Thời sự Thần học - số 69 tháng 8/2015, tr. 11-35
_Phan Tấn Thành_
I. Kinh Thánh
A. Cựu Ước
B. Tân Ước
II. Lịch sử thần học: những lối tiếp cận
A. Thánh Tôma Aquinô
B. Công đồng Vaticanô II
III. Suy tư thần học
A. Bản chất đức hy vọng
B. Vài đặc tính
C. Những tội trái nghịch đức hy vọng
Kết luận
Việc đối chiếu từ ngữ giữa tiếng Latinh, tiếng Pháp và tiếng Việt, giúp chúng ta có một khái niệm về những ý nghĩa súc tích khi tiếp xúc với bản văn Kinh Thánh. Các từ spes (danh từ) và sperare tiếng La-tinh tương đương với elpis (danh từ) và elpizo (động từ) của tiếng Hy lạp, nhưng lại không có sự tương đương như vậy trong tiếng Do thái. Nói đúng hơn các dịch giả bản LXX đã dùng danh từ elpis dịch 28 từ khác nhau trong tiếng Do thái, trong đó quan trọng nhất là ba từ: quawah (trông chờ, mong đợi, kiên nhẫn, gốc bởi qaw: sợi dây của thợ nề), jahal (chờ đợi), batah (tín thác, tin tưởng).
Bên cạnh việc liệt kê các từ ngữ, chúng ta cũng nên lưu ý đến cách sử dụng chúng. Trong văn chương Hy lạp cổ điển, elpis không mang nghĩa tôn giáo, còn trong tiếng Do thái, trong số 146 đoạn bàn về hy vọng, chỉ một nửa mang ý nghĩa tôn giáo. Nói tóm lại, “hy vọng” không hẳn là một “nhân đức” (bởi vì có thể là một tâm trạng), lại càng không phải là một nhân đức “hướng Chúa”. Tuy nhiên, trong bài này, chúng tôi muốn giới hạn vào việc khảo sát hy vọng như một nhân đức dựa theo truyền thống thần học Kitô giáo. Chúng tôi sẽ trình bày 3 điểm: 1/ Kinh Thánh. 2/ Lịch sử thần học. 3/ Suy tư.
I. Kinh Thánh
Như vừa nói, hy vọng có thể nhìn như là một tâm tình tự nhiên hoặc như một nhân đức; đây là một sự phân biệt đầu tiên cho thấy những khía cạnh khác nhau của từ ngữ. Ngoài ra, chúng ta còn có thể thêm một sự phân biệt khác nữa, đó là: khía cạnh “chủ thể” và khía cạnh “khách thể” của hy vọng. Khía cạnh “chủ thể” (spes qua) nói lên những thái độ tâm tình, chẳng hạn như: trông mong, đợi chờ, tin tưởng (hy vọng là gì? thế nào là hy vọng?); khía cạnh “khách thể” (spes quae) ám chỉ những đối tượng của niềm hy vọng (hy vọng cái gì?). Tuy hai khía cạnh liên hệ chặt chẽ với nhau, nhưng sự phân biệt này giúp cho sự trình bày được rõ ràng hơn[1].
A. Cựu Ước
1/ Khía cạnh chủ thể
Hy vọng là một thái độ tự nhiên của con người. Tác giả sách Gióp nhận xét rằng: “nếu thiếu niềm hy vọng thì con người không thể nào sống nổi” (G 17,15; 14,7-10). Nói chung, hy vọng là một tâm tình chờ đợi một điều sẽ tới trong tương lai, và nắm chắc là sẽ đạt được. Dựa vào đâu mà ta tin tưởng như vậy? Đâu là động lực của hy vọng?Sách Châm ngôn cảnh giác con người hãy thận trọng, biết đặt hy vọng cho đúng chỗ (Cn 23,17; 26,12; 34,1). Kinh Thánh đã cho ta thấy những mối hy vọng tiêu cực, sai lầm. Thật vậy, hy vọng bị coi là “hão huyền” khi đặt lòng tin tưởng vào sức mạnh (Hs 10,13; Is 31,1; Gđt 9,7), tiền bạc (G 32,14; Cn 28; Tv 49,6), hoặc các ngẫu tượng (Kn 13,10; Kb 2,18; Is 47,13-15). Nguy hơn nữa, ông Giêrêmia tuyên bố rằng niềm tin tưởng vào đền thờ cũng là hão huyền khi niềm tin tưởng ấy có tính ma thuật hơn là tuân theo ý Chúa (Gr 7,4-10). Những thứ hy vọng ấy sớm tan ra mây khói (Cn 10,28; 11,7). Ông Gióp mỉa mai rằng kẻ bất nhân chỉ có một mối hy vọng duy nhất là tắt thở (G 11,20).
Hẳn nhiên, niềm hy vọng chân thật duy nhất là Thiên Chúa: duy có Ngài là núi đá vững bền (Is 26,4; Tv 18,2; Đnl 32,3), là chốn nương náu trú ẩn cho con người (Tv 91,9; 94,22; 62,8). Chỉ có Thiên Chúa mới là hy vọng cho con người (Tv 71,5), cho toàn dân (Tv 65,6; Gr 14,8).
2/ Khía cạnh khách thể
Người Hy lạp quan niệm rằng Thượng đế không can thiệp vào sự vận hành của thế giới. Người Do thái thì ngược lại: họ thâm tín rằng Thiên Chúa không chỉ dựng nên vũ trụ, nhưng còn điều khiển dòng lịch sử, cách riêng Ngài đã thiết lập giao ước với dân tộc. Lịch sử này có một khởi điểm (bắt đầu) và một đích điểm (kết thúc): đích điểm không có nghĩa chấm dứt (ngưng hoạt động), nhưng là đạt tới cứu cánh.Khởi đầu của lịch sử cứu độ là sáng kiến của Thiên Chúa, Ngài hứa sẽ ban hạnh phúc cho con người. Lời hứa này được thực hiện cách tiệm tiến: Thiên Chúa thực hiện lời đã hứa. Nhưng chính lúc thực hiện thì Ngài lại hứa thêm nữa, khơi lên niềm hy vọng nơi con người. Rồi cứ thế, lịch sử cứu độ là sự căng thẳng (giằng co) giữa điều đã xảy ra và điều sẽ xảy ra. Sự giằng co này được các nhà nghiên cứu Kinh Thánh đặt tên là: “rồi mà chưa” (already and not yet, déjà et pas encore): “thần học hy vọng” là như thế.
Một cách cụ thể, người ta ghi nhận năm giai đoạn chính trong lịch sử Cựu ước xét về đối tượng của hy vọng. Chung quy, đối tượng của hy vọng là hạnh phúc, nhưng có sự tiến triển về quan niệm hạnh phúc: từ những thực tại cụ thể dưới đất cho đến những thực tại trên trời, và cuối cùng chính Thiên Chúa mới là hạnh phúc đích thực. Các giai đoạn tiến triển có thể tóm lại như sau: a) Abraham; b) Môsê; c) Đavit; d) Ngôn sứ; e) Khải huyền[2].
a) Lịch sử giao ước mở đầu với tổ phụ Abraham (St 12,1-2). Ông nhận được lời Chúa hứa sẽ ban một miền đất và một hậu duệ. Lời hứa ấy được thực hiện phần nào nơi mảnh đất Canaan (St 12,5: 15,7) và người con là Isaác (St 17,19). Chỉ có thế thôi sao? Không, phần thưởng mà Chúa hứa còn lớn hơn nữa, bởi vì trước đó Ngài đã nói rằng phần thưởng rất lớn (St 15,1), và Ngài mời ông Abraham hãy nhìn xa hơn nữa, “hãy ngước mắt lên trời và đếm thử các vì sao xem có đếm nổi không” (St 15, 5).
b) Ông Môsê đã được Chúa gọi để thực hiện lời hứa với các tổ phụ về miền đất được ban làm gia nghiệp (Xh 6,7-8). Khi dân Israel vào đất Canaan, họ ý thức rằng đây là đất mà Chúa hứa ban. Tuy nhiên, họ nhận được lời mời hãy nhìn về một tương lai xa hơn nữa. Các ngôn sứ nói đến một cuộc xuất hành mới (Is 40, 3), một giao ước mới (Gr 31,31-34).
c) Với vua Đavít, lịch sử của Israel chuyển sang một chặng mới. Israel trở thành vương quốc của Thiên Chúa. Qua miệng ông Nathan (2 Sm 7,4-17), vua Đavít nhận được lời hứa là một người con sẽ ngồi trên ngai của ông để tiếp tục làm vua dân Israel, và dòng dõi của ông sẽ tồn tại mãi mãi. Tuy nhiên, Salômôn chỉ là hình ảnh của một vua lý tưởng được chính Chúa nhận làm con và cai trị muôn dân muôn nước (Tv 110,3).
d) Cuộc tàn phá Giêrusalem năm 587 đã gây một cuộc khủng hoảng cho Israel: còn đâu nữa lời hứa về dòng dõi trường tồn của vua Đavit? Còn đâu nữa lời hứa sẽ bảo vệ dân tộc? Các ngôn sứ đã được phái đến để nâng đỡ niềm tin của dân chúng: Thiên Chúa không thể nào quên giao ước đã ký kết với dân Israel. Các ngôn sứ loan báo sự phục hưng của Israel, hơn thế nữa, của cả vũ trụ “vào những ngày sau hết” (Is 2,2; Hs 3,5; Mk 4,1; Gr 23,20; Ed 38,16). Trong bối cảnh này, chúng ta thấy xuất hiện thành ngữ “ngày của Giavê” (Am 5,18), nghĩa là cuộc can thiệp quyết liệt của Thiên Chúa để phán xét (Is 34,8). Sau cùng, Thiên Chúa sẽ thiết lập vương quyền của Người: dân Israel sẽ được quy tụ và cùng với các dân khác, họ sẽ được chính Chúa cai trị (Ml 2,12). “Ngày của Giavê” hoàn tất mọi cuộc can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử.
e) Cho tới đây, dù biên cương của các niềm hy vọng có thay đổi (từ một bộ tộc du mục, đến một liên minh bộ tộc, một vương quốc), nhưng tựu trung đều loay hoay trong những thực tại ở dưới trần thế. Sách Đaniel và các sách Khải huyền tiến một bước nhảy vọt. Thiên Chúa từ trời cao sẽ can thiệp để thiết lập vương quyền bền bỉ đến muôn đời. Nó mang tính cách siêu việt, vượt qua biên cương của không gian và thời gian, bởi vì nó được đồng hóa với chính Thiên Chúa (Đn 7,13-14).
Tóm lại, đối tượng của niềm hy vọng của Israel được mở rộng dần dần, từ những thực tại cụ thể cho đến thực tại siêu việt là chính Thiên Chúa: “Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31,33; x. Is 55,3; Ed 36,28). Ngoài ra, kể từ giai đoạn bốn, họ ngóng trông vào “những ngày sau hết”, “thời cuối cùng”, “ngày của Giavê”. Tân Ước sẽ sử dụng những từ ngữ này khi nói đến thời cánh chung, bắt đầu với việc Đức Giêsu thiết lập “vương quốc của Thiên Chúa” cho đến khi “Thiên Chúa được ở trong mọi sự” (1Cr 15, 28).
B. Tân Ước
Nhận xét về từ ngữ. Các học giả đã đưa ra một nhận xét thú vị về các bản văn Tân Ước. Trong tiếng Hy lạp, hy vọng là elpis (danh từ) và elpizein (động từ). Tin Mừng nhất lãm không sử dụng danh từ, và động từ cũng xuất hiện họa hiếm[3]. Đối lại, nơi thánh Phaolô, danh từ được dùng 40 lần (trên tổng số 53 lần của toàn Tân Ước) và động từ được dùng 20 lần (trên tổng số 31 lần)[4]. Vì thế thánh Phaolô đáng được gọi là “tông đồ của hy vọng”. (Nên biết là trong ngôn ngữ của người Hy lạp, từ “hy vọng” không bao giờ áp dụng cho các thần linh).
Người ta tìm cách giải thích hiện tượng như thế này. Tin Mừng nhất lãm thuật lại các bài giảng của Chúa Giêsu dành cho dân Do thái. Họ đang trông mong một vua chính trị. Vì thế Đức Giêsu tìm cách giải thích vai trò của vị Mêsia theo nghĩa thiêng liêng, và hướng dẫn tâm trí của thính giả về sự hoàn tất lời của các tiên tri: “triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 11,20; 17,20-21), qua các dấu hiệu: người đói được ăn, người bệnh được chữa lành, tội nhân được tha thứ, người chết được sống lại. Đứng trước thực tại ấy, thái độ không phải là hy vọng, nhưng là tin. Mặt khác, vương triều Thiên Chúa chỉ mới được khai mào, và cần tăng trưởng cho đến thời cánh chung. Các môn đệ cần sống trong sự tỉnh thức, đợi chờ, cách riêng là phải kiên nhẫn khi gặp cơn bách hại (x. Mt 10,22; Lc 21,19).
Thánh Phaolô giảng Tin Mừng cho dân ngoại, và không sợ những ngộ nhận. Vì thế người không ngần ngại sử dụng thuật ngữ “hy vọng”.[5] Đối tượng của niềm hy vọng là cuộc quang lâm của Đức Kitô (1Tx 1,3; 2,19; 1Cr 1,7; 2Cr 1,14; Pl 3,20). Lúc ấy mọi điều tốt lành sẽ đạt được, mọi sự dữ sẽ bị khai trừ. Những đau khổ hiện tại không sánh vào đâu với vinh quang dành cho chúng ta. Nền tảng của niềm hy vọng là cuộc phục sinh của Đức Kitô, qua đó ta nhận thấy rằng sự dữ đã bị tiêu diệt: sự dữ thể chất (tượng trưng nơi cái chết) cũng như sự dữ tinh thần (tượng trưng nơi tội lỗi). Biến cố này là bảo chứng cho sự giải phóng toàn diện con người và toàn thể loài người khi Đức Kitô sẽ đến trong vinh quang. Hiện thời, Thánh Linh được ban cho ta như bảo chứng.
1/ Khía cạnh khách thể
Khi so sánh với Cựu ước, ta thấy sự mới mẻ của Tân ước nằm ở chỗ sự can thiệp mới của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại nhờ Đức Giêsu Kitô. Không lạ gì mà thánh Phaolô khẳng định rằng: “Đức Kitô Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta” (1Tm 1,1). Đức Kitô không chỉ loan báo niềm hy vọng, nhưng đã thể hiện niềm hy vọng nơi chính bản thân của Người, đặc biệt là nhờ cuộc sống lại từ cõi chết của Người mà sự dữ đã bị diệt và sự sống vĩnh cữu được ban cho nhân loại. Đức Kitô là Amen của Thiên Chúa, nơi mà các lời hứa của Thiên Chúa trở thành thực tại (2Cr 1,20).Từ đó, niềm hy vọng Kitô giáo mang những đặc điểm sau đây.
a) Đối tượng là những điều tốt lành của thời cánh chung: gặp gỡ Đức Kitô (1Tx 4,13-18); hưởng gia nghiệp dành cho những kẻ đồng thừa kế với Đức Kitô (Rm 8,17; Pl 3,20-21); đời sống vĩnh cửu (Tt 1,2; 3,7); chia sẻ vinh quang Thiên Chúa (Rm 5,2; x.8,18; Ep 1,18), vào vương quốc Thiên Chúa (Rm 5,17; 1Cr 6,19; 15,50). Nói vắn tắt, đối tượng của hy vọng là ơn cứu độ (1Tx 5,8) nhằm toàn diện con người, bởi vì bao gồm sự cứu chuộc thân xác (Rm 8,23) và sự phục sinh (1Cr 15,19) cũng như sự giải thoát vạn vật khỏi sự hư nát (Rm 8,19-22). Những điều này thuộc về tương lai, hiện thời ta chưa thấy, nhưng chúng ta mong chờ lời Chúa sẽ thực hiện (Rm 8,24t).
b) Động lực của niềm hy vọng là việc Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta (1Tx 5,24) do lòng yêu thương chúng ta (Rm 8,28-33), và Ngài là Đấng trung tín giữ lời hứa (2Tm 2,13), Đấng đầy quyền năng, Đấng quan phòng an bài mọi sự theo kế hoạch yêu thương. Kế hoạch này đã được thể hiện khi Ngài cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết, hoa trái đầu mùa cho những người chết sẽ được sống lại (1Cr 15,18.20). Hiện nay, Thánh Linh được ban cho chúng ta (Rm 5,5) như bảo chứng cho cuộc sống lại của chúng ta trong tương lai (2Cr 1,22; Ep 1,13).
c) Nguồn mạch của hy vọng là Thánh Linh. Thánh Linh là hồng ân cánh chung, đang hiện diện trong chúng ta (Rm 8,11), để soi sáng, nâng đỡ, khích lệ niềm hy vọng, Ngài thôi thúc chúng ta cầu nguyện và hoạt động cho Nước Chúa.
2/ Khía cạnh chủ thể
Các Kitô hữu được định nghĩa như là những người “có niềm hy vọng” (1Tx 4,11), khác với dân ngoại “sống không có niềm hy vọng” (Ep 2,12). Thánh Phêrô cũng nói rằng người Kitô hữu được “tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng” (1Pr 1,3). Hy vọng là một hồng ân do Chúa ban (2Tx 2,16), dường như một ơn gọi (Ep 4,4). Người tín hữu cần chứng tỏ niềm hy vọng này không những qua việc giải thích lý do trước mặt người đời, theo như lời khuyên của thánh Phêrô (1Pr 3,15), nhưng còn qua nếp sống.Thánh Phaolô đã nói nhiều đến sự liên hệ giữa hy vọng với các đức tính khác: hy vọng là tin tưởng, là chờ đợi, là kiên nhẫn[6].
– Hy vọng không thể nào tách rời khỏi đức tin, bởi vì cả hai dựa trên những lời Chúa hứa và nhắm đến tương lai (Gl 3,11; 5,5). Nếu không tin vào Đức Kitô thì làm sao hy vọng được; nhưng tin mà không hy vọng là hão huyền, vô nghĩa (1Cr 15,14.17). Hy vọng cũng gắn liền với yêu mến, bởi vì niềm hy vọng dựa trên lòng tin tưởng vào công trình yêu thương của Thiên Chúa, và tình yêu này đã được đổ xuống tâm hồn chúng ta (Rm 5,5; 1Tx 3,12; 2Tx 2,16).
– Hy vọng sinh ra lòng kiên nhẫn chờ đợi. Sự kiên nhẫn là kẻ đồng hành của niềm hy vọng (Rm, 5,3t; 2m 2,12; x. Mc 13,13). Nó nâng đỡ ta trong những thử thách, và giúp ta bền chí (1Tx 1,10). Những đau khổ giúp chúng ta được thông dự vào những đau khổ với Đức Kitô (Pl 2,10-12; Cl 1,24) và đưa chúng ta đến cuộc phục sinh với Người (Rm 8,17).
– Hy vọng tạo nên sự trông mong, đợi chờ tỉnh thức, cùng với việc cầu nguyện và tiết độ, cũng như những công việc bác ái (1Pr 4,7tt).
– Hy vọng cũng gây cho ta nỗi lo âu (Pl 2,12). Tuy rằng người tín hữu tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa (1Cr 2,5), nhưng bởi vì còn sống trong thân xác mỏng dòn, gặp nhiều thử thách, cho nên họ cũng lo sợ không biết có bền đỗ hay không (1Cr 10,12). Dù sao, họ không xao xuyến lo âu, bởi vì họ tin rằng Thiên Chúa không để mình bị thử thách quá mức.
– Một đặc tính nữa của hy vọng là niềm vui (Rm 15,13). Những đau khổ đời này ví như cơn đau quặn của bà mẹ lúc sinh nở, nhưng sự thâm tín của một sự sống mới mang lại niềm an ủi (Rm 12,12), và là nguồn sức mạnh và can đảm. Cách riêng, đối với Phaolô, niềm hy vọng gây ra sự bạo dạn can đảm (parresia) làm chứng cho Đức Kitô (2Cr 3,12), sẵn sàng đương đầu với mọi vất vả (1Tm 4,10).
Trước khi kết thúc việc khảo sát Kinh Thánh, thiết tưởng nên nói đôi lời về các văn phẩm của thánh Gioan. Từ ngữ “hy vọng” không được sử dụng trong Tin Mừng thứ bốn, và chỉ xuất hiện 1 lần trong thư thứ nhất (1Ga 3,3). Tuy nhiên, thực tại ấy được diễn tả bằng nhiều từ ngữ và hình ảnh khác. Trong thư thứ nhất, tác giả diễn tả thực tại tương lai mà chúng ta mong đợi là được kết hiệp với Thiên Chúa, được chiêm ngưỡng diện đối diện (1Ga 3,2). Sách Khải huyền có thể gọi là “quyển sách của hy vọng” bởi vì hướng độc giả đến cuộc chiến thắng chung quyết của Đức Kitô trên tất cả mọi lực lượng sự dữ. Tác phẩm kết thúc với lời khẩn nài của Hội thánh như hiền thê “Xin hãy đến” (Kh 23,17), và tất cả mọi người đều họa lại: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (Kh 22,20).
II. Lịch sử thần học: những lối tiếp cận
Việc khảo sát tư tưởng về niềm hy vọng trong Kinh Thánh cho thấy nhiều lối tiếp cận: 1/ Một sự phân biệt đơn giản nhất là hy vọng nhìn dưới khía cạnh chủ thể (hy vọng là gì), và dưới khía cạnh khách thể (hy vọng cái gì). 2/ Dưới khía cạnh chủ thể, vấn đề cũng có thể phân biệt làm hai góc độ: cá nhân hay cộng đoàn.
Thần học Trung cổ nghiên cứu Hy vọng như một nhân đức hướng Chúa, nhìn dưới khía cạnh chủ thể và cá nhân. Vào thời cận đại, khía cạnh cộng đoàn được chú ý hơn, và trở thành đối tượng của môn cánh- chung-luận. Chúng ta có thể nhận thấy hai khuôn mẫu tiếp cận ấy nơi thánh Tôma Aquinô và nơi công đồng Vaticanô II.
A. Thánh Tôma Aquinô
Lối tiếp cận này khởi đi từ “hy vọng” như là một “nộ dục”, nghĩa là một phản ứng của con người đứng trước một điều tốt trong tương lai, cam go nhưng có thể đạt được.[7] Từ “hy vọng tự nhiên”, tác giả bước sang “hy vọng siêu nhiên” là một nhân đức có đối tượng là hạnh phúc vĩnh cửu, một điều mà ta mong ước nhưng khó đạt được.[8] Dầu vậy, ta dám hy vọng là bởi vì Thiên Chúa đã hứa ban cho ta cùng với những phương tiện cung cấp cho ta.
1. Về đối tượng, có thể phân biệt: đối tượng chính và phụ. Đối tượng “chính” của đức hy vọng là hạnh phúc vĩnh cửu, tức là chính Thiên Chúa. Đối tượng “phụ” là những phương tiện cần thiết để đạt đến cứu cánh. Đối tượng siêu nhiên thì đòi hỏi các phương tiện siêu nhiên: ơn thánh, các bí tích, cầu nguyện. Những phương tiện này cũng được bao gồm trong đối tượng của hy vọng, bởi vì không những chúng cần cho ta đạt đến cứu cánh, mà còn bởi vì chúng vượt quá khả năng của ta. Ngoài những phương thế chính yếu vừa kể, chúng ta cũng hy vọng Chúa sẽ ban những phương thế thứ yếu và tự nhiên nhưng cần thiết cho chúng ta trên đời này (tựa như: sức khoẻ, tài sản, công ăn việc làm, tình cảm, gia đình...)
2. Động lực của hy vọng là sự toàn năng của Thiên Chúa, kèm theo lòng thương xót và lòng trung tín với lời hứa.
3. Chủ thể của hy vọng là ý chí, bởi vì bản chất của nó là một ước muốn hướng đến điều tốt (khác với đức tin là đối tượng của lý trí).
4. Chỉ những ai có đức tin thì mới được Chúa ban đức cậy. Người tín hữu có thể có đức cậy mà không có đức mến khi họ phạm tội trọng. Đức cậy chỉ hiện hữu nơi các tín hữu trên đường lữ hành trần gian và nơi các linh hồn đang chịu thanh luyện. Các phúc nhân trên trời và các người bị trầm luân không còn đức cậy nữa.
B. Công đồng Vaticanô II
Lối tiếp cận cổ điển về đức hy vọng mang tính “chủ thể” (nhìn về phía con người) và “cá nhân” (xét nơi mỗi người tín hữu). Công đồng Vaticanô II bàn đến hy vọng về phía “khách thể” (những điều hy vọng) và “cộng đồng” (dành cho Hội thánh và nhân loại). Việc thay đổi lối tiếp cận nhằm đáp ứng với những thách đố của thời nay.
Một thách đố của thời cận đại là chủ nghĩa nhân bản vô thần. Theo họ, xưa nay tôn giáo đã làm cho con người tha hóa bởi vì đã dạy con người trông mong sự trợ lực trên trời thay vì tự tin vào khả năng của mình. Đối với dân nghèo, nạn nhân của tình trạng bất công trong xã hội, tôn giáo khuyến khích họ nhẫn nại chịu đựng, chờ đợi phần thưởng ở đời sau. Đã đến lúc con người phải vùng lên, phải giành lại vai trò chủ động để điều khiển lịch sử, xoá bỏ các bất công qua cuộc cách mạng, xóa bỏ tình trạng nghèo khổ bằng việc xúc tiến cải cách kinh tế. Nói tóm lại, thay vì mơ một thiên đường xa vời, con người cần biết nỗ lực xây dựng thế giới mà mình đang sống, tạo ra hạnh phúc cho toàn dân. Điều này có thể thực hiện được nhờ các tiến bộ khoa học.
Không thể chối cãi những thành tựu mà khoa học kỹ thuật đã mang lại cho nhân loại trong những thế kỷ gần đây. Nhưng không thể đơn giản khẳng định rằng con người thời nay hạnh phúc hơn xưa: một đàng bởi vì những phúc lộc vật chất chưa thỏa mãn những khao khát thâm sâu nhất của con người; đàng khác, thế giới hôm nay vẫn còn phải đương đầu với những lo âu trước những cuộc khủng hoảng kinh tế, nạn ô nhiễm mô trường, những đe doạ của bạo lực.
Trong bối cảnh ấy, “thần học hy vọng” đã ra đời vào thập niên 60 của thế kỷ XX[9] nhằm tìm câu trả lời cho những thách đố của chủ nghĩa Marx cũng như các chủ thuyết vô thần nhân bản: làm thế nào để cho niềm hy vọng vào hạnh phúc mai hậu không làm người tín hữu hờ hững với việc xây dựng trần thế? Mặt khác, cũng cần nêu bật rằng những tiến bộ khoa học kỹ thuật không thể nào thoả mãn những khát vọng về hạnh phúc tuyệt đối nằm trong thâm tâm của mỗi người.
Công đồng Vaticanô II đã không bỏ qua những vấn đề quen gọi là “cánh chung”. Cần hiểu chính xác ý nghĩa của “cánh chung”: ta đừng quá để ý đến “chung” (chấm dứt, kết thúc, tựa như cái chết kết liễu cuộc đời, hoặc tận thế kết thúc dòng lịch sử), mà quên “cánh”, tức là cứu cánh, mục đích. Hiến chế Lumen gentium về Hội thánh đã dành chương Bảy để bàn về đặc tính cánh chung của Hội thánh, trong đó nêu bật chiều kích cộng đồng trước chiều kích cá nhân. Toàn thể nhân loại được kêu gọi họp thành một đại gia đình hiệp nhất trong Thiên Chúa. Hiến chế Gaudium et spes tìm cách giải thích các vấn đề nhân sinh (sự sinh tử, tương quan xã hội, lao động và khám phá khoa học) dưới ánh sáng Phục sinh của Đức Kitô và dưới động lực của Thánh Linh. Thánh Linh gợi lên trong tâm hồn mỗi người lòng khao khát hướng tới Chân Thiện Mỹ, hướng tới thế giới huynh đệ đại đồng (GS 93).
Đức Kitô đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho con người (GS 22). Đức Kitô tỏ cho con người biết thiên chức cao cả của mình, soi sáng ý nghĩa của cuộc sống, ý nghĩa của đời sống cộng đồng, ý nghĩa của lao động và những nỗ lực xây dựng trần thế. Những gì tốt đẹp mà con người thực hiện hôm nay sẽ được bảo tồn và nâng cao, chứ không bị huỷ diệt trong thế giới mai hậu. Đối lại, niềm hy vọng vào trời mới đất mới không làm cho các tín hữu sao nhãng các bổn phận trần thế, nhưng lại trở thành động lực mạnh mẽ hơn để dấn thân vào công tác xã hội (GS 39).
Sau công đồng, nhiều văn kiện Toà thánh đề cập đến ơn cứu độ toàn diện con người, bao gồm cả linh hồn và thể xác, cả cá nhân và cộng đồng, cả sự phát triển ở trần thế và hạnh phúc vĩnh cửu. Điều này được nhận thấy rõ nơi các văn kiện về giáo huấn xã hội, chẳng hạn như thông điệp Populorum progessio (năm 1967) hoặc tông huấn Evangelii nuntiandi (năm 1974). Các văn kiện này một đàng nhằm trả lời những luận điệu tố cáo tôn giáo làm tha hóa con người, đồng thời cũng cho thấy giới hạn của những chính sách chỉ chú trọng đến sự phát triển kinh tế kỹ thuật mà bỏ qua chiều kích tâm linh tôn giáo.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo trình bày những khía cạnh khác nhau của đức hy vọng. Lối trình bày cổ điển về nhân đức hướng Chúa có thể tìm thấy ở các số 1817-1821 và 2090-2092 trong phần luân lý, cũng như ở số 2657, khi bàn về cầu nguyện. Mặt khác, người tín hữu hy vọng và cầu nguỵên đồng thời với việc hành động cho Triều đại Thiên Chúa (số 2632; 2816-2821; 2855). Đoạn văn số 39 của hiến chế Gaudium et spes được trưng dẫn ở các số 1049 và 2820, để nhắc nhở rằng “ơn gọi của con người vào sự sống muôn đời không bãi bỏ nhưng củng cố nhiệm vụ của họ là phải sử dụng các năng lực và phương tiện do Đấng Tạo hoá ban, để phục vụ công lý và hoà bình trên trần gian”.
Gần đây, trong thông điệp Spe salvi (30-11-2007), đức thánh cha Bênêđictô XVI đã muốn kết hợp cả hai lối tiếp cận ấy, nghĩa là kết hợp khía cạnh chủ thể và khách thể, khía cạnh cá nhân và cộng đồng của đức hy vọng, cũng như mối liên hệ giữa niềm hy vọng cánh chung với sự dấn thân xây dựng trần thế.
Như vậy, ta thấy có hai lối tiếp cận về niềm hy vọng Kitô giáo: lối tiếp cận thứ nhất chú trọng đến “nhân đức”, thuộc lãnh vực thần học tâm linh; lối tiếp cận thứ hai chú trọng đến “đối tượng hy vọng”, đề tài của thần học cánh chung. Ở đây chúng tôi giới hạn vào lãnh vực nhân đức.
III. Suy tư thần học
Như đã nói trên đây, tuy nhân đức thứ hai quen gọi là “đức cậy” (trong bộ ba tin-cậy-mến), nhưng chúng tôi muốn gọi là “hy vọng” cho sát với ngôn ngữ thường nhật hơn, mặc dù biết rằng đức hy vọng cũng bao hàm ý tưởng “tín thác, cậy trông, mong đợi”. Chúng tôi sẽ trình bày ba điểm chính: 1/ Bản chất đức hy vọng. 2/ Vài đặc tính. 3/ Những tội trái nghịch.
A. Bản chất đức hy vọng
Trước khi đi vào chi tiết, thiết tưởng cần nhắc lại rằng bộ ba “tin-cậy-mến” gắn bó mật thiết với nhau. Chúng ta phân tích để tìm hiểu bản chất của từng nhân đức, nhưng trên thực tế, chúng không thể tách rời nhau. Mối liên hệ giữa bộ ba không những được thánh Phaolô nhấn mạnh ở cuối bài ca đức mến trong chương 13 của thư thứ nhất gửi Côrintô, mà ngay từ trong phần chính, tác giả đã viết: “đức mến tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả” (1Cr 13,7). Sự liên hệ giữa tin và cậy cũng được nói nhiều trong Kinh Thánh. Trong Cựu ước, tin được diễn tả bằng hai từ ngữ aman và batah, hàm ngụ ý tưởng “tín thác, tin tưởng”, gần giống tiếng Việt. Cách riêng, trong Tân Ước, tác giả thư Hípri định nghĩa bản chất đức tin là “bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Hr 11,1). Những điều hy vọng (đối tượng của đức cậy) cũng trùng hợp với đối tượng của đức tin. Chúng ta tin vào những điều mà ta hy vọng, vào những điều Chúa hứa ban. Tác giả đã trưng dẫn rất nhiều tấm gương của các tổ phụ đã làm chứng cho niềm tin vào lời hứa (11,4-40). Niềm hy vọng là đối tượng của việc tuyên xưng (10,23). Tư tưởng này cũng được gặp thấy nơi nhiều đoạn văn của thánh Phaolô, chẳng hạn như trong thư gửi Rôma (8,24-25): “Quả thế chúng ta được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa; vì ai lại trông mong điều đã thấy rồi?” Ông Abraham tổ phụ đức tin cũng là gương mẫu cho đức cậy “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin” (Rm 4,18: “contra spem in spem credidit”). Thánh Phêrô cũng mời gọi các tín hữu hãy trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình (1Pr 3,15), tức là đối tượng của niềm tin.
Về bản chất của đức hy vọng, ta có thể tìm thấy hai câu định nghĩa trong sách GLCG. Câu định nghĩa thứ nhất ở số 1817:
“Đức cậy là nhân đức hướng Chúa, nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời và đời sống vĩnh cửu là vinh phúc của chúng ta, khi đặt lòng tin tưởng của chúng ta vào các lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ân sủng Thánh Linh, chứ không vào sức mạnh của chúng ta”.
Câu định nghĩa vừa rồi cho thấy bản chất đức hy vọng ở thế “tĩnh”. Số 2090 cung cấp một định nghĩa theo khía cạnh “động” (nghĩa là nguồn gốc và động lực) như sau:
Khi Thiên Chúa mạc khải và kêu gọi con người, con người không thể đáp lại trọn vẹn tình yêu thần linh bằng sức riêng mình. Họ phải trông cậy, Thiên Chúa sẽ ban cho họ khả năng để yêu lại Ngài và khả năng để hành động theo các giới răn của đức mến. Đức cậy là sự mong đợi đầy tin tưởng sự chúc lành của Thiên Chúa và sự vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa; đức cậy cũng là việc sợ xúc phạm đến tình yêu của Thiên Chúa và sợ bị trừng phạt.
Qua hai câu định nghĩa ấy, chúng ta có thể vạch ra vài nét chính sau đây của đức hy vọng:
1. Hy vọng nằm trong bản tính con người, vốn hướng về tương lai nhiều hơn là an thân với quá khứ và hiện tại. Ai cũng mong rằng “ngày mai sẽ tươi sáng hơn”. Cách riêng, con người khát mong hạnh phúc. Con người không chỉ mơ ước hạnh phúc mà còn cố gắng cải thiện điều kiện sinh hoạt để sống hạnh phúc hơn. Đó là động lực thúc đẩy những cuộc chinh phục, khám phá và thậm chí của các cuộc tranh đấu dẫn tới chiến tranh đẫm máu nữa. Tuy nhiên, con người, xét như cá nhân cũng như cộng đồng, sớm nhận ra rằng các thứ hạnh phúc mà mình cố gắng tạo ra đều có giới hạn. Giới hạn kinh hoàng nhất là cái chết, kết liễu cuộc sống trên đời này. Đang khi đó, con người mang một khát vọng được hạnh phúc bất diệt.
2. Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta biết bí quyết của hạnh phúc: chỉ duy nơi Thiên Chúa, con người mới tìm thấy hạnh phúc đích thực, làm thoả mãn tất cả các khát vọng của mình: sự sống dồi dào, tình yêu thắm thiết, hiểu biết tường tận. Làm cách nào đạt được những ước ao đó? Chính Thiên Chúa đã trả lời rằng Ngài sẽ giúp chúng ta thực hiện được ước nguyện, xét về cá nhân cũng như cộng đồng. Ngài hứa ban cho ta sự sống bất diệt. Ngài hứa ban cho nhân loại “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị”. Đó là ý nghĩa của ơn cứu độ, bao gồm toàn thể con người và toàn thể nhân loại.
3. Những lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện nơi Đức Kitô, một tôi tớ trung tín của Thiên Chúa. Người loan báo triều đại Thiên Chúa đã đến, Người đã chứng tỏ tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại qua việc chữa lành người ốm đau bệnh tật, an ủi người nghèo khổ, tha thứ cho tội nhân. Người đã chứng tỏ tình yêu đến mức tột độ khi hiến mạng sống mình cho loài người. Người đã được Thiên Chúa cho sống lại, và mang lại cho nhân loại niềm hy vọng vượt qua được cái chết và những sự dữ khác. Người cho chúng ta thấy rằng phàm ai đi theo Người thì cũng được chia sẻ với Người vào vinh quang Thiên Chúa.
4. Đức hy vọng được Chúa ban cho những ai tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Nhờ nhân đức hy vọng, không những các tín hữu ước ao được hạnh phúc, nhưng còn chắc chắn rằng ước ao ấy có thể thực hiện được, dựa vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa.
B. Vài đặc tính
1. Đối tượng của đức hy vọng là hạnh phúc tương lai. Tuy nhiên, con người sống đức hy vọng trong hiện tại. Thực ra, người tín hữu không hy vọng vào cái gì, cho bằng hy vọng vào ai. Đức hy vọng dựa trên một mối tương quan: tương quan với Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, tương quan với Đức Kitô là Đầu của thân thể Hội thánh mà ta là phần tử, tương quan với Thánh Linh, đang hiện diện trong chúng ta. Chúng ta sống trong tương quan với Thiên Chúa tam vị trong ân sủng, hưởng trước sự kết hiệp với các Ngài mai sau trong nơi vĩnh cửu.
2. Nhờ sống mối tương quan ấy, hy vọng trở nên “trông cậy”: người tín hữu biết rằng mình dựa vào quyền năng của Thiên Chúa tình yêu. Không gì có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của Đức Kitô (x. Rm 8,35). Nhờ nương tựa vào sức mạnh ấy, người tín hữu thâm tín rằng mình có thể làm được tất cả, như thánh Phaolô đã khẳng định (Pl 4,13). Lòng can đảm này mang lại nghị lực để đương đầu với những gian truân thử thách, cách riêng trong việc tuân hành ý Chúa. Dù nói thế nào đi nữa, người tín hữu không tự phụ vì sức riêng của mình, nhưng khiêm tốn nhìn nhận hồng ân của Thiên Chúa (2Cr 12,9-10).
3. Tin Mừng Nhất lãm thường gắn liền lòng tín thác vào Cha nhân lành với việc cầu nguyện và tin tưởng vào Cha quan phòng: Cha luôn ân cần lo lắng cho con cái, và xếp đặt mọi sự tốt lành cho chúng (Mt 6,25-34). Người có lòng tin cậy thì biết rằng tất cả mọi việc xảy ra đều có ích cho mình.
4. Được nâng đỡ bởi niềm hy vọng và được nuôi dưỡng bởi lòng yêu mến, người tín hữu cũng tìm cách phục vụ Nước Trời đang đến bằng cách hoạt động cho công lý và hòa bình trong xã hội.
5. Cũng như mọi nhân đức khác, chúng ta chỉ mới nhận được đức hy vọng như hạt mầm, và cần tìm cách để nó được tăng trưởng. Ở đây, một điều đáng nêu bật là theo thánh Tôma, cấp độ cao của đức hy vọng là linh ân kính sợ Chúa (S.Th. II-II, q.19). Điều này cũng được Sách GLCG nhắc đến ở số 2090 trích dẫn trên đây. Chúng ta có thể giải thích như thế này. Chúng ta đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa là nhân lành và toàn năng. Do đó không có lý do gì khiến ta phải sợ Ngài. Tuy nhiên, nỗi lo sợ xảy ra về phía chúng ta, bởi vì chúng ta nhận thấy mình thất thường, dễ thay đổi và thất trung với Chúa. Chính vì thế mà đức hy vọng được gắn liền với ơn kính sợ: chúng ta sợ rằng mình sẽ không đạt được hạnh phúc đời đời vì lỗi của mình. Thần học phân biệt nhiều thứ sợ hãi:
– Sợ hãi thế tục: sợ mất những của cải trần gian. Điều này không phải là tốt lành.
– Sợ hãi nô lệ, hoặc sợ sẽ bị phạt. Nó thúc đẩy ta giữ luật Chúa vì sợ sẽ phải trừng phạt. Đây là sự sợ hãi thúc đẩy dân Ninivê sám hối hoặc người con hoang đàng trở về với Cha.
– Sợ hãi con thảo: nỗi sợ của người yêu mến Chúa, không muốn làm mất lòng Ngài, bởi vì Ngài là cha nhân lành.
Chính tâm tình này mà đức hy vọng được liên kết với ơn kính sợ, là một ân huệ của Thánh Linh ban, nhờ đó linh hồn ngoan ngoãn tùng phục thánh ý Chúa vì tôn kính yêu mến Chúa. Nhờ ân huệ này, con người có cảm thức sâu xa về sự cao cả của Thiên Chúa. Từ đó con người kinh tởm tội lỗi, và đau buồn vô hạn nếu đã phạm tội. Nhờ ân huệ này, con người tỉnh thức để tránh bất cứ cơ hội nào khiến ta có thể làm mất lòng Chúa, và siêu thoát khỏi sự ràng buộc của thụ tạo.
C. Những tội trái nghịch đức hy vọng
Truyền thống luân lý công giáo kể ra hai tội trái nghịch đức hy vọng, hoặc vì bất cập hoặc vì thái quá. Tội do khiếm khuyết là “tuyệt vọng” (desperatio); tội do thái quá là “tự phụ” (praesumptio). Điều này được sách GLCG lặp lại ở các số 2091-2092.
1/ Tuyệt vọng
Ở đây, chúng ta đang bàn về thất vọng (hay tuyệt vọng) liên quan đến hạnh phúc vĩnh cửu, chứ không nói đến sự thất vọng trong những lãnh vực khác (chẳng hạn sau nhiều lần thất bại trong công ăn việc làm). Người ta phạm tội “tuyệt vọng” (hay “ngã lòng trông cậy”. Pháp: désespoir / Anh: despair) khi không còn hy vọng gì vào đời sống vĩnh cửu, không hy vọng vào ơn cứu độ mà Thiên Chúa sẽ ban cho mình. Sự tuyệt vọng có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như: khước từ ơn Chúa giúp; khước từ hạnh phúc đời đời vì cho rằng không thể đạt được; hoặc nghĩ rằng tội lỗi của mình không đáng được Chúa tha; từ đó không muốn giữ luật luân lý nữa. Tội này trái nghịch với sự tốt lành của Thiên Chúa, nghịch với lòng thương xót của Ngài.Tội này có thể bắt nguồn từ những sai lầm về đức tin liên quan đến ơn cứu độ. Nó cũng có thể bắt nguồn từ việc mải mê với thế giới vật chất, lấy khoái lạc làm cứu cánh cuộc đời, và không còn nghĩ đến những thực tại thiêng liêng. Nó cũng có thể bắt nguồn từ sự suy nhược về đường tâm linh, khiến con người không còn sức để tuân giữ luật Chúa, và từ đó họ đành buông xuôi.
Đừng nên lẫn lộn tội tuyệt vọng (ngã lòng trông cậy) với những tâm trạng chán chường, có thể gây ra do một cuộc khủng hoảng tinh thần, hay sự suy nhược sức khoẻ. Để vượt qua tình trạng này, ngoài những phương tiện tự nhiên nhằm phục hồi sự quân bình tâm linh, một phương tiện hữu ích là nhớ lại những hồng ân mà Chúa đã ban cho ta, cũng như xin ơn để biết nhẫn nại trong cơn thử thách. “Hy vọng không phải là lạc quan. Hy vọng không phải là xác tín rằng việc ta làm sẽ thành công. Hy vọng là chắc chắn rằng điều ta đang làm có một ý nghĩa, cho dù thành đạt hay không”.[10]
2/ Tự phụ
Dĩ nhiên, chúng ta đang bàn đến lãnh vực ơn cứu độ, chứ không đụng đến những lãnh vực khác. Ở đây, “tự phụ” (hoặc “kiêu căng, ngạo mạn”. Pháp: présomption; Anh: presumption) được hiểu về kẻ nghĩ rằng họ tự mình có thể đạt được sự cứu độ mà không cần đến ơn Chúa. Trường hợp này xảy ra khi một người quá tự tin vào sức mình để được cứu độ, chứ không cần ơn Chúa. Người ta thường trưng dẫn quan điểm của phái Pêlagiô làm điển hình. Một trường hợp khác cũng có thể xảy ra là những người nắm chắc phần rỗi và ơn tha thứ mà không hợp tác với ơn Chúa hoặc không tránh tội. Như vậy, không phải là những người này quá tín thác vào Thiên Chúa nhưng là một sự tín thác lệch lạc, dẫn đến việc coi thường việc nên thánh hoặc coi nhẹ công lý của Chúa. Nguyên nhân của tội này là sự sai lầm đạo lý về bản chất của ơn cứu độ. Ơn cứu độ là một hồng ân Chúa ban chứ không phải là kết quả của sự chinh phục do công lênh của con người. Tuy nhiên, hồng ân của Chúa cũng đòi hỏi sự đáp trả và hợp tác về phía con người.3/ Thiếu hy vọng
Vào thời nay, xem ra các vị mục tử không quan tâm đến những tội trái nghịch với đức hy vọng, cho bằng tình trạng “thiếu hy vọng” của con người sống trong văn minh thế tục hóa. Chúng ta có thể nhận ra trong tông huấn Ecclesia in Europa của đức thánh cha Gioan Phaolô II (28-6-2003) và thông điệp Spe salvi của đức thánh cha Bênêđictô XVI. Đúng ra, con người thời nay có nhiều ước mơ và hy vọng, nhưng đó là những hy vọng muốn được thoả mãn nhất thời, chứ không phải là niềm hy vọng cao cả, có khả năng định hướng cho toàn thể cuộc đời.[11] Họ đã tạo ra nhiều thần tượng, nhưng các thần tượng lần lượt sụp đổ, để lại một sự hoang mang trống rỗng trong lòng của biết bao người. Những dấu hiệu của cuộc “khủng hoảng hy vọng” ở châu Âu, điển hình của một lục địa Kitô giáo, được mô tả như sau:– Sợ đương đầu với tương lai, bởi vì mất ý nghĩa cuộc sống. Từ đó ta hiểu được lý do của việc giảm sinh sản, ngập ngừng khi phải dấn thân suốt đời, dù là trong bậc hôn nhân hay trong bậc tu trì (Ecclesia in Europa số 8).
– Thiếu tình liên đới xã hội, từ đó con người có cảm giác cô đơn, sống trong vỏ ốc của mình. Tha nhân gây cho mình sự sợ hãi thay vì cảm thông, từ đó ta hiểu được nguyên nhân của những xung đột ngay từ trong gia đình, hoặc giữa các phe nhóm, những cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị trên thế giới.
Sự tiến bộ khoa học không đương nhiên mang lại hạnh phúc cho con người khi con người thiếu hy vọng. Vì thế, cần phải học tập và rèn luyện hy vọng. Thông điệp Spe salvi (số 32-48) đã giới thiệu ba “trường học hy vọng”: 1. Cầu nguyện; 2. Hành động và đau khổ; 3. Sự phán xét chung thẩm (sự công bình của Thiên Chúa).
Kết luận
Khi bàn về đức hy vọng trong truyền thống Giáo hội, chúng tôi chỉ nhắc sơ qua đến thánh Tôma, công đồng Vaticanô II và thông điệp Spe salvi. Chúng tôi đã bỏ qua nhiều khuynh hướng thần học quan trọng vào thời đại chúng ta (chẳng hạn như Thần học hy vọng của Moltmann), bởi vì sẽ được đề cập trong những bài khác trong số này. Trước khi kết thúc, chúng tôi muốn giới thiệu một văn kiện khác của Tòa Thánh trình bày một cái nhìn khá hệ thống về hy vọng, đó là tông huấn hậu thượng hội đồng “Ecclesia in Europa” của đức thánh cha Gioan Phaolô II về đời sống và sứ mạng của Hội thánh tại lục địa châu Âu (28-6-2003). Văn kiện được chia làm 6 chương, với các tựa đề như sau: 1/ Đức Kitô, hy vọng của chúng ta. 2/ Tin Mừng hy vọng được uỷ thác cho Hội thánh trong thiên niên kỷ mới. 3/ Loan báo Tin Mừng hy vọng. 4/ Cử hành Tin Mừng hy vọng. 5/ Phục vụ Tin Mừng hy vọng. 6/ Tin Mừng hy vọng cho một châu Âu mới. Tuy tông huấn này dành cho một lục địa, nhưng cung cấp rất nhiều dữ liệu để chúng ta tìm hiểu thêm “Tin Mừng hy vọng”, như nòng cốt của Kitô giáo.
Như vậy, chúng ta thấy rằng hy vọng được đưa về trung tâm của đời sống và hoạt động của Giáo hội, dưới tựa đề “Tin Mừng Hy vọng”.
______
[1] E. Hoffman, Speranza, Dizionario dei Concetti biblici del Nuovo Testameno, EDB Bologna 1976, p.1776-1783. J. Duplacy, Speranza, Dizionario di Teologia Biblica, Marietti, Torino 1978, p.1222-1229.
[2] G. Gozzelino, Nell’attesa della beata speranza. LDC Leumann (Torino) 1993, p. 49-55.
[3] 1 lần ở Mt và Ga, 3 lần ở Lc.
[4] Bên cạnh các từ elpis và, chúng ta còn gặp các từ tương đương apokadokia (Rm 8,19 và Pl 1,20) trông đợi; apekdechomai; ngóng chờ.
[5] Những đoạn văn quan trọng giải thích hy vọng: Rm 5,1-11; 8,17tt.
[6] Vài đoạn văn tiêu biểu. Ông Abraham “mặc dầu không còn gì để trông cậy (= hy vọng), ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông trở thành tổ phụ nhiều dân tộc” (Rm 4,18). “Ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Linh mà người ban cho chúng ta” (Rm 5,3-5). Xem thêm Rm 8,24-25; 15, 13. Đó là nói đến các thư của thánh Phaolô: bên cạnh đó, chúng ta không nên bỏ qua những đoạn văn của thư gửi Hip-ri, nói đến sự liên hệ chặt chẽ giữa “tin” và “hy vọng”, chẳng hạn như Dt 11,1: “Đức tin là bảo đảm những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”. Đức Benêđictô XVI đã bình luận ý nghĩa của câu “định nghĩa” này trong thông điệp Spe salvi số 7.
[7] Tổng luận thần học, I-II, q.40. X. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập VIII, tr. 126.
[8] Trong Tổng luận thần học, đức cậy được bàn ở II-II, qq.17-22, với nội dung như sau: bản chất của đức cậy (q.17), chủ thể của đức cậy (q.18), ơn kính sợ (q.19), sự tuyệt vọng (q.20), sự tự phụ (q.21), các mệnh lệnh (q.22).
[9] Jürgen Moltmann, Theologie der Hoffnung, Munchen 1964.
[10] Vaclav Havel, văn hào và tổng thống Séc (1936-2011).
[11] Thông điệp phân biệt “những hy vọng” (nhỏ hay lớn) và “Hy vọng toàn diện” (số 31).