Thời sự Thần học, số 64, tháng 5/2014, tr. 212-215.
Tsth
Sau những lời giới thiệu, cuốn sách mở đầu với bài nghiên cứu của linh mục chủ biên với tựa đề “Tiếng nói phổ quát của đức khôn ngoan trong gia đình: đọc lời khuyên răn của người cha (Cn 23,15-28) trong bối cảnh của các lời răn dạy miền Cận Đông Cổ và trong các ngạn ngữ Việt Nam”[2]. Tác giả phân tích đoạn văn và đối chiếu với các truyền thống của miền Cận đông, và khám phá rằng đức Khôn ngoan của Cựu Ước (nghĩa là của dân Israel) có nhiều điểm chung với các nền văn hoá láng giềng; hơn thế nữa, tác giả cho thấy nhiều điểm tương tự giữa Lời Chúa và các tục ngữ Việt Nam xét về văn thể cũng như nội dung. Từ chỗ khảo sát một đoạn văn của truyền thống khôn ngoan trong Cựu Ước, tác giả rút ra hai nguyên tắc quan trọng về sự hoà nhập: a) Kinh Thánh, xét như là lời của Thiên Chúa trong lời của con người, đã tương tác với các truyền thống văn hoá kế cận trong giai đoạn thành hình và truyền thông[3]; b) do đó, khi đọc Kinh Thánh trong một bối cảnh văn hoá sẽ giúp cho sứ điệp Kinh Thánh (mạc khải) được tương tác lần nữa với một nền văn hoá đặc thù, và mang lại nhiều hoa trái đầy hứa hẹn về thần học và tâm linh[4]. Đoạn văn Cn 23,15-28 cho thấy có một cuộc gặp gỡ giữa Kinh Thánh và văn hoá, và giúp cho ta khám phá tiếng nói của Thánh Linh, semina Verbi – những hạt giống của Lời -, trong truyền thống bình dân của Việt Nam.
Bài nghiên cứu thứ hai của bà Trần Thị Lý cũng còn nằm trong Cựu Ước, nhưng không tập trung vào một đoạn văn mà là toàn bộ một tác phẩm. Tác giả khảo sát sách Diễm Ca từ viễn ảnh của ngôn ngữ tình yêu, và so sánh với truyền thống văn chương Việt Nam, và khám phá nhiều điểm tương đồng thú vị cũng như những sự khác biệt[5].
Trong bài nghiên cứu thứ ba, linh mục Phạm Quý Trọng chú ý đến một chủ đề của Tân Ước: “Đức Giêsu là Con Thiên Chúa”. Bằng cách nào ta có thể đưa ý tưởng này vào văn hoá Việt nam?[6] Trước hết, tác giả khảo sát tiến trình thành hình tước hiệu “Con Thiên Chúa” trong văn hoá Hy Lạp và trong Hội thánh tiên khởi, rồi tìm cách diễn đạt qua các phạm trù quen thuộc của văn hoá Việt Nam, tựa như: Thiên tử, Người Con hiếu thảo, Trưởng tử, Tổ tiên.
Dưới những góc cạnh khác nhau, cả ba tác giả đều chia sẻ cùng một nguyên tắc về phương pháp làm việc. Trước hết, cần tìm hiểu khung cảnh văn hoá của miền Cận Đông, nơi biên soạn Kinh Thánh; kế đó khảo sát các yếu tố trong văn hoá Việt Nam, từ đó tìm ra những điểm gặp gỡ giữa các nền văn hoá tuy xa cách nhau về địa lý.
Đây chỉ là một bước đầu trong một dự án lâu dài bao gồm việc đối chiếu hai truyền thống văn hoá, bằng cách khảo sát những tục ngữ, ca dao, truyền kỳ trong văn chương Việt Nam và trong Kinh Thánh, để từ đó so sánh những điểm tương đồng và dị biệt dưới khía cạnh hình thức (hình ảnh, ẩn dụ), cũng như dưới khía cạnh ý niệm và tư tưởng (xoay quanh bốn chủ đề lớn: con người, thần linh, xã hội, đời sống). Cuộc nghiên cứu còn có thể mở rộng đến truyền thống văn chương của các dân tộc tại Á châu.
Cha Nhuệ đang ôm ấp việc thiết lập một viện nghiên cứu văn hoá Á châu tại phân khoa thần học Seraphicum (Rôma). Cầu chúc cho dự án của cha sớm được thành tựu.
______
[1] Đức Hồng Y Carlo Martini S.J. (1927-2012), nổi tiếng về việc nghiên cứu Kinh thánh, từng là viện trưởng Học viện Biblicum Rôma (1969-78), và tổng giám mục Milano (1980-2002). Để tưởng nhớ ngài, tổng giáo phận Milano và dòng Tên đã thiết lập giải thưởng hằng năm để khuyến khích việc nghiên cứu Kinh thánh, và lần đầu tiên được trao tặng vào ngày 15/2/2014, kỷ niệm sinh nhật của ngài.
[2] The Universal Voice of Wisdom in the Family: Reading a Biblical Parental Discourse (Prov 23:15-28) in the Context of Ancient Near East Instructions and Vietnamese Folk Sayings
[3] X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ về Hội thánh trong thế giới ngày nay Gaudium et spes số 58: “Có nhiều dây liên kết giữa sứ điệp cứu độ và văn hoá nhân loại. Bởi vì khi Thiên Chúa mặc khải chính mình cho dân Ngài và đặc biệt khi tỏ mình trọn vẹn nơi Con Nhập thể, thì Ngài đã phán dạy theo văn hoá của mỗi thời đại”.
[4] Tông huấn hậu-thượng-hội-đồng Verbum Domini khẳng định: “Lời của Thiên Chúa, cũng như đức tin Kitô giáo, mang đặc tính liên văn hoá (intercultural), có khả năng gặp gỡ các nền văn hoá khác nhau, và giúp cho các nền văn hoá này gặp gỡ nhau” (số 114).
[5] The Language of Love in the Song of Songs and Love Lyrics in the Vietnamese Literature.
[6] Jesus as “Son of God” in the Vietnamese Culture: A Biblical-Theological Inquiry from the Inculturation Perspective.