Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

“TÍN 信” TRONG TƯ TƯỞNG NHO GIÁO

Thời sự Thần học - Số 62, tháng 11/2013, tr. 65-88

Trần Ngọc Thiện, O.P.

I. Khái niệm thuật ngữ: 1. Khái niệm. 2. Chữ Tín trong các kinh điển Nho giáo
II. Tín với tương quan bản thân: 1. Quân tử. 2. Học vấn và Tu thân
III. Tín trong tương quan với mọi người: 1. Bằng hữu. 2. Việc làm. 3. Chính trị
IV. Tín trong tương quan siêu việt: 1. Tri Thiên (知天). 2. Sự Thiên (事天). 3. Lạc Thiên (樂天). 4. Đồng Thiên (同天)

Dẫn nhập


Bàn về chữ “Tín 信” trong tư tưởng Nho giáo, xét ở bình diện Hình nhi hạ, trong lãnh vực nhân sinh quan Nho giáo, Tín cùng với Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí là các nhân đức quy nhân trong lĩnh vực đối nhân xử thế. Còn xét ở bình diện Hình nhi thượng, trong lãnh vực vũ trụ quan, Tín mang đậm tính Đạo học, là con đường tín ngưỡng tâm linh hướng tới Siêu việt. Vậy Tín trong Nho giáo có vai trò thế nào trong việc giải thoát con người?

I. Khái niệm thuật ngữ


1. Khái niệm


Xét theo hình nghĩa chữ, 信 là một chữ Hán, phiên âm Hán Việt gọi là “Tín”. Đây là một chữ hội ý[1] bao gồm bộ Nhân (人) có nghĩa là “người” và chữ Ngôn (言) có nghĩa là “nói” hợp thành. Thời xưa con người chưa phát minh ra giấy, tất cả mọi việc của đời sống như: truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng, giáo dục, hay giao tiếp… đều phải dựa vào lời nói. Do vậy, chữ Tín có ý nghĩa là “một người nói”, gợi ý việc nhấn mạnh điều đặt trên môi miệng người nói này là sự thật đáng tin cậy. Nói như vậy, chữ Tín muốn gợi ý bộc lộ tính cách chân thật của con người bởi một con người chân thật luôn luôn diễn tả đúng sự thật. Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận nói: “言曰言, 論難曰語 Trong lòng có gì, trực tiếp nói ra là ngôn, mà lời phải lý luận biện hộ vặn hỏi thì gọi là ngữ”. Nên Pháp Ngôn Nghĩa Sơ - Vấn Thần nói: “言心清也 Lời là tiếng nói của con tim”. Tóm lại, chữ Tín có ý nguyên thủy là chân tâm thành ý, chuyên tâm không thay đổi.

Trong tiếng Hán Việt, chúng ta thấy chữ Tín thường kết hợp với các chữ Trung (忠), Nghĩa (義), Thành (誠) trở thành các từ ghép Hán Việt: trung tín, tín nghĩa, thành tín. Cụ thể:

– Trung tín (忠 信): là đức tính thành thật, đáng tin và hết lòng giữ đúng lời hứa, như ăn ở trung tín.

– Tín nghĩa (信 義): là đức tính thành thật, đáng tin và ăn ở theo đạo phải (trọng đạo nghĩa) trong quan hệ với những người khác, như ăn ở có nghĩa với nhau.

– Thành tín (誠信): là đức tính thành thật, đáng tin và giữ lời hứa, không thay đổi, không dối trá.

2. Chữ Tín trong các kinh điển Nho giáo


Trong bộ Ngũ Kinh, chữ Tín có một nền tảng rất sâu xa trong Kinh Dịch. Kinh Dịch, quẻ Thuần Càn, Văn Ngôn truyện viết rằng:

元者善之張也, 亨者嘉之會也, 利者義之和也,貞者事之乾也君子體人足以長人, 嘉會足以合禮, 利物足以和義,貞固足以干事. 君子行此四徳也, 故曰: 乾元亨利貞 Đức Nguyên là đầu mối của điều thiện; đức Hanh là sự tụ hội của mọi điều đẹp đẽ; đức Lợi là sự hoà hợp các điều nghĩa; đức Trinh là căn bản của mọi việc. Bậc quân tử lấy đức nhân làm bản thể thì đủ để làm cho người ta trưởng thành, gom góp mọi điều đẹp đẽ thì đủ để hợp lễ, làm ích lợi cho mọi vật thì đủ để điều hoà điều nghĩa, bền vững chắc chắn thì đủ để làm căn bản cho các việc. Quân tử thi hành đủ bốn đức ấy; cho nên nói rằng: đạo Kiền, Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh.[2]

Chúng ta biết rằng, trong quẻ Thuần Càn,[3] Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh là bốn nguyên lý vận hành trụ cột của trời đất (Càn: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh). Trời có đức Nguyên vì là nguồn gốc của vạn vật; có đức Hanh vì làm ra mây mưa để cho vạn vật sinh trưởng đến vô cùng; có đức Lợi và Trinh vì biến hoá, khiến cho vật gì cũng giữ được bẩm tính, được nguyên khí cho thái hoà. Vì vậy, Nguyên là muôn vật bắt đầu, Hanh là muôn vật lớn lên, Lợi là muôn vật được thoả, và Trinh là muôn vật đã thành. Khi áp dụng thiên đạo vào nhân đạo, tác giả Văn Ngôn truyện cho quẻ này thêm một ý nghĩa nữa về nhân sinh, đạo đức. Càn tượng trưng cho bậc thánh nhân (hay người quân tử) đứng đầu muôn vật. Theo đạo Càn (đạo Trời) thì thiên hạ bình an vô sự, mọi sự đều tốt đẹp, nên bốn đức tính của Trời: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh là nền tảng của bốn đức tính trụ cột nơi con người: Nhân, Lễ, Nghĩa, Tín. Ở đây:

– Nhân: là đức lớn nhất, gốc của lòng người, tức như đức Nguyên của Trời.

– Lễ: là hợp với đạo lý, hợp với đạo lý thì hanh thông, tức như đức Hanh của Trời.

– Nghĩa: là làm cho mọi người được vui vẻ, sung túc, tức như đức Lợi của Trời.

– Tín: là biết được nền tảng chắc chắn đáng tin cậy ở đâu mà giữ cho vững, tức như đức Trinh của Trời.

Sau này, các nhà hậu Nho căn cứ vào lời dạy của Đức Khổng về đức Trí (sự hiểu biết thấu đáo) trong sách Luận Ngữ, mới thêm đức Trí vào bốn đức căn bản để trở thành Ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.[4] Trong năm nhân đức trụ cột này, đức Tín được xếp ở vị trí thứ năm. Tín là những điều đáng tin tưởng. Người có chữ Tín thì giữ đúng lời, đã hứa thì phải làm, đã thề thì phải tuân theo. Đối với người quân tử hay bậc thánh nhân, đức Tín là sự bền vững chắc chắn trong ngôn ngữ và hành động. Vì vậy, trong các kinh điển Nho giáo, Khổng Tử không những sử dụng chữ Tín để diễn tả đức tính chân thật (thật thà hay trung thực) đáng tin cậy trong lời nói mà còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nó trong hành động (sống theo lời mình nói) với ý nghĩa diễn tả là lòng trung thành (hay chung thủy). Ông coi đức Tín như là một trong những hành động thực thi lòng Nhân Nghĩa đối với mọi người, đặc biệt trong các lĩnh vực: quan hệ bạn bè, việc làm và chính trị.[5]

Trong bộ Tứ Thư, chúng ta có thể nhận thấy tần số xuất hiện của chữ Tín trong các tác phẩm như sau: Luận Ngữ (38 lần); Đại Học (2 lần); Trung Dung (10 lần) và Mạnh Tử (30 lần). Qua các thống kê này, chúng ta nhận thấy rằng, chủ đề chữ Tín được nhấn mạnh và tập trung vào hai tác phẩm Luận Ngữ và Mạnh Tử như là tư tưởng chủ chốt của Khổng Tử khi bàn về chữ Tín trong việc đối nhân xử thế. Đặc biệt, trong tác phẩm Luận Ngữ, Khổng Tử xem chữ Tín có một tầm quan trọng rất lớn, bởi Tín là một trong bốn điều cốt yếu về nhân cách con người: “子 以 四 教: 文, 行, 忠, 信 Khổng Tử dạy bốn điều này là: văn học, đức hạnh, trung thành, tín nghĩa” (Luận Ngữ: Thuật Nhi, XXIV).

II. Tín với tương quan bản thân


1. Quân tử


Quân tử (君子) áp dụng cho đàn ông con trai, là hình mẫu con người lý tưởng theo nhân sinh quan của Nho giáo. Từ “quân tử” xuất hiện trong Luận Ngữ với tần suất rất cao. Khổng Tử đề ra đạo người quân tử cốt dạy người ta thành người có đức hạnh hoàn toàn, có tài xuất chúng và có nhân phẩm tôn quý. Người quân tử nói lên tính cách phù hợp với phương thức cai trị xã hội, tức đức trị hay nhân trị của học thuyết này. Họ là những người đạt tới cảnh giới khá cao của sự tu dưỡng. Nguyên nghĩa của quân tử là “kẻ cai trị”. Do những nghĩa phái sinh sau này mà quân tử mới có nghĩa đối lập với “kẻ tiểu nhân”, và người quân tử thường được coi là người hành động ngay thẳng, công khai theo lẽ phải và không khuất tuất vụ lợi cá nhân. Người quân tử là người có đầy đủ các đức tính trong Ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín; trong đó Nhân là quan trọng nhất.

Riêng với chữ Tín, việc làm người quân tử phải luôn nhất quán với lời nói. Sách Mạnh Tử viết rằng: “言語必信,非以正行也 Người quân tử có lòng thành thật, nên nói ra lời chân thật, khi nói chẳng cần phải sửa nết, chẳng cần phải gắng sức”. (Mạnh Tử: Tận Tâm chương cú hạ, XXXIII); thậm chí sách Trung Dung còn viết rằng: “君子不動, 而敬; 不言, 而信 Quân tử không làm mà người ta kính, không nói mà người ta tin” (Trung Dung, XXIII). Với nghĩa khí của người quân tử, trong trường hợp nguy tử, họ có thể mất đi mạng sống của mình để bảo vệ danh dự chữ Tín.

2. Học vấn và Tu thân


Bàn về học vấn, sự học của cổ nhân không phải như sự học của nhiều người ngày nay thường hiểu. Cổ nhân nói đến việc học là cốt nhấn mạnh đến học đạo của thánh hiền để hiểu nghĩa lý, biết phải trái mà tu thân, sửa mình cho thành người có đức hạnh, chứ không chỉ vụ lấy kiến thức, biết nghề kiếm ăn. Sách Lễ Ký nói rằng: 玉不琢不成 器, 人不學, 不知道 Ngọc không giũa không thành khí cụ, người không học không thành Đạo” (Luận Ngữ: Học Ký, XVIII). Bởi vậy cho nên thầy Tử Lộ mới nói: “君子學以致其道 Người quân tử học để hiểu rõ cái Đạo” (Luận Ngữ: Tử Trương, XIV).

Để thể hiện đạo người quân tử của Nho giáo, Khổng Tử đề ra con đường học vấn như con đường tu thân trọng yếu, phải lập chí mà học tập, trong đó vấn đề đức hạnh trung tín trong học tập được đề cao. Trong sách Luận Ngữ, Khổng Tử nói rằng:

君子不重, 則不威, 學則不固. 主忠信, 無友不如己者, 過則勿憚改 Quân tử không hậu trọng thì không uy nghiêm, học không kiên cố; phải lấy sự trung tín làm chủ đích, không bạn với người không làm điều nhân như mình, có điều lỗi thì phải có gan mà sửa đổi. (Luận Ngữ: Tử Hãn, XXIV).

Vấn đề trung tín còn được giảng rõ trong Kinh Dịch:

君子進徳修 業. 忠信所以進徳也; 修辭立其誠, 所以居業也. 知至至之, 可與幾 也. 知終終之, 可與存義也 Người quân tử tiến lên đạo đức, sửa cho sự nghiệp hoàn thành. Trung tín để mà tiến đức; tu chỉnh ngôn từ, lập cái thành thực của mình là để giữ vững cái nghiệp vậy. Biết chỗ đến mà đến chỗ ấy là có thể gần cái đức; biết chỗ cuối cùng mà suốt đời giữ vững là có thể giữ cho tròn cái nghĩa vậy. (Kinh Dịch: Quẻ Thuần Kiền, Văn Ngôn).

Trong việc học, Đức Khổng cho các đệ tử thấy phải lấy sự học đạo làm đầu và sau lấy sự học nghệ thuật làm thứ, cách riêng chữ Tín được học ngay sau khi học về hiếu đễ:

弟子, 入則孝, 出則弟, 謹而信, 凡愛眾, 而親仁, 行有餘力, 則以學文 Người đi học vào thì hiếu, ra thì đễ, cẩn mà tín, yêu mến mọi người mà thân cận người có nhân, làm được những điều ấy rồi có thừa sức thì mới học văn. (Luận Ngữ: Học Nhi, VI).

Tùy cơ hội thuận tiện, Đức Khổng nói rõ thêm về công dụng của chữ Tín tương quan với các đức Nghĩa, Lễ, Tốn. Ngài nói:

君子義以為質, 禮以行之, 孫以出之,信以成之, 君子哉 Người quân tử làm việc gì, trước hết đều lấy nghĩa lý làm gốc, làm nền tảng trong nội tâm, sau đó cứ theo lễ mà hành động, khiêm tốn thể hiện, thành tựu công việc nhờ lòng trung tín. Đó là người quân tử vậy! (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, XVII).

Để nhấn mạnh sự cần thiết của chữ Tín, Đức Khổng nói:

人而無信, 不知其可也, 大車無輗, 小車無軏, 其何以行之哉 Người mà không giữ chữ Tín, không biết người ấy ra thế nào. Xe lớn mà không có đòn ngang thẳng; xe nhỏ mà không có đòn ngang cong, xe làm sao mà đi được. (Luận Ngữ: Vi Chính, XXII).

Do vậy, muốn học cho đúng cái đạo của người quân tử thì phải theo như lời Đức Khổng đã dạy: “篤信, 好學, 守死, 善道 Dốc lòng tin, ham sự học, giữ cho vững dẫu chết không thay đổi, làm cho cái đạo hay hơn lên” (Luận Ngữ: Thái Bá, XIII).

III. Tín trong tương quan với mọi người


1. Bằng hữu


Khi bàn về Ngũ luân, tức năm mối tương quan xã hội căn bản (vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè), Mạnh tử đã nhấn mạnh chữ Tín là nền tảng tương quan bằng hữu:

父子有親, 君臣有義, 夫婦有別, 長幼有序, 朋友有信 Giữa cha con có tình thân, giữa vua tôi sống có nghĩa, giữa vợ chồng có sự phân biệt, giữa anh em có thứ tự, giữa bạn bè có lòng tin. (Mạnh Tử: Đằng Văn Công chương cú thượng, IV).

Đức Khổng được người đời biết như một nhà chính trị, một nhà giáo mẫu mực, tha thiết với việc thiên hạ, nhưng ước nguyện của ngài rất đơn giản. Một lần kia, khi Tử Lộ hỏi về ước nguyện của thầy, ngài nói: “老者安之, 朋友信之, 少者懷之 Đem an vui cho người già, đem niềm tin cho bạn bè, đem an ủi cho người trẻ” (Luận Ngữ: Công Dã Tràng, XXV).

Đối với Tăng Tử, một môn đệ xuất sắc của Đức Khổng đứng sau Nhan Hồi, mỗi ngày ông xét mình ba điều:

吾日三省吾身, 為人謀, 而不忠乎, 與朋友交, 而不信乎, 傳不習乎 Mưu việc cho người, có hết lòng chăng? Cùng bạn bè giao thiệp, có giữ niềm tin chăng? Được truyền dạy, có ôn tập chăng? (Luận Ngữ: Học Nhi, IV).

Thầy Tử Hạ, một môn đệ xuất sắc trong Khổng môn, cũng rất đề cao chữ Tín. Ông nói:

子夏曰, 賢賢易色, 事父母, 能竭其力, 事君, 能致其身, 與朋友交, 言而有信, 雖曰未學, 吾必謂之學矣 Bắt chước người hiền đổi lòng hiếu sắc, hết sức thờ cha mẹ, liều thân thờ vua, cùng bạn bè giao thiệp thì nói có niềm tin; tuy nói là chưa học, tôi ắt cho rằng đã học rồi. (Luận Ngữ: Học Nhi, VII).

2. Việc làm


Trong vấn đề tương quan xã hội với mọi người, chữ Tín phải luôn đi đôi với mọi hành động, tức việc làm. Có lần kia, Tử Trương hỏi thầy về việc đi lại. Đức Khổng nói:

言 忠 信, 行篤敬, 雖蠻貊之邦, 行矣, 言不忠 信, 行不篤敬, 雖州里, 行乎哉. 立, 則見其參於前也, 在輿, 則見期倚於衡也, 夫然後行 Lời nói trung tín, hành động dốc lòng kính cẩn, dù ở nước mọi rợ, vẫn đi lại được. Lời nói không trung tín, hành động không dốc lòng kính cẩn, dù ở quê hương mình, có đi lại được sao? Đứng thì thấy những điều ấy như xem ở đằng trước. Ngồi xe thì thấy những điều ấy như dựa vào càng xe. Ôi, sau đó mới đi lại được. (Luận Ngữ: Vệ Linh Công, V).

Vậy thế nào là người làm việc được người khác tín nhiệm? Mạnh tử nói rằng: “有諸己之謂信 Người làm thiện do theo lương tâm và bổn tánh không miễn cưỡng và không giả trá gọi là tín” (Mạnh Tử: Tận Tâm chương cú hạ, XXV).

Tuy nhiên, sống chữ Tín theo lương tâm không đủ, trong thực tế lương tâm trung thực đòi hỏi người quân tử phải ứng biến với hoàn cảnh cụ thể. Vì thế, sống chữ Tín khi làm việc với mọi người phải luôn luôn hợp với việc nghĩa. Hữu Tử là học trò của Khổng Tử có nói rằng:

有子曰, 信近於義, 言可復 Nếu mình hứa với ai điều gì mà hợp nghĩa thì mình nên làm theo lời hứa của mình. Không nên hứa càn, liệu việc phải lẽ mới hứa và khi đã chịu miệng thì phải làm theo. (Luận Ngữ: Học Nhi, XIII).

Điều này cũng hợp với giáo lý của Đức Khổng khi học trò của ngài là Tử Trương vấn đáp ngài thế nào là tôn sùng đức hạnh và không mê hoặc, Đức Khổng trả lời rằng:

主 忠 信, 徒義, 崇德也. 愛之欲其生, 惡之欲其死, 既欲其生, 又欲其死, 是惑 Lấy trung tín và thành thật làm chủ đích, và tiến tới làm điều nghĩa, đó là sùng đức. Yêu thì muốn cho người ta sống, ghét thì muốn cho người ta chết. Khi thì muốn cho người ta sống, khi thì muốn cho người ta chết, như vậy là mê hoặc. (Luận Ngữ: Nhan Uyên, X).

Ngoài ra, khi làm việc với người khác, phải có lòng nhân làm trung tâm. Nhân được Đức Khổng khai triển thành năm điều đức hạnh phổ cập trong thiên hạ, trong đó sống chữ Tín để người ta tin cậy mình. Đức Khổng nói:

能行五者於天下為仁矣: 恭, 寬, 信, 敏, 惠, 恭, 則不侮, 寬, 則得眾, 信, 則人任焉, 敏, 則有功, 惠, 則足以使人 Người làm nhân là người có thể làm cho năm điều đức hạnh phổ cập trong thiên hạ, ấy là: cung kính, khoan hậu, thành tín, cần mẫn, từ ái. Cung kính thì không bị khinh nhờn; khoan hậu thì được lòng mọi người; thành tín thì được người ta tín nhiệm; cần mẫn thì thành công; từ ái thì mình sử dụng được người. (Luận Ngữ: Dương Hoá, VI).

Sau cùng, theo thầy Tử Hạ, sống tín nhiệm thì mới làm việc lớn trong thiên hạ. Ông cho rằng:

君子信而後勞其民, 未信, 則以為厲己也, 信而後諫, 未信, 則以為謗己也 Người quân tử phải được tín nhiệm, sau đó mới bảo dân làm việc khó nhọc được; nếu chưa được tín nhiệm, thì họ cho là làm khổ họ. Phải được tín nhiệm, sau đó mới can gián vua được; nếu chưa được vua tín nhiệm, thì vua cho là nói xấu vua. (Luận Ngữ: Tử Trương, X).

3. Chính trị


Trong vấn đề chính trị, sách Trung Dung đề cao đức tính chí thánh của bậc quân tử:

溥博淵泉, 而時出之. 溥博如天; 淵泉如淵. 見而民莫不敬; 言而民莫不信; 行而民莫不說 Đức của ngài rộng lớn vô cùng, sâu thẳm vô tận, và hễ phải thời thì xuất hiện ra. Rộng lớn, ngài giống như trời; sâu thẳm vô biên, ngài giống như biển. Ngài xuất hiện ra thì dân đều kính phục; ngài nói ta thì dân đều tin. Ngài làm thì dân đều đẹp lòng. (Trung Dung, XXXI).

Sách Đại học cũng khẳng định chữ Tín của người quân tử trong đường lối chính trị:

君子有大道必忠信以得之; 驕泰以失之 Người cầm quyền có cái đường lối này: phải giữ tận trung và tận tín, phải bỏ kiêu ngạo và xa hoa. Sống như vậy sẽ được mọi dân trong nước tín nhiệm, bằng không bề trên sẽ chẳng có sự tín nhiệm của bề dưới, lúc ấy chẳng có thể trị dân. (Đại Học, X).

Trong vấn đề cai trị dân, Khổng Tử nói:

道千乘之國, 敬事而信,節用而愛人,使民以時 Cai trị một nước có một ngàn cỗ xe[6] thì phải thận trọng trong mọi việc, phải giữ chữ Tín, phải tiết kiệm và yêu người, khiến dân làm việc phải cho hợp thời hợp lúc. (Luận Ngữ: Học Nhi, V).

Ngài nhấn mạnh lợi ích của chữ Tín khi nói rằng:

上好禮, 則民莫敢不敬, 上好義, 則民莫敢不服, 上好信,則民莫敢不用情, 夫如是, 則四方之民, 襁負其子而至矣 Nếu người trên ưa thích nghĩa, ắt dân không dám bất kính. Nếu người trên ưa thích lễ, ắt dân không dám không theo. Nếu người tên ưa thích sự trung tín, ắt dân không dám không thành thực. Nếu người trên được như vậy, dân bốn phương sẽ cõng con mà theo về. (Luận Ngữ: Tử Lộ, IV).

Trong sách Luận Ngữ, có một câu chuyện hay đề cao tầm quan trọng nền tảng của chữ Tín trong đường lối chính trị:

子貢問政. 子曰足食, 足兵, 民信之矣. 子貢曰, 必不得已而去,於斯三者何先. 曰,去兵. 子貢曰, 必不得已而去, 於斯二者何先.曰, 去食, 自古皆有死, 民無信不立 Tử Cống hỏi về phép cai trị. Khổng Tử nói: Lương thực cho đủ, binh bị cho đủ, dân tin chính quyền. Tử Cống hỏi: Trong ba điều ấy, nếu phải bỏ một điều thì bỏ điều nào trước? Khổng đáp: Bỏ binh bị. Tử Cống hỏi: Trong hai điều còn lại, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một điều nữa thì bỏ điều nào? Khổng đáp: Bỏ lương thực. Từ xưa đến nay vẫn có người chết. Nếu dân không tin, chính quyền không đứng vững. (Luận Ngữ: Nhan Uyên, VII).

Ngoài ra, Tăng Tử đề ra sự cai trị chân chính của bậc quân tử khi nói rằng:

君子所貴乎道者三, 動容貌, 斯遠暴慢矣, 正顏色, 斯近信笑, 出辭氣, 斯遠鄙倍矣, 籩豆之事, 則有司存 Bậc quân tử ở ngôi trên, quý trọng đạo đức có ba điều: cử chỉ dung mạo nên tránh lối bạo ngược, khinh nhờn; dáng mặt nên sửa cho thành tín ngay thật; lời nói ra nên tránh lối thô bỉ, bội nghịch. (Luận Ngữ: Thái Bá, IV).

Như vậy, trong tương quan cá nhân chữ Tín đã tạo được sự yêu kính, tin tưởng thì trong đời sống xã hội, chính trị chữ Tín càng cần thiết. Cai trị một nước khi làm một việc, bất luận là việc gì không dám khinh xuất là kính sự. Đã kính sự nhưng nếu khi phát xuất hiệu lệnh có điều gì thất tín với dân thì dân không tin phục. Đã kính sự còn phải giữ chữ Tín với dân. Đó là việc chữ chữ Tín nơi mình. Ngược lại, trong vấn đề cai trị, Mạnh Tử cho rằng người quân tử cũng phải sống chữ Tín nơi người khác, bởi vì ông cho rằng:

孟子曰: 不信仁賢, 則國空虛 Nếu bậc quốc trưởng chẳng tin cậy những trang nhân đức và hiền tài, chẳng trao trọng trách cho những người ấy thì vận nước trống không, chẳng ai nâng đỡ. (Mạnh Tử, Tận Tâm chương cú hạ, XII).

IV. Tín Trong Tương Quan Siêu Việt


1. Tri Thiên (知天)


Vào thời kỳ sơ khai của lịch sử Trung Hoa, vua hay hoàng đế (皇帝)[7] được xem là người đứng đầu thiên hạ, cai trị tất cả mọi vương quốc chư hầu, mọi chư dân. Vì thế, mọi vương hầu và thần dân trong thiên hạ phải hết lòng tôn kính và phụng sự hoàng đế. Còn hoàng đế có nhiệm vụ cai trị, bảo vệ, hướng dẫn và đem lại hạnh phúc cho dân. Tuy nhiên, việc cai trị của hoàng đế chỉ giữ được trật tự an bình bề ngoài mà thôi. Còn như sự sống chết, đau khổ thất thường, hoạ phúc, vận may, lúc khó khăn, khi lo sợ, lúc ốm đau… thường không phải do việc chính trị mà sinh ra. Tất cả những lý do này nằm bên ngoài và bên trên ý muốn định đoạt của con người, vì thế người ta đổ cho tại cái thế lực gì ở ngoài cuộc nhân sinh quyết định những điều ấy.

Từ những linh cảm sơ khởi này, người Trung Hoa thời sơ khai cho rằng phàm ở trong trời đất có cái gì có sức mạnh khống chế con người hoặc có hình thù linh thiêng như: sấm, chớp, gió, mưa, mặt trời, mặt trăng, sao, núi sông… là người ta cho có thần, có quỷ cả, và cho tất cả những thứ ấy can thiệp đến cuộc sống con người. Cái tín ngưỡng sơ khởi này không chỉ dân tộc sơ khai Trung Hoa đã quan niệm, kính cẩn tôn thờ và tế tự, mà mọi dân tộc sơ khai trên mặt đất lúc ban sơ cũng đều chủ trương như thế.

Trên dân chúng có hoàng đế, trên hoàng đế lại có quỷ thần, người Trung Hoa lại quan niệm rằng trên tất cả các quỷ thần phải có một cái thế lực nào nữa to lớn hơn, cai trị cả toàn thể vũ trụ. Do đâu mà họ quan niệm được như vậy. Tất nhiên, họ dựa vào cái lý tự nhiên để suy ra: nhà có cha, nước có vua,[8] thiên hạ có hoàng đế, thì vũ trụ tất phải có một đấng nào làm chủ gọi là Đế (帝). Nhưng vũ trụ mênh mông, to lớn cao xa mà chỗ nào cũng thấy trời xanh bao phủ khắp mặt đất nên họ mới nghĩ ra đấng ấy là Trời (Thiên 天) hay Thượng Đế (上帝). Người Trung Hoa tin rằng trời hay Thượng Đế là một vị thần tối cao vượt trên hết các thần, có nguồn gốc từ thời xa xưa nhất, là thủy tổ và là chủ tể của cả loài người, thiên nhiên và vũ trụ càn khôn.[9] Vì thế mọi thần dân thiên hạ phải sùng bái và tế lễ Trời hay Thượng Đế. Bên cạnh hình ảnh Thượng Đế là đấng chí tôn siêu việt, người Trung Hoa còn cho rằng Thượng Đế còn là một đấng chí nhân hay thương dân. Kinh Thi viết rằng: “皇矣上帝, 臨下有, 鑑觀四方, 求民之莫 Thượng Đế rất lớn, soi xuống đất rõ ràng, xem xét bốn phương để tìm sự khốn khổ của dân mà cứu giúp”. Vậy nên người Trung Hoa bao giờ cũng phải kính và sợ Trời. Đây chính là đạo đức nền tảng của người Trung Hoa thời sơ khai và cũng là tiền thân của quan niệm về Trời hay Thượng Đế của Nho giáo.

Nối tiếp truyền thống tín ngưỡng cổ xưa, Nho giáo cũng gọi Thượng Đế là Thiên, tức là Trời. Nhưng ta phải biết rằng quan niệm của Nho giáo về Trời hay Thượng Đế không giống như quan niệm sơ khởi, bình dân của nhiều người là Trời hay Thượng Đế là một đấng có hình dáng, có tình cảm, có tư dục như người ta. Trời hay Thượng Đế còn là cái Lý vô hình, cái Lý độc nhất tuyệt đối, rất linh diệu, rất cương kiện, mà khi đã định sự biến động ra thế nào thì dẫu làm sao cũng không cưỡng lại được. Cái lý ấy chính là Thái Cực, là Đấng Tạo Hoá duy nhất, hoá sinh vạn vật. Song cái Lý ấy siêu việt vô cùng, không sao có thể thấu hiểu được cái bản thể của Trời là thế nào. Nho giáo chỉ tin nhận có cái lý ấy làm nguyên lý nền tảng, rồi chỉ xét cái động thể biến hoá của cái lý ấy để làm tông chỉ hướng dẫn cho cuộc sống nhân sinh. Do vậy, theo quan niệm của Đức Khổng, tri thiên hay biết Trời đồng nghĩa với “tri thiên mệnh”, tức phải biết được mệnh trời. Cái được gọi là “mệnh trời” ở đây không ngụ ý là nói cái ý chí của trời nhưng có thể giải thích là các biến đổi của sự vật trong vũ trụ tác động lên con người, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của con người, nên con người không thể hiểu thấu được, và sức người cũng chẳng thể nào can thiệp được.[10] Theo Đức Khổng, dù sống chữ Tín trong việc đối nhân xử thế là điều quan trọng và cần thiết, nhưng việc sợ Trời[11] và tín vào “mệnh trời” là hành động tiên quyết, thể hiện sự hiểu biết khôn ngoan của người quân tử[12] để sống hoà hợp với vũ trụ trời đất. Ngài coi việc tế Thiên như là một nghi lễ tối quan trọng. Ngài nhận định thiên đạo như một lối sống theo luật của Thiên, và thiên mệnh như quy luật của Trời.

2. Sự Thiên (事天)


Một khi biết trời, thái độ tin trời và kính trời của Nho giáo thể hiện qua hành động “sự thiên”, tức là phục vụ Trời. Muốn phục vụ trời, con người phải tuân theo mệnh trời để nương theo đó mà sinh hoạt cho phải đạo. Chúng ta không nên tránh nó, nhưng phải biết sợ nó và hành động phù hợp với nó. Chính đời sống tâm linh của Khổng Tử chứng thực được điều này khi ông nói:

吾十有五而志 于學. 三十而立. 四十而不惑. 五十而知天命. 六十而耳順. 七十而從心所欲, 不踰矩 Ta 15 tuổi chí tâm học tập; 30 tuổi thì noi theo lễ mà hành động; 40 tuổi không còn nghi ngờ; 50 tuổi biết mệnh trời; 60 tuổi thì đã thuận mệnh trời; 70 tuổi tùy ý mà làm nhưng không vượt ra ngoài phép tắc. (Luận Ngữ: Vi Chính, IV).

Trong thực tế, con người làm việc bao giờ cũng có một đích nhắm, muốn thành công và không muốn thất bại. Để có được sự thành công con người phải hiểu biết các quy luật trong đời đất và cố gắng thực hiện hành động của mình hoà hợp với tất cả những quy luật đó ắt sẽ có cơ may dẫn đến thành công. Do vậy, riêng cho sự thành công bên ngoài của các hành vi con người thì luôn phải có sự kết hợp với các điều kiện ấy. Tuy nhiên, mọi nỗ lực cố gắng kết hợp hoà điệu ấy không thuộc phạm vi kiểm soát của con người nên thành công hay thất bại thì người quân tử cũng chẳng bận tâm, vì cổ nhân có nói: “mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên”. Đó là tinh thần tích cực người biết mệnh vậy. Tuy nhiên, cũng có loại người tiểu nhân, sống thái độ tiêu cực “vô vi”, cho mệnh trời là số phận tất yếu đã an bài, nên chẳng cần biết đến mệnh trời, hoàn toàn buông xuôi để cho hoàn cảnh chi phối, chẳng cần phải làm gì cả. Nhưng con người cũng có cái tự chủ hay tự do riêng để tự kiện toàn lấy mình, khiến cho cái tín ngưỡng tâm linh của con người luôn luôn mẫn huệ, để hành động của con người lúc nào cũng phù hợp mệnh Trời, bằng không, con người cứ hèn yếu nhu nhược đợi chờ số mạng. Có lẽ cách đơn giản và hiệu quả nhất theo Khổng Tử để đối diện với định mệnh là “tận nhân lực, tri thiên mệnh”, tức là cố gắng làm hết sức mình trước và sẵn lòng chấp nhận định mệnh. Nếu người quân tử tin và hành động được như thế, tức là trên một phương diện, người quân tử không bao giờ thất bại.

3. Lạc Thiên (樂天)


Theo quan điểm Nho giáo, hành động “sự thiên” là thái độ tích cực, chủ động của con người nhằm sống hoà hợp với mệnh trời và tuân theo mệnh trời. Con đường tâm linh này sẽ đem lại cho con người một niềm hạnh phúc hoan hỉ gọi là “lạc thiên”, tức vui với trời. Kinh Dịch cổ xưa có viết rằng:

樂天知命故不憂. 安土敦乎仁, 故能愛 Thánh nhân vui với lẽ Trời, bởi hay định mệnh nên vui thập phần; cho nên không lo lắng, yên với cảnh ngộ, đôn đốc về đức nhân, cho nên thực hành được đức ái. (Kinh Dịch, Hệ Từ thượng, IV).

Chữ “tri mệnh” ở đây tức là chữ tri mệnh trong câu nói trên của Khổng Tử: “五十而知天命 Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”. Mệnh không phải là số mệnh, mà là cái luật, cái đạo Trời. Sống theo đạo Trời là nền tảng vững chắc để phát triển trí tuệ, đạo đức về lòng nhân ái và yêu thương con người.

Trong sách Trung Dung, có đoạn chép về vấn đề “lạc thiên tri mệnh” của người quân tử rằng:

君子素其位而; 不愿乎其外. 素富貴, 行乎富貴. 素貧賤, 行乎貧賤.素夷狄, 行乎夷狄. 素患難,行乎患難. 君子無入而不自得焉.在上位,不陵下; 在下位,不援上. 正己, 而不求於人, 則無怨. 上 不怨天,下不尤人. 故君子居易,以俟命. 小人行險以徼辛 Quân tử theo địa vị mình mà hành động; người không muốn vượt qua địa vị đó. Ở địa vị giàu sang, người hành động theo phận giàu sang. Ở địa vị nghèo hèn, người hành động theo phận nghèo hèn. Ở địa vị mọi rợ, người hành động theo phận mọi rợ. Gặp lúc hoạn nạn, người hành động theo kiểu hoạn nạn. Quân tử không ở vào cảnh nào mà không thấy mình là mình. Ở địa vị trên, người chẳng khinh mạn người dưới; ở địa vị dưới, người chẳng tâng bốc người trên. Ngươi giữ mình cho chính đáng và và không cầu kì ở người khác, ắt không gây oán hận. Trên chẳng trách Trời, dưới không oán người. Cho nên quân tử ăn ở bình dị để chờ mệnh trời. Tiểu nhân làm những việc để cầu may. (Trung Dung, XIV).

Rõ ràng đoạn văn này đưa ra những nguyên tắc, những định luật tư nhiên mà người quân tử cần phải tuân theo để có một đời sống đạo hạnh, đạt đến hạnh phúc lý tưởng. Mấy nguyên tắc ấy là: ăn ở xứng địa vị; không luồn trên hiếp dưới; luôn giữ tâm hồn bình thản, bất kỳ gặp hoàn cảnh nào; sống giản dị chờ đợi mệnh trời.

4. Đồng Thiên (同天)


Các hành động “tri thiên”, “sự thiên”, “lạc thiên” là các cấp độ cảm nhận của trạng thái tâm linh con người hướng đến Siêu việt. Tuy nhiên, tông chỉ tín ngưỡng của Nho giáo cho rằng điểm hội tụ cao nhất của ba hành động này là “đồng thiên”, tức nên một với Trời. Tại sao con người phải nên một với Trời?

Vũ trụ quan và nhân sinh quan của Nho giáo cho rằng “thiên địa vạn vật đồng nhất thể”. Trời sinh ra con người và vạn vật, nên Trời có thứ gì thì con người cũng có thứ ấy, nên gọi Trời là Đại vũ trụ, và con người là Tiểu vũ trụ. Vũ trụ mà không có con người là vũ trụ trống rỗng hoàn toàn, bởi vì vũ trụ là một đại hoà điệu của Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân), mà thiếu đi một yếu tố thì sự hoà điệu không còn. Quả thực, con người sinh ra đã bẩm thụ cái Lý và cái Khí của Trời Đất, tức là “thiên nhân tương dữ” (Trời và người quan hệ mật thiết với nhau), bởi thế Nho giáo mới lấy phép tắc tự nhiên của Trời làm mô phạm của người, lấy thiên luân làm nhân luân, lấy thiên đạo làm nhân đạo. Người bẩm thụ được cái “tính” của Trời thì đạo của trời tức là đạo của người. Do vậy, trời đất có thể tương liên tương cảm và tương ứng nhau được. Đấy là điều dĩ nhiên.

Thực ra học thuyết “thiên nhân tương dữ” này đã có một quá trình thừa kế lâu dài, có xuất xứ từ những khái niệm về thiên mệnh từ các thời Hạ, Thương, Chu; khẳng định các hoạt động của con người và sự vận động của thiên nhiên đều do mệnh lệnh và ý chí của một vị thần tối cao – đó là Thượng Đế. Bởi thế, ngay từ thời xa xưa, người Trung Hoa tin rằng Trời và người có thể tương cảm, tương ứng được; nên có điều gì hồ nghi, họ thường bói bằng mai rùa hoặc cỏ chi để xin cho biết việc cát hung.[13] Các vua chúa thời xưa đều dùng quan Thái bốc để coi việc bói toán là vì vậy.

Nhưng đối với nhân sinh quan của Đức Khổng, ông cho rằng tương quan giữa thiên đạo và nhân đạo xuất phát từ việc “tri thiên mệnh”, bởi một khi con người biết được mệnh trời thì khi ấy con người mới có thể đạt tới cảnh giới tự do đích thật. Vì thế, cái mệnh trời của Khổng Tử không thể đơn giản quy kết là mệnh lệnh của một ý chí Thượng Đế nhưng là các quy luật tất yếu của thế giới khách quan. Cho nên, nơi con người, sống điều nhân nghĩa không phải là do sức riêng mình có được nhưng là cuộc sống hài hoà với các quy luật khách quan của vũ trụ vạn vật. Vì thế, theo Khổng Tử, muốn đạt được cảnh giới cao nhất thì phải nên một với Trời qua ba con đường: tri thiên, sự thiên và lạc thiên. Quả thực, trong quan niệm Nho giáo, thánh nhân là người đã đạt được đến sự “đồng thiên” qua việc thực hành theo phép Trời.[14] Họ được coi là những người đạt đến tiêu chuẩn cao nhất của việc thực hiện lý tưởng “thiên nhân hợp nhất”. Quả thực, “thiên nhân hợp nhất” là một ranh giới tinh thần, sở dĩ con người có thể thực hiện được ranh giới này là do con người về tinh thần đã hướng đến con đường tín ngưỡng tâm linh siêu việt hoàn toàn, đã thực hiện được sự tự giác (thấu hiểu chân lý) thực sự.

Theo tư tưởng này của Nho giáo, nơi mỗi người, sự tương cảm “thiên nhân hợp nhất” ấy lúc nào cũng có, nhưng khi ta để cho lòng tư dục dấy lên mạnh mẽ, chỉ biết tính toán để làm lợi riêng cho mình thì cái tinh thần bị rối loạn đi, cái trực giác trở nên ám muội, nên cái cảm ứng ta không biết được. Nhưng nếu ta biết đè nén lòng tư dục, giữ cho lúc nào cũng có thái độ trung hoà, thì trực giác trở nên mẫn huệ, biết được các điều sâu xa bí ẩn, tức là tương cảm được với Trời. Tông chỉ ấy chủ ở đạo “thiên nhân tương dữ” hay “thiên nhân hợp nhất” có sẵn cái trực giác để hiểu lẽ biến hoá của trời đất, khiến cho lúc nào con người cũng sống theo lẽ ấy mà hoà hợp với trời đất mà tiến đến bậc thánh nhân.

Kết luận

Chữ “Tín” trong Nho giáo bao trùm toàn bộ cuộc sống con người ở mọi góc cạnh, từ yếu tố nhân bản với tương quan bản thân, trong tương quan với mọi người ở bình diện Hình nhi hạ đến yếu tố tín ngưỡng tâm linh trong tương quan với Siêu việt (Trời hay Thượng Đế) ở bình diện Hình nhi thượng. Đối với Nho giáo, Tín là yếu tố nền tảng, là sự gắn kết, sự hợp nhất giữa con người với nhau, giữa con người với thế giới vũ trụ, đặc biệt là với Trời hay Thượng Đế.

Xét ở bình diện Hình nhi hạ: đối với bản thân, người có chữ Tín sẽ thành công trong việc học tập, tu thân, trở thành người chính nhân quân tử. Còn đối với mọi người, người có chữ Tín sẽ thành công trong tương quan với người khác, đặc việc trong tương quan với bạn bè, trong việc làm và chính trị. Từ hai yếu tố này, Tín giúp nhân cách con người được hoàn thiện và làm cho người khác từ việc tin tưởng, dẫn đến yêu mến và kính phục. Như vậy, người sống chữ Tín như thế chẳng lẽ không cảm thấy hạnh phúc an lạc sao!

Tuy nhiên, đối với Nho giáo, người sống đạo đức ở bình diện Hình nhi hạ vẫn không đủ. Xét ở bình diện Hình nhi thượng: thiên đạo là nền tảng căn bản cho nhân đạo, người sống chữ Tín trong tương quan với Trời hay Thượng Đế không chỉ đạt đến bậc chính nhân quân tử, nhưng còn vượt xa bậc chính nhân quân tử, sẽ trở thành bậc thánh nhân sống hoà đồng, hoà điệu cùng trời đất vũ trụ nhờ biết tri thiên, sự thiên và lạc thiên. Cảnh giới thánh nhân ấy quả thực mới đúng là hạnh phúc an lạc sao!

Đối thoại với Kitô giáo: quả thực, với trực giác tâm linh Nho giáo, nơi con người, Tín không phải là hành động ngu muội dốt nát, là sự cản trở, nhưng trên hết Tín là ánh sáng tâm linh, là yếu tố nền tảng căn bản cho người sống đức hạnh trở thành bậc chính nhân quân tử, đặc biệc là bậc thánh nhân.[15] Rõ ràng, con người càng sống chữ Tín bao nhiêu, người đó sẽ càng đi tới con đường chân lý (tri thiên), phục vụ chân lý (sự thiên) và cuối cùng vui cùng chân lý (lạc thiên). Vì thế, Đạo học hay con đường căn bản tín ngưỡng tâm linh của Nho giáo để đạt được hạnh phúc an lạc là phải buộc con người mở lòng tin, đi vào tương quan với Siêu việt. Không có chiều kích tâm linh nền tảng căn bản này, con người thực sự sẽ không đích thị là người. Nói như vậy, xét theo nghĩa rộng, con người tâm linh Đông phương, cách riêng với Nho giáo không phải là một triết thuyết chủ trương vô thần, nhưng là một Đạo học mở ra với Siêu việt, với Đấng thần linh tuyệt đối là chủ tể, là Đấng sáng tạo muôn loài mà trực giác trí tuệ tâm linh con người không thể diễn tả, không thể hiểu thấu.

Thư tịch


A. Sách tham khảo

  1. Đại Học – Trung Dung – Luận Ngữ. Trần Công Tiến dịch và chú thích. California: Văn Gia, 2000.
  2. Huỳnh Trụ. Tìm hiểu Từ vựng Công giáo. Tp.HCM, 2012.
  3. Mộng Bồi Nguyên. Hệ thống phạm trù lý học. Tạ Phú Chinh và Nguyễn Văn Đức dịch. Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1998.
  4. Kinh Dịch. Ngô Tất Tố dịch và chú giải. Sài Gòn: Khai Trí, 1991.
  5. Nguyễn Hiến Lê. Khổng Tử. Tp.HCM: Văn hoá, 1995.
  6. ________. Kinh Dịch – Đạo của người quân tử. Hà Nội: Văn học, 1994.
  7. Nguyễn Tôn Nhan. Nho giáo Trung Quốc. Hà Nội: Văn hoá Thông tin, 2005.
  8. Phùng Hữu Lan. Đại cương triết học sử Trung Quốc. Nguyễn Văn Dương dịch. Sài Gòn: Đại học Vạn Hạnh, 1967.
  9. ________. Tinh thần triết học Trung Quốc. Lê Anh Minh dịch. Tp.HCM: Đại học Sư Phạm Tp.HCM, 2010.
  10. Taylor, Rodney L. The Illustrated Encyclopedia of Confucianism. New York: The Rosen Publishing Group, 2005.
  11. Trần Trọng Kim. Nho giáo. Hà Nội: Thời Đại, 2012.
  12. Tứ thư: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử. Đoàn Trung Còn dịch. Huế: Thuận Hoá, 2000.

B. Các Websites

  • http://www.hanviet.org
  • http://www.nhantu.net
________
[1] Chữ hội ý là chữ hợp thể, ít nhất cũng do hai chữ hợp thành. Ví dụ: 明 minh: gồm nhật日mặt trời và nguyệt月mặt trăng nên có nghĩa là sáng.
[2] Xc. Kinh Dịch, Ngô Tất Tố dịch và chú giải (Tp.HCM: Văn học, 2003), tr. 79-81.
[3] Trong 64 quẻ của Kinh Dịch, Thuần Càn là quẻ đầu tiên nói về nguyên lý vận hành của Trời, sau đó mới đến quẻ thứ hai là Thuần Khôn làm giếng mối cho đạo người dưới thế, ấy là theo ngôi Trời - Đất.
[4] Thực ra Ngũ thường là do một tiến trình tiệm tiếm. Ban đầu Đức Khổng phu tử chỉ nói đến: Nhân, Trí, Dũng; đến thời thầy Mạnh tử bớt Dũng mà thêm Lễ và Nghĩa; tới thời Hán, Đổng Trọng Thư thêm đức Tín là thành ra Ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
[5] Xc. Mục từ Hsin (Faifulness) trong Rodney L. Taylor, The Illustrated Encyclopedia of Confucianism (New York: The Rosen Publishing Group, 2005), tr. 235-236.
[6] Vào thời Khổng Tử, nước có một ngàn cỗ xe là nước nhỏ. Mỗi cỗ xe do bốn ngựa kéo.
[7] Vua từ nhà Tần (221- 206 TCN) trở về sau đều gọi vua là Hoàng đế.
[8] Nho giáo cổ thời quan niệm vua là người thay mặt cho Trời mà cai trị dân chúng và mưu cầu hạnh phúc cho dân chúng, nên gọi vua là Thiên tử (con của Trời).
[9] Xc. Nguyễn Tôn Nhan, Nho giáo Trung Quốc (Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2005), tr.13-19.
[10] Xc. Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử (Tp.HCM: Văn hóa, 1995), tr. 251-252.
[11]“孔子曰,君子畏天命;小人不知天命 Khổng Tử nói rằng người quân tử thì biết kính sợ mệnh trời, còn người tiểu nhân thì không” (Luận Ngữ: Lý Thị, VIII).
[12]“孔子曰,不知命,無以為君子也 Khổng Tử nói rằng không biết mệnh trời thì không phải là người quân tử” (Luận Ngữ: Nghiêu Viết, III).
[13] Chữ “cát 吉” ở đây chỉ sự tốt lành, vui vẻ, may mắn, bình yên, an vui... như cát tường; còn chữ “hung 凶” chỉ sự không may, những điều dữ, những sự xấu... đối lập với chữ “cát”.
[14] Để hiểu rõ khái niệm “thánh nhân” trong truyền thống Nho giáo, xin đọc Jonathan Fan Yun Ka, “Đức Giêsu, vị thánh chịu đóng đinh và phục sinh” trong Thời sự thần học, số 55 (tháng 01/2012), tr. 157-173.
[15] Đối chiếu với Kitô giáo, bậc thánh nhân của Nho giáo vẫn chỉ là cấp độ tự nhiên, tự nỗ lực hoàn thiện mình; còn đối với Kitô giáo, ngoài yếu tố căn bản tự nhiên, bậc thánh nhân chủ yếu ở cấp độ siêu nhiên, tức ân sủng Thiên Chúa là yếu tố hoàn thiện, đưa con người đến bậc sung mãn vinh quang.