Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018

MẦU NHIỆM PHỤC SINH VỚI MẶC KHẢI KITÔ GIÁO

Thời Sự Thần Học – Số 1, tháng 3/2009, tr. 172-176

Phan Cường


Trung tâm của mặc khải Kitô giáo chính là đức Kitô, Lời của Thiên Chúa đến ở giữa loài người chúng ta để trình bày cho chúng ta khuôn mặt thực của Thiên Chúa, cũng như để tỏ cho chúng ta ơn gọi cao quý nhất của con người (con người được mời gọi thông dự vào bản tính Thiên Chúa).
Chúng ta biết rằng đức Kitô chu toàn sứ mạng vừa nói bằng trót cả cuộc đời của mình, bằng Lời nói, việc làm, bằng cả lối sống, và nhất là bằng cuộc tử nạn và phục sinh. Trước đây, thần học hộ-giáo coi việc Phục sinh như là dấu ấn xác nhận sự chân thật của vai trò thiên sai của đức Kitô. Nhưng, dựa theo giáo huấn của công đồng Vaticano II, ngày nay thần học nền tảng coi biến cố Phục sinh như là cao điểm nhất của chương trấnh mặc khải.

I. Từ ngữ

Trước khi đi vào vấn đề, thiết tưởng nên lưu ý đến các từ ngữ mà Tân ước dùng để dieấn tả biến cố Phục sinh của đức Kitô. Thường thì chúng ta quen hiểu Phục sinh (phục hồi lại sự sống) theo nghĩa là "sống lại từ cõi chết". Thế nhưng sự sống lại của đức Kitô hoàn toàn khác với sự sống lại của những người khác, chẳng hạn như của ông Ladarô, xét vì ông này được sống lại nhưng rồi sau đó lại phải chết lần nữa, còn đức Kitô thì không thế: Ngài không bao giờ chết nữa. Nhưng sự khác biệt căn bản hơn nữa hệ tại chỗ Ladarô sống lại có nghĩa là trở lại cuộc sống ở trần thế này; còn đức Kitô thì không thế: sống lại không phải là trở lại cuộc sống ở trần gian, mà là đi vào sự sống của Thiên Chúa. Chính vì thế, để diễn tả tính cách độc đáo của sự sống lại của đức Kitô, Tân ước sử dụng những hạn từ khác nhau như: đức Kitô được "siêu tôn", Ngài đi vào vinh quang của Thiên Chúa, Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa, Ngài được tôn làm Con Thiên Chúa, Ngài chiến thắng tử thần, Ngài là Đấng Hằng sống, v.v...

II. Biến cố Phục sinh với Tin Mừng


Khi đọc Tông đồ công vụ và các thư của thánh Phaolô, chúng ta nhận thấy rằng trọng tâm của bài giảng của các thánh tông đồ dựa trên chính biến cố Phục sinh của đức Kitô: Nếu như đức Kitô không sống lại thì Lời giảng của các ngài cũng như đức tin của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa hết. Thực vậy, sự Phục sinh của đửc Kitô không phải chỉ ảnh hưởng tới bản thân của Ngài (theo nghĩa là xác nhận rằng Ngài thực là Đấng Thiên sai), nhưng còn liên hệ tới tất cả chúng ta nữa. Theo thánh Phalo, nếu như đức Kitô không sống lại thì chúng ta chưa được giao hòa với Thiên Chúa, tội lỗi và sự chết chưa bị hủy diệt; hậu nhiên, chúng ta sẽ vẫn còn sống trong tội lỗi với tất cả những hậu quả của nó, nghĩa là chúng ta không có hy vọng sẽ sống lại; thân phận chúng ta quả sẽ như trâu ngựa! May thay, sự thực khác hẳn: đức Kitô thực đã sống lại! Làm sao các tông đồ có thể quả quyết như vậy? Dựa vào đâu mà các vị xác tín rằng đức Kitô đã phục sinh?

III. Lý lẽ của niềm tin


Trải qua lịch sử, không thiếu những giả thuyết đã giải thích lý do của niềm tin của các đồ đệ đức Kitô.

1) Ngay từ đầu, đã có người cho rằng chính các môn đệ đã giấu xác của Thầy mình ở nơi kín rồi rêu rao rằng ông ta sống lại. Nhưng giả thuyết này không vững, xét vì đâu có dễ gì mà lừa gạt thiên hạ mãi được: không lẽ bao nhiêu mật thám của Do thái và Rôma không dò ra nơi cất giấu xác của ông Giêsu hay sao?- 2) Giả thuyết khác thì cho rằng các môn đệ tụ họp nhau lại để an ủi nhau cho đỡ buồn; thế rồi họ sực nhớ Lời Chúa hứa rằng Ngài sẽ sống lại; và rồi nảy ra một thứ ám thị tập thể: họ thâm tín rằng Thầy đã sống lại! Để trả Lời cho giả thuyết này ta nên biết rằng các thứ ám thị không bền lâu, và chắc chắn ít có mấy người sẵn sàng chịu tra tấn hay hy sinh mạng sống để bảo vệ cái ám thị của mình. Dù sao thì giả thuyết ám thị không có nền tảng khách quan. Thực vậy, Phúc âm cho ta thấy rằng các thánh tông đồ không trông mong chờ đợi Chúa sống lại; cái chết ô nhục của Ngài đã làm cho các ông thất vọng đến nỗi cả khi nhận thấy Ngài sống lại và hiện ra trước mắt, các ông vẫn không tin. Chính đức Kitô Phục sinh đã quở trách các ông vì thiếu lòng tin.

Vì thế muốn giải thích hợp lý hơn cả về căn nguyên của lòng tin của các thánh tông đồ thay vì tạo ra giả thuyết xa vơì, chúng ta hãy tập trung vào trong chính các bản văn của Phúc âm. Ta thấy có hai dấu chỉ đưa các môn đệ tới việc tin rằng đức Giêsu đã sống lại: 1) sự kiện mộ trống; 2) những lần Chúa hiện ra. Cả hai cần được bổ túc cho nhau. Thực vậy, nguyên sự kiện mồ trống có thể giải thích từ những nguyên do khác nhau, thí dụ như có người đã đến lấy trộm xác của Thầy lúc ban đêm, hoặc vì một cơn động đất đã cuộn thi hài mất tiêu. Còn chỉ nguyên sự hiện ra cũng có thể giải thích là do ảo ảnh gây ra. Nhưng nếu có đủ cả hai dấu chỉ hợp lại thì có đủ lý để tin hơn. Dù sao cần phải nhận rằng sự kiện Chúa hiện ra mạnh hơn là sự kiện mộ trống; cách riêng thánh Phao-lô đã dựa vào việc đã gặp thấy Chúa hiện ra để xác quyết niềm tin của Hội thánh, như ta đọc thấy ở đầu chương 15 của thư thứ nhất gửi giáo đoàn Cô-rin-tô. Tuy nhiên, ta không nên quên rằng đó chỉ là hai "dấu chỉ" chứ không phải là hai "luận cứ thuần lý" dẫn tới đức tin. Thực vậy, Chúa Kitô không hiện ra với hết mọi người, cách riêng Ngài không hiện ra với những người đã xử tử Ngài (Hê-rô-đê, Phi-la-tô) mà chỉ hiện ra cho những môn đồ là những người sẵn sàng tin vào Ngài; thêm vào đó chính những người được Chúa hiện đến cũng không nhận ra Ngài tức khắc: họ ngỡ là thấy ma, hay là ông coi vườn hay một khách bộ hành. Nói khác đi, các môn đồ, ngoài hai dấu chỉ còn cần đến ánh sáng đức tin nữa thì mới có thể nhận ra Đức Kitô phục sinh được. Biến cố Phục sinh trở thành một mầu nhiệm của đức tin vậy. Đây cũng là sự khác biệt giữa sự sống lại của La-da-rô và của đức Ki-tô: La-da-rô sống lại như con người bằng xương bằng thịt và ai ai cũng có thể kiểm chứng được; còn đối với đức Ki-tô thì sự sống lại có nghĩa là đi vào vinh quang Thiên Chúa, và vì thế cần phải nhờ ánh sáng đức tin thì mới nhận ra.

IV. Sự mặc khải của mầu nhiệm Phục sinh


Có thể khẳng định: thần học hộ giáo cổ truyền coi sự Phục sinh như là cái triện ấn xác nhận rằng những gì đức Giêsu đã nói và đã làm là xác thực; còn ngày nay, thần học nền tảng coi sự Phục sinh như là tột đỉnh của việc mặc khải. Thế thì biến cố Phục sinh mặc khải điều gì?

1) Trước hết, sự Phục Sinh mặc khải rằng Thiên Chúa là Chúa của sự sống lại. Thánh Phao-lô đã định nghĩa Thiên Chúa như là Đấng đã cho đức Kitô sống lại và cũng sẽ cho chúng ta sống lại với Người (Rom 8,11; 1 Cor 6,14; 2 Cor 4,14; Gal 1,1; 1 Tes 1,9-10; 4,14). Ta có thể coi đây là chân lý căn bản làm nền tảng cho những chân lý kế tiếp sau đây.

2) Sự Phục Sinh mặc khải bản ngã đích thực của đức Giê-su Ki-tô: Ngài thật là Con Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đã nhiều lần viết rằng chính nhờ sự Phục Sinh mà đức Ki-tô, người đầy tớ của Thiên Chúa được siêu tôn làm Con Thiên Chúa (Rom 1,3-4), được tuyên xưng làm Chúa (Kyrios: Rom 10,9; Phil 2,8-11). Phúc âm thuật lại rằng không những các môn đệ khi thấy Chúa Phục Sinh hiện đến thì phủ phục thờ lạy (Mt 28,9), nhưng còn ghi lại Lời tuyên xưng của thánh Tô- ma tông đồ: "Lạy Chúa tôi và Thiên Chúa tôi!" (Gio 20,28).

3) Hơn thế nữa, sự Phục Sinh được gọi là một sự mặc khải không phải chỉ theo nghĩa là thông đạt bày tỏ những chân lý, nhưng còn thông đạt cho con người ơn thánh của Chúa nữa (ơn tha thứ, hòa giải) và nhất là thômg ban chính Chúa Thánh Thần, như bảo chứng của việc chúng ta được trở thành nghĩa tử của Chúa, cũng như bảo chứng của việc chúng ta sẽ được sống lại. (Gio 20,22; Rom 1,4; 8,11.16-17). Sự Phục Sinh của đức Ki-tô trở nên hoa trái đầu mùa cho việc phục sinh của chúng ta: không những theo nghĩa là Ngài đã khai mào một kỷ nguyên mới cho chúng ta hy vọng có thể phục sinh, nhưng còn theo nghĩa là Ngài ban cho chúng ta mầm sống mới, tức là Thánh Thần của Ngài mà chúng ta lãnh nhận nhờ bí tích thánh tẩy và làm tăng trưởng nhờ bí tích Thánh thể và đời sống nhân đức.

Như thế, sự Phục Sinh mặc khải cho ta về Thiên Chúa cũng như mặc khải cho chúng ta về chính định mệnh tương lai của con người và vũ trụ dựa theo kế hoạch của Thiên Chúa. Nên biết là trong sách Giáo Lý của Hội thánh Công giáo biến cố Phục sinh của đức Kitô được bàn tới không phải trong chương dành cho Mặc khải nhưng là trong phần chú giải Kinh Tin kính, từ số 638 đến số 658. Tuy nhiên chúng ta đừng quên rằng biến cố Phục sinh không những gắn liền với việc lên trời (số 659-667), mà còn gắn với biến cố Ngài sẽ trở lại trong vinh quang (số 668-682). Đó là chưa nói tới sự liên hệ với niềm tin rằng thân xác chúng ta cũng sẽ sống lại (số 988-1004), cũng như sự cử hành Mầu nhiệm Vượt qua trong phụng vụ và bí tích.