Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

ĐỨC HY VỌNG: SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO CHO THẾ GIỚI HÔM NAY

Thời sự Thần học - số 69 tháng 8/2015, tr. 90-108

_Trần Như Ý Lan, CND_ 

  1. Nền tảng Kinh Thánh của đức Hy vọng.
  2. Hy vọng: nhân đức đối thần trong đời sống luân lý.
  3. Hy vọng trong y khoa và cuộc sống.
  4. Hy vọng của người tu sĩ.
Trước khi viết bài này vài ngày, tôi gặp cô bé bệnh nhân 15 tuổi, khuôn mặt em sáng như thiên thần, đã khóc òa sướt mướt khi biết mình bị ung thư máu. Làm nghề y, cứu sống con người giữa cơn thập tử nhất sinh cũng nhiều, nhưng tôi cũng đã nhiều lần bất lực nhìn bệnh nhân đau đớn sợ hãi đối diện với cái chết lù lù đi tới cách chắc chắn…Những ngày tháng này, khủng bố của nhà nước tự xưng Hồi giáo IS lan tràn, nhiều cư dân vùng Trung Đông bị tàn sát man rợ, phải bỏ quê nhà đi lang thang tìm nơi trú ẩn, con người hoảng sợ trước thế lực ác thần tưởng chừng như không thể bị khống chế. Cuộc sống hôm nay đong đầy những bấp bênh và thử thách, những đe dọa và khó khăn. Có biết bao nhiêu gia đình, cuộc đời đã tan vỡ bất hạnh, vì không tìm thấy một điểm tựa, một niềm tin nào cho tương lai cuộc sống, nhiều người trẻ không có việc làm, mất phương hướng sống, khủng hoảng môi sinh của hành tinh và khủng hoảng môi trường nhân bản đe dọa tương lai nhân loại…

Tôi nhớ câu chuyện một học giả thích ngụy biện đến gặp Socrates và đặt nhiều câu hỏi khó với mục đích làm cho nhà hiền triết xứ Hy Lạp này bối rối. Một trong các câu hỏi là: Trong các vật, vật gì vững bền nhất? Nhà hiền triết xứ Milet đã làm người học giả kia nín thinh với câu đáp: Hy vọng, vì khi con người mất hết, nó vẫn còn.

Trong bài phỏng vấn mới đây vào tháng 6/2015, linh mục Timothy Radcliffe, nguyên tổng quyền Dòng Đa Minh, nói rằng con người đang tìm kiếm niềm hy vọng. Thách đố lớn lao của thời đại chúng ta là khơi nguồn, thắp sáng niềm hy vọng. Bài viết này nhằm củng cố niềm hy vọng, khơi dậy nơi người Công giáo hôm nay trách nhiệm thắp sáng niềm hy vọng, và trước nhất, hãy là chứng tá sống động của niềm vui và hy vọng cho thế giới bất ổn và đau khổ quanh ta.

1. Nền tảng Kinh Thánh của đức hy vọng[1]


Kinh Thánh rất phong phú bày tỏ cho chúng ta biết niềm hy vọng, bảo chứng và con đường đưa chúng ta tới đích điểm của hy vọng.

Thiên Chúa hứa gì cho nhân loại?


Niềm hy vọng Thiên Chúa hứa cho con cái Ngài là điều thật lớn lao: trời mới đất mới. Chu kỳ bốn mùa trong đời sống, cái mới vẫn chỉ là lặp lại cái cũ: đông qua xuân về, năm cũ bước sang năm mới; Rồi ngày tháng qua đi, một lần nữa, năm mới lại thành năm cũ, vẫn mảnh đất này, vẫn bầu trời này. Tuy nhiên, đến ngày Thiên Chúa thực hiện lời hứa, trời đất, vũ trụ, thế giới nhân sinh sẽ trở thành cũ, như sách Khải huyền loan báo: “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang (Kh 21, 1-2). Thiên Chúa hứa chính Ngài sẽ lau sạch nước mắt chúng ta, sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì Ngài đổi mới mọi sự: “Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa ( Kh 21, 16). Thiên Chúa xác quyết: “Ðây là những lời đáng tin cậy và chân thật.” (Kh 21, 5).

Tuy nhiên, không phải mọi người đều được thừa hưởng trời mới đất mới, mà Thiên Chúa ra điều kiện: “Ai thắng sẽ được thừa hưởng hồng ân đó” (Kh 21, 7).

Thắng điều gì hay thắng ai? Dựa vào sức mạnh nào?


Thánh Phaolô giải nghĩa trong thư Rôma: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.” (Rm 8, 35). Như thế, thắng là thắng tất cả các thế lực nào đòi tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô. Thánh Phaolô kể các loại thế lực có thể mưu toan tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác” (Rm 8, 37). Chúng ta thắng không phải do sức mạnh của tình yêu chúng ta dành cho Đức Kitô nhưng do tình yêu của Đức Kitô dành cho chúng ta: “Nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8, 37). Thánh Phaolô xác tín: “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa…” (Rm 8, 38).

Ai, hay điều gì làm bảo chứng cho sự toàn thắng ấy? Đó chính là Thiên Chúa, Đấng đã trao nộp Con Một của mình vì chúng ta, và chính Đấng Giêsu Kitô, Đấng đã chết, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta (Rm 8, 31-32), và dẫn dắt chúng ta đến sự sống vĩnh cửu, nơi niềm vui đích thực không bao giờ lụy tàn: “Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ” (Kh 1, 17).

Con đường nào đưa tới chiến thắng?


Chính là con đường Đức Giêsu Kitô đã đi, con đường của hạt lúa gieo vào lòng đất: có chết đi nó mới sinh được nhiều hạt khác (Ga 12, 20-26). Con đường ấy chúng ta không đi một mình nhưng đi đằng sau Chúa Giêsu: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12, 26).

Lời mời gọi này vừa đáng vui vừa đáng sợ: “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”. Câu đầu đoạn Phúc âm nói: “đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” Nhưng sự tôn vinh lại đi qua cái chết khiến chính Chúa Giêsu đã phải than thở cùng các môn đệ: “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến”, xao xuyến đến không thể thốt nên lời: “Thầy biết nói gì đây?” Chúa Giêsu phó thác trong tay Chúa Cha. Và Chúa Cha lên tiếng xác nhận: “Ta đã tôn vinh danh ta và ta sẽ còn tôn vinh Ta nữa.” 

2. Hy Vọng: nhân đức đối thần trong đời sống luân lý


Hy vọng, tên gọi khác của đức cậy, là một nhân đức đối thần. Trong nhãn quan Kitô giáo, hy vọng luôn luôn là niềm cậy trông vào ơn cứu độ được Thiên Chúa hứa ban cho những ai tin vào Ngài, sống theo luật Ngài. Abraham vẫn tin vào lời hứa của Thiên Chúa rằng ông sẽ có con nối dõi. Dù bên ngoài là thực tế đầy thất vọng, không có dấu hiệu cụ thể nào ủng hộ ông cả: bản thân ông đã già, bà Sara vợ ông cũng thế. Thánh Phaolô diễn tả về Tổ phụ Abraham: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin; do đó, ông trở thành tổ phụ nhiều dân tộc” (Rm 4, 18). Tổ phụ Abraham được mãn nguyện vì Thiên Chúa thực hiện lời hứa nơi Isaac, được thanh luyện qua việc thử thách hiến tế Isaac (x. St 17,4-8; 22,1-18) (GLHTCG 1819). Abraham được gọi là Cha của kẻ tin.

Đức hy vọng không ảo tưởng mong chờ thiên đàng trần thế và loại trừ mọi khổ đau khỏi cuộc sống thế gian, nhưng là thái độ bình tâm đón nhận thử thách và đau khổ trần thế nhờ đức tin dựa vào chính Thiên Chúa, cắm rễ nơi Đức Giêsu Kitô (Dt 6,19-20), và vững mạnh nhờ Thánh Thần. “Ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng vì Ðấng đã hứa là Ðấng trung tín” (Dt 10,23). “Thiên Chúa tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Ðức Giê-su Ki-tô Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Như vậy, một khi nên công chính nhờ ân sủng Ðức
Ki-tô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời như chúng ta vẫn hy vọng” (Tt 3, 6-7) (x. GLHTCG 1817)

Thiên Chúa là lý do và đối tượng chính yếu của Đức cậy. Đức cậy cắm rễ sâu vào Thiên Chúa, Đấng đã phục sinh Chúa Giêsu từ cõi chết, Ngài sẽ chiến thắng sự chết và quyền lực của nó. Do đó Đức cậy mang lại niềm vui sâu thẳm ngay giữa thử thách gian truân: “Hãy vui mừng trong hy vọng, kiên nhẫn khi gặp gian truân” (Rm 12, 12). Đức cậy hướng đến hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời, cho nên “bảo vệ chúng ta khỏi sự nản chí, nâng đỡ khi bị bỏ rơi, mở rộng trái tim bằng sự mong đợi vinh phúc vĩnh cửu, gìn giữ chúng ta khỏi tính ích kỷ và đưa chúng ta đến với vinh phúc của đức mến” (GLHTCG 1818). 

Đức hy vọng trong các mối phúc


Niềm hy vọng Kitô giáo được triển khai ngay trong bài giảng đầu tiên về các mối phúc của Ðức Giêsu. Các mối phúc hướng niềm hy vọng của chúng ta lên Nước trời như hướng về Trời mới đất mới. Để đạt được Trời mới Đất mới, các môn đệ của Ðức Giêsu phải vượt qua những thử thách (GLHTCG 1820). Trong buổi tiếp kiến 9.000 tín hữu và du khách hành hương ngày 6 tháng 8 năm 2014, Đức thánh cha Phanxicô đã nói rằng các mối phúc thật là luật mới của giao ước do Chúa Kitô thiết lập. Đó là lối sống của Người và là con đường dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu, mà với ơn thánh chúng ta có thể bước theo Người. Đức thánh cha Phanxicô nhấn mạnh: “Các mối phúc thật là con đường Thiên Chúa chỉ ra cho chúng ta như là câu trả lời cho ước mong hạnh phúc trong tâm hồn con người. Các mối phúc thật kiện toàn các điều răn của Cựu ước.” Đặc biệt hai mối phúc: mối phúc thứ hai và thứ tám. Mối phúc thứ hai trong Mt 5, 4: “Phúc thay ai khóc than, vì sẽ được an ủi.” Mối phúc thứ tám: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Mt 5, 10-12)

Ý nghĩa của đau khổ và sự chết – Người Kitô hữu trước đau khổ gian nan


Nhiều người bị khuất phục và đè bẹp bởi một cái chết bị tước đoạt hết mọi viễn tượng của ý nghĩa và hy vọng. Đức Gioan Phaolô II từng nhận định môi trường văn hóa sự chết ngày nay không nhận thức được gì về giá trị hay ý nghĩa của đau khổ, xem đau khổ như là hình ảnh tiêu biểu của sự dữ phải loại bỏ với mọi giá (x. Evangelium Vitae 15). Một nhãn quan Ki tô giáo là cần thiết để có một hiểu biết tích cực về mầu nhiệm đau khổ và sự chết và từ đó khơi lên niềm hy vọng.

Là người, ai cũng mong muốn hạnh phúc. Bổn phận làm người phải đóng góp xây dựng thế giới tốt đẹp hạnh phúc hơn. Thế nhưng đau khổ và sự chết là hai vấn nạn không tránh khỏi của phận người. Điều làm nên ý nghĩa đời sống là thái độ đón nhận đau khổ của ta như thế nào. Tình yêu tột cùng trên thập giá của Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta sống mọi đau khổ như Ngài và trong Ngài. Chúng ta sống được điều này, nếu biết rằng mọi đau khổ của con người là một hình bóng đau thương của Đức Giêsu. Chính trong đau khổ mà ta có được cảm nghiệm về Thiên Chúa làm người. Nếu bệnh nhân xem bệnh tật của mình như một tai ương hay như một án phạt của Thiên Chúa, ắt hẳn sẽ có một cảm nghiệm tiêu cực cả về Thiên Chúa lẫn cơn bệnh. Nhưng nếu xem nó như một cơ hội đưa ta vào một phương thế sống khác hơn và tốt hơn, thì sẽ có một hình ảnh khác về Thiên Chúa. Đau khổ như một phương thế để phong phú hóa đời sống làm người. Nếu Thiên Chúa để cho ta chịu gian nan đau khổ cũng chỉ vì những điều tốt đẹp phát xuất đàng sau những đau khổ đó. Nếu chúng ta kết hiệp nỗi đau khổ riêng mình với đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá, thì đau khổ có thể đưa ta đến gần chúa Giêsu hơn. Đấng đã trải qua các đau thương của phận người. Qua đau khổ, ta cảm nghiệm được sức mạnh và tình yêu của Ngài, và chia sẻ với cuộc thương khó của Chúa, là một cách Chúa cho ta được hiệp thông trong chương trình cứu độ của Ngài.

Trong cơn sầu khổ, nhiều lúc chúng ta cảm thấy như Chúa quên lãng, bỏ rơi ta rồi? Dường như Chúa đi đâu vắng trong lúc ta thật là cần đến Ngài. Giữa những lúc ngặt nghèo về vật chất hay tinh thần, ta khẩn xin Chúa đừng để chuyện này xảy đến cho ta. Nhưng chuyện vẫn xảy ra. Nhiều lúc ta cảm thấy thất vọng ê chề thậm chí than trách Chúa. Câu chuyện sau đây khiến ta phải suy nghĩ:
Ðêm nọ, có một người thấy một giấc mơ lạ. Anh ta thấy mình đang đi trên bãi biển với Chúa. Nhìn lên bầu trời, anh thấy những cảnh sống trong đời mình được chiếu lên. Trong mỗi cảnh sống trong đó, anh ta thấy có hai đôi dấu chân in trên cát, một đôi của anh, còn đôi kia của Chúa. Khi cảnh cuối cùng trên đời anh chấm dứt, anh nhìn lại những dấu chân đã in trên cát và anh nhận thấy rằng, rất nhiều lần trong cuộc đời anh, anh thấy chỉ có một đôi dấu chân mà thôi. Anh cũng để ý và thấy rằng đó chính là những lúc cuộc đời anh xuống thấp nhất, với thời gian buồn chán đau khổ nhất. Anh hoang mang hỏi Chúa: “Thưa Chúa, Chúa đã nói rằng một khi con quyết định theo Chúa thì Chúa sẽ cùng bước đi với con suốt mọi chặng đường của đời con. Nhưng con nhận thấy rằng, trong những giai đoạn rối ren nhất của đời con, chỉ vẻn vẹn có đôi chân của con mà thôi. Con không hiểu tại sao những lúc con cần đến Chúa hơn cả lại chính là lúc Chúa từ bỏ con.” Chúa ôn tồn trả lời: Hỡi con yêu dấu, ta yêu thương con và không bao giờ lìa bỏ con đâu. Trong những thời gian thử thách nhất, khi con thấy chỉ có một đôi dấu chân, đó chính là lúc Ta bồng ẵm con trên tay Ta. Dấu chân trên cát lúc ấy là của chính Ta chứ không phải của con đâu.[2]
Vậy những ai sầu khổ, hãy nhớ lời Chúa Giêsu dạy: “Ta chẳng lìa con, chẳng bỏ con bao giờ” (Dt 13,5). Như vậy, như tác giả thánh vịnh, ta có thể thốt lên: “Chúa hằng hữu bênh vực tôi, tôi còn sợ loài người làm chi tôi nữa” (Tv 118, 6). Khi ta cảm thấy cô đơn lẻ loi, hãy nhìn cho kỹ sẽ thấy chỉ còn có đôi chân của Chúa trên bãi cát của cuộc đời ta, vì Chúa đang bồng ẵm ta trên tay Ngài.[3]

Thật ra, Thiên Chúa chẳng bao giờ muốn có sự đau khổ, mà Ngài muốn sự sống của con người: một sự sống triển nở ngay trong những đau khổ. Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài đến thế gian để cho con người được sống và sống dồi dào, nhưng để đạt được hạnh phúc đích thực, mỗi người phải vác thập giá của mình và bước theo Chúa Giêsu.

Chính Đức Kitô, để chiến đấu và chiến thắng những cơn cám dỗ, đã phải ăn chay suốt 40 ngày trong hoang mạc, hầu đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa và Lời quyền năng của Ngài. Cũng thế, để có một Đất hứa chan hòa sữa và mật, dân Israen đã phải nằm gai nếm mật suốt 40 năm trường trong sa mạc. Cũng vậy, thế giới có nhiều người thành đạt xuất thân nghèo nàn đói rách, anh chàng khuyết tật Nick đã phải phấn đấu với bao thử thách từ trong chính tâm hồn tới xã hội chung quanh, chiến thắng những cơn cám dỗ thất vọng muốn tự tử khi biết lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa để vươn mình lên, đứng vững và thăng tiến.

Đức thánh cha Bênêđictô XVI đã dùng lời của thánh Phêrô tông đồ để nói với chúng ta về việc canh tân và củng cố đức tin trong Tự Sắc Porta Fidei của Ngài:
Anh em sẽ được hớn hở vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người (1 Pr 1, 6-9).
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã kết thúc văn kiện như sau:
Các Kitô hữu cảm nghiệm niềm vui và đau khổ. Biết bao vị thánh đã từng trải qua nỗi cô đơn! Biết bao tín hữu, kể cả ngày nay, bị thử thách vì Thiên Chúa vẫn im lặng trong khi họ muốn được nghe lời Người an ủi! Những thử thách của cuộc sống, đang khi giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm Thập giá và dự phần vào đau khổ của Chúa Kitô (x. Cl 1, 24), là khúc dạo đầu cho niềm vui và hy vọng mà đức Tin dẫn đến: “Khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ” (2 Cr 12, 10). Chúng ta vững vàng tin tưởng mạnh mẽ Chúa Giêsu đã chiến thắng cái ác và sự chết. Với niềm tín thác, chúng ta trao phó bản thân cho Chúa: Chúa hiện diện giữa chúng ta và chiến thắng quyền lực của ác thần (x. Lc 11, 20) và Giáo hội, cộng đoàn hữu hình của lòng Chúa thương xót, ở lại trong Chúa như dấu chỉ giao hòa rõ rệt với Chúa Cha.
Trong bài giảng Thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: thái độ người Kitô hữu không phải “tìm vui trong khổ đau” khi đối mặt với gian truân, nhưng phó thác vào Chúa với niềm tin và hy vọng. Khi Thánh Phaolô chịu bách hại, bất chấp khó khăn thử thách, ngài vẫn kiên vững trong đức tin và khuyến khích những người khác hy vọng nơi Chúa. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng để vào Nước Thiên Chúa, con người phải “trải qua những thời kỳ đen tối và khó khăn”. Các Kitô hữu đối diện với gian truân với lòng can đảm, chống lại ma quỷ thế gian này, là kẻ cố gắng tách chúng ta khỏi “lời của Chúa Giêsu, khỏi niềm tin, khỏi hy vọng.” Đức Thánh Cha phân tích “chịu đựng những gian truân” là một cụm từ đã được thánh tông đồ Phaolô sử dụng thường xuyên. Động từ “chịu” có một nghĩa mạnh hơn là kiên nhẫn, nó có nghĩa là mang vác trên vai của mình gánh nặng của gian truân. Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta: ‘Hãy can đảm lên tại những thời khắc như thế... Thầy đã chiến thắng thế gian, anh em cũng sẽ là những người chiến thắng’. Chỉ có Chúa “là có khả năng ban cho chúng ta sức mạnh, để cho chúng ta kiên trì trong đức tin, để cho chúng ta hy vọng”. Đức Thánh Cha nhận định khi một người hoàn toàn tín thác vào Chúa – người ấy có thể chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ thất vọng. Gian truân làm cho chúng ta đau khổ, nhưng niềm tin nơi Chúa đem lại cho chúng ta hy vọng; và điều này dẫn đến bình an. Như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an cho anh em”. Tuy nhiên, bình an Chúa hứa ban cho chúng ta “không phải là hòa bình, không phải một trạng thái an nhiên đơn giản của tâm hồn”, nhưng là một sự bình an “đi vào bên trong tâm hồn chúng ta, một sự bình an ban cho chúng ta sức mạnh, củng cố những gì ngày hôm nay chúng ta đang kêu cầu cùng Chúa, đó là đức tin và niềm hy vọng của chúng ta.”[4]

3. Hy vọng trong y khoa và cuộc sống


Tác giả David Suzuki nhận xét đúng đắn rằng khi thấy bị đe dọa, chúng ta sẽ tự cô lập bản thân và tập trung vào việc khôi phục cảm giác an toàn. Một số người cố gắng giảm bớt lo âu bằng cách ra sức làm giàu, tìm kiếm niềm vui trong của cải danh vọng. Nhưng phương thế này thay vì đem lại cảm giác an toàn và hạnh phúc, thì lại càng làm tăng cảm giác bất an, họ lo sợ mất đi những gì đạt được.[5]

Khi mới ra trường, làm ở bệnh viện Lê Lợi, một lần bệnh nhân nam 16 tuổi nói với tôi: “bác sĩ ơi, bác sĩ hay cười làm cho em thấy rất vui, chỉ cần nhìn bác sĩ cười là em thấy khỏe nhiều.” Đúng là trong y khoa, tâm lý góp phần quan trọng trong điều trị. Bệnh nhân lạc quan tích cực sẽ đáp ứng tốt với điều trị.

Lo âu, Stress ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?


Nguyên lý gây bệnh từ stress

Trung tâm não có hạch hạnh nhân (amygdala) là nơi xử lý các cảm xúc của con người và giúp người ta có thích nghi với những kích thích khác nhau. Khi hạch hạnh nhân nhận dạng căng thẳng hoặc nguy hiểm, sẽ lập tức gửi tín hiệu báo động đến vùng não dưới đồi (hypothalamus), nơi đóng vai trò như một trung tâm chỉ huy.

Stress gây bệnh cho tim, thận

Vùng não dưới đồi điều động hệ thần kinh truyền tin tới tuyến thượng thận. Tuyến này phản ứng bằng cách tăng tiết adrenaline vào máu khiến tim đập nhanh hơn, các mạch máu ở tim bóp chặt khiến việc bơm máu khó khăn, dẫn đến tăng áp huyết và bệnh thận.

Stress ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, trí não làm giảm trí nhớ, trầm cảm

Khi bị stress, hoạt động của dạ dày bị hạn chế, thức ăn ít được phân hủy gây chướng hơi đầy bụng, và thiếu hấp thu dưỡng chất. Nhiều trường hợp stress gây viêm loét dạ dày. Tất cả những thay đổi hormone có thể làm tăng lượng cholesterone trong cơ thể gây rối loạn khẩu vị, thèm ăn và tăng cân, tiểu đường. Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Yale ở Hoa Kỳ, vòng bụng của phụ nữ tích tụ mỡ do ảnh hưởng stress gấp bốn lần so với các vùng khác của cơ thể. Đó là do để đối phó với stress, tuyến thượng thận sản sinh thêm chất cortisol- loại hormone làm cho cơ thể tăng tích trữ mỡ, đặc biệt ở vùng eo. Stress cũng có thể gây những thay đổi tiêu cực đối với não, làm tổn hại đến chu kỳ ngủ khiến trí nhớ bị suy giảm, đau đầu, chóng mặt, choáng váng. Stress mãn tính dẫn đến nguy cơ bị trầm cảm.[6]

Ở một số cơ quan khác: stress kích thích các tuyến nhờn hoạt động mạnh làm da trở nên thô ráp, nổi mụn, nhanh lão hóa. Adrenaline làm các cơ bắp căng cứng, lưng và cổ bị đơ cứng, đau nhức. Khi thần kinh suy sụp, hoạt động của hệ miễn dịch trở nên kém hiệu quả, gây giảm sức đề kháng bệnh tật, một số bệnh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát như ung thư. Sau hết, stress còn làm giảm khả năng tình dục.

Stress tưởng như không quan trọng vì không gây tử vong, nhưng thực tế có thể ảnh hưởng toàn thân, làm tổn hại cả sức khỏe thể lực và sức khỏe tinh thần. Nó làm suy giảm khả năng tư duy, trí nhớ, khả năng tự kiểm soát, phán đoán. Tuy không trực tiếp gây tử vong, nhưng trong lúc chán chường, tuyệt vọng, đã có trường hợp stress khiến người ta tự sát.

Như thế, stress phải được điều trị kịp thời và đúng đắn. Chủ yếu là tự điều trị, cần quyết tâm của mình là chính và hạn hữu mới dùng thuốc, vì đa số thuốc làm dịu có thể gây ra sự phụ thuộc thuốc (nghiện) và một số hiệu quả phụ. Có thể tự giúp mình bằng cách như khi căng thẳng, tiết chế tình cảm, kiểm soát cơn giận, lấy lại tinh thần lạc quan bằng cách thư giãn lành mạnh với bạn bè, tập hít thở sâu, tập thể dục thể thao, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý…. Người bệnh không nên quá lo lắng về bệnh tật và hãy tự nhủ: sẽ khỏi nếu mình quyết tâm. Phân định nguyên nhân gây stress với cách nghĩ tích cực để loại trừ. Khi cần hãy chia sẻ tâm tình với bạn thân, người thân hoặc người linh hướng, tư vấn để tìm sự lắng nghe thông cảm. Cố gắng hòa nhập vào cộng đồng, tham gia vào việc công ích. Tập thể dục đều đặn như đi bộ nhanh, chạy cự ly dài, bơi… và chơi các môn thể thao đối kháng như cầu lông, bóng bàn. Hàng ngày, đặt những mục tiêu cụ thể ở nhà và ở nơi làm việc để thực hiện, theo ưu tiên cần thiết. Điều chỉnh chế độ ăn uống là một biện pháp quan trọng để chống stress, cần bảo đảm đủ các vitamin nhóm D, B và các nguyên tố vi lượng vì khi bị stress, cơ thể sinh ra một lượng lớn hormone và để sản xuất ra chúng đã làm tiêu hao nhiều vitamin và vi chất. Hạn chế trà, cà phê và các chất kích thích khác, nhất là rượu. Ngủ điều độ, đúng giờ, đủ thời gian. Chiêm niệm, yoga là những phương pháp tĩnh tâm, thư giãn để chống stress.[7]

Lâu năm trong nghề y, tôi có nhiều kỷ niệm khó quên, cách riêng về sống niềm vô vọng và hy vọng.

Nhiều lần tôi gặp các bệnh nhân từ tỉnh lên với chẩn đoán chẳng hạn u nang buồng trứng, bệnh nhân lo lắng mất ngủ, sụt vài ký trong vòng một tuần. Đến khi tôi khám không phát hiện gì, giải thích cho bệnh nhân đó chỉ là nang chức năng (kyste fonctionnel) đã tự hết, bệnh nhân cười vui và nói thấy khỏe hẳn. Nhiều khi chỉ một lời giải thích mà giãi tỏa hẳn cơn căng thẳng lo âu bệnh tật nơi bệnh nhân.

Một lần tôi khám cho cô gái 21 tuổi, mang thai tháng thứ năm mà không hề hay biết. Cô ấy khóc tức tưởi và đòi phá thai khi biết tin. Cô kể rằng nhà nghèo, đi giúp việc rửa chén bát cho một quán phở. Một đêm về cô bị hãm hiếp tập thể bởi một nhóm ba người thanh niên. Tôi chỉ cho thai phụ hình ảnh thai nhi 5 tháng trên siêu âm, hình ảnh bé co duỗi tay chân thân mình, tay sờ vào cuống rốn, miệng ngáp … để gợi lên tình mẹ con. Tôi giải thích Cô đã là nạn nhân của bạo lực, nếu bây giờ cô phá thai, thì cô lại đi vào tình huống kẻ bạo lực giết đứa con vô tội yếu ớt của mình. Tôi hứa sẽ chăm sóc cho cô ấy, lo nơi chốn ăn ở trong suốt thời gian mang thai, sinh xong sẽ tùy cô ấy quyết định giữ lại nuôi hay cho con. Tôi kể cho cô ấy rằng tôi đã từng giúp nhiều ca mẹ đơn thân mang thai muốn phá, nhưng sau đó với sự giúp đỡ của tôi, họ đồng ý không phá thai, bây giờ có vài cô may mắn được hạnh phúc …Và cuối cùng, cô gái 21 tuổi ấy chẳng những không phá, mà sau khi sinh con xong, lại thấy yêu thương đứa con bé bỏng vô tội và giữ lại nuôi dưỡng. Như thế, mỗi người chúng ta có trách nhiệm đem lại niềm hy vọng cụ thể thiết thực cho tha nhân.

Khi đang còn là sinh viên y khoa năm thứ tư, cô giáo dạy tôi tim mạch, cũng là chị ruột của bạn cùng khóa y với tôi, đang họp cùng ban bác sĩ người Pháp lẫn người Việt, đều là chuyên khoa tim mạch tại viện tim, thì bị đột quỵ do tai biến mạch máu não, hôn mê sâu. Tiên lượng nếu không mổ thì chắc chắn chết, còn mổ thì hy vọng cũng rất mong manh. Hội đồng y khoa ở viện tim quyết định mổ. “Còn nước còn tát”, châm ngôn của y khoa. Sau phẫu thuật, cô giáo tôi tiếp tục hôn mê bốn ngày rồi qua đời, mà không hề tỉnh lại giây phút nào. Cả nhà cô, bốn chị em đều là bác sĩ, chồng cũng là bác sĩ, bản thân cô là bác sĩ tim mạch, đang họp cùng các chuyên viên hàng đầu về tim mạch của Việt Nam, mà cô lại chết vì bệnh lý tim mạch lúc tuổi đời mới 49. Cả lớp tôi, thậm chí cả trường tôi bàng hoàng vì sự ra đi đột ngột của cô. Tuy y khoa ngày nay có những bước tiến khổng lồ, tôi cũng cảm nghiệm sâu xa về sự bất lực của y khoa trong một số trường hợp. Đúng là càng học y khoa, tôi thấy mình càng cần đến Chúa là cứu cánh, là niềm hy vọng cuộc đời, khi khoa học bất lực trước cái chết.

Một lần trực cấp cứu, bệnh nhân hơn 60 tuổi hôn mê sâu vì lụt máu não thất do vỡ mạch máu não, tiên lượng nặng, quá khả năng phẫu thuật, thời gian sống còn tính bằng từng ngày, từng giờ. Người nhà bệnh nhân năn nỉ tôi: “bác sĩ cố gắng cứu mẹ chúng tôi tỉnh lại khoảng năm phút thôi, năm phút thôi để bà nói chỗ bà cất giấu vàng, nhà chúng tôi không ai biết cả.” Tôi nhớ câu chuyện Thiên Chúa mắng ông phú hộ lo xây kho lẫm tích trữ lúa gạo và của cải để mong ăn uống vui chơi dư xài nhiều năm: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (x. Lc 12, 16-21). Đúng là một số người nghĩ rằng mình còn sống lâu, nên chưa dự tính chuẩn bị gì cho lần ra đi cuối cùng của cuộc đời.

Một lần trực ngày Chúa Nhật tại bệnh viện, tôi cấp cứu một bệnh nhân nam, nhập viện vì khó thở và đau ngực dữ dội. Gia đình tận ngoài Bắc, bệnh nhân một mình đi vào miền Nam kiếm sống, không ngờ trên đường xe đò từ Sài Gòn về Vũng Tàu thì xảy ra khó thở. Chẩn đoán là suy hô hấp, tràn khí màng phổi do vỡ các hang lao trong phổi, tiên lượng nặng khó hồi sức vì các hang lao đã gậm nhấm hết hai lá phổi. Được báo tin là không thể qua khỏi, bệnh nhân đã nói một câu mà tôi không thể quên được: “Bác sĩ cố gắng cứu cho tôi sống thêm một giờ nữa, một giờ nữa thôi để tôi suy gẫm về cuộc đời mình.” Tôi đã rút khí trong màng phổi dẫn lưu để bệnh nhân bớt khó thở. Vì người bệnh là công giáo, tôi nhờ người mời cha xứ gần bên đến cho bệnh nhân chịu bí tích Xức dầu và rước Mình Thánh Chúa. Cả đêm hôm đó, tôi ngồi cạnh bệnh nhân để rút khí liên tục. Sáng hôm sau, bệnh nhân chết trong an bình. Vì bệnh nhân nghèo, tôi xin Công trình đô thị lo mai táng bệnh nhân và báo tin cho gia đình ngoài Bắc.[8] Là bác sĩ, về mặt y khoa, tôi đã thất bại trong việc cứu sống bệnh nhân, nhưng bệnh nhân cũng đã nhận thức được tình trạng bệnh của mình vượt quá khả năng cứu chữa của y học, biết mình sắp chết. Ông không trông mong việc chữa lành (cure), nhưng là sự chăm sóc (care), được đối xử với lòng thương xót và được lắng nghe. Tôi giúp bệnh nhân vào những giây phút cuối đời ra đi với niềm bình an hy vọng, với lời Chúa Giêsu nói với riêng mỗi người: ‘Ta là Sự Sống lại và là Sự Sống. Ai tin Ta sẽ không chết bao giờ” (Ga 11, 25). 

4. Hy vọng của người tu sĩ


Tôi nhớ về khởi đầu ơn gọi tu trì của mình, khi ấy đã là bác sĩ năm năm làm việc tại bệnh viện. Lúc ban đầu tôi rất phân vân và ray rức. Một đàng tôi nhận thấy lập gia đình với người mình thương và thương mình thật hạnh phúc và quyến rũ, một đàng khi đối diện với cái chết hàng ngày của các bệnh nhân, tôi thấy lòng thao thức, khao khát đi tìm điều chi đó vĩnh cửu, hay Đấng là vĩnh cửu. Sau khi phân định và quyết định chọn đời tu, chia sẻ với vài bạn bè thân là bác sĩ, ai cũng phản đối, ngay cả nhỏ bạn thân nhất cũng trách móc: “ Mi là đứa con bất hiếu, ba mạ mi khổ công nuôi mi ăn học thành bác sĩ rồi bây chừ mi bỏ tất cả mà đi tu!” Tôi không có bạn thân là công giáo, có một cô y tá làm việc chung là Tin lành, cô ấy phản ứng khi biết ý định đi tu của tôi: “Em nghĩ Bác L. đi tu không được, con người Bác L. tình cảm quá!” Nhưng sau đó khoảng một tháng, thì cô ấy lại nói với tôi “ Em nghĩ Bác đi tu được, vì sau khi Bác quyết định đi tu, em thấy Bác luôn vui, bình an thanh thản!” Khi ấy, tôi mới chập chững trên đường thiêng liêng, và chị y tá ấy vô tình cho tôi bài học về dấu chỉ người tu sĩ đích thực: vui tươi và bình an thanh thản. Vâng, tôi vui và bình an vì tôi đã đặt tất cả hy vọng của đời tôi vào Thiên Chúa, tôi cảm nghiệm được Thầy Giêsu luôn cùng đi với tôi trong mọi biến cố buồn vui cuộc đời, Thiên Chúa tưởng như xa nhưng cũng rất gần gũi với tôi.

Trong thánh lễ khai mạc Năm Đời sống Thánh hiến, Đức thánh cha Phanxicô khích lệ và đề cao bậc sống tu trì, qua việc sẵn sàng “vất bỏ tất cả để bắt chước Đức Kitô”, Ngài nhắc nhở các tu sĩ “Hãy lay động thế giới! Hãy chiếu sáng thế giới bằng chứng tá ngôn sứ của mình.” Đức Thánh Cha cũng đưa ra ba từ khóa để sống đời thánh hiến: vui tươi; can đảm và hiệp thông. Vui tươi để cho thấy sự theo Chúa và sống Tin Mừng tràn ngập tâm hồn. Can đảm trong việc yêu mến Chúa và trao gửi nơi Ngài tất cả niềm tin yêu hy vọng của mình. Hiệp thông trước hết phải được đâm rễ trong mối tương quan cá vị với Thiên Chúa để trở nên những người xây dựng nước Trời tại thế qua việc thực thi tình tương tương ái đối với người nghèo khổ.[9]

Kết


Đại hội Thánh Thể sẽ được tổ chức tại Philippines vào tháng 1 năm 2016 và chủ đề của đại hội là niềm hy vọng. Tổng Giám Mục José Rodriguez Carballo, O.F.M., Thư Ký Bộ Đời sống Thánh hiến, trong bài nói chuyện cho tu sĩ tại Giêrusalem (22/4/2015) nhân dịp Năm Đời sống Thánh hiến đã nói rằng : “Đời sống Thánh hiến: vượt qua hiện tại gian khổ với lòng say mê và hướng về tương lai với niềm hy vọng.” Vâng, thế giới này, con người hôm nay cần biết bao chứng tá của niềm hy vọng, và thể hiện của niềm hy vọng là niềm vui sâu thẳm vì biết mình đã cắm rễ sâu đời mình trong Thiên Chúa quyền năng và yêu thương.
___
[1] Tư tưởng đoạn này chủ yếu từ bài giảng của Cha Giuse Nguyễn Công Đoan, trong thánh lễ an táng Cha Giuse Khuất Duy Linh, 2014.
[2] Những Dấu Chân, https://www.catholic.org.tw/vntaiwan/giotnuoc/giot37.htm
[3] Những Dấu Chân, https://www.catholic.org.tw/vntaiwan/giotnuoc/giot37.htm.
[4] x. Đặng Tự Do, “Bài giảng tại Santa Marta: Kitô hữu không phải là những người tìm vui trong đau khổ nhưng chấp nhận khổ đau vì họ có niềm hy vọng,” 5/5/2015, http://vietcatholic.org/News/Html/137390.htm.
[5] David Suzuki, “Những giá trị của Niềm hy vọng và Hạnh phúc”, http://vietdaikynguyen.com/v3/63845-nhung-gia-tri-cua-niem-hy-vong-va-hanh-phuc/
[6] Hải Yến, “Stress gây hại đến cơ thể như thế nào?”
http://www.skcs.vn/suc-khoe/stress-gay-hai-den-co-the-nhu-the-nao.htm
[7] “Tác hại của stress”, http://medelab.vn/th%C3%B4ng-tin-s%E1%BB%A9c-kh%E1%BB%8Fe/t%C3%A1c-h%E1%BA%A1i-c%E1%BB%A7a-stress.aspx.
[8] Thời đó vào những năm nửa cuối thập niên 90, đất nước còn rất khó khăn, gia đình bệnh nhân ngoài Miền Bắc không thể vào nhận xác.
[9] Khai mạc Năm Đời sống Thánh hiến tại Rôma, http://vietcatholic.org/
News/Html/133063.htm