Thứ Năm, 6 tháng 1, 2022

TỪ MẦU NHIỆM “TỘI NGUYÊN TỔ” ĐẾN “MẦU NHIỆM NHẬP THỂ”

 Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 41-46.

_Anh Phương_


Từ MẦU NHIỆM ‘TỘI NGUYÊN TỔ” …

Cái tội nguyên tổ ấy, gọi là mầu nhiệm đã nhận chìm đôi vợ chồng đầu tiên Adam- Eva trong bến mê, và con cháu họ muôn đời phải lãnh lấy hậu quả đớn đau: lang thang miền này xứ nọ, trôi dạt trong những mảnh đời vốn muốn vươn lên cao hơn thân phận mình. Cái tội lỗi nguyên thủy truyền thống ấy vốn được hiểu về hai thực tại khác nhau, đôi khi sự lầm lẫn giữa chúng gây thành vấn đề:

- Tội nguyên thuỷ: tội của những con người đầu tiên tự do và ý thức, xâm phạm đến lệnh truyền của Thiên Chúa: “Các ngươi không được ăn”. Từ giây phút vấp phạm đó, hàng chuỗi những tội lỗi “đen” khai mở ra muôn hướng, muôn thời cái tội Adam “truyền kỳ” .

- Thân phận “tội lỗi” của tất cả sinh linh chào đời trong tiếng khóc oe oe. Nó chẳng khác một thân phận bị nhận chìm trong vũng lầy của dục vọng, đam mê và muôn thứ cám dỗ khác. Tội mang trong thân phận cũng là tội do hành vi gây nên. Thân phận tập thể, chứ nào chỉ là cá nhân. “Thân phận của ta khi ra đời tự nó không cho phép chúng ta có tình nghĩa với Thiên Chúa và tham dự vào sự sống của Người (Pierre Grelot).

Tội nguyên thủy và thân phận tội lỗi là 2 mặt của một đồng tiền xấp- ngửa, đã xấp thì chẳng ngửa và ngược lại. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là một, duy nhất một. Trong một chiếc đồng hồ, vốn gồm nhiểu bánh xe răng cưa lớn nhỏ, kích thước khác nhau, nhưng hài hòa và làm cho chiếc đồng hồ vận hành tốt, chúng ta không thể tách rời một bánh xe răng cưa để cố tìm hiểu xem đó là gì và có giá trị ra sao. Cũng thế, thật là một sai lầm khi tách tín điều “Tội nguyên tổ” khỏi tổng hợp mạc khải vế Chúa Ba Ngôi, về sáng tạo, về cứu độ và về tất cả các điều liên quan. Hơn thế nữa, phóng đại tội nguyên tổ như một tội” tầy trời”, “khủng khiếp”, to “đùng” như một ngọn núi cao sừng sững che khuất mặt trời đức tin đang dần ló rạng lại là một thái cực cần tránh xa. Đến như sách Tân ước cũng còn không dành cho được một cái tên. Đúng là như chuyện “cỏn con” thôi. Những luận điệu như thể: “nếu không có tội nguyên tổ thì Chúa “còn lâu” mới nhập thể”, hoặc “tội nguyên tổ là nguyên nhân cho Chúa vào đời”… xem ra không còn đất cắm dùi. Hơn thế nữa, phải nhìn nhận rằng câu chuyện sa ngã nguyên thủy xem ra đã được dàn dựng, sân khấu hóa “quá mức”, mang nặng những yếu tố dân gian. Những biểu cảm mang tính tượng trưng như vườn địa đàng, cặp vợ chồng trẻ, con rắn, cây biết lành dữ, trái cấm, sự trần truồng…đã góp mặt từ hàng nghìn nghìn năm trước không biết từ đời nào!? Xem ra chúng ta mặc sức tưởng tượng về một cuộc sống trong khu những người khỏa thân, không trang phục theo tự nhiên chủ nghĩa. Vẻ tươi thắm của khu vườn, vẻ tự nhiên lồ lộ của những con người đi đi lại lại.. tự do…phóng khoáng đẩy những tưởng tượng lên cao độ về một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, tràn đầy ân sủng… Tuy nhiên, vị Thiên Chúa đang thân thiện ngày nào trở thành một vị Thiên Chúa quá ư độc tài, trừng phạt không nương tay đôi vợ chồng nguyên thủy, và cũng chẳng bao dung cho nhân loại vốn chẳng mảy may dính dáng vào chuyện phạm tội đó. Có bất công không nhỉ?! Có ấu trĩ quá không khi “bắt” Thiên Chúa phải ra tay hành động như thế sau nguyên tội? Tội nghiệp vị Thiên Chúa trong câu chuyện sa ngã bị trở thành cớ vấp phạm cho giới khoa học vốn không còn muốn nghe về những trừng phạt do tội như thế, hoặc dễ bị giới vô thần nhún vai, chỉ trích.

Thật vậy, Nhân bản chủ nghĩa, Mác Xít hiện sinh vô thần, hoặc phân tâm học dồn đẩy chúng ta đến chân tường phải xem xét lại việc giải thích về tội nguyên tổ.

Giới khoa học đã từng xác định tuổi cho trái đất, cho mặt trăng, cho đời sống con người. Thuyết tiến hóa đã từng đẩy con người, trải qua giai đoạn thú tính, vượt qua con người thô sơ, thành toàn với những con người thông minh và tự do, nhưng không kém phần ma mãnh, thủ đoạn. Thời nào mà lại là thời rắn không bò sát, hoa hồng không có gai, đất đai không sinh gai góc và con người nguyên thủy đùa chơi, múa nhảy trần truồng giữa bầy sư tử đang ung dung gặm cỏ nhỉ?! Mơ cũng chẳng thấy.

Không! Nhân loại không ra đời trong vườn địa đàng. Cái thiên đàng hạnh phúc và tình nghĩa với Thiên Chúa, được sách Khởi nguyên chương 3 diễn tả chỉ là một mô hình của chương trình tạo dựng mà thôi. Một mô hình vốn chưa qua, nhưng sẽ tới. Nó không ở đàng sau ta, nhưng nó ở phía trước ta. Có thể nói đó là kế hoạch của Thiên Chúa cho thời gian lúc mãn kỳ. Mô hình đó được đặt ở đầu sách Kinh thánh, bởi vì: luôn luôn con người khởi sự bằng thiết lập mô hình, một mô hình như định chuẩn cho tất cả. Dường như để có thể thực hiện một định chuẩn như thế, nhân loại không thể khởi đầu bằng những con người chỉ là một “phác thảo”, đầy rẫy những khiếm khuyết, bất toàn. Con người đó được Thiên Chúa âu yếm, nâng niu và cải thiện dần theo những định luật phát triển chậm chạp. Đã đành “Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp”, và kể cả cái con người ban đầu đó vẫn là “được làm từ bụi đất”. Nguồn cội là bụi đất, rồi sẽ trở về đất bụi mà thôi. Hơn thế nữa, liệu chỉ có một cặp vợ chồng nguyên thuỷ mà thôi hoặc có nhiều cặp vợ chồng do từ một nguồn gốc vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Hẳn là đến “tận thế” cũng chưa có câu trả lời thỏa đáng?! Về điểm này, đức tin chẳng muốn cạnh tranh với khoa học chút nào, vì rằng xác tín Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta mới là Đấng thống nhất loài người, mới là nguồn cội của mọi loài, chứ không phải là cặp vợ chồng Ađam - Eva.

Cần lưu ý rằng tên Ađam không phải là tên riêng. Không bao giờ có một nhân vật nào trong Kinh thánh được gọi là Ađam. Trong ngôn ngữ Do thái, từ Ađam là một danh từ chung, có nghĩa là con người. Từ này được sử dụng 539 lần trong bộ Kinh thánh với nghĩa chung là “con người”, hoặc nói chính xác hơn là “có tính chất đất”, bởi vì người do đất mà ra. Nhưng sau đó, người Hy Lạp , rồi người La tinh đã xem từ đó là một tên riêng. Các giáo phụ Hy lạp và La tinh cũng sai lầm như thế khi cho rằng từ Ađam là một danh từ riêng. Vả lại, Đức Giêsu không bao giờ nói đến Adam cũng như tội Adam.

Vậy, người đàn ông và người đàn bà là những danh từ chung, để chỉ một vật thể sống, đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là cao thượng nhất, được kêu gọi vào đời sống Thiên Chúa. Họ vui hưởng mối tình thân thiết với Thiên Chúa tại vườn Eden. Đó là tình trạng công chính và thánh thiện và con người đó được “tiền định” có đời sống Thiên Chúa ngay tại nguồn gốc của chủng loại mình.

…đến MẦU NHIỆM NHẬP THỂ .

Trong lịch sử, thật là một đáng tiếc khi với một logic “chuẩn”, một giáo lý “bình dân học vụ” đã biến Đức Kitô và cuộc nhập thể của Người thành “mặt trái” của tội nguyên tổ, nghĩa là Đức Giêsu làm người, sống giữa trần gian, chia sẻ thân phận con người là có nguyên do là “tội nguyên tổ”. Cái tội truyền kỳ đó giải trình công trình cứu độ như “chuộc lại” những gì đã đánh mất. Sao chúng ta lại không có quyền giả định rằng dù không có tội nguyên tổ đi nữa, thì Thiên Chúa vẫn cứ nhập thể làm người nhỉ?! Được lắm chứ, vì Thiên Chúa là Tình yêu, Tình chia sẻ, cảm thông. Xem ra “đóng khung” Thiên chúa trong bất cứ một “khung hình” nào dễ có nguy cơ làm Người “bị biến dạng”. Hơn thế nữa, xem ra bi kịch của Tổ Tiên chúng ta đã ép buộc Thiên Chúa thay đổi kế hoạch của Người.

Ai trong chúng ta cũng biết Thiên Chúa tạo dựng thế giới như chiếc nôi tinh tuyền và con người được tạo dựng để chia sẻ sự sống Thiên Chúa. Satan quỷ quyệt đã chơi trò “bí hiểm” làm con người sa ngã như thể cướp đoạt công trình sáng tạo nguyên thủy khỏi tay Thiên Chúa. Trong tình thế đó, Thiên Chúa “đành” phải sai phái con của Người đến để hồi phục, để giật lại từ tay Satan thành quả của mình. Đức Giêsu đến, sống, chết để đền tội nhân loại. Như thế, cứu độ chẳng qua chỉ là việc đền bồi và giải thoát khỏi địa ngục tội lỗi và Thiên Chúa xem ra “ác độc” khi đòi nợ máu Người con thân yêu của mình, Đức Giêsu Ki-tô. Lúc ấy, có thể nói, Đức Giêsu chỉ còn là “Chúa chúng ta”, chỉ riêng cho con Người. Người không còn là “Chúa tể vũ trụ” mà chỉ là Đấng cứu độ. Tuy vẫn biết lời Thánh Phao-lô nói về “mọi tạo vật đang rên xiết, kêu la chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc”. Thực ra, tất cả kế hoạch của Thiên Chúa đã được chuẩn bị sẵn, phong phú và viên mãn, ngay trước khi con người đầu tiên phạm tội: Con Thiên Chúa xuống thế làm người để thần linh hóa mọi tạo vật. Đức Giêsu nối kết, thu hồi mọi tạo vật dưới chân Người, điểm hội tụ và đỉnh cao muôn loài. Người vốn là Thiên Chúa “của muôn trùng cao cả, của trăm triệu thiên hà, của ngàn muôn thế hệ”. Người là “bến đậu của con tàu lịch sử nhân loại”. Người là “Thiên chúa của con hôm nay và mãi mãi” (Teillard de Chardin)

Rảo qua từ đầu đến cuối Kinh thánh, chúng ta chỉ thấy một vị Thiên Chúa yêu thương con người, trước khi họ có bất cứ một công đức nào, và nhất là Kinh thánh không nói đến một tội “kế thừa” nào, như là tội nguyên tổ nhân loại phải gánh lấy từ thế hệ này sang thế hệ khác. “

Như vậy Kinh thánh không bao giờ nói tới tội của trẻ em, mà chỉ nói tới tội của những ai đã trưởng thành, có trách nhiệm về cuộc đời mình. “Hết thẩy đều đã phạm tội, và khuyết hẳn vinh quang Thiên Chúa, nhưng nay thì được giải án tuyên công một cách nhưng không, bởi ơn Người (Rm 3,23). Sự chết đã lan qua hết mọi người, vì mọi người đều đã phạm tội (Rm 5,12). Động từ “Amortaso” được thánh Phaolô sử dụng trong bản Hy lạp nguyên thuỷ luôn luôn bao hàm một ý nghĩa động, tức là những tội cá biệt, do những con người ý thức và tự do hành động: “Mỗi người là Ađam cho chính mình”. Như thế, tội nguyên thủy, căn bản đó là thâu tóm mọi tội ác nhân loại. Đó có lẽ còn hơn là “tội đầu tiên”, là nguyên nhân cho mọi tội. Con người với hàng đống tội chồng chất cao ngất trời với mọi dạng thức, kiểu mẫu thiên hình vạn trạng. Đã có lần André Maurois từng thốt lên: Nhân loại là thế đó! Chính trong trạng huống nhân loại đầy bi kịch đó mà thánh Phao-lô giới thiệu Đức Giêsu: “như trong Ađam, mọi người đều phải chết, thì trong Đức Kitô mọi người cũng sẽ được tái sinh” (I Cor 15,21)

Nhưng những từ ngữ “do bởi một người” của thánh Phaolô đã làm cho nhiều người hiểu người đó là “Ađam” và Adam là một tên riêng, như một nhân vật đặc biệt thuộc phái nam. Tuy nhiên, cũng có những đoạn Kinh thánh khác không cho phép chúng ta đi theo lối mòn đó. “Tội khởi từ người đàn bà ấy, vì nó, chúng ta hết thảy đều phải chết” (Hc 25,24). Còn cái chết có nhập vào trần gian, ấy là do quỷ đố kỵ (Kh 2,24). Thật ra trong các thơ của mình, thánh Phaolô muốn bàn tới ơn cứu độ, chớ không bàn tới tội. Ngài không hướng nhìn về một Ađam tiên khởi mà về vị “Ađam đích thực” và con người đích thực, mô hình đầu tiên của tất cả mọi người: Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Hơn nữa, tưởng cũng nên biết thánh Phaolô viết cho những độc giả chỉ biết đến sách Khởi Nguyên qua những bản dịch vốn chứa đựng điều sai lệch là coi từ Ađam là một tên gọi riêng. Ngay cả đến chính thánh Phaolô cũng chỉ biết đến sách Khởi nguyên như thế. Do đó, lý luận của Ngài như sau: các bạn nghĩ rằng chỉ vì một người Ađam mà tội đã xâm nhập vào thế gian. Vậy này đây, tôi nói cho các bạn biết, riêng chỉ một người: (Ep 2, 13) Đức Giêsu mà sự sống và sự thánh thiện đã tràn ngập nhân loại. Đức Kitô là vị Ađam đích thực. Người là Đấng đang quy tụ loài người trong một mối đồng nhất cụ thể và nguyên thuỷ. Thân phận, ơn gọi và vận mệnh con người (Ga2, 52; Ep 1,10; Col 1,15 tt) là một mối đồng nhất trên cơ sở Đức Giêsu đã mang lấy xác thể và huyết nhục chúng ta “thưở xa xưa - ban đầu lưu luyến ấy” (Người là Trưởng Tử giữa mọi thọ sinh) và mới mẻ (Người là Trưởng Tử giữa những kẻ chết”). Thống nhất mọi thân phận, mọi ơn gọi và mọi vận mệnh đã làm cho Người trở thành vị thủ lãnh nhân loại. Đức Giêsu, Chúa chúng ta là mô hình đầu tiên của nhân loại được Thiên Chúa sáng tạo. Trong Người, Thiên Chúa đã quy tụ tất cả mọi người thành một con người mới duy nhất. Nhờ Người, việc không thể đã trở thành hiện thực. Mầu nhiệm Nhập thể chính là: “nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5,15) .