Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

NẺO ĐƯỜNG VỀ CHÂN LÝ

Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 57-67.

_Paul Martin K. Nam_

Chân lý luôn tồn tại cùng với thời gian. Trong quá trình phát triển, con người đã biết tới chân lý qua việc tìm hiểu các biến cố hay hiện tượng diễn ra trong tự nhiên. Tự trong thâm sâu con người luôn có nhu cầu hướng về một Chân Lý Tuyệt Đối, nhưng để có thể tìm gặp được Chân Lý Tuyệt Đối này thì con người lại không có khả năng, phải chờ cho tới khi có một biến cố xảy ra cách đây hơn 2000 năm, biến cố Con Thiên Chúa nhập thể làm người.

Ngôi Lời hằng hữu đã mặc lấy xác phàm làm người nhằm mở ra một con đường mới, hầu làm cho con người có khả năng nhận biết được Chân Lý Tuyệt Đối chính là Thiên Chúa. Mặc khải này được gắn kết trong câu chuyện Ba Vua (hay có tên gọi khác là ba nhà đạo sĩ hoặc ba nhà chiêm tinh), đại diện cho tất cả loài người, đến triều bái Hài Nhi Giêsu mà sách Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại, đã cho chúng ta nhận thức được về hành trình tìm kiếm Chân Lý Tuyệt Đối. Trong cuộc hành trình này, các vị khách lạ phương xa đã khơi đi từ một dấu chỉ : Ngôi Sao Lạ. 


1. Ngôi Sao Lạ: Dấu chỉ cho ánh sáng Chân Lý[1]

Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, các nhà đạo sĩ đã thấy và đi theo ánh sao, mang theo những món quà cho vị vua họ mong đợi. Sau một cuộc hành trình gần 1200 dặm, có lẽ là từ xứ Ba Tư tức Iran hiện nay, họ đã tìm thấy vị vua họ kiếm tìm không phải trong một hang đá máng cỏ nhưng là trong một căn nhà khi Chúa Giêsu bấy giờ đã được khoảng hơn 1 tuổi rồi. Đó là lý do tại sao vua Hêrôđê đã sai quân lính tàn sát các hài nhi trong vùng Bêlem từ hai tuổi trở xuống sau khi ông biết là ba nhà đạo sĩ sau khi kính bái Chúa Giêsu đã trở về quê hương của họ thay vì về báo cáo lại cho ông biết (Mt 2,16).

Cũng cần nhắc lại ở đây rằng lịch Công Nguyên hay còn gọi là Tây lịch chúng ta đang sử dụng thật ra có sai sót. Một tu sĩ Công Giáo có tên là Dionysus Exiguus vào thế kỷ thứ 6 đã làm lại hệ thống lịch thay thế cho lịch La Mã bằng cách lấy sự kiện Chúa Giêsu sinh ra làm mốc điểm. Vì thế năm Chúa Giêsu sinh ra gọi là năm thứ 1 AD (Anno Domini tiếng Latinh có nghĩa là Năm của Chúa) còn thời gian trước đó gọi là BC (Before Christ có nghĩa là Trước Chúa Kitô). Ngày nay người ta còn gọi hệ thống lịch của Dionysus là lịch Công Nguyên hay Tây lịch như đã nói trên. Tuy nhiên, do tính toán nhầm lẫn, Dionysus đã tính sai khi trừ bớt một số năm cai trị của các vị hoàng đế La Mã. Vì thế, lẽ ra niên lịch chúng ta đang dùng phải thụt lùi lại khoảng 4 năm mới đúng. Điều đó có nghĩa là năm 2009 đáng lẽ phải gọi là năm 2013. Do đó, nếu Chúa Giêsu sinh ra trong thời kỳ Vua Hêrôđê Cả như được Thánh sử Matthêu tường thuật trong Kinh Thánh thì Ngài ắt phải sinh vào khoảng năm 4 BC hoặc có thể trước đó một chút.

Theo ông Molnar[2], một chuyên gia về điện toán có bằng tiến sĩ về vật lý thiên văn và đã từng giảng dạy ở các Đại học có tiếng Colorado, Toledo và Rutgers, các nhà đạo sĩ đến thờ lạy Chúa Giêsu Cứu Thế thuộc về một giai cấp tăng lữ ở Ba Tư. Họ là những thầy thuốc đồng thời cũng là nhà đoán mộng và chiêm tinh gia. Công việc của họ là nhìn tinh tú trên trời, dự đoán và theo dõi sự thay đổi vị trí của các tinh tú. Họ cũng tin rằng định mạng con người có thể đoán được qua những ngôi sao này. Việc sinh hạ một vị cứu thế ắt hẳn đã làm cho những vị đạo sĩ Ba Tư này lưu ý bởi vì họ thuộc về đạo Bái hỏa giáo (Zoroastra) là đạo cũng mong đợi một vị cứu thế như đạo Do Thái. Và họ đọc được nơi ngôi sao Bêlem một vị tân vương của Do Thái mới sinh ra. Ngày nay chúng ta phân biệt rõ rệt giữa chiêm tinh học mang tính cách bói toán mê tín dị đoan và thiên văn học có tính chất khoa học hơn. Nhưng ngày xưa vào thời Cổ La Mã, người ta không thể tách rời chiêm tinh học với thiên văn học.

Sau khi nghiên cứu tỉ mỉ hệ thống chiêm tinh của các nhà đạo sĩ, ông Molnar đã giải mã biến cố sao lạ Bêlem này. Theo ông, ngôi sao này xuất hiện trên bầu trời vào ngày 17 tháng Tư năm thứ 6 trước Công nguyên. Trong bản vẽ các tinh tú trên bầu trời, các nhà đạo sĩ đã nhìn ra có một ngày đầy những điềm báo về một vị đại đế ra đời. Vào ngày này, sao Mộc hay Mộc tinh (tức Jupiter, một trong 7 hành tinh của thái dương hệ trong đó có Trái Đất chúng ta đang ở) mọc như sao Mai ở vị trí mạnh mẽ nhất. Hệ thống này tập trung ở một phần bầu trời được biết đến với tên gọi là chòm sao Sơn Dương (Aries) mà thời đó tiêu biểu cho vương quốc Hêrôđê như được ghi trong sách "kinh thánh về chiêm tinh học" Tetrabiblios của Claudius Ptolemy là sao Sơn Dương kiểm soát dân chúng "Giuđêa, Idumêa, Samaria, Palestine, và Coele Syria" tức là những vùng đất dưới sự cai trị của Vua Hêrôđê. Từ sự kiện thiên văn này, các nhà đạo sĩ biết rằng họ đang tìm kiếm điều gì và ở đâu.

Trong cuộc hành trình của ba nhà đạo sĩ về Bêlem, Mộc tinh, ngôi sao chính trong hệ thống này, đã di chuyển trên bầu trời theo hình zigzag. Điều này có thể giải thích tại sao Kinh Thánh tường thuật rằng ngôi sao chuyển vận không bình thường. Molnar nói rằng, tường thuật trong Kinh Thánh giải thích sự di chuyển của Sao Mộc bằng những từ chứa đựng các ý nghĩa về mặt thiên văn. Theo ông Molnar, Sao Mộc không "dẫn trước" các nhà đạo sĩ, nhưng là "đi trước" họ. Sự phân biệt này có thể dường như là nhỏ nhặt, không đáng kể, nhưng từ Hy Lạp "đi trước" được dùng trong một số bản dịch mô tả lối vận hành ngược của hành tinh này. Vận hành ngược diễn ra khi nhìn từ Trái Đất, người ta sẽ thấy một hành tinh dường như đi ngược lại quĩ đạo của nó trong nhiều ngày hay nhiều tuần lễ vào một lúc nào đó. Sau đó hành tinh này ngừng lại và tiếp tục quĩ đạo bình thường của nó. Theo tính toán của Mohnar, Sao Mộc đã "đi trước" tức là vận hành ngược trong nửa năm sau của năm thứ 6 trước Công nguyên (6 BC). Vào cuối cuộc vận hành ngược này, Sao Mộc đứng yên một chỗ trên bầu trời vào ngày 19 tháng 12. Lúc đó, Sao Mộc trở lại trong chùm sao Sơn Dương, nơi nó bắt đầu khi mà ba nhà đạo sĩ thấy xuất hiện vào tháng Tư lúc mọc lên ở hướng đông.

Như thế, Ngôi sao Bêlem đối với Molnar không phải là một hiện tượng hiếm có về mặt thiên văn học bởi vì nguyệt thực trên Sao Mộc như trường hợp thời ba vị đạo sĩ vào năm 6 BC được lặp lại theo một chu kỳ 60 năm mặc dầu ít khi nào được hoàn hảo như thế. Nhưng Molnar cũng lưu ý rằng việc lặp lại các cuộc nguyệt thực này của Sao Mộc không có nghĩa là cứ mỗi 60 năm sẽ tạo những điều kiện mạnh mẽ cần thiết cho việc sinh hạ một vị vương đế.

Kinh Thánh cho thấy các nhà đạo sĩ đã sử dụng việc nghiên cứu tinh tú để tìm ra Chúa Cứu Thế. Mohnar cho rằng, tường thuật của Thánh Matthêu về cuộc viếng thăm của ba nhà đạo sĩ mang những dấu vết có ý nghĩa về mặt thiên văn. Nếu ba nhà đạo sĩ viếng thăm Chúa Hài Đồng thì hầu như chắc chắn rằng họ mô tả vì sao thúc đẩy cuộc kính bái này bằng kiến thức chuyên môn của họ. Nhưng Thánh Matthêu, người viết Tin Mừng, không có cùng kiến thức như thế, thì chỉ ghi lại cuộc phát hiện của ba nhà đạo sĩ ở mức độ hiểu biết của thánh nhân.

Để thêm bằng cớ cho lý thuyết "ngôi sao Bêlem" của mình, ông Molnar còn viện dẫn cuốn sách Mathesis do một nhà chiêm tinh học tên là Maternus viết ra vào năm 334 AD, tức dưới thời Hoàng đế La Mã Constantin, người đã cho phép Kitô giáo được truyền giảng công khai sau vài thế kỷ bách hại của các hoàng đế La Mã trước đó. Trong cuốn sách Mathesis, ông Firmicus Maternus mô tả một biến cố thiên văn bao gồm cuộc nguyệt thực trên Sao Mộc trong chòm sao Sơn Dương tiêu biểu cho việc sinh hạ một vị vua từ trời. Theo Molnar, đáng lẽ Maternus đề cập đến chính Chúa Giêsu là vị vua từ trời đó nhưng trong những thế kỷ đầu tiên đó, Giáo Hội lên án, không chấp nhận những niềm tin ngoại đạo của văn hoá Hy Lạp và La Mã, cho rằng chiêm tinh học là một hình thức thờ ngẫu tượng bởi vì nghiên cứu tinh tú thường đi đôi với việc thờ các vị thần. Do đó, ý tưởng các ngôi sao điều khiển vận mạng con người là mâu thuẫn với niềm tin Kitô giáo về một Thiên Chúa quyền năng kiểm soát cả vũ trụ. Dẫu vậy, theo ông Molnar, chiêm tinh học thời đế quốc La Mã được người dân đam mê và những ai đọc cuốn Mathesis, đều biết rằng biến cố nguyệt thực trên Sao Mộc chính là ngôi sao Bêlem và ám chỉ đến Chúa Giêsu. Nói một cách khác, Molnar cho rằng Maternus đã sử dụng chiêm tinh học để ủng hộ câu chuyện Giáng Sinh của Chúa Giêsu một cách kín đáo và bản chất ngôi sao Bêlem này cũng được ẩn dấu. Nếu không, các nhà thần học thời Kitô giáo tiên khởi đã bị lôi cuốn vào một cuộc bàn cãi sôi nổi về các ảnh hưởng của bầu trời vốn không nằm trong giáo lý của Kitô giáo. Đó cũng là lý do tại sao Vua Hêrôđê và dân chúng ở Giêrusalem không nhìn thấy sao lạ Bêlem. Người Do Thái thời Vua Hêrôđê đã không áp dụng chiêm tinh học của các nước láng giềng vì họ cho đó là của văn hoá Hy Lạp ngoại đạo. Nhưng rõ ràng là theo tường thuật trong Thánh Kinh họ vẫn biết được thời điểm Đấng Cứu Thế sinh ra và sứ điệp của các nhà đạo sĩ khẳng định sự mong đợi và hy vọng của họ. Nói một cách khác, mặc dầu lên án chiêm tinh học như là một hình thức thờ ngẫu tượng của dân ngoại, những người Do Thái có ăn học thời bấy giờ có lẽ vẫn có một sự hiểu biết nào đó về những hiện tượng thiên văn.

Đến thế kỷ thứ 4, cách nhìn về ngôi sao Bêlem như là một phép lạ đã ăn sâu vào trong niềm tin Kitô giáo. Lối vận hành của ngôi sao này xem ra đồng nhất với quan điểm đây là một phép lạ. Kinh Thánh ngụ ý rằng ngôi sao Bêlem ẩn nấp khi các nhà đạo sĩ đến Giêrusalem (Mt 2,2). Rồi khi các nhà đạo sĩ từ giã Hêrôđê, ngôi sao dường như tái hiện và di chuyển một cách lạ thường: "Và này ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao họ mừng rỡ vô cùng" (Mt 2,9-10). Trong một số bài giảng về Phúc Âm theo Thánh Matthêu, Thánh Gioan Kim Khẩu vào thế kỷ thứ 4, cũng đồng ý rằng "ngôi sao [Bêlem] này không phải là một vì sao, nhưng là một quyền năng vô hình nào đó được biến đổi ra dạng này và rõ ràng là không có ngôi sao nào lại di chuyển lạ lùng như thế."

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khi mô tả về Ngôi sao Bêlem trong một bài giảng vào ngày Lễ Hiển Linh năm 2002, cho biết có sự gặp gỡ giữa quan điểm của Giáo Hội về tính cách bí nhiệm của ngôi sao với cái nhìn về chiêm tinh của những nhà đạo sĩ. Đức Thánh Cha nói rằng ngôi sao chính là ánh sáng Đức Kitô, xuất hiện cho các nhà đạo sĩ "dưới dạng thiên thể chói lọi đến nỗi thu hút sự chú ý của họ và dẫn họ đến Giêrusalem." Sau đó, Đức Thánh Cha cho rằng, chính Đức Kitô "đưa họ đi theo dấu vết của các lời tiên báo về Đấng Cứu Thế thời xa xưa, ‘một vì sao sẽ xuất phát từ Giacóp, và một vương trượng sẽ mọc lên từ Israel" (Ds 24,17).

Do đó, chính ở chỗ lời tiên báo này mà tính cách biểu tượng của vì sao Bêlem theo quan niệm Kitô giáo và quan điểm chiêm tinh của các nhà đạo sĩ gặp nhau. Theo ngôn từ của Hội Thánh, "một vì sao xuất phát từ Giacóp" báo trước việc Chúa Giêsu sinh ra từ đoàn dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Còn theo từ ngữ các nhà đạo sĩ, "một vương trượng sẽ mọc từ Israel" ắt hẳn có nghĩa là một hành tinh thể huy hoàng chỗi dậy trong điềm chiêm tinh của người Do Thái.

2. Những sự va chạm trong hành trình đến với Chân Lý

Trong hành trình truy tầm Chân Lý, việc đi theo ngôi sao lạ cũng không giản đơn. Trước hết việc lên đường đòi phải ra khỏi nhà, giã từ những tiện nghi dễ chịu, từ bỏ những sinh hoạt quen thuộc, chấp nhận những thiếu thốn, những nguy hiểm, những bất tiện trên đường đi. Thiện chí của các vị khách lạ rất cao, nên khi ngôi sao biến mất, các ngài vẫn không nản lòng bỏ cuộc, nhưng tìm mọi cách vượt qua khó khăn, tìm mọi cách để đến gặp được Chúa. Việc dò hỏi các nhà đạo sĩ Phương Đông đã đụng chạm tới ngai vàng của Hêrôđê Cả, người gốc xứ Iđumêa, cai trị xứ Hêrôđê (37-4 trước CN) mà lãnh thổ bao gồm cả Bêlem. Xét về quyền lực, tài sản thì không ai qua mặt được vua Hêrôđê: Ông đã cho xây nhiều cung điện (như ở miền duyên hải Xê-da-rê) pháo đài (Massada, Macheronte, Antonia..), hí trường (nay đã được tu bổ lại), một cung điện nguy nga và những khu vườn tại Giêrusalem và cũng chính ông đã cho xây lại Đền Thánh Giêrusalem (bị người Roma phá hủy năm 70). Nhưng tất cả chỉ vì máu mê xa hoa và quyền lực. Câu hỏi của ba nhà đạo sĩ: “Đức Vua dân Do Thái vừa sinh ra, hiện ở đâu?”, chẳng khác nào “bom tấn” nổ bên tai vua Hêrôđê, làm ông bồn chồn lo lắng thấy ngai vàng mình ngồi đang rung rinh, bởi người La Mã đã đặt ông lên ngai vàng, thì cũng dễ dàng hạ bệ ông và đặt một người khác lên. Vì thế việc tiêu diệt mầm hậu hoạ vừa xuất hiện, phải được tính toán kỹ càng, thực hiện kín đáo, không thể rầm rộ lục soát lùng bắt, để tránh đối đầu lộ liễu với quan thầy La Mã, nếu như đó là người mà La Mã có ý định sẽ thay thế ông.

Biết rõ suy nghĩ và lo âu của vua Hêrôđê, cũng là dịp tốt để bắt thóp y, các thượng tế và kinh sư chỉ xướng lên câu của một tiên tri Do Thái, có thể so sánh như vế thứ nhì của câu đối, mà vế đầu do ba nhà đạo sĩ đưa ra : “Tại Bêlem, miền Giuđê” (x.Mt 2,5) và để cho vị vua ngoại đạo thêm kinh khiếp họ còn nói “…là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời.”

Lẽ ra đẳng cấp học rộng nghiên cứu sâu về Kinh Thánh đã phải giúp các thượng tế và kinh sư khám phá ra Đấng Cứu Thế. Nhưng thật lạ lùng, các đạo sĩ khẳng định trước: “Đức Vua dân Do Thái vừa sinh”, rồi mới hỏi tiếp: “hiện ở đâu?”, trong khi các chuyên gia bậc thầy về Kinh Thánh, ngày ngày đọc và giảng dạy Sách Thánh, lại chỉ biết xác nhận nguồn tin quan trọng đến mức “vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao”. Đẳng cấp và điều kiện quyền lực, vật chất vượt trội, đã không giúp ích gì cho “thế quyền” lẫn “thần quyền”, khi họ chỉ liên kết với nhau bằng mưu đồ chính trị đen tối hoặc lạm dụng tôn giáo cho những tính toán vụ lợi.

Nhà vua đã khéo léo dặn các nhà chiêm tinh rằng "Xin quí ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người?” (Mt 2,8). Sau khi nghe được nơi chốn của vị Vua mới được sinh ra, các nhà đạo sĩ đã ra đi hướng về Bêlem. Ngôi sao lại hiện ra dẫn họ đến Bêlem, vào nơi Hài Nhi ở. Thấy ngôi sao họ rất đỗi vui mừng. Ngôi sao đó đã làm cho Hêrôđê và giáo quyền Do thái bối rối, nhưng lại làm cho ba nhà Đạo sĩ vui mừng. Ba nhà đạo sĩ thì ước ao đến gặp và thờ lạy Chúa, còn Hêrôđê và các chức trách tôn giáo Do thái thì lại mưu đồ đen tối, muốn ám hại Chúa.

Và người ta biết nhà vua đã phản ứng dữ tợn như thế nào, khi nghe biết các nhà chiêm tinh đã lặng lẽ đi lối khác mà về xứ sở mình, Hêrôđê vô cùng tức giận và "ra lệnh tàn sát tất cả các con trai từ hai tuổi trở xuống ở Bêlem và vùng phụ cận" (Mt 2,16). Vì Bêlem là một thành phố nhỏ, số trẻ bị giết có lẽ khoảng 20 hay 25. Sự kinh hoàng của việc thảm sát và sự tuyệt vọng của các cha mẹ đã khiến Thánh Mátthêu trích dẫn lời tiên tri Giêrêmia: "Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Raken khóc thương con mình..." (Mt 2,18). Bà Raken là vợ của ông Giacóp. Bà than khóc ở Rama là nơi người Do Thái bị tập trung lại sau khi bị người Assyria bắt làm tù binh.

Sự va chạm này đã làm cho máu của những người vô tội đổ ra. Chỉ vì quyền lợi, vua Hêrôđê đã không muốn diện kiến Chân Lý, thậm chí ông còn muốn xóa bỏ Chân Lý bằng những mưu mô và quyền lực trong tay khi ra lệnh tàn sát người vô tội theo kiểu “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”. Thực ra, cuộc tàn sát vừa kể chưa thấm vào đâu so với những cuộc thanh toán nội bộ bao gồm cả những cuộc sát hại vợ con của chính nhà vua, vì bằng mọi giá, vua muốn bảo vệ ngai vàng của mình.[3]

Qua việc ba nhà đạo sĩ tìm gặp được Hài Nhi Giêsu ở Bêlem, Đức Cha Fulton J. Sheen đã ghi lại những suy tư rất sâu sắc của Ngài: “Chúa Giêsu không sinh ra ở giữa trời, nơi người ta có thể đứng thẳng, nhưng Ngài giáng sinh trong hang đá, nơi người ta phải cúi mình để đi vào. Đó là một cử chỉ khiêm nhường.” Một số người quá tự mãn để hạ mình sẽ không thấy được niềm vui bên trong hang đá. Các mục đồng và các đạo sĩ đủ đơn sơ để nghiêng mình xuống. Mưu toan ác độc, ươn lười kiêu căng, là những gì đã che khuất ánh sáng ngay giữa ban ngày đối với Hêrôđê và các bậc thầy dân Israel. Họ nhìn mà không thấy. Họ không thể đổ lỗi là Chúa đã không đến với họ. Nhiệt thành, khát vọng chân lý, đơn sơ tin yêu phó thác nơi bàn tay dẫn dắt của Chúa, là những gì làm nên ánh sáng xua tan bóng đêm trong lòng ba nhà đạo sĩ và các mục đồng… Con mắt đức tin đã làm cho con mắt trần của họ được nhìn thấy Đấng là Ánh Sáng Thế Gian. Chỉ cần một tia sáng, một lời gọi, là họ sốt sắng đi tìm cho bằng được Chúa. Sự Thật phải cay đắng ra sao, thì Thánh Sử Gioan Tông Đồ đã viết ngay ở phần mở đầu Phúc Âm thứ tư: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).[4]

3. Một nhu cầu tâm linh[5]

Từ những miền xa lạ, vì nhu cầu tâm linh thúc đẩy, ba nhà chiêm tinh đã lên đường theo ánh sao lạ. Họ đi tìm thờ lạy Hài Nhi Giêsu. Họ chỉ tin tưởng vào thiên nhiên. Không Kinh thánh. Không truyền thống đạo đức như Do thái. Nhưng chính Thiên Chúa đã mạc khải cho họ qua những phương tiện thích hợp trong tôn giáo của họ. Nhờ ngôi sao thiên mệnh, họ có thể học biết về ngày sinh của Chúa Giêsu và tìm đường đến với Người.

Trên đường đi, các nhà chiêm tinh đã đụng chạm đến quyền lợi của vua Hêrôđê. Nhà vua đã không ngăn cản hành vi tôn giáo của các nhà chiêm tinh. Nhưng ông hiểm độc hơn nhiều. Ông diệt tận gốc, chứ không trừ ngọn. Giết Thiên Chúa hay hủy diệt lòng tin của các tín hữu vẫn là giấc mơ ngàn đời của các bạo chúa. Nhưng làm sao hủy diệt lòng tin? Dù sống ở một nơi xa xăm và phải vượt qua nhiều nguy hiểm, các nhà chiêm tinh vẫn không ngại lên đường. Họ đến như những người dân ngoại. Họ thờ phượng Chúa Giêsu như những người dân ngoại. Họ trở về quê nhà vẫn như những dân ngoại. Họ không cải đạo thành các tín hữu Do thái hay Kitô giáo. Thiên Chúa chấp nhận lòng tin và việc thờ phượng của họ. Thiên Chúa hướng dẫn họ trên đường về quê nhà qua giấc mơ. Điều này chứng tỏ Thiên Chúa có liên hệ với dân chúng trong các tôn giáo khác, ngoài Do thái và Kitô giáo.

Bởi đó, khi lên đường cũng như lúc về quê nhà, họ luôn được bình an trên những nẻo đường Chúa hướng dẫn. Dù có trải qua đêm đen hay lang thang qua những miền đất lạ, tâm hồn họ vẫn không bối rối như vua Hêrôđê và hay xôn xao như dân thành Giêrusalem (x.Mt 2,3). Ông và dân thành chỉ nghĩ đến những quyền lợi vật chất. Các nhà chiêm tinh cũng chỉ thấy một sao lạ báo hiệu về “Đức Vua dân Do thái,” chứ không có Kinh Thánh để thấy sâu xa hơn. Nếu có Kinh Thánh, hẳn các ông đã đọc sách Dân Số chương 24 để hiểu sâu xa hơn ý nghĩa lời Thiên Chúa qua lời sấm Balaam :

“Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa, và biết những tư tưởng của Đấng Tối Cao, được Đấng Toàn Năng cho nhìn linh thị, của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần. Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en sẽ đập vào màng tang Mô-áp, đánh vỡ sọ tất cả con cái Sết, và xâm chiếm Ê-đôm, cả Xê-ia cũng bị xâm chiếm nữa. Ít-ra-en sẽ biểu dương sức mạnh, Gia-cóp sẽ thống trị quân thù, và tiêu diệt kẻ trốn khỏi thành phố.”(Ds 24:16-19)

Như thế, vương quốc Thiên Chúa không xâm lấn nhưng thăng hoa những thực tại trần gian. Khi sinh ra, Hài Nhi không ngừng đem lại cho nhân loại ân sủng để mọi người có thể sống hiệp thông và phục vụ lẫn nhau mà sống trong bình an và hạnh phúc. Những ai có lòng tin, đều phải lên đường như các nhà chiêm tinh, theo ánh sao là lương tâm hằng chiếu sáng trong tâm hồn.

Khi bị tước đoạt nhân quyền, tự do tôn giáo biến mất. Nếu bạo chúa Hêrôđê giết được Hài Nhi Giêsu, dù các nhà chiêm tinh có loan tin và cổ động dân chúng, họ cũng chẳng còn gì để thờ lạy nữa. Như thế, Hêrôđê trù dập tự do tôn giáo tận nguồn cội. Nhưng người tính không bằng Trời tính. Những con người theo lẽ phải bao giờ cũng tìm được lối thoát. Các nhà chiêm tinh không ngờ đã gặp một con cáo già. Nhờ được báo mộng, họ mới thấy tất cả bộ mặt thật của nó. Họ đã không trở lại gặp và làm theo lòng dạ nham hiểm của con người tàn ác đó. Nhờ thế, Hài Nhi Giêsu vẫn còn sống. Cuối cùng, kẻ sát nhân phải chết, mặc dù đã tìm mọi cách để giết Hài Nhi. Những kẻ muốn tước đoạt mạng sống con người, cuối cùng cũng chẳng giữ được gì cho mình.

Nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta cũng thấy một cảnh tương tự. Hêrôđê vẫn còn đó. Những chiêm tinh gia có lẽ không biết đến mưu thâm chước độc của Hêrôđê! Tất cả âm mưu chỉ nhằm củng cố ngai vàng. Nếu họ theo đường cũ trở lại gặp Hêrôđê, việc gì sẽ xảy ra? Biết bao nhà chiêm tinh thời đại đã theo đường mòn để giúp Hêrôđê thực hiện mưu đồ bán Chúa và giết Chúa. Bởi đó, mới có cảnh ngăn cấm con người thờ phượng Thiên Chúa một cách tự do.

Tóm lại, có thể nói con người bước vào hành trình tìm kiếm Chân Lý Tuyệt Đối bằng chính đời sống mình. Trong cuộc đi tìm Chúa này, ta phải có thiện chí như Ba Vua, biết dấn thân lên đường, biết phấn đấu chấp nhận hy sinh gian khổ, biết kiên trì không nản lòng bỏ cuộc khi gặp thử thách. Ba Vua không thể đến với Chúa nếu không có ngôi sao dẫn đường. Nhưng ở đây, trong cuộc hành trình này, dấu chỉ ngôi sao lạ không đủ để ba nhà đạo sĩ tìm thấy vị vua mới sinh ra, mà cần phải có Kinh Thánh nữa. Qua đó ta có thể rút ra những nhận xét sau :

- Thứ nhất, thông biết Thánh Kinh chưa chắc đã nhận biết Chúa, như trường hợp của dân Do Thái biết Chúa Kitô sinh ra ở đâu, song chẳng những không đến thờ lạy Người mà lại còn đi sát hại Người nữa.

- Thứ hai, con người thiện tâm có thể nhận ra Thiên Chúa qua các hiện tượng thiên nhiên, như các nhà chiêm tinh gia hôm nay từ ở phương Đông xa xôi, không hề biết đến mạc khải thần linh như dân Do Thái, đã nhận ra dấu lạ mà tìm đến với Thiên Chúa.

- Thứ ba, khoa học tự nhiên không phản nghịch lại với đức tin, trái lại, nó dẫn đến đức tin nữa là đàng khác, như trường hợp các chiêm tinh gia đã nhờ kiến thức khoa học chiêm tinh của mình mà có đức tin, mà tìm đến với Tạo Hóa.

Mặt khác, ngôi sao lạ hôm nay chính là Giáo Hội. Giáo Hội hôm nay được ký thác một ánh sáng có khả năng dẫn đường cho những ai muốn tìm đến với Đức Kitô. Ngoài ra, ngôi sao lạ ấy cũng là chính mỗi người chúng ta. Cuộc sống Kitô hữu phải biến chúng ta thành ngôi sao lạ, loan báo tình thương của Chúa, đưa dẫn những tâm hồn thiện chí đến với Chúa. Hãy là ngôi sao sáng trong đời sống công bình. Hãy chiếu sáng đức thương yêu của Chúa. Hãy toả ánh sáng ấm áp tình người. Qua những làn ánh sáng ấy, mọi người sẽ nhận biết và tìm về với Thiên Chúa là ánh sáng chân thật.[6] Điều này đã được Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thực hiện qua việc cử hành ngày khai mạc Năm Thánh mừng 350 năm thiết lập hai giáo phận tông tòa: Đàng Trong và Đàng Ngoài và kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam tại Sở Kiện[7] – Hà Nội ngày 24.11.2009 trong tinh thần: Sám Hối – Hòa Giải.



_________________________

[1] x. http://www.cuuthe.com/bao/s208ngoisao.html

[2] x. Michael Molnar, Ngôi sao Bêlem : Di sản của các nhà đạo sĩ, 1999

[3] Năm 47 trước CN, Hêrôđê khi ấy mới 25 tuổi đã dành được chức vị toàn quyền xứ Galilê. Đến năm 37 trước CN, ông được hoàng đế Rôma phong vương. Thập niên sau đó được ghi dấu bằng những cuộc đổ máu để củng cố ngai vàng, kể cả cuộc đổ máu người vợ yêu dấu nhất của ông là Mariamma I, cùng với hai con trai mà người vợ này đã sinh ra cho ông. Đó là thời kỳ Hêrôđê sát hại tất cả những người họ hàng nam giới, để cho ngai vàng của ông được an toàn.

Chỉ sau những cuộc thanh trừ đẫm máu ấy, Hêrôđê mới bắt đầu những dự án xây dựng lớn lao, mà lớn nhất là cuộc xây dựng Đền Thờ Giêrusalem. Công trình này được vua Hêrôđê Cả khởi công năm 19 trước CN, công trình ấy kéo dài mãi tới năm 64 mới hoàn tất. Đó chính là công trình mà các môn đệ tắc lưỡi ngợi khen khi nói: "Thưa Thầy, Thầy xem: đá lớn thật! Công trình kiến trúc vĩ đại thật!" (Mt 13,1). Nhưng chỉ 6 năm sau khi hoàn tất, tức năm 70, Đền Thờ vĩ đại ấy đã bị quân Rôma dưới quyền chỉ huy của tướng Titô, phá tan tành "không còn tảng đá nào trên tảng đá nào" như Đức Giêsu đã tiên báo (Mt 24,2).

Số phận riêng của Hêrôđê Cả cũng chẳng hơn gì Đền Thờ được ông xây dựng. Chỉ năm ngày trước khi qua đời, nhà vua đã ra lệnh hành quyết người con trai chính ông đã chỉ định lên ngôi kế vị ông. Thế rồi trước ngày tận số, Hêrôđê đã ra lệnh cho các nhân vật nổi nang nhất từ khắp nơi trong nước tụ họp lại tại Giêrusalem. Những người này đều được giam vào ngục tối với chỉ thị đã có sẵn của nhà vua, là phải giết họ liền ngay sau khi nhà vua qua đời. Đó là cách duy nhất, theo suy nghĩ của Hêrôđê, để bảo đảm có đại tang trên toàn quốc! (x.http://www.vietnhim.com/dongnhim/archive/index.php/t-24692.html)

[4] x. http://www.saintdefendent.org//news000103ab.php

[5] x. http://vigiaohoiconggiaovn.spaces.live.com/blog/cns!47BCEBC38CCBF581!3125.entry

[6] http://www.thanhlinh.net/TacGia/viewtopic.php?t=1637&sid=ba78d7a5b2f1b2d15d82a97e 2d95f9f5

[7] Sở Kiện là nơi đặt Tông tòa đầu tiên của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam.