Thời sự Thần học – Số 67 tháng 2/2015, tr. 133-162
__Carlos María Galli [1] __
Tác giả nhìn lại những văn kiện của Tòa thánh và của Liên Hội đồng Giám mục Mỹ châu Latinh (CELAM) từ công đồng Vaticanô II nhằm định hướng kế hoạch mục vụ để đáp ứng hiện tượng đô- thị-hoá (urbanizacíon) hiện đại. Trước hết, tác giả điểm qua những bản văn của huấn quyền liên quan đến đương hướng mục vụ cần được áp dụng. Trong phần thứ hai, tác giả đưa ra những suy tư về “thần học đô thị” trước khi đề ra những phương án về “mục vụ đô thị”, được xem như công cuộc mang Tin Mừng vào một một hình thức văn hóa mới, văn hóa đô thị; như vậy, việc “loan báo Tin Mừng” gắn liền với việc “hội nhập văn hóa”. Ngoài ra, cũng nên lưu ý đến lối tiếp cận “khám phá mầu nhiệm Thiên Chúa giữa các đô thị”. Do giới hạn của tờ báo, bài dịch chỉ lược tóm những đoạn văn quan trọng chứ không theo sát nguyên bản. Chúng tôi cũng cắt bỏ những đoạn văn trích dẫn (tiếng Tây-ban-nha), và sẽ thêm thư mục về “thần học đô thị” ở phụ trương.
Nhập đề. Hiện tượng đô thị hóa: một dấu chỉ thời đại
I. Những văn kiện huấn quyền
A. Công đồng Vaticanô IIB. Các văn kiện Giáo hoàng: 1. Phaolô VI : Octogesima adveniens; Evangelii nuntiandi 2. Gioan Phaolô II : Redemptoris MissioC. Liên Hội đồng Giám mục Mỹ châu (CELAM): 1. Medellin (1968) 2. Puebla (1979) 3. Santo Domingo (1992) 4. Thượng hội đồng giám mục về Mỹ châu (1997): Ecclesia in America 5. Aparecida (2007): phác thảo một nền mục vụ đô thịII. Những suy tư cho một nền mục vụ đô thị
1. Những thách đố của não trạng đô thị.2. Niềm tin vào Thiên Chúa hiện diện giữa những con người sống tại các đô thị.3. Khám phá những phương thế mới để chia sẻ sự sống trong Đức Kitô.4. Đi ra miền ngoại ô để gặp gỡ Thiên Chúa.Kết luận. Baben và lễ Ngũ tuần Phụ thêm. Thư mục về thần học đô thị
Nhập đề : Hiện tượng đô thị hoá – một dấu chỉ thời đại
Các đô thị là một hiện tượng của thời đại hôm nay. Năm 1950, chỉ có 16% dân số hoàn cầu sống ở thành thị; năm 2000, con số đó lên đến 50%; năm 2007, tỉ lệ dân số ở thành phố đã vượt lên dân số nông thôn. Theo dự đoán của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, 70% dân số thế giới sẽ sống tại các thành phố.
Năm 1800, chỉ có thành phố London vượt quá một triệu dân cư. Năm 1900, đã có 10 thành phố như vậy, và ngày nay con số này lên đến hơn 450. Có 30 siêu-đô-thị (megapolis) với hơn 8 triệu dân, phần lớn nằm ở phía nam địa cầu, nơi mà dân số đang tăng gia. Người ta dự đoán rằng vào năm 2020, có 9 thành phố sẽ có hơn 20 chục triệu dân, với 5 thành phố đông nhất là Mexico (35.5 triệu), Thượng Hải (35), Bắc Kinh (31), San Pablo (28), Bombay (25); như vậy là có 3 thành phố ở Á châu và 2 ở Mỹ châu Latinh, chứ Bắc Mỹ và châu Âu không nằm trong danh sách này.
Riêng tại Mỹ châu Latinh, vào năm 1940 có 20 triệu người sống tại thành phố (25%), năm 1960 con số lên tớn 75 triệu (30%), năm 1970 là 130 triệu (50%), năm 1980 là 230 triệu (62%); tuy nhiên, vào năm 1980, vài quốc gia đã vượt qua tỉ lệ ấy: Uruguay (83,6% dân số), Argentina (82,9%), Venezuela (78%), Chile (75,3%), México (69%).
Vào năm 2010, các siêu-đô-thị Mexico (23 triệu), San Pablo (21 triệu), Buenos Aires (14 triệu), Río de Janeiro (12,5 triệu) y Bogotá (8,6 triệu) là 5 thành phố đông nhất của Mỹ châu; so sánh với các thành phố lớn ở Bắc Mỹ: New York (22 triệu), Los Angeles (18), Chicago (10), Washington (8,3), San Francisco (7,3).
Đứng trước hiện tượng này, Giáo hội nói chung và Giáo hội tại Mỹ châu Latinh nói riêng đã nghĩ gì? Trước hết, chúng ta sẽ theo dõi lập trường của Giáo hội qua các văn kiện; từ đó, chúng ta sẽ rút ra vài kết luận suy tư.
I. Những văn kiện huấn quyền
Các văn kiện được xếp không theo thứ tự thời gian, nhưng theo thứ tự cấp bậc: sau các văn kiện của công đồng Vaticanô II, chúng ta sẽ điểm qua các văn kiện của Tòa thánh, rồi đến các văn kiện của các giám mục của đại lục.
A. Công đồng Vaticanô II
Khi nhận định về những dấu chỉ thời đại, hiến chế Gaudium et spes ghi nhận rằng trong số những thay đổi nhanh chóng và sâu xa vào thời nay, phải kể đến sự nảy sinh của thế giới công nghệ và đô thị, được đặt tên là văn minh đô thị (GS 6). Đề tài này được khai triển trong chương bàn về văn hóa (GS 53-58). Công đồng đã lưu ý đến khía cạnh nhân bản của văn hóa cũng như chiều kích toàn cầu đang chớm nở. Chỉ cần trưng dẫn một đoạn của GS 54 thì đủ rõ :
Bởi đó, nền văn hóa hiện đại mang những đặc điểm này: ... hiện tượng kỹ-nghệ và đô-thị-hóa cộng với những nguyên nhân khác đang phát huy đời sống tập thể tạo nên những hình thức văn hóa mới (văn hóa đại chúng), từ đó, phát sinh những cách cảm nghĩ, hành động và giải trí mới. Ðồng thời, sự phát triển trao đổi giữa các dân tộc và các tập thể khác nhau cũng mở rộng hơn cho mọi người và mỗi người các kho tàng của những hình thức văn hóa khác nhau. Và cứ thế, sẽ dần dần xuất hiện một hình thức văn hóa nhân loại đại đồng hơn, nhờ đó, nếu càng tôn trọng những điểm của các nền văn hóa khác nhau, càng diễn đạt và tiến gần đến sự hiệp nhất nhân loại hơn.
B. Các văn kiện giáo hoàng
Đúng ra, không có văn kiện nào được soạn ra cho mục vụ đô thị, nhưng đề tài này được bàn đến trong bối cảnh loan báo Tin Mừng (Evangelii nuntiandi) và tái loan báo Tin Mừng (Redemptoris missio).
1. Đức Phaolô VI
Tiếp nối tư tưởng của công đồng, Đức Phaolô VI đã phân tích hiện tượng đô thị trong tông thư Octogesima adveniens năm 1971. Các đô thị lớn được nhìn trong khung cảnh của một nền văn minh mới (OA 8-21), được đặt tên là nền văn minh đô thị (OA 10). Trước hết, mô tả hiện tượng “xuất hành” của nhiều người từ nông thôn tiến về thành thị, tạo ra cảnh di dân trong nội địa hoặc đi ra nước ngoài (OA 8), sự tập trung dân số tại các “siêu đô thị” (megalopolis). Đức thánh cha nhận xét những xáo trộn gây ra trong nếp sống và những cấu trúc của tương quan xã hội; ngài nhắc đến những hình thái mới của cô đơn và nghèo khổ (OA 10), và kêu gọi mọi người, cách riêng là các Kitô hữu, hãy cổ vũ tình huynh đệ sống động và công bình cụ thể (OA 12). Không dừng lại ở việc phân tích hiện tượng, ngài còn đề cập đến những thách đố đặt ra cho óc tổ chức, sáng tạo (OA 10); vì thế cần nghĩ ra những tương quan với về sự sống chung huynh đệ, tình láng giềng và công bình (OA 12).
Tông huấn Evangelii nuntiandi năm 1974, có thể xem như một chúc thư mục vụ của Đức Phaolô VI, tuy không bàn đến các đô thị hoặc các giáo xứ nhưng đã đưa ra những đường hướng rất quan trọng cho việc loan báo Tin Mừng tại các đô thị khi đề cập đến vấn đề “Phúc-Âm-hóa các nền văn-hóa”.
2. Đức Gioan Phaolô II
Thông điệp Redemptoris missio (1990) mở ra hai chiều hướng mới cho công cuộc loan báo Tin Mừng: a) khái niệm “loan báo Tin Mừng cách mới mẻ” (nueva evangelización); b) áp dụng vào việc loan báo Tin Mừng tại các đô thị.
Thông điệp bàn về sứ mạng của Giáo hội phải loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Tuy chỉ có một sứ mạng duy nhất, nhưng cách thi hành sứ mạng thay đổi tuỳ theo điều kiện của từng địa điểm. Ở chương bốn, thông điệp phân biệt giữa công cuộc mục vụ nơi những người đã theo đạo, với công cuộc truyền giáo cho lương dân (missio ad gentes). Trong sắc lệnh về truyền giáo (Ad gentes, số 6), công đồng Vaticanô II đã phân biệt ba thứ hoạt động của Giáo hội trong cùng một sứ mạng: truyền giáo cho người ngoài Kitô giáo; đối thoại đại kết cho người ngoài Công giáo; mục vụ cho người Công giáo. Đức Gioan Phaolô II bổ túc thêm với sự phân biệt ba hoàn cảnh khác nhau trong việc thi hành sứ vụ (RM số 33): 1/ Truyền giáo cho dân ngoại (missio ad gentes, ad extra): loan báo Tin Mừng cho những cá nhân hoặc cộng đồng ngoài Kitô giáo. 2/ Hoạt động mục vụ (activitas pastoralis, hay missio ad intra) giữa những cá nhân hoặc cộng đồng Kitô hữu. 3/ Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ (nova evangelizatio) là một tình trạng ở giữa hai tình trạng vừa nói: nó là hoạt động mục vụ giữa những cá nhân hoặc cộng đồng Kitô hữu, nhưng đang gặp thử thách đức tin. Đó là tình trạng của các nước Âu châu và các giáo hội Mỹ châu. Tình trạng này có một phần “chăm sóc mục vụ” (cura pastoralis), bởi vì nhắm đến các Kitô hữu, nhưng cũng bao gồm một phần “truyền giáo” (missio ad gentes), bởi vì dành cho những người có đức tin yếu ớt và đòi hỏi một thứ mục vụ truyền giáo. Sự phân biệt trên đây giúp chúng ta phân tích vấn đề trên nguyên tắc, nhưng trên thực tế thì các tình trạng truyền giáo có thể trà trộn lẫn nhau, bởi vì bổ túc cho nhau. Đặc trưng của việc loan báo Tin Mừng “cách mới mẻ” nằm ở chỗ tiếp tục công cuộc loan báo Tin Mừng cho một cá nhân hay cộng đồng đã đón nhận Kitô giáo, đã tin và thực hành đạo, nhưng nay đang gặp một cơn khủng hoảng đức tin. Việc “truyền giáo” nhằm đến những người “xa xôi”, còn việc “loan báo Tin Mừng cách mới mẻ” thì được dành cho những người tuy gần gũi nhưng đã “lìa xa” Giáo hội.
Trong thông điệp Redemptoris missio, Đức Gioan Phaolô II mời gọi khám phá những không gian mới của việc truyền giáo, những “diễn đàn mới” của các hịên tượng xã hội mới, trong đó có các siêu-đô-thị, nơi định đoạt vận mạng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia non trẻ và nghèo đói. Thông điệp đã nối kết các đô thị lớn với những hình thức mới của văn hóa:
Những sự thay đổi nhanh chóng và sâu đậm đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc truyền giáo. Ta thử nghĩ đến hiện tượng đô-thị-hóa và tăng gia mạnh mẽ các thành phố, nhất là tại những nơi dân số gia tăng mau lẹ. Tại không ít quốc gia, quá nửa dân số sống ở một vài siêu đô thị, nơi mà các vấn đề nhân sinh trở nên trầm trọng bởi những đám đông con người không tên tuổi. Bức tranh của công cuộc truyền giáo đang thay đổi: những chỗ ưu tiên phải là các thành phố lớn, nơi nảy sinh những phong tục và nếp sống mới, những hình thức văn hóa mới ảnh hưởng đến dân cư. Tương lai của các quốc gia trẻ đang được hình thành ở các thành phố... (RM 37).[2]
C. Các Văn kiện của CELAM
Kể từ khi thành lập (Río de Janeiro 1955), Liên Hội đồng Giám mục Mỹ châu Latinh đã lần lượt tổ chức bốn Đại Hội sau: Medellín (1968), Puebla (1979), Santo Domingo (1992), Aparecida (2007).
1. Medellín (1968) bắt đầu tiếp nhận tư tưởng của Vaticanô II, và lưu ý đến hiện tượng đô-thị-hoá và công-nghệ-hóa, cách riêng khi bàn đến ảnh hưởng đến nếp sống gia đình, từ khuôn mẫu gia trưởng cổ truyền sang khuôn mẫu gia đình hạt nhân hiện đại. Đại hội cũng nhấn mạnh đến việc huấn luyện các phong trào giáo dân có khả năng loan báo Tin Mừng ở các cơ quan đầu não tại các đô thị. Dù sao Medellin mới chỉ là khởi điểm của một tiến trình biện phân hiện tượng đô-thị-hóa sẽ được tiếp tục nơi các Đại hội kế tiếp.
2. Puebla (1979) tiếp nhận hướng đi của tông huấn Evangelii nuntiandi, bàn đến đô thị trong chương nói về “Phúc-Âm-hóa các nền văn hóa”, và một cách cụ thể hơn, đặt trong bốn thách đố mục vụ: văn hóa đại đồng, đô thị, chủ nghĩa tục hóa, các cơ cấu bất công. Văn kiện phân tích sự liên hệ giữa đô thị với nền văn hóa hiện đại mang tính cách toàn cầu, cùng với những xáo trộn gây ra cho các gia đình; đồng thời Puebla cũng đề nghị một hướng mục vụ đô thị để đáp ứng với những thách đố mới:
“Đời sống đô thị và những biến chuyển của nền công nghệ đã đặt ra nhiều vấn đề xưa nay chưa nghĩ đến. Các mô hình và các cơ cấu sinh hoạt bị đảo lộn: gia đình, hàng xóm, công ăn việc làm. Từ đó, các sinh hoạt tôn giáo, của cá nhân cũng như cộng đoàn, cũng bị xáo trộn (x. OA 10). Những đặc trưng vừa rồi là vết tích của điều quen gọi là tiến trình tục hóa, gắn liền với sự tiến triển của khoa học và kỹ thuật và hiện tượng đô thị hóa.” (Documento de Puebla 431).
Điều này đòi hỏi các giáo xứ, vốn quen với sinh hoạt các xã thôn hoặc vùng ngoại ô, phải thay đổi các hoạt động, giờ giấc để thích nghi với những nhịp độ làm việc tại các công sở hoặc cơ xưởng ở đô thị, với số dân cư tăng trưởng nhanh chóng. Puebla mời gọi chấp nhận sự thách đố của đô thị, với những mặt trái và mặt phải của nó. Sự thách đố này được nhìn góc độ của văn hóa, dưới ba mối tương quan của con người với Thiên Chúa, với tha nhân, với vạn vật, làm sao cho cuộc sống trở nên nhân bản hơn.
“Giáo hội phải đối diện với sự thách đố canh tân việc loan báo Tin Mừng, ngõ hầu giúp cho các tín hữu sống đạo trong khung cảnh mà xã hội đô thị và công nghệ đã tạo ra cho đời sống cầu nguyện; giúp cho họ sống các mối tương quan nhân bản, trong một xã hội mà người ta sống gần nhau nhưng lại xa cách bởi vì chỉ gặp nhau dựa trên công việc làm ăn; giúp cho họ có cái nhìn mới về lao động, sản xuất, tiêu thụ” (Documento de Puebla 433).Trong xã hội cổ truyền ở nông thôn, con người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi thiên nhiên, như là tuyệt phẩm của Đấng Tạo hóa. Làm thế nào tìm lại được khung cảnh ấy tại đô thị? Đó là điều đòi hỏi Giáo hội mà sáng nghĩ ra một thứ mục vụ đô thị, tạo ra những con đường mới, những khung cảnh mới để gặp gỡ Thiên Chúa. Puebla đã yêu cầu nghiên cứu một “mục vụ đô thị” (pastoral urbana).
3. Santo Domingo (1992). Đại Hội lần này diễn ra trong khung cảnh kỷ niệm 500 năm châu Mỹ đón nhận Tin Mừng. Các văn kiện được soạn ra dưới viễn tượng của việc “tái loan báo Tin Mừng”, một thuật ngữ đã được hình thành từ Đại hội Medellín, tuy chưa xác định rõ nội dung và phương pháp. Puebla thì nói rõ hơn là “những hoàn cảnh mới nảy sinh do những thay đổi văn hóa xã hội đòi hỏi một cuộc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ. “Mới” xét về thời gian, vì muốn đánh dấu một giai đoạn mới của lịch sử; “mới” xét về không gian, vì muốn nhắm đến những nơi mới, cách riêng là các đô thị. Đại hội Santo Domingo (viết tắt SD) nêu chủ đề là “mang Tin Mừng vào văn hóa đô thị”, và dành ra một chương đặc biệt để phân tích tương quan giữa việc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ với việc hội nhập văn hóa (SD số 228-286). Cách riêng, văn hóa mà Giáo hội cần mang Tin Mừng đến là văn hóa hiện đại và hậu hiện đại tại các đô thị lớn (SD 252-262), và việc loan báo Tin Mừng cũng mang theo sứ điệp giải phóng (SD 243), cũng như tạo ra một nền văn hóa nhân bản và Kitô giáo nhờ việc giáo dục và thông tin (SD 263-286). Văn hóa được nhìn qua ba mối tương quan của con người với Thiên Chúa, với đồng loại, với thiên nhiên (SD 255). Văn kiện đã mô tả ba đặc trưng của đô thị như sau:
Tại đô thị, các tương quan với thiên nhiên hầu như chỉ giới hạn vào tiến trình sản xuất các sản phẩm tiêu thụ. Những tương quan giữa con người thì mang tính thực dụng làm ăn, và những tương quan với Thiên Chúa đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng, bởi vì thiếu mất sự trung gian của thiên nhiên là điều rất quan trọng trong nếp sống tín ngưỡng nông thôn, và bởi vì văn minh hiện đại có khuynh hướng đóng khung con người vào trần thế này. Những tương quan của con người với chính bản thân cũng thay đổi, bởi vì văn hóa hiện đại đề cao tự do, vai trò tự lập, lý luận khoa học, nhân phẩm và nhân quyền. Thực vậy, những cơ quan phát sinh khoa học và kỹ thuật đều nằm ở các thành phố.
Khác với người dân nông thôn, con người đô thị tin tưởng vào khoa học và kỹ thuật; chịu ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng, tiếp nhận nhiều trào lưu văn hóa và ý thức hệ; lối sống tiêu thụ, vô danh giữa đám đông và mất căn gốc (SD 255d).
Những đặc điểm trên đây có thể gặp thấy ở bất cứ đô thị nào trên thế giới. Riêng tại Mỹ châu Latinh, văn kiện Santo Domingo muốn thêm một đặc trưng nữa, đó là cảnh nghèo đói của đại chúng, do hậu quả của những mô hình kinh tế bóc lột và loại trừ (SD 255c).
Từ việc phân tích tình hình và những thách đố, văn kiện đề nghị một vài đường hướng mục vụ (SD 256-262), trong đó có việc xét lại ngôn ngữ truyền thông đức tin cũng như chức năng của các giáo xứ.
4. Thượng hội đồng các giám mục Mỹ châu (1997). Trước khi tiếp tục với Đại hội CELAM kế tiếp, chúng ta nên nhắc đến Thượng Hộc đồng Giám mục Mỹ châu, được Đức thánh cha Gioan Phaolô II triệu tập tại Rôma vào năm 1997, trong khuôn khổ những cuộc họp của các giám mục 5 đại lục trước khi bước sang thiên niên kỷ mới. Những kết quả được công bố trong tông-huấn hậu-thượng- hội-đồng Ecclesia in America (1998).
Một trong những thách đố cho hoạt động mục vụ là tiến trình đô thị hoá ở đại lục này, mang theo nhiều đe dọa cho sự chung sống, căn tính văn hoá, truyền thống tôn giáo và hoạt động mục vụ. Đức Gioan Phaolô II viết trong tông huấn như sau:
Hiện tượng đô-thị-hóa tiếp tục gia tăng ở lục địa. Những nguyên nhân của hiện tượng này thật đa dạng, trong đó nổi bật nhất là sự cùng quẫn và kém phát triển của nông thôn, nơi đây thiếu các dịch vụ, giao thông, cơ sở giáo dục và y tế. Đô thị với sự quyến rũ của sự tiêu khiển và sung túc, có mãnh lực thu hút đối với những nông dân chất phác. Hiện tượng đô-thị-hóa mang đến nhiều thách đố lớn lao cho hoạt động mục vụ của Giáo hội: cần phải đối diện với vấn đề bứng gốc rễ văn hóa, mất đi những phong tục gia đình và xa cách các truyền thống đạo nghĩa; những điều này dễ đưa đến khủng hoảng đức tin, bởi vì người tín hữu không còn gặp những biểu tượng nâng đỡ đời sống đạo của mình. Vì thế việc Phúc-Âm-hóa văn-hóa đô thị là một nhiệm vụ cấp bách đối với Giáo hội. Cũng như trước đây Giáo hội đã biết Phúc-Âm-hóa văn hóa nông thôn trải qua bao nhiêu thế kỷ, thì ngày nay, Giáo hội được mời gọi hãy Phúc-Âm-hóa đô thị một cách có phương pháp, nhờ việc huấn giáo, phụng vụ và những cơ sở hoạt động mục vụ thích hợp” (số 21).
Trong bối cảnh này, tông huấn nêu lên một thách đố cho việc canh tân giáo xứ ở đô thị:
“Một chìa khóa cho việc canh tân giáo xứ, rất cấp bách cho các giáo xứ tại các đô thị lớn, có thể tìm thấy ở chỗ xem giáo xứ như là một cộng đồng của các cộng đoàn và các phong trào. Việc thiết lập các cộng đoàn và hội đoàn thật là thích hợp cho việc sống các tương quan nhân bản. ... Mỗi giáo xứ, cách riêng tại các đô thị, nên nghĩ đến việc loan báo Tin Mừng qua việc tiếp xúc cá nhân và tăng cường những tương quan với các cơ quan xã hội, giáo dục” (số 52).
5. Aparecida (2007). Đại hội này đã lên kế hoạch cho một nền “mục vụ đô thị” trong bối cảnh của công cuộc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ. Đại hội đã dành một chương để bàn thảo đề tài này, nghiên cứu tỉ mỉ hiện tượng văn hóa đô thị, và tìm cách phân định dưới ánh sáng đức tin, để rồi tứ đó đề ra một đường hướng mục vụ.
Trước hết, cần mở ra một não trạng mới cho đường hướng mục vụ: tình trạng truyền giáo (status missionis) đòi hỏi một chuyển động truyền giáo (motus missionis). Giáo hội cần phải chuyển hướng từ một thứ “mục vụ bảo tồn” (pastoral de mera conservación) sang “mục vụ truyền giáo” (sai đi: pastoral decididamente misionera), một giáo hội với nhiệt tình truyền giáo mới, giống như một người mẹ đi ra gặp gỡ, một căn nhà đón tiếp (Aparecida, - viết tắt Ap – số 370). Mục vụ đô thị được đặt trong viễn ảnh: tiến trình “đi ra” đón tiếp tất cả những người đến đô thị hoặc hiện sống tại đô thị: Giáo hội không ngồi chờ người ta đến với mình, chứ đi ra tìm những người ở xa, với những chiến thuật mới, chẳng hạn như viếng thăm các tư gia, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, gần gũi mới những môi trường sinh sống thường nhật của người dân (Ap 518i).
Trong viễn ảnh ấy, Aparecida bàn về “mục vụ đô thị” ở chương 10 (từ số 509-518) dựa theo phương pháp “xem-xét-làm”.
a) Xem : mô tả những đặc trưng của các đô thị thời nay, và những thách đố cho Giáo hội (số 509-513). Do những thay đổi kinh tế, xã hội, chính trị, tôn giáo, các đô thị đã trở thành chỗ cho những nền văn hóa mới, với những ngôn ngữ và biểu tượng mới.
Một điều không thể phủ nhận là các đô thị ảnh hưởng đến các quyết định quan trọng của quốc gia, nhờ các thành phần lãnh đạo chính trị, kinh tế, văn hóa. Đô thị cũng là nơi giao lưu với các nền văn hóa quốc tế.
Tuy nhiên, văn hóa đô thị rất phức tạp, bởi vì là một thứ lai căng, kết hợp nhiều thứ văn hóa. Có giai cấp lãnh đạo (kinh tế, chính trị), có giai cấp trung lưu cũng như có thành phần nghèo túng. Có những khu vực sang trọng xa xỉ ở trung tâm, khác với những vùng phụ cận, những vùng ngoại ô, những khu xóm ổ chuột ngay bên cạnh những toà nhà cao ngất. Chính tại những khu dân cư nghèo nàn này, hệ quả của việc di dân, nảy sinh khá nhiều tệ nạn xã hội, bởi vì người ta cảm thấy xa lạ, sống bên lề, thiếu mất tương quan. Không lạ gì mà những người dân mang nhiều não trạng khác nhau: bảo thủ / cấp tiến; phóng khoáng / thủ cựu; cởi mở / khép kín; sùng đạo / lãnh đạm, vv.
Mục “xem” kết thúc với việc nhìn lại thái độ của Giáo hội trải qua lịch sử. Vào lúc khởi nguyên, Giáo hội được thành lập tại các thành phố, rồi sau đó mới bành trướng về thôn quê.[3] Giáo hội đã biết thích nghi vào các thành phố, hấp thụ các cách tổ chức (giáo xứ, hội đoàn), các nhân viên (những tác vụ) để thi hành sứ mạng của mình. Điều này cho phép ta hy vọng rằng Giáo hội cũng có khả năng thích ứng với các đô thị thời nay. Dù sao, cần phải nhìn nhận rằng các thách đố thời nay lớn lao hơn, bởi vì chiều kích to lớn của các siêu-đô-thị với rất nhiều vấn đề mới mẻ, khiến ta cảm thấy bất lực không giải quyết nổi; từ đó có nguy cơ là phòng thủ, chống lại trào lưu văn hóa mới của các đô thị.
b) Xét : phân định hiện tượng dưới ánh sáng đức tin, khám phá Thiên Chúa giữa các đô thị (số 514-516).
Đoạn này mở đầu với một lời khẳng định của đức tin: “Thiên Chúa hiện diện ở giữa đô thị”. Thiên Chúa hiện diện ở đô thị, không như một thứ cư ngụ vật lý hoặc hiện diện tại một không gian nhất định (kể cả những cơ sở phụng tự của tôn giáo). Dĩ nhiên, không thể chối cãi tầm quan trọng của những “thánh điện”, những “linh địa” rất quan trọng đối với lòng đạo đức bình dân, nơi mà các tín hữu đến “gặp gỡ Thiên Chúa” (hoặc Đức Kitô, hay Đức Mẹ Maria). Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa, là Đấng qua Đức Kitô đã cắm lều ở giữa chúng ta để sống trong tâm hồn chúng ta, các căn nhà, các đường phố, các thành thị của chúng ta. Thiên Chúa sống giữa cuộc sống của người dân thành thị, “giữa những niềm vui và hy vọng, cũng như giữa những đau khổ và lo âu”. Thiên Chúa ở giữa chúng ta, giữa những tình cảnh trái nghịch của cuộc đời, như là tình yêu và sự chết, niềm vui và đau khổ, đón nhận hay loại trừ. Thiên Chúa cũng hiện diện ngay cả nơi những bóng tối che khuất đời sống hằng ngày, tựa như bạo lực, nghèo khổ, hất hủi. Những thực trạng này không ngăn cản chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa của sự sống. Ta cần khám phá tại đô thị Thiên Chúa hiện dịen nơi Christus patiens, người tôi tớ đau thương đang chịu khổ sở nơi các người em đau khổ, cũng như nơi Christus medicus, vị lương y yêu thương, săn sóc, chữa lành con người bị thương tích và ngã quỵ với lòng nhân từ của người Samari nhân hậu.
Mặt khác, chúng ta cũng hãy nhìn thấy nơi các đô thị những hoàn cảnh thuận tiện cho “tự do và cơ may” để gặp gỡ tha nhân, để sống tình huynh đệ và liên đới. Đức tin giúp chúng ta phát triển một nền văn hóa gặp gỡ, huynh đệ, chấp nhận những sự khác biệt làm cho ta nên phong phú.
Dù sao, sự hiện diện của Thiên Chúa nơi các đô thị của chúng ta vẫn còn bất toàn: sự hiện diện xen lẫn những lúc vắng bóng. Sự hiện diện toàn vẹn sẽ chỉ thực hiện trên đô thị trên thiên quốc, thành phố Giêrusalem mới, nơi mà Con Chiên sẽ là đèn không hề tắt (Kh 21,23). Tuy vậy, thành Giêrusalem mới không chỉ là một thực tại cánh chung, nơi mà Thiên Chúa sẽ ngự trị mãi ở giữa dân của Ngài, nhưng còn là biểu tượng của Đức Kitô và của Hội thánh trên đường lữ thứ trần gian. Nơi Hội thánh, Thiên Chúa đã cắm lều và tỏ bày vương quốc của Ngài qua những thực tại nhân thế, cách riêng qua sự thể hiện tình yêu. Vì thế, vai trò của Hội thánh là cuộc phục vụ nhắm giúp cho vương quốc Thiên Chúa được tăng trưởng giữa nhân loại, nhờ men của Đức Kitô.
c) Làm : đề nghị một nền mục vụ mới, nhắm tới “con người” sống ở thành thị (số 517-518). Văn kiện đưa ra 11 kiến nghị cho mục vụ đô thị, làm thế nào để giúp con người gặp gỡ Đức Kitô, nguồn mạch sự sống (số 517) và 15 kiến nghị về việc đào tạo các nhân viên mục vụ (số 518).
II. Suy tư : Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống các đô thị
Sau khi đã ôn lại những văn kiện của Giáo hội (Giáo hội Rôma cũng như Giáo hội châu Mỹ), chúng ta có thể tóm lại vào bốn điểm sau đây: 1/ những thách đố của não trạng đô thị; 2/ niềm tin vào Thiên Chúa hiện diện giữa con người sống tại các đô thị; 3/ khám phá những phương thế mới để chia sẻ đời sống Đức Kitô; 4/ đi ra những miền ngoại ô, để gặp gỡ Thiên Chúa nơi những người nghèo, những người xa xôi, những người di dân.[4]
A. Những thách đố của não trạng đô thị
Trước khi bàn về mục vụ đô thị, chúng ta cần tìm hiểu đô thị là gì. Vấn đề ở đây không dựa trên những tiêu chuẩn dân số, diện tích, kiến trúc, đường phố, v.v., nhưng tiên vàn là “não trạng” (ethos). Nói cách khác, chúng ta cần tìm hiểu đô thị dưới khía cạnh nhân luận, tìm hiểu “văn hóa đô thị”.
Dĩ nhiên, một đặc điểm của các đô thị hiện tại là dân số đông đảo. Chúng ta không nên chỉ dừng lại ở dân số của chính siêu-đô-thị (trên 10 triệu người), đôi khi ngang với dân số của một quốc gia, nhưng hãy nhìn đến não trạng của con người sống tại đó. Nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại, người ta cảm thấy mình là dân cư của một đô thị rộng lớn hơn, với chu vi bao trùm tất cả trái đất. Một biến cố xảy ra tại một nơi nào đó (thí dụ một thiên tai, một vụ khủng bố) gây ra xúc động trên toàn thế giới. Đó là một đặc trưng của hiện tượng “toàn cầu hóa”. Nhờ các phương tiện truyền thông (internet, tivi), các mốt thời trang, các bản nhạc, cũng được truyền bá sang nhiều quốc gia; không lạ gì mà các bạn trẻ tuy sống ở các quốc gia xa cách nhau nhưng cùng mặc một kiểu áo !
Tuy nhiên, diều khá trớ trêu là một đàng xem ra nhân loại đang tiến tới một nền văn hóa đồng nhất (toàn cầu), đàng khác, người ta lại muốn khư khư bảo vệ các văn hóa cổ truyền của mình, từ đó gây ra những chuyện tranh chấp (nếu chưa nói là chiến tranh) giữa các sắc tộc. Nhận xét này khiến chúng ta phải thận trọng khi bàn đến “văn hóa đô thị”. Tại các đô thị, ta gặp thấy nhiều văn hóa khác nhau, đôi khi dựa theo các khu phố, nhưng đôi khi cũng chẳng có ranh giới rõ rệt. Ở đây, văn hóa được hiểu về các tập tục (cách ăn uống, y phục), các lối sống (học hành, mua bán) cũng như những cách ứng xử (luân lý, tôn giáo), đó là chưa kể đến điều kiện kinh tế.
Điều này mời gọi chúng ta thận trọng khi biện phân văn hóa đô thị. Thật ra trong Kinh Thánh chúng ta đã thấy hai khía cạnh tương phản của đô thị. Một đàng, đô thị là nơi con người thực hiện ơn gọi của mình là chung sống với tha nhân và với Thiên Chúa. Giêrusalem là tột điểm của những niềm vui của dân Israel, và trong Tân Ước, Giáo hội được triệu tập để thể hiện Đô thành của Thiên Chúa ở giữa nhân loại, đang khi chuẩn bị cho thế giới đón nhận hồng ân do thành Giêrusalem Thiên quốc, nơi đồng quy giữa Dân Thiên Chúa – Đền thờ Thiên Chúa – Vương quốc Thiên Chúa (Kh 21,22), nơi mà muôn dân sẽ quy tụ mang theo những kho tàng phong phú của các văn hóa của mình (Kh 21,26). Nhưng đàng khác, Kinh Thánh cũng cho thấy đô thị, - cách riêng là một vài đô thị như Baben, Ninivê, Sôđôma, Coradain, Babylon, Rôma -, như là sào huyệt tội lỗi, nơi mà ngự trị tội thờ ngẫu tượng, ngạo mạn, bất công, nơi mà con người khước từ Thiên Chúa, tách rời tha nhân, phá huỷ môi sinh. Vì thế, cần biết biện phân, phân biệt lúa mì khỏi cỏ lùng, mặc dù cả hai trà trộn với nhau trong suốt dòng lịch sử cho đến ngày chung thẩm.
Đô thị mang những dấu vết của sự sống cũng như của sự chết. Hồi thập niên 60 của thế kỷ XX, một cuộc tranh luận đã nảy ra giữa Harvey Cox, Jacques Ellul và Joseph Comblin, giống như quả lắc của đồng hồ. Một cách giản lược, ta có thể nói rằng Harvey Cox (The secular city) rất lạc quan, Jacques Ellul (Sans feu ni lieu) lại bi quan, còn Joseph Comblin (Théologie de la ville) có cái nhìn thực tế hơn, biết nhìn cả hai mặt.
Đô thị có sức thu hút bởi vì nó nằm trong bản tính xã hội của con người và bởi vì thành phố cung cấp nhiều cơ hội cho con người phát triển mọi mặt, chẳng hạn như về giao lưu. Tuy nhiên, đô thị cũng gây ra cảnh cô đơn, lạc lõng. Do cảm nghiệm lạc lõng này mà người ta có khuynh hướng kết họp thành từng nhóm, bè phái nhỏ, chứ không còn cảm thấy gắn bó với các đơn vị rộng lớn hơn (quốc gia, Giáo hội, giáo phận); con người dễ rơi vào những cảm xúc chủ quan nhất thời hơn là nhìn rộng đến các thực thể khách quan rộng lớn.
Tình trạng này là một thách đố cho Giáo hội phải tạo ra một văn hóa gặp gỡ giữa cái cổ truyền và tân thời, giữa hiện đại và hậu hiện đại, giữa địa phương và toàn cầu. Kinh nghiệm của Giáo hội Công giáo cho phép thực hiện điều đó, có khả năng kết hợp phụng vụ và lòng đạo đức bình dân, tập tục cổ truyền với những biểu tượng tân thời.
Một thực trạng của nếp sống đô thị là cảnh cô đơn. Quả thực là mâu thuẫn, khi mà tại các đô thị đông đảo, con người lại dễ cảm thấy cô đơn. Điều này không khó hiểu. Ở nông thôn, người ta có những tương quan với gia đình, họ hàng, cũng như với những bà con láng giềng, những mối dây này đôi khi bắt nguồn từ nhiều thế kỷ! Khi ra đô thị, những mối tương quan ấy bị cắt đứt; ít người có cơ may kết nối những tương quan bền vững. Không lạ gì mà họ cảm thấy xa lạ với hết mọi người: cuộc sống của họ trôi qua giữa những công ăn việc làm, không có thời giờ cho những sinh hoạt cộng đồng. Trong bối cảnh ấy, việc loan báo Tin Mừng cần hướng đến việc tạo ra một nhân-sinh-quan thông hiệp: đây là kế hoạch mục vụ nhằm phục vụ các gia đình, tạo ra những dây liên kết bền vững và thân tình trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
B. Niềm tin vào Thiên Chúa hiện diện giữa con người sống tại các đô thị
Những cuộc cách mạng tư tưởng tại châu Âu trong các thế kỷ XVIII-XIX không chỉ muốn tranh đấu cho những quyền lợi của công dân chống lại các chế độ quân chủ chuyên chế, nhưng còn muốn khẳng định sự tự lập của con người đối với Đấng Tạo hóa. Phong trào này mang tên “Khai sáng”, đề cao “ánh sáng” của lý trí có khả năng tìm ra chìa khóa giải quyết tất cả mọi vấn đề nhân sinh. Lý trí và tự do được đề cao như là những giá trị tuyệt đối, khi đề cập đến luân lý, chính trị, khoa học, kinh tế. Hậu nhiên, những tương quan với thế giới siêu việt bị coi như thừa thãi, và thường bị cắt đứt. Đó là khởi điểm của phong trào “tục hóa” cận đại, nhiều khi được xem như điều kiện cần thiết cho sự tiến bộ khoa học và kỹ thuật.
Sự thách đố của công cuộc loan báo Tin Mừng là dung hòa giữa đức tin và lý trí. Như Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã lưu ý trong thông điệp “Đức tin và lý trí” (số 45-48), sự dung hoà giữa hai yếu tố này thật cần thiết. Một nền nhân bản (lý trí) mà thiếu cởi mở đến chiều kích siêu việt sẽ dẫn đến cảnh Baben hỗn độn, với nguy cơ là sự thống trị của quyền lực kẻ mạnh. Ngược lại, một tín ngưỡng mà thiếu lý trí cũng có nguy cơ dẫn đến nạn cuồng tín.
Đô thị là biểu tượng của thành tựu khoa học, kỹ thuật. Mục vụ đô thị cần phải giúp các tín hữu biết tôn trọng một sự tự trị chính đáng của khoa học (cũng như các giá trị trần thế) nhưng đồng thời mở ra đến chiều kích siêu việt. Theo quan điểm Kitô giáo, Thiên Chúa không phải là đối thủ của sự tự lập của con người; ngược lại, chính Ngài đã ban cho con người được tự do để hợp tác với kế hoạch tạo dựng của Ngài (xem Gaudium et spes số 36; 76; Evangelii nuntiandi số 55). Nói khác đi, mục vụ đô thị phải giúp cho người tín hữu khám phá “Thiên Chúa ở giữa đô thị”. Có những học thuyết cho rằng tín ngưỡng là một chuyện của con người quê mùa ở nông thôn, vì thế nó sẽ biến mất với sự phát triển nếp sống đô thị. Khoa xã-hội-học cho thấy luận đề ấy không đúng, bởi vì tại các đô thị ngày nay, không những là các tôn giáo cổ truyền vẫn tồn tại, mà còn nảy sinh các “tôn giáo mới”. Thực ra, Giáo hội cần phải có thái độ dè dặt với hiện tượng “tôn giáo mới”, bởi vì đôi khi chúng chỉ là một thứ tín ngưỡng được chế ra để thoả mãn những nhu cầu của con người, hoặc pha lẫn những mê tín khi không được đức tin chân chính hướng dẫn. Tuy vậy, hiện tượng các “tôn giáo mới” vẫn là một thách đố cho công cuộc loan báo Tin Mừng: một đàng, nó cho thấy rằng con người vẫn mang một khát khao tìm về cõi siêu việt (trái với những luận điệu của chủ nghĩa tục hóa); đàng khác, nó đòi hỏi Giáo hội phải tìm ra những đường lối nào để đáp lại khát vọng ấy (x. Thông điệp Redemptoris missio số 38). Có thể những hình thức sống đạo cổ truyền không còn thích hợp với não trạng thời đại nữa; có thể là những hình thức đạo đức bình dân đã không được đánh giá đúng mức, khiến cho các buổi cử hành phụng vụ mang tính duy lý hơn là chạm đến tâm tình; cũng có thể là các tín hữu ước ao sống đạo ở chiều sâu của đời sống tâm linh (chiều kích huyền bí), chứ không chỉ dừng lại ở kinh kệ bên ngoài.
C. Những trung gian mới để chia sẻ Sự Sống trong Đức Kitô
Giáo hội cần phải tìm ra những phương thế mới để chia sẻ Sức sống trong Đức Kitô giữa các đô thị. Công cuộc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ đòi hỏi một sự hiện diện trong văn hóa đô thị và việc thiết lập những cộng đoàn Kitô hữu mới giữa các khu xóm.
Trước đây, khi sống ở nông thôn, người ta nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa qua trung gian của các hiện tượng thiên nhiên, qua các hình ảnh của “quyển sách thiên nhiên” (liber naturae). Ngày nay, tại các đô thị, sự trung gian là con người, hình ảnh của Thiên Chúa. Đại Hội Aparecida khuyến khích phát triển mỹ thuật (cái đẹp, via pulchritudinis) như con đường dẫn đến Thiên Chúa: cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp của nghệ thuật, cũng như cái đẹp của tình yêu, tất cả đều giúp cho con người chiêm ngắm, lắng nghe và yêu mến vẻ đẹp của Thiên Chúa (A 518i).
Hoạt động mục vụ cần giúp cho con người khám phá Thiên Chúa hiện diện tại đô thị: nơi các hình ảnh biểu tượng của ảnh tượng, nơi các huyền nhiệm sâu xa của cuộc sống, nơi chứng tá của các Kitô hữu. Hoạt động mục vụ cần quan tâm đến việc gặp gỡ huynh đệ, đón tiếp, đối thoại, đồng hành tâm linh (A 518 ef).
Các tín hữu chờ mong sự tiếp đón thân tình ở các giáo xứ, thánh điện, thánh đường, cũng như ước mong được tham gia vào các cộng đoàn cầu nguyện, huynh đệ và truyền giáo. Các cộng đoàn tín hữu phải là nơi đón tiếp, đồng thời cũng là nơi khởi hành. Cộng đoàn Kitô hữu không nên chỉ là “chiếc tàu của ông Noe”, dành cho mọi người tìm nơi ẩn trú, mà còn là “chiếc thuyền của ông Phêrô”, sẵn sàng ra khơi bất chấp sóng gió.
Một môi trường cần được chú ý đặc biệt là các gia đình. Gia đình gặp nhiều khủng hoảng tại các đô thị. Việc di chuyển từ nông thôn lên thành thị khiến cho nhiều người cảm thấy mất gốc. Những thế hệ lớn tuổi cảm thấy lạc lõng ở đô thị; vấn đề giáo dục gia đình trở nên trầm trọng do sự bất đồng ngôn ngữ giữa các thế hệ. Cuộc khủng hoảng truyền thông này ảnh hưởng không nhỏ đến lãnh vực tôn giáo, nghĩa là việc truyền thông các giá trị đạo đức cổ truyền: giới trẻ không chấp nhận quan điểm của các thế hệ trước, và chạy theo những nhà mô phạm của các phương tiện truyền thông, dựa trên các thần tượng của chiếm hữu, địa vị, khoái lạc, quyền lực. Cần làm sao giúp cho giới trẻ quý trọng các giá trị của Tin Mừng, và biết phân định những giá trị của thời đại mới (tự do, sáng tạo).
Công cuộc này đòi hỏi một sự thay đổi các phương pháp mục vụ và huấn giáo, nhắm đến việc thông truyền đức tin, trong tất cả các cơ cấu của Giáo hội: giáo xứ, trường học, các cộng đoàn tu sĩ (A 365). Cần thay đổi bộ mặt giáo xứ, được hình thành trong khung cảnh nông thôn, sao cho thích hợp với nếp sống đô thị. Giáo xứ phải trở thành một cộng đoàn truyền giáo, một cộng đoàn của các cộng đoàn (A 517e): cộng đoàn của các cộng đoàn thánh hiến, cộng đoàn của các cộng đoàn nhỏ, cộng đoàn của các phong trào, để có thể gần gũi hơn với dân chúng (A 518c). Điều này đòi hỏi phải nghĩ lại việc phối kết các hoạt động mục vụ, cũng như đặt lại vai trò của các linh mục, để làm thế nào trở nên men của Vương quốc Thiên Chúa giữa các đô thị.[5]
D. Đi ra vùng ngoại ô : Đến gặp gỡ những người nghèo, người ở xa, người di dân
Đại hội Aparecida (A 213; 551) muốn thúc đẩy Giáo hội sống trong tình trạng “ra đi”, dựa theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: “hãy ra đi... loan báo Tin Mừng cho muôn dân” (Mc 16,15). Sự ra đi được hiểu theo nghĩa thời gian (lịch sử) cũng như theo nghĩa không gian (những nơi mới). Giáo hội, khởi đi từ Đức Kitô trung tâm, ra đi xuyên qua dòng lịch sử nhân loại để đến với nhân loại. Bản chất của Giáo hội là lữ hành đến với nhân loại, chứ không đóng đô, để cho nhân loại đến với mình.
Trong khung cảnh nếp sống đô thị, một hình ảnh diễn tả sự “ra đi” của Giáo hội là ra miền ngoại ô, đến với những người sống bên rìa thành phố: những người nghèo, những người đau khổ, những người xa lạ, những người di dân. Họ sống ngoài rìa xã hội, bị loại trừ, bị khai thác, bóc lột. Giáo hội, cộng đồng của tình yêu, muốn đi đến những người xa lạ (A 179, 199, 310) để phản ánh tình thương của Chúa Giêsu đối với họ. Giáo hội đến gặp gỡ họ, quan tâm đến những nhu cầu họ, để mời gọi họ đến với Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, “vùng ngoại ô” không hiểu theo nghĩa thuần tuý địa lý, nhưng theo nghĩa nhân văn, bao gồm những người nghèo, những người bị loại trừ khỏi xã hội (A 380-430), những kẻ vô gia cư, những người ngã bên vệ đường, những người đau ốm trong các bệnh viện cũng như những người ở trong các nhà tù, những người nghiện ngập ma tuý.
Giáo hội cũng gần gũi con người vào những giây phút “bên rìa” của cuộc đời: lúc sinh và lúc tử, lúc già lão và bệnh tật (A 418).
Kết luận
Như đã nói trên đây, trong Kinh Thánh chúng ta gặp thấy hai hình ảnh tương phản khi đánh giá các đô thị: một bên là bức tranh lý tưởng của Giêrusalem trên thiên quốc, nơi Thiên Chúa ngự trị với dân của Ngài; một bên là các thành phố ngạo nghễ, chống lại Thiên Chúa, như Sôđôma, Babylon. Sứ mạng của Giáo hội là chuẩn bị thành đô Giêrusalem tương lai trong cuộc lữ hành trên trần thế này.
Khi áp dụng vào mục vụ đô thị, chúng ta có thể sử dụng một hình ảnh khác, diễn ra vào lúc khai sinh Giáo hội, vào lễ Ngũ tuần: Chúa Thánh Thần ban cho các thánh tông đồ ơn nói các ngôn ngữ của nhiều dân tộc (Cv 2,4-5). Các giáo phụ đã giải thích hiện tượng này như là sự phản biện hiện tượng tháp Baben. Baben tượng trưng cho sự hỗn độn của nhân loại: các dân tộc không thể thông đạt với nhau vì sự bất đồng ngôn ngữ (St 11,1-9). Ngày nay, các thánh tông đồ được Chúa Thánh Thần ban ơn ngôn ngữ để quy tụ muôn dân thành một: ngôn ngữ không còn là đầu mối của sự chia rẽ, nhưng tượng trưng do sự phong phú đa dạng của việc tuyên xưng một đức tin duy nhất.
Các đô thị (hoặc siêu đô thị) của thời đại hôm nay có thể ví như tháp Baben. Tuy có lẽ người dân sống tại một đô thị cùng nói một ngôn ngữ của quốc gia, nhưng họ lại sử dụng những ngôn ngữ khác biệt về tư tưởng, ý thức hệ, thời trang, văn hóa. Ở đây chúng ta không hiểu “ngôn ngữ” theo nghĩa là tiếng nói cho bằng những lối cảm nghĩ, suy tư, cư xử, văn hóa. Tại một đô thị, ta gặp thấy nhiều thứ “văn hóa”, do ảnh hưởng của giáo dục, điều kiện kinh tế tài chính, hoặc quan điểm chính trị. Những dị biệt này đôi khi có thể đưa đến xung đột, nhưng thông thường là dẫn đến sự phân hóa. Tuy cùng sống kề sát bên nhau, nhưng có những người cảm thấy mình thông cảm với những trào lưu khác trên thế giới (hiện tượng toàn cầu hóa), đang khi có những người cảm thấy bơ vơ lạc lõng, rơi vào cảnh cô đơn.
Đứng trước quang cảnh hỗn mang của Baben hiện đại, Giáo hội cũng được sai đi loan báo Tin Mừng. Vào lễ Ngũ tuần, các thánh tông đồ mang Tin Mừng đến với các dân tộc. Các ngài không trở về tháp Baben, nhưng hoán cải các ngôn ngữ của nhân loại để cùng nhau tuyên xưng những kỳ công của Thiên Chúa. Các ngôn ngữ dị biệt không còn là căn nguyên của chia rẽ, nhưng tượng trưng cho sự phong phú đa dạng trong việc tuyên xưng cùng một niềm tin. Giáo hội được quy tụ bởi những đoàn người khác biệt về ngôn ngữ nhưng cùng thông hiệp trong một đức tin vào Đức Giêsu Kitô. Trước nguy cơ phân tán và xung đột của sự khác biệt ngôn ngữ, Giáo hội kiến tạo một văn hóa hiệp thông. Công cuộc này không chỉ là nỗ lực riêng của Giáo hội, nhưng dựa trên sức mạnh của chính men Tin Mừng, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Như vậy, mục vụ đô thị không chỉ là một mảng của công tác mục vụ, nhưng đụng đến tất cả sứ mạng của Giáo hội vào thời đại hôm nay.
Phụ thêm
Thần học về đô thị là một ngành mới ra đời vào những thập niên giữa thế kỷ XX, với nhiều khuynh hướng khác nhau. Ở đây chúng tôi chỉ liệt kê vài tác phẩm nổi tiếng chứ không phân tích nội dung.
1/ Những tác giả Công giáo
- Joseph Comblin, Théologie de la ville, Paris: Ed. Universitaires, 1968.
- Francisco Niño, La Iglesia en la ciudad. El fenómeno de las grandes ciudades en América Latina, Roma: Gregoriana, 1996.
- Phillip Berryman, Religion in the Megacity: Catholic and Protestant Portraits from Latin America, New York, Maryknoll: Orbis, 1996.
- Antonio Autiero (a cura di), Teologia nella città, teologia per la città. La dimensione secolare delle scienze teologiche, Bologna: EDB, 2005.
- Giordano Frosini, Babele o Gerusalemme? Teologia delle realtà terrestri, Vol. 1: La città, Bologna: EDB, 2007.
- Benjamin Bravo (ed.), La pastoral urbana (A la luz de Aparecida 10), Bogotá: CELAM, 2008.
2/ Những tác giả Anh giáo và Tin Lành
- Harvey Cox, The secular city : secularization and urbanization in theological perspective, New York: MacMillan, 1966.
- Michael Northcott (ed.), Urban Theology. A Reader, London: Cassell, 1998.
- Andrew Davey, Urban Christianity and Global Order, London: SPCK, 2001.
- Harvie M. Conn; Manuel Ortiz, Urban Ministry. The Kingdom, the City and the People of God, Illinois: InterVarsity Press, 2001.
- Kathryn Tanner (ed.), Spirit in the Cities. Searching for Soul in the Urban Landscape, Minneapolis: Fortress Press, 2004.
Dù sao, suy tư thần học dựa trên nhiều dữ kiện của các khoa học nhân văn. Trong các ngành này, có nhiều quan niệm khác nhau về “thành thị, đô thị, siêu đô thị” (town, city, megapolis). Ngay từ thời cổ đại, trong tiếng Latinh đã có sự phân biệt giữa “urbs – civitas – polis”. Ngoài ra, “thành thị” thường được xem như đối lập với “thôn quê” (làng mạc) dưới nhiều phương diện; thực thể “làng mạc” sẽ bị lãng quên dưới sự phát triển của “thành thị”. Tuy vậy, thuật ngữ “cái làng toàn cầu” (global village) vẫn chưa mất tính cách thời sự của nó.
Về khái niệm văn hóa đô thị, xin coi Trần Ngọc Khánh, Văn hóa đô thị giản yếu, TPHCM: Tổng hợp, 2012.
______
[1] Tác giả là một linh mục thuộc giáo phận Buenos Aires, giáo sư ĐH Công giáo Argentina, được bổ nhiệm làm thành viên của UB thần học quốc tế từ ngày 22/9/2014. Nguyên tác: “La pastoral urbana en la iglesia latinoamericana: memoria histórica, relectura teológica y proyección pastoral”. Nguồn: Revista Teología, Tomo XLVII n° 102 • Agosto 2010:7329. http://bibliotecadigital.uca.edu.ar/
revistas/la-pastoral-urbana-en-la-iglesia-latinoamericana.pdf>
[2] Bài viết này hoàn tất vào năm 2010. Văn kiện mới nhất của Tòa thánh là tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” của Đức thánh cha Phanxicô, với nhiều đoạn (số 71-75) được dành cho mục vụ đô thị.
[3] Tân Ước đã cho ta thấy vị trí của các thành phố trong những thời khởi đầu của Giáo hội. Công cuộc truyền giáo khởi hành từ Giêrusalem, trải qua các thành phố lớn trong đế quốc Rôma (Antiôkia, Thêxalônica, Ephêsô, Côrintô, Athêna, v.v.) và chạm đến thủ đô của đế quốc.
[4] Dĩ nhiên, ngoài những văn kiện của các Đại Hội CELAM, vấn đề “mục vụ đô thị” còn được nghiên cứu ở nhiều cuộc hội thảo thần học, các kế hoạch mục vụ của các quốc gia hoặc giáo phận. Thí dụ Hội nghị mục vụ đô thị của miền Buenos Aires (Argentina) năm 2011 do Hồng y Jorge Bergoglio S.J. chủ toạ năm 2011. Xc. http://www.pastoralurbana.com.ar/web/camino-recorrido.html
[5] X. J. Bergoglio, “El sacerdote en la ciudad, a la luz del Documento de Aparecida” Boletín Eclesiástico del Arzobispado de Buenos Aires 518 (2010) 183-194.