Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

SUY NGHĨ VỀ CÔNG CUỘC TIN MỪNG HÓA CỦA GIÁO HỘI TRÊN QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM

Thời sự Thần học – Số 1, tháng 8/1994 , tr. 73-85 

_Lê Quang – Đỗ Minh_ 


"Cảo thơm lần giở trước đèn", chúng ta có thể gặp thấy rải rác đây đó khắp trong Sắc Lệnh Ad Gentes về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, khá nhiều những từ ngữ nhà nông như: gieo trồng, gieo mầm, gieo vãi, vun tưới, thu gặt....điều này nhìn thoáng qua, dường như hơi xa lạ kỳ cục đối với một Vatican hiện đại đang khoác chiếc áo dạ hội của một thiếu phụ đứng tuổi, trí thức và giàu có. Thế nhưng, nếu chịu khó trở về quê hương nhà chồng của Giáo Hội, chúng ta lại gặp được đức Ki-tô, một người thợ mộc ở nông thôn vốn dĩ xuất thân từ lớp người "Một nắng hai sương". Do đó, việc đức Ki-tô và Hiền Thê của Ngài ưa thích sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh nhà nông cũng là chuyện tất nhiên hợp lý mà thôi ! Cái đáng cho chúng ta ngẫm ngợi để thán phục chính là từ những hương vị và màu sắc đồng áng đó, đức Ki-tô và Giáo Hội lại đang mời chúng ta sống cho được cái tinh thần của người đi khai hoang vỡ đất.
Do vậy ở đây, khi nêu lên đề tài suy nghĩ về tiến trình loan báo Tin Mừng trên quê hương Việt Nam vốn là một đất nước có thế mạnh về nghề nông, chúng ta cũng chẳng ngần ngại mặc cảm gì mà không chọn bối cảnh một câu chuyện nhà nông để mạn đàm trao đổi.

Chúng ta nhớ lại toàn bộ công việc làm ruộng kể từ khi đặt chân trên mảnh đất quê hương cho đến khi vốc lấy những hạt gạo trắng thơm trong lòng bàn tay, có thể chia làm ba giai đoạn chính :
  • Vỡ đất chọn giống
  • Gieo mạ chăm bông
  • Gặt lúa giã gạo

Tương ứng, chúng ta cũng có thể chọn ba giai đoạn cần thiết của công việc rao giảng cho một địa phương đặc thù, đó là : 
  • Tin Mừng tiếp cận văn hóa
  • Tin Mừng hội nhập văn hóa
  • Tin Mừng thăng tiến văn hóa

Cứ như thế chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu từng công việc của người "nông dân" Ki-tô hữu trên mảnh đất văn hóa Việt Nam mầu mỡ

A. Thời kỳ vỡ đất chọn giống hay là Tin Mừng tiếp cận văn hóa


Ở thời kỳ này, có 2 yếu tố rất quan trọng cần lưu tâm bởi chúng quyết định sâu xa căn bản cho thành tựu ở 2 thời kỳ sau này. đó là việc chuẩn bị đất và việc chuẩn bị giống.

Để dễ minh họa, chúng ta đến với loại đất Tây Nam Bộ của Việt Nam. Vùng này hầu hết có độ phèn cao và ngập nước quanh năm. Khởi công, người ta dầm mưa đội nắng để lặn lội phát quang cho bằng hết các thứ cỏ non như lác, sậy... Sau đó là phân khoảng đắp bờ, xả nước tới lui để làm nhạt chất sulfat đồng, sắt và nhôm. Từ đây, người nông phu bắt đầu đánh vật với cái cầy cây cuốc để vật đất tung lên, phơi ra dưới ánh nắng mặt trời. Kế tiếp, những ô ruộng lại được cho dẫn nước vào ngậm một thời gian cho hệ sinh thái của đất làm việc âm thầm một thời gian, sẵn sàng chờ đón những hạt giống đầu tiên của cây lúa.

Trong lãnh vực văn hóa, mảnh đất mang tên Việt Nam trải dài từ Bắc chí Nam không như nhiều Ki-tô hữu thiển cận trước đây từng ngộ nhận là một vùng đất hoang. Từ lâu đời, đây đã là nơi phát triển khá phong phú các nền văn minh Lạc Việt, Chiêm Thành, Khmer... Có khi gối lên nhau, có khi nối tiếp chen vào nhau hoặc chịu ảnh hưởng sâu xa của văn hóa Trung Hoa. Thực ra chúng ta không nhắm đến việc hồi ôn lịch sử quá chi tiết cho bằng đi tới một nhìn nhận rằng : nơi đây, mảnh đất này, giống như mọi miền châu lục trên thế giới vốn đã có một sự sống, một truyền thống đặc thù mà vẫn phổ quát nhân loại.

Có đất, có trời, có con người thì có lịch sử, có văn hóa, và do vậy có một khát vọng muôn thuở về hạnh phúc, về chân thiện mỹ. Cho dù các giá trị này được thể hiện bằng cách thế và ngôn ngữ nào đi nữa, thì tựu trung vẫn không thể trệch ra ngoài cái nỗi niềm tìm kiếm ẩn tàng trong số phận và kiếp sống con người (xc. Ad Gentes số 8).

Đất cất giấu giòng nhựa sống. đất ngậm chứa nguồn nước sống, đất đã sinh, đất đã dưỡng và đất vẫn cứ còn chờ cưu mang không ngừng và mãi mãi. Cũng vậy, Bà Mẹ Văn Hóa không chỉ thai nghén và hạ sinh một đứa con duy nhất rồi thôi; nhưng cứ thao thức hấp thụ khí dương của trời, hồi âm của đất, để rồi cho chào đời những đứa con kết tụ của văn vật như ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lễ nghi, nghệ thuật, trang phục từ khu vực dân gian điền dã cho tới tầng lớp bác học cung đình...

Mặt khác, chúng ta cũng không quên rằng : đất cũng chịu tác động của bao mầm bệnh, của phèn chua muối mặn, của mọi thứ sinh thực vật hỗn tạp luôn rình chờ để ăn bám, để tiêu hao phá hủy những mầm sống hữu dụng cho con người. Cái giả ẩn nấp sau cái thật. Cái ác song lập bên cái tốt. Cái xấu ngụy trang dưới cái đẹp. Bà Mẹ Văn Hóa cần cù và nhẫn nại, cứ gạn đục khơi trong, cứ chuyển hóa chọn lọc giữa cái lẽ sinh diệt tồn vong; để rồi cho lọt lòng những đứa con tinh hoa của giáo hóa như: tư tưởng, đạo đức, giáo dục, sư phạm, tín ngưỡng.... (xc. Ad Gentes số 10)

Tắt một lời, đất không ngủ yên và nhắm mắt bịt tai; nhưng đất sẵn sàng trao ban và đón nhận. đất quả thật luôn cần được khai vỡ trong sự trân trọng nâng niu để rồi đất sẽ trả ơn muôn phần bội hậu !

Hiểu đất, quý đất và giúp đất dọn đất như thế rồi, người nông phu còn phải chuẩn bị giống má cho đâu ra đó. đầu tiên người ta chọn lựa giống thật tốt, phơi cho lâu, ngâm cho kỹ, đãi cho bằng hết các hạt lép, rồi đem ủ trong bao ẩm nước. Mặt khác, người ta cũng phải chọn khu đất gieo mạ riêng cho khâu chuẩn bị này có phần còn kỹ hơn cả đất cấy lúa giống đã nẩy mầm sau đó được đem gieo thật chu đáo cẩn thận trong mực nước xăm xấp vừa đủ. đúng hẹn 20 ngày người ta nhổ mạ lên, kết bó, đem sang ruộng cấy....

Chúng ta còn nhớ đức Giê-su đã từng bảo : "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác !" (Ga 12,24). Thật vậy, tự thân hạt giống bé nhỏ hàm chứa một sức sống phong phú đến kỳ diệu. Tin Mừng ở đây không được mang sang Việt Nam với cái nhãn bên ngoài bao bì là của các xứ đi truyền giáo như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha hay Hòa Lan chi cả. Tin Mừng là hạt giống từ đức Ki-tô, của đức Ki-tô và là chính đức Ki-tô, bởi Ngài là Thiên Chúa nhập thể, làm "hạt giống" tiên khởi cho Tin Mừng nẩy mầm, vươn lên và trổ sinh bao hạt giống cùng chủng loại cho nhân loại trên toàn cõi đất này.

Sự sống ấy do vậy không bị giới hạn, không bị chi phối bởi quy luật của "một thời để sinh ra và một thời để chết đi" (xc. Gv 3,2); một thời để tăng trưởng và một thời để tàn lụi như mọi thực tại trần gian phù vân (xc. Gv 1,2); ngược lại đây là một sự-sống-chịu-chết để rồi sống lại và sống mãi, cuốn hút mọi lẽ sống tạm bợ chóng qua ở đời này theo mình mà vươn vai thoát thai vào sự sống thường hằng vĩnh cửu. Sự sống ấy mang tên là Tin Mừng.

Và hạt giống mang sức sống Tin Mừng đó chỉ tuân theo một biện chứng duy nhất : gieo vào lòng đất, mục nát đi và nảy mầm, sinh bông kết hạt.

Đây chính là yếu tố chuẩn bị giống mà chúng ta đang chú tâm phân tích. đối với đất trồng Việt Nam hôm nay, vườn ươm giống có thể nói đã được khởi sự từ thế kỷ 16,17 cùng với các vị thừa sai phương Tây tự nguyện đến đây làm những nông dân đi vỡ đất. Khu ruộng mạ được chọn; giống Tin Mừng được ủ, được gieo, được cấy để thu lấy những vụ mùa lúa giống Ki-tô hữu đầu tiên. Lúa giống lại tiếp tục được chọn, được chuẩn bị chăm sóc chu đáo để có được hàng giáo sĩ, hàng giáo phẩm bản xứ cùng muôn vàn giáo hữu Việt Nam tín thành.

Lúa giống bội thu như thế, đáng lẽ đã quá đủ để Giáo Hội Việt Nam thoát thai khỏi danh xưng một xứ truyền giáo từ lâu. Ở đây thật sự không có chỗ cho sự tự mãn, nhưng ắt hẳn chúng ta cùng đồng tình nhìn nhận : đất đã "chịu" giống, văn hóa Việt Nam đã và còn đang đón nhận, để cho Tin Mừng tiếp cận và nhập thể. Ân sủng Thiên Chúa cùng với nỗ lực cộng tác của bao thế hệ Ki-tô hữu Việt Nam đã gặt được những vụ mùa lúa giống chín vàng nẩy hạt....

Đã đến lúc chúng ta có thể chuyển sang giai đoạn thứ hai để tìm hiểu công việc tự truyền giáo của người Việt Nam cho đất nước đồng bào Việt Nam.

B. Thời kỳ gieo mạ chăm bông hay là Tin Mừng hội nhập văn hóa


Trời chưa rạng sáng, người nông dân đã ra đồng, xả nước nơi mảnh ruộng cấy; rồi dùng bừa ban lại đất cho tơi cho xốp. Sau đó, nước lại được dẫn vào, xăm xắp vừa đủ, các thợ cấy đồng loạt đem mạ cấy theo từng khóm, mỗi khóm chừng 2,3 tép lúa thật ngay hàng thẳng lối. Hai mươi ngày sau là một đợt làm cỏ, còn phân thì bỏ làm nhiều đợt dưới chân gốc mạ. Thế là cây lúa lớn lên, dậy thì rồi vào thời kỳ con gái. Cây lúa làm đòng; cây lúa trổ bông; rồi phơi mao; rồi ngậm sữa. Tròn con trăng thì lúa chín !

Suốt thời gian đó, nhà nông không hề an hưởng nghỉ ngơi, nhưng phải thường xuyên thăm ruộng buổi sáng, giữ cho nước chỉ ngập 1/4 của thân lúa, quan sát tinh tường để kịp thời phát hiện và chữa trị các thứ bệnh lúa như đốm vằn, vàng lá hay xoắn lùn cổ lá; lại còn phải ngăn ngừa tiêu diệt các loài sâu ăn lá, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu, cào cào cắn lá và nhất là lũ chim bầy chuột không bao giờ bỏ lỡ cơ hội kiếm sống và phá hoại.

Công việc nhà nông lao lực vất vả là thế đó. Quá trình hội nhập văn hóa của Tin Mừng cũng đâu kém gian nan cực nhọc. Hội nhập không là xâm phạm đột phá từ ngoài, nhưng là chan hòa tan biến từ trong. Người Ki-tô hữu loan báo Tin Mừng không chỉ bằng chứng tá lời nói công khai, mà còn phải lấy đời sống của mình, âm thầm lặng lẽ lớn lên ngay giữa khu ruộng màu mỡ của cộng đồng dân tộc, ngay trong mực nước ăm ắp của văn hóa quê hương của mình (xc. Ad Gentes số 11)

Mầy mò tìm kiếm một ngôn ngữ tôn giáo thuần Việt hoặc cố gắng tô vẽ một màu sắc nghi lễ và dáng vẻ kiến trúc giáo đường cho đậm đà Á đông kể ra cũng khá là lý thú, nhưng thử hỏi như thế đã đủ cần thiết hay chăng?

Khổ công nghiên cứu đạo lý và tư tưởng Khổng-Lão-Phật để có được cơ sở giải mã cho thần học Ki-tô giáo ứng hợp vào bầu khí đông Phương, thoạt xem cũng là điều thức thời, nhưng thử hỏi chỉ thế thôi đã là thượng sách chưa?

Thành thật mà nói, cả hai hướng mệnh danh là hội nhập văn hóa dân tộc nêu trên đều không có gì là sai trái, thế nhưng tất cả đều có thể vô tình hay cố ý lạm dụng dẫn tới một thứ đạo mị dân, chuộng bề ngoài, chạy theo thị hiếu, vừa đánh mất dần căn tính vô giá của mình lại vừa khinh thị bản sắc của địa phương, của nhân văn, của môi trường mình đang sống. Trong khi đó, thiết nghĩ, nền tảng cốt yếu lại nằm ở chỗ : tôi có cảm nghiệm được cái tâm thức tôi là cây-lúa-Ki-tô- hữu-Việt-Nam đang mọc trên mảnh-đất-Việt-Nam hay không mà thôi!

Có thể xác tín rằng : việc Tin Mừng có mặt trên đất nước này là một ân sủng Thiên Chúa ban cách đặc biệt, không chỉ cho người Việt Nam có đạo, mà cho toàn thể đồng bào Việt Nam của tôi; không chỉ bây giờ lúc này mà đã từ muôn thưở ! Ân sủng ấy mang tên tình yêu nên cũng chờ đợi được đáp trả bằng tình yêu với cung cách, với tình tự của dân tộc Việt Nam nơi cuộc sống của tôi. Chất sữa thơm dẻo mà hạt lúa tôi ngậm chứa chính là Tin Mừng của tình yêu đã thu tích từ chính Mẹ đất Việt Nam. Một khi lúa trổ bông chín vàng ấy là lúc chiếc áo vỏ trấu tôi đang mặc, mùi hương dịu ngọt tôi tỏa ra, dáng dấp tôi oằn mình trĩu hạt sẽ tự khắc là chiếc áo, là mùi hương, là dáng dấp của cây lúa "thần nông" Việt Nam thuần túy, không sai chạy đi đâu được!

Quá trình hội nhập văn hóa như vậy là một cuộc nhập thể để chung một kiếp sống thiết thân, chia vui xẻ buồn với đồng bào mà không cầu mong một lợi ích riêng hay một sự biết ơn nào cả. đó còn là nhận biết những khát vọng và những vấn đề nhân sinh của họ, cùng chịu khổ với họ trong những lo âu về cái chết tất yếu ở cuối đời... đối với những ai thao thức tìm kiếm một hạnh phúc bình an chân thật, chúng ta cho thấy mình cũng ao ước được đáp ứng trong đối thoại huynh đệ bằng cách chỉ ra cho họ đâu là ánh sáng phát xuất tự Tin Mừng (xc. Ad Gentes số 12)

Cái tâm bên trong đã có ắt sẽ tràn ứa ra nơi cái tượng bên ngoài một cách tự nhiên hài hòa, một cách có văn hóa! Ngược lại, sẽ chỉ là ngụy trang đóng tuồng, khó mà giả vờ lập lờ đánh lận con đen mãi được!

Ta còn nhớ dụ ngôn Chúa kể về cỏ lùng (xc.Mt 13,24tt). đồi với người làm ruộng, cỏ lùng là giống cỏ rất mạnh. Nó trà trộn ngay trong hạt giống lúa. Nó cũng ra mạ xanh non, để ý kỹ lắm mới thấy nó khác mạ lúa ở chỗ nách lá nó trơn và màu hơi nhạt hơn. Nó cùng lớn lên, cùng trổ với lúa đòng đòng, và rồi nó lấn lướt cây lúa. Biết thế, nhưng "ném chuột sợ vỡ đồ quý", muốn diệt cỏ lùng ngay thì chỉ càng làm giập nát các khóm lúa quanh nó. Người ta hẵng cứ để đó cho tới ngày gặt hái mới "tính sổ" là an toàn.

Vậy là cứ "nhìn quả thì biết cây", mà nhìn cây thì biết giống. Cỏ lùng thì chỉ có thể sinh ra cỏ lùng, còn lúa thần nông thì..."cứ dấu này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy, đó là anh em yêu mến nhau" (Ga 13,35)

Cuối cùng thì điều người nông phu có quyền mong mỏi đợi chờ, đó là một ngày mùa bội thu. Giống lúa mới của Tin Mừng ít nhiều cũng đã được biết đến như là giống lúa cao sản, phẩm chất tuyệt hảo; lại có thể thâm canh tăng vụ mà không hề làm bạc đất nhược mầu thổ nhưỡng Việt Nam. Vậy thì, hãy cứ vững tin trong "vui mừng và hy vọng "!

C. Thời kỳ gặt lúa giã gạo hay là Tin Mừng thăng tiến văn hóa


Một ngày đẹp trời, nhà nông ra thăm đồng buổi sớm, thấy bông và lúa đã ngả vàng hầu như đồng loạt trên khắp các thửa ruộng. Một bông nhiều gié, một gié lại nhiều hạt, tất cả đều mây mẩy trĩu vàng. Người ta gọi nhau í ới đến cùng vần công, tay cầm lấy liềm đã khứa răng cưa mài sắc lẻm để cùng lũ lượt ra đồng thu gặt.

Cộ hoặc bồ được quây và kéo trượt theo từng vạt ruộng, lúa vừa gặt xong đem túm lại từng bó mà đập nhịp nhàng. Hạt rụng khỏi gié mang ra sàng sẩy trước gió, rê cho bay đi những hạt lép...

Nắng vừa xiên khoai cũng là lúc những người gặt đập vội vã cuối cùng trên cánh đồng lại gọi nhau bằng những câu hò mộc mạc rồi cười cười nói nói, gánh thóc lúa về kĩu kịt trên vai. Những ngày tới được nắng thì phơi phóng rồi đổ thóc vào bồ vào lẫm, chờ đem đi xay máy hoặc giã tay mà nên hạt gạo mới trắng xinh.

Cứ thế, quanh năm nhà nông có thể làm hai vụ mùa hè-thu và đông-xuân, mỗi vụ kéo dài từ một trăm ngày tới xấp xỉ bốn tháng. Tay làm hàm nhai mà an cư lập nghiệp...

Tương tự, công cuộc rao giảng Tin Mừng cũng đòi buộc người Ki-tô hữu phải giãi nắng dầm mưa, cày sâu cuốc bẫm mới có thể gieo đi gặt về; chịu thấu đủ mọi cơn trái gió trở trời, hạn khô, lụt úng, gian khổ trăm bề mới đặng "niềm vui như thiên hà được mùa". Niềm vui ấy, Tin Mừng ấy cứ chân chỉ mà tích góp dần từ những thăng hoa ngay chính những giá trị văn hóa của dân tộc, của quê hương mà nó đã bám rễ và tăng trưởng.

Vụ mùa thu gặt đâu có dừng lại ở những cây lúa giống Ki-tô hữu sinh sôi nảy nở trong khoanh ruộng nhỏ bé của nội bộ người Công Giáo với nhau ! Nó còn gồm cả bao tầng lớp người lương dân có tấm lòng thao thức kiếm tìm chân lý, kiếm tìm lời giải đáp cho vấn nạn muôn thuở " Tôi là ai ? Vì đâu tôi lại ăn ngay ở lành ? Có một ông trời tác sinh và thương yêu tôi thật hay không ? Có chăng một cõi đi về cho tôi hưởng hạnh phúc cực lạc hay tôi cứ phải luân hồi đổi kiếp nơi cõi trần này mãi ? Lắng nghe và cùng trăn trở những dấu hỏi căn cơ ấy, người Ki-tô hữu ngày một tiến lại gần hơn với tha nhân, ngỏ ý, sẻ chia và đồng hành trên cùng một nẻo đường cứu độ, mở ra một chính lộ mà thăng tiến nhân phẩm cho xứng đáng với phận làm người và phúc làm con Thiên Chúa.

Khi ấy, những hò-xàng-xê-cống-lìu của nghệ thuật đàn ca; những kim-mộc-thủy-hỏa-thổ của đất trời vạn vật; những nhân-nghĩa-lễ-trí-tín của đạo làm người; những phú-quý-thọ-khang-ninh của cuộc sống dương gian, cùng với biết bao giá trị văn hóa tốt đẹp khác sẽ như những giòng chảy reo vui của hình-nhi-hạ khi dẫn thủy nhập điền để giúp cho đất tươi, giúp cho mầm mát mà vươn lên ngàn vạn cây lúa bát ngát trên ruộng đồng hình nhi thượng.

Giáo Hội nhắc nhở khích lệ các Ki-tô hữu truyền giáo, vốn dĩ là các cộng sự viên của Thiên Chúa (xc. 1Tx 3,2), một khi đã quy tụ được thêm nhiều đồng đạo thì hãy gầy dựng các cộng đoàn, để một mặt tiếp tục sống xứng đáng ơn gọi của mình; một mặt không khép kín thành những kiểu ghetto hiện đại, nhưng cứ luôn mở ra cho cộng đồng dân tộc của mình. Nhờ vậy mà người Ki-tô hữu trở thành dấu chỉ nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa nơi mảnh đất này (xc. Ad Gentes số 15)

Ngay từ giai đoạn vỡ đất đầu tiên mà chúng ta đã bàn đến, những cộng đoàn Ki-tô hữu Việt Nam đó đã có sẵn nguồn văn hóa riêng của dân tộc hết sức phong phú; giờ đây lại còn phải bén rễ sâu trong quần chúng, đặc biệt là lớp người nghèo bị bỏ rơi. Các mái ấm gia đình vốn đã thấm nhuần Tin Mừng lại càng phải phát triển, không theo lối bắt dâu giữ rể phải tòng đạo cho bằng chan hòa với xóm trên làng dưới, có nhau khi tắt lửa tối đèn. Hữu xạ tự nhiên hương, đến một lúc nào đó chẳng ngờ, lòng mến đã như men, Tin Mừng đã như muối thấm đượm vào với nhân tâm trong xã hội, trong cộng đồng...

Như vậy, giống lúa thần nông đã đem về những vụ mùa phú túc. điều này đã rõ. Nhưng cái dễ thương là ở chỗ nó đã chẳng hề ép uổng, vắt kiệt đất đai ! Tin Mừng thăng tiến văn hóa thành những giá trị của nước trời ngay từ trần gian này mà cũng không hề áp đặt, phá đổ những gì là truyền thống lưu tồn xưa nay. Rồi một khi đã thăng tiến cái tốt thì cái chưa tốt cũng sẽ chuyển hóa hay tự đào thải dần đi, giống như ánh sáng đã rọi soi vào bóng tối thì cũng đẩy lui bóng tối một cách tự nhiên (xc.Ga 1,5). Ta còn nhớ chuyện cỏ lùng, lúc này có vẻ chẳng phải ai mách bảo thì cánh thợ gặt cũng sẽ tự động nhặt cỏ lùng trước, bó lại thành bó, đem thiêu làm phân tro ngay trên từng vạt ruộng bị nó trà trộn, xong xuôi đâu đó, họ mới thu góp cây lúa (xc.Mt 13,30).

Như vậy đến đây, chúng ta đã dò dẫm bước đi cùng với người nông dân trên đồng ruộng của mình, suốt từ lúc vỡ đất chọn giống, rồi gieo mạ chăm bông cho tới khi gặt lúa giã gạo, hoàn tất một vụ mùa. Chúng ta cũng đã nghiệm ra rằng : những yếu tố thiên trời địa lợi nhân hòa không phải là nghiễm nhiên mà có. Rõ ràng phải biết khiêm tốn để cảm nhận, trân trọng để kế thừa và sáng suốt để chọn lọc rồi mới có thể bén rễ, hội nhập mà thăng tiến trong việc Tin Mừng hóa văn hóa.

Bên cạnh đó, những yếu tố trở ngại tất nhiên là dẫy đầy chồng chất từ nhiều thế kỷ ngộ nhận cũng như nhiều thập niên va chạm vừa qua. Giữa một bên là quê hương hình chữ S và một bên là tôn giáo biểu tượng bằng thập giá. Lịch sử đã minh chứng như thế. Tuy nhiên, đó là xét trên mặt cơ cấu ý thức hệ chai cứng, trên mặt nguyên tắc giáo điều thiếu khoan nhượng của đôi bên. Thật ra, ở thượng tầng của cái trí ý cao siêu huyền nhiệm trong cõi trời đất này, ở sâu xa nơi đáy nhân tâm kiên ái nghĩa tình này, vẫn có đó, vẫn còn đó một hạnh ngộ dễ thương vô cùng!

Vậy chúng ta hãy cứ thanh thản mà nháy mắt nhoẻn miệng cười với nhau, vì chẳng có gì đến nỗi phải "nhìn nhau trong tấc gang mà biển trời cách mặt"!

Cũng y như thể những bờ đê chia cắt vụn một mảnh ruộng ra hoặc những bao ngạn khoanh đất chống úng chung quanh vẫn cứ luôn cần thiết phải tồn tại, chẳng có gì phải phàn nàn kêu than là chia rẽ, là cách biệt!

Ngoài kia, đồng ruộng vẫn bạt ngàn thẳng cánh cò bay và "cây đời vẫn cứ mãi xanh tươi"...

***

Con cúi vừa bén, bếp vừa tàn lửa, bữa cơm chiều cũng vừa dọn xong tươm tất. Chỉ là dưa cà mắm muối, chỉ là tôm tép rau đậu, nhưng chén cơm gạo trắng hai mùa được xới lên, thơm ấm một nỗi niềm lâng lâng khó tả. đũa được so cho cân đối rồi, cha mẹ vợ chồng con cái nâng bát cơm đầy mời nhau, tự dưng chỉ còn nhớ cái "dẻo thơm một hạt" mà quên đi cái "đắng cay muôn phần". Thật vậy.... 
Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề :
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm,
Trông cho chân cứng đá mềm....
Sức người đem đối chọi với sức thiên nhiên, ngẫm nghĩ cứ như là châu chấu đá voi, chuyện lấp biển vá trời sao mà ảo tưởng thế ?

Đã vậy mà một người, hai người, trăm người, rồi cả ngàn người cùng "đổ mồ hôi sôi nước mắt" mà phát hoang, mà gieo cấy, mà thu gặt thì đến đá cũng phải mềm ! Nhưng chân do đâu mà cứng ? Chắc là do ý chí ! Cái ý chí không duy ý chí mà đơn sơ chỉ là cái lẽ tồn sinh, và sâu xa là để di tặng cho con cháu đời sau một mảnh đất, một khu vườn làm ra lúa gạo, để ra ngô ra khoai. đỡ vất vả thì mới tính chuyện khác, ăn học cho nên người mà tỏ mặt tỏ mày hơn thế hệ cha anh đã vỡ đất mở đường trong chân lấm tay bùn.

Cũng vậy, mảnh đất văn hóa như chúng ta đã nói, chẳng bao giờ hẹp hòi bủn xỉn với những ai biết trân trọng nâng niu, biết chọn mặt gởi vàng. Còn đối lại, Tin Mừng là sức sống hào sảng vô tận, cũng bao dung quảng đại đến mức sẵn sàng tự hủy (kenosis) để sự sống chân phúc được nẩy mầm sinh bông kết hạt. Tác nhân ở đây chỉ còn là vấn đề tin, cậy, mến. Tin không duy ý chí; Cậy không duy kinh nghiệm; mà mến thì cũng chẳng duy cảm giác hời hợt chóng qua ! Mỗi cái là cả ba và cả ba hàm chứa trong mỗi cái, để cho "chân cứng", để cho "đá mềm"; hay nói theo kiểu chơi chữ : Tin Mừng tin mừng hóa Văn Hóa và Văn Hóa văn hóa hóa Tin Mừng !

Có nhiều người vẫn lo ngại vì quan niệm "đông tây không bao giờ gặp nhau" như một tuyên bố đầy kỳ thị của Rudyard Kipling. Thiết nghĩ, phải nói ngược lại mới đúng. Không một chút tự cao, cũng không hề tự ti, mà chỉ là tự hào đúng mức và phải lẽ. Bởi hình tượng "người nông dân" ở đây đâu là ai khác ngoài chính đức Ki-tô đang sống sự sống thần linh của Ngài ngay trong lòng Giáo Hội, nơi mỗi người tín hữu đang... Ad Gentes ?

Chúng ta có thể dẫn ra ở đây lời của Qohelet, tác giả tượng trưng của tập sách Giảng Viên. Ông ta suy tư thế này :
"Làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì ? Tôi nhìn thấy công việc mà Thiên Chúa giao cho con người phải gắng sức làm. Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ. Không có nhận thức này, con người không sao khám phá nỗi ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử..." (Gv 3,9-11)
Vậy, chẳng lẽ công cuộc Tin Mừng hóa ở đây lại không phải là chuyện của Thiên Chúa đó sao?

Vụ mùa cũ đã xong. Thời kỳ giáp hạt cũng sẽ dần qua. Người nông dân chân chất chợt buông chén đũa, dõi nhìn ra cảnh "trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn, tự nhủ : ngày mai lại sẽ ra đồng... 

Ngày 12 - 04 - 1994