Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

CÁC DẠNG THỨC VÀ BIẾN TẤU CỦA ƠN CỨU ĐỘ TRONG TÂN ƯỚC

Thời Sự Thần Học – Số 1, tháng 3/2009, tr. 177-190

_Arland J. Hultgren_

Tóm tắt: Trong Tân Ước, ơn cứu độ có nhiều dạng thức, bao gồm những hành vi cứu độ mang tính lịch sử-trần thế của Đức Giêsu lịch sử và ơn cứu độ mang tính cánh chung của công trình cứu độ Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Sự biến tấu của ơn cứu độ có trong cả hai lối tiếp cận quy nhân luận hay quy thần luận. Trong lối tiếp cận đầu, ơn cứu độ có được nhờ việc làm, đức tin và ơn sủng, nhưng mỗi trường hợp đều có những vấn đề nảy sinh. Trong trường hợp sau, ơn cứu độ được cho là hành vi của Thiên Chúa nơi Đức Kitô (a theopratic approach) hay bởi hành vi của Đức Kitô thay mặt Thiên Chúa (a Christopractic approach). Vấn đề nảy sinh liên quan đến bối cảnh luật chung, liệu điều gì đó xảy ra nơi cây thập tự có hiệu quả đối với nhân loại và vũ trụ không, và tầm mức cứu chuộc.
Thuật ngữ chính: ơn cứu độ, Kitô học, ơn cứu chuộc, đền tội, Giêsu Đấng cứu độ.
Bá hoàng OP- Quốc hưng, OP lược dịch.
Trong hơn một thế hệ gần đây, những người dấn thân vào việc nghiên cứu thần học ngày càng trở nên quen thuộc với sự đa dạng thần học trong Tân Ước. Mặc dù có nhiều tập sách vẫn mang những tựa đề liên quan đến nền “thần học” Tân Ước – chữ thần học ở số ít, nhưng cũng có những tập sách khác ra đời , sử dụng cụm từ “những thần học” trong Tân Ước, “thần học” ở số nhiều. Và người ta ngày càng quen thuộc với thuật ngữ này. Tìm sự thống nhất trong các thần học này vẫn là một thách thức và chỉ ít người dám lao vào . Sự dè dặt cũng dễ hiểu, vì người ta luôn có nguy cơ tạo ra một sự hòa hợp mang tính gượng ép hay áp đặt một quan điểm giáo phái vào các bản văn của Tân Ước. Trong những năm gần đây, ngày càng nổi lên khuynh hướng chống lại việc nói về “một nền thần học Phaolô”. Người ta khẳng định mỗi lá thư của Phaolô đều có một thần học đặc trưng riêng biệt , và bất cứ cố gắng nào muốn tổng hợp các thần học này, cũng sẽ tạo ra một thứ thần học ngay cả Phaolô cũng sẽ không nhận ra.

Nếu có một câu hỏi về giáo huấn trong Tân Ước liên quan đến ơn cứu độ, chúng ta cũng không nên ngạc nhiên khi một nhà chú giải trả lời rằng không bao giờ có một câu trả lời duy nhất. Có rất nhiều. Điều này chủ yếu do những cách suy tư khác nhau về Thiên Chúa, Đức Kitô và về thân phận con người nơi các bản văn Tân Ước. Người ta được cứu độ như thế nào, điều đó sẽ tùy thuộc vào việc người đó được cứu khỏi điều gì, vai trò của Thiên Chúa và Đức Giêsu, và trách nhiệm con người phải có trong đó.

Bài viết này không có tham vọng bàn thỏa đáng về chủ đề này, chỉ xin làm một vài thăm dò sơ khởi các bản văn Tân Ước . Chủ yếu xin được bàn về hai chủ đề là các dạng thức và các biến tấu, dĩ nhiên trong đó chúng ta có thể đưa ra một số phân biệt.

Các Dạng Thức Ơn Cứu Độ


Trong Tân Ước, ơn cứu độ có nhiều dạng thức khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản người ta có thể nói về ơn cứu độ theo hai hướng, chiều kích trần thế (earthly) và chiều kích cánh chung. Hai dạng thức này khó mà tách biệt riêng rẽ, tuy nhiên để thuận tiện cho việc thảo luận, người ta có thể tạm phân biệt riêng ra.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi hầu hết các đoạn văn trong Tân Ước nói về ơn cứu độ nơi thế giới này đều nằm trong các Tin mừng Nhất lãm, đặc biệt trong Tin Mừng Luca, nhưng không chỉ riêng ở đó mà thôi. Trong các sách Tin Mừng này, Chúa Giêsu khẳng định Ngài đến thế gian là để tìm và cứu những gì đã mất (Mc 2, 17; Lc 19, 10). Các trình thuật chữa lành đôi khi cũng là những dịp chỉ về ơn cứu độ theo một nghĩa thế tục và thể lý (Mt 9, 20-22; Mc 5, 21-34; 10, 46-52; Lc 17, 19). Ơn cứu độ không chỉ được hiểu theo nghĩa tràn đầy của sự sống vượt trên cái chết, như đôi khi vẫn được hiểu trong những bản dịch sau này của Kitô giáo. Ơn cứu độ (swthri,a) trong tiếng Hy Lạp còn có thể dịch là “chữa lành”. Thiên Chúa và Đức Kitô tìm chữa lành cho con người trong thế giới này. Thực vậy, sứ vụ của Đức Giêsu là loan báo triều đại Thiên Chúa, và điều này bao gồm cả hai việc: giảng dạy và hành động chữa lành. Hai việc này không thể tách rời. Khi tóm kết về sứ vụ của Chúa Giêsu, các thánh sử thường trộn lẫn giáo huấn và phép lạ chữa lành lại với nhau (Mt 4, 23; Mc 1, 39; cf. Lc 4, 18).

Đôi khi ơn cứu độ nơi trần thế được gọi là “thuộc thế tục” để đối lại với ơn cứu độ “thiêng liêng” hay “cánh chung”. Dù điều này có thể hiểu được (vì nó là ơn cứu độ trên thế giới này), nhưng thuật ngữ này lại không chính xác, vì lẽ việc chữa lành tự nó cũng mang tính tâm linh sâu đậm. Đôi khi các trình thuật chữa lành kết thúc với việc diễn tả sự ngợi khen hay lòng biết ơn Thiên Chúa hay Chúa Giêsu về những gì đã được thực hiện, hay người ta trở thành môn đệ vì những việc chữa lành Đức Giêsu thực hiện (Mt 9, 13; 20, 34; Lc 5, 25; 13, 13; 17, 15; 18, 43). Khi đó việc chữa lành không mang “tính thế tục” theo nghĩa không thuộc về lãnh vực thiêng liêng, nhưng đúng hơn phải được gọi là hành vi cứu độ trần thế hay hành vi cứu độ mang tính lịch sử nơi trần thế.

Hơn nữa, Chúa Giêsu tuyên bố quyền tha tội (Mc 2,5; Mt 9,2; Lc 5,20; Lc 7,47-48). Khi làm như thế là Ngài hành động với vương quyền, khẳng định cho mình quyền thuộc về Thiên Chúa. Điều đó thật đáng ngạc nhiên. Nhưng cũng đáng ngạc nhiên không kém đó là việc Ngài đến hiện diện với người thu thuế, kẻ tội lỗi, và những người khác là những kẻ được coi là “những con chiên lạc”, rồi Ngài tuyên bố ơn tha tội trước khi, hay không cần đến bất cứ dấu hiệu ăn năn nào về phía những người được tha tội (như trong những đoạn trích trên). Trong dụ ngôn Người Con Hoang Đàng, người cha đã chạy lại ôm con mình vào lòng mà không cần biết người con phải chịu trách nhiệm gì khi quay về nhà (Lc 15, 20). Cũng thế, tấm lòng Thiên Chúa luôn nhân từ ngay cả trước khi con người thống hối.

Chất liệu trong Tân Ước liên quan đến ơn cứu độ cánh chung cũng hết sức đa dạng, và phần sau chúng ta sẽ thấy một số. Giờ đây, ta có thể nói rằng ơn cứu độ được nói đến qua ba thì, nó xuất phát “từ” một điều gì đó và “hướng đến” điều gì đó. Chúng ta chỉ có thể minh họa điều này bằng việc tham chiếu các lá thư của Phaolô mà thôi.

Phaolô có thể nói đến ơn cứu độ như là sự kiện đã qua (Rm 8,24), nhưng nét đặc thù hơn của ngài là nói về ơn cứu độ như là sự kiện trong hiện tại (Rm 1,16; 1Cr 1,18; 2Cr 2,15; 6,2) và thậm chí đặc biệt hơn nữa, là về ơn cứu độ trong tương lai (Rm 5,9-10; 10,9; 13,11; 1Cr 5,5; 1Tx 5,9). Từ những gì ngài viết, dường như ơn cứu độ chủ yếu mang tính tương lai, nhưng những ai kết hiệp với Đức Kitô ở đời này thì cũng có ơn cứu độ rồi – hay ít nhất cũng được thông phần rồi. Ơn cứu độ bao gồm việc được giải thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa trong ngày phán xét (Rm 5,9; 1Tx 1,10; 5,9). Nó chỉ một điều gì đó ở cả hiện tại và tương lai: được giao hòa với Thiên Chúa (Rm 5,10-11), trở thành dưỡng tử được cứu chuộc của Thiên Chúa (Rm 8,23-24), sống trong thời kỳ mới (Rm 15,17; 2Cr 5,17), và được nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa (Rm 8,29; Pl 3,20-21).

Như đã nói ở trên, không thể phân tách các dạng thức ơn cứu độ trần thế và cánh chung trong Tân Ước. Điều này được minh họa trong cách Matthêu trình bày về việc Dẹp Yên Sóng Biển (8,23-27). Chúng ta thấy rõ trình thuật này của Matthêu mang giọng điệu cánh chung. Trình thuật của ngài khác với của Maccô (4,35-41) về vài phương diện. Một trong những phương diện đó là cách xưng hô của các môn đệ với Chúa Giêsu trong cơn bão. Trong trình thuật của Maccô, họ kêu khóc với Đức Giêsu đang ngủ say: “Thưa Thầy, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” (4,38). Nhưng bản văn của Matthêu, xét theo phụng vụ thường đúng hơn , lại đổi lời kêu xin của họ thành, “Thưa Ngài, xin cứu chúng con! Chúng con chết mất!” (8,25). Ở đây, trình thuật về phép lạ cứu các môn đệ khỏi giây phút sợ hãi trần thế đã đổi sang chủ đề khác, qua đó nó trở thành việc cứu vớt các môn đệ Đức Giêsu khỏi những hiểm họa đến trên Giáo Hội. Các môn đệ Chúa Giêsu, được đại diện bởi các môn đệ trên con tàu, được mời gọi tin vào Đức Giêsu là Đấng sẽ cứu họ khỏi mọi hiểm họa đến với họ trong viễn tượng cánh chung .

Những Biến Tấu Của Ơn Cứu Độ: Ba Lối Tiếp Cận Nhân Học


Như những trường hợp khác, việc người ta đóng khung cuộc thảo luận về những biến tấu của ơn cứu độ như thế nào thì nó sẽ quyết định đầu ra như thế ấy. Chẳng hạn, nếu người ta bắt đầu bằng câu hỏi, làm sao người ta có thể “gia nhập và ở vào” số những người được cứu vớt , thì cuộc thảo luận sẽ đi theo hướng nhân học hay quy nhân học. Ngược lại, nếu người ta khởi đi với câu hỏi làm cách nào Thiên Chúa đưa nhân loại vào ơn cứu độ, thì cuộc thảo luận sẽ đi theo hướng thần học hay thậm chí là quy thần luận. Mỗi lối tiếp cận đều có giá trị riêng. Chúng ta sẽ bắt đầu với câu hỏi làm sao người ta có thể “gia nhập”, từ khía cạnh nhân học, vì lẽ đó là lối tiếp cận ẩn tàng khi người ta nói về “các con đường cứu độ.”

Có ba cách cơ bản để tiếp cận câu trả lời cho câu hỏi, làm sao một người được cứu độ. Theo Tân ước đó là : nhờ việc làm, nhờ đức tin và nhờ ân sủng.

1. Được Cứu Độ Nhờ Việc Làm


Trước ngày cứu độ sau cùng là ngày phán xét chung. Chính vì vậy, sẽ phải có những tiêu chuẩn để xét xử người ta. Giờ đây, chúng ta phải xem lại câu nói của thánh Phaolô, vì ngài là người cuối cùng trong số các tác giả Tân Ước được liệt kê vào danh mục những người công bố ơn cứu độ nhờ việc làm. Nhưng có một chỗ thánh nhân thậm chí còn nói rằng “[Thiên Chúa] sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo những việc người ấy làm (kata, ta, e,rga au,tou). Những ai kiên trì làm việc thiện mà tìm vinh quang, danh dự và sự bất diệt, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sự sống đời đời; còn những ai phản loạn và không vâng theo sự thật nhưng chạy theo điều bất chính, thì Người sẽ nổi cơn thịnh nộ, trút trận lôi đình xuống trên họ.” (Rm 2,6-8). Dĩ nhiên, về nguyên tắc thánh Phaolô đúng. Nếu phải có cuộc phán xét sau cùng (Thánh Kinh đã làm chứng về điều này), việc phán xét của Thiên Chúa đối với mỗi người sẽ dựa trên những gì họ đã làm. Lại nữa, thánh Phaolô nói: “Quả thật, tất cả chúng ta đều phải xuất hiện rõ ràng trước tòa Đức Kitô, để mỗi người được thưởng phạt tùy theo các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2Cr 5,10). Mặc dù có thể có vài người chối bỏ ý tưởng này vì những lý do nào đó, đặc biệt là sự đối kháng thần học với chính ý tưởng này, nhưng Tân Ước rõ ràng có những đoạn nói về ơn cứu độ nhờ việc làm. Đoạn rõ nhất là trong Tin Mừng Matthêu và trong thư của thánh Giacôbê. Dĩ nhiên trình thuật được sử dụng nhiều hơn cả là diễn từ về Cuộc Phán Xét Chung (giữa chiên và dê) trong Tin Mừng Matthêu (25, 31-46). Trong trình thuật này, những ai giúp đỡ những người cơ cực, thiếu thốn ở đời này (những kẻ đói khát, khách lạ, mình trần, đau ốm, tù đày), chính là những người phục vụ Đức Kitô và được thừa hưởng Nước Trời dành sẵn cho họ. Ngược lại những ai làm ngơ những người nghèo khó, sẽ phải chịu hình phạt đời đời.

Diễn từ không có bất cứ chi tiết nào nói về niềm tin vào Đức Kitô như là một nhân tố để được cứu độ. Cũng chẳng nói gì về ân sủng của Thiên Chúa. Tất cả là vấn đề công bằng và sống tốt. Ơn cứu độ hoàn toàn dựa trên những việc người ta làm. Và vì thế mà tác giả thư Giacôbê viết rằng : “Nhờ việc làm mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi” (2, 24).

Làm sao người ta có thể gắn kết giáo huấn trong trình thuật nói về Cuộc Phán Xét Chung vào chứng từ rộng hơn của Thánh Kinh? Mặc dù người ta phải công nhận mỗi đoạn có giá trị riêng của nó, nhưng đặt ra những câu hỏi cũng chẳng có khó khăn gì. Có lẽ người ta có thể bắt đầu bằng mệnh đề : Không nên bắt bất cứ một đoạn nào trong Thánh Kinh phải mang vác toàn bộ sức nặng của lời khuyên hoàn trọn của Thiên Chúa, bao gồm tất cả những gì nói về luật và Tin Mừng. Trong một bài giảng về đoạn nói về Chiên và Dê, Rudolf Bultmann tuyên bố rằng: “Việc phán xét của Thiên Chúa sẽ không dựa vào việc tuyên xưng đức tin một cách có ý thức, mà là dựa trên niềm tin được tỏ lộ qua hành động vô thức.” Cần phải ý thức rằng Tin Mừng Matthêu là quyển sách dành cho những quan tâm về mục vụ và cộng đoàn tín hữu. Những ai sống trong Đức Kitô, được liệt vào số những con chiên của Đức Kitô, không cần phải tìm kiếm một phần thưởng nào khác. Qua những việc tốt, họ chỉ đơn thuần tỏ lộ điều họ là. Và diễn từ này thách thức họ làm như thế.

2. Được Cứu Độ nhờ Tin vào Đức Kitô


Người ta thường khẳng định, con người được cứu độ chỉ duy nhờ đức tin mà thôi, đó là niềm tin vào Đức Kitô hay vào Tin Mừng mà Ngài loan báo. Có rất nhiều đoạn Thánh Kinh người ta có thể trưng ra để củng cố lập trường này. Một trong những đoạn minh nhiên nhất là Cv 16,31. Sau khi trận động đất làm rung chuyển nền móng nhà tù ở Philipphê, nơi Phaolô và Xila bị giam giữ, viên cai ngục hỏi hai ông anh ta phải làm gì để được cứu độ. Hai ông đáp rằng, “Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ.” Một đoạn khác là Rm 10,10-13, Phaolô viết : “Tin trong lòng thì được nên công chính; tuyên xưng ngoài miệng thì được ơn cứu độ. Kinh Thánh nói: Bất cứ ai tin vào Người sẽ không phải xấu hổ thẹn thùng. Như vậy, không có sự phân biệt giữa người Do thái và người Hy lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người. Vì : Phàm ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu độ.”

Ngoài những đoạn này, người ta có thể đưa ra thêm những đoạn khác. Trong các thư Phaolô, ơn công chính hóa (được tuyên bố trong trắng trong ngày phán xét) có được là nhờ đức tin (Rm 3, 28; 5,1; Gl 2,16; 3, 8.24). Những ai không tin sẽ phải hư mất (1Cr 1,18; 2Cr 2,15; 4,3) hay sẽ bị kết án (1Cr 11,32). Trong Tin Mừng Gioan, chính nhờ việc tin vào Đức Giêsu là Đấng được Chúa Cha sai đến mà người ta được cứu độ hay có sự sống đời đời (Ga 1,12; 3,15-16.36; 5, 4; 6,40.47; 11,25-26). Không tin sẽ bị xét xử và kết án (Ga 3,18; 8,24).

Có hai vấn đề nảy sinh ở đây. Trong trường hợp các thư Phaolô, đức tin mang tính cứu độ cũng thường được giải thích theo cách nó trở thành một việc tốt khác. Có rất nhiều đoạn Phaolô nói về niềm tin vào Đức Kitô như là một phương tiện để được ơn công chính hóa, bao gồm cả những điều thường được diễn tả chung bằng công thức pistij Cristou (Rm 3,22. 26; Gl 2,16.20; 3,22; Pl 3,9). Vì một số lý do nào đó, mà đặc biệt là để giảm nhẹ ý tưởng coi đức tin là một thành tựu hay việc tốt đối với Phaolô, nhiều nhà chú giải gần đây đã biện luận rằng, trong những đoạn này, Phaolô nói về niềm tin của Đức Kitô (vào Thiên Chúa), chứ không phải niềm tin của tín hữu vào Đức Kitô . Trào lưu này đã trở nên mạnh mẽ đủ để được nhắc đến trong phần chú thích của bản NRSV. Việc tranh luận đó không thể bàn ở đây, ngoại trừ việc ta có thể nói rằng việc giải thích như thế đã bị những người khác loại trừ . Dù sao đi nữa, Anders Nygren đã tỏ ra khéo léo khi phát biểu rằng, đối với Phaolô, đức tin không phải là điều kiện tiền hữu hay việc tốt để được cứu độ, mà là bằng chứng Tin Mừng đã đang thực hiện sức mạnh của mình. Tin Mừng có khả năng giải thoát (Rm 1,17), và những ai lắng nghe thì được giải thoát .

Vấn đề còn lại liên quan đến Tin Mừng Gioan, vốn nhấn mạnh niềm tin vào Đức Giêsu là cửa ngõ đến sự sống đời đời. Tin Mừng này thường được trích dẫn nhằm phục vụ cho mục tiêu sứ vụ. Tuy nhiên, nó không chắc đã được viết ra nhằm mục đích như vậy. Mặc dầu có nhiều câu Kinh Thánh nổi tiếng liên quan đến tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế giới và ơn cứu độ dành cho những ai tin vào Con của Người (3,16), thì đây vẫn là Tin Mừng nói về tình yêu của Chúa Giêsu chỉ dành riêng cho mình Ngài (không phải cho người khác, 13,1; 14,21 [ Ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu mến người ấy]; 15,12). Ngoài ra nó còn cho thấy, không ai có thể tin vào Con, trừ những ai đã được Chúa Cha gửi đến với Con (6,44; 17,6.9.24; 18,9). Tin Mừng không bao giờ giả định trước ý chí tự do và khả năng đáp trả tự do về phía những người nghe Tin Mừng. Trái lại, Tin Mừng của Đức Kitô gặp phải sự chống đối của thế gian này (1, 11; 5, 43), và chỉ những ai được Chúa Cha chọn ra khỏi thế gian mới có thể tin và được cứu độ (13, 18; 17, 6, 9, 16). Tin Mừng Gioan phục vụ cho nhu cầu mục vụ của cộng đoàn đức tin đang phải đối mặt với sự thù địch trong thế gian và tiếp tục làm như thế (15, 18-19; 16, 33; 17, 14). Đây là một Tin Mừng viết cho các “thành viên bên trong”, là những người có một đời sống bí tích sung mãn (3,5-8; 6,48-58; 19,34) và nhấn mạnh tình yêu tương hỗ đối với những ai ở trong cộng đoàn ( 13,34-35; 15,12.17; 2 Ga 1,5) .

3. Được cứu độ nhờ ân sủng qua đức tin.


Mặc dù người ta thường cho rằng, theo Tân Ước ơn cứu độ (ngay cả đức tin) chỉ có thể có được nhờ một mình ân sủng mà thôi, nhưng có quá ít đoạn văn có thể sử dụng để ủng hộ lập trường này. Một trong những câu nổi tiếng nhấn mạnh đến ơn sủng của Thiên Chúa, nhưng cũng chỉ đến đức tin, là câu trong thư Phaolô đệ nhị gửi tín hữu Êphêsô (2,8-9) : “Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ nhờ lòng tin : điều này không phải bởi anh em, mà là ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi các việc làm, để không ai có thể hãnh diện”. Song song với đó là câu 2,5: “Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ”. Những câu này mang dấu ấn Phaolô hơn bất kỳ câu nào trong các thư của ngài. Có khả năng là thư Êphêsô được viết bởi một tông đồ hay một người trung thành với thánh Phaolô, muốn nhấn mạnh đến ân sủng các rõ ràng hơn cả thánh Phaolô. Các môn đệ thì thường nhiệt tình hơn thầy của mình. Một đoạn văn quan trọng khác cũng liên quan đến việc cứu độ nhờ ân sủng là Cv 15,11. Ở đó, tông đồ Phêrô đã lên tiếng về vấn đề liên quan đến các tín hữu gốc Do thái và tín hữu gốc dân ngoại: “Chúng ta (tín hữu gốc Do thái) tin rằng chính nhờ ân sủng Chúa Giêsu mà chúng ta được cứu độ, cùng một cách như họ (tín hữu gốc dân ngoại)”. Sau cùng, tác giả của các thư mục vụ cho rằng Thiên Chúa đã cứu độ và kêu gọi những người tin, không phải vì công kia việc nọ họ làm, “nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người”; và thêm rằng “Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Kitô” (2Tm 1,9). Tác giả còn thêm: “Thiên Chúa cứu độ chúng ta, không phải vì chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót chúng ta” (Tt 3,5).

Xét ân sủng như là nền tảng của niềm tin, không còn nhiều chuyện để bàn. Đoạn văn được trích dẫn trên đây lấy từ Ep 2,8-9 không thực sự đáp ứng yêu cầu, bởi vì tiền đề của cụm từ “chính do ân huệ của Thiên Chúa” là hành vi cứu độ được thực hiện bởi Thiên Chúa, chứ không không phải niềm tin của chúng ta. Tuy nhiên, có một đoạn thích hợp hơn trong sách Công vụ Tông đồ. Tác giả Luca viết rằng, khi đến Athen, Apôlô đã “nhờ ân sủng, mà giúp ích rất nhiều cho các tín hữu” (Cv 18,27).

Những Biến Tấu Của Ơn Cứu Độ: Lối Tiếp Cận Quy Thần


Thuở sơ khai, mặc dù Giáo hội đã tìm ra một vài hiểu biết liên quan đến ngôi vị của Đức Kitô, mà nay được đưa vào trong các kinh tin kính và các công thức, nhưng vẫn chưa đưa ra được những hiểu biết chung về công trình của Đức Kitô. Theo dòng thời gian, hẳn đã có một vài lý thuyết về sự đền bù đã được triển khai, như tác phẩm có uy tín và bền vững của Gustaf Aulén. Dường như các bản văn Kinh thánh liên quan đến công trình của Đức Kitô đều được coi trọng. Người ta đã chẳng tìm ra một sự hòa hợp nào, và cũng chẳng ai cố gắng đặt một quan điểm nào như là tiêu chuẩn vượt lên trên các lối nhìn khác.

Trong các tác phẩm khác nhau của Tân ước, có những khác biệt liên quan đến công trình của Thiên Chúa và/hay công trình của Đức Kitô trong việc cứu độ. Mặc dù lối nói “công trình của Đức Kitô” trong việc cứu độ từ lâu đã trở nên thông thường nhưng thực ra, hạn từ này đã không được sử dụng trong Tân ước theo nghĩa đó. Hạn từ này chỉ xuất hiện một lần duy nhất, đó là khi thánh Phaolô nói đến người cộng sự tên Epaphoroditus, người “suýt chết vì làm việc cho Đức Kitô” (Pl 2,30). Ở đây, ngài có ý nói đến sứ vụ của anh ta. Điều nổi bật chính là có hai lối chính để nói về vai trò của Thiên Chúa (Cha) và của Đức Kitô trong công trình cứu độ. Theo thứ tự, người ta có thể gọi đó là Theopractic (xem Thiên Chúa như là tác nhân cứu độ) và Christopractic (xem Đức Kitô như là tác nhân cứu độ) . Ở lối nói đầu, mặc dù Đức Kitô là tác nhân cứu độ, nhưng Thiên Chúa Cha chính là Đấng chủ xướng; chính Thiên Chúa Cha là Đấng đã sai Người Con hay hòa giải nhân loại với mình. Ở lối nói sau, mặc dù Thiên Chúa Cha vẫn là Đấng mong ước đặt mục đích cứu độ của mình nơi Đức Kitô, nhưng Đức Kitô mới là tác nhân chính; Đức Kitô là Đấng đến từ trời để cứu vớt nhân loại và đem nhân loại vào mối liên hệ được giải với Thiên Chúa.

1. Thiên Chúa là tác nhân cứu độ (theopractic)


Các tác phẩm của thánh Phaolô, những tác phẩm xuất hiện sớm nhất trong Tân ước mà chúng ta có, là nơi rất tốt để chúng ta khởi sự minh giải cho lối tiếp cận này. Được sinh ra và lớn lên trong bầu khí Do thái, và sau đó trở thành một Pharisêu do xác tín mạnh mẽ (Pl 3,5), Phaolô hẳn đã thuộc lòng kinh tin kính cổ xưa của dân Israel ngay từ nhỏ và ngay cả khi ngài đã trưởng thành, đó là kính Shema: “Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Đnl 6,4). Xác tín đó tiếp tục ảnh hưởng lên suy tư của thánh nhân ngay cả khi ngài đã là một tông đồ. Dẫu là một tông đồ và là tác giả của các lá thư, Phaolô có thể đã viết về sự đồng hàng của Đức Kitô với Thiên Chúa, một vị thế mà Người đã từ bỏ (Pl 2,6)- có lẽ lấy từ một bài thánh ca có trước Phaolô- những ngài đã có phần dè dặt khi nói trực tiếp đến Đức Giêsu như là “Thiên Chúa”. Chắc chắn rằng, Phaolô có thể nói đến Đức Giêsu phục sinh là “Đấng Kitô”, “Đức Chúa”, “Con Thiên Chúa”, nhưng chỉ có một chỗ ngài áp dụng từ “Thiên Chúa” cho Đức Giêsu (Rm 9,5), và đoạn văn đó gây ra nhiều tranh luận. Đoạn văn này có lẽ bao gồm một vinh tụng ca dành cho Thiên Chúa (Cha, theo bản RSV) chứ không phải là nơi Phaolô áp dụng từ “Thiên Chúa” cho Đức Giêsu (theo bản NIV) . Do gia sản Do thái và với niềm tin độc thần mạnh mẽ, nên khó có khả năng Phaolô chấp nhận một sự dung hòa như thế. Hầu như Phaolô khó có thể có những suy tư về một Kitô luận mang chiều kích hữu thể như các Kitô hữu sau này.

Lúc ấy, nét đặc trưng của Phaolô là suy tư về Thiên Chúa (Thiên Chúa của Israel) như là Đấng hành động cứu độ,và đó chính là điều thường thấy trong các thư của ngài. Phaolô nói về cách thức “trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian hòa giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải” (2Cr 5,19). Chủ từ của câu này là Thiên Chúa. Kiểu nói tương tự còn được tìm thấy nhiều nơi khác trong các tác phẩm của thánh Phaolô (Rm 8,3.32; Gl 4,4-5). Nhìn cách xuyên suốt, lối suy tư của thánh Phaolô luôn nhấn mạnh Thiên Chúa là tác nhân của ơn cứu độ. Mặc dầu Đức Kitô đã chết cho hạng người vô đạo (Rm 5,6) và vâng lời Thiên Chúa, tự hiến để cứu độ chúng ta (Rm 5,8; Gl 1,4; 2,20; 1Tx 5,10), nhưng chính Thiên Chúa Cha mới đóng vai trò chủ xướng.

Một cách tổng quát, người ta có thể cho rằng việc nhấn mạnh Thiên Chúa như là tác nhân cứu độ cũng xuất hiện trong Tin mừng Maccô. Theo tác phẩm này, luôn có sự hòa hợp giữa kế hoạch cứu độ với mục đích và chương trình của Thiên Chúa Cha. Con Người phải chịu đau khổ, bị chối từ, bị đóng đinh và chỗi dậy là điều cần thiết, đúng như những lời tiên báo về cuộc thương khó (8,31; 9,31; 10,33-34). Hơn nữa, những sự việc ấy diễn ra đúng như những gì đã được viết trong Kinh thánh (9,12; 14,21.27). Con đường sứ vụ của Đức Giêsu, qua đau khổ, cái chết và sự phục sinh đã được Thiên Chúa Cha khởi xướng, quyết định và hướng dẫn. Người ta không tìm thấy trong Tin mừng Maccô câu nào tương đương với câu trong Tin mừng Matthêu, khi Đức Giêsu cho là mình có thể xin Cha sai thiên thần giải thoát mình khỏi những kẻ bắt bớ (26,53). Xuyên suốt chặng đường qua đau khổ và cái chết, Đức Giêsu luôn là Người Con vâng phục Thiên Chúa Cha.

2. Đức Kitô là tác nhân cứu độ (Christopractic)


Trái lại, ở một thái cực khác, cũng có những tác phẩm thuộc Tân ước xem Đức Kitô như là tác nhân cứu độ. Điều đó có nghĩa là mặc dầu Thiên Chúa Cha là Đấng cứu độ, nhưng chính Đức Kitô mới là Đấng thực hiện và là chủ từ trong các câu văn. Có thể tìm thấy lối nói này trong 1 Pr 3,18: “Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi- Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa”. Việc cho rằng Đức Kitô có thể “đem” người ta đến cùng Thiên Chúa giả thiết một lối suy tư khác với lối nói của thánh Phaolô khi ngài nhấn mạnh đến Thiên Chúa là Đấng hành động nơi Đức Kitô để cứu độ con người.

Có những đoạn văn khác, đặc biệt trong những lá thư của thánh Phaolô thuộc đệ nhị quy điển, các thư chung, và Tin mừng Gioan đều nhấn mạnh Đức Kitô như là tác nhân cứu độ. Chẳng hạn, đoạn thư Êphêsô nói rằng chính qua Đức Kitô mà chúng ta được hòa giải “với Thiên Chúa” (2,16) và “đến… cùng Chúa Cha” (2,18). Trong các thư mục vụ, thánh nhân cho rằng Đức Kitô “tiêu diệt thần chết và làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (2Tm 1,10), và các Kitô hữu mong chờ Đức Giêsu và vương quốc của Người đến như là “Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 2,13). Trong thư Hipri, tác giả nói với chúng ta rằng “Khi [Đức Giêsu] tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời” (1,3) và “Còn Đức Kitô, sau khi đã dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời” (10,12). Có thể kể thêm nhiều nữa nhưng cần phải rõ ràng. Trong Tân ước, thường thì Đức Giêsu được mô tả là một nhân vật mạnh mẽ, là Đấng hành động để đem lại ơn cứu độ, là nguyên mẫu của Đức Kitô vinh hiển. Trong Tin mừng Gioan, xuất hiện một cứu độ luận xem Đức Kitô là tác nhân cứu độ hơi khác một chút. Theo đó, ơn cứu độ được Đức Kitô ban cho những kẻ tin theo Người, bởi Người là Đấng “có quyền trên mọi phàm nhân, để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Thiên Chúa Cha đã ban cho Người” (17,2). Người là “trung gian thực sự và duy nhất giữa trời và đất”, là Đấng “ban tặng cho nhân loại tri thức mặc khải và đời sống vĩnh cửu nhờ đó họ đạt được sự sống trên quê trời” .

Khi đọc những câu văn xem Đức Kitô là tác nhân cứu độ, người đọc có cảm tưởng là chúng đã đánh mất căn cốt Do thái và chỉ trình bày những Kitô luận đang tiến triển trong sứ vụ của Hội thánh là đến với lương dân. Trong bối cảnh ấy, Đức Kitô tỏ ra giống một nhân vật anh hùng hơn, và các cộng đoàn sử dụng lối nói ấy ngày càng giống những người dân ngoại tại Bithynia. Pliny Trẻ có thể viết vào thế kỷ thứ 2 về một vài người ông đã gặp: “Vào ngày đã định, chúng quen tụ họp gặp gỡ nhau trước khi mặt trời lặn và ca hát thánh vịnh, xướng đáp lên ông Kitô, như dành cho một vị thần vậy”.

Như thế, lời chứng tin mừng thay đổi và cả hai lối nói về công trình hòa giải đều đã có. Hai lối diễn tả này sẽ tiếp tục được sử dụng trong đời sống của Giáo hội và cũng nên dùng cả hai nếu chúng được trình bày cách thích hợp. Nhưng cũng cần cảnh giác. Lối nói đề cao Đức Kitô như là tác nhân cứu độ có thể dẫn đến những quan niệm bồi hoàn có khả năng tạo ra một tách biệt giữa Cha và Con, mà qua đó, Thiên Chúa Cha (công lý của Cha) phải được xoa dịu bởi Con. Không có điểm nào trong Tân Ước nói rằng Thiên Chúa cần phải được hòa giải với nhân loại, hay Thiên Chúa được hòa giải với con người nhờ những đau khổ của Đức Kitô, như một bài thánh vịnh vào thế kỷ 17 diễn tả:

Ôi Lạy Đức Kitô!
Với cánh tay rộng mở
Ngài cứu độ chúng con
Khỏi tử thần, âm phủ.
Chính nhờ những vết thương
Như chứng tích phi thường
Lay động Cha nhân ái
Chúng con được xót thương.

Theo các tác giả Tân ước, chính con người mới cần được hòa giải (sự nổi loạn của con người), chứ không phải Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã đi bước trước và hòa giải với con người qua cái chết sinh ơn cứu độ và sự phục sinh của Đức Kitô.

Những dạng thức Thức Và Biến Tấu của Ơn cứu độ: Một Vài Vấn Nạn


Những tranh luận cho thấy rằng không có một giáo huấn rõ ràng, thống nhất liên quan đến những dạng thức và biến tấu của ơn cứu độ trong Tân ước. Điều đó có nghĩa là khi tìm hiểu cứu độ luận trong Tân ước, người ta vẫn còn gặp phải một bức tranh lắp ghép từ nhiều khía cạnh. Và nó cũng đồng nghĩa với việc bất cứ ai muốn giải thích các đoạn văn liên quan đến ơn cứu độ trong Tân ước đều gặp những vấn đề cần được suy tư. Ở đây, xin nêu lên ba vấn đề:

Trước hết, cần phải đặt vấn đề dưới những lối diễn tả về mặt cứu độ luận khác nhau miễn là chúng duy trì bối cảnh theo luật chung, trong đó cho thấy rõ ràng là chính Thiên Chúa của Israel cứu độ nhân loại. Loại cứu độ luận nào càng đào sâu sự tách biệt giữa Cha và Con thì loại cứu độ luận ấy càng rời xa bối cảnh theo luật chung trên tổng thể rộng lớn hơn.

Thứ hai, vấn đề cần phải được nêu lên cho dù, bằng một lối diễn tả đặc thù, một điều gì đó mang tính quyết định và thực sự được thực hiện cho nhân loại như là một hành vi giải phóng nơi thập giá và sự phục sinh. Nhân loại không cần những thông tin giản đơn (kiểu như: Thiên Chúa đầy lòng nhân từ). Nhân loại cần điều gì đó được thực hiện. Những gì thực sự đã diễn ra nơi thập giá và sự phục sinh có tác động lên toàn thể vũ trụ? Nếu có, đó là tin mừng cần được loan báo. Nếu không, chẳng còn chi nữa.

Thứ ba, vấn đề cần phải được đào sâu liên quan đến phạm vi ơn cứu độ. Một mặt, có chỗ cho rằng chỉ một số ít được cứu độ (Lc 13,23-24). Mặt khác, có những đoạn văn trong Tân ước nói đến ơn cứu độ toàn thể, thậm chí bao trùm cả vũ trụ. Những đoạn văn này không hợp với bất cứ loại cứu độ luận nào. Chẳng hạn, thánh tông đồ Phaolô nói đến công trình cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Kitô như là nền tảng cho việc công chính hóa nhân loại (lưu ý sự khác biệt giữa ‘tất cả’ và ‘nhiều’ trong Rm 5,18-19; so sánh với 1Cr 15,22) và như là một khai mào cho ơn cứu độ cho toàn thể thụ tạo (Rm 8,18-25). Tác giả các lá thư mục vụ nói đến Thiên Chúa như “Đấng cứu độ mọi người, nhất là các tín hữu” (1Tm 4,10). Và tác giả thư 1Ga nói đến Đức Kitô bị đóng đinh như là “của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (2,2). Trong những đoạn văn này và nhiều đoạn khác nữa, có một “Tin mừng mang chiều kích vũ trụ” (Rm 11,25-32; 1Cr 15,20-28; Pl 2,9-11; Cl 1,15-20). Phải xem xét chúng đến mức độ nào để từ đó chúng có một chỗ đứng trong thần học vẫn còn là điều cần tranh luận.

Công cuộc tìm kiếm sự thống nhất trong Tân ước vẫn tiếp tục. Khi bàn đến những dạng thức thức và biến tấu của ơn cứu độ, những tác giả khác nhau đã trình bày vấn đề cách rất đa dạng. Nếu có đi đến một sự thống nhất nào đó, thì nó sẽ phải bao gồm một số những xác quyết tối thiểu được tìm thấy xuyên suốt trong Tân ước, ngay cả khi điều đó là không minh nhiên trong mỗi phần. Trong đó, phải kể đến mục đích và hoạt động của Thiên Chúa để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại, Thiên Chúa đã gửi Người Con đến để mặc khải và cứu độ; thập giá và sự phục sinh mà Con Thiên Chúa đã nhận lấy chính là phương tiện đem lại ơn cứu độ. Xa hơn nữa, có những chi tiết đặc thù để phân biệt các tác phẩm khác nhau trong Tân ước. Trong đó, có thể kể đến công trình cứu độ của Đức Giêsu nơi sứ vụ tại thế trong các Tin mừng, mỗi một vai trò trong các công trình ấy, niềm tin, ân sủng để đón nhận ơn cứu độ, và phạm vi ơn cứu độ. Do đó, vấn đề còn lại mà người chú giải phải giải quyết là phải đặt những câu hỏi sâu xa hơn liên quan đến những nguồn mạch và những tiêu chuẩn thần học đi xa hơn chính bản văn Tân ước.