Văn kiện của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh
Thời sự Thần học – Số 87, tháng 2/2020, tr. 219-223.
_Tsth_
Tựa đề của văn kiện muốn nói lên hai tiêu chuẩn định hướng cho việc soạn thảo.
Câu hỏi “con người là chi?” đã được nêu lên trong triết học từ thời xa xưa. Con người muốn biết về ý nghĩa cuộc đời, về tương quan xã hội. Vào thời nay, công đồng Vaticanô II, đặc biệt là trong hiến chế Gaudium et spes, lại gợi lên những câu hỏi thế giới đặt ra liên quan đến nguồn gốc, con người, hoạt động của nó, ý nghĩa của những mối tương quan xã hội và lịch sử. Công đồng cũng đã gợi lên câu trả lời của mặc khải Kitô giáo, dựa theo ý tưởng con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Đức thánh cha Phanxicô muốn Ủy ban đào sâu thêm vấn đề, dựa theo Kinh Thánh. Giáo hội muốn lắng nghe Lời Chúa cũng như lắng nghe lịch sử, để tìm hiểu chương trình của Thiên Chúa về con người, ngõ hầu cung cấp cho thế giới một sứ điệp ánh sáng và hy vọng. Thực vậy, trong Kinh Thánh chúng ta có thể tìm thấy một cái nhìn toàn diện về phẩm giá con người, về những mối tương quan của con người cũng như cứu cánh của cuộc đời.
Tiêu chuẩn thứ hai liên quan đến phương pháp. Việc nghiên cứu Kinh Thánh đòi hỏi một “hành trình” nghiêm túc, chứ không thể dừng lại ở việc trích dẫn một vài câu văn lẻ tẻ. Vì thế, trước hết cần phải khởi đi từ những đoạn văn nền tảng kể lại nguồn gốc con người; đến khi khảo sát các đề tài cụ thể, cần phải theo dõi một lộ trình từ truyền thống Tora rồi đến các ngôn sứ, các sách khôn ngoan của Israel, cho đến mặc khải hoàn bị trong Tân Ước và các thư các thánh Tông đồ, và không quên những văn thể khác nhau của Kinh Thánh.
Bố cục của văn kiện như sau. Sau Nhập đề (§§ 1-13) xác định vài nguyên tắc căn bản của việc giải thích Kinh Thánh, văn kiện được phân chia làm bốn phần, dựa theo lược đồ của các chương 2 và 3 của Sách Sáng thế.
Chương thứ nhất (§§ 14-68), cho thấy khái niệm về con người như là thụ tạo của Thiên Chúa với hai thành tố: một đàng con người được làm nên bởi “bụi đất” nghĩa là mỏng giòn, chết chóc đã nằm trong cấu trúc của nó; đồng thời, con người đã nhận được “hơi thở” của Thiên Chúa, nghĩa là được kêu gọi vào đời sống bất diệt. Văn kiện khai triển hai khía cạnh ấy: con người mỏng dòn, yếu ớt, sợ chết; đồng thời con người nhận được hơi thở của Thiên Chúa, có khả năng ngôn sứ, minh triết, và chứa đựng trong mình một nguyên ủy bất tử.
Chương thứ hai (§§ 69-149) cho thấy con người, theo sách Sáng thế, được đặt ở trong vườn, nghĩa là trên địa cầu. Văn kiện xét đến đề tài lương thực, bởi vì cái vườn là nơi mà con người được nuôi sống. Ngay cả vào thời đại hôm nay, lương thực là một câu chuyện nhân sinh rất quan trọng, xét vì một bên là vấn đề thiếu lương thực, bên kia là lương thực cũng đã được cải thiện về phẩm chất. Tiếp theo là đề tài lao động, bởi vì con người được đặt trong vườn để làm việc. Điều này có nghĩa là gì? Lao động có ý nghĩa gì trong lịch sử loài người? Sau cùng, con người được đặt trong vườn, tiếp xúc với các động vật, và các loài thụ tạo khác. Điều này nói lên những hồng ân của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng vạch ra trách nhiệm của con người để tuân theo kế hoạch của Đấng Tạo thành.
Chủ đề của chương thứ ba (§§ 150-265) phức tạp hơn cả, bởi vì nói về các mối tương quan nhân bản. Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ, nghĩa là con người sống có gia đình, với tương quan tình yêu nòng cốt là vợ chồng, rồi từ đó sinh ra con cái, tạo ra tương quan giữa cha mẹ và con cái, cũng như tình yêu huynh đệ giữa các anh chị em. Ba chiều kích tình yêu vừa nói – vợ chồng, cha mẹ con cái, anh chị em – phần nào tạo ra chương trình mà Thiên Chúa đề ra cho con người, và là một thách đố để cho con người thể hiện. Vì thế trong chương này, văn kiện nghiên cứu các đề tài giá trị của phái tính cũng với những hình thức lệch lạc của nó, sự cấu tạo xã hội theo khuôn mẫu gia đình, luân lý huynh đệ đối lại với bạo lực.
Chương thứ bốn (§§ 266-346) mang chủ đề là lịch sử con người. Con người có nghĩa vụ phải tuân hành lệnh truyền của Thiên Chúa. Thế nhưng Kinh Thánh nói đến sự khó khăn của con người trong việc thi hành luật Chúa, kéo theo nhiều hệ quả bi đát, được diễn tả qua các từ ngữ như là cằn cỗi, đau khổ, chết chóc. Thiên Chúa can thiệp ra sao vào lịch sử này? Thưa là nhờ một tiến trình cứu độ, nhờ vậy mà bức tranh tang thương của con người biến thành nơi chiến thắng của ân sủng, tha thứ. Như thế, lịch sử không còn là lịch sử của con người khốn nạn, nhưng là lịch sử của sự biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa nơi con người.
Văn kiện này khá dài, và có lẽ làm nản lòng người đọc, nhất là khi họ muốn tìm hiểu một giải đáp cho vấn nạn cụ thể, dựa theo những vấn đề thời sự nóng bỏng (chẳng hạn như Kinh Thánh có cho phép ly dị không? Kinh Thánh có lên án hôn nhân đồng tính không?).
Dĩ nhiên văn kiện không thể nào trình bày tất cả mọi vấn đề nhân sinh. Có những câu hỏi do con người thời nay đặt ra, nhưng sẽ không có câu trả lời chính xác trong Kinh Thánh, bởi vì những điều kiện văn hóa thời xưa không giống như của chúng ta. Vì thế, khi đọc Sách Thánh, chúng ta cần lưu ý đến sự khác biệt không những giữa thời xưa với thời nay, mà ngay cả sự khác biệt giữa kế hoạch Thiên Chúa dành cho loài người và kế hoạch dành riêng cho mỗi người. Mặt khác, Kinh Thánh cung cấp một vài nguyên tắc để suy tư, và cần được diễn giải nhờ các nhà thần học và các mục tử. Dù sao, điều quan trọng là đừng nên tách rời từng đoạn văn hoặc từng câu chuyện rời rạc, nhưng cần có cái nhìn toàn thể tư tưởng Kinh Thánh về con người, từ những trang đầu cho đến trang cuối cùng, tức là sách Khải huyền.
Trong bài giới thiệu văn kiện, ĐHY Luis Ladaria Ferrer, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, nói rằng mục tiêu của nó là cho thấy “vẻ đẹp và phức tạp của Mặc khải Thiên Chúa về con người. Vẻ đẹp mời gọi chúng ta thán phục công trình của Thiên Chúa. Sự phức tạp thúc đẩy chúng ta hãy khiêm tốn chấp nhận công cuộc tìm hiểu, đào sâu và truyền đạt.. Văn kiện này cung cấp một dụng cụ cho các giáo sư thần học, giáo lý viên, sinh viên, một cái nhìn bao quát về kế hoạch của Thiên Chúa, bắt đầu từ lúc tạo dựng, được thể hiện trong dòng thời gian, cho đến khi hoàn tất trong Đức Kitô là con người mới, là chìa khóa, trung tâm và cứu cánh của lịch sử nhân loại” (Gaudium et spes, số 10).
Thực vậy, từ trong Kinh Thánh, chúng ta không thể rút ra một định nghĩa đơn thuần về bản tính con người, cho bằng một cái nhìn về con người dưới những mối tương quan khác nhau. Mặt khác, chính qua lịch sử mà ta nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa đang tiến đến sự sung mãn. Chân lý về con người có thể tìm thấy nơi danh hiệu là “con cái Thiên Chúa” (1Ga 3,1). Con người không chỉ là thụ tạo, không chỉ là hữu thể có lý trí và ý chí, không chỉ là con cái của loài người, mà còn là con cái của Đấng Tối cao, giống như Ngài. Thật khó hình dung được con người giống Thiên Chúa như thế nào, nhưng điều này sẽ được tỏ lộ vào lúc hoàn tất cuộc hiện hữu, khi mà hình bóng nhường chỗ cho thực tại, và chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa nhãn tiền (1Cr 13,12).