Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

ĐỨC TIN VÀ LUÂN LÝ SỰ SỐNG

Nhận Định Vài Vấn Đề Luân Lý Y-Sinh Học Tại Việt Nam
Trên Quan Điểm Y Khoa Và Luân Lý Công Giáo


Thời sự Thần học – Số 61, tháng 08/2013, tr. 142-170.

_Trần Như Ý-Lan, C.N.D._

1. Y đức. 2. Phá thai. 3. Ngừa thai nhân tạo. 4. Chuẩn đoán tiền sản và phá thai chọn lọc. 5. Thụ thai nhân tạo. 6. Gây chết êm dịu. 7. Ghép cơ phận nội tạng. 8. Nghiên cứu tế bào gốc

Mở đầu


Ngày nay con người ý thức về quyền năng to lớn của khoa học kỹ thuật, đồng thời cũng ý thức hơn về mặt trái của nó, việc áp dụng không hợp luân lý các thành tựu khoa học kỹ thuật. Nhân loại đang hít thở bầu khí huyền ảo, khoa học tiến quá mau, vượt sức tưởng tượng của con người, “đã làm cho chúng ta trở thành những bậc THẦN THÁNH trước khi chúng ta xứng đáng làm người”(Jean Rostand). Việc nhận định và đánh giá các vấn đề trong lãnh vực y sinh học phục vụ sự sống con người dưới ánh sáng các giá trị và nguyên tắc luân lý là cần thiết. Bộ môn đạo đức y sinh học lần đầu tiên được chính thức đưa vào chương trình Đại học y khoa tại Hoa Kỳ năm 1969 và sau đó được đẩy mạnh trong các trung tâm đào tạo trên thế giới. Hơn 40 năm đã qua, thế mà cho tới nay, môn học vẫn chưa có trong chương trình đào tạo y khoa Việt-Nam (Việt Nam). Bài viết này đề cập đến vài đề tài luân lý y sinh học nổi cộm tại Việt Nam như: Y đức; phá thai; ngừa thai nhân tạo; chẩn đoán tiền sản và phá thai chọn lọc; thụ thai nhân tạo; gây chết êm dịu; tháp ghép cơ phận; và nghiên cứu tế bào gốc. Trong giới hạn cho phép, bài viết không đi sâu từng vấn đề, mà nhấn mạnh so sánh quan điểm Công giáo với quan điểm phổ biến và hợp pháp (nhưng chưa chắc hợp luân lý!) trong xã hội, nhắm chỉ ra thách thức mà xã hội và Giáo hội địa phương đang đối mặt trong lãnh vực y sinh học và giúp đào luyện lương tâm Kitô hữu nhạy bén hơn với các vấn nạn y sinh học đương thời, ngõ hầu thể hiện đức tin Kitô giáo trong thực tại đời sống.

1. Y đức


Ơn gọi của thầy thuốc Công giáo bao gồm thông chuyển tình yêu chữa lành của Đức Kitô đối với người bệnh. Căn tính thầy thuốc Công giáo là mặc khải Đức Kitô, Đấng chữa lành và thương xót. Bên cạnh tài năng chuyên môn, người thầy thuốc phải có tình thương vô vị lợi, chia sẻ nỗi đau của người bệnh, cung cấp mọi thứ họ cần để được chữa lành. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nhắc nhở nhân viên y tế Công giáo: “Mầu nhiệm Chúa Kitô chiếu sáng trên mọi khía cạnh của việc chăm sóc sức khỏe Công giáo: xem tình yêu là nguyên tắc sống động của việc chăm sóc sức khỏe; xem việc chữa lành và lòng thương cảm là việc nối dài sứ mạng của Chúa Kitô; xem đau khổ như sự tham gia vào sức mạnh cứu độ của cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa; và xem sự chết, được biến đổi nhờ sự phục sinh, như cơ hội cho hành vi cuối cùng hiệp thông với Chúa Kitô.”[1] “Sứ vụ chăm sóc sức khỏe Công giáo bắt nguồn từ một sự dấn thân nhằm thăng tiến và bảo vệ phẩm giá con người; đây là nền tảng cho việc chú tâm đến việc tôn trọng tính thánh thiêng của sự sống con người từ lúc thụ thai cho tới khi chết.”[2] Mẫu tương quan thầy thuốc-bệnh nhân được xem như một giao ước, có Thiên Chúa là nguồn mạch và quy chiếu các giá trị.

Tại Việt Nam, từ nhiều năm, bộ môn Y Đức đã không nằm trong chương trình đào tạo thầy thuốc. Thập niên 80 của thế kỷ trước, dưới sức ép của các bậc trưởng bối y khoa, trường Y tại Hà Nội dạy lại Đạo Đức Hành Nghề. Tuy vậy, không phải các thầy y khoa lão thành, mà là các thầy Chính Trị giảng dạy bộ môn đạo đức! Giáo trình Đạo Đức Học được soạn thảo theo đúng quan điểm Mác-Lênin. Lời Thề tốt nghiệp (thay thế lời thề Hippocrate) cũng được phục hồi, nhưng khó gọi đó là lời thề nghề nghiệp (ví dụ, thề trung thành với Chủ nghĩa Xã hội).[3] Tại Miền Nam, ước muốn của cố Giáo Sư Ngô Gia Hy là đưa y đức thành một môn học trong trường Y nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Truyền thống, Hải Thượng Lãn Ông đặt nền cho y đức Việt Nam: “Y học thiếu y đức không còn là y học nữa” (Lãn Ông Cách Ngôn). Từ xưa, niềm trông đợi người thầy thuốc tận tâm chữa lành được diễn tả qua châm ngôn “lương y như từ mẫu”. Tuy nhiên, tìm được cuốn sách hiện đại viết về y đức tại Việt Nam thật đếm trên đầu ngón tay. Theo kinh nghiệm người viết, ngày nay y đức dường như tùy thuộc chính yếu vào lương tâm cá nhân, giáo dục gia đình của mỗi thầy thuốc. Tuy không viết thành văn, mẫu tương quan thầy thuốc- bệnh nhân ngày nay tại Việt Nam theo khuynh hướng Âu Mỹ, được xem như một hợp đồng. Đáng buồn thay, tuy vẫn còn một số gương sáng, một số đông hai bậc “thầy” trong xã hội, THẦY giáo và THẦY thuốc, như bị cuốn vào cơn lốc xoáy của chủ nghĩa vật chất hưởng thụ, đang có những biểu hiện suy thoái đạo đức đáng ngại mà báo chí thường đăng tải. Đối với một bộ phận đáng kể của ngành y ngày nay, bị điều khiển bởi thị trường kinh tế, lợi nhuận trở nên một động lực chính yếu, chăm sóc y tế trở thành như thứ hàng hoá trao đổi. Trong bài báo mới đây ngày 12/7/2013, tác giả Phan Sơn đã phải thốt lên khi nhận định về một số cán bộ giảng dạy y khoa: “Đâu đó ở những trường đại học của nước ta, sự thánh thiện và tốt đẹp lại bị vấy bẩn bởi thói giả dối và tham lam của chính những người giảng dạy, vậy liệu người trẻ sẽ học được gì từ một môi trường như thế?”[4]

Chính sách đào tạo của các trường đại học nói chung và ngành y nói riêng, có điểm đầu vào khác nhau, bên cạnh “điểm chuẩn” còn có “điểm ưu tiên” cho sinh viên diện chính sách, [5] sự kiện này tạo ra một số thầy thuốc ra trường với chất lượng thấp. Tôi nhớ đến câu chuyện mà thế hệ đàn anh y khoa Miền Nam kể lại. Vị cố giáo sư khả kính Phạm Biểu Tâm, nguyên khoa trưởng đại học Y khoa Sài Gòn, khi làm chủ tịch hội đồng thi đại học, đã loại người con gái của ông cố vấn Ngô Đình Nhu, không cho học ngành y vì thi không đạt tiêu chuẩn, mặc cho sự can thiệp của bộ trưởng giáo dục lúc ấy.

Ở nước ngoài, ngành y có hội đồng chuyên môn để xử lý các trường hợp sai phạm nghề nghiệp, và trước hết họ có nghĩa vụ luận và nghĩa vụ luật. Nghĩa vụ luận nói về trách nhiệm của người thầy thuốc, bao gồm các điều luật rõ ràng quy định bổn phận của thầy thuốc và những điều phải tránh. Nghĩa vụ luật là những quy chiếu để phân xử các sự cố sai trái. Y sĩ đoàn, gồm những người có tài năng và đức độ được tín nhiệm, sẽ nắm quyền xét xử các trường hợp sai phạm nghề nghiệp dựa trên nghĩa vụ luận và nghĩa vụ luật. Việc này được thực thi công khai nên thường là chính trực công minh.[6]

Cố viện sĩ Dương Quang Trung, vừa qua đời hơn một tháng, nguyên giám đốc Sở Y Tế và Trung Tâm Đào Tạo và Bồi Dưỡng cán bộ y tế thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM), từng thao thức việc thành lập nghĩa vụ luật, y sĩ đoàn tại Việt Nam, nhưng việc này vẫn còn là giấc mơ. Năm 1996, Bộ Y tế ban hành 12 điều y đức (hay “12 tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế”). Theo cố viện sĩ, các quy định, quy chế hiện nay liên quan ngành y mang tính khái quát, không cụ thể, nên khi xảy ra sự cố đạo đức hay tai biến y khoa thường dễ dẫn đến tranh cãi và xử lý không nghiêm minh.[7]

2. Phá Thai [8]


Theo báo cáo mới nhất, ngày 11/7/2013, của Hội Kế Hoạch Hoá Gia Đình Việt Nam, tỉ lệ phá thai tại Việt Nam (300.000 ca nạo thai/năm, chiếm 20% trong tổng số ca nạo phá thai[9]) cao nhất so với các nước Đông Nam Á và xếp thứ năm so với thế giới.[10] Một đất nước vốn có truyền thống hiếu sinh của đạo Phật lâu đời như Việt Nam mà nay là một trong năm nước dẫn đầu thế giới về giết các nhân sinh nhỏ bé vô tội khiến ai “có cái tâm” cũng phải băn khoăn.

Hiểu biết về thân phận luân lý và thần học của phôi thai là nền tảng cho các thái độ và chọn lựa quyết định trên phôi thai. Trọng tâm của giáo huấn Giáo hội Công giáo là phôi người ngay từ lúc trứng thụ tinh đã khởi đầu sự sống của con người, phải được tôn trọng và đối xử như con người và do đó cùng lúc, quyền con người của phôi thai phải được nhìn nhận.[11] Bộ Giáo Lý Đức Tin dạy rằng: “Từ lúc trứng thụ tinh, một đời sống mới bắt đầu không phải của người cha, cũng không phải của người mẹ; mà đúng hơn là một con người mới với khả năng tăng trưởng riêng của mình. Hữu thể người này không bao giờ có thể là người nếu nó không phải đã là người.” (Declaration on Procured Abortion, 12) …“Giáo huấn này vẫn còn giá trị và được xác định hơn … bằng những tìm thấy mới đây của khoa Sinh học con người nhìn nhận rằng trong hợp tử phát xuất từ thụ tinh, căn tính sinh học của một cá thể người mới đã được cấu thành.” (Huấn Thị Donum Vitae DV, I,1.)

Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Gioan Phaolô II tuyên bố: “Với uy quyền mà Đức Kitô trao cho Phêrô và những người kế vị ngài, và trong sự hiệp thông với các giám mục của Giáo hội Công giáo, tôi xác nhận rằng việc trực tiếp và cố ý giết con người vô tội luôn luôn là điều bất luân nghiêm trọng. Giáo lý này, dựa trên luật không văn tự mà con người, dưới ánh sáng của lý trí, tìm thấy trong tim mình (x. Rm 2, 14-15), được Thánh Kinh tái khẳng định, Truyền Thống của Giáo hội lưu truyền, và được Huấn quyền thông thường và phổ quát giảng dạy” (EV 57).

Tương tự một số nước khác, pháp luật Việt Nam cho phép nạo phá thai trước 24 tuần tuổi.[12] Thực tế, có các ca phá thai trễ hơn 7 tháng. Trong thực hành y khoa, các trường hợp mang thai mà sự sống thai phụ bị đe doạ do sự tăng trưởng của thai thì chỉ định thường là “chấm dứt thai kỳ vì lý do y khoa”. Khoảng vài thập niên trước, “chấm dứt thai kỳ” ở đây phần lớn có nghĩa là phá thai để cứu mẹ (hay còn gọi là “phá thai trị liệu”). Nhờ tiến bộ y khoa, ngày nay các chỉ định chấm dứt thai kỳ do sự sống người mẹ bị đe doạ có hạn chế hơn, và nhiều trường hợp “chấm dứt thai kỳ” chỉ có nghĩa là chủ động cho thai nhi chào đời sớm hơn để mong cứu an toàn cả mẹ và con.[13] Phải nhìn nhận rằng khi có nguy cơ không cứu được cả mẹ lẫn con, các bác sĩ thường chọn bỏ con (phá thai) để cứu mẹ. Nghiêm trọng hơn, phá thai được giảng dạy chính thức như là một trong các biện pháp kiểm soát dân số, gọi là “phá thai kế hoạch”.[14]

Cần nhắc lại rằng tất cả phá thai trực tiếp, dù bất cứ lý do gì, đều không hợp luân lý Công giáo. Giáo hội nhìn nhận rằng, thực tế, các chọn lựa phá thai nhiều khi xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, thậm chí bi đát, cô độc, nhiều áp lực nặng nề về kinh tế, về tinh thần, cách riêng trong một xã hội mà ngừa thai nhân tạo và phá thai được xem như chính sách để kiểm soát dân số như ở Việt Nam.[15] Các hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan như thế có thể làm giảm nhẹ trách nhiệm chủ quan của những người đã thực hiện phá thai. Tuy nhiên, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn đến đâu, chính sự kiện phá hủy sự sống con người vô tội, đặc biệt là khi sự sống ấy còn chưa có khả năng bảo vệ chính mình, vẫn luôn là sự xấu nghiêm trọng (x. EV 18, 58) và tác động đến sự hiệp thông, mối tương quan của người ấy với Thiên Chúa và với tha nhân. Đồng cảm với thử thách mà nhiều cặp vợ chồng phải đối phó, Giáo hội thừa nhận đôi khi phải cần nhân đức “anh hùng” để tuân giữ các chân lý luân lý vốn gắn liền với đức tin về phẩm giá nội tại con người. Điều đáng lo ngại hơn ở đây, ngày nay vấn đề vượt ra khuôn khổ các hoàn cảnh riêng tư, mà tồn tại ở tầm mức văn hoá, xã hội, chính trị, và ở triết lý sống nền tảng, quan niệm về tự do. Thái độ chọn lựa chống lại sự sống ngày càng được chấp nhận rộng rãi, được xem như biểu hiện hợp pháp của tự do cá nhân (x. EV 18). Hệ thống giá trị luân lý bị đảo lộn, giá trị vật chất được đặt lên trên giá trị tinh thần, giá trị thiêng liêng.

3. Ngừa thai nhân tạo


Câu trả lời thẳng thắn dứt khoát KHÔNG của ĐGH Phaolô VI trong thông điệp Humanae Vitae đối với phương pháp ngừa thai nhân tạo (x. HV 14) dường như quá quyết liệt đối với một số người. Về mặt giáo huấn, Huấn quyền hiện nay vẫn giữ lập trường KHÔNG ngoại lệ (Giáo lý Giáo hội Công giáo, GLGHCG 2370). Ở đây, bài viết không bàn luận về nền tảng của giáo huấn này, nhưng phải nhìn nhận rằng các lý lẽ từ chối việc ngừa thai nhân tạo là có giá trị sâu xa. Ngoài ra, việc giới hạn số con cái theo phương pháp tự nhiên có lợi ích lớn lao về mặt luân lý và cả y khoa. Về mặt luân lý, các lời tiên báo của ĐGH Phaolô VI về hậu quả tác hại nghiêm trọng nếu giáo huấn này bị chối bỏ (x. HV 17) nay tất cả đều thành hiện thực: cùng với sử dụng tự do các biện pháp ngừa thai nhân tạo, con người cũng dễ dãi, tự do quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, tiền hôn nhân; tầm thường hoá tình dục, thân xác phụ nữ bị xem như món đồ giải trí, có thể thương mại; con số phá thai, ly dị ngày càng cao; tuổi bắt đầu quan hệ tình dục ngày càng sớm hơn…Về mặt y khoa, tỉ lệ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục gia tăng, biến chứng của các loại thuốc ngừa thai nhân tạo vẫn được báo chí đề cập đến như rối loạn đông máu, tắc nghẽn mạch do huyết khối, thậm chí ung thư,… Cách riêng các phương pháp triệt sản trên nguyên tắc là hậu quả vô sinh vĩnh viễn. Thực tế, vài trường hợp vợ chồng triệt sản sau khi có hai con, sau đó hai con bị chết, vợ chồng muốn có con thêm thì vô vọng.

Về mặt mục vụ, vấn đề ngừa thai nhân tạo đôi khi thật lưỡng nan, thế nên đối với một số thần học gia luân lý, linh mục, và ngay cả giám mục ở vài nước, câu kết luận trong một số trường hợp thường là: “Đây là trường hợp lương tâm cho đương sự.” Ở đây cần nhấn mạnh rằng việc áp dụng “tiếng nói lương tâm” nhiều lần đã bị lạm dụng, do con người vốn yếu đuối sau sa ngã tội nguyên tổ, thích đi trên đường rộng thênh thang (nhưng dẫn đến sự chết!) hơn là đi trên đường hẹp (lại dẫn đến sự sống đời đời).

Tại Việt Nam, ngừa thai nhân tạo là một “quốc sách” để kiểm soát dân số. Điều đáng nói ở đây, vào thập niên 80, 90, ngừa thai nhân tạo bị cưỡng bức thực hiện. Theo kinh nghiệm người viết, trước kia một số phụ nữ có hai con, vẫn còn ước ao sinh con nữa, nhưng nhiều năm sau đó “bỗng dưng vô sinh”. Từ khi siêu âm phát triển và phổ biến, các phụ nữ này đi khám siêu âm mới phát hiện mình “tự nhiên” có vòng trong tử cung mà không hề hay biết! Thật sự các phụ nữ này khi sinh lần sau cùng tại cơ sở y tế, đã bị nhân viên y tế tự ý đặt vòng khi biết các phụ nữ này đã có hai con. Đây là một sự xúc phạm phẩm giá con người và quyền làm người, cũng đã xảy ra nơi vài quốc gia khác mà Huấn quyền mạnh dạn tố cáo (x. EV 91).

Cần nhắc lại, với hiểu biết về phôi thai như đã nói ở trên, một số biện pháp ngừa thai nhân tạo, thực chất là hủy sự sống con người trong giai đoạn khởi đầu, như vòng tránh thai trong tử cung. Cơ chế tác dụng chính của dụng cụ tử cung là gây ra phản ứng viêm tại niêm mạc tử cung, làm thay đổi về sinh hoá tế bào nội mạc và không tạo điều kiện thuận lợi để trứng thụ tinh làm tổ. Ngoài ra, cũng cần chú ý phân biệt với loại thuốc phá thai chứ không phải là ngừa thai như quen gọi sau đây: Postinor, RU-486 (MIFESTAD 5mg). Cái gọi là “điều hoà kinh nguyệt” khi người phụ nữ trễ kinh vài ngày, thực chất là phá thai sớm (nạo hút thai).

4. Chẩn đoán tiền sản và phá thai chọn lọc [16]


Khoảng cuối tháng 5 năm 2012, góc ngã tư đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Võ Thị Sáu, quận 3, Tp HCM, xuất hiện một bảng lớn với dòng chữ “Chọn lọc trước khi sinh và ngay cả sau khi sinh để tránh gánh nặng cho gia đình và xã hội”. Sự kiện này bộc lộ rõ chính sách loại bỏ các thai nhi khuyết tật (đáng sợ thay, còn mong loại bỏ cả trẻ sơ sinh khuyết tật) đang được mở rộng. Treo được vài tuần thì câu hô hào này bị gỡ xuống, có lẽ vì ngại “quá lộ liễu” một thái độ không thương xót với các đồng loại nhỏ bé khuyết tật.

Xã hội Việt Nam, cũng như nhiều xã hội khác trên thế giới, cách riêng ngành y khoa, ngày nay chấp nhận và ngay cả khuyến khích các thai phụ phá thai khi phát hiện thai khuyết tật. Số phận các thai nhi như một cuộc “xổ số” may rủi, hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng chẩn đoán và lập trường các bác sĩ khám tiền sản, và vào cha mẹ. Ở một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, hàng triệu bé gái bị phá mỗi năm do chính sách một con hay do não trạng coi trọng nam giới. Tuy chưa có thống kê chính xác, nhưng thực tế cho thấy con số phá thai chọn lọc tăng tỉ lệ thuận với khả năng chẩn đoán y khoa.

Giáo hội ủng hộ các tiến bộ y khoa phục vụ sự sống. Tuy nhiên lịch sử y khoa cho thấy nhiều lần, các tiến bộ y sinh học thay vì phục vụ sự sống, lại quay ra hủy hoại sự sống, nhân danh vì một cuộc sống hạnh phúc hơn. Vì thế, Huấn quyền thận trọng đối với vấn đề khám tiền sản: “Chẩn đoán tiền sản, vốn không trái luân lý nếu được thực hiện để xác định trị liệu y khoa có thể cần thiết cho thai nhi, rất thường trở thành cơ hội để đề nghị và gây ra phá thai. Đây là phá thai ưu sinh, được biện minh trong công luận dựa trên não trạng- nhận thức một cách sai lầm rằng đó là phù hợp với đòi hỏi của ‘các can thiệp chữa trị’- chỉ chấp nhận sự sống dưới một số điều kiện nhất định và chối bỏ sự sống khi bị khiếm khuyết, tật nguyền, hay bệnh tật nào đó.” (EV 14)

Khám tiền sản ngày nay bộc lộ một thái độ ưu sinh đã áp đặt những quy luật của nó, và cả những nguy cơ. Đó chính là nền văn hoá duy lợi bắt phải loại trừ tất cả những gì không tỏ ra hoàn hảo, gây tốn kém cho xã hội. Với nền văn hoá này, trách nhiệm làm cha mẹ gắn với não trạng làm cha mẹ “có điều kiện”, không chấp nhận những đứa con không đáp ứng lòng mong muốn của mình. Tất cả những gì nền “văn minh sự chết” này đem lại là sự trống rỗng, sự vô nghĩa của một cuộc sống thiếu đi những nền tảng. Nhiều trường hợp, sự sống con người đã bị xem thường đến mức “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”, các thai nhi khỏe mạnh bình thường bị phá do bị chẩn đoán lầm là khuyết tật.[17] Ngoài ra, các bác sĩ khám tiền sản thực hiện phá thai ưu sinh đang làm thay đổi chính bản chất của nghề y khoa: thay vì bảo vệ sự sống, nay thầy thuốc đang trở thành người hủy hoại sự sống bằng cách giết chết các bệnh nhi của mình ngay trong lòng mẹ.

Hội đồng Giám mục Pháp nhấn mạnh: “một chẩn đoán xác định một khuyết tật hay bệnh lý có tính di truyền không có nghĩa là đưa ra án tử đối với thai nhi”.[18] Và các ngài khuyến khích, thật can đảm và cần can đảm để cho chào đời một đứa bé khuyết tật hay bệnh lý di truyền. Thực tế cho thấy, nhiều người “khuyết tật thể lý” lại dạy cho những người “hoàn mỹ thể lý” các bài học tinh thần, thiêng liêng về mầu nhiệm sự sống mà chúng ta không thể tìm thấy trong thế giới của những con người “hoàn mỹ thể lý”.

5. Thụ thai nhân tạo [19]


Truyền thống Á đông và Công giáo đều quý trọng gia đình và hiểu rằng hạnh phúc của hôn nhân bao gồm con cái cũng như tình yêu. Đau khổ xảy ra khi cặp vợ chồng khao khát có con cái nhưng không có khả năng làm điều đó. Suốt lịch sử nhân loại, vô sinh là một trong các mối ưu tư. Kỹ thuật thụ thai nhân tạo được ca ngợi là một thành tựu y học quan trọng của thế kỷ 20 đã đem lại niềm hạnh phúc lớn lao cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh, thậm chí cứu cuộc hôn nhân khỏi tan vỡ vì vợ hoặc chồng không có khả năng sinh sản.

Thế nhưng Huấn quyền Công giáo vẫn không cho phép thụ thai nhân tạo. Nhiều người, ngay cả người Công giáo, trách Giáo hội quá “cứng ngắc”, không thông cảm cho nỗi đau của vợ chồng vô sinh. Ta phải hiểu như thế nào cho đúng đắn?

Tôn trọng khả năng chuyên môn của từng ngành khoa học, Huấn quyền không can thiệp vào lãnh vực riêng của y khoa. Tuy nhiên Huấn quyền nhắc nhở khi áp dụng các thành quả y khoa vào con người, các nhà khoa học có trách nhiệm luân lý phải tôn trọng mọi nhân vị, trong mọi giai đoạn cuộc sống, và các can thiệp sinh sản phải bảo đảm tính đặc thù của các hành vi nhân vị truyền thông sự sống. Bởi sứ mạng đào luyện lương tâm, Huấn quyền can thiệp bằng cách đưa ra các nguyên tắc luân lý phát xuất từ chính bản tính con người (x. Dignitas Personae, DP 10). Phẩm giá con người bắt nguồn từ hình ảnh Thiên Chúa được ghi khắc trong từng con người, và từ mầu nhiệm Làm Người của Ngôi Hai giúp con người được tham dự vào đời sống vĩnh cửu với Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính vì phẩm giá nhân vị quá cao sâu, cho nên hoàn cảnh ra đời của con người phải xứng hợp với phẩm giá đó. “Cội nguồn của sự sống con người phải ở trong một bối cảnh chân thực của nó là hôn nhân và gia đình, trong đó nó được sinh hạ nhờ một hành động biểu lộ tình yêu hỗ tương giữa người nam và người nữ” (DP 6). Qua hành vi truyền sinh, người nam và người nữ được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng con người. Hai chiều kích tự nhiên và siêu nhiên của sự sống con người, “giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của các hành vi làm cho một con người sinh ra đời và qua đó người nam và người nữ hiến mình cho nhau, là một phản ánh của tình yêu của Ba Ngôi” (DP 9).

“Nhờ sự kết hợp của đôi phối ngẫu, mục đích kép của hôn nhân được thể hiện: lợi ích của chính đôi phối ngẫu và sự lưu truyền sự sống. Không thể tách biệt hai ý nghĩa hoặc hai giá trị này của hôn nhân, mà không làm biến chất đời sống tinh thần của đôi phối ngẫu cũng như phương hại đến những lợi ích của hôn nhân và tương lai của gia đình” (GLGHCG 2363).

Giáo hội không loại trừ tiên thiên các kỹ thuật thụ thai nhân tạo. Nếu kỹ thuật nào không thay thế hành vi vợ chồng, mà chỉ trợ giúp hành vi vợ chồng đạt đến mục tiêu truyền sinh của nó, thì được chấp nhận về mặt luân lý (x. DV, II, B, 6, được trích lại trong DP 12). Điểm cần lưu ý ở đây, là thụ thai nhân tạo dị ngẫu (trứng hoặc tinh trùng đem sử dụng không thuộc về cùng cặp vợ chồng điều trị vô sinh) bị loại trừ trước hết do xúc phạm bản chất đơn nhất của hôn nhân (x. DP 12). Thụ thai nhân tạo đồng ngẫu (trứng và tinh trùng được sử dụng là thuộc cùng cặp vợ chồng điều trị vô sinh) cũng không được chấp nhận vì tất cả các kỹ thuật đang được áp dụng hiện nay đều thay thế hành vi vợ chồng. Ngay cả phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (Intra-uterine insemination) là phương pháp điều trị vô sinh đầu tay và được áp dụng phổ biến nhất, và được đánh giá là kỹ thuật điều trị vô sinh hiệu quả nhất hiện nay, mà nhiều người, ngay cả một số linh mục, lầm tưởng là có thể chấp nhận vì sự thụ tinh xảy ra trong cơ thể người nữ, cũng không được chấp nhận về mặt luân lý vì nó vẫn thay thế hành vi vợ chồng.[20]

Các kỹ thuật của thụ thai nhân tạo, mục đích đầu tiên là phục vụ sự sống và thường được thực hành với ý hướng này, thực tế mở ra các tấn công mới đối với sự sống con người. Về nền tảng, thụ thai nhân tạo không thể chấp nhận được về mặt luân lý, vì nó tách rời việc truyền sinh khỏi bối cảnh hoàn toàn nhân linh của hành vi vợ chồng- bối cảnh duy nhất xứng hợp để một nhân vị ra đời. Ngoài ra, các kỹ thuật này còn gây ra nhiều vấn nạn luân lý. Chẳng hạn, do tỉ lệ thất bại cao, thất bại cả trong việc thụ tinh và còn nguy cơ chết trong sự phát triển tiếp sau đó của phôi, và để giảm giá thành, các nhà chuyên môn thường tạo ra số phôi nhiều hơn nhu cầu cho việc cấy vào tử cung người phụ nữ. Các phôi này, gọi là “phôi dư”, sau đó bị phá hủy hoặc dự trữ đông lạnh để dùng trong nghiên cứu, với danh nghĩa vì sự tiến bộ khoa học, thực chất hạ thấp sự sống con người xuống cấp độ chỉ là một ‘chất liệu sinh học’ có thể tùy nghi sử dụng (x. EV 14). Hơn nữa, trước khi cấy vào tử cung, các phôi sẽ được phân loại di truyền tốt xấu, phôi tốt được giữ lại, phôi xấu bị loại bỏ. Sau hết, đa thai là một hậu quả khác của thụ thai nhân tạo, và để bảo đảm thai phát triển tốt, nhiều khi bác sĩ sẽ thực hiện phá thai chọn lọc, giữ lại thai mạnh khỏe và bỏ thai yếu hay dị tật. Cả thầy thuốc và cha mẹ thực hành chủ thuyết ưu sinh, vốn đi ngược lại phẩm giá con người. Đó là chưa kể đến nhiều vấn nạn luân lý trong thực hành thụ thai nhân tạo dị ngẫu (bán tinh trùng, bán trứng, thuê người mang thai hộ, hôn nhân đồng huyết thống …)



Hiển nhiên, thụ thai nhân tạo được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã có ngân hàng tinh trùng nhưng không nhiều người cho.[21] Luật pháp Việt Nam quy định về “Quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo: Nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến, nhận tinh trùng, noãn, phôi trong thụ tinh nhân tạo theo quy định của pháp luật.” Và nghiêm cấm “Cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời”. Trên nguyên tắc, Việt Nam không cho phép bán trứng hay tinh trùng mà chỉ có trao đổi hiến tặng.

6. Gây chết êm dịu


“Giáo hội bảo vệ quyền được sống, không những vì liên quan đến Tạo Hoá, Đấng ban sự sống này, mà còn vì tôn trọng sự thiện hảo thiết yếu của nhân vị con người”.[22] Sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm vì mang hình ảnh Thiên Chúa và được chính Ngài giữ gìn chăm sóc. Sự sống và sự chết của mỗi con người đều do chính Đấng Tạo Hoá, và chỉ mình Ngài làm chủ (x. EV 47).

ĐGH Gioan Phaolô II nhắc nhở, dù cho bệnh nhân có thể tự nguyện xin được chết, thầy thuốc nên nhìn thấy nhu cầu sâu xa hơn của người bệnh ẩn dấu bên dưới lời xin chết: nỗi cô đơn, đau đớn, sợ hãi, cần được giúp đỡ thể xác và tinh thần, giảm đau đớn và được yêu thương (x. EV 67). Ngài tuyên bố: “hoà hợp với Huấn quyền của các vị tiền nhiệm và trong hiệp thông với các Giám Mục của Giáo hội Công giáo, tôi xác nhận rằng làm chết êm dịu là một vi phạm nặng nề luật Thiên Chúa, vì đó là việc giết chết một con người một cách cố ý và không thể chấp nhận về mặt luân lý. Giáo lý này dựa trên luật tự nhiên và trên Lời Thiên Chúa đã được viết ra, được lưu truyền trong Truyền Thống Giáo hội và được giảng dạy bởi Huấn quyền phổ quát và thông thường” (EV 65).

Về vấn đề này, pháp luật Việt Nam, may thay, còn phù hợp với quan điểm luân lý Công giáo. Trái với trào lưu đang có xu hướng gia tăng ở một số nước phương Tây đòi hợp pháp hoá việc gây chết êm dịu, và tự tử với sự trợ giúp của thầy thuốc,[23] pháp luật Việt Nam không cho phép gây chết êm dịu hay trợ tử. Bộ luật hình sự 1999, điều 101 quy định phạt tù từ sáu tháng đến ba năm đối với tội xúi giục người khác tự tử, hay trợ giúp người khác tự tử.[24] Theo kinh nghiệm của người viết trong những năm làm cấp cứu tại Bệnh Viện Đa Khoa Lê Lợi Vũng Tàu, người tự tử sau khi được cứu sống sẽ bị phạt hành chính, mà giới y chúng tôi gọi đùa là “đóng tiền ngu”. Cố Giáo sư Ngô Gia Hy nhận định trong thực hành y khoa Việt Nam chưa hề phát sinh ý hướng cho phép việc gây chết êm dịu. Châm ngôn của thầy thuốc Việt Nam là “còn nước còn tát”, “tận nhân lực, tri thiên mạng”. Y đức Đông phương chủ trương thầy thuốc đem hết tài trí để cứu sinh mạng bệnh nhân cho đến hơi thở cuối cùng. Các thầy thuốc Việt Nam nỗ lực “tìm sự sống trong cái chết”, vì sự sống luôn là điều thiện hảo. Thầy thuốc không thể thay Tạo Hoá gây giết người dù nhân danh lòng thương xót. Đây là điểm son của ngành y Việt Nam.[25] Tiếc thay, thái độ này nay không dành cho thai nhi, đặc biệt là các thai nhi khuyết tật.

7. Ghép cơ phận nội tạng


Đức Benedict XVI lúc còn làm Hồng Y đã tình nguyện hiến tặng các cơ phận sau khi chết, Ngài có mang thẻ ghi rõ ước muốn sẵn sàng này. Khi Ngài vừa được bầu làm Đấng kế vị Thánh Phêrô,Toà Thánh công bố ước muốn này bị vô hiệu hoá. Đức Tổng Giám Mục Zygmunt Zimowski, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Mục Vụ Y Tế, giải thích việc một giáo hoàng không thể hiến tặng các cơ phận vì “cơ thể của ngài trực thuộc toàn thể Giáo hội”. Theo truyền thống của Giáo hội thì “một thi hài của giáo hoàng phải được chôn cất nguyên vẹn,…sẽ có một sự kính thờ trong tương lai”. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục khẳng định: “Điều này không loại trừ sự chính đáng và huy hoàng của việc dâng hiến cơ phận của một con người.”[26]

ĐGH Gioan Phaolô II tuyên dương hành động tự nguyện hiến tặng cơ phận là một hành vi mang tính cao quý, thể hiện một tình yêu tha nhân đích thật, đó không phải cho đi điều gì thuộc về chúng ta, nhưng là cho đi cái gì là chính chúng ta. Ngài dạy rằng điều kiện tiên quyết để việc này mang tính luân lý là không được thương mại hoá. Ngoài ra, Ngài cũng nêu một số điều kiện kèm theo như: người cho phải tự nguyện, được thông tin đầy đủ các hệ lụy liên quan đến việc lấy cơ phận; những cơ phận sinh tồn duy nhất (như tim, giác mạc) trong cơ thể chỉ được lấy đi sau khi người cho được xác định chắc chắn chết bởi các nhà chuyên môn…[27]

Đáng mừng thay, luật pháp Việt Nam về việc cấy ghép nội tạng nói chung phù hợp với luân lý Công giáo. Luật số 75/2006/QH11 của Quốc hội Việt Nam, điều 4 quy định “Các nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác: 1. Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép. 2. Vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học. 3. Không nhằm mục đích thương mại. 4. Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.” Điều 5 quy định: “Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.”[28]

Cần lưu ý ở đây, luật Việt Nam không tách rời việc hiến tặng cơ phận và hiến xác nên điều 4, số 2 nêu trên dễ gây lầm lẫn hay lạm dụng trong thực hành. Cơ phận người quý giá, và việc lấy đi cơ phận trên người sống sẽ chắc chắn ít nhiều ảnh hưởng sức khỏe người tặng, nên chỉ có thể hiến nhằm mục đích cứu sống hay điều trị, chứ không thể nhằm mục đích “giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học”. Chỉ việc hiến xác sau khi chết mới có thể dùng để “giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.”

Các hành vi bị nghiêm cấm tại Việt Nam: “1. Lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người; lấy trộm xác. 2. Ép buộc người khác phải cho mô, bộ phận cơ thể người. 3. Mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác. 4. Lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. 5. Lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới mười tám tuổi. 6. Ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định. 8. Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. 9. Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật.”[29]

Luật Việt Nam quy định người hiến tặng cơ phận phải trên mười tám tuổi, tuy nhiên cả luân lý Công giáo và luật Việt Nam đều cho phép hiến tặng cơ phận trẻ em sau khi chết nếu có sự đồng thuận của bố mẹ.

8. Nghiên cứu tế bào gốc


Vì đây là lãnh vực tương đối còn xa lạ với số đông dân chúng Việt Nam. Có lẽ hữu ích khi nhắc lại vài khái niệm cơ bản liên quan tế bào gốc. Tế bào gốc là những tế bào không (hay chưa) biệt hoá và có khả năng chuyển thành các tế bào biệt hoá cao với các chức năng sinh lý.[30] Hơn thập niên vừa qua, liệu pháp tế bào gốc là bước tiến nhảy vọt của ngành y sinh học và gieo niềm kỳ vọng cho nhiều người bệnh như một số bệnh ung thư máu, tái tạo giác mạc, bệnh tim mạch, Alzheimer, Parkinson, tiểu đường, phỏng nặng, teo cơ...[31] tạo tinh trùng từ tế bào gốc để điều trị vô sinh.[32]

Vấn nạn luân lý của nghiên cứu tế bào gốc hệ tại ở nguồn thu nhận tế bào gốc và các nguy cơ liên quan tới việc thí nghiệm hay ứng dụng điều trị (Dignitas Personae, DP 32), cách thức và mục đích sử dụng tế bào gốc. Ở đây chỉ đề cập đến nguồn thu nhận. Trên người, tế bào gốc có thể có bốn nguồn. 1/ Phôi: có tiềm năng biệt hoá lớn nhất nên hấp dẫn các nhà nghiên cứu. 2/ Thai và các bộ phận phụ của thai như cuống rốn. 3/ Tế bào gốc trưởng thành được thu nhận từ cơ thể trưởng thành như tế bào tạo máu từ tủy xương, tế bào thần kinh từ não. 4/ Tế bào gốc nhân tạo, chính xác hơn là thuật ngữ “tế bào gốc đa năng cảm ứng” (induced Pluripotent Stem cell-iPS) do con người tạo ra nhờ kỹ thuật chuyển gen in vitro từ các tế bào sinh dưỡng (somatic cell) như tế bào da. Chúng có đặc tính sinh học tương đương với tế bào gốc từ phôi.[33]

Một cách khái quát, Huấn quyền xem là hợp luân lý việc lấy tế bào gốc ở các trường hợp (4), (3) và (2) với điều kiện các mô bào thai đã chết bởi một nguyên nhân tự nhiên (x.DP 32); ĐGH Bênêđíctô XVI tán thành việc hiến tặng cuống rốn, “một hành vi liên đới nhân bản và Kitô giáo”, tuy nhiên, ngài không đồng ý việc thương mại hoá nó.[34] Riêng trường hợp (1), Huấn quyền khẳng định lấy các tế bào gốc phôi người còn sống ắt sẽ làm cho nó chết và do đó, bất hợp luân lý. Dù các kết quả có hữu ích điều trị như thế nào, thì việc nghiên cứu đã hủy diệt sự sống của con người vốn có cùng phẩm giá với các con người khác. Đây là việc làm thiếu nhân tính. Việc sử dụng các tế bào gốc từ phôi hay các tế bào đã biệt hoá phát xuất từ đó –cả khi chúng được cung cấp bởi các nhà nghiên cứu khác vẫn không hợp luân lý vì lý do cộng tác vào điều ác và gây gương xấu (x.DP 32).

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu tế bào gốc từ phôi người chưa thấy đề cập đến. Còn việc thu nhận các mô thai từ các thai bỏ chưa có pháp quy rõ ràng.[35] Việt Nam đã bắt đầu chính thức thành lập ngân hàng cuống rốn.[36] Bộ Khoa Học và Công Nghệ đã đưa nghiên cứu tế bào gốc từ màng cuống rốn vào chương trình khoa học – công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước.[37]

Kết luận


Trong Thông Điệp Veritatis Splendor mà chúng ta nay mừng kỷ niệm 20 năm ban hành, ĐGH Gioan Phaolô II đã lên án thái độ con người hiện đại xem tự do cá nhân như một giá trị tối thượng, họ mặc cho các sở thích, ý muốn của mình cái tên thật đẹp “tiếng nói lương tâm”. Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh nhân loại cần tái khám phá mối tương quan mật thiết hữu cơ giữa chân lý, sự thiện và tự do. Trong buổi đọc Kinh Truyền tin ngày 30 tháng Sáu vừa qua, ĐGH Phanxicô đề cập đến chủ đề Tự do lương tâm. Ngài mời gọi chúng ta phải học cách lắng nghe lương tâm của chúng ta nhiều hơn nữa. ĐGH Phanxicô nhắc nhớ phải thận trọng: tự do lương tâm không có nghĩa là chiều theo sở thích, ý muốn cá nhân, làm những điều mình cảm thấy thích hợp. Ngài nhấn mạnh lương tâm là không gian nội tâm giữa giao tiếp riêng tư con người với Thiên Chúa, con người có thể lắng nghe và nghe thấy chân lý, sự tốt lành và tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng nói với tận đáy lòng thâm sâu của mỗi người và giúp mỗi người phân định để hiểu biết con đường phải chọn, và khi chọn rồi sẽ vững tin và vững tiến cách bình an.[38] Và, bên cạnh Kinh Thánh, Truyền Thống, và Luật Tự Nhiên, Huấn quyền là một nguồn mạch tin cậy giúp con người lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa.

Người viết tâm đắc với nhận định của tác giả Phan Sơn về nhu cầu cấp bách của nền giáo dục toàn diện và cần thiết có các mẫu gương, bậc thầy trong đời sống, khi viết về sự suy thoái đạo đức trong nghề y. Xin mượn lời của Phan Sơn để kết luận bài viết: “Trong tác phẩm ăn khách Ngàn mặt trời lộng lẫy (A thousand splendid suns), văn sĩ kiêm bác sĩ người Afghanistan, Khaled Hosseini, nói một câu ngắn ngủi nhưng nhiều ý nghĩa: ‘Hôn nhân có thể trì hoãn, nhưng giáo dục thì không thể’… Không có sự giáo dục nào hiệu quả hơn cho bằng việc cung cấp cho người trẻ hình ảnh tốt lành chân thật về người thầy của họ, một hình ảnh không vấy bẩn bởi vật chất, công danh và lợi lộc. Muốn như thế, hãy trả trường đại học lại thành ngôi thánh đường thiêng liêng, hình ảnh thật sự của nó.”[39]

Thư mục


1. Các văn kiện-tài liệu của Huấn quyền


Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo: Luật Luân Lý; Hội Thánh, Mẹ và Thầy; Điều răn Thứ Năm; Điều răn Thứ Sáu; Điều răn Thứ Chín.

Bộ Giáo Lý Đức Tin
  1. Declaration on Euthanasia
  2. Declaration on Procured Abortion
  3. Huấn thị Donum Vitae
  4. Huấn thị Dignitas Personae
  5. Responses to questions proposed concerning “uterine isolation” and related matters
Pontifical Council for the Family, “Declaration on Fetal Reduction in Cases of Multiple Pregnancies.”

Pontifical Academy for Life, “Legalizing euthanasia for children in the Netherlands.”

Pius XI, Thông điệp Casti Connubii

Pius XII, “The prolongation of Life”, Address to an International Congress of Anesthesiogolists

Paul VI
  1. Thông điệp Humanae Vitae
  2. “Respect for Life in the Womb.” Address to the Medical Association of Western Flanders
Jean Paul II
  1. “Address to the 18th International Congress of the Transplantation Society”
  2. “Marriage Is One and Indissoluble in the First Chapters of Genesis.”
  3. “Euthanasia”
  4. Love and Responsibility. New York: Farrar, Strauss & Giroux, 1981
  5. Tông Huấn Familiaris Consortio
  6. Address to the International Congress of Pro-Life Movement on the Theme: “Prenatal Diagnosis and surgical Treatment of Congenital Malformations”
  7. “Address to the XV International Congress of Catholic Doctors”
  8. Blessed Are the Pure of Heart: Catechesis on the Sermon on the Mount and the Writings of Saint Paul. Boston: St. Paul Editions, 1983.
  9. “Dangers of Genetic Manipulation.” Address to members of the World Medical Association
  10. Reflections on Humanae Vitae. Boston: Daughters of Saint Paul, 1984.
  11. Tông Thư Salvifici Doloris
  12. Thông Điệp Evangelium Vitae
  13. “Reclaim Every Human Being’s Right to Life.”
  14. “Address to the Fourth General Assembly of the Pontifical Academy for Life”
  15. “Disabled Child has Same Rights as Any Child.”
  16. “Address to the 15th International Health Care Congress”
  17. “Address on the occasion of the International Congress of Catholic Obstetricians and Gynaecologists.”
  18. Address to the participants in the International Congress on “Life-Sustaining treatment and vegetative state: Scientific advances and ethical dilemmas.”

2. Tài liệu thuộc Giáo hội Công giáo

  1. Agneta Sutton, Đạo Đức Sinh Học Kitô Giáo, Phạm ngọc thành và Tạ Quang Hùng biên dịch. Hà Nội: Thanh Niên, 2011.
  2. Dionigi Tettamanzi & Guy Durand, Tân Đạo Đức Sinh Học Kitô, Lm Nguyễn Quang Tuyến biên soạn. Đại chủng viện Huế, lưu hành nội bộ, 2003.
  3. Christopher West, Tin Mừng về Tính Dục và Hôn Nhân, Nhóm Tâm Biển chuyển dịch. Lưu hành nội bộ.
  4. Nguyễn Văn Hưởng và Nhóm Bác Sĩ, Vấn Đề Đạo Đức Trong An Tử, lưu hành nội bộ, 2005.
  5. Nguyễn Văn Dụ, Giải Đáp Thắc Mắc về Luân Lý. Trung Tâm Mục Vụ Italia, 2007.
  6. Phạm Văn Tú, Thực Hành Y Khoa và Vấn Đề An Tử. Antôn Đuốc Sáng, 2008.
  7. Trần Như Ý-Lan, Thân Phận Luân Lý và Thần Học của Phôi Thai. Antôn Đuốc Sáng, 2010.
  8. Trần Mạnh Hùng, An Tử và Trợ Tử Dưới Nhãn Quan Thần Học Luân lý. Hà Nội: Tôn Giáo, 2004.
  9. Trần Mạnh Hùng, Đạo Đức Sinh Học và Những Thách đố Hiện Nay, Nhà Xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2003.
  10. Nhóm biên soạn, Đạo Đức Sinh Học, lưu hành nội bộ, 2003.

3. Tài liệu liên quan y-khoa, y đức tại việt-nam

  1. Bài Giảng Sản Phụ Khoa. ĐH Y Dược Tp HCM, tập II, 1996.
  2. Bộ Môn Phụ Sản, Đại Học Y Dược Tp. HCM, Sản Phụ Khoa, Tập 1, 2. Tp. HCM: Y học, 2011.
  3. Evelyn Billings-Ann Westmore, Phương Pháp Rụng Trứng Billings, Nguyễn Đạt Ân & BS Liên On dịch giả. Tp HCM: Tôn Giáo, 2010.
  4. Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác), Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh, Ngô Quý Tiếp and Nguyễn Thanh Giản, chuyển dịch, Đinh Văn Mông, Nguyễn Trung Hoà, Lê Đức Long, biên tập. Tây Ninh: Hiệp Hội Y học cổ truyền Tp HCM, 1987.
  5. Ngô Gia Hy, Y Đức và Y Sinh Học, Nguồn Gốc và sự Phát Triển. Tp HCM: Y Học, 1998.
  6. Ngô Gia Hy, Dạy và Học Y Khoa, Tp HCM, Nxb Trẻ, 2001.
  7. Nguyễn Bạch Tuyết, Lê Hồng Cẩm, Trần Thị Lợi, Hiệu quả, tác dụng phụ của phá thai nội khoa với Mifepristone và Mosoprostol. Y học Tp HCM, tập 10.
  8. Nguyễn Huỳnh Học, Tâm Lý Học Y Học-Y Đức, Vĩnh Phúc: Giáo Dục Việt-Nam, 2011.
  9. Phan Kim Ngọc, Phạm Văn Phúc, Trương Định, Công nghệ Tế Bào Gốc. Tam Kỳ: Giáo Dục Việt Nam, 2010.
  10. Luật số 75/2006/QH11 của Quốc hội “Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác”.
___________
[1] Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, “Các Chỉ Dẫn Đạo Đức và Tôn Giáo Cho Các Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe Công Giáo”, 2009, Dẫn Nhập Tổng Quát.
[2] “Các Chỉ Dẫn Đạo Đức và Tôn Giáo Cho Các Dịch Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe Công Giáo”, Phần Một, Dẫn Nhập.
[3] Nguyễn Ngọc Lanh, “Trăm năm dạy ứng xử nghề nghiệp ở đại học Y Hà Nội”, http://ykhoaviet.vn/home/2464/tram-nam-day-ung-xu-nghe-nghiep-o-dai-hoc-y-ha-noi-1.htm
[4] Phan Sơn, “Khi thánh đường” y khoa bị vấy bẩn”, (Sài Gòn Tiếp Thị online – 12/7/2013), http://vn.news.yahoo.com/khi-th%C3%A1nh%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-y-khoa-b%E1%BB%8B-v%E1%BA%A5yb%E1% BA%A9n-234100195.html
[5] X. Phan Sơn thực hiện phỏng vấn với GS Dương Quang Trung, “Chưa có y sĩ đoàn thì còn tranh cãi về tai biến y khoa”, http://ykhoaviet.vn/home/2694/chua-co-y-si-doan-thi-con-tranh-cai-ve-tai-bien-y-khoa.htm (3/6/2013)
[6] X. Phan Sơn thực hiện phỏng vấn với GS Dương Quang Trung, “Chưa có y sĩ đoàn thì còn tranh cãi về tai biến y khoa”, http://ykhoaviet.vn/home/2694/chua-co-y-si-doan-thi-con-tranh-cai-ve-tai-bien-y-khoa.htm (3/6/2013)
[7] Phan Sơn thực hiện phỏng vấn với GS Dương Quang Trung, “Chưa có y sĩ đoàn thì còn tranh cãi về tai biến y khoa”, http://ykhoaviet.vn/home/2694/chua-co-y-si-doan-thi-con-tranh-cai-ve-tai-bien-y-khoa.htm (3/6/2013)
[8] Đoạn này chủ yếu lấy lại phần đã đăng trong Báo Hiệp Thông, số 72 (tháng 9&10 năm 2012), tr. 148-153.
[9] Có nghĩa là 300.000 ca phá thai sớm, chiếm 20% tổng số phá thai, 80% còn lại là phá thai muộn, thai đã lớn.
[10] Hoàng Mai, “Tỉ lệ phá thai Việt-Nam cao nhất Đông Nam Á”, (11/7/2013), http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Song-khoe/558619/300-000-ca-nam-ti-le-pha-thai-cua-vn-cao-nhat-dong-nam-a.html
[11] Bộ Giáo lý Đức Tin, “Instruction on Respect for Human Life in Its Origin and on the Dignity of Procreation,” (Rome, 22/2/1987), Donum Vitae, Origins (Vol.16, n.40, 3/ 1987) 701.
[12] Vũ Thị Nhung, Chủ tịch Hội phụ sản Tp. HCM, “Cách tránh thai hiệu quả cho cả nam và nữ”, (10/6/2013), buổi nói chuyện chuyên đề Nụ hoa tính dục do Hội quán các bà mẹ tổ chức tại Tp. HCM, http://suckhoegioitinh.edu.vn/cach-tranh-thai-hieu-qua-cho-ca-nam-va-nu/
[13] X. Bộ Môn Phụ Sản, Đại Học Y Dược Tp. HCM, Sản Phụ Khoa, Tập 1, (Nhà xuất bản Y học, chi nhánh Tp. HCM, 2011), tr. 331, 339,354, 469, 503,511
[14] Sản Phụ Khoa, Tập 2, tr. 1013-23.
[15] Sách Giáo Khoa Bộ Môn Phụ Sản, Đại Học Y Dược dành riêng một bài về “Các biện pháp phá thai kế hoạch”, x. Sản Phụ Khoa, Tập 2, tr. 1013-1019.
[16] Đoạn này chủ yếu lấy lại phần đã đăng trong Báo Hiệp Thông, số 72 (tháng 9&10 năm 2012), tr.153-156.
[17] X. Vietnamnet, “Mâu thuẫn quanh vụ thai nhi 7 tháng bị đem chôn”, http://www.zing.vn/news/xa-hoi/mau-thuan-quanh-vu-thai-nhi-7-thang-bi-dem-chon/a250310.html”(17/5/2012); Ngọc Hà, “Phá thai nhầm vì bệnh Rubella”, http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/449944/Pha-thai-nham-vi-benh-Rubella.html.
[18] Elodie Maurot, “L’Eglise prudente sur l‘usage du diagnostic prénatal” trong La Croix, 3/3/2006, tr.4.
[19] Đoạn này chủ yếu lấy lại phần đã đăng trong Báo Hiệp Thông, số 72 (tháng 9&10 năm 2012), tr.156-159.
[20] Có thể tham khảo kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung ở bài viết của BS. Hồ Mạnh Tường, “Thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung”, http://www.giaoducsuckhoe.net/article.asp?articleID=539&CategoryID=3&SubCategoryID=12&SpecialtyID=9
[21] Nam Phương, “Ngân hàng tinh trùng khát 'vốn’” (5/5/2010), http://vn.news.yahoo.com/vne/20100505/ten-ngan-hang-tinh-trung-khat-von-7143884.html
[22] Gioan Phaolô II, “Celebrate Life”, trong The Pope Speaks 24 (1979), 372.
[23] X. Trần Mạnh Hùng, An Tử và Trợ tử Dưới Nhãn Quan Thần Học Luân Lý Công Giáo. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Đình Diễn (Hà Nội, nhà Xuất bản Tôn giáo, 2004) tr. 304-305.
[24] X. Nguyễn Văn Hưởng và Nhóm Bác Sĩ, Vấn Đề Đạo Đức Trong An Tử, Tập 1, tr. 21 (lưu hành nội bộ, 2005).
[25] X. Ngô Gia Hy, Y Đức và Y Sinh Học, Nguồn Gốc và sự Phát Triển (Nxb Y Học, Tp HCM, 1998), tr. 108-123; Ngô Gia Hy, Dạy và Học Y Khoa, (Nxb Trẻ, Tp HCM, 2001), 423-425.
[26] VietCatholic News, “Pope cannot donate his organs”, (5/2/2011), http://vietcatholic.org/News/Html/87560.htm
[27] Gioan Phaolô II, “Address of the Holy Father John Paul II to the 18th International Congress of the Transplantation Society”, (29/8/2000), http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches/2000/jul-sep/documents/hf_jp-ii_spe_20000829_transplants_en.html
[28] Cổng thông tin điện tử chính phủ nước CHXHCNVN, Luật số 75/2006/QH11 của Quốc hội “Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác”, http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=5&mode=detail&document_id=29735
[29] Luật số 75/2006/QH11 của Quốc hội “Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác”, Điều 11, http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=5&mode=detail&document_id=29735
[30] X. Phan Kim Ngọc, Phạm Văn Phúc, Trương Định, Công nghệ Tế Bào Gốc, (Tam Kỳ, Nxb Giáo Dục VN 2010), tr. 30.
[31] X. Phan Kim Ngọc, Phạm Văn Phúc, Trương Định, Công nghệ Tế Bào Gốc, (Tam Kỳ, Nxb Giáo Dục VN 2010), tr. 40-51; Lan Anh, “Điều trị thành công bệnh nhân ung thư máu 7 năm” (10/11/2012), http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Song-khoe/519775/Dieu-tri-thanh-cong-benh-nhan-ung-thu-mau-7-nam.html
[32] Trần Phương, “Tạo ra tinh trùng từ tế bào gốc”, (09/07/2009), http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=325699&ChannelID=17
[33] X. Phan Kim Ngọc, Phạm Văn Phúc, Trương Định, Công nghệ Tế Bào Gốc, (Tam Kỳ, Nxb Giáo Dục VN 2010), tr. 34-37.
[34] Tý Linh (theo AFP), “Đức thánh cha tán thành việc hiến tặng dây rốn, chứ không chấp nhận việc thương mại hoá nó”, http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2011/02/27/duc-thanh-cha-tan-thanh-viec-hien-tang-day-ron/
[35] X. Phan Kim Ngọc, Phạm Văn Phúc, Trương Định, Công nghệ Tế Bào Gốc, tr. 534.
[36] Kinh Luân, Lan Anh, Quang Hiếu, “VN gia nhập làng tế bào gốc thế giới: Ghép tế bào gốc để điều trị 40 bệnh hiểm nghèo”, Tuổi Trẻ Cuối Tuần (1/4/2007), tr.16-17.
[37] Theo Hoàng Anh, SGGP, “VN thử nghiệm thành công tạo tinh trùng từ tế bào gốc”, http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=279084&ChannelID=122
[38] X. G. Trần Đức Anh, “ĐGH Phanxicô đề cao tấm gương của ĐGH Biển Đức 16”, Radio Vaticana (30-06-2013), http://conggiao.info/news/809/16800/duc-thanh-cha-phanxico-de-cao-tam-guong-cua-dgh-bien-duc-16.aspx
[39] Phan Sơn, “Khi thánh đường y khoa bị vấy bẩn”, Sài Gòn Tiếp Thị online (12 /7/2013) http://vn.news.yahoo.com/khi-th%C3%A1nh%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-y-khoa-b%E1%BB%8B-v%E1%BA%A5yb%E1%BA%A9n-234100195.html