Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

CHỨC LINH MỤC CỘNG ĐỒNG CỦA CÁC TÍN HỮU ĐÃ ĐÓN NHẬN BÍ TÍCH THANH TẨY

  Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 143-149.

_J. b Nguyễn Đăng Trực_


Thánh Phêrô trong thư thứ nhất của ngài đã coi các Kitô hữu đã được thanh tẩy là những người thuộc hàng tư tế thánh thiện: “Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô… Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả là dân thánh” (1 Pr 2,5-9).

Công đồng Vat II trong sắc lệnh về Tông đồ giáo dân cũng khẳng định tương tự: “Giáo dân có bổn phận và quyền làm Tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là đầu, vì phép rửa tội sát nhập họ vào nhiệm thể Chúa Kitô và phép thêm sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, họ được thánh hiến vào chức vụ tư tế vương giả và dân tộc thánh (số 3).

Thông thường khi nghe các thuật ngữ “chức linh mục”, “người linh mục”, chúng ta nghĩ ngay đến những người đã lãnh nhận bí tích truyền chức thánh. Tuy nhiên, những trích đoạn trên đây qui chiếu về mọi Kitô hữu đã được thanh tẩy.

Để hiểu rõ hơn chức linh mục của giáo dân nghĩa là được dự phần vào chức linh mục của Chúa Kitô, trước hết chúng ta xét đến chức linh mục nói chung, tiếp đến là chức linh mục của Đức Kitô.

CHỨC LINH MỤC VÀ HY TẾ

Từ thời xa xưa, ý niệm chức linh mục đã được liên kết với ý niệm hy tế. Người cổ xưa, tự thâm tâm đã có ý niệm về một hữu thể hay thực thể tối thượng, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Do đó, họ cố gắng xin những ân huệ hay xin ơn tha thứ bằng nghi thức dâng hiến tế. Buổi lễ được tiến hành do một tư tế đã được chỉ định đại diện cộng đoàn trước thần linh của họ.

Theo bản năng tôn giáo tự nhiên, những dân tộc sơ khai này dâng hy lễ để làm nguôi lòng các thần minh hay tìm kiếm phúc ân trên mùa màng, hôn nhân hay chiến thắng chống lại kẻ thù. Thời nguyên thủy chức tư tế này được thực hiện bởi người chủ của gia đình và khi xuất hiện những cộng đồng rộng lớn hơn thì chức năng này được người đứng đầu cộng đoàn thực hiện.

CHỨC LINH MỤC TRONG CỰU ƯỚC

Ngoài bản năng tôn giáo tự nhiên, trong Cựu Ước của người Do thái, Thiên Chúa đã mạc khải cho nhân loại sự cần thiết phải dâng hy lễ, chỉ dẫn cách tiến hành lễ tế với những chi tiết bao quát và tỉ mỉ. Xem ra trong thời kỳ đầu của người Do thái, không có giai cấp tư tế. Chức linh mục của dân Do thái được thiết lập tại núi Sinai. Thiên Chúa chỉ thị cho Môisen chọn nhà Aaron thuộc dòng họ Lêvi thực hiện những qui tắc lễ nghi chứa đựng trong Lề Luật (Ex 28,41).

Từ đó về sau, các tư tế hay linh mục có ảnh hưởng rất lớn trong Israel, họ trở thành thầy dạy chính thức và giải thích lề luật là tiêu chuẩn điều hành cuộc sống và phụng tự trong dân Do thái. Các thành phần hàng tư tế là con cháu Aaron thuộc dòng họ Lêvi, theo chế độ cha truyền con nối. Sau này, để sự phục vụ trong đền thờ không bị gián đoạn, vua Đavid đã phân chia gia đình tư tế thành 24 tầng lớp, mỗi tầng lớp phục vụ một tuần lễ từ Sabat này tới Sabat sau. Nhiệm vụ của họ đòi hỏi kiến thức về những điều kiện cần thiết tiến hành các nghi thức hiến tế và tất cả các luật lệ điều hành phụng vụ trong đền thờ. Chỉ vị Thượng tế, người lãnh đạo tinh thần của dân chúng mới được xức dầu (Lv 2, 1, 10).

Sau thời lưu đày Babylon thế kỷ 6 trước Chúa Cứu thế, thầy thượng tế trở thành nhà lãnh đạo quốc gia.

Chức tư tế Cựu Ước giữ một vai trò quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa đối với dân Chúa trước khi Đức Kitô xuất hiện trên trần gian. Họ phục vụ trong vai trò chuẩn bị đường cho chức linh mục vương giả của Tân Ước.

CHỨC LINH MỤC CỦA CHÚA KITÔ

Đức Kitô không chỉ là linh mục của Luật mới, Ngài còn là Thượng tế duy nhất của Tân luật. Ngài là trung tâm duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Tất cả linh mục thuộc kỷ nguyên Kitô giáo đều dự phần vào chức linh mục của Ngài: mọi trung gian khác đều dự phần vào trung gian của Đức Kitô. Do đó thánh Toma Aquino đã coi Ngài là nguồn mạch của toàn thể chức linh mục. Vì linh mục của luật Cựu Ước chỉ là hình ảnh chức linh mục của Chúa Kitô. Còn linh mục của Tân Ước chỉ hành động nhân danh Ngài (S. T. III. A.22,4), không như các linh mục của Cựu Ước, Đức Kitô không phải là con cháu Aaron, thuộc chi tộc Levi. Sự kiện này hàm ý Ngài muốn bãi bỏ chức linh mục Aaron và thiết lập một trật tự mới. Thánh Toma viết: “Vì chức linh mục của Cựu Ước là hình bóng chức linh mục của Chúa Kitô nên Ngài đã không muốn sinh ra từ dòng dõi linh mục mang tính chất tượng trưng. Điều đó chứng tỏ chức linh mục của Ngài không giống chức linh mục của họ. Chức linh mục của Ngài khác hẳn như sự thật khác với hình bóng” (S. T.III, a.1, ad.2).

Cũng không giống các linh mục của Cựu Ước, họ phải đợi tới 20 tuổi mới được nhận vào chức vụ. Chức linh mục của Chúa Kitô khởi sự ngay giây phút nhập thể. Từ giây phút đó, toàn thể lễ phẩm là bản thân Ngài dâng lên Chúa Cha bắt đầu. Như thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Do thái: “Vì vậy khi vào trần gian, Đức Kitô nói, Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài như sách đã chép về Con” (Do thái 10,5-7).

Mọi hành vi của cuộc đời Đức Kitô trên trần gian là hành vi chức linh mục của Ngài, vì tất cả được hiến dâng vì mục tiêu ơn cứu độ. Và tất cả đã được hoàn tất trong hy tế Canvê, nơi mà Ngài vừa là tư tế vừa là lễ phẩm. Ngài đã hiến dâng bản thân Ngài, hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha vì ơn cứu độ trần gian.

Cũng không giống chức linh mục của Cựu Ước, chức linh mục của Chúa Kitô tồn tại mãi mãi (Do thái 7,24). Hiến tế trên đồi Canvê của Ngài có giá trị vô cùng vô tận. Và giờ đây khi đã về trời “Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Do thái 7,25).

DỰ PHẦN VÀO CHỨC LINH MỤC CỦA ĐỨC KITÔ

Có hai cách dự phần vào chức linh mục của Đức Kitô. Để hiểu điều này, trước hết, chúng ta phải xét đến một vài ý niệm căn bản về các bí tích, qua đó Đức Kitô chia sẻ chức linh mục của Ngài cho kẻ khác.

Có ba bí tích, người tín hữu chỉ có thể nhận lãnh một lần duy nhất trong đời người: Bí tích Thánh tẩy, bí tích Thêm sức, bí tích Truyền Chức thánh. Và lý do các các bí tích này chỉ được lãnh nhận một lần duy nhất, vì các bí tích này khắc ghi ấn tích vào linh hồn, không thể xóa được, không thể tiêu hủy những ấn tích này ở đời này hay đời sau. Vì thế, thánh Toma Aquino viết : “Ở đời sau, ấn tích vẫn tồn tại, hoặc ở trạng thái thánh thiện, tăng thêm vinh quang, hoặc ở trạng thái xấu xa, càng thêm hổ thẹn” (S.T.III 63, a.5, ad.3).

Dấu ấn bí tích này là khả năng thiêng liêng dự phần vào chức linh mục của Đức Kitô hay không. Đó cũng là khả năng cho phép người tín hữu tham dự vào việc phụng tự mà Đức Kitô hiến dâng cho Chúa Cha qua Giáo hội, đặc biệt qua thánh lễ và các bí tích khác.

a. Chức linh mục thừa tác

Để trường tồn hóa sự nghiệp tư tế, như Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, Đức Kitô đã thiết lập Giáo hội và ban chức linh mục để kéo dài hay tiếp tục chức linh mục của Ngài.

Trong bữa ăn cuối cùng, đêm trước ngày Ngài chịu chết, Đức Kitô thiết lập tế phẩm phụng tự (Thánh Thể) và chức linh mục Tân Ước. Bằng quyền năng biến bánh và rượu thành Mình và Máu Ngài, Ngài đã hiến dâng tế phẩm lên Chúa Cha vì tội lỗi nhân loại. Rồi Ngài nói với các Tông đồ: Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Như thế Ngài đã ban cho họ khả năng tác động cùng sự biến đổi để dâng lên cùng một hy tế.

Ngay sau khi Ngài Phục sinh, Ngài ban cho họ quyền năng tha tội (Ga 20,22), và trước khi về trời Ngài chỉ thị họ hãy đi rao giảng Tin mừng và rửa tội nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa, làm cho các dân tộc trở thành môn đệ của Ngài (Mt 28,19-20). Họ phải tiếp tục sứ vụ cứu độ tư tế của Ngài, “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Những quyền năng này được ban cho Giáo hội, theo cùng một thể thức khi được trao xuống cho các người kế vị qua bí tích truyền chức thánh, trong đó linh mục thụ phong nhờ Thánh Thần xức dầu, được ghi dấu ấn đặc biệt, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô linh mục. Ngài có thể hành động nhân danh Đức Kitô là đầu thân mình mầu nhiệm (Vat II, sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục, số 2).

Mặc dầu linh mục thụ phong là đại diện của cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của họ (qua hiến tế) và mang hồng ân Thiên Chúa xuống cho con người (qua bí tích), nhưng Ngài không phải là đại diện cộng đoàn theo nghĩa ngài được họ tuyển chọn hay nhận quyền năng từ họ. Ngài được Đức Kitô tuyển chọn (qua ơn gọi và được Giáo hội chấp nhận). Quyền năng của Ngài đến từ Đức Kitô qua Giáo hội mà Ngài đã thiết lập.

b. Chức linh mục của mọi tín hữu đã lãnh nhận bí tích thanh tẩy

Dấu ấn bí tích được lãnh nhận với bí tích thánh tẩy ban năng lực cho mọi tín hữu tham dự vào hiến tế của Đức Kitô, không như người thụ động nhìn xem, nhưng như người tham gia tích cực vào công trình Đức Kitô đã thực hiện như Đức Piô XII đã giải thích trong thông điệp về thân mình mầu nhiệm: “Bởi nước Thanh Tẩy, cũng như bởi quyền lợi chung, các Kitô hữu trở nên thành phần của thân mình mầu nhiệm Đức Kitô linh mục và nhờ ấn tích đã được khắc ghi vào tâm hồn họ được tuyển chọn để phụng thờ Thiên Chúa. Họ tham dự vào chức linh mục của Đức Kitô theo điều kiện của họ”.

Dấu ấn bí tích Thêm sức ban thêm năng lực và nghĩa vụ khiến người tín hữu có thể dự phần vào chức linh mục của Đức Kitô cách hoàn hảo hơn :

“Nhờ bí tích Thêm sức, họ gắn bó với Giáo hội cách hoàn hảo hơn, được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, do đó họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô” (Ánh sáng muôn dân, số 11).

Đức Kitô đã thi hành chức linh mục của Ngài khi hiến dâng chính bản thân Ngài cho Chúa Cha vì chúng ta. Khi tham dự vào chức linh mục của Ngài, chúng ta được mời gọi hiến dâng cuộc sống chúng ta cho Chúa Cha, không bằng sát tế thể lý như Đức Kitô đã thực hiện, nhưng hiến dâng những hy tế thiêng liêng. Công đồng Vat II thường nói về điều này :

“Các tín hữu tháp nhập vào Giáo hội, bởi phép rửa và nhờ ấn tích, họ được đề cử thi hành việc phụng tự Kitô giáo” (Ánh sáng muôn dân, số 11).

“Người đã lãnh nhận phép rửa, nhờ sự tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được thánh hiến để nhận chức tư tế thánh, hầu qua mọi hoạt động của con người Kitô hữu, dâng hy tế thiêng liêng và rao truyền những kỳ công của Đấng đã gọi họ từ bóng tối đến ánh sáng kỳ diệu của Ngài” (Lumen Gentium 10).

“Phép rửa tội sát nhập, họ vào nhiệm thể Chúa Kitô, phép Thêm sức làm cho họ nên mạnh mẽ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Họ được thánh hiến vào chức vụ tư tế vương giả và dân tộc thánh, hầu trong mọi công việc họ dâng những lễ vật thiêng liêng và làm chứng cho Chúa Kitô ở mọi nơi trên toàn cầu” (Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân, số 3).

Do đó việc nhận lãnh hai bí tích này cho phép mỗi người Kitô hữu được dự phần vào chức linh mục của Đức Kitô không chỉ cho họ khả năng tham dự tích cực vào hiến tế Thánh Thể nhưng còn cho mọi việc họ làm, một giá trị hy tế do sự hiệp thông với Đức Kitô linh mục.

Vì vậy mọi Kitô hữu đã nhận lãnh bí tích thanh tẩy có thể thi hành chức vụ linh mục của mình khi dâng mọi việc làm lên Thiên Chúa trong sự hiệp thông với Chúa Kitô linh mục.

Công đồng Vat II trong hiến chế tín lý về Giáo hội đã giải thích rõ ràng và đầy đủ những hiến tế thiêng liêng này như sau :

“Chúa Giêsu Kitô là Thượng tế vĩnh cửu vì cũng muốn giáo dân tiếp tục công việc chứng tá và việc phục vụ của mình, nên đã cho họ dự phần vào chức vụ tư tế để họ thực hành việc phụng tự thiêng liêng hầu tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi loài người. Bởi thế, vì giáo dân đã được thánh hiến cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu nên họ được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa trái nơi họ ngày càng phong phú hơn. Thực vậy, mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc Thiên Chúa, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô, được thành kính dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành phép Thánh Thể, như thế giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Ngài bằng hành động thánh thiện khắp nơi” (Hiến chế Tín lý về Giáo hội số 34).

Tóm lại, chức linh mục giáo dân bắt nguồn từ bí tích Thánh Tẩy khác biệt với chức linh mục thừa tác bắt nguồn từ bí tích truyền chức thánh. So sánh với chức linh mục giáo dân Cựu Ước, ta sẽ thấy điểm nổi bật của chức linh mục giáo dân Tân Ước. Dân tộc Israel chỉ là hình bóng Giáo hội, nhưng cũng được gọi là “Vương quốc tư tế và dân thánh” (Ex 19,6). Người Do thái được thánh hiến cho Thiên Chúa đã thiết lập với họ như dân được tuyển chọn để phụng thờ Thiên Chúa. Tuy nhiên, người Do thái với tư cách cá nhân không phải là linh mục đúng nghĩa vì họ không được phép hiến dâng hy tế trong đền thờ. Chức năng ấy chỉ dành cho con cháu Aaron, thuộc chi tộc Lêvi.

Còn chức linh mục giáo dân Tân Ước cho mỗi người Kitô hữu đã nhận lãnh bí tích Thanh tẩy khả năng dự phần vào hiến tế của Đức Kitô, hiến dâng lễ tế thiêng liêng do mọi việc họ làm trong sự hiệp thông với Đức Kitô linh mục.

TƯƠNG QUAN GIỮA CHỨC LINH MỤC THỪA TÁC VÀ CHỨC LINH MỤC GIÁO DÂN.

Chức linh mục tín hữu không cạnh tranh với chức linh mục thừa tác, nhưng bổ túc cho nhau. Đề cập tới chức linh mục tín hữu, Giáo hội muốn thừa nhận một ơn gọi phổ quát có thể đạt tới sự thánh thiện và phẩm giá cho cả hai chức linh mục. Cả hai chức linh mục chia sẻ cùng một chức linh mục của Chúa Kitô nhưng khác nhau về yếu tính chứ không chỉ về cấp độ mà thôi. Nói là khác nhau về yếu tính cũng không hàm ý chức linh mục thừa tác tốt hơn và thánh thiện hơn chức linh mục tín hữu, nhưng chỉ muốn nói là có một sự phân biệt.