Thời sự Thần học – Số 61, tháng 08/2013, tr. 187-205
__Giuse Nguyễn Văn Am, S.D.B.__
I. Vài nét chấm phá trong bức tranh tổng quát của Giáo hội tại Việt Nam về giáo dục
II. Những thách đố về giáo dục hiện nay cho Giáo hội tại Việt Nam
III. Giáo hội trong tiến trình canh tân chính mình trong chiều kích giáo dục
Để làm điều này, trước tiên tôi ghi lại vài điểm trong bức tranh tổng quát của Giáo hội tại Việt Nam trong lãnh vực giáo dục. Đoạn tôi sẽ trình bày một vài thách đố trong hiện trạng về điều này. Sau cùng tôi nói đến những cơ hội mở ra cho ý thức của Giáo hội tại Việt Nam về giáo dục.
I. Vài nét chấm phá trong bức tranh tổng quát của Giáo hội tại Việt Nam về giáo dục
1. Truyền thống Việt Nam luôn quan tâm đến giáo dục, không phải theo nghĩa tri thức cho bằng việc hình thành nên những con người tốt.[2] Kẻ có học là kẻ hy sinh bản thân mình vì gia đình và tổ quốc. Họ phải tử tế, can đảm, chuyên cần và vị tha. Người quân tử của Nguyễn Công Trứ rèn luyện nhân cách của mình và kiên nhẫn chờ thời. Cái đức của kẻ sĩ vẫn lớn hơn cái bồ tri thức. Tuy nhiên, sở đắc được kiến thức cũng thật quan trọng đến nỗi nó hầu như đồng nghĩa với giáo dục. Kẻ được học hành là người có giáo dục. Cha mẹ và thậm chí người vợ cũng sẵn lòng gánh vác mọi khổ cực để cho con cái hay người chồng của mình học hành và đỗ đạt. Đối với người bình dân và giới lao động, học cao là con đường đi tới một tương lai tươi sáng. Theo ánh sáng này, các thầy cô luôn được kính trọng như người xua tan bóng đêm ngu dốt khỏi tâm trí con em mình. Thầy cô được sánh ví vào những vị ân nhân lớn nhất như bậc cha mẹ.
Được thừa hưởng một truyền thống tốt đẹp như thế, Giáo hội tại Việt Nam đã góp phần đáng kể của mình. Đóng góp không thể quên được của Giáo hội tại Việt cho sự nghiệp phát triển giáo dục trên quê hương nay là góp phần phổ biến chữ quốc ngữ. Dĩ nhiên, chữ quốc ngữ không phải là công trình của riêng Giáo hội tại Việt Nam. Đó là công trình của toàn dân Việt. Dẫu vậy, phủ nhận sự đóng góp tích cực của Giáo hội trong việc này giống như đã bóp méo lịch sử vậy. Ai dám coi nhẹ những công trình của Alexander de Rhodes (Đắc Lộ) và những vị thừa sai cho buổi sơ khai của nền văn học chữ quốc ngữ tại Việt Nam.
2. Dần dần, chữ quốc ngữ kiện cường sự hiệp nhất dân tộc chống lại sự đô hộ của Trung Hoa. Nó cũng hữu ích để dân Việt chiến đấu dành độc lập, thoát khỏi thời thực dân Pháp. Nhờ chữ quốc ngữ, căn tính dân tộc được phát huy đến độ "chữ quốc ngữ còn, nước Việt còn". Nhờ chữ quốc ngữ, chính sách "xoá mù chữ" được lan rộng đến quần chúng, dù không hoàn toàn thành công. Một số nhà tri thức Công giáo như Petrus Ký, Nguyễn Tường Tộ, v.v. góp phần của mình vào việc canh tân quốc gia về giáo dục. Họ đứng tổ chức các tờ báo, dịch và phổ biến những tác phẩm văn học ngoại quốc như ngụ ngôn La Fontaine. Qua đó những giá trị như công bằng, tự do, v.v được trồng vào dân chúng. Chính họ cũng khuyến khích và giúp cho một số ít người đi du học.
3. Những người trí thức Công giáo giống như chiếc cầu nối kết Giáo hội và xã hội. Ta bắt gặp những thi nhân, giáo sư, giáo viên, và cả đến những nhà chính trị nữa. Họ thật sự góp phần làm cho quê hương nên hưng thịnh. Nhưng trên hết, họ có công đưa những giá trị tin mừng vào trong văn hoá Việt Nam, một cách rất tự nhiên qua những sáng tác nghệ thuật. Chẳng hạn, thi sĩ Hàn Mạc Tử đã góp phần làm cho những vần thơ tôn giáo đi vào lòng người Việt Nam một cách tự nhiên. Bằng nhiều cách khác nhau, các trí thức Công giáo làm cho danh Thiên Chúa không còn xa lạ với người Việt nữa. Những bài vè đậm tính chất tôn giáo cũng được lan truyền giữa dân gian khi được dùng để ngâm nga hay để ru trẻ con ngủ. Bằng những cách thế đơn sơ ấy, dân chúng quen thuộc hơn với những lý tưởng bình an, công bằng và tình huynh đệ.
4. Khi Giáo hội tại Việt Nam được kiên vững, từng bước Giáo hội đã đi vào trong hệ thống giáo dục. Chính Giáo hội ấy đã từng tổ chức những trường tư thục nổi tiếng vì kỷ luật học tập cũng như có những giáo viên có tài đức. Tại miền quê, các trường học đã từng gắn liền với một giáo xứ và qua đó đã giúp cho nhiều con em tại các vùng quê được xoá cảnh dốt nát, mù chữ. Các trường học Công giáo này tiếp đón các thanh thiếu niên, bất kể lương giáo. Chắc chắn, tại những trường đó, việc dạy giáo lý là bó buộc, nhưng ngoài ra cũng dạy đạo đức công dân cũng như những nét chính của các tôn giáo khác nữa. Đang khi đó ở các thành phố, các trường Công giáo cũng khẳng định được chỗ đứng của mình giữa hệ thống trường công lập, nhờ vào những kết quả học tập trong các kỳ thi quốc gia. Nhờ việc trao đổi văn hoá, khuôn mặt của Việt Nam được biến đổi dần dần. Một số người tốt nghiệp từ những trường Công giáo cũng bước vào lãnh vực chính trị vì tương lai của Việt Nam. Một số trong họ đã trở thành những người lãnh đạo nổi tiếng.
5. Giáo dục tại Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các dòng tu chuyên về giáo dục như các sư huynh La Salle, dòng Tên, dòng Don Bosco, dòng Đa Minh, v.v. Các nữ tu cũng góp phần không nhỏ vào lãnh vực giáo dục trường học. Các dòng tu nam nữ điều khiển các trường cao đẳng cũng như các trường tư thục vốn đào tạo những người tài đức cho quê hương trong những lãnh vực khác nhau,[3] ngay cả góp phần vào việc huấn luyện nghề nghiệp cho các thanh thiếu niên. Một số cũng dấn thân vào cả những trường cải huấn, các viện mồ côi. Quả thực, qua các ký túc xá, các trường nội trú, cao đẳng và đại học, nhiều giá trị tin mừng được cấy vào trong quê hương mà đa phần dân chúng là ngoài Kitô giáo.
Tóm tắt thời kỳ này, trích lại lời nhận định của các Giám mục Việt Nam quả là tốt đẹp: “Viện Đại học Đà Lạt là mối bận tâm của Hội Đồng Giám Mục từ lâu. Các Giám mục đang lo tìm phương thế duy trì và củng cố viện đó để biến thành một tay trợ tá đắc lực cho nền giáo dục Cao Đẳng Quốc gia... Các Giám mục cũng mong cho các tư thục Công giáo thuộc các cấp bậc, được thống nhất về đường lối và phương pháp, để cung cấp cho con em một nền giáo dục hoàn hảo hơn.”[4] Nơi khác, các Giám mục Việt Nam ra chỉ thị rằng những tổ chức khuyến học cần phải được thiết lập tại các giáo xứ và giáo phận hầu những học sinh nghèo có được cơ hội học hành và được giáo dục tử tế.
6. Biến cố 1975 chấm dứt các trường Công giáo. Tất cả đều bị quốc hữu hoá. Từ đó, chính sách độc quyền giáo dục ngự trị. Mọi tôn giáo và tư nhân đều bị loại khỏi lãnh vực giáo dục, không có quyền hay tiếng nói gì trong giáo dục cả. Dường như có một sự nghị kỵ, nếu không nói là căm thù hay tẩy chay Giáo hội khỏi giáo dục. Chính sách thanh lọc "Thiên Chúa giáo" đã khiến cho nhiều người trẻ không thể chen chân vào đại học. Châm ngôn "tiên học lễ, hậu học văn" đã biến mất. Chủ nghĩa vô thần được công khai giảng dạy. Đang khi đó đức tin và thực hành tôn giáo trở thành chuyện riêng tư cá nhân mà thôi. Phải thực hành nó trong nơi kín ẩn mà thôi! Kiểu sống được khuôn rập theo lý tưởng Hồ Chủ Tịch hay Karl Marx hay Vladimir Lenin mà thôi. Đời sống chỉ đóng khung trong những thực tại trần tục mà thôi. Tất cả những phương tiện truyền thông đại chúng được dùng như một thứ tẩy não khỏi những gì là siêu việt. Một thứ vô thần 'hiếu chiến' và độc tôn được thực hành. Hít thở trong bầu khí đó, mọi người, nhất là thanh thiếu niên, một cách vô thức và tiệm tiến đều bị nhiễm độc.
7. Cùng với tính chuyên chế chính trị, một thế giới biến chuyển mau lẹ biến lạc thú và "xả hơi thoải mái" thành một ngẫu tượng. Lối sống Âu Mỹ nhào nắn lối nghĩ suy của giới trẻ. Chúng chạy theo "tiêu chuẩn mỹ quốc", "tiêu chuẩn hàng hiệu". Sự đua đòi hiện ra dưới muôn vẻ. Chủ thuyết lơi lỏng và tương đối trong luân lý tàn phá cảm thức nết na và hy sinh truyền thống của dân tộc. Làn sóng di dân từ miền Trung và Bắc tạo nên cơ man những rối loạn về giáo dục. Trình độ giáo dục và học vấn xuống dốc cách báo động. Kỳ thi tốt nghiệp được thả lỏng cho quay cóp và gian lận. Số trẻ em thất học gia tăng và nhiều trẻ em đã bị bóc lột lao công. Bạo lực học đường và giữa thanh thiếu niên nam nữ đang gia tăng đến mức lo âu. Bức tranh này không mấy sáng sủa mà nhiều người còn thấy rõ hơn tôi. Tuy nhiên, khi nêu lên những thực trạng này, tôi không muốn mang mắt kính bi quan. Đức tin đòi buộc chúng ta phải đọc ra "dấu chỉ thời đại" hay tiếng nói của Thiên Chúa giữa những hiện trạng nhân sinh cá nhân và xã hội. Đức tin không phải là viên thuốc ru ngủ, nhưng đòi ta phải là người thực tế được soi sáng bởi tình yêu của Thiên Chúa. Đó là cách hành xử của những vị khổng lồ của đức tin như Ápraham, Môsê, Phanxicô Assisi, Đa Minh, I-nhã hay Gioan Bosco. Nói chung, tình trạng giáo dục trên đất Việt hiện nay không mấy sáng sủa, nếu không muốn nói về "tình trạng cấp cứu" giáo dục.
8. Giáo hội Việt Nam sống thời mùa đông của giáo dục. Giáo hội thấy mình trói tay trói chân, khi nhìn thấy nhiều thanh thiếu niên đi vào ngõ cụt của các nết xấu xã hội. Cuối cùng, một tia sáng cũng lóe lên cuối đường hầm. Phong trào Perestroika cũng đến Việt Nam. Qua đó, Thần Khí thổi làn hơi mới vào trong Việt Nam. Lợi dụng cơ hội này, nhiều dòng tu bắt đầu quan tâm đến nhà trẻ như một hình thức thực thi sứ vụ của mình. Có kẻ cho rằng đó là cách kiếm sống. Tôi không nghĩ như thế. Cả một tập thể dòng tu, với cảm thức đức tin sống động, không thể chết chìm trong lối nghĩ thế tục của lợi nhuận. Các tu sĩ đã có thể lấy được những văn bằng sư phạm chính thức. Chẳng mấy chốc, các nhà trẻ đó đã có tác động lớn ngay cả trên những cán bộ đảng viên. Các tu sĩ đó chỉ tập trung dạy cho các em nhỏ những giá trị nhân bản cũng như những lối sống đạo đức của dân Việt. Cùng lúc đó, một số tu sĩ và giáo dân được thúc đẩy do tầm nhìn đức tin tìm cách tiếp cận với những thanh thiếu niên bị bỏ rơi. Những trường phổ cập, lớp tình thương đã nở rộ và mang lại nhiều điều tốt cho một số thanh thiếu niên. Có thể con số vẫn ít ỏi, nhưng dù sao cũng là những kinh nghiệm quý báu để Giáo hội tìm được hướng đi mục vụ của mình. Những trường huấn nghệ, những lưu xá sinh viên, những hình thức nội trú cũng được tìm tòi để tạo nên những điều tốt lành. Trong việc này, Giáo hội tại Việt Nam cũng tìm thấy lối đường liên kết những con người thiện chí, bất kể tôn giáo, để lo giáo dục những thế hệ mới.
9. Tóm lại, thời gian trôi qua, những cơn bão tố của chủ nghĩa vô thần, tiêu thụ và tương đối tàn phá quê hương mạnh mẽ hơn; những phương tiện công nghệ cao, được sử dụng một cách bừa bãi và không được hướng dẫn, cũng như bị chủ nghĩa lợi nhuận chi phối, tiếp tục đưa tới những tình cảnh 'như thể không lối thoát' cho nhiều thanh thiếu niên, và như một kết quả, trình độ giáo dục xuống dốc. Dẫu thế, qua điều này, Giáo hội tại Việt Nam biết mình hơn. Giáo hội nhận biết vai trò của mình là nuôi dưỡng và cổ xúy những yếu tố làm nên một xã hội tốt đẹp. Giáo hội ấy bắt đầu lên tiếng trong đối thoại để xã hội chấp nhận đóng góp của Giáo hội vào sự hưng thịnh của quê hương qua con đường giáo dục.
II. Những thách đố về giáo dục hiện nay cho Giáo hội tại Việt Nam
Bức tranh trên kia cho chúng ta thấy những mảng sáng và tối về giáo dục mà Thánh Thần chỉ cho Giáo hội tại Việt Nam trong sứ mệnh phục vụ toàn diện cho con người.
Các Giám mục Việt Nam trong khoá họp mặt thường niên năm 2007 ghi nhận một vài dấu hiệu tích cực. Các ngài xác quyết những nỗ lực của chính quyền trong việc "luyện sạch", "tẩy sạch" môi trường giáo dục, chống lại bệnh gian lận trong thi cử, bệnh thành tích và những lối tiếp cận giáo dục vô trách nhiệm. Nhiều bậc phụ huynh đã luôn hy sinh vì nền giáo dục của con em mình. Các trung tâm ngoại ngữ nở rộ. Chính sách không kỳ thị trong giáo dục mang lại nhiều cơ hội hơn cho người trẻ Công giáo tham gia vào đại học. Cũng như những cố gắng sử dụng những công nghệ cao vào giáo dục để thu lượm kết quả tốt hơn.[5]
Những điểm tích cực này không che dấu được những nét tiêu cực. (1) Hội nghị Dân Chúa tại Việt Nam năm 2010 vang lên tiếng chuông báo động về giáo dục. Đại hội bật đèn đỏ về cả phẩm lẫn lượng của giáo dục. Tiếng chuông ấy làm vang lại tiếng nói của Giáo sư Hoàng Tụy về sự nghèo nàn trong triết lý giáo dục được áp dụng tại Việt Nam. Ông gọi nó là một "hệ thống giáo dục bị tê liệt".[6] Nó không chú ý đến vai trò mẫu mực của nhà giáo dục dành hết tâm huyết cho ích lợi của học sinh. Trái lại, tính hiệu quả được đặt lên hàng đầu như tiêu chuẩn số một. Hệ thống đó không theo kịp với sự biến đổi mau lẹ của xã hội. (2) thiếu mất một nền giáo dục đào tạo nên những nhân cách trưởng thành. Muôn vàn hình thức gian lận, bạo lực học đường và bất Công giáo dục gia tăng. Tôn sư trọng đạo suy giảm nơi học sinh và nhiều thầy cô không còn xứng danh nhà giáo mà truyền thống Việt Nam đã từng nói đến. Dùng nhà trường để thủ lợi cho cá nhân đưa tới những ê chề giáo dục. Chuyện đạo văn trở thành bình thường giữa sinh viên, thậm chí giữa các giáo sư. Tệ nạn xã hội lan rộng trong trường học. (3) Giáo hội tại Việt Nam xác quyết giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu cho mục vụ trong những năm tới. Một đàng Giáo hội tại Việt Nam yêu cầu chấm dứt tình trạng độc quyền, chuyên chế trong giáo dục bởi lẽ vận mệnh phát triển quê hương dân tộc là của mọi người dân và mọi tôn giáo. Đàng khác Giáo hội tại Việt Nam khích lệ những tín hữu lớn tuổi chăm lo cho trẻ em và thanh thiếu niên vốn là tương lai của Giáo hội và xã hội.[7]
III. Giáo hội trong tiến trình canh tân chính mình trong chiều kích giáo dục
1. Giáo dục còn hơn là kiến thức. Các Giám mục Việt Nam mạnh mẻ khẳng định rằng giáo dục nhắm đến sự trưởng thành của nhân cách. Giáo dục phải mang tính tập trung vào con người, lấy con người làm gốc, nói theo hạn từ chính trị tại Việt Nam. Đại hội Dân Chúa năm 2010 nói đến sứ vụ giáo dục hơn là theo ánh sáng của hoạt động. Hồng Y Ratzinger diễn giải mạnh mẽ về đề tài này:
Cuộc sống con người không thể được hiện thực do chính mình. Đời sống chúng ta là một câu hỏi rộng mở, một dự phóng chưa hoàn thành, còn phải mang đến hiện thực và hoàn thành. Câu hỏi nền tảng của mỗi người là: làm thế nào điều này được hiện thực - trở thành người? Làm thế nào ta có thể học được nghệ thuật sống? Đâu là con đường tới hạnh phúc? Loan báo Tin Mừng có nghĩa là chỉ ra con đường này - dạy nghệ thuật sống. Ngay lúc bắt đầu cuộc đời công khai, Đức Giêsu nói: tôi đến để loan báo Tin Mừng cho người nghèo (Lc 4: 18); điều này có nghĩa là tôi có câu trả lời cho vấn nạn nền tảng của con người. Tôi sẽ chỉ ra con đường sự sống, con đường tới hạnh phúc - đúng hơn: Tôi là con đường đó. Sự nghèo túng sâu xa nhất là không thể vui tươi, sư tẻ nhạt của một đời sống bị coi là phi lý và mâu thuẫn. Sự nghèo túng này lan rộng ngày nay, dưới rất nhiều hình thức khác nhau trong những quốc gia giàu cũng như nghèo vật chất. Sự bất khả vui tươi giả định và mang lại sự bất khả yêu thương, mang lại ghen tuông, tham lam - tất cả điều này tàn phá sự sống của cá nhân và thế giới. Chính vì thế chúng ta cần một cuộc tân Phúc Âm hoá - nếu nghệ thuật sống vẫn còn là một cái gì không được biết đến, không có gì khác sẽ xảy ra. Nhưng nghệ thuật này không phải là đối tượng của khoa học - Nghệ thuật này chỉ có thể được thông truyền do Đấng có sự sống - Đấng là Tin Mừng được hiện thân.
Đoạn văn trên rõ ràng cho thấy giáo dục Kitô hữu là cách thức để Tin Mừng đi vào văn hoá, là cách thức mới để loan báo Tin Mừng. Nó cho thấy Giáo hội là chuyên viên về con người có nghĩa là gì. Giáo hội có thể chỉ ra và giúp con người đi trên con đường hạnh phúc đích thực.
Như thế, hiển nhiên có một mối tương giao rất gần gũi giữa giáo dục và loan báo Tin Mừng. Không có chút gì mâu thuẫn giữa 'thành nhân cách chân chính' và 'thành con cái Thiên Chúa cách đích thực, vì Đức Giêsu Kitô là "người thật và là Thiên Chúa thật." Dưới ánh sáng của Đức Giêsu Kitô, Con Người Hoàn Hảo, là Con Người và cũng là Con Thiên Chúa, thì ‘thành nhân cách sung mãn’ chính là được tin mừng hoá và được tin mừng hoá chính là ‘cách thành nhân tuyệt hảo’. Nói khác đi, "Giáo dục bằng loan báo tin mừng và loan báo tin mừng bằng giáo dục" phải là con đường chắc chắn cho Giáo hội tại Việt Nam. Đấy là trực giác đang lớn dần trong Giáo hội tại Việt Nam. Với sự khiêm tốn nhưng can đảm, Giáo hội tại Việt Nam tin rằng mình có thể mang lại phương dược của tin mừng cho sự yếu nhược giáo dục của Việt Nam hôm nay. Hoàn toàn theo ánh sáng đó, Đại hội Dân Chúa tại Việt Nam 2010 xác quyết: Để thi hành sứ vụ loan báo tin mừng trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, Đại hội Dân Chúa quan tâm đặc biệt đến lãnh vực giáo dục. Chúng tôi đề nghị chính quyền mở rộng cánh cửa cho các tôn giáo và những người thành tâm thiện chí tham gia vào việc giáo dục học đường ‘là chìa khoá cho tương lai tươi sáng của đất nước’.”
Giáo hội Công giáo có thể cống hiến cho xã hội triết lý và kinh nghiệm giáo dục của mình, nhằm đào tạo những con người có trách nhiệm với bản thân, với tha nhân và xã hội. Đồng thời, Giáo hội mong ước các cộng đoàn Kitô hữu, gia đình cũng như các đoàn thể, giáo xứ cũng như các dòng tu, hãy hết sức quan tâm đến giáo dục, hỗ trợ những học sinh nghèo, nâng cao trình độ học vấn của giới trẻ, dạy nghề cho giới trẻ miền quê, đồng hành với giới giáo chức Công giáo.
Vượt xa việc chuẩn bị nghề nghiệp hay đóng khung trong học đường, giáo dục dẫn con người tới Đức Kitô, Con Người Hoàn Hảo. Chính vì thế “giáo dục đức tin phải là sợi chỉ xuyên suốt, là tinh hoá và cùng đích của hết thảy nỗ lực giáo dục gia đình, học đường và xứ đạo. Nền giáo dục như thế sẽ giúp người thụ giáo lắng nghe Thiên Chúa và tìm ra được ơn gọi của mình trong kế hoạch của Ngài.”[8]
Đoạn văn không chỉ súc tích trong ý nghĩa, nhưng cũng mở hướng cho mục vụ. Giáo hội tại Việt Nam nhìn giáo dục như sứ vụ giúp cho mọi người và từng người tìm ra được chỗ đứng của mình trong kế hoạch của Thiên Chúa. Đó không phải là một định nghĩa sâu xa về giáo dục sao?
2. Nhấn mạnh hơn nữa đến giáo dục toàn diện. Chống lại nhãn quan duy vật và duy linh, Giáo hội tại Việt Nam tìm kiếm một sự quân bình. Đức tin không cho phép chúng ta coi nhẹ hay tôn thánh bất kỳ một lãnh vực nào, dù biết rằng rốt cục ra, yếu tố hữu hình phải quy hướng về yếu tố vô hình, yếu tố tạm thời phải quy hướng về yếu tố vĩnh cửu.[9] Đối với hiện trạng của Việt Nam ở đó khuôn mặt của Đức Giêsu bị cấm đoán, các phần tử của Giáo hội tại đây phải cố gắng trình bày những giá trị nhân bản được soi sáng và được thấm nhiễm cũng như được nắn đúc bởi cõi lòng nhân loại của Con Thiên Chúa, ngay cả lúc chưa thể nói về Người. Đối với môi trường nơi đó Con Thiên Chúa được chào đón và ngự trị, Giáo hội tại Việt Nam nỗ lực cho thấy tính chất nhân bản và hiền dịu của của một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót, hơn là của một vị quan toà lạnh lùng. Kinh nghiệm lâu dài của một Giáo hội sống trong một thể chế chính trị và xã hội vô thần minh định cho Giáo hội tại Việt Nam rằng không có nền tảng nhân bản vững chắc sẽ không thể xây dựng và kiến tạo công trình thiêng liêng vững vàng được.
3. Quan tâm hơn nữa đến sự hiệp thông hay chiều kích cộng đoàn trong giáo dục. Chống lại khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa và ích kỷ của xã hội tiêu thụ, Giáo hội tại Việt Nam nỗ lực nhiều để vun trồng một chiều kích cộng đoàn trong giáo dục Công giáo. Huấn giáo không được giới hạn vào những công thức tín lý trừu tượng, nhưng cũng tìm những cách để đem chúng ra thực hành. Giáo hội ấy khuyến khích các bạn trẻ “lập những nhóm Giáo hội nhỏ” để chia sẻ Tin Mừng, để phục vụ xã hội, để tương thân tương ái. Những nhóm "hướng đạo" được sinh động lại với một khởi hứng Kitô hữu. Một đức tin thuần túy cá nhân và riêng tư chẳng thể là một đức tin Công giáo được. Giáo hội tại Việt Nam tích lũy cho mình kinh nghiệm rất quý báu đối diện với chủ trương "tôn giáo là chuyện riêng tư" khi nhìn ra được khao khát tình bạn, sự liên đới, sự giao lưu thân tình trong việc sống đức tin, nhất là nơi các bạn trẻ.
4. Vai trò của gia đình. Dù đầy dẫy những khó khăn và thay đổi, vai trò của gia đình là thiết yếu đối với giáo dục. Nó là chìa khoá cho sự canh tân xã hội. Giáo dục sẽ không hiệu quả nếu không có sự đóng góp của gia đình. Đại hội Dân Chúa năm 2010 viết:
Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Giáo hội nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận. Thừa hưởng nền văn hoá đạo hiếu luôn lấy gia đình làm gốc, chúng tôi kêu gọi anh chị em giáo dân quan tâm xây dựng gia đình mình nên như Giáo hội tại gia, trở thành trường dạy đầu tiên, nơi đào tạo những thế hệ mới vững mạnh trong đức tin và can đảm sống đạo đức, có trách nhiệm đối với xã hội và Giáo hội. Để thực hiện mục tiêu này, các giáo phận và giáo xứ cần hình thành một chương trình mục vụ tiền và hậu hôn nhân thống nhất và xuyên suốt, giúp gia đình thăng tiến đời sống cầu nguyện, tăng trưởng tình yêu hợp nhất và chung thủy, ươm mầm ơn gọi, chung tay giáo dục con cái trong sự thánh thiện và bền vững trong ân sủng của bí tích hôn nhân.[10]
Rõ ràng ở đây, Giáo hội tại Việt Nam muốn tìm ra lối đi vững chắc cho mình trong một đức tin được hội nhập văn hoá, một đức tin đảm nhận, nâng cao cũng như làm hoàn hảo văn hoá đạo hiếu của Việt Nam. Dưới phương diện này, Giáo hội ấy thấy rằng bao lâu Tin Mừng không thấm nhập vào gia đình Việt Nam, bấy lâu cơn khủng hoảng luân lý sẽ đe doạ sự hưng thịnh thiêng liêng của Giáo hội này.
Kinh nghiệm này đâu có kém sức mạnh trước suy tư “thanh khiết bắt đầu từ gia đình: những quyền lợi của bậc phụ huynh và giáo dục về thanh khiết.” Nguyên lý bổ trợ nằm trong cốt lõi của đức tin. Cùng với Vatican II, ta xác quyết, thẩm quyền khác “không được chiếm đoạt những đặc quyền của gia đình hoặc can thiệp không cần thiết vào đời sống ấy”, cách riêng trong việc giáo dục trẻ em về thanh khiết".[11] Theo đó, giáo dục về thanh khiết không thể không bắt đầu từ gia đình. Theo ánh sáng này, thật thú vị khi thấy Giáo hội tại Việt Nam muốn nhìn giáo xứ thật sự như một gia đình hơn là một thể chế. Nơi đây mọi tín hữu chia sẻ ưu tư, vui buồn, hy vọng và hoài bão với nhau. Giáo xứ theo nghĩa đó sẽ mang lại những hệ quả giáo dục chân chính khi cử hành các biến cố giáo xứ như những gặp gỡ trong tinh thần gia đình vui tươi ca tụng Thiên Chúa.[12]
5. Vai trò của lương tâm. Như nhắc ở trên, giáo dục là một nghệ thuật hơn là một đống kiến thức. Vì thế, Giáo hội tại Việt Nam, chống lại bối cảnh của một chính sách độc quyền trong giáo dục, tìm thấy con đường giáo dục lương tâm là cốt thiết. Giáo hội ấy nói:
Cách đặc biệt, Giáo hội xác tín rằng việc giáo dục lương tâm cho mọi người là hết sức cần thiết. Theo đề nghị của Đại hội Dân Chúa, "các giáo xứ cần quan tâm đến nền giáo dục đại chúng về lương tâm, những giá trị nhân bản và văn hoá đối thoại, dưới ánh sáng Lời Chúa". Với lương tâm ngay chính, họ thoát khỏi chủ nghĩa tương đối về luân lý và sống đúng ơn gọi làm người của mình, giúp họ sống đạo cách ý thức và trưởng thành hơn. Ngoài ra, quyết định sống tốt một cách can đảm sẽ là một thông điệp mời gọi người khác cũng quyết định sống tốt.[13]
Chìm ngập trong bối cảnh của sự nô lệ dưới mọi hình thức, chỉ một lương tâm ngay thẳng, trong suốt, trong sáng và chính trực mới mang lại tự do thật sự. Đào tạo một lương tâm ngay thẳng xét cho cùng là thiết yếu. Giáo dục không phải là chuyện cầm tay người trẻ kéo đi như một con vật. Giáo dục trợ giúp để một cách tiệm tiến, người trẻ có thể tự mình bước đi với đầu cao mắt sáng, với những chọn lựa có trách nhiệm đến từ một lương tâm trong sáng. Chính vì thế, James v. Schall viết chí lý: “Thánh Toma nói, chân lý là ‘sự tương hợp của lý trí với thực tại’. Bất kỳ nền giáo dục nào không nhắm đến mối tương quan này đều ‘tầm thường’. Những nhà sư phạm đương thời nói bất kỳ điều gì, điều đó không chắc giải phóng chúng ta.”[14]
Điều này đi liền với sự khiêm nhường mà “không bao giờ hệ ở việc không tra hỏi; nó không làm con người ít là mình hơn hay ít minh mẫn hơn, trái lại, nó thật sự làm con người minh mẫn hơn và là chính mình nhiều hơn.”[15] Một lương tâm tốt lành hiểu rõ những điều này.
Kết luận
Giáo dục Công giáo phải được coi là một sứ vụ. Nếu vậy, mọi Kitô hữu không thể là mình mà không ý thức mình được sai đi. Như vậy, theo một nghĩa nào đó, mọi người và từng Kitô hữu phải lãnh lấy một vai trò giáo dục nào đó. Sứ vụ đó phải được thực hiện, ngay cả khi không có những thể chế hay cơ sở giáo dục như trường học... Nó phải bắt đầu trong gia đình.
Tuy nhiên, giáo dục Công giáo không thể được thành tựu nếu “những câu hỏi tối hậu” - như những câu hỏi cơ bản về cuộc đời con người - lại vắng bóng cho mọi người và từng người.[16] Những câu hỏi tối hậu phải ghi nhớ mãi: Tại sao lại có một điều gì đó thay vì không có gì? Tại sao lòng người lại khao khát tình yêu, tự do, công bằng và bình an? Đâu là ý nghĩa cuộc đời? Cái gì xảy ra khi ta chết đi? Thiên Chúa Tình yêu là ai? Đức Giêsu Kitô là ai?
Trong giáo dục Công giáo, có một điều gì đó tương tự như quyền công dân. Người cha người mẹ in vào con cái mình quyền công dân là gì bằng cách thực thi một lối sống "tôn trọng luật pháp, quan tâm tới thiện ích chung, lo lắng đến những người thiếu thốn, biết ơn trước những phúc lộc của một quốc gia tự do và giàu mạnh".[17] Không có con đường khác đối với giáo dục Công giáo! Thầy cô, các nhà giáo dục, các bậc phụ huynh chuyển giao cho thế hệ kế tiếp những câu trả lời giá trị cho những câu hỏi tối hậu bằng cách sống chúng. Theo ánh sáng này, Raymond J. De Souza chí lý viết:
Cha mẹ mắc nợ con cái mình những câu trả lời tốt nhất cho những câu hỏi sâu xa nhất. Trẻ em quan tâm cách chân chính đến những vấn nạn lớn khi bất kỳ ai bỏ ra một giờ với đứa nhỏ bốn tuổi luôn hỏi 'tại sao' về mọi điều biết. Dù vậy đối với nhiều bậc cha mẹ, sống ngay thẳng với con cái mình khơi lên một thứ lúng túng trong việc xét lương tâm. Nền đào luyện tôn giáo của trẻ em đòi ta phải ngay thẳng về sự thực hành tôn giáo của mình.
Suy tư trên nhắc nhở cho các tín hữu tại Việt Nam về vai trò “dám sống sự thật của đức tin” trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Đức tin mang tính giáo dục không thể chỉ là truyền đạt kiến thức. Nó đòi những gương sống. Chẳng thế mà, những vị khổng lồ trong đức tin luôn kéo theo cả một hậu duệ mạnh mẽ trong sự theo đuổi Chân lý mang sức giải phóng đích thực. Do đó, nhà giáo dục không thể nói với con em rằng các em hãy cầu nguyện đi, còn chúng tôi lười lắm về chuyện này. Các em hãy ráng bận tâm đến những gì sâu xa nhất, còn chúng tôi chỉ bằng lòng với những điều phụ thuộc mà thôi. Hay miễn sao các em no cơm ấm áo là được rồi đối với chúng tôi, còn chuyện thiêng liêng là của các em. Lối tiếp cận như thế chỉ cho thấy một đức tin hời hợt nơi các nhà giáo dục mà thôi. Thật vậy, những nhà giáo dục không thể quá nhẹ dạ mà nói rằng: chúng tôi không áp đặt điều gì lên em cả, và để cho em chọn cho chính mình. Đây chỉ là sự thoái thác nhiệm vụ hàng đầu là giáo dục con em mình thành nhân và thành Kitô hữu đích thực.
Theo ánh sáng của truyền thống đức tin bắt nguồn từ trong Cựu Ước cho đến Giáo hội hôm nay, “cha mẹ mắc nợ con cái điều tốt nhất của chính mình. Điều tốt nhất của họ không chỉ là những trường học nổi tiếng và những chương trình ngoại khoá tốt đẹp. Điều tốt nhất là những giá trị cơ bản của họ, kể cả những câu trả lời cho những vấn nạn tối hậu. Thánh Phêrô nói, không phải về Thế vận hội, nhưng về tin mừng cứu độ của Đức Giêsu Kitô: "Vàng bạc tôi không có, điều tôi có tôi cho anh." Cha mẹ không được phép làm kém hơn điều đó.”[18]
Bằng cách đó, Giáo hội tại Việt Nam mới đúng là "chuyên viên về con người", "chuyên viện về giáo dục" vì chính Thiên Chúa là nhà giáo dục số một của con người.
________
[1] Bài viết này đã được trình bày trước đại hội được FABC tổ chức trong buổi hội thảo về giáo dục Công giáo tại Á châu. Nay tôi hiệu đính lại để chia sẻ với độc giả của Thời sự Thần học mà thôi.
[2] Nhiều câu ca dao tục ngữ nói lên tầm quan trọng của giáo dục đối với dân Việt: "Không thầy đố mày làm nên", "Cá không ăn muối cá ươn, con không vâng lời cha mẹ trăm đường con hư." "Muốn con hay chữ hãy yêu mến thày". "công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, đó là tròn chữ hiếu. "Anh em như thể tay chân, gà cùng một mẹ chớ hoài đánh nhau."
[3] Xem Phiên họp Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 3-5-1968 tại Saigon.
[4] Thông cáo Hội Nghị Giám Mục Việt Nam 1964; cũng x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư luân lưu Xây dựng hoà bình, 1969; Phiên họp Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 3-5-1968 tại Saigon.
[5] x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư chung 2007 "Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo hội ngày mai" 8.
[6] x. Hoàng Tụy, "Vài ghi nhận về nền giáo dục nghèo nàn tại Việt Nam".
[7] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư chung 2007 "Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo hội ngày mai", 11-15; đặc biệt số 19.
[8] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, 37.
[9] x. SC 2.
[10] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, 43.
[11] Lay Witness, "Chastity Begins at Home Parental Rights and Chastity Education".
[12] X. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư chung 2007 "Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo hội ngày mai", 28-29.
[13] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, 38.
[14] James v. Schall, “An Illiberal Education”.
[15] Charles Williams, the Book of Job, được James v. Schall trích dẫn trong "An Illiberal Education."
[16] Raymond J. De Souza, "Answering the big questions."
[17] Raymond J. De Souza, ibid.
[18] Raymond J. De Souza, ibid.