Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

THÁNH THỂ - BỮA ĂN HIỆP THÔNG

Thời sự Thần học - Số 40, tháng 06/2005, tr. 5-16

Giuse Hoàng Văn Hoà, O.P.


I. Từ ngữ : Hiệp thông là gì ?

1. Nguồn gốc :

Hiệp thông được dùng để dịch từ “communion” (tiếng Pháp - Anh). Ngoài ra, hạn từ này còn được hiểu theo nhiều nghĩa khác : cộng đoàn, thông hiệp, thông hảo, thông công, bí tích Thánh Thể, hiệp lễ,…

“Communion” với nguyên gốc La-tinh là “communio”, nghĩa là hiệp thông với, cùng hiệp nhất, cùng liên kết, tham gia. Với nguyên ngữ Hy-lạp thì “communio” bắt nguồn từ “koinwnia”. Tuy nhiên, vào những thế kỷ đầu, “koinwnia” không mang nghĩa gặp gỡ Chúa Kitô, nhưng là với cộng đoàn, có hàm ý chia sẻ và cộng tác. Cho nên, cộng đoàn tín hữu tiên khởi luôn luôn hiệp thông với nhau, cầu nguyện với nhau và cùng nhau tham dự nghi lễ bẻ bánh “Erant autem perseverantes in doctrina Apostolorum, et communicatione fractionis panis, et orationibus” (Cv 2,42).

2. Hiệp thông là gì ?   

- Trong thần học Kitô giáo, thuật ngữ “communion” vốn là từ ngữ linh thiêng, để chỉ sự kết hợp dưới nhiều hình thức và với nhiều nghĩa khác nhau[1]. Chẳng hạn :
Chistian communitions : các cộng đoàn Kitô hữu
Trinitarian communion : thông hiệp Ba ngôi Thiên Chúa
Communion of Saints : các thánh thông công
Ecclesiastical communion : hiệp thông trong Hội thánh
Eucharistic communion : hiệp lễ
- Trong Cựu ước, hiệp thông là ước nguyện của dân Ít-ra-en, mong được kết hợp với Thiên Chúa, và Thiên Chúa cũng nhằm hình thành, gắn bó với họ “chúng sẽ là một dân của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Gr 24,7). Và hiệp thông chính là tham dự bàn tiệc của Thiên Chúa và mến yêu Người[2]. Bởi lẽ, Thiên Chúa đã hứa cùng con cái Ít-ra-en thế này : “Hãy tìm Ta thì các ngươi sẽ được sống !” (Am 5,4).
- Trong Tân ước, người Kitô hữu sống tinh thần hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em[3]. Với Thiên Chúa, người Kitô hữu ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa cũng ở lại trong họ. Vì chưng, người Kitô hữu sinh ra từ Thiên Chúa nên cũng thuộc về Thiên Chúa “chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta” (1Ga 4,13). Tinh thần hiệp thông trong Tân ước thể hiện rất rõ nơi nhiệm tích Thánh Thể “kẻ ăn thịt Ta và uống máu Ta thì lưu lại trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6,56). Với anh em, hiệp thông là sống bác ái, huynh đệ “phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa ; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng vậy” (1Ga 3,10).

II. Từ bữa ăn gia đình đến bữa ăn người Do thái

1. Từ bữa ăn gia đình…

Ăn uống là hành động rất đỗi tự nhiên và quá thông thường đối với đời sống con người. Cho nên, trong gia đình, bữa ăn đóng vai trò rất quan trọng. Khi ăn, mục đích chính không chỉ để cho khỏi đói hay giải quyết cơn khát thể lý, đáp ứng nhu cầu tâm lý và khát vọng của con người.
Người đời thường nói “ăn để sống”. Người ta duy trì sự sống là nhờ bồi dưỡng sức lực thường xuyên. Tiên vàn, bữa ăn cung cấp sức lực cho con người, để rồi “từ sáng sớm đến chiều tà”, con người mới có đủ sức khỏe để làm việc. Sau một ngày lao nhọc với cuộc sống, con người trở về và được bồi dưỡng bằng bữa ăn. Ngon hay dở, điều ấy không quan trọng cho bằng bữa ăn đã giúp con người tháp nhập vào nguồn sống và sống như một hữu thể tại thế[4]. Thứ đến, bữa ăn còn là buổi gặp gỡ, họp mặt. Ai trong gia đình cũng mong trở về mái ấm qua một ngày dong duổi với “cơm, áo, gạo, tiền”. Ngồi vào bàn ăn, lúc ấy người ta cảm thấy hạnh phúc. Người ta cười, người ta nói, người ta ăn, người ta uống,… và thậm chí người ta gắp thức ăn cho nhau. Thế nên, trước bữa ăn, người ta mong các thành viên trong gia đình có mặt đầy đủ và đúng giờ. Ngoài ra, bữa ăn không chỉ để nhìn thấy nhau, ở với nhau trong những ngày lễ mà còn là dịp tưởng nhớ những người có tương quan đã khuất núi. Với văn hóa Á đông, người ta thường đánh dấu những kỳ giỗ chạp bằng bữa cỗ, bữa cơm gia đình. Ngày ấy, người ta mong con cái, họ hàng trong gia đình cùng nhau quy tụ, hướng về tổ tiên, và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thân thương của người quá cố. Sau cùng, bữa ăn còn mang giá trị hiệp thông. Bởi lẽ, khi đồng bàn, người ta thường tâm đầu ý hợp, người ta chấp nhận sống thật, sống gần gũi với nhau.
Mặt khác, qua bữa ăn, các mối tương giao được gìn giữ và nuôi dưỡng. Bạn hữu ngồi với nhau quanh bàn ăn thì tình bạn thêm thắm thiết. Các thành viên trong gia đình ngồi quanh mâm cơm thì căn nhà trở nên ấm cúng[5]. Bên mâm cơm, người ta cùng ăn, cùng thưởng thức giá trị vật chất mà bữa ăn đem lại. Trong khi ăn, người ta còn chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, và những khao khát của cuộc sống. Đặc biệt, tính hiệp thông còn được triển nở trong việc đồng nhất hóa với tha thể khi ăn chính vật đó :
“Việc ăn hiệp thông này phần nhiều được thể hiện qua trung gian một vật thay thế (substitut rituel), thí dụ ăn của đã cúng cho thần phật, để được hiệp thông với các ngài. Chiều kích biểu tượng này được khai triển một cách thông thường trong lãnh vực tôn giáo, nhất là trong các tôn giáo mà sứ điệp cứu độ được tập trung về một vị cứu tinh siêu việt, và bữa ăn trở nên dấu hiệu nguồn ơn độ trì đó”[6].
Từ đó, việc ăn hiến vật là cách tham dự vào sự sống thần linh, như chính Chúa Giêsu đã nói : “Nếu các ngươi không ăn thịt Con người và uống máu Con người, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi” (Ga 6,35). Cho nên, bánh và rượu trong phép Thánh Thể, mỗi khi người tín hữu hiệp thông, đều trở nên nguồn sống thiêng liêng cách nhiệm mầu[7].

2….đến bữa ăn Vượt qua của người Do thái

Thông thường, bữa ăn Vượt qua của người Do thái gồm bốn tuần rượu[8]:
- Ăn khai vị : Nghi thức mở đầu có thắp đèn, đọc lời chúc tụng. Kế đó, người ta sẽ khai vị bằng rau trộn, có thơm, và harosset (một thứ mứt làm bằng hạt dẻ hoặc hạnh đào), và uống chén rượu thứ nhất. Món ăn chính là con chiên Vượt qua được đặt giữa bàn. Sau đó, người ta rót rượu vào chén thứ hai.
- Phụng vụ Vượt qua : Người chủ trong gia đình thuật lại biến cố xuất hành của dân Ít-ra-en qua Ai-cập. Cả nhà cùng hát phần đầu kinh Ha-le-lu-ia, tức Thánh vịnh 113-114, rồi uống chén rượu thứ hai, còn gọi là “koss haggadah”, và rửa tay.
- Bữa ăn Vượt qua : gia trưởng đại diện đọc lời chúc tụng trên bánh không men. Sau đó, mọi người cùng ăn thịt chiên với bánh không men, rau đắng và harosset. Họ uống rượu và và đọc lời tạ ơn trên chén rượu thứ ba, còn gọi là “koss berakhah”.
- Cuối bữa ăn : mọi người cùng hát phần hai của kinh Ha-le-lu-ia, tức Thánh vịnh 115-116, đọc lời chúc tụng trên chén rượu thứ tư, còn gọi là “koss halleluia”.
Nhìn chung, bữa ăn Vượt qua của người Do thái, dù là nghi thức nhưng cũng chỉ nhằm củng cố giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ít-ra-en chứ không nhằm để thiết lập[9]. Việc tưởng nhớ giao ước tiên khởi “hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en…” (Xh 12,3), hoặc ăn của đầu mùa “con chiên đó phải toàn vẹn…” (Xh 12,5), đều nói lên sự yêu thương, quan tâm của Đức Chúa với tổ tiên ta trong thời lưu đày. Lúc đó, tổ tiên ta vui mừng, sung sướng “họ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa, và sau đó họ ăn uống” (Xh 24,11). Hoặc tổ tiên ta đã vâng lời Mô-sê, khắc ghi luật vào đó. Luật đó được Đức Chúa thực hiện. Và họ dâng Chúa của lễ toàn thiêu “anh em hãy dâng những hy lễ kỳ an, hãy ăn tại đó và liên hoan trước nhan Đức Chúa, nhằm ca tụng Thiên Chúa của anh em” (Đnl 27,7).

III. Thánh Thể, bữa ăn hiệp thông

1. Hiệp thông cộng đồng

Thánh Thể, trước tiên là bữa ăn hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa. Tính hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa thể hiện qua giao ước hằng mong đợi của chính Thiên Chúa “chúng sẽ là một dân của Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Gr 24,7). Ngày ấy, đoàn dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của Mô-sê, đang lưu đày trong sa mạc, bỗng dưng dân chúng kêu đói và khát. Họ kêu cầu và trách cứ Môsê :
“Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào trong sa mạc này để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây” (Xh 16,3).
Có lẽ, vì dân này ‘cứng đầu cứng cổ’, không giữ luật Chúa nên mới ra nông nỗi này. Để có lương thực, Thiên Chúa đòi dân chúng phải tuân giữ ngày Sa-bát. Tức khắc, Thiên Chúa phán với ông Môsê “cho đến bao giờ nữa, các ngươi từ chối không tuân giữ các mệnh lệnh và luật lệ của Ta” (Xh 16,28). Trước cảnh tình ấy, Thiên Chúa đã nghe thấu tiếng kêu của dân và chạnh lòng thương. Người mong muốn đây là một dân riêng, một dân thánh. Thế rồi, man-na như ân huệ Chúa ban, thức ăn diệu kỳ và là dấu chứng tình yêu.
Tuy nhiên, man-na không chỉ là thức ăn nuôi phần xác nơi sa mạc ngày xưa, nhưng chính là Gia-vê Thiên Chúa muốn dân chúng hiểu rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời do miệng Đức Chúa phán ra” (Đnl 8,3). Vả lại, theo truyền thống Do thái giáo, man-na mà dân tuyển chọn được ăn trong sa mạc biểu trưng cho lề luật[10]. Bởi lẽ, lề luật được hòan thiện phải có sự kết hợp giữa Thiên Chúa và con người : Thiên Chúa ban lề luật, con người thực hiện lề luật. Lề luật Thiên Chúa ban, cơ bản được xây dựng trên tình yêu. Vì muốn dạy cho con người sống đúng với ý muốn của Thiên Chúa và đạt đến hạnh phúc nên Chúa mới ban lề luật. Đặc biệt, Thánh Thể hôm nay là “lương thực trường tồn”, luôn giúp con người gợi nhớ đến man-na xưa. Muốn có man-na nuôi dưỡng, tất nhiên phải có hiệp thông cộng đồng.
Thứ hai, tính hiệp thông cộng đồng của bí tích Thánh Thể hệ tại bữa ăn Vượt qua của người Do thái. Đó là sự hiệp thông giữa con người với tổ tiên. Chính vì thế, bữa ăn Vượt qua của người Do thái ngày xưa tưởng niệm lại biến cố xuất hành của cha ông chúng ta. Chắc hẳn, cũng qua bữa ăn này, người Do thái càng tin tưởng hơn vào lòng thương xót của Gia-vê Thiên Chúa và trung thành với lời giao ước trên núi Xi-nai. Đặc biệt, yếu tố hiệp thông trong bữa ăn Vượt qua rất quan trọng và thể hiện rất rõ. Họ tưởng nhớ đến tổ tiên, cha ông trong thời lưu đày qua việc thuật lại biến cố xuất hành. Họ ca ngợi và chúc tụng Gia-vê Thiên Chúa qua những thánh vịnh. Họ cùng ngồi một mâm, cùng ăn một chiên, và cùng uống một chén. Cho nên, bữa ăn của người Do thái nói chung và cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi nói riêng mang đậm sắc thái hiệp thông cộng đồng “ngày ngày họ đồng tâm nhất trí, chuyên cần lui tới Đền Thờ, bẻ bánh ở nhà, cùng nhau chia sẻ của nuôi thân, lòng hân hoan, dạ đơn thành” (Cv 2,46).
Như vậy, bữa ăn Vượt qua có tầm mức quan trọng trong đời sống người Do thái. Chiều kích hiệp thông cộng đồng là một trong những khía cạnh được nhìn dưới lăng kính Vượt qua. Bởi lẽ :
“Từ Sáng thế, qua lịch sử, đến hiện tại và trong mong chờ tương lai cánh chung : tất cả là một đại lễ Vượt qua ! Hay đúng hơn : mỗi hành động của Thiên Chúa là một cuộc Vượt qua mới cho dân Chúa ! Cứu độ phải nhìn qua lễ Vượt qua”[11].
Thứ ba, Thánh Thể là bữa ăn hiệp thông cộng đồng nằm trong bữa tiệc giao ước. Ngày đó, Thiên Chúa ký kết với dân Ít-ra-en qua Môsê một giao ước trên núi thánh : “Ông Môsê lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ…Ông Môsê lấy máu rửa lên dân và nói ‘Đây là máu giao ước của Đức Chúa đã lập với anh em” (Xh 24,6,8). Và giao ước được hòan thiện “Môsê lấy máu rảy trên bàn thờ, tượng trưng cho Thiên Chúa và rảy trên dân để nói rằng dân đã chấp nhận các điều khoản của giao ước”[12]. Kết thúc cuộc giao ước đầu tiên này bằng một bữa tiệc cộng đồng ‘tất cả đều ăn và uống’. Như vậy, con cái Ít-ra-en một lòng một dạ, hiệp nhất liên đới với nhau trong bữa ăn[13].

2. Hiệp thông huynh đệ

Theo văn hóa Trung đông, khi người ta đồng bàn trong một bữa tiệc là lúc biểu hiện mạnh mẽ nhất mối liên kết giữa con người với con người. Việc cùng gặp gỡ, cùng ngồi, cùng ăn, tạo nên một bầu khí huynh đệ cộng đồng “đồng bàn là dấu chứng bảo đảm sự thuận hòa, tin tưởng nhau và tràn đầy tình huynh đệ”[14]. Chính vì thế, sau này, ý nghĩa đồng bàn đã trở thành cốt yếu trong nhiệm tích Thánh Thể. Trong bữa Tiệc Ly, Đức Kitô đã làm gương bằng cách trao ban thịt và máu của người làm của ăn, của uống cho các môn đệ (Xc Mt 26, 26.27). Từ đây, tương quan bằng hữu giữa Đức Kitô và các môn đệ được hình thành. Sau này, chính chúng ta, cũng phải yêu mến, duy trì mối giao hảo ấy với tha nhân[15]. Cho nên, chiều kích hiệp thông huynh đệ của bí tích Thánh Thể chính là bữa ăn của Chúa với tội nhân. Cùng ăn với các tội nhân, Chúa đồng cảm với họ. Cùng ăn với các tội nhân, Chúa đón nhận họ, xoá bỏ đi những mặc cảm mà người khác hay xã hội khinh khi. Và khi cùng ăn với bất cứ tội nhân nào, Chúa đều cảm hóa và biến họ thành anh em. Chẳng hạn, người thu thuế tội lỗi như Mát-thêu đã nhanh chóng rời bỏ bàn thuế của mình để bước theo Chúa, khi được Chúa mời gọi và đồng bàn (Mt 9,9-10). Cuối cùng, chính ông lại trở thành môn đệ thân tín của Chúa. Hơn nữa, khi đồng bàn, Chúa không phân biệt giàu sang - nghèo hèn, lành lặn - tật nguyền,… Thực khách đồng bàn với Chúa bao gồm mọi thành phần trong xã hội, không ai sẽ tiên thiên bị gạt bỏ[16]. Tất cả đều được mời gọi và tham dự “mau ra nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây” (Lc 14,21). Những lúc ấy, tâm hồn Chúa luôn rộng mở, Chúa không hề trách tội họ, mà ngược lại còn an ủi động viên “hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Xc Lc 19,9). Đặc biệt, khi tiếp cận với các tội nhân, Chúa còn tuyên bố, chiêu mộ họ nhập quốc “tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17).
Bên cạnh bữa ăn với tội nhân của Chúa Giêsu, chiều kích hiệp thông huynh đệ còn thể hiện cao độ trong bữa Tiệc ly. Nếu trước đây, khi đồng bàn với Chúa, các tông đồ chỉ được ăn, được uống những hoa quả, những lao công của con người, thì nay trong bữa Tiệc ly, các ông được ăn, được uống chính Mình và Máu của Người[17]. Có lẽ, vì quá yêu thương các môn đệ – không còn gọi họ là tôi tớ nữa, nhưng gọi là bạn hữu (Xc Ga 15,15) – nên chúa đã liên kết họ ngay trong bàn tiệc. Chúa dùng lời nói, cử chỉ, hành động để chứng tỏ mình là người tôi trung của Thiên Chúa, và hầu làm gương cho các môn đệ. Cho nên, bữa Tiệc ly chính là hy tế của Chúa, giao ước mới được ký kết bằng chính Máu của Người. Nhờ giao ước này, lần đầu tiên trong lịch sử, ai lãnh nhận sẽ được cứu rỗi, ai hiệp thông sẽ được trở nên đồng nhất. Giao ước hòan hảo và vĩnh viễn này đã giúp nhân loại hiệp thông với chính sự sống sung mãn của Thiên Chúa, nhờ bởi “cùng ăn một thân mình bị nộp, và lãnh uống một chén máu đã đổ ra”[18].
Như vậy, bữa Tiệc ly là bảo chứng hiệp thông huynh đệ mà các tông đồ là những vị đại diện được đồng bàn với Đức Giêsu, vị “trưởng tử của vô số anh em” (Xc Rm 8, 29). Từ đó, tất cả những ai khi đón nhận Thánh Thể đều là con của một Cha trên trời và là anh em với nhau “tình huynh đệ đại đồng mà các sứ ngôn mơ ước đã trở thành một thực tại trong Đức Kitô”[19].

3. Hiệp thông cánh chung

Khi đề cập đến thời cánh chung, người ta thường nhớ ngay đến bữa tiệc giao ước ngày trước trên núi thánh. Tuy nhiên, bữa tiệc trong thời cánh chung lại do chính Thiên Chúa chuẩn bị và rất thịnh soạn, đồng thời mọi được kêu mời và tham dự :
“Ngày ấy, trên núi này,
Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc :
tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon,
thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25,6).
Về sau, bữa tiệc hiệp thông cộng đồng vào thời cánh chung luôn được nhắc tới. Bữa tiệc ấy mở ra cho mọi người một cuộc sống mới. Cuộc sống an hòa, hạnh phúc, và mọi người đều là anh em của nhau : “Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả laị, lên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách” (Mt 22,10). Bữa tiệc cánh chung thật phong phú và nối kết, không chỉ dành cho mọi người chúng ta mà còn hiệp thông cả với tổ tiên “từ phương đông, phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời” (Mt 8,10). Dẫu sao, thực tại cánh chung đã đi vào thế giới, đặc biệt bí tích Thánh Thể, một mặt vừa đặt Giáo hội tiếp cận với thời gian cùng tận, một mặt vừa khiến chúng ta mạnh dạn gọi Thiên Chúa là Cha. Những ai luôn đón nhận Thánh Thể, dễ nhận ra rằng : “Thánh Thể là phụng vụ thiên quốc ló rạng trong không gian của chúng ta, làm viên mãn thời gian tuy chưa chấm dứt thời gian”[20].
Ngoài ra, chiều kích cánh chung còn mang âm hưởng trong những bữa tiệc cứu tinh. Đó là những lần hóa bánh để nuôi dân chúng (Mt 14,13-21 ; 15,32-39 / Mc 6,30-44 ; 8,1-10 / Lc 9,10-17 / Ga 6,1-15). Tiên vàn, khi làm phép lạ hóa bánh, Chúa gợi nhớ hình ảnh man-na trong sa mạc : “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần của mình, ngày nào cho ngày đó” (Xh 16,4). Đây cũng là bữa ăn cứu tinh của dân Ít-ra-en ngày xưa trong thời lưu đày. Hơn nữa, từ những bữa ăn hóa bánh này, Chúa Giêsu lại chứng tỏ thời các ngôn sứ tiên báo nay đã đến ngày đựơc thực hiện[21]. Đấng cứu tinh đang đến và sẽ đến “hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian” (Ga 6,14). Sau cùng, những lần hóa bánh cứu dân, Chúa Giêsu lại minh chứng mình là người mục tử nhân lành, yêu quý và luôn chăm lo cho đàn chiên được ăn thoả thuê, được uống ngon lành và được nghỉ yên vui :
“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành,
và bổ sức cho tôi” (Tv 23, 1-3).
Tóm lại, Thánh Thể là bữa tiệc thánh mà ai cũng được mời gọi tham dự, bất kể quyền quý sang trọng hay bần cùng đói rách. Hơn nữa, Thánh Thể còn là bảo chứng tình yêu của một bữa tiệc cánh chung trên thiên quốc. Cho nên, hiệp thông cánh chung nơi nhiệm tích Thánh thể chỉ dành cho những ai luôn lãnh nhận Thánh Thể khi tham dự thánh lễ. Mỗi lần đón nhận Thánh Thể, người tín hữu sẽ kín múc được sự sống muôn đời. Vì ở đó, họ vừa tưởng niệm cái chết của Chúa, vừa thông phần vào ơn cứu độ này[22]. Thật vậy :
“Ai ăn thịt và uống máu tôi,
thì ở trong tôi
và tôi ở trong người ấy
Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi,
và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào,
thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi
mà được sống như vậy” (Ga 6,56-57).

Kết luận

Thánh Thể, bàn tiệc của Chúa, bữa ăn hiệp thông, nơi đó tấm bánh được bẻ ra và trao ban cho mọi người. Cho nên, Thánh Thể đã trở thành nguồn mạch sung mãn, tình hiệp thông sâu xa và tột đỉnh trong đời sống người tín hữu. Kết hợp với Thánh Thể và sống Thánh Thể là nhận ra giá trị của sự hiệp thông. Vì khi ấy, ta được ở lại trong Đức Giêsu, và chính Đức Giêsu lại ở trong ta[23]. Ba chiều kích hiệp thông cộng đồng, hiệp thông huynh đệ và hiệp thông cánh chung làm nên một bữa ăn tròn đầy mà ai cũng có thể tham dự một cách viên mãn. Hơn nữa, vì bí tích Thánh Thể được cử hành dưới hình thức bữa ăn nên rất phù hợp để biểu lộ sự hiệp thông sâu xa và cao quý nhất[24].
Chiều kích hiệp thông được thể hiện ngay từ các cộng đoàn tiên khởi, đến bữa ăn Vượt qua, cao điểm là bữa Tiệc Ly, và chóp đỉnh là thánh lễ. Tuy những bữa ăn này có khác nhau về thời gian nhưng đều mang những nét đặc thù Kitô giáo và không tách rời truyền thống Do Thái. Đó chẳng phải là hiệp thông cộng đồng trong nhiệm tích Thánh Thể sao ? Khi cử hành hay tham dự Thánh Thể, ai nấy đều thông phần vào một bánh. Ăn bánh bẻ ra, đó là hiệp thông vào Mình và Máu Đức Kitô vì “chỉ có một tấm bánh, nên ta tuy nhiều, ta cũng chỉ là một thân mình” (1Cr 10,17). Từ đó, các tín hữu trở nên mật thiết với nhau trong nhiệm tích Thánh Thể, hiệp thông với Đức Kitô là Trưởng tử, là anh em với nhau và là con của một Cha trên trời. Đó chẳng phải là hiệp thông huynh đệ trong nhiệm tích Thánh Thể hay sao ? Và cuối cùng, trong cử hành Thánh Thể, phải chăng chiều kích hiệp thông cánh chung mãnh liệt hơn cả nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần ? Thật vậy “khi các tín hữu, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, rước Mình Thánh Chúa, thì họ lãnh nhận trong họ, trong chính thân thể họ, thực tại mà bí tích này thông ban : “ sự hiệp thông”[25]. Cho nên, sự hiện diện Thánh Thể là thực tại trường tồn, có khả năng đáp ứng nhu cầu và ước muốn của con người nhờ Thánh Thần. Và rồi, khi hiệp thông Thánh Thể, người ta có thể nhận ra :
“Trong Thánh thể, bánh và rượu, các lời đọc, bữa ăn và toàn thể cộng đoàn được cánh chung hóa….Có một sự liên tục giữa các thực tại trần thế và cánh chung, thực tại cánh chung mở rộng, làm viên mãn thế giới chóng qua này, không còn khép kín trong tuyệt vọng, sự chết như một định mệnh nghiệt ngã, nhưng thấm nhuần sự phục sinh của Đức Kitô là sự phục sinh sau hết”[26].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Văn Đọc, Võ Đức Minh, Thiên Chúa Ba ngôi, Bí tích Thánh Thể, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 1999.
2. Giáo Hoàng học viện Thánh Piô X – Đà Lạt, Điển ngữ thần học Thánh kinh, Quyển 1.
3. Ngô Văn Vững, S.J, Thánh Thể vì sự sống trần gian, 2004.
4. Nguyễn Văn Trinh, Bí tích học, Tập II : Thánh Thể, 2002.
5. Tông thư “Mane Nobiscum Domine” của ĐGH Gioan Phaolô II, ban hành ngày 07/10/2004.
6. Trần Ngọc Quỳnh, Cử hành mầu nhiệm tạ ơn, Tủ sách Đại Kết, 1996.
________
[1] Học viện Đaminh, Thuật ngữ thần học Anh – Việt, 2002, tr 60.
[2] J. Dheilly, Từ điển Kinh thánh, tập II, Desclée, 1993, tr 723.
[3] J. Dheilly, Sđd, tr 72.
[4] Xc Trần Ngọc Quỳnh, Cử hành mầu nhiêm tạ ơn, Tủ sách Đại Kết, 1996, tr 196
[5] Xc Bùi Văn Đọc, Võ Đức Minh, Thiên Chúa Ba ngôi, Bí tích Thánh Thể, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 1999, tr 426-427.
[6] Trần Ngọc Quỳnh, Sđd, tr 197.
[7] Ngô Văn Vững, S.J, Thánh Thể vì sự sống trần gian, 2004, tr 367.
[8] Trần Ngọc Quỳnh, Sđd, tr 203.
[9] Xc ĐNTHTK, Q1, tr 176.
[10] Xc Nguyễn Văn Trinh, Bí tích học, Tập II : Thánh Thể, 2002, tr 81.
[11] Nguyễn Văn Trinh, Sđd, tr 148.
[12] Nhóm CGKPV, Kinh Thánh trọn bộ, tr 1610.
[13] Xc Trần Ngọc Quỳnh, Sđd, tr 198.
[14] Nguyễn Văn Trinh, Sđd, tr 162.
[15] Xc Mane Nobiscum Domine, số 15.
[16] Xc Trần Ngọc Quỳnh, Sđd, tr 200.
[17] Xc Nguyễn Văn Trinh, Sđd, tr 158.
[18] Xc Trần Ngọc Quỳnh, tr 201.
[19] ĐNTHTK, Q1, tr 70.
[20] Bùi Văn Đọc, Võ Đức Minh, Sđd, tr 404.
[21] Xc Trần Ngọc Quỳnh, tr 200.
[22] Xc Nguyễn văn Trinh, Sđd, tr 163.
[23] Xc Mane Nobiscum Domine, số 19.
[24] Xc Bùi Văn Đọc, Võ Đức Minh, Sđd, tr 321.
[25] Ngô Văn Vững, S.J, Sđd, tr 373.
[26] Bùi Văn Đọc, Võ Đức Minh, Sđd, tr 405.