Thời sự Thần học - Số 40, tháng 06/2005, tr. 26-31
_ Marie Nicole Boiteau_
Thánh nhân sống vào thế kỷ XIII, thế kỷ mọi quyền bính thuộc về hàng Giám mục. Khoảng năm 1265 đến 1273, người đã biên soạn bộ Tổng luận thần học dành cho giới sinh viên. Như những viên đá được sắp xếp để tạo ra ánh sáng, thì ở đây cấu trúc thần học chỉ có một chức năng soi chiếu ánh sáng sự sống. Ánh sáng đó chính là Thiên Chúa, Đấng soi sáng và trợ giúp trí năng con người. Nếu như trong thánh đường, bàn thờ là trung tâm quy hướng tất cả mọi sự thì Bí tích Thánh Thể được coi là trọng tâm trong hệ tư tưởng thánh Tôma. Người thường đến thờ lạy Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể để lãnh nhận ánh sáng Thần Khí hướng dẫn. Trong một lần xuất thần, vào ngày 06/12/1273, đang khi cử hành thánh lễ, người đã quyết định không viết điều gì nữa. Người nói : “Tôi không muốn viết nữa. So với những gì gần đây tôi chiêm ngắm, thì những gì tôi đã viết chỉ là rơm rác thôi”[2]. Do vậy, khảo luận cuối cùng trong Bộ Tổng Luận, thánh nhân dành trọn vẹn để viết về Bí tích Thánh Thể… như muốn nói rằng, kể từ đây người không thể viết thêm gì nữa.
Phải chăng Bí tích Thánh Thể thực sự được thiết lập?
Trước hết, Đức Kitô lập Bí tích này trong Bữa Tiệc Ly là hợp lý. Bởi lẽ, trong bữa tiệc ấy, Đức Kitô chỉ còn gặp các môn đệ lần cuối cùng. Cho nên, Đức Kitô đã hiện diện cách nhiệm mầu nơi Bí tích Thánh Thể. Xét trên phương diện tự nhiên, đó là lúc Đức Kitô sắp rời bỏ các môn đệ. Còn xét trên phương diện bí tích, Đức Kitô đã để lại cho các ông sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, cũng giống người ta tưởng nhớ một vị vua qua di ảnh khi ông băng hà. Giám mục Eusèbe đã nói : “Vì biến cố nhập thể phải mặc lấy xác phàm, nên Đức Kitô đã được lấy đi khỏi mắt họ và đưa về thiên đàng. Hơn nữa, điều thiết yếu trong Bữa Tiệc Ly, Đức Kitô đã hiến ban cho chúng ta qua Bí tích Mình và Máu Người, ngõ hầu nhân loại không ngừng tôn thờ Đấng đã trao ban thân mình một lần duy nhất làm giá chuộc muôn người theo cách thức nhiệm mầu”.
Tiếp đến, vì không thể có ơn cứu độ nếu không tin vào cuộc thương khó của Đức Kitô, nên thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Rôma : “Người là Đấng Thiên Chúa đã đặt làm nơi xá tội cho những kẻ tin vào máu Người…”. Vậy, khi còn ở thực tại trần thế, phải có một vật gì đó biểu trưng cho cuộc thương khó của Đức Kitô. Trong Cựu ước, hình ảnh nổi bật là Con chiên Vượt qua. Thánh Phaolô nói : “Chúa Kitô là Chiên vượt qua của chúng ta đã bị sát tế”. Trong Tân ước, hình ảnh Chiên Vượt qua được thay thế bằng Bí tích Thánh Thể để nhắc nhớ cuộc thương khó trong quá khứ, giống như Chiên Vượt Qua là hình ảnh tiên báo cuộc thương khó trong tương lai. Điều đó cho thấy, khi cuộc thương khó gần kề, Đức Kitô cử hành Bí tích đầu tiên, tức là thiết lập một Bí tích mới. Cho nên, Thánh Lêô Cả đã nói : “Để linh hồn biến khỏi thân xác, luật cũ phải được thay thế bằng một Bí tích mới; để hiến tế biến khỏi hiến tế thì máu phải được nâng lên bằng máu, và nghi lễ theo luật định phải được thay đổi và đi đến thành toàn”.
Cuối cùng, những lời sau hết thường được khắc ghi vào tâm trí nhiều hơn, đặc biệt những người bạn sắp đi loan báo, và nhất là chúng ta tác động nơi bạn hữu của mình một tình cảm mãnh liệt nhất. Thật vậy, điều gì gắn liền với chúng ta nhiều hơn thì luôn được khắc ghi trong tim. Theo như lời thánh Giáo hòa ng Alexandre, Bí tích Thánh Thể được tôn kính nhiều nhất vì : “Không thể có một hy tế lớn hơn hy tế Mình và Máu Đức Kitô, không còn một hiến tế nào cao trọng hơn”. Đức Kitô đã thiết lập Bí tích này vào giờ phút sắp lìa xa các môn đệ. Thánh Augustinô quả quyết như thế : “Để có một giá trị vững chắc nhất, Đấng Cứu Độ muốn khắc ghi sự sâu kín của huyền nhiệm Thánh Thể nơi tâm hồn và trí năng của các môn đệ trước khi đi vào cuộc thương khó của Người”.
Liệu mình thánh Đức Kitô có thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể hay đó chỉ là một hình ảnh, hay như một dấu chỉ?
Về Mình thật và Máu thật của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, giác quan của ta không thể nhận biết, nhưng bởi tin vào thế giá của Thiên Chúa. Vì thế, thánh Syrilô đã chú giải bản văn thánh Luca : “Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”, như sau : “Bạn đừng thắc mắc xem có thật không, tốt hơn nên tin tưởng đón nhận Lời của Chúa vì Người là Chân Lý, không bao giờ lừa dối”[3].
Ngoài ra, điều đó còn phù hợp với luật mới. Vì những hy lễ trong luật cũ chỉ là biểu trưng cho hy lễ thương khó của Đức Kitô, như đã nói trong thư gửi tín hữu Do thái : “Lề luật chỉ phác họa lờ mờ những phúc lộc của thế giới tương lai, chứ không phản ánh chính xác những thực tại đó”. Vậy, hy lễ trong luật mới, khi Đức Giêsu thiết lập, phải có điều gì đó vượt trội, nghĩa là hy lễ có Đức Kitô hiện hiện trong cuộc thương khó không chỉ xét theo cách thức ý nghĩa hay hình ảnh, nhưng đây còn là một chân lý thật sự. Do đó, Bí tích Thánh Thể, theo cách nói của Denys, là Bí tích hoàn tất các Bí tích khác vì có Đức Kitô hiện diện thật sự”. Nơi đó, chúng ta nhận thấy duy nhất có sự thông phần thiên tính của Đức Kitô.
Bí tích Thánh Thể đã trở nên tình yêu Đức Kitô. Chính bởi yêu thương, Người đã sử dụng một thân mình thực sự giống hệt với thân mình của chúng ta hầu cứu độ nhân loại. Vả lại, vì trong tình bạn nhất thiết phải có một điều, theo triết gia Aristote, đó là “chia sẻ sự sống cho bạn mình”, nên Đức Kitô đã hứa ban cho chúng ta một sự hiện diện bằng xác thịt : “Mình Thầy, Người nói, sẽ là nguồn sức sống cho anh em”. Khi chúng ta còn mang kiếp phàm nhân, Đức Kitô đã không cất đi sự hiện diện của xác phàm, nhưng qua Mình và Máu thật sự của Người, Đức Kitô hiệp nhất chúng ta với Người trong Bí tích Thánh Thể. Người nói : “Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy”. Ngoài ra, Bí tích Thánh Thể còn là một dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa, nâng đỡ niềm hy vọng của chúng ta bởi Bí tích này mở ra một sự hiệp nhất thâm sâu giữa Đức Kitô và nhân loại.
Sự hiện diện thật sự của Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể đã kiện toàn niềm tin cho thế giới, tin Người vừa là Thiên Chúa vừa là con người, như chính Người đã nói : “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Ngoài ra, niềm tin ấy còn dựa trên những thực tại vô hình. Nếu như Đức Kitô giới thiệu cho chúng ta thiên tính thiêng liêng của Người, thì Người cũng cho chúng ta thấy thân xác Người dưới cách thức vô hình.
Những người không để tâm đến điều này cho rằng không thể nhìn thấy Mình và Máu Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Qua dấu chỉ người ta phải tìm ra được ý nghĩa. Đây là tình trạng sai lầm, vì đi ngược với lời Đức Kitô đã nói.
Phải chăng Bí tích Thánh Thể ban ân sủng cho chúng ta?
Hiệu quả của Bí tích Thánh Thể chủ yếu phải được xem xét từ Đấng hiện diện trong Bí tích này, và Đấng ấy là Đức Kitô. Người đã đến trong thế gian và mang lại sự sống ân sủng : “Ân sủng và chân lý đều được thực hiện nơi Đức Kitô”. Cũng thế, khi đến trong nhân loại cách nhiệm mầu, Đức Kitô đã ban sự sống ân sủng như Người nói : “Ai ăn thịt Tôi thì sẽ sống nhờ Tôi”. Thánh Sirilô cũng nói đến ý tưởng này : “Ngôi Lời của Thiên Chúa hằng sống đã hiệp nhất với xác phàm và Người đã làm cho xác phàm ấy trở nên sống động”. Một cách nào đó, Đức Kitô đã hiệp nhất với thân xác của chúng ta bằng thịt thánh thiêng và máu châu báu. Chúng ta nhận lãnh phép lành sống động từ nơi bánh sự sống”.
Hiệu quả của Bí tích Thánh Thể cũng được xem xét từ những gì đã được biểu trưng qua Bí tích này, đó là cuộc thương khó của Đức Kitô. Chúng ta thấy được lý do tại sao Bí tích Thánh Thể thực hiện nơi nhân loại hiệu quả mà cuộc thương khó của Đức Kitô đã thực hiện trong trần thế.
Do vậy, khi giải thích lời thánh Gioan : “Tức thì máu cùng nước chảy ra”, thánh Gioan Kim Khẩu đã nói : “Chính từ đây, các nhiệm tích thánh rút ra được nguyên lý của chúng. Khi bạn tiến lại gần chén đắng là lúc bạn tiến lại gần Đức Kitô để uống chén đắng ấy”. Đó cũng là lời Thiên Chúa nói qua thánh Mátthêu : “Đây là Máu Thầy, sẽ đổ ra cho anh em để được tha tội”.
Hiệu quả của Bí tích Thánh Thể cũng được xem xét từ cách thức đã được ban cho chúng ta; Bí tích này được ban cho chúng ta dưới hình thức là của ăn, thức uống nuôi sống con người. Nếu của ăn thức uống vật chất nuôi dưỡng đời sống thể xác chúng ta thế nào thì Bí tích Thánh Thể cũng nuôi dưỡng đời sống linh hồn chúng ta thế ấy. Vì thế, thánh Amrôsiô nói : “Đây là bánh đem lại sự sống đời đời sẽ gia tăng sức mạnh cho tâm hồn chúng ta”. Và thánh Gioan Kim Khẩu đã chú giải bản văn của thánh Gioan rằng : “Người ở giữa chúng ta, và chúng ta đụng chạm đến Người, ăn Người và ôm lấy Người”. Thật vậy, chính Đức Giêsu đã nói : “Thịt Tôi thật là của ăn và máu Tôi thật là của uống”.
Hiệu quả của Bí tích Thánh Thể cũng phải được xem xét dưới hai hình mà Bí tích Thánh Thể ban cho chúng ta. Thánh Augustinô nói : “Thiên Chúa giới thiệu cho chúng ta Mình và Máu Người theo những yếu tố khởi từ số lượng nhiều và quy về hiệp nhất thành một”, bánh “là một khối được làm từ nhiều hạt lúa miến”, rượu “là một thức uống được ép từ những trái nho”. Thánh nhân còn nói thêm : “Ôi Bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái !”[4].
Vì Đức Kitô và cuộc thương khó của Người là cội nguồn ân sủng bổ sức cho linh hồn, và vì tình yêu không thể có nếu không có ân sủng, nên chúng ta có thể nói rằng Bí tích Thánh Thể ban nguồn ân sủng cho con người.
Bí tích Thánh Thể đưa chúng ta đến vinh quang
Một đàng, chúng ta có thể xem xét hiệu quả Bí tích Thánh Thể mang lại là chính Đức Kitô hiện diện trong đó và biểu hiệu cho cuộc thương khó của Người. Đàng khác, một hiệu quả phát sinh nơi Bí tích này là việc trao ban dưới hai hình bánh rượu. Qua hai lối nhìn trên, Đức Kitô ở lại nơi Bí tích Thánh Thể ngõ hầu cho chúng ta sự sống đời đời. Thật vậy, chính Đức Kitô, qua cuộc thương khó, đã mở ra cho thế giới con đường dẫn đến cuộc sống mai sau : ‘Người là trung gian của giao ước mới để nhờ cái chết của Người mà những kẻ được kêu gọi sẽ lãnh nhận gia tài vĩnh cửu như đã hứa”. Vì thế, trong mô thức của Bí tích Thánh Thể, chúng ta đọc thấy : “Đây là chén máu Thầy, máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu”. Cũng vậy, sự bổ sức nhờ của nuôi dưỡng thiêng liêng và sự hiệp nhất thể hiện qua hình bánh, hình rượu đã có ngay từ bây giờ nhưng chưa được hoàn hảo, chúng chỉ hoàn hảo khi đạt đến trong vinh quang. Bản văn của thánh Gioan : “Mình Tôi thật là của ăn”, được thánh Augustinô chú giải : “Vì con người đòi của ăn và thức uống để không còn phải đói khát nữa, nên điều đó chỉ phù hợp khi những người lãnh nhận của ăn và thức uống đó được bất tử và tồn tại mãi trong cộng đoàn các thánh, một nơi bình an và hiệp nhất vẹn toàn”.
_______
[1] Marie Nicole Boiteau, Je suis avec vous tous les jours. Recueil de texts sur l’Eucharistie (Cerf, 2000), pp.123-129. Giuse Hoàng văn Hòa, O.P chuyển ngữ và đặt tựa đề tiếng Việt.
[2] Xc Mane Nobiscum Domine, Bản dịch Việt ngữ của Học viện Đa Minh.
[3] Xc Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1381.
[4] Xc Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1398.
[2] Xc Mane Nobiscum Domine, Bản dịch Việt ngữ của Học viện Đa Minh.
[3] Xc Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1381.
[4] Xc Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1398.