Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

SỰ HÌNH THÀNH TRIẾT HỌC KITÔ GIÁO

Thời sự Thần học - Số 85, tháng 08/2019, tr. 21-56. 

_Phan Tấn Thành_ 

Có triết học Kitô giáo không? Nếu có thì bắt đầu từ lúc nào?
Ta có thể trả lời CÓ hoặc KHÔNG tùy theo cách hiểu ý nghĩa của từ “triết học”.
1/ Có ít là hai lý do để trả lời KHÔNG. Thứ nhất, Kitô giáo không phải là triết học, hiểu như một hệ thống tư tưởng (chẳng hạn như: Platon, Aristote, Marx). Kitô giáo là một “tôn giáo” rao giảng ơn cứu độ cho loài người. Thứ hai, Kitô giáo không phải là triết học, bởi vì đặc điểm của suy tư triết học là tự do truy tầm chân lý, không bị ràng buộc bởi một yếu tố ngoại lai nào. Đang khi đó, “các chân lý Kitô giáo” được mặc khải từ trời, và lý trí bắt buộc chấp nhận chứ không thể nói ngược lại.
2/ Có ít là hai lý do để trả lời CÓ. Thứ nhất, trong suốt lịch sử của thiên niên kỷ thứ nhất, nhiều tác giả đã trình bày Kitô giáo như philosophia theo nguyên ngữ của nó, nghĩa là tìm kiếm và yêu mến Sophia (tiếng Hy Lạp, tương đương với: Sapientia tiếng Latinh, Sagesse tiếng Pháp, Wisdom tiếng Anh). Cựu Ước đã nói đến một Đấng Sophia bên cạnh Thiên Chúa (x. Sách Huấn ca, chương 24; sách Khôn ngoan 7,22-8,8). Sang Tân Ước, thánh Phaolô đã chứng tỏ rằng Đức Kitô là Sophia của Thiên Chúa (1Cr 1,24; Cl 2,3). Công cuộc tìm kiếm và yêu mến Đấng Sophia sẽ đưa đến sự gắn bó với Ngài, và dĩ nhiên, khiến cho con người trở nên hoàn thiện, hạnh phúc. Thứ hai, Kitô giáo chứa đựng một toàn bộ tư tưởng có hệ thống liên quan đến Thiên Chúa, con người, vũ trụ, lịch sử.
3/ Cuộc tranh cãi giữa hai ý kiến vừa nói có thể khai triển thành nhiều pho sách. Trong bài này, chúng tôi chỉ muốn trình bày một khía cạnh lịch sử thiết tưởng vẫn còn ý nghĩa với chúng ta hôm nay, đó là tìm hiểu thái độ của các giáo phụ đối với triết học đương thời. Trước khi vào vấn đề, thiết tưởng cần thêm hai ghi nhận: a) Các giáo phụ là ai? b) Các ngài đã đối thoại với triết học nào?