Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

ĐỜI SỐNG ẨN SĨ : Vài nét về lịch sử, quy chế dành cho các ẩn sĩ của giáo phận Tarragona, Tây Ban Nha

Thời sự Thần học – Số 66, tháng 11/2014, tr. 114-133

Bình Hoà

Bộ Giáo luật 1983 đã tái lập các ẩn sĩ trong Giáo hội Latinh. Trong bài này, sau khi giới thiệu lịch sử về đời sống ẩn sĩ trong Giáo hội, chúng tôi sẽ dịch bản Quy chế về nếp sống ẩn sĩ của giáo phận Tarragona (Tây ban nha) do đức Tổng giám mục Jaume Pujol Barcells ban hành ngày 10/01/2006.
Những thông tin bổ túc về đời sống ẩn sĩ: Anh Ngữ: www.hermitary.com; Tây ban nha: www.eremitas.com
Ẩn sĩ thời xưa

Lịch sử đời ẩn tu trong Giáo hội


Các ẩn sĩ (anachoreta, eremita) đầu tiên của Kitô giáo xuất hiện bên Ai cập từ thế kỷ III, với những khuôn mặt tiêu biểu là thánh Phaolô và thánh Antôn. Những chứng tích của thế hệ này còn được lưu lại nơi các “sư phụ trên sa mạc” và những bộ sưu tập các danh ngôn (apophthegmata).[1] Các ẩn sĩ từ bỏ trần thế để tìm kiếm Thiên Chúa trong cầu nguyện, cô tịch, thống hối và khó nghèo. Sau đó, đời ẩn tu phát triển thành nếp sống đan tu (monasterium), và các ẩn sĩ được hội nhập vào các đan viện khác nhau; sau một thời gian tu luyện, các đan sĩ có thể rút vào những “am” (eremos) được cất gần đan viện.

Trong khi bên các Giáo hội Đông phương, nếp sống ẩn sĩ được duy trì cùng với các hình thức cộng đoàn và bán ẩn sĩ (chẳng hạn như ở Núi Athos)[2], thì bên Giáo hội Tây phương, nếp sống ẩn sĩ hầu như đã bị tan hoà trong nếp sống đan tu. Mãi tới thế kỷ X-XI, người ta mới thấy phục hồi nếp sống này dưới nhiều hình thức:

1) Ẩn sĩ đan tu. Tại một số đan viện (Biển Đức hoặc Xitô), sau một thời gian tu luyện trong cộng đoàn, đan sĩ có thể xin được sống đời ẩn sĩ (cô tịch và cầu nguyện), tuy vẫn ở dưới quyền của Viện phụ và vẫn giữ lời khấn vĩnh cư.

2) Ẩn tu biệt lập. Đó là những ẩn sĩ không thuộc về một đan viện hoặc dòng tu, cũng không khấn theo Bản luật nào. Hình thức này mang nhiều dạng thức khác nhau. Có người “trụ trì” một chỗ suốt đời; có người chỉ chọn lựa nếp sống này một thời gian rồi lại trở về cuộc sống thường nhật, hoặc di chuyển từ nơi này sang nơi khác. (Trước đây, thánh Biển đức đã gặp những ẩn sĩ ấy và đặt tên là “ẩn sĩ lang thang”, vì thế mà ngài đặt ra lời khấn vĩnh cư). Họ cũng có thể thuộc nhiều thành phần khác nhau trong Giáo hội (giáo sĩ / giáo dân), hoặc trong xã hội (thượng lưu / trí thức / nông dân).

3) Biệt cư (recluse) là một hình thức ẩn tu nghiêm nhặt nhất. Đương sự “tự nhốt” trong phòng, và không tiếp xúc với ai hết. Căn phòng nhỏ bé của họ có thể có một cửa sổ, qua đó họ tham dự phụng vụ và nhận lương thực.

4) Những dòng tu có khuynh hướng ẩn sĩ. Đó là những dòng kết nạp nếp sống cộng đoàn với nếp sống ẩn sĩ, hoặc cách thường xuyên (do bản chất của Dòng) hoặc tại một vài tu viện đặc biệt của Dòng. Các đan sĩ hoặc tu sĩ họp nhau để cử hành phụng vụ (và đôi khi vào bữa ăn); phần thời gian còn lại, họ sống trong phòng riêng để cầu nguyện, học hành, lao động, ăn uống và ngủ nghỉ. Chúng ta có thể thấy vài thí dụ[3]: dòng Camaldoli (thánh Romualdo lập năm 1012), dòng Chartreux (thánh Bruno lập năm 1084), dòng Carmelô (thế kỷ XII) và dòng ẩn tu thánh Augustinô (thế kỷ XIII). Dòng Phanxicô, theo gương thánh tổ phụ, cũng chấp nhận cho một vài phần tử sống đời ẩn sĩ.

Dù sao nói chung, hình thức ẩn tu ít được biết đến trong đời sống Giáo hội. Thỉnh thoảng chúng ta nghe nói đến vài vị thánh đã chọn lựa nếp sống ấy trong một giai đoạn của cuộc đời (chẳng hạn linh mục Lê Bảo Tịnh, Charles de Foucauld). Bộ Giáo luật 1917 không đả động gì đến các ẩn sĩ. Sau công đồng Vaticanô II, đời ẩn sĩ được chính thức nhìn nhận trong Bộ Giáo luật 1983, với điều 603 ngắn gọn như sau:

§1. Ngoài những Hội dòng tận hiến, Giáo hội còn nhìn nhận đời sống ẩn tu; trong đó, các tín hữu dâng mình để ngợi khen Thiên Chúa và lo phần rỗi của thế giới, qua việc tách biệt hơn khỏi trần thế, giữ thinh lặng cô tịch, cầu nguyện liên lỉ và hãm mình. §2. Một ẩn sĩ được luật nhìn nhận kể như dâng mình cho Chúa qua đời tận hiến nếu họ công khai tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm, bằng lời khấn hay dây ràng buộc nào khác, trong tay Giám mục giáo phận và tuân theo một chương trình sống dưới sự hướng dẫn của Giám mục.[4]

Những lời này được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo trích lại hầu như nguyên văn kèm thêm lời bình luận:

Các ẩn sĩ tỏ cho thấy phương diện nội tâm hơn của mầu nhiệm Hội thánh, là sự thân mật cá vị với Đức Kitô. Dù mắt nguời ta không thấy, nhưng đời ẩn tu là sự rao giảng thầm lặng về Đức Kitô, Đấng mà ẩn sĩ hiến dâng đời mình cho Người, bởi vì Người là tất cả đối với họ. Đây là một ơn gọi đặc biệt nhằm gặp được vinh quang của Đấng chịu đóng đinh vào thập giá, trong hoang địa, trong chính cuộc chiến đấu thiêng liêng (số 921)[5].

Các ẩn sĩ cũng được nhắc đến trong tông huấn Vita consecrata không chỉ như là một hình thức tiên khởi của đời tu trì mà còn như là một thực tại còn hiện hành:

Các ẩn sĩ, nam nữ, dù thuộc về các dòng cổ truyền hoặc thuộc về các tu hội mới lập, hoặc trực tiếp lệ thuộc giám mục, tất cả đều làm chứng về tính chóng qua của thời hiện tại bằng việc tách biệt khỏi thế giới về tâm hồn và về nếp sống bên ngoài: bằng chay tịnh và kinh nguyện, họ làm chứng rằng con người không chỉ sống nhờ cơm bánh mà còn nhờ Lời Thiên Chúa nữa (x. Mt 4,4). Đời sống “nơi sa mạc” này là một lời mời gọi những người đồng loại và chính cộng đồng Giáo hội đừng bao giờ để mất hút ơn gọi tột đỉnh, đó là mãi mãi ở kề bên Chúa (số 7).

Ở đây chúng tôi chỉ muốn tìm hiểu hình thức ẩn sĩ biệt lập, chứ không đề cập đến các ẩn sĩ phần tử của các dòng tu. Hiện nay trong Giáo hội có bao nhiêu ẩn sĩ? Chúng ta không có một bản thống kê chính thức nào hết. Chắc chắn có nhiều người sống đời ẩn sĩ theo lối riêng của mình chứ không qua sự chuẩn nhận của Giám mục. Tuy nhiên giả như Giám mục gặp một tín hữu muốn thi hành điều được dự trù ở Bộ Giáo luật thì hẳn là ngài cảm thấy lúng túng vì không biết phải xử trí thế nào! Đó là lý do mà chúng tôi trích dịch bản quy chế sau đây của giáo phận Tarragona, nơi mà đã có nhiều kinh nghiệm về nếp sống này[6]. Thực vậy, bản quy chế này (ban hành năm 2006) là ấn bản thứ hai của một văn kiện tương tự được phát hành trước đó 20 năm để thử nghiệm (1996). Nên biết là ơn gọi ẩn sĩ mở rộng cho cả hai phái nam nữ, cũng như cho các giáo dân và giáo sĩ.

Bản văn gồm 48 số, được phân làm bốn mục chính: 1/ Tiếng gọi vào sa mạc (số 1-5). 2/ Đặc sủng sa mạc (số 6-11). 3/ Luật sống (số 12-28). 4/ Hành trình sa mạc (số 29-41), bao gồm các chặng: phân định, huấn luyện, cam kết, rời bỏ.

Phụ lục : Quy chế dành cho các ẩn sĩ trong giáo phận Tarragona (2006)


I. Tiếng gọi sa mạc


1. Thánh Linh là Đấng đã đổ xuống Hội thánh muôn vàn hồng ân và đặc sủng, ngay từ những thế kỷ đầu tiên đã gợi lên trong các tín hữu những người nam nữ muốn đi theo Đức Giêsu Nazareth trong sa mạc “sâu thẳm” của cô tịch, thinh lặng, cầu nguyện và chiêm niệm, bắt chước nếp sống khắc khổ và thống hối của Người trong suốt bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, trước khi khởi sự cuộc đời công khai lưu động để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

2. Nếp sống ẩn sĩ – hiện diện trong Hội thánh tiên khởi với các sư phụ trên sa mạc (Antôn, Pacômiô, Phaolô, Hilariô, vv.), và xác định căn tính là trung thành với Đức Giêsu một mình cầu nguyện trên núi – là hình thức tận hiến đầu tiên được cộng đồng Kitô hữu nhìn nhận như là hình thức tận hiến thứ nhất, cùng với các trinh nữ dâng mình phục vụ Thiên Chúa và các anh chị em.

3. Trong Hội thánh, không bao giờ thiếu những dòng tu mang linh đạo ẩn sĩ (Camaldoli, La Chartreuse, Carmelô, Charles de Foucauld …), và Thánh Linh luôn hiện diện và tác động, vẫn tiếp tục kêu gọi một vài người đi theo Đức Giêsu của Tin Mừng, được thúc đẩy bởi lòng yêu mến Người cách tuyệt đối, muốn sống với Người trên sa mạc để hiến dâng trót đời “ngợi khen Thiên Chúa và lo phần rỗi của thế giới, qua việc tách biệt hơn khỏi trần thế, giữ thinh lặng cô tịch, cầu nguyện liên lỉ và hãm mình.”[7]

4. Trong Giáo hội phương Tây, từ nhiều năm nay, đặc sủng ẩn sĩ của đời đan tu tiên khởi lại trở nên sống động. Hẳn nhiên, việc hồi phục đời sống ẩn tu là một hồng ân cho Giáo hội nói chung, trong tiến trình canh tân đời sống thánh hiến. Nên nhớ là thánh đường kính các thánh Phaolô và Fructuoso trong giáo phận chúng ta đã từng là một nơi tiên phong của đời sống ẩn sĩ, cách riêng tại Montsant y Samuntà. Vì vậy, ngày nay đời ẩn tu muốn tiếp tục nếp sống của các tiền nhân đã sống trên các vùng rừng núi của chúng ta, và trở nên muối và men của Nước Trời cho thời đại hôm nay.

5. Sau khi hình thức tận hiến này được Giáo hội phổ quát nhìn nhận (Bộ Giáo luật, điều 603), và sau nhiều năm cho phép thử nghiệm với quy chế ban hành ngày 29/4/1986, chúng tôi muốn chính thức xác nhận vĩnh viễn lối sống tận hiến này, nghĩa là hành trình của người ẩn sĩ, trong cảnh thinh lặng chiêm niệm, tìm kiếm niềm vui của việc yêu mến, thờ lạy, ngợi khen và chúc tụng Đấng là Thân phụ của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, để chuyển cầu cho các anh chị em của mình trên thế giới. Bản văn này cũng muốn tránh những ẩn sĩ giả hiệu, một hiện tượng đã xuất hiện rồi ngay từ thời các sư phụ trên sa mạc .

II. Đặc sủng sa mạc


6. Để cho đời ẩn sĩ được nhìn nhận trong giáo phận chúng ta, cần phải xét đến yêu sách nền tảng là sự dấn thân sống đạo nghiêm túc, kèm theo việc cầu nguyện chiêm niệm thinh lặng và cô tịch, khổ hạnh và khó nghèo, khiết tịnh vì lòng mến Nước Trời, dõi theo nếp sống Tin Mừng của các sư phụ trên sa mạc, cũng như quy luật hiện hành của Giáo hội và những hướng dẫn của bản quy chế này.

7. Vào thời buổi hôm nay, đặc sủng của người ẩn sĩ là chất vấn xã hội của tiện nghi hưởng thụ bằng một lối sống triệt để theo những giá trị của Tin Mừng các mối phúc thật. Đây là một tác động và ân sủng của Chúa Cha trên trời, làm cho ẩn sĩ tiên báo và thôi thúc Nước Trời mau đến trong trần thế này, mặc dù không thuộc về trần thế.

8. Người ẩn sĩ được thôi thúc tình yêu say đắm với Chúa Giêsu, vẫn hiện diện trong thế giới của chúng ta tuy với một cách thức độc đáo, khi họ đứng vào vị thế của kẻ chiêm ngắm ở giữa lòng Hội thánh và gần kề với Đức Kitô Phục sinh, là Đấng đã đến, đang ở giữa chúng ta và sẽ đến. Tuy vậy, sự chiêm ngắm này không làm cho ẩn sĩ trở nên xa lạ với thế giới và đồng loại, bởi vì Thánh Linh là Đấng canh tân vạn vật, biến đổi con tim của người chiêm ngắm trở nên nhân bản, liên đới và tiếp nhận hơn.

9. Khung cảnh của lối sống ẩn sĩ là sự thinh lặng và cô tịch của sa mạc sâu xa, phù hợp với những lời của Kinh thánh: “Ta sẽ đưa nó vào sa mạc và sẽ thỏ thẻ vào trái tim”. Sa mạc này là một hồng ân của Thánh Linh, Đấng đã tạo nên những điều kiện cần thiết của thinh lặng và cô tịch để lắng nghe Lời Chúa, và điều này có thể diễn ra ở trên núi hay ở thành phố, bằng cách biến đổi thành phố thành sa mạc riêng của mình, nhờ ơn Thánh Linh, nhưng luôn luôn có một sự “tách biệt khỏi thế giới”[8] là một đặc trưng của nếp sống ẩn tu.

10. Sa mạc mà Thánh Linh dẫn đưa người ẩn sĩ vào đòi hỏi một sự bền bỉ như bảo đảm của tính chân thực của nó. Đời ẩn sĩ lang thang là một dấu hiệu rõ rệt cho thấy rằng không phải là Thánh Linh đã đưa người tín hữu ấy vào sa mạc. Vì thế, một khi đã lựa chọn một chỗ để sống ơn gọi sa mạc, ẩn sĩ không được phép thay đổi nếu không bàn hỏi với Giám mục hay vị đại diện, sau khi bản thân đương sự đã phân định đúng đắn.

11. Những quy tắc hoặc định hướng này muốn giúp cho việc phân định chính xác đời sống ẩn tu, nhằm đến thiện ích cho giáo phận cũng như cho chính đương sự, tuy không bóp chẹt những hình thức sống Tin Mừng cách mới mẻ mà Thánh Linh khơi lên trong Hội thánh. Chúng tôi muốn luôn luôn cởi mở và chú ý lắng nghe Thánh Linh là Đấng canh tân vạn vật.

Một hang động ở Tây Ban Nha, từ là nơi ở của các ẩn sĩ 

III. Bản luật sống


12. Các ẩn sĩ, qua việc đi theo Đức Giêsu của Tin Mừng, trinh khiết, khó nghèo và sẵn sàng, “bày tỏ cho mỗi người khía cạnh nội tại của mầu nhiệm Hội thánh là sống thân mật với Đức Kitô. Mặc dầu ẩn giấu trước mắt người đời, nhưng đời ẩn tu là sự rao giảng thầm lặng về Đấng mà họ hiến dâng đời mình cho Người, bởi vì Người là tất cả đối với họ. Đây là một ơn gọi đặc biệt nhắm gặp gỡ vinh quang của Đấng chịu đóng đinh vào thập giá, trong sa mạc và trong cuộc chiến đấu thiêng liêng”[9].

13. Tuy rằng đời sống thì trổi vượt hơn mọi luật lệ, và mặc dầu ơn gọi cá biệt này là hoàn toàn tự lập, nhưng Giáo hội đã thiết lập cho đời ẩn sĩ một bản luật riêng tư và cá vị, dưới sự hướng dẫn của Giám mục giáo phận là bề trên hợp pháp của họ[10].

14. Bản luật sống Tin Mừng trở thành công khai, do việc tuyên giữ những lời khuyên Tin Mừng, dưới hình thức của lời khấn hoặc lời hứa, trong tay Giám mục, sau khi đã trải qua sự phân định và những huấn luyện cần thiết.

15. Bản luật sống này cần xác định việc cam kết cầu nguyện cá nhân, dẫn đến “tình thân mật với Đức Kitô”[11]. Ẩn sĩ, trung thành với chức tư tế vương giả của bí tích rửa tội, biến cuộc đời mình thành một phụng vụ liên lỉ, qua việc dành cả cuộc đời để ca ngợi Thiên Chúa.

Tất cả đời sống đức tin được nuôi dưỡng bằng việc cầu nguyện, nhờ đó họ tăng trưởng về sự hiểu biết, ước muốn và tình bạn với Chúa Giêsu. “Việc chiêm ngắm những thực tại thần linh, sự kết hợp thường xuyên với Thiên Chúa trong cầu nguyện phải là nghĩa vụ đầu tiên và chính yếu”[12] của tất cả những người tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Ẩn sĩ không chỉ dành thời khắc mỗi ngày cho việc cầu nguyện, nhưng còn biến đổi trót cả ngày thành việc cầu nguyện.

Sự thôi thúc cầu nguyện sẽ được nuôi dưỡng nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể được lưu giữ tại nơi ở, với phép của nhà chức trách, và việc rước lễ hằng ngày trong khung cảnh của việc cử hành cách khoan thai phụng vụ Lời Chúa.

16. Việc cầu nguyện chiêm niệm và bền bỉ sẽ mang lại một cảm thức về sự siêu việt và hy vọng Kitô giáo trong suốt cuộc đời, biến cuộc đời thành một sự trông chờ Chúa Giêsu quang lâm, Đấng mà ẩn sĩ đã say mê và vì thế đã từ bỏ mọi sự. Tâm tình này được hỗ trợ nhờ Phụng vụ Giờ kinh, lectio divina, vv. Việc cầu nguyện – đặc biệt là phụng vụ - cũng tăng gia cảm thức Hội thánh, làm cho ẩn sĩ cảm thông với các anh chị em và cầu khẩn Chúa Cha cho thế giới được cứu độ.

17. Luật sống cũng cần đặt ra giới hạn của sa mạc, nghĩa là sự cách biệt khỏi thế giới[13] – những tương quan gia đình và xã hội – bởi vì sa mạc, cùng với thinh lặng và cô tịch, diễn tả đặc trưng của đời ẩn sĩ, một sa mạc nơi mà Thiên Chúa thỏ thẻ với con tim và cần phải thinh lặng để lắng nghe, giống như Đức Maria, thân mẫu của Đức Giêsu, đã đón nhận lời Chúa vào con tim chiêm niệm.

18. Những tương quan nhân bản, gia đình và xã hội của ẩn sĩ cần mang đậm tính huynh đệ, thân mật, giản dị và bác ái. Ẩn sĩ chỉ thu thập những thông tin cần thiết để giúp cho mình cầu nguyện sâu đậm hơn cho các anh chị em ở ngoài thế gian.

19. Với sự phân định trong Thánh Linh, ẩn sĩ sẽ xét xem khi nào cần cắt đứt sự thinh lặng và cô tịch sa mạc mà mình đã chọn để theo tiếng gọi của Thánh Linh, trong việc thăm viếng, thư từ, điện thoại, hoặc đi ra khỏi nơi ẩn tu.

20. “Dù khuất mắt người đời, nhưng đời sống ẩn sĩ là một sự rao giảng thầm lặng cho Đấng mà mình đã hiến dâng cuộc đời, bởi vì đối họ, Đấng ấy là tất cả”[14]. Đây là đặc sủng và là sứ mạng của ẩn sĩ trong Hội thánh. Vì thế, ẩn sĩ sẽ không tham gia các cơ quan mục vụ ở cấp giáo phận hay giáo xứ, cũng không đảm nhận bất cứ hình thức huấn giáo hoặc bác ái xã hội nào, tuy là những việc tốt lành nhưng dành cho những đặc sủng khác.

Điều này không có nghĩa là trong trường hợp cần thiết, khi thiếu vắng linh mục và với sự đồng ý thường xuyên của Giám mục, ẩn sĩ không được phép chủ sự buổi cử hành Thánh Thể hoặc mang Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, và thỉnh thoảng có thể được mời đến dự các buổi họp để làm chứng tá cho cuộc sống của mình trên sa mạc.

Mặc dù sự hiện diện của ẩn sĩ khuất mắt người đời, nhưng vì là thành phần của đời sống thánh hiến của giáo phận, cho nên trong Kim chỉ nam của giáo phận, vẫn ghi địa chỉ bưu điện của ẩn sĩ.

21. Sự đón tiếp là một đặc tính của các sư phụ trên sa mạc. Ẩn sĩ thực hành sự đón tiếp trong tinh thần thân hữu và Tin Mừng của ơn gọi của mình. Tuy nhiên, ẩn sĩ cũng biết sử dụng đức khôn ngoan để tránh những cuộc thăm viếng tò mò hoặc những cuộc phỏng vấn của ngành truyền thông, bởi vì chúng không giúp ích cho đời sống thinh lặng và cô tịch.

22. Sự đón tiếp trong vài ngày một cộng đoàn chiêm niệm quen biết có thể là dịp tốt để củng cố quyết tâm trung thành với ơn gọi vào sa mạc và để xây dựng lẫn nhau, cách riêng khi đó là cộng đoàn của mình, trong trường hợp ẩn sĩ là thành viên của một dòng được phép sống cảm nghiệm ẩn tu.

23. Mỗi khi vì sự cần thiết hoặc đức bác ái, ẩn sĩ phải rời xa nơi ở của mình trong thời gian 15 ngày hay lâu hơn nữa, thì phải thông báo cho Giám mục là bề trên của mình, hoặc cho vị đại diện. Điều này không có nghĩa là hạn chế tự do bản thân, nhưng là để củng cố lòng trung thành với đặc sủng thinh lặng và sa mạc.

24. Luật sống cũng xác định cách thức thực hành việc thống hối. “Tất cả mọi tín hữu đều có nghĩa vụ theo luật Chúa phải thực hành việc thống hối, mỗi người theo cách thức của mình”[15]. Ẩn sĩ đã chọn việc thống hối như một đặc trưng của ơn gọi sa mạc, dựa theo quan niệm của Giáo hội về đặc sủng này[16].

25. Việc thống hối được thể hiện qua một nếp sống khó nghèo mọi mặt: đời sống bấp bênh, không có tiện nghi, không có ai sống chung, một cuộc đời bắt buộc phải tuân thủ luật lao động dựa theo phương châm “cầu nguyện và lao động” để kiếm kế sinh nhai. Ẩn sĩ sống đời thống hối qua việc hoán cải tâm hồn, sự khắc khổ của người nghèo, sự tin tưởng phó thác cho Cha trên trời là Đấng chăm sóc hoa ngoài đồng và chim trong rừng núi, sự tự do của con cái Chúa.

26. Với tinh thần thống hối ấy, ẩn sĩ xếp đặt thời khóa biểu cá nhân và trình cho Giám mục hoặc đại diện để phê duyệt. Thời khóa biểu dành ưu tiên cho những thời gian cầu nguyện, những giờ dành cho lao động và nghỉ ngơi, cũng như những lúc cần thăm viếng gia đình để chu toàn bổn phận thảo hiếu. Thời khóa biểu giúp cho ẩn sĩ biết lợi dụng thời giờ và tránh nhàn cư; tuy vậy, cũng nên dự trù những chuyện bất ngờ không thể lường trước được do những đòi hỏi của việc huấn luyện hoặc bác ái. Thời khoá biểu cũng có thể thay đổi tuỳ theo các mùa trong năm, bởi vì thường được điều chỉnh theo ánh sáng của mặt trời.

27. Các ẩn sĩ được khuyến khích hãy tăng gia tinh thần thống hối vào vài lễ và mùa phụng vụ, qua những buổi canh thức cầu nguyện và những ngày ăn chay, nhưng luôn luôn cần biết phân định và bàn hỏi vị linh hướng.

28. Nếu trung thành với bản luật sống này dưới sự hướng dẫn của giám mục, ẩn sĩ sẽ “gặp thấy vinh quang của Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, trong sa mạc và trong cuộc chiến đấu thiêng liêng.”[17]

IV. Hành trình sa mạc


Sự phân định

29. Cũng giống như đối với các sư phụ tiên khởi trên sa mạc, sự phân định là điều cần đi kèm theo người ẩn sĩ trong việc lựa chọn nếp sống đi theo Đức Kitô. Lý do là vì đời ẩn tu là một hồng ân của ơn gọi Kitô giáo mang theo đòi hỏi khắt khe của cầu nguyện cá nhân, thinh lặng chiêm niệm, cô tịch và thống hối.

Điều này đòi hỏi rằng tín hữu nào nghĩ mình được kêu gọi vào nếp sống này trong Giáo hội cần phải phân định ơn gọi cách nghiêm túc trước khi quyết định. Dĩ nhiên, nếu là phần tử của một dòng tu, thì đương sự cần phải có phép của bề trên và chấp nhận bản quy chế này trong thời gian sống ẩn sĩ trong giáo phận. Quyết định này cần phải đi kèm theo sự suy nghĩ chín chắn cũng như việc cầu nguyện tha thiết ngõ hầu nhận ra đường lối của Thiên Chúa.

30. Người nào cảm thấy được gọi vào nếp sống này cần phải có một vị linh hướng để giúp cho mình phân định và hướng dẫn trong bước huấn luyện khởi đầu. Vị linh hướng có thể là một ẩn sĩ (nam hoặc nữ) đã từng trải.

31. Nhằm giúp cho việc phân định này, ngoài sự hiểu biết những gì đã nói trên đây về đặc sủng sa mạc, cũng cần biết những khuynh hướng lệch lạc của ẩn sĩ mà các sư phụ sa mạc đã cảnh báo, đó là: thoát ly khỏi mọi ràng buộc với Giáo hội, ý riêng, tự đóng khung vào những ích lợi riêng tư và lòng đạo đức cá nhân, thờ ơ đối với tha nhân, kiêu ngạo thiêng liêng cho rằng mình trung thành với Tin Mừng, tìm kiếm một cuộc sống tầm thường dưới dáng vẻ của sự khó nghèo và cô tịch nhưng thực chất chỉ là lãng mạn, vv.

32. Trong việc phân định, cần ý thức rằng đời ẩn tu (nói đúng hơn, đời ẩn tu giả hiệu) có thể là giải pháp nhất thời cho những con người bất ổn, bất an, thiếu trưởng thành hoặc bất mãn với tất cả. Mặc dù có thể chấp nhận cho họ thử nghiệm một thời gian, nhưng đồng thời cần tỏ cho họ thấy những yêu sách của nếp sống này, ngõ hầu giúp chọ nhận ra rằng đây không phải là tiếng gọi của Chúa. Nếu là một người mà Giám mục hoài nghi về ơn gọi vào sa mạc và thinh lặng, thì thời gian thử nghiệm sẽ giúp khám phá có phải là ơn gọi đích thực, hoặc là lòng hăng say triệt để của người vừa được ơn hoán cải.

Huấn luyện


33. Việc huấn luyện khởi đầu, dưới sự hướng dẫn của Giám mục hoặc đại diện, kéo dài ít là ba năm, trước hết bao gồm sự khổ chế cương quyết và trung thành với việc cầu nguyện, cô tịch, lắng nghe Lời Chúa, đồng thời cũng đề phòng những sự tránh né tâm linh tựa như đọc sách thiêng liêng thật nhiều.

34. Dĩ nhiên sự huấn luyện tâm linh cũng bao gồm các khía cạnh Kinh thánh, huấn giáo và thần học, tâm linh và lịch sử, để dẫn nhập vào đời sống đan tu ẩn sĩ, tuỳ theo khả năng và trình độ của mỗi người. Nếu đương sự không đến từ một dòng tu, và vì thế chưa có kinh nghiệm về đời sống thánh hiến, thì đừng để cho họ sống một mình trong đời ẩn tu trước khi được trải nghiệm đời sống cộng đoàn tại một đan viện nào sẵn sàng đón nhận trong một thời gian thích hợp; để đáp lại sự đón tiếp này, họ sẽ làm việc cho đan viện.

35. Sự huấn luyện cần phải có tính liên tục và chuyên cần. Để giúp cho việc huấn luyện này, Giám mục hoặc đại diện có thể triệu tập những cuộc gặp gỡ huynh đệ định kỳ, cách riêng nhân dịp các mùa phụng vụ (Mùa Vọng, Mùa Giáng sinh, Mùa Chay, Mùa Phục sinh) mà ẩn sĩ cần phải sống sâu đậm. Trong nếp sống cô tịch, thật là cần thiết những cuộc gặp gỡ như vậy, để có cơ hội đối thoại và trao đổi kinh nghiệm, và nhất là những buổi cầu nguyện chung giữa những người cùng theo đuổi một chí hướng. Những buổi hội chung không ngăn trở cũng không loại trừ sự thăm viếng huynh đệ, kín đáo và xây dựng, giữa những người đã chọn ơn gọi sa mạc.

Việc cam kết

36. Sau khi mãn thời kỳ phân định, huấn luyện và thử thách, Giám mục nhìn nhận ẩn sĩ được tận hiến cho Thiên Chúa trong Hội thánh qua việc tuyên giữ công khai ba lời khuyên Tin Mừng[18], hoặc dưới hình thức lời khấn hay dưới hình thức lời hứa, và lúc đầu trong thời gian ba năm, rồi sau đó với thời hạn vĩnh viễn. Nếu đương sự đã tuyên khấn trọn đời trong một dòng tu, thì sự thánh hiến ấy vẫn giữ nguyên giá trị, và chỉ thêm một lời hứa đặc biệt sẽ sống đời ẩn sĩ gắn liền với một giáo phận.

Nếu là một giáo sĩ thuộc về giáo phận khác, thì do lời tuyên giữ vĩnh viễn sẽ được nhập tịch vào giáo phận của chúng tôi, và cần thông báo điều này cho Giám mục liên hệ. Chiếu theo luật Giáo hội về đời thánh hiến, “trước khi tuyên khấn vĩnh viễn, cần phải làm chúc thư, có hiệu lực đối với dân luật nữa”[19].

37. Việc tuyên khấn hay tuyên hứa trong tay Giám mục sẽ diễn ra tại giáo xứ mà ẩn sĩ cư ngụ, nếu có thể được, trong khung cảnh buổi cử hành Thánh Lễ, với sự tham dự của cộng đồng các tín hữu địa phương, ngõ hầu ẩn sĩ cảm thấy mình được liên hết với giáo phận qua cộng đồng giáo xứ.

38. Về phía Giáo phận, qua Giám mục hay đại diện, điều cam kết là sẽ tìm những địa điểm thuận tiện dành cho những tín hữu được Thánh Linh mời gọi vào nếp sống này. Một hợp đồng sẽ được ký kết với Giám mục nếu địa điểm ấy thuộc quyền sở hữu của giáo phận, hoặc với sở hữu chủ của nơi ấy, xác định cụ thể những điều kiện về việc sử dụng hoặc cư trú. Địa điểm ấy có thể là một chỗ ẩn cư đã có từ xưa, hoặc một nhà xứ ở thôn quê, hoặc một nơi ở thành phố. Cũng có thể chấp nhận các “laura” (những chòi của các ẩn sĩ sống cạnh nhau trên sa mạc, nhưng mỗi người theo một luật riêng tự lập).

39. Giám mục hoặc đại diện có nghĩa vụ phải trông nom những người đã chấp nhận nếp sống ẩn sĩ dựa theo quy chế này, theo dõi đời sống tâm linh, sức khoẻ thể lý, tâm trạng của họ, cũng như những vấn đề khác nảy sinh do nếp sống này.

Giám mục và ẩn sĩ sẽ cùng nhau tìm cách giải quyết những vấn đề bảo hiểm y tế và tuổi già, làm sao để không tạo ra gánh nặng cho bất kỳ ai, mặc dù luôn luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Cha trên trời. Cũng cần đạt được sự thoả thuận về việc bảo tồn nơi cư ngụ, và nên nhớ rằng sự hiện diện của ẩn sĩ là một sự bảo đảm cho căn nhà được duy trì an toàn.

40. Về phía ẩn sĩ, việc cam kết là sống cách quảng đại bền bỉ và luôn mới mẻ việc đi theo Chúa Kitô qua ba lời khuyên Tin Mừng đã được tuyên giữ công khai trước mặt Hội thánh. Ẩn sĩ sống ba lời khuyên này như là biểu lộ lòng yêu mến Đức Kitô, hy vọng vào Người là Đấng đã kêu gọi mình vào nơi thinh lặng chiêm niệm của sa mạc để “thỏ thẻ lòng với lòng”.

41. Sự khiết tịnh vì lòng yêu mến Nước Trời là một sự cam kết yêu mến Chúa Giêsu cách say mê đến nỗi ẩn sĩ đi tìm kiếm Người hơn tất cả mọi sự, và tuy không hững hờ với các thực tại trần thế hoặc các biến cố xã hội, ẩn sĩ mang lại một chứng tá vui tươi và hy vọng về tình yêu hoàn toàn và phổ quát dành cho Thiên Chúa là Cha và cho anh chị em.

Ẩn sĩ chứng tỏ cho thấy rằng ngay từ nơi đây và lúc này Thiên Chúa có thể làm tràn đầy một cuộc đời bằng tình yêu, loại trừ sự ích kỷ và khép kín. Ẩn sĩ cũng làm chứng cho những thực tại sẽ đến trong tương lai vĩnh hằng, khi người ta “không cần dựng vợ gả chồng nữa”.

42. Sự khó nghèo của ẩn sĩ là một sự cam kết triệt để hạn chế những tiêu pha đến mức tối thiểu về nhà cửa, vật dụng, di chuyển, vv, bởi vì đối với ẩn sĩ, kho tàng duy nhất là chính Đấng lấp đầy con tim của kẻ đi tìm kiếm. Ẩn sĩ sống nhờ hoa trái của việc làm, hoặc tại nơi cư ngụ hoặc ở gần đó, để kiếm kế sinh nhai, nhưng không đánh mất bình an trong tâm hồn. Cần phải để ý đừng để cho lao động lấn át thời gian dành cho việc cầu nguyện, hoặc trở thành duyên cớ thoái thác để tránh cảnh cô tịch của sa mạc.

Dù không bao giờ ăn không ngồi rồi, nhưng ẩn sĩ cũng cần làm chứng tá về sự tín thác vào Cha trên trời là nguồn mạch của mọi tài nguyên. Ẩn sĩ hãy chia sẻ hoa trái việc làm của mình với những người nghèo. Ít nhất là mỗi năm một lần, ẩn sĩ sẽ duyệt lại sổ chi tiêu với Giám mục hoặc đại diện; điều này không phải là để kiểm soát nhưng là để phân định lòng trung thành đối với đức khó nghèo Tin Mừng mà đời ẩn sĩ muốn diễn tả.

43. Sự vâng lời, tuy có vẻ như nghịch lý, nhưng là một lời cam kết làm nổi bật căn tính chính thức của một ẩn sĩ. Luôn luôn tìm kiếm ý của Cha trong mọi sự là một yêu sách rất mạnh mẽ ở nơi người sống trên sa mạc và có lẽ dễ dàng tuân hành ý của Ngài hơn. Sự vâng lời nằm ở chỗ ngoan ngoãn với những thúc đẩy của Thánh Linh, và được diễn tả cụ thể qua việc tùng phục sự hướng dẫn của Giám mục, theo bản luật sống của mình, cũng như tuân theo những lời khuyên răn của linh hướng.

Vâng lời cũng là tuân theo những đặc trưng làm nên đời sống ẩn sĩ, trong khuôn khổ của sự tự do tự trị của lối sống đặc biệt này. Nhất là vâng lời là trung thành với Tin Mừng Chúa Giêsu, với tâm tình thuận tuân giống như Đức Maria Nazareth khi nói: “Xin cho Lời Chúa thực hiện nơi tôi”.

44. Ẩn sĩ cũng cam kết trở nên một con người đầy tràn niềm vui Phục sinh, niềm vui của Tin Mừng Nước Trời, giống như người kia tìm được kho tàng ở trong một thửa ruộng, và “lòng đầy hoan hỉ, bán hết tất cả những gì mình có để tậu thửa ruộng ấy” (Mt 13,44).

Ẩn sĩ đã gặp được kho tàng ẩn giấu đó. Trên hết, ẩn sĩ đi tìm Đấng là nguồn mạch của hân hoan và cố gắng sống cho Người là Đấng đã mời gọi mình sống các chân phúc với tấm lòng quảng đại dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh. Đức Giêsu, nhà ẩn sĩ tiên khởi, đồng hành với họ bằng mẫu gương, sức mạnh và hy vọng. Điều này làm cho họ cảm thấy hạnh phúc giữa những hiểu lầm và chỉ trích của những người đời vì cho rằng họ là hạng vô tích sự.

Như một nhà chiêm niệm, họ đánh giá sứ mạng đặc biệt của mình trong Hội thánh, một cuộc đời cầu nguyện và ẩn kín trong Thiên Chúa, kết hiệp với vị thầy và người bạn của mình đã từng bị hiểu lầm và bách hại; đó là cuộc chiến đấu thiêng liêng trong sa mạc, nhờ đó họ gặp thấy Đấng chịu đóng đinh trên thập giá và phục sinh[20].

Sự rời bỏ sa mạc

45. Người nào còn đang thử nghiệm đời sống ẩn tu có thể chấm dứt sa mạc bất cứ lúc nào, khi nhận thấy rằng đây không phải là con đường của mình, sau khi đã phân định và bàn hỏi với Giám mục hoặc đại diện.

46. Một khi đã tuyên khấn hoặc tuyên hứa, nếu đương sự nghĩ rằng mình phải từ bỏ hình thức tận hiến này, sau khi đã suy nghĩ chín chắn và bàn hỏi với linh hướng, thì họ viết đơn trình bày cho Giám mục những lý do thúc đẩy mình xin chuẩn chước lời khấn và trở về thế gian. Đây sẽ là một sự rời bỏ sa mạc cách dứt khoát, và không thể nào trở về lại trong giáo phận này nữa.

47. Nếu ẩn sĩ nào không tuân giữ Quy chế này, và nếp sống của họ không tương hợp với tinh thần đời ẩn tu, thì Giám mục, sau khi đã sửa bảo huynh đệ, có thể mời họ rời bỏ lối sống này. Nếu họ không chấp nhận lời khuyến cáo của Giám mục thì, qua một nghị định, ngài có thể công khai tuyên bố rằng giáo phận không nhìn nhận đương sự như là một ẩn sĩ nữa.

48. Tuy nhiên, tín thác vào Chúa là Đấng cứu độ chúng ta, nhờ chú tâm đến Lời của Chúa, hiệp thông trong Mình và Máu Thánh của Người, và nhờ chiêm ngưỡng Đức Maria là Trinh nữ tín trung, ẩn sĩ sẽ được củng cố trong lòng trung thành vào những lúc khó khăn trên hành trình vượt qua sa mạc, cho tới khi đạt tới mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi, là Cha, Con và Thánh Linh. Vinh danh Ngài muôn đời.

Quy chế này được ban hành do nghị định của đức cha Jaume Pujol Balcells,Tổng Giám mục Tarragona ngày 10 tháng Giêng năm 2006.

____

[1] X. Phan Tấn Thành, Truyền thống tâm linh trong các Giáo hội Đông phương (Đời sống tâm linh Tập V), Rôma 2005, tr. 33-70.
[2] Sđd, tr. 151. Bên các Giáo hội Đông phương, Cassianus và Gioan Climacus quan niệm đời ẩn sĩ ở cấp cao hơn cộng đoàn (tr. 104; 146), khác với quan điểm ngược lại của thánh Basiliô (tr. 128).
[3] X. Phan Tấn Thành, Những hình thức tu trì Kitô giáo (Đời sống tâm linh Tập VI) Rôma 2006, tr. 75-76.
[4] Bộ Giáo luật dành cho các Giáo hội Đông phương nói nhiều hơn đến các ẩn sĩ, dưới hai hình thức: 1/ Thành viên của một đan viện (đ.481-485). 2/ Biệt lập (đ.570).
[5] Nên ghi nhận là Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo liệt kê các hình thức đời sống thánh hiến theo thứ tự lịch sử, khởi đầu với đời ẩn tu (số 920-921), rồi đến các trinh nữ và goá phụ (số 922-924), các dòng tu (số 925-927), tu hội đời (số 928-929), tu đoàn tông đồ (số 928-929).
[6] Nguồn: Estatutos de Vida Eremítica
[7] Bộ Giáo luật, điều 603.
[8] Bộ Giáo luật, điều 603.
[9] Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 921.
[10] x. Bộ Giáo luật, điều 603 §2.
[11] Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 921.
[12] Bộ Giáo luật, điều 663.
[13] X. Bộ Giáo luật, điều 603 §1)
[14] Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 921.
[15] Bộ Giáo luật, điều 1249.
[16] Bộ Giáo luật, điều 603.
[17] Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 921.
[18] X. Bộ Giáo luật, điều 603 §2.
[19] Bộ Giáo luật, điều 668 §1.
[20] Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 921.