Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 68-75.
_Thomas Aq. Hoàng Anh_
Trong “vở kịch” giáng sinh, chúng ta thấy có ba nhân vật cùng xuất hiện một lúc. Cùng nhau vượt qua sự khước từ, cùng nhau vượt qua giá rét, cùng nhau vượt qua sự truy nã, cùng nhau trên hành trình đất khách quê người… tất cả như cố gắng hoàn tất sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao phó cho mình. Chắc hẳn rằng ai cũng có thể kể tên ba nhân vật đó: Hài Nhi Giê-su nhân vật trung tâm, Mẹ Ma-ri-a và Thánh Giu-se. Hai trong ba nhân vật Hài Nhi Giê-su và mẹ Ma-ri-a chúng ta đã quá quen thuộc, còn lại một người đóng vai trò thầm lặng bên cạnh hai nhân vật kia người ta ít để ý tới và dường như bị lãng quên. Tuy nhiên nhân vật đó cũng chiếm một vị trí khá quan trọng trong biến cố giáng sinh.
Bỏ qua nhân vật chính, đi vào tìm hiểu nhân vật phụ, để chúng ta thấy rõ vai trò và nhiệm vụ của thánh Giu-se, một con người thầm lặng và ít ai để ý tới, chính là mục tiêu của bài viết này. Quả thật, Thánh Kinh Tân Ước không ghi lại được một lời nào của Thánh Giuse. Ngài là một con người kín đáo, thầm lặng, khiêm nhu và cẩn mật. Là người đồng thời với Đức Maria, thánh nhân đã cùng xuất hiện với người nơi trang đầu của “Mầu nhiệm từ muôn thuở ẩn dấu nơi Thiên Chúa và nay được tỏ hiện” (x. Mt 1, 16.18; Rm 1,19). Có phi lý chăng khi giáng sinh mà không viết về Hài Nhi Giêsu mà lại đi viết về một nhân vật mà cách nào đó chúng ta vẫn cho là “vai phụ” trong vở diễn đêm giáng sinh. Với bài viết này, người viết cố gắng triển khai đôi nét về nhân vật mà chúng ta không thấy nói gì ở trong các Tin Mừng, tuy xuất hiện ngay từ đầu các Tin Mừng liên quan tới biến cố Con Thiên Chúa nhập thế và tìm hiểu vai trò của Thánh Giuse trong công trình cứu độ của Thiên Chúa với bối cảnh Ngôi Hai giáng thế làm người.
1. Thánh Giuse trước khi được truyền tin
Quả thật là khó khi nói về gốc gác của Thánh Giuse, bởi vì Tin Mừng rất ít nói về Ngài. Tuy nhiên dựa vào bản gia phả trong Tin Mừng Mát-thêu chúng ta biết rằng Thánh Giuse là người thuộc dòng dõi tổ phụ Áp-ra-ham, chi tộc vua Đa-vít (x. Mt 1, 117). Theo Mát-thêu thì ông Giu-se là con ông Gia-cóp, nhưng theo một bản văn khác cụ thể là Tin mừng Lu-ca chương 3 câu 23 thì ông Giu-se lại là con ông Ê-li. Tuy nhiên để lý giải sự khác biệt này, hợp lý nhất là nghĩ tới luật thế huynh của người Do Thái (x. Đnl 25, 5-6): hai ông Gia-cóp và Ê-li đều là cha của thánh Giu-se, nhưng một người là cha ruột, còn người kia là cha theo luật thế huynh.
Theo truyền thống, người ta vẫn nói rằng, Thánh Giu-se sinh tại Na-da-rét, một thôn nhỏ bé và nghèo thuộc nước Do-thái. Thánh Giuse thuộc dòng tộc Đa-vít, nhưng vì gia cảnh sau bao nhiêu đời, bao nhiêu thế hệ lâm cảnh sa sút, nên thánh Giu-se phải sống cuộc đời khó khăn, nghèo nàn với nghề thợ mộc để kiếm sống, nuôi gia đình. Thánh Giu-se là một người lao động chân chính. Cuộc đời của Ngài là một chuỗi những thử thách triền miên. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã chọn Ngài làm bạn Đức Trinh Nữ Ma-ri-a và là cha của Chúa Giê-su Cứu Thế.
Những chặng đường đời của thánh Giu-se cũng được thấy rõ: thánh nhân là con người của niềm tin và phó thác, một người được chia sẻ để hiểu biết Mầu Nhiệm của Thiên Chúa. Thánh nhân là con người thinh lặng và phục vụ. Nhưng được Thiên Chúa chọn làm bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ. Người cũng được trao phó việc chăm sóc con Thiên Chúa, như một người cha.
Thánh nhân sống bao lâu, chúng ta không rõ mấy. Lần cuối cùng chúng ta thấy người xuất hiện tại Giê-ru-sa-lem là khi trẻ Giêsu lên 12 tuổi.
2. Thánh Giuse với kế hoạch của Thiên Chúa
Hai nhân vật chính đã có, tuy nhiên vẫn cần 1 nhân vật cần thiết cho vở diễn. Bất ngờ nằm ngoài dự đoán của nhiều người, Thiên Chúa đã tuyển chọn Giu-se để đảm trách những công việc quan trọng trong Mầu nhiệm Nhập Thế của Con Thiên Chúa. Khi nhận vai, mặc dù không nói một lời nào, mà chỉ đơn giản là người nhận lãnh nhiệm vụ và thi hành nhiệm vụ, nhưng Giu-se đã làm những công việc đó với tinh thần trách nhiệm cao và với hết khả năng Thiên Chúa ban cho mình. Quả thật, Thiên Chúa là một đạo diễn khôn khéo và tài tình, khi Ngài chọn và sắp xếp vai diễn. Từ một con người bình thường, không có gì ngoài tờ hôn thú với thiếu nữ Ma-ri-a, nhưng người đàn ông này đã làm người ta phải thán phục, vì sự hy sinh tận tụy trong việc phục vụ Đức Ma-ri-a và Hài Nhi Giê-su trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Trong biến cố truyền tin cho ông Giu-se, chúng ta thấy rằng Giu-se là một người công chính vì không muốn tố giác bà Ma-ri-a, nên đã định tâm bỏ bà một cách kín đáo. Theo luật lệ của người Do-thái ngày trước, người phụ nữ chưa có chồng mà có thai sẽ bị trả về nhà bố mẹ và bị ném đá. Bởi không biết ý định của Thiên Chúa đối với mình là gì, nên Giuse đã không dám đi bước trước, chỉ đến khi thiên sứ của Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “này ông Giu-se, con cháu vua Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 20-22). Kế hoạch Thiên Chúa muốn Giu-se đảm nhận đó là vai trò làm cha của Hài Nhi, ông sẽ khai sinh cho con trẻ vào dòng họ Đa-vít và đặt tên cho con trẻ nữa. Khi đã biết và hiểu được thánh ý của Thiên Chúa với mình, thánh Giu-se đã không ngần ngại và nhận ngay nhiệm vụ đó.
Thế đấy, Giu-se vâng phục thánh ý Chúa một cách chóng vánh, quyết liệt và dứt khoát đến độ vô lý, ông chỉ cần một dấu hiệu cỏn con là đọc được thánh ý Chúa và thực thi ngay lập tức “Ông đã đón vợ về nhà” (Mt 1,24). Đó là lý do mà ông được gọi là ‘người công chính’. ‘Người công chính’ Giu-se suốt đời là một người luôn thức tỉnh trước thánh ý Chúa, thức tỉnh ngay cả trong giấc ngủ. Bằng chứng là mỗi lần Chúa tỏ ý là mỗi lần ông nằm mộng. Ngoài lần nằm mộng ở Na-da-rét thì ít nhất còn ba lần khác:
Ở Bê-lem: sứ thần đến với ông Giu-se báo mộng rằng: hãy chỗi dậy, đem Hài Nhi trốn sang Ai-cập (x. Mt 2,3).
Ở Ai-cập: sứ thần hiện ra báo mộng cho ông Giuse ở bên Ai-cập rằng: hãy chỗi dậy, đem Hài Nhi về Ít-ra-en (x. Mt 2,19).
Ở Giu-đê: khi biết Ác-khê-lao thay Hê-rô-đê thì ông sợ, thế là theo như lời Thiên Chúa báo mộng ông lánh sang vùng Ga-li-lê (x. Mt 2, 19-23).
Sở dĩ Giu-se xác tín rằng các giấc mộng của mình đúng là thánh ý Chúa, ấy là vì cứ mỗi lần nằm mộng là mỗi lần ông phải quyết định ngược lại với mọi toan tính của mình. Khi ông dự định âm thầm rời bỏ Ma-ri-a thì Thiên Chúa bảo ông ở lại với hôn thê của mình. Chúng ta thấy rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Giu-se cũng đón nhận và thi hành ý muốn của Thiên Chúa một cách mau mắn. Điều này được thể hiện trong những công việc liên quan đến mẹ Ma-ri-a và Chúa Giê-su.
3. Thực thi kế hoạch của Thiên Chúa trong tinh thần phó thác
Sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần, Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”…Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như lời sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà (Mt 1,20-21.24).
Thánh ý của Thiên Chúa, được sứ thần truyền đạt đến cho thánh Giu-se, vừa xóa tan mọi nghi ngờ đang dằn vặt, khi vị hôn thê mà ngài biết là rất tinh tuyền trong trắng của ngài bỗng dưng mang thai, lại vừa mặc khải cho ngài về lai lịch và sứ mạng của thai nhi đang được cưu mang: đó là Đấng Thánh vì được thụ thai do quyền năng của Thiên Chúa; đó cũng là Đấng sẽ giải phóng dân tộc của ngài khỏi ách đô hộ của ngoại bang, có lẽ thánh Giu-se đã hiểu sứ điệp của thiên thần như vậy, vì theo não trạng của mọi người dân Do-thái thời bấy giờ, thì chính vì phản nghịch với Thiên Chúa nghĩa là phạm tội mà họ phải mất nước, phải sống dưới sự thống trị của kẻ xâm lược. Nhưng điều đáng lưu ý là thái độ vâng phục của thánh Giu-se: một khi đã hiểu được đâu là thánh ý của Thiên Chúa, ngài đã mau mắn thi hành, không do dự tính toán, chỉ biết khiêm nhường tin tưởng và phó thác.
Ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê, lên thành Bê-lem, miền Giu-đê, là thành của vua Đa-vít… khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trọ (x. Lc 2, 4-7).
Theo lệnh khai lại nhân khẩu của vua Hê-rô-đê, những người ở quê quan ở xa đều vội vã thu xếp, Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se lo lắng bồi hồi. Bởi theo lệnh này, ông bà phải trở về Bê-lem là quê quán, vì ông bà thuộc hoàng tộc Đa-vít. Từ Na-da-rét đến Bê-lem phải mất 4-5 ngày đường, mà Ma-ri-a lại sắp đến ngày sinh. Biết làm sao bây giờ? Lệnh vua đã ra phải thi hành, và ông bà chuẩn bị lên đường… Thực là một cuộc hành trình hiểm trở. Trên quãng đường dài, ngày nắng như thiêu, đêm lạnh như cắt. Qua mấy ngày ông bà mới tới thành Bê-lem và thành thánh Giê-ru-sa-lem thấp thoáng ở xa. Thánh Giu-se và Ma-ri-a vui sướng quên cả mệt nhọc, vì tưởng Con Thiên Chúa sẽ sinh nơi cung điện nguy nga… Nhưng không ngờ thực tế lại khác hẳn, những nỗi bất hạnh đang chờ đón họ. Vì nghèo, nên tất cả các quán trọ đều từ chối thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a.
Lặng lẽ âm thầm và tủi nhục vì đã không giúp gì được cho vợ mình trong lúc khó khăn, nhưng cuối cùng bằng sự nhiệt tình và tháo vát, thánh Giu-se đã tìm ra được một nơi có thể gọi là lý tưởng khi không có lựa chọn nào khác (hang bò lừa), để cho Đức Ma-ri-a thực hiện cuộc sinh nở. Tuy ý thức tình cảnh nghèo khó của gia đình mình, nhưng chắc chắn thánh Giu-se khó mà hiểu được tại sao Đấng Cứu Thế do vợ mình cưu mang lại có thể sinh ra trong cảnh cơ cùng như thế. Khi chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su rét run nằm trong máng cỏ, nơi chuồng súc vật hôi hám, làm sao tâm hồn của người cha Giu-se, dầu chỉ là cha nuôi, lại không thổn thức đớn đau? Hơn thế nữa, ngài còn bị thử thách trong niềm tin về thân thế và sứ mạng của Hài Nhi. Nhưng có lẽ cũng như Đức Ma-ri-a, thánh Giu-se đã ghi lại mọi điều xảy ra và suy niệm trong lòng.
Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi!” Ông Giu-se chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập (Mt 2, 13-14).
Sự thử thách về lòng tin mà Chúa gửi đến cho Giu-se trong biến cố Giáng sinh có lẽ chưa thấm vào đâu so với việc phải chạy trốn cuộc lùng bắt của vua Hê-rô-đê: có thật Hài Nhi Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế không? Vậy cớ sao Người phải chạy trốn trước một thế lực phàm trần như một kẻ phản nghịch bị chính quyền truy nã? Chắc chắn câu hỏi đó nhiều lần hiện lên trong đầu óc của Giu-se dầu ngài có cố xua đuổi nó. Nhưng, sống bên cạnh người vợ thánh thiện, gương mẫu của lòng tin và sự vâng phục, Giu-se vẫn một mực tin vào Lời Chúa và nhanh chóng thi hành lời mộng báo của sứ thần.
Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi”. Ông liền chỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en (Mt 2, 19-21).
Sau những ngày đầu khó khăn ở Ai-cập, giờ đây Giu-se hẳn đã sắp xếp ổn định cuộc sống gia đình. Thế nhưng, một lần nữa, Chúa lại bảo ông phải bỏ tất cả mà ra đi. Ông nghĩ gì khi nhìn lại cơ ngơi mà ông đã xây dựng từ hai bàn tay trắng? Ông nghĩ gì khi nhìn về cái quê hương đã muốn giết hại con mình? Nhưng Giu-se vẫn là Giu-se luôn vâng lời và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Như một khí cụ ngoan ngoãn trong tay người sử dụng, thánh Giu-se đã được Thiên Chúa chọn làm người bảo trợ Đấng Thiên Sai, và Ngài đã cùng bạn mình là Đức Ma-ri-a, thực hiện mọi quyết định của Thiên Chúa, dầu có phải trải qua biết bao thử thách gian nan, cả về vật chất lẫn tinh thần.
4. Cùng hiện diện nơi trung tâm Mầu Nhiệm Đức Ki-tô
Cùng với Đức Ma-ri-a, ngay từ buổi đầu, Thánh Giu-se đã có mặt nơi trung tâm Mầu Nhiệm Đức Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể. Thánh Giu-se đã chủ động đưa Đức Ma-ri-a đi Bê-lem và đã chứng kiến tận mặt việc Con Thiên Chúa sinh làm người. Ông đã tiếp đón nhóm mục đồng đến thờ lạy Hài Nhi nơi hang đá, đã cắt bì và đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su, tên mà thiên thần đã dạy ông trước khi rước Đức Ma-ri-a về nhà mình (x. Mt 1, 25). Thánh Giu-se cũng đã gặp các nhà đạo sĩ từ Phương Đông đến bái yết Chúa Hài Nhi và sau khi các đạo sĩ ra về, đã đưa Hài Nhi và mẹ Ngài sang Ai-cập theo lời Thiên Thần dạy (x. Mt 2,14) cho đến khi được lệnh đưa các Ngài trở về và cư ngụ tại Na-da-rét, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm (x. Mt 2,23).
Hiện diện trong những biến cố lớn của cuộc đời Chúa Giê-su, thánh Giu-se còn thường xuyên có mặt bên cạnh Ngài, cùng vui với Đức Mẹ, trong những ngày tháng âm thầm sống bên Ai-cập, cũng như sau khi trở về cư ngụ tại Na-da-rét. Thật khó mà nói hết những gì mà thánh Giu-se đã thực hiện cho Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a trong biến cố Giáng sinh. Cùng với Đức Mẹ, thánh Giu-se hiện diện thường xuyên trong mầu nhiệm nhập thế của Chúa Giê-su: ngó nhìn, lắng nghe, chiêm ngắm…
Sự hiện diện của Giu-se là một sự hiện diện của phục vụ trong sự tín thác. Thánh Giu-se đã vâng nghe tiếng Chúa gọi. Ngài không hề vận động, không hề muốn, không hề nghĩ tới sẽ được Chúa chọn làm cha nuôi Chúa Cứu Thế. Ngài rất khiêm nhường. Trong tinh thần khiêm tốn, ngài đã tỉnh thức lắng nghe ý Chúa. Sự tỉnh thức của Ngài dẫn tới sự mau lẹ thực thi ý Chúa. Dù ý Chúa là những bất ngờ xem ra chẳng vinh quang chút nào. Bất ngờ phải đi Bê-lem để chứng kiến cảnh Con Thiên Chúa giáng sinh nghèo khó trong hang bò lừa. Bất ngờ phải đưa mẹ con trốn sang Ai-cập là một nước của dân ngoại. Bất ngờ trở về Na-da-rét sống lao động giữa đám dân nghèo.
Tạm kết
Hầu hết, chúng ta thấy trong các bộ phim, đa số các nhân vật chính thường được tôn vinh nếu như họ hoàn thành tốt vai diễn của mình. Đối với vở diễn trong đêm giáng sinh này cũng vậy, nhân vật chính của mầu nhiệm cứu độ đã để lại tiếng vang cho toàn thể vũ trụ. Tuy nhiên bên cạnh đó, những vai diễn mà chúng ta cho là vai phụ cũng để lại những ấn tượng không kém, mặc dù vị trí còn kém xa so với nhân vật chính. Dù thế nào đi nữa nhân vật phụ Giu-se ở đây cũng đã hoàn thành vai diễn một cách xuất sắc.
Sự phù hoa trong đêm giáng sinh mà chúng ta tưởng niệm ngày hôm nay cách nào đó như tô điểm cho đêm giáng sinh năm xưa, mà ở đó những nhân vật dường như chỉ âm thầm và lặng lẽ. Qua biến cố giáng sinh chúng ta học được nơi những nhân vật đó rất nhiều điều, đặc biệt là với thánh Giu-se chúng ta đã học được nơi người sự lặng lẽ, sự khôn ngoan và sự phó thác tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Hy vọng rằng giữa cuộc sống đầy tiếng động, đầy sự ồn ào ngày hôm nay, chúng ta hãy biết lắng nghe và hiểu được thánh ý của Thiên Chúa nơi cuộc đời của chúng ta. Chắc hẳn rằng Thiên Chúa sẽ có kế hoạch riêng cho mỗi chúng ta, vì vậy chúng ta hãy cố gắng hết sức mình để thi hành ý định của Thiên Chúa. Có như thế, chúng ta mới trở thành những dụng cụ hữu ích trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.