Thời sự Thần học - Số 81, tháng 08/2018, tr. 190-199
_Tsth_
Ngược lại, thời nay, người ta muốn nói đến “ius ad pacem” (hay ius pacis) mà ta có thể hiểu là “quyền hòa bình”, trong khung cảnh của những quyền lợi của con người. Vấn đề không chỉ giới hạn trong phạm vi luân lý đạo đức nhưng cần diễn tả thành ngôn ngữ pháp lý. Thế nhưng phải hiểu “quyền hòa bình” như thế nào? Phải chăng đó là quyền được sống thanh bình, không có chiến tranh? Ai là chủ thể của quyền ấy: các cá nhân, các dân tộc, các quốc gia, cộng đồng nhân loại? Quyền ấy phát sinh nghĩa vụ cho ai (ai buộc phải tôn trọng quyền ấy)? Trong bài này, trước hết chúng ta sẽ theo dõi những cách hiểu khác nhau về “quyền hòa bình”; sau đó, chúng ta sẽ đọc vài bản văn quan trọng của Liên hợp quốc (LHQ) nói về quyền hòa bình trong khuôn khổ các nhân quyền.
I. Những cách tiếp cận “quyền hòa bình”
Phải hiểu “quyền hòa bình” như thế nào? Andrea Cofelice, trong một bài nghiên cứu 110 văn kiện quốc tế, đã nhận thấy 9 lối tiếp cận khác nhau khi bàn về “quyền hòa bình”[2]. Những lối tiếp cận này không tương phản nhau, và phần nào đánh dấu một sự tiến triển theo dòng thời gian.
1. Hoà bình như khát vọng và mục tiêu chính trị
Đây là lối tiếp cận của các hiệp ước thành lập của rất nhiều tổ chức vùng và quốc tế (Unesco, Hội đồng châu Âu, Tổ chức các quốc gia châu Phi, Liên hiệp châu Phi, ASEAN, v.v…). Các hiệp ước này cam kết bảo đảm hòa bình và an ninh như là mục tiêu thành lập tổ chức.
2. Hoà bình như hệ thống an ninh tập thể
Lối tiếp cận này được Đại Hội Đồng LHQ khai triển trong ba quyết nghị quan trọng trong khóa họp thứ V năm 1950, xác định ba cột trụ của hòa bình hiểu như là hệ thống an ninh tập thể: vai trò trung tâm của LHQ trong việc duy trì hòa bình quốc tế và hệ thống an ninh; giải trừ khí giới; lên án việc tuyên truyền chống lại hòa bình.
3. Hoà bình như trật tự xã hội và quốc tế
Điều 28 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền du nhập lối tiếp cận về hòa bình được hiểu như trật tự xã hội và quốc tế, trong đó tất cả các nhân quyền và tự do căn bản có thể được thể hiện trọn vẹn. Nói khác đi, mọi nhân sinh đều sở hữu một quyền hòa bình quốc nội (xã hội) và quốc tế. Do đó, cần phải cấu trúc xã hội như thế nào để phẩm giá và sự bình đẳng được tôn trọng.
4. Hoà bình như quyền được sống thanh bình
Tuyên ngôn về việc chuẩn bị các xã hội đế sống thanh bình của Đại Hội Đồng LHQ năm 1978 tuyên bố hai nguyên tắc căn bản: 1/ Nhìn nhận cho mỗi quốc gia và mỗi cá nhân quyền được sống thanh bình (chiều kích cá nhân và tập thể của quyền lợi. 2/ Định nghĩa việc âm mưu, chuẩn bị và khai mở một chiến tranh xâm lăng như là tội phạm chống lại hòa bình. Trong văn kiện này, các Nhà Nước được coi là chủ thể chính của nghĩa vụ (duty-holder) tương ứng với quyền hòa bình.
5. Hoà bình như là quyền của các dân tộc
Kể từ khi áp dụng Tuyên ngôn về việc chuẩn bị các xã hội để sống thanh bình (1978), việc nhấn mạnh đến nghĩa vụ của các Nhà Nước trở thành một nhân tố càng ngày càng quan trọng trong việc thảo hoạch quyền hòa bình. Tuyên ngôn về Quyền của các dân tộc được hưởng hòa bình (năm 1984), sau khi long trọng tuyên bố rằng tất cả mọi dân tộc có một quyền thánh thiêng được hòa bình, đã nêu bật rằng việc bảo vệ quyền này là một “nghĩa vụ nền tảng” cho mọi Nhà Nước. Để tôn trọng nghĩa vụ ấy, các Nhà Nước phải thực hiện những chính sách nhằm loại bỏ mối đe dọa chiến tranh và sử dụng vũ lực trong các tương quan quốc tế; các Nhà Nước phải cam kết giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng những dụng cụ hòa bình. Dựa trên lối tiếp cận này, một nghị quyết của Đại Hội Đồng đã tuyên bố trong lời mở đầu rằng hòa bình là một quyền bất khả nhượng của mỗi nhân sinh.
6. Hoà bình như là văn hóa hòa bình
Lối tiếp cận “văn hóa hòa bình” (thuật ngữ của UNESCO) được đưa vào lịch trình của Đại Hội Đồng của tổ chức này vào thập niên 90 (thế kỷ XX), đặc biệt nhờ ông tổng thư ký Federico Mayor. Từ đó nhiều dự án đã được đề xuất, chẳng hạn như Tuyên ngôn và Chương trình hành động vì một nền văn hóa hòa bình (1999) và Tuyên ngôn về Giáo dục và Đào tạo nhân quyền (2011).
7. Hoà bình như là tiền đề sinh động để hưởng các nhân quyền
Lối tiếp cận được sử dụng trong một nghị quyết của Đại Hội Đồng LHQ năm 2003. Dựa trên các nguyên tắc của Hiến chương và điều 28 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Đại Hội Đồng tuyên bố rằng hòa bình là một tiền đề sinh động để hưởng tất cả các nhân quyền, và việc bảo vệ và thăng tiến hòa bình là một nghĩa vụ căn bản của Nhà Nước. Vì thế, ngoài việc cam kết loại trừ các đe dọa chiến tranh và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp, các Nhà Nước cần dấn thân cổ võ một hệ thống quốc tế dựa trên sự tôn trọng nhân quyền, bao gồm cả quyền phát triển và tự quyết của các dân tộc.
8. Hoà bình như quyền liên đới
Từ thập niên 70 (thế kỷ XX) đã có sự tiến triển của các nhân quyền thuộc thế hệ thứ ba (những quyền liên đới), bắt nguồn từ UNESCO. Tự bản chất, việc thực thi những quyền này đòi hỏi sự hợp tác quốc tế và những hoạt động được phối kết. Những quyền này bao gồm: quyền phát triển kinh tế và xã hội; quyền được hưởng gia sản chung của nhân loại, quyền có một môi trường lành mạnh, quyền được trợ giúp nhân đạo trong trường hợp thiên tai, quyền hòa bình.
9. Hoà bình như quyền lợi con người cá nhân (và tập thể)
Lối tiếp cận này bắt nguồn từ UNESCO và Hội đồng Nhân quyền của LHQ. Hòa bình được xem như một quyền lợi biệt lập của cá nhân và của tập thể. Từ năm 2010, Hội đồng nhân quyền đã bắt tay vào việc soạn thảo dự thảo Tuyên ngôn về quyền hòa bình. Quyền này bao hàm nhiều đề tài: bảo đảm an ninh; giải giới; giáo dục hòa bình; phản đối nghĩa vụ quân sự; chống lại sự đàn áp; lực lượng duy trì hòa bình; quyền phát triển; môi trường; quyền của các nạn nhân, di dân và tị nạn[3].
Tóm lại, có thể phân chia các lối tiếp cận trên đây thành hai nhóm:
a) những lối tiếp cận “chính trị” (Hòa bình như là mục tiêu; hòa bình như là hệ thống an ninh tập thể; văn hóa hòa bình).
b) những lối tiếp cận “pháp lý”: hòa bình như là một quyền lợi (quyền của cá nhân và của các dân tộc) và đặt ra nghĩa vụ cho Nhà Nước.
Dĩ nhiên, lối tiếp cận chính trị dễ thu nhận sự đồng ý, còn lối tiếp cận pháp lý thì gặp nhiều chống đối, bởi vì các nhà cầm quyền không muốn bị ràng buộc trước những đòi hỏi của nhân dân (tựa như: không được sản xuất vũ khí). Như sẽ thấy, các nghị quyết theo chiều hướng này luôn gặp sự chống đối của các “cường quốc”.
II. Những văn bản pháp lý
Chúng ta có thể ghi lại ba dấu mốc đánh dấu sự tiến triển của quyền hòa bình:
1. Tuyên ngôn nhân quyền của LHQ
Bản Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền (10/12/1948) không đề cập quyền hòa bình, nhưng đã đặt vài nền tảng để khai triển.
Thực vậy, ở điều 3, chúng ta đọc thấy như sau: “Mỗi cá nhân có quyền được sống, tự do và an toàn bản thân”. Những lời này đặt nền tảng cho tự do, công lý và hòa bình trên thế giới.
2. Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc được hưởng hòa bình
Quyết nghị 39/11 được Đại Hội Đồng LHQ phê chuẩn ngày 12/11/1984
Đại Hội Đồng,Tái xác nhận rằng sứ mạng chính yếu của LHQ là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế;Nhắc lại những nguyên tắc căn bản của luật quốc tế được phát biểu trong Quy chế của LHQ;Lưu ý đến ước nguyện và ý định của tất cả các dân tộc muốn loại trừ chiến tranh ra khỏi cuộc sống của nhân loại, và nhất là, muốn ngăn ngừa một tai họa toàn cầu của hạt nhân;Xác tín rằng, tình trạng không có chiến tranh, trên bình diện quốc tế, là một điều kiện tiên quyết của an lạc, thịnh vượng vật chất và tiến bộ của các quốc gia cũng như của sự thành tựu các quyền lợi và tự do căn bản của con người do LHQ công bố;Nhận thức rằng, trong thời đại hạt nhân này, việc thiết lập một nền hòa bình bền vững tượng trưng cho điều kiện ưu tiên cho việc bảo tồn văn minh nhân loại và sự sống còn của loài người;Nhìn nhận rằng mỗi Quốc gia có nghĩa vụ thánh thiêng phải bảo đảm cho các dân tộc một cuộc sống an bình;1. Long trọng công bố rằng các dân tộc trên trái đất có một quyền lợi thánh thiêng được hưởng hòa bình;2. Long trọng tuyên bố rằng việc bảo vệ quyền của các dân tộc được hưởng hòa bình và việc phát huy quyền này là một nghĩa vụ nền tảng của mỗi quốc gia;3. Nhấn mạnh rằng, để bảo đảm việc thực thi quyền của các dân tộc được hưởng hòa bình, thì tất nhiên chính sách của các quốc gia là phải loại trừ những đe dọa chiến tranh, nhất là hạt nhân, loại trừ việc sử dụng vũ lực trong các tương quan quốc tế, và giải quyết ôn hòa những tranh chấp quốc tế dựa trên Quy chế của LHQ;4. Kêu gọi tất cả các quốc gia và tất cả các tổ chức quốc tế hãy góp phần bằng hết mọi phương thế để bảo đảm việc thực thi quyền của các dân tộc qua việc sử dụng những biện pháp thích ứng trên bình diện quốc gia và quốc tế.
3. Tuyên ngôn của LHQ về quyền hòa bình
Ngày 18/11/2016, trong phiên họp của Ủy ban thứ III của khóa 71 Đại Hội Đồng LHQ, văn kiện “Tuyên ngôn về quyền hòa bình” (A/C.3/71/l.29)[4]. Bản văn được thông qua với 131 phiếu thuận[5], 34 phiếu chống[6], và 19 phiếu trắng[7]. Tuyên ngôn được mở đầu với một danh sách rất dài những quy chiếu (37) về các văn kiện trước đây (“xét rằng…”). Chính văn bản văn của Tuyên ngôn chỉ gồm 5 điều.
Declaration on the Right to Peace
Article 1
Everyone has the right to enjoy peace such that all human rights are promoted and protected and development is fully realized.
Mỗi người có quyền được hưởng hòa bình, ngõ hầu tất cả các nhân quyền được phát huy và được bảo vệ, và sự phát triển được thể hiện hoàn toàn.
Article 2
States should respect, implement and promote equality and non-discrimination, justice and the rule of law and guarantee freedom from fear and want as a means to build peace within and between societies.
Các quốc gia phải tôn trọng, thực thi và cổ võ sự bình đẳng và không kỳ thị, công bằng và quy tắc pháp lý và bảo đảm sự tự do khỏi sợ hãi và khỏi túng thiếu như là những biện pháp để xây dựng hòa bình trong và giữa các xã hội.
Article 3
States, the United Nations and specialized agencies should take appropriate sustainable measures to implement the present Declaration, in particular the United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization. International, regional, national and local organizations and civil society are encouraged to support and assist in the implementation of the present Declaration.
Các quốc gia, Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên môn, cách riêng Tổ chức UNESCO cần đề ra những biện pháp thích nghi bền vững để thực thi Tuyên ngôn này. Các tổ chức quốc tế, miền, quốc gia và địa phương và xã hội dân sự được khuyến khích nâng đỡ và hỗ trợ cho việc thực thi Tuyên ngôn này.
Article 4
International and national institutions of education for peace shall be promoted in order to strengthen among all human beings the spirit of tolerance, dialogue, cooperation and solidarity. To this end, the University for Peace should contribute to the great universal task of educating for peace by engaging in teaching, research, post-graduate training and dissemination of knowledge.
Cần phải cổ vũ các định chế giáo dục hòa bình quốc tế và quốc gia để tăng cường giữa mọi người tinh thần bao dung, đối thoại, hợp tác và liên đới. Để được vậy, Đại học Hòa bình cần góp phần vào nhiệm vụ toàn cầu giáo dục hòa bình, bằng việc dấn thân giảng dạy, nghiên cứu, đào tạo hậu đại học và quảng bá kiến thức.
Article 5
Nothing in the present Declaration shall be construed as being contrary to the purposes and principles of the United Nations. The provisions included in the present Declaration are to be understood in line with the Charter of the United Nations, the Universal Declaration of Human Rights and relevant international and regional instruments ratified by States.
Không điều nào trong Tuyên ngôn này được giải thích theo chiều hướng trái nghịch với những mục tiêu và nguyên tắc của LHQ. Các quy định trong Tuyên ngôn này cần được hiểu phù hợp với Hiến chương LHQ, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, và những dụng cụ quan trọng quốc tế và miền đã được các quốc gia phê chuẩn.
Nên biết là Đại Hội Đồng nhìn nhận rằng bản văn còn có thể cải thiện trong khóa họp năm 2018.
Thư mục
Xem website của Hội đồng nhân quyền: https://www.ohchr.org/EN/HRBodies/HRC/Pages/IntersessionalWorkshopRighttoPeace.aspx
____
[1] Xem bài viết về “Chiến tranh công bình” trong số này.
[2] Right to Peace: A Long Standard Setting Process, in: “Pace e diritti umani” anno X, n.2-3, Maggio-dicembre 2013, p.83-105
[3] Trong việc biên soạn các dự thảo, Hội đồng nhân quyền đã nhận được sự đóng góp của nhiều tổ chức nhân quyền phi chính phủ.
[4] Trước đó bản văn đã được Ủy ban nhân quyền của LHQ họp tại Genève khóa 32 thông qua ngày 24-6-2016 với 34 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 4 phiếu trắng, và chuyển lên Đại Hội Đồng ở New York.
[5] Afghanistan, Algeria, Angola, Antigua and Barbados, Argentina, Azerbaijan, Bahamas, Bahrain, Bangladesh, Barbados, Belarus, Belize, Benin, Bhutan, Bolivia, Botswana, Brazil, Brunei Darussalam, Burkina Faso, Burundi, Cabo Verde, Cambodia, Cameroon, Central African Republic, Chad, Chile, China, Colombia, Comoros, Congo, Costa Rica, Cote d’Ivoire, Cuba, Democratic People’s Republic of Korea, Djibouti, Dominica, Dominican Republic, Ecuador, Egypt, El Salvador, Equatorial Guinea, Eritrea, Ethiopia, Fiji, Gabon, Ghana, Grenada, Guatemala, Guinea, Guinea-Bissau, Guyana, Haiti, Honduras, India, Indonesia, Iran, Iraq, Jamaica, Jordan, Kazakhstan, Kenya, Kiribati, Kyrgyzstan, Kuwait, Lao People’s Democratic Republic, Lebanon, Lesotho, Liberia, Libya, Madagascar, Malawi, Malaysia, Maldives, Mali, Mauritania, Mauritius, Mexico, Mongolia, Morocco, Mozambique, Myanmar, Namibia, Nauru, Nepal, Nicaragua, Niger, Nigeria, Oman, Pakistan, Panama, Papua New Guinea, Paraguay, Peru, Philippines, Qatar, Russian Federation, Saint Kitts and Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent and the Grenadines, Samoa, Sao Tome Principe, Saudi Arabia, Senegal, Seychelles, Sierra Leone, Singapore, Solomon Islands, Somalia, South Africa, South Sudan, Sri Lanka, Sudan, Suriname, Swaziland, Syrian Arab Republic, Tajikistan, Thailand, Togo, Trinidad-Tobago, Tunisia, Uganda, United Arab Emirates, United Republic of Tanzania, Uruguay, Uzbekistan, Vanuatu, Venezuela, Vietnam, Yemen, Zambia and Zimbabwe.
[6] Australia, Austria, Belgium, Bosnia and Herzegovina, Bulgaria, Canada, Croatia, Czech Republic, Denmark, Estonia, Finland, France, Germany, Hungary, Ireland, Israel, Japan, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Monaco, Montenegro, Netherlands, New Zealand, Re6public of Korea, Romania, Slovakia, Slovenia, Spain, Sweden, the Former Yugoslav Republic of Macedonia, United Kingdom and United States of America.
[7] Albania, Andorra, Armenia, Cyprus, Fiji, Greece, Iceland, Italy, Liechtenstein, Norway, Palau, Republic of Moldova, Poland, Portugal, San Marino, Serbia, South Sudan, Switzerland and Turkey.