Thời sự Thần học - Số 60, tháng 5/2013, tr. 137-161
Mª Teresa López
Tác giả là tiến sĩ kinh tế học, giáo sư về chính sách gia đình tại đại học Complutense (Madrid) và chủ tịch Ủy ban Đạo đức sinh học của chính phủ Tây ban nha. Trong bài thuyết trình ngày 13 tháng 7 năm 2011 tại trường thần học Karl Rahner- Hans Urs von Balthasar, tác giả trình bày sự tiến triển của phong trào nữ quyền trong những thế kỷ gần đây tại Âu Mỹ. Khởi đi từ những cuộc tranh đấu cho phụ nữ được hưởng những quyền công dân, phong trào nữ quyền vào những thập niên 60 của thế kỷ XX, tuyên bố phá đổ việc sinh đẻ, được coi như nguồn gốc phát sinh ra những bất công. Chặng thứ ba của phong trào này tiến tới việc xóa bỏ sự dị biệt phái tính, cho rằng sự phân biệt này là do văn hóa tạo ra. Đây là chủ trương của ý thức hệ gender. Trong phần thứ hai của bài thuyết trình, tác giả trình bày quan điểm của Giáo hội Công giáo về sự bình đẳng và khác biệt giữa phái nam và phái nữ. Nguyên bản Mujer e igualdad en la nueva cultura được đăng trên mạng internet của Học viện Xã hội Leon XIII (Madrid): http://www.instituto-social-leonxiii.org/index.php/estudios/756-mujer-e-igualdad-en-la-nueva-cultura
Lưu ý về cách dịch thuật. Trong tiếng Việt, chúng ta thường nói đến “nam giới / nữ giới” (hoặc “phái nam / phái nữ”): “giới” hoặc “phái” tương đương với danh từ sex (Anh) và sexe (Pháp). Tuy nhiên trong bài này, tác giả nói đến ý thức hệ “gender”, chứ không phải là “sex”. Tự nó, gender (tiếng Anh, hoặc genre tiếng Pháp) ám chỉ “giống đực / cái” (masculin, feminin) dùng trong sách văn phạm (điều này rõ rệt trong tiếng Latinh và các ngôn ngữ gốc Latinh, hơn là trong tiếng Anh); nhưng ở đây gender được sử dụng với một ý nghĩa đặc biệt nhằm nêu bật tính cách tương đối của phái tính; vì thế, và chúng tôi giữ lại nguyên văn tiếng Anh. Cũng trong bối cảnh này, “feminism” được dịch là prong trào “nữ quyền” (chứ không chỉ là phong trào tranh đấu cho quyền lợi phụ nữ).
I. Nhập đề
II. Cuộc tranh đấu nam nữ bình quyền: tiến đến một nền văn hóa mới
III. Phụ nữ, sự bình đẳng và ý thức hệ gender dưới ánh sáng Lời Chúa và Giáo huấn Xã hội của Hội thánh
IV. Kết luận: Nỗ lực làm việc cho sự bình đẳng, bên lề ý thức hệ gender
I. Nhập đề
Mục tiêu của bài này là suy nghĩ về sự hiện diện và vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện nay. Tôi sẽ cố gắng tìm hiểu những hình thức mới của việc chung sống và cơ cấu xã hội do phong trào mang tên là “tân nữ quyền” (new feminism) đề nghị dưới danh nghĩa là “ý thức hệ gender”. Tôi sẽ phân tích và đánh giá chủ trương này từ một cái nhìn Kitô giáo. Bài này được chia ra làm ba phần.
– Phần thứ nhất thuật lại sự tiến triển của phong trào phụ nữ như động lực cho một nền văn hóa mới. Chúng tôi sẽ phân tích vắn tắt ba chặng của phong trào này, và dừng lại ở chặng cuối cùng để trình bày việc du nhập “ý thức hệ gender” với những tiền đề của nó và những hệ luận cho đời sống gia đình.
– Phần thứ hai phân tích nền văn hóa mới này từ một nhận định của Kitô giáo. Tôi sẽ trình bày vài suy tư về phẩm giá người phụ nữ dưới ánh sáng Lời Chúa và giáo huấn xã hội của Hội thánh.
– Phần thứ ba đưa ra vài suy tư và kết luận. Tôi có thể nói trước rằng để đẩy mạnh sự bình đẳng đích thực giữa nam nữ, thì cần phải thấu hiểu những vấn đề do ý thức hệ gender đặt ra, nhưng cần phải hành động ở ngoài lề ý thức hệ ấy.
II. Cuộc tranh đấu nam nữ bình quyền: tiến đến một nền văn hóa mới
Trong vòng gần ba thế kỷ vừa qua, phong trào phụ nữ đã thúc đẩy một cuộc cách mạng xã hội và văn hóa, tuy chậm chạp nhưng kiên trì. Các tiền đề của phong trào này đã du nhập nhiều thay đổi quan trọng vào những mối tương quan liên bản vị trong nhiều lãnh vực: gia đình, lao động, và nói tắt là trong toàn thể xã hội.
Tuy nhiên, trái với điều người ta thường nghĩ, các phong trào nữ quyền đã không luôn luôn bảo vệ các phụ nữ, thậm chí cũng chẳng bênh vực sự bình đẳng thực sự. Ủng hộ sự bảo vệ phẩm giá và quyền lợi phụ nữ thì trái nghịch với việc chấp nhận những tiền đề của một vài phong trào tư tưởng tự nhận là “nữ quyền”. Hay nói khác đi, ta có thể hoạt động nhằm xây dựng một xã hội nhân bản hơn, biết che chở và bảo vệ phẩm giá và quyền lợi phụ nữ nhưng đồng thời vẫn có thể xác tín rằng cuộc cách mạng nữ quyền đã đi trệch đường. Họ sẽ không đạt đến sự bình đẳng, và việc theo đuổi các tiền đề của họ sẽ làm thiệt hại cho các phụ nữ.
Những sự thay đổi mà các phong trào nữ quyền đầu tiên đã mang lại thì thật là chính đáng và cần thiết, và ngày nay vẫn còn giá trị cách riêng đối với các quốc gia còn nghèo về kinh tế. Những cuộc tranh đấu đầu tiên cùng với những kết quả thâu lượm được đã giúp cho việc xây dựng một xã hội công bằng hơn, trong đó các phụ nữ được hiện diện trong các vai trò xã hội và được nhìn nhận những quyền lợi công dân của họ. Như đức thánh cha Gioan Phaolô II đã ghi nhận trong Sứ điệp ngày hòa bình thế giới năm 1995, “khi nhìn lại tiến trình giải phóng phụ nữ, người ta có thể nói rằng đó là một con đường khó khăn và phức tạp, và mặc dù bản chất của nó là chính đáng, song đôi khi cũng không thiếu những sai lầm, và đến nay vẫn chưa hoàn tất do những trở ngại khiến cho tại nhiều nơi thế giới người phụ nữ chưa được nhìn nhận, tôn trọng xứng hợp với phẩm giá của họ.” Thế nhưng chính các phong trào nữ quyền đã thay đổi triệt để những tiền đề của mình. Họ đã chuyển từ chỗ bảo vệ sự bình đẳng giữa người nam và người nữ sang đến chỗ bảo vệ sự đồng nhất (identidad) hoàn toàn giữa hai giới, với chủ trương nói được là “chế bản” (clonation) cách cư xử, thậm chí kể cả bản tính sinh học nữa. Khởi đi từ những tiền đề sai lầm, họ đã làm nguy hại và kể cả tiêu diệt người phụ nữ, đang khi họ nghĩ là mình đang bảo vệ, cũng như phá hủy gia đình và cả xã hội nữa. Để minh họa cho lời khẳng định này, tôi sẽ mô tả vắn tắt ba chặng của cuộc tìm kiếm sự bình đẳng, qua tiến trình mang danh là “giải phóng phụ nữ.” Tôi chỉ chú trọng đến những nét chính nhằm giúp hiểu biết sự tiến triển của các phong trào nữ quyền, cách riêng tại các nước Âu Mỹ. 1/ Chặng thứ nhất, đi tìm sự bình đẳng về quyền lợi. 2/ Chặng thứ hai, đi tìm sự bình đẳng về chức vụ cùng với sự hiện diện và tham gia xã hội của người nam nữ. 3/ Chặng thứ ba là đồng hóa trong cách cư xử qua chủ trương “gender”, theo đó sự khác biệt giữa nam và nữ là con đẻ của văn hóa và vì thế có thể thay đổi lựa chọn tùy ý mỗi người. Chúng ta hãy xem vài nét chính của mỗi giai đoạn.
1. Các phong trào nữ quyền thuở đầu: Bảo vệ các quyền lợi phụ nữ
Vào thời cách mạng Pháp, một vài phụ nữ đã không chấp nhận phải chịu thua kém người nam về quyền công dân, nên đã thảo ra “Tuyên ngôn những quyền lợi phụ nữ”. Họ đòi hỏi cho các phụ nữ được nhìn nhận một vài quyền lợi mà lúc ấy chỉ nam giới được hưởng. Kết quả không đạt được như họ mong ước và những người cổ động đã bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc. Các phong trào đâu tiên bị đàn áp dữ dội, nhưng các phụ nữ không chịu thua. Họ nới rộng hoạt động sang các nước Anh, Đức, v.v. và cho đến đầu thế kỷ XX, họ đã thành công trong việc các phụ nữ cũng được hưởng vài quyền công dân.
Tuy nhiên các mục tiêu của những phong trào nữ quyền đầu tiên này, trong thập niên đầu thế kỷ XXI, vẫn chưa đạt được khắp nơi. Nhiều quốc gia vẫn chưa nhìn nhận cho nữ giới được hưởng những quyền lợi như nam giới, thậm chí vẫn còn những nước và văn hóa khinh miệt phụ nữ và chưa nhìn nhận rằng cần phải tôn trọng phẩm giá con người dù nam hay nữ. Vì thế, tuy tôi không thể dừng lại lâu hơn ở khuynh hướng thứ nhất của nữ quyền, nhưng thấy vẫn cần nhấn mạnh nỗ lực nhằm loại trừ những đối xử bất công dành cho phụ nữ, bởi vì nhân phẩm của họ chưa được tôn trọng.
2. Phong trào nữ quyền triệt để:[1] đi tìm bình đẳng “chức năng” giữa hai phái
Kể từ giữa thế kỷ XX, một vài thành phần của chủ nghĩa nữ quyền không chỉ nhắm đến việc nhìn nhận sự bình đẳng về quyền lợi pháp luật và xã hội giữa người nam và người nữ, nhưng họ còn muốn đạt đến điều mà họ gọi là bình đẳng chức năng giữa hai phái. Những tiền đề của các phong trào tiên khởi của nữ quyền được mở rộng, và bắt đầu đòi hỏi hủy bỏ sự phân công cổ truyền giữa đàn ông và đàn bà, mà họ cho là độc đoán. Họ cũng tẩy chay hôn nhân, sinh đẻ, gia đình, bởi vì coi đó như là nguồn gốc của những bất bình đẳng mà các phụ nữ phải gánh chịu.
Những luồng tư trưởng mới của phong trào nữ quyền được phát triển vào thập niên 60, và dựa trên tư tưởng của bà Simone de Beauvoir, với tác phẩm “Phái thứ hai” (“Le deuxième sexe”).[2] Bà đã cảnh báo cái được đặt tên là “cái bẫy của việc làm mẹ”, bởi vì bà cho rằng đây là một cơ chế mà đàn ông đã sử dụng cách ích kỷ để tước đoạt sự độc lập của vợ mình. Vì thế các phụ nữ “tân tiến” cần phải tự giải thoát khỏi những “ràng buộc của bản tính”, bao hàm việc loại trừ các chức năng làm mẹ (maternidad).[3] Đối lại, tác giả cống hiến cho các phụ nữ, như là những dấu chỉ của tự do, những thực hành tính dục vượt lên trên quan hệ nam nữ cũng như bên ngoài hôn nhân bị bà Beauvoir coi là đàn áp. Quan điểm của bà được nhiều tác giả phụ nữ ủng hộ, chẳng hạn như bà Shulamith Firestone,[4] một người phát biểu quá khích của khuynh hướng nữ quyền: bà chủ trương rằng sự giải phóng phụ nữ đòi hỏi các bà phải hủy diệt sự “chuyên chế của việc sinh đẻ”, bởi vì sự thai nghén là một “việc bạo tàn”.
Sự bành trướng của khuynh hướng nữ quyền triệt để vừa nói đã đưa đến một cuộc tranh luận trong phong trào nữ quyền vào đầu thập niên 80 (của thế kỷ trước), xét lại vài lập luận của Simone de Beauvoir. Từ đó nảy sinh xu hướng “nữ quyền khác biệt” (feminismo diferencial). Theo nhóm này, cần phải nhìn nhận rằng bản tính của nữ tính là làm mẹ về sinh lý; không thể nào có bình đẳng nam nữ nếu không nhìn nhận sự khác biệt này. Vì thế, thế hệ mới của phong trào nữ quyền đòi hỏi những khác biệt giữa nam và nữ. Họ nêu lên vấn đề (đến nay vẫn chưa ngã ngũ): có thể và có cần phải làm mẹ toàn thời gian (full time) hay không? Tiếc rằng những cuộc tranh luận này chỉ giới hạn vào lãnh vực sinh lý của việc làm mẹ, chứ không đi xa hơn (đó là tôi chưa muốn nói đến việc “làm mẹ tinh thần”). Dù sao, không thể nào quan niệm rằng việc làm mẹ chỉ là một hoạt động có thời hạn (có lúc làm mẹ, và lúc không làm mẹ nữa). Việc làm mẹ là một “ơn gọi” gắn chặt vào toàn thể con người phụ nữ, chứ không chỉ là một “vai trò” mà thôi.
Dù sao, xu hướng nữ quyền của Simone de Beauvoir vẫn phát triển trên khắp châu Âu. Mới đây, hồi đầu năm 2010, Elisabeth Badinter, một triết gia người Pháp, đã xuất bản quyển sách tựa đề Le Conflit: la femme et la mère[5] bán rất chạy. Tác giả tố cáo việc sinh con đẻ cái là một hình thức nô lệ mới của phụ nữ. Theo bà “bản năng làm mẹ” là chuyện thuộc dĩ vãng xa xưa, và sự bênh vực nó là mối nguy tồi tệ nhất cho việc giải phóng phụ nữ và bình đẳng nam nữ. Thế nhưng, phong trào nữ quyền còn tiến thêm một bước nữ qua việc sáng nghĩ và quảng bá “ý thức hệ gender.”
3. Chủ trương nữ quyền đồng nhất:[6] Ý thức hệ gender
Ý thức hệ này đã thành công trong việc sửa đổi ngôn ngữ hàng ngày cũng như ngôn ngữ pháp lý, nhằm xóa bỏ sự khác biệt giữa hai phái nam nữ. Tại Tây ban nha, trong các bản văn hành chánh, “cha mẹ” (padre / madre) được thay thế bằng “người sinh” (progenitor), “chồng / vợ” (marido / mujer) được thay bằng “phối ngẫu” (conjuges); “bình đẳng nam nữ” được thay bằng “bình đẳng gender”. Trên thực tế, nhiều người sử dụng ngôn ngữ do “ý thức hệ gender” áp đặt mặc dù họ chẳng có khái niệm gì về nó!
Ý thức hệ gender (hay có người còn đặt trên là “hậu nữ quyền”) bắt đầu nhen nhúm từ thập niên 70 (của thế kỷ XX) và được phổ biến trên khắp thế giới từ Hội nghị thượng đỉnh về Phụ nữ họp tại Bắc kinh năm 1995. Cùng năm ấy, Hội đồng Âu châu đã đề nghị các quốc gia thành viên hãy đưa “viễn tượng gender” vào chương trình giáo dục học đường.[7]
Theo ý thức hệ này, nam tính và nữ tính là sản phẩm của văn hóa chứ không thuộc về bản tính.[8] Khi chúng ta dùng từ “phái tính” (sex) thì chúng ta liên tưởng đến cái gì thuộc bản tính, và nghĩ đến một trong hai hình thái (nam và nữ). Tuy nhiên từ gender thì mang tính bất định hơn. Danh từ này được lấy từ văn phạm: các danh từ có thể có ba gender (giống): đực - cái - trung tính.[9] Việc quy gán một “giống” cho mỗi danh từ là chuyện văn hóa, tùy theo thói quen, phong tục của mỗi nước. Vì thế thay vì nói đến phái tính (sex), thì chúng ta nên dùng gender, xét vì những sự khác biệt giữa nam và nữ không tương ứng với một bản tính cố định, nhưng hoàn toàn do văn hóa tạo ra, khi xã hội trao cho mỗi phái một vài vai trò nào đó. Nói khác đi, sự khác biệt giữa người nam và người nữ không dựa trên bản tính con người nhưng là do cơ cấu xã hội tạo ra, tùy thuộc vào mỗi nền văn hóa. Do đó, để đạt tới sự bình đẳng đích thực, cần để cho mỗi người chọn lựa một “gender” mà mình thích, bởi vì tất cả đều như nhau. Đây là một chìa khóa của ý thức hệ gender: để cho mỗi người tùy ý lựa chọn và thay đổi phái tính mà mình ưa thích, cũng như tự do thực hành bất cứ hành vi phái tính mà mình muốn.
Judith Butler, một người bảo vệ các tiền đề của chủ trương nữ quyền triệt để, đã viết rằng: “gender là một cấu tạo của văn hóa, chứ không phải là hệ luận của phái tính, nó cũng chẳng phải là cái gì cố định như người ta tưởng. Khi chủ trương rằng gender là một cấu tạo độc lập khỏi phái tính, thì gender được giải thoát khỏi mọi ràng buộc, vì thế người nam có thể hiểu về một thân thể nữ hoặc nam; người nữ có thể hiểu về một thân thể nam hoặc nữ.”[10] Đoạn văn này được ghi vào giáo trình của nhiều khóa học về nữ quyền tại nhiều đại học Bắc Mỹ và châu Âu.
Những tư tưởng của ý thức hệ gender cũng được phổ biến qua “Lý thuyết Queer”, do các tác giả Butler, Flax và Hareway phổ biến. Lý thuyết này loại trừ sự xếp đặt các cá nhân thành “nam” hoặc “nữ”, “đồng tính” hay “dị tính”, và chủ trương rằng tất cả mọi “căn cước xã hội” (thay vì “phái tính”) đều giống nhau. Có người còn kể ra đến sáu gender: dị tính (heterosexual) nam, dị tính nữ, đồng tính (homosexual) nam, đồng tính nữ, lưỡng tính (bisexual), vô tính (indifferent). Như đã nói, tiền đề của ý thức hệ này là nam tính hay nữ tính (xét về thể lý hay tâm lý), không dựa trên bản tính cố định; vì thế hình thức quan hệ giới tính (đồng tính hay dị tính) cũng chỉ là do ảnh hưởng văn hóa, và có thể thay đổi.
Mục tiêu của ý thức hệ này đã rõ rệt. Bornstein khẳng định rằng “vấn đề đàn áp phụ nữ sẽ vẫn tồn tại bao lâu vẫn còn cái gọi là nữ giới.”[11] Bà còn nói thêm: "Tính uyển chuyển của gender cho phép được tự do chọn lựa một hay nhiều gender, trong bất cứ thời gian lâu hay mau tùy ý, không chịu giới hạn hay luật lệ.” Nói cách khác, sự phân biệt giữa nam và nữ là do xã hội đã cấu tạo ra, và cần phải thay đổi để có đạt được sự bình đẳng. Cần phải xóa bỏ ý tưởng là chỉ có hai phái, và tiến tới chủ trương là có nhiều “khuynh hướng giới tính” ngang nhau.
Ý thức hệ này dựa trên nền tảng nào? Các tiền đề của ý thức hệ nữ quyền bắt nguồn một đàng từ các lý thuyết Mác-xít và cấu trúc; đàng khác từ một vài đại diện của cuộc “cách mạng tính dục”, tựa như Reich và Marcuse, những người kêu gọi thử nghiệm tất cả mọi tình huống tính dục. Trong các tác phẩm của những người bênh vực cho ý thức hệ gender, người ta thấy nhiều đoạn trưng dẫn các tác phẩm của Marx và Engels. Sau đây là vài thí dụ. Engels khẳng định rằng: “Sự đối kháng giai cấp đầu tiên xảy ra trong lịch sử trùng với sự tranh chấp giữa đàn ông và đàn bà trong hôn nhân một vợ một chồng, và sự đàn áp giai cấp đầu tiên trùng hợp với sự thống trị của nam giới trên nữ giới.”[12] Firestone, một trong những người cổ động phong trào nữ quyền, cũng dựa trên sự phân tích đấu tranh giai cấp khi viết rằng: “Cũng như mục tiêu cuối cùng của cuộc cách mạng xã hội không phải là xóa bỏ ưu đãi giai cấp kinh tế nhưng là xóa bỏ sự phân biệt các giai cấp, thì mục tiêu cuối cùng của cuộc cách mạng nữ quyền không chỉ là xóa bỏ đặc quyền của nam giới nhưng là xóa bỏ sự phân biệt giới tính.”[13] Ai ai cũng biết lý thuyết Mác-xít về sự đấu tranh giai cấp. Nhưng có lẽ ít người biết đến lập luận về sự đấu tranh giai cấp khởi đi từ gia đình. Họ chủ trương để chấm dứt sự đấu tranh giai cấp cần phải giật lấy các phương tiện sản xuất và tái sản xuất khỏi tay những kẻ thống trị và trả lại cho công nhân. Điều này đòi hỏi sự xóa bỏ tư hữu và gia đình do người cha làm chủ. Như vậy, tất cả mọi phụ nữ sẽ bắt buộc phải làm việc ngoài gia đình, còn những công việc gia đình và giáo dục con cái được trao cho tập thể, và tiến đến cuộc giải phóng toàn diện về tính dục.
Các thuyết gia của chủ trương nữ quyền triệt để đã gặp thấy nơi thuyết Mác-xít những luận cứ thuận lợi cho mình, giúp cho họ xác tín rằng để đạt tới mục tiêu của mình thì cần phải chấm dứt gia đình. Marx viết rằng: "Gia đình hiện đại chứa đựng mầm mống không những của nạn nô lệ mà của nạn tôi đòi” và Engels thêm rằng "gia đình cá nhân hiện đại được xây dựng trên nạn nô lệ phục dịch của người vợ. Người đàn bà có chồng thì khác với cô gái điếm ở chỗ là bà vợ không bán thân thể của mình để lấy tiền mỗi lần phục dịch, nhưng lại bán mình mãi mãi để làm nô lệ.”[14] Một nguồn gần gũi hơn là tư tưởng của Simone de Beauvoir (có lẽ vào năm 1949 tác giả không lường được ảnh hưởng của mình) khi bà viết rằng: “Bạn không sinh ra là đàn bà; nhưng người ta đã làm cho bạn trở thành đàn bà”[15]; câu nói được bổ túc như sau: “Bạn không sinh ra là đàn ông, nhưng người ta làm cho bạn trở thành đàn ông!”
Để cho ý thức hệ gender có thể được xã hội chấp nhận, họ phải tìm cách từ từ thay đổi văn hóa. Làm thế nào tiến đến một xã hội “không giai cấp”, nghĩa là “không giới tính”? Việc xóa bỏ quyền tư hữu tương đối dễ dàng, nhưng làm cách nào xóa bỏ sự phân biệt giới tính đã gắn liền với cơ thể sinh lý và bản tính tự nhiên? Họ nghĩ rằng trở ngại lớn nhất là sự sinh đẻ. Vì thế cần phải tiêu diệt sự sinh đẻ. Việc đầu tiên cần làm là giải phóng phụ nữ khỏi gánh nặng của việc sinh đẻ: “Việc sinh sản dành cho một phái sẽ được thay thế bằng việc sinh sản nhân tạo” (S. Firestone). Cần phải thay thế vai trò của người mẹ.
Đối với ý thức hệ gender, việc làm mẹ bị rút gọn thành một “vai trò”, và phá hủy quan niệm cổ truyền về thiên chức làm mẹ. Thực vậy, kể từ khi người phụ nữ bắt đầu mang thai thì một mối dây liên hệ mới đã được tạo ra, đó là mối tương quan của người mẹ đối với người con. Đây là một tương quan giữa hai người, mang theo nhiều trách nhiệm nhưng cũng làm thay đổi căn tính của bà: bà “là” mẹ, chứ không chỉ “làm” mẹ. Đây là cái gì nằm trong bản tính của người phụ nữ chứ không phải do văn hóa tạo ra.[16] Cơ cấu thân thể của người đàn bà cũng như các cơ quan sinh lý được thiên nhiên chuẩn bị cho việc thụ thai, cưu mang, sinh đẻ đứa con. Bên cạnh khía cạnh thể lý còn có khía cạnh tâm lý. Việc làm mẹ không thể rút gọn vào công tác sinh lý! Để có thể nắm bắt ý nghĩa của người mẹ, cần nhìn đến chân lý toàn diện về con người, về những tương quan giữa con người như là nhân vị, về sự trao hiến giữa các nhân vị. Đành rằng cả hai người nam nữ (cha mẹ) đều cộng tác vào việc sinh sản và dưỡng dục con cái, nhưng vai trò của người mẹ rất quan trọng: bà mẹ trao ban sức sống, nghị lực, tình yêu cho đứa con. Thuyết nữ quyền hạ giá người mẹ khi coi việc sinh để như là một công tác sinh lý, có thể thay thế bằng các “công nhân” khác, và thậm chí bằng máy móc.
Ý thức hệ gender đã thu lượm nhiều sự ủng hộ nơi các cơ quan quốc tế, đặc biệt là tại Liên hợp quốc. Trong vòng 20 năm gần đây, các Hội nghị quốc tế về Phụ nữ trở thành diễn đàn cho thuyết gender, và họ đã thông qua nhiều nghị quyết hướng dẫn chính sách của các quốc gia. Thuyết này cũng được đưa vào giảng dạy ở các trường đại học, và trở thành đề tài cho các cuộc thảo luận, nghiên cứu, và tiến đến kế hoạch hành động. Họ đưa ra chương trình “tiêu diệt” (descontrucción) những vai trò mà xã hội đã dựng lên cho hai phái. Việc “tiêu diệt” nhắm đến ít là 6 lãnh vực sau đây:
1. Tiêu diệt nam tính và nữ tính. Con người sinh ra là trung tính, và trở thành nam và nữ là do xã hội. Việc xã hội hóa ảnh hưởng đến phụ nữ cách tiêu cực và bất công. Vì thế cần thanh lọc ra khỏi chương trình giáo dục và các phương tiện truyền thông những hình ảnh về một phái tính đặc thù, ngõ hầu các thiếu nhi không bị chi phối bởi một mô hình nhất định về một phái.
2. Tiêu diệt những mối tương quan gia đình: cha, mẹ, chồng, vợ. Phải tìm cách hủy bỏ các lối phân chia công tác cổ truyền giữa người đàn ông và đàn bà trong gia đình. Những vai trò mà xã hội tạo ra là nguồn gốc của sự phân chia giai cấp giữa hai phái.
3. Tiêu diệt các công tác hay nghề nghiệp. Các nghề nghiệp là do xã hội tạo ra, và ủy thác cho một phái. Cần phải tranh đấu để thiết lập một hệ thống “quota” bắt buộc phải có con số đồng đều thành viên nam nữ trong các hội đồng quản trị xí nghiệp, các ủy ban nghiên cứu ở các đại học, v.v..
4. Tiêu diệt việc sinh sản, bởi vì sự sinh sản cũng do xã hội đặt ra. Hartmann quả quyết rằng: “Xét theo sinh lý, con người đa dạng xét về giới tính. Chính tổ chức xã hội đã xác định chỉ có hai giới và chỉ cho phép giao hợp giữa hai giới. Việc phân chia công tác cũng bắt buộc phải tạo ra hai phái tách biệt, để bảo đảm sự sinh sản qua quan hệ vợ chồng. Trong xã hội lý tưởng, cần phải nghĩ ra những hình thức sinh sản khác.”
5. Tiêu diệt giáo dục. Các bé gái cần được định hướng vào những lãnh vực khác với truyền thống làm vợ và làm mẹ xưa nay. Các giáo viên cần tạo cơ hội đồng đều cho các bé trai và bé gái để chúng được tự do lựa chọn các nghề nghiệp.
6. Tiêu diệt tôn giáo. Theo phong trào nữ quyền, tôn giáo là nguyên nhân chính yếu của việc đàn áp phụ nữ. Họ tấn công những tôn giáo chống đối chủ trương gender: đạo Kitô, Do-thái và Islam. Đối với họ, tôn giáo là một sáng kiến của đàn ông để đàn áp đàn bà. Vài tác giả của thuyết gender đề nghị tôn kính Nữ thần. Thuyết nữ quyền cho rằng các bản văn mạc khải là sản phẩm của văn hóa phụ hệ.
III. Phụ nữ, sự bình đẳng và ý thức hệ gender dưới ánh sáng Lời Chúa và Giáo huấn Xã hội của Hội thánh
Theo tôi nghĩ, ý thức hệ gender và văn hóa mà họ muốn cổ động bao hàm một nhân sinh quan hạn hẹp: con người bị rút gọn vào thân xác, và thân xác chỉ có chiều kích vật chất và tính dục. Như thế thân xác đã mất đi ý nghĩa đích thực của thân xác con người, biểu hiệu của nhân vị. Nam tính và nữ tính không còn là dấu hiệu của bản tính, nhưng chỉ là những “đồ vật” bồng bềnh, có thể thay đổi tùy theo làn sóng văn hóa.
Để có thể trả lời cho những tiền đề và luận cứ của ý thức hệ này, cần phải khởi đi từ một nhân sinh quan[17] bao gồm toàn thể con người (chứ không chỉ một phần của nó). Điều này đòi buộc chúng ta phải dựa vào Kinh Thánh, trong đó cũng chứa đựng nhiều điều khôn ngoan của nhân loại nữa.
Trong tông huấn Verbum Domini, đức Bênêđictô XVI mời gọi chúng ta hãy học biết Lời Chúa, bởi vì nơi đó chúng ta tìm được giải đáp cho nhiều câu hỏi của chúng ta. Kitô giáo không phải là một “đạo của Quyển Sách”, gồm những chữ viết câm lặng, nhưng là “đạo của Lời Chúa”, đạo của Ngôi Lời nhập thể và sống động (số 7). Tông huấn còn nói thêm một điều rất quan trọng (số 8), đó là Lời Thiên Chúa là nền tảng của tất cả mọi thực tại: “Nhờ Lời mà tất cả được dựng nên, và không có Lời thì chẳng có gì hiện thực (Ga 1,3). Chúng ta biết rằng vũ trụ đã được hình thành bởi Lời của Thiên Chúa, vì thế những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có (Dt 11,3).” Đây là một sứ điệp mang lại sự giải phóng, Tất cả những gì hiện hữu thì không phải là kết quả của ngẫu nhiên phi lý, nhưng đã được Thiên Chúa yêu mến, dự liệu, và trung tâm của kế hoạch của Ngài là lời gọi con người chia sẻ đời sống thần linh trong Đức Kitô.
Tông huấn viết tiếp (số 9), công trình tạo dựng là nơi diễn ra lịch sử tình yêu và thụ tạo; vì thế, động lực của tất cả mọi sự là sự cứu độ loài người. Điều này giúp chúng ta khám phá vị trí duy nhất và độc đáo của con người giữa mọi loài thụ tạo: “Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài; Ngài tạo dựng con người theo hình của Ngài có nam có nữ” (St 1,27). Điều này giúp chúng ta nhận biết đầy đủ những hồng ân quý giá mà Đấng Tạo hóa đã ban cho chúng ta: giá trị thân xác, hồng ân lý trí, tự do, lương tâm... Ai biết Lời Thiên Chúa thì cũng biết ý nghĩa của mỗi thụ tạo.
Ngoài ra (số 10), Lời Thiên Chúa còn thúc đẩy chúng ta hãy thay đổi quan điểm của mình về “hiện thực”, bởi vì người có tính hiện thực là kẻ nhận ra nền tảng vạn vật ở nơi Ngôi Lời của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, lời Chúa bền vững đến muôn đời, vững vàng hơn cả trời cao”, và “lòng thành tín của Ngài trải bao thế hệ” (Tv 119, 89-90), phàm ai xây dựng trên Lời Chúa thì dựng căn nhà đời mình trên tảng đá (Mt 7,24).
Vậy Lời Chúa nói cho chúng ta biết rằng, con người ngay từ nguyên thủy đã được dựng nên “như là nam và nữ” (St 1,26-27), con người “hình ảnh của Thiên Chúa” được tạo dựng từ lúc đầu trong tương quan giữa người nam và người nữ. Trong Lá thư gửi các phụ nữ (1995), đức thánh cha Gioan Phaolô II nhận xét rằng chính Kinh Thánh đã giải thích cho chúng ta ý nghĩa của câu nói đó. Mặc dù Ađam được vây quanh bởi mọi loài thụ tại hữu hình, nhưng ông thấy mình “cô độc” (St 2,20). Thiên Chúa đã can thiệp để giúp ông thoát cảnh cô độc: “Người nam sống cô độc thì không tốt. Ta sẽ làm nên một người giúp đỡ cân xứng” (St 2,18). Vì thế nguyên lý “trợ giúp” đã được ghi khắc vào việc tạo dựng phụ nữ. Sự trợ giúp không đơn phương, nhưng là hỗ tương. Việc Thiên Chúa tạo dựng phụ nữ đã mang lại cho loài người đặc tính tương quan. Người nữ bổ khuyết cho người nam cũng như người nam bổ khuyết cho người nữ: nam và nữ bổ khuyết cho nhau. Người nữ cũng mang tính chất con người như người nam, nhưng theo một thể thức khác biệt và bổ khuyết.
Trở lại Lá thư gửi các phụ nữ, đức Gioan Phaolô II nói thêm rằng khi sách Sáng Thế nói đến sự “trợ giúp” thì không chỉ hiểu về lãnh vực hành động nhưng còn bao hàm lãnh vực hữu thể nữa. Nam tính và nữ tính bổ khuyết cho nhau không chỉ dưới phương diện thể lý và tâm lý mà còn về hữu thể nữa. Vì thế nhờ có “nam tính” và “nữ tính” mà nhân tính mới được thể hiện đầy đủ. Lá thư về sự hợp tác nam nữ[18] cũng nói: “Trong sự duy nhất của cả hai, người nam và người nữ ngay từ đầu đã được kêu gọi không những sống bên cạnh nhau, hoặc chung sống với nhau, nhưng còn hiện hữu cho nhau nữa.”
Lịch sử công cuộc tạo dựng vẫn còn tiếp tục khi Thiên Chúa nói với cả hai người nam nữ: “Hãy làm đầy trái đất và chế ngự nó” (St 1,28). Thiên Chúa đã ban cho họ khả năng truyền sinh để kéo dài loài người mãi mãi, và đã trao trái đất cho cả hai như một công tác, nhắn nhủ họ hãy quản lý những tài nguyên của nó với tình thần trách nhiệm. Trong sứ mạng này, cả người nam lẫn người nữ ngay từ đầu đều có trách nhiệm ngang nhau. Người nam và người nữ thi hành công tác chung là thống trị trái đất, nhưng không phải là ngang bằng theo số lượng, và cũng không phải là khác biệt nhau đến mức độ tranh chấp: tương quan giữa đôi bên theo kế hoạch của Thiên Chúa là “duy nhất của hai người”,[19] trong đó người này nhận ra mối tương quan với người kia như là một hồng ân làm phong phú. Thiên Chúa đã ủy thác cho “sự duy nhất của hai người” không những là công cuộc truyền sinh và cuộc sống gia đình mà cả việc xây dựng lịch sử nữa.
Vì thế, khi đọc Lời Chúa, người ta thấy rằng khi ý thức hệ gender đòi hỏi cho người phụ nữ phải làm việc ngoài gia đình, thậm chí còn có người muốn đề nghị cấm các phụ nữ không được quanh quẩn trong nhà, thì họ đã thiếu một nền tảng nhân sinh quan Kitô giáo. Họ bênh vực sự bình đẳng nam nữ thuần túy dựa trên sự độc lập kinh tế của người đàn bà, vì nghĩ rằng sự tự lập kinh tế luôn kèm theo sự tự do trong lãnh vực cá nhân. Thực tế không hẳn như vậy. Ý thức hệ này muốn rút gọn những tương quan cá nhân vào một đối tượng kinh tế, và nghĩ rằng con người được thành tựu nhờ có đồng lương. Đây là điều mà đức Bênêđictô XVI đã ghi nhận trong thông điệp Caritas in veritate (số 16): “Con người thời nay không còn xem cuộc sống như là một hồng ân được ban tặng, nhưng như là một cái gì mà mình phải nặn ra. Hậu quả là con người không nhận thấy ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời nữa.”
Trên thực tế, não trạng của phong trào nữ quyền cũng nằm trong quan điểm chung của văn hóa thời đại lấy lao động làm trung tâm cuộc đời. Công ăn việc làm thu hút mọi nghị lực của chúng ta, nhào nặn nên tiểu sử của chúng ta và thậm chí nhân cách nữa. Việc làm là điều tốt, bởi vì nó giúp chúng ta cải tiến thiên nhiên và giúp chúng ta thành tựu bản thân. Tiếc rằng trong văn hóa hiện đại, người ta chỉ đánh giá việc làm dựa trên những công hiệu của nó: quyền lực, tiền tài, thành công. Khi làm việc để kiếm tiền, để chiếm quyền lực, để đạt được danh vọng, thì lao động trở thành một món hàng, và những người làm việc bị hạ giá thành món hàng sản xuất. Ý thức hệ gender cũng rơi vào khuyết điểm đó: họ đánh giá lao động qua những thành quả của nó, và họ bỏ qua một bên các giá trị khác của lao động, tựa như sự phục vụ, sự sáng tạo.
Vì thế chúng ta cần phải học biết đánh giá công việc thầm lặng của biết bao phụ nữ ở trong gia đình, những công việc không được trả lương nhưng rất cần thiết cho gia đình, xã hội và cho chính bản thân họ. Tôi xin mạn phép dừng lại ở câu chuyện việc làm bởi vì nhận thấy ít khi có cơ hội để suy tư về vấn đề quan trọng này. Bây giờ chúng ta trở lại với tương quan giữa người nam và người nữ.
Nền tảng của nhân sinh quan Kitô giáo dựa trên chân lý của Lời mạc khải: “Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Trong tông thư Mulieris dignitatem, Đức Gioan Phaolô II đã giải thích như sau: “Con người là chóp đỉnh của tất cả mọi thụ tạo trong thế giới hữu hình... con người có nguồn gốc từ tiếng gọi hiện hữu thành người nam và người nữ. Cả người nam và người nữ đều là người như nhau, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Hình ảnh Thiên Chúa được truyền lại cho hậu thế nhờ người nam và người nữ như là những vợ chồng và cha mẹ: “Hãy sinh sản, làm đầy trái đất và làm chủ nó (St 1,28).”
Những bản văn Kinh Thánh cung cấp những nền tảng cho việc nhìn nhận sự bình đẳng cốt yếu giữa người nam và người nữ xét về bản tính con người. Cả hai đều là những nhân vị ngay từ ban đầu, khác với những hữu thể khác xung quanh họ. Ngay từ đầu, họ là “duy nhất trong hai”, nghĩa là vượt qua sự cô độc nguyên thủy, khi Ađam không gặp được một “người giúp đỡ giống như mình” (St 2,20). Ông cần một người bạn để có thể kết hợp như người vợ, để trở thành “một thể xác” đến nỗi “rời bỏ cha mẹ của mình” (St 2,24). Như vậy Kinh Thánh nói đến định chế hôn nhân trong khung cảnh Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ, như là điều kiện cần thiết để truyền thông sự sống cho các thế hệ mới. Hôn nhân và tình yêu vợ chồng hướng đến điều ấy.
Nhờ việc suy tư Kinh Thánh, chúng ta nhận ra đặc tính nhân vị của con người. Phẩm giá bình đẳng giữa các nhân vị diễn tả sự bổ khuyết cho nhau về thể lý, tâm lý, hữu thể, dẫn đến tương quan hòa hợp. Tình trạng tranh chấp bắt nguồn từ tội lỗi và những cơ cấu tội lỗi nằm trong các nền văn hóa. Nhân sinh quan Kitô giáo mời gọi hãy nhìn mối liên hệ giữa nam nữ dưới viễn ảnh tương quan, thay vì tranh chấp đối kháng. Chúng ta còn muốn phân tích các bản văn Kinh Thánh nhiều hơn nữa, nhưng thời giờ giới hạn không cho phép. Dù sao, lịch sử cứu độ bắt đầu trong Cựu ước đã đạt đến cao điểm trong Tân ước nơi Đức Maria, kẻ mà Chúa Giêsu đã gọi là “Người nữ” tại tiệc cưới Cana.
Chúng ta có thể mượn lời của Burggraf để kết luận:[20] “Kinh Thánh khởi đi từ cứ điểm là sự khác biệt giữa hai phái tính, và không thấy có kỳ thị gì cả. Nếu đòi hỏi sự bình đẳng như là điều kiện tiên quyết cho công bằng thì chúng ta phạm một sai lầm trầm trọng. Người đàn bà không phải là người đàn ông ở cấp dưới, sự khác biệt không có nghĩa là hạ giá. Khả năng nhìn nhận những khác biệt là quy luật đánh giá trình độ văn hóa của con người... Sự khác biệt này không phải là cái gì thêm vào như phụ tùng, hoặc như một sản phẩm xã hội, nhưng nằm trong ý định của Đấng Tạo Hóa, Đấng đã yêu thương người nam cũng như người nữ. Vì thế sự khác biệt không phải là một điều kiện có hay không có cũng chẳng sao, cũng chẳng phải là một thực thể chỉ giới hạn vào lãnh vực thân xác. Người nam và người nữ bổ khuyết cho nhau trong bản tính thân thể, tâm lý và thiêng liêng của mình. Cả hai đều có những đặc tính riêng, và mỗi người có cái hơn người kia trong lãnh vực riêng của minh... Sự kiện người nam và người nữ ứng xử khác biệt, giải quyết vấn đề cách khác biệt, cảm nhận, tính toán và phản ứng cách khác nhau là điều mà bất cứ ai cũng nhận ra được, chẳng cần khoa học nào dạy.”
Mỗi ngày con người phải đối diện với một mớ các nhu cầu vượt quá lãnh vực vật chất: luân lý, xã hội, tâm linh, tôn giáo, vv. Những nhu cầu này cần được quan tâm và chấp nhận; điều này đòi hỏi nhìn nhận sự kết hợp giữa chiều kích thân xác, tâm lý, tâm linh của con người, và sự cần duy trì sự quân bình giữa sinh lý và văn hóa.
IV. Kết luận: Nỗ lực làm việc cho sự bình đẳng, bên lề ý thức hệ gender
Những nhu cầu thâm sâu nhất của chúng ta đặt nền tảng ở trong bản tính con người, và không thể cũng như không được phép tách rời ra khỏi bản tính. Vì thế sự đòi hỏi bình quyền giữa người nam và người nữ không thể nào dựa trên những luận cứ phá bỏ những sự khác biệt giữa hai giới. Văn hóa cần phải có khả năng mang lại một lời giải đáp cân xứng cho bản tính và không bao giờ được phép trở thành chỗ tranh đấu giữa hai phái, nhưng cần trở thành nơi gặp gỡ của các nhân vị.
Thế nhưng thuyết “nữ quyền gender” là một hệ thống khép kín, không tài nào lý luận ngược lại. Không thể nào nại đến bản tính, lý trí, kinh nghiệm, hoặc những ý kiến của những phụ nữ thực sự, bởi vì họ cho rằng tất cả đều do xã hội tạo ra. Dù trưng dẫn bao nhiêu bằng chứng trái ngược với các lập luận của họ đi nữa, họ vẫn cứ chủ trương rằng những người đàn ông đang âm mưu chống lại phụ nữ.
Dù sao, nhiều người vô tình truyền bá những chủ trương của lý thuyết gender về sự bình quyền nam nữ, nhưng có lẽ bởi họ đã không được cung cấp thông tin đầy đủ về những tiền đề của thuyết này cùng với những ảnh hưởng tai hại đối với xã hội. Họ muốn định nghĩa lại tính dục con người dựa trên tính hữu dụng của nó, và bỏ qua thực tại về con người như là một tinh thần ở trong một thể xác đặc thù, dẫn đến sự tiêu diệt hôn nhân và gia đình.
Trong thông điệp Caritas in veritate (số 34), đức Bênêđictô XVI quả quyết rằng con người không chỉ là tặng phẩm (don) được ban cho mình, nhưng con người còn được dựng nên để trở thành tặng phẩm: “Tình yêu cho chân lý đặt con người trước cảm nghiệm tuyệt vời về hồng ân. Sự ban-không (gratuidad) hiện diện trong cuộc đời bằng nhiều cách thức, cho dù ít khi được nhận ra, bởi vì một quan điểm sống chỉ biết có sản xuất và hữu ích. Con người được dựng nên để trở thành tặng phẩm, điều này biểu lộ chiều kích siêu việt của nó.” Tặng phẩm chỉ được thể hiện trong sự nhận biết, chấp nhận người khác, khác biệt về phái tính.
Thần học gặp một thách đố mới trong việc phụng sự chân lý bằng cách cung cấp một định hướng cho sự phát triển và hình thành của đời sống cá nhân và gia đình công bằng hơn, hợp với Phúc âm hơn. Vì thế những liên hệ giữa thần học, nhân luận đem lại động lực để biện phân và suy nghĩ. Điều này có nghĩa là cần phải tiếp tục hoạt động, nghiên cứu và suy tư cách rõ ràng về những sự bất bình đẳng. Thiết tưởng cần xác định những bất bình đẳng mang dấu hiệu tiêu cực cho con người, và ngược lại, những bất bình đẳng là dấu hiệu của sự sung mãn, chẳng hạn như việc sinh đẻ. Còn nhiều bức rào phải vượt qua để đi đến sự bình đẳng giữa nam và nữ. Tuy nhiên, như đã trình bày trên đây, chúng ta phải thận trọng khi muốn du nhập phạm trù “gender” vào thần học.
Khi đề cập đến cộng đồng nhân loại, hiến chế Gaudium et spes của công đồng Vaticanô II đã nêu bật sự bình đẳng cơ bản giữa hết mọi người và công bằng xã hội: “Cần phải loại bỏ, như là trái nghịch với chương trình của Thiên Chúa, tất cả mọi hình thức kỳ thị trong những quyền lợi căn bản của con người, dù là xã hội hay văn hóa, dựa trên phái tính, sắc tộc, màu da, điều kiện xã hội, ngôn ngữ hay tôn giáo” (GS 29).
Cần phải coi sự bất bình đẳng và kỳ thì như là đối nghịch với kế hoạch cứu độ, nghĩa là những tình trạng của tội xã hội. Sự bình đẳng cơ bản ở đây phải hiểu là bình đẳng về giá trị và phẩm giá trong các quyền lợi con người, chứ không phải là bình đẳng về những đặc tính và cách ứng xử. Trong những sự kỳ thị và bất bình đẳng được các văn kiện Huấn quyền Giáo hội thường nói đến hơn cả, cần phải kể đến sự bất bình đẳng về kinh tế xã hội. Dĩ nhiên, những người nghèo và những người bị bỏ rơi cần được các nhà thần học và huấn quyền nghĩ tới và giải quyết; nhưng những sự bất bình đẳng mà các phụ nữ phải gánh chịu vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, khi suy tư về thân phận phụ nữ, chúng ta hãy nhìn đến các phụ nữ, chứ không phải chỉ nhìn đến vấn đề các phụ nữ lao công. Nếu sự bất bình đẳng giữa người nam và người nữ vẫn còn là một vấn đề quan trọng của xã hội, cách riêng tại một vài miền trên thế giới, thần học có thể và cần phải thúc đẩy một sự biện phân để vượt qua nó.
Dù sao, thiết tưởng chúng ta cần bắt đầu bằng những câu hỏi sau đây: Phải chăng có những bất bình đẳng mà những phong trào nữ quyền đã tố cáo? Nếu có thực, thì đâu là nguồn gốc và những căn nguyên của sự thiếu bình đắng? Phải chăng do sự khác biệt sinh lý? Phải chăng là do sự cấu tạo xã hội? Nếu sự bất bình đẳng bắt nguồn từ những sự giải thích của xã hội về sự khác biệt phái tính, thì điều tiên quyết là phải xét lại và thay đổi những tương quan giữa con người, để cho nó được nhân bản hơn. Nhưng không thể là giải pháp thỏa đáng nếu đòi xóa bỏ các phái tính, vì như vậy là phá vỡ sự cấu tạo của con người, gồm bởi thân xác và linh hồn.
Tôi muốn kết thúc với một trích dẫn thông điệp Caritas in veritate, trong đó đức Bênêđictô XVI quả quyết rằng không thể rút gọn con người như là một dữ kiện của văn hóa, theo như chủ trương gender. Một cách cụ thể, ngài cảnh báo nguy cơ tách rời văn hóa ra khỏi bản tính con người: “Những văn hóa nào không thể tìm thấy tiêu chuẩn nơi một bản tính ở trên nó, thì sẽ thu gọn con người vào một dữ kiện văn hóa. Chừng nào điều ấy xảy ra, thì nhân loại có nguy cơ rơi vào cảnh nô lệ và lèo lái” (số 26).
_________
Tôi hy vọng rằng những suy tư và ý tưởng đã trình bày sẽ mang lại một cuộc thảo luận về sự bình đẳng đích thực, mà nói cho cùng, bắt nguồn từ bản tính của chúng ta là những thụ tạo và con cái của cùng một Cha duy nhất.
[1] Chủ trương “nữ quyền triệt để”: feminismo radical. [ND].
[2] Simone de Beauvoir (1908-1986) xuất bản quyển Le deuxième sexe năm 1949 [ND].
[3] Maternidad vừa có thể hiểu như là sự “sinh đẻ” vừa có thể hiểu về “chức năng làm mẹ” (hoặc tình mẹ), tương tự như maternité trong tiếng Pháp [ND].
[4] Firestone, S. (1974) The dialectic of sex. New York. Banta Books, p. 10-11.
[5] Badinter, E. (2011) La mujer y la madre. La maternidad como nueva forma de esclavitud. Madrid. La Esfera de los libros. p. 207.
[6] Nữ quyền đồng nhất: feminismo de identidad. [ND].
[7] Council of Europe (1995) Equality and democracy: Utopia or challenge? Palais de l’Europe, Strasbourg, 9-11 de febrero 2005.
[8] Bản tính: Natura, có thể hiểu về bản tính con người; hoặc bản chất sự vật; hay đơn thuần là “thiên nhiên, tự nhiên”. Người ta thường đối chiếu giữa nature (thiên nhiên) với culture (văn hóa) [ND].
[9] Trong tiếng Latinh, các danh từ có thể được xếp vào một trong ba giống (genus), và không thể nào giải thích được lý do. Đó là: a) giống đực (masculinum), thí dụ: panis, bánh; fructus, trái - b) giống cái (femininum), thí dụ: aqua, nước; mensa: bàn - c) giống dở (neutrum, trung tính), thí dụ: os, cái miệng; labium, môi (nhưng lingua, lưỡi, lại là giống cái). Trong tiếng Pháp, miệng (bouche) và lưỡi (langue) đều là giống cái, còn môi (lèvre) giống đực.
[10] Butler, J. (1990) Gender trouble. Feminism and the subversion of identity. New York, Routledge, p. 6.
[11] Bornstein, K. (1994) Gender Outlaw: One men, women and the rest of us. New York, Routledge, p.115 và 52.
[12] Engels, F. (1942) El origen de la familia, la propiedad privada y el estado. New York. International Publisher, p. 58 và sgts.
[13] Firestone, S. (1974) The dialectic of sex. New York. Banta Books, p. 10-11.
[14] Engels, F. (1942), op. cit. p. 64.
[15] “On ne naît pas femme : on le devient” [ND].
[16] O´ Leary, D. (2007) La agenda de género. Redefiniendo la igualdad. San José. Promesa.
[17] Chúng tôi dịch antropologia là “nhân sinh quan”, (thay vì “nhân luận”, “nhân học”). [ND].
[18] Thư của Bộ Giáo lý Đức tin gửi tất cả các Giám mục Công giáo về sự hợp tác giữa người nam và người nữ trong Giáo hội và trong thế giới, ngày 31/5/2004. Số 6: “In the ‘unity of the two', man and woman are called from the beginning not only to exist ‘side by side' or ‘together', but they are also called to exist mutually ‘one for the other'... [ND].
[19] Thuật ngữ dùng trong tông thư Mulieris dignitatem số 11: “unitas duorum”, “unity of the two” [ND].
[20] Burggraf, J. (2001) Que quiere decir género? En torno a un nuevo modo de hablar. San José. Promesa.
Tôi hy vọng rằng những suy tư và ý tưởng đã trình bày sẽ mang lại một cuộc thảo luận về sự bình đẳng đích thực, mà nói cho cùng, bắt nguồn từ bản tính của chúng ta là những thụ tạo và con cái của cùng một Cha duy nhất.
[1] Chủ trương “nữ quyền triệt để”: feminismo radical. [ND].
[2] Simone de Beauvoir (1908-1986) xuất bản quyển Le deuxième sexe năm 1949 [ND].
[3] Maternidad vừa có thể hiểu như là sự “sinh đẻ” vừa có thể hiểu về “chức năng làm mẹ” (hoặc tình mẹ), tương tự như maternité trong tiếng Pháp [ND].
[4] Firestone, S. (1974) The dialectic of sex. New York. Banta Books, p. 10-11.
[5] Badinter, E. (2011) La mujer y la madre. La maternidad como nueva forma de esclavitud. Madrid. La Esfera de los libros. p. 207.
[6] Nữ quyền đồng nhất: feminismo de identidad. [ND].
[7] Council of Europe (1995) Equality and democracy: Utopia or challenge? Palais de l’Europe, Strasbourg, 9-11 de febrero 2005.
[8] Bản tính: Natura, có thể hiểu về bản tính con người; hoặc bản chất sự vật; hay đơn thuần là “thiên nhiên, tự nhiên”. Người ta thường đối chiếu giữa nature (thiên nhiên) với culture (văn hóa) [ND].
[9] Trong tiếng Latinh, các danh từ có thể được xếp vào một trong ba giống (genus), và không thể nào giải thích được lý do. Đó là: a) giống đực (masculinum), thí dụ: panis, bánh; fructus, trái - b) giống cái (femininum), thí dụ: aqua, nước; mensa: bàn - c) giống dở (neutrum, trung tính), thí dụ: os, cái miệng; labium, môi (nhưng lingua, lưỡi, lại là giống cái). Trong tiếng Pháp, miệng (bouche) và lưỡi (langue) đều là giống cái, còn môi (lèvre) giống đực.
[10] Butler, J. (1990) Gender trouble. Feminism and the subversion of identity. New York, Routledge, p. 6.
[11] Bornstein, K. (1994) Gender Outlaw: One men, women and the rest of us. New York, Routledge, p.115 và 52.
[12] Engels, F. (1942) El origen de la familia, la propiedad privada y el estado. New York. International Publisher, p. 58 và sgts.
[13] Firestone, S. (1974) The dialectic of sex. New York. Banta Books, p. 10-11.
[14] Engels, F. (1942), op. cit. p. 64.
[15] “On ne naît pas femme : on le devient” [ND].
[16] O´ Leary, D. (2007) La agenda de género. Redefiniendo la igualdad. San José. Promesa.
[17] Chúng tôi dịch antropologia là “nhân sinh quan”, (thay vì “nhân luận”, “nhân học”). [ND].
[18] Thư của Bộ Giáo lý Đức tin gửi tất cả các Giám mục Công giáo về sự hợp tác giữa người nam và người nữ trong Giáo hội và trong thế giới, ngày 31/5/2004. Số 6: “In the ‘unity of the two', man and woman are called from the beginning not only to exist ‘side by side' or ‘together', but they are also called to exist mutually ‘one for the other'... [ND].
[19] Thuật ngữ dùng trong tông thư Mulieris dignitatem số 11: “unitas duorum”, “unity of the two” [ND].
[20] Burggraf, J. (2001) Que quiere decir género? En torno a un nuevo modo de hablar. San José. Promesa.