Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

DẪN NHẬP VÀO CÁC KHOA HỌC TÔN GIÁO

Thời sự Thần học - số 68 tháng 5/2015, tr. 13-39

_Phan Tấn Thành_

Nhập đề
Từ ngữ. Khoa học tôn giáo, nghiên cứu tôn giáo, tôn giáo học
I. Lịch sử khai sinh và tiến triển của các khoa học tôn giáo. A. Những chuẩn bị: thời Thượng cổ và Trung cổ. B. Sự ra đời của những khoa học tôn giáo.
II. Một thoáng nhìn về các khoa học tôn giáo hiện nay. A. Lịch sử các tôn giáo. B. Xã hội học tôn giáo. C. Tâm lý học tôn giáo. D. Hiện tượng luận tôn giáo. E. Thần học tôn giáo?
Kết luận. Khoa học tôn giáo: một hay nhiều?

Nhập đề


Thoạt nghe nói đến “khoa học tôn giáo”, người ta dễ liên tưởng ngay đến những cuộc tranh luận chung quanh mối liên hệ giữa khoa học và tôn giáo: phải chăng tôn giáo phản khoa học? phải chăng sự tiến bộ của khoa học sẽ đưa đến sự tàn lụi của tôn giáo? Tuy nhiên, đó không phải là những câu hỏi mà chúng tôi muốn bàn ở đây. “Khoa học tôn giáo” (viết tắt KHTG) muốn nói đến các khoa học nghiên cứu tôn giáo, tức là việc nghiên cứu tôn giáo cách khoa học. Điều này hàm ngụ một sự thay đổi quan trọng về não trạng. Xưa nay tôn giáo được coi như một thực tại của “niềm tin”: chỉ có ai có lòng tin thì mới “theo đạo”, và chỉ có những người theo đạo thì mới có thể “hiểu đạo”; còn những kẻ “ngoại đạo” sẽ không thể nào hiểu được đạo. Một câu hỏi đương nhiên được đặt ra: phải chăng tôn giáo là cái gì hoàn toàn chủ quan, do óc tưởng tượng chứ không thể nào kiểm chứng khách quan từ bên ngoài?

Các KHTG ra đời để trả lời cho câu hỏi ấy: tôn giáo cần phải được nghiên cứu một cách có khoa học, trung lập, khách quan (để tránh cảnh “mẹ hát, con vỗ tay”). Điều đáng nói là trong lịch sử tư tưởng châu Âu, không phải các KHTG do các chức sắc tôn giáo sáng chế nhằm bênh vực tính cách khách quan của đạo mình, nhưng là do những người không mấy thiện cảm với các tôn giáo, thậm chí đôi khi họ nhằm chứng minh rằng tôn giáo chỉ là một thứ ảo tưởng. Như vậy, ta thấy một sự khác biệt quan trọng giữa hai tâm trạng trong việc tìm hiểu tôn giáo: theo quan điểm cổ truyền, cần phải là “người có đạo thì mới hiểu đạo” (tôn giáo là một điều kiện cần thiết cho người nghiên cứu); còn đối với các KHTG thì “tôn giáo” được nhìn như một đối tượng học hỏi, và người nghiên cứu không cần phải là tín đồ của một tôn giáo.

Bài này gồm hai phần chính. Trong phần thứ nhất, mang tính cách lịch sử, chúng tôi muốn trình bày những hoàn cảnh ra đời của các KHTG. Phần thứ hai giới thiệu sơ qua vài bộ môn chính của các KHTG. Trước khi vào đề, chúng tôi muốn đưa ra vài nhận xét các từ ngữ.

Từ ngữ


Khoa học tôn giáo, Nghiên cứu tôn giáo, Tôn giáo học: đây là những thuật ngữ còn mới lạ ở Việt Nam, dùng để chuyển dịch các từ ngữ trong tiếng Pháp (và tiếng Anh): sciences religieuses (religious sciences), études religieuses (religious studies), science des religions (science of religions). Chúng ta sẽ có dịp làm quen với những thuật ngữ này khi theo dõi phần lịch sử. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhận xét hai thuật ngữ: sciences religieuses và sciences des religions. Thoạt tiên xem ra hai thuật ngữ đồng nghĩa với nhau, và đều có thể dịch sang tiếng Việt là “KHTG”, nhưng thật ra có những khác biệt ý nghĩa không nhỏ giữa hai thuật ngữ ấy.

1/ Trong giới Công giáo, sciences religieuses đôi khi được hiểu như là những môn học liên quan đến Thiên Chúa và tôn giáo (cũng còn được đặt tên là các “thánh khoa”: science sacrée, được dạy ở các chủng viện), đối lại với sciences profanes (các môn học phàm tục!). Nói nôm na, đó là “môn đạo” (đối lại với “môn đời”).

2/ Tại các đại học quốc gia, thay vì sciences religieuses, người ta thích dùng “science des religions”: khoa học nghiên cứu các tôn giáo. Nói đúng ra, có bốn dạng thức khác nhau, do sự kết nạp giữa “science” và “religion” (tuỳ theo được đặt ở số ít hay ở số nhiều): science de la religion, sciences de la religion, science des religions, sciences des religions.

– Science dùng ở số ít hay ở số nhiều?[1] Điều này tuỳ theo quan điểm. Ai dùng ở số ít thì nghĩ rằng chỉ có một phương pháp khoa học duy nhất để nghiên cứu tôn giáo. Ai dùng ở số nhiều thì cho rằng có nhiều phương pháp để nghiên cứu, dựa theo chuyên ngành của mình: phương pháp áp dụng trong ngành sử học thì khác phương pháp nghiên cứu của tâm-lý-học hoặc xã-hội-học. Nói khác đi, có nhiều KHTG, thường được liệt kê như sau: lịch sử, xã hội học, tâm lý học, hiện tượng luận, triết học[2].

– Religion ở số ít hay ở số nhiều? Câu trả lời tuỳ theo quan điểm. Ai dùng số nhiều thì nghĩ rằng trên thế giới có nhiều tôn giáo; ai dùng số ít thì quan niệm rằng chỉ có một thực tại duy nhất biểu hiện qua nhiều các hình thức khác nhau. Nói chung, ngành sử học và xã hội học quen dùng theo số nhiều; còn tâm lý học, hiện tượng luận, triết học thì thiên về số ít. Thực ra, vấn đề còn phức tạp hơn nhiều, xoay quanh quan niệm về tôn giáo: có thể định nghĩa tôn giáo không? Theo quan niệm cổ truyền của Kitô giáo, tôn giáo nói lên một sự tôn thờ dành cho Thiên Chúa (religio importat ordinem ad Deum). Nhưng không phải tất cả các tôn giáo đều chấp nhận quan điểm ấy (chẳng hạn Phật giáo nguyên thuỷ không đả động đến Thiên Chúa cũng chẳng nhắc đến lễ nghi cúng bái). Vì thế phải chấp nhận nhiều quan niệm khác nhau về tôn giáo. Thế nhưng một câu hỏi lập tức được nêu lên: lấy gì làm tiêu chuẩn phân biệt một “hiện tượng tôn giáo” với một “hiện tượng văn hoá” (chẳng hạn một lễ hội), hoặc một “tổ chức tôn giáo” với một “tổ chức xã hội”? Chúng ta sẽ có dịp trở lại những câu hỏi này. Tạm thời, chúng tôi sử dụng từ “tôn giáo” như là tương đương với religion, tuy rằng danh từ này có thể dịch là “tín ngưỡng, đạo” tuỳ trường hợp[3].

– Ngoài những lý do vừa nêu, cũng nên lưu ý đến truyền thống của mỗi quốc gia, chẳng hạn như bên Đức, thuật ngữ cổ điển là Religionswissenchaft (cả hai danh từ đều ở số ít); tại Hoa kỳ, thuật ngữ cổ điển là Religious studies (hoặc đôi khi cũng mang tên là History of Religions, tuy không chỉ giới hạn vào ngành sử học); còn ở Pháp ta gặp thấy thuật ngữ Science des religions.

I. Lịch sử tiến triển các KHTG


Các KHTG ra đời từ hồi nào? Trong tiếng Việt, “khoa học” đôi khi chỉ có nghĩa là một “môn học” được dạy ở trường; hiểu như vậy, thi ca và nghệ thuật cũng là những “khoa học” (những môn cần phải học). Nếu hiểu theo nghĩa ấy, ta có thể nói rằng các KHTG ra đời cùng với lịch sử nhân loại: kể từ khi con người có tôn giáo thì cũng đã có những suy tư học hỏi tôn giáo. Tuy nhiên, thời xưa người ta bàn đến tôn giáo một cách kính cẩn bởi vì ý thức rằng mình đối diện với một thế giới linh thiêng. Còn theo quan điểm hiện đại, “khoa học” được hiểu là phương pháp thực nghiệm, được áp dụng để nghiên cứu tôn giáo. Theo nghĩa này, các KHTG mới phát triển từ khi các khoa học thực nghiệm phát triển trong vòng hai thế kỷ gần đây. Tuy nhiên, trước đó đã có những bước chuẩn bị từ nhiều thế kỷ. Chúng ta hãy theo dõi sự tiến triển của các lối tiếp cận khác nhau chung quanh thực thể tôn giáo.
A. Những bước chuẩn bị từ xa xưa

Mặc dầu Á châu là cái nôi của các tôn giáo cổ kính nhất của nhân loại, nhưng tại lục địa này không nảy sinh các KHTG bởi vì người ta không dám đi thụt lùi để quan sát và phê bình niềm tin của truyền thống.[4] Đang khi đó, tại Hy lạp, các triết gia cổ thời đã tiếp cận các tôn giáo với óc phê bình. Một cách chính xác hơn, phải nói đến ba khuynh hướng tiếp cận các tôn giáo: 1/ Khuynh hướng mô tả: trình bày lịch sử các thần (thần thoại, chẳng hạn như ông Homêrô) hoặc đối chiếu các tôn giáo (nổi tiếng nhất là ông Herodotus, tk. V trước CN). 2/ Khuynh hướng tư duy: đi tìm căn nguyên tối hậu của vạn vật (thí dụ Thales, Anaximander, Heraclitus, Plato, Aristote). 3/ Khuynh hướng phê bình, chẳng hạn như ông Senophanes (các thần thoại là do con người vẽ ra) hoặc ông Evemerus (các thần là những con người được tôn phong).[5]

Những khuynh hướng mô tả (lịch sử) và suy tư vẫn còn được tiếp tục ở Rôma và sau đó trong Hội thánh Công giáo trong suốt thời Trung cổ. Nói đúng ra, thần học không quan tâm lắm đến các tôn giáo khác, bởi vì một đàng họ xác tín rằng chỉ có Kitô giáo mới là tôn giáo đích thực (vera religio) bởi vì dạy cho con người biết tôn thờ Thiên Chúa chân thực (những tôn giáo khác chỉ tôn thờ bụt thần ma quỷ: omnes dii gentium demonia Tv 95,5 theo bản dịch Vulgata); giả như các tôn giáo khác có điều tốt thì cũng chỉ là “tôn giáo tự nhiên” thôi (religio naturalis) không thể nào sánh được với đạo do chính Thiên Chúa mạc khải (religio revelata).

Dù sao, từ thời Trung cổ, cũng nên ghi nhận các ký sự của các nhà truyền giáo hoặc các thương gia nhờ việc tiếp xúc với các dân tộc khác.[6] Bên Hồi giáo, cần phải kể đến bộ lịch sử các tôn giáo Kitab al–Milal wa al-Nihal của ông Muhammad al-Shahrastani, một nhà sử học người Ba tư (1086–1153).

B. Sự ra đời của các KHTG


Các ngành KHTG phát triển tại châu Âu vào thế kỷ XIX, do sự đồng quy của nhiều nhân tố. Như sẽ nói trong phần thứ hai, KHTG bao gồm nhiều ngành: lịch sử, tâm lý học, xã hội học, vv. Mỗi ngành có lịch sử phát triển riêng của nó.
1. Vài sự kiện
Có thể nói được là ngành có một lịch sử lâu đời nhất là lịch sử các tôn giáo. Nhờ những cuộc du lịch tới những vùng đất xa xăm và việc giao du với những dân tộc cổ điển, các học giả Âu châu thâu thập được nhiều bản kinh của các tôn giáo (Ai cập, Trung hoa, Ấn độ, v.v.), và họ đã bắt đầu dịch sang các ngôn ngữ (Pháp, Anh, Đức) cũng như tiến hành những cuộc học hỏi đối chiếu. Trong số những nhà khảo cứu tiên phong này, cần phải kể đến các ông Friedrich Max Müller người Đức[7] và ông Cornelis Petrus Tiele ở Hà-lan. Hai ông được coi như những nhà khai sáng KHTG bởi vì công trình nghiên cứu của các ông được đưa vào giảng dạy tại đại học, mặc dù thời ấy môn học còn mang những danh xưng khác nhau. Vào những năm 1868-1875, đại học Oxford đã dành một “ghế” (chair) cho ông Max Muller mang tên là “Ngữ văn đối chiếu” (Comparative Philology) sau đó đổi tên thành “Thần học đối chiếu” (Comparative Theology). Bộ sách thời danh nhất của ông là “Các sách thánh của Đông phương” (The sacred books of the East) gồm 50 cuốn được xuất bản từ năm 1879 và kết thúc vào năm 1910 (sau khi ông đã qua đời). Vào đầu niên học 1877, chính quyền Hà Lan đổi tên “ghế thần học” thành “ghế khoa học các tôn giáo”, và trao cho ông Cornelis Petrus Tiele đảm nhận. Chủ trương của ông Tiele là nghiên cứu lịch sử các tôn giáo (theo chiều hướng tiến hoá, chứ không đi tìm hiểu bản chất của tín ngưỡng). Bên Đức, một Viện chuyên nghiên cứu về tôn giáo (Religionswissenschaftliches Institut) được thiết lập tại đại học Leipzig năm 1912, và được trao cho ông Nathan Söderblom điều khiển. Nên biết là vào thời điểm này, người ta cũng áp dụng phương pháp nghiên cứu tôn giáo đối chiếu vào việc nghiên cứu Kinh Thánh Kitô giáo.

Lần lượt trong suốt thế kỷ XIX, nhiều tác giả đã nghiên cứu tôn giáo dưới những khía cạnh khác nhau: Karl Marx phân tích tôn giáo dưới khía cạnh sử quan, Sigmund Freud dưới khía cạnh tâm phân học, James Frazer dưới khía cạnh nhân chủng học. Những thập niên đầu thế kỷ XX đã chứng kiến sự ra đời của những tác phẩm trở thành cổ điển của Tâm lý học tôn giáo (William James, The Varieties of Religious Experience, 1902: Những dị biệt của cảm nghiệm tôn giáo) và Xã hội học tôn giáo (Max Weber, Die protestantische Ethik und der 'Geist' des Kapitalismus 1904: Đạo đức học Tin Lành và tinh thần tư bản chủ nghĩa; Émile Durkheim, Les Formes élémentaires de la vie religieuse, 1912: Những hình thức sơ khai của đời sống tôn giáo).
2. Những khuynh hướng
Dù sao, khi tìm hiểu lịch sử của sự phát triển các KHTG, ta không thể nào bỏ qua các khuynh hướng (thậm chí các ý thức hệ) đàng sau những công trình khảo cứu. Thật vậy, các KHTG ra đời tại châu Âu, một lục địa mang đậm bản sắc Kitô giáo, nhưng đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng do những tranh chấp giữa giáo quyền với thế quyền, giữa lý trí và đức tin, giữa thần học và khoa học, cách riêng kể từ thời Cải Cách Tin Lành (thế kỷ XVI). Việc nghiên cứu tôn giáo trước hết được giới hạn vào việc khảo sát Kitô giáo rồi dần dần mở rộng đến các tôn giáo khác. Từ đó đến nay, công cuộc khảo cứu tôn giáo lần lượt chịu ảnh hưởng của bốn trào lưu chi phối việc nghiên cứu tôn giáo: duy lý, thực nghiệm, tiến hoá, đối chiếu[8].

a) Nguyên tắc duy lý. Vào thời Trung cổ, triết học được coi như “nữ tì của thần học” (ancilla theologiae). Tình trạng đã bị lật ngược khi bước vào thời Khai sáng của thế kỷ XVIII: lý trí là nguyên tắc tối thượng chỉ huy đời sống con người. Nhân danh nguyên tắc này, những yếu tố mạc khải hoặc mầu nhiệm cần phải loại bỏ. Tôn giáo chỉ là một sản phẩm của lý trí con người. Việc nghiên cứu tôn giáo chỉ giới hạn vào những gì có thể kiểm chứng được.

b) Nguyên tắc thực nghiệm. Đây là một hệ luận của quan điểm của ông Auguste Comte về ba giai đoạn của lịch sử tư tưởng nhân loại: (i) thời sơ khai, con người tìm cách giải thích các hiện tượng thiên nhiên bằng cách quy chiếu về thần linh; (ii) kế đó là thời triết học, con người dùng lý trí (triết học) để giải thích vạn vật; (iii) sau cùng, giai đoạn thực nghiệm không cần nại đến Đấng Huyền vi hoặc Căn nguyên đệ nhất, nhưng chú trọng đến cái gì chính xác, hữu ích, thực nghiệm. Theo nguyên tắc này, khoa học chỉ chấp nhận những dữ kiện thực nghiệm, có thể quan sát, chứ không quan tâm đến các thực thể siêu hình. Các hiện tượng cần được giải thích trong khung cảnh văn hoá tự nhiên, không cần quy chiếu về các nguyên nhân bên ngoài thế giới.

c) Nguyên tắc tiến hoá. Tôn giáo được xem như một hiện tượng bị chi phối bởi quy luật tiến hoá của vạn vật, từ những hình thức sơ khai đến những hình thức tiến bộ cao cấp. Nguyên tắc này bắt nguồn từ triết học của ông G.W.F.Hegel, và được ông Herbert Spencer áp dụng vào lãnh vực tôn giáo. Nên biết là ông Spencer cũng ghi nhận là có hai trào lưu đối nghịch khi nghiên cứu tôn giáo: (i) trào lưu “tiến bộ” chủ trương rằng con người tiến triển từ trạng thái sơ khai lên đến hình thái cao cấp; (ii) trào lưu “thoái hoá” cho rằng con người đi xuống dốc, từ tình trạng nguyên tuyền đến tình trạng đồi trụy. Nói chung, trào lưu tiến hoá thắng thế, theo đó con người đã tiến hoá từ hình thức vật linh (animism) lên đến niềm tin vào loài yêu tinh, rồi đa thần và sau cùng là độc thần (thí dụ: E.B.Tylor).

d) Nguyên tắc đối chiếu. Để có thể hiểu biết tôn giáo cách tường tận, ta cần phải đối chiếu các hình thức khác nhau nơi các nền văn hoá: chỉ sau khi đã so sánh những điểm tương đồng và khác biệt trải qua không gian và thời gian thì ta mới có thể có một quan niệm chính xác về tôn giáo. Ông Max Muller, một nhân vật nổi tiếng nhất của khuynh hướng này, đã tuyên bố: “Nếu ai chỉ biết một tôn giáo thì chẳng biết gì về tôn giáo”. Nhờ việc nghiên cứu các bản sách thánh của các tôn giáo, ông đi đến kết luận rằng có một nền tảng tôn giáo chung của nhân loại, đàng sau các ngôn ngữ diễn tả khác biệt giữa các văn hoá.

Đó là tình trạng của các KHTG vào lúc mới ra đời. Từ đó đến nay, đã có nhiều suy tư liên quan đến phương pháp làm việc, như chúng tôi sẽ trình bày trong phần kế tiếp.

II. Một thoáng nhìn về các KHTG


Như vừa thấy trong phần lịch sử, các KHTG bao gồm nhiều bộ môn không ra đời cùng một lúc. Nói được là môn lịch sử các tôn giáo xuất hiện đầu tiên, rồi đến lượt đến các môn khác. Hiện nay KHTG gồm bao nhiêu ngành? Thật khó nói, bởi vì điều này tuỳ thuộc vào quan điểm về “khoa học” (thường được hiểu là khoa học thực nghiệm, vì thế không kể đến triết học và thần học), cũng như tuỳ thuộc vào điều kiện chuyên môn của các giáo sư đại học (chẳng hạn như không dễ tìm được một chuyên viên về “hiện tượng luận tôn giáo”)[9]. Trên nguyên tắc, có bao nhiêu chuyên ngành khoa học nhân văn thì cũng có bấy nhiêu ngành KHTG, bởi vì KHTG chỉ là việc áp dụng phương pháp khoa học nhân văn vào việc nghiên cứu tôn giáo xét như là một “hiện tượng của con người”. Do đó, ta có thể kể ra nhiều ngành: ngữ văn tôn giáo, dân tộc học tôn giáo, nhân học tôn giáo, kinh tế học tôn giáo, chính trị học tôn giáo, địa lý tôn giáo, vv. Tuy vậy, nói chung, thường các sách viết về các KHTG chỉ liệt kê các môn học sau đây[10]: lịch sử các tôn giáo, tâm lý học tôn giáo, xã hội học tôn giáo, hiện tượng luận tôn giáo. Ở đây, chúng tôi chỉ trình bày một cái nhìn khái quát về các môn này; những vấn đề thời sự sẽ được đào sâu trong những bài kế tiếp.

A. Lịch sử các tôn giáo


Phải chấp nhận rằng đây một ngành “niên trưởng” trong các KHTG, bởi vì đã hiện hữu từ lâu đời. Tuy nhiên, dưới khía cạnh phương pháp luận, đã có một sự tiến triển trong quan điểm về lịch sử tôn giáo. Nói cách khác, môn lịch sử các tôn giáo cũng có một lịch sử riêng của nó.

Thời xưa, mỗi tôn giáo đều viết những bộ lịch sử riêng, trong đó yếu tố thần linh thường lấn át yếu tố nhân loại. Chúng ta có thể lấy bộ Kinh Thánh (Cựu ước và Tân ước) làm một thí dụ: hầu như trang nào cũng thuật lại những lần can thiệp từ trời (các phép lạ). Vào thời cận đại, do ảnh hưởng của các thuyết duy lý và thực nghiệm, người ta muốn loại bỏ những yếu tố “siêu nhiên” và chỉ dừng lại ở những yếu tố tự nhiên. Khuynh hướng tiến hoá còn muốn chứng tỏ rằng tôn giáo chỉ là một hiện tượng văn hoá, tiến bộ theo đà tiến của trí thức (từ vật linh đến độc thần). Chống lại khuynh hướng tiến hoá là chủ trương thoái hoá (từ độc thần tụt xuống đa thần, phiếm thần).

Trên thực tế, tại châu Âu, từ thời Trung Cổ, lịch sử tôn giáo ra như chỉ giới hạn vào lịch sử Kitô giáo. Mãi đến thời cận đại, người ta mới tìm hiểu các tôn giáo tại các lục địa khác, theo những phương pháp sử học, nghĩa là nghiên cứu nguồn gốc, sự phát triển của mỗi tôn giáo trải qua không gian và thời gian. Dĩ nhiên, mỗi tôn giáo có một lịch sử riêng biệt; tuy nhiên, mỗi tôn giáo cần được đặt trong khung cảnh lịch sử của nó để hiểu biết nguồn gốc và những ảnh hưởng (thí dụ Kitô giáo cần được móc nối với Do thái giáo). Đi xa hơn nữa, người ta muốn nghiên cứu lịch sử các tôn giáo trong toàn bộ khung cảnh của lịch sử nhân loại.

Trong những thế kỷ gần đây, môn lịch sử các tôn giáo đã trải qua nhiều biến chuyến quan trọng. Hồi đầu thế kỷ XIX, do ảnh hưởng của thuyết thực nghiệm, người ta muốn loại bỏ tất cả các yếu tố “siêu nhiên” ra khỏi tôn giáo, và chỉ giới hạn vào những yếu tố thực nghiệm. Đồng thời, do ảnh hưởng của thuyết tiến hoá, người ta tìm cách giải thích nguốn gốc của hiện tượng tôn giáo của nhân loại. Đây là thời bá chủ của môn dân tộc học (ethnology), với những cuộc tranh luận về sự tiến hoá hoặc thoái hoá của các tôn giáo nhân loại. Sang thế kỷ XX, người ta thấy cần phải vượt qua các ý tưởng tiên thiên vừa kể, và áp dụng phương pháp riêng biệt của ngành sử học: tìm hiểu lịch sử của một tôn giáo từ lúc khai sinh, trải qua các chặng phát triển cho đến nay, dựa trên các di tích, tài liệu. Dĩ nhiên, mỗi nhà nghiên cứu đã mang trong đầu mình một quan niệm về tôn giáo; tuy nhiên, họ cần phải liên tục kiểm tra lại xem quan niệm của mình có hoàn toàn trùng hợp với “tôn giáo” mà mình đang nghiên cứu hay không, để điều chỉnh cho thích hợp với đối tượng học hỏi.

Nên biết là trong ngành lịch sử tôn giáo, có nhiều khuynh hướng nghiên cứu, trong đó có khuynh hướng đối chiếu và đặc biệt là khuynh hướng “hiện tượng luận tôn giáo” như sẽ nói sau: một tác giả nổi tiếng Mircea Eliade (1907-1986), có khi được xếp như một nhà sử học (với tác phẩm Traité d’Histoire des religions) có khi được xếp trong ngành hiện tượng luận.

B . Xã hội học tôn giáo


Mục tiêu của Xã-hội-học là nghiên cứu các cơ cấu xã hội, nơi diễn ra các cuộc giao lưu và thay đổi do ảnh hưởng tương tác giữa những nhóm người. Theo nghĩa này, tôn giáo cũng là một đối tượng nghiên cứu, bởi vì tôn giáo mang một chiều kích xã hội: một đàng tôn giáo tổ chức như một đoàn thể xã hội; đàng khác, các đoàn thể tôn giáo cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt của cộng đồng xã hội xung quanh.

Trên phương diện học thuyết và phương pháp, môn xã hội học đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Những nhà tiên phong của môn xã hội học đều quan tâm đến tôn giáo; nói cách khác, những nhà sáng lập xã hội học cũng là những nhà sáng lập của khoa xã hội học tôn giáo
1. Những lý thuyết gia của giai đoạn khai phá
Auguste Comte (1798-1857) phân biệt ba chặng trong tư tưởng nhân loại: a) thần thoại, trong đó các biến cố đều được giải thích như là tuỳ thuộc vào các quyền lực siêu nhiên; b) triết học, trong đó các biến cố được giải thích qua các nguyên nhân siêu hình; c) khoa học thực nghiệm, trong đó các hiện tượng được nhận xét và nghiên cứu cách khoa học, và con người có thể dùng trí năng để điều khiển các hiện tượng theo ý muốn. Dĩ nhiên, duy chỉ có chặng thứ ba mới thực sự là quan trọng. Comte sáng nghĩ ra một tôn giáo mới, “tôn giáo nhân bản”, lấy yêu thương làm nguyên lý, trật tự làm nền tảng, tiến bộ là cứu cánh.

Max Weber (1864-1920) nghiên cứu tương quan giữa tôn giáo và các thể chế xã hội, một cách cụ thể giữa Tin lành Calvin và chủ nghĩa tư bản Tây phương. Theo ông, nền tảng của chủ nghĩa tư bản không thể nào là bản năng chiếm hữu, bởi vì bản năng này hiện hữu nơi hết mọi người. Nền tảng của chủ nghĩa tư bản nằm sự thay đổi ý hướng do chủ trương Cải cách Tin lành: một vài lối thực hành xưa kia được coi là nết xấu bây giờ lại trở thành nhân đức. Trước kia, các đan sĩ từ bỏ thế gian, thực hành khổ chế để mong được cứu rỗi linh hồn. Quan điểm mới của Calvin thì hướng về thế giới: sự khắc khổ của các đan sĩ được chuyển sang việc lao động chuyên cần và hợp lý của những tín hữu sống giữa trần thế, để được cứu rỗi nơi người khác.

Émile Durkheim (1858-1917) khảo sát các bộ lạc ở Úc châu và đi tới kết luận rằng tôn giáo phát sinh từ xã hội, tập trung vào totem (vật tổ, một động vật hoặc một thảo mộc) như là khuôn mẫu của cái linh thiêng. Vật tổ là biểu tượng vừa của thần linh vừa của xã hội. Từ đó nảy ra các niềm tin và lễ bái: có một sự thông hiệp bí tích với vật tổ (như là nguyên uỷ sự sống) nhờ đó các phần tử của xã hội kết hợp thành một cộng đoàn với vật tổ. Vì thế, tôn giáo không phải là một tín ngưỡng cá nhân, nhưng là một hành động xã hội. Các niềm tin có thể thay đổi, nhưng xã hội luôn cần đến các hành động tôn giáo để tự khẳng định chính mình. Đối với Durkheim, thần linh và xã hội cũng làm một. Hơn thế nữa, cho đến nay các thần linh đã được biểu lộ qua các tôn giáo cổ truyền. Không có gì ngăn cản nhân loại phát sinh ra các tôn giáo mới. Do đó, ngày nay vật tổ có thể là chủ nghĩa ái quốc hoặc một phong trào văn hoá nào đó.
2. Những đường hướng nghiên cứu
Các nhà xã hội học cổ điển thường giới hạn đối tượng nghiên cứu vào những lãnh vực sau:

– Khía cạnh xã hội của tôn giáo: mô tả các cộng đồng tôn giáo (các thành phần, việc kết nạp và trục xuất các phần tử), các cơ cấu của cộng đồng (những định chế, tín điều, lễ bái, tác phong đạo đức), việc thực hành tôn giáo (những quy điển chính thức và các thực hành dân gian)

– Những chức năng của tôn giáo: người ta tìm đến tôn giáo để làm gì? (cứu độ, giải thoát, khang an thịnh vượng, công lý, hạnh phúc, vv).

– Tương quan giữa tôn giáo và xã hội: vai trò của tôn giáo đối với xã hội (yếu tố đoàn kết cộng đồng); sinh hoạt tôn giáo và hoạt động xã hội. Tôn giáo là nhân tố bảo thủ hoặc cải cách xã hội? Ảnh hưởng của tôn giáo đối với đời sống xã hội: biện minh các giai cấp xã hội, hoặc thúc đẩy bình đẳng giữa hết mọi giới?
3. Tôn giáo nhìn từ bên ngoài hoặc từ bên trong
Các lý thuyết vừa nói trên đây có thể gọi chung là khuynh hướng nhìn tôn giáo “từ bên ngoài”, tìm hiểu các mối dây tương tác giữa tôn giáo và xã hội: tôn giáo được nhìn là một thành tố của đời sống xã hội; xã hội thế nào thì tôn giáo cũng như thế. Một khuynh hướng thứ hai tạm đặt trên là khuynh hướng “từ bên trong”, lưu ý đến các sinh hoạt nội bộ của tôn giáo. Khuynh hướng này xem ra hấp dẫn những nhà nghiên cứu đã là thành phần của một tôn giáo cụ thể, và chính xác hơn, các nhà xã hội học Kitô giáo. Sứ mạng của Kitô giáo là phục vụ “Triều đại Thiên Chúa” ở trần thế này. Vì thế cần phải làm thế nào để biến đổi xã hội cho phù hợp với các lý tưởng của Tin Mừng[11]. Tuy nhiên, ở đây xem ra có sự lẫn lộn về phương pháp giữa “Học thuyết xã hội của Giáo hội” và “Xã hội học tôn giáo”. “Học thuyết xã hội của Giáo hội” là một bộ môn của thần học luân lý, còn xã hội học tôn giáo là một ngành thuộc khoa học thực nghiệm.

Có lẽ một đề tài liên quan trực tiếp đến xã hội học tôn giáo từ bên trong là hiện tượng “thế tục hoá” (secularization) trong các xã hội Âu Mỹ theo truyền thống Kitô giáo (hiện tượng không tác dụng mạnh mẽ ở các vùng địa lý thuộc các tôn giáo lớn khác). Dĩ nhiên, tại Âu Mỹ, hiện tượng “thế tục hoá” thường được đi kèm theo hiện tượng công nghệ hoá: đâu là nhân và đâu là quả? Và khi hiện tượng công nghệ hoá của Âu Mỹ được du nhập sang các lãnh thổ khác, nó có lôi kéo theo sự thế tục hoá hay không? Về điều này, thật là thú vị khi biết rằng nhiều người Tây phương tìm về Ấn giáo hay Phật giáo (chẳng hạn các trường học Yoga /Thiền) như là một phương dược chữa bệnh cho xã hội công nghệ. Mặt khác, cũng cần ghi nhận hiện tượng fundamentalism nơi vài tôn giáo, như phản ứng lại trào lưu “duy vật và vô thần” của văn minh Âu Mỹ.

Dù sao, dưới cái nhìn của Thomas Luckmann và Peter Berger, hiện tượng “thế tục hoá” hoặc “fundamentalism” đều có chung một vấn nạn: phải chăng tôn giáo chỉ là một hiện tượng thuần tuý cá nhân, hay tôn giáo còn có một vai trò xã hội nữa?

C. Tâm lý học tôn giáo


Từ lâu đời, các bậc thánh nhân đã sử dụng con đường phản tỉnh nội tâm để suy nghĩ về đời sống tâm linh của mình (chẳng hạn như thánh Augustinô và các nhà huyền bí), tuy nhiên, tâm lý học “khoa học” thì mới ra đời từ thế kỷ XIX, với phương pháp thực nghiệm.

Cũng như Xã hội học tôn giáo không phải là một môn học biệt lập, nhưng là sự áp dụng phương pháp xã hội học vào việc nghiên cứu tôn giáo, thì Tâm lý học tôn giáo cũng vậy. Trên thực tế, có rất nhiều trường phái tâm lý học, cho nên cũng có nhiều trường phái tâm lý học tôn giáo. Có lẽ phải nhìn nhận rằng Tâm lý học tôn giáo là một ngành mà công cuộc nghiên cứu bị chi phối sâu đậm bởi sự xác tín cá nhân (hoặc ý thức hệ) của nhà nghiên cứu (nghĩa là khó mà đạt được tiêu chuẩn khách quan mà khoa học thực nghiệm đòi hỏi).

Vào cuối thế kỷ XIX, có hai khuynh hướng tâm lý học tôn giáo: Bắc Mỹ và Âu châu.

1/ Khuynh hướng ở Bắc Mỹ áp dụng phương pháp thực nghiệm (điều tra, đối chiếu các tự thuật, nhật ký, vv) vào việc phân tích các hành vi tâm linh. Theo đó, tín ngưỡng nảy sinh từ một nhu cầu tự nhiên muốn thoả mãn những khát vọng tình cảm và luân lý của tâm hồn con người.

James Henry Leuba (1867-1946) khẳng định rằng tín ngưỡng nằm ở chỗ con người đi tìm sự hài hoà luân lý trong lương tâm con người. Tín ngưỡng hiện hữu không do một chân lý khách quan, nhưng là do giá trị sinh lý. Đối với một tâm lý gia, hiện tượng huyền bí không phải là mạc khải Thiên Chúa nhưng là mạc khải con người.

William James (1842-1910) nhấn mạnh rằng cần phải phân biệt tín ngưỡng của một tâm linh lành mạnh (thái độ lạc quan trước sự xấu) và tín ngưỡng của một tâm linh bệnh hoạn (bị ám ảnh bởi tội lỗi). Ông kết luận rằng nếu có mạc khải xảy ra thì người nào có tâm linh bệnh hoạn dễ đón nhận hơn.

2/ Bên Âu châu, vào đầu thế kỷ XX, môn tâm lý tôn giáo thường chịu ảnh hưởng bởi những ý thức hệ, theo đó đời sống tâm linh thường được đồng hoá với tâm bệnh. Quan niệm này được đẩy mạnh hơn nữa khi môn tâm lý học tiến sâu vào tâm phân học. Tuy nhiên, nên ghi nhận quan điểm khác nhau giữa Freud và Jung khi nghiên cứu vô thức.

Đối với Sigmund Freud (1856-1939), cách hình dung tín ngưỡng dựa trên một mớ những xung động, cảm xúc, hình ảnh nằm trong vô thức của mỗi người. Sự khám phá vô thức diễn ra qua việc giải thích các giấc mơ và những cuộc điều tra tâm lý. Dựa trên nền tảng ấy, Freud cho rằng tín ngưỡng là một ảo giác do con người tạo ra để đáp ứng với những kinh nghiệm thiếu thời. Mặc dù những luận đề của Freud đã gây ra nhiều tranh cãi, nhưng ông đã mở ra một lối nhìn mới về tâm linh, đó là chiều kích phong phú của vô thức mà ta nên quan tâm.

Carl Gustav Jung (1875-1961) cũng quan tâm đến vô thức, nhưng ông chú ý đến khía cạnh cộng đồng của nó: vô thức tập thể (ở dưới vô thức cá nhân). Vô thức cá nhân biểu lộ qua những giấc mơ, những xung năng; vô thức tập thể biểu lộ qua những khuôn mẫu nguyên thuỷ là các huyền thoại và nghi thức. Thiên Chúa là một trong những khuôn mẫu nguyên thuỷ ấy. Vì thế, tín ngưỡng không phải là một tâm bệnh, nhưng là một tâm trạng lành mạnh cho tinh thần con người, luôn tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời.

Sau hai ông Freud và Jung, Tâm lý học tôn giáo được kiện toàn thêm nhờ những tiến triển của những viễn tượng mới của tâm lý học. Sau khi đã khai thác tâm lý chiều sâu (vô thức), các học giả thấy cần phải trở lại với ý thức, với những chiều kích làm nên nhân cách con người (tinh thần, ý chí, tự do ...). Đó là quan điểm của Tâm lý học nhân bản , trong đó đời sống tâm linh được dành một chỗ đứng quan trọng trong việc giúp cho con người được trưởng thành. Chúng ta có thể kể đến các tác giả: Erik Erikson (1902-1994), Abraham Harold Maslow(1908-1970), Erich Fromm (1900-1980), Viktor Frankl (1 905-1997).

D. Hiện tượng luận tôn giáo


Ở Việt Nam, môn này xem ra còn xa lạ. Thật ra, những người khởi xướng ngành này đôi khi được xếp chung với các học giả của môn lịch sử các tôn giáo, đôi khi lại được coi như thuộc ngành triết học tôn giáo. Trên thực tế, hiện tượng luận tôn giáo nằm ở giữa hai lối tiếp cận tôn giáo: một bên là lối tiếp cận thực nghiệm (Lịch sử, Xã hội học, Tâm lý học), một bên là lối tiếp cận suy diễn của triết học và thần học. Dù sao, sự đóng góp quan trọng của hiện tượng luận là kiện toàn phương pháp nghiên cứu tôn giáo: thế nào là thái độ “khách quan” khi nghiên cứu tôn giáo: phải chăng người nghiên cứu phải hoàn toàn đứng ở ngoài mọi tôn giáo, hay cần phải có một kinh nghiệm nào đó về tôn giáo (bởi vì một người điếc không tài nào phê bình âm nhạc được). Trong số báo này, một bài được dành riêng để giới thiệu ngành học này, vì thế ở đây chúng tôi chỉ ghi nhận vài nét tổng quát.

Từ ngữ “Hiện tượng luận” (Phenomenology) phát xuất từ triết học, và được hiểu theo nhiều nghĩa tuỳ theo tác giả (chẳng hạn Hegel, Husserl). Trong ngành tôn giáo học, hiện tượng luận được hiểu về một phương pháp giải thích sự kiện tôn giáo.

Thuật ngữ “hiện tượng luận tôn giáo” được sử dụng lần đầu tiên do Pierre Daniel Chantepie de la Saussaye trong tác phẩm “Thủ bản lịch sử các tôn giáo” (1887). Tuy nhiên, người kiện toàn phương pháp nghiên cứu cho môn học là ông Joachim Wach (1898-1958).

Mục tiêu của hiện tượng luận là tổ chức các dữ kiện của các khoa học tôn giáo (lịch sử, xã hội học, tâm lý học) thành những “cơ cấu” xã hội (các cộng đồng), cách phát biểu đạo lý (kể cả các huyền thoại), các lễ nghi và lễ hội, các thần linh. Từ các dữ kiện ấy, nhà nghiên cứu tìm cách khám phá ra sứ điệp của tôn giáo. Tuy nhiên, ông ta không phê bình các giá trị của các dữ kiện ấy (đó là vai trò của triết học và thần học).

Phương pháp của hiện tượng luận không phải là phê bình các dữ kiện của các KHTG nhưng là xếp đặt theo vài chủ đề, chẳng hạn như là: quan niệm về thần linh (hoặc thánh thiêng), sứ điệp đạo lý, cách thức cử hành sứ điệp, kế hoạch hành động của các tín đồ. Vì cần phải thu thập các dữ kiện từ các KHTG khác nhau, hiện tượng luận thường phải sử dụng đường lối đối chiếu, để nhờ đó khám phá ra ý nghĩa của các hiện tượng.

Hiện-tượng-luận cần phải tránh trái độ phê phán hoặc loại trừ: nhà nghiên cứu cần thu thập tất cả mọi dữ kiện của sinh hoạt tôn giáo. Không được phép loại bỏ một dữ liệu vì thấy không phù hợp với đạo lý (đó là thái độ của nhà thần học, chứ không phải của nhà khoa học). Đàng khác, phải tinh tế để phân biệt một sự kiện tín ngưỡng với một sự kiện văn hoá (sự phân biệt này không đơn giản; dù sao, không được phép đồng hoá tín ngưỡng với văn hoá).

Tham vọng của hiện tượng luận là cung cấp một sự hiểu biết tôn giáo một cách toàn diện, nhờ việc nghiên cứu đối chiếu tất cả những biểu hiện của nó.

Trong số những khuôn mặt tiêu biểu của môn này, cần phải nhắc đến: Rudolf Otto (1869-1937) với khái niệm về Đấng Thánh, cũng như mô tả cảm nghiệm tâm linh như là tiếp xúc với một Huyền Nhiệm vừa kinh hoàng vừa hấp dẫn (myste­rium tremens et fascinans), Gerardus Van der Leeuw (1890-1950), Mircea Eliade (1907-1986).

E. Thần học tôn giáo


Trước hết nên xác định: “thần học tôn giáo” là gì? Thật vậy, thuật ngữ này có thể hiểu theo nhiều nghĩa:

1/ “Thần học các tôn giáo” thường được hiểu theo nghĩa là “phê bình các tôn giáo” dưới nhãn quan thần học Kitô giáo. Người ta giả thiết rằng chỉ có Kitô giáo là tôn giáo duy nhất chân thật. Như vậy, các tôn giáo ngoài Kitô giáo có giá trị gì hay không? Các tôn giáo có chỗ đứng nào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa không? Các tín đồ của các tôn giáo khác có được cứu độ không? Đây là những câu hỏi thuộc lãnh vực tín lý (liên quan đến: Kitô học, Giáo hội học, bí tích, ơn thánh).

2/ Nhiều người khác hiểu “thần học tôn giáo” như là “thần học đối thoại tôn giáo”, nhằm khám phá các giá trị thiêng liêng, đạo đức nơi các tôn giáo khác: đây là một tiến trình trong công cuộc hội nhập giữa Tin Mừng và văn hoá (trong đó, tôn giáo là một thành tố quan trọng).

3/ Sau cùng, “thần học tôn giáo” còn có thể hiểu theo nghĩa là “thần học như một bộ môn trong các KHTG”. Tuy nhiên, một vấn đề tiên quyết được đặt ra là: Thần học tôn giáo có được kể như một ngành của KHTG không? Câu trả lời tùy theo quan điểm về bản chất của KHTG.

Như đã lưu ý ở đầu về từ ngữ, ở vài nơi người ta hiểu KHTG như là “sciences religieuses”, nghĩa là những môn học liên quan đến tôn giáo, khác với những môn “phàm tục” (sciences profanes, chẳng hạn như toán, lý hoá, kinh tế, thương mại). Hiểu theo nghĩa này, thần học là một KHTG. Nhưng nếu hiểu KHTG theo nghĩa là những “khoa học thực nghiệm nghiên cứu tôn giáo”, thì thần học không được kể là KHTG.[12] Giữa các KNTG và thần học có nhiều sự khác biệt, thậm chí có thể đưa đến xung đột nữa.

a) Khác biệt. Các KHTG khác với thần học xét về đối tượng và phương pháp. Đối tượng của KHTG là hiện tượng tôn giáo của nhân loại, còn thần học thường chỉ giới hạn vào tôn giáo của mình (cụ thể là Kitô giáo). KHTG tiếp cận hiện tượng tôn giáo “nhìn từ bên ngoài” như một đối tượng quan sát, chứ không đồng hoá với tín đồ của tôn giáo ấy; đang khi đó, nhà thần học tiếp cận tôn giáo của mình “từ bên trong”, với thái độ của một tín đồ muốn đào sâu thêm đức tin của mình.

Một sự khác biệt nữa đáng được nêu bật: các KHTG nằm trong ngành khoa học nhân văn, nghĩa là nghiên cứu về “con người”: tôn giáo được coi như một hiện tượng của con người. Đối tượng chính của KHTG là con người. Đang khi đó, đối tượng của thần học là Thiên Chúa.

b) Đối chọi. Như vậy, nếu hiểu KHTG theo nghĩa là khoa học thực nghiệm, thì thần học khác với KHTG, bởi vì thần học đòi hỏi việc vận dụng đức tin và triết học (fides et ratio). Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên rằng thần học bao gồm nhiều cấp độ nghiên cứu, được quy về ba ngành chính: (1) thần-học “thực chứng” hoặc “lịch sử” (theologia positiva, historica), dựa trên các chứng tích lịch sử; (2) thần học “suy diễn” hoặc “hệ thống” (theologia speculativa, systematica) dựa trên lý luận suy tư; (3) thần học “thực hành” hoặc “mục vụ” (theologia practica, pastoralis) áp dụng các nguyên tắc thần học vào việc giáo dục, quản trị. Trong ngành thứ nhất và ngành thứ ba, thần học sử dụng rất nhiều dữ kiện của các KHTG (lịch sử, ngôn ngữ học, sư phạm, tâm lý học, xã hội học, vv). Trên thực tế, cuộc đối thoại giữa đôi bên thường là đầu mối của nhiều căng thẳng.

Sự căng thẳng thường xảy ra chung quanh việc giải thích một sự kiện, được đặt tên là “sự xung đột của các lối giải thích” (Le conflit des interprétations, tựa đề một tác phẩm của Paul Ricoeur, Paris 1969). Trong đời sống thường nhật, một sự kiện có thể mang những lối giải thích khác nhau tuỳ theo quan điểm: một người đặt mìn giật cầu sẽ bị kết tội là khủng bố phá hoại dưới một chế độ này, nhưng lại được ca ngợi là anh hùng liệt sĩ dưới một chế độ khác. Đứng trước cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, có người cho rằng đó là sự thất bại đương nhiên của một nhà cách mạng bồng bột, không tưởng (x. Ga 18,36; 19,12); nhưng thánh Phaolô giải thích như là sự mạc khải quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,22). Đứng trước ngôi mộ (trống) của Đức Giêsu, có người cho rằng các môn đệ đã lấy trộm xác của thầy vào lúc ban đêm (x. Mt 28,13); còn các tín hữu tuyên bố rằng Người đã phục sinh (x. Mt 28,7). Sự xung khác này rất dễ hiểu đối với bất cứ dữ kiện nhân bản nào (người ta khóc vì buồn nhưng người ta cũng có thể khóc vì vui), khác với các hiện tượng thiên nhiên thường chỉ có một nghĩa hoặc chẳng có nghĩa lý gì! Vì thế, thay vì khăng khăng bảo vệ chủ trương của mình và loại bỏ các ý kiến trái ngược, chúng ta chấp nhận những cấp độ tri thức khác nhau: có thứ tri thức chứng minh được bằng giác quan, có thứ tri thức chỉ có thể chứng minh bằng lý tri hoặc một thứ trực giác nào đó. Chúng ta không thể “đo lường” tình yêu bằng dụng cụ khoa học, mà chỉ có thể cảm nhận tình yêu qua một thứ linh cảm và qua những dấu chỉ biểu lộ tình yêu (chẳng hạn khi bà mẹ bỏ ăn bỏ ngủ để chăm sóc đứa con bị bệnh).

Một sự căng thẳng nữa cũng dễ xảy ra ở chỗ nhà thần học thâm tín rằng đạo của mình là “chân lý”, và nhìn các tôn giáo khác là sai lầm. Đang khi đó, nhà nghiên cứu KHTG muốn giữ thái độ trung lập, không muốn đụng đến vấn đề “chân lý” của các tôn giáo (chân đạo hay tà đạo, chính giáo hay lạc giáo): tất cả các tôn giáo đều được xếp ngang hàng với nhau[13]. Tuy nhiên, ông cũng dễ bị thúc đẩy đi đến chỗ phủ nhận sự hiện hữu của các thực tại không thể kiểm chứng bằng thực nghiệm. Thực ra, điều này không chỉ dẫn đến việc phủ nhận các thực tại thuộc thế giới thần linh (Thượng đế, thần thánh), mà ngay cả cái mà ta gọi là “linh hồn”.

c) Bổ túc. Để được khách quan, cần phải thêm rằng ngoài sự khác biệt và đôi khi tương khắc, ta cần phải thêm sự bổ túc giữa đôi bên nữa, theo nghĩa là các KHTG giúp chúng ta hiểu biết hơn về chính tôn giáo của mình. Kitô giáo không phải là một tổ chức từ trời rơi xuống: bên cạnh các yếu tố thần linh (của mạc khải), Kitô giáo còn chứa đựng rất nhiều yếu tố của con người. Muốn hiểu các bản văn của Cựu ước, cần phải hiểu khung cảnh lịch sử và xã hội của dân tộc Israel. Bộ giáo luật của Giáo hội Công giáo mang nhiều vết tích của các định chế của các dân tộc Israel, Hy-lạp, Rôma, vv. Lòng tôn kính Đức Maria mang nhiều nét của lòng đạo đức bình dân của nhiều tôn giáo (Nữ thần, Phật Bà Quan Âm, đạo thờ mẫu, vv). Đây là một cuộc “đối thoại văn hoá” quan trọng, nhằm phân biệt những yếu tố “thần linh” (và bất biến) và những yếu tố “văn hoá” (tuỳ thuộc vào những thời gian và không gian), được công đồng Vaticanô II đề cập trong hiến chế về phụng vụ (số 21), nhưng có thể mở rộng đến nhiều lãnh vực trong đời sống của Giáo hội.
Kết luận. Khoa học tôn giáo: một hay nhiều ngành?

Bài này chỉ mang tính cách dẫn nhập vào các KHTG, một lãnh vực học hỏi rất rộng lớn nhưng chưa được phát triển ở Việt Nam. Tại các đại học quốc gia, chỉ mới gần đây, người ta mới quan tâm đến việc “nghiên cứu tôn giáo” (một đối tượng thường bị đồng hoá với mê tín, thuốc phiện). Tại các chủng viện và học viện Công giáo, các KHTG cũng không có chỗ đứng, bởi vì các môn triết học và thần học đã chiếm hết thời khoá biểu rồi. Thực ra, nếu muốn đưa các KHTG vào chương trình thì cũng không dễ gì tìm được các chuyên viên cho các môn: lịch sử các tôn giáo, hiện tượng luận tôn giáo, tâm lý học tôn giáo, xã hội học tôn giáo.

Sau một “thoáng nhìn” về KHTG, để kết thúc, chúng ta hãy đặt ra một câu hỏi: KHTG là một hay nhiều ngành? Trong phần nhập đề, chúng tôi đã ghi nhận rằng hai danh từ “khoa học” và “tôn giáo” đều có thể đặt ở số ít hay ở số nhiều; từ đó có bốn quan điểm khác nhau. Theo thiển ý, chúng ta nên đặt cả hai danh từ ở số nhiều: “các khoa học về các tôn giáo”. Chúng ta gọi là “các khoa học” bởi vì có nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau (phương pháp của lịch sử thì khác với phương pháp của tâm lý học hoặc xã hội học), với nhiều đối tượng khác nhau (có nhiều tôn giáo trên hoàn cầu). Tuy nhiên, giữa sự đa dạng ấy, chúng ta có thể tìm ra mối dây liên kết giữa các môn học này.

– Lịch sử các tôn giáo nghiên cứu sự kiện tôn giáo qua những biểu hiện trải qua dòng thời gian (Phương pháp sử học).

– Xã hội học tôn giáo nghiên cứu ảnh hưởng của tôn giáo đối với xã hội (Phương pháp xã hội học).

– Tâm lý học tôn giáo nghiên cứu ảnh hưởng của tôn giáo đối với đời sống của các cá nhân (Phương pháp tâm lý học).

– Hiện tượng luận tôn giáo phân tích cấu trúc nội tại của các tôn giáo.

Những môn học này quan sát tôn giáo từ bên ngoài một cách tổng quát, như một hiện tượng nhân văn.

Thần học nhìn tôn giáo từ bên trong một tôn giáo cụ thể (thí dụ Kitô giáo). Tuy nhiên, chính thần học cũng có thể sử dụng các dữ kiện của các khoa học vừa kể để tìm hiểu thêm chính tôn giáo của mình.

Nhờ kết hợp tất cả các dữ liệu vừa nói, chúng ta sẽ có một cái nhìn toàn diện về tôn giáo của mình cũng như các tôn giáo của nhân loại.

Thư mục

  • Grande Dizionario delle Religioni (diretto da P. Poupard), (Assisi - Casale Monferrato 1988).
  • H. Desroches & J. Séguy, Introduction aux sciences humaines des reli­gions (Paris, 1970).
  • C. Cantone, Le scienze della religione oggi (Roma, 1981).
  • D. Dubarle, Epistémologie des sciences humaines de la religion (Paris, 1980).
  • G. Filoramo & Carlo Prandi, Le scienze delle religioni (Brescia, 1987).
  • J. Martin Velasco, Introduccion a la fenomenologia de la religion (Madrid, 1982, 2a ed.)
  • M. Meslin, Pour une science des religions (Paris, 1973).
  • Phan Tấn Thành, Dẫn nhập vào các khoa học tôn giáo, Đời sống tâm linh tập I (Rôma, 2001).
____________
[1] Thí dụ so sánh tựa đề của hai cuốn sách: H. Desroches – J. Seguy, Introduction aux sciences humaines des reli­gions (Paris 1970), và M. Meslin, Pour une science des religions (Paris 1973).
[2] C. Cantone (ed.), Le scienze della religione oggi, Roma 1978; A. N. Terrin, Spiegare o comprendere la religione. Le scienze della religione a confronto, Padova 1983; G. Filoramo & Carlo Prandi (ed.) Le scienze delle religioni, Brescia 1987.
[3] Phan Tấn Thành, Dẫn nhập vào các khoa học tôn giáo (Đời sống tâm linh I), Rôma 2001, trang 5-9: “Tâm linh, tâm lý, tín ngưỡng, tôn giáo, đạo”.
[4] Ý kiến của Gustav Mensching, Geschichte der Religionswissenschaft (bản dịch tiếng Pháp, Histoire de la science des religions; Paris 1955) được trưng dẫn trong: J. Martin Velasco, Introduccion a la Fenomenologia de la Religion, Madrid 1982, trang 21.
[5] x. Phan Tấn Thành, Dẫn nhập vào các khoa học tôn giáo (Đời sống tâm linh I), Rôma 2001, trang 18-22.
[6] H. Pinard de la Boullaye, L’étude comparée des religions. Essai critique, vol. I. Son histoire dans le monde occidental, Paris 1922.
[7] Friedrich Max Muller (1823-1900), sinh tại Đức nhưng bắt đầu sự nghiệp giảng dạy ở đại học Oxford bên Anh từ năm 1851. Thuật ngữ Religionswissenschaft được ông sử dụng từ năm 1867 trong tác phẩm Chips from a German Workshop, I (London 1867). Về sau ông xuất bản một tác phẩm bằng tiếng Anh với tựa đề Introduction to the Science of Religion (London 1873).
[8] Juan de Sahagun Lucas, Interpretación del hecho religioso. Filosofía y fenomenología de la religión Salamanca, 1990, 17-26.
[9] Chúng ta có thể trưng dẫn một thí dụ từ Chương trình Cử nhân Khoa Tôn giáo học thuộc Học viện Xã hội (Thành phố Hồ Chí Minh): Nhập môn Tôn giáo học, Phương pháp nghiên cứu tôn giáo học, Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, Lịch sử các tôn giáo lớn trên thế giới, Triết học tôn giáo, Xã hội học tôn giáo, Tâm lý học tôn giáo, Nhân học tôn giáo, Mỹ học tôn giáo, Các hình thái tôn giáo trong lịch sử, Tôn giáo trong Chủ nghĩa xã hội. x. http://tttongiao.hcmussh.edu.vn.
[10] Xem các tác phẩm được trưng dẫn ở chú thích số 1 và số 2.
[11] Thiết tưởng đó là ý nghĩa của cụm từ “Phúc Âm hóa” đời sống xã hội.
[12] Theo nghĩa này, triết học cũng không được kể vào các KHTG.
[13] Trên thực tế, các nhà nghiên cứu tôn giáo cũng cần đặt ra một tiêu chuẩn giá trị nào đó, để phân biệt giữa “tôn giáo” và “mê tín”, giữa “tôn giáo đích danh” và những “tôn giáo giả hiệu”. Câu chuyện này không đơn giản, liên quan đến các “tôn giáo mới”: thế nào là một “tôn giáo” và thế nào là một “giáo phái cuồng tín”?