Thời sự Thần học - Số 59, tháng 02/2013, tr. 11-45
Giuse Phan Tấn Thành, O.P.
Trên thực tế, quan niệm huấn giáo đã thay đổi khá nhiều trong vòng hai mươi thế kỷ, xét về đối tượng và phương pháp: từ chỗ nhắm chuẩn bị các dự tòng nhập đạo đến chỗ chuẩn bị các thiếu nhi (đã rửa tội) lãnh nhận các bí tích; từ chỗ giải thích các mầu nhiệm của đạo đến chỗ trình bày các đạo lý, được cô đọng trong các sách “giáo lý.” Trong bài này, chúng ta ôn lại sự tiến triển của những khái niệm catechesis – catechismus – catechetica ; những từ ngữ này thường được dịch là: “huấn giáo - sách giáo lý - môn huấn giáo”, nhưng chúng tôi giữ lại nguyên bản Latinh bởi vì không những muốn nêu bật sự liên hệ giữa các từ ngữ mà còn muốn cho thấy sự thay đổi ý nghĩa của một từ ngữ (chẳng hạn như catechismus không phải lúc nào cũng có nghĩa là “sách giáo lý”, đó là chưa kể cuốn sách này còn được gọi bằng nhiều tên khác trong tiếng Việt: thánh giáo yếu lý, sách bổn, sách phần).
Bài này gồm ba mục: 1) Catechesis nhìn lại lịch sử hoạt động huấn giáo của Giáo hội; 2) Trong bối cảnh huấn giáo, từ thế kỷ XVI, các sách Catechismus được soạn ra như một phương tiện cần thiết cho việc huấn giáo. 3) Sang thế kỷ XX, môn Catechetica ra đời, nghiên cứu phương pháp huấn giáo.
Sau vài nhận xét về từ ngữ, chúng ta sẽ theo dõi sự tiến triển về quan niệm catechesis và cách thực hành trong lịch sử Giáo hội.
Về từ ngữ, trong Tân Ước không thấy xuất hiện danh từ catechesis (gốc Hy-lạp katechesis), nhưng động từ catechein (katechein) được sử dụng 6 lần, với nhiều nghĩa khác nhau: từ nghĩa rộng là: “kể chuyện, thông tin” (Cv 21, 21-24; Lc 1,4), cho đến nghĩa chặt là “dạy đạo Chúa” (Cv 18,25; Rm 2,18; Gl 6,6). Nói đúng ra, các Kitô hữu tiên khởi đã dùng nhiều động từ khác nhau để ám chỉ tác vụ giảng dạy: hô lớn (krasein), loan báo (keryssein), loan báo Tin Mừng (euangelizein), giảng dạy (didaskein), huấn giáo(katechein), giảng thuyết (homilein), thông truyền (paradidonai) chứng tá (martyrein). Mặc dù sử dụng nhiều từ ngữ, nhưng theo các sử gia về thời nguyên thủy Kitô giáo, việc truyền đạo có thể được phân làm hai chặng chính: a) trước tiên là evangelizatio để gợi lên lòng tin; b) kế đó là instructio hay doctrina để đào sâu đạo lý; đồng thời là exhortatio nhằm khuyên răn, khích lệ; martyria (chứng tá) để soi sáng và thuyết phục. Cách riêng, catechesis được dùng như thuật ngữ chuyên môn dành cho việc chuẩn bị các dự tòng gia nhập đạo.
Có người đã muốn tìm thấy sự phân biệt hai chặng truyền đạo ngay từ khi Đức Giêsu thi hành sứ vụ. Thật vậy, bên cạnh những lời “loan báo Tin Mừng” (chẳng hạn Mc 1,15), Tân Ước nói nhiều đến việc Người “dạy dỗ” dân chúng (x. Mc 1,22) và đặc biệt là các môn đệ, mà bài giảng trên núi là một mẫu điển hình.
Qua thời các thánh tông đồ, bên cạnh những bài kerygma dành cho mọi người, chúng ta thấy có những lời giảng dạy (didascalia) dành cho những ai đã chấp nhận đức tin (thí dụ: Cv 5,42); thậm chí còn có sự phân biệt giữa một thứ huấn giáo cơ bản (sữa thiêng liêng, những điều sơ khởi về đức tin...) và một thứ cấp cao hơn dành cho người trưởng thành (x. Dt 5,12-14[1]; 1Pr 2,2).
Dù sao, sự phân biệt giữa hai cấp độ giảng dạy trở nên rõ rệt hơn vào thời các giáo phụ. Nơi thánh Clementê (tk II), catechesis được dùng để chỉ việc huấn luyện căn bản những người xin lãnh bí tích Rửa tội. Với thánh Hippolitô (tk III), catechesis được dành riêng cho việc huấn luyện các dự tòng mà thôi. Vào thời này, định chế catechumenatus (dự tòng) được thiết lập.[2] Từ đó, các từ ngữ catechesis, catechizare, catechizatio đều liên hệ đến việc chuẩn bị các dự tòng lãnh các bí tích khai tâm. Việc huấn luyện này được tổ chức thành ba chặng:
1) Trong chặng đầu tiên, chuẩn bị xa, nội dung là “những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,5) đã thực hiện trong lịch sử cứu độ cho đến ngày nay trong Hội thánh: catequesis bíblica (huấn giáo Kinh thánh).
2) Trong chặng thứ hai, chuẩn bị gần để lãnh bí tích, nội dung là bản văn đạo lý cố định được gọi là symbolum (tín biểu) cùng với kinh Lạy Cha: catechesis doctrinalis (huấn giáo đạo lý, gồm cả những bổn phận luân lý).
3) Sau khi đã lãnh nhận các bí tích khai tâm, các tân tòng còn được hướng dẫn đến việc đào sâu và cảm nghiệm mầu nhiệm được cử hành trong Hội thánh: catechesis mystagógica (huấn giáo huyền nhiệm).
Đôi khi các giáo phụ còn muốn phân biệt catechesis dành cho các dự tòng, và didascalia (hay didakhe) dành cho những người đã được rửa tội. Dù sao, việc huấn giáo toàn diện bao gồm nhiều khía cạnh: dạy đạo, cầu nguyện, phụng vụ, luân lý; tất cả diễn ra trong cộng đồng các dự tòng.
Một điều chắc là nội dung của việc huấn giáo đã tiến triển từ thời các thánh tông đồ cho đến thời các giáo phụ. Thật vậy, khi đọc những tác phẩm đầu tiên của văn chương Kitô giáo[3], người ta dễ nhận ra giáo huấn về luân lý, vừa lấy từ truyền thống Do thái (đề tài hai con đường, thập giới) vừa bổ túc thêm với các đề tài của luật mới (các chân phúc, những mệnh lệnh về tương quan xã hội). Phần tín lý thì lấy từ các bài kerygma, các thánh thi, các bài tuyên xưng đức tin của Tân Ước. Sang thế kỷ II thì đã thấy phác họa cái sườn của tín biểu về Chúa Ba Ngôi. [4]
Sang thế kỷ IV, chúng ta gặp thấy nhiều tác phẩm trình bày nội dung của huấn giáo, chẳng hạn như thánh Cyrillô Giêrusalem (+387) với 24 bài giảng, trong đó 18 bài dành cho các dự tòng (catecheses ad illuminandos) và 4 bài dành cho các tân tòng (catecheses mystagogicae); thánh Ambrôsiô (+397) với các quyển Explanatio symboli (giải thích kinh Tin kính), De Sacramentis, De Mysteriis (trình bày các bí tích và kinh Lạy Cha). Trong thế kỷ IV, trong số những tác phẩm cổ điển phải kể đến 8 bài huấn giáo về bí tích Rửa tội của thánh Gioan Kim khẩu (+407), 16 bài giảng huấn giáo của Thêođôrô Mopsuestia (+428). Thánh Augustinô (+430) viết một thủ bản về phương pháp dạy giáo lý do giới bình dân De catechizandis rudibus. Nói chung, nội dung của giáo lý dự tòng gồm bốn phần: đạo lý tóm lại nơi kinh Tin kính; phụng vụ, được cảm nghiệm qua việc cử hành; luân lý nhằm kêu gọi hoán cải và thực hành các điều răn; cầu nguyện.
Từ khi Kitô giáo được nhìn nhận làm quốc giáo trong Đế quốc Rôma, với những cuộc trở lại đạo ồ ạt,[5] chế độ catechumenatus (dự tòng) không còn nữa. Danh từ catechesis cũng biến mất, nhưng động từ catechizare vẫn được duy trì, và xuất hiện một từ ngữ mới catechismus. Tuy nhiên, ở giai đoạn này catechismus không ám chỉ cuốn sách dùng để dạy giáo lý (như vào thời cận đại) nhưng là toàn bộ tổ chức huấn giáo.
Nói chung, catechizare và catechismus được hiểu về việc dạy giáo lý trước khi lãnh bí tích Rửa tội (các nhi đồng). Việc huấn luyện này gồm những câu hỏi mà linh mục nêu lên cho những người đỡ đầu và những câu trả lời của họ nhằm chứng tỏ khả năng có thể dạy dỗ các em sau này. Như vậy có sự phân biệt giữa catechismus (trước khi lãnh bí tích Rửa tội) và institutio (hoặc instructio, sau khi rửa tội).
Trên thực tế, xét vì chế độ huấn giáo dự tòng không còn nữa, cho nên Giáo hội dùng những phương tiện khác để đào tạo đời sống đức tin của các tín hữu: giảng trong Thánh lễ, các bức tranh trong các thánh đường, các lối trình diễn Kinh thánh dưới hình thức tuồng kịch.
Riêng về phương pháp huấn giáo, nên ghi nhận tác phẩm Elucidarium do một tác giả vô danh viết vào cuối thế kỷ XI (được gán cho Honorius Autun). Dưới hình thức đối đáp giữa học trò hỏi và thầy trả lời, tác giả đã tóm tắt lịch sử cứu độ (quyển I), trình bày đời sống Kitô giáo (quyển II), giải thích cánh chung (quyển III).
Thánh Tôma Aquinô là một chứng nhân có uy tín của việc huấn giáo đương thời. Người phân biệt bốn cấp độ huấn giáo: 1) Huấn luyện để trở lại đạo; 2) Huấn luyện về những nền tảng đức tin để lãnh nhận các bí tích; 3) Huấn luyện để nuôi dưỡng đời sống Kitô giáo; 4) Huấn luyện về những mầu nhiệm sâu xa của đức tin và sự trọn lành của đời sống Kitô giáo.[6] Nói theo ngôn ngữ thời nay,[7] hình thức thứ nhất là loan báo Tin Mừng (evangelizatio, catechesis kerygmatica); thứ hai là huấn giáo khai tâm (catechesis initiationis); thứ ba là giáo dục thường xuyên về đức tin (catechesis permanens); thứ bốn là dạy thần học.[8]
Một biến cố quan trọng xảy ra trong đời sống Giáo hội là phong trào Cải Cách của Martin Lutêrô. Ông đòi xét lại việc đào tạo đức tin của các tín hữu. Từ đó nảy sinh nhiều sự khác biệt về nội dung đạo lý giữa phong trào Cải Cách và Giáo hội Công giáo; nhưng ở đây chúng ta chỉ xét đến định chế huấn giáo và có những trùng hợp giữa đôi bên. Thật vậy, xét về từ ngữ, vào lúc đầu, cả đôi bên đều dùng hai từ catechizare-catechismus theo một nghĩa như nhau, nghĩa là dạy giáo lý (huấn giáo). Dần dần, có sự khác biệt về đối tượng của việc huấn giáo.
Bên Tin lành hiểu việc huấn giáo nhằm chuẩn bị các thiếu nhi đã rửa tội để giúp đào sâu đức tin, trên tiến trình chuẩn bị lãnh bí tích Thánh Thể. Tuy catechesis dành cho những người đã rửa tội, nhưng vẫn còn giữ tính cách khai tâm bởi vì hướng đến bí tích Thánh Thể.
Phía Công giáo cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc huấn giáo (catechesis) dành cho các giáo dân, những người đã được rửa tội nhưng dốt nát về đạo lý. Trong bối cảnh này, danh từ catechismus dần dần mang một ý nghĩa mới: một đàng, nó lấy lại thể thức khảo sát đức tin như thời Trung cổ (vấn đáp), đàng khác nó mang theo một bộ mặt mới là một cuốn sách trình bày những nội dung căn bản của đạo lý đức tin.
Khi đối chiếu với thời các giáo phụ, ta thấy có sự thay đổi: catechesis dành cho người đã được rửa tội (chứ không phải là dự tòng), và nhấn mạnh đến đạo lý (và ít chú trọng đến việc đào tạo toàn diện đời sống Kitô hữu. Ngoài ra catechesis thường dành cho các em bé (thay vì những người lớn dự tòng), nhưng dần dần cả bên Tin Lành cũng như bên Công giáo đều nghĩ đến việc soạn ra những catechismus dành cho người lớn nữa, hay nói đúng hơn, dành cho toàn thể các Kitô hữu. (Chúng tôi sẽ nói đến catechismus trong mục sau)
Ngoài ra, về phía Công giáo, một nét nổi bật là Giáo hội đã ra những quy định về việc dạy đạo lý cho các tín hữu. Thật vậy, công đồng Trentô truyền các cha sở, ngoài bài giảng trong Thánh lễ của các ngày Chúa Nhật và Lễ trọng, còn phải lo dạy giáo lý cho các tín hữu (người lớn) trong suốt năm, mỗi ngày hoặc ba lần mỗi tuần vào mùa Vọng và mùa Chay. Nhằm giúp các cha sở thi hành bổn phận, công đồng truyền soạn thảo một cuốn catechismus làm mẫu, để từ đó các giáo phận soạn ra những sách giáo lý riêng. Trên thực tế, vào các thế kỷ gần đây, việc dạy giáo lý được trao cho các giáo lý viên (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân).
Một chi tiết nữa không nên bỏ qua là ngoài các giáo xứ, việc dạy giáo lý cũng được tổ chức tại các trường học tư lập cũng như công lập, và được đặt tên là môn “Tôn giáo” (Religion). Như vậy, ngoài các môn Đức dục (Luân lý) và Công dân giáo dục, các học sinh cũng còn được dạy về Tôn giáo. Tuy nhiên tại các lớp này, các giáo viên sử dụng nhiều phương tiện khác nhau (chẳng hạn tranh ảnh, lịch sử Cựu Ước và Tân Ước, v.v..) chứ không hẳn là sách giáo lý.
Trước tình trạng dốt nát về kiến thức tôn giáo cũng như sa sút về luân lý, đức thánh cha Piô X, trong thông điệp Acerbo nimis (1905) nhấn mạnh đế việc dạy giáo lý như phương thức để chữa trị. Ngài muốn tái lập tập tục dạy giáo lý cho người lớn vào Chúa Nhật, khác với bài giảng lễ. Đối với các thiếu nhi, ngài nhấn mạnh đến việc dạy giáo lý một giờ vào các Chúa Nhật và Lễ trọng cũng như vào các dịp chuẩn bị cho các em lãnh bí tích Giải tội và Thêm sức.
Bộ Giáo luật 1917 cũng lặp lại quy định ấy (điều 1329-1336) về việc dạy giáo lý các Chúa Nhật và chuẩn bị lãnh bí tích (Giải tội, Thánh thể, Thêm sức), dành cho người lớn cũng như cho các thiếu nhi.
Nên ghi nhận sự tiến triển về các quan niệm catechesis- catechismus kể từ thời cận đại: catechismus nhắm đến người lớn (đã được rửa tội, rước lễ) thuộc mọi lứa tuổi, nhằm củng cố đời sống đức tin. Đức Piô X bắt đầu mở ra một hướng mới, đó là các trẻ em chuẩn bị rước lễ. Như chúng ta đã biết, Đức Piô X đã hạ thấp tuổi rước lễ lần đầu (5-6 tuổi thay vì 12 như trước đây), vì thế các em cần được chuẩn bị chu đáo nhờ nhưng lớp giáo lý. Dù sao, ngài (cũng như bộ giáo luật sau này) phân biệt hai loại catechesis: a) một thứ dành cho người lớn, được tiến hành quanh năm, vào các ngày Chúa Nhật; b) một thứ dành cho các trẻ em vào một thời kỳ nhất định để chuẩn bị rước lễ và thêm sức. Trên thực tế, nhiều nơi chỉ quan tâm đến huấn giáo cho thiếu nhi mà bỏ qua huấn giáo cho người lớn. Mặt khác, khi dạy cho thiếu nhi, phải áp dụng phương pháp học thuộc lòng. Dần dần, phương pháp học thuộc lòng hầu như được đồng hóa với việc huấn giáo.
Một cuộc thay đổi não trạng bắt đầu chớm nở vào năm 1925 với phong trào huấn giáo khởi đầu từ Munich (Đức) và lớn mạnh vào thập niên 50, muốn mở rộng việc huấn giáo cho toàn thể Dân Chúa để giúp họ đào sâu đức tin.[9] Ý tưởng này cũng trùng vào thời điểm mà Tổ chức Văn hóa Quốc tế (UNESCO) nói đến hai loại đào tạo: đào tạo nền tảng (gồm chương trình học vấn tại các cơ sở giáo dục) và đào tạo thường xuyên (kéo dài suốt đời). Dựa theo những nghiên cứu lịch sử về catechesis cũng như dự án của UNESCO, vào đầu thập niên 60, tại Pháp, cha P.A. Liégé đã nói đến hai cấp độ catechesis: a) khai tâm, dành cho những người lớn chuẩn bị lãnh bí tích Rửa tội và các thiếu nhi chuẩn bị rước lễ lần đầu; b) thường xuyên, dành cho những thanh niên và người lớn đã được khai tâm đức tin.
Thực ra việc canh tân huấn giáo là kết quả của nhiều nhân tố: một đàng là nhờ việc nghiên cứu lịch sử thời các giáo phụ mà người ta khám phá nội dung phong phú của nó, dựa trên Kinh thánh, phụng vụ; đàng khác là nhờ những khảo cứu của các ngành nhân văn (tâm lý, sư phạm, xã hội học về văn hóa,vv) cho thấy những khía cạnh của việc đào tạo. Những đóng góp này đã đưa đến những quyết định thay đổi trong các văn kiện Giáo hội trong hậu bán thế kỷ XX.
1. Công đồng Vaticanô II
Nhờ sự hiện diện của nhiều nghị phụ đến từ các miền truyền giáo, công đồng ý thức sự cần thiết tái lập chế độ dự tòng (catechumenatus đã biến khỏi châu Âu từ thời Trung cổ) trong Sắc lệnh về Truyền giáo (Ad gentes số 14). Dù sao, nghi thức khai tâm Kitô giáo cũng được sử dụng tại các nước “đạo dòng” để tái khám phá đời sống đạo.
Việc huấn giáo được quan niệm rộng rãi hơn, đặt trong bối cảnh đào tạo (institutio) đời sống đức tin, chứ không chỉ truyền thụ kiến thức. Việc huấn giáo cần nhắm đến việc soi sáng và củng cố đức tin, giúp cho người tín hữu sống tinh thần của Đức Kitô, tham dự phụng vụ cách sống động và tham gia hoạt động tông đồ (Sắc lệnh Gravissimum educationis ).
2. Tông huấn Evangelii nuntiandi (1975)
Đức thánh cha Phaolô VI đã xét catechesis trong toàn bộ sứ mạng của Giáo hội là loan báo Tin Mừng. Trong tiến trình này, ngài quan tâm đến việc huấn giáo khai tâm, dành cho người lớn nhờ ơn Chúa muốn đào sâu thêm sự hiểu biết về Đức Kitô (số 44). Việc huấn giáo khai tâm được đặt làm khuôn mẫu cho các hình thức khác, bởi vì nó nhấn mạnh đến sự liên lỉ phải trở về với Đức Kitô (số 45).
3. Tông huấn Catechesi tradendae (1979)
Đúc kết những thành quả của Thượng hội Đồng Giám mục năm 1977 bàn về đề tài huấn giáo, văn kiện đã nói đến nhiều khía cạnh của nó, xét về bản chất, mục tiêu, phương pháp. Chỉ cần ghi nhận vài đặc trưng: việc huấn giáo chú trọng trình bày đạo lý Kitô giáo cách có hệ thống mạch lạc; nó nhằm vào trí tuệ hơn là tâm tình cảm xúc của người nghe; mục tiêu là huấn luyện về sự hiểu biết đạo lý (số 21). Tuy nhiên, việc huấn giáo không chỉ là nhồi một mớ kiến thức vào đầu óc. Nhờ sự học biết đạo lý, việc huấn giáo nhằm giúp cho đức tin được “sống động, minh bạch và linh hoạt”, vì vậy không thể tách rời khỏi việc tham dự tích cực vào đời sống Kitô giáo qua việc cử hành bí tích, cầu nguyện và chứng tá.
Tông huấn nói đến hình thức huấn giáo khác nhau: có thứ dành cho người dự tòng, có thứ dành cho người tín hữu muốn đào sâu đức tin; có thứ nhằm chuẩn bị lãnh nhận một bí tích (Thánh thể, Thêm sức, Hôn phối) và chỉ chú trọng đến bí tích ấy, có thứ nhằm trình bày toàn thể mầu nhiệm Kitô giáo, gồm các chân lý đức tin cũng như các bí tích và các nhân đức; có thứ huấn giáo dành cho các thiếu nhi, thanh niên, tráng niên, giới bình dân hay trí thức; có thứ huấn giáo trong gia đình và tư gia, có thứ huấn giáo tại trường học, nhà thờ, nhân các buổi cử hành phụng vụ.
Bộ Giáo sĩ đã phát hành “Kim chỉ nam tổng quát về huấn giáo” (Directorium generale pro catechesi) năm 1997. Chúng ta sẽ trở lại văn kiện này trong mục thứ hai. Ở đây chỉ cần ghi nhận sự phân biệt các hình thức phục vụ Lời Chúa, được xếp theo tiến trình các giai đoạn (số 51): a) loan báo Tin Mừng dành cho những người chưa tin; b) huấn giáo khởi đầu (hoặc khai tâm) dành cho những người muốn nhập đạo; c) giáo dục thường xuyên đức tin; d) cử hành phụng vụ (gồm nhiều hình thức: giảng Thánh Lễ, chuẩn bị cử hành bí tích); e) thần học (suy tư về đức tin, đối thoại văn hóa). Sự huấn giáo theo nghĩa chặt bao gồm giai đoạn thứ hai và thứ ba, được quảng diễn ở các số 63-70.
Trước hết, chúng ta hãy ôn lại sự tiến triển của từ ngữ, và sau đó chúng ta sẽ điểm qua lịch sử biên soạn các sách catechismus vào thời cận đại.
Từ ngữ : Như đã nói trên, catechismus bởi động từ catechizare. Vào thời các giáo phụ, động từ này được hiểu về việc huấn giáo sơ khởi dành cho các dự tòng, nghĩa là những người chuẩn bị gia nhập đạo Chúa, cũng như các tân tòng (vừa được rửa tội). Sang thời Trung cổ catechizare vẫn còn được hiểu về huấn giáo trước khi lãnh bí tích Rửa tội. Kể từ thế kỷ XV-XVI, có sự chuyển hướng: catechizare được hiểu về việc huấn giáo dành cho những người đã được rửa tội. Chính vào thời này mà danh từ catechismus xuất hiện với một sự tiến triển về ý nghĩa: vào lúc đầu nó ám chỉ tất cả những định chế góp phần vào việc dạy đạo (chủ yếu bằng lời); về sau nó ám chỉ cuốn sách dùng vào việc dạy đạo.
Vì thế chúng ta có thể phân biệt hai giai đoạn trong lịch sử huấn giáo: 1/ huấn giáo không có catechismus; 2/ huấn giáo bằng catechismus.
Khi nhìn lại lịch sử việc huấn giáo (catechesis) ở mục trên đây, chúng ta đã ghi nhận một sự thay đổi quan trọng từ thời giáo phụ sang thời Trung cổ. Vào thời các giáo phụ, việc huấn giáo dành cho các người lớn chuẩn bị nhập đạo; vào thời Trung cổ, việc huấn giáo dành cho những người đã được rửa tội, hoặc là người lớn cần đào sâu đức tin, hoặc là thiếu nhi cần chuẩn bị lãnh bí tích Thánh thể.
Việc huấn giáo được thực hiện dựa trên tài liệu gì? Chắc hẳn Kinh thánh là cuốn sách căn bản. Nhưng thời xưa không phải ai cũng có trong tay một bản Kinh thánh, kể cả các giám mục. Kinh thánh được truyền miệng thuộc lòng, chứ không phải chỉ là những trang sách. Dù sao, có một bản văn căn bản được trao cho các dự tòng nghiền ngẫm là Tín biểu (Symbolum) qua nghi thức “trao và trả” (traditio – redditio symboli). Các giáo phụ coi tín biểu như là tóm lược tất cả Kinh thánh (summa scripturarum, nói theo thánh Hieronimo); dựa trên bản văn đó mà các mục tử giải thích nội dung đời sống đức tin.
Từ thế kỷ XII, với sự phát triển của kinh viện, người ta thấy xuất hiện nhiều sách tổng luận thần học, nhưng đó là sách giáo khoa dùng vào việc giảng dạy các sinh viên, chứ không dành cho các tín hữu. Bên cạnh đó, người ta cũng biên soạn những sách dành cho các cha xứ và các nhà giảng thuyết hầu giúp trình bày các chân lý cốt yếu của đạo lý Kitô giáo. Trong thể văn này, người ta thường nói đến loại sách Lucidaria[10] và Septenaria giải thích đạo lý qua cấu trúc số 7: bảy lời cầu xin trong kinh Lạy Cha, bảy việc bác ái phần xác và phần hồn, bảy bí tích, bảy ơn Chúa Thánh Thần, bảy mối tội đầu và bảy nhân đức. Theo chiều hướng ấy, vào các thế kỷ XIII-XV, nhiều tác giả cũng giải thích 12 điều kinh Tin kính, 10 điều răn, 8 mối phúc thật.
Từ catechismus xuất hiện vào thế kỷ XVI. Vào lúc đầu, catechismus ám chỉ toàn bộ kế hoạch dạy đạo lý (trong thánh đường hay tại tư gia); dần dần nó được dành cho cuốn sách tóm tắt những điều cốt yếu của đạo.
Có người cho rằng cuốn sách đầu tiên mang tựa đề catechismus được viết bằng tiếng Anh của hồng y John Thoresby tổng giám mục York với tựa đề Lay folks Catechism,[11] ra đời năm 1357, dựa theo cuốn sách De informatione simplicium (khoảng năm 1281). Năm 1478, hồng y Pedro González de Mendoza, soạn cuốn Catechismus pro iudeorum conversione, xuất bản ở Sevilla Tây ban nha. Tuy nhiên, sang thế kỷ XVI, mới thấy sự gia tăng của loại sách này, từ phía Công giáo cũng như về phía Tin lành. Cũng nên lưu ý là đôi khi các sách ấy cũng mang tựa đề là Enchiridion hay Institutio, Instructio.
1. Tin Lành
Mở màn cho giai đoạn mới là cuốn Katechismus của Martin Lutêrô, viết bằng tiếng Đức, xuất bản năm 1529,[12] với nội dung được xếp theo một thứ tự phù hợp với đạo lý mới: trước hết là các “giới răn” (mà con người không tài nào tuân giữ), rồi đến “Tín biểu” (đạo lý về đức tin tín thác như phương thế duy nhất để được cứu rỗi); sau cùng là kinh “Lạy Cha” và các bí tích (Rửa tội và Thống hối, Thánh thể). Ngoài bộ sách lớn, Lutêrô còn xuất bản một cuốn sách khổ nhỏ hơn (tựa đề Enchiridion).
Cuốn sách của ông đã được tiếp nhận nồng hậu, nhờ lối văn đơn giản bằng tiếng bản quốc (loại bỏ những chi tiết tranh luận của Kinh viện) và lợi dụng ngành in mới ra đời. Sách Katechismus giữ một vai trò quan trọng trong phái Tin lành, đến nỗi hầu như lấn át địa vị độc tôn của Kinh thánh (sola Scriptura) mà Lutêrô gắng công bênh vực. Nên ghi nhận là các hệ phái Cải Cách khác cũng xuất bản các sách catechismus, đặc biệt là Jean Calvin.[13] Trước sự chia rẽ giữa hai hệ phái, hoàng đế Feđêricô III (nước Đức) đã tìm cách thỏa hiệp trong cuốn sách Heidelberger Katechismus (1563), được coi như văn kiện nền tảng của phong trào Cải cách.
2. Công giáo
Trước sự thành công của Lutêrô, cha Petrus Canisius SJ đã lần lượt cho xuất bản bên Đức ba quyển sách: Summa doctrinae christianae (1555) dành cho các học sinh sắp tốt nghiệp trung học; Catechismus minimus (1556) dành cho những người thất học; Parvus catechismus catholicorum (1559) dành cho các học sinh trung học; về sau, vào năm 1566, cuốn Summa được viết lại và khai triển Catechismus maior dùng làm giáo khoa dành cho các cha sở và giáo lý viên nghiên cứu. Sách này được chia làm hai phần chính: phần đầu, tựa đề “Sapientia christiana”, bàn về đức tin và tín biểu, đức cậy và kinh Lạy Cha Kính mừng, đức mến và thập giới các bí tích; phần thứ hai, tựa đề “Iustitia christiana” bàn về những nết xấu cần tránh và những điều tốt cần làm (nhân đức, các mối thương người, các mối phúc thật, vv).
Cũng trong khoảng thời gian ấy, tại Tây-ban-nha, nhiều quyển catechismus ra đời, mang tên là Catechismo hoặc Doctrina christiana của các tác giả Juan de Valdes, Constantino Ponce de la Fuente, Domingo de Soto, Juan de Avila, Bartolomé Carranza.
Cuốn Catechismus chính thức của Giáo hội công giáo được phát hành vào năm 1566 theo lệnh của công đồng Trentô (1545-1563) mang tựa đề Catechismus Romanus hoặc Catechismus ad parochos. Cuốn sách được chia làm bốn phần: 1. đức tin và kinh Tin kính (13 chương); 2. các bí tích (8 chương); 3. mười điều răn (10 chương); 4. sự cầu nguyện và kinh Lạy Cha (17 chương). Ta có thể phân tích cấu trúc của nó theo hai chiều: hai phần đầu bàn về những sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ (fides quae); hai phần cuối nói đến sự đáp trả của con người (fides qua). Nguyên bản bằng tiếng Latinh đã được dịch sang các tiếng Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Pháp.
Cuốn sách Catechismus Romanus được coi như là một sách cung cấp những đạo lý căn bản về đức tin dùng làm sách tham khảo cho những catechismus khác. Trên thực tế, liền sau đó nhiều cuốn catechismus khác được soạn thảo, nổi tiếng nhất là các sách của Roberto Bellarmino lưu hành bên Ý, gồm hai cuốn: Dottrina cristiana breve (1597) gồm 96 câu hỏi thưa, và Dottrina cristiana (1598) được quảng diễn rộng thêm với 273 câu hỏi thưa.
Tóm lại, kể từ cuối thế kỷ XVI, các sách catechismus mang ý nghĩa vẫn còn được dùng cho đến nay, tức là một cuốn sách tóm lại những chân lý căn bản của đạo Kitô. Điều đáng tiếc là chúng ra đời trong bối cảnh tranh luận với Tin lành, cho nên thường mang tính cách biện luận. Cũng trong bối cảnh ấy, văn thể gồm những khẳng định thần học, ít trích dẫn Kinh thánh.
3. Thế kỷ XVII-XX
Điều đáng ghi nhận trong thế kỷ XVII là những sách giáo lý được soạn cho những miền truyền giáo ở Á châu: Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, với những nỗ lực hội nhập văn hóa.[14]
Tại Âu châu, đứng trước những cuộc cách mạng văn hóa xã hội, nhiều giáo phận đã soạn ra các sách giáo lý ngắn gọn, tìm cách giúp cho các giáo dân hiểu biết đức tin trong hoàn cảnh mới.
Vào lúc họp Công đồng Vaticanô I, đã có nhiều đề nghị soạn ra một cuốn sách giáo lý chung cho toàn Hội thánh. Vài lược đồ đã được soạn thảo, nhưng chưa được bỏ phiếu bởi vì công đồng bị gián đoạn.
Sang thế kỷ XX, đức thánh cha Piô X đã cho xuất bản một sách giáo lý cho giáo phận Rôma Catechismo Maggiore (năm 1905) nội dung ngắn với 433 câu hỏi thưa, chia làm ba phần Đức tin (kinh Tin kính), Luân lý (Mười điều răn), Ơn thánh.
4. Từ công đồng Vaticanô II
Vấn đề soạn thảo một cuốn sách giáo lý chung lại được đưa ra tại công đồng. Nhưng xét vì nhiều điều kiện khác nhau tại các quốc gia, cho nên công đồng chấp nhận đề nghị soạn một bản Kim chỉ nam huấn giáo để hướng dẫn các Hội đồng Giám mục soạn thảo sách giáo lý riêng (Christus Dominus, số 44). Quyết định này được Bộ Giáo sĩ thực thi với việc xuất bản “Kim chỉ nam huấn giáo” (Directorium catechisticum generale) năm 1971, gồm những nguyên tắc, quy luật, tiêu chuẩn và nội dung cốt yếu cho việc soạn thảo các sách giáo lý.[15]
Dù sao một hiện tượng đáng ghi nhận là sự rộ nở các sách giáo lý sau công đồng, do tư nhân, các nhóm biên khảo, và đặc biệt là các Hội đồng Giám mục.
Cuốn sách đã gây ra nhiều tranh cãi hơn cả sách Giáo lý của Hội đồng Giám mục Hòa Lan (De nieuwe katechismus) được xuất bản năm 1966, một năm sau khi công đồng bế mạc. Cuốn sách này dành cho người lớn, không những muốn trình bày các chân lý thần học, nhưng còn muốn cống hiến một sứ điệp để sống và một con đường để theo. Dựa trên nguyên tắc trở về các nguồn gốc đức tin (mặc khải), cuốn sách này đặt lại vấn đề vài tín điều vốn được Truyền thống chấp nhận. Nhờ cách trình bày mới mẻ, cuốn sách đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ chính và đã gây xôn xao cho dư luận, khiến cho Tòa Thánh phải đặt một ủy ban hồng y để duyệt xét.
Dù sao, từ năm 1970 trở đi, nhiều Hội đồng Giám mục đã soạn các sách giáo lý cho nhiều cấp khác nhau, đặc biệt là các sách giáo lý dành cho người lớn, chẳng hạn như tại Âu châu: Il catechismo degli adulti (Italia 1981), Katholischer Erwachsenen-Katechismus. Das Glauben-bekenntnis der Kirche (Đức 1985), Esta es nuestra fe (Tây ban nha 1986), Livre de la Foi (Bỉ 1987), Catéchisme pour adultes (Pháp 1991).
Dầu vậy, tại các Thượng hội Đồng Giám mục bàn về việc Loan báo Tin Mừng (1974) và Huấn giáo, vẫn nảy lên đề nghị soạn một sách giáo lý chung cho toàn thể Giáo hội. Sau cùng tại Thượng Hội đồng Giám mục được triệu tập năm 1985 để cử hành 20 năm bế mạc công đồng, các nghị phụ đã biểu quyết chấp thuận đề nghị soạn một sách giáo lý hoặc một bản toát lược đạo lý công giáo liên quan đến tín lý và luân lý.[16]
Công việc soạn thảo Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo kéo dài từ năm 1986 đến 1992, được trao cho một ủy ban 12 Hồng y dưới sự điều động của Hồng y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng bộ Giáo lý Đức tin. Cộng tác với các hồng y là một ủy ban soạn thảo gồm 7 giám mục giáo phận và các chuyên viên. Từ tháng 2 năm 1989, dự thảo đã được gửi đến các giám mục để tham khảo ý kiến, và cho đến tháng 10 năm 1990 đã có 938 ý kiến phản hồi (16 từ các cơ quan Tòa Thánh, 797 từ các giám mục riêng rẽ, 28 hội đồng giám mục, 23 nhóm giám mục thay mặt cho 295 giám mục, 12 học viện thần học, 62 ý kiến khác). Đức thánh cha Gioan Phaolô II ban hành Catechismus Ecclesiae Catholicae với tông hiến Fidei depositum ngày 11/10/1992.[17] Nội dung gồm bốn phần: tuyên xưng đức tin (kinh Tin kính), cử hành đức tin (các bí tích), sống đức tin (các điều răn), cầu nguyện (kinh Lạy Cha), với tỉ lệ phân phối khác nhau: phần thứ nhất 34 %, phần thứ hai 23%, phần thứ ba 27%, phần thứ bốn 11%.[18]
Năm năm sau khi Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã ra đời, Bộ Giáo sĩ đã xuất bản “Kim chỉ nam tổng quát về huấn giáo” (15/8/1997). Văn kiện này vừa cập nhật Kim chỉ nam năm 1971, vừa xác định lại vị trí và vai trò của những sách giáo lý thuộc nhiều cấp độ.
Dưới khía cạnh pháp lý, chúng ta có thể phân sách Giáo lý làm hai loại: “công” (chính thức) và “tư” (không chính thức). Các sách Giáo lý “công” được soạn thảo cho các giám mục, mang tính cách chính thức cho Giáo hội hoàn vũ, hoặc cho giáo phận. Các sách giáo lý khác được gọi là “tư” (bao gồm không những là cách sách vở, mà các bản hướng dẫn, các hình ảnh, băng đĩa, vv).
Trong các sách Giáo lý “công” cũng cần phân biệt sách Giáo lý “chung” cho toàn thể Hội thánh, và các sách Giáo lý “riêng” cho mỗi địa phương. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (“chung”) cung cấp quy luật chắc chắn trong việc giáo huấn đức tin, bảo đảm cho sự duy nhất đức tin và sự trung thành với đạo lý công giáo. Các sách Giáo lý “riêng” tìm cách đưa Lời Chúa xuống với hoàn cảnh cụ thể của con người, thích nghi vào các nền văn hóa, tuổi tác, những điều kiện xã hội của họ (xc. Kim chỉ nam số 131-135). Giữa sách Giáo lý “chung” và các sách Giáo lý “riêng” có một sự thống nhất hòa hợp tựa như một bản âm hưởng với nhiều nhạc cụ và giọng ca.
Vào thời nay, danh từ Catechismus được lưu dụng không những trong Giáo hội Công giáo mà cả bên các Giáo hội ngoài Công giáo, thậm chí cả trong lãnh vực trần thế, để ám chỉ một loại sách tóm tắt những câu hỏi căn bản của một vấn đề (FAQ).
Riêng đối với Giáo hội Công giáo, khi đọc lại lịch sử của 5 thế kỷ vừa qua, người ta nhận thấy rằng tuy mang một tựa đề nhưng có nhiều lối biên soạn khác nhau. Trong quá khứ, nó mang tính cách hộ giáo (nhằm giúp chống lại những điều sai lầm của Tin lành), nhấn mạnh đến những gì là đặc trưng của đức tin Công giáo, với khuynh hướng đề cao giáo huấn của Huấn quyền hơn là Kinh thánh. Ngày nay, người ta nhận thấy sự cần thiết không những phải dựa vào Kinh thánh nhiều hơn, nhưng đồng thời cũng cần quan tâm đến “câu hỏi” mà thời đại đặt ra: sách giáo lý muốn đem lại “trả lời” cho những điều mà con người đang tìm kiếm. Nói cách khác, sách giáo lý vừa mang chiều kích “thần luận” (mạc khải về Thiên Chúa) vừa mang chiều kích “nhân luận” (những băn khoăn của con người).
Sách Giáo lý cần cung cấp những yếu tố căn bản của đạo lý đức tin: các chân lý gồm trong kinh Tin kính, sự cử hành đức tin trong phụng vụ và cầu nguyện, những định hướng cuộc sống theo Tin Mừng. Sách Giáo lý là một thủ bản trình bày những điều cốt yếu của Kitô giáo dành cho ai muốn tìm hiểu. Đồng thời sách Giáo lý còn là một phương tiện để truyền thông đức tin. Để giữ đúng vai trò này, sách Giáo lý cần đến một cộng đồng chứng nhân. Nó cần được truyền thụ không chỉ như một sách giáo khoa (để học thuộc lòng) nhưng còn nhờ chứng tá sống động của giáo-lý-viên và sức sống đạo của cộng đồng tín hữu. Catechismus cần đến catechesis, nếu không thì chỉ là những trang chữ chết.
Trong hai mục trên đây, chúng ta đã theo dõi sự tiến triển của catechesis và catechismus: catechismus là một phương tiện của catechesis. Bây giờ chúng ta bước sang mục thứ ba, catechetica là một môn học nghiên cứu về catechesis, về cách thức thực hành huấn giáo. Trước hết chúng ta sẽ điểm qua lịch sử của môn này, kế đến, chúng ta sẽ giới thiệu sơ qua nội dung của nó, cũng như những vấn đề liên quan đến căn cước và phương pháp.
Giáo hội đã thực hành hoạt động huấn giáo từ lâu, nhưng ít khi có cơ hội để suy tư về nội dung và phương pháp của nó. Vào thời các giáo phụ, có lẽ chỉ có thánh Augustinô là người duy nhất làm chuyện đó với cuốn De catequizandis rudibus (năm 399) và phải chờ đến một ngàn năm sau, vào cuối thời Trung cổ, mới thấy một cuốn sách luận về phương pháp dạy đạo của G. Gerson, Tractatus de parvulis trahendis ad Christum (1406), nhưng chưa nói được là khảo luận về phương pháp huấn giáo.
Môn huấn giáo ra đời vào cuối thể kỷ XVIII, khi nữ hoàng Maria Têrêsa ra lệnh dạy môn này trong các trường thần học thuộc Đế quốc Áo-Hung, như một môn biệt lập hoặc như một phần của thần học mục vụ. Trên thực tế, môn này thực sự được phát triển vào cuối thế kỷ XIX nhờ “phong trào huấn giáo”, nghĩa là sự rộ nở của những ý tưởng, thao thức muốn canh tân việc dạy giáo lý, do ảnh hưởng của những trào lưu sư phạm và tâm lý. Dần dần, môn huấn giáo không chỉ là một ngành của thần học mục vụ (dành cho các giáo sĩ) nhưng trở thành một môn học tự trị, đôi khi được đặt tên là “sư phạm giáo lý” (bên Đức: Religionspaedagogik).
Dưới khía cạnh pháp lý về phía Giáo hội, chúng ta hãy ôn lại vài mốc điểm trong thế kỷ XX. Tại Hội nghị về Huấn giáo toàn quốc (Italia) họp tại Piacenza năm 1889, đức cha Scalabrini đề nghị mở ra một môn học catechetica tại các chủng viện. Phải chờ đến ngày 8/9/1926, mới có thông tư của Thánh bộ Chủng viện De Catechetica Disciplina in sacris Seminariis impense excolenda, truyền mở một môn học cách thức dạy giáo lý cho các thiếu nhi và người lớn (AAS 18, 1926, 453-455). Thông tư Quod catholicis (18/8/1929) nhấn mạnh việc dạy môn học này trong tất cả các chủng viện, và nêu bật tầm quan trọng của nó, xét vì do thiếu đào tạo cho nên việc dạy giáo lý rất tồi tệ (AAS 22, 1930, 146-148). Thông tư La formazione (25/12/1944) quy định rằng: a) trong hai năm triết học, mỗi tuần dạy 2 tiết về sư phạm tổng quát và sư phạm giáo lý; b) bên Thần học, trong 4 tiết về Thần học mục vụ, phải dành 2 tiết cho môn Catechetica (AAS 37, 1945, 173-176). Cho đến ngưỡng cửa công đồng, ngày 3/9/1963, Bộ chủng viện lại ra một thông tự nữa Mentre in ogni, lặp lại tầm quan trọng của môn Catechetica trong các chủng viện.
Sau công đồng Vaticanô II, cũng như nhiều ngành khác của thần học mục vụ, môn huấn giáo không còn bị đóng khung trong các chủng viện nhưng được giảng dạy tại nhiều trường chuyên biệt, với nhiều tên gọi khác nhau: sư phạm huấn giáo, sư phạm giáo lý, sư phạm Kitô giáo, phương pháp giáo lý, mục vụ huấn giáo, vv. Những tên gọi khác nhau nói lên những lối tiếp cận khác nhau trong việc định hình cho môn học này.
Mọi người đều đồng ý rằng catechetica là môn học về phương pháp catechesis. Sự khác biệt quan điểm bắt nguồn từ chỗ suy nghĩ về những chiều kích phong phú của catechesis cũng như những đường hướng áp dụng. Thật vậy, nếu chỉ hiểu catechesis như là dạy đạo theo nghĩa là truyền thụ vài chân lý đức tin, thì câu chuyện sẽ đơn giản; nhưng nếu hiểu catechesis là truyền thụ đời sống đức tin thì sẽ nảy ra rất nhiều vấn đề: sống đức tin bao hàm không chỉ là học hiểu đạo, mà còn hành trình dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa trong Hội thánh, và diễn tả ra cuộc đời chứng tá trong những môi trường sinh sống thường nhật. Điều này giả thiết rằng đức tin vừa là “Tri” vừa là “Hành”, và việc truyền thụ đức tin cũng đòi hỏi hai khía cạnh đó.
Hiểu như vậy, cần phải chấp nhận nhiều đường lối tiếp cận, nhiều chuyên ngành, xét vì những khác biệt không tại nội dung của đức tin, nhưng tại vì môi trường tiếp nhận đức tin, cũng như những điều kiện của người học hỏi giáo lý. Câu hỏi về căn cước sẽ ảnh hưởng tới câu hỏi về phương pháp sẽ nói dưới đây.
Có nhiều cách thức phân chia nội dung của bộ môn catechetica.
1. Một vài tác giả chia làm ba phần: a) nền tảng (nghiên cứu về những điều kiện nền tảng của hoạt động huấn giáo, và xác định căn tính của nó); b) chất thể (materialis: nội dung của việc huấn giáo, những đề tài chính, những nguồn mạch); c) hình thức (formalis: những khía cạnh liên quan đến phương pháp, sư phạm, cơ cấu, tác nhân, chương trình).[19]
2. Vài tác giả khác muốn chia làm hai phần: a) nền tảng (hay tổng quát); b) chuyên biệt, nhằm tới những hạng người khác nhau (tùy theo tuổi tác: thiếu nhi, thanh niên, người lớn, khuyết tật, trí thức,..) hoặc tùy theo những môi trường truyền thụ (gia đình, trường học, giáo xứ, hội đoàn).[20]
3. Chúng ta có thể xem cuốn Kim chỉ nam tổng quát về huấn giáo do Bộ giáo sĩ ban hành năm 1997 (dày hơn 300 trang) như một thứ “Huấn giáo tổng quát” (catechetica generalis x. số 11). Nội dung gồm năm phần:
Phần I bàn về catechesis trong sứ mạng loan báo Tin Mừng (khái niệm về mạc khải và lưu truyền mạc khải; vai trò của catechesis trong tiến trình loan báo Tin Mừng; bản chất, mục tiêu và những nhiệm vụ của nó).
Phần II trình bày sứ điệp Tin Mừng (những nguồn mạch sứ điệp; những tiêu chuẩn trình bày sứ điệp); kế đó là sự hòa hợp giữa Sách Giáo lý chung với các sách Giáo lý địa phương.
Phần III bàn về sư phạm dạy đức tin (sư phạm của Thiên Chúa; khoa sư phạm)
Phần IV bàn về những đối thể của huấn giáo: xếp theo tuổi (người lớn, thiếu nhi, thanh niên, người cao niên), xếp theo những hoàn cảnh đặc biệt (những người khuyết tật, những người bị bỏ rơi, những nhóm nghề nghiệp, dựa theo môi trường địa lý), xét theo khung cảnh tôn giáo (tôn giáo bình dân, đạo Do thái, các tôn giáo khác, đại kết); sau cùng là vấn đề ngôn ngữ và văn hóa.
Phần V nói về việc tổ chức catechesi trong mỗi giáo phận (những người có trách nhiệm; việc đào tạo; những nơi và thời; các cơ cấu).
Trải qua lịch sử, Giáo hội đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để truyền thụ đức tin, như đã thấy trong mục thứ nhất. Ở đây, chúng tôi muốn bàn cách riêng về phương pháp dạy giáo lý, dựa theo những kinh nghiệm của khoa tâm lý và sư phạm, đặc biệt là trong thế kỷ XX. Nói đến phương pháp của một môn học, người ta có thể nghĩ đến “phương pháp luận” (methodologia, epistemologia) của nó, bao gồm các kỹ thuật hiểu biết và phân tích thực tại (tâm lý, xã hội, lịch sử); những dụng cụ giải thích và biện phân (triết học và thần học); những phương pháp phác thảo và tổ chức (phương pháp mục vụ, sư phạm); những kỹ thuật diễn tả, thông đạt, kích động nhóm, lượng định. Trước khi đi đến những kết luận tổng quát ấy, thiết tưởng nên ôn lại việc phân tích các phương pháp giảng dạy giáo lý hồi giữa thế kỷ XX, mở đầu cho cuộc canh tân môn catechetica.
1. Phương pháp giảng dạy
Trong lịch sử cận đại bên châu Âu, người ta đã lần lượt áp dụng nhiều phương pháp khi dạy giáo lý.
a) Phương pháp học thuộc lòng: bắt buộc các em (và các dự tòng) phải học thuộc lòng bản văn, và sau đó trả bài. Nếu chỉ áp dụng thuần túy phương pháp này, thì huấn giáo mất hết ý nghĩa của nó. Đức tin không phải chỉ là những câu văn.
b) Phương pháp giải thích bản văn: trước hết, học viên phải học thuộc lòng bản văn; sau đó giáo lý viên giải thích các lời lẽ của đạo lý, và áp dụng vào đời sống qua các thí dụ.
c) Phương pháp tâm lý, cũng gọi là phương pháp Munich, được phát triển do A. Weber và H. Stieglitz. Gọi là “tâm lý” bởi vì sử dụng tiến trình của tâm lý, đi từ đặc thù đến phổ quát, đi từ xem – suy – làm, qua năm bước:
– Chuẩn bị bằng cách ôn lại bài cũ, cho thấy sự mạch lạc giữa các đề tài.
– Trình bày, kể chuyện Tân Ước hoặc Cựu Ước, hạnh các thánh, gương tốt, dụ ngôn, có liên quan đến đề tài.
– Giải thích, đi từ câu chuyện, người ta đi đến một đạo lý chung, và giải thích, chứng minh, và dùng đến những lời sẽ được xuất hiện trong bản văn.
– Tóm tắt bài học, giải thích bản văn sách giáo lý; và sau khi đã hiểu rồi thì học một công thức tóm lược đạo lý.
– Áp dụng, đi từ ý tưởng tổng quát xuống những trường hợp cụ thể, đem ra áp dụng; hơn thế nữa, tìm cách thúc giục yêu mến và bắt chước Chúa Giêsu. Như vậy là đi từ chỗ biết chân lý đến chỗ tin và sống. Bài học kết thúc với lời cầu nguyện; học viên vận dụng tất cả các khả năng tâm lý: giác quan, tưởng tượng, trí tuệ, ký ức, tâm tình, ý chí.
Những nhận xét vừa rồi đã lưu ý rằng nên đi từ những trường hợp cụ thể đến tổng quát (theo phương pháp quy nạp) thay vì ngược lại (theo phương pháp diễn dịch).
d) Cũng trong chiều hướng này, ta có thể kể thêm phương pháp hoạt động (pédagogie active), được cổ động bên Pháp, Tây ban nha. Theo một nguyên tắc của Dewey là học cần đi đôi với hành (learning by doing), các nhà giáo dục cũng nêu bật tầm quan trọng việc “hành động” trong việc học đạo. Đối với các em, đó là việc cử hành các buổi lễ, tham gia các công cuộc bác ái, huấn luyện lương tâm.
Nói chung, những nhận xét này được giới hạn vào môi trường dạy giáo lý cho các trẻ em; nhưng môn huấn giáo không chỉ giới hạn vào môi trường ấy. Như đã nói trên, môn huấn giáo dành cho toàn thể Dân Thiên Chúa.
2. Phương pháp soạn thảo
a) Việc canh tân phương pháp giảng dạy cũng mang theo việc canh tân nội dung giảng dạy, và cũng khởi hành từ bên Đức rồi lan rộng sang các quốc gia khác. Hai nhà tiên phong của cuộc canh tân này là J. A. Jungmann (Die Frohbotschaft und unsere Verkündigung, 1936) và H. Rahner (Eine Theologie der Verkündigung, 1939). Việc huấn giáo không phải là sự truyền bá một hệ thống các đạo lý hay nghĩa vụ luân lý, nhưng là loan báo sứ điệp Kitô giáo. Giáo lý viên không phải là một giáo sư nhưng là một chứng nhân loan truyền một sứ điệp mà trung tâm là Chúa Kitô. Nội dung của việc huấn giáo là “kerygma”: Đức Kitô, nhờ cái chết và phục sinh, đã ban ơn cứu độ cho nhân loại. Việc dạy giáo lý phải sử dụng những ngôn ngữ mà sứ điệp ấy đến với chúng ta: kinh thánh, phụng vụ, đạo lý, chứng tá.
Công đồng Vaticanô II trình bày về Chúa Kitô, đặc biệt trong hiến chế Dei Verbum; mặt khác công đồng cũng chú ý đến con người như là đối thể của mạc khải. Chiều kích này được khai triển sau công đồng với các khuynh hướng “cảm nghiệm”, “giải phóng.”
b) Huấn giáo “cảm nghiệm”. Không những lời Chúa hướng đến con người, nhưng Lời Chúa đã trở thành con người, nhập thể vào những sự kiện, hoàn cảnh con người. Từ đó, một khuynh hướng huấn giáo muốn khám phá sứ điệp mà Thiên Chúa hướng đến con người khởi từ cuộc sống, làm thế nào để học viên nhận ra sứ điệp ấy nơi những biến cố cuộc đời mình; có như vậy, sứ điệp ấy mới trở thành tin mừng đối với họ và làm biến đổi đời họ.
Phương pháp này có lợi điểm là tập “đọc” được lời Chúa từ cuộc sống của mình; nhưng nguy cơ là rơi vào sự chủ quan, đồng hóa cảm nghiệm Kitô giáo với những cảm xúc hời hợt và đánh mất những câu hỏi siêu việt.
c) Huấn giáo “giải phóng”. Đối lại với khuynh hướng “cảm nghiệm” nặng màu sắc tâm lý, một khuynh hướng khác nảy sinh từ Medellin (1968) muốn nhấn mạnh đến chiều kích xã hội của con người. Con người mà sứ điệp Chúa hướng đến không phải là con người trừu tượng, nhưng là con người sống trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể. Vì thế việc huấn giáo cần phải quan tâm đến những hoàn cảnh sinh sống của con người: lịch sử của con người trở thành lịch sử cứu độ.
Phương pháp này có lợi điểm là cho thấy rằng ơn cứu độ cắm rễ trong lịch sử của con người, nhưng nguy cơ là đồng hóa ơn cứu độ với những cuộc giải phóng chính trị xã hội.
Những dè dặt đối với các khuynh hướng vừa kể giúp chúng ta hiểu phần nào lý do các văn kiện Tòa Thánh từ thập niên 80 muốn trình bày nội dung huấn giáo cách toàn diện, chú trọng đến Lời Chúa dành cho con người, sống trong những điều kiện lịch sử và xã hội cụ thể. Lời Chúa hướng đến con người, và con người cũng đi tìm những giải đáp cho những vấn đề hiện sinh của mình.[21]
3. Phương pháp luận của môn huấn giáo
Vấn đề phương pháp cũng có thể đặt ra dưới một khía cạnh khác, có liên quan tới căn tính của môn học: đâu là vị trí của môn huấn giáo giữa các môn học khác? Cần phải xác định căn cước (như là mục tiêu) rồi mới có thể bàn đến phương pháp (như là dụng cụ).
a) Đã có nhiều ý kiến được nêu lên, và có thể gom vào hai nhóm chính.
– Theo quan điểm cổ truyền, môn huấn giáo được xếp vào ngành thần học, bởi vì mục tiêu của nó là giáo dục đức tin. Vì thế cần nhấn mạnh đến khía cạnh đạo lý, truyền thống đức tin của Giáo hội. Dần dần, ngay trong nội bộ của thần học, nó được chuyển từ “thần học hệ thống” sang “thần học mục vụ”: môn huấn giáo là một ngành của thần học mục vụ, bởi vì nó nhắm tới việc sống đạo chứ không chỉ học đạo.
– Một khuynh hướng khác nhấn mạnh đến khía cạnh sư phạm hơn là khía cạnh thần học. Theo họ, môn huấn giáo được đặt trong những ngành giáo dục sư phạm, mà mục tiêu là đào tạo con người. Việc đào tạo toàn diện bao gồm lãnh vực trí tuệ cũng như tình cảm và hành động. Môn huấn giáo là một thành phần quan trọng trong việc đào tạo ấy. Việc đào tạo nhắm đến giúp cho con người được trưởng thành. Hiểu như vậy, cần lưu ý đến điều kiện của người thụ huấn nhiều hơn nội dung đạo lý.
Thật khó mà khẳng định ai đúng ai sai. Cả hai khuynh hướng đều nằm trong bản chất của khoa huấn giáo, một môn học vừa nhằm đào tạo sự hiểu biết vừa nhằm đào tạo quan niệm sống. Vì thế cần phải phối hợp những phương pháp của thần học với những phương pháp của nhân học (tâm lý học, xã hội học, giáo dục sư phạm).
b) Phương pháp giảng dạy hay phương pháp giảng viên?
Như vậy, căn tính độc đáo của môn huấn giáo nằm ở chỗ kết hợp giữa phương pháp của thần học với phương pháp giáo dục sư phạm. Có người còn muốn một đặc tính khác như là hệ luận, đó là căn tính của “giáo lý viên” (catechista). Giáo lý viên không chỉ truyền thụ cho học viên những kiến thức (kèm theo những phương pháp sư phạm), nhưng còn truyền lại cảm nghiệm đức tin của mình. Thật vậy, đối tượng của môn huấn giáo không phải là những kiến thức nhưng là đới sống trong Chúa Kitô: đây là một sứ điệp sống, và giáo lý viên muốn trao lại kinh nghiệm sống của mình cho các học viên. Giáo lý viên trở thành chứng tá của đức tin cũng như chứng tá của cộng đoàn đức tin là Hội thánh.
Về phương diện này, thiết tưởng cần nhắc đến một văn kiện của Bộ Loan báo Tin Mừng ngày 3/12/1993 với tựa đề “Hướng dẫn các giáo lý viên” (Guia per i catechisti), bàn về ơn gọi, căn cước, linh đạo của các giáo lý viên, đặc biệt tại các vùng truyền giáo, cũng như việc tuyển chọn, đào tạo và trợ cấp cho họ.
Chúng ta đã nhìn lại lịch sử của ba từ ngữ catechesis – catechismus – catechetica. Ba từ ngữ có họ hàng với nhau, và ra đời theo thứ tự tôn ti.
Catechesis đã xuất hiện từ thời các giáo phụ, và ám chỉ toàn thể hoạt động huấn giáo của Giáo hội: vào lúc đầu nó được hiểu theo nghĩa chặt là huấn giáo dành cho các dự tòng; đến khi chế độ dự tòng không còn nữa thì chuyển sang cho việc huấn giáo dành cho những người lớn đã rửa tội hoặc cho các thiếu nhi chuẩn bị rước lễ. Ngày nay, có những khuynh hướng mở rộng hạn từ này cho toàn thể hoạt động giúp cho tín hữu hiểu biết sâu hơn về đạo lý để đạt được sự trưởng thành đức tin.
Catechismus ra đời muộn hơn, từ hồi thế kỷ XVI: vào lúc đầu nó ám chỉ toàn thể hoạt động huấn giáo của Giáo hội, gồm việc huấn giáo tại gia đình, lớp học, nhà thờ. Về sau, nó được dùng để chỉ cuốn sách tóm lược những điều cần biết về đạo lý Kitô giáo.
Catechetica là môn học về phương pháp huấn giáo. Tuy đã được ghi vào chương trình các chủng viện từ thế kỷ XVIII, nhưng sang thế kỷ XX nó mới trở thành một môn học chuyên biệt: nó không chỉ là một ngành của thần học mục vụ, nhưng còn muốn liên kết với các ngành sư phạm giáo dục, để trở thành môn “mục vụ huấn giáo”, “sư phạm tôn giáo”. Dù sao, bên cạnh việc kết nạp phương pháp thần học và phương pháp sư phạm, điều đáng quan tâm hơn nữa là đối tượng của huấn giáo không chỉ gồm những kiến thức mà còn là sứ điệp sống động là Chúa Kitô. Giáo lý viên trở thành chứng tá của niềm tin của Giáo hội và truyền thụ kinh nghiệm ấy.
Như đã nói ở đầu, chúng tôi giữ nguyên ngữ của các từ này để cho thấy sự liên hệ về tư tưởng. Trong tiếng Việt, ba từ vừa rồi thường được dịch là “huấn giáo, sách giáo lý, môn huấn giáo”. Tuy nhiên trong quá khứ, xem ra trọng tâm được đặt ở “sách giáo lý” mà nội dung là các đạo lý của Hội thánh,[22] và như vậy thứ tự hệ trật bị đổi ngược: người ta lấy “sách giáo lý” làm căn bản, rồi từ đó dẫn đến việc “dạy giáo lý” (nghĩa là dạy sách giáo lý), và phương pháp hầu như là học thuộc lòng. Thế nhưng theo lịch sử, người ta khởi đi từ catechesis (với nhiều hình thức) và sử dụng catechismus chỉ như là một trong nhiều phương tiện. Catechesis, xưa cũng như nay, được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau.
_______
[1] “Quả thật, với thời gian, đáng lẽ anh em đã phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa: thay vì thức ăn đặc, anh em lại phải cần dùng sữa. Thật vậy, phàm ai còn dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con... Gác qua một bên giáo huấn sơ đẳng về Đức Kitô, chúng ta hãy vươn tới trình độ trưởng thành mà không trở lại những điều căn bản...” (Dt 5,12-13; 6,1).
[2] Chứng tích nơi các tác phẩm của Tertullianô, Cyprianô, Clementê Alexandria, và cách riêng là Hippolitô, Traditio Apostolica
[3] Chẳng hạn như: Điđakhê 1-6; Thư Barnabê 18-20.
[4] Chẳng hạn như nơi thánh Giustinô, I Apologia 13,1-3; Demonstratio 6-7.
[5] Nói cho đúng, những chuyện trở lại đạo của cả đám đông xảy ra vào thời “dân man di”: khi một tù trưởng trở lại đạo thì cả bộ lạc cũng được rửa tội theo, không còn phải học đạo lâu như trước nữa.
[6] Summa Theologica, III q. 71 a. 4. Đoạn này nằm trong phần chuẩn bị cử hành bí tích rửa tội. Nên biết là thánh Tôma đã dành mùa chay năm 1273 để giải thích cho các tín hữu ở Napoli kinh Tin kính (những điều phải tin), kinh Lạy Cha (những điều hy vọng), Mười giới răn (những điều yêu mến).
[7] Bộ Giáo sĩ, Kim chỉ nam tổng quát về huấn giáo (1997), số 51-52; 61-72.
[8] Nên biết là vào thời Trung cổ, Giáo hội không chỉ quan tâm đến việc giáo dục các thanh thiếu niên mà còn hàng giáo sĩ nữa. Nhiều công đồng đã buộc các giám mục mở trường học để dạy thần học cho các giáo sĩ. Dù sao, phải chờ đến công đồng Trentô mới có luật bắt buộc mở chủng viện tại mỗi giáo phận.
[9] Vài tác giả tiêu biểu: J. A. Jungmann 1936 E. X. Arnold 1948 (Đức); J. Colomb, M. Fargues 1946, F. Coudreau 1948, P. A. Liégé (Pháp).
[10] Như đã nói trên, hổi thế kỷ XI một cuốn sách của tác giả vô danh mang tựa đề là Elucidarium (có nghĩa là soi sáng những điều tối tăm). Dưới hình thức đối thoại giữa học trò và thầy giáo (hỏi – đáp), tác giả lần lượt trình bày tóm tắt lịch sử cứu độ (quyển I), nêu lên những khó khăn trong đời sống đạo (quyển II), giải thích cánh chung (quyển III). Thể văn “hỏi thưa” trở thành phổ thông trong các sách giáo lý thời cận đại.
[11] Nội dung: giải thích kinh Tin kính, các bí tích, các giới lệnh đức ái, bảy mối tội đầu, bảy nhân đức căn bản.
[12] Có lẽ Luterô dựa theo một cuốn sách tương tự của A. Althamer xuất bản ở Nuremberg năm 1528 với tựa đề Katechismus in Frag und Antwort (Giáo lý hỏi thưa).
[13] Tuy Calvin không đặt tên là Catéchisme nhưng nội dung tương tự như các sách thuộc loại ấy: Institutio religionis christianae (1536), lnstruction et confession de foi dont on use dans l'Église de Genéve (1537), Ordonnances ecclésiastiques - Formulaire d'instruire les enfants en la chrétienté (1541).
[14] Các sách giáo lý đầu tiên dành cho các dân tộc châu Á, của các cha Roberto de Nobili, Alessandro Valignano, Michele Ruggieri, Matteo Ricci. Riêng nước Việt Nam, cha Alexandre de Rhodes đã viết quyển Cathechismus pro iis qui volunt suscipere baptismum in octo dies divisus, bằng tiếng Latinh và tiếng Việt (“Phép giảng tám ngày”).
[15] Thật ra văn kiện cung cấp nhiều chỉ dẫn về hoạt động catechesi, chứ không chỉ đưa ra những chỉ dẫn về nội dung đạo lý. Xét vì cuốn Kim chỉ nam 1971 đã được cập nhật bởi Kim chỉ nam 1997, cho nên không cần dài dòng ở đây.
[16] “Valde communiter desideratur catechismus seu compendium totius doctrinae catholicae, tam de fide quam de moribus, conscribendum, quod quasi punctum referentiae sit pro catechismis seu compendiis in diversis regionibus componentur”. Relatio finalis, II, B, a, 4.
[17] Nên biết là bản văn đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Pháp: Catechisme de l’Eglise Catholique. Năm năm sau đó (ngày 15/8/1997), bản chính thức tiếng Latinh mới được ban hành với vài sửa chữa với tông thư Laetamur magnopere. Ngoài ra một bản tóm tắt (Compendium) cũng được soạn và phát hành vào năm 2005, dưới thời đức Bênêđictô XVI.
[18] Đối chiếu với tỉ lệ bốn phần sách Giáo lý công đồng Trento (Catechismus Romanus) là: 22%, 37%, 21%, 20%.
[19] H. HALEFAS, Catequética fundamental, Desclée de Brouwer, Bilbao 1974; W. NASTAINCZYK, Formalkatechetik, Seelsorge Verlag, Friburgo 1969
[20] J. J. RODRÍGUEZ MEDINA, Pedagogía de la fe, Sígueme, Salamanca 1972, 32-34.
[21] Xc. Kim chỉ nam tổng quát về huấn giáo, số 97-118. Sứ điệp Tin Mừng có trung tâm là Đức Giêsu Kitô. Việc loan báo Tin Mừng Nước Chúa là một hồng ân cứu độ mang theo sự giải phóng. Sứ điệp này được thực hiện trong Giáo hội, mang tính cách lịch sử, cần được hội nhập vào văn hóa, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.
[22] Catechismus đã được dịch sang tiếng Việt bằng nhiều từ: “Phép giảng” (cha Đắc Lộ), “Thánh giáo yếu lý” hoặc: “sách Bổn, sách Phần, sách Kinh Nghĩa”. Sách “giáo lý” dịch sát doctrina christiana hơn là catechismus. Có lẽ cha Đắc Lộ dịch đúng hơn: “phép giảng” dùng để “giảng đạo”. Một nhận xét nữa là thường các sách giáo lý được soạn cho những người đã được rửa tội, còn cha Đắc Lộ nhắm đến những người chưa rửa tội. Ngoài ra cũng cần nhắc đến một thứ “phép giảng” nữa, đó là trình bày đạo Chúa cho người ngoại, mà sách “Hội đồng tứ giáo” là một thí dụ; chúng tôi hy vọng sẽ giới thiệu vào dịp khác.
Bài này gồm ba mục: 1) Catechesis nhìn lại lịch sử hoạt động huấn giáo của Giáo hội; 2) Trong bối cảnh huấn giáo, từ thế kỷ XVI, các sách Catechismus được soạn ra như một phương tiện cần thiết cho việc huấn giáo. 3) Sang thế kỷ XX, môn Catechetica ra đời, nghiên cứu phương pháp huấn giáo.
I. Catechesis
Sau vài nhận xét về từ ngữ, chúng ta sẽ theo dõi sự tiến triển về quan niệm catechesis và cách thực hành trong lịch sử Giáo hội.
Về từ ngữ, trong Tân Ước không thấy xuất hiện danh từ catechesis (gốc Hy-lạp katechesis), nhưng động từ catechein (katechein) được sử dụng 6 lần, với nhiều nghĩa khác nhau: từ nghĩa rộng là: “kể chuyện, thông tin” (Cv 21, 21-24; Lc 1,4), cho đến nghĩa chặt là “dạy đạo Chúa” (Cv 18,25; Rm 2,18; Gl 6,6). Nói đúng ra, các Kitô hữu tiên khởi đã dùng nhiều động từ khác nhau để ám chỉ tác vụ giảng dạy: hô lớn (krasein), loan báo (keryssein), loan báo Tin Mừng (euangelizein), giảng dạy (didaskein), huấn giáo(katechein), giảng thuyết (homilein), thông truyền (paradidonai) chứng tá (martyrein). Mặc dù sử dụng nhiều từ ngữ, nhưng theo các sử gia về thời nguyên thủy Kitô giáo, việc truyền đạo có thể được phân làm hai chặng chính: a) trước tiên là evangelizatio để gợi lên lòng tin; b) kế đó là instructio hay doctrina để đào sâu đạo lý; đồng thời là exhortatio nhằm khuyên răn, khích lệ; martyria (chứng tá) để soi sáng và thuyết phục. Cách riêng, catechesis được dùng như thuật ngữ chuyên môn dành cho việc chuẩn bị các dự tòng gia nhập đạo.
A. Thời các giáo phụ (thế kỷ II-V)
Có người đã muốn tìm thấy sự phân biệt hai chặng truyền đạo ngay từ khi Đức Giêsu thi hành sứ vụ. Thật vậy, bên cạnh những lời “loan báo Tin Mừng” (chẳng hạn Mc 1,15), Tân Ước nói nhiều đến việc Người “dạy dỗ” dân chúng (x. Mc 1,22) và đặc biệt là các môn đệ, mà bài giảng trên núi là một mẫu điển hình.
Qua thời các thánh tông đồ, bên cạnh những bài kerygma dành cho mọi người, chúng ta thấy có những lời giảng dạy (didascalia) dành cho những ai đã chấp nhận đức tin (thí dụ: Cv 5,42); thậm chí còn có sự phân biệt giữa một thứ huấn giáo cơ bản (sữa thiêng liêng, những điều sơ khởi về đức tin...) và một thứ cấp cao hơn dành cho người trưởng thành (x. Dt 5,12-14[1]; 1Pr 2,2).
Dù sao, sự phân biệt giữa hai cấp độ giảng dạy trở nên rõ rệt hơn vào thời các giáo phụ. Nơi thánh Clementê (tk II), catechesis được dùng để chỉ việc huấn luyện căn bản những người xin lãnh bí tích Rửa tội. Với thánh Hippolitô (tk III), catechesis được dành riêng cho việc huấn luyện các dự tòng mà thôi. Vào thời này, định chế catechumenatus (dự tòng) được thiết lập.[2] Từ đó, các từ ngữ catechesis, catechizare, catechizatio đều liên hệ đến việc chuẩn bị các dự tòng lãnh các bí tích khai tâm. Việc huấn luyện này được tổ chức thành ba chặng:
1) Trong chặng đầu tiên, chuẩn bị xa, nội dung là “những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,5) đã thực hiện trong lịch sử cứu độ cho đến ngày nay trong Hội thánh: catequesis bíblica (huấn giáo Kinh thánh).
2) Trong chặng thứ hai, chuẩn bị gần để lãnh bí tích, nội dung là bản văn đạo lý cố định được gọi là symbolum (tín biểu) cùng với kinh Lạy Cha: catechesis doctrinalis (huấn giáo đạo lý, gồm cả những bổn phận luân lý).
3) Sau khi đã lãnh nhận các bí tích khai tâm, các tân tòng còn được hướng dẫn đến việc đào sâu và cảm nghiệm mầu nhiệm được cử hành trong Hội thánh: catechesis mystagógica (huấn giáo huyền nhiệm).
Đôi khi các giáo phụ còn muốn phân biệt catechesis dành cho các dự tòng, và didascalia (hay didakhe) dành cho những người đã được rửa tội. Dù sao, việc huấn giáo toàn diện bao gồm nhiều khía cạnh: dạy đạo, cầu nguyện, phụng vụ, luân lý; tất cả diễn ra trong cộng đồng các dự tòng.
Một điều chắc là nội dung của việc huấn giáo đã tiến triển từ thời các thánh tông đồ cho đến thời các giáo phụ. Thật vậy, khi đọc những tác phẩm đầu tiên của văn chương Kitô giáo[3], người ta dễ nhận ra giáo huấn về luân lý, vừa lấy từ truyền thống Do thái (đề tài hai con đường, thập giới) vừa bổ túc thêm với các đề tài của luật mới (các chân phúc, những mệnh lệnh về tương quan xã hội). Phần tín lý thì lấy từ các bài kerygma, các thánh thi, các bài tuyên xưng đức tin của Tân Ước. Sang thế kỷ II thì đã thấy phác họa cái sườn của tín biểu về Chúa Ba Ngôi. [4]
Sang thế kỷ IV, chúng ta gặp thấy nhiều tác phẩm trình bày nội dung của huấn giáo, chẳng hạn như thánh Cyrillô Giêrusalem (+387) với 24 bài giảng, trong đó 18 bài dành cho các dự tòng (catecheses ad illuminandos) và 4 bài dành cho các tân tòng (catecheses mystagogicae); thánh Ambrôsiô (+397) với các quyển Explanatio symboli (giải thích kinh Tin kính), De Sacramentis, De Mysteriis (trình bày các bí tích và kinh Lạy Cha). Trong thế kỷ IV, trong số những tác phẩm cổ điển phải kể đến 8 bài huấn giáo về bí tích Rửa tội của thánh Gioan Kim khẩu (+407), 16 bài giảng huấn giáo của Thêođôrô Mopsuestia (+428). Thánh Augustinô (+430) viết một thủ bản về phương pháp dạy giáo lý do giới bình dân De catechizandis rudibus. Nói chung, nội dung của giáo lý dự tòng gồm bốn phần: đạo lý tóm lại nơi kinh Tin kính; phụng vụ, được cảm nghiệm qua việc cử hành; luân lý nhằm kêu gọi hoán cải và thực hành các điều răn; cầu nguyện.
B. Thời Trung cổ (thế kỷ VI-XV)
Từ khi Kitô giáo được nhìn nhận làm quốc giáo trong Đế quốc Rôma, với những cuộc trở lại đạo ồ ạt,[5] chế độ catechumenatus (dự tòng) không còn nữa. Danh từ catechesis cũng biến mất, nhưng động từ catechizare vẫn được duy trì, và xuất hiện một từ ngữ mới catechismus. Tuy nhiên, ở giai đoạn này catechismus không ám chỉ cuốn sách dùng để dạy giáo lý (như vào thời cận đại) nhưng là toàn bộ tổ chức huấn giáo.
Nói chung, catechizare và catechismus được hiểu về việc dạy giáo lý trước khi lãnh bí tích Rửa tội (các nhi đồng). Việc huấn luyện này gồm những câu hỏi mà linh mục nêu lên cho những người đỡ đầu và những câu trả lời của họ nhằm chứng tỏ khả năng có thể dạy dỗ các em sau này. Như vậy có sự phân biệt giữa catechismus (trước khi lãnh bí tích Rửa tội) và institutio (hoặc instructio, sau khi rửa tội).
Trên thực tế, xét vì chế độ huấn giáo dự tòng không còn nữa, cho nên Giáo hội dùng những phương tiện khác để đào tạo đời sống đức tin của các tín hữu: giảng trong Thánh lễ, các bức tranh trong các thánh đường, các lối trình diễn Kinh thánh dưới hình thức tuồng kịch.
Riêng về phương pháp huấn giáo, nên ghi nhận tác phẩm Elucidarium do một tác giả vô danh viết vào cuối thế kỷ XI (được gán cho Honorius Autun). Dưới hình thức đối đáp giữa học trò hỏi và thầy trả lời, tác giả đã tóm tắt lịch sử cứu độ (quyển I), trình bày đời sống Kitô giáo (quyển II), giải thích cánh chung (quyển III).
Thánh Tôma Aquinô là một chứng nhân có uy tín của việc huấn giáo đương thời. Người phân biệt bốn cấp độ huấn giáo: 1) Huấn luyện để trở lại đạo; 2) Huấn luyện về những nền tảng đức tin để lãnh nhận các bí tích; 3) Huấn luyện để nuôi dưỡng đời sống Kitô giáo; 4) Huấn luyện về những mầu nhiệm sâu xa của đức tin và sự trọn lành của đời sống Kitô giáo.[6] Nói theo ngôn ngữ thời nay,[7] hình thức thứ nhất là loan báo Tin Mừng (evangelizatio, catechesis kerygmatica); thứ hai là huấn giáo khai tâm (catechesis initiationis); thứ ba là giáo dục thường xuyên về đức tin (catechesis permanens); thứ bốn là dạy thần học.[8]
C. Thời cận đại (thế kỷ XVI-XVIII)
Một biến cố quan trọng xảy ra trong đời sống Giáo hội là phong trào Cải Cách của Martin Lutêrô. Ông đòi xét lại việc đào tạo đức tin của các tín hữu. Từ đó nảy sinh nhiều sự khác biệt về nội dung đạo lý giữa phong trào Cải Cách và Giáo hội Công giáo; nhưng ở đây chúng ta chỉ xét đến định chế huấn giáo và có những trùng hợp giữa đôi bên. Thật vậy, xét về từ ngữ, vào lúc đầu, cả đôi bên đều dùng hai từ catechizare-catechismus theo một nghĩa như nhau, nghĩa là dạy giáo lý (huấn giáo). Dần dần, có sự khác biệt về đối tượng của việc huấn giáo.
Bên Tin lành hiểu việc huấn giáo nhằm chuẩn bị các thiếu nhi đã rửa tội để giúp đào sâu đức tin, trên tiến trình chuẩn bị lãnh bí tích Thánh Thể. Tuy catechesis dành cho những người đã rửa tội, nhưng vẫn còn giữ tính cách khai tâm bởi vì hướng đến bí tích Thánh Thể.
Phía Công giáo cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc huấn giáo (catechesis) dành cho các giáo dân, những người đã được rửa tội nhưng dốt nát về đạo lý. Trong bối cảnh này, danh từ catechismus dần dần mang một ý nghĩa mới: một đàng, nó lấy lại thể thức khảo sát đức tin như thời Trung cổ (vấn đáp), đàng khác nó mang theo một bộ mặt mới là một cuốn sách trình bày những nội dung căn bản của đạo lý đức tin.
Khi đối chiếu với thời các giáo phụ, ta thấy có sự thay đổi: catechesis dành cho người đã được rửa tội (chứ không phải là dự tòng), và nhấn mạnh đến đạo lý (và ít chú trọng đến việc đào tạo toàn diện đời sống Kitô hữu. Ngoài ra catechesis thường dành cho các em bé (thay vì những người lớn dự tòng), nhưng dần dần cả bên Tin Lành cũng như bên Công giáo đều nghĩ đến việc soạn ra những catechismus dành cho người lớn nữa, hay nói đúng hơn, dành cho toàn thể các Kitô hữu. (Chúng tôi sẽ nói đến catechismus trong mục sau)
Ngoài ra, về phía Công giáo, một nét nổi bật là Giáo hội đã ra những quy định về việc dạy đạo lý cho các tín hữu. Thật vậy, công đồng Trentô truyền các cha sở, ngoài bài giảng trong Thánh lễ của các ngày Chúa Nhật và Lễ trọng, còn phải lo dạy giáo lý cho các tín hữu (người lớn) trong suốt năm, mỗi ngày hoặc ba lần mỗi tuần vào mùa Vọng và mùa Chay. Nhằm giúp các cha sở thi hành bổn phận, công đồng truyền soạn thảo một cuốn catechismus làm mẫu, để từ đó các giáo phận soạn ra những sách giáo lý riêng. Trên thực tế, vào các thế kỷ gần đây, việc dạy giáo lý được trao cho các giáo lý viên (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân).
Một chi tiết nữa không nên bỏ qua là ngoài các giáo xứ, việc dạy giáo lý cũng được tổ chức tại các trường học tư lập cũng như công lập, và được đặt tên là môn “Tôn giáo” (Religion). Như vậy, ngoài các môn Đức dục (Luân lý) và Công dân giáo dục, các học sinh cũng còn được dạy về Tôn giáo. Tuy nhiên tại các lớp này, các giáo viên sử dụng nhiều phương tiện khác nhau (chẳng hạn tranh ảnh, lịch sử Cựu Ước và Tân Ước, v.v..) chứ không hẳn là sách giáo lý.
D. Thế kỷ XX
Trước tình trạng dốt nát về kiến thức tôn giáo cũng như sa sút về luân lý, đức thánh cha Piô X, trong thông điệp Acerbo nimis (1905) nhấn mạnh đế việc dạy giáo lý như phương thức để chữa trị. Ngài muốn tái lập tập tục dạy giáo lý cho người lớn vào Chúa Nhật, khác với bài giảng lễ. Đối với các thiếu nhi, ngài nhấn mạnh đến việc dạy giáo lý một giờ vào các Chúa Nhật và Lễ trọng cũng như vào các dịp chuẩn bị cho các em lãnh bí tích Giải tội và Thêm sức.
Bộ Giáo luật 1917 cũng lặp lại quy định ấy (điều 1329-1336) về việc dạy giáo lý các Chúa Nhật và chuẩn bị lãnh bí tích (Giải tội, Thánh thể, Thêm sức), dành cho người lớn cũng như cho các thiếu nhi.
Nên ghi nhận sự tiến triển về các quan niệm catechesis- catechismus kể từ thời cận đại: catechismus nhắm đến người lớn (đã được rửa tội, rước lễ) thuộc mọi lứa tuổi, nhằm củng cố đời sống đức tin. Đức Piô X bắt đầu mở ra một hướng mới, đó là các trẻ em chuẩn bị rước lễ. Như chúng ta đã biết, Đức Piô X đã hạ thấp tuổi rước lễ lần đầu (5-6 tuổi thay vì 12 như trước đây), vì thế các em cần được chuẩn bị chu đáo nhờ nhưng lớp giáo lý. Dù sao, ngài (cũng như bộ giáo luật sau này) phân biệt hai loại catechesis: a) một thứ dành cho người lớn, được tiến hành quanh năm, vào các ngày Chúa Nhật; b) một thứ dành cho các trẻ em vào một thời kỳ nhất định để chuẩn bị rước lễ và thêm sức. Trên thực tế, nhiều nơi chỉ quan tâm đến huấn giáo cho thiếu nhi mà bỏ qua huấn giáo cho người lớn. Mặt khác, khi dạy cho thiếu nhi, phải áp dụng phương pháp học thuộc lòng. Dần dần, phương pháp học thuộc lòng hầu như được đồng hóa với việc huấn giáo.
Một cuộc thay đổi não trạng bắt đầu chớm nở vào năm 1925 với phong trào huấn giáo khởi đầu từ Munich (Đức) và lớn mạnh vào thập niên 50, muốn mở rộng việc huấn giáo cho toàn thể Dân Chúa để giúp họ đào sâu đức tin.[9] Ý tưởng này cũng trùng vào thời điểm mà Tổ chức Văn hóa Quốc tế (UNESCO) nói đến hai loại đào tạo: đào tạo nền tảng (gồm chương trình học vấn tại các cơ sở giáo dục) và đào tạo thường xuyên (kéo dài suốt đời). Dựa theo những nghiên cứu lịch sử về catechesis cũng như dự án của UNESCO, vào đầu thập niên 60, tại Pháp, cha P.A. Liégé đã nói đến hai cấp độ catechesis: a) khai tâm, dành cho những người lớn chuẩn bị lãnh bí tích Rửa tội và các thiếu nhi chuẩn bị rước lễ lần đầu; b) thường xuyên, dành cho những thanh niên và người lớn đã được khai tâm đức tin.
Thực ra việc canh tân huấn giáo là kết quả của nhiều nhân tố: một đàng là nhờ việc nghiên cứu lịch sử thời các giáo phụ mà người ta khám phá nội dung phong phú của nó, dựa trên Kinh thánh, phụng vụ; đàng khác là nhờ những khảo cứu của các ngành nhân văn (tâm lý, sư phạm, xã hội học về văn hóa,vv) cho thấy những khía cạnh của việc đào tạo. Những đóng góp này đã đưa đến những quyết định thay đổi trong các văn kiện Giáo hội trong hậu bán thế kỷ XX.
1. Công đồng Vaticanô II
Nhờ sự hiện diện của nhiều nghị phụ đến từ các miền truyền giáo, công đồng ý thức sự cần thiết tái lập chế độ dự tòng (catechumenatus đã biến khỏi châu Âu từ thời Trung cổ) trong Sắc lệnh về Truyền giáo (Ad gentes số 14). Dù sao, nghi thức khai tâm Kitô giáo cũng được sử dụng tại các nước “đạo dòng” để tái khám phá đời sống đạo.
Việc huấn giáo được quan niệm rộng rãi hơn, đặt trong bối cảnh đào tạo (institutio) đời sống đức tin, chứ không chỉ truyền thụ kiến thức. Việc huấn giáo cần nhắm đến việc soi sáng và củng cố đức tin, giúp cho người tín hữu sống tinh thần của Đức Kitô, tham dự phụng vụ cách sống động và tham gia hoạt động tông đồ (Sắc lệnh Gravissimum educationis ).
2. Tông huấn Evangelii nuntiandi (1975)
Đức thánh cha Phaolô VI đã xét catechesis trong toàn bộ sứ mạng của Giáo hội là loan báo Tin Mừng. Trong tiến trình này, ngài quan tâm đến việc huấn giáo khai tâm, dành cho người lớn nhờ ơn Chúa muốn đào sâu thêm sự hiểu biết về Đức Kitô (số 44). Việc huấn giáo khai tâm được đặt làm khuôn mẫu cho các hình thức khác, bởi vì nó nhấn mạnh đến sự liên lỉ phải trở về với Đức Kitô (số 45).
3. Tông huấn Catechesi tradendae (1979)
Đúc kết những thành quả của Thượng hội Đồng Giám mục năm 1977 bàn về đề tài huấn giáo, văn kiện đã nói đến nhiều khía cạnh của nó, xét về bản chất, mục tiêu, phương pháp. Chỉ cần ghi nhận vài đặc trưng: việc huấn giáo chú trọng trình bày đạo lý Kitô giáo cách có hệ thống mạch lạc; nó nhằm vào trí tuệ hơn là tâm tình cảm xúc của người nghe; mục tiêu là huấn luyện về sự hiểu biết đạo lý (số 21). Tuy nhiên, việc huấn giáo không chỉ là nhồi một mớ kiến thức vào đầu óc. Nhờ sự học biết đạo lý, việc huấn giáo nhằm giúp cho đức tin được “sống động, minh bạch và linh hoạt”, vì vậy không thể tách rời khỏi việc tham dự tích cực vào đời sống Kitô giáo qua việc cử hành bí tích, cầu nguyện và chứng tá.
Tông huấn nói đến hình thức huấn giáo khác nhau: có thứ dành cho người dự tòng, có thứ dành cho người tín hữu muốn đào sâu đức tin; có thứ nhằm chuẩn bị lãnh nhận một bí tích (Thánh thể, Thêm sức, Hôn phối) và chỉ chú trọng đến bí tích ấy, có thứ nhằm trình bày toàn thể mầu nhiệm Kitô giáo, gồm các chân lý đức tin cũng như các bí tích và các nhân đức; có thứ huấn giáo dành cho các thiếu nhi, thanh niên, tráng niên, giới bình dân hay trí thức; có thứ huấn giáo trong gia đình và tư gia, có thứ huấn giáo tại trường học, nhà thờ, nhân các buổi cử hành phụng vụ.
Bộ Giáo sĩ đã phát hành “Kim chỉ nam tổng quát về huấn giáo” (Directorium generale pro catechesi) năm 1997. Chúng ta sẽ trở lại văn kiện này trong mục thứ hai. Ở đây chỉ cần ghi nhận sự phân biệt các hình thức phục vụ Lời Chúa, được xếp theo tiến trình các giai đoạn (số 51): a) loan báo Tin Mừng dành cho những người chưa tin; b) huấn giáo khởi đầu (hoặc khai tâm) dành cho những người muốn nhập đạo; c) giáo dục thường xuyên đức tin; d) cử hành phụng vụ (gồm nhiều hình thức: giảng Thánh Lễ, chuẩn bị cử hành bí tích); e) thần học (suy tư về đức tin, đối thoại văn hóa). Sự huấn giáo theo nghĩa chặt bao gồm giai đoạn thứ hai và thứ ba, được quảng diễn ở các số 63-70.
II. Catechismus
Trước hết, chúng ta hãy ôn lại sự tiến triển của từ ngữ, và sau đó chúng ta sẽ điểm qua lịch sử biên soạn các sách catechismus vào thời cận đại.
Từ ngữ : Như đã nói trên, catechismus bởi động từ catechizare. Vào thời các giáo phụ, động từ này được hiểu về việc huấn giáo sơ khởi dành cho các dự tòng, nghĩa là những người chuẩn bị gia nhập đạo Chúa, cũng như các tân tòng (vừa được rửa tội). Sang thời Trung cổ catechizare vẫn còn được hiểu về huấn giáo trước khi lãnh bí tích Rửa tội. Kể từ thế kỷ XV-XVI, có sự chuyển hướng: catechizare được hiểu về việc huấn giáo dành cho những người đã được rửa tội. Chính vào thời này mà danh từ catechismus xuất hiện với một sự tiến triển về ý nghĩa: vào lúc đầu nó ám chỉ tất cả những định chế góp phần vào việc dạy đạo (chủ yếu bằng lời); về sau nó ám chỉ cuốn sách dùng vào việc dạy đạo.
Vì thế chúng ta có thể phân biệt hai giai đoạn trong lịch sử huấn giáo: 1/ huấn giáo không có catechismus; 2/ huấn giáo bằng catechismus.
A. Huấn giáo không có catechismus
Khi nhìn lại lịch sử việc huấn giáo (catechesis) ở mục trên đây, chúng ta đã ghi nhận một sự thay đổi quan trọng từ thời giáo phụ sang thời Trung cổ. Vào thời các giáo phụ, việc huấn giáo dành cho các người lớn chuẩn bị nhập đạo; vào thời Trung cổ, việc huấn giáo dành cho những người đã được rửa tội, hoặc là người lớn cần đào sâu đức tin, hoặc là thiếu nhi cần chuẩn bị lãnh bí tích Thánh thể.
Việc huấn giáo được thực hiện dựa trên tài liệu gì? Chắc hẳn Kinh thánh là cuốn sách căn bản. Nhưng thời xưa không phải ai cũng có trong tay một bản Kinh thánh, kể cả các giám mục. Kinh thánh được truyền miệng thuộc lòng, chứ không phải chỉ là những trang sách. Dù sao, có một bản văn căn bản được trao cho các dự tòng nghiền ngẫm là Tín biểu (Symbolum) qua nghi thức “trao và trả” (traditio – redditio symboli). Các giáo phụ coi tín biểu như là tóm lược tất cả Kinh thánh (summa scripturarum, nói theo thánh Hieronimo); dựa trên bản văn đó mà các mục tử giải thích nội dung đời sống đức tin.
Từ thế kỷ XII, với sự phát triển của kinh viện, người ta thấy xuất hiện nhiều sách tổng luận thần học, nhưng đó là sách giáo khoa dùng vào việc giảng dạy các sinh viên, chứ không dành cho các tín hữu. Bên cạnh đó, người ta cũng biên soạn những sách dành cho các cha xứ và các nhà giảng thuyết hầu giúp trình bày các chân lý cốt yếu của đạo lý Kitô giáo. Trong thể văn này, người ta thường nói đến loại sách Lucidaria[10] và Septenaria giải thích đạo lý qua cấu trúc số 7: bảy lời cầu xin trong kinh Lạy Cha, bảy việc bác ái phần xác và phần hồn, bảy bí tích, bảy ơn Chúa Thánh Thần, bảy mối tội đầu và bảy nhân đức. Theo chiều hướng ấy, vào các thế kỷ XIII-XV, nhiều tác giả cũng giải thích 12 điều kinh Tin kính, 10 điều răn, 8 mối phúc thật.
B. Huấn giáo bằng catechismus
Từ catechismus xuất hiện vào thế kỷ XVI. Vào lúc đầu, catechismus ám chỉ toàn bộ kế hoạch dạy đạo lý (trong thánh đường hay tại tư gia); dần dần nó được dành cho cuốn sách tóm tắt những điều cốt yếu của đạo.
Có người cho rằng cuốn sách đầu tiên mang tựa đề catechismus được viết bằng tiếng Anh của hồng y John Thoresby tổng giám mục York với tựa đề Lay folks Catechism,[11] ra đời năm 1357, dựa theo cuốn sách De informatione simplicium (khoảng năm 1281). Năm 1478, hồng y Pedro González de Mendoza, soạn cuốn Catechismus pro iudeorum conversione, xuất bản ở Sevilla Tây ban nha. Tuy nhiên, sang thế kỷ XVI, mới thấy sự gia tăng của loại sách này, từ phía Công giáo cũng như về phía Tin lành. Cũng nên lưu ý là đôi khi các sách ấy cũng mang tựa đề là Enchiridion hay Institutio, Instructio.
1. Tin Lành
Mở màn cho giai đoạn mới là cuốn Katechismus của Martin Lutêrô, viết bằng tiếng Đức, xuất bản năm 1529,[12] với nội dung được xếp theo một thứ tự phù hợp với đạo lý mới: trước hết là các “giới răn” (mà con người không tài nào tuân giữ), rồi đến “Tín biểu” (đạo lý về đức tin tín thác như phương thế duy nhất để được cứu rỗi); sau cùng là kinh “Lạy Cha” và các bí tích (Rửa tội và Thống hối, Thánh thể). Ngoài bộ sách lớn, Lutêrô còn xuất bản một cuốn sách khổ nhỏ hơn (tựa đề Enchiridion).
Cuốn sách của ông đã được tiếp nhận nồng hậu, nhờ lối văn đơn giản bằng tiếng bản quốc (loại bỏ những chi tiết tranh luận của Kinh viện) và lợi dụng ngành in mới ra đời. Sách Katechismus giữ một vai trò quan trọng trong phái Tin lành, đến nỗi hầu như lấn át địa vị độc tôn của Kinh thánh (sola Scriptura) mà Lutêrô gắng công bênh vực. Nên ghi nhận là các hệ phái Cải Cách khác cũng xuất bản các sách catechismus, đặc biệt là Jean Calvin.[13] Trước sự chia rẽ giữa hai hệ phái, hoàng đế Feđêricô III (nước Đức) đã tìm cách thỏa hiệp trong cuốn sách Heidelberger Katechismus (1563), được coi như văn kiện nền tảng của phong trào Cải cách.
2. Công giáo
Trước sự thành công của Lutêrô, cha Petrus Canisius SJ đã lần lượt cho xuất bản bên Đức ba quyển sách: Summa doctrinae christianae (1555) dành cho các học sinh sắp tốt nghiệp trung học; Catechismus minimus (1556) dành cho những người thất học; Parvus catechismus catholicorum (1559) dành cho các học sinh trung học; về sau, vào năm 1566, cuốn Summa được viết lại và khai triển Catechismus maior dùng làm giáo khoa dành cho các cha sở và giáo lý viên nghiên cứu. Sách này được chia làm hai phần chính: phần đầu, tựa đề “Sapientia christiana”, bàn về đức tin và tín biểu, đức cậy và kinh Lạy Cha Kính mừng, đức mến và thập giới các bí tích; phần thứ hai, tựa đề “Iustitia christiana” bàn về những nết xấu cần tránh và những điều tốt cần làm (nhân đức, các mối thương người, các mối phúc thật, vv).
Cũng trong khoảng thời gian ấy, tại Tây-ban-nha, nhiều quyển catechismus ra đời, mang tên là Catechismo hoặc Doctrina christiana của các tác giả Juan de Valdes, Constantino Ponce de la Fuente, Domingo de Soto, Juan de Avila, Bartolomé Carranza.
Cuốn Catechismus chính thức của Giáo hội công giáo được phát hành vào năm 1566 theo lệnh của công đồng Trentô (1545-1563) mang tựa đề Catechismus Romanus hoặc Catechismus ad parochos. Cuốn sách được chia làm bốn phần: 1. đức tin và kinh Tin kính (13 chương); 2. các bí tích (8 chương); 3. mười điều răn (10 chương); 4. sự cầu nguyện và kinh Lạy Cha (17 chương). Ta có thể phân tích cấu trúc của nó theo hai chiều: hai phần đầu bàn về những sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ (fides quae); hai phần cuối nói đến sự đáp trả của con người (fides qua). Nguyên bản bằng tiếng Latinh đã được dịch sang các tiếng Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Pháp.
Cuốn sách Catechismus Romanus được coi như là một sách cung cấp những đạo lý căn bản về đức tin dùng làm sách tham khảo cho những catechismus khác. Trên thực tế, liền sau đó nhiều cuốn catechismus khác được soạn thảo, nổi tiếng nhất là các sách của Roberto Bellarmino lưu hành bên Ý, gồm hai cuốn: Dottrina cristiana breve (1597) gồm 96 câu hỏi thưa, và Dottrina cristiana (1598) được quảng diễn rộng thêm với 273 câu hỏi thưa.
Tóm lại, kể từ cuối thế kỷ XVI, các sách catechismus mang ý nghĩa vẫn còn được dùng cho đến nay, tức là một cuốn sách tóm lại những chân lý căn bản của đạo Kitô. Điều đáng tiếc là chúng ra đời trong bối cảnh tranh luận với Tin lành, cho nên thường mang tính cách biện luận. Cũng trong bối cảnh ấy, văn thể gồm những khẳng định thần học, ít trích dẫn Kinh thánh.
3. Thế kỷ XVII-XX
Điều đáng ghi nhận trong thế kỷ XVII là những sách giáo lý được soạn cho những miền truyền giáo ở Á châu: Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, với những nỗ lực hội nhập văn hóa.[14]
Tại Âu châu, đứng trước những cuộc cách mạng văn hóa xã hội, nhiều giáo phận đã soạn ra các sách giáo lý ngắn gọn, tìm cách giúp cho các giáo dân hiểu biết đức tin trong hoàn cảnh mới.
Vào lúc họp Công đồng Vaticanô I, đã có nhiều đề nghị soạn ra một cuốn sách giáo lý chung cho toàn Hội thánh. Vài lược đồ đã được soạn thảo, nhưng chưa được bỏ phiếu bởi vì công đồng bị gián đoạn.
Sang thế kỷ XX, đức thánh cha Piô X đã cho xuất bản một sách giáo lý cho giáo phận Rôma Catechismo Maggiore (năm 1905) nội dung ngắn với 433 câu hỏi thưa, chia làm ba phần Đức tin (kinh Tin kính), Luân lý (Mười điều răn), Ơn thánh.
4. Từ công đồng Vaticanô II
Vấn đề soạn thảo một cuốn sách giáo lý chung lại được đưa ra tại công đồng. Nhưng xét vì nhiều điều kiện khác nhau tại các quốc gia, cho nên công đồng chấp nhận đề nghị soạn một bản Kim chỉ nam huấn giáo để hướng dẫn các Hội đồng Giám mục soạn thảo sách giáo lý riêng (Christus Dominus, số 44). Quyết định này được Bộ Giáo sĩ thực thi với việc xuất bản “Kim chỉ nam huấn giáo” (Directorium catechisticum generale) năm 1971, gồm những nguyên tắc, quy luật, tiêu chuẩn và nội dung cốt yếu cho việc soạn thảo các sách giáo lý.[15]
Dù sao một hiện tượng đáng ghi nhận là sự rộ nở các sách giáo lý sau công đồng, do tư nhân, các nhóm biên khảo, và đặc biệt là các Hội đồng Giám mục.
Cuốn sách đã gây ra nhiều tranh cãi hơn cả sách Giáo lý của Hội đồng Giám mục Hòa Lan (De nieuwe katechismus) được xuất bản năm 1966, một năm sau khi công đồng bế mạc. Cuốn sách này dành cho người lớn, không những muốn trình bày các chân lý thần học, nhưng còn muốn cống hiến một sứ điệp để sống và một con đường để theo. Dựa trên nguyên tắc trở về các nguồn gốc đức tin (mặc khải), cuốn sách này đặt lại vấn đề vài tín điều vốn được Truyền thống chấp nhận. Nhờ cách trình bày mới mẻ, cuốn sách đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ chính và đã gây xôn xao cho dư luận, khiến cho Tòa Thánh phải đặt một ủy ban hồng y để duyệt xét.
Dù sao, từ năm 1970 trở đi, nhiều Hội đồng Giám mục đã soạn các sách giáo lý cho nhiều cấp khác nhau, đặc biệt là các sách giáo lý dành cho người lớn, chẳng hạn như tại Âu châu: Il catechismo degli adulti (Italia 1981), Katholischer Erwachsenen-Katechismus. Das Glauben-bekenntnis der Kirche (Đức 1985), Esta es nuestra fe (Tây ban nha 1986), Livre de la Foi (Bỉ 1987), Catéchisme pour adultes (Pháp 1991).
Dầu vậy, tại các Thượng hội Đồng Giám mục bàn về việc Loan báo Tin Mừng (1974) và Huấn giáo, vẫn nảy lên đề nghị soạn một sách giáo lý chung cho toàn thể Giáo hội. Sau cùng tại Thượng Hội đồng Giám mục được triệu tập năm 1985 để cử hành 20 năm bế mạc công đồng, các nghị phụ đã biểu quyết chấp thuận đề nghị soạn một sách giáo lý hoặc một bản toát lược đạo lý công giáo liên quan đến tín lý và luân lý.[16]
Công việc soạn thảo Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo kéo dài từ năm 1986 đến 1992, được trao cho một ủy ban 12 Hồng y dưới sự điều động của Hồng y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng bộ Giáo lý Đức tin. Cộng tác với các hồng y là một ủy ban soạn thảo gồm 7 giám mục giáo phận và các chuyên viên. Từ tháng 2 năm 1989, dự thảo đã được gửi đến các giám mục để tham khảo ý kiến, và cho đến tháng 10 năm 1990 đã có 938 ý kiến phản hồi (16 từ các cơ quan Tòa Thánh, 797 từ các giám mục riêng rẽ, 28 hội đồng giám mục, 23 nhóm giám mục thay mặt cho 295 giám mục, 12 học viện thần học, 62 ý kiến khác). Đức thánh cha Gioan Phaolô II ban hành Catechismus Ecclesiae Catholicae với tông hiến Fidei depositum ngày 11/10/1992.[17] Nội dung gồm bốn phần: tuyên xưng đức tin (kinh Tin kính), cử hành đức tin (các bí tích), sống đức tin (các điều răn), cầu nguyện (kinh Lạy Cha), với tỉ lệ phân phối khác nhau: phần thứ nhất 34 %, phần thứ hai 23%, phần thứ ba 27%, phần thứ bốn 11%.[18]
Năm năm sau khi Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã ra đời, Bộ Giáo sĩ đã xuất bản “Kim chỉ nam tổng quát về huấn giáo” (15/8/1997). Văn kiện này vừa cập nhật Kim chỉ nam năm 1971, vừa xác định lại vị trí và vai trò của những sách giáo lý thuộc nhiều cấp độ.
Dưới khía cạnh pháp lý, chúng ta có thể phân sách Giáo lý làm hai loại: “công” (chính thức) và “tư” (không chính thức). Các sách Giáo lý “công” được soạn thảo cho các giám mục, mang tính cách chính thức cho Giáo hội hoàn vũ, hoặc cho giáo phận. Các sách giáo lý khác được gọi là “tư” (bao gồm không những là cách sách vở, mà các bản hướng dẫn, các hình ảnh, băng đĩa, vv).
Trong các sách Giáo lý “công” cũng cần phân biệt sách Giáo lý “chung” cho toàn thể Hội thánh, và các sách Giáo lý “riêng” cho mỗi địa phương. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (“chung”) cung cấp quy luật chắc chắn trong việc giáo huấn đức tin, bảo đảm cho sự duy nhất đức tin và sự trung thành với đạo lý công giáo. Các sách Giáo lý “riêng” tìm cách đưa Lời Chúa xuống với hoàn cảnh cụ thể của con người, thích nghi vào các nền văn hóa, tuổi tác, những điều kiện xã hội của họ (xc. Kim chỉ nam số 131-135). Giữa sách Giáo lý “chung” và các sách Giáo lý “riêng” có một sự thống nhất hòa hợp tựa như một bản âm hưởng với nhiều nhạc cụ và giọng ca.
Vào thời nay, danh từ Catechismus được lưu dụng không những trong Giáo hội Công giáo mà cả bên các Giáo hội ngoài Công giáo, thậm chí cả trong lãnh vực trần thế, để ám chỉ một loại sách tóm tắt những câu hỏi căn bản của một vấn đề (FAQ).
Riêng đối với Giáo hội Công giáo, khi đọc lại lịch sử của 5 thế kỷ vừa qua, người ta nhận thấy rằng tuy mang một tựa đề nhưng có nhiều lối biên soạn khác nhau. Trong quá khứ, nó mang tính cách hộ giáo (nhằm giúp chống lại những điều sai lầm của Tin lành), nhấn mạnh đến những gì là đặc trưng của đức tin Công giáo, với khuynh hướng đề cao giáo huấn của Huấn quyền hơn là Kinh thánh. Ngày nay, người ta nhận thấy sự cần thiết không những phải dựa vào Kinh thánh nhiều hơn, nhưng đồng thời cũng cần quan tâm đến “câu hỏi” mà thời đại đặt ra: sách giáo lý muốn đem lại “trả lời” cho những điều mà con người đang tìm kiếm. Nói cách khác, sách giáo lý vừa mang chiều kích “thần luận” (mạc khải về Thiên Chúa) vừa mang chiều kích “nhân luận” (những băn khoăn của con người).
Sách Giáo lý cần cung cấp những yếu tố căn bản của đạo lý đức tin: các chân lý gồm trong kinh Tin kính, sự cử hành đức tin trong phụng vụ và cầu nguyện, những định hướng cuộc sống theo Tin Mừng. Sách Giáo lý là một thủ bản trình bày những điều cốt yếu của Kitô giáo dành cho ai muốn tìm hiểu. Đồng thời sách Giáo lý còn là một phương tiện để truyền thông đức tin. Để giữ đúng vai trò này, sách Giáo lý cần đến một cộng đồng chứng nhân. Nó cần được truyền thụ không chỉ như một sách giáo khoa (để học thuộc lòng) nhưng còn nhờ chứng tá sống động của giáo-lý-viên và sức sống đạo của cộng đồng tín hữu. Catechismus cần đến catechesis, nếu không thì chỉ là những trang chữ chết.
III. Catechetica
Trong hai mục trên đây, chúng ta đã theo dõi sự tiến triển của catechesis và catechismus: catechismus là một phương tiện của catechesis. Bây giờ chúng ta bước sang mục thứ ba, catechetica là một môn học nghiên cứu về catechesis, về cách thức thực hành huấn giáo. Trước hết chúng ta sẽ điểm qua lịch sử của môn này, kế đến, chúng ta sẽ giới thiệu sơ qua nội dung của nó, cũng như những vấn đề liên quan đến căn cước và phương pháp.
A. Lịch sử
Giáo hội đã thực hành hoạt động huấn giáo từ lâu, nhưng ít khi có cơ hội để suy tư về nội dung và phương pháp của nó. Vào thời các giáo phụ, có lẽ chỉ có thánh Augustinô là người duy nhất làm chuyện đó với cuốn De catequizandis rudibus (năm 399) và phải chờ đến một ngàn năm sau, vào cuối thời Trung cổ, mới thấy một cuốn sách luận về phương pháp dạy đạo của G. Gerson, Tractatus de parvulis trahendis ad Christum (1406), nhưng chưa nói được là khảo luận về phương pháp huấn giáo.
Môn huấn giáo ra đời vào cuối thể kỷ XVIII, khi nữ hoàng Maria Têrêsa ra lệnh dạy môn này trong các trường thần học thuộc Đế quốc Áo-Hung, như một môn biệt lập hoặc như một phần của thần học mục vụ. Trên thực tế, môn này thực sự được phát triển vào cuối thế kỷ XIX nhờ “phong trào huấn giáo”, nghĩa là sự rộ nở của những ý tưởng, thao thức muốn canh tân việc dạy giáo lý, do ảnh hưởng của những trào lưu sư phạm và tâm lý. Dần dần, môn huấn giáo không chỉ là một ngành của thần học mục vụ (dành cho các giáo sĩ) nhưng trở thành một môn học tự trị, đôi khi được đặt tên là “sư phạm giáo lý” (bên Đức: Religionspaedagogik).
Dưới khía cạnh pháp lý về phía Giáo hội, chúng ta hãy ôn lại vài mốc điểm trong thế kỷ XX. Tại Hội nghị về Huấn giáo toàn quốc (Italia) họp tại Piacenza năm 1889, đức cha Scalabrini đề nghị mở ra một môn học catechetica tại các chủng viện. Phải chờ đến ngày 8/9/1926, mới có thông tư của Thánh bộ Chủng viện De Catechetica Disciplina in sacris Seminariis impense excolenda, truyền mở một môn học cách thức dạy giáo lý cho các thiếu nhi và người lớn (AAS 18, 1926, 453-455). Thông tư Quod catholicis (18/8/1929) nhấn mạnh việc dạy môn học này trong tất cả các chủng viện, và nêu bật tầm quan trọng của nó, xét vì do thiếu đào tạo cho nên việc dạy giáo lý rất tồi tệ (AAS 22, 1930, 146-148). Thông tư La formazione (25/12/1944) quy định rằng: a) trong hai năm triết học, mỗi tuần dạy 2 tiết về sư phạm tổng quát và sư phạm giáo lý; b) bên Thần học, trong 4 tiết về Thần học mục vụ, phải dành 2 tiết cho môn Catechetica (AAS 37, 1945, 173-176). Cho đến ngưỡng cửa công đồng, ngày 3/9/1963, Bộ chủng viện lại ra một thông tự nữa Mentre in ogni, lặp lại tầm quan trọng của môn Catechetica trong các chủng viện.
Sau công đồng Vaticanô II, cũng như nhiều ngành khác của thần học mục vụ, môn huấn giáo không còn bị đóng khung trong các chủng viện nhưng được giảng dạy tại nhiều trường chuyên biệt, với nhiều tên gọi khác nhau: sư phạm huấn giáo, sư phạm giáo lý, sư phạm Kitô giáo, phương pháp giáo lý, mục vụ huấn giáo, vv. Những tên gọi khác nhau nói lên những lối tiếp cận khác nhau trong việc định hình cho môn học này.
B. Căn cước
Mọi người đều đồng ý rằng catechetica là môn học về phương pháp catechesis. Sự khác biệt quan điểm bắt nguồn từ chỗ suy nghĩ về những chiều kích phong phú của catechesis cũng như những đường hướng áp dụng. Thật vậy, nếu chỉ hiểu catechesis như là dạy đạo theo nghĩa là truyền thụ vài chân lý đức tin, thì câu chuyện sẽ đơn giản; nhưng nếu hiểu catechesis là truyền thụ đời sống đức tin thì sẽ nảy ra rất nhiều vấn đề: sống đức tin bao hàm không chỉ là học hiểu đạo, mà còn hành trình dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa trong Hội thánh, và diễn tả ra cuộc đời chứng tá trong những môi trường sinh sống thường nhật. Điều này giả thiết rằng đức tin vừa là “Tri” vừa là “Hành”, và việc truyền thụ đức tin cũng đòi hỏi hai khía cạnh đó.
Hiểu như vậy, cần phải chấp nhận nhiều đường lối tiếp cận, nhiều chuyên ngành, xét vì những khác biệt không tại nội dung của đức tin, nhưng tại vì môi trường tiếp nhận đức tin, cũng như những điều kiện của người học hỏi giáo lý. Câu hỏi về căn cước sẽ ảnh hưởng tới câu hỏi về phương pháp sẽ nói dưới đây.
C. Nội dung môn học
Có nhiều cách thức phân chia nội dung của bộ môn catechetica.
1. Một vài tác giả chia làm ba phần: a) nền tảng (nghiên cứu về những điều kiện nền tảng của hoạt động huấn giáo, và xác định căn tính của nó); b) chất thể (materialis: nội dung của việc huấn giáo, những đề tài chính, những nguồn mạch); c) hình thức (formalis: những khía cạnh liên quan đến phương pháp, sư phạm, cơ cấu, tác nhân, chương trình).[19]
2. Vài tác giả khác muốn chia làm hai phần: a) nền tảng (hay tổng quát); b) chuyên biệt, nhằm tới những hạng người khác nhau (tùy theo tuổi tác: thiếu nhi, thanh niên, người lớn, khuyết tật, trí thức,..) hoặc tùy theo những môi trường truyền thụ (gia đình, trường học, giáo xứ, hội đoàn).[20]
3. Chúng ta có thể xem cuốn Kim chỉ nam tổng quát về huấn giáo do Bộ giáo sĩ ban hành năm 1997 (dày hơn 300 trang) như một thứ “Huấn giáo tổng quát” (catechetica generalis x. số 11). Nội dung gồm năm phần:
Phần I bàn về catechesis trong sứ mạng loan báo Tin Mừng (khái niệm về mạc khải và lưu truyền mạc khải; vai trò của catechesis trong tiến trình loan báo Tin Mừng; bản chất, mục tiêu và những nhiệm vụ của nó).
Phần II trình bày sứ điệp Tin Mừng (những nguồn mạch sứ điệp; những tiêu chuẩn trình bày sứ điệp); kế đó là sự hòa hợp giữa Sách Giáo lý chung với các sách Giáo lý địa phương.
Phần III bàn về sư phạm dạy đức tin (sư phạm của Thiên Chúa; khoa sư phạm)
Phần IV bàn về những đối thể của huấn giáo: xếp theo tuổi (người lớn, thiếu nhi, thanh niên, người cao niên), xếp theo những hoàn cảnh đặc biệt (những người khuyết tật, những người bị bỏ rơi, những nhóm nghề nghiệp, dựa theo môi trường địa lý), xét theo khung cảnh tôn giáo (tôn giáo bình dân, đạo Do thái, các tôn giáo khác, đại kết); sau cùng là vấn đề ngôn ngữ và văn hóa.
Phần V nói về việc tổ chức catechesi trong mỗi giáo phận (những người có trách nhiệm; việc đào tạo; những nơi và thời; các cơ cấu).
D. Phương pháp
Trải qua lịch sử, Giáo hội đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để truyền thụ đức tin, như đã thấy trong mục thứ nhất. Ở đây, chúng tôi muốn bàn cách riêng về phương pháp dạy giáo lý, dựa theo những kinh nghiệm của khoa tâm lý và sư phạm, đặc biệt là trong thế kỷ XX. Nói đến phương pháp của một môn học, người ta có thể nghĩ đến “phương pháp luận” (methodologia, epistemologia) của nó, bao gồm các kỹ thuật hiểu biết và phân tích thực tại (tâm lý, xã hội, lịch sử); những dụng cụ giải thích và biện phân (triết học và thần học); những phương pháp phác thảo và tổ chức (phương pháp mục vụ, sư phạm); những kỹ thuật diễn tả, thông đạt, kích động nhóm, lượng định. Trước khi đi đến những kết luận tổng quát ấy, thiết tưởng nên ôn lại việc phân tích các phương pháp giảng dạy giáo lý hồi giữa thế kỷ XX, mở đầu cho cuộc canh tân môn catechetica.
1. Phương pháp giảng dạy
Trong lịch sử cận đại bên châu Âu, người ta đã lần lượt áp dụng nhiều phương pháp khi dạy giáo lý.
a) Phương pháp học thuộc lòng: bắt buộc các em (và các dự tòng) phải học thuộc lòng bản văn, và sau đó trả bài. Nếu chỉ áp dụng thuần túy phương pháp này, thì huấn giáo mất hết ý nghĩa của nó. Đức tin không phải chỉ là những câu văn.
b) Phương pháp giải thích bản văn: trước hết, học viên phải học thuộc lòng bản văn; sau đó giáo lý viên giải thích các lời lẽ của đạo lý, và áp dụng vào đời sống qua các thí dụ.
c) Phương pháp tâm lý, cũng gọi là phương pháp Munich, được phát triển do A. Weber và H. Stieglitz. Gọi là “tâm lý” bởi vì sử dụng tiến trình của tâm lý, đi từ đặc thù đến phổ quát, đi từ xem – suy – làm, qua năm bước:
– Chuẩn bị bằng cách ôn lại bài cũ, cho thấy sự mạch lạc giữa các đề tài.
– Trình bày, kể chuyện Tân Ước hoặc Cựu Ước, hạnh các thánh, gương tốt, dụ ngôn, có liên quan đến đề tài.
– Giải thích, đi từ câu chuyện, người ta đi đến một đạo lý chung, và giải thích, chứng minh, và dùng đến những lời sẽ được xuất hiện trong bản văn.
– Tóm tắt bài học, giải thích bản văn sách giáo lý; và sau khi đã hiểu rồi thì học một công thức tóm lược đạo lý.
– Áp dụng, đi từ ý tưởng tổng quát xuống những trường hợp cụ thể, đem ra áp dụng; hơn thế nữa, tìm cách thúc giục yêu mến và bắt chước Chúa Giêsu. Như vậy là đi từ chỗ biết chân lý đến chỗ tin và sống. Bài học kết thúc với lời cầu nguyện; học viên vận dụng tất cả các khả năng tâm lý: giác quan, tưởng tượng, trí tuệ, ký ức, tâm tình, ý chí.
Những nhận xét vừa rồi đã lưu ý rằng nên đi từ những trường hợp cụ thể đến tổng quát (theo phương pháp quy nạp) thay vì ngược lại (theo phương pháp diễn dịch).
d) Cũng trong chiều hướng này, ta có thể kể thêm phương pháp hoạt động (pédagogie active), được cổ động bên Pháp, Tây ban nha. Theo một nguyên tắc của Dewey là học cần đi đôi với hành (learning by doing), các nhà giáo dục cũng nêu bật tầm quan trọng việc “hành động” trong việc học đạo. Đối với các em, đó là việc cử hành các buổi lễ, tham gia các công cuộc bác ái, huấn luyện lương tâm.
Nói chung, những nhận xét này được giới hạn vào môi trường dạy giáo lý cho các trẻ em; nhưng môn huấn giáo không chỉ giới hạn vào môi trường ấy. Như đã nói trên, môn huấn giáo dành cho toàn thể Dân Thiên Chúa.
2. Phương pháp soạn thảo
a) Việc canh tân phương pháp giảng dạy cũng mang theo việc canh tân nội dung giảng dạy, và cũng khởi hành từ bên Đức rồi lan rộng sang các quốc gia khác. Hai nhà tiên phong của cuộc canh tân này là J. A. Jungmann (Die Frohbotschaft und unsere Verkündigung, 1936) và H. Rahner (Eine Theologie der Verkündigung, 1939). Việc huấn giáo không phải là sự truyền bá một hệ thống các đạo lý hay nghĩa vụ luân lý, nhưng là loan báo sứ điệp Kitô giáo. Giáo lý viên không phải là một giáo sư nhưng là một chứng nhân loan truyền một sứ điệp mà trung tâm là Chúa Kitô. Nội dung của việc huấn giáo là “kerygma”: Đức Kitô, nhờ cái chết và phục sinh, đã ban ơn cứu độ cho nhân loại. Việc dạy giáo lý phải sử dụng những ngôn ngữ mà sứ điệp ấy đến với chúng ta: kinh thánh, phụng vụ, đạo lý, chứng tá.
Công đồng Vaticanô II trình bày về Chúa Kitô, đặc biệt trong hiến chế Dei Verbum; mặt khác công đồng cũng chú ý đến con người như là đối thể của mạc khải. Chiều kích này được khai triển sau công đồng với các khuynh hướng “cảm nghiệm”, “giải phóng.”
b) Huấn giáo “cảm nghiệm”. Không những lời Chúa hướng đến con người, nhưng Lời Chúa đã trở thành con người, nhập thể vào những sự kiện, hoàn cảnh con người. Từ đó, một khuynh hướng huấn giáo muốn khám phá sứ điệp mà Thiên Chúa hướng đến con người khởi từ cuộc sống, làm thế nào để học viên nhận ra sứ điệp ấy nơi những biến cố cuộc đời mình; có như vậy, sứ điệp ấy mới trở thành tin mừng đối với họ và làm biến đổi đời họ.
Phương pháp này có lợi điểm là tập “đọc” được lời Chúa từ cuộc sống của mình; nhưng nguy cơ là rơi vào sự chủ quan, đồng hóa cảm nghiệm Kitô giáo với những cảm xúc hời hợt và đánh mất những câu hỏi siêu việt.
c) Huấn giáo “giải phóng”. Đối lại với khuynh hướng “cảm nghiệm” nặng màu sắc tâm lý, một khuynh hướng khác nảy sinh từ Medellin (1968) muốn nhấn mạnh đến chiều kích xã hội của con người. Con người mà sứ điệp Chúa hướng đến không phải là con người trừu tượng, nhưng là con người sống trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể. Vì thế việc huấn giáo cần phải quan tâm đến những hoàn cảnh sinh sống của con người: lịch sử của con người trở thành lịch sử cứu độ.
Phương pháp này có lợi điểm là cho thấy rằng ơn cứu độ cắm rễ trong lịch sử của con người, nhưng nguy cơ là đồng hóa ơn cứu độ với những cuộc giải phóng chính trị xã hội.
Những dè dặt đối với các khuynh hướng vừa kể giúp chúng ta hiểu phần nào lý do các văn kiện Tòa Thánh từ thập niên 80 muốn trình bày nội dung huấn giáo cách toàn diện, chú trọng đến Lời Chúa dành cho con người, sống trong những điều kiện lịch sử và xã hội cụ thể. Lời Chúa hướng đến con người, và con người cũng đi tìm những giải đáp cho những vấn đề hiện sinh của mình.[21]
3. Phương pháp luận của môn huấn giáo
Vấn đề phương pháp cũng có thể đặt ra dưới một khía cạnh khác, có liên quan tới căn tính của môn học: đâu là vị trí của môn huấn giáo giữa các môn học khác? Cần phải xác định căn cước (như là mục tiêu) rồi mới có thể bàn đến phương pháp (như là dụng cụ).
a) Đã có nhiều ý kiến được nêu lên, và có thể gom vào hai nhóm chính.
– Theo quan điểm cổ truyền, môn huấn giáo được xếp vào ngành thần học, bởi vì mục tiêu của nó là giáo dục đức tin. Vì thế cần nhấn mạnh đến khía cạnh đạo lý, truyền thống đức tin của Giáo hội. Dần dần, ngay trong nội bộ của thần học, nó được chuyển từ “thần học hệ thống” sang “thần học mục vụ”: môn huấn giáo là một ngành của thần học mục vụ, bởi vì nó nhắm tới việc sống đạo chứ không chỉ học đạo.
– Một khuynh hướng khác nhấn mạnh đến khía cạnh sư phạm hơn là khía cạnh thần học. Theo họ, môn huấn giáo được đặt trong những ngành giáo dục sư phạm, mà mục tiêu là đào tạo con người. Việc đào tạo toàn diện bao gồm lãnh vực trí tuệ cũng như tình cảm và hành động. Môn huấn giáo là một thành phần quan trọng trong việc đào tạo ấy. Việc đào tạo nhắm đến giúp cho con người được trưởng thành. Hiểu như vậy, cần lưu ý đến điều kiện của người thụ huấn nhiều hơn nội dung đạo lý.
Thật khó mà khẳng định ai đúng ai sai. Cả hai khuynh hướng đều nằm trong bản chất của khoa huấn giáo, một môn học vừa nhằm đào tạo sự hiểu biết vừa nhằm đào tạo quan niệm sống. Vì thế cần phải phối hợp những phương pháp của thần học với những phương pháp của nhân học (tâm lý học, xã hội học, giáo dục sư phạm).
b) Phương pháp giảng dạy hay phương pháp giảng viên?
Như vậy, căn tính độc đáo của môn huấn giáo nằm ở chỗ kết hợp giữa phương pháp của thần học với phương pháp giáo dục sư phạm. Có người còn muốn một đặc tính khác như là hệ luận, đó là căn tính của “giáo lý viên” (catechista). Giáo lý viên không chỉ truyền thụ cho học viên những kiến thức (kèm theo những phương pháp sư phạm), nhưng còn truyền lại cảm nghiệm đức tin của mình. Thật vậy, đối tượng của môn huấn giáo không phải là những kiến thức nhưng là đới sống trong Chúa Kitô: đây là một sứ điệp sống, và giáo lý viên muốn trao lại kinh nghiệm sống của mình cho các học viên. Giáo lý viên trở thành chứng tá của đức tin cũng như chứng tá của cộng đoàn đức tin là Hội thánh.
Về phương diện này, thiết tưởng cần nhắc đến một văn kiện của Bộ Loan báo Tin Mừng ngày 3/12/1993 với tựa đề “Hướng dẫn các giáo lý viên” (Guia per i catechisti), bàn về ơn gọi, căn cước, linh đạo của các giáo lý viên, đặc biệt tại các vùng truyền giáo, cũng như việc tuyển chọn, đào tạo và trợ cấp cho họ.
Kết luận
Chúng ta đã nhìn lại lịch sử của ba từ ngữ catechesis – catechismus – catechetica. Ba từ ngữ có họ hàng với nhau, và ra đời theo thứ tự tôn ti.
Catechesis đã xuất hiện từ thời các giáo phụ, và ám chỉ toàn thể hoạt động huấn giáo của Giáo hội: vào lúc đầu nó được hiểu theo nghĩa chặt là huấn giáo dành cho các dự tòng; đến khi chế độ dự tòng không còn nữa thì chuyển sang cho việc huấn giáo dành cho những người lớn đã rửa tội hoặc cho các thiếu nhi chuẩn bị rước lễ. Ngày nay, có những khuynh hướng mở rộng hạn từ này cho toàn thể hoạt động giúp cho tín hữu hiểu biết sâu hơn về đạo lý để đạt được sự trưởng thành đức tin.
Catechismus ra đời muộn hơn, từ hồi thế kỷ XVI: vào lúc đầu nó ám chỉ toàn thể hoạt động huấn giáo của Giáo hội, gồm việc huấn giáo tại gia đình, lớp học, nhà thờ. Về sau, nó được dùng để chỉ cuốn sách tóm lược những điều cần biết về đạo lý Kitô giáo.
Catechetica là môn học về phương pháp huấn giáo. Tuy đã được ghi vào chương trình các chủng viện từ thế kỷ XVIII, nhưng sang thế kỷ XX nó mới trở thành một môn học chuyên biệt: nó không chỉ là một ngành của thần học mục vụ, nhưng còn muốn liên kết với các ngành sư phạm giáo dục, để trở thành môn “mục vụ huấn giáo”, “sư phạm tôn giáo”. Dù sao, bên cạnh việc kết nạp phương pháp thần học và phương pháp sư phạm, điều đáng quan tâm hơn nữa là đối tượng của huấn giáo không chỉ gồm những kiến thức mà còn là sứ điệp sống động là Chúa Kitô. Giáo lý viên trở thành chứng tá của niềm tin của Giáo hội và truyền thụ kinh nghiệm ấy.
Như đã nói ở đầu, chúng tôi giữ nguyên ngữ của các từ này để cho thấy sự liên hệ về tư tưởng. Trong tiếng Việt, ba từ vừa rồi thường được dịch là “huấn giáo, sách giáo lý, môn huấn giáo”. Tuy nhiên trong quá khứ, xem ra trọng tâm được đặt ở “sách giáo lý” mà nội dung là các đạo lý của Hội thánh,[22] và như vậy thứ tự hệ trật bị đổi ngược: người ta lấy “sách giáo lý” làm căn bản, rồi từ đó dẫn đến việc “dạy giáo lý” (nghĩa là dạy sách giáo lý), và phương pháp hầu như là học thuộc lòng. Thế nhưng theo lịch sử, người ta khởi đi từ catechesis (với nhiều hình thức) và sử dụng catechismus chỉ như là một trong nhiều phương tiện. Catechesis, xưa cũng như nay, được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau.
_______
[1] “Quả thật, với thời gian, đáng lẽ anh em đã phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa: thay vì thức ăn đặc, anh em lại phải cần dùng sữa. Thật vậy, phàm ai còn dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con... Gác qua một bên giáo huấn sơ đẳng về Đức Kitô, chúng ta hãy vươn tới trình độ trưởng thành mà không trở lại những điều căn bản...” (Dt 5,12-13; 6,1).
[2] Chứng tích nơi các tác phẩm của Tertullianô, Cyprianô, Clementê Alexandria, và cách riêng là Hippolitô, Traditio Apostolica
[3] Chẳng hạn như: Điđakhê 1-6; Thư Barnabê 18-20.
[4] Chẳng hạn như nơi thánh Giustinô, I Apologia 13,1-3; Demonstratio 6-7.
[5] Nói cho đúng, những chuyện trở lại đạo của cả đám đông xảy ra vào thời “dân man di”: khi một tù trưởng trở lại đạo thì cả bộ lạc cũng được rửa tội theo, không còn phải học đạo lâu như trước nữa.
[6] Summa Theologica, III q. 71 a. 4. Đoạn này nằm trong phần chuẩn bị cử hành bí tích rửa tội. Nên biết là thánh Tôma đã dành mùa chay năm 1273 để giải thích cho các tín hữu ở Napoli kinh Tin kính (những điều phải tin), kinh Lạy Cha (những điều hy vọng), Mười giới răn (những điều yêu mến).
[7] Bộ Giáo sĩ, Kim chỉ nam tổng quát về huấn giáo (1997), số 51-52; 61-72.
[8] Nên biết là vào thời Trung cổ, Giáo hội không chỉ quan tâm đến việc giáo dục các thanh thiếu niên mà còn hàng giáo sĩ nữa. Nhiều công đồng đã buộc các giám mục mở trường học để dạy thần học cho các giáo sĩ. Dù sao, phải chờ đến công đồng Trentô mới có luật bắt buộc mở chủng viện tại mỗi giáo phận.
[9] Vài tác giả tiêu biểu: J. A. Jungmann 1936 E. X. Arnold 1948 (Đức); J. Colomb, M. Fargues 1946, F. Coudreau 1948, P. A. Liégé (Pháp).
[10] Như đã nói trên, hổi thế kỷ XI một cuốn sách của tác giả vô danh mang tựa đề là Elucidarium (có nghĩa là soi sáng những điều tối tăm). Dưới hình thức đối thoại giữa học trò và thầy giáo (hỏi – đáp), tác giả lần lượt trình bày tóm tắt lịch sử cứu độ (quyển I), nêu lên những khó khăn trong đời sống đạo (quyển II), giải thích cánh chung (quyển III). Thể văn “hỏi thưa” trở thành phổ thông trong các sách giáo lý thời cận đại.
[11] Nội dung: giải thích kinh Tin kính, các bí tích, các giới lệnh đức ái, bảy mối tội đầu, bảy nhân đức căn bản.
[12] Có lẽ Luterô dựa theo một cuốn sách tương tự của A. Althamer xuất bản ở Nuremberg năm 1528 với tựa đề Katechismus in Frag und Antwort (Giáo lý hỏi thưa).
[13] Tuy Calvin không đặt tên là Catéchisme nhưng nội dung tương tự như các sách thuộc loại ấy: Institutio religionis christianae (1536), lnstruction et confession de foi dont on use dans l'Église de Genéve (1537), Ordonnances ecclésiastiques - Formulaire d'instruire les enfants en la chrétienté (1541).
[14] Các sách giáo lý đầu tiên dành cho các dân tộc châu Á, của các cha Roberto de Nobili, Alessandro Valignano, Michele Ruggieri, Matteo Ricci. Riêng nước Việt Nam, cha Alexandre de Rhodes đã viết quyển Cathechismus pro iis qui volunt suscipere baptismum in octo dies divisus, bằng tiếng Latinh và tiếng Việt (“Phép giảng tám ngày”).
[15] Thật ra văn kiện cung cấp nhiều chỉ dẫn về hoạt động catechesi, chứ không chỉ đưa ra những chỉ dẫn về nội dung đạo lý. Xét vì cuốn Kim chỉ nam 1971 đã được cập nhật bởi Kim chỉ nam 1997, cho nên không cần dài dòng ở đây.
[16] “Valde communiter desideratur catechismus seu compendium totius doctrinae catholicae, tam de fide quam de moribus, conscribendum, quod quasi punctum referentiae sit pro catechismis seu compendiis in diversis regionibus componentur”. Relatio finalis, II, B, a, 4.
[17] Nên biết là bản văn đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Pháp: Catechisme de l’Eglise Catholique. Năm năm sau đó (ngày 15/8/1997), bản chính thức tiếng Latinh mới được ban hành với vài sửa chữa với tông thư Laetamur magnopere. Ngoài ra một bản tóm tắt (Compendium) cũng được soạn và phát hành vào năm 2005, dưới thời đức Bênêđictô XVI.
[18] Đối chiếu với tỉ lệ bốn phần sách Giáo lý công đồng Trento (Catechismus Romanus) là: 22%, 37%, 21%, 20%.
[19] H. HALEFAS, Catequética fundamental, Desclée de Brouwer, Bilbao 1974; W. NASTAINCZYK, Formalkatechetik, Seelsorge Verlag, Friburgo 1969
[20] J. J. RODRÍGUEZ MEDINA, Pedagogía de la fe, Sígueme, Salamanca 1972, 32-34.
[21] Xc. Kim chỉ nam tổng quát về huấn giáo, số 97-118. Sứ điệp Tin Mừng có trung tâm là Đức Giêsu Kitô. Việc loan báo Tin Mừng Nước Chúa là một hồng ân cứu độ mang theo sự giải phóng. Sứ điệp này được thực hiện trong Giáo hội, mang tính cách lịch sử, cần được hội nhập vào văn hóa, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.
[22] Catechismus đã được dịch sang tiếng Việt bằng nhiều từ: “Phép giảng” (cha Đắc Lộ), “Thánh giáo yếu lý” hoặc: “sách Bổn, sách Phần, sách Kinh Nghĩa”. Sách “giáo lý” dịch sát doctrina christiana hơn là catechismus. Có lẽ cha Đắc Lộ dịch đúng hơn: “phép giảng” dùng để “giảng đạo”. Một nhận xét nữa là thường các sách giáo lý được soạn cho những người đã được rửa tội, còn cha Đắc Lộ nhắm đến những người chưa rửa tội. Ngoài ra cũng cần nhắc đến một thứ “phép giảng” nữa, đó là trình bày đạo Chúa cho người ngoại, mà sách “Hội đồng tứ giáo” là một thí dụ; chúng tôi hy vọng sẽ giới thiệu vào dịp khác.