Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018

TỪ THIỀN ĐẾN LỜI CHÚA

Thời sự Thần học – Số 55, tháng 01/2012, tr. 224-251

Shigeto Oshida

Khi bàn đến đối thoại tôn giáo, chúng ta thường đứng trình bày đức Kitô cho tôn giáo khác (chẳng hạn Phật giáo). Cha Vincent Shigeto Oshida (1922-2003) O.P., người tự xưng là “một Phật tử đã gặp gỡ Đức Kitô”, đã đi theo chiều hướng ngược lại: từ Thiền đến gặp gỡ Đức Kitô: từ “Thiền” (chiêm niệm thinh lặng) đến gặp gỡ Đức Kitô Lời của Thiên Chúa. Hai bài dưới đây được đăng trên Monastic Interreligious Dialogue Bulletin, n.75, October 2005, http://www.monasticdialog.com/au.php?id=491. Phêny Ngân Giang O.P. chuyển ngữ.
– Bài thứ nhất, tựa đề “Thiền: Mầu nhiệm của Lời và Thực tại” (Zen: The Mystery of the Word and Reality), giải thích những khía cạnh khác nhau của Lời: từ “lời vẹt” (parrot word: lời của con vẹt), đến “lời ý tưởng” (word-idea), “lời biến cố” (word-event), “lời gặp gỡ” (wordencounter), “Lời-Thiên Chúa” (Word-God).

– Dựa theo bối cảnh ấy, trong bài thứ hai, cha trình bày đề tài “Loan báo Tin Mừng và Hội nhập văn hoá” (Evangelization and Inculturation). Tin Mừng là “lời biến cố” chứ không phải là “lời ý tưởng”; thay vì “hội nhập văn hoá” nên nói đến “gặp gỡ chiều sâu”.
Sinh trưởng trong một gia đình Phật giáo năm 1922, Oshida trở lại Kitô giáo lúc lên 20 tuổi. Anh giải thích lý do của việc chọn lựa này là bởi vì đã nhận thấy khuôn mặt nhân hậu của Chúa Kitô biểu lộ trên khuôn mặt của một thanh niên Kitô hữu người Đức. Hơn thế nữa, lớn lên trong truyền thống thinh lặng của Thiền đạo, anh khám phá nơi lời Đức Kitô xin tha thứ cho các kẻ bách hại mình như là “sự thinh lặng của sự thinh lặng”. Sau khi được rửa tội, anh muốn hiến dâng trọn đời cho Chúa Kitô và xin gia nhập Dòng Đaminh vào năm 1951. Trước và sau khi thụ phong linh mục, anh bị mắc bệnh lao, và phải cắt bỏ lá phổi bên phải. Một cộng đoàn thinh lặng và cầu nguyện đã thành hình từ kinh nghiệm của bệnh tật. Năm 1964, anh xin bề trên rút về làng Takamoni, gần núi Phú sĩ, để theo đuổi đời sống ẩn sĩ. Cha muốn chia sẻ nếp sống đơn giản với người lân cận, phân phối thời gian giữa lao động, thiền, phụng vụ. Cha qua đời ngày 6 tháng 11 năm 2003.

THIỀN: MẦU NHIỆM CỦA LỜI VÀ THỰC TẠI

“Tôi đến thế gian là để làm chứng cho Thực tại thuần tuý”.

I. Thực tại và Thiền


Tôi muốn bắt đầu với việc giải thích ý nghĩa của từ “Thiền”, vì lẽ người ta thường chỉ liên tưởng đến việc tọa Thiền (Zazen) hay một đặc tính nào của riêng Phật giáo. Tuy nhiên, hiểu như vậy là quá hạn hẹp, và nguyên nhân của sự gán ghép vừa nói là bởi vì không hiểu biết một vài sự kiện.

Về mặt tầm nguyên, từ “Thiền” phát xuất từ “Dhyana” tiếng Phạn. Chuyển sang tiếng Hoa, “Dhyana” trở thành “Zenna” (Thiền-na), và sau đó được rút gọn thành “Zen” (Thiền). Thật ra, ý nghĩa của từ này đã biến đổi đôi chút dọc theo các giai đoạn lịchsử, nhưng ý nghĩa căn cốt nhất của nó thì vẫn y nguyên. Thiền là con đường dẫn tới Thực tại và là cách thức để sống trong Thực tại ấy. Nó không phải là cái gì riêng của Phật giáo.

Toạ Thiền là việc hành thiền trong tư thế ngồi, nhưng toạ Thiền mới chỉ là một yếu tố của đời sống Thiền. Thiền Tông, vốn rất tập trung vào việc toạ Thiền, cũng không chỉ chuyên chú vào việc đó. Việc tọa Thiền đi đôi với việc học kinh sách. Bởi thế, khi nào chúng ta dùng từ Thiền thì xin đừng đồng hoá với việc toạ Thiền hay là với điều gì đó thuộc riêng về Thiền Tông Phật giáo.

Tôi luôn dùng từ Thiền theo ý nghĩa nguyên thuỷ của “Dhyana”, nghĩa là chiêm niệm. Ý nghĩa của thuật ngữ “chiêm niệm” không phải luôn dễ hiểu. Theo tôi, thuật ngữ ấy hướng đến cùng một Thực tại giống như Thiền. Không phải chỉ có tôi mới hiểu Thiền như là chiêm niệm. Cách đây vài năm, một tu sĩ thuộc phái Giai-na (Jain) đến thăm tôi. Ông đi cùng với các đồ đệ của mình và một số bậc thầy Yoga. Vị tu sĩ Giai-na ấy đã đề xuất một cuộc trao đổi liên quan đến phương pháp Dhyana, và chính ông đã dùng từ ngữ ấy. Vì là một Kitô hữu, tôi đã chấp nhận lời đề nghị ấy. Rốt cuộc, chính tôi lại là kẻ được khai thông hơn cả. Chúng tôi nhận thấy rằng những yếu tố nòng cốt của các kỹ thuật tĩnh lự, cùng với sự tự do tiệm tiến đạt được cách tiệm tiến nhờ sự tách biệt khỏi những cảm nghiệm khả giác thì đều giống như nhau trong cả hai tôn giáo.

Bây giờ tôi muốn nhìn ngắm Thực tại của Thiền trong bối cảnh mạc khải của Đức Giêsu Kitô. Tôi muốn chú tâm vào mầu nhiệm của Lời, bởi lẽ tôi hiểu rằng mầu nhiệm của Lời là chìa khoá căn bản trong đời sống chúng ta lấy trung tâm là Đức Kitô. Và tôi có cảm tưởng là tuy dù mầu nhiệm này cực kỳ quan trọng nhưng ít người khảo cứu.

II. Những phạm vi của Lời


A. Lời vẹt (* parrot word: lời của con vẹt, lời sáo)


Lời vẹt thật là huyền bí và có thể gồm chứa mọi bí ẩn trong Lời. Nhưng ở đây, tôi chỉ dùng thuật ngữ này để diễn tả khía cạnh hời hợt của lời nói. Trong tiến trình thâu nhận, con vẹt lặp lại cách máy móc y nguyên những lời mà nó được nghe từ những người chung quanh. Chúng ta có thể biết được ngay lời đó là của ai và được nói lúc nào. Thực ra, đó là cái lời lơ lửng giống như những hạt bụi trong không khí. Không có một sự nối kết nào với tư tưởng hay những trải nghiệm của cá nhân. Nó được lặp lại một cách vô thức. Cái lời vẹt như vậy có thể là “dân chủ”, “tự do” hay thậm chí là một lời ở trong Sách Thánh. Nó chỉ là sự lặp lại đơn thuần ở trong óc hay trong các giác quan của chúng ta. Nó giống như cái bóng của một lời thật sự. Điều đáng ngạc nhiên là chúng ta cũng có thể cảm nghiệm ở đây hương vị huyền nhiệm của một lời.

B. Hai cách nhìn Lời


(1) Lời Trắng và Đen

Đọc tiêu đề này, người ta sẽ nghĩ ngay rằng nó quá thơ mộng chứ không hợp với lý luận. Ở đây, tôi muốn tiếp cận với kiểu tiến trình tư duy này. Người ta luôn luôn cố tìm cách để cho ý thức được rõ ràng mà vẫn không bị cuốn vào trong huyền nhiệm của Thực tại mà ta cho là bất định. Nguồn gốc của loại tư duy đen-và-trắng này là một quan điểm về lời theo đó lời được xem như là hình ảnh của một ý tưởng nào đó. Nói một cách đơn giản, đó chính là quan điểm của người Hy Lạp-La Mã về lời hợp lý lẽ. Xét về phương diện này, mỗi lời diễn tả một ý nghĩa hay một nhóm nghĩa nhưng có thể rút về một nghĩa. Hầu hết những người được xem là văn minh và có giáo dục ở thế giới Tây phương đều quan điểm về lời như vậy. Tôi không chỉ trích quan điểm đó, bởi vì nó biểu thị một vài khía cạnh của huyền nhiệm lời. Tuy nhiên, do chính bản chất của thứ lời ấy mà những vấn đề nghiêm trọng có thể nảy ra. Tôi sẽ đề cập đến một phương diện đặc thù của cái gọi là lời đen và trắng, tức là lời trừu tượng, “cái chân thứ ba của con gà”.

Cái chân phải của con gà thì không phải là cái chân trái, và ngược lại. Điều này không chỉ là đúng về mặt logic mà cả trên thực tế nữa. Người ta không thể nào làm một điều vừa khớp cho chân phải và chân trái cùng một lúc được. Khi một bác nông dân nói về cái chân của con gà thì ông ta đang nói đến một cái chân cụ thể, rõ ràng, hoặc là chân phải, hoặc chân trái hoặc là cả hai. Trong bối cảnh này thì không có vấn đề gì hết. Tuy nhiên, nếu một người nói về cái chân của con gà ở trong đầu óc của mình thì bấy giờ sẽ nảy sinh một vấn đề. Khi cái chân ấy được quan niệm ở trong đầu óc, thì tuy có thể là chân trái, chân phải hay cả hai, nhưng thực sự thì nó chẳng phải là cái chân phải, chân trái hay cả hai chân. Cái lời được quan niệm ở trong đầu óc như vậy, tôi gọi là “cái chân thứ ba của con gà”. Nó được đặt tên là ý niệm tổng quát, trừu tượng hay logic.

Trong thế giới của lời, người ta ưa biểu đạt một ý nghĩa duy nhất hoặc điều gì tương tự có liên quan đến ý nghĩa của lời. Một lời không thể mang theo những ý nghĩa mâu thuẫn nhau. Thứ lời như thế được liên kết trực tiếp với ý thức về bản ngã , và việc sử dụng những lời như thế mang theo một cảm giác thoả mãn thíchthú cá nhân. Người ta dùng tất cả mọi lý lẽ hay biện hộ khi dùng những lời như vậy để soạn ra những câu cú.

Bao lâu sự nối kết này còn đưa đến việc đọc ra các sự kiện bên trong Thực tại chân thật, và bao lâu nó còn đan xen vào nhau với một cái nhìn về thực tại như là một toàn thể (vốn chứa đựng những yếu tố mâu thuẫn nhau), thì bấy lâu nó còn có thể hữu dụng. Nhưng đến khi ai lèo lái các lời đó một cách bất cẩn hay bừa bãi mà không lưu ý đến toàn diện thực tại, thì sẽ là một tai hoạ. Nói cách khác, một kết quả như thế sẽ phải xảy ra khi cái chân thứ ba của con gà bắt đầu tự nó bước đi.

Chính trong một hoàn cảnh như thế mà người ta đã bào chữa cho việc thảm sát người Do-thái hay cho phép một nước này xâm chiếm một nước khác với danh nghĩa là cổ vũ một phúc lợi cao cả hay là “sự tiến bộ nhân loại”. Trong nhiều thế kỷ qua, các giáo hội đã kết tội nhiều anh em trong cùng một niềm tin với mình chỉ vì những lối diễn tả khác nhau về niềm tin ấy.

Những ai nói đến việc phụng tự mà không để cho mình bị thực sự đánh động bởi Thiên Chúa mà mình tin nhận, hoặc những ai nói về việc cầu nguyện mà không kèm theo sự thống khổ, nước mắt và sầu phiền thì đều là những người đang sử dụng cái chân thứ ba của con gà. Ta nên cẩn thận để chỉ dùng những lời đơn giản nhất trong các hoàn cảnh cụ thể. Những cuộc bàn luận về Hoà bình vùng Cận Đông không nên bắt đầu bằng việc dùng lời cao siêu như “tự do”, vì lẽ với lối bàn luận như thế thì e rằng hoà bình chân thực một lần nữa sẽ bị lạc mất.

Trong những trường hợp như thế, ta nên hỏi: “Tối thiểu, bạn muốn điều gì ?”. Lúc đó câu trả lời sẽ là: “Tôi không muốn bị giết”, hay là: “Tôi không muốn nhìn thấy đất nước tôi bị đàn áp”. Lúc ấy người đã đặt ra câu hỏi sẽ nói: “Chúng tôi cũng không muốn bị giết hay bị đàn áp”.

Ta hãy nghĩ đến biết bao nhiêu lần, những lời như “dân chủ”, “tiến bộ”, “văn minh”, khi được giải thích một cách rộng rãi, đã mang lại chia rẽ và tội ác vào thế giới. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người nên suy nghĩ cách nghiêm túc về sự kiện này.

(2) Lời-Ý tưởng (lý luận thực tế)

Khi muốn làm sáng tỏ một điều gì đó, chúng ta thường có xu hướng tự nhiên là vận dụng các khả năng lý luận. Việc lý luận này được diễn tiến trong thế giới của những ý tưởng. Nếu bắt đầu bằng những lời-ý tưởng và kết thúc với lời ý-tưởng, thì đó không phải là lý luận thật sự mà chỉ là đang diễn tuồng lý luận. Một tư tưởng thật sự luôn luôn mang theo điều vượt ngoài tính logic (lý luận) vào trong cuộc gặp gỡ với thực tại. Nếu không vậy thì lập luận này chẳng có nội dung gì cả. Bao lâu một tư tưởng còn mang tiếng vọng của điều vượt xa hơn sự lý luận hay tính logic trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của nó với thực tại, thì bấy lâu nó không xa lạ với đời sống Thiền (hay đời sống chiêm niệm). Khi chúng ta bắt đầu lập luận vào lúc đang tiếp xúc với một thực tại nào mới lạ, nếu chúng ta làm như vậy với một sự bấp bênh, nói khác đi, nghĩa là không tìm thấy sự chắc chắn làm thoả mãn hiểu biết của chúng ta; và nếu chúng ta chịu đựng một cách chân thành con đường hầm đen tối của sự thất vọng khi cố gắng làm sáng tỏ thực tại, thì khi ấy, bằng cách nào đó chúng ta đang chuẩn bị chính mình cho cuộc gặp gỡ với một hình thái mới của thực tại. Hình thái mới này sẽ mở rộng chân trời tư tưởng ban đầu của chúng ta ra xa hơn. Bởi thế, ngay cả trong lãnh vực khoa học thuần tuý, chúng ta cũng sẽ tiến đến giai đoạn gặp gỡ điều mà tôi gọi là LờiBiến cố (Word-Event). Tất cả các nhà khoa học hàng đầu, những người đã đóng góp cho sự tiến bộ của khoa học, đều có kinh nghiệm về loại tiến trình này.

Một lý luận chân thực thì tự nó sẽ sản sinh hoa trái. Điều khiến nó không sinh hoa trái không hệ tại ở chính tiến trình lý luận, nhưng là tại người ta đã đánh mất ý nghĩa mầu nhiệm ẩn giấu trong tiến trình ấy. Điều mà ta nghĩ tới ngay từ lúc vừa mới bắt đầu là sắp xếp gọn gàng một vài hình ảnh nào đó xuất hiện trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với thực tại, và rồi một khi nó đã lĩnh hội được một ý niệm rồi thì nó trở thành độc lập. Tuy nhiên, một ý niệm không chuyển thành một ý niệm khác cách dễ dàng và liên tục được. Khi thay thế một ý niệm này bằng một ý niệm khác thì cái ý niệm đầu tiên phải được tiêu hóa, tan rã, và rồi được tái sinh thành một thực thể mới. Điều bi đát ở nơi nhiều trí thức gia hiện nay là họ đã đánh mất cái nhìn về thực thể của mầu nhiệm được ẩn chứa trong một ý niệm. Sự lý luận, ngay cả một lý luận chân thực, không phải là tất cả những gì có trong tiến trình suy nghĩ của chúng ta.

Song hành với việc lý luận chân thực là một lối khác biệt để đọc ra những điều cụ thể bên trong thực tại. Nó không phải là một trực giác đối chiếu với việc lý luận. Có những người, khi xem xét vài phương diện của thực tại, không nhận ra rằng có một cái gì đó luôn luôn bao phủ lấy việc lý luận chân thực. Chẳng hạn, chúng ta hãy xem điều gì diễn ra nơi thực tại mầu nhiệm của một đứa trẻ mới chào đời. Ở đây, thái độ chính yếu phải là thái độ của một người quan sát mầu nhiệm trọn vẹn của thực tại. Một thái độ như thế, vốn phổ biến trong thế giới khôn ngoan cổ thời, thì lại bị thời đại chúng ta loại bỏ như là ngây ngô và thô sơ. Đó là vì có sự nhầm lẫn về sự khác biệt giữa một thái độ dường như đơn giản và mức độ tối thiểu của cái gọi là trực giác. Do một sự dốt nát nào đó, những kẻ suy tư nông cạn lại thường phê phán quan điểm toàn diện của người xưa. Điều này xảy ra là vì đã có những thiếu sót trong tiến trình lập luận của mình. Điều đó tương đương với một thứ không biết cái nhìn bao quát hơn.

III. Lời-Biến cố


Khi bắt đầu khóc, đứa trẻ thường la lên “a…a…”. Không ai dạy cho chúng phải la lên như thế. Chính sự hiện hữu của chúng đã kêu lên “a… a…”. Và khi khóc đòi mẹ săn sóc, chúng bắt đầu bằng tiếng “mẹ… mẹ…”. Những ngôn từ này diễn tả vẻ toàn diện của đứa trẻ. Những lời đơn giản này là những lời của một đứa trẻ đã được sinh ra từ lòng dạ của lời cam kết nhiệm mầu với bàn tay giấu ẩn và kín đáo của Đấng Tạo Hoá. Đối với người Đông phương, những lời như thế được coi là những lời chân thật. Đây là Lời-Biến cố. Trong tiếng Nhật, người ta gọi là koto, và koto vừa là một biến cố vừa là một lời. Trong tiếng Phạn (S anskrit), từ Shabda cũng có nghĩa tương tự như vậy. Trong tiếng Trung Hoa, đạo vừa có nghĩa là “nói” vừa có nghĩa là “một lối sống cụ thể”.

Trong tiếng Híp-ri, từ dhabar cũng không khác gì. Nhưng đối với người Do-thái, vì những trải nghiệm sâu sắc các biến cố đã xảy ra trong suốt nhiều thế kỷ do Bàn tay của Thiên Chúa, nên từ dhabar này mang theo một hình ảnh mạnh mẽ và chân thật của Bàn tay Thiên Chúa. Hình ảnh này được diễn tả bằng một biểu tượng nghệ thuật tuyệt vời của Vị soạn giả vở kịch, qua một bàn tay vĩ đại với một con mắt nằm ở giữa. Bám sát vào mỗi ngón tay của bàn tay vĩ đại ấy là những đôi tay bé nhỏ cùng với cặp mắt bé nhỏ ở trong đó. Một cách giản dị và cụ thể, hình ảnh này trình bày chính Thiên Chúa và cuộc đời của những kẻ được Thiên Chúa sai phái.

Khi người nông dân chăm sóc những cánh đồng lúa của mình, mỗi lần việc trồng trọt và sinh trưởng xảy ra thì anh ta không chạy vào thư viện để xin giúp đỡ. Anh lắng nghe chính những cánh đồng lúa. Anh biết rằng chúng sẽ nói cho anh biết khi nào cần nước tưới hay cần chăm bón. Thế nên, chính hạt lúa là một lời của sự kiện. Nó nói về chính mình một c ách bổ ích. Sự lý luận với các lời-ý tưởng phát sinh từ lời-biến cố nguyên thuỷ. Như chúng ta đã thấy trên đây, lời-ý tưởng không phải là tất cả, vì thế không phải là lời toàn diện.

Khi chúng ta sử dụng một lời, thì nó không luôn luôn là một lời-ý tưởng. Nếu là một lời liên quan đến toàn thể hiện hữu của con người thì nó sẽ mang theo những ý nghĩa mâu thuẫn nhau. Nó hàm chứa trong mình những nghịch lý. Trong tiếng Híp-ri, từ hesed vừa có nghĩa là ân sủng và đồng thời vừa có nghĩa là hổ thẹn, xấu hổ. Khi sống cách nào đó trong ân sủng, chúng ta có một cảm giác bình an từ thẳm sâu con tim mình, nhưng đồng thời, trong tâm trí, chúng ta ý thức sự lệ thuộc vào người khác về sự hiện hữu của mình. Bao lâu chúng ta kinh nghiệm thấy hình thái này của tiếng vọng nơi một lời, ngay cả khi có thể chỉ là một lời vẹt, thì quả là gần gũi với đời sống cầu nguyện hay đời sống chiêm niệm theo kiểu Thiền mà chúng tôi đã mô tả.

Lời-Biến cố tối hậu tự nó là một lời không thể diễn tả được; nó vẫn có thể bị chuyển thành một lời-ý tưởng, nhưng điều này chỉ xảy ra qua một tiến trình trừu xuất và hạn hẹp.

Lời của Sách Thánh chủ yếu là một lời-biến cố, và nó phải được nhìn nhận như vậy. Tuy nhiên, bao lâu chúng ta còn xem đó là những lời-ý tưởng, bấy lâu chúng ta sẽ không bao giờ có thể thật sự thẩm thấu được nó. Trong việc cầu nguyện chiêm niệm Thiền-Kitô giáo, chúng ta phải không ngừng nỗ lực loại bỏ lý luận trừu tượng bao nhiêu có thể được. Tiến trình loại bỏ này giải thoát chúng ta khỏi những giải thích ngây ngô, những kiểu thoả mãn ích kỷ, những kỳ vọng vị kỷ và một ý thức quy ngã. Cùng với tất cả những động lực khác trong bản ngã của chúng ta, những điều này phô bày những ước muốn còn ẩn khuất của chúng ta. Để giúp chúng ta nhận ra những cảm xúc nơi chính mình, thì một trong các hình thức cầu nguyện là thực hành việc tập trung nhất quán. Điều này được nhận thấy ở trong các truyền thống huyền bí của nhân loại, trong đó có cả gia sản riêng của Kitô giáo chúng ta.

Trong những thế hệ đầu tiên của Giáo hội, các sư phụ trên sa mạc đã khám phá lợi ích của việc tập trung vào hơi thở của mình. Vào thời Trung cổ, các đan sĩ thuộc các giáo hội Hy-lạp đã truyền lại cho chúng ta Kinh cầu Chúa Giêsu. Những lời của Sách Thánh cũng không xa lạ gì với hình thức của lời nguyện tập trung này, nhưng vì chúng ta lại bị lôi cuốn vào lối suy luận kiểu Hy Lạp – Rôma, nên chúng ta có xu hướng chuyển dịch những lời Kinh Thánh thành những lời-ý tưởng, và trình bày chúng bằng những lời-ý tưởng. Đây hầu như là một cơ chế vô thức đối với chúng ta. Để tự giúp mình, chúng ta cần tập luyện để tiếp nhận lời Kinh Thánh trong ý nghĩa và hình thái nguyên thuỷ của lời ấy, và nhờ vào mỗi sự tiếp nhận như thế, chúng ta nỗ lực để an định cái tôi của mình bằng cách hấp thụ hoàn toàn lời ấy. Khi thực hành thiền định, thái độ sám hối này phải đi đôi với việc cắt bỏ bất cứ điều gì có thể xảy ra qua sự tập trung kéo dài đối với lời Chúa.

Nếu tiến bộ trong trạng thái thiền, chúng ta sẽ trở nên nhạy cảm hơn với Lời-Biến cố. Và nếu tiến bộ hơn nữa, thì chắc LờiGặp gỡ sẽ đến gần chúng ta hơn, và chúng ta đạt được, bằng cách này hay cách khác, sự cảm nếm chính Lời của Đức Kitô ở trong những lời của Kinh Thánh.

IV. Lời-Gặp gỡ


Khi tiếp tục đi vào phạm vi sâu hơn của thực tại, chúng ta sẽ gặp thấy Lời-Gặp gỡ. Ở đây, không còn có thể chuyển dịch cuộc gặp gỡ thành một Lời-Ý tưởng. Đôi khi có người bị cám dỗ chuyển dịch bởi những lời huyền bí vốn có gốc rễ trong thực tại. Một vài người, mà cái ngã ý thức và tiềm thức của họ đã được hoàn toàn thanh luyện khỏi sự ồn ào và tính trong suốt của hữu thể bắt đầu thấm nhập vào trong họ, cũng có thể rơi vào sự cám dỗ ấy. Nhưng khi họ muốn có cùng một trải nghiệm lần nữa và cố đeo đuổi cùng một lời với mục đích ấy, thì họ sẽ bị lấn át bởi những chuyển động của ý thức và người đó sẽ quay trở về những lối mòn của quá khứ. Cái gì phải trôi qua thì hãy để trôi qua! Nếu nó trôi đi thì cứ để cho nó đi! Ta phải tiếp tục lặn sâu vào việc thực hành thinh lặng của mình.

Thế rồi sẽ đến lúc mà hình ảnh thông thường của những lời lẽ sẽ hoàn toàn qua đi, và họ sẽ cảm thấy được mời gọi vào trong vực thẳm của sự thinh lặng thẳm sâu. Điều này không có nghĩa là họ phải rời bỏ thế giới cụ thể này, nhưng là họ phải rời bỏ phạm vi của việc dồn tập trung vào ý thức. Sau khi đã lặn sâu vào trong trải nghiệm liên tục của sự thinh lặng thăm thẳm, thì rất có thể họ sẽ lắng nghe được một Lời-Biến cố nào đó mà cho đến nay vốn bị che giấu.

Đến đây tựa như một chiếc lá rụng họ có thể ca ngợi sự huyền nhiệm của bất-thụ-tạo. Khi một người kiên trì trong đường lối này, hoặc khước từ sự quy-ngã trong các hoạt động thường ngày và với thái độ tri ân chấp nhận mọi khó khăn cùng những nghịch cảnh của nó, thì một ngày nào đó, họ sẽ đến được bến bờ nơi họ lĩnh hội được mọi sự trong ánh sáng tuyệt vời chưa từng được biết đến. Ở đây, Lời-Biến cố sẽ mang lại cho họ một mạc khải khác. Trong trường hợp này, sự gặp gỡ là phạm vi của bất thụ tạo. Ở giai đoạn này, họ có thể trải nghiệm thấy rằng họ là chính bạn. Trong mầu nhiệm của Lời-Gặp gỡ, tôi nghĩ rằng chúng ta bằng cách nào đó đã thật sự đối diện với mầu nhiệm Lời -Thiên Chúa. Nhờ Lời-Gặp gỡ này, đời sống chúng ta được biến đổi tận căn rễ.

V. Lời-Thiên Chúa


Khi tiếp tục đi vào phạm vi sâu hơn của Lời-Biến cố, chúng ta không nên đo lường bất kỳ khoảng cách nào giữa chính chúng ta và Lời-Thiên Chúa. Đời sống chiêm niệm là đời sống đức tin và là sự phát triển tất nhiên vô giới hạn của đời sống đức tin. Kiểu sống này (trong đức tin) là một thực thể huyền nhiệm được thành hình trong Lời-Thiên Chúa, và chúng ta biết rằng Lời-Thiên Chúa thì hoàn toàn vượt xa hiện hữu của chúng ta.

Vì thế, đời sống đức tin là một mầu nhiệm của sự hoà nhập lẫn nhau qua khoảng cách vô hạn. Điều này không có nghĩa là Lời-Thiên Chúa là điều gì trừu tượng đối với chúng ta. Chính LờiThiên Chúa là điều xác định cụ thể cách thế đời sống hằng ngày của chúng ta. Lời ấy không phải là đối thể và không thể bị nắm bắt bằng tâm trí ý thức của chúng ta. Nhưng sự dấn thân trong đức tin với Lời-Thiên Chúa thì trực tiếp. Khi chúng ta đáp trả những biến cố mà chúng ta được kêu gọi đáp trả với tất cả cuộc sống của mình, suốt dọc hết mọi khoảnh khắc của các nhu cầu của chúng ta, và khi nhìn lại điều gì đã xảy ra, thì chúng ta sẽ có sự nếm trải gián tiếp và riêng tư về Lời-Thiên Chúa hay Bàn Tay của Thiên Chúa.

Vì thế, đời sống chiêm niệm cùng với những thực hành chiêm niệm làm cho đời sống chúng ta trở thành duy nhất. LờiThiên Chúa là lời duy nhất mà chính bản thân tín hữu của chúng ta phải đáp trả, và dấn thân hết mình. Trên căn bản này, việc biến đổi sự thinh lặng của chúng ta thành Sự Thinh lặng thiên linh là chuyện tất yếu nếu chúng ta được giải thoát khỏi cái ngã của mình. Trong sự thinh lặng này, chúng ta sẽ hiểu tội lỗi của chúng ta không chỉ có tính cá nhân nhưng cũng là tội của nhân loại, tội mà Đức Kitô đã mang vào chính Người. Vì thế, đời sống trầm tư, chiêm niệm làm cho cuộc đời chúng ta biến mất vào trong đời sống của Lời-Thiên Chúa. Trong ý nghĩa chân thực nhất, nó chính là đời sống nơi cung lòng Thiên Chúa-là-Cha. Nó là đời sống của sự hiệp nhất nhiệm mầu với Lời -Thiên Chúa hay với Bàn Tay của Thiên Chúa.

Khi Đức Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giođan, lời Abba phát ra từ truyền thống ngôn sứ, và ông Gioan Tẩy Giả đã nghe thấy tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Toàn bộ đời sống của Đức Giêsu từ đây trở đi sẽ dâng trào và sau đó đổ tràn vào trong khoảnh khắc cuối cùng khi tiếng kêu “Abba” đó trở nên tuyệt đối. Điều này đã xảy ra trên Thập giá khi Đức Giêsu cất tiếng gọi Cha của Người: “Sao Cha bỏ Con ?”. Sự đáp lời của Cha đã được hoàn tất ở đây. Đức Giêsu sẽ trỗi dậy vào đời sống mới. Vào chính khoảnh khắc vĩnh cửu và tuyệt đối này, khi Người từ bỏ Mình và Máu của mình, thì Người đã truyền cho chúng ta hãy ăn và uống lấy.

Khi hiện ra và tỏ mình cho các môn đệ, Người chỉ cho thấy dấu đinh trên cánh tay và vết thương mũi đòng nơi cạnh sườn Người. Điều quan trọng để chúng ta nhận ra không phải là cái chúng ta đã có như một kiến thức chuyên môn về tâm linh, cũng không phải là việc nghiền gẫm các bài suy tư tâm linh. Nhưng mỗi người chúng ta, trong cách thế riêng của mình, phải học để biết kêu lên “Abba” với tiếng nói của Đức Kitô trước một Thiên Chúa Cha mà chúng ta không nhận ra. Điều này phải xảy ra vượt xa hơn tất cả những trở lực và chướng ngại vốn xuất hiện do những ước vọng cá nhân của chúng ta, chẳng hạn như sự bận tâm về danh dự, những cảm nhận hư ảo hay những cân nhắc về địa vị trong cuộc đời. Khi người ta thật sự kêu lên “Abba” nơi cung lòng của Cha, dùng lấy cùng một từ Abba mà Đức Kitô đã từng dùng trên thập giá, thì khi ấy Ba Ngôi Cực Thánh sẽ ngự đó như là Thần Khí sống động. Thánh Kinh đã dạy chúng ta: “Khi bạn kêu lên ‘Abba’, đó là bởi Thần Khí của Thiên Chúa”.

Tất cả mọi sự dấn thân phức tạp của ta đối với những người anh em của mình, và tất cả những Lời Biến cố xảy ra cho chúng ta nhờ ân huệ của Thiên Chúa đều là những tiếng vọng của lời Abba mà Đức Kitô thốt ra trên Thập giá. Chúng ta được mời gọi hãy tránh theo lối mòn của những người Xa-đốc và Phari-sêu và hãy dõi theo chính con đường mà Đức Giêsu đã đi hầu trở nên kẻ mọn hèn như Người đã làm.

LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ HỘI NHẬP VĂN HOÁ


Tôi cảm thấy ngượng ngùng khi viết về một đề tài như thế này. Từ ngữ evangelion (loan báo Tin Mừng) trong tiếng Hy-lạp gợi lên trong tôi hình ảnh của một người tiến bước trên những con đường nhỏ băng qua các cánh rừng và làng mạc, được Hơi thở của Thiên Chúa giục giã hãy vâng phục Lời của Thiên Chúa. Từ ngữ evangelion cũng cho tôi thấy hình ảnh vang vọng lại sự bình an và niềm vui tràn đầy tận đáy lòng của một kẻ hành khất trước nhan Thiên Chúa. Nhưng từ ngữ “evangelization” trong Anh ngữ thì lại thuộc về “lời-ý tưởng” hơn. Nó gợi cho tôi mùi nước hoa giả tạo của một đối tượng thuộc về trí năng con người bị giam hãm trong cái nhà tù của ý thức con người. Điều tôi muốn chia sẻ với bạn thì vượt xa hơn cái nhà tù này, tôi nghĩ như vậy.

Loan báo Tin Mừng là gì?


Trước tiên, tôi sẽ nói về cái được gọi là “lời-biến cố” (dhabar trong tiếng Híp-ri).

Một ngày kia, khi tôi đang ở trong ngôi lều cỏ của cộng đoàn bé nhỏ chúng tôi, thì tôi được tin có một vị ni cô Phật giáo đến thăm chúng tôi. Tôi liền quay trở lại làng và nhìn thấy vị ni cô ấy đang đứng ở cửa nhà bếp. Và chị nói: “Tôi cảm thấy giống như tôi đang trở về nhà”. Chị đã cảm thấy được thanh thản. Sáng hôm sau, chị tham dự thánh lễ cộng đoàn với chúng tôi. Chị thật sự bị cuốn hút vào trong thánh lễ ấy. Tôi có thể cảm thấy chị thật sự để hết tâm trí vào thánh lễ này và tất cả cuộc sống của chị được chìm sâu vào trong thánh lễ. Sau thánh lễ, chị còn nán lại ở nguyện đường.

Một người chị em của chúng tôi cũng ở đó. Sau một lúc, chị đến gần người chị em này và đã thú nhận rằng: “Chị có hiểu nổi lòng biết ơn của một trái tim đang bị buồn sầu không?”. Vị ni cô ấy đã khóc. Tôi đợi chị bên ngoài nguyện đường và khi gặp chị, tôi hỏi: “Chuyện gì xảy ra vậy ?”. Chị trả lời tôi: “Trong Phật giáo, chúng tôi có cái gọi là ‘sự cảm thông hợp nhất’ giữa Đức Phật và chính chúng tôi, nhưng ở nơi đây, Bàn Tay Thiên Chúa xuất hiện rõ ràng trước mắt chúng ta”. Nước mắt tiếp tục chảy xuống đôi gò má của chị. Một vài tháng sau đó, tôi nhận được một cuộc điện thoại của chị. Chị kể cho tôi nghe rằng chị mơ thấy mình được rửa tội. Lúc đó chị là chủ trì của một ni viện gần Osaka. Tôi không trả lời cho chị về giấc mơ ấy. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng cảm nghiệm ấy là một sự hiển linh nào đó cho chị và chị vẫn đang mang lấy mầu nhiệm Đức Kitô nơi chính bản thân chị.

Bây giờ, tôi tự hỏi: “Loan báo Tin Mừng là gì ?”. Có một sự khác biệt tinh tế giữa từ “truth” (sự thật) trong tiếng Anh và từ ma-koto trong tiếng Nhật. Trong thế giới ngày hôm nay, cái gọi là “sự thật” là điều gì mà chúng ta xem như là một mục tiêu – một thực tại được đạt tới bằng cách nhắm đến nó. Tôi cảm thấy ở đây có một vài ảnh hưởng hàn lâm quá đáng. Tôi có cảm tưởng rằng có cái gì mang tính trí thức hơn là một thái độ chân thành của của một con người dấn thân trọn vẹn cho Đấng Xa lạ, cho Mầu nhiệm Thiên Chúa.

Cũng khó để định nghĩa hay giải thích từ ma-koto (chân thật) trong tiếng Nhật. Nó xuất phát bởi từ koto, vốn được dịch ra từ các chữ Trung Hoa để thâu tóm cũng khái niệm về “sự thật” ấy cùng với ý tưởng về một “biến cố”. Nó có âm thanh của một tiếng vang xuất hiện giữa một hữu thể độc nhất và hữu thể khác. Ta lấy một ví dụ từ phản ứng của con người đối với một cánh hoa hồng đung đưa trong ánh sáng của buổi hoàng hôn. Nhìn ngắm bông hoa hồng, tôi đơn thuần tiếp nhận nó vào trong chính tôi và nhận ra nó như là một koto. Bông hoa ấy đang nói với tôi như một lời chân thật vốn có thể được nhận ra như là “lời-biến cố”.

Lời-sự kiện sau đó có thể được chuyển dịch ra thành lời ý tưởng hầu được mang vào trong ý thức của chúng ta, nhưng các lời-ý tưởng không bao giờ có thể thật sự thay thế các lời-sự kiện. Vì chính nguồn gốc của nó mà chính lời-ý tưởng là một mầu nhiệm. Nó là một điều gì đó được cưu mang bên trong chúng ta đứng trước lời-sự kiện. Chúng ta gọi nó là một “ý niệm”. Điều này mang theo trong lòng nó một âm vang của lời-sự kiện sinh ra nó.

Từ hito (con người) trong tiếng Nhật là sự kết hợp của hi (lửa hay tinh thần) và to (duy trì hay ở lại). Vì thế hito là một hữu thể nơi mà lửa hay tinh thần trụ lại. Loại thực tại này, xét về khái niệm, thì khác với một ý niệm có thể được lèo lái một cách logic mà không quy chiếu trực tiếp đến căn gốc là “lời-sự kiện”, chẳng hạn như khi nói về “cái chân của con gà” thì có thể hiểu là chân trái, chân phải hoặc cả hai chân. Loại “ lời-ý tưởng” này chỉ có thể hiện hữu trong tâm trí của chúng ta mà không có mối liên hệ cụ thể đặc biệt nào hết.

Trong mọi cuộc đối thoại và gặp gỡ, chắc chắn là cái phong cách và thái độ của con người đều có tác dụng. Thật vậy, koto biểu lộ nơi một người thì tương ứng với phong cách và thái độ của họ. Khi một người càng tập trung sâu xa bao nhiêu thì càng được biểu lộ bấy nhiêu. Vì thế có một đòi hỏi cho “koto chân thật hơn”. Ma có nghĩa là “đúng” (true) hay “thật” (real). Tôi tin rằng Ma-koto luôn luôn mang theo âm vọng của đòi hỏi cơ bản này. Đó là lý do tại sao ma-koto được diễn tả trong các ký tự Nhật Bản như là một từ không có dấu nối ở giữa, nghĩa là “tính chân thật”. Con người và thái độ của họ là một. Có sự hợp nhất giữa cả hai; hai điều đó không thể tách rời được.

Makoto chỉ có thể là đúng khi chúng ta trở nên hoàn toàn giản dị và chân thật. Điều này xảy ra cho chúng ta trong những khoảnh khắc thinh lặng thẳm sâu nhất. Từ makoto tự nó không hướng về cái gì khác, và có thể hiện diện nơi những kẻ khó nghèo về tinh thần, hay nơi một người mà các Phật tử sẽ nói rằng: “Anh ta đã trở thành Phật rồi” và đang được chìm ngập trong Ánh Quang Thần Thiêng.

Những người được chìm ngập trong sự thinh lặng như vậy thì một ngày nào đó sẽ có thể gặp gỡ một ma-koto hay makoto mới và khám phá thấy “Bàn Tay” hay “Lời” của Thiên Chúa qua trải nghiệm mới này. Nếu không hiểu biết thực tại chung cuộc ấy thì tất cả những bàn luận thần học đều là vô nghĩa. Những “lời- ý tưởng” có thể giúp chúng ta ý thức về thực tại chung cuộc này, nhưng tâm điểm của nó luôn luôn nằm ở “sự thật Lời-Biến cố của Thiên Chúa”. Vì thế, chủ yếu của công việc loan báo Tin Mừng của chúng ta hệ tại ở việc lèo lái con tàu nhỏ bé của chính mình vào trong những chiều sâu của Hữu Thể Thiên Chúa để gặp gỡ Bàn Tay (Lời) Thiên Chúa với tính chân thực hơn, và để đào sâu thêm nữa chính sự dấn thân Đức tin của chúng ta. Thiên Chúa tác động qua tính giản dị (simplicity) của chúng ta. Đây không phải là đức tin của chúng ta sao?

Tôi nhớ lại một buổi hội thảo tại một tu viện nọ nơi có một số giáo sư đại học. Vị bề trên tu viện đã thưa với các khách mời như thế này: “Chúng tôi có sự thật. Nếu bạn muốn tìm kiếm nó, xin mời đến thăm chúng tôi”. Khi nghe thấy điều ấy, tôi đỏ mặt lên vì hổ thẹn, bởi vì chúng ta không thể chiếm hữu makoto (LờiSự kiện) ở trong chính đôi tay của chúng ta. Nó nằm trong Bàn Tay Thiên Chúa. Nó chỉ có thể được nhận ra trong mầu nhiệm của việc tuân phục Thiên Chúa nơi sự giản dị ngày càng sâu sắc hơn của tâm hồn con người. Đây chính thực là sự thuần khiết của tâm hồn. Khi rời khỏi buổi hội thảo ấy, tôi biết điều mà tôi ao ước kiếm tìm chính là sự giản dị và thanh khiết của tâm hồn. Đức Giêsu đã nói: “Tôi làm chứng cho Sự Thật” (Ga 18,37). Sự Thật tối hậu này chỉ ở nơi Thiên Chúa, và được mạc khải không chỉ trong những bài diễn giảng thần học nhưng còn hơn thế nữa trong bối cảnh lịch sử mỗi ngày, trong những lời biến cố được trở nên “LờiBiến cố”.

Hội nhập văn hoá là gì?

Tôi xin bắt đầu bằng một vài ví dụ. Thứ nhất, một buổi sáng kia tôi đang cử hành Thánh lễ tại một tu viện của các chị đan sĩ. Bỗng dưng tôi bắt đầu nghe thấy tiếng đàn hạc Nhật Bản. Đối với tôi, điều này không hài hoà với sự thinh lặng. Nó giống như những tiếng ồn ào nơi ý thức của con người. Nó là một sự quấy nhiễu. Vì thế, tôi đã tạm ngưng thánh lễ, và một vài chị nhận ra điều ấy. Những làn sóng thinh lặng nhỏ bé lan rộng ra và tiếng đàn hạc dừng lại. Tôi tiếp tục cử hành thánh lễ như thể không có gì xảy ra. Tôi nghĩ rằng các chị đã cố gắng làm hài lòng tôi, nhưng thật tình tôi không muốn nghe tiếng đàn ấy.

Cách đây một vài năm, có một hội nghị các Giám Tỉnh và đại diện của các Tỉnh dòng tại Châu Á của Dòng Đa Minh, và tôi được mời đến đó với tư cách một thuyết trình viên. Họ nhờ tôi nói về việc hội nhập văn hoá. Câu trả lời của tôi thật minh bạch và đơn giản. Tôi nói với họ: “Đừng nhắm đến việc hội nhập văn hoá. Việc hội nhập văn hoá thật sự sẽ không bao giờ xảy ra nếu các anh tập trung vào nó”.

Bây giờ tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ cho thấy một khía cạnh khác của vấn đề này. Tôi đã từng ở trong một ngôi chùa gần thành phố New York (cách thành phố khoảng một giờ đi xe lửa). Vị sư chủ trì là một người Do-thái. Ông đang hướng dẫn cho việc tu Thiền theo lối sesshin (tiếp tâm). Mặc dù đang thinh lặng trong đại sảnh tĩnh tâm, ông cũng muốn gặp tôi, và sau một cuộc trao đổi ngắn, ông nói với tôi: “Tôi càng chìm sâu vào thinh lặng, thì truyền thống Do-thái trong tôi càng nổi lên”. Tôi đã trả lời ông: “Nó phải như thế”.

Kế đến, tôi sẽ lấy một ví dụ từ chính cuộc sống của tôi. Không phải vì tự do lựa chọn mà tôi bắt đầu ngồi trên một cái gối theo kiểu thiền. Lúc ấy tôi sống ở một quốc gia ngoài Nhật Bản và tôi được mời tham dự buổi giới thiệu một số chủ đề thần học từ sáng cho đến chiều. Trong một bài thần học, một vị các giáo sư, khi muốn dạy cho chúng tôi về “hội nhập văn hoá”, đã bắt đầu đề cập đến “Lời”. Nhưng tất cả những gì ông thuyết trình đều là “lời-ý tưởng”. Tôi đã thinh lặng mỉm cười và chắc là ông đã nhận thấy điều ấy, bởi vì sau đó, khi gặp tôi ở hành lang, ông đã giận dữ hỏi tôi: “Có phải anh nghĩ rằng có một cách thức phân tích khác để bàn về lời không ?”. Tôi bình tĩnh đáp lời: “Thưa cha, một cánh hoa hồng vào buổi chiều hôm nói cho con biết ‘những lời chân thật’. Nếu cha cứ nghĩ theo như cha muốn, thì đối với con cũng tốt thôi”. Ông đã lẳng lặng bỏ đi, và suy nghĩ về điều tôi đã nói. Ông là một trong những vị giáo sư mà tôi quý mến. Ông là người biết lắng nghe.

Tại một buổi hội thảo khác, một giáo sư đã nói về “bác ái”. Lời giải thích của ông thật hoàn hảo. Tuy nhiên, tôi đã nêu ra một vài trường hợp khó khăn về bác ái và hỏi xem bằng cách nào chúng ta đáp trả những khó khăn ấy. Vị giáo sư này đã không đáp lại tôi lời nào. Tôi đánh giá cao sự im lặng của ông. Tôi đã chán ngán khi thấy quá nhiều người vận dụng các lời nói mà không có sự suy tư chiêm niệm về cái Thực tại đằng sau chúng (intellectus = intus legere, đọc vào bên trong “read into”). Tuy nhiên, tôi không muốn từ bỏ ơn gọi của tôi. Tôi thấy mình phải vượt qua tất cả sự huyên thuyên này, và tôi muốn ngồi Thiền một cách tự nhiên theo cùng một cách thức mà tôi đã quen khi còn trẻ.

Bây giờ, tôi sẽ tự hỏi: “Hội nhập văn hoá là gì ?” Có một sự khác biệt rất lớn giữa những nỗ lực do con người làm ra và thực tại xảy ra do Chúa quan phòng. Trong mỗi nền văn hoá, bộ mặt bên ngoài của đời sống có những nền tảng sâu xa của riêng nó. Bản chất con người không thể coi là trọn vẹn nếu không được tưới nhờ những mạch ngầm của truyền thống thần bí. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào bề nổi của văn hoá, chúng ta sẽ thấy chính mình trong bề nổi ấy. Điều này xảy ra trong mối quan hệ thông thường giữa người với người. Dù có nhiều thiện chí trong những nỗ lực ấy, nhưng chẳng thấm thía gì đối Thực Tại tiềm ẩn của Thân Thể Nhiệm Mầu. Sự thực hiện này đòi chúng ta phải nhìn ra những chiều kích khác của việc hội nhập văn hoá. Ở đây, tôi chỉ nói về cuộc lữ hành của riêng tôi thôi.

Trước khi gia nhập Dòng Đaminh, tôi đã tìm một câu trả lời của Chúa Giêsu nơi Tiệc Thánh Thể để xem có nên vào Dòng này hay không. Tôi nghĩ rằng tôi không thể nào sẽ thực hiện sự giản dị ở trong Dòng. Một trong những người bạn Nhật Bản của tôi đã có một câu hỏi tương tự khi bàn với vị linh hướng Dòng Tên: liệu mình có thích hợp với đời sống trong một cộng đoàn dòng tu mà không phải sống một sự giằng co nội tâm mỗi ngày chăng. Anh ta nhận được câu trả lời là anh đừng nên nghĩ đến những chuyện như vậy ở vào giai đoạn phát triển này của anh, những câu hỏi như vậy dành cho những người đã tiến xa hơn trong đời sống tâm linh. Từ trường hợp của bạn tôi, tôi không còn đặt ra quá nhiều ý tưởng cho chính câu hỏi của tôi liên quan đến sự giản dị nữa.

Trước khi tôi vào Dòng, tại bệnh viện điều trị những người mắc bệnh lao một cộng đoàn nhỏ đã thành hình, và cũng là nơi tôi được tiếp đón. Chuyện ấy xảy ra cách đây 39 năm. Khi ấy tôi vẫn còn giữ cảm tưởng rằng lối sống và cách nghĩ trong tu viện Đaminh thật sự không thích hợp đối với tôi. Vì lẽ truyền thống của sự Khôn ngoan là hãy giản dị với chính mình ngõ hầu được mở ra với Thiên Chúa. Đức Giêsu đã không trả lời tôi, vì thế tôi tiếp tục ơn gọi của mình.

Sau đó, khi tôi sang Canada để học thần học, cha Giám tỉnh đã nói với tôi: “Tôi tin rằng ơn gọi của anh là để đưa Dòng Đaminh sang trồng bên Nhật Bản”. Tôi thưa với ngài rằng: “Thưa cha, nếu hiểu là nhiệm vụ chuyển tiếp những mạch ngầm và những đặc sủng của Dòng thì con xin vâng. Nhưng ơn gọi của con không phải là để đem trồng lối sống của Dòng giống như ở Canada hay ở Châu Âu. Nếu được yêu cầu chính mình phải giữ lối sống này thì có lẽ con chấp nhận. Nhưng con không bao giờ đòi hỏi điều đó với thế hệ trẻ của chúng ta ở Nhật Bản được”. Tôi đã không cảm thấy thoải mái về câu trả lời của mình, nhưng trước khi lãnh nhận tác vụ linh mục, tôi đã hứa với Đức Kitô rằng: “Sau khi con chịu chức, con sẽ không nói những sự thật nửa vời cho chính con hay cho Chúa”.

Một vài người đã cho tôi tiền để làm một cái chén thánh nhân dịp tôi chịu chức. Theo truyền thống ở Canada và theo luật Hội Thánh thời đó thì những cái chén thánh ấy phải được làm bằng kim loại và được mạ vàng hay bạc. Tôi cảm thấy lệnh này sẽ trở thành sự giả dối trong chính cuộc đời tôi. Đối với tâm hồn một người Nhật, thì bất kỳ thứ gì được mạ bằng kim loại đều là biểu tượng của một sự giả dối. Giả như hoàn toàn bằng vàng thì có lẽ dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên, đối với tôi điều đó lại có nghĩa là một sự hoà trộn giữa tinh thần trần tục và tinh thần tôn giáo. Hầu hết vàng trên thế giới này thì đều được khai thác ở Nam Phi. Vì thế tôi quyết định làm một cái chén thánh theo kiểu Nhật Bản. Nó được làm từ bột đá, được nung ở 1300 độ, và thật sung sướng khi mà một vài năm sau đó chiếc chén ấy đã được làm phép bởi vị Sứ thần Tòa thánh tại Nhật. Theo nghĩa đó, đối với tôi, hội nhập văn hoá là gắn bó với tính giản dị. Tính giản dị này là một điều kiện tất yếu để mở rộng với Chúa. Vì thế, đây là câu trả lời của tôi cho câu hỏi được đặt ra ban đầu: “Hội nhập văn hoá là gì?”.

Sau khi chịu chức, tôi tiếp tục kiên trì trong ơn gọi Đaminh của tôi. Trên hành trình trở về Nhật, thêm một lần nữa tôi phải nhập viện lần nữa vì bệnh lao phổi và đã phẫu thuật cắt bỏ một nửa lá phổi bên phải. Sau đó, tôi đã được chuyển đến một bệnh viện điều trị lao phổi để dưỡng bệnh ở một quận mà tôi còn hiện đang cư ngụ. Tại đây, lần thứ hai, một cộng đoàn tu trì nhỏ bé được khai sinh. Điều này xảy ra cách đây đã hai mươi lăm năm rồi. Sau một thời gian khoảng mười ba năm tương đối im tiếng, ngoại trừ những cuộc trao đổi với giám tỉnh Dòng Đaminh, tôi quyết định nói chuyện với vị bề trên của tôi lúc đó. Tôi đã nói về một vài phương diện của cung cách đời sống nơi tôi. Cha bề trên đã nói: “Tôi không hoàn toàn hiểu điều anh đang làm. Anh ngồi Thiền trong nhà nguyện của anh. Thực tình mà nói tôi không thích điều anh đang làm. Chúng tôi thấy nhiều người trẻ giờ đây đang theo anh. Tôi không thích chuyện đó”. Sau một lúc thinh lặng, cha bề trên đã nói rõ ràng với tôi: “Nhưng này cha, dù tôi không hiểu việc đó, và thậm chí tôi không thích nó, thì tôi cũng không có quyền ngăn cản cha làm như vậy”. Giọng cha bề trên trở nên nhẹ nhàng: “Xin cứ tự do làm điều đó”.

Tạ ơn Chúa. Sau khi trao đổi thêm đôi lời, tôi đã rời khỏi căn phòng và nhà Dòng. Đây là lần thứ hai tôi trải nghiệm “mạch ngầm” của Dòng Đaminh trong đời tôi. Trái tim tôi rạo rực. Tôi tiếp tục sống cuộc đời như một kẻ giản dị, một người Nhật Bản đặt niềm tin nơi Đức Kitô. Sau khi sống một vài năm trong sự vâng phục đơn thuần với “Tiếng Gọi của Thiên Chúa”, cộng đoàn của chúng tôi nhận thức được một vài nguyên tắc mà chúng tôi đang tuân giữ:

(1) Không chọn lọc giữa những người nào nên đến và những người không nên đến. Sự phân định thiêng liêng về động lực là điều khó khăn. Tôi đã kinh nghiệm về sự thiếu phân định như thế nơi nhiều vị sáng lập dòng nữ. Những điều này dẫn đến một vài vấn đề quan trọng. Các hiến pháp và tục lệ của cộng đoàn tu sĩ là điều tốt. Nếu ta tôn trọng chúng, chúng sẽ bảo vệ ta và đặc biệt sẽ giúp ích sự phân định thiêng liêng của chúng ta. Tuy nhiên, sự phân định cuối cùng lại tuỳ thuộc vào mỗi người. Vị linh hướng là kẻ có thể hướng dẫn người khác đến việc phân định chính đáng. Thông thường, tốt nhất là nên chờ đợi để cho động lực tâm linh được tỏ lộ. Điều này có nghĩa là chúng ta nên tín thác vào Đức Kitô chứ không phải vào bản thân mình cho việc chọn lọc nhân sự. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm Chúa ở nơi mỗi người. Trong lối sống của cộng đoàn chúng tôi, thì tiêu chuẩn lựa chọn là những người không phức tạp và không mang theo những dấu hiệu có thể gây ra vấn đề trong tương lai.

(2) Không sở hữu tài sản. Cần phải giữ thanh bần cụ thể ngay cả ở bình diện cộng đoàn. Chúng ta càng sở hữu thì càng bám víu vào đồ sở hữu. Tính tự nhiên của con người là như thế. Sự ổn định mà chúng ta đặt nơi vật sở hữu dẫn đến việc suy giảm sự ổn định và bình an đặt nơi Đức Kitô cùng với mối tương quan của chúng ta với Người. Chẳng hạn, nếu mười người sống với nhau, thì cộng đoàn nên có đủ tiền dành dụm để trang trải phí tổn nhập viện cho một người trong vòng một tháng. Đây là một việc thích nghi trong bối cảnh xã hội hiện nay.

(3) Không lập kế hoạch dài hạn. Vì là con người cho nên chúng ta lập kế hoạch cho hôm nay hay ngày mai. Nhưng nếu chúng ta sống với tâm trạng lên kế hoạch lâu dài, thì làm thế nào chúng ta có thể cầu nguyện cùng với Đức Giêsu: “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày?” Nhiệm vụ của chúng ta là chân thành đáp trả các nhu cầu của một người theo từng ngày một.

(4) Không có những luật cấm đoán chi ly. Luật Thiên Chúa ở trong mỗi người. Chúng ta nên học cách đọc ra nó ở đó, lắng nghe ý muốn của Thiên Chúa nơi mỗi người. Nếu được sống cách đích đáng thì luật Đức Ái là quá đủ rồi cả. Tăng thêm các luật cấm đoán là giảm đi bầu khí tôn trọng đối với mỗi người. Nó gây tổn hại cho phạm vi quý giá của Đức Ái. Chúng ta có thể chân thành học hỏi từ Đức Kitô mỗi ngày và mỗi khoảnh khắc trong ngày.

Trong đời sống lữ hành của cộng đoàn chúng ta, chúng ta hãy gắng sức không ngừng để sống giản dị, bỏ đi những gì là thứ yếu và không cần thiết, hay bất cứ điều gì làm cho Cuộc Sống trở thành phức tạp.

Một trong những điều còn lại cuối cùng phải giải quyết đó là vấn đề bàn thờ. Lúc đầu, tôi đứng và cộng đoàn ngồi theo kiểu Nhật Bản trong một không gian khá nhỏ của ngôi nhà nguyện. Trước hết, ở Nhật, khi làm một điều gì đó mà đứng thì bị coi là bất lịch sự. Kế đến, giữa người chủ toạ và người tham dự nên có sự hài hoà và hợp nhất. Tôi phải mất một thời gian dài để tìm ra giải pháp thích hợp cho vấn đề này. Thật may mắn cho tôi, khi đến Ấn Độ và cử hành Thánh lễ mà mọi người đều ngồi dưới đất, tôi đã tìm được giải pháp như là lãnh nhận một hồng ân. Ngày nay, tôi gặp thấy kiểu cử hành Thánh lễ như vậy ở khắp nơi trên thế giới.

Trong tiến trình giản dị hóa (tức là sự hội nhập văn hoá, như đã nói trên đây), chúng tôi bắt đầu nhận ra rằng vô tình mình đã sống một vài hình thái của truyền thống tâm linh tựa như ngồi Thiền, chay tịnh… Ở đây đôi khi chúng tôi đã gặp thấy ngay cả những mạch ngầm của những truyền thống huyền bí khác, vốn bao gồm những việc quán sát nội tâm mang tính tôn giáo sâu đậm, chẳng hạn như Tịnh Độ Tông của Phật giáo.

Vì thế có thể hiểu được rằng Luật-Mạch ngầm, vốn được khắc ghi nơi chiều sâu của con người chúng ta, sẽ lộ ra khi toàn bộ tính giản dị được thể hiện. Chính Luật-Mạch ngầm này hiện hữu nhằm cho chúng ta giản dị hóa toàn diện. Như vậy, điều này làm một sự sáng tỏ hơn nữa vấn đề hội nhập văn hoá: Hội nhập văn hoá là cuộc gặp gỡ với mạch ngầm của truyền thống huyền bí được ẩn giấu nơi con người chúng ta trong tiến trình của sự giản dị hoá trọn vẹn.

Trong một dịp nọ, khi tôi gặp một học giả Thánh Kinh nổi tiếng ở Châu Âu tại Tokyo, ông đã hỏi tôi: “Bằng cách nào chúng ta có thể tạo nên một sự tổng hợp của truyền thống Kitô giáo chúng ta với những truyền thống huyền bí khác của nhân loại?” Tôi đã trả lời ông: “Cách thức duy nhất đó là lặn sâu vào Đức tin của chúng ta. Chúng ta càng lặn sâu vào mầu nhiệm của mình, chúng ta càng có khả năng gặp gỡ thành thật những truyền thống huyền bí khác”. Loan báo Tin Mừng và hội nhập văn hoá là một Thực tại duy nhất: Mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô và Ba Ngôi Thiên Chúa.

Dưới đây là lời giải thích cuối cùng về sự triển khai này của tôi: Cách đây một vài năm, một cha Dòng Đaminh đã từng sống nhiều năm ở Ấn Độ và hiện vẫn đang sống ở đó, đã đến thăm chúng tôi. Đôi bên đều cảm thấy sảng khoái. Cha đã thích thú vỗ hai tay lên đùi khi tôi kể cho cha nghe câu chuyện bằng cách nào tôi đã bắt đầu đón nhận các chị em phụ nữ vào cộng đoàn của chúng tôi. Ban đầu tôi rất là dè dặt. Khi tôi đến đây, không một chị em phụ nữ giáo dân nào có thể đến gần ngọn đồi nhỏ bé nơi có ngôi nhà tranh của tôi. Các chị em cộng tác với tôi thường trở về làng mỗi buổi chiều. Công việc nông trại của chúng tôi rất bận rộn, vì thế, buổi sáng họ thường phải đến sớm và trở về khá muộn lúc trời đã khuya. Rồi một ngày kia, tôi được ba vị đại diện của làng đến thăm. Họ trách móc tôi rằng: “Ông thật là vô nhân đạo”. Tôi cẩn thận và chân thành lắng nghe. Hiện tại, các chị và các cô bé, các anh và các cậu trai tất cả đều ở đây. Họ sống trong những ngôi nhà khác nhau và làm những công việc khác nhau, nhưng khi mọi thứ trở nên bận rộn trong suốt thời gian gieo hạt, trồng lúa, hay thu hoạch vụ mùa, thì tất cả chúng tôi đều làm việc với nhau. Những thành phần Hội thánh lúc đầu đã từng ném đá vào tôi thì giờ đây không còn hành động như thế nữa.

Mối quan tâm duy nhất ở đây trong cộng đoàn của chúng tôi là chính mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô và Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là lý do chính vì sao vị khách và tôi đều cảm thấy sảng khoái. “Truyền thống” của Hội thánh thì quan trọng hơn là những tập truyền thể chế của Hội thánh.