Thời sự Thần học - số 78, tháng 11/2017, tr. 152-190
_Gary M. Hamburg_
Tolstoy thường chỉ được biết đến như một văn gia, triết gia, nhà cải cách xã hội. Ít khi ông được biết đến như một nhà “thần học”, mà theo nguyên ngữ (theologia) có nghĩa là: nói về Thiên Chúa. Tác giả của bài viết này muốn lưu ý đến một khúc ngoặt trong cuộc đời của ông, được đặt tên là “cải hoán”, được phân tích trong cuốn Confession (giống như thánh Augustinô). Điều đáng để ý là ông đã tự khám phá Thiên Chúa qua việc đọc Thánh Kinh, chứ không dựa theo truyền thống của Giáo hội Chính thống. Tuy bị Giáo hội Chính thống khai trừ, nhưng không thể nói là ông đứng ngoài Kitô giáo. Học thuyết của ông mang tính đa diện, có thể giải thích theo nhiều hướng. Điều này có thể nhận thấy ở ba điểm: 1/ Cuộc hoán cải. 2/ Sự thức tỉnh tinh thần. 3/ Sự khắc kỷ.
Nguyên tác: Tolstoy’s Spirituality đăng trong sách “Anniversary Essays on Tolstoy” edited by Donna Tussing Orwin, Cambridge University Press, Cambridge 2010, p.138-158.
Bản dịch của Ts. Nguyễn Quốc Minh Tuấn, O.P.
Bài viết sau đây sẽ cố gắng khám phá nền linh đạo của Tolstoy bằng cách tập trung vào các tác phẩm về đề tài tâm linh viết vào giai đoạn nửa cuộc đời còn lại của ông, xoay quanh ba chủ đề: (1) cuộc hoán cải tôn giáo của Tolstoy; (2) nỗ lực giải phóng “các Kitô hữu chân chính” khỏi những ràng buộc giả hình đoàn lũ của nhà nước và của những niềm tin tôn giáo sai lầm; và (3) ý tưởng của ông về tinh thần khắc kỷ Kitô giáo. Mục đích của bài viết là cho thấy sự khác biệt giữa tư tưởng tôn giáo của ông Tolstoy, và truyền thống Kitô giáo là nơi bắt nguồn các tư tưởng ấy.
1. Cuộc hoán cải
Hầu như tất cả các tác phẩm của Tolstoy từ năm 1879 đến 1910 đều liên quan đến kinh nghiệm hoán cải của ông. Gần đây Inessa Medzhibovskaya đã lập luận rằng, cuộc hoán cải đó là kết quả của một quá trình suy tư dài hạn, bắt nguồn ít là từ khoảng hơn chục năm về trước.[4] Chính Tolstoy đã coi một trong những khởi động gây ra cơn khủng hoảng hoán cải trong những năm cuối thập niên 1870 là cuộc chiến tranh Nga-Thổ, mà với ông, cơn khủng hoảng này đã đặt ra vấn đề: có tôn giáo nào được coi là “đạo thật” không?[5] Có lẽ cuộc chiến này cũng nhắc Tolstoy nhớ về cảm giác tội lỗi nặng nề bởi những hành động ông đã làm trong vai trò là một người quan sát và một người lính vào đầu những năm 1850, khi Nga dốc sức đàn áp một cuộc nổi dậy trên miền thượng của Imam Shamil.[6]
Tác phẩm về đề tài hoán cải nổi tiếng nhất của Tolstoy là Confession (Ispoved’) (được viết vào khoảng 1879-1880 và được xuất bản 1882), mô tả việc ông đánh mất đức tin vào năm 18 tuổi để đi theo một tín ngưỡng khác (niềm tin vào tiến bộ xã hội) để rồi rơi vào tình trạng bối rối và thất vọng, và cuối cùng là cuộc tái khám phá đức tin như kim chỉ nam cho cuộc đời. Confession là một trong những câu chuyện hoán cải đã được William James phân tích trong bộ The Varieties of Religious Experience[7] của ông. Confession kể về câu chuyện kịch tính cá nhân – Tolstoy nhận thấy mình bị mắc kẹt giữa một bên là niềm tin cũ và bên kia là niềm tin mới, giữa một lối sống cũ và một lối sống mới – và trong suốt giai đoạn đó, Tolstoy thấy mình bị rơi vào một tình trạng rối loạn tinh thần vô cùng nặng nề; để rồi sau đó ông cảm nghiệm được một cuộc biến đổi thanh tẩy tình trạng của tâm hồn, và xem đó như là kết quả của việc chấp nhận một niềm tin mới, một lối sống mới, và chính vì vậy ông đã thực hiện được một cuộc vượt thoát ly kỳ khỏi cơn thất vọng hiện hữu. Kinh nghiệm hoán cải này đã thiếu đi tính dứt khoát như những cuộc hoán cải khác – ví dụ như cuộc hoán cải của thánh Augustinô được trình bày trong tác phẩm Confession của ngài. Đến năm 1879, Tolstoy vẫn chưa xác định hoàn toàn quan điểm đạo lý mới của mình. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ông đã khẳng định rằng mình không thể hiểu được các nghi lễ trong đời sống của Giáo hội Chính thống, và cũng không chấp nhận quan điểm của Chính Thống giáo cho rằng những ai không theo đạo đều là nạn nhân của sự sai lầm hay của lạc giáo. Thật vậy, khi đó ông đã coi lời khẳng định của Chính Thống, xem mình là một Giáo hội đích thực, chẳng khác gì một lời bịa đặt thuận tiện, “giúp cho việc áp đặt các nghĩa vụ và bổn phận lên con người” (pt. 15, PSS 23:55). Tuy nhiên, vì vẫn tìm thấy được nhiều chân lý trong Giáo hội và trong đức tin của người dân Nga, nên Tolstoy xem giáo huấn của Chính Thống như là một sự pha trộn giữa sự thật và giả dối. Ông tự hứa với lòng mình rằng, “sẽ tìm cho ra chân lý và sự dối trá để rồi tách biệt cái này ra khỏi cái kia” (pt. 16, PSS 23:56-57).
Tác phẩm What do I Believe ? (V chem moia vera ?), đôi khi cũng được dịch là My Religion, được viết vào khoảng 1883-1884, đã trở lại với kinh nghiệm hoán cải của Tolstoy, nhưng giờ đây nhấn mạnh đến sự ưng thuận của ông đối với nền luân lý Kitô giáo được Đức Giêsu tóm kết trong Bài Giảng Trên Núi. Đoạn Tin Mừng then chốt ở đây là lệnh truyền của Đức Giêsu, “Đừng chống cự người ác,” mà Tolstoy hiểu đó là trọng tâm của giáo huấn Kitô giáo, đòi hỏi mỗi người Kitô hữu phải yêu thương tha nhân cách vô điều kiện: “Đừng chống cự người ác nghĩa là đừng bao giờ chống cự sự dữ - tức là, không bao giờ dùng bạo lực, là một hành vi luôn tương phản với tình yêu” (pt. 2, PSS 23:313). Các mệnh lệnh luân lý khác của Đức Giêsu được đọc dưới ánh sáng của sự không kháng cự. “Đừng nổi giận với người khác” nghĩa là yêu thương tha nhân như chính mình, chấp nhận mọi người đều bình đẳng với nhau. “Đừng thề thốt” là một lời cảnh báo trước nguy cơ người tín hữu có thể tuyên thệ trung thành với những thể chế có thể ép buộc họ vi phạm lệnh truyền yêu thương tha nhân. “Không phân biệt giữa người với người và giữa các quốc gia với nhau” đòi hỏi “mọi người phải yêu thương một cách đại đồng, không căn cứ trên sắc tộc hay màu da” (pt. 6, PSS 23:365). “Chớ ngoại tình, đừng ly dị” đòi hỏi phải tôn trọng triệt để lời thề hứa trung thành yêu thương nhau. Tác phẩm What Do I Believe? đã làm sáng tỏ tác phẩm Confession bằng cách gợi lên rằng, có thể tìm thấy “chân lý” của Kitô giáo, mà Tolstoy đã ám chỉ trước đó, trong một nền luân lý “không kháng cự.”
Tác phẩm On Life (O zhizni) (được viết vào khoảng 1886-1887 và được xuất bản năm 1888) mang lại một suy tư triết học về cuộc hoán cải từ mù quáng tâm linh đến chỗ chấp nhận đời sống đức tin. Tác phẩm này tách yếu tố cá nhân ra khỏi cuộc hoán cải: nó tập trung vào bản chất của cuộc hoán cải nói chung, hơn là vào con đường riêng tư dẫn đưa mỗi người tín hữu trở về với Thiên Chúa. Tác phẩm trích dẫn lại lời nhắc nhở của Đức Giêsu với các môn đệ rằng, con người “phải được tái sinh trong Thánh Linh,” tuy nhiên Tolstoy không nhấn mạnh đến việc chấp nhận sự không-kháng-cự của Kitô giáo cho bằng bổn phận buộc người tín hữu phải bắt “bản tính thú vật” của mình tùng phục “lý trí.” Tác phẩm On Life mô tả sự tái sinh không như một biến cố hoán cải lâm ly như sách Confession, nhưng là “một sự nhận thức sáng lên dần về nguồn sống đích thực tiềm tàng trong mỗi con người” (ch. 17, PSS 26:367-368), một tiến trình tương tự như sự “thức tỉnh” ra khỏi giấc mộng (ch. 15, PSS 26: 364), mà trong đó kẻ nằm mơ không thể thấy được nguồn mạch sự sống ấy (ch. 9, PSS 26:346). Đối với Tolstoy, “giấc mộng” mà người có lý trí phải thức tỉnh chính là sự chuyên chế của ham muốn xác thịt; “nhận thức lý tính” hay “lý trí,” mà những người đã được khai sáng phải hướng về, chính là sự nhận-thức-có-trật-tự mà thánh sử Gioan đã nhắc đến trong hạn từ “Ngôi Lời” cũng như được tìm thấy trong ý niệm về sự tự chủ của những người lương dân (ch.10,21, PSS 26: 347, 379-380). Sự nhận-thức-có-trật-tự không chỉ giúp con người điều khiển các “thị dục xác thịt” mà còn hướng họ đến việc yêu thương tha nhân như chính mình. Theo Tolstoy, nếu biết sống theo lý trí – tức là sống một cách vị tha – con người có thể đạt đến một loại hình bất tử nào đó: sau khi qua đời, người chết vẫn còn được người sống tưởng nhớ như một “chân dung tinh thần” (dukhovnyi obraz). Theo quan điểm của Tolstoy, Đức Kitô trở nên “bất tử” khi các Kitô hữu tiếp nhận chân dung tinh thần hay “sức mạnh linh hồn” của Người, và, trên nguyên tắc, tất cả những người công chính đều được bất tử (ch. 31, PSS 26:415). Chính vì vậy, tác phẩm On Life đã chuyển dịch bộ luật luân lý Kitô giáo thành những thuật ngữ triết học được bàn thảo trong What Do I Believe?, đồng thời tái tạo các quan niệm Kitô giáo về tính bất diệt của con người trở thành một quan niệm triết học được nối kết với lòng vị tha, ký ức về điều thiện, và sức mạnh linh hồn.
Tác phẩm Christian Teaching (Khristianskoe uchenie) (được viết vào khoảng 1894-1896 và xuất bản năm 1898) đã lặp lại tư tưởng tái sinh tâm linh trong tác phẩm On Life, nhưng lại đặt song đối con đường tâm linh của Kitô giáo với con đường tâm linh nơi các tín ngưỡng khác. Tolstoy nhận xét rằng, một chướng ngại lớn đe dọa những người muốn trở thành Kitô hữu là sự lúng túng bắt nguồn từ việc họ phải đối diện với một thế giới đa tín ngưỡng. Sự lúng túng này là kết quả của những lời khẳng định chân lý đối lập nhau phát xuất từ nhiều cộng đoàn đức tin khác nhau, thế nhưng đó cũng là kết quả của những mánh khóe lừa bịp có chủ ý và hệ thống với mục đích xấu là giành lấy được sự tùng phục mù quáng của các tín hữu vào một tôn giáo cụ thể nào đó. Vì thế, người tầm đạo phải đối diện với “thuyết đa thần” Kitô giáo (ý muốn nói đến tín điều Một Chúa Ba Ngôi), “thói vụ luật” của người Do-thái, và những “méo mó” của các tín đồ Phật giáo, Lão giáo, và Bái Hỏa giáo, vốn đã lệch khỏi ý định sâu xa ban đầu của các vị sáng lập. Tolstoy cũng nhấn mạnh đến “sai lầm” của Hồi giáo, một tôn giáo mà theo ông đã tôn vinh những quan niệm bất khả thi của Muhammad rằng “đã bay đến tầng trời thứ bảy” (pt. 35, PSS 39: 153-155).
Trong các tác phẩm sau này, Tolstoy sẽ chủ trương rằng tất cả các tôn giáo đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tình yêu, và vì thế tất cả đều đóng góp một giá trị nào đó cho thế giới. Tuy nhiên, ông cũng lập luận rằng, Kitô giáo đã nâng tình yêu lên thành một nguyên lý siêu hình học, “nền tảng của tất cả mọi sự và thực tế là luật tối cao của đời sống nhân loại – tức là một lề luật không có ngoại lệ nào.” Trên thực tế, có nhiều tôn giáo chấp nhận ngoại lệ cho luật tình yêu, khiến cho luật ấy trở thành vô dụng. Theo Tolstoy:
Khi luật tình yêu không còn là luật tối cao bất biến của đời sống con người, thì sự hữu ích của luật bị phá hủy, và rốt cục, giáo huấn về tình yêu chỉ còn là những lời dạy hoa mỹ, và để cho lối sống của các quốc gia trở lại với tình trạng ban đầu khi chưa có luật của tình yêu, nghĩa là một lối sống dựa trên bạo lực.[8]Từ các đoạn văn được trích trên đây, ta có thể đưa ra vài kết luận chắc chắn về cuộc hoán cải của Tolstoy. Thứ nhất, cuộc hoán cải đó vừa là một biến cố vừa là một tiến trình: một biến cố (được chuẩn bị bằng một tiến trình suy tư và một xao xuyến hiện sinh) có lẽ đã xuất hiện khi Tolstoy mô tả về cuộc hoán cải đó trong tác phẩm Confession; tuy nhiên những hàm ý luân lý, triết lý và tôn giáo hoàn cầu vẫn chưa được Tolstoy biết đến vào những năm 1878-1879, và nhiều năm để trở thành nhận thức rõ rệt. Thứ hai, Tolstoy coi cả biến cố hoán cải lẫn hoán cải tiếp theo như là điều cốt yếu đối với việc hiểu biết bản thân. Cuộc hoán cải không chỉ là một giai đoạn, thậm chí cũng không là một thời kỳ trong cuộc đời, nhưng là cốt yếu của đời sống của ông sau năm 1879. Thứ ba, Tolstoy nghĩ cuộc hoán cải của mình là một mô hình cho những người đi theo ông. Để rồi đến lượt mình, họ cũng cảm nghiệm được một cơn khủng hoảng cá nhân nặng nề, một sự giác ngộ về luật tình yêu của Kitô giáo, một nhận thức sâu sắc triết học về sự nhận thức lý trí và bất tử, đồng thời cũng nhận ra rằng, dẫu cùng một tinh thần, nhưng Kitô giáo trổi vượt trên tất cả các tín ngưỡng khác. Kết luận thứ tư được rút ra từ ba kết luận đầu tiên đó là sẽ không thể lĩnh hội được đường tâm linh của Tolstoy nếu không nối kết với cuộc hoán cải của ông. Đối với Tolstoy, hoán cải không phải là điểm kích hoạt cho những suy tư thiêng liêng sau năm 1879, nhưng là một sự triển nở thực sự của suy tư ấy. Đó là lý do tại sao ông nhắc đến sự hoán cải rất thường xuyên, đến nỗi trở thành nỗi ám ảnh: Tolstoy đã sống trong sự tỉnh thức của biến cố thanh tẩy và giữa một cơn thức tỉnh tâm linh liên tục, trong đó mỗi ngày hứa hẹn một nhận thức sâu sắc mới.
Những kết luận này có thể làm phức tạp cuộc tranh cãi xưa nay giữa các học giả về vấn đề có một hoặc hai Tolstoy – tức là, liệu cuộc hoán cải của Tolstoy có tạo nên một “sự đứt đoạn” trong quá trình phát triển của ông trở thành một bên là nghệ sĩ một bên là nhà tư tưởng không. Dĩ nhiên, có nhiều lý do quan trọng để bác bỏ quan điểm tách biệt: Nikolai Sergeevich Rodionov, người biên tập Ấn Bản Kỷ niệm Bách chu niên các tác phẩm của Tolstoy, cũng như Richard Gustafson, chuyên viên người Mỹ có uy tín bậc nhất về chiều kích tôn giáo của Tolstoy, cả hai đều chủ trương “một Tolstoy.”[9] Gustafson đã viết rằng, chẳng có bằng chứng nào “cho thấy một sự thay đổi triệt để trong thái độ cũng như tư tưởng mà nhiều người đã suy luận từ tác phẩm Confession.”[10] Ý kiến của Medzhibovskaya, cho rằng cuộc biến đổi tâm linh của Tolstoy là kết quả của một “quá trình hoán cải lâu dài,” tuy nhấn mạnh tính liên tục trong tư tưởng tôn giáo của Tolstoy nhưng vẫn nhìn nhận rằng, cuộc biến đổi đó rốt cục là một điều gì đó “mới mẻ”. Theo tôi nghĩ, suốt cuộc đời, Tolstoy là một kẻ tìm kiếm con đường tâm linh, tuy nhiên, việc ông cảm nhận được một “sự đứt đoạn” về mặt tâm lý với những xác tín cũ của mình lại phù hợp với những phân tích về cuộc hoán cải được James mô tả. Trong suốt quãng đời còn lại của mình, Tolstoy đã trình bày tỉ mỉ những ý nghĩa ẩn tàng của sự đứt đoạn này. Theo quan điểm của tôi, thật là không ổn khi cho rằng cuộc hoán cải của Tolstoy chỉ là một hình thức văn chương, hay “chẳng có gì xảy ra” với tác giả của Confession khi ông viết nên tác phẩm này.
2. Chống lại thói giả hình
Trong quyển tiểu thuyết lớn của mình trước năm 1879, Tolstoy đã lột trần không thuơng tiếc thói giả hình và thái độ khoe khoang của xã hội. Tác phẩm War and Peace đã cho thấy cuộc tranh giành kệch cỡm khối gia tài kếch xù của cụ già quý tộc Bezukhov, khi ông này đang trong cơn hấp hối chờ chết; hành động lạnh lùng của Pierre thiển cận trong đám cưới đầu tiên của mình; những kẻ ngoại tình bất lương có dính líu đến người vợ đầu tiên của Pierre, chẳng hạn Anatole Kuragin ngu ngốc nhưng lại đầy mê hoặc và Dolokhov, một kẻ hiểm độc, lười nhác vô trách nhiệm; cuối cùng là thứ luật danh dự ngớ ngẩn và lố bịch đã bắt ép ngài quý tộc Ilya Rostov phải chi trả những khoản nợ bài bạc của Nikolai Rostov. Tác phẩm Anna Karenina đã mổ xẻ thói đạo đức giả trong tầng lớp cao cấp và thượng lưu của xã hội, từ giới lãnh đạo Nga đến những căn phòng tiếp khách của giới quý tộc và còn nhiều điều còn chưa biết đến. Xuyên suốt giai đoạn đầu này, Tolstoy đã chỉ ra tầm ảnh hưởng sâu sắc của Jean Jacques Rousseau, người anh hùng trí thức của ông, cũng là người đã từng thuyết trình nhấn mạnh về mối nguy hại của sự giả hình và thói đạo đức giả nơi giai cấp thượng lưu thời bấy giờ. Chính vì thế, có lẽ cũng chẳng ngạc nhiên gì khi các sách về đường tâm linh của Toystoy sau 1879 vẫn tiếp tục với mạch văn phê phán xã hội. Tuy nhiên, các sách này không đề cập đến lối sống phóng túng của giới đại gia Nga cho bằng đi sâu vào căn bệnh tiềm tàng gây ra các tệ nạn trong xã hội.
Trong tác phẩm Confession, Tolstoy đã cáo buộc những người đồng nghiệp về tội thờ ơ với tôn giáo (pt. 1; PSS 23:1-2), tội ích kỷ, tự lừa dối chính mình (pt 10, PSS 23:38), và tội mù lòa trước các nhân đức của các thường dân, vốn là những người, mặc dù chất chứa rất nhiều mê tín dị đoan, nhưng lại sống một cuộc đời công chính và mãn nguyện hơn hẳn những kẻ được cho là sang trọng, đồng thời họ cũng là những người được trải nghiệm sự bình an và niềm vui không gì sánh nổi. Toylstoy khẳng định: “Tất cả chúng ta những người giàu, những người học thức […] thực sự lại là những kẻ điên loạn” (pt 11, PSS 23:42). Với ông, dường như những con người tinh hoa có học thức lại không hề hay biết rằng họ “chẳng phải là con người” (pt. 8, PSS 23:31). Những con người tinh hoa ấy đã sống bất chính bởi vì họ đã tự đặt sai câu hỏi cho bản thân, thay vì “Tôi phải sống thế nào?” thì họ lại đặt câu hỏi sai lầm rằng “Vì sao tôi phải sống ?” Chính vì vậy, họ đã không xây dựng đời sống của mình trên đá tảng đức tin. Theo Tolstoy, “Đức tin chính là sức mạnh của sự sống. Nếu muốn sống, con người phải tin tưởng vào một điều gì đó [.] Không có đức tin, người ta sẽ không thể sống được” (pt. 9, PSS 23:35). Do đó, đối với Tolstoy trong giai đoạn sau 1879, một đời sống chân chính mà không có Thiên Chúa là điều không tưởng: “Biết Thiên Chúa và Sống đều giống như nhau và chỉ là một. Thiên Chúa chính là sự sống” (pt. 12, PSS 23:46).
Trong tác phẩm What Do I Believe ? Tolstoy đã tấn công “giáo huấn sai lạc của thế gian” như là nguyên nhân của thói giả hình. Khi theo đuổi và thu tích của cải vật chất, con người đã phá vỡ mối dây gắn bó với thiên nhiên để vào sống trong những thành phố vô nhân đạo, từ bỏ những hoạt động thể chất lành mạnh mà lao vào những thói trưởng giả vô bổ, phá vỡ cuộc sống gia đình đúng đắn để lẳng lơ theo đuổi dục tình, từ chối tương giao với các tầng lớp lao động để hướng chiều về sự giả dối của tầng lớp cao cấp, từ bỏ những chế độ ăn uống dinh dưỡng bổ ích để lao vào những thứ gây nghiện ngập nhưng lại rêu rao rằng kiểu cách hiện đại mới mẻ và bất hợp lý đó chính là tượng trưng cho sự tiến bộ. Trên thực tế, Tolstoy lập luận rằng, trật tự trong xã hội hiện đại đòi hỏi những người tham gia vào đó phải chấp nhận hết “cái ngu” này đến “cái ngu” khác, trong khi đó, việc theo Đức Kitô lại đích thị đòi hỏi phải “xa tránh sự ngu đần” (pt. 10, PSS 23:423). Điều nghịch lý là những con người tinh hoa có giáo dục lại tưởng tượng rằng từ bỏ những tiện nghi ấy sẽ khiến họ đau khổ, trong khi thực sự những tiện nghi đó chính là nguồn gốc của nỗi bất hạnh thâm căn cố đế, vốn là nét phiền hà, nặng nhọc của một đời sống giống như một cuộc tử đạo vĩnh viễn vậy (pt.10; PSS 23: 416).
Tác phẩm On Life đã xếp các xã hội hiện đại vào hạng mục những loại hình văn hóa của sự chết, nơi đó con người sống và làm việc “mà không có lời giải thích hợp lý nào cho lối sống của họ,” lừa dối nhau về tầm quan trọng của những hành động mình làm để rồi gán ghép cho những hành động đó “một ý nghĩa huyền nhiệm mà chính họ cũng không thể hiểu được” (ch. 5; PSS 26:337). Các xã hội hiện đại chính là những thửa đất vun trồng sự tuân hành rập khuôn mà trong đó lối hành xử cá nhân dễ bị phân tích bởi tâm lý đám đông. Theo Tolstoy, “những hoạt động sôi nổi và phức tạp của con người bao gồm các ngành thương mại, đường sắt, khoa học và nghệ thuật, tất cả chỉ là sức ép của một đám đông điên cuồng đang dồn nén lên những cánh cửa của sự sống” (ch. 5, PSS 26:338). Mặt khác, đám đông tuân hành rập khuôn ấy lại bao gồm những cá thể duy ngã với hy vọng điên khùng rằng “mọi người sẽ không yêu bản thân mình mà sẽ quay sang yêu họ” (ch. 18, PSS 26:369). Tolstoy tuyên bố, giấc mơ về hạnh phúc cá nhân của thời hiện đại chỉ là một ảo tưởng, bởi vì nó tạo ra một cuộc chiến tranh giành, tất cả chống lại nhau để chiếm hết mọi nguồn lực, vì những thỏa mãn vật chất tự bản chất chỉ là phù du thoáng qua và chóng tàn, và vì hạnh phúc cá nhân chắc chắn sẽ bị xóa bỏ bởi thực tại sự chết (ch. 18, PSS 26:370-371).
Tác phẩm The Kingdom of God Is Within You (Tsarstvo bzhie vnutri vas) (được viết vào khoảng 1890-1893 và được xuất bản vào năm 1893) đã lập luận rằng, những người đương thời với Tolstoy phải chịu đựng một “mâu thuẫn tràn lan” giữa những giá trị luân lý mà họ công bố (đối xử nhân đạo với tất cả mọi người, tình huynh đệ đại đồng) và một “đời sống tập trung vào những tiền đề trực tiếp chống lại những giá trị này” (pt. 5, PSS 28:93). Do đó, các quan chức của chính phủ tự nhủ rằng: “Tất cả chúng ta đều là huynh đệ với nhau, thế nhưng tôi nhận đồng lương lấy từ nguồn thuế của người công nhân nghèo, và tôi sử dụng số tiền đó để ủng hộ một lối sống xa hoa dành cho những kẻ lười biếng và đại gia giàu có” (pt. 5, PSS 28:94). Cùng thể thức đó, tầng lớp học thức cũng gặp phải một mâu thuẫn giữa những bổn phận tri thức (chẳng hạn như suy tư) và những thực tế hèn hạ, bẩn thỉu của các hoạt động chính trị, nơi đó ngân sách nhà nước chắc chắn được sử dụng để hỗ trợ các thể chế cổ xưa (như chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng) và những tổ chức phi đạo đức (như quân đội). Thực chất, những người đương thời với Tolstoy được cho là bị mâu thuẫn giữa một bên là tình yêu đại đồng mà họ công bố và một bên là lòng trung thành với các thể chế sát hại con người. Từ đó, sự mâu thuẫn này trở thành “một sự căng thẳng nội tâm khủng khiếp khiến con người trong thời đại của chúng ta ngày nay tự làm mình chết lặng và tê liệt bằng rượu chè, điếu đóm, thuốc phiện, bài bạc, đọc báo, du lịch nước ngoài và tất cả những loại hình tiêu khiển, giải trí, trình diễn khác” (pt. 5, PSS 28:104). Đối với Tolstoy trong tác phẩm The Kingdom Of God Is Within You, thói đạo đức giả là một hiện tượng xã hội đầu tiên, thứ đến là sự trụy lạc cá nhân.
Theo Tolstoy, nhà nước bị lôi kéo sâu xa vào trong nền văn hóa hiện đại của sự chết. Tác phẩm What Do I Believe? đã ngụ ý rằng, chính sự hiện hữu của nhà nước – với những lời tuyên thệ trung thành, các tòa án và hệ thống nhà tù, những chính sách sưu thuế bất công, quân đội, chiến tranh và những tham vọng bành trướng đế quốc – đã mâu thuẫn với lệnh truyền yêu thương tha nhân của Đức Giêsu. Do đó, việc đi theo sứ điệp bất-kháng-cự của Đức Giêsu sẽ dẫn đến một cuộc cách mạng triệt để hơn bất kỳ chính sách nào do các đảng phái chính trị ở Nga chủ trương và ủng hộ.[11] Trong tác phẩm The Kingdom Of God Is Within You, Tolstoy đã bảo vệ lập luận rằng, nhà nước, xét như một thể chế, chính là đặc trưng của một thời kỳ lịch sử thế giới “bị thống trị bởi các tập thể xã hội,” bởi các thực thể tuy lớn hơn cá nhân nhưng lại bé hơn nhân loại. Trong thời kỳ này, các xã hội tôn giáo “đã tung hô, tán tụng những người lãnh đạo của các tập thể này (các tộc trưởng, các bậc tổ tiên, và những nhà cầm quyền chính trị) như những người bảo vệ duy nhất của các tập thể ấy” (pt. 4, PSS 28:69-70). Mặc dù nhà nước là sản phẩm phụ của tiến trình phát triển lịch sử thế giới, và vì thế mang tính “hợp lý,” thế nhưng nó cũng là một thể chế vô nhân tính dựa trên vũ lực vì nó cũng phi lý và bạo lực. Theo quan điểm của Tolstoy, “chính phủ tựa như dây thừng, dây xích trói buộc hay dẫn dắt con người, tựa như chiếc roi để đánh đập, hoặc như con dao, chiếc rìu để cắt lìa các chi, mũi, tai hay đầu – ứng dụng các công cụ này hay lời đe dọa của chúng” (pt. 7, PSS 28:131). Vì sống dưới sự bảo hộ của nhà nước, nên con người hiện đại tự thấy mình bị mắc kẹt trong “vòng luẩn quẩn bạo lực mà không có lối thoát” (pt. 8, PSS 28:152). Tolstoy cáo buộc nhà nước về tội đe dọa người dân để buộc họ phải tùng phục, tội bắt người nghèo phải chi trả những khoản lương bổng cắt cổ cho các ban ngành, chức vụ, tội “mị dân” bằng các nghi thức phượng tự của quốc giáo cùng với sự “mê tín của lòng ái quốc” và cuối cùng là tổng động viên thanh niên nhập ngũ, để rồi từ đó biến “những con người trẻ trung đã bị thôi miên và tràn đầy sinh lực này, với trao vào tay họ các dụng cụ giết người được biến đổi thành những kẻ trung thành bảo vệ chính phủ, sẵn sàng tuân hành những mệnh lệnh bạo lực” (pt.8, PSS 28:152-155). Ông kêu gọi các Kitô hữu chân chính hãy tự giải phóng mình khỏi sự chuyên chế này bằng cách từ chối thông đồng với nhà nước trong các vấn đề bạo lực. Việc bất-kháng-cự mà chúng ta gọi là ‘bất tuân dân sự’ “sẽ làm suy yếu quyền lực của chính phủ và chắc chắn sẽ giải phóng tất cả mọi người” (pt. 9, PSS 28:176). Tolstoy nghĩ, rõ ràng việc không-kháng-cự có thể đem lại hiệu quả là chấm dứt chứng bệnh “tâm thần đại chúng” mà nhà nước đã gây ra; nó có thể đánh thức con người khỏi trạng thái hôn mê do các thể chế hiện đại gây ra.
Tác phẩm Christian Teaching đã khám phá ra cái mà Tolstoy gọi là 5 “lời biện hộ sai lầm” cho tội lỗi, một trong số đó được dán nhãn là “cơn cám dỗ nhà nước.” Ông thấy rằng, những Kitô hữu giả hiệu đã thường xuyên biện hộ cho bạo lực bằng cách nại tới uy quyền của chính phủ, để rồi từ đó trốn tránh trách nhiệm luân lý cho các hành động của riêng mình:
Nếu tôi có chiếm lấy tài sản và gia đình của người khác, hành quyết họ, nếu tôi có giết công dân của một quốc gia khác, hủy diệt họ, nả đạn pháo vào phụ nữ và trẻ em trong các thành thị và khu dân cư, thì tôi cũng chẳng phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào, bởi vì đó là sự tuân hành theo ý chí của thẩm quyền cao hơn, mà tôi đã tuyên thệ sẽ giữ gìn và bảo vệ công ích (pt. 31, PSS 39:149-150).Ở đây Tolstoy đã lý giải nguy cơ luân lý của lòng ham muốn quyền lực chính là cơn cám dỗ không chỉ tác động đến giới cầm quyền cao cấp mà còn tác động đến mỗi người được kêu gọi để hành động nhân danh những nhà cầm quyền. Theo quan điểm của ông, “cơn cám dỗ nhà nước” là một hiện tượng của thời hiện đại, vì chỉ trong thời hiện đại, cơn cám dỗ này mới bắt đầu đe dọa hàng triệu con người: “Hầu hết mọi người sống trong xã hội hiện đại, khi bắt đầu bừng tỉnh, đều thấy mình bị mắc vào những cơn cám dỗ chính trị” (pt. 49, PSS 39:167). Theo Tolstoy, nhà nước chính là “cơn cám dỗ tàn nhẫn nhất” vì nó ảnh hưởng đến trẻ em bằng cách làm hỏng đi khuynh hướng tự nhiên của chúng từ khi mới chào đời, và bởi vì nó tự cho mình có quyền “bẻ cong bất kỳ chuẩn mực nào, miễn là con người ủng hộ, đến nỗi có thể hy sinh mạng sống của một người [một cách hợp pháp] để mưu cầu cho lợi ích chung.” Chỉ có thể vượt thoát cơn cám dỗ này khi các tín hữu nhớ rằng, “trước khi thuộc về bất kỳ xã hội hay quốc gia nào, họ đã thuộc về Thiên Chúa với tư cách là thành viên trong vương quốc phổ quát” (pt. 49, PSS 39:168).
Theo Tolstoy, sự cản trở nghiêm trọng nhất đối với đời sống tâm linh chân chính là hình thức “mạo Kitô giáo” mà Giáo hội Chính thống đã rao truyền. Nhiều sách tâm linh của Tolstoy được viết để chống lại niềm tin “sai lạc” này. Trong tác phẩm Critique of Dogmatic Theology (Issledovanie dogmaticheskogo bogosloviia) (được viết vào khoảng 1880-1884 và được xuất bản năm 1891), Tolstoy đã đả kích các “bài giảng huyền bí” của Chính Thống giáo mà trong đó “các từ ngữ không được hiểu đúng theo nghĩa của chúng trong ngôn ngữ thông thường, nhưng lại mang một thứ ý nghĩa đặc biệt mà chẳng có chỗ nào định nghĩa cả” (“phần dẫn nhập,” PSS 23:62). Ông cáo buộc Tổng Giám mục Makarii (Bulgakov) vì đã viết ra những thứ vớ vẩn trong bài giáo lý của mình,[12] cố gắng hòa giải tính duy nhất của Thiên Chúa với đạo lý Ba Ngôi (ch. 5, PSS 23:111). Tolstoy bảo vệ lập trường rằng, không có chỗ nào trong Kinh Thánh nói về thiên tính của Đức Kitô. Theo quan điểm của ông, các quy chiếu Kinh Thánh xem Đức Giêsu là “con Thiên Chúa” không chỉ áp dụng cho một mình Đức Giêsu nhưng áp dụng cho tất cả mọi người (ch.11, PSS 23:172-173). Tolstoy nghĩ rằng thật là tàn bạo khi Tổng Giám mục Makarii mô tả Giáo hội không như một “hợp đoàn những tín hữu” nhưng là một hệ thống phẩm trật với quyền xác định tín điều và trừng trị lạc giáo. Tolstoy tuyên bố mình là một kẻ chống lại hàng giáo sĩ phẩm trật, chống lại “những kẻ thối nát, bịp bợm và ngu đần,” những kẻ mà ông cho là có tham vọng kiểm soát toàn bộ cuộc sống (“phần kết luận,” PSS 23:296).
Trong tác phẩm Harmony and Translation of the Four Gospels (Soedinenie I perevod chetyrekh evangelii) (được viết vào khoảng 1880-1884 và được xuất bản năm 1892), Tolstoy đã cố gắng nhận dạng nội dung thực chứng của sứ điệp Kitô giáo. Ông đã gỡ bỏ các phép lạ trong Tin Mừng và ngay cả sự phục sinh của Đức Giêsu; ông cảm thấy khó chịu với những yếu tố này bởi vì thẩm quyền Giáo hội đã dùng chúng như bằng chứng cho dung mạo Đức Giêsu như là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong khi đó, ông đã thảo ra bản Kinh Thánh cho riêng mình, giải thích Thiên Chúa không phải là một nhân vật đứng bên ngoài và bên trên đời sống, thay vào đó Người hiện diện trong trật tự thiên nhiên và vì thế cũng hiện diện bên trong mỗi người. Sự khôn ngoan của Đức Giêsu cốt yếu nằm ở chỗ Người đã được phúc kiến sự hiện diện này trong chính mình và nhận thức cách trọn vẹn sự hiện diện ấy ở nơi bản thân của mình. Theo Tolstoy, vì nhận thức được Thiên Chúa, nên Đức Giêsu có được nguồn nội lực để chống lại cơn cám dỗ và làm chủ được các dục vọng xác thịt. Tolstoy nghĩ, về nguyên tắc, những con người khác cũng có thể tuyên bố rằng mình có nguồn nội lực này. Theo quan điểm của ông, các tác giả Phúc Âm đã quảng bá “Tin Mừng” là bất cứ ai cũng có khả năng tiếp cận sự hiện diện của Thiên Chúa và niềm vui phát sinh từ đó, thế nhưng sự bành trướng của Giáo hội đã không làm gì đối với sứ điệp hạnh phúc này. Tác phẩm Harmony and Translation of the Four Gospels đã mô tả 5 huấn thị của Bài giảng Trên Núi như giáo huấn trọng yếu của các sách Tin Mừng (ch. 4, PSS 24:197-284). Tuy nhiên, trong quyển sách này, Tolstoy vẫn chưa thử kiến tạo một hệ thống luân lý hoàn chỉnh dựa trên nền tảng đó nhưng đã để dành cho tác phẩm What Do I Believe?
Trong tác phẩm What Do I Believe ? Tolstoy đã khẳng định rằng, trong vòng 15 thế kỷ, Giáo hội đã giải thích giáo huấn của Đức Giêsu trong Bài Giảng Trên Núi như một điều “tốt lành” nhưng lại “bất khả thi”, như một giáo lý “khó khăn” hoặc không tưởng. Theo Tolstoy, Giáo hội đã dạy rằng, “giáo huấn của Đức Kitô thì tốt cho hết thảy mọi người, nhưng không làm thỏa mãn họ,” và rằng cuộc sống trên đời này thì đầy cực nhọc, đầy đau khổ và chết chóc, trong khi sự sống đời sau sẽ mang đến một miền đất tràn đầy sữa và mật, không còn tội lỗi nữa, và được hưởng hạnh phúc bất diệt. Theo quan điểm của Tolstoy, chính tín điều này đã tạo ra “một thứ mạo Kitô giáo suốt 15 thế kỷ qua” (pt. 7, PSS 23:377). Nó gây cản trở cho việc thể hiện vương quốc của Thiên Chúa trên trần gian này; Tolstoy tin rằng, vương quốc Thiên Chúa nằm trong tầm tay của con người, khi mọi người biết yêu thương nhau như Đức Giêsu đã khuyên dạy (pt. 9, PSS 23:402). Tolstoy nghĩ, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Giáo hội “mạo Kitô giáo” đã phản đối tất cả các chuẩn mực tiến bộ xã hội từ việc chấm dứt chế độ nô lệ cho đến việc bãi bỏ chế độ Chủ nô. Ông tin rằng, giáo lý sai lạc lúc này đang cố gắng ngăn chặn sự bãi bỏ quyền tư hữu (pt. 11, PSS 23:440).
Trong tác phẩm The Kingdom Of God Is Within You, Tolstoy đã mô tả Giáo hội như một thể chế dính líu đến quyền lực, một thể chế tự củng cố bằng cách dùng quyền để gắn nhãn cho những kẻ chỉ trích là “lạc giáo” và tự cho mình là “bất khả ngộ” (pt. 3; PSS 28:47). Ông lập luận rằng, “Các Giáo hội, xét như là các Giáo hội, vẫn là và mãi sẽ là những thể chế không chỉ lạ lẫm với giáo huấn của Đức Kitô, mà còn đối nghịch với giáo huấn này” (pt. 3, PSS 28:54). Điều này đặc biệt xảy ra ở Nga với sự liên kết chuyên chế của Giáo hội và nhà nước. Ở đó, Chính Thống giáo “đã giữ con người trong tình trạng thờ cúng các ngẫu tượng thô tục, sơ khai, đã tăng cường và truyền bá mê tín dị đoan cùng sự ngu dốt tôn giáo” (pt. 3. PSS 28:62). Tolstoy nhắm vào mối liên hệ giữa mạo-Kitô giáo và nhà nước trong tác phẩm Christian Teaching, trong đó ông phơi bày cái mà ông gọi là “những trò lừa bịp của đức tin.” Ông khẳng định rằng, những lý lẽ biện minh sai lầm về tội lỗi, chẳng hạn “cơn cám dỗ nhà nước” đã đề cập trên đây, sẽ chẳng có uy lực nào trên con người nếu không dựa trên những lý luận lệch lạc xảy ra trong những tôn giáo giả hiệu. Những tín hữu sai lầm dạy cho các môn đệ của mình “hiểu biết ý nghĩa sự sống không dựa trên nền tảng lý trí, nhưng trên sự cả tin mù quáng” (pt. 33, PSS 39:151). Trong bất kỳ tôn giáo nào, những trò lừa bịp hoạt động theo 5 cách: thần thánh hóa các lãnh đạo tôn giáo và linh thiêng hóa các thể chế tôn giáo; dồn niềm tin vào các “phép lạ”; đặt hàng tư tế làm trung gian giữa các tín hữu và Thiên Chúa; lôi kéo cảm xúc của tín hữu bằng các nghi thức thờ phượng; và ghi khắc những niềm tin sai lầm vào tâm trí trẻ em (pt. 33, PSS 39: 152-153). Tolstoy viết, thuốc giải độc tốt nhất cho hệ thống lừa bịp này là “lý trí ngay thẳng, không lệch lạc,” tức là người tín hữu phải quyết định tin tưởng vào những lập luận của mình hơn là vào các sách “thánh” hay các nhà giảng thuyết lừa bịp.
Chúng ta phải xác định đâu là vị trí của Tolstoy, một người tự cho mình là “Kitô hữu chân chính,” trong truyền thống Kitô giáo mà ông khẳng định mình đã sống ? Như đã nói trên đây, có một sự kiện lịch sử đó là, vào năm 1901, Giáo hội Chính thống đã tuyên bố Tolstoy là lạc đạo – tức đã đi lệch khỏi chân lý Kitô giáo – và ông đã chấp nhận cách lập luận của kiểu phân loại này. Ngay từ tác phẩm The Kingdom Of God Is Within You, Tolstoy đã thấy rằng, không thể có một Giáo hội mang tính thể chế mà không có lạc giáo chống lại những gì giúp xác định căn tính của Giáo hội. Cũng cần phải mở ngoặc ghi chú ở đây rằng, sự chỉ trích của Tolstoy về chủ nghĩa giáo điều của Giáo hội là một kháng biện cuốn sách nổi tiếng của Aleksei Khomiakov mang tên Giáo hội Là Một, đồng thời cũng chấp nhận sự không chính thống của mình.[13] Tuy nhiên, nếu chiều kích không chính thống có chủ ý này trong mối tương quan của Tolstoy với Kitô giáo là rõ rệt, thì những khía cạnh khác không hẳn như vậy.
Ông Tolstoy đã minh thị liên kết với các thầy dạy của Giáo hội cổ thời chống lại việc sử dụng bạo lực của các hoạt động chính trị:[14] Taxianô ở Syria, Clementê Alexandria, với tác phẩm Stromata buộc các Kitô hữu phải yêu thương kẻ thù; Tertullianô với tác phẩm Apologeticus bác bỏ việc tôn thờ hoàng đế và chấp nhận tử đạo là hình thức thích hợp hơn chống cự bằng vũ trang với đế quốc Rôma; Cyprianô chấp nhận chịu tử đạo hơn là chống cự bằng vũ lực với thế lực Rôma; Lactantius, với tác phẩm De mortibus persecutorum tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc bách hại Rôma; và Origène, với quyển De principiis nhấn mạnh việc Thiên Chúa ghê tởm bạo lực. Tuy nhiên, không phải mọi nhân vật trên đây, mà Tolstoy đã đưa gia phả tôn giáo của mình, đều mang tính thuyết phục. Mặc dù Tertullianô, Clementê, Cyprianô và Origène đã phải chịu bách hại vì niềm tin của mình, thế nhưng tất cả các vị đều bảo vệ cho các lập trường tín lý mà Tolstoy đã phản đối và bác bỏ trong các sách tâm linh của mình. Và Tertullian là một trong số các Giáo Phụ nổi tiếng nhất vì là người chống lạc giáo dữ dội nhất. Trong nhóm các Giáo Phụ mà Tolstoy giới thiệu, có lẽ Origène, với cách hiểu không mấy chính thống về tín điều Ba Ngôi Thiên Chúa cùng những quan điểm kỳ quặc về linh hồn, là gần gũi với cảm tính của Tolstoy nhất.
Nếu chúng ta xem xét không phải các vị tiền nhiệm mà Tolstoy tự chọn, nhưng đúng hơn xem xét các phương pháp riêng mà ông dùng để phân tích các giáo huấn Kitô giáo – tức thói quen của ông trong việc chọn ra những phần Kinh Thánh nào ông cho là “đúng” và lờ đi những đoạn không thích hợp – thì các tác phẩm tâm linh của ông phù hợp với một gia phả khác. Trong phạm vi phương pháp, có lẽ vị tiền nhiệm sớm nhất Tolstoy là ông Markion, người đã bác bỏ Kinh Thánh Híp-ri và tất cả các sách khác, ngoại trừ một cuốn sách Tin Mừng của Luca mà ông đã dịch. Taxianô, một người đương thời với Markion, đã chấp nhận tất cả bốn Tin Mừng thuộc quy điển nhưng “đã hòa hợp” các sách đó vào trong tác phẩm Diatessaron, một trình thuật nhất quán riêng của ông, giống như Tolstoy đã làm 16 thế kỷ sau đó. Nhiều Kitô hữu theo Ngộ giáo đã bác bỏ tính quy điển của Tin Mừng Gioan nhưng lại chấp nhận giá trị pháp lý của Tin Mừng ngoại quy điển của Tôma. Trong thế kỷ 16, Martin Luther đã bác bỏ Thư Giacôbê vì xem đó là một “thư rơm rác vô giá trị” không có tính quy điển. Đầu thế kỷ 19, Thomas Jefferson đã biên soạn một phiên bản Tân Ước riêng bằng cách bỏ đi tất cả những gì mà Đức Giêsu không nói, sau đó kết hợp và sắp xếp những lời nói của Đức Giêsu vào trong trình thuật riêng của mình.[15] Trong thời đại của chúng ta, các thành viên của nhóm “Jesus Seminar”, do Robert Funk và John Dominic Crossan tổ chức, cũng đã tách rời những lời nói của Đức Giêsu ra khỏi những đoạn văn Tin Mừng còn lại. Cũng như Tolstoy đã làm trước họ, các người điều khiển Jesus Seminar đã coi nhiều lời nói của Đức Giêsu được ghi lại là không đáng tin cậy. Nhiều thành viên khác của nhóm dường như không quan tâm đến chuyện nhìn nhận Đức Giêsu như Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, cho bằng xem Người là một thầy dạy luân lý mà thôi.
Khi nhớ lại những người đã tự do loại bỏ các phần của Tin Mừng, sửa đổi các đoạn văn trong đó, hoặc soạn ra những trình thuật Tin Mừng riêng cho mình, cũng cần phải chú ý đến khuynh hướng của những nhóm Kitô hữu chỉ tập trung vào một phần trong các giáo huấn của Kitô giáo và xem đó mới là nền tảng “chân thật” của đức tin. Trong số đó, nhóm Kitô hữu gần gũi nhất với tinh thần của Tolstoy có lẽ là các tu sĩ Phan Sinh Thần khí (Franciscans Spirituals) cuối thời Trung Cổ, các thành viên huynh đoàn Moravia, và một vài giáo phái ở Nga với nhiều quan điểm đạo đức xuất phát từ Bài Giảng Trên Núi.
Cuối cùng, chúng ta phải ghi nhận mối quan tâm đặc biệt của Tolstoy dành cho một vài nhà tư tưởng Kitô giáo hiện đại. Trong tác phẩm The Kingdom Of God Is Within You, Tolstoy đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ dành cho những nhóm chủ hòa, bắt đầu với Peter Chelcicky, người Bohemia, và những người theo phái Tin Lành Quakers bên Anh, William Lloyd Garrison thuộc giáo phái Tin Lành Quaker Mỹ, và Adin Ballou, người theo nhóm Nhất Vị bên Mỹ.[16] Trong bản toát yếu 1903 và 1910, Tolstoy thường trích dẫn tác phẩm Pensée của Blaise Pascal và tác phẩm Unto This Last của John Ruskin, một người chủ nghĩa xã hội Kitô giáo. Cả hai quyển sách đều gây ấn tượng rất sâu đậm trên ông. Mặc dù một người tâm linh như Tolstoy đã quan tâm đến việc định vị cho mình vào truyền thống Kitô giáo sơ khai, nhưng ông cũng duy trì mối tương quan với những nhà tư tưởng hiện đại nữa.
Như vậy, nói chung, tuy chống đối Giáo hội thể chế, nhưng ông vẫn duy trì tương quan với với truyền thống tư tưởng Kitô giáo rộng lớn hơn, nơi những nhà cổ võ hòa bình trong các thời kỳ nguyên thủy cũng như thời hiện đại, như Pascal và Ruskin. Đường hướng tâm linh của Tolstoy bắt nguồn từ Markion, Taxianô, và Luther, và có lẽ các tu sĩ Phan Sinh Thần Khí. Tuy nhiên, dù tư tưởng của Tolstoy không hoàn toàn độc đáo, nhưng nó nằm ở ngoài trào lưu truyền thống của tư tưởng Kitô giáo về các vấn đề liên quan đến các tín điều, các nghi thức phượng tự, và thẩm quyền Kinh Thánh. Tolstoy là một nhân vật ở bên lề, vừa có thể đặt ở bên trong, vừa có thể đặt ở bên ngoài Kitô giáo, tùy thuộc người ta nghiên cứu khía cạnh nào trong đường tâm linh của ông.
Những gì Tolstoy phê phán về xã hội, nhà nước, Giáo hội trong thời hiện đại đã vạch cho những người đồ đệ của ông thấy được triển vọng của một cuộc giải phóng khỏi những ràng buộc xã hội và thể chế. Trong tác phẩm The Kingdom Of God Is Within You, ông đã khẳng định rằng, trong cuộc đời ông, giai đoạn cuối cùng của lịch sử đã ló rạng, thời kỳ “đặt Thiên Chúa tâm điểm” (bozheskoe zhzneponimanie), một nhân sinh quan không đề cao cá nhân cũng chẳng đề cao các tập thể, nhưng là ủng hộ “Thiên Chúa – nguồn mạch của sự sống trường sinh bất diệt” (pt. 4, PSS 28:70). Ông nghĩ, cuối cùng tình yêu phổ quát sẽ nhận chìm toàn thể nhân loại, “tất cả mọi sinh linh và hữu thể” (pt. 4, PSS 28:82-84). Khi tiến trình này hoàn tất, thì xã hội, nhà nước, Giáo hội thể chế hiện đại giả dối sẽ biến mất. Đối với các Kitô hữu chân chính, viễn tượng này tượng trưng cho cuộc giải thoát cuối cùng khỏi bóng đêm, tượng trưng cho điểm kết thúc của lịch sử, và việc thể hiện vương quốc Thiên Chúa trên trần gian. Tuy nhiên, Tolstoy chủ trương rằng, các Kitô hữu chân chính không chờ đợi cho đến khi tiến trình lịch sử hoàn tất để có thể bảo đảm được sự tự do cá nhân, bởi vì Kitô giáo chân chính có khả năng tự giải phóng cá nhân khỏi sự lừa dối của thế gian nhờ tiến trình hoán cải hay “thức tỉnh” mà chính Tolstoy đã trải nghiệm. Thật vậy, cuộc giải phóng toàn thể nhân loại phải là hệ quả của một chuỗi những cuộc tự giải phóng. Tolstoy lập luận, đó là lý do tại sao “sự hiểu biết cao cấp về cuộc đời sẽ làm giảm thiểu nhà nước […] Việc tuyên xưng Kitô giáo chân chính không chỉ loại trừ khả năng nhìn nhận [tính hợp pháp của] nhà nước, nhưng còn làm suy yếu dần nền tảng của nó” (pt. 10, PSS 28:186).
Chủ nghĩa Kitô giáo vô-chính-phủ[17] của Tolstoy đã thu hút các đồ đệ của ông ít là bằng ba đường hướng: nó mời gọi chiều kích cao siêu trong bản tính của họ hãy bảo vệ tình yêu đại đồng; nó đặt việc giải phóng bản thân khỏi sự sai lầm như là cuộc “thức tỉnh” khỏi u mê có thể đạt được, và như là phương pháp để tránh khỏi cơn sát hại của nếp sống hiện đại; và nó miêu tả họ như những khí cụ thi hành thánh ý của Thiên Chúa trong lịch sử, có thể lật đổ những thể chế hùng mạnh bằng các phương tiện bất bạo động. Sự hòa trộn cuồng nhiệt này của chủ nghĩa vị tha và tự giải phóng đã tạo nên một chiều kích linh đạo của Tolstoy. Một chiều kích nữa trong đường tâm linh của Tolstoy vốn thường bị quên lãng đó là tinh thần khắc-kỷ-thép (iron self-discipline) mà ông đòi hỏi nơi chính mình và nơi các Kitô hữu chân chính.
3. Tinh thần khắc kỷ
Lòng cương quyết sống tinh thần khắc kỷ của Tolstoy đã tiềm tàng trong nền đạo đức học của ông, và vì thế đã nằm ở trọng tâm cuộc thảo luận của ông về 5 huấn thị của Đức Kitô trong tác phẩm What Do I Believe? cũng như trong ý tưởng của ông về sự thức tỉnh nội tâm. Trong tác phẩm The Kingdom Of God Is Within You, Tolstoy nhấn mạnh rằng, giáo huấn của Đức Kitô “không chi phối con người bằng các lề luật bên ngoài nhưng bằng một sự xác tín bên trong về tính khả thi của việc trở nên hoàn thiện giống Thiên Chúa” (pt. 4, PSS 28:78). Các quy tắc hành động của Kitô giáo không giống như những luật lệ áp đặt, nhưng đúng hơn đó là những nguyên lý “của một sự hiểu biết khác, mới mẻ và cao cấp hơn về cuộc sống” (pt. 8, PSS 28:146).
Tuy nhiên, những dấu hiệu biểu lộ rõ ràng nhất cho suy tư của Tolstoy về tinh thần khắc kỷ Kitô giáo có thể được tìm thấy trong các bài suy niệm của ông về tội lỗi trong tác phẩm Christian Teaching. Tolstoy khẳng định rằng, có 3 loại tội lỗi: tội “tự bản tính” hay tội “bẩm sinh” bắt nguồn từ “những khuynh hướng cố hữu” trong bản tính nhân loại (Freud gọi những khuynh hướng này là “xung năng”); tội “gia truyền” hay tội “xã hội” bắt nguồn từ tình trạng xã hội được thông truyền lại cho chúng ta (chẳng hạn như giai cấp quý tộc), từ các đặc quyền được gán cho chúng ta cách hợp pháp, hoặc từ trật tự sắp xếp của phong tục tập quán xã hội (chẳng hạn đàn ông thì vượt trội hơn đàn bà, người giàu được tôn trọng hơn người nghèo, hay vô số những đặc quyền khác mà người có học thức được hưởng trên những người thất học); và cuối cùng là tội “tân tạo” (pridumannye) hay tội “cá nhân” hầu như đều bắt nguồn từ những nỗ lực thổi phồng bản ngã của mình (pt. 15, PSS 39:131-132). Ý tưởng nằm phía sau bảng phân loại tội lỗi là nhằm nhìn nhận rằng, con người đầy tội lỗi. Chúng ta bị mắc kẹt trong những môi trường xã hội đầy tranh giành làm hỏng đi bản chất vị tha trong con người, đồng thời cũng có thể trở thành độc dữ nếu không được kiềm chế bởi kỷ luật của đức tin. Việc Tolstoy thừa nhận có tính bản ác là điều rất quan trọng, bởi vì ngay vào hồi đầu thế kỷ, ông đã bị Vladimir Solov’ev tấn công trong tác phẩm Ba Cuộc Đối Thoại (Three Dialogues)[18] vì đã ngây thơ ủng hộ luận điểm đó.
Tolstoy đã mở rộng cuộc thảo luận về tội lỗi của ông trong tác phẩm Christian Teaching bằng cách chia các tội lỗi thành 6 tội chủ chốt chống lại luật yêu thương: say sưa (op’ianenie), lười biếng (prazdnost’), ham muốn vô độ hay đam mê (pokhot’), hà tiện hay tham lam (koryst’), tham quyền (vlastoliubie), và dâm dục (blud). Theo Tolstoy, nếu muốn thoát khỏi cuộc sống tội lỗi, kẻ bất chính phải chiến đấu chống lại các tội trên đây theo một thứ tự cụ thể như sau. Trước hết, phải tự mình thoát khỏi tội say rượu, qua đó Tolstoy không chỉ muốn nói tật xấu nghiện rượu của người Nga, nhưng còn muốn nói đến mọi hình thức tự đầu độc, tự gây mê, hay “làm mờ ngũ quan” (odurenie). Chỉ khi đã loại bỏ tất cả độc tố ra khỏi cuộc đời, ta mới có thể vượt qua được tính ù lì, biếng nhác. Sau khi đã vượt qua được tính ù lì và biếng nhác bằng cách làm việc liên tục cho quen, chúng ta có thể khám phá ra bản thân bớt đi được lòng ham muốn của cải của người khác, và khi đó, cũng sẽ bớt thời gian để mơ tưởng đến những chuyện dâm ô. Tolstoy lập luận rằng, khi chế ngự được tính lười biếng, chúng ta cũng thực sự chiến đấu chống lại những ham muốn vô độ của mình cùng với một loạt các thói hư tật xấu trong đó Tolstoy cũng kể đến những việc như tìm kiếm khoái cảm (udovol’stvie), thu tích của cải vượt quá những gì cần thiết nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất và đua đòi lối sống xa hoa. Ông coi sự ham muốn vô độ là một tội không chỉ bắt nguồn từ những xu hướng thâm căn cố đế, cùng những nguồn xã hội được thông truyền, mà còn từ những ảo tưởng khác thường của tội nhân (pt. 17, PSS 39:133). Sau khi tiêu diệt được những ham muốn vô độ, chúng sẽ tấn công vào khuynh hướng tham lam của chúng ta. Theo như Tolstoy mô tả, tội này không phải là chuyện kiếm tiền cho riêng mình, mà là tích lũy tài sản: tới thời điểm này trong cuộc đời, Tolstoy cương quyết bãi bỏ quyền tư hữu (pt. 19, PSS 39:136).
Sau khi đã vượt qua tính tham lam, chúng ta sẽ đối diện với lòng ham mê quyền lực của mình, một thói xấu bao gồm tất cả những hình thức tranh đua “thượng đội hạ đạp” để củng cố vị thế xã hội cho bản thân, đồng thời cũng bảo đảm dành được những lợi ích về mặt vật chất cũng như tình cảm nhiều hơn người khác. Ham mê quyền lực có lẽ xuất phát từ những khuynh hướng cá nhân hay từ ước muốn duy trì những đặc quyền đặc lợi được kế thừa (pt. 20, PSS 39:137). Tolstoy coi ham muốn quyền lực là tội độc ác nhất trong các tội, bởi vì những lạm dụng quyền lực của các cá nhân hay nhà nước có thể dễ dàng dẫn đến việc hủy diệt mạng sống con người.
Tội cuối cùng phải vượt qua là gian dâm, một thứ tội mà theo nghĩa nào đó Tolstoy xem là tổng kết của các tội khác. Đó là một phương tiện tự gây mê, nó khiến tội nhân biếng nhác và ù lì; nó là một hình thức vô độ, vì bao gồm những hành vi tình dục không cần thiết – tức là “những quan hệ tình dục không vì mục đích sinh sản” (pt. 21, PSS 39:138); gian dâm cũng gây ra thói tham lam, vì đôi khi mục đích của gian dâm cũng là thủ đắc tư hữu, hoặc đối xử phụ nữ như đồ vật hay món hàng (nạn mại dâm); và gian dâm thường bao gồm những tương quan quyền lực không công bằng, không chỉ giữa đàn ông và đàn bà, mà còn giữa đàn ông với nhau (như khi một chủ nô đòi quyền hưởng đêm đầu, primae noctis[19] vậy). Tolstoy cho rằng không thể nhổ rễ các dục vọng, nhưng ông tin rằng có thể “giảm thiểu” (doveden do naimen ‘shei stepeni) tội gian dâm này nơi hầu hết mọi người và “hầu như loại bỏ hoàn toàn” (doveden do polnogo tselomudriia) nơi một thiểu số người Kitô hữu chân chính và khôn ngoan (pt. 58; PSS 39:183).
Theo Tolstoy, sự thành công của chương trình kiểm soát tội lỗi trên đây phụ thuộc vào hai bước đầu tiên: thứ nhất là vượt qua 5 “lý lẽ biện minh sai lầm” cho tội lỗi (những cám dỗ của sự chần chừ, gia đình, tiện ích, quan hệ đối tác hay “lòng trung thành,” và nhà nước); thứ hai là lột trần những trò bịp bợm, lừa gạt của đức tin. Chỉ khi mỗi Kitô hữu xua đuổi được các cơn cám dỗ này, lột trần được những trò bịp bợm, lừa gạt của các tôn giáo giả hiệu, và vượt qua 6 tội lỗi vốn ám ảnh cuộc đời mình, thì toàn thể xã hội mới có thể tháo gỡ những cấu trúc đặc quyền xã hội được kế thừa, đang gây cản trở con đường tiến về vương quốc Thiên Chúa.
Giáo huấn về tội lỗi của Tolstoy có hơi hướng giống với các khảo luận đan tu, chẳng hạn những giáo huấn trong bộ Dobrotoliubie (phiên bản tiếng Nga của tuyển tập Philokalia) hay trong các tác phẩm của Nil Sorskii đề cập đến những thành công trong việc tránh xa tội lỗi của từng đan sĩ cũng như của toàn thể cộng đoàn đan viện dựa trên tinh thần khắc kỷ.[20] Tuy nhiên, điều thú vị nhất trong ý tưởng của Tolstoy về tinh thần khắc kỷ Kitô giáo là nó vừa quy hướng vừa xa cách những đường lối mà truyền thống Kitô giáo phân tích tội lỗi.
Những tư tưởng cổ điển của Kitô giáo về tội đã được bàn luận do các Tông đồ, các sư phụ trên sa mạc, Giáo phụ sa mạc và những người kế nhiệm. Gia sản này được Evagrius và Cassian hệ thống hóa, đã cho thấy sự hiện hữu của 8 mối tội đầu: mê ăn uống (Latin: gastrimargia, Nga: chrevougodie), dâm ô (Latin: fornicatio, Nga: blud), tham lam hà tiện (Latin: avaritia, Nga: srebroliubie), buồn phiền (Latin: tristitia, Nga: pechal’), nóng giận (Latin: ira, Nga: gnev), chán chường, tuyệt vọng (Latin: acedia, Nga: unynie), khoe khoang hay hư vinh (Latin: inanis gloria, Nga: tshcheslavie), và kiêu ngạo (Latin: superbia, Nga: gordost’).[21] Nil Sinai, thánh Efrem, và thánh Gioan Climacus cũng ghi nhận 8 tội tương tự như vậy. Tất cả những nguồn dữ liệu này đã có sẵn cho Tolstoy trong tuyển tập Dobrotoliubie – một quyển cẩm nang mà ông thường tham khảo.[22] Vào thế kỷ XV, ý niệm về 8 tội nguy hiểm này đã trở thành tiêu chuẩn kinh điển trong truyền thống đan tu của Nga.[23]
Giáo huấn của Tolstoy về tinh thần khắc kỷ đã bỏ đi 5 trong số 8 mối tội đầu mà Chính Thống giáo liệt kê, đó là: buồn phiền, nóng giận, tuyệt vọng, khoe khoang (hư vinh) và kiêu ngạo. Có lẽ ông xem buồn phiền và tuyệt vọng là một thói xấu của “nhà tu” mà dường như không ảnh hưởng đến các “Kitô hữu chân chính” sống bên ngoài Giáo hội thể chế. Mặt khác, có thể Tolstoy đã hy vọng những tội này sẽ bị quét sạch bởi cuộc tấn công của Kitô giáo nhắm vào thói ươn lười, tội thứ hai trong danh sách của ông. Có lẽ ông nghĩ nóng giận là một thói xấu có liên hệ với tội ham mê quyền lực, bởi vì nóng giận chính là tự đặt mình trên kẻ khác để rồi dẫn đến việc cố gắng thống trị hay thậm chí giết người. Bằng một lập luận tương tự, có thể Tolstoy cũng xem khoe khoang và kiêu ngạo là những hình thức của tội ham mê quyền lực. Xét về mặt tâm lý, việc xóa bỏ buồn phiền và tuyệt vọng khỏi danh sách các tội trọng, dưới cái nhìn của Tolstoy về chính bóng đêm tự tử của ông vào khoảng năm 1878, đang nói cho ta biết: trong những thập niên 1890, khi đang viết tác phẩm Giáo Huấn Kitô Giáo, rõ ràng Tolstoy “đã vượt qua” khuynh hướng trầm cảm tự sát trước đó của ông. Việc ông quyết định loại bỏ nóng giận ra khỏi danh sách các tội trọng là điều đáng ngạc nhiên, bất kể ông có biện minh gì, căn cứ vào sự nổi bật của tội này trong Bài giảng Trên núi. Việc Tolstoy giáng cấp tội kiêu ngạo, một thứ tội mà theo truyền thống bị các nhà tư tưởng Kitô giáo xem là nghiêm trọng nhất trong các mối tội đầu hay thậm chí chính là nguồn gốc của sự dữ, cùng với việc đưa tội dâm ô vào vị trí tối cao nhất cũng là một sự đi lệch lạ lùng khỏi truyền thống Kitô giáo Đông phương. Có lẽ với tư cách là một quý tộc Nga mang trong mình tính cách hống hách, Tolstoy không thích đối diện với lòng kiêu hãnh của riêng mình. Mặc dù khăng khăng đòi mặc bộ trang phục của người nông dân, làm các công việc chân tay, và học hỏi sự khôn ngoan của những người tá điền, thế nhưng cuối cùng ông vẫn giữ lại những đặc nét của một ông chủ bướng bỉnh, ngoan cố. Tầm quan trọng mà Tolstoy gắn vào việc tránh xa tội dâm ô đã phản ánh sự đam mê cũng như sự lúng túng của ông trước phụ nữ, đó là chưa kể đến sự xấu hổ sâu sắc của ông trước dục vọng của mình.
Những suy tư về hệ trật tội lỗi của Tolstoy có thể mang lại một cái nhìn hiệu quả cho việc phân tích các tác phẩm tiểu thuyết cuối cùng của ông bao gồm The Kreutzer Sonata và Resurrection. Cả hai quyển này đều nhấn mạnh đến nguy cơ tiềm tàng trong những đam mê vô độ, đồng thời vạch trần cách thức mà những xung động tội lỗi khác nhau có thể cùng cư ngụ trong một tâm hồn vô kỷ luật. Cả hai tác phẩm đều minh họa cho những mối liên hệ giữa dâm ô (hay nỗi sợ hãi dâm ô) và ham mê quyền lực. Trong số các tác phẩm, Resurrection là quyển tiểu thuyết viết về đề tài “thức tỉnh” tâm linh, mô tả một cuộc tấn công gia tăng không ngừng của tinh thần khắc kỷ chống lại những cám dỗ, những trò bịp bợm thiêng liêng, và tội lỗi.
Trước khi rời chủ đề về tinh thần khắc kỷ Kitô giáo, chúng ta hãy nhìn lại vắn tắt các giáo huấn bên Tây phương về tội lỗi. Ở Tây phương, hệ trật của bảy tội nghiêm trọng (quen gọi là bảy mối tội đầu) được thành hình trong khoảng từ thế kỷ VI đến XII. Những nhân vật then chốt ở đây là thánh Grêgoriô Cả, người đã gạt sự chán chường (acedia) ra khỏi danh sách các mối tội đầu và thay thế bằng ghen tị (envy), tiếp đến là Hugues de Saint-Victor, thường được coi là nhà thần học Tây phương đầu tiên bàn về bảy tội: dâm dục (luxuria), mê ăn uống (gula), tham lam (avaritia), buồn phiền (tristitia), nóng giận (ira), ghen tị (invidia), và kiêu ngạo (superbia). Cả Grêgoriô lẫn Hugues đều xem kiêu ngạo là “nguồn gốc của mọi sự dữ” – một lập trường được nhiều (nhưng không phải là tất cả) các tác giả Tây phương về đời tâm linh chấp nhận. Ở Tây phương, nóng giận và kiêu ngạo, hai tội mà Tolstoy đã bỏ ra ngoài danh sách trong tác phẩm Christian Teaching, đã được các tác giả đạo đức quan tâm, bởi vì hai tội này được hiểu là có quan hệ gần gũi với bạo lực, và vì thế làm nguy hại đến trật tự xã hội hiện hành.
Áng văn chương suy niệm về thứ tự các tội có uy thế nhất ở Tây phương là Inferno của Dante, một bản văn có thể được sánh ví với tác phẩm Christian Teaching của Tolstoy.[24] Theo mô tả của Dante, những kẻ sa hỏa ngục phải chịu sự tàn phá của các tội, theo mức độ nghiêm trọng tăng dần như sau: dâm ô, mê ăn uống, tham lam, lười biếng, lạc giáo, bạo lực và lừa đảo (fraud). Trong tội lừa đảo, là tội đứng cuối cùng và nặng nhất, Dante bao gồm: ma thuật, ngôn sứ giả hiệu, tham nhũng chính trị, tư vấn gian trá, ly giáo, và phản bội – mỗi loại không chỉ là hành vi phạm tội có chủ ý chống lại Thiên Chúa, mà còn là một tội ác chống lại trật tự chính trị hiện hành. Điều mà Dante, một chính khách, sợ nhất là sự nổi loạn chống lại Thiên Chúa, nhà nước và Giáo hội. Ông là người yêu chuộng và ủng hộ chính quyền, và như thế là kẻ ham mê quyền lực, theo lối nhìn của Tolstoy. Không như Tolstoy, nhà thơ vĩ đại này dễ dàng chấp nhận việc sử dụng cưỡng bách về phía Giáo hội và nhà nước, miễn là việc cưỡng bách này được thực hiện để mang lại ơn cứu độ và và đời sống lương thiện. Tuy nhiên, Dante cũng chia sẻ một điểm tương đồng với Tolstoy đó là ông rất căm ghét sự giả dối, nhất là sự giả dối được choàng lên sự dữ để biến thành điều tốt. Bởi lòng căm ghét giả dối mà Dante căm ghét hết tất cả mọi hình thức lừa đảo; cũng với lòng căm ghét tương tự như vậy, Tolstoy lên tiếng cảnh báo các Kitô hữu chống lại những lường gạt tâm linh cũng như những “ảo tưởng” về lòng ái quốc.
Đối với một vài nhà phê bình các tác phẩm tôn giáo của Tolstoy, đường tâm linh của ông vừa có nét sơ khai vừa có nét tiêu cực. William James đã gọi ông là “một trong những cây sồi cổ đại của con người, nơi mà những thứ thừa thãi và giả dối, tham lam, phức tạp, và tàn bạo trong nền văn minh tao nhã của chúng ta đã gây ra những bất mãn sâu sắc, đồng thời cũng là nơi mà những điều chân thật vĩnh cửu có thể nằm chung với những điều hoang dã và thú vật. Cơn khủng hoảng của ông là làm sao để cho linh hồn sống có trật tự […] thoát khỏi những sai lầm để đi vào cái mà ông xem là những nẻo đường chân lý.”[25] Dmitrii Sergeevich Merezhkovskii xem đường tâm linh của Tolstoy là một thứ thuyết hư vô – chối bỏ đạo Chính Thống mà không mang lại một khẳng định tương ứng.[26] Những lời phê bình đó phát xuất từ chỗ nhận ra sự chỉ trích Tolstoy đối với lối rập khuôn theo xã hội, nhà nước và Giáo hội; đồng thời những lời phê bình đó cũng rất hữu ích cho ta thấy tác dụng của những lời chỉ trích của ông trong con mắt của những người đương thời. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy trong bài viết này, đường tâm linh của Tolstoy được xây dựng trên niềm hy vọng về sự “thức tỉnh” tôn giáo của một người hoán cải, trên luật bác ái huynh đệ, trên năng lượng bắt nguồn từ cuộc tự giải phóng khỏi “những lừa dối” của các tôn giáo giả hiệu, cũng như trên việc điều chỉnh nghiêm khắc những nguồn mạch nội tại cần thiết để duy trì một đời sống Kitô hữu đích thực.
Đối với truyền thống Kitô giáo, đường tâm linh của Tolstoy nằm ở mức lưng chừng, vừa ở trong lại vừa ở ngoài truyền thống ấy, tùy theo viễn tượng của mỗi người phê bình và tùy vào khía cạnh nào trong đạo lý của ông được nghiên cứu. Ông đã mô tả các giáo huấn đạo đức của Đức Giêsu như là “chân lý” của Kitô giáo, biến đổi quan niệm về sự sống đời sau của Kitô giáo thành học thuyết về sự bất tử có ở mọi người, đồng thời xét lại các ý tưởng của Kitô giáo về tinh thần khắc kỷ. Đồng thời, ông thẳng tay vứt bỏ những tín điều “không cần thiết,” “phi lý,” và “sai lầm” cũng như quyền giáo huấn của Giáo hội. Trong tác phẩm What Do I Believe? Tolstoy thú nhận – nửa vui mừng, nửa tiếc nuối –, rằng sau 1800 năm, ông là người duy nhất “đã khám phá ra lề luật của Đức Kitô như một điều gì đó mới mẻ”[27]. Điều này cho thấy ý thức của một kẻ ngoại hạng trong việc ngộ ra minh triết Kitô giáo. Quan điểm của ông bộc lộ một đầu óc độc lập khác thường, nhưng cũng cho thấy sự kiêu hãnh quá độ khiến cho những người bảo vệ Giáo hội Chính thống Nga đã không ngần ngại đặt tên là quỷ sứ.
Thái độ phức tạp của Tolstoy với Kitô giáo đã như thế, cho nên ta chẳng lấy làm ngạc nhiên gì về thái độ của ông với bè phái và các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Trong suốt cuộc đời, Tolstoy đã hùng hồn bảo vệ các phe phái, đặc biệt là nhóm những kẻ chủ hòa, chống lại sự bách hại của nhà nước. Ông đã công khai chỉ trích chính sách bài Do Thái của nhà nước. Ông hết lòng ca ngợi tất cả các tôn giáo lớn, ở phương Tây lẫn phương Đông, khi họ cổ vũ tình yêu thương đại đồng. Tuy nhiên, ông cũng là người đầu tiên công kích mạnh mẽ nạn mê tín dị đoan, những nghi thức phượng tự sáo rỗng, và những trò bịp bợm tôn giáo nơi các bè phái và người ngoài Kitô giáo. Đối với những nhóm vốn thường bị đe dọa và gạt ra ngoài lề ở nước Nga này, ông là một người bạn có uy thế, nhưng không phải là đồng chí về đức tin.
Vasilii Vasil’evich Rozanov, một người ngưỡng mộ Tolstoy, phát biểu: “Dẫu Tolstoy đã đưa ra những điều sai lầm khủng khiếp và nhục nhã, đã phát biểu những lời thiếu sót và hỗn xược, thế nhưng ông thực sự là một hiện tượng tôn giáo vĩ đại. Dẫu rất ngang bướng, nhưng có lẽ ông là hiện tượng vĩ đại nhất trong lịch sử tôn giáo Nga ở thế kỷ XIX. Một cây sồi tuy xiêu vẹo, nhưng nó vẫn là một cây sồi, và không thể phán xét cây sồi ấy bằng một thể chế cơ giới do bàn tay con người làm ra.”[28] Dĩ nhiên, lời phát biểu của Rozanov là một sự phản kháng chống lại quyết định ra vạ tuyệt thông của Tòa Thượng Phụ, khai trừ Tolstoy khỏi Giáo hội Chính thống Nga; thế nhưng điều đó cũng ngầm nhìn nhận rằng, thật khó có thể xếp loại một con người kỳ lạ, phức tạp và ngoan cố như thế, một người có tầm nhìn tôn giáo quá đặc biệt, tựa như những nhánh sồi vĩ đại xoắn tít lên tận các vòm trời cao thẳm. Ngày nay, viễn tượng ấy vẫn còn đáng khâm phục.