Thời sự Thần học - Số 81, tháng 08/2018, tr. 143-161
_Hieronymus Bùi Thiện Thảo, O.P._
Năm 2018, châu Âu kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất. Vào lúc 11giờ, ngày 11.11.1918, lệnh đình chiến bắt đầu có hiệu lực. Trong lịch phụng vụ của Giáo hội, ngày 11 tháng 11 là ngày lễ thánh Martin. Từ binh sĩ trở thành đan sĩ rồi giám mục thành Tours, thánh Martin là một trong những gương mặt lớn của Giáo hội thời Cổ đại.
Được bầu chọn làm người đứng đầu Giáo hội khi chiến tranh thế giới thứ nhất vừa mới khởi đầu, đức thánh cha (ĐTC) Biển Đức XV được coi như vị giáo hoàng gặp nhiều khó khăn nhất của thế kỷ thứ XX vì gần như suốt thời gian tại chức, người phải đối mặt với chiến tranh. Đứng trước cuộc chiến này, ĐTC Biển Đức XV đã nỗ lực rất nhiều để kêu gọi các nước tham chiến đàm phán nhằm tìm một con đường hoà bình. Mặc dù những xung đột vũ trang kết thúc vào mùa thu năm 1918 nhưng những hậu quả của nó vẫn còn thể hiện rõ nét cho đến khi ĐTC Biển Đức XV qua đời vào ngày 22.01.1922.
Đức thánh cha Biển Đức XV là ai?
Giacomo della Chiesa chào đời ngày 21.11.1854 trong một gia đình quý tộc lâu đời của thành phố Genova (Tây Bắc nước Ý). Tổ tiên xa xưa của người là vua Berengario II (900-966) và ĐTC Callixtus II (1065-1124). Thân mẫu của người, bà Giovanna Migliorati (1827-1904), cũng thuộc một gia đình quý tộc ở thành phố Napoli và là hậu duệ của dòng tộc ĐTC Innocentius VII (1339-1406). Sau khi tốt nghiệp văn chương cổ điển, vì cha của Giacomo không muốn con mình trở thành linh mục nên anh tiếp tục theo học ở khoa luật đại học Genova và lấy bằng tiến sĩ dân luật năm 1875. Trong thời gian còn là sinh viên, bầu không khí chống đối giáo sĩ ở nước Ý đang dâng cao, vì vậy Giacomo đã gia nhập phong trào Công giáo tiến hành và trở thành chủ tịch của một uỷ ban địa phương[1]. Cuối cùng, người cha của Giacomo cũng đành chấp nhận ơn gọi của con trai mình nhưng với điều kiện anh phải theo học tại Almo Collegio Capranica (Giáo hoàng chủng viện Capranica do đức hồng y Domenico Capranica thành lập năm 1457). Người được phong chức linh mục ngày 21.12.1878 tại vương cung thánh đường San Giovanni in Laterano.
Năm sau, linh mục Giacomo theo học Học viện ngoại giao của Toà thánh và chỉ một năm sau đã tốt nghiệp tiến sĩ Giáo luật. Trong thời gian này, linh mục Giacomo được đức cha Mariano Rampolla del Tindaro (1843-1913) chú ý và bảo trợ khi người đến thực tập ở Quốc vụ khanh của Toà thánh. Sau đó cha Giacomo theo đức cha Rampolla đến Tây Ban Nha khi vị này được bổ nhiệm làm sứ thần Toà thánh tại đất nước này. Năm 1887, đức cha Rampolla được đặt làm hồng y và trở thành Quốc vụ khanh của Toà thánh, linh mục Giacomo cũng theo người về làm việc tại Giáo triều Rôma. Sau khi ĐTC Pius X được bầu làm người đứng đầu Giáo hội vào tháng 8 năm 1903, đức hồng y (ĐHY) Rafael Merry del Val (1865-1930) được chọn làm người đứng đầu Phủ Quốc vụ khanh, thầy trò ĐHY Rampolla bị mất chức. Mãi đến năm 1907, linh mục Giacomo della Chiesa mới được bổ nhiệm làm tổng giám mục Bologna. Sau khi ĐHY Rampolla qua đời năm 1913, đức cha Giacomo được đặt làm hồng y ngày 25.05.1914. Hơn hai tháng sau, ĐTC Pius X qua đời ngày 20.08.1914 khi Chiến tranh Thế giới I vừa mới bùng nổ, ĐHY Giacomo della Chiesa lần đầu tiên tham gia bầu chọn người đứng đầu Giáo hội[2].
Mật nghị các hồng y năm ấy diễn ra trong bầu không khí căng thẳng một phần vì chiến tranh đe doạ, mặt khác các đức hồng y cử tri phân hoá thành hai khối. Một khối ủng hộ lập trường của ĐTC Pius X vừa mới mất (lên án trường phái duy tân), một khối muốn quay trở về với tư tưởng của ĐTC Leo XIII lưu tâm đến những vấn đề của thời đại. ĐHY Giacomo della Chiesa là người trung dung nên được coi như một ứng cử viên có khả năng dung hoà được cả hai khối. Ngày 03.09.1914, ĐHY Giacomo della Chiesa được bầu chọn làm người kế vị thánh Phê-rô và lấy danh xưng là Biển Đức XV vì lòng quý mến đối với ĐTC Biển Đức XIV (1740-1758), một nhà lập pháp của Giáo hội.
Những nỗ lực kêu gọi hoà bình…
Ngay khi còn là tổng giám mục Bologna, đức cha Giacomo della Chiesa đã bày tỏ lập trường của Giáo hội không ủng hộ bất kỳ một bên tham chiến nào và tiếng nói của người từng gặp phải nhiều chống đối. Đầu thế kỷ thứ XX, vị trí của Giáo hội trên trường quốc tế còn khá mờ nhạt. Căng thẳng giữa Toà thánh và nước Ý kể từ khi nước này thống nhất (1870) vẫn chưa được giải quyết. Tương quan giữa nước Nga chính thống và Giáo hội cũng không mấy tốt đẹp. Nước Đức thống nhất (đầu năm 1871) trở thành một nước theo Tin lành lớn mạnh nhất châu Âu đã làm cho đế chế Áo-Hung, một quốc gia Công giáo thân thiện với Toà thánh, trở nên lu mờ. Thêm vào đó, Kulturkampf (cuộc chiến vì văn minh), chính sách chống đối Giáo hội Công giáo do thủ tướng Otto von Bismarck († 1898) điều khiển trong gần suốt thập niên 1870 đã làm cho đời sống của Giáo hội gặp không ít khó khăn (các dòng tu bị cấm đoán, Nhà nước chấm dứt việc tài trợ cho các hoạt động bác ái của Giáo hội, bỏ tù hàng giáo sĩ, Nhà nước giành lấy việc đào tạo linh mục do vậy một nửa các chủng viện bị đóng cửa). Trong khi đó, ở Pháp, Giáo hội cũng rơi vào tình cảnh tương tự kể từ đầu thế kỷ XX[3].
Trung thành với lập trường không thiên vị của Toà thánh, ngay từ khi mới được bầu chọn làm người đứng đầu Giáo hội, ĐTC Biển Đức XV đã khẳng định rõ lập trường của mình với hy vọng sẽ trở thành người trung gian cho các nước tham chiến để tái lập hoà bình. Điều này thể hiện rõ qua những tài liệu chính thức của Giáo hội do người công bố:
- Tông huấn Ubi Primum (ngày 08.09.1914)
- Thông điệp đầu tiên Ad Beatissimi (ngày 01.11.1914).
- Diễn văn nhân ngày lễ Giáng sinh (24.12.1914).
- Ngày cầu nguyện cho hoà bình thế giới: Chúa Nhật ngày 07.02.1915.
- Tông huấn kêu gọi hoà bình (ngày 01.08.1917).
ĐTC Biển Đức XV luôn nhấn mạnh đến tính trung lập và lập trường không thiên vị của Toà thánh để theo đuổi chính sách tích cực nhằm tái lập hoà bình và củng cố các hoạt động bác ái, nhất là cứu giúp các nạn nhân của chiến tranh. Người cảm thấy mình có bổn phận phải can thiệp một cách trực tiếp với các nước tham chiến để “sớm chấm dứt đại thảm hoạ” này. Chỉ năm ngày sau khi được bầu chọn làm người kế vị thánh Phê-rô, ĐTC Biển Đức XV đã công bố tông huấn Ubi Primum (08.09.1914) để mời gọi các nước tham chiến tìm cách hạ vũ khí. Một lời mời gọi không người đáp ứng. Dù vậy, đức thánh cha vẫn tiếp tục tìm mọi cách để tái lập hoà bình trong suốt bốn năm tiếp theo.
Chỉ ba tháng sau khi chiến tranh bùng nổ, trong thông điệp Ad beatissimi đầu tiên của mình, ĐTC Biển Đức XV đã mô tả một thế giới đang bị hình ảnh đau buồn của chiến tranh chế ngự. Người viết: “Không còn giới hạn nào cho đổ nát và tàn sát: cứ mỗi ngày, trái đất lại chìm ngập trong những suối máu mới và phủ đầy những tử thi và những người bị thương.” Người tiếp tục đặt ra câu hỏi nhức nhối cho các tín hữu: “Cứ nhìn những dân tộc này trang bị vũ khí để chống những dân tộc khác, làm sao chúng ta có thể tin được họ là con cái của một Cha chung, họ có cùng một bản tính và có chung một xã hội loài người?” Người lên án những quốc gia hùng cường và thịnh vượng “sở hữu những loại vũ khí đáng sợ nhất và khoa học về quân sự hiện đại nhất mà họ đã phát minh để huỷ diệt lẫn nhau một cách tinh vi đến khủng khiếp.” Người mời gọi chính phủ các nước tìm kiếm một con đường khác ngoài việc dùng vũ lực để sửa chữa và giải quyết quyết các xung đột một cách công bằng nếu có ai bị tổn thương. Đức thánh cha đã chỉ ra ngọn nguồn của những xung đột vũ trang này là do “các huấn lệnh và nguyên tắc của minh triết Ki-tô giáo[4]” đã bị các nhà lãnh đạo quốc gia lãng quên.
Ngày 10.01.1915, ngay giữa cuộc chiến tranh, tân ĐTC Biển Đức XV gởi một bức tâm thư cho toàn Giáo hội mời gọi tất cả các tín hữu cầu nguyện cho hoà bình. Đức thánh cha đề nghị tổ chức chầu thánh thể một cách long trọng trong tất cả các thánh đường và nguyện đường trên toàn thế giới trong vòng một ngày để tất cả mọi người, kể cả các em nhỏ, có thể tham dự. Ngoài ra, đức thánh cha còn mời gọi các tín hữu xưng tội và rước lễ trong ngày hôm đó. Và lời nguyện mà đức thánh cha mời gọi các tín hữu dâng lên Thiên Chúa là lời cầu xin hoà bình, công lý và trật tự cho toàn thế giới[5].
Trong bài diễn văn mừng lễ Giáng sinh phát biểu trước sự hiện diện của hồng y đoàn (ngày 24.12.1914), đức thánh cha nhắc lại bổn phận của các tín hữu là tiếp tục sứ mạng kiến tạo hoà bình của Chúa Ki-tô. Và để thế giới đang chìm ngập trong bóng tối của chết chóc và tuyệt vọng vì chiến tranh nhìn thấy một tia sáng hoà bình đến từ Thiên Chúa để nuôi dưỡng hy vọng và xua đuổi bóng đêm của chiến tranh, ĐTC Biển Đức XV đề nghị các nước tham chiến thực hiện việc hưu chiến trong ngày lễ Giáng sinh. Trước đó, đức thánh đã cha kêu gọi các nước đình chiến trong vòng 12 tiếng đồng hồ, nhưng theo tờ Sunday Post xuất bản ở Anh số ra ngày 132.1914, nỗ lực của ĐTC Biển Đức XV không thu được kết quả. Dù vậy, trong ngày lễ Giáng sinh năm ấy, trên nhiều chiến trường, những người lính Đức, Pháp và Anh vẫn bất chấp lệnh cấm của cấp trên đã tự động đình chiến. Họ nghỉ ngơi, tìm kiếm đồng đội bị thiệt mạng, vui chơi, ca hát, đá bóng.. cùng nhau. Bộ phim Joyeux Noël (Mừng Chúa giáng sinh) của đạo diễn Pháp Christian Carion trình chiếu năm 2005 đã thi vị hoá những khoảnh khắc hiếm hoi của ngày hưu chiến Giáng sinh năm 1914 trên chiến trường Frelinghien (miền Bắc nước Pháp). Tờ Times số ra ngày 01.01.1915 cũng ghi nhận nhiều cuộc đình chiến đã diễn ra[6].
Không nản chí trước sự dửng dưng của chính phủ các nước châu Âu, ĐTC Biển Đức XV vẫn tiếp tục kêu gọi họ đối thoại để chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt. Chúa nhật ngày 07.02.1915, đức thánh cha kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho hoà bình thế giới. Vì chính phủ các quốc gia tham chiến không lưu ý đến những lời mời gọi vì hoà bình, ĐTC Biển Đức XV bắt đầu lưu ý đến việc chăm lo cho những nạn nhân của chiến tranh, trao đổi tù binh và bệnh nhân thường dân (nhất là phụ nữ và trẻ em). Chính ĐTC Biển Đức XV đã thành lập một cơ quan y tế cộng tác với hội Chữ Thập đỏ quốc tế. Nhờ sự can thiệp của người, các trại giam cho phép tù nhân cử hành phụng vụ và mở cửa cho các đại diện của Giáo hội thăm viếng tù nhân (xin xem thêm bài “Hoạt động của Giáo hội Công giáo trong Chiến tranh Thế giới I”). Bản thân người đã góp 82 triệu lire cho việc cứu trợ các nạn nhân[7].
Ngày 06.04.1917, Hoa Kỳ tuyên chiến với Đức và hôm sau tuyên chiến với đế chế Áo-Hung. Điều này làm gia tăng tính chất nghiêm trọng của cuộc xung đột. Đức cha Eugenio Pacelli (ĐTC Piux XII tương lai), tân sứ thần của Toà thánh được ĐTC Biển Đức XV gởi tới München, sau đó tại Berlin, để thương lượng với Đức và Áo nhưng không đạt được thoả thuận nào đáng kể. Chính vì vậy, ngày 01.08.1917, ĐTC Biển Đức XV soạn thảo một lời hiệu triệu hoà bình. 15 ngày sau, bản văn xuất hiện trên tờ L’Osservatore Romano, cơ quan ngôn luận chính thức của Toà thánh. Đức thánh cha kêu gọi các nguyên thủ quốc gia của các nước tham chiến ủng hộ những nỗ lực tìm kiếm hoà bình mà Giáo hội đã đề cao ngay từ đầu cuộc chiến. Trong tông huấn này, người viết:
Bất kỳ ai theo dõi những hoạt động của Ta trong ba năm đau thương vừa qua đều dễ dàng nhận thấy rằng, mặc dù Ta luôn kiên quyết trung thành với [lập trường] tuyệt đối không thiên vị và với những hoạt động bác ái của mình, nhưng đồng thời Ta cũng không ngừng khuyến khích các dân tộc và chính phủ các nước tham chiến trở thành anh em với nhau như trước.[8]
Đức thánh cha cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng nếu cuộc xung đột vẫn tiếp diễn bằng những lời lẽ mạnh mẽ “chẳng lẽ thế giới văn minh sẽ chỉ là một chiến trường chết chóc” để thức tỉnh các nhà lãnh đạo quốc gia. Đức thánh cha không chỉ kêu gọi kiến tạo hoà bình, người còn đưa ra những đề nghị cụ thể và thực tiễn: đề nghị nước Đức rút quân khỏi nước Bỉ và trả lại cho nước Pháp những vùng đất mà họ đã chiếm được, bù lại, nước Đức cũng sẽ được thu hồi những thuộc địa đã rơi vào tay quân Đồng minh và thương lượng về những tranh chấp chủ quyền ở châu Âu. Thế nhưng, cũng như những lời mời gọi trước đây của đức thánh cha, lời hiệu triệu vì hoà bình lần này cũng bị bỏ ngoài tai.
Tiếng nói của đức thánh cha lại gặp phải bức tường của nghi ngờ và im lặng của giới chính khách. Châu Âu tiếp tục đi trên con đường định mệnh của mình giống như một con tàu say nhưng thuỷ thủ đoàn và hành khách lại sẵn sàng chịu trận. Tiếng nói của đức thánh cha là những lời can đảm của người dám lội ngược dòng, bất chấp dư luận muốn đi đến tận cùng của cuộc chiến. Người nói thêm: “Châu Âu rạng rỡ và thịnh vượng lẽ nào sắp bị cuốn phăng vì sự điên rồ chung để cho mình lao xuống vực thẳm và góp phần vào cuộc tự sát của mình?” đức thánh cha không dùng đến những diễn từ thuần tuý về luân lý nhưng dùng những lời lẽ thực tế và những đề nghị cụ thể với hy vọng những đề nghị này sẽ là “nền tảng cho một nền hoà bình chính đáng và bền vững[9]”. Để thế giới tương lai được duy trì trong hoà bình và ổn định, đức thánh cha còn đề nghị giải trừ vũ khí tổng thể và một tổ chức trọng tài quốc tế để phân xử những xung đột giữa các quốc gia.
Nước Pháp phản ứng rất dữ dội và tiêu cực trước lời kêu gọi hoà bình của ĐTC Biển Đức XV từ phía báo chí và một số chính khách[10], thậm chí ngay cả giới Công giáo cũng không tán thành bản văn của đức thánh cha. Người lên tiếng chống đối mạnh mẽ nhất là linh mục Antonin-Dalmace Sertillanges (1863-1948), thuộc Dòng Đa Minh, một giáo sư triết học và nhà giảng thuyết nổi tiếng khắp nước Pháp thời bấy giờ. Nhân một buổi cầu nguyện với sự tham dự của nhiều vị giám mục và nhiều quan chức cấp cao của chính phủ Pháp tại thánh đường thánh Madeleine tại Paris ngày 10.12.1917, cha Sertillanges lên tiếng mời gọi Giáo hội ủng hộ lập trường chủ chiến của ông Georges Clemenceau (1841-1929), bộ trưởng bộ chiến tranh (quốc phòng). Vị linh mục này kêu gọi các tín hữu cho nhà nước mượn vàng để trang trải cho cuộc chiến như một bổn phận của công dân đối với đất nước. Vị này còn tán dương chiến thắng quân sự như phương thức tốt nhất để nước Pháp đạt được một nền hoà bình chính đáng và rạng ngời mà ông gọi là “Hoà bình của nước Pháp[11]”. Trong bài giảng, vị linh mục này nhìn nhận lời kêu gọi của đức thánh cha là tiếng nói vị chủ chăn của Giáo hội và chương trình của người có thể đạt được hoà bình bằng hoà giải nhưng người Công giáo Pháp không thể vâng phục đức thánh cha vì nước Pháp chỉ thực sự có được hoà bình bằng chiến tranh, bằng sức mạnh quân sự[12].
… và tìm kiếm hoà bình trong vô vọng
Sau khi lời kêu gọi hoà bình của mình bị từ chối, nếu không muốn nói là gặp phải chống đối, ĐTC Biển Đức XV vẫn không nản lòng. Người vẫn tiếp tục tìm cách mời gọi các nước tham chiến đàm phán với nhau để đi đến một thoả thuận có khả năng đem lại hoà bình cho châu Âu. Đối tượng để đức thánh cha nhắm đến lúc này là Hoa Kỳ. Mặc dù hiệp ước London ký kết ngày 26 tháng 4 năm 1915 giữa nước Ý và các nước Đồng minh loại trừ đại diện của Toà thánh khỏi những cuộc đàm phán hoà bình[13], đức thánh cha vẫn không từ bỏ chương trình hoà bình của mình. Người đề nghị sứ thần của Toà thánh tại Hoa Kỳ và thúc đẩy báo giới Công giáo của nước này dùng truyền thông để tác động lên chính phủ của tổng thống Thomas Woodrow Wilson (1856-1924) nhưng ĐHY James Gibbons (1834-1921), tổng giám mục Baltimore, lại do dự vì sợ rằng những đề nghị của đức thánh cha sẽ làm cho làn sóng bài Công giáo sẽ trỗi dậy[14].
Vào tháng 10 năm 1918, khi thất bại của nước Đức đang ngày càng thể hiện rõ, ĐTC Biển Đức XV tìm cách đề nghị Hoa Kỳ kí kết hiệp ước đình chiến với đế chế Áo-Hung. Khi nhận được tin của ĐHY quốc vụ khanh Gasparri, đức cha Gibbons từ chối đề nghị làm trung gian liên hệ với tổng thống Wilson vì sợ làm vị này nổi giận. Cuối cùng, vài ngày trước khi đến dự Hiệp ước hoà bình Paris, tổng thống Wilson đến yết kiến ĐTC Biển Đức XV. Thế nhưng có lẽ cuộc gặp gỡ ngắn ngủi không đi đến một quyết định nào quan trọng. Đại diện của Toà thánh vẫn không được tham dự Hội nghị hoà bình Paris (1919-1920).
Mặc dù tổng thống Wilson có vẻ không để ý đến tiếng nói của ĐTC Biển Đức XV nhưng về tư tưởng ông có một số điểm chung với đức thánh cha như chủ trương một nền hoà bình nhưng không cần phân biệt thắng bại theo chủ trương của các nước Đồng minh. Nhất là trong bản văn “Mười bốn điểm” do tổng thống Wilson công bố ngày 08.01.1918 trước Quốc hội Hoa Kỳ về chương trình hoà bình và tái thiết châu Âu sau chiến tranh, nếu so sánh với thông điệp vì hoà bình do ĐTC Biển Đức XV công bố ngày 01.08.1917, chúng ta dễ dàng nhận thấy nhiều điểm chung. Nhiều nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ, nhất là linh mục dòng Tên Charles Gontier cho rằng, tư tưởng của hai vị này độc lập và song song với nhau chứ tổng thống Wilson không hề lấy ý tưởng từ thông điệp của đức thánh cha. Thế nhưng giáo sư người Pháp Francis Latour phản bác lập luận trên đây vì cho rằng hai đường thẳng song song chỉ gặp nhau ở vô cùng (nghĩa là không bao giờ giao nhau) để khẳng định rằng bài diễn văn của tổng thống Wilson lấy cảm hứng từ tông huấn của ĐTC Biển Đức XV[15].
Do sự dửng dưng của các nước tham chiến nên những nỗ lực tìm kiếm hoà bình được đức thánh cha khởi xướng trong thời gian xung đột 1914-1918 hầu như đều thất bại. Thất bại vì không được lắng nghe, vì không thể chấm dứt cuộc chiến sớm hơn, vì đại diện của Toà thánh không được tham dự hội nghị hoà bình Paris. Hơn nữa, hoà bình được tái lập nhưng đức thánh cha vẫn mang một nỗi buồn vì đế chế Áo-Hung, một nước Công giáo lớn, bị chia xẻ, và nước Đức vốn có tương thân thiện với Toà thánh hơn các nước Đồng minh phải đầu hàng vô điều kiện. Chiến thắng làm cho các nước Đồng minh vốn không mặn mà với Giáo hội Công giáo thêm hống hách. ĐTC Biển Đức XV nhanh chóng cảm nhận được những hậu quả của việc tái lập hoà bình bằng chiến thắng của phe Đồng minh vì đó là một nền hoà bình áp đặt và tuỳ tiện chứ không phải một nền hoà bình theo quan niệm của Ki-tô giáo. Điều này thể hiện qua những quyết định mang tính áp đặt của bên thắng trận ở Hội nghị Versailles từ tháng giêng đến tháng sáu năm 1919.
Vì vậy, mặc dù chiến tranh đã kết thúc nhưng ĐTC Biển Đức XV vẫn lo sợ một cuộc chiến khác sẽ tái diễn. Trong thông điệp Pacem được công bố ngày 23.05.1920, ĐTC Biển Đức XV đã cảnh báo chiến tranh có thể bùng phát nếu nhân loại không thực sự hoà giải và kiến tạo một nền hoà bình bền vững: “Nếu gần như khắp nơi, một cách nào đó, người ta đã chấm dứt chiến tranh, mặc dù đã kí kết những hiệp ước hoà bình nhưng người ta chưa loại trừ mọi mầm móng của những bất hoà trước đây; và chư huynh không nghi ngờ rằng mọi nền hoà bình đều bất ổn, mọi hiệp ước đều vô hiệu quả bất chấp những cuộc thương lượng dài ngày và tỉ mỉ của những người tham gia đàm phán và tính chất thiêng liêng của những chữ kí được trao đổi chừng nào chưa có sự hoà giải bắt nguồn từ tình bác ái đối với nhau để xoa dịu những thù hận và căm ghét[16]”.
Mặc dù ĐTC Biển Đức XV không thành công trong việc kêu gọi các nước tham chiến đàm phán thoả hiệp để chấm dứt chiến tranh nhưng lại thành công trong việc làm cho các nước xích lại gần Toà thánh hơn mặc dù bị nước Ý tìm cách ngăn cản điều này. Nhờ vậy, vào cuối thập niên 1910, có đến 10 toà khâm sứ được thiết lập hoặc được tái lập đã cải thiện rõ nét vị trí quốc tế của đức thánh cha. Khi người qua đời ngày 22.01.1922, Toà thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước ở Đông Âu, một việc làm đòi hỏi sự khôn khéo và tế nhị vì các nước lớn như nước Nga Xô viết vừa mới ra đời và đế chế Áo-Hung vừa tan rã không dễ dàng chấp nhận.
Tuy nhiên, liệu có thể kết luận những nỗ lực tìm kiếm hoà bình của ĐTC Biển Đức XV đều hoàn toàn thất bại hay không? Nếu nhìn xa hơn một chút, chúng ta sẽ thấy những nỗ lực của người đã sinh được nhiều hoa trái. Hiệp ước Laterano năm 1929 giữa Toà thánh và nước Ý được kí kết ngày 11.02.1929 nhìn nhận vị trí quốc tế của Toà thánh chính là kết quả của những hoạt động vì hoà bình và lập trường của ĐTC Biển Đức XV trong chiến tranh thế giới thứ nhất[17].
ĐTC Biển Đức XV chính là vị tông đồ nhiệt thành của hoà bình. Một trăm năm sau ngày Chiến tranh Thế giới I kết thúc, những nỗ lực kiến tạo hoà bình của người đã được thế giới nhìn nhận, vì vậy người còn được mệnh danh là “đức giáo hoàng của hoà bình”. Năm 2005, khi ĐHY Joseph Ratzinger được bầu chọn làm người kế vị thánh Phê-rô, người đã chọn danh xưng Biển Đức XVI để chứng tỏ mình “gắn bó với tinh thần của đức thánh cha Biển Đức XV, người đã dẫn dắt Giáo hội trong thời kì khó khăn do chiến tranh thế giới thứ nhất” gây ra.
Phụ thêm: Giáo huấn của Giáo hội Công giáo về Hòa bình trong thế kỷ XX
Đức thánh cha Biển Đức XV đã mở màn cho giáo huấn của Giáo Hội về Hòa bình. Chúng tôi xin điểm qua vài văn kiện quan trọng:
1. Đức Piô XI (1922-1939)
Triều đại của ngài kéo dài hầu như suốt thời gian giữa hai thế chiến. Đây là thời buổi khủng hoảng của chế độ tư bản, và sự phát triển của các chế độ độc tài.
Ba thông điệp được công bố liên quan đến ba chế độ toàn trị: Non abbiamo bisogno (chế độ phát xít 1931); Divini Redemptoris (chế độ cộng sản 1937); Mit Brennender Sorge (chế độ quốc xã 1937).
Ngoài ra, thông điệp Dilectissima Nobis Hispania (1933) được gửi đến các tín hữu Tây ban nha sống dưới chế độ cộng hòa bài trừ Công giáo, và thông điệp Firmissimam Constantiam (1937) hướng đến các tín hữu Mekhico dưới chế độ độc tài, bàn đến những trường hợp chống đối chính quyền trong khuôn khổ luật pháp.
2. Đức Piô XII (1939-1958)
Ngài lãnh đạo Giáo hội vào lúc sắp bùng nổ thế chiến thứ hai, và đã để lại một huấn giáo quan trọng về hòa bình, và đáng tặng biệt hiệu Doctor pacis.
Lần can thiệp đầu tiên (24-8-1939) là sự kêu gọi các quốc gia hãy tìm kiếm công lý bằng lý trí chứ không bằng vũ lực: “Với hòa bình, chẳng mất gì cả; với chiến tranh có thể mất tất cả”. Đồng thời, qua các sứ điệp truyền thanh nhân dịp lễ Chúa Giáng sinh từ năm 1941, Ngài trình bày những tiền đề căn bản cho một nền hòa bình chân chính: tôn trọng các quốc gia dù là nhỏ bé; tôn trọng các nhóm thiểu số hiện diện trong lãnh thổ quốc gia; phân phối các tài nguyên để tránh những chênh lệch kinh tế giữa các nước giàu và nước nghèo. Sứ điệp năm 1942 đề cập đến những nguyên tắc tổ chức chính trị trong nội bộ quốc gia: tôn trọng nhân vị, bảo vệ gia đình và lao động. Sứ điệp năm 1944 nhấn mạnh đến những điều kiện luân lý để bảo đảm cho đời sống dân chủ quốc nội và hòa bình quốc tế. Ngài cũng nghĩ đến một định chế quốc tế có khả năng ngăn ngừa chiến tranh, và cụ thể loại trừ chiến tranh gây hấn; đồng thời ngài cũng yêu cầu xét lại học thuyết về chiến tranh “công bình” xét vì những hậu quả khủng khiếp của chiến tranh vào thời nay.
Từ năm 1950 đến 1958, Đức Piô XII quan tâm đến hòa bình quốc tế trong bối cảnh chiến tranh lạnh và sự đối đầu giữa hai khối ý thức hệ.
3. Thánh Gioan XXIII (1958-1963)
Sau thế chiến thứ hai, thế giới bị chia thành khối, dưới quyền lãnh đạo của hai siêu cường Nga và Mỹ. Tuy không còn những chiến tranh nóng trên cấp toàn cầu, nhưng không thiếu những cuộc chiến địa phương, chẳng hạn: Palestine (1948, 1956, 1967, 1973), Triều tiên (1950-53), Việt nam (1959-1975). Thêm vào đó, hai khối thi đua vũ trang, chất đầy kho những vũ khí hạt nhân với sự tiêu diệt khủng khiếp.
Trong thông điệp Mater et Magistra (15-5-1961), ngài đã lưu ý rằng hòa bình vững bền và phong phú khó lòng được duy trì trong tình trạng tồn tại những chênh lệch kinh tế và xã hội giữa các quốc gia, và ngài đặt ra những nguyên tắc cần thiết để xây dựng hòa bình: chân lý, công bằng và yêu thương.
Dù sao, văn kiện quan trọng nhất được ngài để lại như chúc thư cho thế giới là thông điệp Pacem in terris (11-4-1963, không đầy ba tháng trước khi băng hà), với tựa đề: “Về hòa bình giữa các dân tộc dựa trên chân lý, công bằng, yêu thương và tự do”. Văn kiện này đề ra những nền tảng để xây dựng cuộc sống hòa thuận giữa con người với nhau, rồi giữa công dân với Nhà Nước, cuối cùng là trong cộng đồng các dân tộc.
Văn kiện này được gửi đến “tất cả mọi người thiện chí”. Thông điệp không còn nói đến những điều kiện để biện minh một cuộc chiến “công bằng”. Thay vào đó là những chương nhấn mạnh đến tôn trọng nhân quyền, những thái độ cần có để xây dựng hòa bình (giảm khí giới, tin tưởng nhau, liên đới). Nền tảng của tương quan hòa bình giữa cá nhân là tôn trọng nhân phẩm. Điều này cũng đúng cho tương quan giữa các cộng đồng: cần được điều khiển bởi chân lý, công bằng, liên đới, tự do.
Việc tôn trọng con người đòi hỏi phải khước từ sự kỳ thị chủng tộc. Một cách tích cực hơn, cần cổ võ tình liên đới giữa các quốc gia. Thông điệp cũng chủ trương phải giảm bớt khí giới, vì các việc chế tạo khí giới lấy mất đi bao nhiêu năng lực vật chất và tinh thần, và cuộc thi đua võ trang đặt con người sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ. Việc giảm khí giới đòi hỏi không những là các cơ quan có thẩm quyền để giám sát, nhưng nhất là sự tin tưởng lẫn nhau thay thế cho não trạng bá quyền.
4. Công đồng Vaticanô II (1962-1965)
Hiến chế Gaudium et spes, văn kiện cuối cùng của công đồng, đã dành chương cuối cùng để bàn về vấn đề “Bảo vệ hòa bình và xây dựng cộng đồng các dân tộc” (số 77-93).
Sau đây là vài điểm nổi bật:
- Bản chất đích thực của hoà bình: hoạt động của công bằng (xc. Is 32,7) và hoa trái của tình yêu. Hoà bình không chỉ là vắng chiến tranh, nhưng là sống tình huynh đệ, và đây là hoa trái của yêu thương. Sau khi đã lên án sự man rợ của chiến tranh, công đồng ca ngợi những người khước từ vũ lực khi tranh đấu cho các quyền lợi.
- Công đồng chấp nhận tính cách luân lý của chiến tranh tự vệ (chứ không phải là chiến tranh xâm lăng) cũng như việc tham gia quân đội để bảo vệ hoà bình. Tuy nhiên, nguy cơ của một cuộc “chiến tranh toàn diện” đòi phải xét lại khái niệm của “chiến tranh công bằng” (hoặc “chính đáng”). Đồng thời công đồng cũng lặp lại sự phê phán của Pacem in terris về sự thi đua vũ khí.
- Để xây dựng hoà bình, cần đến một quyền bính quốc tế được tất cả các quốc gia nhìn nhận. Tuy nhiên, sự xây dựng hoà bình tùy thuộc vào mỗi người, qua việc giáo dục và thay đổi não trạng.
5. Thánh Phaolô VI (1963-1978)
Giáo huấn của công đồng được diễn tả ra cụ thể qua hai quyết định: 1) Thiết lập Ủy ban Iustitia et pax (ngày 6-1-1967, sau này sẽ được đổi thành Hội đồng Giáo hoàng vào năm 1976, và nay được sát nhập vào Bộ Phát triển toàn diện con người), để thực thi ước nguyện của GS 90. 2) Thiết lập ngày Thế giới hòa bình cử hành vào ngày đầu năm dương lịch kể từ năm 1968.
Trong số những lần can thiệp của Đức Thánh Cha Phaolô VI, thiết tưởng cần nhắc đến:
- Diễn văn tại Liên hợp quốc (4-10-1965): “Đừng bao giờ còn chiến tranh nữa”, và lặp lại lời của tổng thống John Kennedy: “Hoặc nhân loại chấm dứt chiến tranh, hoặc chiến tranh chấm dứt nhân loại”.
- Thông điệp Populorum progressio (ngày 26-3-1967): “Sự phát triển là tên gọi mới của hòa bình”. Những chênh lệch bất công trong việc phân phối tài sản là mối đe dọa cho hòa bình.
6. Thánh Gioan Phaolô II (1978-2005)
Sự sụp đổ của chế độ cộng sản đã giảm bớt sự căng thẳng giữa hai khối Nga Mỹ cùng với nguy cơ của chiến tranh hạt nhân.[18] Tuy nhiên, nảy ra những hình thức chiến tranh mới: cuộc chiến tranh vùng Vịnh (Irak) với nguy cơ đụng độ giữa thế giới Âu Mỹ với thế giới Hồi giáo; cuộc chiến khủng bố kể từ biến cố 11-9-2001; những cuộc tranh đấu độc lập tại Bosnia (Kosovo) và Đông Timor (năm 1999) đặt lên vấn đề sự can thiệp của lực lượng từ bên ngoài vì lý do nhân đạo.
Những lần can thiệp của đức thánh cha về hòa bình đôi khi được chứa đựng trong các văn kiện giáo huấn xã hội, chẳng hạn: Thông điệp Sollicitudo rei socialis (30-12-1987): “hòa bình là hoa trái của tình liên đới” số 39. Thông điệp Centesimus annus (1-5-1991). Đề tài hòa bình được nói đến đặc biệt trong diễn văn tại Liên Hợp quốc (năm 1979 và 1995) hoặc khi tiếp ngoại giao đoàn cạnh Toà thánh.
Vài biến cố đặc biệt: cuộc gặp gỡ các đại biểu tôn giáo tại Assisi để cầu nguyện cho hoà bình (27-10-1986 và 24-1-2002). Sự trung gian của Toà thánh để giải quyết tranh chấp biên giới giữa Chile và Argentina (1979). Cuộc hòa giải bất thành của Toà thánh trước khi bùng nổ chiến tranh Irak (2003).
Sau cùng, thiết tưởng cũng nên nhắc đến Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo do đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 11-10-1992, bàn về hòa bình ở các số 2302-2317, và đặc biệt là Tóm lược Giáo huấn xã hội của Hội thánh (Hội đồng giáo hoàng về Công lý và Hòa bình phát hành ngày 2-4-2004), chương XI “Cổ vũ hòa bình”, gồm bốn đoạn: 1/ Khía cạnh Thánh kinh (số 488-493). 2/ Hòa bình, kết quả của Công lý và Bác ái (số 494-496). 3/ Sự thất bại của hòa bình: chiến tranh (số 497-515). 4/ Sự đóng góp của Giáo hội vào hòa bình (số 516-520). Đoạn thứ nhất tìm hiểu ý nghĩa của hòa bình trong lịch sử cứu độ, từ nguyên thủy cho đến thời Chúa Giê-su và các tông đồ. Đoạn thứ hai trình bày quan điểm của Giáo hội về hòa bình. Đoạn ba bàn về chiến tranh như là mặt trái của hòa bình (đoạn này dài hơn cả, đề cập đến các vấn đề: sự tự vệ chính đáng; vai trò của quân đội; bảo vệ người vô tội; cấm vận; giải giới; khủng bố). Sau cùng, sách TLHT trình bày sự đóng góp của Giáo hội (hiểu về toàn dân Thiên Chúa) cho hòa bình.
_________
[1] Andrea Riccardi, “In te, Domine, speravi; non confundar in aeternum”, 30 Jours, no 5 (2005) http://www.30giorni.it/articoli_id_8949_l4.htm, tham khảo ngày 05.07.2018.
[2] François Jankowiak, “Benoît XV”, in Philippe Levillain (dir.), Dictionnaire historique de la papauté, Paris, Fayard, 1994, tr. 219.
[3] Terry Philpot, “World War I’s Pope Benedict XV and the pursuit of peace”, National Catholic Reporter, ngày 19.07.2014, https://www.ncronline.org, tham khảo ngày 26.06.2018.
[4] Những trích dẫn trên đây nằm trong “Thông điệp Ad beatissimi” trong Actes de Benoît XV, t. 1: 1914-19198, Paris, Maison de la Bonne Presse, 1925, tr. 27-28.
[5] Nicolas Buttet, L’Eucharistie à l’école des saints, Paris, Éditions de l’Emmanuel, 2000, tr. 360.
[6] Cf ttps://www.rtbf.be/14-18/thematiques/detail_la-treve-de-noel-fraternisation
-autour-du-ballon-rond?id=8550573
[7] George J. Marlin, “World War I and the Papacy”, The Catholic Thing, 02.08.2014, https://www.thecatholicthing.org, tham khảo ngày 29.06.2018.
[8] “Exhortation à la paix”, trong Actes de Benoît XV, t. 1: 1914-19198, tr. 181.
[9] Ibid. tr. 182.
[10] Francesco Siccardo, “1917. La guerre, la paix et le pape dans un sermon du père Sertillanges”, Mots, tháng 9/1990 (n° 24), “Parole de la grande guerre”, tr. 104-105.
[11] A. D. Sertillanges, La paix française, Paris, Bloud et Gay, 1917, tr. 2.
[12] Ibid., tr. 9.
[13] Nathalie Renoton-Beine, La Colombe et les tranchées. Benoît XV et les tentatives de paix durant la première guerre mondiale, Paris, Le Cerf, 2004, tr. 343.
[14] Marie Gayte, “Les interventions du pape Benoît XV auprès de Woodrow Wilson pendant la Grande Guerre”, IdeAs [online], Printemps/ Été 2017 (no 9), tr. 5.
[15] Francis Latour, “Le Saint-Siège et les États-Unis à la recherche de la paix pendant la Première Guerre mondiale: la collaboration impossible”, Guerres mondiales et conflits contemporains, juillet 2001 (no 199), tr. 87.
[16] Thông điệp Pacem, ngày 23.05.1920, trong Actes de Benoît XV, t. II, tr. 132-147.
[17] Nathalie Renoton-Beine, op. cit., tr. 375.
[18] Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, nhiều Hội đồng giám mục đã lên tiếng trước nạn leo thang chiến tranh, thi đua vũ trang, chẳng hạn HĐGM Hoa kỳ Challenge of Peace (03/05/1983), Đức, Pháp, Tây ban nha...