học: phúng dụ và văn tự. Mỗi kiểu giải thích cũng sẽ có những cách tiếp cận khác nhau tùy theo hướng nghiên cứu của mỗi tác giả.
2. Kinh Thánh đọc Tình ca
Qua bài viết Sách Tình ca trong toàn bộ Thánh Kinh, linh mục Gianni Barbiero, S.D.B. trình bày một phương pháp độc đáo để tìm hiểu Tình ca: tác giả Tình ca đã đọc Kinh Thánh như thế nào, và các sách ra đời sau đó đã hiểu nó ra sao. Tình ca được xếp trong khối các sách khôn ngoan của Cựu Ước. Vì thế trước tiên, ta nên đối chiếu tư tưởng của nó với các sách khác cùng loại, cách riêng là với các sách Châm ngôn, Giảng viên, Huấn ca, liên quan đến đề tài tình yêu. Kế đó, đối chiếu quan niệm của tác giả Tình ca về tình yêu nam nữ với những chương đầu của sách Sáng thế, cách riêng là so sánh tình yêu nam nữ trong ý định tạo thành của Thiên Chúa với tình trạng sau khi nguyên tổ phạm tội. Các ngôn sứ, đặc biệt là ông Hôsê, đã dùng kinh nghiệm hôn nhân của mình để nói đến tình yêu Thiên Chúa đối với Israel. Chiều hướng này được tiếp tục trong Tân Ước. Tuy rằng Tân Ước không hề trích dẫn Tình ca, nhưng đề tài về hôn nhân được thánh Phaolô và thánh Gioan sử dụng để nói đến giao ước giữa Đức Kitô với Hội thánh.
3. Tình ca trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo
Hồng y Gianfranco Ravasi, trong bài Kitô giáo tiên khởi với sách Tình ca, trình bày cách thức Hội thánh nguyên thủy đọc sách Tình ca, qua ba lãnh vực: a) Tân Ước; b) Phụng vụ (đặc biệt là nghi thức khai tâm và nghi thức cung hiến các trinh nữ; c) đặc biệt là tác phẩm các giáo phụ, trong đó nổi bật nhất là ông Origène (thế kỷ III). Tác giả đã rảo qua một vòng những bài giảng và chú giải của các giáo phụ thuộc nhiều giáo hội khác nhau bên Đông (Syria, Cappađoxia) và bên Tây; tại đây, nổi bật nhất là các thánh tiến sĩ Ambrôsiô, Hiêrônimô, và Grêgôriô Cả.
4. Thời Trung đại
Kể từ Origène, khuynh hướng phúng dụ chiếm ưu thế trong các bản chú giải Tình ca[3]. Điều đáng để ý là rất nhiều sách chú giải Tình ca ra đời trong khung cảnh các đan viện dòng Biển Đức và Xitô[4], và thường được áp dụng cho tương quan giữa Đức Kitô và Hội thánh, cũng như Đức Kitô với mỗi linh hồn. Một chiều hướng nữa là áp dụng cho Đức Mẹ Maria.
Một tác phẩm điển hình của thời này là Thánh Bênađô và các bài giảng về sách Tình Ca. Bộ sách này không phải là hợp tuyển ghi lại các bài giảng (86 bài) nhưng là một bộ “Tổng luận thần học thần bí”, được biên soạn trong vòng 18 năm (1135-1153) bao trùm các chủ đề thuộc thần học tín lý (mầu nhiệm Thiên Chúa, nhập thể, cứu chuộc), cũng như huyền bí (việc kết hiệp giữa Đức Kitô và linh hồn). Ảnh hưởng của thánh Bênađô rất lớn đối với thần học thần bí thuộc các thế hệ sau[5].
5. Thời Cận đại
Vào thời cận đại, do ảnh hưởng của phong trào nhân văn, người ta tìm về các bản gốc của Kinh Thánh bằng tiếng Híp-ri, thay vì chỉ dừng lại ở bản dịch Vulgata. Từ đó, người ta cũng đặt lại vấn đề ý nghĩa lịch sử và văn chương của tác phẩm. Trong số những học giả về phía Công giáo, ta có thể kể đến Luis de León ở Tây Ban Nha. Dù sao thì khuynh hướng cổ điển vẫn thắng thế.
Tác phẩm điển hình cho giai đoạn này là Cantico espiritual (Bài ca tâm linh) của thánh Gioan Thánh giá, gồm 40 bài ca với những chú giải, trình bày tiến trình của linh hồn trên con đường kết hiệp với Đức Kitô.
6. Khoa chú giải hiện đại
Từ thế kỷ XIX, lối giải thích phúng dụ bị chỉ trích, và người ta chủ trương phải quay về với nghĩa văn chương và lịch sử.
Trong bài “Tình ca: lối đọc biểu tượng”, cha Luca Mazzinghi cho thấy hai lối đọc văn chương và phúng dụ không trái nghịch nhau, dựa theo cách giải thích “biểu tượng” (symbole) của Paul Ricoeur. Tình ca biểu lộ tình yêu nam nữ, nhưng tác phẩm cũng muốn nhìn tình yêu trong khung cảnh thiên nhiên, trong kế hoạch của Tạo hóa. Tác phẩm tôn vinh vẻ đẹp của tình yêu nam nữ, của thân thể, của đất nước, và từ đó vươn đến tình yêu cao thượng của thuở ban đầu vào lúc tạo dựng: tình yêu bao hàm sự chia sẻ, trao đổi, tôn trọng giữa các nhân vị. Tình yêu cũng mở rộng đến siêu việt, bởi vì không bao giờ có thể chiếm hữu hoàn toàn người yêu. Tác giả cũng trưng dẫn những bài huấn giáo của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào năm 1984, giải thích Tình ca theo hướng này.
Lưu ý về việc dịch thuật
Allegory: Phúng dụ.
Drama: Bi kịch.
Metaphor: Ẩn dụ.
Parable: Dụ ngôn.
Parable: Dụ ngôn.
Symbol: Biểu tượng
[1] Xc. Jesús Luzzaraga, Cantar de los cantares. Sendas del amor, Ed. Verbo Divino, Estella 2006, tr. 45.
[2] Như vậy, chúng tôi không đề cập đến truyền thống Do-thái, trước và sau Công nguyên.
[3] Nên biết các giáo phụ thuộc hai thế kỷ đầu tiên trích dẫn Tình ca theo nghĩa văn chương. Lối giải thích phúng dụ bắt đầu với Hippolitô († 233).
[4] Cũng nên biết là tục truyền rằng khi thánh Tôma Aquinô hấp hối trên giường bệnh tại đan viện Xitô ở Fossanova, các đan sĩ còn yêu cầu ngài viết một cuốn chú giải cuốn Tình ca. Lưu truyền này do Gillaume de Tocco ghi lại, nhưng cha Bonino cho thấy rằng không có nền tảng. Tuy nhiên, trong các tác phẩm của mình, thánh Tôma đã trích dẫn Tình ca 312 lần, và hấu hết trong khung cảnh Giáo hội học, khi đề cập đến tương quan giữa Đức Kitô với Hội thánh. Xc. Serge Thomas Bonino, Saint Thomas d’Aquin, lecteur du Cantique des cantiques, Paris, Cerf, 2019.
[5] Trong phần dẫn nhập chú giải Tình ca, Jesus Luzzaraga (sách đã dẫn, trang 61) cho biết là bộ Patrologia Latina của Migne ghi nhận 34 quyển chú giải Tình ca từ thế kỷ IV đến thế kỷ XI (trong khi chỉ có 6 quyển chú giải thư Galat và 9 quyển chú giải thư Rôma); trong giai đoạn từ Bêđa († 735) cho đến Dionisius Certosinus († 1471) có đến 87 bộ chú giải.
Trung tâm Học vấn Đa Minh
NỘI DUNG
- Lời giới thiệu , 7
- Các lối giải thích Tình ca trong lịch sử_Gioan Nguyễn Long Quân, 13
- Sách Tình ca trong toàn bộ Thánh Kinh_Gianni Barbiero, 75
- Kitô giáo tiên khởi với sách Tình ca_Gianfranco Ravasi, 102
- Thánh Bênađô và các bài giảng về sách Tình ca_Bernardo Olivera, 134
- Những ca khúc tâm linh của thánh Gioan Thánh Giá_Cát Minh, 166
- Tình ca: Lối đọc biểu tượng_Luca Mazzinghi, 193
[1] Xc. Jesús Luzzaraga, Cantar de los cantares. Sendas del amor, Ed. Verbo Divino, Estella 2006, tr. 45.
[2] Như vậy, chúng tôi không đề cập đến truyền thống Do-thái, trước và sau Công nguyên.
[3] Nên biết các giáo phụ thuộc hai thế kỷ đầu tiên trích dẫn Tình ca theo nghĩa văn chương. Lối giải thích phúng dụ bắt đầu với Hippolitô († 233).
[4] Cũng nên biết là tục truyền rằng khi thánh Tôma Aquinô hấp hối trên giường bệnh tại đan viện Xitô ở Fossanova, các đan sĩ còn yêu cầu ngài viết một cuốn chú giải cuốn Tình ca. Lưu truyền này do Gillaume de Tocco ghi lại, nhưng cha Bonino cho thấy rằng không có nền tảng. Tuy nhiên, trong các tác phẩm của mình, thánh Tôma đã trích dẫn Tình ca 312 lần, và hấu hết trong khung cảnh Giáo hội học, khi đề cập đến tương quan giữa Đức Kitô với Hội thánh. Xc. Serge Thomas Bonino, Saint Thomas d’Aquin, lecteur du Cantique des cantiques, Paris, Cerf, 2019.
[5] Trong phần dẫn nhập chú giải Tình ca, Jesus Luzzaraga (sách đã dẫn, trang 61) cho biết là bộ Patrologia Latina của Migne ghi nhận 34 quyển chú giải Tình ca từ thế kỷ IV đến thế kỷ XI (trong khi chỉ có 6 quyển chú giải thư Galat và 9 quyển chú giải thư Rôma); trong giai đoạn từ Bêđa († 735) cho đến Dionisius Certosinus († 1471) có đến 87 bộ chú giải.