Thời sự Thần học, số 7, tháng 03/1997, tr. 78-92
Vũ Văn Thiện
Tôi không phải là người chuyên về thiền, cả trong lý thuyết lẫn thực hành. Chỉ là kẻ bập bẹ và tập tễnh. Nhưng suốt quá trình đi tìm thượng đế, tôi đã trải qua một số kinh nghiệm có liên quan cách nào đó tới thiền, hay đúng hơn cái mà tôi gọi là thiền. Và tôi thấy mình cũng có xu hướng đi vào lãnh vực thiền.Những kinh nghiệm của tôi là thế này:
Từ một con người mang nhiều bệnh mãn tính ở khắp lục phủ ngũ tạng, và có thời gian đã trở thành cấp tính, phải giải quyết bằng nhiều lần nằm viện, cũng có khi bằng các phương pháp tuyệt thực, châm cứu, dưỡng sinh, thư giãn thần kinh, vận dụng khí huyết, thiền định về nhân diện… Theo năm tháng chung sống với bệnh tật và tìm cách thoát khỏi bệnh tật, những chân lý về vũ trụ quan, nhân sinh quan đã hình thành dần dần trong đầu tôi. Và rồi, nếu không thành công trong giải quyết dứt điểm các bệnh tật, tôi đã tự cho mình là thành công trong quá trình chung sống với bệnh tật. Muốn chung sống với nó thì phải giải quyết từng nố, từng ngày, từng giờ, để luôn mang cái ý thức sâu đậm sẽ còn cứ phải tính toán như thế mãi theo năm tháng cuộc đời. Chung sống với bệnh tật bỗng trở nên cho tôi một cơ hội tuyệt vời để sống ý nghĩa căn bản của cuộc sống. Và đó là một duyên kỳ ngộ. Từ đó tôi có cảm tưởng mình đã manh nha tiếp xúc với lãnh vực thiền.
Trước khi trình bày quan niệm của tôi về thiền, xin phép được nói tới một quá trình tạm gọi là song hành: cuộc sống tâm linh của tôi. Tôi phải thú nhận mình có xu hướng về đời sống tâm linh ngay từ năm 14 tuổi, với việc chọn lựa cùng một lúc, đi theo tiếng gọi Kitô giáo và tiếng gọi làm môn đệ Chúa Kitô trong đời sống tu hành. Trước kia, tôi vốn là một người bên lương, không theo tôn giáo nào, gia đình cha mẹ chỉ thờ cúng ông bà. Và rồi, qua sự đẩy đưa của hoàn cảnh, tôi đã được dịp may tiếp xúc với các linh mục, đối với tôi, là hiện thân của lòng từ bi hỷ xả, sau này cũng phải đảm nhận chức Giám mục giáo phận Kontum. Cuộc đời tôi bước sang một ngõ quặt lớn. Từ ngày đó, tôi đã không hề hối tiếc về sự lựa chọn của mình. Đời sống tâm linh của tôi cũng bắt đầu nhen nhúm và triển nở.
Từ nay động lực và cũng là mục tiêu, cứu cánh, hấp dẫn và thu hút tôi là Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa làm người. Để gần gũi với Ngài tôi có Thánh lễ và Kinh thánh. Cho tới ngày hôm nay Kinh thánh đã là duyên nợ rất “năng nợ” đối với tôi. Có thể nói trong các cuốn sách mà tôi lần giở hàng ngày, theo chiều dọc cuộc đời. Kinh thánh luôn chiếm vị trí áp đảo. Tuy nhiên, một điều đáng nói, cho mãi tới gần đây thôi, Kinh thánh mới thực sự “mở ra” cho tôi. Nhờ nguyên do nào? Nhờ sự thăng hoa của đời sống cầu nguyện.
Vâng, chỉ mới đây thôi, khi vừa tròn 68 tuổi đầu, tôi mới biết cầu nguyện là gì. Mặc dầu tôi đã làm việc gọi là cầu nguyện từ đó tới nay hàng ngày. Cầu nguyện, hai chữ ấy xem như đơn sơ quá. Ai trong chúng ta cũng đã bắt gặp hình ảnh những con người cầu nguyện tại các đền thờ, chùa chiền, miếu mạo, trước bàn thờ gia tiên… Thấy người ta cầu nguyện đấy, nhưng khó có thể nói ta cầu nguyện như thế nào. Tân ước có nhắc tới một thời gian nhiều ngày, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện và thức suốt đêm để cầu nguyện trước khi người quyết định chọn 12 tông đồ (xem Lk 6,12-13). Có lần các môn đệ thấy Thầy mình cầu nguyện mà sắc mặt biến đổi hẳn, y phục trở nên trắng toát (xem Lk 9;29). Có một cái gì đó mà ta không hiểu được, đã xảy ra trong tương quan Giêsu và Cha Người trong giờ cầu nguyện âm thầm và thinh lặng ấy. Hãy nghe lời Đức Chúa phán trong Cựu ước: “Vậy, chính Ta sẽ dụ dỗ nó, Ta sẽ dẫn nó vào trong sa mạc, và Ta sẽ nói tận trong trái tim nó… Ta sẽ đính hôn với con mãi mãi… Ta sẽ đính hôn với con… và con sẽ biết rõ Đức Chúa” (Os 2;16-22). Phải chăng có cái gì tương tự đã xảy ra trong lúc Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha Người. Cầu nguyện là bị hấp dẫn toàn cả thâm tâm vào vòng liên lạc với Thượng đế. Mình không còn làm chủ mình nữa. Bèn chỉ là sự trống rỗng để đón nhận hồng ân từ trời ban xuống. Ban như một vòng tay ôm trọn lấy mình, trong tình yêu, để lòng kề bên lòng thỏ thẻ, và nhận biết ra nhau.
Trở về với bản thân tôi, qua đời sống tâm linh và những năm tháng chung sống với bệnh tật, kinh nghiệm tích lũy dần dần, các biến cố nội tâm ngoại cảnh đan chen với nhau đưa tôi vào đời sống cầu nguyện, qua các ngõ ngách của thiền. Cầu nguyện và thiền đã soi rọi lần cho nhau và kề vao sát cánh với nhau đến cái mức khó mà phân biệt. Vậy tôi xin trình bày đôi nét mảng sáng nổi lên trong tôi về cái gọi là thiền. Tôi xin khẳng định lại, đấy là cảm nghiệm hơn là tư duy, tức có phần rất chủ quan.
Về thiền, tôi chỉ đọc có vài cuốn sách của thầy Nhất Hạnh, do các bạn tôi bên Phật giáo giới thiệu. Và đọc sơ tập Thiền Luận của Suzuki. Đối với tôi, thực hành thiền đồng nghĩa với “mở ngỏ thân tâm”. Mở ngỏ là gì? Đơn giản là không có cửa đóng, không có rào chắn. Không có sự bưng bít, co cụm, chai đá, đông đặc, khô cứng. Đi sâu hơn nữa, mở ngỏ là trống rỗng, là thông suốt, là sẵn sàng cho mọi giao lưu, thông thương giữa ngoài và trong. Vâng, mở ngỏ thì vẫn xòn cánh cửa đó, nên không phải là xóa bỏ ranh giới giữa cái này và cái kia, giữa cái ngã và cái tha, song là cho phép sự thông thương tự do, thản nhiên như vải để nước thấm qua, như sự thẩm thấu giữa các tế bào và dung dịch bổ dưỡng.
Trong Kinh thánh có rất nhiều lời cầu nguyện để xin Thượng đế mở mắt ta, mở tai ta, mở miệng lưỡi, mở lòng (1V 8:52; 2V 6:17; Tv 118:18; Is 35:5; Mc 7:34; 10:51; Lc 18:41; 24:31; Ep 1:17-18; Tp 15:18; 2Ma 1:4; Cv 16:14; 2Co 6:4; 6:13). Và khi Thiên Chúa đã mở, chẳng ai còn có thể đóng (Kh 3:7). Được mở ngỏ là một ân huệ; vì cứ sự thường, sự vật có xu hướng đóng kín, ù lì, bất động. Phải có tác động từ ngoài vào nó mới mở. Tác động của giọt sương, của ánh mặt trời, của nước, của gió. Trong dây chuyền bức xạ hạt nhân, phải có tác động của chính bức xạ hạt nhân, nguyên tử mới mở ra và phát ra năng lượng. Trên hết tất cả và tuyệt đối bao trùm từ vĩ mô đến vi mô, phải có tác động của chính nguyên nhân tối thượng là Thiên Chúa. Nhất là đối với con người muốn mở ngỏ. Đặc biệt là mở ngỏ trong thiền.
Tôi xin trích một câu Kinh thánh, sách Khải huyền, để chứng minh cách của Thiên Chúa xử trí trong khi tác động lên sự mở ngỏ của con người: “Này ta đứng trước cửa và Ta gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3:20). Thiên Chúa đợi chờ và thúc dục con người mở cửa, cho đến khi họ tự nguyện mở ra cho Người. Đó là phương cách tế nhị của Thiên Chúa khi Ngài tác động lên ý chí tự do của chúng ta. Nơi khác, chính Chúa Giêsu tự ví: “Ta là cánh cửa” (Ga 10,9), “Ta là con đường” (Gal 14,6). Cánh cửa hay con đường, tất nhiên để mở ra cho sự đi lại, thông thường, giao lưu, gặp gỡ.
Như một hệ quả của sự mở ngỏ nơi tạo vật, đó là do thấy mình thiếu thốn và rống rỗng. Đứng trước Đấng Tạo Thành, ta phải khiêm tốn đến mức nào. Nhận thức được sự thiếu thốn và trống rỗng của mình, đó cũng là một ân huệ. Ta chỉ nghiệm được điều ấy khi ta mở ngỏ. Mở ngỏ cả thân tâm.
Tuy nhiên, thân phận con người sinh ra trong xác phàm là muốn có được sự mở ngỏ toàn diện, phải kính qua tình trạng mở ngỏ của thân xác ta. Ai cũng thấy thân xác con người được cấu tạo theo một cấu trúc mở ngỏ, kiểu bọt biển: toàn những đương ống ở hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp. Cột sống và các khúc xương cũng là những đường ống bao bọc lấy các ống giây. Các phủ tạng tưởng chừng như chắc nịch, đều làm thành bởi các tế bào có chức năng thẩm thấu. Toàn bộ tế bào khác trong châu thân đều có chức năng giao lưu, thẩm thấu, để tự nuôi dưỡng và tự bài tiết, để thông thương và giao lưu với các tế bào khác. Đến như các nơron thần kinh hệ thì chức năng vi tế của nó chính là chức năng của thông tin tin học của dòng điện tử não bộ chỉ huy, ngay ở chính phạm vi mở đóng của toàn bộ cơ thể. Vậy là chân thân con người được kiến trúc theo hệ thống mở ngỏ từ vĩ mô đến vi mô. Và khi nào sự mở ngỏ trên bị bít lại, không để cho thông thường ở một bộ phận nào đó, bộ phận này liền bệnh hoạn. Khi toàn bộ bế tắc thì chỉ còn là cái xác chết.
Với kinh nghiệm tích lũy qua thời gian, tôi nghiệm ra vai trò tuyệt vời của hệ thống thần kinh mà Thượng đế sáng tạo đã bố trí trong con người. Qua nó, tôi có khả năng điều khiển thân thể tôi từ vĩ mô tới vi mô trong một trạng thái hoàn toàn bỏ ngỏ hay hoàn toàn đóng kín. Khi bỏ ngỏ, nghĩa là hoàn toàn trống rỗng, buông xả, trao hiến để đón nhận trọn vẹn sự chan chứa tràn đầy của vạn hữu hiện sinh. Chan chứa tràn đầy phải gợi ra cho ta một dòng lũ cuốn, một thác nước đổ, một biển sóng ào ạt. Vạn hữu hiện sinh gồm tất cả các thang bậc của hữu thể, từ vật chất thô sơ qua sự sống hữu cơ, qua con người có thân và tâm, qua thế giới thần linh, và trên ngôi chóp đỉnh là Thượng đế sáng tạo. Chúng ta được biết, ngay trên bình diện khoa học vật lý, và mới đây thôi, năng lượng sinh học, có những tác động tương phức, tương tác, tương nhập giữa các vật thể với nhau, qua các làn sóng bức xạ, các vi hạt alpha, betagamma, delta… và như thể từ khắp vũ trụ, xuyên khắp vũ trụ, đến nỗi có thể nói mỗi con người trên trái đất nhỏ bé này, từng giây từng phút, liên hồi bị tác động bởi cả vũ trụ vật thể, thậm chí từ triệu thiên hà xa lắp. Vì thế, khi thân tâm mở ngỏ – và mỗi chúng ta đều có tự do để mở hay đóng – thì vạn hữu như những lớp sóng dồn, tràn vào. Tất nhiên qua sự tràn vào đó nhất thiết có sự hiện diện của Đấng là Hữu thể tuyệt đối. Thượng đế. Cái tôi nhỏ hèn và bé mọn bỗng trở nên nên mênh mông bát ngát, chứa đựng toàn thể vạn hữu. Tôi ở trong Chúng ta, Chúng ta ở trong Tôi, hòa nhập với cái đại ngã của Thượng đế. Đúng là vạn vật nhất thể “Con người nhất nhất là một gút tương quan” như lời nhà văn Saint Exupéry nói.
Nhưng, chớ vội kết luận là mọi sự đương nhiên xảy ra suông sẻ. Vẫn còn cần chiếc van mở đóng cửa của quyền tự do con người. Không, nó cũng không hoàn toàn thuộc quyền tự do con người. Đó là quyền tự do của Thượng đế khi Ngài “đứng đợi và gõ cửa”. Nếu Ngài không đứng đợi và gõ cửa như thể đã sẵn sàng chờ chực ở đó từ muôn thủa thì chẳng ai mở được cánh cửa của thân tâm ta. Phần ta, tự mình cũng không mở nổi đâu. Tuy ở trong nhưng phải gõ thì cửa mới mở (Mt 7,7). Nghĩa là phải cầu nguyện xin Thượng đế thắp sáng ý thức của ta, để cho cái tôi nhỏ bé, ích kỷ, đóng kín của mình “chiu” mở ra đón nhận cái “chúng ta” và cái “ta” vô biên.
Đến đây tôi tự hỏi, cái tôi của tôi là gì? Là một cái tôi rất ích kỷ, luôn luôn thích đóng kín vào mình. Hơn nữa, nó chỉ là ngẫu thể phù du, vô thường, có cũng được, chẳng có cũng chẳng sao. Nó từ hư không được tạo hóa đưa ra chào đời, và nếu nó tiếp tục “còn có đó” (être là ), là tại vì từng giây tích tắc, nó được tạo dựng và liên tục được tạo dựng trong thời gian, để còn có đó “thêm một giây nữa… cho đến khi nào Đấng Tạo thành đổi ý, giả sử như Ngài đổi ý, không muốn nó tồn tại nữa. Tất nhiên Đấng Tạo Thành đâu phải là trẻ nít, để nó cứ thay đổi ý định. Ngài là chân như, là trung tín, là ý muốn vĩnh cửu. Là tình yêu một lần cho mãi mãi, là lời thề nguyền giao ước vĩnh hằng.
Vậy cầu nguyện ở trạng thái thiền, là bày tỏ ngay trong từng giây phút hiện tại – xin lưu ý chữ hiện tại – thái độ của một kẻ vốn là ngẫu thể hư vô, đang quỳ xuống trong tâm thức, để khiêm tốn lãnh nhận bản thể của mình, cái tôi của mình, từng giây từng phút liên tục được Thượng đế trao ban. Một thái độ hiện sinh, nhìn nhận mình vốn chẳng có gì, chẳng là gì, mà “hiện tại” đang được tất cả: tất cả đại dương mênh mông vô tận của Đấng tự xưng là “Egosum”, “Ta là Ta”, tràn vào cái bản thể ngẫu tính xuất phát từ hư vô của mình, ngay trong hiện tại, “để chúng ta được tràn đầy bằng chính sự tràn đầy sung mãn của Thiên Chúa” (Afin que vous serfez conblés jusqu à recevoir toute la piénitude de Dieu, dịch theo bản TOB Ep 3,19), qua “thân mình Chúa Kitô là sự tràn đầy sung mãn của Đấng mà chính Thiên Chúa tự thân đổ tràn vào chứa chan lênh láng” (Ep 1,23, theo bản TOB). Như vậy, qua chứng từ của một con người đã cảm nghiệm được cía hư vô cùng tột của mình như thánh Phao-lô, đồng thời cảm nghiệm được sự tràn trề của hữu thể vô biên là Thiên Chúa, tràn vào mình đầy ắp chứa chan, đến nỗi mình tiếp nhận trọn vẹn Thiên Chúa, vâng TRỌN VẸN THIÊN CHÚA TRÒN ĐẦY CHỨA CHAN trong cái tôi của mình, ngay ở giây phút hiện tại, chúng ta chỉ còn biết sững sờ đến tột độ. Và cái sững sờ đó xảy ra trong giây phút tôi cầu nguyện trong thái độ thiền định.
Tâm trạng sững sờ đến sửng sốt đó bao gồm: thứ nhất, sự khiêm tốn của thọ tạo hư vô tiếp nhận hữu thể vô biên, thứ hai niềm hỉ lạc của một thứ hạnh phúc mà không bút nào tả xiết, thứ ba tình yêu đáp trả tình yêu, thứ bốn cái cảm giác lâng lâng của một sự bình an vô tận đến xâm chiếm lấy mình, thứ năm sự hiến trao cho Ngài như Ngài đã hiến trao trọn vẹn cho mình. Và dĩ nhiên những thái độ đồng hành không thể thiếu: thờ lạy, ngợi khen, cảm tạ, đón nhận và tin yêu. Tôi nói như thể có vẻ nhiêu khê lắm lời. Sự thực, trong giây phút thiền định, tất cả bằng ấy chỉ xảy ra trong tích tắc ở cuộc gặp gỡ xuất thần giữa cái ngã nhỏ bé của tôi và đại ngã của Thượng đế: hia cái ngã thẩm thấu vào nhau đến mức thánh Phaolô nói: “Không còn phải tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2,20).
Riêng đối với lòng tin Kitô giáo, Thượng đế không những liên tục tạo dựng nên tôi mà còn liên tục sinh ra tôi, nghĩa là thông chia chính cái đại ngã của Ngài cho tôi một cách điệu vợi đến cái độ Ngài với tôi đã đi vào quan hệ phụ tử. Trong Đức Kitô Con Một của Ngài, toàn vẹn Cha thuộc trọn về Con, đứa con vốn từ ngẫu tính vô thường xuất ra để thành con ruột của Cha hằng hữu. Kinh thánh diễn tả quan hệ phụ tử thiên giới đó như sau: “Cho những ai đón nhận Ngài, Ngài ban cho quyền trở nên con cái Thiên Chúa, những ai tin vào danh Ngài (Đức Giêsu Kitô), và họ được sinh ra không phải bởi sự sinh đẻ theo giới tự nhiên, cũng không phải do sự chọn lựa con người hay lởi quyết định của một nam nhân, mà do Thiên Chúa” (Gal 1,13). “Anh em hãy xem Chúa Cha đã yêu mến chúng ta đến thế nào để chúng ta có thể được gọi là con Thiên Chúa. Đúng, chúng ta là như vậy… Chúng ta biết rằng, khinào được tỏ hiện, chúgn ta sẽ giống hệt như Ngài, vì chúng ta sẽ diện kiến Ngài đang có” (1 Ga 3,1-2).
Vậy khi tôi thiền, để thắp sáng cái tâm thức tôi không ngừng được Cha thiên quốc sinh tôi ra từng giây từng phút, tôi nhâm nhi qua hởi thở lời thánh vịnh: “Con là Con Cha, ngay ngày hôm nay, Cha sinh ra con” (Tv 2,7; Cv 13,33; Hi 1,5), hoặc chính tiếng “Cha ơi” (Gal 4,6; Rm 8,16-17).
Chúa Cha đang sinh ra tôi trong Đức Giêsu Con Một của Ngài từng giây từng phút, và ngay giờ phút này. Ngài trìu mến gọi tên tôi từ thủa đời đời, trong kế hoạch Đức Kitô: “Con là Con Cha” Nhịp thở vào đó là tiếng Ngài gọi. Trong nhịp thở ra, tôi hân hoan lập lại cũng câu ấy như một lời phúc đáp: “Này con đây, con xin đến, vâng: Con là con Cha”. Tiếng ấy vang lên “ngay ngày hôm nay, ngay giây phút này, đúng giờ đúng lúc cho một cuộc thai sinh đang xảy ra, khi tôi thở vào. Qua hơi thở ra tôi cũng tuyên xưng cái “hiện tại” đầy hồng ân ấy. “Ngay ngày hôm nay”, ngay giây phút này. Và tiếng Cha đồng vọng với giờ phút thai nghén và sinh nở: “Cha sinh ra con”, qua hơi thở vào. Qua hơi thở ra, vâng, tôi đang được sinh nở và thành hình làm con Cha trong Đức Giêsu Con Một. Tôi lại vừa thoát thai một lần nữa trong đời, hoàn toàn mới mẻ tươi rói như đứa trẻ mới chào đời. Tôi quỳ xuống đón nhận hữu thể Cha trao ban, không chỉ hữu thể xuông, mà chính bản thể của Cha thông qua cho tôi trong Đức Kitô, để tôi trở thành con ruột của Cha thật sự. Giờ đây, tôi chỉ còn biết kêu lên qua hơi thở hổn hển của Thần Khí trong trái tim mình, và tôi thở vào: “Abba, Cha ơi”, cũng là tiếng rên rỉ xuất thần của Đức Giêsu Con Một… Khi thở ra tôi đồng vọng với tiếng gọi thân thương đó, “Abba, Cha ơi”
- Thở vào: Con là Con Cha; thở ra: Con là con Cha.
- Thở vào: Ngay ngày hôm nay; thở ra: ngay ngày hôm nay.
- Thở vào: Cha sinh ra Con: thở ra: Cha sinh ra con.
- Thở vào: Abba, Cha ơi, thở ra: Abba, Cha ơi.
Đối với tôi, cảnh thức thiền định bằng chính Lời Thiên Chúa mà tôi vừa vụng về mô tả ở trên, nó chính là cầu nguyện trong thiền và một trật thiền trong cầu nguyện. Chúng ôm lấy nhau như một thực thể duy nhất. Có lẽ khi mới bắt đầu thì cảm thấy khó khăn. Nhưng với thời gian hành thiền và cầu nguyện rồi sẽ quen. Một khi quen rồi, nó đưa ta vào huyền nhiệm chiêm niệm mà mục tiêu là kết hợp giữa Thiên Chúa tối cao và con người trần phàm xác thịt. Tôi đã nhắc lại nhiều lần và xin được nhắc thêm một lần nữa: từ trời, một ân huệ hoàn toàn ta nhận được nhưng không, chẳng do tài năng hay công cán gì của ta. Trong cầu nguyện, chúng ta chỉ là hiện thân sự yếu đuối, chẳng biết nguyện cầu sao cho phải lẽ, nếu Thánh Thần không cầu thay nguyện giúp cho ta và trong ta. Hơn nữa, muốn cầu nguyện bằng cái tâm thâm uyên nội tại của mình để có thể gặp được cái tâm thậm thâm cảu vị Thiên Chúa hiện thân là nội tại, chỉ có thể cầu cứu Thánh Thần giúp đỡ (xem Rm 8,26-27). Nhưng lạ thay hễ mà Thánh Thần can thiệp vào, bạn cảm nhận được ngay tiếng Ngài kêu van rên rỉ về chức năng nghĩa tử của chúng ta và cả tạo thành, đối với Chúa Cha, trong Đức Giêsu Kitô (xem Rm 8,22-23). Khi ta thỏ thẻ trong tâm khảm mình tiếng “Abba, Cha ơi”, thì có sự “lồng tiếng” của Thánh Thần vào trong tiếng kêu của chúng ta (xem Rm 8,15-16; Ga 4,6). Chính vì vậy thánh Phaolô nói lên xác tín này: Thánh Thần là ấn triệu, là bảo chứng để các con cái của Chúa nhận ra thực thể của mình đã được cứu chuộc và được nhận làm con (Ep 1,13-14; Col 1,5-6; Cv 2,33; Ep 4,30; Gal 4,6).
Tôi vốn là hư không tội lỗi, qua tác động của Thần khí, được Thiên Chúa tối cao đưa vào cuộc hiệp thông với Cha trong Con Một, thì hậu quả một trật sẽ là đi vào hiêp thông với vạn hữu. Đây là cả một viễn ảnh bao quát nhiệm màu tóm tắt trong câu: “Qui tụ mọi sự trong Đức Kitô, cả trên trời lẫn dưới đất” (Ep 1,10; Gal 4,4; Co 1:16,20). Triết lý đại hồng của Á Châu là “vạn vật nhất thể”: có mầm giống trong Ngôi Lời Thiên Chúa. Trong cầu nguyện tọa thiền, tôi có khả năng trở nên mối giây kết hợp vạn vật trong một tương quan hữu thể tính bốn chiều, dài rộng cao sâu, đúng theo nhãn giới của thánh Phaolô trong thư Êphêsô (Ep 3,18). Rộng theo chiều mở hiện tại của vũ trụ nhân sinh. Dài theo chiều dài của thời gian lịch sử từ mút quá khứ cho đến mút tương lai. Cao theo chiều hút lên của Cha là Thượng đế tối thượng. Sâu theo chiều xoáy ốc vào cõi thậm thâm của Thần khí nội tại. Phải làm thế nào để “ Đức Kitô là tất cả trong tất cả mọi sự” (Col 3,11). Và loài người chúng ta tất cả chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô, và mỗi người liên đới với người khác như trong một thân thể mà các chi thể liên kết với nhau ((xem Rm 12,4-5). Cầu nguyện tọa thiền có khả năng đưa chúng ta vào vũ trụ “vạn vật nhất thể” ấy như cá lội trong đại dương của hữu thể đại đồng.
Đến đây, kết hợp chân lý Thiên Chúa Ngôi Cha sáng tạo và sinh thành ngay trong từng giây từng phút của hiện tại tiếp nối hiện tại, với chân lý vạn vật nhất thể cùng giao chuyển với nhau trong đại ngã của hữu thể tối thượng, chúng ta có một mà hình sinh động, minh họa sự đồng bộ xuất hiện cùng một lúc và tái xuất hiện tiếp nối liên lỉ của vạn hữu, tươi rói trong vai trò thọ tạo và vai trò con cái Thiên Chúa, đồng hành với nhau, hơn nữa nắm tay nhau như anh em cùng Cha, để không ngừng cấu thành, xây dựng, bổ sung và phát triển thế giới vạn hữu, theo nguyên tắc, ngày càng tươi đẹp hơn. Theo nguyên tắc nghĩa là nếu không có si mê, lầm lạc, tội lỗi và đau khổ phá rối tất cả. Nói đến màn hình, tôi xin mượn biểu tượng ấy để miêu tả thía độ cầu nguyện tọa thiền của hành giả, giúp chúng ta dễ nắm bắt được thực tại. Đây là một cuốn phim trình chiếu trên màn hình. Theo dõi trên màn hình, chúng ta được xem một câu chuyện có tiền có hậu. Thiên nhiên và lịch sử tạo thành từ Alpha đến Omega. Còn chiều rộng của màn hình là hàng tỉ thiên hà, trong đó có trái đất của chúng ta, cứ liên tục hình thành từ vĩ mô tới vi mô, và không ngừng dãn nở đến vô tận. Trong câu chuyện đó, mỗi hữu thể đóng một vai diễn đặc thù ở một điểm thời gian không gian nhất định, nhưng liên quan tới toàn thể vũ trụ đại đồng, theo mọi chiều kích dài rộng cao sâu. Tất nhiên người biên kịch và đạo diễn tấn kịch không lời ấy chỉ có thể là Đấng vượt trên thời gian và không gian, tiếp tục sáng tạo không ngừng các vai diễn và bố cục họ trong toàn vở kịch. Và đó là Thượng đế, là Hóa công. Chương trình Ngài bố trí và đạo diễn, Ngài đã sắp sẵn từ thủa đời đời, lên kế hoạch chi tiết, nhờ Ngôi Lời của Ngài và cũng là Con Một, Đức Giêsu Kitô. Để cụ thể hóa tất cả. Đức Giêsu Kitô chính là cuốn phim nhựa tổng kết và phân bổ đầy đủ chi tiết những gì Đức Chúa Cha đã tiền định. Còn cần một yếu tố nữa là cuốn phim đã chuẩn bị biến thành hình ảnh trên màn hình. Đó là ngọn đèn hình ảnh của Thần khí Thiên Chúa. Màn hình trước đó chỉ là con số không. Chỉ khi nó tiếp nhận ánh sáng chiếu qua cuốn phim, nó mới biến thành hình ảnh hiện thực. Và các hình ảnh trình chiếu chỉ hiện thực bao lâu nguồn sáng còn chiếu. Đèn hình mà phụt tắt thì tất cả hình ảnh đang cử động trên màn hình lập tức trở về con số không. Chính chúng ta và kẻ tạo thành đều đang diễn tuồng trên màn hình, theo sự đạo diễn của Thượng đế. Trong một câu chuyện kịch bản mà tất cả và mỗi một trong vạn hữu đều vào vai ngay trong giây phút hiện tại. Không ai vào vai một mình. Người ta cùng đóng góp cho vở kịch. Và tất cả đều tùy thuộc vào nhà biên kịch và nhà đạo diễn toàn bộ là Thượng đế. Trong một chương trình xây dựng trong Đức Kitô, với Đức Kitô là vai diễn trung tâm, là linh hồn kịch bản, là tiến trình có tiền có hậu của câu chuyện, là khởi nguyên và cứu cánh của tất cả vở kịch. Và với Chúa Thánh Thần, ngọn đèn hình cho phép vở kịch được trình chiếu từ đầu chí cuối, nghĩa là đưa kịch bản biến thành vở diễn đang trình chiếu. Nhất cử nhất động trên màn hình đều nhờ vào Thánh Thần. Từng giây từng phút, liên tục tiếp diễn. Điều khác biệt giữa màn hình điện ảnh và màn hình thiên nhiên lịch sử tạo thành là ở chỗ này: hình ảnh của điện ảnh chỉ là hình ảnh ảo; nhân vật, các cử điệu và hoạt động đều là ảo tất. Còn màn hình thiên nhiên lịch sử gồm toàn những hữu thể có thực, mặc dù là thực thể ngẫu tính nghĩa là nó chỉ có thực khi nào nguồn sáng của hữu thể tạo thành còn chiếu dọi. Nguồn sáng ấy tắt đi, tất cả đều trở về hư không. Một lần nữa, chúng ta có mặt trong vũ trụ này từng giây từng phút, dựa vào hoạt động tạo thành và sinh nở không ngừng của Thượng đế. Vàc chính trong giờ phút cầu nguyện tạo thiền, chúng ta mới ý thức được trọn vẹn chân lý căn bản ấy. Cho nên mỗi giây phút hiện tại, nếu được sống trong trạng thái độ thiền và cầu nguyện như thế, sẽ thắp sáng cuộc sống chúng ta, đưa ta đi sâu vào lòng Thượng đế và nhân loại, hòa nhập với tất cả tạo thành, ôm ấp lấy tất cả chúng sinh, tất cả hạnh phúc vfa đau khổ của chúng sinh, trong tâm tình dâng hiến và chia sẻ.
Cầu nguyện kiểu tọa thiền như thế, dần dần đưa ta lời giác ngộ. Có thể là giác ngộ tiệm tiến, có thể là theo cách đột xuất. Nhưng giác ngộ cách nào đi nữa thì nhất thiết phải cảm nghiệm được Thiên Chúa một trật vừa siêu việt – nghĩa là cách xa ta như hữu thể tràn đầy và tự tại cách xa hữu thể phiến diện và ngẫu tính – lại vừa gần gũi, gần gũi đến cái mức Chúa Giêsu có thể nói: “Ngày ấy, anh em sẽ nhận thấy Thầy ở trong Chúa Cha, anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (Ga 14,20; Ga 10,38; 17,21). Sự gần gũi đến thành một, tuy hai mà một, là tất cả những gì Chúa Giêsu ôm ấp trong lòng, và giãi bầy cho Cha Ngài trong lời cầu nguyện dài hơn ta vốn quen gọi là “lời nguyện hợp nhất”. “Để tất cả nên một, Cha ơi, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ngõ hầu họ nên một trong Cha Con ta, ngõ hầu thế gian tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21). Hay nói cách khác: “Quy tụ mọi sự trong Đức Kitô, cả trên trời lẫn dưới đất” (Ep 1,10).
Có khi ở đây, cái thiền Kitô giáo bắt đầu có những yếu tố khác biệt với Phật giáo. Thiền Phật giáo ra như là diệt hết mọi vọng động trong đó có cả dục vọng lẫn tình yêu. Đang khi đó mục tiêu tối thượng mà thiền Kitô giáo nhằm đạt lại là Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Ngài đòi hỏi phải yêu mến Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực của mình (Mk 12,30). Ngài cũng đòi hỏi phải yêu anh em không những như chính mình, mà bằng chính trái tim của Chúa Giêsu Con Ngài (Ga 13,34; 15,12). Vậy tuyệt đỉnh của thiền Kitô giáo là sự kết hợp trong yêu đương, bằng tất cả sự rung động mà tình yêu có thể có khi nó vận dụng tất cả lòng trí, sức lực. Nhà huyền nhiệm Kitô giáo sẽ có những giờ phút xuất thần vì tình yêu khi nó được đẩy lên cao tột độ, đưa ta lặn ngụp vào Thiên Chúa, trao phó toàn thân cho Ngài, sẵn sàng thực hiện bất cứ gì Ngài đòi hỏi, đi bất cứ đâu, lầm bất cứ việc gì để cho các anh em của mình đi đến với Ngài, sẵn sàng thí cả mạng sống vì vương quốc yêu thương của Ngài.
Tất nhiên Thiên Chúa mới là cứu cnáh tuyệt đối trong cầu nguyện và thiền. Mọi thành quả khác chỉ là hoa quả tất hữu. Người ta căn cứ vào các hoa quả đó để biết chúng từ thần khí Thiên Chúa mà đến hay chỉ là do xác thịt yếu hèn tạo ra, đáng dùng chữ “vọng động” để nhận dạng chúng. Vậy các hoa quả của Thần khí là gì? Những thực tại rất gần gũi với các anh em Phật tử: “Hoa quả của Thần khí đó là tình yêu, an lạc, kiên nhẫn, nhân hậu, đại lượng, trung tín, hiền hậu, tiết độ” (Gal 5,22-23). Tín đồ Kitô cũng biết kiềm chế xác thịt và si mê dục vọng. Họ chọn được sống trong Thần khí và đi theo Thần khí. Và một khi được Thần khí hướng dẫn, lề luật hay pháp quy đối với họ chẳng nghĩa lý gì nữa, họ hoàn toàn tự do để đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa tình yêu (xem Gal 5,23-25). Xin để ý, theo thánh Phaolô, tình yêu mới là hoa quả số một. Sự an lạc chỉ là thứ yếu. Sự xuất hiện bề ngoài của nó không luôn luôn cấp thiết.
Xin được dừng bút ở đây, vì đã nói quá nhiều mà hành quá ít. Xin cho được có thời gian hành thiền, tức là cầu nguyện nhiều hơn nữa để lời nói khỏi loãng.