Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

GIÁO HỘI VỚI NHỮNG NGƯỜI VÔ THẦN, VÔ TÍN NGƯỠNG

Thời sự Thần học - Số 62, tháng 11/2013, tr. 128-156

Giuse Phan Tấn Thành, O.P.

Phần I. Điểm qua các văn kiện của Giáo hội
I. Từ Công đồng Vaticanô I (1870) đến Vaticanô II (1965): A. Gaudium et spes. B. Những văn kiện khác của Công đồng
II. Từ công đồng Vaticanô II đến nay (1965-2013): A. Văn phòng về những người vô tín ngưỡng. B. Những văn kiện khác của Toà thánh

Phần II. Tìm hiểu hiện tượng vô thần
I. Từ ngữ: A. Tiếng Việt. B. Tiếng Latinh: athei / non credentes / infideles
II. Vô thần là gì? A. Các dạng thức. B. Các động lực
III. Lịch sử hiện tượng vô thần ở châu Âu: A. Cổ thời. B. Thời cận đại: các thuyết vô thần nhân bản. C. Văn hoá vô thần
IV. Vài suy nghĩ

Nhập đề


Tại sao chọn đề tài “Giáo hội với những người vô thần, vô tín ngưỡng”? Có ít là hai lý do. Thứ nhất, trong bài phát biểu tại Hội nghị FABC năm ngoái, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc đã lưu ý rằng trong 40 năm qua, FABC đã đề xướng cuộc đối thoại với văn hoá, tôn giáo, người nghèo, mà bỏ qua cuộc đối thoại với người vô thần, một thực tại quan trọng tại châu Á, với ba quốc gia theo chủ nghĩa vô thần. Chúng ta không thể nào nhắm mắt làm ngơ trước một thực trạng có ảnh hưởng đến đời sống chính trị, văn hoá, tôn giáo của cả tỉ con người.

Lý do thứ hai, chúng ta đang ở trong Năm Đức Tin. Trong các sách Tin Mừng, đặc biệt là Tin Mừng thứ bốn, con người luôn được mời gọi phải đối chất: tin hay không tin? Những người bị Chúa Giêsu trách là “không tin, kém tin” không phải là những người vô thần, ngoại đạo, nhưng là những người đã tin vào Thiên Chúa, và cách riêng là các tông đồ. Nói khác đi, những người “không tin” là những người có đạo!

Trước khi vào đề, xin lưu ý quý vị về lối trình bày. Trong bài này, chúng ta sẽ đụng tới rất nhiều vấn đề từ ngữ nói được là hàm hồ. Tựa đề của bài thuyết trình phần nào đã gợi lên điều đó: “vô thần” và “vô tín ngưỡng” không đồng nghĩa với nhau, một đàng tại vì những hạn từ này không dịch sát nguyên ngữ châu Âu (atheist, non believer), đàng khác, chúng ta có thể kể ra cả chục thứ “vô thần” cũng tựa như chúng ta có thể phân biệt hàng chục thứ “tín ngưỡng”. Và quý vị sẽ ngạc nhiên khi biết rằng trong lịch sử, Kitô giáo đã có lần được xếp vào “tôn giáo vô thần”, tương tự như ngày nay nhiều học giả vẫn tiếp tục gọi Phật giáo Nguyên thủy một “tôn giáo vô thần”. Trong cả hai trường hợp, từ “vô thần” được hiểu theo hai nghĩa khác nhau. Do đó, việc nghiên cứu “vô-thần-học” (athéologie) cũng đòi hỏi thời gian ngang với việc nghiên cứu “thần-học” (théologie). Thời gian không cho phép, chúng tôi chỉ giới hạn vào việc phân tích thái độ của Giáo hội Công giáo đối với hiện tượng vô thần và vô tín ngưỡng qua các văn kiện của Toà thánh từ công đồng Vaticanô II đến nay.

Bài thuyết trình gồm hai phần chính. Trong phần thứ nhất, chúng ta sẽ điểm qua các văn kiện và hành động của Toà thánh từ công đồng Vaticanô II cho đến Đức thánh cha Phanxicô, để thấy những lối tiếp cận khác nhau đối với hiện tượng vô thần/ vô tín ngưỡng.

Sang phần thứ hai, chúng tôi sẽ cố gắng trình bày vấn đề cách hệ thống theo bốn đề mục sau: 1/ Từ ngữ: vô thần, vô tín ngưỡng là gì? 2/ Phân loại các chủ trương vô thần dựa theo các động lực
và lý do. 3/ Lịch sử các học thuyết vô thần của châu Âu. 4/ Vài suy tư.

Phần I. Điểm qua các văn kiện của Giáo hội


Như sẽ thấy trong phần thứ hai, các thuyết vô thần đã có một lịch sử lâu dài, ngay từ các triết gia Hy Lạp cổ đại, nhưng đó là những chuyện lẻ tẻ. Vào thời cận đại, nhiều học thuyết vô thần đã được đề ra mà tầm ảnh hưởng không chỉ giới hạn trong các câu lạc bộ triết học hoặc giảng đường đại học, nhưng đã gây ảnh hưởng đến những đường lối chính trị, văn hoá tại nhiều quốc gia. Vì thế mà Giáo hội thấy cần phải lên tiếng, tuy có những thay đổi không nhỏ trong cách tiếp cận vấn đề. Chúng tôi tạm phân ra làm hai giai đoạn chính, lấy Công đồng Vaticanô II làm cột mốc quy chiếu: trước Công đồng, Giáo hội lên án các chủ thuyết vô thần; từ công đồng, Giáo hội đối thoại với người vô thần / vô tín ngưỡng.

I. Từ Công đồng Vaticanô I (1870) đến Vaticanô II (1965)


Trong hiến chế “Dei Filius” về đức tin công giáo (24/4/1870), công đồng Vaticanô I đã lên án tất cả những sai lầm thời đại liên quan đến quan điểm về Thiên Chúa (anathema sit)[1]:

– Những người chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa;

– Những người khẳng định rằng không có gì khác ngoài vật chất (materialismus);

– Những người đồng hoá Thiên Chúa với vũ trụ (pantheismus), hoặc vũ trụ phát sinh từ Thiên Chúa (emanatismus).

Nên lưu ý là Công đồng nhắm đến các thuyết vô thần (chối bỏ Thiên Chúa) hơn là những người vô thần. Và khi bàn về đức tin, Công đồng lên án chủ thuyết duy lý (rationalismus) lẫn duy tín (fideismus) và duy truyền (traditionalismus)

Sang thế kỷ XX, chúng ta nên ghi nhận các thông điệp của Đức Piô XI lên án các chủ nghĩa độc tài muốn đặt Nhà Nước thay thế cho Thiên Chúa, đó là thông điệp Non abbiamo bisogno (29/6/1931) dành cho phátxít Ý, Mit brennender Sorge (14/3/1937) dành cho Quốc xã Đức, và Divini Redemptoris (19/3/1937) bàn về chủ nghĩa Cộng sản.

Tuy nhiên, Đức Gioan XXIII mở ra một hướng cho sự đối thoại qua sự phân biệt giữa “ý thức hệ vô thần” và “thực tại lịch sử” (Mater et Magistra), cũng như phân biệt giữa “sự sai lầm” và “người sai lầm” (Pacem in terris). Nói cách khác, cần phân biệt giữa các thuyết vô thần và người vô thần. Theo hướng đó, Đức Phaolô VI trong thông điệp Ecclesiam suam (6/8/1964), đã chủ trương đối thoại với hết mọi người kể cả người vô thần, rồi với những người tin vào Thiên Chúa, kế đó là với các Kitô hữu, và cuối cùng là trong nội bộ Giáo hội Công giáo (bốn vòng đối thoại, từ xa đến gần).

Công đồng Vaticanô II bàn về những người vô thần ở nhiều văn kiện, đặc biệt là hiến chế Gaudium et spes (7/12/1965). Cái nhìn mới nằm ở chỗ là không chỉ nhìn thuyết vô thần như một quan điểm triết học mà còn như một hiện tượng lịch sử và tôn giáo liên quan đến tình trạng sinh sống của con người trong vũ trụ. Ngay từ số 7c, Công đồng đã nhìn nhận rằng ngày nay hiện tượng vô thần đã lan tràn vào nhiều lãnh vực: văn hoá (văn chương, nghệ thuật, khoa học nhân văn, lịch sử), xã hội (pháp luật); đặc biệt là nó chống lại Thiên Chúa nhân danh sự tiến bộ khoa học và sự thăng tiến con người.

A. Gaudium et spes

Thuyết vô thần được bàn trong chương I (Về ơn gọi con người), và với ba số đề cập đến: 1/ những hình thức và nguyên nhân của thuyết vô thần (số 19). 2/ thuyết vô thần hệ thống (số 20). 3/ thái độ của Hội thánh đối với thuyết vô thần (số 21)[2].

1/ Những dạng thức của thuyết vô thần. Công đồng chỉ mô tả hiện tượng, và sau đó các nhà chú giải đã đặt nhiều tên khác nhau (có người đếm được 12 dạng thức), mà chúng tôi sẽ giải thích trong phần thứ hai[3].

2/ Những nguyên nhân. Hiện tượng vô thần bắt nguồn từ những động lực hiện sinh và lịch sử, hơn là vì luận chứng lý thuyết. Con người tự coi mình như giá trị tuyệt đối, không cần đến “giả thuyết Thiên Chúa” nữa. Mặt khác, đôi khi người tín hữu cũng có trách nhiệm bởi vì đã trình bày một hình ảnh sai lệch về Thiên Chúa.

3/ Những phương thuốc. Giáo hội phi bác thuyết vô thần[4], nhưng đồng thời tìm cách hợp tác với những người thiện chí trong việc xây dựng thế giới. Đối lại với thuyết nhân bản vô thần, công đồng tuyên bố rằng Thiên Chúa không phải là đối thủ của con người, nhưng nâng cao phẩm giá con người. Đối lại với thuyết xã hội vô thần, Công đồng khẳng định rằng niềm hy vọng cánh chung không tương phản với sự dấn thân xây dựng trần thế.

B. Những văn kiện khác của Công đồng

1/ Hiến chế Lumen gentium bàn về phần rỗi những người vô thần (số 16, dành cho những người ngoài Giáo hội, gồm cả các tín đồ thuộc các tôn giáo): họ có thể được cứu rỗi (dĩ nhiên là nhờ ơn thánh) nếu sống đời ngay chính. Nên biết là Gaudium et spes cũng đề cập vấn đề ơn cứu độ cho người vô tín ngưỡng ở số 22 (dựa trên ân sủng “nguyên tổ” của Đức Kitô và Thánh Linh).

2/ Tuyên ngôn Dignitatis humanae về tự do tín ngưỡng. Công đồng tuyên bố con người có quyền tự do tín ngưỡng, dựa trên phẩm giá của mình. Thiết tưởng văn kiện khẳng định một điều khá quan trọng (và thoạt tiên xem ra phi lý) là: những người vô thần được hưởng quyền tự do tín ngưỡng (cuối số 2)! Thực vậy, con người có bổn phận phải truy tầm chân lý và phải tuân theo chân lý; nhưng không ai có quyền cưỡng bách người khác phải bỏ hoặc theo một tín ngưỡng trái với lương tâm của mình.

II. Từ Công đồng Vaticanô II đến nay (1965-2013)


Chiều hướng đối thoại do Công đồng mở ra vẫn được tiếp tục, tuy cũng có những lúc đổi hướng, qua việc thiết lập “Văn phòng dành cho người vô tín ngưỡng” (1965), và sau đó, được sáp nhập vào “Hội đồng Toà thánh về Văn hoá” (1993). Ngoài những hoạt động của cơ quan này, chúng ta cần nói thêm các văn kiện khác của Toà thánh cũng như các hoạt động của các Giáo hoàng.

A. Văn phòng về những người vô tín ngưỡng

Văn phòng dành cho những người vô tín ngưỡng (Secretariatus pro non credentibus) được thành lập ngày 9/4/1965 trong thời gian Công đồng còn họp[5]. Nên lưu ý tên gọi của cơ quan: “vô tín ngưỡng” (chứ không phải là “vô thần”). Cơ quan này được đổi tên thành “Hội đồng Toà thánh đối thoại với những người vô tín ngưỡng” (Pontificium Consilium pro dialogo cum non credentibus) khi với tông hiến Pastor bonus cải tổ giáo triều Roma (30/6/1988).

Do tự sắc Inde a pontificatus (25/3/1993), cơ quan này được sáp nhập vào Hội đồng Toà thánh về Văn hoá (được thành lập từ năm 1982). Hiện tương “vô tín ngưỡng” được xem như một vấn đề thuộc văn hoá thời đại[6].

Hội đồng Toà thánh về Văn hoá đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo về hiện tượng vô thần[7], và gần hơn nữa, dưới thời Đức Bênêđictô XVI, các cuộc gặp gỡ mang tên là “tiền đường dân ngoại” (2011: Paris, Firenze, Roma, Tirana; 2012: Messico, Palermo, Barcelona, Stockholm, Braga, Assisi).

1/ Những văn kiện của cơ quan. Hai văn kiện đáng kể vào những năm mới thành lập:

– Cuộc đối thoại với những người vô tín ngưỡng (28/8/1968)[8].

– Việc nghiên cứu các thuyết vô thần và huấn luyện đối thoại (10/7/1970)[9].

2/ Từ khi được sáp nhập vào Hội đồng Toà thánh về văn hoá. Văn kiện Chúa ngươi ở đâu? Đức tin Kitô giáo đối diện với thách đố của sự thờ ơ tôn giáo do cơ quan này phát hành vào tháng 3 năm 2004, bàn về tình trạng lãnh đạm tôn giáo và sự nảy sinh của các giáo phái, như thách đố quan trọng hơn là các thuyết
vô thần.

B. Những văn kiện khác của Toà thánh

Hiện tượng vô thần được đề cập trong nhiều văn kiện về giáo huấn xã hội, truyền giáo, chẳng hạn:

1/ Đức Phaolô VI, Evangelii nuntiandi (số 55-57: thuyết vô thần và tục hoá).

2/ Đức Gioan Phaolô II, Dominum et vivificantem (số 56: chủ nghĩa duy vật biện chứng), Centesimus annus (số 13-14 phê bình Mácxít), Fides et ratio (số 45-48; 60; 90-91. Sự liên hệ giữa thuyết vô thần và thuyết hư vô - nichilismo - của thời hậu hiện đại). Ecclesia in Europa (số 7; 49; 58-59).

3/ Đức Bênêđictô XVI, Spe salvi (số 20: Mácxít và niềm hy vọng vào thế giới mới), Caritas in veritate (số 11; 76-77: sự phát triển con người đòi hỏi chiều kích siêu việt).

Đó là chưa kể những bài diễn văn, huấn từ đây đó. Đức Gioan Phaolô II, một giáo sư triết học Ba Lan và đã có những kinh nghiệm trực tiếp về chủ nghĩa cộng sản, đã phát biểu vào nhiều cơ hội trước và sau khi được bầu làm giáo hoàng. Đức Bênêđictô XVI đã đọc nhiều diễn văn quan trọng dành cho giới trí thức nhân các cuộc thăm viếng các quốc gia tại Đông và Tây Âu. Trong số những cử chỉ đáng lưu ý của Đức Bênêđictô XVI, phải kể đến việc mời các người vô thần tham dự cầu nguyện cho hoà bình ở Assisi ngày 27/10/2011.

Gần hơn nữa, hiện tượng tục hoá (saecularizatio) đã được phân tích trong Tài liệu làm việc của Thượng hội đồng giám mục tháng 10/2012 về việc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ, ở các số 52-54.

Sau cùng, Đức thánh cha Phanxicô đã có cử chỉ rất tế nhị với những người vô tín ngưỡng. Trong buổi tiếp kiến các ký giả ngày 16/3/2013, vào lúc kết thúc, ngài dùng công thức quen thuộc: “Tôi thành thực chúc lành cho quý vị”; nhưng liền đó ngài thêm: “Vì nhiều người trong quý vị không thuộc về Giáo hội Công giáo, một số khác là người vô tín ngưỡng, tôi thành thực ban phúc lành cho mỗi người trong quý vị trong thinh lặng đang khi tôn trọng lương tâm của mỗi người, tuy biết rằng mỗi người trong quý vị là con cái Thiên Chúa”. Thiết tưởng đây cũng là thái độ quan trọng đối với người vô thần[10].

Phần II. Tìm hiểu hiện tượng vô thần


Sau khi đã rảo qua những văn kiện của Toà thánh, bây giờ chúng tôi cố gắng trình bày mạch lạc hiện tượng vô thần / vô tín ngưỡng, qua bốn mục: 1/ từ ngữ; 2/ các dạng thức; 3/ lịch sử tư tưởng; 4/ vài cảm nghĩ.

I. Từ ngữ


Chúng ta sẽ khởi đi từ tiếng Việt, và sau đó tìm hiểu nguồn gốc trong tiếng Âu châu.

A. Tiếng Việt

1/ Hình như hạn từ “vô thần” mới xuất hiện để dịch từ athée, chứ không có trong văn chương Việt Nam cổ truyền (cũng tựa như “tôn giáo” hoặc “tông giáo” cũng mới được xuất hiện để dịch từ religion). Thời xưa, có lẽ chỉ có những từ ngữ “vô đạo, ngoại đạo”.

Xét theo từ ngữ, “vô thần” có nghĩa là “không có thần linh” (đối lại với “hữu thần”). Vô thần được hiểu về người không tin vào sự hiện hữu của các thần linh. Nhưng thử hỏi: Có ai thật sự không tin vào bất cứ thần linh nào hay không? Ai mà chẳng có thần hộ mạng, hay ít là một thần tượng nào đó?

2/ Cũng vậy, “vô tín ngưỡng” có nghĩa là: kẻ không có một niềm tin nào hết. Từ này được dùng để dịch từ “non croyant” (unbeliever): không tin. Nhưng thử hỏi: Làm sao có thể sống trên đời mà không có niềm tin, không tin tưởng vào cái gì đó? Hơn thế nữa, làm sao sống được trong xã hội nếu không tin tưởng ít là vào con người với nhau? (Tiên vàn tin “ai” rồi mới tin “cái gì”).

Như vậy, nếu phân tích từ ngữ tiếng Việt, thì ta thấy “vô thần, vô tín ngưỡng” là hai ý niệm tiêu cực, chẳng có nghĩa lý gì, và đặc biệt không sát với thực tế. Nhưng xét vì chỉ là những từ ngữ được tạo ra để dịch những từ trong ngôn ngữ châu Âu, cho nên chúng ta hãy truy tầm ý nghĩa trong chính các ngôn ngữ này.

B. Tiếng Latinh: athei / non credentes / infideles

1/ Athei (athées, atheists): quen dịch là “vô thần”, nhưng trên thực tế, có thể hiểu theo hai nghĩa: (i) không có thần; (ii) không có Thiên Chúa. Hai ý tưởng ấy không trùng hợp với nhau trong lịch sử tư tưởng châu Âu, một lục địa chịu ảnh hưởng của Kitô giáo. Thực vậy, trước Kitô giáo, theos trong tiếng Hy Lạp (và deus trong tiếng La-tinh) có nghĩa là “thần linh” (và đa thần). Kitô giáo khẳng định rằng chỉ có một Thiên Chúa, chứ không có thần linh nào khác. Vì thế Kitô giáo tôn thờ Thiên Chúa, nhưng đả phá các thần (theo gương các ngôn sứ của Israel); cho nên nếu nói rằng Kitô giáo là một “tôn giáo vô thần” thì không sai. Ngược lại, các phong trào vô thần hiện đại ở châu Âu không chống lại các thần linh cho bằng chống lại Thiên Chúa của Kitô giáo.

Thực ra, nếu muốn nói chính xác hơn trong lịch sử các tôn giáo, atheismus không chỉ chống lại theos (thần linh) nhưng chống lại theismus dưới nhiều hình thức: pantheismus, polytheismus, monotheismus, deismus. Vì thế có nhiều dạng thức atheismus như sẽ nói sau. Ngoài ra cũng nên biết rằng trong bản Hy Lạp Tân Ước, từ atheos chỉ xuất hiện một lần (Ep 2,12), và mang ý nghĩa khác với thời nay (dân ngoại không có Thiên Chúa: no God, without God).

2/ Non credentes: (non-croyants, unbelievers). Cơ quan Toà thánh đối thoại với người vô thần mang tên là “Secretariatus pro non credentibus”, thường dịch là “không tin, vô tín ngưỡng” nhưng có lẽ không đúng, bởi vì thuật ngữ “non credentes” bao gồm nhiều hạng người khác nhau!

– Trong Kinh Thánh, những kẻ “không tin” không hẳn là người vô thần, nhưng là những người tuy có đạo nhưng thiếu tin tưởng vào Chúa, cụ thể là dân Do Thái (trong Cựu Ước và vào thời Đức Giêsu), và cách riêng là các tông đồ, nhiều lần bị trách là incredulus[11].

– Trong các văn kiện Toà thánh, xem ra từ ngữ non-credentes được áp dụng cho những người Âu Mỹ: họ đã lớn lên trong một nền văn hoá Kitô giáo (và thậm chí đã rửa tội), nhưng ngày nay họ không còn tin vào Thiên Chúa nữa.

– Trong ngôn ngữ khoa học, non-credentes có thể mang một nghĩa khác, thuộc phạm vi tri thức luận (“tin” đối chọi với “biết”). Nhà khoa học chỉ chấp nhận cái gì hiển minh, có chứng cớ; vì thế thái độ căn bản của khoa học gia là “không tin”, nghĩa là không chấp nhận một điều gì thiếu chứng cớ hiển minh.

3/ Infideles

Từ này thường được gặp trong các sách thần học khi bàn về những tội trái nghịch đức tin (thí dụ Summa Theologica II-II, q.10). Thật ra, đây là một từ ngữ rất hàm hồ. Theo nguyên ngữ, infidelis có nghĩa là “không trung thành, bất tín, bất trung, bội tín” (infidèles, unfaithful), và áp dụng cho những người đã tin đạo (fidelis: tín hữu) nhưng sau đó đã không trung thành với đức tin Kitô giáo. Tuy nhiên, trên thực tế, infideles được hiểu là những người “vô đạo”, bao gồm tất cả người ngoài Kitô giáo[12]. Mục tiêu của công cuộc truyền giáo là đưa các người infideles trở lại đạo!

4/ Secularismus, Laicismus

Cả hai từ này đều được dịch là “tục hoá” (hay “thế tục hoá”). Ý nghĩa của cả hai đều hàm hồ, và cần đặt trong bối cảnh của lịch sử châu Âu công giáo.

a) Saecularizatio đối lại với sacralizatio hoặc consecratio.

– Nó ám chỉ việc nhìn nhận giá trị của các sự vật thế trần (saeculum: đời), chứ không “thần thánh hoá” chúng, chẳng hạn như: thiên nhiên, chính quyền. Điều này được công đồng Vaticanô II nhìn nhận là hợp pháp (x. Gaudium et spes số 36 và 59)

– Tuy nhiên, nó có thể đi đến chỗ cực đoan là không nhìn nhận sự lệ thuộc của vũ trụ vào Thiên Chúa; trường hợp này được đặt tên là saecularismus (x. Evangelii nuntiandi, số 55).

b) Laicitas được hiểu cách riêng về sự độc lập của quyền bính chính trị khỏi sự chi phối của quyền bính tôn giáo (sự tách biệt giữa đời và đạo, chống lại “giáo sĩ trị”: cléricalisme). Giáo quyền không được phép xen vào chính trị. Đây là một yêu sách hợp pháp và hợp lý; nhưng nó có thể đi đến chỗ cực đoan, được đặt tên là laicismus, tức là luật pháp quốc gia không cần quy chiếu về luật luân lý, hoặc không cho phép giáo quyền lên tiếng về khía cạnh luân lý của các vấn đề xã hội; hoặc loại bỏ hết mọi biểu tượng tôn giáo ra khỏi đời sống công cộng (trường học, bệnh viện).

Nhân bàn về từ ngữ, cũng nên biết là trong giáo luật, việc tháo lời khấn dòng được gọi là saecularisatio, còn việc hồi tục của một giáo sĩ được gọi là laicisatio (trở về hàng ngũ giáo dân). Ta có thể dễ hiểu tính cách hàm hồ của việc sử dụng từ ngữ.

II. Vô thần là gì?


Tự nó, atheismus là một khái niệm tiêu cực, bởi vì nó phủ nhận theismus. Tuy nhiên, cần phải đi thêm một bước nữa, và đặt câu hỏi: a-theismus phủ nhận thứ theismus nào (thần nào, chúa nào)? Như đã nói trên, atheismus có thể phủ nhận pantheismus (phiếm thần), polytheimus (đa thần). Dưới phương diện này, thì nó cũng trùng hợp với chủ trương của Kitô giáo. Tuy nhiên, trong lịch sử Âu châu, atheismus không chống các thần linh, nhưng nhắm đến Thiên Chúa của Kitô giáo. Atheismus có nghĩa là phủ nhận Thiên Chúa, và nó có thể mang nhiều dạng thức khác nhau.

A. Các dạng thức

Đọc một bài đăng trên mạng internet của phong trào athéisme bên Pháp, tôi đã tính được 13 thứ vô thần (sau khi đã loại trừ nhiều chỗ trùng hợp)[13], xếp theo thứ tự ABC như sau:

1/ Vô thần khẳng định (affirmatif, assertorique): không có Thiên Chúa. Ai muốn khẳng định sự hiện hữu của Thiên Chúa thì hãy đưa ra lý lẽ chứng minh[14].

2/ Vô thần bất khả tri (agnostique): tôi không thể nói gì về Thiên Chúa hết.

3/ Vô thần chống tôn giáo (antireligieux): tôi không tin có Thiên Chúa; nhưng cần phải tố giác các tôn giáo như là tai hoạ của nhân loại.

4/ Vô thần chinh phục (conquérant): khoa học và kỹ thuật sẽ chiếm chỗ của Thiên Chúa.

5/ Vô thần vỡ mộng (désenchanté): chẳng có Thiên Chúa; cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì hết (hiện sinh vô thần: existentialisme athée).

6/ Vô thần tín điều (dogmatique): không có Thiên Chúa. Đây là một tín điều.

7/ Vô thần ý thức hệ (idéologique): chủ nghĩa vô thần cho phép giải quyết những vấn đề của con người.

8/ Vô thần nhân bản (humaniste): Thiên Chúa không thể nào hiện hữu; nếu Thiên Chúa hiện hữu thì con người không thể hoạt động được.

9/ Vô thần thực hành (indifférent / négatif / pratique): vấn đề Thiên Chúa không quan trọng đối với tôi. Tôi có thể sống mà chẳng cần đến Thiên Chúa.

10/ Vô thần phương pháp luận (méthodologique): Thiên Chúa là một ý niệm thừa thãi để giải thích vũ trụ.

11/ Vô thần phủ định (négatif): tôi tin rằng không có Thiên Chúa.

12/ Vô thần ngữ nghĩa (sémantique): tôi không hiểu quý vị muốn nói gì. Thiên Chúa là một hạn từ vô nghĩa.

13/ Vô thần khoa học (scientifique): tôi chỉ tin vào khoa học. Chỉ khoa học mới cho ta biết chân lý.

B. Các động lực
Một cách phân loại các dạng thức vô thần được hiến chế Gaudium et spes sử dụng (số 19 và 20) là xét những động lực đưa đến thái độ vô thần (tại sao có chủ trương vô thần?). Có thể tóm vào bốn nhóm: vô tri; nhân bản; chiến đấu; dửng dưng.

1/ Vô tri (agnosticisme). Con người không thể nói gì về Thiên Chúa hết.

Trong nhóm này, chúng ta có thể phân biệt nhiều khuynh hướng:

– Đứng đầu là thái độ của các “tôn giáo vô tri”, mà điển hình là Phật giáo Nguyên thủy. Đây là thái độ kính cẩn trước Thực tại siêu việt, chấp nhận giới hạn của ngôn ngữ loài người. Chúng ta cũng có thể nhận thấy khuynh hướng tương tự nơi các nhà thần bí Kitô giáo theo chủ trương “thần học phủ định” (théologie négative, apophatique).

– Kế đến, chúng ta có thể kể đến những khuynh hướng triết học chủ trương rằng lý trí con người không thể khẳng định về những thực tại siêu nghiệm. Khuynh hướng này bắt nguồn từ Kant, khi ông chủ trương rằng Thiên Chúa không thuộc về lý trí thuần túy, nhưng thuộc về lý trí thực tiễn. Sự phân biệt này đưa đến chủ trương agnosticisme[15].

– Thuyết vô tri mang hình dạng mới nơi triết học phân tích (analytical philosophy): ngôn ngữ về tôn giáo vượt trên khả năng kiểm chứng, vì thế không thể kết luận rằng nó đúng hoặc sai. Tác giả tiêu biểu: Ludwig Wittgenstein.

– Chúng ta cũng có thể kể thêm thái độ duy nghiệm của các nhà khoa học. Do phương pháp làm việc, khoa học thực nghiệm không đả động đến những thực thể siêu khả giác.

2/ Vô thần nhân bản (athéisme humaniste), hay nhân bản vô thần (humanisme athée).

Có thể nói được rằng hầu hết các thuyết vô thần hiện đại đi từ một tiền đề nhân văn: sự chối bỏ Thiên Chúa là điều kiện cho sự thăng tiến con người. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong mục tới khi ôn lại lịch sử các chủ trương vô thần cận đại ở châu Âu.

3/ Vô thần chiến đấu (athéisme militant): chống lại các tôn giáo, bị ghép tội truyền bá mê tín, phản khoa học, có hại cho xã hội. Điển hình là các chủ nghĩa cộng sản bắt đầu từ cuộc cách mạng bên Nga.

4/ Dửng dưng (indifférentisme). Không cần đặt vấn đề làm gì cho thêm bận tâm: dù có hay không có Thiên Chúa, cuộc đời cũng chẳng thay đổi! Thái độ này đôi khi cũng được đặt tên là “vô thần thực hành” (athéisme pratique): sống dường như không có Thiên Chúa[16]. Trên thực tế, nguồn gốc của thái độ này khá phức tạp: có thể đó là con người duy vật không bận tâm đến các thực thể tâm linh; nhưng cũng có thể đó là con người thất vọng do những gương mù của các tôn giáo (các cuộc chiến tranh tôn giáo) hay của các tín đồ, cách riêng của cấp lãnh đạo tôn giáo.

III. Lịch sử hiện tượng vô thần ở châu Âu


Phải nhìn nhận rằng hiện tượng vô thần là một đặc trưng của văn hoá châu Âu, vốn là một lục địa Kitô giáo, theo nghĩa là đã có một thời mà toàn dân là Kitô giáo, nhưng dần dần người ta xét lại niềm tin của mình, đưa đến những thái độ hoặc là phủ nhận Thiên Chúa, hoặc là không thực hành đạo, hoặc là rời bỏ Giáo hội và thậm chí chống lại Giáo hội. Vì thế câu chuyện vô thần tại châu Âu hoàn toàn khác với các lục địa châu Á và châu Phi. Chúng ta tạm chia lịch sử thành hai giai đoạn chính: cổ thời và cận đại.

A. Cổ thời

Thuyết vô thần xuất hiện từ bao giờ? Thật là khó nói. Một điều chắc chắn là trong các triết gia Hy Lạp cổ thời, đã có những người phê bình các tôn giáo (hay các thần linh). Họ không phải là những người vô thần theo nghĩa hiện đại; trái lại họ chỉ trích các tôn giáo truyền thống để cổ võ một tôn giáo tinh tuyền hơn. Vì thế có thể nói được có hai quan niệm về vô thần: thời cổ là một thứ “tôn giáo vô thần”; còn thời cận đại là “vô thần phi tôn giáo”.

Chúng ta có thể lấy một thí dụ từ ông Sênôphanes Colophon (Tk. VI-V tcn). Nhằm chủ trương một tín ngưỡng trong sáng, ông chỉ trích các truyện thần thoại cổ điển: “Các ông Hômêrô và Hêsiôđô đã gán cho các thần linh tất cả các chuyện bỉ ổi trên đời này. Giả như mà trâu bò hùm báo mà biết vẽ thì ắt hẳn là chúng cũng vẽ các thần giống hình thù của chúng” (Fragmenta, 14). “Chỉ có một thần linh duy nhất, chủ tể của mọi thần linh và của nhân loại. Ngài đâu có giống như loài hay chết về thân thể hoặc tư tưởng! Ngài trông thấy, nghĩ tưởng, nghe biết mọi sự. Ngài di chuyển mọi sự bằng sức mạnh ý tưởng của mình, mà chẳng mệt nhọc vất vả gì hết” (Fragmenta 23 và 25). Như vậy, khi phê bình các thần thoại, ông Senophanes không tẩy chay các tôn giáo nhưng ông muốn cổ động đạo nhất thần. Ông Socrates bị tố cáo là “vô đạo” (impietas, asebeia) bởi vì không chịu tham gia các lễ tế công cộng; thực ra ông xác tín ngược lại: ông muốn chứng tỏ rằng người đạo đức đi tìm đạo chân chính, chứ không chịu uốn mình theo các đạo chỉ câu nệ với việc cúng tế lễ bái.

Ta cũng có thể xếp các ngôn sứ bên Do Thái vào khuynh hướng này. Chẳng hạn ông Isaia đã bài trừ các thần tượng hư ảo, nhằm lôi kéo dân Israel trở về với Thiên Chúa đích thực (xem Is 44,9-20; Hs 13,2; Kn 13,2-5). Luận điệu tương tự cũng gặp thấy nơi ông Phaolô (xem thư gửi Rôma, chương 1,22-24): các thần linh được tạo ra để thoả mãn nhu cầu của con người; Thiên Chúa chân thật thì hoàn toàn khác hẳn!

Trong bối cảnh này, không lạ gì mà các Kitô hữu tiên khởi bị tố cáo là “vô thần”, và đã bị giết vì tội đó. Một đàng, họ không tham gia vào các buổi cúng tế công cộng do Nhà Nước tổ chức. Đàng khác, họ đã góp phần vào tiến trình tục hoá thế giới, khi họ bài trừ các ngẫu tượng, cũng như việc sùng bái thiên nhiên, hoặc khi họ không nhìn nhận các vua chúa như là thần linh. (Quan niệm nhà vua thay trời trị dân được gặp thấy trong nhiều dân tộc bên Đông và bên Tây).

Dù sao, vào thời cổ, nói được là không có chủ trương vô thần. Vấn đề không phải là câu hỏi: “Có thần hay không có thần?”, nhưng là: “Đâu là thần chân thật?” (đối lại với các ngẫu tượng, hư ảo). Thánh vịnh 14,1 ghi nhận hiện tượng của kẻ ngu si tự nhủ: “Nào có Chúa đâu?”. Tuy nhiên, đó không phải là kẻ vô thần, song là kẻ tuy mang tiếng là có đạo, nhưng sống như kẻ vô đạo, khi không tôn trọng công bằng với tha nhân, khi bóc lột đàn áp người nghèo.

B. Thời cận đại: Các thuyết vô thần nhân bản

Các chủ thuyết vô thần tại châu Âu vào thời cận đại xuất hiện dưới một động lực khác. Chủ ý của họ là muốn cho con người được giải thoát khỏi Thiên Chúa, bởi vì họ cho rằng Thiên Chúa làm cản trở sự tự trị của con người.

Có ý kiến cho rằng chủ trương vô thần hiện đại bắt đầu từ những phạm trù của Kant, khi ông phân biệt giữa lý trí thuần túy và lý trí thực tiễn. Thiên Chúa thuộc về lý trí thực tiễn chứ không thuộc về lý trí thuần túy; điều này mở đường cho thuyết vô tri (mặc dù có lẽ Kant trung thành với Lutêrô, chỉ muốn giải thoát đức tin khỏi những phạm trù của thần học). Hơn thế nữa, khi bàn về hệ thống luân lý, ông đưa ra sự phân biệt giữa “tự trị” (autonomous) và “ngoại trị” (heteronomous): con người phải đi theo quyết định của lương tâm mình, chứ không đi theo một quy tắc áp đặt từ bên ngoài. Trong bối cảnh này, xem ra Thiên Chúa là một yếu tố ngoại trị, cản trở sự tự do của con người. Có điều là sau khi đã lật đổ Thiên Chúa, con người đã dành địa vị độc tôn cho lý trí, thiên nhiên, vật chất, Nhà Nước.

Chắc hẳn một tác phẩm gây tác dụng mạnh mẽ đối với chủ trương nhân bản vô thần là cuốn “Bản chất đạo Kitô” (Das Wesen des Christentum, 1941) của Ludwig Feuerbach, khi ông lật ngược lại thuật ngữ Kinh Thánh: không phải con người là hình ảnh Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa là hình ảnh của con người. Con người mới thật là Thiên Chúa của chính mình. Con người đã gán cho Thiên Chúa bản tính tuyệt đối của mình. Đã đến lúc con người phải lấy lại cái gì là của mình.

Sau khi Feuerbach đã loại trừ Thiên Chúa rồi, đến lượt Karl Marx sẽ giải quyết những vấn đề tồn đọng của loài người, đứng đầu là cảnh lầm than của quần chúng. Trên nguyên tắc, lẽ ra chỉ cần giải quyết cảnh lầm than nghèo đói thì tất nhiên tôn giáo sẽ tan biến. Tuy nhiên, những người áp dụng thuyết Marx (tựa như Lenin) thì chủ trương rằng cần phải diệt tôn giáo thì mới có thể giải quyết được cảnh lầm than. Dù sao, một điều không thể chối là thế giới mà Marx muốn xây dựng là thế giới vật chất chứ không phải là thế giới tâm linh theo quan điểm Kitô giáo, bị đồng hoá với giai cấp tư sản bóc lột.

Theo các nhà phê bình, Marx không quan tâm lắm đến vấn đề Thiên Chúa vì cho rằng Feuerbach đã nói đủ rồi. Marx để thời giờ lo chuyện xã hội hơn là chuyện thần học. Đường hướng thần học được tiếp tục nơi Friedrich Nietzsche, khi ông tuyên bố “Thiên Chúa đã chết rồi”. Câu nói này có thể được giải thích theo nghĩa thần học, như là phá đổ những hình thức trình bày méo mó về Thiên Chúa. Thế nhưng trên thực tế, sau khi loại bỏ Thiên Chúa, chỉ còn lại con người, và con người trở thành bá chủ của con người dưới nhãn hiệu là Siêu nhân. Cuối cùng, siêu nhân là Đảng, là Nhà Nước, như lịch sử thế kỷ XX của châu Âu đã cho thấy.

C. Văn hoá vô thần

Những thuyết nhân bản vừa rồi có ảnh hưởng phần nào đến các chủ nghĩa chính trị, cách riêng khi nghĩ đến chủ nghĩa cộng sản đã được áp đặt trên miền Đông Âu. Đó là thứ vô thần chiến đấu. Đang khi đó, ở khối mệnh danh là tự do, hiện tượng vô thần bành trướng dưới những hình thức khác, qua những trào lưu hiện sinh vô thần (như là Sartre, Camus), qua những chương trình giáo dục dựa trên lý trí thuần túy thực nghiệm. Sự phát triển một lối sống thiên về vật chất hưởng thụ cũng dần dần bóp nghẹt các nhu cầu tâm linh. Đặc biệt, các Đức thánh cha Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI cho thấy văn hoá hậu hiện đại gây ra một tâm thức trái ngược với tôn giáo, khi đề cao tính chủ quan (không chấp nhận chân lý khách thể), hoặc tính hoài nghi trước mọi chân lý (thuyết tương đối).

IV. Vài suy nghĩ


Vì thời giờ có hạn, xin đưa ra vài nhận xét để kết thúc.

1/ Khi nói đến thái độ của Giáo hội đối với thuyết vô thần, chúng ta hiểu về thuyết vô thần tại châu Âu và châu Mỹ, là những lục địa vốn chịu ảnh hưởng của Kitô giáo, và không thiếu những trường hợp những người tự nhận là vô thần đã lãnh Bí tích Rửa tội, thậm chí đã từng là nhân viên của Giáo hội! Đây là một hoàn cảnh khác với châu Á và châu Phi. Nếu ai muốn biết tình hình hiện tượng vô thần tại Việt Nam có thể tham khảo bài viết của giáo sư Trần Văn Toàn, A Breath of Atheism in Religious Vietnam, in: Social Compass 57(3), 2010, 311-318. Tuy nhiên, những điều sắp nói trong phần suy tư này có thể áp dụng cho cả Giáo hội Việt Nam chúng ta,

Chúng ta đã ghi nhận sự thay đổi cách tiếp cận của Giáo hội đối với hiện tượng vô thần, từ chỗ kết án các học thuyết vô thần, đến chỗ đối thoại với những người vô thần. Cũng nhờ chiều hướng này, mà có nhiều tác giả công giáo nghiên cứu lịch sử các thuyết vô thần (chẳng hạn về thuyết Mácxít), hoặc tìm ra những khía cạnh tích cực trong đó, chẳng hạn như Karl Rahner, Henri de Lubac vào thời Công đồng Vaticanô II. (Đối lại, cũng có những người vô thần tìm cách đối thoại với Giáo hội, chẳng hạn như triết gia Mácxít bên Đức Ernst Bloch, người đã cho in câu này ở trang bìa cuốn sách của ông Vô-thần trong đạo Thiên-Chúa xuất bản năm 1968: “Chỉ có người vô thần mới có thể là tín hữu tốt của đạo Thiên-Chúa, chỉ có người theo đạo Thiên Chúa mới có thể là người vô thần tốt”[17]).

Công đồng nhìn nhận rằng nhiều người vô thần không phủ nhận Thiên Chúa cho bằng những cách trình bày méo mó về Thiên Chúa; tại vài nơi khác, thuyết vô thần nhắm chỉ trích những lối sống phản chứng của những người có đạo. Như vậy, Kitô giáo trở thành một nguyên nhân của hiện tượng vô thần thực hành. Đó là chưa kể đến việc Kitô giáo đã góp phần vào việc tục hoá thế giới, đã nhắc đến trên đây. Điều trớ trêu là đến lượt thế giới muốn thoát sự kiểm soát của Kitô giáo, cách riêng là sự pha mình của giáo quyền vào việc chính trị[18].

Một cách tích cực hơn, để đáp lại những thách đố của thuyết nhân văn vô thần, Công đồng đã trình bày rằng Thiên Chúa không phải là đối thủ của con người. Việc nhìn nhận Thiên Chúa nâng cao chứ không đè bẹp phẩm giá con người. Ngược lại, việc loại trừ Thiên Chúa có nguy cơ dẫn đến việc tạo ra những thần tượng khác đàn áp con người, tựa như Nhà Nước, Chủng tộc, Kỹ thuật, v.v.. Vì lý do này, vấn đề vô thần được bàn trong chương thứ nhất của Hiến chế Gaudium et spes về phẩm giá con người. Công đồng giới thiệu Đức Kitô như là mẫu người tuyệt hảo nhất.

Dù sao, tình hình thế giới đã thay đổi nhiều từ Công đồng Vaticanô II đến nay. Vào thời nhóm họp Công đồng, biểu tượng cho chủ trương vô thần chống tôn giáo là chế độ cộng sản. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, không phải là châu Âu trở lại Kitô giáo, nhưng hiện tượng vô thần vẫn bành trướng dưới hình thức “trần tục hoá”. Chính trong bối cảnh ấy mà Đức thánh cha Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI nói đến việc “loan báo Tin Mừng cách mới mẻ”, đề tài của khoá họp Thượng hội đồng Giám mục thế giới hồi tháng 10 năm 2012. Người ta tự hỏi: Trước phong trào tục hoá đang lên, thế giới được chia thành hai khối - hữu thần và vô thần -, tại sao chúng ta không liên kết với các tôn giáo lại để chống lại khối vô thần? Câu chuyện không đơn giản như chúng ta nghĩ. Nếu ở Việt Nam, chúng ta khó lòng mường tượng được việc thành lập một liên minh giữa Công giáo với Phật giáo, thì trên thế giới lại càng khó hình dung một liên minh giữa Công giáo với Islam. Trên thực tế, Giáo hội phản đối các nhóm cuồng tín quá khích, bởi vì họ cũng phá hoại tự do tôn giáo không kém những nhóm vô thần chiến đấu. Vấn đề nằm ở chỗ khác. Thật vậy, sự phân biệt giữa vô thần với hữu thần, giữa “không tin” và “tin”, phức tạp hơn nhiều.

1/ Trong văn kiện đặt tựa đề “Chúa ngươi ở đâu?” (2004), đúc kết các câu hỏi từ khắp nơi gửi về, Hội đồng Toà thánh về văn hoá nhận xét rằng các chủ nghĩa vô thần không còn mạnh như trước đây. Hiện nay, điều đáng lo ngại là hiện tượng “dửng dưng tôn giáo” (homo indifferens). Đồng thời, người ta chứng kiến một hiện tượng trái ngược, đó là sự xuất hiện của những tôn giáo mới, các giáo phái, kể cả đạo thờ Satan, hoặc các thứ ma thuật. Điều này cũng được ghi nhận trong Tài liệu làm việc của Thượng hội đồng giám mục năm ngoái (số 63-69).

2/ Chúng ta tạ ơn Chúa vì hồng ân đức tin. Tuy nhiên, hơn một người đã cảnh giác chúng ta rằng hiện tượng vô thần vẫn âm ỉ trong thâm tâm chúng ta. Cha Karl Rahner nói rằng có nhiều người ngoại đạo nhưng kỳ thực họ là những “Kitô hữu vô danh” (anonymous Christians). Chúng ta cũng có thể nói ngược lại: có những người mang tên là Kitô hữu nhưng kỳ thực là những người “vô thần vô danh” (anonymous unbelievers)[19], khi mà họ chỉ giới hạn sinh hoạt tôn giáo vào đôi ba kinh kệ, còn trong cuộc sống hằng ngày thì họ sống dường như không có Thiên Chúa. Thánh Phaolô cũng đã cảnh giác các tín hữu về nhiều thứ ngẫu tượng, chẳng hạn tính tham lam (Ep 5,5), hoặc lấy cái bụng làm chúa (Pl 2,19). Vào thời đại chúng ta, có nhiều thứ ngẫu tượng, làm cản trở đời sống đức tin, tựa như nếp sống phóng túng, hưởng thụ, chuộng khoái lạc.

Chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa. “Vô thần” và “hữu thần” không phải là hai hạng người đối chọi nhau, nhưng nằm ở ngay trong chính con tim của chúng ta. Chúng ta đang sống trong năm đức tin. Vấn đề “tin” hay “không tin” được liên tục đặt lên cho những tín hữu, chứ không phải cho những người ngoại đạo. Có lẽ nhiều người trong chúng ta chỉ có fides quae mà thiếu fides qua. Fides quae thì lãnh nhận một lần và không thay đổi (chỉ cần học thuộc lòng kinh Tin kính là đủ); nhưng fides qua chỉ phải lựa chọn hằng ngày. Khi đọc thánh vịnh, chúng ta thấy câu hỏi “Thiên Chúa ở đâu ?” không phải chỉ là lời thách thức trêu chọc từ phía dân ngoại, mà thậm chí của chính người tín hữu nữa:
Châu lệ là cơm bánh đêm ngày,
khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi:
Này Thiên Chúa ngươi đâu ? (Tv 42,4.11)
Lạy Chúa, xin tỉnh giấc.
Ngài cứ ngủ được sao?
Xin chỗi dậy đi nào,
đừng đuổi xua mãi mãi!
Sao Ngài còn ẩn mặt,
quên rằng chúng con bị khổ cực đoạ đày. (Tv 44,24-25)
Nhiều lúc xem ra Thiên Chúa hoàn toàn thinh lặng, như thánh Têrêsa Lisieux hoặc chân phước Têrêsa Calcutta đã trải nghiệm (được thánh Gioan Thánh giá đặt tên là “đêm tối đức tin”). Biết như vậy, chúng ta sẽ thông cảm hơn đối với những người vô thần, vô tín ngưỡng, đồng thời chúng ta cũng cố gắng thanh lọc liên lỉ những hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa trong tư tưởng hoặc thái độ của chúng ta: những hình ảnh đó cũng là ngẫu tượng. Dù sao, có lẽ đó là một lý do tiềm tàng đàng sau việc Đức Bênêđictô XVI mời những người vô thần đến suy nghĩ và cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi hồi tháng 10 năm 2011. Ngài nói rằng có những người chống đối Thiên Chúa, chống đối mọi hình thức tôn giáo. Tuy nhiên, bên cạnh đó có những người chưa nhận được hồng ân đức tin, nhưng họ vẫn đi tìm chân lý. Họ không nói rằng “không có Thiên Chúa”, nhưng họ đau khổ vì sự vắng mặt của Người, và đang khi đi tìm Sự thật và Điều Thiện, thực sự họ là những người lữ hành đi đến Thiên Chúa. Chính họ trở thành câu hỏi cho những tín hữu là những người ẩn giấu thay vì tỏ lộ Thiên Chúa.

Tôi xin bỏ qua những câu hỏi thực hành khác mà quý vị có thể tìm trong các văn kiện Toà thánh, chẳng hạn như những phương tiện của việc loan báo Tin Mừng mới mẻ, hoặc tự sắc Porta fidei của Đức Bênêđictô XVI.

Thư tịch

Hội đồng Toà thánh về văn hoá. Các văn kiện của Hội đồng đối thoại với người vô tín ngưỡng. Các tạp chí do cơ quan xuất bản: (Atheism and Dialogue, Atheism and Faith, Cultures and Faith) www.cultura.va

A. Arangon, “Ateo”, in: Nuovo Dizionario di Teologia Biblica, Paoline, Cisinello Balsamo 1988, 124-128.

M.J. Buckley - B. Groth, “Ateismo”, in: Diccionario de Teologia Fundamental, Paulinas, Madrid 1992, 127-139.

T. Goffi, “Ateo”, in: Nuovo Dizionario di Spiritualità, Paoline, Roma 1982.

G. Mura, “Ateismo”, in: Dizionario Interdisciplinare de Scienza e Fede, Città Nuova, Roma 2002, http://www.disf.org/Voci/2.asp

J. J. Sánchez, “Ateismo”, in: Diccionario teologico “El Dios cristiano”, Segretariado Trinitario, Salamanca 1992, http://mercaba.org/DIOS%20CRISTIANO/A/ateismo.htm

G. Girardi (a cura di), L'ateismo contemporaneo, 4 voll., SEI, Torino 1967-1970. (I: L'ateismo nella vita e nella cultura contemporanea; II: L'ateismo nella filosofia contemporanea: correnti e pensatori; III: L'ateismo nella filosofia contemporanea: i grandi problemi; IV: Il Cristianesimo di fronte all'ateismo)

Trần Văn Toàn, các bài đăng trên mạng lưới Dũng Lạc: http://dunglac.info/index.php?m=module2&id=57
  • Vô thần và tôn giáo.
  • Ludwig Feuerbach và quan niệm vô thần lối mới.
  • Karl Marx phê bình tôn giáo.
  • Hành trình vô thần của Karl Marx khi còn thanh niên qua các sách đọc tham khảo về tôn giáo.
____
[1] Canones. 1. De Deo rerum omnium creatore: Dz-Sch 3021-3025.
[2] Hiến chế Gaudium et spes còn bàn đến nhiều điểm có liên quan: sự tự lập chính đáng của trật tự trần thế (số 36), đức tin với lý trí và khoa học (số 57-59).
[3] Các hình thức này được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo tóm lại ở các số 2123 và 2127-2128.
[4] Ở chú dẫn kèm theo số 21, Công đồng trích dẫn bốn văn kiện tiêu biểu: thông điệp Divini Redemptoris (Piô XI), Ad apostolorum Principis (Piô XII), Mater et magistra (Gioan XXIII), Ecclesiam suam (Phaolô VI).
[5] Nên biết là Văn phòng đối thoại với những người ngoài Kitô giáo (Secretariatus pro non-christianis, nay được đổi tên thành “Hội đồng đối thoại liên tôn”) đã được thiết lập trước đó một năm (17/5/1964).
[6] Địa chỉ internet: www.cultura.va/content/cultura/en.html
[7] Chẳng hạn: La fede cristiana all'alba del nuovo millennio e la sfida della non credenza e dell'indifferenza religiosa (2004).
[8] Il dialogo con I non credenti: I. Bản chất và những điều kiện của cuộc đối thoại. 1/ Đối thoại nói chung. (Ba hình thức đối thoại: bình diện tương quan nhân bản; bình diện truy tầm chân lý; bình diện hành động). 2/ Đối thoại đạo lý. 3/ Đối thoại trên bình diện hành động. II. Những quy tắc thực hành. 1/ Những quy tắc để cổ vũ cuộc đối thoại. 2/ Những quy tắc định hướng (dành cho đối thoại công và tư).
[9]Nota circa studium atheismi et institutionem ad dialogum cum non credentibus habendum. Văn kiện phân biệt saecularizatio và atheismus. Ngoài ra, cần lưu ý đến nhiều hình thức atheismus, cách riêng về marxismus (những khuynh hướng khác nhau: Thuyết Mác-Lê, tân Mácxít.
[10] Xem thêm thư của Đức thánh cha gửi ông Eugenio Scalfari, chủ nhiệm nhật báo La Repubblica ngày 4/9 về cuộc phỏng vấn tiếp theo ngày 01/10/2013.
[11] Apistia (unbelief, lack of faith, disbelief) 11 lần: Mt (1 lần) 13,58; Mk (3 lần): 6,6; 9,24; 16,14; Rm (4 lần): 3,3; 4,20; 11,20.23; 1 Tm 1,13; Dt (2 lần): 3,12.19. Apistos (unfaithful, faithless, incredible) 21 lần: Mt 17,17 // Mc 9,19 // Lc 9,41; Ga 20,27 (Tôma); 1Cr 9 lần: 7,12-15; 10,27; 14,22-24; 2 Cr (3 lần) 4,4; 6,14; 1 Tm 5,8; Tt 1,15; Kh 21,8. - oligopistos (of little faith, ít tin, 6 lần): Mt 6,30; 8,26; 14,31; 16,8; 17,27; Lc 12,28.
“Điển ngữ thần học Thánh kinh” của Giáo hoàng Chủng viện Đà Lạt dịch incroyance là “cứng lòng tin”.
[12] Thực ra, thần học phân biệt hai thứ infidelitas: a) negativa (hay materialis) là người không chấp nhận đức tin; b) positiva (hay formalis) là người chối bỏ đức tin.
[13] http://atheisme.free.fr/Atheisme/Formes_atheisme.htm (1/4/2013).
[14] Nên biết là thánh Tôma đã đưa ra năm con đường biện minh có sự hiện hữu của Thiên Chúa, và đồng thời cũng trưng dẫn một lý chứng cổ điển chống lại sự hiện hữu của Thiên Chúa, đó là sự hiện hữu của sự dữ trên đời. Nếu Thiên Chúa là đấng toàn năng toàn thiện, thì sự dữ không thể nào tồn tại. Thế nhưng vì sự dữ hiện hữu trên đời, cho nên phải kết luận rằng không có Thiên Chúa.
[15] Hình như từ agnosticisme mới được sáng chế do Thomas Henry Huxley năm 1869. Agnostic đối lại với gnostic.
[16] Etsi deus non daretur. Công thức này của triết-gia Hoà-lan Hugo Grotius (1583-1645) có hai nghĩa: a) về mặt thực-hành: “như thể là không có Thiên Chúa”; b) về mặt lý thuyết: “cho dù không có Thiên Chúa đi nữa”.
[17] “Nur ein Atheist kann ein guter Christ sein, nur ein Christ kann ein guter Atheist sein’. Trích theo Trần Văn Toàn, “Vô thần và tôn giáo”, trên mạng Dũng Lạc.
[18] Có người đã muốn phân tích các trào lưu cách mạng tư tưởng tại châu Âu từ thế kỷ XV đến nay thành 4 đợt như sau: 1/ Cách mạng nhân văn (humanisme): thoát quyền kiểm soát của Giáo hội. 2/ Cách mạng ánh sáng (illuminisme): chống lại mặc khải Kitô giáo. 3/ Cách mạng ý thức hệ cộng sản: chống lại mọi tôn giáo. 4/ Cách mạng hậu cận đại (postmodernisme, sau sự sụp đổ các ý thức hệ): chống lại mọi đạo lý tuyệt đối. Sự trở về với tâm linh?
[19] Michael Paul Gallagher, “Nuevos horizontes ante el desafio de la increencia”, Razón y Fe 232 (1995) 279-293.