Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

THẦN HỌC NGÀY NAY: NHỮNG VIỄN TƯỢNG, NGUYÊN TẮC, TIÊU CHUẨN

Thời sự Thần học – Số 56, tháng 5/2012, tr. 180-187

Giới Thiệu Văn Kiện Mới Của Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế


Tsth___


Trong số 54 (“Những nguồn mạch thần học”) chúng tôi đã giới thiệu vai trò của Uỷ ban thần học quốc tế, cùng với danh sách các văn kiện đã xuất bản trong vòng 40 năm qua. Ngày 8 tháng 3 năm nay, một thông cáo cho biết một văn kiện vừa được phát hành với tựa đề “Thần học ngày nay: những viễn tượng, nguyên tắc, tiêu chuẩn”. Bản văn được soạn bằng tiếng Anh[1] (khác với văn kiện cuối cùng, bàn về luật tự nhiên, viết bằng tiếng Pháp). Nguồn tin ấy cũng cho biết thêm là Uỷ ban đã bắt đầu công việc soạn thảo từ năm 2004, và như vậy là mất bảy năm mới hoàn thành. Bản văn được bỏ phiếu chấp thuận trong phiên họp ngày 24/11/2011.

Nội dung


Tựa đề của văn kiện đã gợi lên đại cương nội dung của nó. Văn kiện được phân chia làm ba phần: thần học giả thiết việc đón nhận lời Chúa bằng đức tin (chương 1), thi hành công tác trong sự hiệp thông với Giáo hội (chương 2), nhằm trình bày chân lý của Chúa cho con người thời đại bằng ngôn ngữ thích hợp (chương 3).

Bản văn dài gần 40 trang A4, gồm 100 đoạn, với những đề mục chính sau đây:

Nhập đề (số 1-3)

Chương 1 : Lắng nghe Lời Chúa (số 4-5)
  1) Vị thế ưu việt của Lời Chúa: số 5-9.
  2) Đức tin đáp trả Lời Chúa: số 10-15.
  3) Thần học, sự hiểu biết đức tin: số 16-19.

Chương 2 : Cư ngụ trong sự hiệp thông Hội thánh (số 20)
  1) Việc nghiên cứu Kinh thánh như là linh hồn của thần học: số 21-24
  2) Trung thành với Truyền thống các thánh tông đồ: số 25-32.
  3) Chú ý đến sensus fidelium: số 33-36.
  4) Gắn bó có trách nhiệm với huấn quyền của Hội thánh: số 37-44.
  5) Đồng hành với các nhà thần học: 45-50.
  6) Đối thoại với thế giới: số 51-58.

Chương 3 : Thuật lại chân lý của Thiên Chúa (số 59-60).
  1) Chân lý của Thiên Chúa và tính hữu lý của thần học: số 61-73.
  2) Sự duy nhất của thần học trong sự đa dạng về phương pháp và bộ môn: số 74-85.
  3) Khoa học và minh triết: số 86-99

Kết luận (số 100).

Dĩ nhiên là mỗi người đọc sẽ tìm một câu trả lời cho những thắc mắc mà mình mang trong đầu. Một nhà nghiên cứu Kinh thánh muốn biết ảnh hưởng của tông huấn Verbum Domini đã được đón nhận như thế nào, vì thế sẽ tìm hiểu cách riêng mối tương quan giữa thần học với Kinh thánh. Những ai muốn bảo vệ sự tự do nghiên cứu của các nhà thần học sẽ lục lọi những tiêu chuẩn quy định mối tương quan giữa Huấn quyền với các nhà thần học. Một giáo sư về môn nhập môn thần học sẽ mở mục lục của văn kiện, và lướt qua nội dung, để tìm hiểu xem văn kiện này có nói điều gì mới, hay chỉ lặp lại những luận điệu mà ai nấy cũng đã biết. Hơn nữa, khi chấm luận án tiến sĩ có giáo sư không đọc nội dung của luận văn nhưng chỉ thích kiểm tra thư mục và các nguồn trích dẫn, vì thế cũng áp dụng phương pháp đó để khảo sát văn kiện này. Tất cả những lối tiếp cận ấy đều hợp lý, và chắc chắn sẽ tìm được lời giải đáp khi đọc văn kiện. Tuy nhiên, thiết tưởng còn một lối tiếp cận khá thú vị nữa, đó là đặt lên câu hỏi: Văn kiện này được soạn ra cho ai, để làm gì? Đó là câu hỏi được bản tin của đài phát thanh Vatican ngày 9/3 nêu lên đặt ra cha Krzysztof Charamsa, phụ tá tổng thư ký của Uỷ ban. Đây là câu trả lời: văn kiện nhằm hai mục tiêu chính: 1/ Xác định căn cước của môn thần học, khi đối chiếu với những môn khác được giảng dạy tại các đại học, và cụ thể là các “khoa học tôn giáo” (religious sciences). 2/ Xác định một mẫu thức chung cho ngành thần học, giữa những phương thức tiếp cận khác nhau. Ta có thể nói rằng mục tiêu thứ nhất mang tính cách “đối ngoại”; còn mục tiêu thứ hai muốn tạo ra một cuộc đối thoại “đối nội”; nhưng xem ra văn kiện nhắm tới mục tiêu thứ hai nhiều hơn (số 2). Thật vậy, từ sau công đồng Vaticanô II, thần học ý thức hơn về tính đa nguyên của mình bắt nguồn từ những lối tiếp cận do hoàn cảnh văn hóa khác nhau; liệu có thể ra tìm ra một mẫu số chung giữa các khuynh hướng và trường phái thần học không?

Căn tính của thần học


Bàn về căn tính của thần học (số 3), Uỷ ban nhắc lại rằng trong quá khứ vấn đề đã được đề cập trong nhiều văn kiện, chẳng hạn như: “Đức tin duy nhất và thần học đa dạng” (1972), “Tương quan giữa huấn quyền và thần học” (1975), “Việc giải thích tín điều” (1990). Lần này, vấn đề được trình bày cách toàn diện và hệ thống ngay từ chương Một: khởi đi từ những chủ đề căn bản như: mạc khải, đức tin, hiểu biết đức tin; những chủ đề thoạt tiên xem ra rời rạc nhưng thực sự liên kết với nhau trong sứ mạng của thần học. Thần học phát sinh từ chỗ lắng nghe Lời Chúa bằng đức tin, và phục vụ Lời Chúa trong Hội thánh và thế giới. Dưới phương diện này, văn kiện không thể nói điều gì khác hơn những gì đã được chấp nhận từ bao nhiêu thế kỷ qua. Thần học phải dựa theo những “tiêu chuẩn” (criteria) của môn học, quen được gọi là “nơi thần học” (loci theologici)[2], đó là: 1/ Lời Chúa được đón nhận bằng đức tin. Ở đây đức tin không chỉ hiểu theo nghĩa như là niềm xác tín cá nhân (fides qua), nhưng nhất là như lời tuyên xưng của cộng đoàn Hội thánh (fides quae). Điều này dẫn đến tiêu chuẩn thứ hai: 2/ Hội thánh. Mặc dù Hội thánh được quy tụ bởi Lời Chúa, nhưng chúng ta biết được Lời Chúa là nhờ chứng tá của Hội thánh. Đây là thực chất của vấn đề liên hệ hỗ tương giữa Thánh kinh và Thánh truyền. Nói cho cùng, Thánh truyền chính là chứng tích uy tín trong việc giải thích Kinh thánh, đó là: Truyền thống các thánh tông đồ (gồm cả các giáo phụ), Huấn quyền với nhiều cấp bậc. Một điều đáng ghi nhận là văn kiện này đã xen “sensus fidelium” vào giữa Truyền thống các tông đồ và Huấn quyền. Nên biết là nguyên bản tiếng Anh giữ nguyên thành ngữ sensus fidei, sensus fidelium bằng tiếng Latinh (dựa theo Hiến chế Lumen gentium) có lẽ vì muốn tránh sự hàm hồ của các từ ngữ của tâm lý học hoặc xã hội học (tựa như: cảm quan đức tin, cảm nghiệm đức tin, ý kiến nhân dân). Thật vậy, thực chất của sensus fidei không phải là cảm nghiệm cá nhân, nhưng là chính đức tin sống động của các tín hữu nhờ tác động của Thánh Linh. Thiết tưởng một vai trò quan trọng của các nhà thần học là khám phá ra “sensus fidei” của Dân Chúa. Dĩ nhiên, nhà thần học cũng là thành phần của Dân Chúa, chứ không phải là quan sát viên từ bên ngoài; như vậy họ cũng thuộc về chủ thể sensus fidelium. Cũng trong khung cảnh của cộng đoàn Dân Chúa, văn kiện nói tới “cộng đồng các thần học gia” dưới nhiều từ ngữ: “company of theologians” (số 45; 50), “theological community” (số 48). Một “locus” nữa là thế giới hôm nay, cụ thể là qua phạm trù “những dấu chỉ thời đại” (số 51)[3].

Gần một nửa văn kiện được dành cho chương Ba, bàn về sứ mạng của thần học trong thời đại hôm nay. Khi nói đến sứ mạng trình bày chân lý của Thiên Chúa, văn kiện có dịp ôn lại những quan điểm lịch sử về tương quan giữa đức tin với lý trí (số 65-72). Bước sang vấn đề sự duy nhất và đa dạng của thần học, văn kiện đã phân tích những lý do đưa đến sự đa dạng (số 76): do tính cách chuyên khoa để đào sâu thêm môn học (chẳng hạn: kinh thánh, phụng vụ, giáo phụ, giáo sử, thần học nền tảng, thần học tín lý, thần học luân lý, thần học mục vụ); do ảnh hưởng của các môn học hoặc triết lý được sử dụng (triết lý, lịch sử, xã hội học, vv); do những bối cảnh khác nhau khi nhắm đến việc thực hành đức tin[4]. Trong sự đa dạng này, người ta nhận thấy cần tìm ra những yếu tố tạo thành một căn bản chung cho thần học. Đây là chỗ bàn đến các tương quan “đối ngoại” của thần học: xác định căn cước của nó đối chiếu với các ngành khác, chẳng hạn như: triết học (số 81-82), các khoa học tôn giáo (số 83-84). Thần học khác biệt với các khoa học tôn giáo ở chỗ thần học là khoa học của đức tin, và nhằm phục vụ đức tin của Giáo hội. Khoa học tôn giáo thì tiếp cận Kitô giáo từ bên ngoài.

Tuy dù nhấn mạnh đến chiều kích khách thể và cộng đồng của công tác thần học, nhưng có lẽ cuối cùng, yếu tố có khả năng tạo ra sự nhất quán của thần học (hoặc của nhà thần học) là đời sống tâm linh, sự kết hiệp huyền nhiệm với Thiên Chúa (số 96-99).

Vài vấn đề


Như đã nói, mỗi người đọc có thể chú ý đến một điểm cụ thể của văn kiện, chẳng hạn như tương quan giữa Lời Chúa và thần học (số 21-24). Một lần nữa, Kinh thánh được nhìn nhận như là “linh hồn” của thần học, nhưng đồng thời văn kiện cũng nói đến những lối giải thích Kinh thánh khác nhau (số 22). Nói rằng Kinh thánh là hồn của thần học, thì phải hiểu rằng tất cả mọi ngành thần học (không những thần học kinh thánh, mà cả thần học tín lý, luân lý, mục vụ) đều cần dựa trên Kinh thánh. Đối lại, khi nói đến việc giải thích Kinh thánh, thì phải hiểu về sự “giải thích thần học” (theological interpretation) chứ không chỉ dừng lại ở nghĩa văn bản. Nói khác đi, cần đọc Kinh thánh dựa trên ba nguyên tắc: a) sự duy nhất của toàn bộ Kinh thánh; b) chứng tá của Truyền thống; c) analogia fidei (xc. Dei Verbum số 12; Verbum Domini số 34).

Một cách tương tự như vậy. Khi nói đến “Thánh Truyền”, cần phân biệt giữa “Truyền thống tông đồ” và các “truyền thống Giáo hội” : có sự khác biệt về cấp độ uy tín (số 31); tuy không nên quên rằng Truyền thống không chỉ giới hạn về đạo lý, nhưng còn bao gồm cả phụng vụ và nếp sống. Ta cũng có thể nói một cách tương tự về Huấn quyền: cần phải phân biệt các cấp độ uy tín. Chỉ có các công đồng hoàn vũ, huấn quyền của toàn thể hàng giám mục, các giáo hoàng mới có thẩm quyền tuyên bố tín điều (số 29). Trên thực tế, những mối căng thẳng giữa các nhà thần học với huấn quyền không phải trong những lãnh vực vừa nói, nhưng ở những cấp thấp hơn, hoặc là với các cơ quan giáo triều hoặc là với các giám mục địa phương. Thực ra vấn đề này đã từng được bàn đến trong một văn kiện của Uỷ ban thần học và một văn kiện của Bộ Giáo lý đức tin[5].

Dù sao thiết tưởng không phải là thừa khi nhắc lại rằng các văn kiện của uỷ ban thần học quốc tế, tuy đã được Tổng trưởng bộ Giáo lý đức tin phê chuẩn, nhưng không phải là một văn kiện của huấn quyền.

Kết luận


Tóm lại, tuy mang tựa đề “Thần học ngày nay” (Theology today), nhưng văn kiện không bàn đến những vấn đề sôi bỏng của thời đại hoặc những trào lưu thần học đương thời. Đúng ra văn kiện muốn nhắc lại những “tiêu chuẩn” để xác định căn tính của thần học “công giáo”, và có thể dùng như sườn để soạn một giáo trình về Nhập môn Thần học.

Để kết thúc, sau khi đã rảo qua nội dung bản văn, thiết tưởng nên lướt qua các trích dẫn. Có tất cả 163 trích dẫn. Hai văn kiện được trích nhiều nhất là Dei Verbum (26 lần) và Verbum Domini (23); kế đó, trong số các giáo phụ, đứng đầu là Augustinô (12 lần), thua thánh Tôma (14 lần). Những văn kiện của huấn quyền liên quan đến thần học được nhắc đến nhiều lần là: Fides et ratio (5 lần), Donum veritatis (7 lần). Các tác giả hiện đại được trưng dẫn là: John Adam Moehler, Newman, de Lubac, Congar (mỗi người 1 lần). Uỷ ban cũng trích dẫn các văn kiện mà mình đã phát hành , cách riêng: về việc giải thích tín điều (5 lần), về tương quan giữa thần học và huấn quyền (6 lần).
_____
[1] Bản văn được đăng trên website của Uỷ ban thần học
[2] Xc. Melchior Cano, De locis theologicis được trích dẫn ở chú thích 28.
[3] Ta có thể xem sáu tiêu đề của chương Hai như là “sáu tiêu chuẩn” của công tác thần học.
[4] Tuy nhiên, sự đa dạng không chỉ tuỳ thuộc vào những điều kiện xã hội mà thôi. Ngay từ đầu (số 2) , văn kiện đã khẳng định rằng “tính duy nhất và đa dạng” nằm ngay trong bản chất của “Mầu nhiệm” phong phú của Đức Kitô cũng như trong bản tính “công giáo” của Hội thánh.
[5] Hai văn kiện được trích dẫn ở chú thích số 82: International Theological Commission, Theses on the Relationship between the Ecclesiastical Magisterium and Theology (1975), Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction on the Ecclesial Vocation of the Theologian “Donum Veritatis” (1990).