Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

SỐNG CHIỀU KÍCH NHẬP THỂ TRONG NHỮNG ĐIỀU BÌNH THƯỜNG

Thời sự Thần học – Số 4, tháng 12/2009, tr. 20-28.

_Phêrô Phạm Duy Khánh_

Dẫn nhập

Cố thi sĩ Phùng Quán khi viếng linh cữu đạo diễn điện ảnh Trần Thịnh, hiệu là “Thịnh Râu” đã đọc một bài thơ như thế này:

…thế gian kim cổ triệu người chơi
Chơi như bạn mới là chơi hết cỡ.
Tất cả những gì bạn nếm trải cuộc đời
Tận cùng niềm vui
Tột cùng nỗi khổ
Với bạn cũng chỉ là chơi.
Và không còn cách gì chơi mới nữa
Bạn chơi ung thư…

Trong bài thơ điếu đọc trước linh cữu ấy, dường như nhà thơ Phùng Quán đã khắc hoạ cho người nghe thấy con người và tính cách của đạo diễn Trần Thịnh. Tất cả cuộc đời của ông là một cuộc rong chơi như một đứa trẻ giữa chợ đời. Cuộc chơi của một đứa trẻ khác với cuộc chơi của một người lớn đầy lý luận, suy tính. Trẻ - chơi hết mình, hoà mình vào cuộc chơi bằng tất cả những gì chúng có. Quên thời gian và không gian. Chúng đưa cả những cuộc chơi vào trong những giấc mơ, để lâu lâu người lớn nhận thấy chúng giật mình thảng thốt, huơ tay múa chân ngay cả trong chính giấc ngủ của mình.

Cuộc nhập thể của Đức Giêsu cũng là một cuộc chơi hết mình như vậy. Một cuộc chơi không bám chấp để rồi mình thấy thong dong ở chính cách chơi của mình. Và phải chăng với thái độ ‘chơi’ như thế ngay trong chính cuộc nhập thể nên Đức Giêsu rất yêu quý trẻ em (xc. Lc 18,16)? Nếu quả thế, thiết nghĩ mỗi người lớn cũng cần sống hành trình đức tin của mình bằng những lần nhập thể vào vị thế trẻ thơ, chơi hết mình trong hoàn cảnh của mình. Chơi trong những gì tưởng như bình thường.

1. SỰ BÌNH THƯỜNG “CHẾT NGƯỜI”

Cuộc sống của mỗi người được kéo dài bằng những chuỗi ngày, công việc rất đỗi bình thường. Xin thử liệt kê vui như sau :

Trong nhà Dòng hoặc nơi những người tu trì, sáng sớm các tu sĩ đã phải thức dậy, lục tục chuẩn bị lên nhà nguyện đọc kinh, dâng lễ sáng. Kinh nghiệm không ít người cho thấy, việc dậy sớm là một trong những yếu tố nặng nề trong đời tu, nếu chỉ dăm ba bữa, nửa tháng thì không sao, đàng này cả đời. Đôi khi muốn nằm ỳ, muốn để cho cơn buồn ngủ được đẫy giấc nhưng không thể được. Phần vì lương tâm thúc đẩy, phần vì tiếng chuông báo thức ai gõ cứ đều đều, dai dẳng; thêm nữa, tiếng bước chân của anh em hay chị em lên Nhà Nguyện cứ lệt quệt khiến ta muốn ngủ nữa cũng không được, thà dậy quách đi cho xong. Thế nhưng, mọi chuyện đâu có dừng tại đây. Lên Nhà Nguyện, nhìn thấy những bộ mặt còn ngái ngủ, giọng đọc rệu rã, rời rạc, thật Chúa đâu chẳng thấy, chỉ muốn về lại phòng, đánh một giấc cho sướng mắt. Sự bình thường chết người ấy đâu chỉ có thế rồi chấm dứt, mà nó còn kéo dài cả ngày. Trong một ngày nơi những người “bước theo Chúa”, ta phải kể ra những lúc vội vàng xuống nhà cơm khi có chuông báo, tranh thủ thời gian để chuẩn bị bài vở đi dạy hay học; rồi làm bài, làm những công việc riêng, thúc giục anh (chị) em lao động hàng ngày hoặc bị réo gọi mỗi khi ta vô tình hay cố ý bỏ qua bổn phận của mình… Quả thật với chuỗi ngày như thế, “tu” cũng dễ gây “chết người” lắm.

Tu” đã thế, “đời” cũng không khá hơn mấy. Người ta nói rằng, không có gì chán cho bằng nhìn thấy khuôn mặt “khả ái” của người vợ khi họ mới ngủ dậy. Mắt sưng hum húp, đầu tóc rối bù. Ấy thế mà các anh chồng vẫn phải nhìn vào đó để suy tính xem hôm nay ta phải làm gì, phải giải quyết công việc thế nào để có tiền về nuôi “mẹ con nhà nó”. Dẫu có tính trước, vạch vẽ đủ đường nhưng việc làm ăn đâu dễ xuôi theo những gì ta tính. Có những lúc vô mánh, có những lúc trắng tay, có những lúc bị công việc quật ngã, và không thiếu những lúc phải chịu đựng sự nhàm chán khi phải làm việc chỉ với một hoặc hai thao tác trong suốt cả ngày. Đó là chưa kể trong gia đình những lúc con đau, con quậy phá bị hàng xóm, nhà trường mắng vốn; những lúc cơm không lành, canh không ngọt giữa vợ và chồng; những lúc thiếu trước hụt sau… những điều kể trên không phải là hiếm trong mỗi gia đình, và hoàn cảnh nào cũng có thể dẫn đến “chết người” cả. Chẳng thế mà nhìn những đôi vợ chồng sau một vài năm chung sống, hiếm khi ta lại được trông thấy nơi họ nụ cười hạnh phúc như trong ngày Tân hôn.

Có thể tôi hơi bi quan, nói quá, thứ tự và công việc kể trên có thể khác đôi chút nhưng đại loại là như thế. Chúng ta không thể làm khác hơn được, không thể muốn chơi là chơi, muốn làm thì làm, bởi cuộc sống là vậy. Và những ngày bình thường như vậy tạo nên cuộc sống của ta. Thỉnh thoảng có một vài ngày trong tuần, trong một tháng hay một năm, làm cho ta hứng khởi hơn đôi chút, và thấy rằng cuộc sống đáng yêu hơn.

Với những chuỗi ngày bình thường, những công việc đều đặn như vậy chắc chắn sẽ đưa những con người sống trong đó đến chỗ nhàm chán, buồn bực, có thể bị stress. Điều này sẽ khiến chúng ta không còn cảm thấy ngạc nhiên khi một số công ty Nhật Bản huấn luyện cho công nhân của mình làm đủ mọi loại công việc trong công ty, từ lao công đến quản lý công xưởng. Một trong những lý do để giải thích điều này là nếu được huấn luyện như vậy, công nhân của họ sẽ không cảm thấy nhàm chán trong công việc. Cá nhân người viết nghĩ, với cách làm như vậy, chắc hẳn những công ty đó sẽ thành công, chí ít cũng giải toả được những căng thẳng của công nhân. Họ sẽ tìm thấy khả năng tìm tòi và sáng tạo của bản thân khi bước chân vào công sở. Họ sẽ không còn cảm thấy khối nhà to đùng và kỳ dị kia đang cướp mất tuổi xuân, công sức của mình. Vì thế có thể nói, giải quyết sự khủng khiếp bình thường hàng ngày là chúng ta có thể tạo ra niềm vui, hạnh phúc cho cuộc đời mình. Thế nhưng có mấy ai đủ bản lĩnh để thắng vượt những khốn khổ bình thường đó.

Tương tự, trong đời tu cũng vậy, không thiếu những người bước sang ngày mới chỉ là do ngày mới đó tự nó tới. Những công việc đơn điệu hàng ngày đã làm cho họ không còn cảm giác về thời gian. Hôm qua thì xong rồi, ngày hôm nay mặc kệ, ngày mai cứ để ngày mai lo. Họ chán nản, không còn tìm thấy chút ý nghĩa nào trong từng giờ phụng vụ, từng khoản công việc mà họ đang thực hiện. Vì thế việc họ trở nên khó tính, gắt gỏng, khó chịu với người khác trong cộng đoàn là điều không tránh khỏi. Điều này dẫn đến việc họ mất đi ý nghĩa trong đời tu. Vậy có cách nào thoát khỏi những điều bình thường chết người ấy không? Hay những điều bình thường ấy có ý nghĩa nào trong cuộc sống chúng ta ?

2. Nên thánh TỪ NHỮNG ĐIỀU BÌNH THƯỜNG

Có lẽ bạn đọc cùng đồng ý với tôi rằng các thánh- trước khi trở thành những người phi thường, đều có xuất phát điểm là những người bình thường, có khi là tầm thường nữa. Thánh Mác-ti-nô Po-rét là một ví dụ. Khi được sống năm tập tại Tu viện mang tên ngài, tôi mới có dịp tìm hiểu sâu về cuộc đời của ngài. Ngài - một người da đen, có nhân thân chẳng lấy gì làm tự hào, và hoàn cảnh sống bình thường. Không ai có thể tưởng ra được rồi đây ngài sẽ trở thành vị đại thánh của những người nghèo, đau yếu và cùng khổ nói chung và của những người dân Bắc Mỹ và Nam Mỹ nói riêng. Khởi đầu con đường nên thánh của thầy Mác-ti-nô có lẽ phải nói đến việc chí thú nơi những việc thường hèn trong vai trò là thầy trợ sỹ tại tu viện Đức Mẹ Mân Côi ở Li-ma. Tuy là thế, nhưng khi nhắc đến thánh Mác-ti-nô, người ta thường lưu tâm đến khía cạnh bác ái trổi vượt của ngài. Vì vậy, mẫu gương nên thánh từ những điều bình thường mà người viết yêu thích hơn đó là mẫu gương của thánh Gio-an Mai-san, cũng một tu sĩ dòng Đa-minh.

Kể về thánh Gio-an Mai-san là người ta kể về quãng thời gian 22 năm mà thầy trợ sĩ Gio-an coi cổng tu viện Ma-ri-a Ma-đa-lê-na ở Li-ma. Tận tuỵ với công việc, hiếu hoà với mọi người khi họ tìm đến Tu viện là những điểm nổi bật nơi thánh nhân. Hai mươi hai năm, quãng thời gian đủ dài để thầy có thể tiếp xúc với đủ mọi hạng người : lớn, bé, già, trẻ, nóng tính- gắt gỏng, hiền lành- rụt rè… tất cả mọi người đều được thầy ân cần đón tiếp như đón tiếp chính Đức Ki-tô vậy. Quả là công việc phi thường.

Gần đây, năm 1961, Giáo hội đã tuyên bố thầy Buốc-giô-nê, một tu sĩ trẻ dòng Phan-sinh là Bậc Đáng Kính. Thầy đã sống thánh thiện một cách anh hùng bằng cách luôn luôn chu toàn bổn phận hàng ngày của mình một cách trung thành. Thầy Ga-bri-en Pốt-sen-ti, một tu sĩ trẻ thuộc dòng Chúa Thương Khó được phong thánh năm 1920, được Giáo hội tuyên bố rằng điều phi thường duy nhất mà ngài đã làm là “tuân giữ đúng luật dòng, đồng thời yêu Chúa Giê-su và Mẹ Ma-ri-a hết lòng.” Thêm nữa, tổng kết trong suốt 26 năm làm giáo hoàng của Đức Gio-an Phao-lô II, người ta thống kê, Ngài đã phong Hiển thánh cho 482 vị và 1338 Chân phước. Trong số đó có nhiều vị đã là những chứng nhân trong hoàn cảnh bình thường. Họ có thể là những giáo sĩ, tu sĩ, thậm chí cả giáo dân. Số vị được phong là giáo dân không phải để cho có, nhưng là vì sự minh chứng của họ về Đức Ki-tô trong nếp sống hôn nhân, lao công vất vả ngày càng rõ nét.

Vâng, các thánh đã sống và nên thánh trong những điều kiện rất đỗi bình thường như vậy. Phương cách biến những điều bình thường thành những điều phi thường ấy ta có thể gặp thấy ở bất cứ vị thánh nào. Bởi chẳng ai sinh ra để trở thành người phi thường ngay. Tất cả mọi người hiện diện nơi cuộc sống này đều có những việc bình thường thuộc về bổn phận, vai trò tuỳ theo vị trí của mình. Do vậy, khi tìm hiểu về cuộc đời các thánh, ta sẽ không cảm thấy mặc cảm, tự ti khi cho rằng việc nên thánh chỉ dành riêng nơi một số người được tuyển chọn, không phải của mình, còn lâu ta mới có thể làm thánh. Trái lại, khi biết xuất phát điểm, con đường nên thánh của một số vị kể trên, chúng sẽ càng mang lại cho ta một niềm hy vọng- hy vọng nên thánh ngay trong chính những điều bình thường. Đây là điều mà chúng tôi gọi là sống chiều kích nhập thể.

Cũng cần nhớ rằng, theo như cách nói của thánh Phao-lô (Xc. Rm 6, 3-5), việc nên thánh đã được thành tựu trong ta ngay từ khi lãnh Bí tích Rửa tội[1]. Nhờ bí tích này, mỗi người tín hữu được kết hợp với Đức Ki-tô, trở nên một thân thể với Ngài. Sau này dẫu cho ta có bê tha, tội luỵ đi nữa thì cái “chất thánh” vẫn còn đó, và chúng như một lời mời gọi ta tìm ra nẻo đường để nên thánh của mình. Và như trên đã trình bày, dường như nẻo đường Bình Thường là nẻo đường nên thánh dễ dàng dành cho tất cả mọi người vậy. Nẻo đường ấy cũng là nẻo đường giúp người ta sống chiều kích nhập thể vào trong chính cuộc sống này.

3. NẺO ĐƯỜNG BÌNH THƯỜNG

Phải nói trước rằng, nẻo đường Bình Thường chẳng phải là nẻo đường mới mẻ do người viết tự phác hoạ ra, mà nẻo đường này đã có từ lâu, và đặc biệt được để ý tới từ thập niên 20 của thế kỷ trước, khi Giáo hội phong thánh cho tu sĩ Ga-bri-en Pốt-sen-ti. Về sau, nẻo đường này càng rõ nét hơn khi Giáo hội xem xét kĩ lưỡng nhân đức của Chân phước An-tô-ni Si-a-nen-li. Vì vậy, khi viết về chân phước Bê-nin-đô, Đức Pi-ô XII đã gọi vị Sư Huynh của các trường học Công giáo này là :

“Một đầy tớ khiêm tốn của Chúa đã sống một cuộc đời đơn sơ và âm thầm một cách thông thường và bình thường… Phải nỗ lực thế nào để chu toàn bổn phận khủng khiếp, đơn điệu và ngột ngạt này? Cần phải có một nhân đức phi thường không phải để hành động một cách sơ suất, cẩu thả, hời hợt… mà trái lại, là hành động với sự chăm chú, sùng mộ, và tinh thần nhiệt thành từ bên trong.”[2]

Nhân đức phi thường mà đức Pi-ô XII vừa nhắc đến, trước hết đó là sự kết hợp hài hoà giữa ý ta và ý Chúa. Để đạt được điều ấy, ta cần lắng lòng, nghe ngóng sự hiện diện của Chúa nơi ta, nghe Chúa qua tiếng nói của lương tâm, qua những ước vọng của kẻ này người nọ, qua các biến cố thường nhật. Sách Gương Phúc của tác giả Tô-ma Kem-pơ gọi đó là diễm phúc của những người có thói quen quay về với Thiên Chúa, chịu bỏ thời giờ và bố trí cho lòng mình có được những tâm tình cần thiết hầu lắng nghe tiếng Chúa :

Phúc cho ai nghe được tiếng Chúa nói với mình bên trong lòng. Phúc cho người nhận từ miệng Chúa lời an ủi. Phúc cho tai chăm chú nghe, không phải tiếng nói bên ngoài, mà sự thật ở nơi mình. Phúc cho ai hiểu thấu những mầu nhiệm mà con tim cất giữ, và bằng thao dượt hàng ngày, chuẩn bị cho mình ngày càng hiểu được những bí mật của thiên giới. Phúc thay kẻ lấy làm vui mà lo đến Thiên Chúa.[3]

Thứ đến, sự hoà hợp giữa ý ta và ý Chúa cần phải được thể hiện trong việc chu toàn một cách thường xuyên và nghiêm túc những bổn phận hàng ngày trong bậc sống của mình. Người ta thuật lại rằng vào giữa thập niên 1920, Chúa đã hiện ra với nữ tu Ma-ri-a thương khó (tức chị Lu-ci-a, người nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra tại Fa-ti-ma). Chúa yêu cầu mọi người “Sám hối về những bổn phận hàng ngày”. Vậy, những bổn phận hàng ngày là gì? Bổn phận hàng ngày là những hoạt động rất đa dạng. Có thể kể ra đây những điều răn của Chúa và khuyên nhủ của Giáo hội; những bổn phận trong nghề nghiệp hay ơn gọi của ta ; những nhân đức cần có lúc ở nhà, khi đi làm, khi cử hành phụng vụ, khi vui chơi; nó cũng là những cơ hội khác nhau để ta làm điều thiện từ ngày này qua ngày khác, hoặc những hình thức làm tông đồ khác nhau phù hợp với ơn gọi của mỗi người… Nếu đạt được những điều ấy, thiết nghĩ có đủ yếu tố để có thể nói rằng, một ai đó đã tiến bước trên con đường nên thánh. Bởi sự thánh thiện hệ tại ở đức ái nhiệt thành và hữu hiệu, thể hiện sự chu toàn các bổn phận như lời Chúa nói : “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy” và “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14, 21.23).

Kế đến, việc chu toàn bổn phận hàng ngày đòi hỏi phải sống thánh thiện một cách anh hùng, vì việc làm nên trọn lành không thể hoà chung với bất kỳ một tội lỗi hay thiếu sót nào. Bởi khi phạm đến tội là ta cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa, mất sự sống vĩnh cửu, nghĩa là mất hạnh phúc, cứu cánh của mình. Do vậy, thánh Âu-tinh có nói : “Phàm ai đã dấn thân trên hành trình tiến đức, thì không những phải lo tránh tội trọng, mà còn phải tránh xa tội nhẹ, xét vì nó ngăn cản sự tăng trưởng của đức ái.”(Xc. GLCG, số 1863). Thế nhưng đã là con người, bao lâu sống trong thân xác này, có ai tránh bỏ được tội lỗi? May thay Kinh Thánh cho ta thấy dung mạo của Thiên Chúa, là Đấng rất mực từ bi, nhân hậu. Người luôn mở rộng vòng tay chờ đón những người con đi hoang trở về. Điều quan trọng là những người con đi hoang ấy phải có tâm tình thống hối về những lỗi đã phạm ; biết hoán cải mỗi ngày và biết tìm đến Bí tích Hoà giải như là những phương thế giúp ta trở về với Chúa.

Cuối cùng, chúng ta luôn biết chắc một điều là không có nẻo đường trọn lành (tu đức) nào có thể dẫn đến Thiên Chúa nếu không có sự chỉ lối của Thánh Linh. Do vậy, chúng ta cần phải cầu nguyện, bàn hỏi, nghe và làm theo lời chỉ dẫn của Ngài. Những điều đó thường sẽ giúp chúng ta giải quyết được những u uẩn, hoài nghi, chán nản trong hoạt động thường nhật.

TẠM KẾT

Sống chiều kích nhập thể bằng việc bước đi trên nẻo đường Bình Thường, có nghĩa là chúng ta tin rằng bất cứ điều gì xảy đến cho chúng ta trong quá khứ, hiện tại (ngoại trừ tội lỗi của mỗi người) đều do ý định quan phòng của Thiên Chúa. Hoàn cảnh sống, năng khiếu, tri thức… không có gì là không thể làm sáng danh Chúa và thánh hoá chính bản thân. Điều này có nghĩa là chúng ta không nên cố gắng hoàn thiện đến nỗi nếu không đạt như ý nguyện thì bực bội, buồn chán. Trái lại, chúng ta cần biết chấp nhận hoàn cảnh thực tại- những gì Chúa muốn nơi chúng ta, lắng nghe và thực thi ý Chúa đó là chúng ta đang bước những bước tiến trên con đường tu đức rồi.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, tất cả những điều trình bày ở trên sẽ trở nên vô ích, chẳng chút ý nghĩa nào nếu mỗi người đi trên con đường này không thấy Đức Ái như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, dẫn đường. Bởi có đủ mọi lý lẽ, ý muốn ngay lành trên nẻo đường bình thường mà không có Đức Ái thì cũng chẳng ích gì (Xc. Ga 13,3). Số 4 trong Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân của Công đồng Va-ti-ca-nô II, bàn về đời sống tâm linh của các tín hữu có viết :

Được thúc đẩy nhờ tình yêu do Chúa ban, họ thực hành điều tốt cho hết mọi người, đặc biệt cho những anh em trong đức tin (xc. Gl 6,10), loại bỏ “hết mọi gian tà, xảo quyệt, giả dối ghen tương và bơi móc” (1Pr 2,1). Như thế họ lôi kéo người ta về với Đức Ki-tô, lòng yêu thương “được đổ tràn xuống tâm hồn ta nhờ Thánh Thần được trao ban” (Rm 5,5), tạo cho các giáo dân có khả năng diễn tả tinh thần các chân phúc ra cuộc sống. Theo chân Đức Ki-tô khó nghèo, họ không bị vùi dập khi thiếu thốn, cũng không kiêu căng khi dư dật; bắt chước Đức Giê-su khiêm tốn, họ không phô trương khoe khoang (xc. Gl 5,6) nhưng tìm cách làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn là người đời, sẵn sàng từ bỏ mọi sự vì Đức Ki-tô (xc. 14,26) và chịu bách hại vì chính nghĩa (xc. Mt 5,10) [4]

Với ý nghĩa như trên, ta thấy chính Đức Ái khi được gắn vào “nẻo đường bình thường” mà nhiều người lãng quên, xem nhẹ này sẽ khoác cho chúng những giá trị đem lại nhiều lợi ích và ý nghĩa cho những ai bước trên nẻo đường ấy.

Để kết thúc, người viết xin được “đọc sách giùm bạn” khi trưng dẫn ra đây một vài gợi ý chỉ nam giúp bạn đọc bước đi hăng hái trên nẻo đường Bình Thường.

i. Bạn hãy khởi đầu một cách thật tốt đẹp cách cương quyết chu toàn các bổn phận hàng ngày của mình.

ii. Bạn hãy đón nhận mỗi ngày như nó là món quà chính từ bàn tay Chúa gửi đến bạn. Hôm qua đã qua đi rồi, còn ngày mai thì chưa đến.

iii. Ngày nào bạn cũng hãy hành động như thế đó là ngày duy nhất của cuộc đời bạn.

iv. Hãy đưa đức tin và tình yêu vào trong những bổn phận hằng ngày của mình nhiều chừng nào có thể.

v. Bạn sẽ nhận thấy những việc ấy càng ngày càng trở nên dễ dàng hơn, nhiều điều năm trước dường như không làm được thì năm nay trở nên dễ dàng thực hiện hơn.

vi. Dù sự việc có diễn tiến tồi tệ đến đâu, bạn cũng đừng bao giờ bỏ cuộc. Chúa luôn ở với bạn.

_______________________________

[1] Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập 4, Roma 2004, tr. 165.

[2] Kilian Mc Gowan, CP., Nên thánh thời đại mới, dịch giả : Lm JBM Trần Minh Cương, tr. 294-295.

[3] Trích lại Louis Marie Parent, Theo gót Chúa Giêsu, lưu hành nội bộ, tr.6.

[4] Xem thêm : Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, số 8 ; sắc lệnh về việc canh tân dòng tu, số 25.