Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VỚI VIỆC ĐẠI KẾT

Thời sự Thần học - Số 63 (tháng 02/2014), tr. 46-74

 _Tấn Anh_  

I. Quan điểm của Giáo hội Công giáo trước Vaticanô II đối với sự hợp nhất
  A. Phản ứng của Giáo hội Công giáo đối với phong trào đại kết (của Tin lành)
  B. Những bước chuẩn bị âm thầm
II. Công đồng Vaticanô II
  A. Vấn đề đại kết trong các văn kiện công đồng
  B. Sắc lệnh về đại kết Unitatis redintegratio
III. Sau công đồng Vaticanô II
  A. Những huấn thị áp dụng
  B. Thông điệp Ut unum sint của đức Gioan Phaolô II
  C. Những văn kiện khác
IV. Một cái nhìn tổng hợp về thần học đại kết
  A. Mục tiêu
  B. Phương pháp 
Bà Martina Viktorie Kopecka, 32 tuổi, linh mục Giáo hội hussit Tiệp, người đảm trách  Ủy ban Người trẻ của Hội đồng Đại kết các Giáo hội (COE), đã tham dự Thượng Hội đồng Giám mục 2018 trong tư cách các “phái đoàn huynh đệ” của các Giáo hội kitô khác (Nguồn: http://phanxico.vn/).

Chúng ta đã nhìn lại lịch sử những cuộc phân ly giữa các Giáo hội, cũng như những nỗ lực tái lập sự hợp nhất trong thế kỷ XX khởi đầu từ phong trào đại kết của các Giáo hội Tin lành. Trong bài này, trước tiên chúng ta theo dõi quan điểm của Giáo hội Công giáo đối với phong trào đại kết qua hai giai đoạn: trước và sau công đồng Vaticanô II; kế đó chúng ta thử trình bày một cái nhìn tổng hợp về thần học đại kết.

I. Quan điểm của Giáo hội Công giáo trước Vaticanô II đối với sự hợp nhất


Trước đây, Giáo hội Công giáo đã có những nỗ lực để nối kết dây hợp nhất với toà thượng phụ Constantinopolis, chẳng hạn tại công đồng Lyon II (1274) và Firenze (1439). Tuy nhiên đó là cách đối xử với một giáo hội “ly khai” (schisma). Thái độ của Toà thánh đối với các nhóm phát sinh từ cuộc Cải cách Luther thì khác: họ bị coi là “lạc giáo” (haeretici), vì thế chỉ có phương thế duy nhất là họ phải từ bỏ sự sai lầm của mình, và chấp nhận đạo lý đức tin mà công đồng Trentô đã ấn định[1]. Điều này giải thích thái độ lãnh đạm của Toà thánh đối với phong trào đại kết của các Giáo hội Tin lành vào hồi đầu thế kỷ XX.

A. Phản ứng của Giáo hội Công giáo đối với phong trào đại kết (của Tin lành)


Vào cuối thế kỷ XIX, bên Giáo hội Anh quốc, John Henry Newman và Edward Bouverie Pusey, những người khởi xướng “phong trào Oxford” (Oxford Movement)[2], chủ trương quay trở về thời giáo phụ, tái khám phá giá trị của phụng vụ và truyền thống. Trên đường tìm sự hợp nhất các giáo hội, họ cho rằng Rôma có thể trở thành trung tâm của một “Giáo hội phổ quát” như một thân cây gồm có ba ngành (branches): Công giáo, Chính thống, Anh giáo. Toà thánh không chấp nhận quan điểm ấy, bởi vì ra như Giáo hôi Công giáo không còn là trung tâm duy nhất của chân lý nữa. Vì vậy, năm 1864, Bộ Thánh vụ (nay là Bộ Giáo lý đức tin) đã viết thư cho các giám mục Công giáo bên Anh, cảnh giác các người Công giáo đừng gia nhập “Hiệp hội cổ động sự kết hợp Kitô giáo” được thành lập tại London năm 1857[3]. Năm 1896, đức Lêo XIII, trong thông điệp Satis cognitum[4] khẳng định rằng chỉ có một Giáo hội duy nhất của Chúa Kitô, được ủy thác cho Giáo hoàng trông coi; ai bỏ Giáo hội là bỏ con đường cứu độ. Nói cách khác, sự hợp nhất Giáo hội chỉ có thể quan niệm như là sự “trở lại” của các người ly giáo hoặc lạc giáo: họ phải từ bỏ sự lầm lạc của mình để trở về với Giáo hội Công giáo Rôma là nơi duy trì sự toàn vẹn đức tin. Lập trường này còn được lặp lại trong thông điệp Mortalium animos của Đức Piô XI (6/1/1928), trả lời cho sáng kiến thành lập phong trào Faith and Order tại Lausanne (1927). Sự hợp nhất đòi buộc phải chấp nhận tất cả mọi chân lý, chứ không thể phân biệt giữa các “điều căn bản” (fundamentalia) và những điều “không căn bản” (non fundamentalia).

B. Những bước chuẩn bị âm thầm


Như vậy, xem ra phong trào đại kết về phía Tin lành đã không nhận được sự ủng hộ của Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, đó là cái nhìn từ phía các cơ quan lãnh đạo, đang khi những cuộc tiếp xúc vẫn tiếp tục cách âm thầm, và chuẩn bị cho các văn kiện đại kết của công đồng Vaticanô II sau này. Chúng ta có thể liệt kê vài nhân tố chính.

1) Những cuộc nghiên cứu lịch sử. Trước đây, người ta quan niệm rằng sự ly khai bắt nguồn từ sự khác biệt về đạo lý giữa Công giáo với Chính thống và Tin lành. Việc nghiên cứu lịch sử nêu bật rằng các yếu tố “ngoại đạo-lý” đã giữ phần không nhỏ vào sự chia rẽ: sự khác biệt về văn hoá, chủng tộc, và đặc biệt là ảnh hưởng của những yếu tố chính trị. Vì thế, không nên quy lỗi hoàn toàn cho sự ngoan cố của một bên.

2) Sự canh tân thần học. Trong thế kỷ XX, một luồng canh tân thần học đã nảy lên trong Công giáo cũng như Tin lành, nhờ khuynh hướng “trở về nguồn”. Trước hết là phong trào Kinh Thánh đã giúp cho việc hiểu Kinh Thánh chính xác hơn qua việc phân tích sự hình thành các bản văn cũng như khung cảnh của nó. Từ đó nảy ra môn “thần học Kinh Thánh”, trong đó các học giả Công giáo và Tin lành có dịp làm việc với nhau. Một cách tương tự như vậy, môn lịch sử các tín điều cho thấy sự tiến triển của các đạo lý cũng như những cách thức phát biểu khác nhau của cùng một chân lý. Vài tên tuổi tiêu biểu; Kittel, Barth, Cullman, Von Rad (Tin lành), Dodd (Anh giáo), Lyonnet, De Lubac, Quasten (Công giáo), vv.

3) Các trung tâm đại kết. Cụ thể hơn nữa, nhiều trung tâm đại kết được mở ra để các chuyên viên của Công giáo và Tin lành có dịp gặp gỡ, cầu nguyện, đối thoại với nhau. Đan viện Chevretogne do cha Lambert Beauduin OSB thành lập (1925), Trung tâm Istina do cha Christophe Dumond O.P. thành lập (1926): cả hai đều nghiên cứu về các Giáo hội Đông phương; phong trào Una Santa và viện Adam Moehler bên Đức. Các môn “thần học đại kết” cũng lần lượt được đưa vào dạy ở các đại học. Trong bối cảnh này, cuốn sách Chrétiens désunis. Principes d’un “oecuménisme” catholique, của cha Y. Congar O.P. xuất bản năm 1937, đã đánh dấu một chặng đường quan trọng trong việc đóng góp của thần học Công giáo về sự hợp nhất các Kitô hữu.

4) Những nhân tố thực tiễn. Nếu trong quá khứ, nhiều nhân tố “ngoại đạo-lý” đưa đến sự chia rẽ, thì trong thế kỷ XX cũng một yếu tố “ngoại đạo lý” đã dẫn các Kitô hữu xích lại gần nhau, đó là kinh nghiệm của con số không nhỏ các tín hữu (linh mục, mục sư, giáo dân) đã bị giam chung trong những trại tập trung dưới thời Đức quốc xã và trong thời gian đệ nhị thế chiến: họ đã có dịp gặp gỡ nhau, cầu nguyện với nhau để nâng đỡ tinh thần cho nhau. Sau khi chiến tranh chấm dứt, các buổi gặp gỡ ấy vẫn được tiếp tục tại đan viện Chevretogne hoặc tu viện Taizé.

5) Những yếu tố tâm linh. Việc hợp nhất các Kitô hữu là một công việc của Chúa, vượt quá khả năng con người. Vì ý thức như vậy, cho nên ngay từ khi phong trào đại kết chớm nở, đã có những sáng kiến cổ võ việc cầu nguyện như là phương thế chính yếu. Trong số những nhà tiên phong, chúng ta phải kể đến sáng kiến của cha Paul Wattson vào năm 1908 thiết lập tuần lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất các Kitô hữu. Cha Wattson (1863-1940) nguyên là sáng lập viên một nhánh Phan-sinh thuộc Anh giáo tại Hoa Kỳ, sau đó cha gia nhập Công giáo. Vào năm 1935, cha Paul-Irénée Couturier (1881-1953) cũng cổ động tuần cầu nguyện hợp nhất bên Pháp, gửi đến tất cả các Giáo hội Công giáo, Chính thống, Tin lành, thúc đẩy tạo nên một “đan viện vô hình”, liên kết với nhau bằng cầu nguyện, để liên lỉ dâng lên Thiên Chúa lời van xin ơn hiệp nhất. Điều mới mẻ của cha Couturier ở chỗ là không phải cầu nguyện cho các giáo hội Chính thống và Tin lành “trở về” với Công giáo, nhưng là xin cho tất cả các giáo hội đều “trở về” với Chúa Kitô, biết tuân theo đường lối mà Chúa đã định. Dĩ nhiên lời cầu nguyện chân thành cũng là hoa trái của Thánh Linh: ngài sẽ đưa các Kitô hữu kết hợp với nhau. Nên biết là ngoài việc cổ động cầu nguyện, cha Couturier còn quy tụ một nhóm thần học gia để gặp gỡ nhau mỗi năm tại đan viện Les Dombes.

Đó là những chặng mở đường cho các quyết định của công đồng Vaticanô II[5].

II. Công đồng Vaticanô II


Đức Gioan XXIII đã tuyên bố ý định triệu tập công đồng vào ngày 25 tháng giêng năm 1959, lễ thánh Phaolô trở lại và cũng là ngày kết thúc tuần lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất[6]. Một trong những mục tiêu của công đồng là sự hợp nhất các Kitô hữu. Ngài nói: “Chúng ta không muốn thử nghĩ xem ai có lý ai không có lý. Trách nhiệm là của tất cả. Chúng ta chỉ muốn nói rằng: chúng ta hãy kết họp lại, hãy chấm dứt các chia rẽ”. Vào lễ Hiện xuống năm 1960, ngài quyết định thành lập Văn phòng cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu (Secretariatus ad unitatem Christianorum fovendam), và đặt hồng y Augustin Bea làm chủ tịch và đức cha Johannes Willebrandt làm tổng thư ký. Cơ quan này hoạt động rất đắc lực trong việc liên lạc với các quan sát viên thuộc các Giáo hội khác (từ 40 vị vào lúc khai mạc cho đến 100 vào ngày bế mạc). Nên biết là một số quan sát viên được mời do uy tín cá nhân chứ không đại diện cho một Giáo hội nào (chẳng hạn giáo sư Karl Barth, Oscar Cullman, Roger Schutz và Max Thurian thuộc cộng đoàn Taizé). Văn phòng cũng đảm trách việc soạn thảo sắc lệnh của công đồng về vấn đề hợp nhất và những văn kiện chấp hành kế tiếp, cũng như tuyên ngôn về tự do tín ngưỡng.

Công đồng khai mạc ngày 11/10/1962. Đức Gioan XXIII băng hà ngày 3/6/1963. Vị kế nhiệm là Đức Phaolô VI tiếp tục hướng đi đã mở, và cách riêng, qua thông điệp Ecclesiam suam (6/8/1964), ngài đã vạch ra con đường đối thoại như là sứ mạng của Giáo hội.

A. Vấn đề đại kết trong các văn kiện công đồng


Văn kiện căn bản là sắc lệnh về đại kết (Unitatis redintegratio) được ban hành ngày 21/11/1964 (cùng ngày với Hiến chế về Hội thánh Lumen gentium và Sắc lệnh về Các Giáo hội Đông phương, Orientalium Ecclesiarum). Thực ra vấn đề đại kết được đề cập tới ở nhiều văn kiện khác của công đồng. Chúng ta chỉ ghi nhận vài bản văn chính:

– Hiến chế về Mặc khải không những nhằm giải quyết vấn đề tương quan giữa Thánh Kinh với Thánh truyền (mà Luther đã gợi lên), nhưng còn nói tới việc hợp tác trong việc dịch Kinh Thánh (số 22).

– Hiến chế về Hội thánh nhìn nhận rằng các Giáo hội ngoài Công giáo cũng thuộc về Hội thánh của Đức Kitô (số 8 và 15).

– Hiến chế về các Giáo hội Đông phương nhìn nhận rằng sự hợp nhất công giáo không loại trừ những khác biệt về phụng vụ, kỷ luật và truyền thống (số 2-3).

– Ngoài ra cũng không nên bỏ qua Tuyên ngôn về tự do tín ngưỡng (do Văn phòng Hợp nhất soạn thảo), Tuyên ngôn về tương quan giữa Giáo hội với các tôn giáo (trong đó Văn phòng Hợp nhất góp phần trong mục bàn về đạo Do Thái).

B. Sắc lệnh về Đại kết


Văn kiện gồm ba chương: 1/ Những nguyên tắc công giáo về đại kết. 2/ Việc thực hành đại kết. 3/ Các Giáo hội và giáo đoàn ly khai với tông toà Rôma.

1) Trong chương Một, công đồng phát biểu những xác tín về ý nghĩa và mục tiêu của phong trào đại kết. Nên biết là trong bản dự thảo đầu tiên, tựa đề của chương một là “Những nguyên tắc về việc đại kết công giáo” (De oecumenismi catholici principiis); nhưng sau đó, ủy ban soạn thảo đã sửa lại là: “Những nguyên tắc công giáo về việc đại kết” (De catholicis oecumenismi principiis). Lý do là vì công đồng bày tỏ lập trường của Giáo hội Công giáo về công cuộc đại kết; công cuộc đại kết chỉ có một, chung cho hết tất cả các Kitô hữu, chứ không có chuyện đại kết “công giáo”, đại kết “tin lành”, vv.

Điều đáng chú ý là mặc dù sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là một thực trạng không thể chối cãi, nhưng công đồng muốn trình bày một cái nhìn tích cực hơn về sự hợp nhất, đó là: giữa các Kitô hữu đã có một sự hợp nhất rồi, tuy nhiên chúng ta còn phải cố gắng tiến tới sự hợp nhất hoàn hảo hơn. Nói khác đi, chúng ta không đi từ chỗ chia rẽ tới chỗ hợp nhất, nhưng là đi từ “hợp nhất bất toàn” đến “hợp nhất toàn vẹn” (communio imperfecta - plena communio). Thực vậy, giữa các Kitô hữu đã có nhiều yếu tố hợp nhất: qua bí tích rửa tội, chúng ta đã được tháp nhập vào thân thể của Đức Kitô, đã được trở thành con Thiên Chúa, đã được lãnh nhận ân sủng của Thánh Linh. Chính những yếu tố thần linh đó thúc đẩy các Kitô hữu tìm cách biểu lộ sự hợp nhất kể cả qua những yếu tố hữu hình nữa. Tuy vẫn thâm tín rằng Giáo hội Công giáo chứa đựng cách sung mãn những yếu tố cấu thành Hội thánh của Đức Kitô, nhưng công đồng nhìn nhận rằng các cộng đoàn khác cũng chứa đựng những yếu tố đó nữa. Nên biết là ở đây công đồng không bàn tới các Kitô hữu ngoài Công giáo như là những cá nhân riêng rẽ, nhưng công đồng nói tới các cộng đoàn Kitô hữu ở ngoài Công giáo. Riêng về trách nhiệm luân lý của các cuộc chia rẽ, công đồng khiêm tốn nhìn nhận rằng cả hai bên đều có lỗi. Dù sao các Giáo hội ngoài Công giáo không bị gọi là phe "ly giáo, lạc giáo" như trước nữa! Con đường tìm về hợp nhất được tiến hành qua sự thống hối và khẩn cầu lòng thương xót của Chúa.

2/ Bước sang việc thực hành việc đại kết (chương Hai), sắc lệnh đề ra ba hình thức: tinh thần; thần học, hợp tác. Nên biết là công cuộc đại kết không phải chỉ liên can tới các nhà lãnh đạo các giáo hội, nhưng hết mọi tín hữu cần dấn thân cho việc hợp nhất các Kitô hữu, ít là bằng việc cầu nguyện và chứng tá (số 5).

a) Đại kết về tâm linh (Spiritual Ecumenism). Cuộc đối thoại đại kết giả thiết hai điều kiện tiên quyết để có thể tiến hành đó là: thứ nhất, sự canh tân hay cải cách Hội thánh (số 6); thứ hai, sự cải hoán nội tâm của mỗi tín hữu (số 7). Cả hai đều nhằm tới sự trung thành với Đức Kitô. Trong những phương thế hỗ trợ cho việc đại kết tinh thần, công đồng nhắc tới: sự tha thứ cho nhau, sống thánh thiện và nhất là cầu nguyện cho việc hợp nhất (số 8).

b) Đại kết về thần học. Nó bao hàm việc tìm hiểu lẫn nhau, qua việc nghiên cứu đạo lý, đối chiếu những tương đồng và khác biệt. Để cho cuộc đối thoại thần học mang lại kết quả, công đồng vạch ra cho các nhà thần học công giáo hai nguyên tắc cần lưu ý khi học hỏi và trình bày đạo lý của Hội thánh. Thứ nhất, cần phải phân biệt đâu là "nội dung" của đạo lý, và đâu là "cách thức diễn đạt" đạo lý. Nội dung đạo lý thì không thay đổi, nhưng cách thức diễn đạt thì lệ thuộc vào những điều kiện văn hoá lịch sử. Thứ hai, cần phân biệt “hệ cấp các chân lý” (hierarchia veritatum), nghĩa là không phải tất cả các đạo lý đều có tầm quan trọng ngang nhau (số 11). Sự hợp nhất cốt yếu về đức tin có thể bao hàm những khác biệt về nghi thức phụng tự và truyền thống kỷ luật (số 5). Công đồng lấy lại phương châm của đức Gioan XXIII: “hợp nhất trong những điều cốt yếu, tự do trong những gì chưa chắc, bác ái trong hết mọi trường hợp” (in necessariis unitas, in dubiis libertas, in omnibus caritas).

c) Đại kết về hợp tác, nghĩa là cộng tác với nhau trong các công tác bác ái nhằm phục vụ nhân loại (số 12).

3/ Sau khi đã bàn về những nguyên tắc tổng quát về lý thuyết cũng như về thực hành, công đồng bước sang phần áp dụng ở chương Ba. Chương này được chia thành hai mục rõ rệt: một mục dành cho các Giáo hội Đông phương; mục hai dành cho các Giáo hội và giáo đoàn ly khai bên Tây phương. Sự phân biệt đó không phải chỉ dựa theo diễn tiến của hai giai đoạn chia rẽ trong lịch sử, nhưng nhất là dựa theo căn bản thần học: các Giáo hội Đông phương gần gũi với Công giáo hơn, về tín lý cũng như về các bí tích; còn các nhóm ly khai vào thời Cải cách không còn duy trì tất cả 7 bí tích nữa, đặc biệt là bí tích truyền chức thánh, vì thế không những đã làm thay đổi cơ cấu phẩm trật của Hội thánh mà còn gây ra những khó khăn khi bàn về giá trị của các buổi cử hành Thánh Thể và thống hối.

Chính vì dựa trên cơ cấu phẩm trật mà Sắc lệnh phân biệt giữa “giáo hội” và “giáo đoàn”. Tiếng “giáo hội” (hay “hội thánh”, ecclesia) dành cho những cộng đoàn nào có chức Giám mục (điển hình là các Giáo hội Đông phương); nếu không có Giám mục thì gọi là “giáo đoàn” (communitas ecclesialis). Nên biết các cơ quan đại kết ngoài Công giáo không chấp nhận sự phân biệt như vậy. Dù sao thì trong sắc lệnh này, Công đồng muốn đề cao những điểm trùng hợp hơn là nêu lên những dị biệt. Chẳng hạn khi nói tới các giáo đoàn ly khai bên Tây, văn kiện đã trình bày những yếu tố sau đây: việc tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và Trung gian giữa Thiên Chúa với loài người (số 20); lòng hâm mộ học hỏi Kinh Thánh (số 21); bí tích rửa tội (số 22); sống đạo qua việc cầu nguyện và sinh hoạt xã hội (số 23).

Một cử chỉ có ý nghĩa đại kết không nhỏ vào hôm trước khi bế mạc công đồng (7/12/1965) là việc Đức Giáo hoàng Phaolô VI và đức thượng phụ Constantinopolis, Atênagoras I rút lại vạ tuyệt thông từ năm 1054.

III. Sau công đồng Vaticanô II


Chúng ta vừa nhắc đến cử chỉ hoà giải giữa toà Rôma và Constantinopolis vào lúc bế mạc công đồng Vaticanô II. Thực ra, dưới thời đức Gioan XXIII, thái độ của Giáo hội Công giáo đối với phong trào đại kết đã bắt đầu thay đổi, không chỉ qua những tuyên ngôn, văn kiện, nhưng còn qua nhiều cử chỉ và sự kiện khác. Chúng ta có thể lấy một thí dụ từ việc tham gia vào các hội nghị của Hội đồng Đại kết các Giáo hội. Các người Công giáo bị cấm tham dự các hội nghị họp tại Amsterdam (1948) và Evanston (1953); nhưng tại New Delhi (1961) đã có các quan sát viên Công giáo. Mặt khác, tuy Giáo hội Công giáo không phải là thành viên của tổ chức này, nhưng từ năm 1968, một tiểu ban làm việc hỗn hợp được thiết lập tại cơ quan “Faith and Order”, trong đó 12 hội viên Công giáo là thành viên với quyền biểu quyết.

Trong mục này, chúng tôi chỉ dừng lại ở các văn kiện, và sẽ trở lại các sự kiện trong mục tới. Trong số những văn kiện của Toà thánh có liên can đến đại kết, chúng ta có thể ghi nhận ba loại: 1/ Những huấn thị áp dụng công đồng; 2/ Thông điệp Ut unum sint; 3/ Những văn kiện khác.

A. Những huấn thị áp dụng công đồng


1/ Năm 1967, Văn phòng hợp nhất đã xuất bản phần thứ nhất của “Kim chỉ nam để áp dụng sắc lệnh của công đồng” (Directory for the Application of the Second Vatican Council's decisions on Ecumenism: AAS 59, 1967, 574-592). Phần thứ hai ra đời năm 1970 (AAS 62,1970, 705-724). Việc đối thoại đại kết cần được tiến hành qua việc thiết lập những ủy ban cấp giáo phận và cấp toàn quốc, cũng như qua việc đào tạo các thành phần Dân Chúa.

2/ Vào năm 1993, tất cả hai phần được duyệt lại, và đúc kết thành một tài liệu duy nhất mang tên là “Kim chỉ nam áp dụng những nguyên tắc và quy chuẩn về đại kết” (Directory for the application of principles and norms on ecumenism, 25/3/1993). Tài liệu này gồm có 5 chương, bao gồm cả những nguyên tắc thần học, lẫn các định hướng thực tiễn. Chúng ta có thể xem như một thứ “cẩm nang đại kết” :

Chương Một. Bản chất của việc cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu (số 9-36). Văn kiện trình bày những nền tảng đạo lý về đại kết của công đồng, đặc biệt quy chiếu về LG 8 và 15.

Chương Hai. Những cơ quan của Giáo hội Công giáo nhằm phục vụ công cuộc đại kết (số 37-54). Bàn về những người và những cơ cấu dấn thân cho việc đại kết, từ những uỷ ban đại kết cấp giáo phận và hội đồng giám mục cho đến Hội đồng Toà thánh. Ngoài ra còn có những tổ chức khác (hiệp hội quốc tế, các uỷ ban của các dòng tu, các hội đoàn).

Chương Ba. Việc huấn luyện đối thoại đại kết trong Giáo hội Công giáo (số 55-91). Văn kiện bàn đến nhiều cấp độ. (a) Huấn luyện tất cả các tín hữu, bằng việc học hỏi Lời Chúa, giảng thuyết, huấn giáo, phụng vụ, đời sống tâm linh; tại các gia đình, giáo xứ, trường học, hiệp hội, phong trào. (b) Huấn luyện các nhân viên mục vụ. (c) Huấn luyện chuyên biệt, cấp đại học, tại các phân khoa hay viện chuyên môn. (d) Huấn luyện thường xuyên, về thần học và thực hành, dành cho các linh mục và nhân viên mục vụ.

Chương Bốn. Việc chia sẻ các bí tích và kinh nguyện giữa các Kitô hữu (số 92-160). Chương này mang tính thực hành, xác định những nguyên tắc mà các Kitô hữu có thể chia sẻ các gia sản thiêng liêng: cầu nguyện chung; tham dự vào cử hành phụng vụ theo nghĩa chặt; chia sẻ các nơi phụng tự; sinh hoạt đạo đức chung tại các trường học, bệnh viện, nhà dưỡng lão. Vài lãnh vực quan trọng liên quan đến giáo luật là việc lãnh nhận các bí tích thống hối, Thánh Thể, xức dầu bệnh nhân (số 122-136), cũng như việc cử hành hôn phối (số 143).

Chương Năm. Sự hợp tác trong lãnh vực đối thoại và chứng tá (số 161-218), ở nhiều cấp độ (địa phương và trung ương) và lãnh vực (truyền giáo, đối thoại liên tôn, huấn giáo, dịch Kinh Thánh, công tác xã hội, cơ quan truyền thông).

Nên biết là với cuộc cải tổ giáo triều năm 1988, Văn phòng hợp nhất được đổi tên là “Hội đồng Toà thánh cỗ võ sự hợp nhất các Kitô hữu (Pontificium Consilium ad Unitatem Christianorum fovendam).

3/ Một trong những động lực đòi hỏi sự cập nhật Kim chỉ nam là việc ban hành hai bộ giáo luật: Latinh (25/1/1983) và Đông phương (18/10/1990).

Dù chỉ là một văn kiện pháp lý chi phối nội bộ của Giáo hội Công giáo, nhưng không vì thế mà bộ giáo luật không cần biết tới chuyện đối thoại đại kết. Thực vậy bộ giáo luật đã dành ra số 755 (trong những điều khoản dẫn nhập vào quyển Ba) để nói về phong trào đại kết. Đúng ra, ở chỗ này nhà lập pháp chỉ xác định thẩm quyền điều hành công cuộc đó. Chúng ta có thể nhận thấy những khoản luật khác có tính cách thực tiễn hơn, chẳng hạn: về việc hợp tác trong việc dịch Kinh Thánh (đ.825 §2); về việc tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, giải tội và xức dầu (đ.844); vấn đề hôn nhân hỗn hợp được bàn ở các đ.1124-1125. Các đại biểu của các Giáo hội ngoài Công giáo có thể được mời làm quan sát viên trong các công nghị giáo phận (đ.463 §3). Dù sao ảnh hưởng lớn nhất của phong trào đại kết trong việc soạn thảo bộ giáo luật được nhận thấy ở đ.11. Bộ luật cũ mang tính cách bó buộc đối với tất cả các Kitô hữu; còn bộ luật 1983 chỉ bó buộc các tín đồ của Giáo hội Công giáo. Đây là sự thay đổi quan trọng về Giáo-hội-học: giáo luật trước đây coi các người Chính thống và Tin lành như là những phần tử ly giáo và lạc giáo, vì thế họ vẫn phải tùng phục luật của Giáo hội Công giáo; giáo luật ngày nay quan niệm rằng họ thuộc về các giáo hội và giáo đoàn với những luật lệ riêng, vì thế họ không bị ràng buộc bởi luật của Giáo hội Công giáo. Một thay đổi khác về từ ngữ cũng được du nhập khi nói về việc gia nhập Giáo hội Công giáo: từ nay sẽ không dùng từ “trở lại” (hoán cải: convertire) cho một người đã được rửa tội ngoài Công giáo, nhưng phải nói là “được đón nhận” vào Giáo hội Công giáo” (receptus in Ecclesiam catholicam). Lý do là vì họ đã “trở về với Chúa Kitô” lúc lãnh bí tích rửa tội; bây giờ họ được nhận vào thông hiệp trọn vẹn với Giáo hội Công giáo.

Bộ giáo luật Đông phương dành hẳn thiên XVIII cho vấn đề đại kết (de oecumenismo seu de christianorum unitate fovenda), từ đ.902-908, cách riêng là trong lãnh vực phụng vụ. Trên thực tế, nhiều tín hữu Đông phương (công giáo hoặc không công giáo) đều sử dụng nghi điển phụng vụ chung.

B. Thông điệp Ut unum sint (UUS) của đức Gioan Phaolô II


Văn kiện được ban hành ngày 30/5/1995, ba mươi năm sau khi kết thúc công đồng Vaticanô II, ra như muốn ôn lại những bước đường đã trải qua, và vạch ra những viễn tượng tương lai trước khi bước sang một thiên niên kỷ mới.

Thực ra, trước đó, đức Gioan Phaolô II cũng đã phát biểu tư tưởng về công cuộc đại kết qua nhiều bài diễn văn trong dịp viếng thăm hoặc tiếp kiến các đại biểu của các Giáo hội ngoài Công giáo. Tông thư Orientale lumen được ban hành vào hồi đầu tháng (3/5/1995) đã giới thiệu những đặc trưng của linh đạo của Giáo hội Đông phương.

Thông điệp gồm ba chương với những tựa đề: 1) Sự dấn thân của Giáo hội Công giáo vào công cuộc đại kết. 2) Các kết quả của sự đối thoại. 3) Đường còn xa lắm không?

Thông điệp trưng dẫn rất nhiều đoạn văn của công đồng Vaticanô II và của Kim chỉ nam. Điểm khác biệt của thông điệp ở chỗ là một đàng kiểm điểm những thành quả do việc đối thoại; và đàng khác, phác hoạ những bước còn phải tiếp tục.

C. Những văn kiện khác


Trong lãnh vực đối thoại đại kết, chúng ta cũng nên lưu ý đến những văn kiện khác của Toà Thánh, cách riêng từ phía Bộ Giáo lý đức tin. Cuộc đối thoại đại kết được tiến hành trong đức ái, nhưng không được coi nhẹ vấn đề chân lý thần học. Đó là lý do của việc nhắc nhở trong các văn kiện sau đây.

– Thư gửi các giám mục công giáo về vài khía cạnh của Hội thánh hiểu như là hiệp thông Communionis notio (28/5/1992).

– Tuyên ngôn về thuật ngữ “Giáo hội chị em”: Sister Churches (30/6/2000).

– Tuyên ngôn Dominus Iesus (6/8/2000). Tuy văn kiện này chú trọng đến việc đối thoại liên tôn, nhưng cũng có những điểm liên quan đến đối thoại đại kết (số 16-17).

IV. Một cái nhìn tổng hợp về thần học đại kết


Chúng ta đã điểm qua những văn kiện của Giáo hội Công giáo liên quan đến công cuộc đại kết, đặc biệt kể từ công đồng Vaticanô II. Trong mục này, chúng tôi muốn tóm lược những điểm quan trọng, liên quan đến mục tiêu và phương pháp của công cuộc đại kết.

A. Mục tiêu


Khi nói đến việc đại kết, chắc chắn ai cũng nghĩ ngay đến sự hợp nhất của Giáo hội. Nhưng phải hiểu thế nào về sự hợp nhất ấy?

Trước hết, cần phải phân biệt cuộc “đối thoại đại kết” (ecumenical dialogue) và “đối thoại liên tôn” (interreligious dialogue). Như đã nói ở đầu, phong trào “đại kết” dịch bởi “ecumenism” với nguyên gốc Hy Lạp muốn bao trùm toàn thể địa cầu. Theo một nghĩa rộng, cuộc đại kết có thể nhắm đến sự hợp nhất của toàn thể nhân loại, và như vậy bao gồm cả các tôn giáo nữa; tuy nhiên, theo một nghĩa chặt, việc đại kết chỉ nhắm đến sự hợp nhất giữa những môn đệ của Chúa Kitô, ngõ hầu thực hiện lời nguyện tại nhà Tiệc Ly “Xin cho tất cả họ trở nên một” (Ga 17,21), sao cho tất cả các Kitô hữu trở thành một đoàn chiên dưới sự hướng dẫn của một mục tử (Ga 10,16)[7]. Nhưng phải hiểu “một” như thế nào?

1/ Những mô hình

Trong tiến trình các cuộc đối thoại đại kết, nhiều đồ án khác nhau đã được đề ra.

a) Đồ án xưa nhất về phía Giáo hội Công giáo là tất cả các chiên lạc phải ăn năn “trở về” (return) tùng phục Đức thánh cha. Mô hình này đã bị khai tử từ công đồng công đồng Vaticanô II. Nói đúng hơn, công đồng đã trình bày một lối nhìn mới về giáo hội học mà lát nữa chúng ta sẽ trở lại.

b) Một mô hình do các nhà thần học Luther đề ra là "sát nhập hữu cơ" (organic union). Trong một Hội thánh hợp nhất, mỗi Giáo hội hiện tại phải nhường nhịn một phần cá tính của mình ngõ hầu hợp thành một cộng đồng mới. Do đó, không phải là các Giáo hội khác phải trở về với Giáo hội Công giáo, mà cả Giáo hội Công giáo cũng phải nhường nhịn một số yêu sách để tiến tới hợp nhất (unity in reconciled diversity). Nguyên ủy của sự hợp nhất không hẳn là Đức Giáo hoàng.

c) Đối lại với hai mô hình vừa nói (chủ trương một nguyên ủy hợp nhất), mô hình thứ ba cho rằng nguyên ủy ấy không cần thiết. Sự hợp nhất có thể thành hình theo mô thức "liên hiệp" (confederation), nhằm một mục tiêu hợp tác trong những lãnh vực thực tiễn (unity as solidarity). Nói khác đi, mô hình này muốn bảo vệ tính cách đa nguyên của các Giáo hội.

d) Mô hình thứ bốn phó thác sự hợp nhất cho Thiên Chúa quan phòng. Thay vì mơ tưởng những dự án viển vông, một số người chủ trương đi từng bước một, qua sự nhìn nhận đạo lý và tác vụ “song phương”. Thí dụ tại Âu châu, các Giáo hội Luther và Calvinô đã thoả thuận với nhau về những điểm chính yếu; vì vậy họ chấp nhận cho các tín hữu đôi bên có thể tham dự vào các lễ nghi phụng tự của nhau, và các mục sư có thể đồng tế hay cử hành trong nhà thờ của đôi bên. Đây là hình thức "nhìn nhận hỗ tương" (mutual recognition).

e) Các Giáo hội Chính thống đưa ra mô hình gọi là "thông hiệp công đồng" (conciliar fellowship): công đồng sẽ giữ vai thẩm quyền tối cao trong Hội thánh, duy trì mối hiệp thông giữa các giáo hội; còn mỗi giáo hội vẫn được quyền duy trì sắc thái của mình. Tiếc rằng chính các Giáo hội Chính thống cũng chưa triệu tập nổi một công đồng liên chính thống nữa.

f) Về phía Công giáo, một yêu sách của sự hiệp nhất là phải có một nguyên ủy hữu hình nơi Giám mục Rôma. Điều này được đức Gioan Phaolô II tái khẳng định ở thông điệp "Ut unum sint" (số 89). Tuy nhiên, ngài cũng thêm rằng vai trò nguyên ủy ấy cần phải được hình dung theo thể thức đã có hồi thiên niên kỷ thứ nhất (số 95), trong sự thông hiệp với cộng đoàn giám mục. Nói thế cũng có nghĩa là một Hội thánh hợp nhất không phải là một dự án tưởng tượng sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng nó là một thực tại đã có trong lịch sử rồi. Trong quá khứ, các Giáo hội đã có kinh nghiệm chung sống với nhau, đã duy trì mối dây thông hiệp tuy dù có những khác biệt về truyền thống thần học, phụng vụ, kỷ luật.

Phải chăng như thế là Giáo hội Công giáo lại trở về mới mô hình cổ điển? Không phải thế, công đồng Vaticanô II đã có những thay đổi quan trọng trong cách nhìn về sự “hợp nhất” của Giáo hội, mà chúng ta có thể đặt tên là những nguyên lý căn bản về sự hợp nhất.

2/ Những nguyên tắc về sự hợp nhất Hội thánh

Những nguyên tắc sau đây được phát biểu trong Sắc lệnh về Đại kết (Unitatis redintegratio, viết tắt: UR), với những nền tảng trong Hiến chế về Hội thánh (LG số 8), và được tóm lại trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHT số 813-822.

a) Một nguyên tắc căn bản (chắc hẳn sẽ gây ngạc nhiên cho nhiều người) là sự hợp nhất của Hội thánh đã có rồi: Hội thánh là một (Una Ecclesia). Tính duy nhất là một đặc điểm của Hội thánh, và là một hồng ân mà Chúa đã ban cho Giáo hội. Chúng ta không đi tìm sự hợp nhất của Hội thánh, nhưng đi tìm sự hợp nhất của các Kitô hữu, nghĩa là những phần tử của Hội thánh.

b) Hội thánh duy nhất của Chúa Kitô tồn hữu (subsistit in) nơi Giáo hội Công giáo. Trước Vaticanô II, người ta đồng hoá Hội thánh Chúa Kitô với Giáo hội Công giáo: “Hội thánh Chúa Kitô là (est) Giáo hội Công giáo”. Trong thời gian soạn thảo Hiến chế về Hội thánh (LG 8), động từ “là” được đổi thành “tồn hữu”. Xét theo từ ngữ, động từ subsistit không dễ hiểu và dịch thì lại càng khó hơn nữa! (Nhiều bản dịch viết là “hiện hữu”, “tồn tại”). Tốt hơn, chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu ý nghĩa mà bản văn muốn nói.

– Theo công thức cổ điển (“là”), tất cả Hội thánh Chúa Kitô hiện hữu 100% nơi Giáo hội Công giáo.

– Theo công thức mới (“tồn hữu”), Hội thánh Chúa Kitô hiện hữu cách sung mãn nơi Giáo hội Công giáo. Hội thánh Chúa Kitô không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực thể đã hiện hữu trong lịch sử nơi Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, các Giáo hội khác cũng có những “yếu tố Giáo hội” (chứ không phải là chẳng có gì hết). Nói cách khác, các cộng đoàn ngoài Giáo hội Công giáo cũng chia sẻ nhiều yếu tố thánh thiện và chân lý, chẳng hạn như: Kinh Thánh, đời sống ân sủng, đức tin, đức cậy, đức mến, và những hồng ân Thánh Linh và những yếu tố hữu hình (UR 3). Thánh Linh dùng các cộng đoàn ấy như là khí cụ cứu độ (LG 15).

c) Tuy nhiên, trong các cộng đoàn ngoài Công giáo, chúng ta thấy có hai khối lớn, tiếp theo hai cuộc chia ly lớn trong lịch sử, với cấp độ hiệp thông khác nhau:

– Các cộng đoàn Chính thống có đầy đủ các bí tích và chức giám mục thừa kế các thánh tông đồ. Vì thế, mối thông hiệp của Giáo hội Công giáo với các “Giáo hội” này khá chặt chẽ (UR 15), và coi như “Giáo hội chị em” (UR 14).

– Các cộng đoàn nảy sinh từ cuộc cải cách thế kỷ XVI không có bí tích truyền chức thánh, vì thế không có chức tư tế thừa tác. Vì thế gọi là các “giáo đoàn” (communitates ecclesiales).Từ đó nảy ra những khó khăn trong sự hiệp thông bí tích Thánh thể (x. GLCG số 1400).

d) Sự hợp nhất “sung mãn” và hữu hình mà chúng ta đang tìm kiếm, cần được diễn tả qua:

  • Việc tuyên xưng một đức tin duy nhất đã tiếp nhận từ các tông đồ;
  • Việc cử hành chung phụng vụ, nhất là các bí tích;
  • Sự hiệp thông phẩm trật qua các vị kế nhiệm các tông đồ (UR 2; GLCG số 815).


B. Phương pháp


Trong quá khứ, người ta quan niệm rằng nguồn gốc sự phân ly bắt nguồn từ sai lầm về đạo lý: các nhóm ly giáo, lạc giáo đã phạm những lỗi lầm; vì thế cần phải vạch ra những sai lầm để họ ăn năn hối cải[8].

Công đồng Vaticanô II khiêm tốn thú nhận rằng trong các cuộc chia ly, tất cả đều có lỗi; tất cả chúng ta cần hoán cải về với Chúa (UR 3). Dù sao, việc đối thoại đòi hỏi một não trạng mới. Đôi bên biết kiên nhẫn lắng nghe lẫn nhau, chấp nhận tính chất phức tạp của vấn đề (nguồn gốc của sự phân ly không chỉ là thuần tuý thuộc đạo lý và lý trí). Điều quan trọng nữa là cố gắng nhận ra điều “tích cực” nơi phía bên kia. Sự khác biệt không nhất thiết là tương khắc, nhưng có thể bổ túc cho thêm phong phú. Ngoài ra, sự đối thoại đòi hỏi sự kiên nhẫn: không thể đòi hỏi phải thấy kết quả ngay trước mắt.

Dù sao, sự đối thoại không chỉ giới hạn vào việc trao đổi về đạo lý. Sắc lệnh về đại kết đã nói đến ba con đường chính: tâm linh, đạo lý, hợp tác. Chúng ta hãy tìm hiểu sơ qua các phương thế ấy.

1/ Đại kết về tâm linh (Spiritual ecumenism)

Đại kết tâm linh được coi như linh hồn của công cuộc đại kết (Kim chỉ nam số 19; 25; 63; 180). Bước đầu tiên của việc đại kết là cải hoán nội tâm (UR 7-8). So với thời kỳ trước công đồng, thiết tưởng không phải là chuyện nhỏ khi mà ngày nay các Kitô hữu không còn coi nhau như thù địch nữa, nhưng họ đã biết nhìn nhận nhau như là anh em. Hơn thế nữa, chúng ta không coi Công giáo, Chính thống, Tin lành như là ba tôn giáo khác biệt! Không phải thế, tất cả đều thuộc một “đạo” của Chúa Kitô. Điều này được biểu lộ cách rõ rệt vào dịp các tôn giáo họp nhau để cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi vào ngày 27/10/1986. Các tín đồ của mỗi tôn giáo cầu nguyện chung với nhau dựa theo lòng tin của mình: Ấn giáo, Phật giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo vv. Còn tất cả các Kitô hữu thì chỉ họp thành một nhóm, cho dù là Công giáo, Chính thống, Luther, Cải cách, Anh giáo vv.

Trong lãnh vực thần học đại kết, ngoài việc các tín đồ Kitô giáo nhìn nhận nhau như anh em, người ta cố gắng tiến tới bước nhìn nhận “các giáo hội như chị em” (églises soeurs). Một dấu hiệu của tình nghĩa huynh đệ được biểu lộ qua các cuộc viếng thăm giữa các vị lãnh đạo tối cao của các Giáo hội, thí dụ các cuộc thăm viếng hỗ tương giữa Đức Thánh Cha với các thượng phụ chính thống, các Giáo chủ Cantebury của Anh giáo, hay cấp lãnh đạo của các Giáo hội Luther (UUS 24-25).

Trong lãnh vực đại kết tâm linh, không thể nào bỏ qua việc cầu nguyện. Ngoài những buổi cầu nguyện cho sự hợp nhất được diễn ra giữa lòng mỗi Giáo hội, còn phải kể tới các buổi cầu nguyện chung giữa các Giáo hội. Dù sao thì hằng năm hầu như hết các Giáo hội đều dành ra một tuần để cầu nguyện cho sự hợp nhất. Từ nhiều năm qua, các ý chỉ cầu nguyện được soạn do một tiểu ban hỗn hợp giữa Công giáo và Hội đồng thế giới các Giáo hội. Một cử chỉ đáng để ý là năm 1994, đức Bartôlômêo I (thượng phụ Constantinople) đã nhận dọn những bài suy niệm các chặng đàng Thánh giá do ĐTC chủ sự ngày thứ 6 tuần thánh ở Rôma. Sang năm 1995 đến lượt của nữ tu Minke de Vries, thuộc tu viện Tin lành Grandchamp bên Thụy sĩ.

Sự thông hiệp trong kinh nguyện đạt tới mức cao độ khi cử hành các bí tích, nhất là Thánh Thể. Giáo hội Công giáo đã ra những quy luật về việc "thông hiệp bí tích" (communicatio in sacris), với những cấp độ khác biệt tùy theo bản tính của từng bí tích cùng như đạo lý đức tin của của mỗi Giáo hội (xem bộ giáo luật Latinh, đ.844; Kim chỉ nam số 122-136).

2/ Đối thoại thần học


Trên đường tìm về hợp nhất, sự đối thoại về đức ái phải đi đôi với sự đối thoại về chân lý (UUS 32). Những cuộc đối thoại thần học không nhằm vạch bới những điểm sai lầm, nhưng tiên vàn để đánh tan những thiên kiến, và trình bày cho nhau biết những cách thức suy tư hành động của mình. Sau đó cần phải chung nhau xét lại mức độ trung thành với chính chân lý là Đức Kitô (xc UUS 33-35).

Công đồng đã lưu ý đến hai nguyên tắc cần duy trì trong các cuộc đối thoại thần học: (1) Hệ trật các chân lý (UR 11), nghĩa là không phải tất cả các chân lý đều có tầm quan trọng ngang nhau; lộ trình tiến đến sự hợp nhất toàn vẹn sẽ khởi đi từ những chân lý cốt yếu (thí dụ liên quan đến mầu nhiệm Thiên Chúa) đến các chân lý thứ yếu (thí dụ liên quan đến các bí tích và Hội thánh). (2) Phân biệt giữa mầu nhiệm đức tin (đồng nhất) và cách thức diễn tả mầu nhiệm (đa dạng), UR 6.

Các cuộc đối thoại thần học có thể diễn ra song phương hay đa phương.

a/ Đối thoại song phương. Tại địa chỉ Internet của Hội đồng Toà thánh về đối thoại đại kết, chúng ta biết là các uỷ ban đối thoại sau đây đã được thiết lập:
  • The Orthodox Churches of Byzantine Tradition (Uỷ ban thần học hỗn hợp được thiết lập từ năm 1980);
  • The Oriental Orthodox Churches;
  • The Assyrian Church of the East;
  • Anglican Communion (từ 1966);
  • Lutheran World Federation (1967);
  • World Methodist Council (1967);
  • World Alliance of Reformed Churches (1967);
  • Baptist World Alliance;
  • The Christian Church - Disciples of Christ (1977);
  • Pentecostals (1984);
  • The Evangelicals (1977);
  • Mennonite World Conference (1998).
b/ Những cuộc đối thoại đa phương thường diễn ra nhờ ủy ban "Đức Tin và Định chế" (Faith and Order).

Vào năm 2009, Hồng y Walter Kasper đã cho xuất bản ở London cuốn sách “Harvesting the Fruits: Basic Aspects of Christian Faith in Ecumenical Dialogue" kiểm điểm những điểm đã đạt được qua những cuộc đối thoại với bốn giáo hội phân ly bên Tây phương (Luther, Cải Cách, Anh, Giám lý), xoay quanh những điểm sau: 1/ Ơn cứu độ, công chính hoá. 2/ Hội thánh (sứ mạng, quyền bính, tác vụ). 3/ Bí tích thánh tẩy và Thánh thể.

Bản văn của những cuộc đối thoại này được đăng trên mạng của Hội đồng Toà Thánh về việc cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu.

Bên cạnh những cuộc đối thoại ở cấp hoàn cầu, cũng nên biết là còn những cuộc đối thoại ở cấp quốc gia. Đặc biệt tại Âu châu, Liên hiệp các Hội đồng giám mục của công giáo (Conférences épiscopales européennes) có những cuộc gặp gỡ thường xuyên với Hội đồng các Giáo hội Âu châu (Conférence des Eglises européennes).

3/ Đối thoại về hợp tác

a) Hợp tác trong chứng tá đức tin. Có lẽ hình thức gây chú ý hơn cả là hợp tác trong việc dịch Kinh Thánh[9]. Nhưng đức Gioan Phaolô II muốn lưu ý tới một hình thức hùng hồn hơn nữa, đó là trong những cơn bách hại, các Kitô hữu đã cùng nhau làm chứng cho Đức Kitô đến mức đổ máu đào (x.UUS số 83-84). Các Giáo hội có thể viết chung một cuốn Tử đạo thư (Martyrologium).

b) Hợp tác trong việc phụng sự nhân loại (Social ecumenism), tựa như bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi sinh, các công tác y tế từ thiện, các chương trình cứu trợ chống nghèo đói hoặc khi có thiên tai, v.v..

Kết luận


Chúng ta nhận thấy rằng công cuộc đại kết bắt đầu từ những sáng kiến cá nhân, và dần dần được các cấp lãnh đạo Giáo hội Công giáo chú ý đến. Tuy nhiên, từ sau công đồng Vaticanô II, sự hợp nhất các Kitô hữu đã trở thành một “quốc sách”, như đức thánh cha Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp Ut unum sint (số 3). Sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là điều trái ngược với ý muốn của Chúa Kitô, và làm ngăn trở việc loan báo Tin Mừng vì gây ra sự phản chứng nơi những người ngoài Kitô giáo.

Công cuộc đại kết không phải là chuyện dành riêng cho các nhà chuyên môn, nhưng là một bổn phận của tất cả các Kitô hữu. Thật vậy, Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 821 muốn rằng việc đại kết đòi hỏi sự tham gia của tất cả các thành phần Giáo hội qua cuộc sống thường nhật, nhờ việc canh tân hối cải để trung thành hơn với Tin Mừng, nhờ việc cầu nguyện chung, hiểu biết và hợp tác với nhau[10]. Dĩ nhiên, việc đào tạo tinh thần đại kết cũng nằm trong đường hướng ấy.

Dù sao, các mục tử cần biết những quy định của bộ giáo luật liên quan đến các Kitô hữu ngoài công giáo

1/ Điều căn bản là việc lãnh bí tích rửa tội hữu hiệu, qua việc đổ nước và đọc công thức rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi. Để xem phép rửa có hữu hiệu hay không, cần xem sách Nghi thức rửa tội.

Tổng giáo phận Baltimore (Hoa Kỳ) đã có một thông cáo như sau về sự thành sự (hữu hiệu) của phép rửa của các hệ phái Tin lành theo thứ tự ABC (nên biết là một số tông phái chỉ rửa tội cho người lớn, hoặc ít là khoảng 13 tuổi)[11]: Adventists: valid. - African Methodist Episcopal: Valid.- Amish: Valid. Apostolic Church: Invalid. The Assembly of God: Valid. Baptists: Valid. Bohemian Free Thinkers: No Baptism. Christadelphians: Invalid. Christian and Missionary Alliance: May be valid. Christian Scientists: Invalid. Church of Divine Science: Invalid. Church of the Brethren: (Formerly called Dunkers) Valid. Church of God: Valid. Disciples and Christians (Disciples of Christ): Valid. Evangelical United Brethren: Valid. Jehovah's Witnesses: Invalid. Latter Day Saints Church (Mormon): Invalid. Mennonites: Valid. Pentecostal Churches: Invalid. Salvation Army: No Baptism. Universalists: Invalid.

Ngoài ra, phép rửa của các giáo hội sau đây cũng được nhận là valid: Congregational Church; Episcopalian Church; Evangelical Churches; Lutheran Church; Methodist Church; Presbyterian Church.

Không thể chấp nhận các người Tin lành làm người đỡ đầu trong việc rửa tội cho người Công giáo (Giáo luật điều 872-874).

2/ Đối với việc rước Mình Thánh Chúa, thừa tác viên Công giáo chỉ được trao cho một tín hữu Tin lành trong trường hợp khẩn thiết nếu họ tuyên xưng đức tin Công giáo về bí tích này. Nhưng người Công giáo không được phép lãnh bánh thánh trong nghi lễ Tin lành (vì các mục sư không có chức thánh): Giáo luật điều 844.

3/ Hôn nhân giữa người Công giáo với người Tin lành (được rửa tội thành sự) là một bí tích (tuy dù phía Tin lành không nhìn nhận điều đó). Hôn nhân giữa người Công giáo với người chưa rửa tội (hoặc rửa tội không thành sự) thì không phải là bí tích (tuy dù được phép chuẩn của Bản quyền sở tại). Tuy nhiên bộ giáo luật đã dự trù những biện pháp mục vụ như nhau trong cả hai trường hợp (Giáo luật điều 1125; 1129).

Để bổ túc cho bài này, kính mời độc giả đọc thêm bài thuyết trình về tình hình đại kết hiện nay (2012), do đức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch uỷ ban Toà thánh về việc cổ võ hợp nhất các Kitô hữu.

Thư mục


Những văn kiện quan trọng về đại kết của Giáo hội Công giáo
1. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về đại kết Unitatis redintegratio (21/11/1964)
2. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp về sự dấn thân đại kết Ut unum sint (25/5/1995)
3. Hội đồng Giáo hoàng cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu,
  • Kim chỉ nam áp dụng các nguyên tắc và quy luật về Đại kết (The Directory for the Application of Principles and Norms on Ecumenism, 25/3/1993);
  • Chiều kích đại kết trong việc đào tạo những nhân viên mục vụ (The Ecumenical Dimension in the Formation of Those Engaged in Pastoral Work, 9/3/1998).
  • Những bài tường trình của Hồng Y Chủ tịch Hội đồng nhân dịp Hội nghị khoáng đại
  • Bản thông tin Information service.
  • Website Pontifical Council for Promoting Christian Unity: http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/chrstuni/index.htm

[1] Nên biết là chính trong bối cảnh này mà môn Giáo hội học (De Ecclesia) ra đời, với mục đích chứng tỏ rằng là Giáo hội Công giáo là Hội thánh đích thực của Chúa Kitô (de vera Ecclesia Christi). X. Salvador Pie Ninot, “Fundamental Ecclesiology”, in: R. Latourelle (ed.), Dictionary of Fundamental Theology, Crossroad New York 1994, p.143-145.
[2] John Henry Newman (1801-1890), nguyên là một linh mục Anh giáo, đã gia nhập Công giáo năm 1845, và sau đó được Đức Lêô XIII tấn phong Hồng y (1879). Ngài được phong chân phước ngày 19/9/2010.
[3] Ep. S. Officii ad episcopos Angliae, 16 Sept.1864, in: Denz. Sch. 2885-2888.
[4] Ep. encycl. “Satis cognitum”, 29 Iunii 1896, in: Denz.Sch. 3300-3310.
[5] Một sự thay đổi thái độ đáng ghi nhận về phía Toà thánh là thông tư của Bộ Thánh vụ, De motione ecumenica (20/12/1949) cho phép những người Công giáo được tham gia vào các cuộc đối thoại đại kết. Văn kiện giải thích những sự ngăn cấm trước đây không chống lại ý tưởng đại kết, nhưng đề phòng những sai lầm, tựa như: thái độ lãnh đạm (coi mọi giáo hội đều ngang như nhau), thuyết tương đối (bỏ qua các chân lý được coi như thứ yếu).
[6] Dựa theo lịch phụng vụ thời ấy, tuần lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất bắt đầu từ ngày 18/1 (lễ kính toà thánh Phêrô tại Antiôkia) và kết thúc vào ngày 25/1 (lễ thánh Phaolô trở lại).
[7] Như vậy, công tác “đại kết” mang tính hướng nội (ad intra), khác với hoạt động “truyền giáo” mang tính hướng ngoại (ad extra), nhắm đến những người chưa lãnh nhận bí tích rửa tội.
[8] Một thí dụ. Vào thời bùng nổ phong trào Cải cách, Johannes Eck liệt kê 404 điều sai lầm của Luther, Dietenberger vạch ra 874 điểm sai lầm và hơn 1000 chỗ giải thích Kinh Thánh lệch lạc. Sau này Bellarmino nâng lên 1100 chỗ. Đó là chưa nói đến chuyện bươi móc đời tư của ông. Mặt khác, Luther cũng không nương tay với đối thủ, khi ông gọi Giáo hoàng là quỷ vương.
[9] Mở đầu cho sáng kiến này là bản dịch tiếng Pháp TOB (Traduction oecuménique de la Bible), khởi sự từ năm 1965 và được phát hành vào năm 1975-76.
[10] Ở cấp Trung ương, công cuộc đối thoại đại kết được giao cho Hội đồng Toà thánh cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu. Những uỷ ban tương đương cũng được thiết lập ở cấp địa phương (quốc gia hay giáo phận). Cũng nên biết là Toà thánh không phải là thành viên của Hội đồng đại kết các Giáo hội tại Geneve (nhưng chỉ là quan sát viên); tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, các giám mục cũng làm thành viên của Hội đồng các Giáo hội. Có sự khác biệt giữa hai cấp bậc: X. Kim chỉ nam về đối thoại đại kết (1993), số 170.
[11] Archdiocese of Baltimore, Valid / Invalid Baptism and Confirmation, (April 2011): http://www.archbalt.org/loader.cfm?csModule