Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 160-165.
_J. b Nguyễn Đăng Trực_
Sự khiết tịnh của ngài cũng là do thừa tác vụ linh mục đòi hỏi. Có thể nói đó là sự khiết tịnh thích hợp cho người mỗi ngày được tiếp cận với Thánh Thể, chiêm ngắm với tâm hồn tràn đầy niềm vui và cũng với chính niềm vui ấy ngài lại dâng hiến nó cho đoàn chiên của ngài. Người ta nói rằng: ngài đã chiếu tỏa sự khiết tịnh. Tín hữu nhận ra điều này khi thấy ngài qui hướng nhìn lên Nhà Tạm với đôi mắt trìu mến.
Cuối cùng sự tuân phục của thánh Gioan Maria Vianey được biểu hiện trọn vẹn trong sự thành tín tận tụy với những đòi hỏi thường ngày của một thừa tác vụ linh mục. Chúng ta đâu biết rằng, ngài đã bị dày vò day dứt thế nào, khi nghĩ tới sự bất xứng của mình đối với việc phục vụ giáo xứ và chỉ mong trốn thoát được để than khóc cho cuộc đời đáng thương của mình trong cô tịch. Chỉ vì đức tuân phục và lòng khao khát các linh hồn mới thuyết phục ngài trụ lại nhiệm sở mà thôi. “Chỉ làm những gì có thể được tiến dâng lên Đức Chúa nhân lành, ngài coi đây là luật vàng cho một đời tuân phục.
Tuy nhiên, cũng không nên bỏ qua những suy tư thần học về vấn đề này:
Nhà thần học Hans Urs von Balthasar biện luận như sau: “Trong Giáo hội, đi tu được diễn tả theo hai tình trạng cuộc sống khác nhau: đời sống tu trì với lời khuyên Phúc âm và đời sống thừa tác vụ linh mục. Cả hai tự bản chất qui hướng về nhau. Theo Balthasar, lời khuyên Phúc âm biểu thị một ơn gọi có tính cách bản thân nghĩa là hướng đến đức ái hoàn thiện. Tu sĩ tuyên khấn vì muốn dâng hiến trọn bản thân mình cho Thiên Chúa, còn sự khó nghèo, khiết tịnh và tuân phục là những biểu tượng diễn tả chân lý: người tận hiến không còn giữ lại cho mình điều gì, chỉ ước muốn dâng hiến trọn vẹn bản thân cho Thiên Chúa. Một khi đã từ bỏ mọi sở hữu: thân xác và ý chí thì chẳng còn gì cho đi nữa.
Còn chức linh mục thừa tác, thoạt nhìn, không phải là sự dâng hiến hướng đến lòng mến hoàn thiện bản thân, nhưng là một thừa tác vụ khách quan hay một phẩm cấp (order) của Giáo hội. Ứng viên linh mục không đón nhận bí tích truyền chức để đạt tới sự thánh hóa cho bản thân, nhưng để chu toàn thừa tác vụ thánh hóa trong và cho cộng đoàn tín hữu. Tuy nhiên đối với Balthasar, nó đã bao hàm một sự dâng hiến bản thân vì không thể chu toàn thừa tác vụ linh mục nếu toàn thể con người của ngài không bị cuốn hút vào thừa tác vụ mà ngài thực hiện. Dựa trên những lời đọc trong nghi thức truyền chức linh mục phải hòa nhập cuộc sống mình với những lời ngài rao giảng, ngài phải bắt chước hiến tế Thánh Thể mà ngài dâng tiến, ngài phải yêu mến Đức Kitô nếu ngài muốn mến yêu đoàn chiên của Ngài. Do đó vấn đề khách quan của bí tích đòi hỏi con người và cuộc sống của người linh mục phải tương ứng với thực tại của một hữu thể mới mà ngài đón nhận trong ngày thụ phong. Người ta không ngạc nhiên khi cả thần học lẫn huấn quyền đều kêu gọi mọi linh mục hãy khao khát lối sống của các lời khuyên Phúc âm.
Nhà thần học Jean Galot khai sáng thêm những gì vừa đề cập trên đây: dấu ấn bí tích được khắc ghi vào tâm hồn người linh mục trong ngày thụ phong là dấu hiệu xuất hiện một hữu thể mới để diễn tả thực tại của hữu thể mới này. Cũng như Đức Kitô với sự thánh hiến của Đấng thiên sai đã tự mạc khải một lối sống triệt để không lệ thuộc vào những truyền thống được điều kiện hóa qua nền văn hóa hay lịch sử loài người. Do đó, Ngài đã đạt tới sự thành toàn viên mãn.
Ngày 1/7/2009, nhân dịp năm các linh mục, Đức Bênêđictô 16 khi giải thích về sứ vụ và ý nghĩa thừa tác viên linh mục, ngài phát biểu: sứ vụ của người linh mục phụ thuộc vào ý thức về thực tại bí tích của một hiện hữu mới (new existence) nơi ngài.
Ý NGHĨA SỰ TUÂN PHỤC, KHIẾT TỊNH VÀ KHÓ NGHÈO TRONG ĐỜI SỐNG CÁC LINH MỤC
* TUÂN PHỤC: Trong các sách Tin mừng, tuân phục là trung tâm của sứ vụ và đời sống của Đức Kitô (Balthasar). Sứ vụ của ngài là thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Đó là chính lương thực của ngài “Lương thực của tôi là thực hiện ý muốn của Đấng đã sai tôi và hoàn tất công trình của Ngài (Ga 4,34). Ý tưởng tương tự về sự sai đi và tuân phục xuất hiện trong một tuyên bố khác của Chúa Giêsu “Lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha Đấng đã sai Thầy”(Ga 14,24). Thậm chí trong cơn hấp hối vườn cây dầu khi phải giáp mặt với cuộc khổ nạn và cái chết, Đức Giêsu vẫn tuyên bố: “nhưng xin đừng làm điều con muốn mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36).
Người ta nhận ra sự song đối giữa thừa tác vụ các Tông đồ xuất phát từ Chúa Giêsu và thừa tác vụ của Chúa Giêsu xuất phát từ Chúa Cha. Đề tài Thánh kinh miêu tả sự tuân phục này được thể hiện khi Chúa Giêsu nói với các Tông đồ: “như Cha đã sai Thầy Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Do đó, các Tông đồ được sai đi rao giảng Tin mừng và thực hiện công việc như Chúa Giêsu đã thực hiện. Cũng thế, trong thời đại các Tông đồ, thánh Phaolô cũng được sai đi rao giảng Tin mừng (1 Cr 1,17). Ý thức mình là cộng tác viên của Thiên Chúa, thánh Phaolô đã diễn tả sự rao giảng của ngài như là một việc tế tự (Rm 15,16), nghĩa là thừa tác vụ Lời được thể hiện trong hành động.
Trong đời sống linh mục giáo phận hiển nhiên có hai điều liên quan tới sự tuân phục: trước hết, căn tính linh mục không thể hiểu được ngoài mối tương quan với Giám mục của ngài. Công đồng Vat II đã nhấn mạnh sự hợp nhất của chức tư tế và mối liên hệ với Giám mục “không một linh mục nào có thể chu toàn đầy đủ sứ mệnh của mình một cách lẻ loi và hầu như riêng rẽ nhưng phải hiệp sức với các linh mục khác dưới sự điều khiển của các vị lãnh đạo trong Giáo hội” (sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, số 27). Thứ đến, sự tuân phục của linh mục với Giám mục của ngài tự thân có ý nghĩa Tông đồ chứ không phải là sự tuân phục của một đan sĩ tuyên khấn với viện phụ của họ vì ơn cứu độ bản thân. Đúng hơn, đó là sự tuân phục hướng về việc thực hiện ý muốn của Đức Kitô là đem đoàn chiên của Ngài về với Chúa Cha như được diễn tả trong lời nguyện thượng tế (Ga 17). Như vậy, linh mục vâng phục bằng cách cộng tác với Giám mục trong vai trò mục tử của Giáo hội.
* ĐỨC KHIẾT TỊNH: Ngày nay nhiều người biện luận rằng trở ngại lớn nhất cho ơn gọi linh mục do kỷ luật theo giáo luật về sự độc thân linh mục được diễn tả qua lời khuyên Phúc âm về sự khiết tịnh. Mặc dầu vô số những văn kiện của huấn quyền đã lặp lại lập trường về bậc độc thân linh mục, trích dẫn các lý do thần học và lịch sử biện minh cho sự lựa chọn của Giáo hội. Nhưng lý do mạnh nhất có lẽ là sự kiện chính Chúa Giêsu đã chọn lối sống này, qua đó Ngài đã bộc lộ cách yêu của một người độc thân vì nước trời. Nếu chức linh mục công giáo phát xuất từ chức linh mục của Đức Kitô thì sự xem xét về yếu tính chức linh mục đó nhất thiết phải có nền tảng Kitô học. Bình giải về bữa ăn cuối cùng, Jaki cho biết: “Rõ ràng nhiệm vụ được trao cho 12 Tông đồ, lập lại những gì Đức Giêsu đã làm chỉ có ý nghĩa nếu về phía các Tông đồ đòi hỏi một nỗ lực hết mức để đạt được sự tự hiến hoàn toàn như Đức Kitô. Họ được trao tặng một năng lực để có thể thực hiện điều trước đây chưa từng nghe nghĩa là hiện tại hóa hiến tế của Đức Kitô hoàn toàn qui phục ý muốn của Chúa Cha. Năng lực mới này cũng đòi hỏi một sự từ bỏ vô điều kiện tất cả những gì khiến người ta liên tưởng tới những sự thuộc về phàm nhân (Jaki, Theslogy of priestly celibacy, 1997).
Urs von Balthasar cũng đã chỉ ra mối tương quan giữa sự độc thân của Đức Kitô và Thánh Thể: sự hiến tặng Thánh Thể của Đức Kitô là dấu chỉ bí tích ước mong hiến thân trọn vẹn cho dân ngài. Nếu Chúa Giêsu đã trao thân cho một người đàn bà, Ngài không bao giờ có thể thực hiện được sự hiến dâng trọn vẹn bản thân Ngài cho nhân loại như đã được diễn tả trong bí tích Thánh Thể. Chức linh mục Tân Ước được mới gọi để tái tạo hiến lễ Thánh Thể của ngài bắt chước Đức Chúa hiến thân không phải cho một người nhưng là ấp ủ một tình yêu rộng mở cho tất cả mọi người.
* SỰ KHÓ NGHÈO: Động lực sâu xa nhất đối với sự khó nghèo Kitô giáo mang ý nghĩa Kitô học. Balthasar gọi Đức Kitô là người nghèo tuyệt vời. Sự nhập thể của ngài không chỉ là bày tỏ sự tự hủy ra không về thần tính nhưng còn biểu lộ sự chọn lựa sống khó nghèo. Khi thực hiện thừa tác vụ lưu động, Đức Giêsu tuyên bố: “Con người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58), khi đi rao giảng, ngài công bố Tin mừng cho người nghèo. Chính mối phúc thứ nhất cũng hứa vương quốc cho người nghèo, dù nghèo vật chất (Luca) hay nghèo tinh thần (Mathêu). Tương tự như thế, trong mầu nhiệm Ba Ngôi, chẳng ngôi nào muốn giữ lại thần tính của bản thân mình. Mỗi ngôi đều muốn trao tặng cho ngôi khác. Cha trao tặng tất cả cho Con, ngược lại Con cũng làm như thế. Ngôi Ba cũng là quà tặng tình yêu giữa Cha và Con. Linh mục khi rao giảng một Thiên Chúa đã hủy mình ra không, trở nên nghèo để làm giàu cho thụ tạo, phải là người đứng trong hàng ngũ đầu tiên nghe lời mời gọi của Đức Kitô “hãy bán tất cả những gì anh có và trao tặng cho người nghèo” (Mc 10, 21). Một lời mời gọi cũng được Công đồng Vat II lặp lại khi mời gọi tất cả linh mục đón nhận sự nghèo khó tự nguyện, vì “nhờ đó họ trở nên giống Chúa Kitô một cách rõ nét hơn và tận tụy hơn với thừa tác vụ thánh” (Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục, số 17).
Trên bình diện thực hành, linh mục mặc dầu không tuyên hứa công khai sống khó nghèo, vẫn cần nhận thức rằng Đức Chúa là gia nghiệp đích thực của mình. Sứ vụ của ngài tương tự như sứ vụ của Giáo hội được thể hiện giữa trần gian. Mặc dầu của cải được dựng nên cần thiết cho sự phát triển con người. Tuy nhiên người linh mục cần sử dụng những của cải này với ý thức siêu thoát: kho tàng của ngài ở trên trời.
Trong tông huấn “những mục tử như lòng Chúa mong ước” Đức Gioan Phaolo II nhận xét: “nhờ được thánh hiến bởi Bí tích, linh mục nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu xét như đầu và mục tử … Và những cách ứng xử này được gồm tóm trong đức ái mục vụ của linh mục” (Số 21). Trong bối cảnh đó, sự tương hợp giữa ơn gọi linh mục và đời sống theo những lời khuyên Tin mừng sẽ chiếu tỏa rạng ngời. Đối với linh mục giáo phận cũng như đối với các tu sĩ, lời khuyên Phúc âm luôn luôn là xung lực diễn tả ước muốn dâng hiến trọn vẹn bản thân (độc thân khiết tịnh) trong sự hiệp thông với Giáo hội (tuân phục). Với sự ưu ái đặc biệt đối với những người nghèo khổ (khó nghèo). Đó là lời mời gọi triệt để bước theo Đức Kitô Giêsu Thượng Tế vĩnh cửu.