Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

CÁC GIÁO XỨ : LỊCH SỬ VÀ THẦN HỌC

Thời sự Thần học – Số 67 tháng 2/2015, tr. 163-189

_Phan Tấn Thành_

Nhập đề. Từ ngữ: 1/ Tiếng Việt: xứ, họ. 2/ Tiếng Latinh.
I. Lịch sử
  A. Những thế kỷ đầu tiên: Từ ekklesia đến paroikia
  B. Thời Trung cổ: Sự thành hình các giáo xứ
  C. Công đồng Trentô: Quy tắc về cha xứ và giáo xứ
  D. Công đồng Vaticanô II: Giáo xứ với giáo-hội-học
II. Thần học
  A. Các bản văn Huấn quyền
    1. Công đồng Vaticanô II
    2. Bộ giáo luật 1983 và các văn kiện gần đây
  B. Những khuôn mặt thần học của giáo xứ
    1. Giáo xứ là một cộng đoàn
    2. Sứ mạng của giáo xứ: martyria, leiturgia, koinonia, diakonia.
III. Vài hệ luận: những mô hình giáo xứ
  A. Dưới góc độ xã hội học
  B. Dưới góc độ thần học mục vụ
    1. Mô hình cổ điển
    2. Mô hình của Công đồng

Nhập đề


Để tiếp tục kế hoạch mục vụ của năm 2014 dành cho việc “Phúc Âm hoá đời sống gia đình”, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chọn cho năm 2015 đề tài “Tân Phúc-Âm-hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến”. Giáo xứ được giới thiệu như một “gia đình rộng lớn hơn” :

Giáo xứ là gia đình của những người con cái Thiên Chúa, trong đó tất cả là anh chị em với nhau. Gia đình giáo xứ cần được Phúc-Âm-hóa, nghĩa là thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và làm chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân.

Thời sự Thần học muốn đóng góp vào kế hoạch này qua việc nghiên cứu hai điểm “thời sự” và “thần học” của giáo xứ. Bài này gồm có ba phần. 1/ Trong phần đầu, chúng ta sẽ ôn lại sự tiến triển của giáo xứ trải qua lịch sử, với những vấn đề giáo luật và mục vụ kèm theo. 2/ Trong phần thứ hai, chúng ta sẽ tìm hiểu những quan niệm thần học về giáo xứ dựa theo các văn kiện của Giáo hội. 3/ Từ đó, chúng ta sẽ rút ra vài hệ luận.

Trước khi đi vào vấn đề, chúng tôi muốn đưa ra vài nhận xét về từ ngữ.

1/ Ở Việt Nam, trước đây, xứ là tiếng gọi ở ngoài Bắc (và đi theo cha xứ, hay chánh xứ); trong Nam gọi là họ hay họ đạo (và đi theo cha sở, hay chánh sở, bổn sở). Với cuộc di cư năm 1954, người Bắc mang cái “xứ” vào trong Nam, và biến cái “họ” thành một chi nhánh của “xứ” (họ lẻ). Tại nhiều giáo phận, một cộng đoàn được thiết lập thành “giáo họ” trước khi tiến tới “giáo xứ”.[1] Dù sao thì cả hai danh từ xứ (gợi lên ý tưởng “xứ sở quê hương”) và họ (gợi lên ý tưởng “họ hàng thân thuộc”) đều muốn nói lên một sự ràng buộc với gia đình họ hàng thân tộc; nói tắt, nó nói lên một cộng đồng. Một nhận xét nữa: trước đây Xứ và Họ được gắn với “đạo” (xứ đạo, họ đạo) để phân biệt với những xứ hoặc họ theo nghĩa xã-hội-học; một cách tương tự “giáo xứ” cũng muốn nêu bật rằng cái “xứ” này thuộc về “Giáo hội” chứ không hiểu thuần túy theo nghĩa nhân văn.

2/ Trong tiếng Latinh, paroecia (từ đó phiên âm ra tiếng Pháp là paroisse và tiếng Anh là parish) bắt nguồn từ paroikia gốc Hy-lạp. Trong nguyên ngữ, paroiken có nghĩa là “sống gần” (gồm bởi para và oikein), và tính từ paroikos có nghĩa “láng giềng”. Vì thế paroikia được gồm bởi những người “sống gần nhau”. Đó là nói theo nghĩa thông thường. Trong bản dịch LXX paroikein có nghĩa là “sống tha hương”, nghĩa là tại nơi mà mình không có hộ khẩu. Cựu Ước cũng như Tân Ước áp dụng paroikia cho cộng đoàn tín hữu, được coi như là những người ngoại kiều (Ep 2,19), tạm trú (1Pr 2,11), lữ hành (Dt 11,13), giống như dân Israel xưa kia sống lưu vong bên Ai cập (Cv 7,6.29; 13,27).

Vào lúc đầu, danh xưng paroikia áp dụng cho toàn thể Dân Thiên Chúa lữ hành trên đời, tức là đồng nghĩa với Hội thánh ekklesia. Với sự phát triển của các giáo đoàn, từ thế kỷ II, nó được áp dụng cho một cộng đồng tín hữu tại một địa phương được ủy thác cho một giám mục. Nói cách khác, trong những thế kỷ đầu tiên, paroikia tương đương với “giáo phận”. Sang thời Trung cổ, khi vùng phụ trách của giám mục được gọi là dioecesis (nên biết là trong tổ chức hành chánh Đế quốc Roma, dioecesis là một “trấn” bao gồm nhiều provincia “tỉnh”), thì paroikia mới ám chỉ đơn vị do linh mục phụ trách; cha xứ được gọi là parochus.[2]

Sau khi đã xác định từ ngữ, chúng ta đi vào thực chất. Trước hết, chúng ta ôn lại những nét tiến triển của thực thể “giáo xứ” cùng với những vấn đề của nó. Sau đó, chúng ta sẽ tìm hiểu sự tiến triển của thần học về giáo xứ.

I. Lịch sử giáo xứ


Việc tìm hiểu lịch sử của giáo xứ mang theo nhiều câu hỏi: Từ lúc nào các giáo xứ được thành hình? Từ lúc nào Giáo hội được chia làm các giáo phận và giáo phận được chia làm giáo xứ? Bên cạnh những câu hỏi thuộc khía cạnh hành chánh, còn thêm những câu chuyện thuộc khía cạnh pháp luật và mục vụ: Ai chịu trách nhiệm về việc chăm sóc các giáo xứ? bổn phận và quyền lợi của vị ấy ra sao? Chúng ta sẽ thấy rằng từ thời Trung cổ, phần lớn những can thiệp của các công đồng đều chú trọng đến trọng trách của “cha xứ”; sau Vaticanô II, người ta mới để ý đến “giáo xứ”. Chúng tôi xin tạm chia thành bốn giai đoạn như sau:1/ những thế kỷ đầu, 2/ thời Trung cổ, 3/ công đồng Trento, 4/ Vaticanô II.

A. Những thế kỷ đầu : Từ ekklesia đến paroikia


Lịch sử của các giáo xứ tiến triển qua nhiều chặng. Như vừa nói, trong những thế kỷ đầu tiên, paroikia ám chỉ giáo phận (đơn vị dưới quyền điều khiển của Giám mục), rồi sau đó mới được dùng cho giáo xứ. Một nhận xét thú vị là trong Tân Ước, không có sự phân biệt từ ngữ giữa những đơn vị khác nhau trong tổ chức Giáo hội.

1. Thật vậy, danh từ ekklesia đôi khi ám chỉ toàn thể tất cả các môn đệ của Đức Kitô (như vậy chỉ có một ekklesia, thí dụ Mt 16,18; Ep 5,23), đôi khi ám chỉ một cộng đồng Kitô hữu, sống tại một miền rộng lớn thí dụ như Galatia (1Cr 16,1) hoặc Maceđonia (2Cr 8,1), hoặc cộng đồng tín hữu tại một thành phố, như là Giêrusalem (Cv 5,11), Antiôkia (Cv 14,27), và thánh Phaolô quen nói đến “Hội thánh của Chúa tại Côrintô hay tại Thêxalônica, v.v.); thậm chí ekklesia còn được áp dụng cho một nhóm người họp nhau cầu nguyện tại tư gia (Rm 16,5; 1Cr 16,19; Cl 4,15; Plm 2).[3] Những cộng đoàn với tầm mức lớn nhỏ khác nhau đều được gọi là ekklesia (do đó danh từ này có thể dùng ở số nhiều). Dần dần ý tưởng ekklesia cũng bao hàm cái nhà mà cộng đoàn tụ họp để cầu nguyện (domus ecclesiae), mà ta dịch là “nhà thờ” hoặc “thánh đường”.[4] Như vậy, danh từ ekklesia hàm ngụ hai ý tưởng: cộng đoàn, và nhà cầu nguyện.

2. Danh từ paroikia thì tiến triển theo một hướng khác. Vào lúc đầu, nó không ám chỉ một cộng đoàn hoặc một nơi thờ tự cho bằng cộng đoàn đức tin sống trên đời này như là những “khách lữ hành” (“tha hương”): “Tôi là Phêrô, tông đồ của Đức Giêsu Kitô, kính gửi những người được Thiên Chúa kén chọn, những khách lữ hành đang sống tản mác trong các xứ Pontô, Galát, v.v.” (1Pr 1,1). Ý nghĩa của Tân Ước vẫn còn được duy trì vào thế kỷ II, chẳng hạn như thánh Clêmentê (khoảng năm 100) viết rằng: “Hội thánh Chúa tha hương tại Rôma gửi cho Hội thánh Chúa tha hương tại Côrintô.” Vài năm sau đó, thánh Pôlycáp cũng viết cho “Hội thánh Chúa đang tha hương tại Philippi”. Xem ra hồi đó paroikia ám chỉ cộng đoàn các tín hữu sống giữa người ngoại đạo, trong tình trạng phân tán giữa các ngoại kiều. Sự tiến triển từ ý nghĩa “thần học” (những kẻ tha hương lữ hành) sang ý nghĩa “hành chánh” có lẽ chịu ảnh hưởng của cơ cấu tổ chức trong Đế quốc Rôma: lãnh thổ Đế quốc được phân chia thành nhiều đơn vị; Kitô giáo cũng hoạ theo cách tổ chức ấy.

3. Trong những thế kỷ đầu tiên, đơn vị căn bản trong tổ chức Giáo hội là cộng đoàn dưới sự lãnh đạo của giám mục. Các giám mục thường cư ngụ các thành phố, và chủ sự các buổi cử hành phụng vụ.

Bộ mặt Giáo hội bắt đầu đổi thay từ thế kỷ IV, với việc thiết lập các cộng đoàn ở thôn quê. Việc cai quản các cộng đoàn này thay đổi tuỳ địa phương. Bên Đông phương, vào lúc đầu, giám mục cũng đảm nhận việc cai quản các cộng đoàn miền thôn quê, nhưng công đồng Canxêđônia (451) đã truyền thiết lập một cơ quan quản trị riêng. Bên Tây phương, tiến trình này chậm chạp hơn. Từ thế kỷ IV đến thế kỷ VI, nhiều nhà thờ được xây cất ở thôn quê, hoặc tại các làng mạc hay tại các đồn điền, với một linh mục được cử đến để cử hành các bí tích hoặc cư trú thường xuyên. Các địa điểm này được gọi bằng những danh xưng khác nhau: ecclesia rusticana, ecclesia parochitana hay paroecia.

Như vậy, trải qua nhiều thế kỷ, các từ ngữ không được xác định rõ rệt: ecclesia có thể ám chỉ toàn thể Hội thánh, hoặc một giáo hội địa phương (tạm gọi là giáo đoàn) dưới sự lãnh đạo của giám mục, hay bất cứ nơi nào dùng vào việc thờ tự (tạm gọi là nhà thờ). Đang khi đó, paroecia dần dần mang một nghĩa chuyên môn hơn, ám chỉ một cộng đoàn dưới sự lãnh đạo của giám mục, rồi sau đó ám chỉ một cộng đoàn do một linh mục phụ trách. Sự tiến triển này diễn ra vào thời Trung cổ.

B. Thời Trung Cổ : Sự phân chia giáo phận thành giáo xứ


Ở đây chúng ta chỉ bàn đến sự tiến triển trong các Giáo hội bên Tây. Sự phân chia lãnh thổ từ giáo phận sang giáo xứ có thể mô tả sơ lược như sau.

Vào những thế kỷ đầu, các linh mục sống chung với giám mục tại các nhà thờ chánh toà.[5] Với sự gia tăng các tín hữu, các nhà thờ được cất lên. Vài linh mục được cử hành đến dâng thánh lễ tại các nhà thờ ấy, nhưng sau đó lại trở về toà giám mục. Dần dần, có những linh mục được bổ nhiệm về cư trú thường trực các thánh đường ấy. Một thí dụ được thấy tại giáo phận Rôma, với sự thành lập các thánh đường với các tituli, với các linh mục cố định.[6]

Tình trạng này cũng xảy ra khi giáo phận mở rộng về thôn quê. Các thánh đường được cất lên. Một linh mục được cử về đây, mà họ sinh sống nhờ sự đóng góp của giáo dân. Hệ thống “bổng lộc” được thành hình từ đây. Linh mục “bổn sở” đôi khi cũng phụ trách các nhà thờ được xây cất ở những xóm nhỏ hơn, hoặc ở đồn điền của các lãnh chúa; nhưng tại các nhà thờ này các linh mục chỉ đến dâng Thánh lễ, còn các bí tích khác (rửa tội, hôn phối) vẫn được cử hành tại nhà thờ của “chánh sở”.

Sang thời Trung cổ, người ta chứng kiến một sự “hỗn độn” trong cách tổ chức Giáo hội. Giám mục đã mất quyền kiểm soát trên các nhà thờ trong lãnh thổ của mình. Thực vậy, đừng kể những vùng đất mới được các đan sĩ đến truyền giáo (như vậy, trực thuộc các đan viện), còn có các nhà thờ do các lãnh chúa lập ra trên đồn điền của họ (và ngoài tầm kiểm soát của các giám mục), kể cả các cha sở ở thôn quê cũng phần nào cũng trở thành tự trị bởi vì dựa trên bổng lộc chứ không lệ thuộc các giám mục. Các công đồng vào thời Trung cổ tìm cách xác định rõ ràng ranh giới giữa các giáo xứ, cũng như thẩm quyền của giám mục đối với các giáo xứ.

Ngoài khía cạnh tổ chức giáo luật, một mối bận tâm không ít của các Giáo hoàng và các công đồng vào thời này là tác phong và trình độ học vấn của các linh mục tại các giáo xứ. Nhiều linh mục chỉ được đào tạo để biết cách cử hành bí tích (với nguy cơ trở thành những “thầy cúng”) nhưng thiếu hiểu biết về giáo lý. Đời sống luân lý của các ngài cũng không lấy gì làm gương mẫu. Chính trong bối cảnh ấy mà những Dòng kinh-sĩ kỷ-luật ra đời (canonici regulares: các giáo sĩ sống chung tuân theo một bản luật). Việc giảng dạy đạo lý cũng được hỗ trợ nhờ các dòng Đa Minh và Phan sinh.

C. Công đồng Trentô


Trong kế hoạch cải tổ đời sống Giáo hội, công đồng Trentô (sessio XIV, Decretum de reformatione) đã đưa ra những biện pháp liên quan đến các giáo xứ.

– Trước tiên, công đồng bắt buộc phải chia giáo phận thành các giáo xứ, với lãnh thổ được phân định rõ ràng. Việc bổ nhiệm các cha xứ thuộc thẩm quyền của giám mục, đồng thời buộc các giám mục phải đào tạo linh mục tại các chủng viện. Giáo xứ trở thành một đơn vị hành chánh của giáo phận, được ủy thác cho cha sở, dưới quyền chỉ đạo của giám mục. Giám mục có nghĩa vụ kinh lý các giáo xứ.

– Công đồng cũng ấn định những quyền lợi và nghĩa vụ của các cha sở, trong đó một nghĩa vụ quan trọng là luật trú sở (residentia),[7] để tránh tình trạng những người chỉ lãnh nhận chức vụ (để có bổng lộc) nhưng lại không quan tâm đến bổn phận coi sóc các linh hồn.

– Mối ràng buộc chính yếu của các giáo dân với giáo xứ là các bí tích. Các tín hữu lãnh các bí tích tại giáo xứ, có bổn phận tham dự thánh lễ các ngày chúa nhật và lễ buộc. Duy chỉ các cha xứ mới có thẩm quyền chứng hôn thành hiệu bí tích hôn nhân (Decretum Tametsi)

Những quy định của công đồng Trentô được thu nhận vào bộ giáo luật 1917. Giáo xứ được coi như một đơn vị hành chánh của giáo phận, cần có ranh giới rõ rệt, với một nhà thờ riêng biệt, với một số tín hữu được đặt dưới sự quản trị của một linh mục làm cha xứ.[8] Như vậy là có ba yếu tố pháp lý cấu thành giáo xứ, đó là: 1) Lãnh thổ; 2) Nhà thờ; 3) Số tín hữu. Dù sao, bộ giáo luật dành nhiều khoản cho cha xứ hơn là cho giáo xứ. Cha xứ được ủy thác việc coi sóc các linh hồn (cura animarum), cách riêng qua việc giảng dạy và ban bí tích.

Dù sao, không thể bỏ qua một sự kiện là lịch sử Giáo hội đã thay đổi rất nhiều từ công đồng Trentô đến thế kỷ XX.

Giáo hội mở đến những biên cương mới, ra ngoài lãnh thổ châu Âu: không thể tổ chức các “giáo xứ” ở vùng đất rộng lớn này như tại các quốc gia công giáo.[9]

Ngay tại châu Âu, tình hình sống đạo cũng thay đổi. Tại thôn quê, nhà thờ giáo xứ là trung tâm sinh hoạt của làng, còn đời sống ở các thành thị thì khác: các “trung tâm” hành chánh, thương mại, văn hóa, giải trí, dễ thu hút dân chúng hơn là giáo xứ !

Ngay từ những thập niên 30 của thế kỷ XX, đã có những tiếng nói đòi xét lại quan niệm và cấu trúc của giáo xứ, sao cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện nay. Xét về xã hội học, cần phải để ý đến những khung cảnh khác nhau của giáo xứ: thôn quê hay thành thị, người định cư hay người di dân. Xét về thần học, cần nêu bật khía cạnh cộng đoàn, phụng vụ, truyền giáo, hơn là khía cạnh pháp lý của giáo xứ.

D. Công đồng Vaticanô II


Công đồng đã đề cập đến giáo xứ rải rác trong nhiều văn kiện: hiến chế về phụng vụ (số 42), hiến chế về Hội thánh (số 26), sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các giám mục (số 30-32), sắc lệnh về tông đồ giáo dân (số 10) sắc lệnh về truyền giáo (số 37). Không văn kiện nào dành ra một chương dành để trình bày các giáo xứ một cách toàn diện. Đó là công việc của thần học sau công đồng, như sẽ thấy dưới đây.

Dù sao, cần đọc những đoạn vừa trưng trong một bối cảnh thần học rộng lớn hơn, đặc biệt là về Giáo-hội-học. Công đồng Vaticanô II đã phát triển một hình ảnh mới về Giáo hội: a) Giáo hội không phải là một cơ chế pháp luật gồm bởi hàng giáo phẩm (chóp đỉnh là Giáo hoàng), nhưng Giáo hội là Dân Thiên Chúa, trong đó các tín hữu đều có trách nhiệm đối với việc loan báo Tin Mừng; b) Giáo hội được thể hiện cụ thể tại một cộng đoàn địa phương cử hành Thánh lễ, dưới sự chủ tọa của Giám mục. Giáo hội phổ quát là sự thông hiệp giữa các cộng đoàn địa phương.

Đạo lý của công đồng Vaticanô II được tiếp nhận vào bộ giáo luật được ban hành năm 1983. Giáo xứ được đề cập trong các điều 515-552. Tuy phần lớn những điều khoản này bàn về cha xứ hơn là giáo xứ, nhưng điểm mới mẻ là nhấn mạnh đến khía cạnh cộng đoàn hơn là khía cạnh lãnh thổ, cũng như thiết lập những cơ quan để các giáo dân có cơ hội tham gia vào việc điều hành giáo xứ.

Trong số những văn kiện quan trọng của Toà thánh liên quan đến giáo xứ, thiết tưởng cần nhắc đến Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 2179), Tông huấn hậu thượng hội đồng Christifideles laici (số 26-27), Kim chỉ nam về tác vụ mục vụ của các giám mục, (số 211-217).

Thiết tưởng không nên bỏ qua vài vấn đề được gợi lên chung quanh tổ chức các giáo xứ. Một đàng, do tình trạng thiếu linh mục tại các nước Âu Mỹ, nhiều giám mục phải sắp xếp ranh giới các giáo xứ, hoặc tìm những giải pháp mới cho việc quản trị các cộng đoàn. Đàng khác, các tín hữu cảm thấy “cộng đoàn” của mình không còn là giáo xứ nữa, mà là các hội đoàn và cách riêng các “cộng đoàn cơ bản” (basic communities). Ngoài ra, cũng không nên bỏ qua hiện tượng là số các tín hữu tham gia Thánh lễ các ngày Chúa nhật giảm sút mau lẹ; việc xa lánh nhà thờ cũng thường mang theo sự hờ hững với tôn giáo. Từ đó, các kế hoạch “tái loan báo Tin Mừng” (re-evangelizatio) hoặc “loan báo Tin Mừng cách mới mẻ” (nova evangelizatio) được đề ra.

II. Thần học về giáo xứ


Có thể nói được rằng thần học về giáo xứ mới ra đời từ công đồng Vaticanô II. Trước đó, giáo xứ chỉ là một đơn vị hành chánh của giáo phận được giao cho cha xứ chăm sóc. Sau công đồng, thần học về giáo xứ được thành hình nhấn mạnh đến chiều kích cộng đoàn làm thể hiện Giáo hội tại địa phương, cũng như những sứ mạng của Giáo hội. Chúng ta sẽ tìm hiểu thần học về giáo xứ: 1/ qua các bản văn của huấn quyền; 2/ từ những suy tư của các nhà thần học.

A. Các bản văn của Huấn quyền


Chúng tôi muốn chú ý cách riêng đến vài bản văn của công đồng Vaticanô II và của bộ giáo luật 1983.
1. Dựa theo các bản văn của công đồng Vaticanô II
Chúng ta có thể ghi nhận hai yếu tố sau đây của giáo xứ: a) cộng đoàn Giáo hội địa phương; b) truyền giáo.

a) Cộng đoàn Giáo hội

Công đồng muốn nêu bật rằng Giáo hội là cộng đoàn Dân Thiên Chúa, chứ không chỉ là một tổ chức pháp lý do hàng giáo phẩm lãnh đạo. Một cách tương tự như vậy, Giáo xứ được quan niệm trước hết như là một cộng đoàn các tín hữu (communitas fidelium) nơi mà Giáo hội được thể hiện tại một địa phương.

Ý tưởng về giáo xứ “làm-hiện-diện-Hội-thánh-tại-một-nơi” được công đồng Vaticanô II đặc biệt nói tới hai lần: trong Hiến chế về Phụng vụ số 42 và Hiến chế về Hội thánh số 28.

– Hiến chế về Phụng vụ số 42 :
Vì không thể đích thân hiện diện mọi nơi mọi lúc trong toàn thể đoàn chiên thuộc Hội thánh của các ngài, nên phải thiết lập các cộng đồng tín hữu, trong đó nổi bật hơn cả là các giáo xứ được thiết lập tại từng nơi và đặt dưới sự điều khiển của một mục tử thay mặt cho Giám mục, một cách nào đó làm hiện diện Hội thánh hữu hình được thiết lập khắp hoàn vũ (quodammodo reprasesentant Ecclesiam visibilem per orbem terrarum constitutam).
– Hiến chế về Hội thánh số 28b :
Trong mỗi cộng đồng tín hữu địa phương, các linh mục ra như làm cho Giám mục hiện diện... Dưới quyền của Giám mục, họ thánh hóa và cai quản phần của đoàn chiên của Chúa được giao cho mình, làm cho Hội thánh phổ quát nên hữu hình tại địa sở của mình, và đóng góp rất lớn vào việc xây dựng toàn thân mình Đức Kitô.
Giáo xứ làm cho Hội thánh trở thành hiện hữu một cách cụ thể tại một nơi. Hội thánh không phải là một ý niệm trừu tượng, nhưng hiện thực nơi cộng đoàn quay quần với nhau để nghe Lời Chúa và cử hành Thánh lễ, dưới sự chủ toạ của một linh mục, thay mặt cho Giám mục, kế vị các thánh tông đồ. Ta có thể tạm coi đây là “khía cạnh huyền nhiệm” của giáo xứ.

b) Truyền giáo

Khía cạnh thứ hai muốn nói lên tính cách sinh động, mang một sứ mạng. Giáo xứ được quan niệm như là một chủ thể làm chứng cho Đức Kitô trước mặt thế giới. Điều này được nhắc tới trong Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân (số 10b, 18a, 30c), Sắc lệnh về hoạt động Truyền giáo (số 15b, 37a), Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các giám mục (số 30c). Chúng tôi chỉ xin trưng dẫn đoạn số 10 của văn kiện về Tông đồ giáo dân.

Giáo xứ trình bày một kinh nghiệm quý báu về việc tông đồ cộng đồng, xét vì nó quy tụ những dị biệt nhân tố và lồng ghép chúng vào tính cách phổ cập của Hội thánh. Trong các giáo xứ, các giáo dân nên phát triển thói quen làm việc chặt chẽ cùng với các linh mục, đưa ra cho cộng đồng Hội thánh những vấn đề riêng tư, những vấn đề của thế giới, những câu hỏi liên can tới phần rỗi nhân loại, để cùng cứu xét, thảo luận và giải quyết chung. Tùy theo khả năng của mình, các giáo dân hãy cộng tác với những dự án tông đồ và truyền giáo của họ đạo của mình.

Những điều vừa rồi được Đức Gioan Phaolô II lặp lại trong tông huấn “Người tín hữu giáo dân” (Christifideles laici, 30/12/1988) số 27. Giáo xứ làm thể hiện Hội thánh tại một địa phương, không những vì biểu lộ tính cách thông hiệp khi cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, nhưng còn qua các sinh hoạt cộng đồng nhằm đem Hội thánh vào cuộc sống thực tại của nghề nghiệp, môi trường xã hội. Đó là chiều kích truyền giáo của giáo xứ.
2. Bộ Giáo luật 1983
Bộ giáo luật cho ta một khái niệm về giáo xứ xét như một định chế trong Giáo hội. Điều 515§1 định nghĩa giáo xứ như sau:

Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu, được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo hội địa phương, và việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho Cha Sở làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Giám mục giáo phận. Ta có thể vạch ra bốn yếu tố.

a) Giáo xứ là một “cộng đồng các tín hữu” (certa communitas fidelium). Bộ luật cũ đặt yếu tố “lãnh thổ” như là căn bản của giáo xứ; nhưng bộ luật hiện hành lấy yếu tố “cộng đồng” làm căn bản, không những nhằm nhấn mạnh rằng con người quan trọng hơn lãnh thổ, nhưng nhất là muốn nói tới việc những con người ấy hợp lực để chung nhau hoạt động, dưới sự điều khiển của một chủ chăn.

b) Cộng đoàn ấy được thiết lập cách bền vững (stabiliter). Tự nó, tiếng “cộng đoàn tín hữu” có thể áp dụng vào một hội đoàn, một phong trào, thậm chí một buổi hội họp (chẳng hạn “cộng đoàn phụng vụ”). Nhà lập pháp muốn thêm từ ngữ “bền vững” để muốn nói rằng cộng đồng giáo xứ không phải nay họp mai tan, hoặc có thể quy tụ tùy theo ý muốn cá nhân. Giáo xứ có tính cách bền vững theo pháp lý, xét rằng nó được thành lập do một nghị định của giám mục, với những hậu quả pháp lý của nó.

c) “Ở trong Giáo hội địa phương”: nằm nêu bật mối liên hệ giữa giáo xứ với giáo phận. Giáo xứ không phải là Giáo hội địa phương, nhưng chỉ là thành phần của nó.

d) “Việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho Cha Sở làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Giám mục giáo phận". Giáo xứ là một cộng đồng gồm bởi các thành phần khác nhau của Dân Chúa (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân), nhưng được giao cho một linh mục làm chủ chăn nhằm cho thấy rằng căn bản của đời sống cộng đồng giáo xứ là tác vụ Lời Chúa và Mình Chúa. Linh mục làm nhịp cầu nối kết giữa cộng đồng giáo xứ với giáo phận dưới sự lãnh đạo của giám mục.

Điều 515§1 chưa cung cấp tất cả khái niệm thần học về giáo xứ; nhưng từ đó cũng mang theo nhiều thay đổi về thể chế.

(i) Yếu tố quan trọng trong giáo xứ là cộng đồng, chứ không phải là lãnh thổ. Vì thế, có thể thiết lập những giáo xứ “tòng nhân” chứ không tòng thổ (đ. 518). Có lẽ người Việt Nam thường nghĩ đến giáo xứ dựa theo tiêu chuẩn ngôn ngữ (thí dụ: giáo xứ Việt kiều ở bên Hoa kỳ, Úc), nhưng còn những tiêu chuẩn khác nữa (thí dụ: giáo xứ đại học dành cho các sinh viên). Trong bộ luật cũ, mỗi giáo xứ buộc phải có nhà thờ riêng; bộ luật hiện hành không đòi hỏi điều đó.

(ii) Thành phần cốt yếu của giáo xứ là các giáo dân. Họ là những nhân sự chủ động. Bộ giáo luật dự trù sự tham dự của các giáo dân vào việc quản trị giáo xứ qua các hội đồng mục vụ (điều 536), một thực thể khá quen thuộc ở Việt Nam nhưng chưa được nói đến ở trong bộ luật cũ 1917, và hội đồng quản trị tài sản (điều 537), đó là chưa kể các đoàn thể, hội đoàn, các hoạt động huấn giáo.

(iii) Cũng nên biết hai thể chế mới được đặt ra liên quan đến cha xứ và cha phó.

– Cha xứ. Có ba dạng cha xứ: (a) một cha xứ cho một giáo xứ; (b) một đội cha xứ cho một giáo xứ; (c) một đội cha xứ cho nhiều giáo xứ. Tiếc rằng ở Việt Nam, chúng ta chưa mang ra thực hành hình thức “đội” cha xứ (équipe, team).

– Cha phó. Có hai dạng cha phó (điều 545§2): (a) một cha phó cho một xứ để lo cho toàn thể giáo xứ, hoặc một phần giáo xứ, hoặc một nhóm người cụ thể; (b) một cha phó cho nhiều xứ, đặc trách một hai vài công tác nào đó (chẳng hạn mục vụ giới trẻ). Hình như ở Việt Nam chưa có cha phó liên xứ.

B. Những khuôn mặt thần học khác nhau của giáo xứ


Trên đây là những nét chính mô tả bản chất của giáo xứ dựa theo các văn kịên của Huấn quyền. Trên thực tế, giáo xứ có thể mang nhiều khuôn mặt khác nhau tuỳ theo những điểm nhấn khác nhau. Chúng tôi xin phân chia các điểm nhấn ấy dựa trên hai khía cạnh vừa nêu: một bên là khía cạnh cộng đoàn, một bên là sứ vụ (truyền giáo).
1. Giáo xứ là một cộng đoàn
Nhiều nhà xã hội học (chẳng hạn Ferdinand Torries, Max Weber) phân biệt giữa “xã hội” (society) và “cộng đồng” (community). “Xã hội” là một tổ chức dựa trên thiên nhiên hoặc dựa theo pháp luật (chẳng hạn như quốc gia), trong đó các phần tử là những con số vô danh; “cộng đồng” là một đơn vị trong đó các phần tử quen biết nhau, ý thức mình là thành phần của một tổng thể, tích cực tham gia vào sinh hoạt chung.

Khi nói đến cộng đồng, có lẽ các nhà thần học không hiểu theo nghĩa ấy; người ta muốn chú ý đến tầm nguyên tiếng Latinh: communitas gồm bởi communis (chung) và unitas (đoàn kết, hợp nhất). Áp dụng vào Giáo hội, người ta muốn nêu bật sự “đồng tâm nhất trí” giữa các tín hữu nhờ mối dây của niềm tin, hy vọng, yêu mến, chứ không phải chỉ là một cơ cấu pháp lý.

Như chúng ta đã biết, hiến chế Lumen gentium đã sử dụng nhiều hình ảnh Kinh Thánh để nêu bật khía cạnh này, chẳng hạn như: Dân của Thiên Chúa, thân thể Đức Kitô, gia đình. Hơn nữa, bên cạnh “Giáo hội duy nhất và phổ quát”, công đồng còn khai triển ý tưởng “Giáo hội địa phương” (ecclesia localis), nghĩa là cộng đồng giáo hội được thể hiện tại một nơi (locus) cụ thể. Trong các văn kiện công đồng thuật ngữ “Giáo hội địa phương” được hiểu cho Giáo hội tại một giáo phận (CD 11), một giáo xứ (LG ), và đặc biệt là một cộng đoàn cử hành phụng vụ (SC 41; LG 26).[10]

Khi sử dụng thuật ngữ “cộng đoàn” trong định nghĩa về giáo xứ, có lẽ bộ giáo luật muốn lưu ý các cha sở hãy quan tâm đến việc xây dựng “cộng đoàn” hơn là xây dựng cơ sở (kể cả nhà thờ). Hơn nữa, thần học còn muốn nêu bật nhiều khía cạnh khác gói ghém đàng sau từ “cộng đoàn”.[11]

a) Trước tiên, cộng đoàn này được quy tụ bởi Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Đây là điểm khác biệt giữa cộng đoàn “Giáo hội” với các cộng đoàn xã hội khác (các hội nghị, đại hội, cuộc mít tinh). Hiểu như thế, cộng đoàn biểu lộ căn tính của mình hơn cả khi cử hành Thánh Thể. Điều này giả thiết sự hiện diện của một linh mục chủ sự.

b) Thứ đến, tuy cộng đoàn Thánh Thể biểu lộ Giáo hội Chúa Kitô, nhưng chưa phải là tất cả Giáo hội. Cộng đoàn Thánh Thể (của giáo xứ) cần phải mở rộng ra các cộng đoàn khác, họp thành “cộng đoàn giáo phận” (giáo xứ là “tế bào” của giáo phận, theo Sắc lệnh về tông đồ giáo dân, số 10), và qua giám mục, mở rộng đến hiệp thông với các giáo phận trên hoàn cầu. Nói khác đi, giáo xứ là một “cộng đoàn Giáo hội”, nhưng chưa hoàn toàn là Giáo hội địa phương (cần có giám mục), và chưa hoàn toàn là Giáo hội Chúa Kitô (cần hiệp thông với tập đoàn các giám mục nữa). Nên lưu ý là khi nói đến mối tương quan giữa giáo hội địa phương với Giáo hội phổ quát, công đồng gọi cộng đoàn địa phương là portio (chưa không phải là pars) của toàn thể Giáo hội: portio muốn nói lên rằng Giáo hội địa phương có tất cả những yếu tố cấu tạo nên Giáo hội (Lời Chúa, Thánh Thể, Thánh Linh, giám mục), còn pars có thể chỉ là một phần, chứ chưa đủ hết.[12] Đối lại, Giáo hội phổ quát được thành hình bởi và trong các giáo hội địa phương.[13]

c) Như vậy cộng đoàn giáo xứ cần phải mở rộng đến sự thông hiệp với cộng đoàn giáo phận và Giáo hội hoàn vũ. Đồng thời, giáo xứ cũng cần ý thức rằng cộng đoàn của mình cũng là một sự hiệp thông của các cộng đoàn khác hiện hữu ở trong lòng của mình, để trở thành “cộng đoàn các cộng đoàn”, như Đức thánh cha Phanxicô đã viết trong tông huấn Evangelii gaudium. Ta có thể hình dung nhiều cấp độ hiệp thông ở trong cộng đoàn giáo xứ:

– Hiệp thông giữa các cộng đoàn cơ bản;

– Hiệp thông giữa các hiệp hội, đoàn thể trong giáo xứ;[14]

– Giáo xứ cũng là “gia đình của các gia đình”.[15] Điều này không chỉ muốn diễn tả giáo xứ như một gia đình (gia đình của con cái Chúa), mà còn muốn nêu bật mối liên hệ chặt chẽ giữa gia đình và giáo xứ: (i) giáo xứ cần quan tâm đến các gia đình là những “tế bào” của giáo xứ qua những công tác đào tạo; đồng thời giáo xứ học hỏi nơi các gia đình cách thức thể hiện tình hiệp thông, biết việc quan tâm đến các thành viên với tình liên đới; (ii) gia đình là một “giáo hội tại gia”: nơi loan báo Tin Mừng, giáo dục đức tin và cầu nguyện, sống tình yêu thương. Tuy nhiên, gia đình không khép kín trên chính mình, nhưng mở rộng đến các gia đình khác.
2. Sứ mạng của giáo xứ
Chúng ta có thể tìm hiểu của giáo xứ qua việc liệt kê các yếu tố cấu thành nên giáo xứ: cộng đoàn tín hữu, Lời Chúa, Thánh Thể, tác viên thánh. Chúng ta cũng thể tìm hiểu giáo xứ qua việc phân tích những nhiệm vụ cần thực hiện: những điều này tạo nên sứ vụ của giáo xứ.[16]

Các yếu tố thường được tóm lại trong năm điểm sau đây: martyria, leiturgia, koinonia, diakonia, missio.[17]

a) Martyria : làm chứng tá. Giáo xứ là một cộng đồng lắng nghe Lời Chúa và làm chứng tá cho đức tin bằng lời giảng và bằng đời sống. Nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, huấn giáo.

b) Leiturgia : cử hành phụng vụ. Giáo xứ là một cộng đồng được triệu tập để ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa, đặc biệt qua việc cử hành Thánh lễ là nguồn mạch và chóp đỉnh của cuộc sống và hành động. Ngoài phụng vụ bí tích, giáo xứ còn cổ động việc cầu nguyện dưới nhiều hình thức khác nhau (các việc đạo đức bình dân).

c) Koinonia : hiệp thông. Giáo xứ là một cộng đồng hiệp thông: hiệp thông giữa những cá nhân trong giáo xứ, hiệp thông giữa những hội đoàn, những tầng lớp xã hội. Sự hiệp thông của giáo xứ còn mở rộng ra sự hiệp thông với giáo phận và Giáo hội phổ quát.

d) Diakonia : phục vụ. Giáo xứ là một cộng đồng phục vụ, mở rộng đến việc đáp ứng những nhu cầu tinh thần và vật chất của các phần tử cũng như của những người láng giềng, đặc biệt là người nghèo.

e) Missio : truyền giáo. Giáo xứ chia sẻ sứ mạng đem Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa, hoặc những người đã lìa bỏ nhà thờ.

III. Vài hệ luận về mục vụ


Những nét mô tả trên đây chỉ mô tả khái quát bản chất và sứ vụ của các giáo xứ. Trên thực tế, giáo xứ có thể mang nhiều hình thức khác nhau, nhìn dưới góc độ xã-hội-học và dưới góc độ thần học mục vụ.

A. Nhìn dưới góc độ xã hội học


Ta có thể hình dung nhiều cách phân loại các giáo xứ:

1/ Xét theo lãnh thổ: giáo xứ “rộng” (có thể trải rộng hằng chục cây số vuông), hoặc “hẹp” (một phường của thành phố);

2/ Xét theo số dân cư: “đông” hay “ít” tín hữu. Nên lưu ý là tại các thành phố lớn bên Italia, có khi số giáo dân ở một khu phố chung cư (hơn 10 ngàn người) còn đông hơn số giáo dân của cả một giáo phận tại nhiều quốc gia. Hẳn nhiên, tại một giáo xứ quá đông hay quá rộng, cha sở không thể nào biết tất cả các thành viên; đó là lý do của sự ra đời các “cộng đoàn cơ bản”.

3/ Xét theo tỉ lệ giáo dân: từ những xứ “toàn tòng” cho đến những xứ mà người “giáo” sống trà trộn với người “lương”.

4/ Xét theo địa lý, đừng kể địa hình (đồng bằng, miền núi, duyên hải), ngày nay người ta lưu ý đến địa lý nhân văn: các xứ ở thành phố (hoặc đô thị), các xứ nông thôn, các xứ ven ô. Nói chung, cư dân thành thị có trình độ văn hóa cao hơn là người thôn quê. Mặt khác, các xứ ở thành thị gồm nhiều thành phần “tứ chiếng” do hiện tượng di dân.

Dù sao, bộ mặt của các giáo xứ đã thay đổi khá nhiều trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của các biến chuyển xã hội có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống đạo, chẳng hạn:

– Hiện tượng tục hóa. Từ “tục hóa” (secularization) có thể hiểu theo nhiều nghĩa.[18] Theo một nghĩa chung chung hơn cả, chúng ta tạm hiểu tục hóa theo nghĩa là tôn giáo không còn ảnh hưởng gì đến lối suy tư và hành động nữa. Thí dụ: nhiều đôi hôn nhân công giáo cũng ly dị giống như bao nhiêu hôn nhân khác; các tín hữu công giáo cũng chửi thề, trộm cắp, gian lận giống như những người không có đức tin. Có lẽ họ vẫn đi lễ, nhưng đức tin không ảnh hưởng gì đến cuộc sống.

– Hiện tượng di dân. Hiện tượng di dân sẽ đặt ra nhiều vấn đề cho giáo xứ nơi đi và nơi đến. Đối với nơi đi, giáo xứ chỉ còn ông già bà cả và các thiếu nhi. Đối với nơi đến, người di dân không cảm thấy đây là nhà của mình, không được quan tâm săn sóc.

– Hiện tượng đô thị hóa.[19] Người thành thị có trình độ học thức cao hơn ở thôn quê, vì thế họ không dễ dàng vâng theo lệnh của Giáo hội. Nếp sống thành thị tự do hơn, với nhiều trào lưu văn hóa khác nhau. Tính cách cộng đồng lỏng lẻo hơn ở thôn quê, bởi vì người ta ít quen biết nhau. Trong điều kiện như vậy, thử hỏi: làm thế nào chủ chăn biết đoàn chiên của mình?

– Hiện tượng “hậu hiện đại” (post-modernity). Thuật ngữ này khá hàm hồ cũng tựa như “toàn cầu hóa”. Nhờ những phương tiện truyền thông, con người ngày nay biết được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, và có thể bắt liên lạc với những người sống cách xa vạn dặm. Nhưng điều trớ trêu là những người hay “chat” trên mạng lại khó nói chuyện với những người sống bên cạnh mình. Dù sao, nền văn minh hiện đại đề cao cảm nghiệm chủ quan, và coi nhẹ các định chế, các chân lý khách quan bền vững.

B. Nhìn dưới góc độ thần học mục vụ


Do những biến đổi xã hội vừa kể, bộ mặt của giáo xứ đã thay đổi nhiều. Đồng thời, thần học về giáo xứ cũng đã thay đổi như chúng ta đã thấy khi đối chiếu giữa hai bộ giáo luật 1917 và 1983. Trước đây, giáo xứ được quan niệm như một đơn vị hành chánh của giáo phận; ngày nay, giáo xứ được quan niệm như một cộng đồng đức tin và truyền giáo. Tiếc rằng nhiều linh mục và giáo dân chưa nhận thức được sự thay đổi ấy.

Để làm sáng tỏ vấn đề, ta hãy đối chiếu mô hình của giáo xứ cổ điển với mô hình sau công đồng.
1. Mô hình cổ điển
– Mũi nhọn mục vụ : chú trọng đến các việc đạo đức, các cuộc rước kiệu; giáo lý nhắm vào thiếu nhi để chuẩn bị lãnh các bí tích;

– Tác nhân : cha xứ quán xuyến;

– Hợp tác : không có hội đoàn, không có hội đồng mục vụ;

– Hoạt động xã hội : không có (chỉ có công tác từ thiện bác ái).
2. Mô hình của cộng đồng
– Mũi nhọn mục vụ : loan báo Tin Mừng qua việc đào tạo giáo lý cho người lớn cũng như thiếu nhi; giúp cộng đồng tham gia phụng vụ cách ý thức nhờ những lớp học Kinh Thánh;

– Tác nhân : cha xứ được sự hỗ trợ của giáo dân trong việc điều hành;

– Hợp tác: giáo xứ gồm nhiều hội đoàn thể, tạo nên “cộng đoàn của các cộng đoàn”;

– Hoạt động xã hội: ngoài những công tác bác ái từ thiện, còn quan tâm đến những vấn đề xã hội (ma túy, người già neo đơn), thăng tiến nếp sống (di dân, thất nghiệp, v.v.).

Mô hình thứ hai đòi hỏi một sự thay đổi não trạng, cách riêng từ phía cha xứ :

– Một mình cha xứ không làm nên giáo xứ. Giáo xứ gồm bởi tất cả các tín hữu. Nhiệm vụ chính của cha xứ không phải chỉ lo xây nhà thờ cho bằng xây dựng cộng đồng.

– Việc xây dựng cộng đồng đòi hỏi một năng khiếu mới: cha xứ cần có tài lãnh đạo để huy động các “lực lượng” trong giáo xứ. Trước đây, nhiều khi cha xứ coi mình như một ông xã trưởng, một viên chức hành chánh, chỉ lo các thủ tục như là giảng dạy, ban hành bí tích. Bây giờ cha xứ cùng làm việc với các thành phần khác của Dân Chúa (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân) để chu toàn sứ vụ. Để chu toàn các chức vụ của giáo xứ đã kể trên đây, cần thiết lập các “ban” (hoặc: nhóm, ngành): đặc trách phụng vụ (chuẩn bị thánh lễ, trao Mình Thánh, ca đoàn); đặc trách huấn giáo; đặc trách bác xã hội; các nhóm thiện nguyện phục vụ, v.v..

– Dù sao, cộng đồng giáo xứ không chỉ an tâm với những “con chiên ngoan đạo”, nhưng còn phải để ý đến những người chưa người chưa biết Chúa hoặc những người đã lìa bỏ nhà Cha.

Kết luận


Tại nhiều quốc gia bên châu Âu, trước đây giáo xứ gắn liền với nếp sống của dân cư : ngôi nhà thờ của giáo xứ ví được như đình làng của nước ta; khác một điều là nhân dân có lẽ một năm chỉ tập họp nhau ở đình không đến mươi lần, còn các tín hữu đến nhà thờ tối thiểu mỗi tuần một lần vào Chúa Nhật. Hình ảnh trung tâm của giáo xứ dần dần biến đi tại các đô thị. Không lạ gì mà có người lên tiếng đòi xét lại vai trò của giáo xứ, thậm chí đòi dẹp bỏ nó, và thay thế bằng những hình thức khác mang tính cộng đoàn thân mật hơn (chẳng hạn các cộng đoàn cơ bản).

Tông huấn Niềm vui Tin Mừng của Đức thánh cha Phanxicô, phản ánh ý kiến của Thượng hội đồng giám mục họp năm 2010 về việc Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ, vẫn ghi nhận sự cần thiết của giáo xứ (số 28), xét như “sự hiện diện của Hội thánh tại một địa phương nhất định, một môi trường để nghe Lời Chúa, để tăng trưởng trong đời sống Kitô hữu, để đối thoại, rao giảng, làm việc bác ái, thờ phượng và mừng lễ”, hoặc xét như là “cộng đoàn của các cộng đoàn, một thánh điện để những người khát nước đến uống dọc đường, và một trung tâm thường xuyên vươn ra truyền giáo”. Dĩ nhiên, cũng như các cơ cấu khác của giáo hội, giáo xứ cần phải canh tân để đến gần đời sống với người dân hơn.

Khi đem áp dụng những suy tư nói trên vào Giáo hội Việt Nam, ắt hẳn nhiều điều cần được thích nghi. Đất nước chúng ta mới đón nhận Tin Mừng chưa đầy 5 thế kỷ, và Kitô giáo chưa đi vào văn hóa dân gian như ở bên châu Âu hay châu Mỹ (hoặc nước Philippin). Thực ra, đó đây không thiếu những địa phương “toàn tòng công giáo”, và ranh giới giáo xứ cũng trùng với ranh giới của một xã thôn.[20] Dù sao, sinh hoạt của giáo xứ không chỉ giới hạn vào việc phụng tự, nhưng còn kèm theo nhiều công tác xã hội và văn hóa giáo dục nữa.[21] Mặt khác, khi so sánh với các tôn giáo khác (chẳng hạn như Phật giáo), chúng ta nhận thấy chỉ có đạo Công giáo mới được tổ chức cộng đoàn giáo xứ, và các tín đồ tụ họp nhau thường xuyên (ít là hằng tuần vào chủ nhật để thờ phượng Chúa và gặp gỡ nhau). Ngoài xã hội, có lẽ không có nơi nào quy tụ nhân dân thường xuyên như vậy (người dân chỉ lên trụ sở của Uỷ ban nhân dân khi có việc cần giải quyết). Giáo xứ cũng là nơi giáo dục thanh thiếu niên, không chỉ qua các bài giảng Lễ mà còn qua các lớp giáo lý. Các giáo dân cũng tham gia vào sinh hoạt cộng đoàn bằng nhiều cách thức. Hội đồng giáo xứ (mang nhiều danh xưng khác nhau: ban hành giáo, ban chức việc, hội đồng quý chức, hội đồng mục vụ) chẳng còn xa lạ gì đối với các giáo hữu Việt Nam,[22] thậm chí nhiều giáo xứ vẫn tiếp tục sinh hoạt trong khoảng thời gian dài thiếu vắng linh mục.

Thiết tưởng đó là những điểm son đáng được quý trọng và duy trì, đang khi cố gắng tìm những đường hướng mới để đẩy mạnh công cuộc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ,[23] đặc biệt là quan tâm đến những biến chuyển xã hội vào thời hôm nay, như vừa nêu trên (tục hóa, di dân, đô thị hóa, hậu hiện đại).
___________
[1] Giáo phận Sàigòn được chia thành: giáo hạt / giáo xứ / giáo họ. Giáo phận Vĩnh Long được chia thành: hạt / họ đạo.
[2] Trong tiếng Latinh, paroecia là giáo xứ, parochus là cha xứ. Tiếng Pháp, giáo xứ là paroisse, còn cha xứ là curé (gốc tiếng Latinh cura animarum ); trong tiếng Anh, giáo xứ là parish, cha xứ là parish priest bên Anh, và pastor bên Hoa kỳ.
[3] Ekklesia kat'oikon: “Hội thánh tại gia”, hoặc “Hội thánh họp nhau ở nhà của... (Prisca và Aquila, Philemon)”.
[4] Nguồn gốc của các domus ecclesiae không đồng nhất. Từ thế kỷ II, vài tín hữu đã dâng cúng nhà của mình làm nơi phụng tự cho cộng đoàn. Từ giữa thế kỷ III, người ta bắt đầu xây những nhà làm nơi thờ phượng, và ngôi nhà thờ cổ kính nhất được khai quật ở Dura-Europos bên Euphrates (khoảng năm 250). Vào thời hoàng đế Đioclêtianô (năm 303), con số các ngôi nhà thờ đã khá nhiều đến nỗi ông đã ra lệnh triệt hạ, mở màn cho một đợt bách hại.
[5] Không ít giám mục đã muốn thiết lập nếp sống đan tu tại các toà giám mục, chẳng hạn như thánh Amrôxiô tại Milanô, thánh Máctinô ở Tours, thánh Augustinô ở Hippo.
[6] Vết tích còn tồn tại nơi định chế các “hồng y linh mục”: mỗi vị nhận được một titulus (tước hiệu) của một thánh đường tại Rôma.
[7] Luật này cũng ràng buộc các giám mục và các bề trên dòng.
[8] CIC (1917) can. 216, § I: “Territorium cuiuslibet diocesis dividatur in distinctas partes territoriales; unicuique autem parti sua peculiaris ecclesia cum populo determinato est assignanda, suusque peculiaris rector, tamquam proprius eiusdem pastor, est praeficiendus pro necessaria animarum cura.”
[9] Tại các miền truyền giáo, thay vì dioecesis là vicariatus apostolicus; thay vì paroecia là quasi-paroecia. (CIC 1917, can.216, §3).
[10] Trong các văn kiện sau Vaticanô II, các “cộng đoàn cơ bản” (basic ecclesial communities) cũng được được gọi là “Giáo hội địa phương” (Evangelii nuntiandi 58, Redemptoris Missio 51, Ecclesia in Asia 25).
[11] Tông huấn Christifideles laici, số 26: “Giáo xứ không phải là một cơ cấu, một địa hạt, hay một ngôi nhà, nó là "một gia đình của Chúa, một cộng đoàn huynh đệ chỉ có một linh hồn", là "mái gia đình, đầy tình huynh đệ và mở rộng đón tiếp mọi người", là "cộng đoàn các tín hữu”. Tóm lại, Giáo xứ được đặt nền tảng trên một thực tại thần học, vì đó là một cộng đoàn Thánh thể. Nghĩa là một cộng đoàn có tư cách cử hành Bí Tích Thánh Thể, nguồn gốc cấu tạo nên cộng đoàn và đem lại cho cộng đoàn sức sống và giây liên kết bí tích thông hiệp với toàn thể Giáo hội. Nói rằng cộng đoàn có tư cách cử hành Bí Tích Thánh Thể là vì Giáo xứ là một cộng đồng đức tin và là một cộng đoàn có cơ cấu, nghĩa là được tạo nên bởi các vị thừa hành có chức thánh và các Kitô hữu khác dưới quyền trách nhiệm của một Cha sở vừa đại diện cho Giám Mục Giáo phận vừa là mối dây của hàng giáo phẩm liên kết Giáo xứ với toàn Giáo hội địa phương.”
[12] Một ly nước cũng đầy đủ chất nước như một chai nước hay một bể nước (đó là portio). Cái đầu là một phần (pars) của thân thể, nhưng có đủ những yếu tố cấu tạo nên thân thể.
[13] “Episcopi autem singuli visibile principium et fundamentum sunt unitatis in suis Ecclesiis particularibus, ad imaginem Ecclesiae universalis formans, in quibus et ex quibus una et unica Ecclesia catholica existit” (LG 23a).
[14] Nếu trong địa bàn của giáo xứ có những thánh đường của các dòng hay của các hội đoàn, thì các tín hữu có thể tham dự phụng vụ tại đây, thay vì đến thánh đường giáo xứ. Không thiếu căng thẳng đã xảy ra giữa các giáo xứ và các dòng tu.
[15] ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng thánh lễ cung hiến thánh đường giáo xứ thánh Corbinianô, Rôma ngày 20/3/2011.
[16] Ở đây chúng ta nói đến các nhiệm vụ của giáo xứ. Xưa nay, người ta thường nói đến các nhiệm vụ của cha xứ, xoay quanh ba chức vụ: giảng dạy, thánh hoá, cai quản. Chẳng hạn như: Bộ giáo luật (điều 528-529); Thư luân lưu của Bộ giáo sĩ (19/3/1999): The Priest and the Third Christian Millennium: Teacher of the Word, Minister of the Sacraments and Leader of the Community.
[17] Trong thông điệp Deus caritas est (số 25), ĐGH Bênêđictô XVI đã liệt kể các yếu tố thuộc sứ mạng của Giáo hội là: loan báo Tin Mừng (kerygma-martyria), cử hành bí tích (leiturgia), phục vụ bác ái (diakonia) Những nét tương tự cũng đọc thấy trong thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam về chương trình mục vụ cho năm 2015, mô tả những nét chính làm nên căn cước của giáo xứ, dựa theo sách Tông đồ công vụ (2,42): a) siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng; b) chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy; c) luôn luôn hiệp thông với nhau.
[18] X. Phan Tấn Thành, “Hiện tượng tục hóa. Quan điểm xã hội học và thần học”, Thời sự thần học số 65, tháng 8/2014, trang 151-178.
[19] Xem bài Mục vụ đô thị đăng trong số này.
[20] X. Nguyễn Đức Lộc, “Cơ cấu tổ chức cộng đồng theo giáo xứ của người Việt Công giáo di cư 1954 tại Nam Bộ (Nghiên cứu trường hợp Hố Nai, Đồng Nai, và Cái Sắn ở Cần thơ)”, Tạp chí phát triển KH & CN tập 13, số X12, 2010, tr. 5-20, http://www.vnulib.edu.vn:8000/dspace/bitstream/123456789/3643/3/sedev10X2-01.pdf
[21] Nguyễn Hồng Dương, Tổ chức xứ, họ đạo công giáo ở Việt Nam. Lịch sử - hiện tại và những vấn đề được đặt ra, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 2011.
[22] X. Mai Đức Vinh, Hội đồng quý chức, Giáo xứ Việt Nam Paris 2011, đăng tại: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module3&v=detail&ib=64.
[23] Nên ghi nhận là giáo xứ chưa phải là “tế bào” nhỏ nhất của giáo phận. Giáo xứ còn có thể phân chia thành giáo họ, giáo khu, họ nhánh, xóm, v.v. (hoặc nếu xếp theo tiến trình thành hình: giáo điểm, giáo họ, giáo xứ). Tại Việt Nam chưa có các “cộng đoàn cơ bản” (basic ecclesial communities) như tại Philippin và một số quốc gia châu Á. (Xc. X Plenary Assembly [Xuan Loc- Hochiminh City 2012] Final Document: FABC at forty years: responding to the challenges of Asia, n.10). Về kinh nghiệm của các cộng đoàn này, xem: Catholic Bishops Conference of the Philippines, Episcopal Committee on Basic Ecclesial Communities (CBCP-BEC), tại địa chỉ: http://cbcpbec.com/