Thời sự Thần học - Số 59, tháng 02/2013, tr. 197-207
Sandro Magister
Nhiều cơ quan thông tấn đã tường thuật các phiên họp Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XIII bàn về việc loan báo Tin Mừng mới mẻ để truyền đạt đức tin Kitô giáo (7-28/10/2012). Chúng tôi muốn dịch bài “nhật ký” của ký giả Sandro Magister (viết cho báo Espresso, Repubblica ngày 5/11/2012) lược tóm những nét nổi bật của khóa họp qua các kiến nghị, các bài phát biểu trong đó nổi bật nhất là “ba viên ngọc”[1]; tiếp đó là bài phát biểu của cha Adolfo Nicolas, tổng quyền Dòng Tên, phản ánh phần nào cảm tưởng thừa sai tại Viễn Đông nơi mà cha đã làm việc lâu năm. _Tsth chuyển ngữ_
I. Những kiến nghị
Thượng Hội đồng Giám mục khóa XIII, bàn về việc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ, đã kết thúc với việc đệ lên đức thánh cha Bênêđictô XVI 58 kiến nghị (propositiones). Các kiến nghị là một sơ đồ mà Đức thánh cha có thể sử dụng để soạn thảo tông huấn đúc kết những thành quả của kỳ họp[2]. Các kiến nghị đã được các nghị phụ tán thành với đa số rất cao, và đức hồng y Donald W. Wuerl, thuyết trình viên, đã tiết lộ rằng số phiếu “non placet” (không tán thành) không bao giờ vượt qua 10% khi bỏ phiếu về từng điều.
Dưới thời các vị tiền nhiệm của đức đương kim giáo hoàng, các kiến nghị đều được giữ kín, nhưng bởi vì có cả trăm người nắm bản văn trong tay cho nên đã được báo chí phổ biến rất nhanh. Đức Bênêđictô XVI, vừa muốn trong sáng vừa có đầu óc thực tế, đã quyết định ngay từ khóa họp đầu tiên vào năm 2005 là sẽ có một bản dịch “bán chính thức” được phổ biến cho báo chí trong thời gian gần (bản văn chính thức bằng tiếng Latinh). Lần này điều ấy cũng xảy ra.
Các kiến nghị của khóa họp này mang tính cách khuyên nhủ, và bao quát. Tuy nhiên cũng có vài ý tưởng cụ thể, chẳng hạn như:
– Yêu cầu Đức thánh cha (số 16) thiết lập một ủy ban đặc biệt gồm những đại diện thuộc nhiều miền trên thế giới, hoặc ủy thác cho Hội đồng Tòa thánh về Công lý và Hòa bình, để theo dõi những vụ tấn công quyền tự do tôn giáo.
– Ghi nhận rằng (số 18), ngoài tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông, “hình thức hữu hiệu nhất để thông đạt đức tin vẫn là chứng tá đời sống; nếu thiếu nó thì không phương tiện truyền thông đại chúng nào có thể chuyển tải hữu hiệu Tin Mừng.”
– Ý thức sự cần thiết (số 20) phải quan tâm và cổ võ phẩm chất của nghệ thuật có thể sử dụng trong các buổi cử hành phụng vụ.
– Yêu cầu (số 33) mỗi linh mục hãy coi bí tích Thống hối như là thành phần cốt yếu trong tác vụ của mình và của công cuộc loan báo Tin Mừng mới mẻ; và hãy dành thời giờ để nghe giải tội cho các giáo xứ. Cần phải tôn trọng các quy tắc giáo luật về việc cử hành bí tích này, nghĩa là xưng tội và giải tội cá nhân, và chỉ cử hành cách tập thể trong những trường hợp hết sức ngoại lệ như là chiến tranh.
– Yêu cầu các giáo phận và hội đồng giám mục (số 38) nghiên cứu thứ tự nào thích hợp nhất trong việc cử hành hai bí tích Rước lễ và Thêm sức. Thật ra, trong các cuộc bàn luận, các nghị phụ đã đặt vấn đề có nên duy trì hình thức hiện tại (Thêm sức sau Rước lễ) hay nên thay đổi thứ tự.
– Nhấn mạnh rằng (số 55) việc cổ võ sự đối thoại qua “Tiền đường dân ngoại” không được tách rời khỏi việc loan báo Tin Mừng.
– Đối với những đôi vợ chồng ly dị và tái hôn (số 48), các nghị phụ chỉ gợi ý rằng công cuộc loan báo Tin Mừng mới mẻ cần cố gắng giải quyết những vấn đề mục vụ được đặt ra: tình trạng của con cái họ, thân phận của những người vợ bị bỏ rơi, những đôi sống chung mà không cưới hỏi, xu hướng của xã hội muốn định nghĩa lại hôn nhân. Với tấm lòng hiền mẫu và tinh thần Tin Mừng, Giáo hội phải tìm cách đối phó với những tình trạng ấy như là một khía cạnh quan trọng của việc loan báo Tin Mừng mới mẻ. Nhưng không có lời yêu cầu nào thay đổi kỷ luật về việc rước lễ của những đôi ly dị tái hôn.
II. Những bài phát biểu
Đó là những điều nổi bật trong các kiến nghị. Nhưng các cuộc phát biểu trong các phiên họp thì phong phú hơn là các kiến nghị và sứ điệp kết thúc. Thật vậy, hầu hết 250 nghị phụ đều đã lên tiếng phát biểu. Trong số những vị “bự”, người duy nhất không nói gì là hồng y Christoph Schönborn, tuy ngài được bầu vào Ủy ban hậu thượng hội đồng, một cơ quan gồm 15 giám mục hội họp thường xuyên để soạn thảo tông huấn và chuẩn bị cho khóa họp lần tới. Sau đây là vài cuộc phát biểu đáng kể trong 22 phiên họp, (trong đó 12 phiên họp có sự hiện diện của Đức thánh cha).
Đức hồng y Jean-Louis Tauran, chủ tịch hội đồng đối thoại liên tôn, đã tố giác những người hiểu sai lầm cuộc đối thoại liên tôn. Người nói: “Những Kitô hữu không am tường nội dung đức tin của mình và không đủ sức sống đức tin, thì không thích hợp để đối thoại. Việc đối thoại khởi đầu bằng việc khẳng định các điều xác tín của mình, chứ không có chuyện pha trộn hoặc tương đối. Đứng trước các tín đồ thâm tín của các tôn giáo khác, cần có những Kitô hữu được chuẩn bị kỹ lưỡng về đạo lý. Vì thế, việc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ là một công tác ưu tiên, nhắm đào tạo các Kitô hữu đầy xác tín, có khả năng trả lời đức tin của mình, bằng những lời lẽ đơn sơ và không sợ sệt.”
Đức cha Bruno Forte, giám mục Chieti-Vasto (Ý), đã đưa ra một đề nghị liên quan đến thủ tục pháp lý, nhưng xem ra không được hưởng ứng. Sau khi nhắc lại tình cảnh đau thương của những con cái của các đôi vợ chồng ly dị và tái hôn, bởi vì chúng không tham dự các bí tích do cha mẹ sống xa bí tích, đức cha đưa ra đề nghị là cần phải suy nghĩ lại về những cách thức và thời gian cần thiết để nhìn nhận giá thú vô hiệu. Thời gian và thủ tục tố tụng (chẳng hạn như việc kháng án lên tòa cấp hai) khiến cho các đôi hôn nhân muốn hợp thức hóa phải ngại ngùng.
Đức cha Brian Joseph Dunn, giám mục Antigonish (Canada), là một trong số ít người đả động đến chuyện các giáo sĩ lạm dụng tình dục các vị thành niên, và lên tiếng về việc loan báo Tin Mừng mới mẻ trong bối cảnh của hiện tượng đau buồn này (vị tiền nhiệm của ngài đã bị cho hồi tục, một trường hợp rất họa hiếm đối với giám mục, sau khi bị tòa án dân sự lên án vì lưu trữ hình ảnh khiêu dâm).
Đức hồng y Telesphore Placidus Toppo, tổng giám mục Ranchi (Ấn Độ), đã báo động về tình trạng các dòng tu: “Tôi xin khiêm tốn kêu gọi các dòng tu hãy trở nên những nhà truyền giáo. Trong lịch sử loan báo Tin Mừng, tất cả các dòng, do Thánh Linh hướng dẫn, đã thực hiện rất nhiều điều phi thường kỳ diệu. Ngày nay, ta có thể nói như thế đối với các hội dòng không? Rất có thể là họ hoạt động rất đắc lực để đáp ứng các nhu cầu vật chất, giống như các công ty quốc tế, nhưng lại quên đi mục tiêu chính yếu là mang Tin Mừng đến một thế giới lạc hướng. Chúng tôi thấy có nhiều nhóm bạn trẻ và các phong trào đã dám chấp nhận thách đố của việc truyền giáo. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng Thượng hội đồng cần phải mời gọi các tu sĩ nam nữ hãy dấn thân trực tiếp vào việc loan báo Tin Mừng và truyền thông đức tin, hợp tác với các giám mục địa phương. Tôi yêu cầu Bộ Đời sống Thánh hiến hãy tích cực cổ vũ cảm thức Giáo hội – sensus ecclesiae nơi các tu sĩ.”
Tổng trưởng Bộ Giám mục, đức hồng y Marc Ouellet, cũng lên tiếng về tương quan giữa các tu sĩ và các giám mục. Có khi các giám mục không hiểu biết các đặc sủng của các dòng tu và vai trò của họ trong việc truyền giáo. Có khi các tu sĩ chống đối huấn quyền của các giám mục.
Tuy nhiên, đối lại, cha Adolfo Nicolas, tổng quyền một dòng tu đông nhất, đã sống lâu năm bên châu Á, đã có những tư tưởng trái nghịch với hồng y Toppo: thay vì nhấn mạnh đến việc truyền bá đức tin như là sự dấn thân ưu tiên, cha nói đến sự hiện diện của “sự thánh thiện” và “cứu độ” bên ngoài Hội thánh hữu hình. (Bài phát biểu ở phụ trương).
Đức cha Everardus Johannes de Jong (Hà Lan) ước mong rằng Giáo hội hãy cổ võ việc cầu khấn các thiên thần và tổng lãnh thiên thần trong việc loan báo Tin Mừng mới mẻ, giống như nhiều vị giáo hoàng và thánh nhân vốn quen thực hành. Nhưng đối lại, đức cha Nicodème Anani Barraigah-Bénissan, giám mục Atakpamé (Togo), đã tố cáo rằng hiện các hội kín, cách riêng bè nhiệm (franco maçon) hiện đang nắm giữ quyền hành lãnh đạo, len lỏi vào các giới trí thức tại quê hương của ngài.
Đức hồng y George Pell, tổng giám mục Sydney (Úc), vạch ra những cuộc tấn công quyền tự do tuyên xưng đức tin tại vài nước châu Âu và miền ngôn ngữ tiếng Anh, nơi mà quyền tự do ấy bị hạn chế bởi các tòa án, các luật lệ, và đôi khi do chính các dân biểu. Ngài nói rằng năm tới sẽ là kỷ niệm 1700 năm chiếu dụ Milano, qua đó hoàng đế Costantinô tuyên bố quyền tự do tín ngưỡng trong đế quốc Rôma.
Đức hồng y Giuseppe Versaldi, chủ tịch Cục Kinh tế của Tòa thánh, đã lên tiếng về những vụ quản trị tài sản Giáo hội cách bê bối. Trong những trường hợp này, cần sử dụng phương thuốc chữa trị của Tin Mừng là sự sửa bảo huynh đệ. Trước khi đi tố cáo với chính quyền, cần phải đối chất với đương sự, để họ có cơ hội sửa sai. Sự trong sáng không có nghĩa là phô bày tất cả những sự xấu xa của mình, gây ra gương mù. Chỉ khi nào đương sự không sửa mình thì mới nhờ đến cơ quan có thẩm quyền.
Nhiều nghị phụ đã trích dẫn và ca ngợi công đồng Vaticanô II về những hoa trái đã mang lại cho đời sống Giáo hội. Nhưng cũng không thiếu những lời phê bình tình trạng của Giáo hội sau công đồng.
Vị chủ tịch Tối cao Pháp viện, Đức hồng y Raymond Leo Burke người Mỹ, đã nhấn mạnh rằng nhiều người lấy chiêu bài “hậu công đồng” để cổ võ một Giáo hội của tự do và tình yêu, không đếm xỉa gì đến kỷ luật của Giáo hội. Vì vậy cuộc canh tân mà công đồng mong ước đã bị ngăn cản nếu chưa nói là phản bội.
Một vị hồng y khác người Mỹ, Timothy M. Dolan, tổng giám mục của New York, đã nhắc nhở cách chua chát rằng: "Công đồng Vaticanô II đã kêu gọi canh tân bí tích Thống hối, nhưng chúng ta phải đau buồn nhận thấy rằng bí tích này đã biến mất.”
Đức hồng y Zenon Grocholewski, tổng trưởng Bộ Giáo dục Công giáo, đã ghi nhận rằng mặc dầu đã có nhiều chỉ thị của công đồng và huấn quyền hậu công đồng, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều điểm mập mờ về tương quan giữa vai trò của thần học và của huấn quyền. Chúa Giêu đã không để việc hiểu Kinh Thánh và Thánh truyền tùy theo các ý kiến của chúng ta (mà chắc chắn là vừa nhiều vừa khác biệt, và gây ra nhiều hoang mang) nhưng đã để lại cho chúng ta gia sản quý báu là Huấn quyền. Vì thế có những người bị mê hoặc muốn tỏ ra là vĩ đại, độc đáo, quan trọng, thì rút cục đã đưa không ít giám mục đến chỗ là các người chăn dắt chính mình chứ không chăn dắt đoàn chiên (x. Ed 34, 8); trên thực tế, họ trở thành những người không quan trọng trong Nước trời, và gây trở ngại cho sự tiến triển của Giáo hội và cho cuộc loan báo Tin Mừng.
III. Ba viên ngọc
Sau đây là ba bài phát biểu đáng kể và đáng được trưng dẫn theo bản tóm tắt mà văn phòng tổng thư ký đã phân phát. Bài thứ nhất đã được vỗ tay dài nhất, là của một giáo lý viên trẻ tuổi của giáo phận Rôma, được Đức thánh cha cử làm dự thính viên. Hai bài còn lại, đã được Đức thánh cha, khi lên tiếng tại phòng họp ngày 27/10, bày tỏ sự cảm kích bởi vì đó là những tiếng nói làm chứng cho một Giáo hội đang “tăng trưởng và sống động” tại nơi Giáo hội còn nhỏ bé và nghèo nàn. Đó là chứng tá của đức giám mục Tromso (Na uy) và Phnom-Penh (Campuchia).
1. Tommaso Spinelli, giáo lý viên các dự tòng tại giáo phận Rôma
"Cuộc loan báo Tin Mừng mới mẻ cần có chất lượng: chất lượng về huấn giáo, nói lên điều gì quan trọng cho cuộc đời, và nhất là chất lượng về đời sống để cho thấy rằng thế nào là một Kitô hữu chân chính. Ngày nay, khi các gia đình bị phân tán và thường khước từ trách nhiệm giáo dục, cần các linh mục làm chứng cho các bạn trẻ về sự trung thành với một ơn gọi, và có thể chọn lựa một nếp sống đẹp hơn những khuôn mẫu mà xã hội trưng bày. Điều làm con lo lắng là những con người có chất lượng càng ngày càng ít đi. Linh mục đã mất tin tưởng vào tầm quan trọng của chức vụ của mình, đã mất đi đặc sủng và văn hóa. Con đã thấy nhiều linh mục chạy theo làn sóng tư tưởng xu thời. Và trong cách cử hành phụng vụ cũng vậy: các ngài muốn tỏ ra tính độc đáo của mình và rút cuộc trở thành vô vị. Thưa các cha, con xin quý cha hãy có can đảm tỏ ra là linh mục. Xin các cha đừng sợ, bởi vì khi các cha tỏ ra là linh mục chân chính, khi các cha trình bày các chân lý đức tin không chút sợ sệt, thì giới trẻ chúng con sẽ theo các cha. Chúng con xin lấy lời của thánh Phêrô: “Lạy Thầy, chúng con biết theo ai? Duy chỉ có Thầy mới có những lời mang lại sự sống đời đời.” Và chúng con đang đói khát cái gì chân thật và vĩnh cửu. Vì thế, con xin đề nghị:
1) Tăng cường việc đào tạo các linh mục, không những về tâm linh mà cả về văn hóa nữa. Ngày nay, chúng ta thường thấy các linh mục không còn giữ vai trò làm thầy dạy văn hóa như xưa, nhờ đó các ngài đã góp phần quan trọng cho cả xã hội. Ngày nay nếu chúng ta muốn trở thành hữu ích và khả tín, thì chúng ta cần có những dụng cụ văn hóa tốt.
2) Tái khám phá Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo trong chiều hướng của công đồng, cách riêng phần đầu của mỗi đoạn, khi mà các văn kiện công đồng làm sáng tỏ các điểm cổ truyền. Thật vậy, sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã khôn khéo, trước khi giải thích kinh Tin kính, đã xen một phần lấy từ hiến chế “Dei Verbum”, trình bày mạc khải theo chiều kích đối thoại; ở đầu phần thứ hai về các bí tích là hiến chế “Sacrosantum concilium”, và trước các giới răn là hiến chế “Lumen gentium” cho thấy con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Đoạn mở đầu của mỗi phần thật là quan trọng bởi vì con người thời nay cảm thấy đức tin như là cái gì liên quan tới mình, và có khả năng trả lời cho những câu hỏi sâu xa nhất.
3) Sau cùng là phụng vụ: thường phụng vụ bị coi thường và tục hóa; cần đặt phụng vụ vào vị trí xứng đáng, làm trung tâm của cộng đoàn.
2. Berislav Grgic, giám quản Tromso, Na uy"
Tại những nước ở vùng Bắc Âu – Đan Mạch, Phần Lan, Islanda, Na Uy và Thụy Điển – Giáo hội Công giáo là một thiểu số và vì thế không có những lợi điểm hoặc bất lợi như tại những nơi mà đạo Công giáo đã có từ lâu đời hoặc là đa số. Mặc dù không nổi nang gì xét về số lượng, nhưng Giáo hội tại đây đang tăng trưởng. Các nhà thờ mới được xây cất hoặc thủ đắc, nhiều giáo xứ mới được thiết lập, con số những cuộc trở lại và người lớn rửa tội tương đối cao, không thiếu những ơn gọi giáo sĩ và tu sĩ, số người rửa tội thì cao hơn số những người qua đời hay lìa bỏ Giáo hội, và các tín hữu tham dự Thánh lễ Chúa Nhật cũng rất đông đảo. Nơi vài giai tầng xã hội, người ta để ý đến đức tin và đời sống tâm linh, hoặc là từ phía những người vô tín ngưỡng đang tìm chân lý, hoặc là những Kitô hữu thuộc các Giáo hội khác khát khao đào sâu thêm đời sống tôn giáo. Ngoài ra trong những năm gần đây, có nhiều dòng chiêm niệm đã mở nhà dòng tại đây. Tuy nhiên, việc truyền đạt đức tin trở nên khó khăn vì những khoảng xa cách. Các linh mục thường phải đi lại nhiều (đôi khi đến 2000 cây số một tháng) để thăm viếng các tín hữu ở xa và cử hành thánh lễ với họ. Vào mùa đông thật là vất vả.”
3. Olivier Schmitthaeusler, M.E.P., đại diện Phnom-Penh, Campuchia
"Cuộc diệt chủng của quân Khmer đỏ đã tàn sát các giám mục, linh mục, tu sĩ và đa số các Kitô hữu. Từ hai mươi năm nay, chúng tôi sống lại thời Công vụ Tông đồ với việc loan báo Tin Mừng, được thực hành bởi một số người sống sót và được nâng đỡ bởi nhiều thừa sai. Hiện nay mỗi năm chúng tôi có khoảng 200 cuộc rửa tội cho người lớn. Giáo hội nhỏ bé tại Campuchia trở thành phần nào một phòng thí nghiệm để giảng đạo trong một xã hội phật giáo đang chạy theo tiến trình tục hóa do ảnh hưởng của việc toàn cầu hóa, cũng giống như các con rồng châu Á. Sứ vụ “hướng ngoại” (truyền giáo) gắn liền với sứ vụ “hướng nội”: cả hai bổ túc cho nhau, thúc giục nhau phụng vụ một sứ mạng duy nhất là loan báo Tin Mừng.”
"Sau đây là vài điểm nổi bật trong việc công bố lần đầu Đức Giêsu Kitô, và cũng có thể mở rộng cho những suy tư về việc loan báo Tin Mừng mới mẻ: 1) Cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giêsu Kitô mở trái tim đến đức ái và cảm nghiệm tha thứ để dẫn đến việc khám phá hồng ân sự sống. 2) Các giáo dân là những tông đồ trong thế giới hiện tại ('Apostolicam actuositatem').”
“Thế nào là Giáo hội bí tích của Chúa Kitô trong thế giới để loan báo Tin Mừng mới mẻ ? 1) Một Giáo hội chạm đến trái tim. 2) Một Giáo hội đơn sơ. 3) Một Giáo hội niềm nở. 4) Một Giáo hội cầu nguyện. 5) Một Giáo hội vui tươi.”
Phụ thêm: bài phát biểu của cha adolfo nicolás, Tổng quyền Dòng Tên (ngày 19/10/2012)
Là thành viên của một dòng truyền giáo, tôi thấy có bổn phận phải suy nghĩ về lịch sử của Dòng. Chúng ta không thể nói đến việc “Loan báo Tin Mừng mới mẻ” bao lâu chúng ta chưa chắc chắn đã học được đôi chút từ cuộc “Loan báo Tin Mừng tiên khởi”, từ những điều tốt mà chúng tôi đã làm, từ những lỗi lầm mà chúng tôi đã phạm, cũng như từ những thiếu sót trong việc loan báo Tin Mừng.
Tôi thuộc về một truyền thống khuyến khích và đào tạo việc đi tìm Chúa trong hết mọi sự, mọi cơ hội và hoàn cảnh. Về điểm này chắc hẳn thánh Inhaxiô đã lấy cảm hứng từ Tân Ước, chẳng hạn như ở đoạn văn kể lại bài diễn văn nổi tiếng của thánh Phaolô trong đó ngài trích dẫn một thi sĩ Hy-lạp: “Trong ngài (nghĩa là Thiên Chúa) chúng ta sinh sống, chuyển động và như vài thi sĩ của quý vị đã nói: thật vậy, chúng tôi là dòng dõi của ngài” (Cv 17,27-28). Thiên Chúa hiện diện và sống động trong mỗi cộng đồng nhân loại, song chúng ta không nhận ra ngay cách thức Người biểu hiện và độ sâu mà Người hiện diện. Tiếc rằng chúng ta, các thừa sai, đã không quan tâm lắm đến điều ấy và như vậy chúng ta đã chưa đóng góp cho đời sống Giáo hội nhờ những khám phá ấy. Tôi không trách các nhà truyền giáo nói chung, tôi chỉ muốn nhắc đến truyền thống của tôi, kinh nghiệm của tôi và nhóm thừa sai của tôi. Tôi chắc chắn rằng nhiều vị thừa sai, kể cả dòng Tên, còn làm hay hơn tôi nhiều.
Chúng tôi cố gắng có cái nhìn tích cực đối với các nền văn hóa và tôn giáo khác. Thật đáng tiếc bởi vì chúng ta nhìn những dấu hiệu của niềm tin và thánh thiện dưới lăng kính Tây phương và châu Âu (kể cả Tài liệu làm việc, ở các số 122-128, nói đến vài dấu hiệu của niềm tin rất nổi bật và dễ nhận ra bởi các Giáo hội Tây phương). Chúng ta chưa đi sâu đủ vào các nền văn hóa trong đó Thần Khí được tán dương, để khám phá ra một phần của Nước Thiên Chúa đã hiện diện ở đó, đã bén rễ và tác động trong các tâm hồn và các tương quan giữa con người. Chúng ta chưa sẵn sàng để nhận ra “yếu tố bất ngờ” của hoạt động Thánh Linh, Đấng làm cho hạt giống tăng trưởng kể cả khi bác nông dân ngủ hoặc vắng bóng nhà thừa sai.
Tôi nghĩ rằng điều này có thể áp dụng cho việc truyền giáo cho dân ngoại cũng như việc loan báo Tin Mừng mới mẻ trong thế giới hiện đại. Thần Khí Chúa không ăn không ngồi rồi, nhưng ngài hoạt động trong các trái tim của dân chúng và trong đầu óc của các nhà hiền triết. Bổn phận của chúng ta là lắng nghe cách chú ý và khiêm tốn để nhận ra tiếng nói của Chúa tại nơi mà chúng ta không ngờ có thể nghe được tiếng ấy.
Trong những năm học tại chủng viện, tôi nhớ là mình đã sửng sốt do một bài viết của các giáo sư Karl Rahner và Joseph Ratzinger nghiên cứu về mạc khải ở công đồng Trentô. Theo họ, khi công đồng nói đến Thánh Kinh thì hiểu về Cựu Ước; còn khi nói đến Thánh Linh thì hiểu về sự hiện diện của Người cả trong các tác phẩm Tân Ước, cả trong tâm hồn các tín hữu (đây là điều khiến tôi ngạc nhiên).
Chúng ta đã mất đi nhiều yếu tố quan trọng bởi vì chúng ta đã không quan tâm đầy đủ đến cách thức mà Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong những người mà chúng ta gặp gỡ. Vì thế đã đến lúc mà chúng ta phải học điều này, để biết những gì đã mất hồi loan báo Tin Mừng lần thứ nhất, trước khi bắt đầu một cuộc loan báo Tin Mừng mới mẻ. Trong quá khứ, đã có nhiều điểm tích cực và chúng ta hãy tiếp tục phát triển. Đồng thời chúng ta biết là đã phạm nhiều lỗi lầm, nhất là vì không lắng nghe người khác, vì đã phán đoán nông cạn những yếu tố tích cực nơi các truyền thống và văn hóa cổ kính, vì đã áp đặt những hình thức phụng tự không diễn tả tính cách tế nhị và cách giao tiếp với Thiên Chúa của mọi dân.
Sự cao cả của Đức Kitô cần sự đóng góp của tất cả mọi dân tộc và mọi nền văn hóa. Có nhiều bài học chúng ta có thể rút từ quá khứ và có thể rất hữu ích trong việc loan báo Tin Mừng mới mẻ. Tôi xin phép kể ra vài điểm:
1) sự quan trọng của khiêm tốn khi loan báo Tin Mừng;
2) cần nhìn nhận sự thật về tính bất toàn và giới hạn của con người, trong tất cả mọi điều khi nói và giảng, đừng dương oai tự đắc;
3) thông đạt sứ điệp cách đơn sơ, đừng làm nó trở thành chi ly phiền toái, tối tăm khó hiểu;
4) quảng đại nhìn nhận rằng Thiên Chúa đang hoạt động trong cuộc sống và lịch sử các dân tộc, kèm theo lòng thán phục chân thành, vui mừng và hy vọng, khi nhận thấy sự tận tụy và tốt lành nơi những người khác;
5) sứ điệp trở thành đáng tin khi mà nó đến từ cuộc đời chúng ta, hoàn toàn được dẫn dắt bởi Thần Khí của Đức Giêsu;
6) tha thứ và hòa giải là những con đường tốt nhất để chạm đến trái tim của Chúa;
7) sứ điệp Thập giá được truyền đạt tốt hơn qua việc chúng ta từ bỏ chính mình.
Xin cám ơn quý vị đã chú ý theo dõi.
________
[1] Nguồn: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1350357
[2] Các kiến nghị, ngoài nhập đề (3 điều) và kết luận (2 điều), được chia làm bốn phần: 1/ Bản chất của việc loan báo Tin Mừng mới mẻ (9 điều). 2/ Khung cảnh của tác vụ Hội thánh thời nay (13 điều). 3/ Những giải đáp mục vụ cho những hoàn cảnh hiện nay (15 điều). 4/ Những tác nhân của việc loan báo Tin Mừng mới mẻ (2 điều).