Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

TU LÀ MỘT CHỌN LỰA TỰ DO, TU LÀ CÕI PHÚC DÀNH CHO AI DÁM CHẾT

Thời sự Thần học – Số 66, tháng 11/2014, tr. 193-216.

  1. Tự do là gì để dám chọn lựa cõi phúc,
    dám dấn bước làm môn đệ thầy Giêsu ? 
  2. Tự do chọn lựa trở thành người môn đệ. 
  3. Tự do theo kinh nghiệm thánh Âu-Tinh. 
  4. Tự do trước mọi thách đố thời đại: Niềm vui.

_Maria Lê Thị Thanh Nga, Dòng Đức Bà_


“Tu là cõi phúc, tình là dây oan.” Ông bà cha mẹ vẫn khuyến khích con cháu đi tu để được phúc, phúc cho bản thân và phúc cho cả dòng họ gia đình. Riêng tôi vẫn thường vui vẻ chuyển đổi từ “phúc” thành từ “chết” mà biết chắc rằng mình vẫn không làm sai lạc ý nghĩa sâu xa của đời tu, của kinh nghiệm người xưa, và còn làm giảm bớt nét đối lập giữa đời tu và đời hôn nhân đã khiến cho nhiều bạn trẻ tưởng rằng đời tu là cứu cánh duy nhất, là chốn lánh nạn yên hàn, không còn bị ràng buộc bởi tục lụy thế gian. Thật vậy, “tu là cõi chết” và chính nhờ trải nghiệm cái chết từng ngày từng giờ này mà người tu sĩ cảm nhận hạnh phúc sâu xa của người đã tự do chọn lựa làm môn đệ Thầy Giêsu.

1. Vậy tự do là gì để dám chọn lựa cõi phúc, dám dấn bước làm môn đệ thầy Giêsu ?


Tự do, từ ngữ này rất quen thuộc trong cuộc sống thường nhật. Nói đến nhân quyền là nói đến tự do, nói về kinh tế là nghe bàn về thị trường tự do, giá vàng rơi tự do, nói đến công nghệ tin học thì cũng nghe nói đến các phần mềm tự do… Không có một từ ngữ nào được sử dụng và gây ra nhiều suy tư tranh luận như “tự do”, và cũng không gì khó khăn hơn khi phải đề cập đến một hành vi thật sự tự do.

Tự bản chất, “tự do” là niềm khát vọng, là nỗi ray rứt khôn nguôi của con người vì con người khao khát sống tự do như một khả năng có thể làm bất cứ điều gì mình muốn mà không bị ai ngăn trở cấm đoán. Con người khắc khoải tìm kiếm ý nghĩa, nhận thức cho thật đúng về tự do để sống đúng phẩm giá con người. Nhưng cuối cùng, con người vẫn không thể nào tìm ra được một định nghĩa chính xác, tròn đầy. Vì vậy, tôi không dám đưa ra một định nghĩa nào đó cho hạn từ ngắn ngủi này về khía cạnh chính trị, xã hội, hay triết lý, nhưng chỉ muốn ‘giải phóng tự do’ ra khỏi những định đề cố hữu cá nhân, để cho kinh nghiệm “tự do” của dân Chúa trong Kinh Thánh được tự do chuyển lưu trong cuộc sống người Kitô hữu, làm triển nở mỗi người trong tương quan với Đấng sáng tạo, đưa mỗi người đi tới cùng đích hiện hữu đời mình theo kế hoạch của Đấng sáng tạo.

Kinh nghiệm độc đáo của tác giả sách Huấn ca 15,14.16-20 khi xưa viết lại:
Từ nguyên thuỷ, chính Chúa đã làm nên con người, và để nó tự quyết định lấy… Trước mặt con, Chúa đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó. Vì trí khôn ngoan của Đức Chúa thật lớn lao, Người mạnh mẽ uy quyền và trông thấy tất cả. Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người, và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện. Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội.
Vậy để “giải phóng tự do”, để hiểu “tự do” theo đúng nguyên nghĩa “tự quyết định lấy” mà “không ăn ở thất đức”, “không phạm tội”, chúng ta hãy cùng nhau trở về nguồn cội, đọc lại kinh nghiệm sống tự do của dân Chúa trong bản văn Kinh Thánh.

Tự do là được giải thoát khỏi kiếp nô lệ


Trong Kinh Thánh Cựu Ước, khi nói đến tự do là nói đến cuộc giải phóng khỏi cảnh đời nô lệ: người Ai-cập cưỡng bách con cái Ít-ra-en lao động cực nhọc, làm cho đời sống họ ra cay đắng nhục nhằn (Xh 1,13-14) nhưng Thiên Chúa đã nghe tiếng kêu than của dân mình và chính Chúa đã cứu dân ra khỏi cảnh nô lệ lầm than. Dân đã được tự do sau cuộc vượt qua giữa lòng biển khô cạn (Xh 14,29-30). Ra khỏi cảnh nô lệ tôi đòi, dân đi trong sa mạc lại nuối tiếc thở than với Môsê: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay ĐỨC CHÚA trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 16,3-4). Một lần nữa, giữa sa mạc đầy thách đố ngặt nghèo, Thiên Chúa dạy dỗ, huấn luyện cho dân hiểu thế nào là ra khỏi kiếp nô lệ cho bản năng, cho cái đói cái khát, để không biến mình làm nô dịch cho chính mình: “ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn…” Chính Chúa bảo đảm sự sống cho dân khi dân dám để tai nghe và vâng theo lời Chúa dạy dỗ “ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó…”, chứ không ham hố tham lam, tìm thỏa mãn theo bản năng tìm an toàn lấy dư lấy đầy. Dân đã kinh nghiệm trong lòng tin rằng Chúa“là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát” họ (Tv 18,3). Đây là cách Chúa đã huấn luyện dân khi còn đi trong sa mạc, dạy cho dân sống tự do trước khi bước vào miền đất sự sống, miền đất của một dân đã dám kết ước với Chúa tại núi Sinai.

Trong Tân Ước, kinh nghiệm của thánh Phaolô nhắc nhở mỗi tín hữu “Anh em không biết sao? Khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của người mà anh em vâng phục: hoặc làm nô lệ tội lỗi, thì sẽ phải chết…” Đem thân làm nô lệ cho ai đó, thì ai đó có thể là chính bản thân chúng ta: bản năng, cái đói cái khát, công việc, quyền bính, tiền tài, danh vọng… Nô lệ cho ai đó, thì ai đó có thể là tha nhân mà vì sợ hãi chúng ta phải cúi mình chiều lòng, vì muốn an phận tồn tại mà chúng ta phải làm thinh mặc cho mọi bất công, sai trái lan tràn… Nô lệ cho điều gì đó mà theo thánh Phaolô, là lề luật thì cuối cùng cũng là khước từ lẽ sống. Mọi hình thức nô lệ như vậy là khom mình lãnh lấy sự chết, không phải cái chết trong thân xác mà là cái chết của phẩm giá con người đã được Chúa cứu chuộc “Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết ; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 6,23).

Vậy chỉ có một con đường sống tự do đích thực, đó là trở thành ‘nô lệ của Thiên Chúa’. Nếu bằng lòng sống nô lệ, thì duy chỉ có một Đấng đáng cho chúng ta làm nô lệ thôi, đó là Đấng Thánh đã từng giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ, là Đấng đã mang lại sự sống tự do cho con người, đã từng cam kết với con người rằng, sống tự do, cũng có nghĩa là sống thánh, sống công chính đẹp mắt Chúa: “…làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa, thì sẽ được nên công chính… giờ đây anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa ; anh em thu được kết quả là được trở nên thánh thiện, và rốt cuộc được sống đời đời” (Rm 6,16-22).

Tự do là sống theo Thần Khí


Thoát khỏi kiếp nô lệ, “con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (Rm 6,6), để chúng ta sống tự do đích thực là sống “theo Thần Khí”, là “sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa…” để cuối cùng, “hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ”. Vậy sống tự do để làm trổ sinh những hoa quả này thì “không có luật nào chống lại” hay kềm hãm con người chúng ta được, vì chính khi đó, mỗi chúng ta biết mình “thuộc về Đức Ki-tô Giê-su”, mình đã tự do “đóng đinh tính xác thịt” của mình vào thập giá “cùng với các dục vọng và đam mê của mình” (Gl 5, 16-26).

Không ai sinh ra đã biết sống tự do, nhưng mỗi người sẽ học biết làm thế nào để trở thành người tự do, ấy là để cho Thần Khí dạy chúng ta biết chọn lựa thuộc về Đức Kitô, và chịu trách nhiệm sống điều đã chọn lựa này.

Tự do là sẵn sàng đón nhận một giới hạn cần thiết


Trong các chương đầu sách Sáng thế, khi Thiên Chúa trao cho con người quyền làm bá chủ, quyền hưởng dùng tất cả mọi thứ Chúa đã dựng nên, Chúa chỉ muốn cho con người được sống và sống sung mãn hạnh phúc. Vì thế Chúa đã xin con người đừng đụng tới trái cây khiến con người phải chết. Lời dạy bảo đó không phải là một đe dọa ích kỷ, nhưng một giới hạn cần thiết để con người đừng chạm tới giới hạn mong manh, phải chết của chính mình. Rồi khi con người sa lầy, muốn chối bỏ sự sống và khước từ giá trị sống tự do đích thực thì Chúa lại càng muốn cho con người nhận thức “tự do” thật cụ thể, bởi vì tự do không thuộc riêng khát vọng cá nhân, nhưng nằm sâu trong các mối tương quan: tại núi Sinai, Chúa đã ban bố Thập Điều, mời gọi dân sống tự do và tôn trọng tự do của tha nhân sau kinh nghiệm được cứu thoát:
Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ….. Ngươi hãy giữ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi, cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, bò lừa và mọi gia súc của ngươi, và ngoại kiều ở trong thành của ngươi, để tôi tớ nam nữ của ngươi được nghỉ như ngươi. Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai-cập, và ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó (Đnl 5,6.12-15).
Bản văn Thập Điều mang tính pháp lý nhưng lại ẩn chứa lời mời gọi sống tự do và tôn trọng muôn loài Chúa đã tạo dựng, và cũng là một giới hạn rạch ròi giúp mỗi người ý thức ân huệ tự do đã lãnh nhận và chớ cướp đi sự tự do của người khác khi bắt họ phải làm nô dịch cho mình. Đây là chiều kích công bằng và tinh thần liên đới trong mọi xã hội lớn nhỏ chúng ta đang hiện diện, là tâm tình tri ân Thiên Chúa trong cách chúng ta tôn trọng con người, sống chứng tá lòng thương xót của Thiên Chúa trên đời mình trong tương quan với đồng loại và muôn loài. Cứ nhắc đến Thập Điều là hiểu ngay mười điều răn, là luật sống mà người tín hữu thường có cảm giác bị ràng buộc răn đe. Điều này giúp hiểu được vì sao khi chọn lựa đời tu, trước mắt người đời, người tu sĩ dường như bị ràng buộc bởi luật lệ gắt gao của Hội Dòng, nhưng thật ra người tu sĩ đã tự do, vui vẻ đón nhận luật Dòng như lời mời cần thiết để sống đời dâng hiến trọn vẹn, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô để nối tiếp mầu nhiệm Nhập Thể của Người. 

Tự do là mở ra một khoảng cách, một không gian dành cho sự tôn trọng


Nối tiếp câu truyện về đôi nam nữ đầu tiên trong sách Sáng thế, ban đầu thì “này là xương bởi xương tôi…thịt bởi thịt tôi” nhưng sau đó thì trách móc tại “người đàn bà Ngài đã cho ở với con”, sách Diễm ca ngay từ khúc dạo đầu đã là bản tình ca tuyệt mỹ giữa Chàng và Nàng, hay nói chung là mối tương quan quý yêu tôn trọng tuyệt vời giữa người với người. Ước muốn yêu và thuộc trọn về nhau (agape) mà lại thiết tha mời gọi nhau vượt quá bản năng, vượt quá khát vọng trói buộc, chiếm đọat, vị kỷ (eros) nơi bản thân “Chạy trốn mau, người yêu hỡi, hãy làm linh dương, làm nai nhỏ của em tung tăng trên núi đồi cỏ thơm bát ngát” (8,14). Thương nhau mà lại bảo nhau trốn chạy ? Đây thật sự là một khoảng cách mà tác giả Sách Thánh mời gọi người tin suy gẫm, bởi vì đó là khoảng cách cần phải có trong mọi tương quan giữa người với người. Một khoảng cách giữa suy tưởng và hiện thực. Một khoảng cách thiết thực giữa ước muốn thuộc trọn về nhau mà không lao vào mối tương quan sở hữu, thống trị. Một khoảng cách cho tự do nội tâm được triển nở để sống mọi tương quan, ngay cả trong đời sống độc thân thánh hiến và xây dựng cộng đoàn, vì mỗi người sẽ không thể biến mình thành của riêng ai hay muốn biến ai thành của riêng mình, tránh tình trạng sở hữu, điều khiển, bè phái, chia rẽ. Chính khoảng cách rất cần thiết này cho phép chúng ta sống tương quan trên nền tảng của lòng mến thâm sâu để biết tôn trọng nhau và gầy dựng sự hòa hợp giữa người với người, trong gia đình, trong cộng đoàn. Điều kỳ diệu nhiệm mầu trong lòng mến còn giúp chúng ta khám phá bản chất thiêng liêng cao quý nơi mỗi tha nhân để sẵn sàng đón nhận và sẵn sàng tha thứ cho nhau vô điều kiện.

Tự do là Yêu mến và Phục vụ


Luật của Thiên Chúa sau biến cố ra khỏi cảnh nô lệ là luật tự do, luật trả lại phẩm giá cho con người cần được tôn trọng xứng đáng. Luật này đặt trên nền tảng tình yêu, vì tình yêu làm nên sự sống. Trong tình yêu đó, mỗi người tự do được mời gọi đón nhận một giới hạn, một khoảng cách cần thiết để duy trì và bảo vệ tự do của chính mình và của người khác. Thánh Phaolô khẳng định “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa” (Gl 5,1). Quả vậy, Đức Giêsu đã giải thoát con người nô lệ bằng cách tự do đón nhận và đóng đinh hành vi độc ác của con người nô lệ trên cây thập giá. Con người đã làm nô lệ cho ác tâm, nhưng Đức Kitô đã chiến thắng ách nô lệ sự dữ của con người bằng tình yêu, bằng lòng thương xót, bằng cái giá sinh mạng của mình. Vì thế, chúng ta “đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gl 5, 13-14).

Sống yêu mến là sống tự do. Con người chỉ kinh nghiệm tự do yêu thương chân thật trong mọi tương quan khi mỗi người biết tôn trọng phẩm giá của chính mình và của người khác. Thánh Phêrô từng nhắc nhở cộng đoàn tín hữu “Anh em hãy hành động như những người tự do, không phải như những người lấy sự tự do làm màn che sự gian ác, nhưng giống như những tôi tớ của Thiên Chúa. Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu thương anh em, hãy kính sợ Thiên Chúa…” (1P 2,16-17).

Sống yêu mến là sống tự do, và tự do là để phục vụ. Có lẽ còn phải hiểu kinh nghiệm của thánh Phaolô, vị thánh truyền giáo đã “lao về phía trước” không biết mỏi mệt, chỉ nhằm giải thưởng ơn cứu độ cho mình và cho mọi người, để rồi khám phá niềm vui tròn đầy là ân huệ tự do, sẵn sàng dấn thân làm người tôi tớ phục vụ cho mọi người, và đưa mọi người đến với ơn cứu độ là chính Đức Giêsu Kitô:
Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người… Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng (1Cr 9,19.22-23).

Tự do là sống theo Sự thật


Cái quả quyết của người Kitô hữu sống tự do là sẵn sàng theo gương Đức Giêsu tự do yêu thương cho đến chết. Tuy nhiên, đôi khi người tin cũng thường rơi vào tâm tư của người xưa "Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?”. Một câu hỏi đầy tự tin khiến cho Đức Giêsu phải giải thích:

Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi ; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông... Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội… Vậy, nếu Người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do (Ga 8,31-36).

Ở lại trong Lời là trở thành môn đệ. Làm môn đệ là biết được sự thật, và được sự thật giải phóng, chính khi đó người môn đệ mới khám phá mình là người tự do đích thực.

Đã nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa ra tay làm cho dân riêng hiểu thế nào là thoát khỏi nô lệ, làm thế nào để sống tự do, nhưng phải đợi đến thời sau hết, Thiên Chúa mặc lấy xác phàm mong manh phải chết để dạy cho nhân loại chúng ta cách trở thành người tự do đích thực.

Lời Thiên Chúa dạy sống tự do là chính Đức Giêsu Kitô trên thập giá. Chúng ta được mời gọi ở lại trong Lời, nghĩa là lưu lại trong Đức Giêsu, là để theo chân Đức Giêsu như một người môn đệ trung thành đón nhận sự thật và sống theo sự thật. Sự thật đó là Lời thành xác phàm đã tự do hiến dâng, tự do trao tặng mạng sống mình trên thập giá, để giải phóng con người khỏi tà tâm độc dữ, để tha thứ, để yêu mến hết thảy mọi người, để ai nấy bình an chọn lựa sống dưới tác động của Thần Khí, dám quyết liệt từ bỏ những đam mê, ham hố vốn len lỏi làm hủy hoại phẩm giá con người đã được chính Đức Giêsu cứu chuộc: “Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo…..tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy, là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,20-21).

Một lần nữa, có thể nhắc lại rằng, không ai trong chúng ta sinh ra đã là người tự do, nhưng mỗi chúng ta có khả năng sống tự do, bởi vì ‘Tự do là ân huệ’ Thiên Chúa đã dành tặng để chúng ta sống trọn vẹn phẩm giá làm người cho đến ngày chung hưởng vinh quang trong Nước Chúa. Tự do cũng đồng thời là nghĩa vụ, là trách nhiệm của mỗi người sống diễn tả tâm tình tri ân Đấng sáng tạo như thánh giáo phụ Irénée xác tín “Con người khôn ngoan, là con người tự do và biết làm chủ mọi hành vi của mình nhờ đó được nên giống Thiên Chúa là Đấng sáng tạo” (St Irenee, Haer. 4,4,3).

Tự do là “nhận ra ân sủng Thiên Chúa ban”


Tác giả Tin Mừng thứ tư rất nhạy bén trước sự biến đổi của những người được tiếp xúc với Chúa Giêsu và trước những chuyển biến trong các mối tương quan ; chính vì thế tác giả thường hay kể lại các diễn từ và những cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu nhiều hơn là các phép lạ chữa lành bệnh nhân. Trình thuật về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ Samari bên bờ giếng nhắc nhở chúng ta thật sâu đậm về ân sủng ‘tương quan’, mối tương quan soi rọi cuộc đời, mối tương quan làm cho người ta nhận ra chân tướng của mình, mối tương quan lượng thứ và làm biến đổi mọi sự và rồi người ta được gọi sai đi thi hành sứ vụ.

Mọi tình tiết câu truyện ở Tin Mừng thánh Gioan chương 4 cho thấy cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samari không được phép xảy ra bởi vì trái với những tập tục luật lệ xã hội, nhưng Chúa Giêsu thì lại chẳng màng gì đến những rào chắn ấy. Người vẫn thản nhiên trao đổi với người phụ nữ thuộc làng Samari ngoại tộc, đơn độc, bị gạt ra bên lề. Cuộc đối thoại bắt đầu bằng một câu hỏi của Chúa Giêsu mang lại cho người phụ nữ một vị thế bình đẳng, thậm chí còn cao hơn vị thế của Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi xin nước uống, nghĩa là để mình tùy thuộc vào thiện chí tự do của người phụ nữ muốn cho hay không. Người phụ nữ này không thể tin được có người Do-thái nào lại chịu đi xin nước như vậy, nhưng Chúa Giêsu đã lên tiếng cho bà biết là Người có thể ban tặng cho bà nguồn nước sự sống vượt xa giếng nước nhỏ bé trước mắt bà. Chúa Giêsu đã chẳng nói với người phụ nữ Samari “Nếu chị nhận ra ân sủng Thiên Chúa ban…” đó sao ? (Ga 4,10).

Chúa Giêsu hành động với uy quyền của Thiên Chúa nhằm làm cho con người lớn lên, trao cho con người một quyền lực, một vị thế xứng đáng với phẩm giá làm người. Một đàng Chúa Giêsu thay lòng đổi dạ con người khi gặp gỡ họ, đàng khác, con người khi gặp gỡ Chúa Giêsu mà sẵn sàng và tự do trao trọn con tim và cả cuộc đời cho Người, sẵn sàng tiếp đón, chấp nhận hoạt động cứu rỗi của Người thì lúc bấy giờ Chúa Giêsu sẽ biến đổi tâm hồn, biến đổi cuộc đời người ta. Chúa Giêsu là nguồn suối tuôn trào, thanh tẩy đổi mới cuộc sống con người chúng ta, mà một khi nhận ra đó là ‘ân sủng’ Thiên Chúa ban, thì ân sủng đó không bao giờ vơi cạn, bởi phát xuất từ chính Chúa, và là chính Chúa. Ân sủng này giúp người ta nhận thức ý nghĩa và định hướng lại cuộc đời và cũng là cách Chúa chuẩn bị sai người ta dám lên đường thi hành sứ vụ, rao giảng Tin Mừng, chia sẻ niềm vui hy vọng trong tự do hân hoan. 

2. Tự do chọn lựa trở thành người môn đệ


Các sách Tin Mừng cho thấy khái niệm “môn đệ” không xa lạ gì vào thời Chúa Giêsu: nhóm môn đệ của ông Gioan Baotixita và nhóm của các ông Biệt phái – Thông luật. Tuy nhiên, tương quan giữa “Thầy và môn đệ” trong nhóm của Chúa Giêsu mang những nét đặc thù riêng biệt vì người môn đệ của Chúa Giêsu là người qui hướng hoàn toàn về Thầy và theo sát Thầy hết mức, là người cộng tác và tham gia vào sứ vụ của Thầy, là thành viên cơ hữu làm nên cộng đoàn theo kiểu mẫu Thầy đã thiết lập. Họ là những người dân làng tuốn đến lắng nghe và bị hớp hồn bởi những dấu chỉ Thầy Giêsu làm, là những nam thanh nữ tú bỏ tất cả để đồng hành với Thầy, là nhóm Mười Hai đã từ bỏ mọi sự tận căn, theo sát chân Thầy trên mọi nẻo đường, cộng tác vào sứ vụ loan báo Nước Thiên Chúa của Thầy. Bước theo Chúa Giêsu, đồng hành với Người là khởi điểm cho mối tương quan sâu đậm, dài lâu. Điều này đòi hỏi mỗi người:

Tự do chia sẻ cách sống của Chúa Giêsu


Nghĩa là sống y hệt như cách Người đã sống, nghĩa là đáp ứng những đòi hỏi tận căn này:

– Đoạn tuyệt với mái ấm gia đình, rời quê cha đất tổ: để lại thuyền chài, lưới cá, bàn thu tiền…(Mc 1,16-20 ; 2,14), bán của cải (Mc 10,17-22), sống rày đây mai đó không chỗ gối đầu, để cho người khác chôn cha mẹ (Lc 9,57-60).

– Đón nhận cách sống mới, chấp nhận thách đố bị chỉ trích không tuân giữ luật lệ làm hủy hoại sự sống (Mc 2, 18-28 ; 7,1-15), chấp nhận vị trí đối lập với gia đình (Mc 3,20-21 ; 31-35), vô gia cư (Lc 9,58), đồng bàn với hàng ngũ tội nhân (Mc 2,15-17).

Người môn đệ tự do chia sẻ cách sống của Chúa Giêsu là dám tin tưởng phó thác hoàn toàn cho Ý Chúa Cha sai phái mình nhập cuộc, bất chấp mọi chống đối chông gai trên mọi nẻo đường.

Tự do chia sẻ sứ vụ của Chúa Giêsu


“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1,17). Những lời mời gọi này không mang tính cách tôn giáo hay thời đại, nhưng đơn thuần mời gọi người môn đệ tiếp nối công việc nghề nghiệp của bản thân là người đánh cá (Mc 1,17), thợ gặt (Mt 9,38), chăn chiên (Mt 9,36) nhưng dám can đảm chia sẻ sứ vụ của Thầy Giêsu trên biển cả mênh mông có khi sóng to gió lớn, trên cánh đồng bao la thiếu người gieo trồng gặt hái, trong hoang mạc nhiều bẫy rập rình chờ, hay sâu xa hơn, người môn đệ được mời gọi sống và hành động với Chúa Giêsu hướng tới ơn cứu thoát, tới mầu nhiệm cánh chung. Yếu tố này cho phép người môn đệ hiểu rằng sứ vụ mời gọi người môn đệ thuộc về một cộng đoàn sẵn sàng cộng tác với Thầy Giêsu loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, làm chứng cho Thầy Giêsu, Đấng đã xua trừ quỷ dữ, chữa lành bệnh tật con người và đồng bàn với hết mọi thành phần dân chúng (Mc 6,7-13 ; Lc 10,4-12), không loại trừ bất cứ một ai.

Theo cách nói của đức thánh cha Phanxicô ngày nay, khi người tu sĩ dấn thân vào đoàn sủng của một cộng đoàn thì đoàn sủng ấy “không phải là một chai nước chưng cất” tách biệt, đặc thù cho một nơi riêng biệt nhưng đoàn sủng ấy phải sống động trong mọi nơi, mọi thời và mọi nền văn hóa. Khi được hỏi đâu là điểm nhấn ưu tiên trong đời thánh hiến theo chân Chúa Giêsu, đức thánh cha Phanxicô trả lời “Loan báo Nước Thiên Chúa là điều bất di bất dịch, đặt trên nền tảng vai trò người tu sĩ phải là một ngôn sứ chứ đừng tìm cách diễn đạt tư cách ngôn sứ”. Như vậy, tự do chia sẻ sứ vụ Chúa Giêsu hàm ý sẵn sàng đảm nhận tư cách ‘là một ngôn sứ’ mang niềm hy vọng phần rỗi cho cộng đồng xã hội và điều này dẫn đến điểm thiết yếu nối tiếp sau đây.

Tự do chia sẻ thân phận của Chúa Giêsu


Mối liên hệ giữa người môn đệ với Thầy Giêsu được biểu lộ ở cao điểm là người môn đệ sẵn sàng chia sẻ số phận của Thầy mình, người Thầy đã dấn thân không mệt mỏi, không tìm vinh vang cho mình, sẵn sàng đón nhận mọi thứ phản kháng nảy sinh từ phía những ai đi ngược lại luật của sự sống, bị chống đối mà vẫn vui lòng phục vụ “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Người môn đệ được mời gọi chiêm ngắm, bắt chước Đấng đã hủy mình ra không, Đấng đã vâng lời cho đến chết. Cái chết trên thập tự là cái chết tự do để yêu thương đến cùng.

Cộng đoàn những người bước theo Thầy Giêsu trong tự do hân hoan vì thế sẽ là cộng đoàn những người yêu mến và muốn sống Lời Thầy dạy, là cộng đoàn những người cảm nhận được Lời mời gọi theo chân Thầy thật sát, là cộng đoàn những người yếu đuối nhưng biết mình đang lữ hành trên con đường sống và làm chứng cho mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, mầu nhiệm Tình Yêu.

3. Tự do theo kinh nghiệm thánh Âu-Tinh


Có thể nói thánh Âu-Tinh là vị thánh đầy kinh nghiệm tự do khi sống tương quan với Chúa và với tha nhân. Di sản bút tích của ngài trong Tự thuật, Tu luật, các Bài giảng, Thư tín vốn quy chiếu từ nguồn Kinh Thánh là một bằng chứng. Ngài luôn luôn nhấn mạnh tự do gắn liền với ân sủng, tình yêu và niềm vui.

Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa của thánh nhân đã khiến ngài xác tín rằng: a) điều làm ngăn trở con người sống tự do, đó là tội lỗi ; b) Chúa trao tặng tự do cho chúng ta nếu chúng ta dám chọn lựa Chúa ; c) Mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa chính là hoa trái của tự do bởi lẽ không thể có tương quan nghĩa thiết khi chúng ta bị ép buộc. Nói theo thánh Âu Tinh, tự do là yêu mến, và chính lòng mến thiết lập tương quan bền vững. Tự do trở thành một kinh nghiệm sáng tạo đẩy lùi được những gượng ép, mở ra những nẻo đường mới. Tự do khơi nguồn sự sống và tình yêu. Tự do là niềm vui được tái sinh bởi Thần Khí như Nicôđêmô, là niềm vui được biến đổi rồi trao tặng như ông Giakêu, và cách nào đó, tự do là sự nghèo nàn thiết yếu để hiện hữu trong tình yêu, một tình yêu giúp khám phá sự hiện hữu của người khác cũng là một người tự do cần chúng ta tôn trọng bao dung.

Sống tự do trong ân sủng là lời cầu nguyện thiết tha mà thánh Âu Tinh đã thốt lên “Ôi lạy Chúa, Ngài đã trao ban nhưng không, Ngài đã giải thoát vô điều kiện. Ân sủng của Ngài có trước khi chúng con đáng được lãnh nhận, chúng con chỉ việc lần bước theo ân huệ của Ngài mà thôi” (Bài giảng 169.2.3). Như vậy, nhờ ân sủng con người được tự do, mà tự do là yêu mến, và yêu mến là dấn thân phục vụ. Giá trị tình yêu của mỗi người là chính ‘hiện hữu của bản thân’ không hề biết nao núng khi đón nhận lời mời dấn bước bởi vì “Tình yêu thì tự do, nên bạn đừng yêu mến vì thấy cần phải yêu nhưng hãy yêu mến vì muốn yêu mến. Đừng sợ hãi, vì sợ hãi là nô lệ” (Thư 140.53)

Trong bài giảng 164.7, thánh Âu Tinh còn mô tả cách thi vị:
“Luật mới giống như những cánh chim tuy nặng nhưng cũng là phương tiện để bay lên. Chim muông mang đôi cánh trên mình khi bước chậm chạp trên mặt đất còn những đôi cánh thì nâng chim muông bay lượn trên trời cao. Bạn cũng vậy, hãy mang đôi cánh hòa bình, đôi cánh tình yêu, vì chính lúc đó luật Đức Kitô kiện toàn. Mà luật của Đức Kitô là luật tự do, luật yêu thương” (Thư 167.19). Khi người ta “làm điều tốt lành chính là lúc hưởng niềm vui trọn vẹn từ sự tự do yêu thương” (Tự nhiên và Ân sủng 65.78). Ngài kết luận “Nếu bạn nghe tôi, hiểu tôi, nếu bạn yêu mến hết mức có thể, bạn đã uống được nguồn suối. Hãy nhìn xem bạn đã uống gì: bạn đã uống được lòng mến” (Bài giảng 2.3).

Tự do cam kết trong lòng mến


Trong Tu Luật thánh Âu Tinh, lòng mến giữ vị trí trọng tâm, và dĩ nhiên không thể tách rời khỏi lòng tin bao giờ. Nhờ thực thi lòng mến, người tu sĩ sống niềm vui ơn cứu thoát và tiến bước theo Chúa trong thân phận thụ tạo mỏng giòn của mình. Chính lúc tự do cam kết theo sát Chúa Giêsu, người tu sĩ sống luật tự do yêu thương:

– để dám trút bỏ hoàn toàn hầu nên giống Đức Giêsu trên thập tự đã vâng lời Chúa Cha,

– để biết bỏ chung tất cả của cải vật chất hay tinh thần như là một phương thế giải phóng bản thân (thánh Âu Tinh không bao giờ nhìn sự nghèo khó tự bản chất như là một giá trị, lời khấn khó nghèo tự nguyện chỉ có ý nghĩa tích cực khi kết nối với một hoạch định có giá trị nhằm giải phóng bản thân, sống tình liên đới yêu thương),

– để yêu mến và nhờ bởi lòng mến khiến “hợp nhất các tâm hồn và những con tim đang tìm kiếm Chúa”, một lòng mến biết tôn trọng nét đặc thù của mỗi một người, trong sự khác biệt về nhu cầu và ân huệ, với cá tính và tính khí duy nhất nơi mỗi người.

Tự do kiến tạo cộng đoàn yêu thương


Tu Luật thánh Âu Tinh còn nhấn mạnh đến một điểm quan trọng bậc nhất, đó là kiến tạo một cộng đoàn yêu thương thực thụ, nơi đó: a) tính đơn sơ, việc sử dụng đúng mức của cải, và bỏ mọi sự làm của chung sẽ góp phần xây dựng tình huynh đệ đại đồng và chân thật ; b) lòng tuân phục và biết lắng nghe lẫn nhau trước hết sẽ là dấu minh chứng hành vi yêu thương và đồng cảm. Tất cả những gì có liên quan đến quyền bính và vâng phục, linh đạo Âu Tinh còn giúp người tu sĩ ý thức rằng, chúng ta chỉ có thể hiểu nhau trong một bầu khí yêu thương mà thôi.

Để mô tả ‘đời sống chung’ trong Tu Luật, thánh Âu Tinh luôn quy chiếu về cộng đoàn Giêrusalem đầu tiên mà sách Công vụ các Tông đồ 4,31-35 đã để lại dấu vết mô hình lý tưởng. Trong Bài giảng 355, thánh Âu Tinh tuyên bố “chúng ta phải noi gương các thánh đã được nhắc đến trong sách Công vụ các Tông đồ”, và điều minh nhiên trong nếp sống cộng đoàn tiên khởi là “không ai sẽ nói rằng cái này là của riêng nhưng tất cả là của chung”.

Điều kiện đầu tiên để trở thành môn đệ Đức Kitô là khước từ quyền sở hữu của cải vật chất, tinh thần để dấn thân trọn vẹn vào đời sống chung và sứ vụ. Khi phải khiển trách một anh em giữ riêng tài sản và đã làm di chúc trao tặng lại cho Giáo hội khi chết, thánh Âu Tinh giải thích rõ lập trường “Giáo hội không phải là một công ty vận chuyển hàng hải ! Trong trường hợp tàu đắm, tài sản mất, Giáo hội buộc phải bồi thường thiệt hại”, trong khi đó “có biết bao người nghèo khổ khốn cùng đang chất vấn chúng ta, có biết bao người đang chìm trong đau buồn tuyệt vọng, bởi vì cộng đoàn chúng ta không có gì để giúp họ” (Bài giảng 355.5).

Vì sao thánh Âu Tinh nhấn mạnh lời khấn ‘bỏ chung mọi sự’ để xây dựng cộng đoàn ? Đơn giản vì ngài nhận thức rằng lòng mến thì không tìm lợi lộc riêng tư (1Cr 13,5), và một khi trút bỏ mọi sự để sống cộng đoàn thì “điều chung nhất đối với chúng ta là cả một lãnh vực bao la và phong nhiêu vô tận, đó chính là Thiên Chúa” (Bài giảng 355.2). Khước từ của cải hay sở hữu riêng tư là một lời mời gọi sống yêu thương chân chính và quảng đại, giúp người tu sĩ mở lòng hướng trọn về Thiên Chúa chứ không quy ngã và nhờ đó ai nấy biết tìm kiếm hòa hợp sao cho “chỉ có một tâm hồn và một trái tim hướng trọn về Thiên Chúa” để “đừng có ai trong anh em nói cái này là của tôi, nhưng tất cả mọi sự là của chung giữa anh em” và “nguyên tắc bình đẳng” của thánh Âu Tinh trong việc bỏ chung, sống chung là “phân phối theo nhu cầu” của từng người một (Thư 211.5).

Chắc chắn một điều, những gì thánh nhân yêu cầu cho đời tu quả là lý tưởng, mà thân phận con người thì yếu đuối, ham hố, tỵ hiềm, nên ngài đã không ngừng nhắc nhở người tu sĩ liên lỉ cầu nguyện để học biết tôn trọng, tha thứ cho nhau “nếu có hai người đã làm tổn thương nhau, thì cả hai sẽ tha thứ cho nhau nhờ đôi bên biết cầu nguyện, vì khi biết cầu nguyện thường xuyên, mình càng biết mình phải nên thánh ” (Thư 211.14).

Một khía cạnh nền tảng khác nữa cho đời sống chung trong lòng mến, đó là sự khiêm tốn. Không thể nào có sự hợp nhất nếu không có khiêm nhu, không thể nào có tình thương nếu không cởi mở nhờ lòng khiêm hạ. Trong phần bình giải Thư thứ nhất của thánh Gioan, thánh Âu Tinh cho biết “Ở đâu có lòng khiêm tốn, ở đó có tình yêu thương”. Khiêm tốn là nhân đức nền tảng để xây dựng hợp nhất, là thửa đất nuôi dưỡng lòng mến, vun đắp tình yêu thương vốn dĩ mời gọi mỗi tu sĩ ra khỏi chính mình và đến với người khác. Trong lòng mến này, chúng ta sẽ như thể xa lạ với chính mình để trân trọng những ai mình gặp gỡ, và chúng ta không thể làm điều này nếu không để cho đức khiêm tốn hạ nhào mọi thứ tường rào che chắn bản thân:
Tôi ước muốn nhìn thấy bạn phục lạy trước Đức Kitô với tất cả lòng mến có thể, không cần suy nghĩ phải đi theo con đường nào khác để hiểu và sở hữu sự thật, ngoài con đường đã mở sẵn cho bạn nhờ Đấng là Thiên Chúa vốn thấu hiểu sự yếu đuối trong từng bước đi của chúng ta. Con đường đó, đầu tiên là khiêm tốn, thứ hai là khiêm tốn, và thứ ba là khiêm tốn… Bạn thường hay thích thú hỏi tôi về những lệnh truyền trong Kitô giáo, tôi sẽ đáp lại chỉ bằng một hạn từ duy nhất, đó là khiêm tốn (Thư 118.3.22).
Để kết thúc Tu Luật, thánh Âu Tinh viết:
Nguyện xin Chúa ban ân sủng ch anh em biết tuân giữ những điều luật này với lòng mến, như những người yêu quý vẻ đẹp thiêng liêng, bằng cách làm tỏa lan hương thơm dịu ngọt của Đức Kitô qua cuộc sống anh em, chứ đừng giữ luật một cách nô lệ như thể chúng ta còn sống dưới lề luật ; hãy giữ luật một cách tự do bởi vì chúng ta được tạo dựng trong ân sủng (Thư 211.16).
Tự do cam kết sống ba lời khuyên phúc âm, tự do hợp đoàn để sống dấu chỉ Nước Chúa giữa lòng thế giới hôm nay, người tu sĩ trước tiên được mời gọi nhận thức mình là thụ tạo, để sau đó tỏ lòng tri ân bằng một nếp sống của một con người tự do làm nô lệ cho Đấng sáng tạo.

4. Tự do trước mọi thách đố thời đại : Niềm vui


“Hãy mừng vui lên, hỡi anh chị em”, đó là đề tựa tập sách của Thánh Bộ các Dòng Tu và Tu Hội Tông đồ gởi đến các nam nữ tu sĩ nhân dịp cử hành Năm Đời Sồng Thánh Hiến 2015. Tập sách đã trích dẫn lời ngôn sứ I-sai-a 66,10-14:
Hãy vui mừng với Giê-ru-sa-lem, hãy vì Thành Đô mà hoan hỷ, hỡi tất cả những người yêu mến Thành Đô ! Hãy cùng Giê-ru-sa-lem khấp khởi mừng, hỡi tất cả những người đã than khóc Thành Đô, để được Thành Đô cho hưởng trọn nguồn an ủi, được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang, như trẻ thơ bú no bầu sữa mẹ.
Vì ĐỨC CHÚA phán như sau: Này Ta tuôn đổ xuống Thành Đô ơn thái bình tựa dòng sông cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ. Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy ; tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về. Nhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ đầy hoan lạc, thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh. ĐỨC CHÚA sẽ biểu dương quyền lực của Người cho các tôi tớ biết...”
và lời đức thánh cha Phanxicô để dẫn vào thông điệp:
Tôi ước muốn nói với anh chị em một từ, và từ đó là ‘niềm vui’. Bất cứ ở đâu có anh chị em tu sĩ hiện diện thì ở đó có niềm vui !
Hay nói cách khác, có một niềm vui khi là tu sĩ, và tu sĩ sẽ là niềm vui cho mọi người. Một lời khích lệ củng cố cho tất cả chúng ta, từ người cao tuổi đến người trẻ hôm nay, những người đã dám chọn lựa đi tu dù ở bất cứ thời đại nào cũng đầy dẫy thách đố mọi mặt. Tôi không đi tìm phân tích những khủng hoảng thời đại, tôi chỉ dám nêu lên phạm trù tự do đã làm cho mỗi chúng ta hiện hữu thật sự trong tư cách sống làm người môn đệ Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ ; cho nên dù phải lội ngược giòng, dù phải trả giá bằng đau khổ và nước mắt, tự do theo Chúa mang lại bình an nội tâm sâu xa bởi Chúa đã gọi ai thì Chúa bảo đảm một điều vô cùng thiết yếu “Ta ở với ngươi”! Bảo đảm duy nhất này luôn mời gọi và củng cố cho người tu sĩ sống chiều kích ngôn sứ và hợp nhất yêu thương trong đời thánh hiến. đức thánh cha Phanxicô kêu gọi:

Hội thánh phải thu hút. Các tu sĩ hãy đánh thức thế giới hôm nay! Hãy là chứng tá cho một cách thức sống, hành động, phản ứng khác hẳn !...từ bỏ mọi sự để theo Chúa, các tu sĩ nam nữ phải theo chân Chúa cách đặc biệt trong tư cách là ngôn sứ. Điều tôi chờ đợi nơi anh chị là hãy sống làm chứng như vậy. Các tu sĩ phải là những người nam người nữ có khả năng đánh thức thế giới hôm nay.

Thiết tưởng việc cử hành Năm Đời sống Thánh hiến 2015 là dịp để tu sĩ chúng ta nhìn lại đời tu của bản thân và cộng đoàn dưới ánh sáng của Lời Thiên Chúa là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Quả là chúng ta sẽ không tìm đâu ra một gương mẫu tự do hoàn hảo, nên khi chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô, chúng ta được mời gọi để cho Người thay đổi chúng ta trong cách nhìn về bản thân, cộng đoàn và thế giới, sao cho chúng ta có cái nhìn yêu thương, cái nhìn quan tâm đến những thân phận bé mọn cùng đinh, cái nhìn dịu hiền kiên nhẫn như người mẹ. Đây cũng là cách chúng ta khơi dậy niềm hy vọng vốn dĩ ẩn tàng trong cuộc sống đầy bất công bạo lực ngày nay.

Người tu sĩ có thể và cần phải làm chứng cho niềm hy vọng bằng cách sống trung thành với những gì đã tự do cam kết trong tư cách là người môn đệ Chúa Giêsu, ‘dám liều mạng sống’ để cảm nhận ân sủng tự do mà tiến bước loan báo Tin Mừng. Thế giới ngày nay sống gia tăng tốc độ, rút ngắn thời gian trong một cái ‘nhấp chuột’, một cái ‘quẹt cảm ứng’ nên dần dà đánh mất khái niệm thời gian vĩnh cửu và hành vi dám dấn thân cam kết vĩnh viễn. Làm sao để người tu sĩ ý thức mạnh mẽ và truyền thần vào lời cam kết vâng phục, trút bỏ mọi sự để không quy ngã nhưng sống liên đới, thực thi công bằng và phục vụ trong lòng mến, nhằm minh chứng cho thời cánh chung, cho dấu chỉ Nước Thiên Chúa đã hiện hữu trong nhân loại ? Nếu người tu sĩ không ý thức sâu xa ý nghĩa tự do đã được linh hứng và trải nghiệm trong hành trình của dân Chúa, của những người dám tin Chúa trải qua hàng ngàn năm lịch sử thì có lẽ con đường hay nếp sống người tu sĩ đã chọn chỉ là cõi phúc mong manh, là phù vân mà thôi.

Tu là cõi chết, vì người tu sĩ phải dám lìa bỏ cái Tôi và những gì thuộc về Tôi, để kết hợp với nếp sống và cái chết của Chúa Giêsu, nhằm mưu cầu lợi ích phần rỗi và sự sống đời đời của chính mình và tha nhân. Cuộc đời người tu sĩ vì thế phải mang chứng tích về niềm hy vọng sự sống vốn dĩ không hề chấm dứt ở cái chết. Cái chết chỉ là bước khởi đầu cho tự do, cho cõi phúc nếm được ở đời này, và cho cuộc sống vĩnh hằng mai sau.

Đôi điều chia sẻ để cùng nhau trung trinh tiến bước, làm chứng cho tình yêu thương khơi nguồn sống vĩnh cửu.

Tài liệu tham khảo

  • Itinéraires Augustiniennes N° 26-30.
  • Nouveaux enjeux pour la vie consacrée - La Documentation catholique N° 2514 – Avril 2014.
  • Réjouissez-vous - Congrégation pour les Instituts de Vie Consacrée et les Sociétés de Vie Apostolique – 2014.
  • Kinh Thánh - Trích dẫn bản dịch của Nhóm CGKPV.