Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

GIÁO HỘI CHÍNH THỐNG NGA TRẢI QUA LỊCH SỬ

Thời sự Thần học - số 78, tháng 11/2017, tr. 13-42

_Phan Tấn Thành_

Nhập đề: Phân chia các giai đoạn
1. Thời lập quốc (988-1240)
2. Dưới sự thống trị của Mông Cổ (1240-1480)
3. Tsar và Thượng phụ Moskva, Rôma thứ ba (1490-1750)
4. Thời đế chế: Giáo hội nằm dưới quyền Tsar (1750-1917)
5. Dưới thời Cộng sản (1917-1991)
6. Thời hậu Cộng sản
Kết luận

 Nhập đề


Lịch sử của Giáo hội Chính thống Nga có nhiều điều khá độc đáo. Thứ nhất, lịch sử này chỉ mới được một ngàn năm: như vậy thật là “non trẻ” khi so sánh với nhiều Giáo hội khác ở châu Âu đã lãnh nhận Tin Mừng ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Thứ hai, lịch sử này gắn liền với lịch sử của dân tộc Nga (Rus’): dân tộc này thành hình kể từ khi vị lãnh đạo trở lại Kitô giáo, và những thăng trầm của dân tộc cũng đều ảnh hưởng đến lịch sử của Giáo hội. Thứ ba, vì thế, sự phân chia các giai đoạn lịch sử Giáo hội Nga không thể dựa theo những tiêu chuẩn như các quốc gia khác ở châu Âu (Thượng cổ, Trung đại, Cận đại, Hiện đại)[1].

Các sử gia áp dụng nhiều tiêu chuẩn khác nhau để phân chia các giai đoạn của lịch sử Giáo hội Nga[2]. Có những tác giả dựa theo sự tiến triển nội bộ của Giáo hội Nga: chẳng hạn như, từ chỗ một giáo phận trực thuộc tòa Constantinopolis đến một Giáo hội tự quản với danh hiệu là Thượng phụ; hoặc theo dõi sự tiến triển của trung tâm Giáo hội, từ Kiev chuyển sang Moskva. Phương pháp này bị chỉ trích là chủ quan, bởi vì không quan tâm đến những nhân tố bên ngoài, đơn cử sự tấn công của quân Mông Cổ, hoặc sự can thiệp của Nhà nước vào đời sống Giáo hội. Thiết tưởng cách thức hợp lý hơn cả là kết hợp cả hai tiêu chuẩn nói trên, vừa lưu ý đến sự tiến triển nội bộ vừa lưu ý đến những nguyên nhân bên ngoài đã tác động đến sự biến đổi.

Dựa theo cha Vladimir Zelinski, giáo sư tại đại học Thánh Tâm Milano[3], chúng tôi xin phân chia lịch sử Giáo hội Nga thành 6 giai đoạn như sau: 1/ Sự thành hình của dân Rus cổ: từ khi công tước Vladimir lãnh Bí tích Rửa tội (988) cho đến khi bị Mông cố chiếm đóng (1240). 2/ Dưới sự đô hộ của đế quốc Mông Cổ (1249-1490). 3/ Tsar và Thượng phụ ở Moskva, trở thành Roma thứ ba (1490-1700). 4/ Thời đế chế (1700-1917). 5/ Dưới chế độ cộng sản (1917-1991). 6/ Sau thời cộng sản.

I. Thời lập quốc


Cũng tương tự như các dân tộc khác, nguồn gốc của dân tộc Nga được quyện với dã sử, trong đó đáng kể nhất là hai câu chuyện về nguồn gốc “tông đồ” và “thánh thiện” của họ.

Câu chuyện thứ nhất muốn rằng thánh Anrê tông đồ, người đầu tiên được Chúa gọi, đã lặn lội hướng về mạn Đông Bắc, đến bờ sông Dniepr, và đã chúc lành cho địa điểm tương lai sẽ mọc lên thành phố Kiev, cái nôi của Sancta Russia[4]. Như vậy là dân Nga đã được diễm phúc đi theo Chúa từ thời các thánh tông đồ!

Câu chuyện thứ hai xem ra gần với thực tế hơn, đó là lịch sử dân Nga bắt đầu từ hai vị thánh Cyrillô (+869) và Metođiô (+885), thừa sai của dân tộc Slav, được coi như là tông đồ của Đông Âu; các ngài đã sáng chế chữ viết cho dân Slav. Nói gì đi nữa, đất Nga đã được các thánh đặt chân đến!

Ngày nay, các sử gia chấp nhận rằng lịch sử của dân tộc Rus thành hình với việc công tước Vladimir gia nhập Kitô giáo qua việc lãnh Bí tích Rửa tội tại Kiev năm 988[5]. Tuy nhiên, chung quanh biến cố này cũng có nhiều truyền thuyết. Một truyền thuyết lâu đời cho rằng công tước Vladimir ước ao tìm một nền tảng đạo đức chắc chắn cho dân tộc, vì thế đã sai sứ giả đi khắp nơi để nghiên cứu đạo đức. Sau khi nghe các sứ giả thuật lại nghi lễ phụng vụ trang nghiêm và lộng lẫy ở đền thờ Santa Sophia tại Constantinopolis, ông đã chấp thuận theo đạo Kitô thuộc giáo hội Đông phương. Truyền thống này đã bị xét lại khi đối chiếu với các tài liệu về cuộc đời của công tước Vladimir[6]: một con người hiếu chiến, đa thê và đa thần! Ông có thật sự trở lại đạo không? Ông có muốn tổ chức xứ sở của mình theo những yêu sách của Kitô giáo không, hay cứ làm ngơ để cho dân chúng tiếp tục giữ các tục lệ cổ truyền? Dù thế nào đi nữa, những người bênh vực ông nhắc lại lời của Tin Mừng: “Thiên Chúa có thể biến đổi những hòn đá này trở nên con cái ông Abraham” (Lc 3,8).

Công tước Vladimir qua đời năm 1015 và được tôn kính như một vị thánh. Cuộc đời của ông nhiều tội lỗi nhưng cũng không ít công đức. Ông đã bãi bỏ án tử hình, bởi vì theo ông, giết người là trái nghịch với Tin Mừng. Biện pháp của ông đã làm gia tăng nạn trộm cướp trong xứ, đến nỗi các giám mục Byzantin đã yêu cầu ông hãy ban hành những đạo luật cứng rắn hơn. Một điều khác nổi bật nơi ông là lòng thương người nghèo: ông muốn mọi người dân không bị đói, và nếu ai bại liệt không có khả năng đến lãnh lương thực thì ông sẽ cho xe chở đến tận nhà.

Người Rus không chỉ tự hào vì có vị lập quốc làm thánh, mà kể cả các con của ông cũng làm thánh, nhưng ở trong một tình thế khác. Sau khi công tước Vladimir qua đời, nảy ra một cuộc tàn sát huynh đệ: hai hoàng tử Boris và Gleb bị bào huynh Sviatopolk ám sát để chiếm quyền. Tuy việc tranh giành địa vị, tài sản là chuyện khá thường tình trong các triều đình, nhưng ở đây lại trở thành trường hợp nên thánh. Hai hoàng tử Boris và Gleb tình nguyện chấp nhận cái chết, chứ không chạy trốn cũng chẳng kháng cự chống lại các sát nhân[7]. Nhân dân đã tôn kính hai vị như thánh nhân, tượng trưng cho những người tự tình chấp nhận đau khổ trong suốt dòng lịch sử đầy dẫy bạo lực. Như sẽ thấy sau, hai vị điển hình cho một mẫu thánh nhân trong lịch sử tâm linh của Giáo hội Nga, những kẻ bề ngoài xem ra thụ động, nhưng kỳ thực họ đã phải gắng sức để chiến đấu bên trong, chống lại những nết xấu của con người cũ, ngõ hầu được tái sinh vào cuộc sống mới của Chúa Phục Sinh.

Như vậy, nhờ các vị lập quốc, nước Nga không chỉ lãnh nhận đức tin mà còn tiếp nhận sự thánh thiện nữa. Ngoài chứng tá thánh thiện của các nhà lãnh đạo, một nhân tố khác đã nhào nặn đời sống thánh thiện của Giáo hội là các đan sĩ. Đời sống đan tu được du nhập vào đất Rus từ thế kỷ XI, và đan sĩ đầu tiên là thánh Antôn: từ núi Athos bên Hy lạp, ngài đã đến Kiev thiết lập một tu xá ẩn tu (laura), và đã lôi cuốn được nhiều đệ tử (năm 1051). Chẳng mấy chốc, cái am ẩn sĩ của ngài đã trở thành một cộng đoàn đông đảo. Trong lịch sử Giáo hội Nga, các đan sĩ giữ một vị trí quan trọng: họ tượng trưng cho đời sống Kitô hữu lý tưởng. Nhiều tín hữu (kể cả vua Ivan Kinh Hoàng) tìm cách để được khoác áo dòng, ít là một lần trước khi chết. Nguyên lý chủ đạo của đời đan tu đã được thánh Feodosij (đệ tử của thánh Antôn) phát biểu như sau: “Anh em thân mến, chúng ta hãy thực hành chay tịnh và cầu nguyện. Chúng ta hãy lo lắng cho phần rỗi linh hồn mình; chúng ta hãy từ bỏ con đường xấu xa tội lỗi, như là tà dâm, trộm cướp, ngồi lê đôi mách, say sưa, tham ăn, giận hờn anh em. Sau khi đã được Chúa gọi làm đan sĩ, chúng ta hãy thống hối tội lỗi mỗi ngày. Sự thống hối là con đường dẫn đến Thiên Chúa: nó là chìa khóa mở Nước Trời; nếu thiếu chìa khóa ấy thì không ai có thể vào Nước Trời”.

Ngoài ra, một gia sản tinh thần quý giá khác mà nước Nga đã tiếp nhận từ các thế hệ đầu tiên là những ngôi thánh đường, được trang trí với các icôn lộng lẫy. Các thánh đường bên Nga mang một hình thù rất độc đáo có thể nhận thấy ngay từ bên ngoài. Mặt khác, các icon tuy được du nhập từ Constantinopolis, nhưng lòng tôn kính icôn được phát triển rộng rãi ở bên Nga. Ngày nay, những bức icôn nổi tiếng nhất đều mang dấu xuất xứ từ Nga. Các bức icôn trở thành “chiêm ngưỡng qua màu sắc”, còn thánh đường là “lời nguyện khắc trên đá”.

Xét về cơ cấu tổ chức, vào thời này, Giáo hội Rus (với trung tâm đặt tại Kiev) là một giáo phận (thứ 77) trực thuộc tòa thượng phụ Constantinopolis. Về mặt chính trị, vào thời này, các công tước phải giữ vững độc lập chống lại các cuộc tấn công từ phía Bắc (Thụy Điển) và phía Tây (Đức). Những lực lượng này muốn ép nước Nga đi theo đạo Công giáo. Vì đã tập trung quân lực sang phía Tây, người Nga lơ là việc phòng thủ ở phía Đông. Đó là một lý do khiến cho họ bị quân Mông Cổ chiếm đóng vào hồi thế kỷ XIII.

II. Dưới sự thống trị của Mông Cổ (1240-1480)


Giai đoạn nguyên thủy (đôi khi cũng được đặt tên là “hoàng kim”, có lẽ vì muốn đề cao thời kỳ lập quốc) kết thúc với cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ (được các sử gia Âu châu đặt tên là Tartari[8]) năm 1239, dưới sự chỉ huy của khan Batyj, cháu của Thành Cát Tư Hãn.

Thành phố Kiev bị tiêu hủy. Các ngôi nhà thờ, nơi nhân dân chạy vào lánh nạn, đã bị thiêu đốt và trở nên nhà mồ tập thể. Thảm cảnh này đã gợi lên tâm tình sám hối dân gian, bởi vì người ta cho rằng họ đã bị trừng phạt vì các tội lỗi của mình.

Cuộc tàn phá Kiev đã dẫn tới sự phân chia Rus thành hai mạn: Bắc và Nam. Mạn Bắc chịu thần phục Mông Cổ và phải triều cống[9]. Tình trạng này dần dần làm tăng thêm vị trí của Moskva, trước đây chỉ là một ngôi làng nhỏ, và từ năm 1147, được công tước Jurij Dolgorukij cùng với công tước Sviatoslav khuếch trương. Đúng ra, Moskva phát triển nhờ hoạt động của Giáo hội. Thật vậy, sau khi bị quân Mông Cổ tàn phá, Kiev đã được tái thiết, nhưng lại bị người Lituani chiếm đóng. Năm 1299, đức cha Maximô vị giáo chủ của Giáo hội Rus (1283-1305) rời Kiev và chuyển về thành phố Vladimir[10], rồi sau đó dời sang Moskva.

Vị kế nhiệm, đức cha Phêrô (1308-1326) đã xây dựng ngôi nhà thờ chánh tòa nguy nga dâng hiến Đức Mẹ an giấc. Cũng vào thời này, gần thành phố Moskva, xuất hiện một vị thánh lừng danh khác, Sergio Radonej (1312-1391), tượng trưng cho nếp sống đan tu phồn thịnh, tạo ra một đặc trưng của Giáo hội Nga: các đan sĩ đã làm sống lại kinh nghiệm của đời đan tu tiên khởi bên Ai Cập và đã rèn luyện đời sống tâm linh cho biết bao tín hữu.

Một nét đặc biệt của thời này là sự liên kết giữa đời sống đạo đức với đời sống chính trị. Thánh Sergio Radonej đã chúc lành cho công tước Dimitrij Donskoj (+1389) trước cuộc giao chiến ở Kulikovo Pole (1380) chống lại quân Mông Cổ. Cuộc chiến thắng này mở màn cho chiến dịch giải phóng khỏi ngoại xâm, mặc dù phải chờ 100 năm sau mới hoàn tất (1480).

Năm 1395, nước Nga gặp phải một mối de dọa nghiêm trọng khi một đội quân Mông Cổ khác do Timur Lenk (Tamerlan) tấn công từ mạn Tây Nam. Trước tình thế nguy cấp ấy, bức icon Thánh Mẫu được đưa từ Vladimir về nhà thờ chánh tòa Moskva, và toàn dân tha thiết khẩn nài xin Đức Mẹ cứu giúp. Lời cầu nguyện đã được chấp nhận: đạo quân Timur Lenk đã dừng lại tại biên giới Nga, và quay sang hướng khác. Bức icon Vladimir được nổi danh từ thời đó[11], tuy rằng Đức Mẹ còn can thiệp nhiều lần nữa để giải cứu đất nước khỏi tình trạng lâm nguy.

Vào cuối thế kỷ XV, nước Nga đã lớn mạnh về quân sự. Năm 1480, công tước Ivan III (1462-1505) của Moskva đã đẩy lui được quân Mông Cổ, và ông trở thành Đại Công tước nước Nga. Tuy nhiên, ông chỉ làm chủ được các tỉnh ở mạn Đông Bắc, còn phía Nam đã bị sát nhập vào nước Ba Lan và Lituani.

Việc giải phóng nước nhà khỏi quân Mông Cổ trùng hợp với lúc thủ đô Constantinopolis rơi vào tay của đạo quân Thổ Nhĩ Kỳ năm 1453. Năm 1472, Ivan III kết hôn với công nương Sophia Paleologos, em họ hoàng đế cuối cùng của Byzantin, và kế thừa những đặc ân của hoàng đế. Nước Nga chuyển sang một giai đoạn mới về mặt tôn giáo cũng như chính trị.

III. Moskva là Roma thứ ba (1490-1700)


Một giai đoạn mới trong lịch sử Giáo hội Nga được đánh dấu bởi sự kiện tòa Moskva được tự trị. Từ năm 988 cho đến lúc ấy, Giáo hội Nga (trụ sở đặt tại Kiev, sau đó chuyển sang Vladimir và Moskva) được coi như một giáo phận rồi trở thành một giáo tỉnh trực thuộc tòa thượng phụ Constantinopolis, mặc dù đôi khi giám mục là người Nga. Năm 1430, thượng phụ đặt đức cha Isidor (người Hy Lạp) làm giáo chủ (Metropolita). Vị này đã tham dự công đồng Firenze do giám mục Rôma triệu tập năm 1438-39 nhằm tái lập sự hiệp nhất giữa hai Giáo hội Đông và Tây. Đức cha Isidor đã ký vào bản tuyên ngôn nhìn nhận giáo hoàng (Eugeniô IV) là thủ lãnh tối cao của Giáo hội Chính thống cũng như chấp nhận các tín điều của Giáo hội Roma (Filioque, luyện tội)[12]. Lúc đó, Giáo hội Hy Lạp đang bị đe dọa bởi quân Thổ Nhĩ Kỳ nên sẵn sàng thỏa hiệp với Tây phương bằng mọi giá để thiết lập liên minh quân sự. Thế nhưng khi về đến nhà, đức cha Isidor bị tố cáo là phản bội đức tin Chính thống, và bị tống giam. May mắn, ngài đã thoát ngục và kết thúc cuộc đời ở Rôma[13]. Sau vụ này, năm 1448, các giám mục Nga đã bầu đức cha Jonas giám mục Riazan làm giáo chủ, và tuyên bố tự trị (autocephala) khỏi tòa Constantinopolis, bị tố cáo là đã bắt tay với lạc giáo Rôma.

Giữa lúc tình thế rối ren như vậy, thì một biến cố quan trọng đã làm đảo ngược tình hình. Ngày 29/5/1453, thủ đô Constantinopolis rơi vào tay Thổ Nhĩ Kỳ. Một học thuyết được đề xướng: thành phố Rôma thứ nhất đã sụp đổ vì lạc đạo; thành phố Rôma thứ hai (Constantinopolis) đã sụp đổ vì bị chiếm đóng bởi quân ngoại đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Moskva có sứ mạng bảo vệ đức tin Kitô giáo và trở thành Rôma thứ ba[14].

Học thuyết này không chỉ giới hạn vào tổ chức nội bộ Giáo hội, nhưng cũng có ảnh hưởng cả đến chính trị nữa. Công tước của Moskva từ nay phải giữ vai trò của hoàng đế Byzantin để bảo vệ Giáo hội Chính thống; đó là lý do của tước hiệu Tsar (tức là phiên âm của vua “Caesar” tiếng Latinh)[15]. Quan điểm này nằm trong truyền thống thần học Chính thống Đông phương (cesaropapismo) theo đó hoàng đề có vai trò bảo vệ đức tin chính thống và điều hành việc quản trị Giáo hội nhân danh Chúa. Như sẽ thấy, Giáo hội Nga sẽ trả giá đắt cho học thuyết này.

Thế kỷ XV còn được ghi nhớ vì sự kiến thiết thành Kremlin ở Moskva, một quần thể gồm các pháo đài, các dinh thự và các thánh đường (nhà thờ chánh tòa kính Đức Mẹ an giấc, 1475-79; nhà thờ thánh Basiliô 1484-89; nhà thờ tổng lãnh thiên thần Micae 1505-08). Vị trí của Moskva nổi bật cả về phía chính trị cũng như tôn giáo.

Tuy nhiên, vào thời này cũng nổi lên nhiều cuộc tranh luận trong nội bộ của Giáo hội. Giáo hội Chính thống không chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh đạo lý của tôn giáo nhưng còn đặt nặng khía cạnh phụng vụ nữa[16], với hậu quả là các lễ nghi phụng vụ trở nên nặng nề. Có những phong trào chống lại các lễ nghi phụng vụ hình thức; thế là họ bị ghép vào hạng lạc giáo, và bị đàn áp dữ dội, cách riêng ở Novgorod miền Bắc.

Qua thế kỷ XVI, một cuộc tranh luận sôi nổi hơn đã bùng lên, bắt nguồn từ các đan sĩ. Đây là cuộc tranh luận giữa nhóm “tích lũy” (sở hữu) và nhóm “phi tích lũy” (phi sở hữu). Theo nhóm thứ nhất, do viện phụ Iosif Volokolamsk (1440-1515) lãnh đạo, các đan viện cần phải sở hữu tài sản, đất đai, tá điền, ngõ hầu có thể đón tiếp các khách quý cũng như giúp đỡ những người nghèo. Nhóm thứ hai, được đại diện bởi thánh Nilus Sorsky (1433-1508)[17], chủ trương các đan sĩ phải sống bằng “tay làm hàm nhai”: các đan viện được cất lên để cầu nguyện và lao động, chứ không phải để tích lũy tài sản. Tuy nhiên cuộc tranh luận không chỉ giới hạn vào việc thực hành lời khấn thanh bần nhưng còn mở rộng sang các vấn đề khác. Cha Iosif không nương tay với các lạc giáo: theo cha, các ý kiến riêng tư là mẹ của các đam mê dục vọng, vì thế cần phải diệt bỏ. Những người lạc đạo đáng phải giết chết, cho dù họ đã ăn năn hối cải. Phe thứ hai cũng không dung túng các lạc giáo, nhưng không cho phép truy nã và giam cầm những người sai lầm. Về mặt chính trị, nhóm thứ nhất bênh vực quyền chuyên chế của chính quyền, và họ đã được chính quyền ủng hộ. Sự thắng thế của nhóm thứ nhất đã dẫn tới những hậu quả tai hại cho hậu thế.

Điều này đã được thấy rõ dưới triều đại của Ivan Kinh Hoàng (1533-1584). Thân phụ của ông là công tước Basiliô III (1505-1543) đòi ly dị bà vợ Solomonia vì không có con. Giáo chủ Đaniel (1522-1539)[18] chấp thuận cho ông cưới bà Helena, và bà này sinh ra Ivan IV Kinh Hoàng. Basiliô qua đời (năm 1533) khi Ivan mới lên 3 tuổi. Bà mẹ nắm quyền thay cho con, và bà qua đời 5 năm sau đó, trong những hoàn cảnh ám muội. Ông hoàng trẻ tuổi còn ở dưới quyền giám hộ cho đến khi lên 17 tuổi thì mới đăng quang, và tự xưng là Tsar (tức là tương đương với Caesar trong tiếng Latinh) tiên khởi “nhờ hồng ân Chúa”. Những năm đầu tiên, ông còn được trợ giúp bởi những quân sư khôn ngoan và tận tâm, trong đó có một linh mục tên là Silvestro. Năm 1551, ông triệu tập một công đồng, dưới sự chủ tọa của giáo chủ Macario, đã tìm cách tổ chức lại đời sống Giáo hội. Công đồng đề ra những biện pháp cải cách trở về nguồn, nhưng trên thực tế chỉ giới hạn vào lãnh vực phụng vụ[19]. Với thời gian, hoàng đế Ivan IV tỏ ra sự tàn bạo của mình, qua việc sát hại các thái sư, đàn áp giới quý tộc. Thế nhưng các giám mục không có can đảm để lên tiếng bênh vực công lý.

Năm 1587, Đức cha Giob, vị giáo chủ Nga đầu tiên mang tước hiệu Thượng phụ, và được xếp hàng thứ 5 (đứng sau bốn tòa được thành lập từ thời các thánh tông đồ: Constantinopolis, Alexandria, Antiokia, Giêrusalem).

Bước sang thế kỷ XVII, nước Nga trải qua một thời kỳ đen tối (1598-1613). Sau khi Feodor, con của Ivan Kinh Hoàng qua đời (1598), Boris Godunov được bầu làm tsar, nhưng ông bị xem như một kẻ tiếm quyền; vì thế chỉ sau vài năm, ông bị lật đổ bởi Dimitrij (lại thêm một người tiếm quyền nữa), tự xưng là con hợp pháp của Ivan Kinh Hoàng. Những cuộc đảo chính liên miên đã gây ra cuộc nội chiến giữa các phe phái, kéo dài cho đến năm 1613, khi công đồng bầu Michail Romanov (16 tuổi) làm tsar hợp pháp trên toàn thể nước Nga, và thượng phụ là Philarete (1554-1633). Philarete là thân phụ của Michail; sau khi vợ chết, ông đi tu rồi làm giám mục. Như vậy, chính quyền và thế quyền nằm ở trong tay hai cha con nhà Romanov.

Sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước và Giáo hội trở nên căng thẳng vào thế hệ kế tiếp giữa thượng phụ Nikon (1652-1658) và tsar Alexis (1646-1676), người con của Michail. Nikon là người có cá tính mạnh mẽ và dễ bốc đồng. Trước đó, ông đã là linh mục có gia đình; sau khi mất ba người con, ông đồng ý với vợ cùng nhau gia nhập đời đan tu. Tình cờ ông gặp Alexis đang còn trẻ tuổi, ông được mời làm cha tinh thần, và sau đó được bầu làm thượng phụ. Liền sau khi đắc cử, ông đã bày tỏ ý định muốn cải cách Giáo hội, độc lập khỏi chính quyền. Ông ước mơ một vương quốc phổ quát chính thống tại Nga. Ông thiết lập một đan viện gần Moskva mang tước hiệu là “Thành Giêrusalem mới”. Để thực hiện chương trình này, ông cảm thấy cần phải cải tổ phụng vụ, sao cho phù hợp với nghi điển byzantin. Cuộc cải tổ này đã gây ra nhiều chống đối, vì họ cho rằng sửa đổi phụng vụ là sửa đổi đức tin. Một chi tiết xem ra không quan trọng gì nhưng đã châm ngòi cho sự tranh cãi: cần phải làm dấu thánh giá với hai ngón tay (cổ điển) hay với ba ngón tay (cải tổ)[20]? Chính quyền ủng hộ thượng phụ Nikon, và đàn áp phe chống đối. Phe này tự xưng là “tín hữu thủ cựu” (Old Believers hoặc Old Ritualists), và ly khai ra khỏi Giáo hội và còn tồn tại đến ngày nay. Đối với họ, với thượng phụ Nikon, Giáo hội “chính thống” đã trở thành giáo hội “phản Kitô”, điềm báo tận thế đã đến gần!

Thượng phụ Nikon cũng chủ trương rằng quyền đạo thì cao hơn quyền đời, ví như mặt trời thì lớn hơn mặt trăng. Quan điểm này đã gây ra xung đột với tsar, và cuối cùng thì thượng phụ từ chức. Nhưng tệ hơn nữa, sự ly khai do cuộc cải tổ gây ra đã để lại ảnh hưởng lâu dài: những nhóm lìa bỏ Giáo hội cũng lại chia rẽ với nhau, và nhóm nào cũng coi rằng mình là tượng trưng cho đức tin chính thống. Ngày nay, nhóm mạnh nhất, mang danh là popovsty (có linh mục) vẫn duy trì hàng phẩm trật, nhưng cử hành phụng vụ theo nghi điển riêng (dài hơn, so với nghi điển của Thượng phụ Moskva); một nhóm khác mang danh là bespopovsty (không linh mục) chỉ chấp nhận một bí tích độc nhất là phép thánh tẩy.

Vào cuối thế kỷ XVII, Ukraina đã quyết định sát nhập vào Russia: giáo tỉnh Kiev (với 4 giáo phận) làm thành phần của tòa thượng phụ Moskva (năm 1686). Cũng nên biết là tại Kiev, viện thần học (cấp đại học) được mở từ năm 1615, dựa theo khuôn mẫu của các trường của Dòng Tên ở Ba lan. Dựa theo khuôn mẫu Kiev, viện thần học Moskva được mở ra vào năm 1682.

IV. Thời đế chế (1700-1917): Công nghị thay cho Thượng phụ


Với triều đại của ông Phêrô Đại đế (1672-1725), nước Nga trở thành Đế quốc. Ông du nhập tư tưởng Tây phương vào đời sống của dân tộc, cả về tổ chức hành chánh lẫn sinh hoạt tôn giáo. Ông dời kinh đô từ Moskva lên Saint Petersburg (1703)[21]. Ông muốn thay đổi xã hội từ đường lối suy tư cho đến lối ăn mặc, chẳng hạn như hàng quý tộc không để râu dài, mặc y phục tân thời, và thậm chí nói tiếng nước ngoài (đặc biệt là tiếng Pháp) còn rành hơn là tiếng mẹ đẻ. Nếp sống theo lối Tây phương cũng chi phối cả đời sống đạo. Các nhà trí thức đi theo những trào lưu triết học duy lý, và tỏ ra lãnh đạm với tôn giáo truyền thống. Cũng trong đường hướng này, hoàng đế muốn làm giảm uy tín của Giáo hội, bằng cách bãi bỏ chức thượng phụ (năm 1700), để từ nay trong nước chỉ có một nguyên thủ duy nhất (thay vì hai đầu như xưa nay). Giáo hội được cai quản bằng Công nghị (Sobor : synod) các giám mục (10 thành viên), dưới sự chủ tọa của một giáo dân do chính hoàng đế bổ nhiệm. Như vậy, hoàng đế đã áp dụng một thứ tổ chức Giáo hội giống như bên Tin lành, chứ không theo giáo luật truyền thống. Tuy nhiên, một điều còn nguy hiểm hơn nữa là Giáo hội chỉ còn là một tổ chức tế tự, chứ không còn ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Đây là hệ luận của học thuyết du nhập từ các trường phái tự do bên Tây phương, đề cao vị trí của lương tâm cá nhân và làm giảm nhẹ vai trò của cộng đồng Giáo hội. Nhiều nhà trí thức ra khỏi Giáo hội, và tự nhận là đồ đệ của Voltaire!

Những cuộc cải cách của hoàng đế Phêrô đã bị nhóm “tín hữu thủ cựu” phản đối. Họ coi ông như là hiện thân của “Phản Kitô” (Anti-Christ) được nói trong sách Khải Huyền. Dĩ nhiên là họ đã bị đàn áp dữ dội, nhưng họ thà chịu chết còn hơn sống trong chế độ ác quỷ.

Tuy nhiên, giữa thời khủng hoảng của Giáo hội vào thế kỷ XVIII, một đan viện nổi tiếng được biết đến là Optina Pustin, dưới sự lãnh đạo của những vị sư phụ thánh thiện, muốn bảo vệ truyền thống của đạo Chính thống, chống lại sự du nhập của các trào lưu Tây phương. Optina Pustin cũng trở thành nơi gặp gỡ của nhiều nhà trí thức Nga trong hai thế kỷ XVIII-XIX: Gogol (1809-52), Dostoevsky (1821-81), Tolstoy (1828-1910), Vladimir Soloviev (1853-1900) Rozanov (1856-1919), để chuyển dịch các tác phẩm của các giáo phụ và trao đổi về truyền thống của dân tộc, chống lại những trào lưu ngoại lai. Chính từ đan viện Optina Pustin mà vào đầu thế kỷ XX, một phong trào canh tân đã thành hình, nhờ một nhóm trí thức sẽ trở thành những người quảng bá tư tưởng Chính Thống Nga ra nước ngoài: Sergej Bulgakov, Simeon Frank, Pavel Florensky, George Fedotov[22].

Dù sao phải thành thật nhìn nhận rằng, tuy Đế chế muốn biến Giáo hội thành công cụ của mình, nhưng mặt khác Nhà nước dưới thời hoàng đế Phêrô I và nữ hoàng Catarina II (1741-1796) đã góp phần vào việc phát triển đạo bằng nhiều cách khác nhau. Đối nội, qua việc mở ra những chủng viện đào tạo hàng giáo sĩ (tuy dựa theo thần học bên Tây phương), xây cất nhà thờ và đan viện; đối ngoại, mở mang các vùng truyền giáo sang Siberia và Trung Hoa. Những con số nói lên điều đó. Dưới thời hoàng đế Phêrô I, dân số nước Nga là 21 triệu người, với 20 giáo phận. Vào cuối thời đế chế (năm 1915), dân số lên đến 182 triệu người, với 100 giám mục, hơn 1000 đan viện (555 nam với 21.130 đan sĩ; 475 nữ với 73.330 nữ tu), 4 học viện thần học (Moskva, Kiev, St. Petersburg, Kazan với 995 sinh viên), 57 chủng viện (với 22.734 sinh viên), 100 trường giáo lý và gần 78.000 giáo xứ và giáo điểm.

V. Dưới thời Cộng sản (1917-1991)


Đế chế Nga sụp đổ vì nhiều lý do, bên trong và bên ngoài. Kể từ sau cuộc bại trận trước hải quân Nhật Bản (1905), nhiều cuộc khủng hoảng và bạo động đã xảy ra, cách riêng do nhóm cực tả của đảng Lao động Xã hội Dân chủ được thành lập năm 1903, mang danh là bolshevik (theo nguyên ngữ tiếng Nga, có nghĩa là “đa số”; đối lại với mencheviks, thiểu số). Cuộc cách mạng cộng sản năm 1917 đã kết liễu chế độ quân chủ chuyên chế[23]. Tòa Thượng phụ được tái lập, với việc bầu cử Đức cha Tikhon (1917-1925) tại công đồng Moskva. Tuy nhiên, biến cố này thay vì đánh dấu sự tự do của Giáo hội lại trùng hợp với cuộc mở đầu chính sách bài trừ tôn giáo. Giáo hội Nga đã trải qua một cuộc bách hại chưa từng thấy trong lịch sử. Chính sách mới cũng gây ra những chia rẽ trong nội bộ Giáo hội chung quanh lập trường đối với Nhà nước, xưa vốn giữ vai trò bảo vệ tôn giáo nhưng nay lại quay ra diệt trừ tôn giáo.

A. Chính sách tôn giáo của Nhà nước Cộng sản


Lẽ ra sự sụp đổ của chế độ chuyên chế Nga hoàng phải đánh dấu một giai đoạn tươi sáng trong lịch sử Giáo hội. Dưới thời Đế chế, Giáo hội Chính thống hoàn toàn bị Nhà nước khuynh đảo, bởi vì được cai quản bởi Công nghị, gồm những thành phần do Nhà nước bổ nhiệm. Về phía Giáo hội, không có Thượng phụ, tiếng nói uy tín để tố giác những sai lầm. Sau lâu năm tranh đấu, Nga hoàng Nicolas II đã cho phép chuẩn bị một công đồng quốc gia để bàn về việc tái lập Thượng phụ (sau 217 năm). Công đồng bắt đầu nhóm họp từ tháng 8 năm 1917, và đã bầu đức cha Tikhon (Belavin) giáo chủ Moskva làm thượng phụ (1866-1925), nhưng đã sớm bị gián đoạn vào tháng 9 năm 1918, do những biến chuyển chính trị tiếp theo cuộc cách mạng Cộng sản.

Cuộc bách hại tôn giáo đã trải qua nhiều giai đoạn, được thay đổi hoặc do sự biến chuyển của thời thế hoặc vì nhận thấy sự thất bại của chiến dịch[24].

1/ Cuộc tấn công đầu tiên do Vladimir Ulianov-Lenin (1870-1924) chủ động với một loạt những sắc lệnh liền sau cuộc cách mạng: ngày 4/12/1917, tịch thu các tài sản của Giáo hội; ngày 11/12, đóng cửa các trường học tôn giáo; ngày 18/12, bắt buộc cử hành hôn nhân dân sự. Ngày 23/1/1918, tất cả các nghị định ấy được thống nhất trong một luật mới, nhằm cắt đứt tất cả những nguồn lợi của tôn giáo: tài sản, cơ sở vật chất. Tuy nhiên, mặc dù có những tín hữu đã bỏ đạo, nhưng phần lớn lại củng cố đức tin và sức sống tôn giáo. Trước sự kiện ấy, chính quyền thay đổi đường hướng. Một đàng, bỏ tù hoặc giết các nhà lãnh đạo (Thượng phụ Tikon bị tống giam năm 1922, và cùng năm đó, giám mục Petrograd bị giết cùng với vài giáo sĩ). Đàng khác, chính quyền gây chia rẽ bằng cách tạo ra “Phong trào Giáo hội sống động” (1922-26). Nhưng phong trào này đã bị tẩy chay, bởi vì các giáo sĩ và giáo dân vẫn trung thành với Thượng phụ. Ngài qua đời ngày 25/3/1925, và hơn 100.000 tín hữu tham dự đám tang. Nhận thấy ảnh hưởng to lớn của ngài, chính phủ không cho phép tổ chức bầu người kế vị và phát lưu những giám mục và linh mục thân tín với ngài. Chính sách bài tôn giáo được nới lỏng sau khi Lênin qua đời (năm 1924), do những tranh chấp trong nội bộ Đảng.

2/ Đợt tấn công lần thứ hai diễn ra năm 1929, do Iosif Vissarionovich Djugashvili-Stalin (1879-1953) đề xuất. Các biện pháp trước đây chỉ nhắm đến các phương tiện để hành đạo, và đã không mang lại kết quả. Stalin đi thêm một bước nữa, đó là nhắm thẳng vào lòng tin: cần ngăn cấm việc giảng đạo. Một bản luật được ban hành vào tháng 4 năm 1929 xếp vào trọng tội những hành vi sau đây: rao giảng Phúc Âm, tranh biện chống lại thuyết duy vật và vô thần; rủ rê người khác vào đạo. Hành động duy nhất được chấp nhận là cho phép các tín hữu được họp nhau để làm việc thờ phượng, với điều kiện là mỗi nhóm 20 người phải làm đơn xin phép được đọc kinh chung. Với đạo luật này, Giáo hội buộc phải giữ thinh lặng, sau khi đã mất tất cả các trường học và các cơ quan ngôn luận. Những năm 1929-32, thời kỳ bắt buộc các nông dân phải vào hợp tác xã hoặc đi nông trường cũng là thời kỳ đóng cửa các nhà thờ và tống giam các linh mục. Biểu tượng của chính sách này là việc nổ sập nhà thờ chính tòa Chúa Cứu Thế gần điện Kremlin (5/12/1931). Tuy nhiên, nạn đói xảy đến đã bắt buộc chính quyền phải nới lỏng chính sách bài trừ tôn giáo. Hiến pháp năm 1936 trả lại quyền công dân cho các giáo sĩ.

3/ Đợt tấn công dữ dội nhất xảy ra vào những năm 1937-39, cũng dưới thời Stalin. Đó là những năm thanh trừng khủng khiếp trong nước, không loại trừ các đảng viên. Dân chúng sống trong sợ sệt, và không dám tổ chức những buổi hội họp phụng tự nữa. Xem ra Giáo hội đã bị tiêu diệt, đặc biệt là nơi giới trẻ, được hấp thụ nền giáo dục chống tôn giáo tại các trường học.

Để có một ý niệm về sự tàn phá Giáo hội, chúng ta hãy nhìn qua vài con số. Trước cuộc cách mạng, trên toàn nước Nga có đến hơn 70 ngàn giáo xứ và giáo điểm. Vào cuối thập niên 30, chỉ còn 350 nhà thờ được mở cửa. Từ 150 giám mục trước thời cách mạng, chỉ còn 4 vị được tự do. Đó là chỉ nói đến các cơ sở, chứ không đến con số những giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân bị sát hại, hoặc chết trong các trại khổ sai[25].

May thay, chiến tranh đã làm ngưng lại tiến trình ấy. Năm 1941-42, nước Nga bị quân đội Đức xâm lăng. Chính quyền nới lỏng các đạo luật bài trừ tôn giáo qua chiến dịch “Chiến tranh yêu nước” (1941-1945). Lập tức, các tín hữu mở lại các nhà thờ, đào lên các đồ phụng tự đã chôn giấu, và lập lại các ca đoàn để cử hành phụng vụ. Nhận thấy đức tin vững mạnh của họ, Stalin buộc phải nương tay trong chiến dịch chống tôn giáo. Năm 1943, ông cho phép bầu Thượng phụ: đức cha Sergio (Stragorodsky, 1861-1944) đắc cử. Sau khi ngài qua đời, đức cha Alexis (Simansky) được cử thay thế. Dần dần, chính phủ bắt đầu nhượng bộ hơn: cho phép mở lại 8 chủng viện và hai trường thần học. Một số thánh đường được trùng tu, một số đan viện được nhìn nhận.

4/ Sau khi Stalin qua đời (1953), xảy ra một cuộc xét lại sự nghiệp của ông, bị tố cáo là độc tài, tôn sùng cá nhân. Krushchev đã vạch trần những tội ác của Stalin trong 30 năm cầm quyền. Giáo hội hy vọng rằng chính sách tôn giáo cũng sẽ được xét lại theo chiều hướng cởi mở hơn. Nhưng không ngờ, chính quyền Kruschev không khả quan hơn; ngược lại là đàng khác. Ông ra lệnh đóng cửa các chủng viện, và việc quản trị giáo xứ được trao cho ủy ban nhân dân, thay vì đặt dưới sự điều khiển của linh mục. Các cuộc cử hành bí tích đều phải đăng ký.

B. Những chia rẽ trong nội bộ Giáo hội


Trong những giai đoạn trước đây, Giáo hội Nga đã từng chứng kiến nhiều cuộc chia rẽ trong nội bộ, tiếp theo những cuộc cải tổ phụng vụ hoặc cải tổ hành chính, nhưng những chuyện đó diễn ra trong khung cảnh của một chính quyền “có đạo”. Giờ đây, khung cảnh đã thay đổi: Nhà nước không những muốn tách rời mà còn muốn diệt Giáo hội: các tín hữu phải có thái độ như thế nào? Thực ra, các lối phản ứng không chỉ là kết luận bởi những suy tư thần học nhưng còn chịu ảnh hưởng của những hoàn cảnh thời thế. Trước hết, cần ghi nhận sự kiện là Giáo hội đã bị phân chia làm hai khối: những người ở trong nước, và những người ở ngoài nước.

1/ Những người trong nước


Dĩ nhiên, đây là thành phần đa số của các tín hữu. Có bốn lập trường khác nhau: a) Bất hợp tác với Nhà nước, bởi vì họ chống lại Chúa Kitô và Giáo hội; b) Có thể hợp tác với Nhà nước bởi vì có nhiều điểm trùng hợp về trật tự xã hội giữa Kitô giáo và Cộng sản; c) Cần phải tách rời Giáo hội và Nhà nước, không can thiệp vào nội bộ của nhau; d) Chấp nhận chế độ cộng sản như chính quyền hợp pháp, miễn là họ cho phép Giáo hội bảo tồn đức tin và phụng tự của mình.

Trên thực tế, đa số các nhà lãnh đạo Giáo hội áp dụng lập trường thứ bốn. Chỉ có thiểu số chủ trương lập trường thứ nhất, và đã bị tiêu diệt; còn lập trường thứ hai không được các tín hữu ủng hộ mà cũng chẳng được Nhà nước mời gọi hợp tác. Lập trường thứ ba không thể thực hiện, bởi vì Nhà nước đòi kiểm soát tất cả các sinh hoạt của Giáo hội, đứng đầu là việc chỉ định các chức sắc. Giáo chủ Sergii Stragorodsky là một trong số những người ủng hộ lập trường cuối cùng, và được Nhà nước chấp thuận làm Thượng phụ (1943). Các vị kế nhiệm cũng đi theo đường lối đó.

2/ Giáo hội ở ngoài nước

Tiếp theo cuộc cách mạng Cộng sản 1917 là nội chiến kéo dài từ năm 1918 cho đến 1922. Sau khi phe chống Cộng thất trận, hơn một triệu người phải rời quê hương đi ra nước ngoài, và định cư ở các nước Bắc Âu, Pháp và Đức. Những người này thuộc nhiều quốc tịch, tín ngưỡng, chính kiến khác nhau. Điều đáng ghi nhận là trong số này, có những nhà trí thức trước đây theo thuyết marxist nhưng lại trở về với đức tin cổ truyền.

Đối với các tín hữu lưu vong, nhiều vấn đề được đặt lên liên quan đến tương quan với chính quyền Nga cũng như với các hàng lãnh đạo Giáo hội trong nước; bên cạnh đó còn có những tương quan với Giáo hội tại nơi mà họ đang định cư. Không nói ai cũng đoán được, có rất nhiều khuynh hướng khác nhau và đối lập với nhau.

a) Một nhóm tuyệt đối chống lại Nhà nước cách mạng. Đối với họ, Giáo hội gắn bó chặt chẽ với hoàng triều, vì thế cần phải tìm cách khôi phục chế độ cũ. Đại biểu cho nhóm này là giáo chủ Antonio (Khrapovitsky, 1863-1936), và sau khi vị này qua đời, được kế vị bởi giáo chủ Anastasio (Gribanovky, 1873-1965). Họ tự nhận là tiếng nói chính thức của Giáo hội Nga (bởi vì Giáo hội ở trong nước không còn được tự do nữa).

b) Một nhóm khác chủ trương rằng Kitô giáo đứng bên ngoài mọi chế độ chính trị, nhưng để khỏi bị lệ thuộc vào chính quyền Nga, họ xin chuyển sang thẩm quyền của Thượng phụ Constantinopolis. Đại biểu cho nhóm này là giáo chủ Eulogio (Georgievsky, 1864-1946). Nhóm này có khuynh hướng cởi mở đối với các Giáo hội Tây Âu và phong trào đại kết.

c) Nhóm thứ ba chủ trương tiếp tục trung thành với Tòa Thượng phụ Moskva. Nhưng nhóm này lại tẩy chay phong trào đại kết đang phát triển tại Tây Âu.

Đời sống đạo của các tín hữu lưu vong bị xáo trộn khá nhiều bởi sự bất đồng ý kiến giữa ba nhóm vừa kể, đặc biệt dưới khía cạnh giáo luật: ai có quyền bổ nhiệm các mục tử chăm sóc các cộng đồng: Tòa Thượng phụ Moskva hay là Tòa Thượng phụ Constantinopolis?[26] Liệu Thượng phụ Moskva có còn tự do để hoạt động, hay đang chịu áp lực của Nhà nước? Dù sao, chính nhờ những nhóm “lưu vong” (trong đó có nhiều nhà trí thức) mà Tây Âu có dịp biết đến gia sản thần học và tâm linh của Giáo hội Chính thống, đặc biệt là qua các trường thần học Saint Serge (Paris) và Saint Vladimir (New York)[27], như sẽ nói trong bài viết về lịch sử thần học nước Nga.

VI. Giai đoạn hậu cộng sản


Ở đây, chúng tôi không muốn tìm hiểu lý do của sự sụp đổ của chế độ cộng sản: phải chăng vì khủng hoảng kinh tế? Hay vì khủng hoảng chính trị? Hay do một phép lạ của Thiên Chúa quan phòng? Chúng tôi chỉ muốn ghi lại vài sự kiện quan trọng có liên quan đến Giáo hội Chính thống.

Năm 1988, Giáo hội được phép tổ chức mừng kỷ niệm 1000 năm dân Rus’ theo đạo. Những làn gió chính trị đổi mới đã mang lại một sinh khí cho Giáo hội. Năm 1991, với sự sụp đổ của đảng cộng sản, sự tự do tôn giáo được nhìn nhận trên toàn lãnh thổ của Liên Bang Nga. Thực ra, sự tự do tôn giáo đã mang lại nhiều tín hiệu lạc quan nhưng cũng không thiếu những dấu hiệu đáng lo ngại. Chúng tôi hãy kể những tín hiệu lạc quan trước.

1/ Có thể nói được là đã có một cuộc “phục sinh” của Giáo hội. Điều này có thể chứng thực bằng những con số: trong những năm cuối cùng của chế độ cộng sản, 85% dân số tuyên bố là người vô thần (mặc dù họ được bố mẹ rửa tội) và chỉ có 15% tuyên bố là Kitô hữu (thành phần này hầu hết là các người già). Vào cuối thập niên 90, tỉ lệ lật ngược lại: chỉ có 15% tuyên bố vô thần, còn 85% tuyên bố có tín ngưỡng (tuy không thường xuyên đi nhà thờ).

Nên biết là nhiều cơ sở tôn giáo của Giáo hội Chính thống được xây cất nhờ sự tài trợ của Nhà nước[28]. Các nhà lãnh đạo quốc gia hiện diện tại các buổi lễ phụng vụ của Giáo hội; đối lại vài lễ của quốc gia cũng được mừng như lễ tôn giáo.

2/ Sự tự do cũng mang theo những mặt trái của nó. Chúng tôi không muốn đề cập đến khía cạnh kinh tế (mafia, buôn lậu, tư bản rừng rú, vv.), nhưng chỉ bàn đến phương diện luân lý đạo đức. Các giáo phái từ Tây phương lợi dụng tự do tôn giáo để tuyên truyền giáo thuyết của họ cũng như các nếp sống phóng túng. Ngoài ra, một trong số những vấn đề giáo luật gai góc được đặt ra là thẩm quyền của Tòa Thượng phụ Moskva.

a) Trước đây, quyền hạn của Thượng phụ bao trùm toàn thể lãnh thổ Liên Bang Sô Viết. Sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản, Liên Bang Sô Viết tan rã, nhiều quốc gia tuyên bố độc lập. Sự độc lập chính trị có mang theo sự tự trị về giáo luật không[29]? Vấn đề đôi khi gây rắc rối, khi mà người ta không muốn cho sự lệ thuộc vào thượng phụ Nga cũng kèm theo sự lệ thuộc vào chính quyền của nước này. Trên thực tế, cho đến nay điều này vẫn chưa được giải quyết tại Ukraine[30]. Nói vắn tắt, câu hỏi như thế này: Giáo hội Chính thống Nga gắn liền với dân tộc Nga, hay có thể tách rời hai khía cạnh?

b) Trước đây, dưới thời Cộng sản, một số cộng đồng người Nga ở nước ngoài không chấp nhận Tòa Thượng phụ Moskva, vì ngài bị nghi ngờ là thân với Nhà nước vô thần. Họ được đặt dưới thẩm quyền của Thượng phụ Constantinopolis, hoặc đã tự tuyên bố tự lập. Bây giờ, khi chế độ cộng sản đã sụp đổ, những cộng đồng người Nga có buộc phải “trở về với đàn chiên mẹ” không? Câu chuyện không đơn giản, và đã đưa đến những xung đột giữa hai tòa Thượng phụ (Moskva và Constantinopolis). Thêm vào đó, nhiều nhân vật trong tòa Thượng phụ Nga chống lại việc đối thoại đại kết, là điều mà các cộng đồng “nước ngoài” vốn theo đuổi từ nhiều năm qua[31].

Kết luận


Trong bài này, chúng ta đã theo dõi sự tiến triển của Giáo hội Chính thống tại Nga. Chúng ta nhận thấy rằng, vào lúc đầu Giáo hội này chỉ là một giáo phận thuộc Tòa Thượng phụ Constantinopolis (với trụ sở đặt tại Kiev), và dần dần được tự trị (với trụ sở được dời về Moskva), và mang tước hiệu Thượng phụ. Bên cạnh mối tương quan bên trong nội bộ của Giáo hội Chính thống, chúng ta cũng theo dõi mối tương quan với chính quyền dân sự. Một nét đặc trưng của Giáo hội Chính thống là sự gắn bó chặt chẽ giữa đôi bên, với những may rủi của nó. Nếu chính quyền sùng đạo thì Giáo hội được nhờ; nhưng chính quyền cũng có thể giữ vai trò điều khiển Giáo hội hoặc đàn áp Giáo hội, và lúc ấy Giáo hội trở thành nạn nhân đầu tiên của chính sách được đề ra.

Mặt khác, khi nói đến Giáo hội tại Nga, chúng ta thường hiểu là Giáo hội Chính thống, tuy rằng Giáo hội Công giáo không hoàn toàn vắng mặt. Thực ra, khi dân tộc Rus gia nhập Kitô giáo, họ trở thành một giáo phận trực thuộc Giáo hội Constantinopolis. Vào thời điểm ấy, tương quan giữa Constantinopolis và Rôma đang căng thẳng, dẫn đến sự tuyệt thông hỗ tương vào năm 1054. Điều này không có nghĩa là dân tộc Rus, không hề quen biết Giáo hội Công giáo. Ngược lại thì đúng hơn: họ quá biết nhưng với cặp mắt tiêu cực. Như đã thấy trên đây, nếu về phía Đông họ phải chống quân Mông Cổ xâm lăng, thì đồng thời họ cũng phải đương đầu với những lực lượng Công giáo ở phía Tây và phía Bắc (Ba Lan, Đức, Thụy Điển): những nước này không chỉ muốn lôi kéo dân Nga về hợp nhất với Tòa Rôma, mà còn lăm le muốn chiếm đất đai nữa. Trên thực tế, miền Lituany và Ukraine đã trở nên nơi tranh chấp của đôi bên. Các tín hữu có nơi theo nghi điển Latinh và có nơi theo nghi điển Đông phương. Đó là lý do của sự hiện diện của những cộng đoàn Công giáo trên đất Nga, và dĩ nhiên là bị nhìn với cặp mắt nghi kỵ.

Mặt khác, Giáo hội Chính thống cũng nhận thấy sự yếu kém về thần học, và cách riêng dưới thời của hoàng đế Phêrô I, các chủng viện và học viện đã được tổ chức rập theo mô hình bên Tây phương (cách riêng các trường của Dòng Tên)[32], và thậm chí các luồng thần học khác nhau (Công giáo cũng như Tin Lành) cũng được du nhập. Dĩ nhiên là những nhóm thủ cựu đã phản ứng lại, và chủ trương phải trở về với truyền thống thần học của các giáo phụ.

Cần phải nhìn lại quá khứ mới hiểu được sự căng thẳng Giáo hội Công giáo với Giáo hội Chính thống: nguyên nhân không chỉ vì lý do thần học mà còn vì lý do chính trị và văn hóa nữa. Giáo hội Chính thống được đồng hóa với dân tộc Nga; các Giáo hội khác bị đối xử như ngoại lai. Dù sao, trong những năm gần đây, ta thấy có vài tín hiệu tích cực, đặc biệt là cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với Đức Thượng phụ Kirill tại La Havana ngày 12/2/2016 (điều mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II rất ước mong mà không thực hiện được)[33]. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng nên quên rằng, đối nội một vị Thượng phụ Chính thống không có nhiều quyền như là Đức giáo hoàng trong Giáo hội Công giáo, bởi vì mọi quyết định quan trọng đều do Hội đồng Thượng phụ quyết định. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề trong bài về lịch sử thần học.

Sách tham khảo

  1. Zernov, Nicolas. Eastern Christendom. A Study of the Origin and Development of the Eastern Orthodox Church, GPPS, New York 1961.
  2. Pospielovsky, Dimitry. The Orthodox Church in the History of Russia. St. Vladimir's Seminary Press, New York 1998.
  3. Shubin, Daniel H. The History of Russian Christianity, 4 volumes, Algora Publications, New York 2004-2006.
  4. The Cambridge History of Christianity. Vol.V, Eastern Christianity, (edited by Michael Angold), Cambridge University Press, Cambridge 2008.

[1] Dr. Dimitry V. Pospielovsky, Historia de la Iglesia rusa, in : http://www.holytrinitymission.org/books/spanish/historia_iglesia_rusa.htm
[2] “Problem of periodisation of Russian Church history”, trong bài viết Timeline of Orthodoxy in Russia. https://orthodoxwiki.org/Timeline_of_Orthodoxy_in_Russia truy cập ngày 23/8/2017. Chung quanh vấn đề phân chia các giai đoạn, tác giả nêu lên những ý kiến của Philaret Gumilevsky, Macarius Bulgakov, Evgeny Golubinsky, Igor Smolich.
[3] http://dimensionesperanza.it/aree/ecumene/chiese-cristiane/item/8374-la-chiesa-ortodossa-russa-attraverso-la-storia-vladimir-zelinskij.html
[4] Dựa theo ký sự của Nestor (tác phẩm được viết vào khoảng năm 1111), thánh tông đồ đã đi dọc theo dòng sông Dnjepr, đến địa điểm mà nay là thành phố Kiev, đã cắm cây thánh giá trên một ngọn đồi và nói với các môn đệ: “Nơi đây sẽ rực sáng các hồng ân của Thiên Chúa, các nhà thờ sẽ được cất lên để kính Chúa Kitô, ánh sáng chân lý từ chỗ này sẽ tỏa lan khắp nơi giống như dòng sông đổ ra khắp nước”.
[5] Dân tộc sẽ lãnh nhận bí tích “tập thể” trên dòng sông Dnjepr năm 989. Nên biết là truyền thống nói đến 5 lần rửa tội của người Nga: 1) Thế kỷ I: tông đồ Anrê. 2) Giữa thế kỷ IX: Hai thánh Cyrillo và Metođiô rửa tội cho 200 gia đình. 3) Năm 867: Vài người Nga được rửa tội tại Constantinopolis vào thời Thượng phụ Photio. 4) Khoảng năm 955: Công nương Olga được rửa tội tại Constantinopolis. 5) Năm 988: Công tước Vladimir, cháu của bà Olga. [X. Marina N. Bakhmatova, Religione Ortodossa e Spiritualita Russa, https://www.scribd.com/document/134899331/6-Religione-Ortodossa-Spirtualita-Russa]
[6] Điều thứ nhất được xét lại là động lực thúc đẩy ông trở lại đạo: có thực sự là vì cảm mến đạo hay chỉ vì muốn cầu hôn với công chúa Anna, em gái của hoàng đế Byzantin?
[7] Tuy Sviatopolk là bào huynh của hai hoàng tử bị giết, nhưng là “con cùng cha khác mẹ”.
[8] Tartari nguyên là từ ngữ ám chỉ các quỷ dữ ở dưới hỏa ngục.
[9] Thực ra người “Mông Cổ” thuộc nhiều sắc tộc khác nhau (vì thế đôi khi cũng tiêu diệt lẫn nhau), và theo nhiều tôn giáo khác nhau. Ngoài tôn giáo cổ truyền (đạo shaman, và thờ Trời nhờ tiếp xúc với Trung Quốc), các lãnh đạo nhà Nguyên cũng quen biết đạo Kitô qua các giáo sĩ Nestorio, nhưng sau này họ ngả theo đạo Islam.
[10] Vladimir là một trị trấn cách Moskva khoảng 200 cây số về phía Đông, trở thành trung tâm của Giáo hội Nga từ năm 1299 (di chuyển từ Kiev) cho đến năm 1325 (chuyển về Moskva).
[11] Về lịch sử của bức icôn này (được mang tên là Eleusa “Mẹ từ bi âu yếm), xem: Phan Tấn Thành, Truyền thống Tâm linh trong các Giáo hội Đông phương (Đời sống tâm linh, tập V), NXB Phương Đông, TPHCM 2017, trang 451-453.
[12] Về những khác biệt thần học giữa Giáo hội Latinh và Giáo hội Chính thống, xem bài Lịch sử thần học trong số này.
[13] Thực ra, tại công đồng Firenze, giữa các nghị phụ Đông phương có hai lập trường: a) một bên ủng hộ sự hợp nhất với Rôma (tượng trưng nơi các đức cha Bessario giám mục Nixea, và Isidor giám mục Moskva); b) một bên chống lại sự hợp nhất (tượng trưng nơi đức cha Marcô giám mục Ephesô).
[14] Đàng sau học thuyết này, có nhiều quan điểm khác nhau khi giải thích lịch sử thế giới. Có ý kiến cho rằng Đế quốc Rôma sụp đổ là dấu hiệu của tận thế, dựa theo sự giải thích của Hippolito (bốn đế quốc thay nhau suy tàn trước ngày tận thế: Babylonia, Ba tư, Đế quốc của Alexander Đại đế, Rôma). Theo một ý kiến khác, Rôma sẽ không sụp đổ nhưng chỉ đổi nơi: từ Rôma sang Constantinopolis, và cuối cùng là Moskva (Roma thứ ba). Tư tưởng này được phát biểu trong thư của đan sĩ Philoteos gửi cho công tước Basiliô III năm 1532.
[15] Những cách phiên âm khác nhau sang tiếng slavonia: tsar, tzar, csar, czar của tiếng latinh Caesar (Hy Lạp là Basileus). Thực ra, vị vua slav đầu tiên tự xưng tsar là Simeon I của Bulgari năm 913, nhưng không lâu dài như bên Nga. Vị Nga hoàng đầu tiên mang tước hiệu tsar là Ivan IV năm 1547.
[16] Từ “Chính thống” trong tiếng Việt chưa lột hết ý nghĩa của “Orthodoxia.” Nguyên gốc Hy Lạp, orthodoxa gồm bởi “orthos” và “doxa”. Doxa vừa có nghĩa là “ý kiến” vừa có nghĩa là “vinh quang”. Vì thế orthodoxia (trong tiếng Nga là pravoslavie) vừa có nghĩa là ý kiến đúng, vừa có nghĩa là chúc tụng đích xác. Khía cạnh “tín lý” và “phụng tự” gắn liền với nhau.
[17] Thánh Nilus cũng là một trong những người khởi xướng việc thực hành “kinh nguyện Chúa Giêsu” sẽ được nói trong bài nói về “Ký sự người hành hương” trong số này.
[18] Thực ra, người chống đối là giáo chủ Varlaam (1511-1522) đã bị truất chức, và giáo chủ Đaniel lên thay. Vị này không có thiện cảm với nhóm “Không tích lũy”
[19] Công đồng này mang tên là “100 chương” (Stoglav), bởi vì các quyết nghị được phân phối trong 100 chương.
[20] Làm dấu với ba ngón tay (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa chụm lại) tượng trưng cho Tam Vị. Làm dấu với hai ngón (ngón đeo nhẫn và ngón út gập lại trên lòng bàn tay) nhắc nhớ hai bản tính của Đức Kitô, vừa là Thiên Chúa vừa là người.
[21] Năm 1914, được đổi tên thành Petrograd, rồi 10 năm sau trở thành Leningrad (năm 1924). Năm 1991, trở về tên ban đầu là Saint Petersburg.
[22] Nên biết là Piotr Struve (1870-1944), Sergej Bulgakov (1871-1944), Nikolás Berdiaev (1874-1948) và Simeón Frank (1877-1950) vốn là những triết gia Marxist, sau đó đã quay về với đức tin.
[23] Chúng tôi không muốn đi sâu vào những lý do dẫn đến sự sụp đổ của chế độ quân chủ nước Nga, cách riêng của dòng họ Romanov. Như đã nói trên, nhiều khủng hoảng đã bắt đầu từ năm 1905 sau cuộc bại trận ở Viễn Đông. Bên cạnh những yêu cầu cải cách chính trị theo hướng dân chủ, còn có những chủ nghĩa “vô chính phủ” (anarchism); bên cạnh những yêu cầu cải cách xã hội, cần phải nói đến những khủng hoảng kinh tế do việc tham gia vào thế chiến thứ nhất (1914-1918). Ngay trong năm 1917, đã xảy ra hai cuộc “đảo chính”: một cuộc lật đổ Nga hoàng vào tháng 2 (theo lịch Giulianô), một cuộc lật đổ chính quyền dân sự vào tháng 10. Chúng tôi cũng không muốn đi sâu vào những sự kiện tiếp theo “Cách mạng tháng Mười”, cách riêng là cuộc nội chiến giữa Hồng quân và Bạch quân. Chúng tôi chỉ muốn giới hạn vào việc trình bày chính sách tôn giáo của chế độ mới.
[24] X. Andrea Riccardi, Les persécutions des chrétiens en URSS après la révolution du 1917 In : http://orthodoxeurope.org/page/13/2.aspx (trích từ Ils sont morts pour leur foi. La persécution des chrétiens au XXe siècle, Plon/Mame, 2002, pp. 23– 55), cung cấp thư tịch dồi dào.
[25] Chính sách bách hại tôn giáo không chỉ nhắm đến Giáo Hội Chính thống mà còn các Giáo Hội khác. Hơn thế nữa, chính sách này áp dụng trên toàn thể Liên Sô, nghĩa là lan rộng đến nhiều quốc gia khác, tựa như Ukraine, Arménie,vv.
[26] Đây là một điểm tranh luận trong giáo luật của Giáo hội Chính thống. Theo một ý kiến khá phổ thông, mỗi Thượng phụ chỉ có thẩm quyền trong lãnh thổ của mình; các tín hữu sống ngoài lãnh thổ thì ở dưới quyền của Thượng phụ Constantinopolis. Tuy nhiên, có những Giáo hội không chấp nhận ý kiến đó, bởi vì bên Chính thống không có Thượng phụ nào có thẩm quyền phổ quát giống như Giáo hoàng bên Giáo hội Công giáo!
[27] Vài nhà thần học tiêu biểu: S. Bulgakov (1871-1944), G. Florovskij (1893-1979), V. Losskij (1903-1958), P. Evdokimov (1901-1970), A. Schmemann (1921-1983), J. Meyendorf (1926-1992).
[28] Theo Đức Cha Hilarion, (“ngoại trưởng” của Thượng phụ Moskva), trong vòng 25 năm qua, trên nước Nga đã xây hoặc tái thiết 26.000 ngôi thánh đường và 800 đan viện được mở. Hilarion: oltre 26mila chiese ricostruite o nuove in Russia – di Giuseppe Rusconi – www.rossoporpora.org – 4 novembre 2014.
[29] Đây là một khái niệm khá phức tạp bên các Giáo hội Đông phương, với sự phân biệt giữa “autocéphalie” và autonomie”. Đó là hai cấp độ khác nhau : tương quan giữa autocéphalie với Giáo hội gốc là “chị em” với nhau; còn tương quan giữa autonomie với Giáo Hội gốc là “mẹ con”.
[30] Hiện nay, tại Ukraine, có một Giáo hội Công giáo (Đông phương), một Giáo hội Chính thống trực thuộc tòa Moskva, một Giáo hội Chính thống tự trị. Nên biết là trên lãnh thổ nước này, có nhiều công dân người Nga, và Kiev thủ đô quốc gia cũng là cái nôi của Giáo hội Rus. Nhiều quốc gia trước đây trực thuộc Liên bang Sô viết nay được độc lập và có Thượng phụ, tựa như Georgia, Estonia.
[31] Ngày 17/5/2007, một cộng đồng Giáo hội “ly khai” ở hải ngoại đã ký kết hợp nhất với Thượng phụ Moskva.
[32] Điều trớ trêu là đang khi Đức Thánh Cha Clementê XIV giải tán Dòng Tên trên khắp thế giới (21/7/1773), thì Nữ hoàng Catarina II tiếp tục để cho Dòng hiện diện trên đất Nga, nhờ vậy mà Dòng duy trì được sự liên tục cho đến khi được Tòa Thánh phục hồi năm 1814!
[33] Nước Nga đã có liên lạc ngoại giao với Tòa Thánh từ ngày 9/12/2009.