Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

MỤC LỤC PHÂN TÍCH TẠP CHÍ THỜI SỰ THẦN HỌC


Tiểu luận Thần học – Trung tâm Học vấn Đa Minh - NK. 2020-21 

_Micae Trần Văn Thành, O.P_ 


Lời Tựa 


Trong các bộ sách nghiên cứu và nhất là những tạp chí sau nhiều năm sinh hoạt, người ta thường soạn một mục lục các tác giả và một lục đề tài nhằm cung cấp công cụ cho người học có thể nghiên cứu sâu rộng và tìm kiếm dễ dàng hơn.

Tạp chí Thời sự Thần học là một tạp chí có bề dày lịch sử khá dài. Tạp chí ra đời vào những năm đầu thập niên 90, với số đầu tiên phát hành vào tháng 08 năm 1994. Kể từ đó đến nay, tạp chí Thời sự Thần học không ngừng cung cấp nhiều tài liệu hữu ích cho độc giả trong quá trình học tập nghiên cứu, cũng như giúp độc giả tiếp cận với những vấn đề thần học mang tính quốc tế và thời sự. Thêm vào đó, các chủ đề được bàn đến trong tạp chí rất phong phú và đa dạng, giúp người học có thể hệ thống kiến thức và nối kết các lãnh vực khác nhau.

Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của tài liệu này, nhất là hiện nay các tài liệu về triết học và thần học ở nước ta vẫn còn khan hiếm. Vì vậy, chúng tôi nỗ lực soạn mục lục phân tích tạp chí Thời sự thần học nhằm giúp độc giả có phương tiện để nghiên cứu đào sâu các bài viết của tạp chí và phục vụ cho việc tìm kiếm các bài viết và các chủ đề nhanh và hiệu quả hơn.

Chúng tôi chia làm ba phần: Phần thứ nhất là mục lục theo năm, phần thứ hai là mục lục theo tác giả và phần thứ ba là mục lục theo chủ đề.

Trong phần mục lục theo năm, chúng tôi phân chia các số báo theo thứ tự thời gian, bắt đầu từ số 1 (08/1994) đến số 90 (11/2020). Tạp chí ấn hành thông thường mỗi năm là 4 số, riêng có một năm tạp chí tạm ngưng “năm sabat” là năm 2007. Từ năm 2008 đến năm 2010 tạp chí phát hành bộ mới gồm 10 số. Do đó, để tránh trùng lặp các số báo, chúng tôi ghi thêm tháng và năm phát hành số báo.

Trong mỗi số, chúng tôi liệt kê các bài viết của các tác giả theo thứ tự của số trang từ bé đến lớn. Ví dụ:

Số 65 (Tháng 08/2014) : Giáo hội học & Thánh mẫu học
  • Thông điệp Ecclesiam Suam của chân phước Phaolô VI, Bình Hoà, tr. 11-29.
  • Giáo hội học trải qua lịch sử, Eloy Bueno de la Fuente, tr. 30-53.
  • Chúa Ba Ngôi và Giáo hội, Maria Đinh Thị Sáng, O.P, tr. 54-92.
  • Công đồng Vatican II: Sự thánh thiện Kitô hữu - thành tựu hay lên đường? Hồng ân và trách nhiệm, Giuse Nguyễn Văn Am, S.D.B, tr. 93-122.
  • Thánh mẫu học từ Vaticanô II đến nay, Salvatore M. Perrella, O.S.M, tr. 123-150.

Phần mục lục theo tác giả, chúng tôi xếp thứ tự các tác giả theo mẫu tự tên họ và theo thứ tự a, b, c. Đối với các tác giả chỉ có tên biệt hiệu chúng tôi dùng biệt hiệu của tác giả ấy. Về cách trình bày, trước hết chúng tôi viết tên tác giả, rồi lần lượt đến số báo. Như đã đề cập ở trên từ năm 2008 đến năm 2010 tạp chí phát hành bộ mới gồm 10 số. Do đó, trong phần mục lục theo tác giả và mục lục theo chủ đề, để tránh sự trùng lặp các số báo, chúng tôi ghi thêm tháng và năm ấn hành vào các số báo từ số 1 đến số 5. Nếu một tác giả có nhiều bài viết, chúng tôi sắp xếp các bài theo thứ tự của số báo từ số bé đến số lớn, và cuối cùng là số trang. Ví dụ:

Bình Hòa
  • Thần học giải phóng, số 1 (Tháng 08/1994), tr. 10-14.
  • Kitô giáo có một nền luân lý riêng không?, số 2 (Tháng 11/1994), tr. 6-11.
  • Thần học về Chúa Thánh Thần, số 6, tr. 55-88.
  • Thần học Kinh thánh về Thập giá, số 7, tr. 32-43.

Trong phần mục lục theo chủ đề, chúng tôi tạm thời chia thành 84 chủ đề. Chúng tôi sắp xếp các chủ đề theo thứ tự a, b, c. Trong mỗi chủ đề, trước tiên chúng tôi viết tên chủ đề, sau đó chúng tôi liệt kê tên tác giả, rồi lần lượt đến số báo theo thứ tự từ bé đến lớn và cuối cùng là số trang. Ví dụ chủ đề:

Cánh Chung
  • Cánh chung và phụng vụ, Jesús Castellano Cervera, O.C.D, số 69, tr. 109-141.
  • Cánh chung luận trong lịch sử các Tôn giáo, Richard Landes, số 75, tr. 13-33.
  • Cánh chung luận trải qua lịch sử Hội thánh, Phan Tấn Thành, O.P, số 75, tr. 34-67.

Chúng tôi dừng lại ở số 90. Chúng tôi mong rằng trong tương lai sẽ có người tiếp tục bổ sung cho mục lục phân tích này. Trong phần mục lục theo chủ đề, chúng tôi mới chỉ phân tích các chủ đề dựa trên nội dung bề mặt của bài viết, hy vọng trong thời gian tới sẽ có người đào sâu và phân tích kỹ hơn để đưa ra nhiều chủ đề và nối kết với nội dung nhiều bài viết hơn nữa

Sau cùng, tôi xin chân thành gửi lời cảm ơn sâu sắc đến cha giáo Giuse Phan Tấn Thành, người đã gợi ý cho tôi đề tài này, cũng như đã hướng dẫn tôi trong quá trình làm việc. Hy vọng tài liệu này sẽ là công cụ góp phần cách nào đó cho độc giả trên hành trình truy tầm kiến thức.