Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

THẦN HỌC VỀ CÁC HÌNH THÁI LỊCH SỬ CỦA ĐỜI THÁNH HIẾN

Thời sự Thần học – Số 66, tháng 11/2014, tr. 37-46

Carlos Alfonso Azpiroz Costa, O.P.


Đây là bài phát biểu của cha cựu Tổng quyền Dòng Đa Minh tại buổi hội thảo của các bề trên tổng quyền tại Rôma vào ngày 9 tháng 2 năm 2011.[1] Khi phân tích sáu hình thái của đời sống thánh hiến, tác giả nhận thấy rằng đây không phải là một sự tiến hóa, nhưng là sự tiến triển nội tại của đời thánh hiến dưới những chiều kích khác nhau, đặc biệt nhìn trong mối tương quan với Thiên Chúa, với con người, với xã hội.

Nhập đề


Trong lịch sử muôn sắc của đời thánh hiến Kitô giáo, thật là khó phác họa những nét thần học chính, vì thế cần phải giới hạn đề tài. Khi nói đến thần học các hình thái lịch sử của đời thánh hiến, tôi chỉ muốn xét đến những hình thức lịch sử của đời sống thánh hiến và khám phá những điểm nhấn khác nhau trong quan niệm về Thiên Chúa, về tương quan của Ngài đối với thế giới và đặc biệt về tương quan của Ngài đối với con người là một loài thụ tạo độc đáo; rồi từ đó thử xem con người nghĩ gì về mình (tôi là gì trước mặt Thiên Chúa?), và tương quan của mình đối với Thiên Chúa, đối với thế giới và đặc biệt với những người khác.

Những hình thái chính của đời sống thánh hiến:

Chúng ta cũng cần giới hạn đề tài khi chọn lựa những hình thái lịch sử của đời sống thánh hiến. Tôi nghĩ có thể liệt kê sáu hình thái chính: đan tu (dưới hình thức ẩn sĩ hoặc cộng đoàn), các anh em hành khất, các linh mục dấn thân cho tác vụ, các tu sĩ phục vụ, những nhà chiêm niệm trên đường phố, những người tận hiến đời mình cho thế giới mà Đức Kitô là Vua[2].

Giữa tất cả các hình thái ấy, có vài điểm cơ bản chung, trước hết là sống trinh khiết hoặc độc thân (cảm nghiệm và dấu chỉ của sự dấn thân cho Nước Trời với “con tim không chia sẻ, nói theo kiểu của 1Cr 7,32-35), và khuynh hướng cánh chung (biểu lộ sự khai mào của một thực tại “chưa” hoàn toàn hiện thực nhưng đã bắt đầu tác động). Bây giờ chúng ta thử khám phá những điểm nhấn thần học khác nhau giữa các hình thái nói trên.

Trước khi đi vào chi tiết, thiết tưởng nên lưu ý một điều: không nên nhìn các hình thái này như một sự tiến hoá (tựa hồ cái mới loại bỏ cái cũ bởi vì đã lỗi thời), nhưng nên xem như một lộ trình, trong đó thỉnh thoảng có những lúc dừng chân quay lại phía sau và nhắc nhớ vài yếu tố xem ra đã bị quên lãng (từ đó có những cuộc “cải tổ”, “canh tân”, vv). Ta có thể hình dung lịch sử đời tu như một lộ trình tìm kiếm Thiên Chúa nhìn như là Đấng Tuyệt đối, như là Đấng Tuyệt hảo, Hạnh phúc tối hậu và duy nhất của con người. Đối diện với Ngài, con người nhận thấy mình phải đảm nhận trách nhiệm về cuộc đời của mình, về sự nên thánh của mình, về sự sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa như là Đấng Tạo thành, Cứu chuộc và Thánh hóa lịch sử nhân loại; từ đó con người muốn hợp tác với kế hoạch của Ngài là cứu độ hết mọi người (x. 1Tm 2,4), bằng cách “trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1Cr 9,22).

1. Đan tu


Trong viễn ảnh này, chúng ta có thể bắt đầu với những hình thức “khổ hạnh” đã phát triển trước đời đan tu, trong thời kỳ Giáo hội còn phải ẩn tránh và Kitô giáo chưa được chính quyền nhìn nhận, rồi đến đời đan tu khởi sự từ bên Đông phương (kể từ thế kỷ IV) và truyền sang bên Tây, dưới nhiều hình dạng, khi thì đơn độc khi thì cộng đoàn. Hình thức đan tu nêu bật (đôi khi có hơi thái quá và cần phải giảm bớt), sự cần thiết phải “ra khỏi” thế gian (kể cả khi thế gian đã trở lại đạo Kitô) để có thể trở nên người Kitô hữu trọn vẹn. Việc tìm kiếm Đấng Tuyệt đối được diễn tả cụ thể ra những hình thức và nếp sống tuyệt đối kể cả về phương diện thời gian và không gian: fuga mundi (trốn lánh thế gian), sự tự trị của các đan viện (tự túc về kinh tế), những thời giờ cầu nguyện kéo dài suốt ngày, những thể thức khó nghèo cùng cực và tách biệt khỏi trần thế, giữ chay tịnh nghiêm nhặt.

Lý do biện minh cho sự từ bỏ này là cần phải tránh lánh tội lỗi dưới bất cứ mọi hình thức, (với nguy cơ là lên án mọi thực thể vật chất, từ thân xác cho đến hôn nhân, và dễ rơi vào thuyết nhị nguyên). Tuy nhiên, sự từ bỏ chỉ là khía cạnh “tiêu cực”; khía cạnh “tích cực” là cố gắng thực hiện triệt để những yêu sách của Tin Mừng. Tiếc rằng lý tưởng này chỉ có thể thực hiện được bởi một số ít người đã gia nhập đan viện (những thành phần còn lại của Dân Chúa xem ra không thể nào đạt được sự trọn lành).

2. Cộng đồng anh em hành khất


Hồi thế kỷ XIII, thánh Phan Sinh và thánh Đa Minh đã mở ra những viễn ảnh mới, nhờ cảm nghiệm cá nhân với Đức Kitô và lòng tôn kính nhân tính của Người. Các ngài đã khởi xướng một hình thức tu trì mới, nhưng đồng thời cũng đáp ứng với yêu sách mới của một xã hội muốn thoát khỏi chế độ phong kiến và bắt đầu trải nghiệm của những công xã tự do (thực vậy, một quy chế của những công xã này – tựa như Bergamo, Perugia - nhắc đến các anh em hành khất, và được ký kết ngay tại các tu viện của họ). Hình thái mới này duy trì nhiều tập tục khổ hạnh của đời đan tu, nhưng các tu sĩ hoà nhập vào nếp sống mới của các đô thị và các đại học (việc học hành thay thế cho lao động chân tay như hình thức khổ hạnh), đặc biệt họ vay mượn hình thức dân chủ trong việc cai quản (các bề trên được bầu lên).

Một trong những điểm mới mẻ đáng kể nhất là kết hợp đời sống tu trì với chức linh mục. Điều này đã được nổi bật nơi Dòng Đa Minh ngay từ buổi đầu, và được Dòng Phan Sinh du nhập sau khi đã thành lập được vài năm. Bắt chước nếp sống các tông đồ, ban các bí tích (cách riêng bí tích thống hối), linh hướng: đó là những lý tưởng để sống hòa nhịp vào đới sống thường nhật của các thành thị.

3. Những dòng giáo sĩ kỷ luật


Bên cạnh những dự án phục hưng hoặc cải tổ các Dòng hành khất kể từ cuối thế kỷ XIV cho đến suốt thế kỷ XVI (với vài khuôn mặt nổi bật như chân phúc Raymundo Capua, + 1399; thánh Bernardinô Siena, + 1444; Matthêu Bascio, + 1552; thánh Terêsa Giêsu, + 1582, vv…), nhiều dòng mới đã ra đời hoặc trước, hoặc đang hoặc sau công đồng Trentô. Từ dòng giáo sĩ kỷ luật thánh Teatinô (1524) cho đến Hội Thừa sai Paris (1660), Những dòng mới này thì khá nhiều và thời danh (Dòng Barnabiti, 1530; Dòng Somaschi, 1534; Dòng Tên, 1540; Dòng Oratorio, 1575; dòng thánh Camillo, 1582; dòng Scolopi, 1617; Tu đoàn Thừa sai thánh Vinh Sơn, 1625…)

Đặc trưng của hình thái này là chủ trương “linh mục cải cách”, dấn thân vào những tác vụ tông đồ khác nhau; một vài dòng còn duy trì những hình thức kỷ luật của các Dòng cổ, nhưng họ không có tu phục riêng. Ngoài lời khấn khiết tịnh, các phần tử cam kết đời sống chung, chuyên cần với việc coi sóc các linh hồn (đôi khi còn mở rộng tầm mức ra toàn thế giới), nêu bật sự quan tâm và phục vụ con người toàn diện. Đứng trước những thách đố của phong trào Nhân Văn và Cải Cách, họ muốn mang lại một giải đáp chính xác: cần có một hàng linh mục được chuẩn bị kỹ lưỡng, có khả năng đi gặp gỡ những môi trường hoạt động tông đồ đa dạng: từ các trường trung và đại học cho đến các công tác bác ái xã hội. Lòng trắc ẩn đối với những thành phần thấp bé trong xã hội (đã chớm nở tại các đan viện và tu viện qua các tổ chức “chí nguyện” và “cầm đồ”[3]) trở thành khởi điểm của một chiến dịch rộng lớn cổ động tình liên đới nhân loại.

4. Những dòng phục vụ


Những mầm mống của tình liên đới và dấn thân phục vụ (vốn tiềm ẩn từ đời đan tu và được phát triển nơi các dòng hành khất) đã có cơ hội “bùng nổ” vào các thế kỷ XVI-XVII, đặc biệt nhờ các nữ tu. Chúng ta đã biết những khó khăn mà các nữ tu phải đương đầu, khi từ nếp sống đan tu họ muốn chuyển sang nếp sống “phục vụ”[4] những người đau khổ, giáo dục các thanh thiếu niên, góp phần vào việc thăng tiến phụ nữ. Dĩ nhiên, hình thái tận hiến “phục vụ” không chỉ dành riêng cho phụ nữ, bởi vì cũng có rất nhiều dòng nam được thành lập nhằm mục tiêu giáo dục và xã hội, nhưng phải nhìn nhận số các dòng nữ “phục vụ” đông hơn nam giới nhiều[5]. Những dự án đầu tiên (Angela Merici +1540, thánh Phanxicô de Sales +1622) đã gặp rất nhiều khó khăn về phía giáo quyền; mãi về sau mới được giáo luật nhìn nhận như là tu sĩ “hạng nhì” (không được khấn trọng mà chỉ khấn đơn, lúc đầu là lời hứa từng năm một, sau đó mới được khấn tạm, rồi khấn trọn đời..).

Những dòng “phục vụ” đã đóng góp rất lớn cho xã hội, không những qua việc giúp đỡ những cá nhân gặp cảnh túng thiếu cơ cực, nhưng còn qua việc canh tân các thể chế của xã hội (trường học, bệnh viện). Những hoạt động của họ đôi khi cũng gặp phải sự “cạnh tranh” của các chính quyền trong cố gắng cải thiện đời sống dân nghèo, nhưng mang theo tâm trạng chống đối tôn giáo.

Điều đáng khâm phục nơi các hội dòng này là sự xả thân phục vụ những hạng “cùng đinh” trong xã hội, vì nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô nơi những “người em bé nhỏ”. Tuy nhiên, dưới một phương diện khác, ta thấy có lỗ hổng của họ về sự đào tạo: trình độ văn hóa không được nâng cao lắm, và sự huấn luyện thần học cũng vậy. Vì thế người ta chú ý đến các hình thức đạo đức bình dân hơn là phụng vụ và Lời Chúa.

5. Chiêm niệm “ngoài đường phố”


Nhìn tổng quát, người ta có cảm tưởng đời tu bắt đầu từ chỗ “từ bỏ thế gian” để vào sa mạc, rồi sau đó từ sa mạc lại “trở về thế gian” để phục vụ xã hội. Tuy nhiên, lịch sử không tiến triển theo đường hướng một chiều như vậy. Dọc theo dòng thời gian, ta thấy nảy lên những dòng muốn trở lại với “thuở ban đầu” của nếp sống ẩn tu. Một thí dụ: vào năm 1523, chân phước Paolô Giustiniani, một nhà học thức thuộc dòng quý tộc ở Venezia, đã thiết lập dòng ẩn sĩ Camaldoli, với lý tưởng chiêm niệm và ẩn tu, hoàn toàn tách biệt với thế gian, và đời sống chung cũng được rút gọn đến mức tối thiểu. Kể cả ngày nay, các phụ nữ cũng không được phép vào nhà thờ của đan viện để tham dự phụng vụ.

Tuy nhiên, cũng trong khát vọng trở về với đời chiêm niệm, ta lại thấy một khuynh hướng đối ngược (hay đúng hơn bổ túc) để sống chiều kích chiêm niệm. Đó là Dòng Tiểu muội Chúa Giêsu (do chị Madeleine Hutin thành lập năm 1939, theo tinh thần của chân phúc Charles de Jésus – de Foucaud) và Dòng Thừa sai Bác ái (do Mẹ Têrêsa Calcutta lập năm 1950): họ chủ trương sống đời chiêm niệm sâu đậm nhưng ở giữa sinh hoạt thường nhật. Các chị sống trong những cộng đoàn bé nhỏ, giữa những người “cùng đinh”, cùng chia sẻ kiếp sống nghèo khổ với họ, nơi những túp lều lụp xụp, gần bên những người đang hấp hối. Các chị luôn sẵn sàng đến với những thành phần thấp bé của xã hội, không những niềm nở đón tiếp họ mà còn đi tìm kiếm họ để chia sẻ kiếp sống bấp bênh của họ. Đây là một thứ “chiêm niệm ngoài đường”: trong việc thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, họ chiêm ngắm Thiên Chúa là Emmanuel, người anh cả của nhân loại, người bạn của dân nghèo.

6. Thánh hiến giữa đời


Các hình thái đời tận hiến đều duy trì chiều kích cánh chung, nhưng các Tu hội đời muốn nêu bật sự dấn thân vào thế gian, sống thánh hiến giữa đời.

Động lực của hướng đi mới này – thánh hoá đời ngay giữa lòng đời – là mầu nhiệm Nhập thể và Tạo dựng do lòng thương yêu thế gian. Thực ra, hình thái thánh hiến này thật khó nhận biết, bởi vì không dễ gì phân biệt một “thành viên của Tu hội đời”, với một “giáo dân tận hiến trong một hiệp hội giáo dân”, đó là chưa nói đến tình trạng của một giáo dân của một Tu đoàn tông đồ (không có lời khấn). Tuy nhiên, chúng ta tạm gác câu chuyện bản chất pháp lý sang một bên, và cố gắng khám phá chiều kích thần học của hình thái này. Như vừa nói, bất cứ hình thái tận hiến nào cũng bao hàm chiều kích cánh chung, và bất cứ hình thái nào cũng bao hàm sứ mạng làm chứng tá. Tất cả mọi tín hữu đều được sát nhập vào Đức Giêsu Kitô, là Chủ tể của vũ trụ, Đấng đã nhập thể - chết – phục sinh – lên trời – phái Thánh Linh đến thế gian, và đã được mời gọi vào tình tri âm với Thiên Chúa; điều này cũng bao hàm một sứ vụ là loan báo Tin Mừng vừa nói, ngõ hầu “niềm vui được nên trọn” (Ga 15,11; 1 Ga 1,4; x. Ga 16-22-24). Ơn gọi được tháp nhập vào Đức Kitô là loan báo Tin Mừng được thực hiện trong lịch sử, trong thế giới, một cách triệt để: các thành viên Tu hội đời muốn thuộc về Đức Kitô qua việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm, đồng thời họ cũng đảm nhận một trách nhiệm trong trần thế nhằm cố gắng thánh hoá trần thế; như thế họ góp phần vào việc phát triển “thế giới mới” của Tin Mừng, ngõ hầu thay đổi bộ mặt của vũ trụ, chuẩn bị cho thời đại của “Trời mới đất mới” (Kh 21,1).

Kết luận


“Gió thổi đâu tùy ý ... ai được sinh ra bởi Thánh Linh cũng vậy” (Ga 3,8). Thánh Linh thổi ... nhưng không phải theo kiểu lợi dụng con người làm phương tiện nhằm xây dựng một đồ án gì đó. Không phải, chủ ý thâm sâu nhất của Thánh Linh là cống hiến cho con người sự hiểu biết Thiên Chúa (x. Is 45,3-4), hiệp thông với Thiên Chúa; tắt một lời, đó là thánh hóa con người (Lv 19,2 và 1 Tm 2,4). Tuy nhiên mối tương quan này không chỉ xảy theo một tiến trình duy nhất hoặc riêng tư. Tất cả mọi người đều được mời gọi nên thánh, nhưng qua nhiều đường lối khác nhau bằng những dịch vụ khác nhau (Ep 4,11-13; x 1Cr 12,27-30).

Đời sống thánh hiến được thể hiện qua những hình thức chứng tá cụ thể và mới mẻ của lịch sử, mang những dấu ấn của tình hình Giáo hội và chính trị, với những đáp án vừa nhiều vừa đa dạng. Tính đa dạng của các hồng ân cho thấy sự phong phú vô lượng của Thiên Chúa và khả năng của thế giới luôn sẵn sàng đón nhận những lời mời gọi mới đến chia sẻ sự hoàn thiện của Ngài (x. Dt 1,1-3).

Chúng ta hãy nhìn rộng ra hơn nữa đến chân trời của toàn thể nhân loại và hướng về tương lai, chúng ta sẽ thấy các nền văn hóa muôn màu cùng với những bản sắc phong phú của các dân tộc. Chắc chắn những hình thái của đời sống tận hiến sẽ còn tăng thêm nữa, vừa đáp ứng với những đòi hỏi của lịch sử vừa duy trì lòng khát vọng cánh chung của Giáo hội: các hình thái đời tận hiến diễn tả Thiên Chúa là Đấng siêu việt tuyệt đối nhưng đồng thời cũng là một Đấng giàu lòng thương xót vô tận, luôn quan tâm đến loài người. Đời sống thánh hiến muốn loan báo và làm chứng cho Thiên Chúa cho trần thế, ngõ hầu Ngài trở thành tất cả trong mọi sự (x. 1Cr 15,28).

_______
[1]Nguyên tác: Lettura teologica delle principali forme storiche di vita consacrata, đăng trên mạng : www.vidimusdominum.org. Những chú thích cuối trang là của người dịch.
[2] Nên biết là có nhiều tiêu chuẩn để phân loại các hình thái đời sống thánh hiến. Bộ Giáo luật phân biệt xét theo khía cạnh cơ cấu: Dòng tu, Tu hội đời, Tu đoàn tông đồ, Ẩn sĩ, Trinh nữ tận hiến. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 920-930) phần nào cũng dựa theo tiêu chuẩn ấy: Ẩn sĩ, trinh nữ và goá phụ tận hiến, Dòng tu, Tu hội đời, Tu đoàn tông đồ. Tông huấn Vita consecrata (số 6-12) để ý đến tiêu chuẩn lịch sử và thần học: Đan tu, Trinh nữ - Ẩn sĩ - Góa phụ, Dòng thuần tuý chiêm niệm, Dòng tông đồ, Tu hội đời, Tu đoàn tông đồ. Tuy nhiên, các sử gia ghi nhận nhiều sắc thái khác biệt giữa các Dòng tu: Dòng hành khất thời Trung cổ có những nét khác với các Dòng giáo sĩ kỷ luật thời cận đại, đó là chưa nói đến các Dòng chuyên lo việc bác ái xã hội ở những thế kỷ gần đây.
[3] Phong trào “tình nguyện viên bác ái” (Le Misericordie) bắt nguồn từ tu viện Đa Minh Firenze năm 1244 do sáng kiến của thánh Phêrô Verona. Các “tiệm cầm đồ” (Monte di pietà: theo nghĩa đen là “núi đạo đức”, bởi vì được thành hình bởi những số vốn của các nhà hảo tâm đóng góp để cho những người nghèo vay, với tiền lãi rất thấp), bắt nguồn từ tu viện Phan Sinh Perugia khoảng năm 1462.
[4] Trong nguyên bản là “diakonia”, gốc Hy lạp có nghĩa là “phục vụ”. Sau công đồng Trentô, cuộc cải tổ đời sống tu trì nữ giới muốn siết chặt kỷ luật nội vi; điều này đã gây khó khăn cho những hội dòng hoạt động bác ái (điển hình là dòng thánh Vinh sơn): họ không được nhìn nhận là “nữ tu có lời khấn”. Vì thế hội dòng “nữ tu hoạt động” ở trong tình trạng “tu chui”, mãi cho đến năm 1900 (tông hiến Conditae a Christo) thì mới được nhìn nhận là nữ tu “chính hiệu”.
[5] Từ thế kỷ XIX trở đi, số các dòng nữ (thuộc giáo phận hay thuộc Tòa Thánh) vượt xa các dòng nam, chiếm khoảng 70% tổng số tu sĩ.