Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

NHỮNG KHUÔN MẪU THÁNH THIỆN CỦA GIÁO HỘI NGA

Thời sự Thần học - số 78, tháng 11/2017, tr. 67-89

_Vladimir Zelinskij_

Linh mục Vladímir Zelinski sinh tại Taskent (nay thuộc về Uzbekistán) năm 1942, nhưng từ nhỏ đã sống tại Moskva. Sau khi tốt nghiệp đại học văn khoa, năm 28 tuổi anh trở lại đạo và trở thành phần tử của Giáo hội Chính thống Nga. Từ năm 1991, anh sống tại Ý, giảng dạy văn chương Nga tại đại học Thánh Tâm (Brescia). Năm 1999, anh được thụ phong linh mục và phụ trách cộng đồng Chính thống tại Brescia và Firenze. Cha tham gia tích cực vào việc phổ biến giáo hội tại Nga cũng như phong trào đại kết. Vài tác phẩm tiêu biểu: À la découverte de la Parole, (2004); Mistero, cuore, speranza. Elementi della spiritualità ortodossa, (2010); Come un mosaico restaurato. Il volto di Cristo, cuore dell’incontro con Dio, (2011). Nguồn của bài viết này: I santi dell’antica e della nuova Russia, in: “Humanitas” XLVIII (1993) 517-532, được bổ túc với những lần phát biểu khác của cùng tác giả: I santi. Il volto interiore della Chiesa Russa. Các chú thích là của người dịch.
Bài viết được chia làm 3 phần:
   I. Bí quyết thánh thiện: sống các mối phúc thật
   II. Những nét đặc trưng của các vị thánh nước Nga
   III. Những khuôn mẫu thánh thiện

Chắc chắn là không thể nào thuật lại cuộc đời của các vị thánh hoặc trình bày con đường tâm linh của các ngài trong một bài viết ngắn. Chúng tôi chỉ muốn nêu bật vài nét đặc trưng của sự thánh thiện của Giáo hội Đông phương bên Nga, khi đối chiếu với cách biểu lộ sự thánh thiện bên Tây phương.

Tin Mừng được linh đạo bên Đông phương lắng nghe như là lời loan báo cuộc biến đổi thế giới này cũng như sự chiến thắng những tà thần muốn chiếm đoạt con người. Việc nên thánh phải trải qua cuộc giao tranh kéo dài suốt đời để đón nhận sự thánh thiện của Thiên Chúa vào cuộc đời của ta, để sống dưới sự hiện diện của Ngài, làm bùng lên tia lửa mà Ngài đã gieo vào trong tâm hồn ta. Sự thánh thiện là một bí tích, nơi gặp gỡ giữa tác động của Chúa và nỗ lực của con người.

Các thánh nhân là khuôn mặt nội tâm của Giáo hội. Giáo hội nhìn thấy vinh quang của mình nơi vinh quang của các thánh. Mỗi khi tuyên dương một vị thánh, Giáo hội một lần nữa tuyên xưng niềm tin rằng Chúa Kitô vẫn chiếu tỏa ánh sáng của Người trong cuộc sống của mình. Việc tuyên dương chính thức của Giáo hội thường đi sau lòng tôn kính “bình dân” của các tín hữu: các tín hữu nhận thấy nơi các vị thánh không những là mẫu gương lý tưởng để noi theo, nhưng hơn thế, chính là Thiên Chúa đã hiện diện nơi cuộc đời của các ngài, nơi những hành động và lời nói của các ngài. Vị thánh giống như Chúa Kitô nhập thể một lần nữa, một con người đã trở thành phúc nhân, giống như Thiên Chúa. Các thánh là ân huệ mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội, giúp cho Giáo hội phát triển đặc tính “thánh thiện” của mình.

I. Bí quyết của sự thánh thiện: tám mối phúc thật


Mỗi khi lãnh bí tích thánh tẩy, mỗi cá nhân và mỗi dân tộc lãnh nhận bảo chứng của sự thánh thiện. Theo tôi nghĩ, bảo chứng của sự thánh thiện của dân tộc Nga là sự thánh thiện của bát phúc: các mối phúc thật được thấm nhuần vào cuộc sống, và chiếu tỏa thành vẻ đẹp tinh thần.

“Phúc thay những người nghèo trong tinh thần, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay những kẻ khóc lóc…”, “Phúc thay những kẻ hiền lành…”, “Phúc thay những kẻ đói khát sự công chính…”, “Phúc thay những kẻ có lòng thương xót…”, “Phúc thay những kẻ bị bách hại vì công lý, vì Nước Trời là của họ”.

Mục tiêu của cuộc đời Kitô hữu là đạt được hạnh phúc, bảo chứng cho cuộc sống với Thiên Chúa. “Phúc thay” có nghĩa là được đón nhận vào trong hạnh phúc hoặc là trong vẻ đẹp huyền diệu của Vương quốc Thiên Chúa “ở gần kề bên ta” hoặc “ở trong ta”, như Chúa Giêsu đã dạy. Bí quyết nên thánh nằm ở chỗ linh hồn con người được bừng cháy vì sự “gần kề” ấy. “Vương quốc Thiên Chúa đã đến ở giữa anh chị em” (Mt 12,28), nhưng không phải những người thưa rằng “Lạy Chúa, Lạy Chúa!” là sẽ được vào Vương quốc đâu (Mt 7,21). Các thánh đã biết rằng – không phải là cái biết bằng lý trí, nhưng bằng con tim – rằng những người thưa “Lạy Chúa, Lạy Chúa” sẽ không ồ ạt vào Vương quốc chỉ vì mang danh là kẻ có đạo. Một vị thánh gần thời chúng ta, Silvano Núi Athos[1], đã được Chúa mặc khải như sau: “Hãy đăm đăm nhìn vào hỏa ngục, và đừng mất hy vọng”, và chính ngài đã kể lại (từ kinh nghiệm bản thân” rằng: “Thiên Chúa đã ban Thánh Linh cho trần thế, và kẻ nào được Thánh Linh ngự đến thì cảm thấy thiên đàng ở trong mình”.

Đất và Trời, hỏa ngục và thiên đàng là những thực tại sống động của những kẻ gần kề Vương quốc Thiên Chúa. Họ mang Nước Chúa trong mình, nhưng Nước Chúa chỉ có thể thâm nhập bằng vũ lực, bằng việc thi hành bạo lực trên chính mình, bởi vì “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11,12). Đây là vũ lực của sự ly khai khỏi thế gian sa đọa, và sự cắt đứt này có thể ví được như cái chết, theo như lời của thánh Phaolô: “Anh em dường như đã chết. Cuộc đời của anh em từ nay được ẩn giấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa”. Câu nói này của thánh Tông đồ đã mở đường cho một cuộc chiến đấu vô hình của các thánh. Phần đông các thánh là những người vô danh (cuộc sống của họ trong Đức Kitô được giấu ẩn, ít được biết đến). Chỉ sau khi họ qua đời, thì bức màn “hạnh phúc” mới được vén lên: lúc ấy Đức Kitô, Đấng đã sống thầm kín trong cuộc đời của họ, mới tỏ lộ: “Khi Đức Kitô là nguồn sống của anh em, xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,3).

II. Những nét đặc trưng của các vị thánh nước Nga


Chúng tôi xin tóm lược những nét đặc trưng sự thánh thiện được biểu lộ dưới hình thức của Nước Nga như sau.

1/ Tiên vàn, sự thánh thiện mang tính phụng vụ, không hiểu theo nghĩa là lễ nghi cử hành ở nhà thờ, nhưng theo nghĩa là cuộc đời trở thành cuộc cử hành trước mặt Thiên Chúa. Một thánh nhân không chỉ là kẻ cầu nguyện (và cầu nguyện liên tục, dựa theo truyền thống của các ẩn sĩ), nhưng còn là kẻ biến thành lời cầu.

2/ Sự thánh thiện mang tính thống hối, được diễn tả như là hoán cải, đền tội. Các thánh có ý thức cao độ về tội lỗi, hơn là người bình thường. Họ là những người nắm bắt cách nghiêm túc lời của thánh Phaolô: “Anh em là đền thờ của Thánh Linh” (1Cr 6,19), cho nên họ tìm cách để thanh tẩy đền thờ qua việc hy sinh từ bỏ chính mình. Vì thế, sự thánh thiện mang theo sự “tự hủy” (kenosis), khước từ tất cả mọi vinh quang của thế gian, (cách riêng vinh quang vì được người đời tôn kính như là “thánh sống”, “vĩ nhân”), khước từ luôn cả mạng sống của mình.

3/ Xét về mặt Giáo hội, sự thánh thiện mang tính cách Thánh Thể, nghĩa là bí tích của hiệp thông, kết hiệp với Chúa Kitô về tinh thần và thể xác. Sự thánh thiện là bí tích của hợp nhất, làm biến đổi thân thể của chúng ta nhờ ngọn lửa của Mình Thánh Chúa.

4/ Ngoài ra, sự thánh thiện này mang tính vô ngôn (apophatica). Thánh nhân ra như đắm chìm trong mầu nhiệm bất khả tri và bất khả thấu của con người và của Thiên Chúa. Trong bất kỳ dạng thức nào của các thánh bên Nga, luôn có một phần không thể thấy được và không thể hiểu được.

5/ Sự thánh thiện còn có đặc tính cánh chung. Con người không chỉ sống cho đời này mà còn sống cho cuộc đời bên kia; không phải sống cho trần thế này nhưng là cho Vương quốc sẽ đến vào cuối dòng lịch sử. Chỉ Vương quốc mới mang lại ơn cứu độ. Thánh nhân là người làm chứng cho Vương quốc trước mặt nhân loại. Thánh nhân được ví như người canh cổng cho Vương quốc ấy, và giúp cho nhân loại biết cách mở cửa. Dù sao, đừng quên rằng thánh nhân vẫn chưa vào Vương quốc, mà chỉ mới đến gần cửa và nhìn được tí chút ánh sáng lóe qua khe cửa.

6/ Đặc tính cuối cùng là thần khí. Con người sống là kẻ mang Thánh Linh trong mình, kẻ được Thánh Linh hiện diện trong cuộc đời. Tới mức này, thánh nhân được đưa vào mầu nhiệm Tam Vị: con người là hình ảnh của Thiên Chúa, và cần trở về với cội nguồn của mình.

Tất cả những nét vừa nêu tạo nên đặc trưng của truyền thống các thánh của nước Nga. Tuy dù có vài điểm độc đáo, nhưng nói cho cùng, truyền thống ấy tìm cách diễn tả lời truyền của Đức Giêsu: “Các con hãy nên trọn lành như Cha của các con ở trên trời” (Mt 5,48). Chúng ta tìm thấy các nét ấy nơi các vị thánh dọc theo một ngàn năm lịch sử của dân tộc, khởi đầu từ những hoàng thân lập quốc. Chúng ta có thể xếp vào một vài khuôn mẫu họa theo các mối phúc thật.

III. Những khuôn mẫu thánh thiện


Chúng ta có thể kể ra bốn khuôn mẫu thánh thiện đặc trưng của Giáo hội Nga, dựa trên các mối phúc dành cho những kẻ chịu đau khổ với Chúa, những kẻ chịu bách hại vì sự công chính; những kẻ có con tim trong sạch; những người nghèo trong tinh thần.

1. Những kẻ chịu đau khổ cùng với Đức Kitô


Dân tộc Rus được hình thành kể từ khi công tước Vladimir trở lại đạo. Ông đã đưa dân tộc vào đạo Kitô giáo và cũng mở đường cho họ nên thánh. Ông được tôn kính như một vị thánh, tuy dù đời tư của ông xem ra còn xa vời lý tưởng của Tin Mừng. Tuy vậy, ông được nhìn nhận vài điểm tích cực: ông đã bãi bỏ hình phạt tử hình, bởi vì ông nghĩ rằng luật Chúa không cho phép đổ máu bất cứ ai. Ông cũng nổi tiếng vì lòng thương người nghèo. Sau khi ông qua đời, người ta tưởng chừng như lý tưởng thánh thiện cũng theo ông xuống mồ, nhưng nào ngờ, một hình thức mới của đường nên thánh được khai mở: những kẻ chịu đau khổ vì Chúa Kitô.

Công tước Vladimir có rất nhiều con cái, được sinh ra bởi nhiều bà vợ mà ông đã có trước khi trở lại đạo. Sau khi ông băng hà vào năm 1015, một trong các người con, tên là Sviatopolk, đã quyết tâm loại trừ các anh em của mình. Đây là chuyện thường xảy ra trong các cung đình, khi các hoàng thân giết hại lẫn nhau để tranh ngôi. Tuy nhiên, thái độ của Boris và Gleb, hai người con của ông Vladimir, thì khác. Họ đã những người trẻ không có tham vọng chiếm quyền, mà cũng chẳng ai muốn chết. Nhưng rồi họ đã chịu chết và tình nguyện chấp nhận cái chết, bởi vì họ không trốn chạy trước những kẻ sát nhân và cũng không kháng cự. Họ đón nhận cái chết như ý muốn của Chúa.

Việc tình nguyện đón nhận cái chết để bắt chước Chúa Giêsu đã gây xúc động trong tâm thức của dân Rus. Vì thế, sau cái chết của hai anh em, dân chúng đã tôn kính họ như những vị tử đạo. Thực ra, cái chết của họ không phải là việc tử đạo theo nghĩa chặt, xét vì họ không chết để bảo vệ đức tin chống lại một kẻ vô đạo. Vì thế các cấp lãnh đạo Giáo hội tại Constantinopolis đã chần chừ trong việc phong thánh cho họ. Không phải họ chết vì đức tin. Mặc dù vậy, nhân dân nhìn thấy nơi hành động của họ (hay sự khước từ hành động kháng cự) chính khuôn mặt đau khổ của Chúa Kitô, Đấng đã tình nguyện chịu chết và đã cầu nguyện cho những kẻ sát hại mình. Hai anh em Boris và Gleb được đưa vào mối chân phúc dành cho những “kẻ hiền lành”, “kẻ xây dựng hòa bình”, “kẻ bị bách hại vì công lý”. Vì lý do đó, hai người anh em này nhận được tước hiệu là “những kẻ thụ nạn” (strastoterpcy), nghĩa là những kẻ đón nhận cái chết cách tự nguyện, chịu đựng đau khổ theo gương của Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá.

Dạng nên thánh của những kẻ chịu đau khổ cùng với Chúa Giêsu bị nhục mạ, chịu bỏ rơi, chấp nhận tình thế của thời cuộc, Đấng đã không kêu gọi “đạo binh các thiên sứ” đến bảo vệ cho mình (Mt 26,53), đã trở thành một khuôn mẫu của dân Nga. Trong các tác phẩm của mình, ông Dostoevskij đã tỏ ra nhạy bén đối với sự thánh thiện của kẻ vô tội mà chịu đau khổ. Dĩ nhiên, trong lịch sử các vị thánh của nước Nga, có nhiều khuôn mẫu thánh thiện vì những công tác truyền giáo hoặc những hoạt động bác ái xã hội, như sẽ thấy, nhưng đứng hàng đầu là những vị thánh “tự hủy diệt” (kenotic) là những kẻ thụ nạn. Sau hai ông hoàng Boris và Gleb, có nhiều vị khác cũng tìm cách trở nên giống Đức Giêsu trong hồi thụ nạn. Chúng ta biết được tên tuổi của nhiều vị thánh hoàn toàn vô danh, và chỉ đến sau khi đã qua đời do một chuyện tình cờ (chẳng hạn như thánh Artemio, một thiếu niên bị sét đánh). Nhưng vụ nổi tiếng nhất vào thời gần đây, đã gây ra nhiều vụ tranh cãi là Nga hoàng Nicola II, bị xử bắn ở Ekaterinburg năm 1918 (903 năm sau cái chết của Boris và Gleb) cùng với vợ, bốn con gái và vài gia nhân. Vấn đề được đặt ra cho Giáo hội Nga là: việc phong thánh cho ngài có ý nghĩa gì không? Phải chăng đó là muốn phong thánh cho chế độ quân chủ? Nga hoàng có phải là người đức độ không? Dù sao đi nữa, sự cao cả của ông được biểu lộ nơi cái chết khiêm tốn, là một điều rất nhạy bén trong tâm thức của dân tộc Nga, khi suy gẫm đoạn văn của Isaia (53,7): “Bị ngược đãi, Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca. Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng”.

2. Những kẻ chịu ngược đãi vì Chúa Kitô


Bên cạnh những người chịu đau khổ cùng với Chúa Kitô (một loại thánh nhân độc đáo bên Nga), trong lịch sử Giáo hội nước này cũng có những vị thánh giống như những nơi khác, và đã tăng thêm trong thế kỷ XX, đó là những người chết vì đức tin. Số người bị giết trong thế kỷ vừa qua (nói cách chính xác hơn, trong giai đoạn 1918-1943) rất đông đảo, và không thể nào đếm nổi. Con số những vị giám mục, linh mục và giáo dân bị sát hại trong thời gian đó vượt quá không những con số các vị tử đạo trong suốt các thế kỷ trước đó, mà có thể nói rằng vượt luôn cả con số các Kitô hữu bị sát hại trong những thế kỷ đầu tiên dưới thời Đế quốc Rôma. Chỉ cần trưng dẫn hai dữ kiện thì đủ rõ. Trước cuộc cách mạng, trong toàn cõi Đế quốc Nga, với dân số khoảng 200 triệu người, có khoảng 55.000 giáo xứ và giáo họ, với khoảng 80 giáo phận, với hơn 1000 đan viện (đó là chỉ nói đến Giáo hội Chính thống). Đến năm 1940, tất cả hầu như đã bị xóa bỏ trong lãnh thổ Liên bang Nga, và chỉ còn tồn tại vài trăm nhà thờ; các đan viện bị đóng cửa hoặc biến thành kho chứa hàng; biết bao nhiêu tín hữu đã bị giết, bị chết trong các trại tập trung hoặc nơi lưu đày. Chúng ta có thể nói được rằng Giáo hội Nga trong thế kỷ XX, - qua các giám mục, linh mục, đan sĩ, giáo dân – đã đi vào mối phúc dành cho những kẻ chịu ngược đãi vì Chúa Kitô hoặc những kẻ chịu đau khổ cùng với Chúa Kitô.

Sự thánh thiện của Giáo hội Nga lúc nào cũng thầm lặng, khiêm tốn, ra như câm, ít được biết đến. Các vị tử đạo bên Nga cũng vậy: họ không đi tìm danh tiếng theo thói thế gian, thậm chí họ không màng danh tiếng ngay ở trong Giáo hội. Ánh sáng đích thực của chân lý luôn tàng ẩn, ít được biết đến, và sẽ còn che giấu trong bí mật suốt dòng lịch sử. Chúng ta cần đi tìm ánh sáng ẩn khuất đó ở nơi đức tin biết cầu nguyện, nơi đức ái biết chịu đựng tất cả và không đi tìm lợi ích riêng tư, nơi thành phố huyền thoại Kitez, nằm ở dưới đáy hồ.

Chuyện cổ tích nước Nga kể lại rằng có một thành phố huyền nhiệm của các thánh, tên là Kitez, bị nhận chìm xuống đáy hồ, khi đoàn quân Mông cổ sắp đến gần. Thiên Chúa che giấu các người được tuyển chọn, xa cách thế gian, và các lực lượng của ác nhân không thể nào tìm thấy đường dẫn đến đó. Như vậy, Thiên Chúa dùng bàn tay để che phủ thành phố Kitez, và nó trở thành vô hình nhờ lời cầu khẩn của những kẻ đã tới đó cách công minh chính trực; họ được che chở khỏi ác thú của Kẻ Phản Kitô.

Sự thánh thiện luôn là một hành trình hướng về thành phố vô hình ấy. Nhưng chúng ta nên hiểu theo nghĩa siêu hình hoặc cánh chung: thành phố Kitez hiện hữu ở trong đáy tâm hồn chúng ta. Đoàn quân Mông cổ là những ma quỷ muốn xâm chiếm linh hồn chúng ta và cướp bóc hoặc tàn phá ơn cứu độ của chúng ta. Vì thế, từ xa xưa, tiền nhân đã rời bỏ thành phố mà họ coi là ồn ào náo nhiệt, để đi tìm về sự thinh lặng, và sống suốt đời tại đó. Các thánh nước Nga đã chọn thành phố Kitez không phải là dưới đáy của hồ nước, nhưng là trong rừng rậm. Và đây chính là nơi giao chiến với các “thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6,12).

Tôi không muốn nói rằng bên nước Nga (và các Giáo hội Đông phương nói chung), đời sống trong Chúa Kitô luôn được che giấu trong các rừng rậm, nhưng đây là con đường quen thuộc hơn cả. Loại thánh nhân này noi theo các ẩn sĩ bên Ai-cập và Palestina, và nhận ra rằng sự cô lập là một hình thức để kết hiệp với Chúa Kitô, cũng tương tự như hình thức chịu đau khổ với Người. Sự cô lập bao hàm một mối tương quan nghịch lý của người Kitô hữu đối với thế gian: họ không phê phán hoặc lên án thế gian từ bên ngoài, nhưng tìm cách vượt thắng từ bên trong.

3. Những kẻ có con tim trong sạch


Tất cả những gì lãnh nhận từ ân sủng đều được biểu lộ qua tình yêu. Các ẩn sĩ từ bỏ thế gian vì yêu mến cầu nguyện; bởi thế các đan viện yên tĩnh nơi rừng sâu đôi khi lại trở nên địa điểm hấp dẫn. Nhờ thế, hình thức thánh thiện phổ biến bên Nga được mang tên là prepodobnye, nghĩa là “những kẻ giống các thiên thần” (hoặc giống Chúa Kitô).

Giáo hội Nga đã du nhập hình thức tu hành khắc khổ từ truyền thống Đông phương, nhưng đã pha trộn thêm những nét dịu dàng, thân mật, trắc ẩn. Ngoài động lực từ bỏ thế gian, khước từ ý riêng để triệt để tuân hành ý Chúa, người ta còn thêm động lực trắc ẩn, từ bi đối với toàn thể vạn vật.

Bước đường khổ tu bắt đầu bằng lòng kính sợ, nỗi sợ trước nguy cơ là “ngoài Chúa Giêsu, không thể tìm đâu được sự cứu độ” (Thánh Theophan Ẩn sĩ). Tuy nhiên, như Kinh Thánh đã viết, lòng kính sợ chỉ là khởi đầu của Cao Minh. Sự cứu thoát khỏi ngọn lửa đời đời chỉ mới là bảo chứng của sự cứu độ. Linh hồn của chúng ta cần được cứu độ ngay từ bây giờ, ở dưới đất, khi mà mọi tình cảm quyến luyến đều được tập trung vào lòng yêu mến Thiên Chúa. Kính sợ và yêu mến là hai sức mạnh hỗ tương, và là nguồn mạch của sự thánh thiện, nhưng lòng yêu mến vẫn giữ địa vị ưu tiên.

Đối với con người thời nay, thật khó giải thích thế nào là yêu mến Thiên Chúa. Tuy nhiên, đó là cốt lõi của đức tin Kitô giáo. Không có đức tin chân chính nếu không có lòng yêu mến. Nếu không có lòng yêu mến, thì chỉ còn lại vài ý tưởng về tôn giáo, nghĩa là vài xác tín theo quan điểm cá nhân, chứ không phải là tương quan với Thiên Chúa. Ngược lại, đối với các thánh, tình yêu không phải là cái gì trừu tượng, hoặc do óc tưởng tượng nghĩ ra, bởi lẽ nó bắt đầu với việc thanh luyện khỏi mọi hình ảnh, khỏi mọi dục vọng, khỏi mọi yếu tố làm ta xa cách Thiên Chúa. Lòng yêu mến Chúa tự bản chất là một bí tích, chứ không phải là một ý niệm hay cảm xúc: bí tích của cái chết với Chúa Kitô và sống lại với Người. Từ đó, tất cả thế gian, trước đây bị nhấn chìm trong tội lỗi, nay được biểu lộ dưới ánh sáng của sự phục sinh. Điều này có nghĩa là nhờ có lòng yêu mến, ta nhận ra bộ mặt thực của thế gian và của bản thân.

Lòng yêu mến Chúa tiên vàn là việc linh hồn con người đáp trả tình thương của Thiên Chúa dành cho con người. Trong tư tưởng của các thánh, Thiên Chúa van nài con người đáp lại tình yêu của Ngài: “Này đây, ta đứng ở cửa và gõ”, như đã viết trong sách Khải huyền (3,20). Cánh cửa này được mở ra trong con tim chúng ta, nhưng cần phải vất vả lắm mới mở được nó: cầu nguyện thâm sâu, khổ chế, thống hối. Nhưng chỉ cần mở ra thôi– và điều này được biểu lộ qua việc cầu nguyện dễ dàng và ngọt ngào, qua ơn nước mắt, qua ơn tiên tri, qua lòng trắc ẩn, v.v.. – và con tim chai đá biến thành con tim bằng xương bằng thịt, con tim chân thành, con tim có Thiên Chúa hiện diện.

Theo truyền thống Đông phương, “kinh nguyện của con tim” hay cũng còn gọi là “kinh nguyện Chúa Giêsu” “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” chứa đựng tất cả Phúc Âm, tất cả sứ điệp Kitô giáo, đó là niềm tin vào Thiên Chúa đã chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, cũng như lòng thống hối của chúng ta trước mặt Người và trong Người. Sứ điệp này, lặp đi lặp lại cả ngàn lần, kết hợp với nhịp thở và nhịp đập của con tin, làm ra một phép lạ làm biến đổi, tạo trái tim mới, tràn ngập sự hiện diện của Chúa Kitô. Chính sự hiện diện này trong con tim làm thay đổi cuộc đời của chúng ta, đưa chúng ta trở về với cái nhìn về vũ trụ trong Chúa Kitô, một vũ trụ được dựng nên như là thiên đàng. Sự thánh thiện của kinh nguyện con tim, thủ đắc được nhờ nỗ lực lâu bền, là sự thánh thiện của thiên đàng.

Như vậy, trong đan viện hay trong sa mạc, nảy sinh một “con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao hư hỏng là tính thùy mị hiên hòa” (1Pr 3,4), tuy người đời không thấy. Con người ấy đã được giải thoát khỏi bản tính tàn tạ, đến độ Thiên Chúa đã chọn họ làm nơi cư ngụ và đền thờ, ban cho họ cảm nghiệm được sự gần gũi của Ngài. Trong Ký sự của một người lữ hành Nga, do một tác giả vô danh soạn vào cuối thế kỷ XIX, kinh nghiệm về trạng thái con người nội tâm được mô tả như sau: “Từ lúc ấy, tôi bắt đầu nghiệm được nhiều cảm xúc mới mẻ trong trái tim và trong trí tuệ. Có lúc trái tim nóng bừng như say sưa, và tôi cảm thấy lâng lâng nhẹ nhàng, khiến hồn ngây ngất. Có lúc tôi thấy trái tim rực lên lòng yêu mến Chúa Giêsu và yêu mến hết mọi thụ tạo trong Chúa. Đôi khi mắt tôi trào ra những dòng lệ biết ơn Chúa vì đã thương xót tôi là một tội nhân khốn nạn. Có khi kêu cầu Danh thánh Chúa Giêsu Kitô, một niềm hân hoan xâm chiếm toàn thân tôi, và tôi hiểu được ý nghĩa của lời Chúa “Nước Trời ở giữa anh em”[2]. Dù sao, Nước Trời luôn là một hồng ân, cũng giống như lòng yêu mến vậy.

Chúng tôi muốn kết thúc đoạn này với tiểu sử của vài thánh đan sĩ nổi tiếng được xếp vào hàng những prepodobnye, «phúc thay kẻ có con tim trong sạch”, “giống như các thiên thần”, giống như Chúa Kitô: Feodosij Pecerskij († 1074), mệnh danh là tổ phụ của đời đan tu nước Nga; Sergio Radonez (1314-1392), vinh dự của đời đan tu; Nilo Sorskij (1433-1508), vị thánh của đức khiêm nhường; Seraphim di Sarov (1759-1833), vị thánh mang thần khí,

Điều nổi bật trong cuộc đời của thánh Feodosij Pecerskij là ngài ưa thích tìm sự từ bỏ mình, kể cả chịu mang tai tiếng, để trở nên giống Chúa Giêsu. Feodosij xuất thân từ một gia đình khá giả ở miền nam nước Nga. Mồ côi cha lúc thiếu thời, cậu sống dưới quyền của bà mẹ đanh đá. Cậu ước muốn đi tu, nhưng mẹ không cho. Cậu bỏ trốn nhà, nhưng bà mẹ tóm được, đập đánh, và dẫn về nhà. Cậu không kháng cự, nhưng không lâu sau, trốn khỏi nhà lần nữa và lại bị bắt. Chuyện này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, cuối cùng bà mẹ đành chịu nhượng bộ đứa con hiền từ nhưng mà cương quyết. Bà để con mình vào nhà dòng, và sau này chính bà cũng đi tu.

Nơi cuộc đời của thánh Feodosij, ta gặp thấy những nét chung cho tất cả “những kẻ giống Chúa Kitô”. Trước hết là đức hiền lành và khiêm nhường, hạ mình theo lời khuyên của Chúa: “Ai là người lớn nhất thì hãy trở nên kẻ phục vụ mọi người” (Mt 20,26). Tuy là viện phụ, ngài vẫn thi hành những công tác đơn sơ và kín đáo. Ngài thích làm bánh lễ, một việc thuộc các tập sinh, bởi vì ngài coi đây là phục vụ thân mình Chúa Kitô. Ngài có lòng thương cảm với mọi người và với cả thú vật. Đây là một hồng ân mà ngài nhận được sau nhiều năm tháng cầu nguyện, canh thức và khổ chế. Thực vậy, ngài không hề nằm ngủ trên giường, nhưng chỉ ngồi nghỉ một thời gian ngắn. Suốt đời ngài mang trên mình một chiếc xiềng sắt và áo nhặm. Dĩ nhiên, ngài thực hành những việc ấy cách kín đáo, để khỏi rơi vào cám dỗ muốn được khen ngợi. Ta còn thấy nơi ngài một nét chung cho nhiều vị thánh bên Nga: yêu viết lách, sách vở, học hành, cùng với lòng can đảm nói sự thật trước những kẻ có quyền thế trong xã hội.

Những nét vừa rồi cũng được lặp lại nơi thánh Sergio Radonej. Ngài chọn Radonej, một khu rừng hoang vắng, tuy chỉ cách Moskva không xa lắm, để sống đời khổ hạnh, chịu đói khát và giá rét, và nhất là những cuộc tấn công của ma quỷ. Ngài khởi đầu đời tu cùng với một người anh, vốn đã là đan sĩ rồi, nhưng vì ông này không chịu được cảnh sống cơ cực và nguy hiểm, nên đã chia tay người em. Sergio ở lại một mình trong rừng vắng. Tuy nhiên, nhờ nghị lực tinh thần và nhờ ơn Chúa, một đoàn môn đệ đã đến xin theo anh. Dần dần, một đan viện được thành hình, đó là đan viện dâng kính Chúa Ba Ngôi. Chính trong bầu khí tôn thờ ấy mà sau này Andrej Rublev đã vẽ bức icon thời danh về Thiên Chúa Tam vị[3].

Sergio cầu nguyện rất nhiều, trong nhà nguyện và trong phòng riêng. Ngài tìm cách kết hiệp với Chúa qua việc thực hành khổ chế, cách riêng qua việc khai khẩn rừng hoang và trồng trọt để có phương tiện giúp đỡ những người nghèo. Theo một sử gia đương thời, Sergio làm việc cật lực như một tên nô lệ, nhưng là nô lệ của tự do và yêu mến. Ngài sẵn sàng làm đủ mọi việc: gánh nước, thợ mộc, nấu bếp, thợ may, thợ giày. Ngài yêu mến các thú vật cũng như yêu mến các thụ tạo của Thiên Chúa. Ngài chia sẻ chút lương thực với một con gấu đã được nuôi dưỡng. Một trong những nguyên tắc căn bản của đời sống là: đối với bản thân, đừng đòi hỏi gì hết; đối với tha nhân, hãy quảng đại hết mình.

Thánh Sergio nhận được nhiều ân huệ, và được các môn đệ tặng danh hiệu là “kẻ làm phép lạ của toàn nước Nga”. Một đêm kia, khi đang cầu nguyện, ngài nghe một tiếng nói “Sergio!”. Bỗng nhiên, ngài thấy một tia sáng chiếu rạng cả bầu trời, và một đàn chim đông đảo bay tới đan viện. Tiếng lạ nói tiếp: “Cũng như đàn chim này, sẽ có nhiều người đến làm môn đệ của con ở đan viện này”. Thánh Sergio là vị thánh đầu tiên của các thánh nước Nga được Đức Mẹ hiện ra viếng thăm.

Một vị “giống Chúa Kitô” nữa là thánh Nil Sorskij (1433-1508), suốt đời sống khắc khổ trong rừng. Ngài được coi như tác giả viết sách hướng dẫn tâm linh vững chắc nhất trong lịch sử thần học Nga, vị sư phụ về cuộc chiến đấu thiêng liêng. Nhân đức được quý trọng nhất là khó nghèo, hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng, sự khó nghèo đến chỗ hủy mình. Trong chúc thư để lại cho các môn đệ, ngài yêu cầu đừng chôn cất dưới đất, nhưng vứt thân xác ngoài trời để cho chim trời và thú dữ xâu xé, bởi vì “cái thân xác ấy đã nhiều lần phạm tội với trời”.

Tên tuổi của thánh Nil được gắn liền với một thảm kịch của Giáo hội Nga vào đầu thế kỷ XVI, chung quanh cuộc tranh luận giữa hai phe “sở hữu” và “không sở hữu”. Thánh Nil lãnh đạo phe “không sở hữu”, chủ trương rằng các đan viện cũng như các đan sĩ không được phép sở hữu tài sản, nhất là bất động sản (đất đai và làng mạc); các đan sĩ phải sống nhờ sức lao động của mình. Phe đối lập do cha Iosif viện phụ Volokolamsk (+ 1515, cũng được kể vào hàng thánh nhân) bênh vực quyền sở hữu của các đan viện, vì lý do là để làm việc từ thiện và nhiều lý do thực tiễn khác. Lập trường của cha Iosif thắng, kèm theo những hệ luận quan trọng về mặt chính trị, về sự liên minh giữa quyền đạo và quyền lợi, mang theo nhiều hậu quả tai hại cho Giáo hội.

Khi nói đến lịch sử thánh thiện của nước Nga, không thể nào bỏ qua Seraphim Sarov (1759-1833). Ngài cũng có những nét tương tự như các vị thánh khác: khi còn trẻ, ngài gia nhập một đan viện, lãnh áo dòng, và rút lui vào rừng sâu, và dấn thân cầu nguyện liên lỉ suốt ngày đêm, trên một phiến đá. Thế rồi, sau nhiều năm ẩn dật, thánh Seraphim trở về sống giữa dân chúng, trở nên người mục tử, chữa bệnh tinh thần, được truyền thống đặt tên là "strarcestvo" (người cha thiêng liêng: linh phụ). Ngài là con người đã được “biến hình”, chiếu tỏa niềm vui cho người chung quanh. Khi gặp người nào, ngài chào hỏi bằng câu: “Chúa Kitô là niềm vui của chúng ta, Người đã phục sinh!” Ngài là tác giả của “công thức nên thánh” như là cứu cánh của cuộc đời. Trong một cuộc đàm đạo với một môn sinh, ngài hỏi anh: cứu cánh của cuộc đời Kitô hữu là gì? Trong lúc người môn đệ còn đang ngập ngừng ấp úng, thì ngài đưa ra câu trả lời thay. Cứu cánh của cuộc đời không hệ tại việc cầu nguyện, không hệ tại các nhân đức, không hệ tại việc chay tịnh hoặc các việc lành. Tất cả những điều đó chỉ là phương tiện; cứu cánh hệ tại “lãnh nhận Thánh Linh”, nghĩa là Thánh Linh ngự xuống trên ta, sống trong ta, còn ta thì – theo lời thánh Phaolô – trở nên đền thờ của Thánh Linh. Lời nói này có thể xem như tiêu biểu cho tất cả truyền thống tâm linh của Giáo hội Nga.

4. Những người nghèo trong tinh thần. Những người điên dại vì tình yêu Chúa Kitô


Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Phúc cho những người nghèo trong tinh thần”. Lời kêu gọi trở nên nghèo khó xem ra trái ngược với lý trí của chúng ta, bởi vì ai mà chẳng muốn thu tích tài sản, kiến thức, danh giá và tinh thần. Những kẻ “điên dại vì Đức Kitô” (Jurodivye) thì khác: họ dứt bỏ tất cả những cái đó, dứt bỏ khỏi lý trí, khỏi hư danh, khỏi sự kính nể của dân gian, và đôi khi kể cả dứt bỏ khỏi thuần phong mỹ tục.

Người ta cho rằng “những người điên dại trong Đức Kitô” tiên khởi đến từ nước ngoài, chẳng hạn như thánh Prokopij Velikij Ustiug (thế kỷ XIV), nhưng có lẽ đó là một truyền kỳ nhằm nêu bật tính cách “ngoại lai” của họ trong cách ăn nết ở, xa lạ với thế giới nơi họ đang sinh sống. Dù thế nào đi nữa, họ đã biểu lộ một đặc điểm của các nhà tu hành bên Nga, qua thái độ cuộc đời như phù vân.

“Những người điên dại trong Đức Kitô” là ai vậy? Trước hết, họ là những “người điên”, làm những chuyện chướng mắt không thể tưởng được: có người hầu như trần truồng chạy giữa phố vào mùa đông khắc nghiệt, như thánh Basiliô, mà dân chúng đã đặt tên cho ngôi thánh đường nổi tiếng nhất ở trung tâm thành phố Moskva[4]; hoặc ăn mặc lố lăng như thánh nữ Ksenia ở Saint Petersburg mặc y phục của chồng mình đã quá cố, nhưng dám nói thẳng với tsar Ivan Kinh hoàng, thậm chí “người điên” thánh Pskov đã dám dâng cho tsar nhà vua một miếng thịt tươi. Nhà vua, tuy tàn ác nhưng đạo đức, đã khước từ và nói: “tôi là một người Kitô hữu cho nên không ăn thịt trong mùa Chay”. Anh ta trả lời: “Ngài không ăn thịt, nhưng ngài uống máu dân lành”. Giả như người khác, thì hẳn là đã bị chém đầu, nhưng anh ta vẫn sống bình thường, bởi vì người ta nhận thấy ở nơi người điên ấy có một người điên khác, là chính Chúa Kitô.

Những “người điên dại trong Chúa Kitô” đã gây ra sự tò mò cho nhiều người. Thực ra, nói cho cùng, họ cũng hành động giống như các ẩn sĩ trong rừng. Các ẩn sĩ khước từ thế gian và những thú vui của nó, cách riêng họ khước từ sự kính nể và danh tiếng về đức độ. Những “người điên” khước từ lý luận của thế gian, khước từ danh dự theo tiêu chuẩn của người đời, đến nỗi họ ưa thích chịu mang tai tiếng! Các ẩn sĩ rút vào nơi hoang vắng; các người điên thì sống giữa thành phố, giữa đám đông, giữa nơi đông người qua lại. Nhưng cả hai đều cùng nhau nhắc nhớ cho thế gian những lời của Chúa Giêsu: “Vương quốc của tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18,36). Những người điên nhắc nhở thế gian điều ấy bằng cách mặc áo xốc xếch, bằng những roi vọt đánh trên mình trần, bằng cách đi chân không giữa trời băng giá, cũng như bằng những lời cảnh cáo tố giác các tật xấu[5].

Trên đây, chúng tôi muốn nêu bật một vài khuôn mẫu đặc trưng của Giáo hội Nga. Dĩ nhiên cũng có những mẫu gương khác tương tự như các Giáo hội khác, trong đó không thể bỏ qua các giám mục. Lịch phụng vụ nhắc tới non 70 vị (sviatiteli). Các giám mục được trình bày như là những người bảo vệ đức tin và phong hóa của Kitô giáo, tuân hành các quy tắc kỷ luật Giáo hội và duy trì công bằng trong xã hội. Trong hàng ngũ giám mục, nhiều vị đã tiếp nối truyền thống các giáo phụ về tài giảng thuyết và cương trực đối với chính quyền: chẳng hạn như như thánh Cyrillô Turov (tk XII), thánh Philipphê giám mục Moskva (bị Nga hoàng Ivan “Kinh hoàng” sát hại năm 1569 vì đã dám chỉ trích nhà vua). Vị này đã từng tuyên bố “việc nói lên sự thật cũng là một nghĩa vụ quan trọng không kém việc tuyên xưng đức tin”.

Nước Thiên Chúa đến “trong quyền lực” và được tỏ lộ qua các vị thánh, nhưng không đến “như một điều có thể quan sát, và không ai có thể nói: ở đây này, hoặc ở kia kìa. Bởi vì Nước Thiên Chúa ở trong anh em” (Lc 17,20-21). Sự thánh thiện của nước Nga là hình ảnh của Nước Thiên Chúa không rầm rộ. Nước Thiên Chúa ở giữa một nước tội lỗi, một nước Nga lịch sử, và không ai nói được: kìa nước Chúa ở đây hoặc ở kia. Có một thứ thánh thiện muốn làm thay đổi thế giới, bằng cách rao giảng Tin Mừng cho họ, giúp đỡ, giáo dục họ theo ánh sáng của Chúa Kitô. Nhưng có một thứ thánh thiện khác, gần với nước Nga hơn, một thứ thánh thiện hướng về Nước Chúa đang đến, một thứ thánh thiện đến từ rừng rậm, từ sự đau khổ, từ việc chết vì đạo, từ sự điên rồ, để lên án thế giới kiêu căng tự mãn này. Cả hai thứ thánh thiện đều là ân huệ của Chúa, cả hai đều đẹp lòng Chúa.

Phụ thêm (của Ban biên tập)


1. Việc phong thánh trong các Giáo hội Chính thống[6]


Quan điểm về việc phong thánh trong các Giáo hội Chính thống (gọi là glorificatio chứ không phải canonisatio) khác với Giáo hội Công giáo xét về thần học cũng như về giáo luật. Sự “tôn vinh” một vị thánh được xem như một việc làm của Thiên Chúa hơn là của các phần tử Giáo hội. Giáo hội chỉ thay mặt Thiên Chúa để nhìn nhận điều đã xảy ra rồi.

Dưới viễn ảnh này, khi một người đã tuân thủ luật của Chúa mà qua đời, thì Thiên Chúa có thể quyết định có nên tôn vinh hay không qua việc bày tỏ phép lạ hay không. Nếu có, việc tôn kính một vị thánh bắt đầu bằng cấp thấp nhất, được gọi là “rễ cỏ”. Các tín hữu có thể dâng lễ cầu nguyện cho người ấy (Parastas tiếng Hy-lạp; Panichida tiếng Nga) giống như cho các người khác. Giáo hội có thể cho phép vẽ icon để kính, nhưng chỉ được trưng bày ở tư gia chứ không được đặt nơi công cộng.

Nếu có những dấu hiệu thánh thiện tiếp tục tỏ hiện thì sẽ tiến hành thủ tục tôn vinh. Trên nguyên tắc, bất cứ giám mục nào cũng có thể xúc tiến việc tôn vinh, nhưng trên thực tế, việc này thường được dành cho Công nghị của Thượng phụ. Thủ tục đòi hỏi việc điều tra về đức tin, hành động, các tác phẩm của đương sự, cũng như kiểm chứng các phép lạ. Việc tôn vinh không có nghĩa là tôn phong một người lên làm thánh nhưng chỉ là kiểm chứng điều mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi người ấy.

Một trong những dấu hiệu cho việc tôn vinh là điều kiện của hài cốt: vài vị thánh vẫn duy trì được thi thể nguyên vẹn nhiều năm sau khi chết, mặc dù không sử dụng phương pháp ướp xác; hoặc là tuy thân xác đã tan rã nhưng có những dấu lạ khác: màu xương giống như mật; hương thơm tỏa ra. Dù sao, những dấu lạ đó không phải là điều kiện tiên quyết cho việc tôn vinh. Các vị tử đạo không cần đến nghi thức Tôn vinh, bởi vì việc tử đạo đã là một chứng cớ của công trình Thiên Chúa thực hiện (miễn là sự tử đạo là hệ quả của đức tin, và tư cách của đương sự trước khi tử đạo không có gì trái ngược với tinh thần Kitô giáo).

Thủ tục Tôn vinh thay đổi tùy theo giáo phận. Thông thường, danh tánh của vị thánh được ghi vào lịch phụng vụ, ấn định một ngày lễ tôn kính; hoặc sáng tác những thánh thi và thánh ca để ca ngợi vị thánh; hoặc trưng bày icon của ngài. Trước ngày tôn vinh, sẽ có thánh lễ cầu hồn trọng thể (panichida) lần cuối cùng, nhưng không phải để cầu cho linh hồn được yên nghỉ, nhưng là để xin ngài chuyển cầu (Paraklesis / Moleben) trước nhan Chúa.

Thiên Chúa không tỏ lộ tất cả các vị thánh ra trước mặt người đời. Họ được kính chung trong ngày Chúa Nhật kính Tất cả các Thánh (sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống).

2. Các thánh của Giáo hội Latinh trong lịch phụng vụ của Giáo hội Chính thống Nga


Ngày 9/3/2017, Công nghị Giáo hội Chính thống Nga đã quyết định xen thêm 16 vị thánh bên Tây phương vào lịch phụng vụ. Quyết định này được ban hành sau khi đã nghe báo cáo của ủy ban nghiên cứu được thiết lập năm 2014, dựa trên các tiêu chuẩn được xác định (tuyên xưng đức tin tinh tuyền; xác nhận sự kiện đã được phong thánh; không có những tác phẩm chống lại Giáo hội Đông phương; đã được các giáo phận Chính thống tôn kính)[7]. Đó là:
1. T. Pothinus, giám mục Lyon và các bạn tử đạo (k.177)
2. T. Blandina và Ponticus
3. T. Epiphodius; Alexander
(tất cả các vị trên tử đạo ở Lyon khoảng năm 177).

4. T. Saturninus, giám mục Toulouse tử đạo (k. 257)
5. T. Victor tử đạo ở Marseilles (k. 290)
6. T.Alban, tử đạo tiên khởi bên Anh(k. 304)
7. T. Honoratus, giám mục Arles (+ 429)
8. T. Germanus, giám mục Auxerre (+448)
9. T. Vincent Lerins (+k. 450)
10. T. Patrick, giám mục Armagh, Ai-len (+ 451)
11. T. Lupus, giám mục Troyes, Pháp (+479)
12. T. Nữ Geneviève, Paris (+ 512)
13. T. Germain, giám mục Paris (+ 576)
14. T. Procopius, viện phụ Sazava, Bohemia (+1053)

Nên ghi nhận là tất các vị này đều sống trước khi có cuộc phân ly Đông và Tây (1054). Phần lớn các vị thuộc nước Pháp, bởi vì đã được kính trong lịch riêng của các cộng đoàn Chính thống hải ngoại, phần lớn sống tại nước này.

[1] Simeon Ivanovic Antonov sinh tại Sovskoe (Nga) năm 1866, và xin gia nhập đan viện Panteleimon trên núi Athos (Hy lạp) năm 1892, được mang tên là Siloan (Silvano). Ngài đã được ơn cầu nguyện liên lỉ, được mặc khải của Chúa, và nổi tiếng về đời sống khổ hạnh cũng như về đức khiêm nhường. Ngài qua đời ngày 24/9/1938 và được đức Dimitrios I (Thượng phụ Constantinopolis) phong thánh ngày 26/1/1987.
[2] Xem bài viết về Ký sự một người hành hương trong số này.
[3] Andrej Rublev (k.1360-1427) đã trải qua phần lớn cuộc đời tại đan viện Chúa Ba Ngôi. Bức icon nổi tiếng về Tam vị được gợi hứng từ cảnh ba thiên sứ đến viếng thăm ông Abraham, tượng trưng cho tình yêu liên kết Ba Ngôi, mời gọi người chiêm ngắm hãy tham dự vào mầu nhiệm hiệp thông với Thiên Chúa, trong bữa tiệc cưới của Con Chiên. Đan sĩ Rublev được phong thánh năm 1988 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm nước Rus trở lại đạo. Từ năm 1929, bức icon được lưu giữ tại bảo tàng viện Tretjakov tại Moskva.
[4] Ngôi thánh đường này, tọa lạc ở Quảng trường Đỏ, lúc đầu được cung hiến cho Đức Mẹ Kazan.
[5] Dựa theo môi trường sinh sống, người ta cũng có thể phân biệt hai loại “người điên”: 1/ Thành thị, đặc biệt là tại nhà thờ (nơi mà họ rút lui vào thinh lặng để cầu nguyện) và các quảng trường. 2/ Thôn quê, nơi mà phần lớn là các phụ nữ. Nói chung, họ rất quan tâm giúp đỡ những người nghèo. Hình ảnh “người điên của Đức Kitô” xuất hiện trong tiểu thuyết “Anh Em Nhà Karamazov” của Dostoevsky nơi nhân vật của sư phụ Zosima và các đan sĩ, cũng như bà Lizaveta Smerdjašaja, mẹ của Smerdjakov.
[6] X. “Canonizzazione” in: Cathopedia, http://it.cathopedia.org/wiki/canonizzazione, truy cập 8/10/2017.
[7] http://dimensionesperanza.it/aree/ecumene/ecumenismo/item/8332-il-riconoscimento-di-santi-occidentali-da-parte-della-chiesa-ortodossa-russa-faustino-ferrari.html (truy cập 8/10/2017).