Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

HƯỚNG TỚI MỘT NỀN NHÂN HỌC TOÀN VẸN

Thời sự Thần học – Số 67 tháng 2/2015, tr. 54-84

Mieczyslaw Albert Krapiec, O.P.

Cha Mieczyslaw Albert Krapiec, Dòng Đa Minh người Ba Lan (1921-2008), là một chuyên gia nổi tiếng về nghiên cứu học thuyết thánh Tôma. Cha đã giữ chức Viện trưởng Đại học Công giáo Lublin (1977-1983) và sáng lập trường phái triết học Lublin, nơi mà giáo sư Karol Wojtyla đã là thành viên lâu năm (từ năm 1954 cho đến khi được đắc cử giáo hoàng), kết hợp học thuyết thánh Tôma với các trào lưu hiện đại như thuyết nhân-vị, hiện-sinh, hiện-tượng-luận. Trong bài diễn văn khai giảng niên khóa 1999-2000 tại đại học Lublin, tác giả muốn trình bày một nhân học “toàn diện”: nhân-luận triết-học (điển hình nơi thuyết hiện sinh của Martin Heidegger) cần được mở rộng tới nhân-luận thần-học (điển hình nơi thánh Tôma Aquinô). Tác giả rảo qua ba phần của Bộ Tổng luận thần học, để cho thấy không những chiều kích siêu việt tiềm tàng nơi con người, mà còn cho thấy cấu trúc hữu thể của con người, và đặc biệt là ý nghĩa của cuộc đời, nhờ mạc khải về cứu cánh tối hậu của con người.[1]
Chuyển ngữ : Giuse Nguyễn Trị An, O.P.

Dẫn nhập


Khoa Nhân-luận Triết-học[2] giải thích con người trên bình diện “tự nhiên”,[3] nghĩa là xét con người như một thành phần của thực tại mà con người có thể nắm bắt nhờ nhận thức tự nhiên, thông qua các giác quan và lý trí. Việc giải thích như thế giúp chúng ta hiểu rằng con người là nguồn gốc của các hoạt động cá nhân trong các xã hội loài người. Nhưng, nếu nhìn vào thực tế cuộc sống con người, có lẽ chúng ta sẽ hỏi rằng: liệu khoa Nhân-luận Triết-học truyền thống có thể cung cấp một sự hiểu biết toàn diện về các hoạt động của con người hay không? Phải chăng cái tính siêu việt của con người, cái tính siêu việt mà chúng ta nhìn thấy trong các hoạt động của nó, lại không hướng mở tới một vấn đề lớn lao hơn ư, tức là vấn đề cuộc sống con người sau cái chết, nếu con người là một hữu thể bất tử? Trong trường hợp đó, phải chăng sự hiểu biết về con người, một sự hiểu biết có được trong khoa Nhân-luận Triết-học đúng nghĩa, lại không đòi hỏi một sự hoàn thiện nào hơn nữa trong mặc khải Kinh Thánh và trong các lý giải thần học về những vấn đề mà mặc khải đề cập tới con người hay sao?

Trong chuyến công du về Balan năm 1979, Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu ở Warsaw như sau: “Chúng ta không thể hiểu biết trọn vẹn về con người nếu không có Đức Kitô.” Trong Thông điệp Đức tin và lý trí, Đức thánh cha khuyến khích khoa Nhân-luận Triết-học hãy nghiên cứu một cách đầy đủ các hoạt động của con người, cũng như các khuynh hướng mà các hành động ấy gợi lên. Ông Martin Heidegger nghiên cứu các hoạt động sống trong tri thức triết học thuần tuý về con người, và ông định nghĩa con người là một “hữu thể-hướng-tới-cái-chết” (Being-toward-death: Sein-zum-Tode). Heidegger cũng nói đến “cái hiện-sinh” (existentialia) của con người, là kết quả của Geworfenheit,[4] cho rằng sự hiện hữu của con người trên thế giới này không phải là quyết định của con người; theo quan điểm này, thế giới vốn dĩ phi lý, nay trở thành hữu lý nhờ có tư tưởng của con người bám chặt vào thế giới. Nhưng có thật đúng là thế giới này phi lý ngay trong bản chất hay không? Chẳng phải là thế giới này cung cấp cho con người nền tảng để hiểu biết đó sao? Bằng nhận thức, cuối cùng con người cũng có thể tiếp xúc với thế giới mà con người đã được quẳng vào. Theo quan niệm của Heidegger, hiện sinh (kết quả của Geworfenheit) bao gồm những điều sau đây: Fürsorge - Zuhanden-sein, một cảm xúc cụ thể muốn quan tâm bảo vệ hay quản lý thứ gì đó; Mitsorge, lòng trắc ẩn của con người; Sorge, nỗi lo lắng trước hoàn cảnh bi thương của số phận con người, và hoàn cảnh bi thương cuối cùng xuất hiện đó là cái chết (zum Todes-sein). Những điều hiện sinh này làm nảy sinh nhiều câu hỏi buộc chúng ta phải trả lời. Những câu hỏi ấy liên quan đến mặc khải và mỗi người phải cố gắng hết sức để tìm ra lời giải đáp. Một lời giải đáp tốt đẹp là lời giải đáp có thể giúp con người định hướng cuộc đời của mình và làm cho đời mình trở nên hợp lý trong những khoảnh khắc cuối cùng.

Điều đặt ra ở đây là: liệu có thể xây dựng một “Nhân luận toàn vẹn” không? Chúng ta có thể tìm thấy lời giải đáp cho câu hỏi này trong di sản văn hoá của chúng ta, dưới một hình thức cụ thể trong bộ Tổng Luận Thần Học của Thánh Tôma Aquinô. Bộ Tổng Luận Thần Học này được chia làm ba phần,[5] cả ba cùng hợp thành một lời giải đáp tuyệt vời và hợp lý cho câu hỏi: “Cuộc hiện hữu của con người có ý nghĩa gì không?” Chúng ta sẽ khảo sát chi tiết cấu trúc của bộ Tổng Luận, để hiểu biết tận căn ý nghĩa cuộc hiện hữu của con người.

[Prima Pars]


1/ Phần thứ nhất của bộ Tổng Luận bàn về Thiên Chúa và công trình tạo dựng, trong đó đặc biệt đề cập đến cấu trúc bản-thể-luận của con người. Phần này đưa ra một câu trả lời tuyệt vời cho vấn đề “con người, một hữu thể được đưa vào thế giới mà không có sự ưng thuận của mình”. Ở đây chúng ta đang nói về loại thế giới nào? Loại “hữu thể nào bị ném vào thế giới”? Và con người được hiểu như thế nào?

Thế giới, môi trường cho sự sống của con người, ngay lập tức xuất hiện trước mắt chúng ta như là một cái gì tự bản chất đã là hữu lý, bởi vì thế giới là cái có thể đọc được. Thế giới đánh thức trong con người một sự hiểu biết về hiện hữu, có thể mở rộng đến chính sự hiện hữu của chính Thiên Chúa. Ngay từ đầu bộ Tổng Luận, Thánh Tôma đã phân tích vấn đề con người có khả năng nhận biết Thiên Chúa qua việc tìm hiểu các sự vật đang hiện hữu xung quanh. Thánh Tôma đặt nền tảng nhận thức của con người nơi tính khả tri (intelligibility) của hữu thể. Tính khả tri của hữu thể chính là lý hữu cho lý trí con người. Vấn đề sự hiện hữu của Thiên Chúa, và những điều chúng ta có thể biết về Thiên Chúa, ngay lập tức dẫn chúng ta đến vấn đề về sự hiểu biết hữu thể. Thử hỏi: con người có thể biết được thứ hữu thể tối hậu nào? Con người có thể nhận biết về loại hữu thể tối hậu này bằng năm con đường (ngũ đạo) khác nhau; những con đường này vạch cho thấy ý nghĩa tối hậu của hữu thể xét như đang hiện hữu thực sự. Hữu thể xuất hiện trong kinh nghiệm của chúng ta là hữu thể luôn được hoàn thiện trong hiện hữu của nó. Sự hiện hữu của hữu thể là một tiến trình liên tục hiện-thực-hoá (being actualized); Hữu thể có thể đạt được hay đánh mất sự hiện hữu của nó. Có thể nói đây là một thảm kịch của hiện hữu: hiện hữu phải được hiện-thực-hoá liên lỉ. Đây là điều rất căn bản đối với con người, bởi vì cái hiện hữu của riêng con người chúng ta thì đã đạt được rồi, nhưng chúng ta luôn phải đối diện với nguy cơ đánh mất sự hiện hữu của mình. Theo kinh nghiệm của chúng ta, không hữu thể nào có thể tự mang lại sự hiện hữu cho chính nó, xét vì nó không sở hữu sự hiện hữu: không có hữu thể nào hiện hữu nhờ chính nó hay từ chính nó. Đây là con đường thứ nhất chúng ta tìm hiểu về tính hữu lý của thế giới. Cái cấu thành nên sự hiện hữu thực sự nơi một hữu thể mới là chính sự hiện hữu đích thực. Sự hiện hữu đích thực này cuối cùng được hiện-thực-hoá trong Một Hữu Thể mà bản chất là chính sự hiện hữu và là nguyên lý của mọi sự hiện hữu, chúng ta gọi Hữu Thể ấy là Thiên Chúa. Ở một mức độ nào đó, điều này đã được tiên báo trong định nghĩa về “chuyển động” của Aristotle, được Kinh-viện phát biểu thành công-thức như thế này: actus entis in potentia quatenus in potentia - est motus…(chuyển động là một tác động của hữu thể ở trạng thái tiềm thể xét như là tiềm thể). Theo đó, chúng ta có bằng chứng về con đường thứ nhất, “ex motu – đi từ chuyển động”, mà thánh Phaolô nhắc đến trong bài diễn giảng với dân chúng thành Athen: “Trong ngài, chúng ta chuyển động” (Cv 17,28).

Sự hiện hữu của hữu thể, tự thể-hiện ở nơi những sự vật cụ thể xung quanh ta, cũng cho thấy có một chủ thể trong những sự vật cụ thể dưới hình thức là một hệ quả bản thể (ontic effect), hay hệ quả của hiện hữu. Những hệ quả bản thể này được trở nên hiện hữu nhờ một lý do cho phép chúng hiện hữu với một bản chất thực thụ và xác định. Việc xuất hiện một hệ quả trước đó không hiện hữu cho chúng ta biết có căn nguyên gây ra hệ quả đó. Cuối cùng, đây là một Hữu Thể hiện hữu tự thân (per se), không lệ thuộc vào bất cứ một hữu thể nào khác. Thế nên, sự hiện hữu được thể hiện dưới hình thức một hệ quả thực thụ, cho thấy rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi hiện hữu. Đây là tư tưởng chính yếu trong con đường thứ hai của Thánh Tôma, con đường mà ngài chỉ ra sự hiện hữu của Thiên Chúa như là nguồn gốc của thực tại đã hiện hữu và tiếp tục hiện hữu mà không do sức mạnh của nó.

Điều này cho thấy rằng thế giới không hiện hữu do sức mạnh của nó, bởi chính nó, và cho thấy rằng thế giới không phải là chủ của sự hiện hữu của mình. Thánh Tôma lưu ý: quod possibile est non esse, quandoque non est, (cái có thể không hiện hữu thì có lúc đã không hiện hữu). Nó không hiện hữu nhờ chính nó hay do chính nó, và nếu nó không hiện hữu thì không phải lúc nào cũng hiện hữu. Nó lãnh nhận sự hiện hữu từ Sự Hiện hữu tất yếu, tức là Thiên Chúa. Ba con đường đầu tiên của Thánh Tôma là ba con đường xem xét khía cạnh của sự hiện hữu trong hữu thể. Hiện hữu cấu thành trật tự thực sự của hữu thể.

Con đường thứ tư xét đến bản chất hay yếu tính của hữu thể, một yếu tính xuất hiện trong một hệ trật dựa trên một vài đặc tính phổ quát và siêu việt. Các hữu thể hiện hữu như là những hệ quả, và vì thế chúng là “đơn nhất” (one), “chân thật” (true), “thiện hảo” (good), “hoàn bị” (noble and perfect) ở những cấp độ cao thấp khác nhau. Khi thẩm định hành vi của mình, chúng ta chọn lựa cái gì “tốt hơn” và loại bỏ cái gì không tốt bằng, như vậy ta thấy rằng một cách tự nhiên chúng ta biết được các cấp độ của hữu thể. Cái gì tốt hơn thì ít bị huỷ hoại hoặc chịu thoái hoá, nghĩa là nó ít bị phân rã trong chính nó, và nó gần với “đơn nhất” hơn; cái gì là “chân thật” thì kém giả dối; cái gì ít dối trá thì hấp dẫn hơn, như là thiện hảo hoặc cứu cánh của hành động, vân vân. Thế giới này gồm bởi các hữu thể được chia sẻ vào những đặc tính siêu việt ấy theo cách loại-suy. Các đặc tính siêu việt này được gặp thấy một phần hoặc chưa hoàn bị, trong các hữu thể riêng lẻ, và những hữu thể này là những hệ quả mà thôi. Một thế giới như vậy giả thiết sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng duy nhất hoàn hảo tuyệt đối trong chính Ngài. Nơi Thiên Chúa, sự hiện hữu và mọi hoàn bị phổ quát đều tuyệt đối đồng nhất với nhau.

Những hoạt động khác nhau xuất phát từ hệ quả ấy, (tức là thực tại), tỏ cho thấy rằng các hành động hướng đích đều được đương nhiên gắn kết với Thiên Chúa là một hữu thể ngôi vị (personal being). Thiên Chúa là một hữu thể ngôi vị có hiểu biết và yêu thương, Ngài điều khiển và vận hành toàn bộ thế giới đang hiện hữu. Có vài nhân tố hiện diện trong tất cả các hoạt động: một động cơ – vì một (hoặc nhiều) điều gì tốt mà phát sinh một hoạt động (thay vì không hoạt động); một quyết tâm có ý thức – liên quan đến các phương tiện để đạt đến cứu cánh; và việc thực hiện hoạt động - thay vì chỉ là những chuỗi suy nghĩ trừu tượng. Vì thế, khi chúng ta xem xét hoạt động như là cái gì hướng tới đích, có tổ chức và được thực hiện, thì chúng ta thấy Thiên Chúa như là một hữu thể ngôi vị, biết yêu thương, và điều khiển mọi hoạt động bằng trí tuệ, và hoạt động của Ngài làm cho thế giới được đầy dẫy các hệ quả hữu thể (ontic effects) đã đi vào hiện hữu.

Khi lý trí con người thẩm định một thế giới hữu thể đang thực sự hiện hữu, lý trí nhận ra rằng hữu thể có thể được nhận biết một cách hợp lý. Hữu thể có thể được hiểu biết trong mức độ khả tri. Chính Thiên Chúa cũng xuất hiện như một Hữu thể khả tri, hiện hữu nhờ chính Ngài là nguồn gốc, mô mẫu, là cứu cánh của mọi hữu thể làm nên hệ quả.

Vì vậy, sự hiện hữu của con người, mặc dầu là bất tất và hướng-tới-cái-chết, nhưng được đặt trong vị trí là môi trường lý tính của thế giới, một thế giới xuất phát từ Thiên Chúa và hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa trong hành vi hiện hữu. Quan sát thế giới các thụ tạo này kỹ lưỡng hơn, như chúng ta thấy trong con đường thứ tư của Thánh Tôma, theo cách loại suy, chúng ta nhận biết cái quen được gọi là “bản tính” của Thiên Chúa. Bản tính của Thiên Chúa có thể được biết qua cách thế loại suy, hoặc khẳng định (cataphatic cognition) hoặc phủ định (anaphatic cognition). Chúng ta có thể biết sự tốt lành, tính vô hạn, duy nhất, chân lý, hiểu biết, tình yêu của Thiên Chúa, cũng như sự hiện diện của Ngài trên thế giới, tri thức và hạnh phúc của Ngài.

Sự hiểu biết, tình yêu và hạnh phúc của Thiên Chúa trở nên rõ ràng hơn đối với chúng ta nhờ mặc khải về cuộc sống nội tại của Thiên Chúa trong Ba Ngôi. Thiên Chúa hữu thể tuyệt đối thì không đơn độc hay lẻ loi trong đời sống nội tại của Ngài, nhưng từ muôn thuở viễn Ngài tự biểu lộ như là Lời-Ý tưởng được sinh ra. Và Ngôi Lời trở thành Hơi thở vĩnh cửu (Verbum spirans amorem: Lời thở ra tình yêu) của Tình yêu Thiên Chúa cho chính Thiên Chúa và cho tất cả những gì “ở trong Thiên Chúa và xuất phát từ Thiên Chúa”. Vì thế, khi quan sát thực tại, Thánh Tôma cho thấy rằng một thế giới khả tri và hữu lý thì xuất phát liên lỉ từ một Thiên Chúa hoàn hảo, Đấng sống một cuộc sống ngôi vị, Đấng có hiểu biết sáng tạo vô tận và có tình yêu bền vững. Tình yêu này làm nảy sinh hạnh phúc mà chúng ta chỉ có thể nắm bắt bằng phương pháp loại suy trong tầm mức hiểu biết hữu hạn của con người về các hữu thể, là những hệ quả bắt nguồn từ Thiên Chúa và nhận thức sáng tạo của Ngài.

Sáng tạo là hoạt động đầu tiên của Thiên Chúa trong tương quan với thế giới được hiện hữu nhờ hành động hoặc tiến trình tạo dựng liên tục. Sự bảo tồn các hữu thể trong hiện hữu là một hành động tạo dựng liên tục (conservatio in esse est continua creatio).

Quan niệm một thế giới được tạo dựng từ “hư vô” (creatio ex nihilo), nghĩa là từ chỗ không có vật nào hiện hữu ngoại trừ Thiên Chúa, cho thấy tính hữu lý của một thực tại xuất phát hoàn toàn từ Thiên Chúa. Quan niệm tạo dựng như thế không bao hàm ý tưởng về sự phát toả (emanation), như chúng ta thấy trong quan niệm của ông Plotinus. Trong sách Tổng Luận, Thánh Tôma nghiên cứu cách sâu sắc hơn mọi hệ quả (tức mọi hữu thể) được tạo dựng bởi Thiên Chúa. Trước tiên, Thánh Tôma bàn về công trình tạo dựng một thế giới thuần thiêng (hay thiêng liêng), mà ngôn ngữ Kinh Thánh diễn tả là các “thiên thần”, các sứ giả hay các đặc phái viên của Thiên Chúa. Thế giới vật chất cũng hoàn toàn xuất phát từ Thiên Chúa nhờ hành vi tạo dựng, và thế giới đó hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa về sự hiện hữu của nó. Quan niệm về thế giới theo mặc khải thì tương phản với tất cả các trình thuật về tình trạng hỗn mang nguyên thuỷ được diễn tả trong thần thoại. Hành vi tạo dựng chi phối hết tất cả mọi thực tại, cả thế giới thuần thiêng lẫn thế giới vật chất.

Trong bối cảnh một thế giới của loài thuần thiêng (mà lý tính không bị giới hạn bởi vật chất), và trong khung cảnh một thế giới vật chất (được tạo dựng đồng thời, và có lẽ cùng lúc với thế giới thiêng liêng), tác giả bàn đến sự tạo dựng con người.

Con người là tổng hợp của thế giới thuần thiêng và thế giới vật chất. Chính vì thế con người là đối tượng đặc biệt trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa biểu hiện hình ảnh của Ngài ở nơi con người. Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng linh hồn con người. Linh hồn là một hữu thể hiện hữu trong chính nó, và chúng ta cũng có thể nghĩ đến linh hồn theo phạm trù của mô thể (form). Linh hồn có sự hiện hữu của riêng nó và truyền đạt sự hiện hữu của nó cho chất thể (matter), tổ chức chất thể thành thân xác của con người. Linh hồn con người tự bản tính là một tinh thần đơn nhất, và nó hiện hữu như là một hữu thể vừa đơn nhất và được hợp nhất “tất cả một lúc” (all at once). Linh hồn không bị chi phối bởi quá trình tiến hoá. Linh hồn lệ thuộc vào chất thể trong hoạt động; linh hồn là mô thể định hình chất thể. Điều này có nghĩa là mọi hoạt động của con người đều bị chi phối bởi chất thể (nghĩa là thể tiềm năng), và bởi thân xác. Mặt khác, cấu trúc hữu thể của vài hành vi tinh thần của con người thì phi-chất-thể (immaterial). Đây là trường hợp của phần cuộc sống con người mà ta đặt tên là trí năng, nhận thức và ý chí. Ý chí của chúng ta có thể được gọi là xúc cảm tinh thần (emotionally spiritual). Cấu trúc hữu thể của những hành vi ý chí và lý trí thì hoàn toàn phi-chất-thể, mặc dù hoạt động gắn với những hành vi này bị lệ thuộc vào khía cạnh thân thể của con người.

Phân tích cấu trúc con người xét như một hữu thể, dựa trên hiện tượng hoạt động của con người, cho thấy rằng linh hồn tự bản chất đã được gắn kết với thân xác, vì tất cả các hình thái hoạt động của linh hồn (tựa như: sinh dưỡng, cảm xúc, tinh thần) đều được biểu hiện với sự trợ giúp của thân xác vật chất. Một điều kiện cần thiết cho đời sống tinh thần của con người là chất thể phải được hình thành cách cụ thể trong một thân xác. Chúng ta có thể nói rằng con người và linh hồn con người trong những hoạt động gắn kết với vật chất thì cần vật chất để làm nên và tỏ lộ một sự tổng hợp cái toàn thể con người, bao gồm cả vật chất và tinh thần.

Khi xem xét tiến trình tạo dựng của Thiên Chúa, và khi biết rằng nhận thức cũng như ý tưởng của Thiên Chúa là nguồn gốc của tiến trình tạo dựng, chúng ta nhận ra vẻ vĩ đại của con người, một ngôi vị được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế con người được xem là một biểu hiện cụ thể cho cái phẩm tính hoàn hảo và phong phú của hữu thể Thiên Chúa. Con người không chỉ đơn thuần là một hữu thể bị ném vào thế giới cách ngẫu nhiên, nhưng là một ngôi vị cụ thể phải thực hiện ý định của Thiên Chúa qua các hoạt động sống của mình, và phải hoạt động trong những hoàn cảnh cụ thể mình đang sống. Chính lúc thực hiện ý định của Thiên Chúa là con người đang hiện-thực-hoá các tiềm năng của cá nhân dành cho hành động nằm trong phạm vi của ngôi vị. Những hành động như thế là hành vi có ý thức và tự do quyết định.

Việc tạo dựng con người hồi nguyên thuỷ bởi Thiên Chúa cho thấy những ưu phẩm của bản tính con người được thể hiện nơi hoạt động của lý trí và tự do. Tiến trình sống theo lý trí và tự do không xáo trộn này được mặc khải Kinh Thánh gọi là “vườn địa đàng”.[6] Đồng thời, vườn địa đàng là một thảm kịch của sự chọn lựa tự do của con người. Tự do được ban cho con người thì lại trở nên cơ hội cho con người lựa chọn sự dữ, tức là tội lỗi.

Trong những hoàn cảnh như thế, sự vận hành của thế giới – chính Thiên Chúa đã dựng nên các thiên thần và con người để vận hành thế giới – trở nên phức tạp bởi vì những sự lựa chọn điều dữ của một vài ngôi vị trong thế giới thuần thiêng cũng như trong thế giới con người. Vì thế, con người phải đối diện với một viễn cảnh mới, đầy khó khăn cho hoạt động của mình, qua đó con người thực hiện kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa đối với con người, kế hoạch dành cho từng con người cụ thể. Con người gặp khó khăn và phức tạp trong việc hiện-thực-hoá các tiềm năng của mình, và do đó nhất thiết cần có sự trợ giúp của Thiên Chúa. Những vấn đề này đã được trình bày trong phần thứ hai của bộ Tổng Luận Thần Học, và phần thứ ba sẽ cho thấy vai trò của Đức Kitô, Đấng là Trung gian giữa Thiên Chúa và con người, Đấng cứu độ và chuộc tội con người.

[Prima Secundae]


2/ Mỗi cá nhân phải xây dựng con đường cuộc đời mình, trong tình trạng tiếp theo sự sa ngã của ông bà nguyên tổ, và con đường này được dệt nên bởi những hành động, và vì những hành động nhân linh cho nên mang chiều kích luân lý. Vấn đề những nền tảng cho các hành động luân lý đã được Thánh Tôma trình bày ở “Prima Secundae” – thiên đầu tiên trong phần thứ hai của bộ Tổng Luận Thần Học.[7] Chúng ta cần biết những yếu tố căn bản để có thể thực hiện một hành vi nhân linh. Chính hành vi nhân linh mới tạo thành các tiềm năng thiện hảo (optimum potentiae). Tiềm năng thiện hảo hiểu ở đây là những hành động tốt lành (thiện hảo) và sáng suốt (phù hợp với lý trí) của con người.

Trong một hành vi nhân linh, vấn đề quan trọng trên hết là phải hiểu được mục đích làm động lực của hành vi đó, bởi vì mục đích là lý do hiện hữu của hành động. Khi phân tích mục đích như là động cơ của hành động, ta cũng khám phá mục đích tối hậu mang lại hạnh phúc cho con người. Ta không nên loại bỏ việc tìm kiếm hạnh phúc bởi vì xem ra như tìm kiếm tư lợi (như quan niệm sai lầm của Kant. Việc tìm kiếm hạnh phúc nằm trong bản tính của tất cả mọi hữu thể bất-tất . Hữu thể bất-tất phải vươn tới một sự viên mãn, và xét về phía khách thể, sự viên mãn này được hiểu là sự thiện tự tại, sự thiện tối cao. Còn xét về phía chủ thể, sự thiện ấy sẽ làm hoàn trọn, hay sẽ làm viên mãn con người, một hữu thể hành động theo lý trí. Quan niệm chính xác về hạnh phúc là như thế. Chúng ta hành động do chính bản thân, dưới sự chi phối của một động lực được lý trí nhận ra, và hành động này là của ý chí; nó là khía cạnh voluntarium (thuộc ý chí, tự phát) của hành động con người. Lúc con người đưa ra quyết định (được Thánh Tôma gọi là electio: lựa chọn) là lúc quan trọng nhất trong tiến trình hành động. Đây là một sự lựa chọn bằng ý muốn của một phán đoán thực hành cụ thể, phán đoán cho chúng ta thấy một nghĩa vụ phải đạt được một điều thiện nào đó trong một hành vi luân lý. Điều thiện không đẩy chúng ta đi xa mục đích tối hậu của đời người, nhưng trái lại, nó đưa chúng ta tới gần hơn và giúp chúng ta đạt được mục đích tối hậu đó.

Có vài yếu tố liên quan đến một quyết định luân lý. Đó là: đối tượng (có tính tốt hay xấu), hoàn cảnh trong đó con người thực hiện hành động, rồi ý định của chủ thể gắn kết với hành động, và gắn kết với những tiềm năng khác, không kể ý chí là nguyên nhân phát sinh hành vi. Tất cả những yếu tố này phải được nhận định từ một cái nhìn về con người như là một hữu thể có ý thức và tự do trong hành động của mình. Tự do diễn ra trong sự lựa chọn của ý chí, trong hành vi quyết định, là một sự tổng hợp những yếu tố nhận thức và ý muốn nơi con người.

Sự thật về một lựa chọn luân lý khi quyết định (ý chí lựa chọn một phán đoán nào đó về điều tốt cần thực hiện, ngõ hầu mình được nên tốt nhờ một hành vi tốt) được đánh giá theo sự thật nội tại hoặc sự ác nội tại của con người.

Để hiểu rõ hơn về điều này, chúng ta phải tìm hiểu các cảm xúc của con người,[8] vốn là một yếu tố quan trọng trong sự hình thành cách cư xử, và vì thế cũng quan trọng trong trật tự luân lý. Trong hành động của con người, không phải lúc nào các cảm xúc cũng tương hợp với đòi hỏi của lý trí. Trong trường hợp cảm xúc quá tự lập và không được lý trí kiểm soát, thì con người rất khó đưa ra những quyết định đúng đắn. Nếu hiểu được đặc tính của cảm xúc, hiểu được các biểu hiện căn bản và cấu trúc bản thể của cảm xúc, chúng ta có thể điều chỉnh nội tâm để hướng các cảm xúc đi vào hành động sáng suốt, phù hợp với con người. Vì thế thánh Tôma đã phân tích chi tiết và kỹ lưỡng các cảm xúc, là những yếu tố đặc trưng cho hành động của con người.

Có khi cảm xúc khiến chúng ta hành động dễ dàng hơn, nhưng cũng có khi chúng làm cản trở hành động. Các tập quán (thói quen) cũng vậy. Các thói quen đẩy chúng ta hoặc tới một hành động tốt hoặc tới một hành động xấu, và chúng là một yếu tố trong hành vi luân lý. Các thói quen là những nhân đức hay các nết xấu, được thủ đắc do sự lặp lại của những hành động nào đó. Các thói quen này hoặc sẽ kiện toàn hoặc sẽ phá huỷ các tiềm năng, các năng lực và những nguồn mạch trực tiếp của hành động. Chúng ta phải xem xét chủ thể của các thói quen: lý trí, ý chí, năng lực tâm lý. Những yếu tố này chịu trách nhiệm về sự điều chỉnh liên tục để giúp các hành vi mang tính nhân linh hơn, nghĩa là có tự do và có lý trí hơn. Khi tìm hiểu về các thói quen khác nhau trong trật tự tự nhiên, làm nên nguồn gốc các hành vi nhân đức của con người, chúng ta sẽ mở ra một con đường để nghiên cứu về khả năng đạt được nhân đức nhờ trật tự siêu nhiên (các nhân đức phú bẩm, các ân huệ của Thánh Linh và các mối phúc thật mà Sách thánh đề cập).

Thánh Tôma rất thực tế khi nghiên cứu con người, vì thế thánh nhân cũng tìm hiểu cái khuynh hướng dễ chiều theo cám dỗ tội lỗi nơi con người. Đây là một hậu quả của nguyên tội, đã thường xuyên làm suy yếu hành động của lý trí tự nhiên. Thánh Tôma cũng nói đến các nết xấu và cho thấy chúng được biểu hiện thế nào trong tội lỗi. Vấn đề tội lỗi là quan trọng và luôn có tính thời sự đối với con người trong mọi hành động, nó đáng được tìm hiểu cách đặc biệt. Thánh Tôma đã dành nhiều chương (questio) trong bộ Tổng Luận để bàn về tội lỗi. Đạo lý của thánh nhân giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về con người. Thánh nhân cho thấy con người là chủ thể của các nết xấu, và cho thấy tội lỗi đã nảy sinh thế nào từ các nết xấu. Đối lại, thánh Tôma cũng cho thấy tội lỗi gây ảnh hưởng mạnh mẽ thế nào trên con người.

Con người xét như chủ thể của hành động tội lỗi, và xét như kẻ gây ra sự dữ do chính hành vi tội lỗi của mình, là một đề tài quan trọng cho việc nghiên cứu. Nhờ thế chúng ta sẽ hiểu biết rõ hơn về bản tính của con người, xét như là cội nguồn của hạnh kiểm (cách cư xử luân lý). Đồng thời chúng ta cũng có thể hiểu con người xét như một thành phần trong đời sống xã hội. Đời sống xã hội của con người bị tác động một cách độc hại, và thậm chí có nguy cơ bị phá huỷ, do tội lỗi của con người. Chúng ta không thể thấu hiểu con người nếu không hiểu các hành vi tội lỗi, bởi vì các hành vi này thực sự đe doạ con người, dù con người sống một mình hay sống trong một cấu trúc xã hội cụ thể, nơi mà sự dữ đặc biệt gây hại và đe doạ huỷ diệt.

Chúng ta đang bàn thảo về con người, một hữu thể có khả năng hành động theo lý trí và ý chí, nhưng cũng có khả năng hành động theo vết nhơ tội lỗi và theo các nết xấu, hệ quả của tội nguyên tổ. Chúng ta hãy tìm hiểu những cách thức mà xã hội có thể giúp con người là nguồn gốc của các hành vi. Xã hội cung cấp một sự trợ giúp từ bên ngoài cho con người, đó là luật pháp. Con người cũng có một sự trợ giúp khác chạm đến chiều sâu của linh hồn, đó là sự trợ giúp của ân sủng, là tác động siêu nhiên của Thiên Chúa.

Luật pháp và quyền lợi (cả hai ý tưởng cùng được hàm chứa trong danh từ Ius tiếng Latinh)[9] giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Điều này càng đặc biệt đúng với một người sống trong xã hội, dù là xã hội ở cấp độ tự nhiên (chẳng hạn như gia đình, đoàn thể, nhà nước) hoặc ở cấp độ siêu nhiên (như chúng ta thấy nơi Giáo hội). Chúng ta đang tìm hiểu luật lệ dựa theo cấu trúc bản thể căn bản của nó. Chúng ta có thể xem luật pháp như là những quy tắc về cách cư xử, do con người thiết lập. Quan niệm về luật pháp theo thánh Tôma rất quan trọng cho ngành luật học, vì quan niệm ấy sẽ cung cấp không những là nền tảng triết học về luật mà cả những hiểu biết thần học nữa.

Triết học truyền thống (hoặc cổ điển) xem hiện tượng luật pháp là một điều tự nhiên xuất hiện cùng với con người, qua đó cuộc sống của con người được đảm bảo. Thế nên, luật pháp được xem là một hiện tượng giữa các nhân vị, có liên quan đến các hoạt động của con người, đặt ra nghĩa vụ nhắm tới điều thiện cho bản thân, cũng như ngăn cấm những hành động gây tác hại. Đây không chỉ thuần tuý là chuyện quy ước giữa con người với nhau, nhưng còn là một điều kiện thiết yếu cho đời sống con người và cho sự phát triển của cá nhân. Bởi thế, điều thiện (mà con người đạt đến nhờ hành động) đã đặt ra cho con người một sự bắt buộc dựa trên bản tính tự nhiên. Điều thiện của con người được nhìn thấy qua các khuynh hướng tự nhiên của con người, nhằm bảo tồn cuộc sống con người và nhằm phát triển cá nhân.[10] Sự phát triển cá nhân diễn ra trong lãnh vực tri thức và hiểu biết, cũng như trong lãnh vực tác phong luân lý khi con người quyết định thực hiện những điều thiện của bản thân. Luật pháp (hiểu theo nghĩa là thực hiện điều thiện của con người) là nền tảng cho tất cả các luật thiết định nhằm hướng dẫn chi tiết các hành vi của con người trong trật tự xã hội. Tuy nhiên, không một điều luật thiết định nào được phép làm trái ngược với điều thiện chân chính của con người. Giả như một nhà lập pháp soạn thảo một điều luật trái nghịch điều thiện của con người, thì điều ấy chỉ là luật trá hình mà thôi, chứ không có tính ràng buộc đối với cách cư xử của con người, xét vì con người luôn luôn phải thực hiện điều thiện chân chính.

Thánh Tôma áp dụng quan niệm khái quát về luật cho việc nghiên cứu các luật tôn giáo của Cựu Ước và các luật của Giáo hội trong thời đại của ngài. Những luật này được áp dụng chỉ với mục đích làm gia tăng sự thiện nơi con người và giúp con người ngày càng hoàn trọn cuộc đời của mình hơn. Luật lệ không thể nào làm ngăn trở tương quan của con người với Thiên Chúa, là Đấng mà con người được liên kết trong đời sống tôn giáo.

Con người được mời gọi chia sẻ đời sống Ngôi vị của Thiên Chúa. Đời sống này hoàn toàn vượt qua các khả năng tự nhiên của con người. Ở cuối thiên thứ nhất trong phần thứ hai của bộ Tổng Luận (Prima Secundae), thánh Tôma thảo luận vấn đề ân sủng xét như một điều kiện thiết yếu và khởi điểm của đời sống siêu nhiên, đời sống này sẽ tiếp tục trong phúc kiến (beatific vision).[11] Ân sủng được quan niệm như là dấu vết của Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng Cứu Độ và Đấng Chuộc Tội nhân loại, cũng như là sự biến đổi linh hồn theo Mô Mẫu của Lời Nhập Thể. Ân sủng giúp con người thông dự vào sự hiểu biết, tình yêu, tự do và hạnh phúc của Thiên Chúa, như Đức Kitô đã nói. Ân sủng cũng cho chúng ta hưởng phúc kiến, kinh nghiệm trực tiếp Thiên Chúa. Cuối cùng, ân sủng, xét như là Thiên Chúa thông đạt chính Ngài, sẽ đảm bảo cho chúng ta đạt được điều Thiên Chúa đã dự định cho mỗi người ngay từ khi tạo dựng linh hồn. Trật tự siêu nhiên mang lại sự hoàn bị cho các tiềm năng của bản tính con người. Bản tính con người tự thâm sâu là tuân theo hành động của Thiên Chúa, điều này vẫn được mô tả trong truyền thống là “tiềm năng vâng phục” (potentia oboedientialis).

[Secunda Secundae]


3/ Sau khi đưa ra một cái nhìn tổng quát về hoạt động tự nhiên và siêu nhiên, qua đó con người hiện-thực-hoá những tiềm năng của mình, Thánh Tôma bắt đầu đi phân tích chi tiết về các cách thế để những tiềm năng này được hiện thực hoá. Ngài bàn về từng nhân đức và những lối sống tổng quát của con người. Ngài bàn đến các nhân đức tự nhiên cũng như siêu nhiên, rồi đến các ân huệ Thánh Linh là sự trợ giúp Thiên Chúa ban cho chúng ta.[12] Thánh Tôma trình bày các nhân đức theo kiểu biện chứng pháp, nghĩa là trình bày các nhân đức song song với các nết xấu và các tội lỗi trái nghịch. Trong hành động của mình, con người có khả năng chọn lựa, hoặc là điều tốt hoặc là điều xấu. Vì thế chúng ta không nên tìm hiểu con người cách phiến diện như là một ngôi-vị hiện-thực-hoá các tiềm-năng mà thôi; chúng ta cần tìm hiểu cách toàn diện, nghĩa là tìm hiểu cả những điều có khả năng phá huỷ, hay làm bại hoại ý nghĩa cao quý của đời người. Việc phân tích chi tiết cách thực hành nhân đức cũng gợi lại những kinh nghiệm của nhà tư tưởng trải qua lịch sử các nền văn hoá cổ đại, trung đại hoặc trong Kinh Thánh. Lối tiếp cận này cho phép chúng ta nhìn thấy nét phong phú và đa dạng của đời sống con người, biểu hiện trong nhận thức và hạnh kiểm (conduct).

Hạnh kiểm và đời sống luân lý của con người cũng chỉ là một và giống nhau. Luân lý được hiểu là hình thái cốt yếu của hạnh kiểm. Vì thế, bộ Tổng Luận Thần học phân tích hạnh kiểm rất rành mạch. Chính qua hành động mà con người thể hiện phẩm tính trổi vượt của mình là lý trí và tự do. Thánh Tôma gợi lại một phân tích đặc biệt của Aristotle (trong quyển Đạo đức Nicomach) trình bày ba hình thức hoạt động của con người, biểu hiện một sự nhận thức bằng lý trí: (i) - nhận thức có tính lý thuyết về các chân lý; (ii) - nhận thức có tính thực hành, qua đó tiềm năng con người được hiện thực hoá trong việc thủ đắc những điều thiện hảo; (iii) - nhận thức sáng tạo và nghệ thuật, dẫn tới nhận thức về cái đẹp, như một sự tổng hợp chân lý và điều thiện hảo. Dĩ nhiên, ba cách nhận thức này chồng chéo lên nhau trong một hành động cụ thể, nhưng chỉ có một hình thức này hay hình thức kia được nhấn mạnh, tuỳ thuộc vào việc chúng ta thiên về lý thuyết, thực hành hay hướng tới nghệ thuật. Nhận thức thực hành là loại nhận thức duy nhất được thấy rất rõ trong cuộc đời của mỗi cá nhân. Loại nhân thức này liên quan đến chính con người, vì con người được hiện thực hoá bởi chính những quyết định hành động của mình. Vì thế nó áp dụng cho tất cả mọi người. Không phải mọi người đều có thể nghiên cứu khoa học, cũng không phải tất cả đều có thể đưa ra một tác phẩm nghệ thuật, nhưng ai nấy đều phải hành động theo một cách thế đúng là con người. Mỗi người phải đưa ra quyết định rồi hành động. Đây là điều chính yếu trong luân lý, vì hành động của một người sẽ hiện thực hoá bản thân anh ta, như là một hữu thể có lý trí và thiện tâm (hoặc như là một hữu thể phi lý và ác tâm), nói một cách đơn giản, hành động sẽ chứng tỏ anh ta đúng là một con người. Việc tìm hiểu các hành vi nhân đức và các nết xấu thật là quan trọng, vì nó giúp chúng ta hiểu được con người là ai: con người được hướng tới đời sống vĩnh hằng, dù muốn hay không. Đấy chính là cấu trúc hữu thể con người.

Thánh Tôma bắt đầu tìm hiểu các dạng thức cụ thể của các hành vi nhân đức bằng việc phân tích ba nhân đức đối thần: đức tin, đức cậy và đức mến. Ba nhân đức này được nhấn mạnh trong mặc khải Tân Ước và được trình bày một cách loại suy như tương quan của một đứa trẻ với cha mẹ. Đức Kitô dạy chúng ta sống tương quan thế nào với Thiên Chúa. Chúng ta là “con cái của Thiên Chúa”, điều này được diễn tả trong lời kinh “Lạy Cha”. Trẻ nhỏ thì luôn quy hướng về cha mẹ với niềm tin, cậy, mến. Trẻ nhỏ được sinh ra trong gia đình, và đón nhận từ cha mẹ mọi điều thiết yếu cho cuộc sống của em. Quan trọng hơn cả, trẻ nhỏ nhận thức được cuộc sống, cùng với khả năng biết nói. Nếu trẻ nhỏ muốn tồn tại, em phải tin vào những điều đã học được từ cha mẹ. Lời cha mẹ dạy là nguồn tri thức đầu đời và nền tảng nhất. Vì thế, tin tưởng là cách thức trước tiên con người nhận thức về cuộc sống. Việc tin tưởng trong tiến tình nhận thức luôn gắn liền với chúng ta suốt cuộc đời, vì vốn dĩ con người không có khả năng kiểm chứng tất cả mọi điều được kể lại cho chúng ta. Chúng ta sẽ không thể trải qua thời thơ ấu nếu không chấp nhận điều cha mẹ nói với chúng ta là đúng, với một thái độ tin tưởng. Điều này cũng đúng đối với đức cậy và đức mến, trong tương quan giữa con cái với cha mẹ. Từ đó suy ra, chúng ta cũng cần có một thái độ tin – cậy – mến như thế, trong đời sống siêu nhiên, tương quan với Thiên Chúa. Con người được ghép thêm vào đời sống siêu nhiên, và đây là hình thức duy nhất thực hữu của đời sống con người sẽ kéo dài mãi mãi và vĩnh cửu. Phân tích các nhân đức đối thần tin - cậy - mến sẽ rất cần thiết, nếu chúng ta muốn biết trong những hoàn cảnh thực tế điều gì mình nên làm và đâu là mục đích tối hậu của đời người. Phân tích chi tiết những nhân đức đối thần này giúp mỗi người bước vào cuộc đời với sự nhận thức trọn vẹn về cùng đích, là hướng tới sự vĩnh cữu qua cái chết, đồng thời giúp chúng ta hiểu rõ hơn bản tính con người, vì bản tính này được trao ban để chúng ta hoàn thiện qua hành động của mình.

Các thói quen của con người rất đa dạng, cả tích cực lẫn tiêu cực, ảnh hưởng rất lớn đến hành động. Việc tìm hiểu các thói quen sẽ giúp chúng ta có được một nhận thức tốt hơn về các hình thức sống luân lý. Trong 46 chương, mỗi chương có nhiều mục, thánh Tôma nghiên cứu các hành động liên quan đến các nhân đức đối thần, nghĩa là nghiên cứu về mối liên kết giữa hạnh kiểm và việc thực hành các nhân đức tin - cậy - mến.[13] Chẳng hạn như, cùng với việc phân tích đối tượng của đức tin và những biểu hiện khác nhau của đức tin, chúng ta thấy có những thảo luận về linh ân thông minh, linh ân hiểu biết, rồi bàn đến cả các hành vi bất tín, lạc giáo, bội giáo, phạm thượng, mù quáng và chai lì, vân vân. Hiểu biết tất cả những hành vi này có thể giúp mỗi người nhạy bén với việc thực hành đức tin trong những bối cảnh xã hội và tâm lý khác nhau. Có thể nói như vậy về đức cậy và đức mến, là những nhân đức thấm đẫm vào tâm hồn con người trong đời sống cá nhân cũng như xã hội.

Trật tự siêu nhiên không phá huỷ, nhưng nâng cao bản tính tự nhiên khi con người hành động trong hoàn cảnh thực tế. Truyền thống triết học đã tìm hiểu các kiểu hành vi khác nhau của con người, đến độ có thể dự đoán trước một hành vi nào đó sẽ xảy ra, như là kết quả của một thói quen có từ trước. Như các triết gia cổ điển đã tìm hiểu, nguồn gốc các hành động của con người chính là lý trí, ý chí và các xúc cảm, trong đó bao gồm cả nộ dục, thúc đẩy con người đấu tranh, và tham dục, hướng tới điều thích thú. Hành động phát xuất từ những nguồn xung năng này, dần dần hình thành các thói quen khác nhau, bởi thế con người trở nên cao quý, vì là tác giả cho chính những hành động của bản thân mình. Điều này được biểu hiện trong bốn nhân đức trụ, trong đó mỗi một nhân đức trụ lại có thể được chia nhỏ thành những nhân đức khác nữa, và tương ứng mỗi nhân đức có các nết xấu trái ngược, làm cho các nhân đức bị khống chế bởi những hành vi đồi bại. Bốn nhân đức trụ là khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và tiết độ.[14]

Nếu con người là một hữu thể có lý trí , thì chính lý trí phải hướng dẫn các hành vi. Mỗi người phải có sự phòng bị phù hợp trong hành động nhận thức của mình, vì vốn dĩ nó đã được đặt định để thực hiện điều thiện. Sự phòng bị của lý trí để con người biết hành động sáng suốt, được gọi là nhân đức khôn ngoan. Thời cổ đại, triết gia Heraclitus nói nhân đức khôn ngoan là một nhận thức sâu sắc (phronesis). Và Aristotle đã nối kết nhận thức sâu sắc với phạm vi luân lý, xem là nhận thức luân lý. Đức khôn ngoan chi phối rất nhiều hành động. Những hành động này được gắn kết với quá khứ (vì thế khôn ngoan liên quan đến “ký ức”, nhớ lại sự kiện quá khứ), cũng như sự nhận thức nhạy bén về tình trạng thực tế của cá nhân và xã hội với tất cả các khía cạnh tích cực cũng như tiêu cực. Cuối cùng, khôn ngoan liên quan đến việc dự đoán, vì thế có thể xem như một thứ “quan phòng”[15] trong hành động của cá nhân.

Nhân đức công bằng nâng cao và củng cố ý chí nên mạnh mẽ, để ý chí thường xuyên hướng “trả lại cho mỗi người điều gì thuộc về họ”.[16] Công bằng liên quan đến đời sống được ấn định bởi luật pháp và những cũng liên quan đến những hình thức chung sống với những người khác. Nhân đức công bằng được bàn thảo khá nhiều trong Kinh Thánh cũng như trong truyền thống triết học. Trong đạo-đức-học của Socrates và Plato, công bằng là hình thức tối thượng của một đời sống trọn hảo. Nếu nghiên cứu sâu xa đức công bằng, chúng ta sẽ thấy có nhiều hình thức công bằng và bất công. Chúng ta có thể đề cập đến ba loại công bằng căn bản: công bằng pháp lý, công bằng phân phối và công bằng giao hoán. Ba loại công bằng này biểu hiện cả trong đời sống cá nhân và xã hội, được thấy một cách tỏ tường nhất khi chúng ta xem xét những hành vi bất công, trái ngược với chúng. Có nhiều kiểu bất công, liên quan đến con người cũng như sự vật. Nếu xét đến các tội như giết người, làm thương tổn sự sống, áp bức, lừa đảo, lăng mạ, nhạo báng, vu khống, hay gian lận, chúng ta có thể hiểu biết rõ hơn về vai trò công bằng trong đời sống chung.

Nhân đức công bằng được nói đến không phải chỉ trong tương quan với những người khác, nhưng còn với chính Thiên Chúa nữa. Ở đây chúng ta có thể xét tới vai trò của tôn giáo trong cuộc sống. Có khá nhiều hình thức công bằng được bao gồm trong nhân đức thờ phượng,[17] cũng như nết xấu đối nghịch. Tương quan của chúng ta với cha mẹ, gia đình, tộc họ, quốc gia cũng là một phạm vi của nhân đức công bằng. Những hình thức công bằng này cũng nâng cao giá trị con người. Ở đây một lần nữa chúng ta tìm thấy các nết xấu tương ứng đối lại. (Mỗi nhân đức có hai nết xấu đối nghịch: một cái nảy sinh từ bất cập, một cái từ thái quá trong hành động). Các nết xấu không những bóp méo hành động của con người, nhưng hành vi xấu cũng bóp méo con người đã làm điều xấu.

Nhân đức khôn ngoan lệ thuộc phần lớn vào việc huấn luyện các thói quen trong các cảm xúc của con người. Có những cảm xúc giúp chúng ta đẩy lui sự dữ, và những cảm xúc này được kiện toàn bởi nhân đức can đảm. Đức can đảm tăng cường sức mạnh trong việc kiên cường chống trả sự dữ, nhờ thế chúng ta có thể vượt thắng nó. Quan trọng hơn nữa, đức can đảm còn giúp ta khống chế và không chịu nhượng bộ với sự dữ. Trong những hoàn cảnh khó khăn, đức can đảm biểu hiện nơi thái độ gan dạ, không sợ hãi, còn trong những chuyện thường nhật, can đảm biểu hiện qua kiên trì, nhẫn nại; nó có thể gần giống với cao thượng và khiêm hạ.

Quả là rất quan trọng đối với cuộc sống của cá nhân cũng như xã hội nếu chúng ta hiểu được con người và chứng tỏ bản tính của con người trong hành động. Bản tính con người sẽ trở nên cao quý qua những hành động can đảm, hoặc sẽ thành suy đồi khi quá nhát đảm hoặc lạm dụng sức mạnh.

Con người càng trở nên cao quý hơn nữa khi làm chủ được thói đam mê ăn uống bằng lý trí. Điều này hình thành nên đức tiết độ, và đức tiết độ hoàn trọn cái nhìn của chúng ta về các cách cư xử phù hợp với lý trí. Đức tiết độ tạo nên một sự kiềm chế hợp lý đối với cảm xúc của con người, tựa như một dây cương buộc miệng con ngựa. Bằng tiết độ, chúng ta có thể điều khiển mọi ước vọng của linh hồn và thân xác trong những lãnh vực khác nhau của cuộc sống. Đức tiết độ thường có liên quan tới tính dục của con người và việc truyền sinh, nhưng tiết độ cũng áp dụng cho những xung động khác trong tâm hồn, tựa như ghen tương, kiêu ngạo, tò mò quá đáng, hoặc ước muốn vượt trên người khác. Đức tiết độ đòi hỏi không những là con người phải điều hoà những năng lực sinh lý quan trọng và cần thiết trong phạm vi sinh dưỡng (chẳng hạn như việc hấp thụ rồi chuyển hoá sự sống), nhưng đức tiết độ còn áp dụng cho những ham muốn về mặt tinh thần. Nếu những ham muốn tinh thần của con người không được điều hướng một cách thích hợp, chúng sẽ dần phá huỷ đời sống cá nhân và xã hội.

Tất cả mọi người đều có nghĩa vụ nhắm tới sự hoàn thiện trong cách cư xử. Nhưng cũng có những biểu hiện đặc thù trong cuộc đời như “nói tiên tri”, là một cách diễn tả độc đáo về những vấn đề liên quan tới tôn giáo, nhắm đến điều thiện cho con người. Ở cuối phần thứ hai của bộ Tổng Luận, thánh Tôma bàn tới ngôn ngữ ẩn dụ (metaphor) của các lời tiên tri. Ngôn ngữ ẩn dụ này phải được hiểu một cách thích hợp. Những vấn đề của tôn giáo thường nằm ngoài phạm vi hiểu biết của con người, và vì thế chúng không được diễn tả một cách đơn nghĩa, hay diễn tả theo kiểu loại suy chung chung như những lời nói hằng ngày bình thường của con người. Khả năng tiên tri đòi hỏi một kiểu ẩn dụ khác, không chỉ là chức năng nhận thức, nhưng còn là chức năng cảm xúc, vì nó làm cho tâm hồn của thính giả (hay độc giả) phải bày tỏ một thái độ, tích cực hoặc tiêu cực, đối với thông tin được cung cấp bởi hình ảnh ẩn dụ. Hơn thế nữa, chúng ta cần có thêm một hồng ân khác để giải thích những ẩn dụ được truyền đạt trong giáo huấn ngôn sứ. Hồng ân này giúp điều khiển tâm trí chú ý tới thông tin ẩn dụ, trong tiếng Latin gọi là accepta (đón nhận), và hồng ân này cũng giúp giải thích tương hợp thông tin ẩn dụ, gọi là iudicium de acceptis (phán đoán về các thông tin thụ nhận). Những vấn đề này thường được nối kết với tác vụ giáo huấn của Giáo hội, vốn là tác vụ bảo tồn các chân lý đức tin đã được mặc khải và có sức diễn giải các chân lý ấy một cách chính xác, nhằm mưu cầu thiện ích cho các tín hữu, là những đối tượng mà tác vụ đó có trách nhiệm phải củng cố đức tin.

Thánh Tôma đúc kết việc nghiên cứu về hành động của con người trong thiên hai của Phần thứ hai bằng việc nghiên cứu các hình thức hoạt động và chiêm niệm trong đời sống con người, đặc biệt là trong đời sống chiêm niệm nơi các Dòng tu, được quan niệm như là giúp cho việc thể hiện con người cao quý.

[Tertia Pars]


4/ Nguồn mạch, cấu trúc hữu thể và các hình thức hoạt động của con người, giúp chúng ta hiểu một cách sâu sắc hơn con người là ai, và bằng cách nào con người được thể hiện như có một nhân cách sinh động, đầy tiềm lực. Sự thể hiện này diễn ra trong viễn ảnh về cùng đích của đời người, kết thúc bằng cái chết thể xác, trong khi linh hồn vẫn sống. Ở đây chúng ta phải đối diện với những khó khăn lớn nhất trong việc hiểu biết ý nghĩa của đời người. Một mặt, linh hồn trong con người không phải chịu phân hủy, mặc cho sự tan rã của thân xác. Linh hồn có khả năng đón nhận một cuộc sống mới, hoàn hảo hơn, nhưng tự sức mình con người lại không thể đạt đến cuộc sống mà tinh thần vẫn hằng mơ ước. Dẫu rằng con người có khát mong tự nhiên là được diện kiến Thiên Chúa, Đấng là sự viên mãn của các khuynh hướng trong con người, nhưng con người không đủ lực để thực hiện khát mong này . Điều này được diễn tả trong công thức Latinh là: desiderium naturale - INEFFICAX - videndi Deum – (khát mong tự nhiên nhìn thấy Thiên Chúa - không hiệu quả). Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể hoàn trọn khát mong này của con người. Mặc khải Kinh Thánh, mà đặc biệt là mặc khải của Tân Ước, tỏ lộ rằng chính Ngôi Lời Nhập Thể, Đức Giêsu Kitô, mới là tác giả mang lại sự thành toàn cho con người trong ơn cứu độ. Đức Giêsu, con của Bà Maria Nadarét, khi trở nên một con người, vẫn không ngừng làm một ngôi vị Thiên Chúa, qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh, đã hiện thực hóa cái tiềm năng sâu thẳm nhất, là tiềm năng vâng phục để được diễm phúc diện kiến Thiên Chúa. Vì vậy, Đức Kitô đứng ở tâm điểm của động lực cá nhân nơi con người. Với quyền năng Thiên Chúa, Đức Kitô có thể hiện thực hóa đến mức viên mãn những điều mà chính Thiên Chúa đã khắc ghi trong linh hồn ngay từ khi dựng nên con người, đó là khát mong hạnh phúc tối hậu được diện kiến Thiên Chúa. Đức Kitô là Đấng đã mặc khải và hiện thực hóa cuộc sống bất diệt trong Thiên Chúa cho con người.

Phần thứ ba của bộ Tổng Luận Thần Học được dành để phân tích về Đức Giêsu Kitô, như là Thiên Chúa làm người. Phần này khá dài và chi tiết, nhưng Thánh Tôma đã qua đời trước khi hoàn thành.[18] Vì thế, những vấn nạn cuối cùng thảo luận về vai trò của Đức Kitô được hoàn thành trong Supplementum (Phần Bổ sung). Các đồ đệ của Thánh Tôma theo dòng tư tưởng của ngài, quan tâm đến ý nghĩa tối hậu của đời sống cá nhân con người trong ơn cứu độ hồng phúc được mang lại bởi Đức Giêsu Kitô. Chỉ Đức Giêsu, một Thiên Chúa làm người, mới có thể làm Đấng trung gian giữa con người với Thiên Chúa, và đồng thời là Đấng Cứu độ nhân loại. Đức Kitô thực hiện tất cả những điều này thông qua mọi khát mong tự nhiên đã được phú vào bản tính nhân loại. Việc giảng dạy và hành động chịu chết để chuộc tội như một chứng tá, cùng với cuộc phục sinh mang lại ơn cứu độ của Đức Kitô, là luận cứ đức tin cho chân lý về một cái nhìn đậm chất lý trí của con người.

Thánh Tôma đứng trên lập trường đức tin. Ngài cho thấy thể thức cứu độ của Lời Nhập Thể, rồi hoàn trọn cái nhìn nhân-luận toàn-diện khi chỉ ra và chứng minh rằng con người là một tư tưởng được hiện thực hóa của Thiên Chúa, khởi nguồn từ chính Thiên Chúa, và cuối cùng được thành toàn trong một cách thức vượt trên lý trí thông thường. Con người được thành toàn không bởi sức riêng của mình, nhưng bởi sức mạnh của một Ngôi vị Thiên Chúa. Ngôi vị Thiên Chúa này, thông qua bản tính nhân loại nơi Đức Giêsu Kitô, vốn là một bản tính có chủ thể của mình trong sự hiện hữu của LỜI, cũng chính là điểm hoàn thiện của đời người.

Phần thứ ba của Tổng Luận Thần Học phân tích về cả bản tính nhân loại lẫn bản tính Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, đồng thời cũng phân tích đến việc nhập thể, sinh hạ, cuộc sống, quyền năng, giảng dạy, cái chết và sự phục sinh của Người. Tất cả những điều này đều được biết nhờ Tin Mừng, nhưng cần được phân tích để tránh lầm lẫn và sai phạm. Lầm lẫn thường nảy sinh khi giải thích những mầu nhiệm quan trọng nhất về Thiên Chúa, về con người, và về ý nghĩa tối hậu của đời người. Bộ Tổng Luận hoàn thành việc trình bày Đức Giêsu Kitô (với cuộc đời, cái chết, sự phục sinh và vinh thắng của Người) bằng một khảo luận về vai trò cứu độ của một thể chế do chính Đức Kitô thành lập, đó là Giáo hội, và bằng một khảo luận về Mẹ Thiên Chúa, cùng các thánh và các bí tích. Các Bí tích là nguồn ân sủng vững chắc nối kết con người với cuộc sống của các ngôi vị Thiên Chúa. Trong tất cả những điều này, Đức Kitô hiện diện như là Đấng giải thoát và cứu độ nhân loại. Người dẫn nhân loại đến hậu vận cuối cùng, đến cuộc sống cá nhân bất diệt trong Thiên Chúa thông qua cuộc phúc kiến.

Thiên cuối cùng trong phần thứ ba của Bộ Tổng Luận (được gọi phần Bổ Sung - Supplementum-) là một việc biên soạn tổng hợp lại từ những bài viết khác của thánh Tôma, được sắp xếp theo cùng một cách thức các mục giống như trong sách Summa. Mặc dầu tư tưởng trong phần Bổ Sung hơi yếu so với các bài giảng độc đáo của Thánh Tôma, nhưng tư tưởng tổng quát vẫn giữ được tính toàn diện, vì nó trình bày con người trên cả hai bình diện đức tin và lý trí, con người được thiết dựng trong cảnh vực thần linh, và tư tưởng này được trình bày một cách chắc chắn, chính xác.

Nếu phải làm nên ý nghĩa cho cuộc hiện sinh của con người, thì đây là con đường duy nhất. Chúng ta phải nhìn con người là loài có linh hồn được dựng nên trực tiếp bởi Thiên Chúa; con người là kẻ chịu sự dữ khống chế; con người nhắm đạt được vận mạng cuối cùng trong tất cả mọi hành vi hợp lý và tốt lành, con người là kẻ đã được thánh hóa bởi Thiên Chúa và được trở nên thành toàn nhờ một Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm. Chỉ duy dòng suy nghĩ này mới giải thích một cách đầy đủ ý nghĩa cuộc hiện sinh của con người và sự viên mãn của bản tính nhân loại nơi mỗi người nhờ quyền năng cứu độ của Đức Giêsu Kitô.[19]
___________
[1] Nguồn: Towards and Integral Anthropology, http://vaxxine.com/hyoomik/lublin/integralna.html. Những chú thích cuối trang là của Ban biên tập.
[2] Philosophical Anthropology được dịch là “nhân luận triết học” (thay vì “nhân học triết học”, để tránh lặp lại hai lần “học”), đối lại với Theological Anthropology (“nhân luận thần học).
[3] Trong ngôn ngữ thần học, “nature” vừa có nghĩa là “bản tính” của một thực thể, vừa có nghĩa là “tự nhiên” (đối lại với “siêu nhiên”).
[4] Một vài từ ngữ của Martin Heidegger: Geworfenheit (bị vứt bỏ, ném vào, quẳng vào: con người bị quẳng vào thế giới); Sorge (lo lắng, ưu tư). Fur sorge (quan tâm, chú ý đến ai), Mit sorge (trắc ẩn), Zuhanden sein (cái để sử dụng, cái hữu dụng).
[5] Bộ “Tổng luận thần học” được chia làm ba phần (pars). Phần thứ nhất bàn về Thiên Chúa và công cuộc tạo dựng. Phần thứ hai bàn về con người là hình ảnh Thiên Chúa. Phần thứ ba bàn về Đức Kitô, con đường dẫn đưa con người về với Thiên Chúa. Mỗi phần được chia thành nhiều quaestio (mà chúng tôi tạm dịch là “chương” cho dễ hiểu), và articulus (tạm dịch là “mục”).
[6] Trong các ngôn ngữ Âu Tây, paradise vừa có nghĩa là “thiên đàng” (hạnh phúc vĩnh cửu của con người) vừa có nghĩa là “địa đàng” (tình trạng hạnh phúc của nguyên tổ trước khi phạm tội).
[7] Phần thứ hai của bộ Tổng luận thần học thường được coi như tương đương với “thần học luân lý”, gồm hai thiên: thiên thứ nhất (prima secundae) bàn về luân lý tổng quát; thiên thứ hai (secunda secundae) bàn về luân lý chuyên biệt. Thiên thứ nhất gồm những đề tài chính sau đây: 1/ Cứu cánh của cuộc đời: hạnh phúc. 2/ Các hành vi nhân linh để đạt được cứu cánh. 3/ Các hành vi chung với động vật: cảm xúc. 4/ Các nguyên uỷ nội tại của hành vi nhân linh: tiềm lực, tập quán, nhân đức, nết xấu. 5/ Các nguyên uỷ ngoại tại của hành vi nhân linh: luật pháp và ân sủng.
[8] Tác giả dùng từ “cảm xúc” (feeling) thay cho passio trong nguyên bản Latinh.
[9] Trong tiếng Latinh, ius vừa có nghĩa là “pháp luật” vừa có nghĩa là “quyền lợi” (tương tự như droit trong tiếng Pháp); tiếng Anh dùng hai từ khác nhau law và right.
[10] Đây là “luật tự nhiên” (natural law), nghĩa là luật phù hợp với bản tính tự nhiên của con người, được phân tích dựa trên những khuynh hướng tự nhiên của con người: khuynh hướng bảo tồn sự sống; khuynh hướng duy trì chủng loại, khuynh hướng nhận biết sự thật và sống trong xã hội. X. Luật tự nhiên và đối thoại văn hóa, “Thời sự thần học” số 55 (tháng 1/2012), trang 96.
[11] Phúc kiến (beatific vision). Theo thần học công giáo, hạnh phúc của con người hệ tại chiêm ngưỡng Thiên Chúa.
[12] Thiên hai của phần thứ hai (Secunda Secundae) của sách Tổng luận thần học được xem như “luân lý chuyên biệt”, được phân phối chung quanh bảy nhân đức: ba nhân đức hướng Chúa (tin cậy mến) và bốn nhân đức trụ (khôn ngoan, công bình, can đảm, tiết độ). Mỗi nhân đức được nghiên cứu theo bản chất riêng, các nết xấu đối nghịch, và một ân huệ Thánh Linh tương ứng.
[13] Trong Tổng luận thần học, (thiên hai của phần thứ hai: II-II), đức tin được bàn từ chương 1 đến chương 16; đức cậy từ chương 17 đến chương 22, đức mến từ chương 23 đến chương 46.
[14] Tiếp theo ba nhân đức hướng Chúa, thánh Tôma bàn về đức khôn ngoan (chương 47-56), công bằng (chương 57-122), can đảm (chương 123-140), tiết độ (chương 141-170).
[15] Trong tiếng Latinh, đức khôn ngoan bao hàm việc “liệu trước” (pro-videre) nhờ biết “thấy trước, biết trước” (pre-videre), từ đó mà có providentia (quan phòng, an bài, lo liệu)
[16] Ulpianus, một luật gia Rôma (170-228) định nghĩa công bằng là “ý chí bền vững và trường kỳ hoàn lại cho mỗi người cái thuộc về họ” (constans et perpetua voluntas suum unicuique tribuendi).
[17] Trong tiếng Latinh, religio vừa có nghĩa là “tín ngưỡng, tôn giáo” vừa có nghĩa là “nhân đức thờ phượng” đòi hỏi con người phải thi hành nghĩa vụ thờ phượng Đấng Tạo hóa.
[18] Cấu trúc được phác hoạ cho phần thứ ba như sau: 1/ Chúa Cứu thế. 2/ Những bí tích nhờ đó chúng ta lãnh nhận ơn cứu chuộc. 3/ Đời sống bất diệt. Tuy nhiên, tác giả đã ngưng lại khi đang viết bí tích thống hối (chương 90). Các đồ đệ bổ sung thêm (Supplementum) những bí tích còn lại, cùng với mục cánh chung.
[19] Như vậy, trong khi Heidegger cho rằng con người “bị ném vào thế giới” hoặc “sinh ra để mà chết”, thì nhân luận Kitô giáo cho biết rằng con người được sinh ra do một kế hoạch yêu thương của Đấng Tạo hóa, và để được hưởng hạnh phúc nhờ được trở về với Thiên Chúa.