Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

LỊCH SỬ VIỆC TÔN THỜ THÁNH THỂ

Thời sự Thần học - Số 39, tháng 03/2005, tr. 32-46

Huy Nghĩa, O.P. 

Bài này biên soạn theo phần II của cuốn sách có tựa đề In the Presence of our Lord : the History, theology, and phsychology of Eucharistic Devotion của linh mục Benedict J. Groeschel và ông James Monti, xuất bản năm 1997 tại nhà in Huntington.

Thời Giáo hội tiên khởi : Đức Kitô ngự thật trong thánh thể


Ngay từ buổi đầu, các tín hữu đã tin rằng Đức Giêsu không những hiện diện trong lễ vật lễ Tạ ơn mà còn sau Thánh lễ nữa.
Niềm tin ấy được các tín hữu thể hiện qua việc đem Mình Thánh đến cho những người ốm đau không thể đến tham dự lễ bẻ bánh. Niềm tin này cũng được minh xác qua lời thánh Optatus of Mileve trách cứ lạc giáo Donatô : “Đức Giêsu đã làm gì các ngươi mà sao các ngươi lại phá bàn thờ nơi Người ngự ? Tại sao các ngươi đập phá bàn tiệc nơi Đức Giêsu cư ngụ”[1]. Và cụ thể nhất, khi chú giải thánh vịnh 98, thánh Âutinh viết : “Không ai được ăn thịt này trừ phi đã tôn thờ trước…. Tôn thờ sẽ không phạm tội gì, nhưng sẽ phạm tội nếu không tôn thờ”.[2]


Việc tôn thờ ấy không những thể hiện bởi tấm lòng khiêm cung mà còn được các tín hữu tiên khởi tỏ lộ qua những hành động bên ngoài như cúi chào, bái gối trước Thánh Thể. Thánh Âutinh viết “Khi anh em cúi đầu hay bái gối thấp xuống bao nhiêu có thể, thì đó không phải là anh em cúi lạy đất mà là Đấng anh em tôn thờ”.

Không những tin Thiên Chúa ngự trong bánh thánh, các tín hữu còn tin Người ngự trong cả những hình bánh nhỏ nhất. Ông Origiênê (184-254) đã viết “Khi đón nhận Thân Mình Thiên Chúa, anh chị em phải có lòng cung kính, chớ để miếng bánh vụn nhỏ nào rơi”[3].

Thánh Cyrinô (315-386) cũng nói điều này trong sách giáo lý dành cho các tân tòng : “Khi chia sẻ Thánh Thể, hãy thận trọng đừng để rơi một chút nào”[4]. Trong một tài liệu của giám mục chính thống Siry Rabulas viết vào khoảng thế kỷ thứ IV, cũng có thấy đoạn : “Nếu hình bánh nhỏ nào rơi xuống đất, hãy tìm kiếm cẩn thận, nếu đã tìm được rồi, thì quét chỗ ấy, những bụi quét được hoà với nước, đưa cho các tín hữu như là một thứ được chúc lành. Nếu không tìm được cũng quét sạch sẽ”.[5]

Còn Thánh Thể được đưa đến cho người bệnh khi nào và bằng cách nào ? Trong cuốn first apology, thánh Justinô tử đạo cho biết ngay từ thế kỷ thứ hai đã có tập tục đem Thánh Thể đến cho những người không thể tham dự Thánh lễ. Đặc biệt mới đây, khảo cổ học đã tìm thấy trong một hầm rượu một hộp nhỏ bằng vàng được cho là làm vào thế kỷ thứ II và được Giáo hội tiên khởi dùng để đựng Mình Thánh đưa đến cho các bệnh nhân.

Vậy các giáo hữu thời xưa có tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ hay không ? Tất nhiên nếu tin rằng Đức Kitô ngự trong Mình Thánh, thì ắt hẳn Thánh Thể để lại sau Thánh lễ phải được tôn thờ. Nhưng xem ra, thời Giáo hội tiên khởi, Thánh Thể không được để lại sau Thánh lễ, có chăng chỉ rước đến cho bệnh nhân. Lý do, có lẽ trước tiên vì cấm đạo, các tín hữu không muốn Mình Thánh bị báng bổ, thứ nữa là vì thời đó các tín hữu có tục lệ giải tán những người tân tòng trước khi cử hành nghi thức phụng vụ Thánh Thể. Làm như vậy không phải vì các tín hữu thiếu sự tôn kính đối với Thánh Thể cho bằng là thể hiện lòng kính trọng sâu xa đối với Bánh Thánh.

Lòng tôn sùng Thánh Thể triển nở nơi các tín hữu tiên khởi không chỉ khởi đi từ niềm tin của Giáo hội mà còn từ quan niệm cầu nguyện trong Cựu ước. Con người có thể cảm nghiệm Chúa ở mọi nơi mọi lúc, nhưng vì chiêm ngắm, nhất là những mầu nhiệm về Thiên Chúa, cần phải có một tiêu điểm, hoặc compositio loci để hướng tới. Do vậy, trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã tỏ hiện cho dân thấy ở nhiều nơi : trên núi Sinai, trong đền thánh… Đó là những địa danh thánh, mà dân Ítraen có thể tiếp xúc gặp gỡ với Thiên Chúa.

Trong Tân Ước, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, đã hiện diện trong không gian và thời gian. Và để đến gần Thiên Chúa, các tín hữu đã hành hương về những địa danh mà Đức Giêsu đã từng đi qua như ông Origiênê nói là “để bước theo chân Chúa”. Cũng theo ông Origiênê, compositio loci đã phôi thai nơi các tín hữu trước năm 300 và tiến triển mạnh trong thế kỷ thứ IV. Có rất nhiều bản văn thời này mô tả những chuyến hành hương về nơi thánh. Cụ thể, thánh Paulinus of Nola (353-431) đã từng viết một bài khích lệ các tín hữu hãy đi viếng thành thánh.

Những chứng cớ này cho thấy lòng khát khao của người tín hữu thời tiên khởi là mong được cầu nguyện ở những nơi Đức Giêsu đã lớn lên và sinh sống hoặc đã từng đặt chân đến. Đây là những nơi lý tưởng để các tín hữu cảm nhận thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Những hình thức tôn thờ, sùng kính ở những địa điểm này thật phong phú và đa dạng. Vậy đối với những ai chỉ đến đó được vài lần hoặc không bao giờ đến được thì sao ?

Vì khao khát được diện kiến trước Thiên Chúa và vì tin rằng Giáo hội chính là nơi phụng vụ được cử hành, nên những nơi cử hành công cộng dần trở thành những nơi cầu nguyện riêng. Bàn thờ tại nơi cử hành công cộng dần trở thành biểu tượng của Đức Giêsu và là tiêu điểm để các tín hữu chú tâm mỗi khi họ đến cầu nguyện trong thinh lặng.

Việc hành hương đến những nơi Chúa đã hiện diện, việc cầu nguyện ở nơi cử hành phụng vụ công cộng sẽ khai sinh và làm triển nở việc tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh lễ.

Thế kỷ VI-XII : tái khám phá lại


Trong thời kỳ này, Kitô giáo phát triển mạnh. Những đan viện lớn xuất hiện ở nhiều nơi. Nhiều quốc gia đặt Kitô giáo làm quốc giáo. Tất cả như là những điều kiện tốt để các tín hữu thể hiện lòng sùng kính Thánh Thể sâu đậm hơn.

Việc đến nhà thờ để cầu nguyện riêng đã trở thành phổ biến và là một phong trào phụng tự. Có rất nhiều câu chuyện kể về những nhà vua, những thánh nhân coi bàn thờ như nơi cầu nguyện sốt sắng nhất. Cầu nguyện trước bàn thờ ám chỉ việc thờ lạy Thánh Thể, vì bàn thờ chỉ Đức Kitô và là nơi thánh hiến lễ vật trong Thánh lễ. Nhưng để Thánh Thể là tâm điểm của việc cầu nguyện này, thì nhà thờ và nhất là bàn thờ phải là nơi cất giữ Mình Thánh.

Bằng chứng đầu tiên mô tả nơi cất Mình Thánh được tìm thấy trong cuốn Apsotolic constitutions. “Khi mọi người đã hiệp lễ xong, thày phó tế có nhiệm vụ đưa phần còn lại vào nơi cất đồ thánh (Sacristy)”. Trải qua nhiều thế kỷ, nơi cất đồ thánh chỉ dành riêng cho việc cất giữ Mình Thánh, nhưng ban đầu những nơi này không dùng làm nơi cầu nguyện riêng. Tuy nhiên cũng đừng vì thế mà cho rằng Thánh thể bị người ta hờ hững, vì Giáo hội luôn khẳng định rằng Mình Thánh được cất giữ vẫn thật như Mình Thánh trên bàn thờ. Thực vậy, từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI, trong phụng vụ Tuần thánh ở Tây Phương, giáo dân được tụ họp để rước Thánh thể đã được truyền phép từ hôm trước. Điều này cho thấy lòng tin tưởng Chúa vẫn còn hiện trong Hình Bánh sau Thánh lễ là rất mạnh mẽ.

Cũng theo một tài liệu khác nữa của thánh Chrysologus (400-450), Thánh Thể được cất giữ ở một nơi riêng trong nhà thờ. Ngày nay, khảo cổ học còn cho biết, không những được cất giữ ở nơi riêng, Thánh Thể còn được để ngay trên bàn thờ, vì mới đây người ta đã phát hiện ra một nhà tạm được trạm trổ tinh xảo trên một bàn thờ.

Khoảng cuối thế kỷ thứ IX, bắt đầu có những quy định về việc cất giữ Mình Thánh ở bàn thờ. Trong cuốn Admonitio Synodalis có đoạn viết : “Bàn thờ phải được phủ bằng khăn len ; không được đặt bất kỳ cái gì lên bàn thờ ngoại trừ thánh tích và xương thánh, các sách Tin Mừng và Mình Thánh dành cho bệnh nhân”. Những chỉ dẫn tương tự cũng được tìm thấy trong lá thơ của Giám mục Liège († 974) gửi cho các linh mục trong địa phận. Còn viện phụ Regino († 915) thì nhắc nhở các các tu sĩ của mình : “Lưu ý : hãy đặt Mình Thánh trên nơi cao của bàn thờ”. Thêm vào đó, tài liệu công đồng các giám mục Pháp ở Tours còn xác định rõ : “Mình Thánh và Máu thánh phải được đặt trên nơi cao để tránh chuột bọ và những kẻ bất xứng”.

Mình Thánh được đặt trên nơi cao bàn thờ hoặc gần bàn thờ đã biến hình thức cầu nguyện riêng trước bàn thờ thành việc “viếng Thánh Thể”.

Đầu thời Trung cổ, trong Giáo hội có những tín hữu minh chứng không những bằng lời, mà còn bằng hành động việc Đức Giêsu hiện diện thật trong Mình Thánh. Trong cuốn Regula coenobialis, thánh Columba († 615) đề nghị những ai rước Mình Thánh phải bái gối ba lần. Cuốn sách lễ Rôma viết khoảng thế kỷ thứ VIII – Roman Ordo I- đã mô tả Đức Giáo hoàng cúi chào khi đưa Mình Thánh từ nơi cất giữ ra bàn thờ. Cuối thế kỷ thứ VII, đức Sergiô (687-701) đã thêm vào những lời nguyện tư khi bẻ bánh trước khi cho rước lễ. “Lạy Chiên Thiên Chúa, xin cứu chúng con khỏi sa chước cám dỗ và ban phúc lành cho chúng con”. Lời nguyện này được coi là lời nguyện cá nhân đầu tiên với Chúa Giêsu trong Thánh Thể.

Trong thế kỷ thứ IX, nhiều lời nguyện tư được đọc xen trong Thánh lễ trước khi hiệp lễ. Những lời cầu nguyện này nói trực tiếp với Đức Giêsu hơn là với Chúa Cha.

Thành phố lugo


Việc tôn sùng Thánh Thể hàng ngày có lẽ khởi đầu từ thành phố Lugo nước Tây Ban Nha. Nhiều tài liệu minh chứng trước khi bị quân Hồi giáo xâm chiếm (711), hầu hết các nhà thờ chính toà ở nước này đều là nơi hành hương, và tại đây việc tôn sùng Thánh Thể được diễn ra hàng ngày. Giám mục trong thành phố này còn đưa ra những quy định trong việc kiệu rước Thánh Thể. Chỉ có đức Giám mục mới có quyền kiệu rước Thánh Thể, còn các phó tế, linh mục chỉ có thể di chuyển Mình Thánh từ bàn thờ này qua bàn thờ khác.

Thế kỷ thứ X và XI


Việc tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh lễ có những bước khởi đầu trong những thế kỷ này ở Châu Âu, nhất là Bắc Âu. Trong hạnh thánh Ulrich (893-973), có câu chuyện tái hiện lại cuộc mai táng của Chúa Giêsu bằng cách đặt Mình Thánh vào trong mồ, và khi bắt đầu ngày lễ Phục Sinh, Mình Thánh được cung nghinh long trọng về nhà thờ. Phong tục này còn được nhắc đến nơi nhiều nhà thờ nữa. Và nơi Mình Thánh được cất giữ có đốt hương và nến.

Việc xông hương tôn kính Thánh Thể được một tài liệu giải thích rằng, hương liệu được ba vua mang đến tôn thờ Chúa. Vì thế trong các cuộc cung nghinh hoặc đưa Mình Thánh đến cho các bệnh nhân, thường có bình hương đi trước. Tuy không biết nến được dùng vào việc tôn sùng Thánh Thể khi nào, nhưng theo tài liệu công đồng của Hội thánh Nestôriô ở Bát-đát năm 904, thì có quy định phải giữ nến luôn cháy sáng ở nơi cất giữ Mình Thánh Chúa. Có lẽ đây cũng là điểm chung đối với Hội thánh Công Giáo.

Trong thế kỷ thứ XI, giữ cho đèn luôn cháy sáng trước nhà chầu trong Tuần Thánh được nhiều tài liệu nhắc đến. Trong thư luân lưu của viện phụ Barnhardus, một vị cải cách dòng Cluny rất danh tiếng, có đề nghị các tu sĩ của mình phải giữ cho nến luôn cháy sáng từ thứ năm cho đến thứ sáu Tuần thánh. Và cũng trong thế kỷ XI, những cuộc rước Mình Thánh từ bàn thờ đem vào nơi cất giữ được tổ chức rất long trọng với nhiều hương trầm và nến sáng.

Cũng trong thế kỷ này, cuốn Chỉ dẫn của giáo phận Ulrich có đề nghị phải cất giữ Mình Thánh cẩn thận bằng cách để Mình Thánh trong một cái đĩa hoặc trong một bình bằng kim loại quý.

Trong thế kỷ XI, để chống lại sự phủ nhận của lạc giáo vào sự hiện diện thật của Đức Giêsu, giám mục Canterbury (1010-1089) đã cung nghinh Mình Thánh nhằm diễn tả lại việc Đức Giêsu được rước vào thành Giêrusalem xưa. Buổi cung nghinh thật long trọng. Mình Thánh được đặt trong chén và được rước đi quanh thành phố. Đến mỗi cửa thành, Mình Thánh được đặt lên trên một nơi cao có trang hoàng rực rỡ và từng hồi chuông được gióng lên và tiếp đến là những bài thánh ca. Sáng kiến này là những đường nét tiên khởi cho việc cung nghinh Thánh Thể.

Một tài liệu khác trong thế kỷ này cũng đề nghị khi Thánh lễ thứ năm Tuần thánh kết thúc, giám mục phải cắt cử một thầy phó trợ tế canh giữ Mình Thánh cho đến lần hiệp lễ vào thứ Sáu. Tất nhiên việc canh phòng này kèm theo những giờ cầu nguyện. Năm 1177, thành phố Zara của Croatia được Đức Giáo hoàng ban cho đặc ân 4 giờ tôn sùng Thánh Thể trong Tuần thánh.

Như vậy, trong thế kỷ này việc tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh lễ đã bắt đầu phát triển mạnh. Thánh Thể được sánh như hòm bia Thiên Chúa, được canh giữ, được tôn sùng và nhất là được coi như nơi Đức Kitô hiện diện thực sự, là nơi Đức Kitô thể hiện lời hứa “Ta sẽ ở với các ngươi mọi ngày cho đến tận thế” (Mt, 28,20).

Thế kỷ XIII : Thánh Thể phục hưng


Lịch sử tôn sùng Thánh Thể trong thế kỷ XII được khởi đầu bằng những câu chuyện huyền thoại. Và để minh chứng cho sự phục hưng về việc tôn sùng Thánh Thể trong thế kỷ này, chúng ta phải để đến những nhân vật nổi tiếng trong thế kỷ này.

Thánh Phanxicô


Tình yêu đối với người nghèo nơi thánh nhân không chỉ dừng lại “ite, missa est”, song còn được kéo dài mãi với Bí tích Thánh Thể. Thánh Phanxicô đã đề xuất nhiều sáng kiến tôn sùng Thánh Thể mới. Người đã hướng dẫn anh em nói những lời nguyện tự phát ngắn gọn trước Thánh Thể. Người đã trăn trối cho anh em của người cầu nguyện rằng “Lạy Đức Giêsu Kitô, chúng con tôn sùng Người ở đây và trong toàn Giáo hội hoàn vũ, chúng con chúc tụng Ngài vì qua cây thánh giá, Ngài đã cứu độ chúng con”. Lòng sùng kính của thánh Phanxicô đối với Thánh Thể được các anh em của người thừa kế và phát huy. Vì thế, việc sùng kính Thánh Thể kiểu của thánh Phanxicô không những phát triển ở đất nước Italia mà còn ở các nơi có sự hiện diện của anh em Phanxicô.

Hơn thế nữa, nhiều anh em Phanxicô còn có những sáng kiến tỏ lòng sùng kính Thánh Thể cách độc đáo và đã gây ảnh hưởng lớn cho các quyết định của công đồng cũng như của Đức Giáo hoàng về việc tôn sùng Thánh Thể. Mọi nhà thờ của anh em Phanxicô được coi như là những điểm sáng khuôn mẫu cho việc tôn sùng Thánh Thể. Thánh Thể được đặt ở những nơi cao. Nơi cất giữ Thánh Thể được trang hoàng đẹp đẽ, có khoá cẩn thận để tránh người lạc giáo xúc phạm. Đèn không những được đốt sáng trong các ngày Tuần thánh mà được giữ sáng quanh năm. Mỗi lần Thánh Thể được rước đến cho các bệnh nhân, khách bộ hành bên đường phải cúi lạy.

Thánh Thể là tiêu điểm quan sát của mỗi tín hữu khi bước vào nhà thờ, là nơi có thể hướng lòng dâng lên lời cầu nguyện. Khi làm tổng giám mục, tu sĩ Phanxicô tên là Regaud đã muốn anh em đọc kinh thần vụ quanh Thánh Thể đặt ở trên bàn thờ. Và mỗi khi đến các nhà thờ trong giáo phận để kinh lý, vị tu sĩ này ca tụng những nhà thờ có nơi đặt Mình Thánh trang nghiêm và khuyến khích những nhà thờ chưa có cần tìm một chỗ xứng đáng để đặt Mình Thánh.

Theo chân cha anh của mình, tu sĩ Phanxicô Pecham, khi làm tổng giám mục cũng khuyến khích mọi người có lòng thờ kính Thánh Thể. Ngài đã chỉ thị phải có hồi chuông mỗi khi đọc lời truyền phép ; mỗi khi ban Thánh Thể cho bệnh nhân, và cũng đòi buộc những ai tham dự phải kính cẩn quỳ xuống thờ lạy và cầu nguyện. Ngài cũng là tác giả của bài Ave vivens hostia và Hostia viva, vale, fidei.

Các tổng hội của anh em Phanxicô cũng đề cập nhiều đến chuyện tôn kính Thánh Thể.

Những hình thức tôn thờ thánh thể khác trong thế kỷ XII


Các anh em Phanxicô cổ võ lòng sùng kính Thánh Thể ở Nam Âu, còn ở Bắc Âu thì có các chị em Béguine và nữ chân phước Mary of Oignies (1175-1213). Theo sử liệu, thánh nữ dành cả ngày và đêm “ở trước Chúa Kitô trong nhà thờ”. Bên cạnh đó cũng có nhiều gương phụ nữ khác có lòng sùng kính Thánh Thể đặc biệt. Nhiều nữ ẩn sĩ nuôi dưỡng đời sống ẩn tu của mình bằng việc tôn sùng Thánh Thể.

Có thể nói trong thế kỷ XIII, việc sùng kính Thánh Thể lan rộng khắp châu Âu. Nhiều Dòng tu, nhiều giáo phận đã có những chỉ dẫn cụ thể cho việc sùng kính Thánh Thể.

Chân phước Juliana of Cornillong và thánh Tôma


Năm 1208, một thiếu nữ 16 tuổi mồ côi tên là Juliana thấy một thị kiến, nhưng cô không hiểu. Hai năm sau đó, cô nhận được sứ điệp giải thích thị kiến mà cô đã nhìn thấy : “Mặt trăng là khuôn mặt của Giáo hội, còn vạch đen đi qua có ý nghĩa là phải cử hành một Thánh lễ tôn kính bí tích này”. Tuy trong lịch phụng vụ, thứ năm Tuần thánh được coi như lễ kính Mình Thánh, nhưng lễ này nằm trong Tuần thánh. Trong những người cô thuật lại thị kiến này thì có một thầy phụ phó tế, Jacque Pantaléon, vị này sau là đức Urbanô IV và là người thiết lập lễ Mình Máu Thánh.

Thiết lập một lễ mới trong lịch phụng vụ đòi phải có bộ lễ mới. Và đức Urbanô đã trao việc này cho thánh Tôma. Không làm Toà Thánh thất vọng, thánh nhân đã có những bộ kinh về Thánh Thể thật là tuyệt vời, trong đó có lẽ phải kể đến là Pange Lingua :
“Nào ca hát để họp mừng mầu nhiệm
Vua muôn dân đã hiến trót thân mình
Dâng máu đào làm lễ tế hy sinh
Nên giá chuộc muôn người trên thế giới.”

Kinh “Ôi yến tiệc…” của thánh Tôma là một khổ thơ diễn tả được chiều rộng và chiều sâu của Mầu nhiệm Thánh Thể :

Ôi yến tiệc Mình và Máu thánh, Chúa Kitô thành lương thực nuôi ta. Tiệc nhắc nhớ Người đã chịu khổ hình và đổ đầy ơn sủng xuống cõi lòng nhân thế. Tiệc bảo đảm cho ta một ngày mai huy hoàng rực rỡ.

Thánh Tôma còn sáng tác nhiều kinh và nhiều luận bàn về bí tích Thánh Thể.

Tuy nhiên việc thiết lập lễ Thánh Thể mãi đến 1314 mới được tiến hành. Việc thiết lập lễ này đã mở ra một kỷ nguyên tôn sùng Thánh Thể và việc cung nghinh Mình Thánh sẽ là đỉnh cao trong những thế kỷ tới.

Thế kỷ XIV và thế kỷ XV : muôn dân nước phải phụng sự người


Sang thế kỷ XIV và thế kỷ XV, lòng sùng kính Mình Máu Thánh không chỉ có ở những thành phố đông đúc mà còn ở cả những nơi miền quê hẻo lánh. Thánh Thể cũng là nguồn nuôi sống đời sống nội tâm của các vị thánh. Dân chúng thì dành nhiều thời giờ để viếng, để gặp gỡ, để vãn chuyện với Thiên Chúa. Những người sống xa cách nhau, còn coi Mình Thánh như là nơi họ có thể gặp gỡ nhau. Người ta dành nhiều giờ cho việc tôn sùng Thánh Thể, thậm chí có những vị còn ngồi trước Thánh Thể hàng đêm. Những ông hoàng, những vua chúa cũng mừng chiến công của mình bằng những buổi cung nghinh, kiệu rước Thánh Thể lộng lẫy. Mình Thánh được đặt ở trên những cổng thành, những xa lộ, những nơi đông đúc dân cư, để ai cũng có thể hướng về để gặp gỡ hoặc chuyện vãn với Chúa.

Như chúng ta đã biết, trong thế kỷ trước đã có những buổi kiệu rước Mình Thánh, nhưng chủ yếu được thực hiện với quy mô nhỏ và hạn chế vào trong những ngày Tuần thánh. Nhưng từ khi lễ Mình Máu Thánh được thiết lập trong niên lịch phụng vụ, những cuộc cung nghinh linh đình và long trọng được tổ chức ở nhiều nơi, và hầu như ở những địa phận lớn đều có những chỉ dẫn phụng tự cho ngày lễ này. Người ta tìm thấy trong sách chỉ dẫn của nhà thờ thánh Gereon lần đầu tiên có việc chúc lành bằng Mình Thánh.

Một điều cần để ý tới trong thế kỷ này, đó là nở rộ các loại mặt nhật. Trước đó, mặt nhật đầu tiên được biết đến là chiếc mặt nhật được mô tả trong cuốn sách của một tu sĩ Phanxicô. Đây là chiếc mặt nhật được thiết kế giống cây thánh giá, xung quanh có tượng Đức Mẹ và thánh Gioan. Mình Thánh đựng trong một hộp kính và được đặt vào giữa. Nhưng đến thế kỷ này, những mặt nhật được trang trí cầu kỳ, lộng lẫy và dù có đặt đâu cũng đều thu hút được sự quan sát của mọi người. Không những để cất giữ Mình Thánh, mặt nhật còn được thiết kế để đựng những thánh tích. Nhiều mặt nhật được đúc bằng vàng, bằng bạc, được nạm ngọc, kim cương, thậm chí còn được thiết kế như chiếc ghế bành phải 6 linh mục mới khiêng được. Rồi những chiếc phương du bằng vải lụa, có tua rua, rất lộng lẫy được thiết kế nhằm che cho mặt nhật mỗi khi cung nghinh Mình Thánh.

Năm 1429, đức Martinô V đã ban ơn lành cho những ai tham dự cuộc rước trong lễ Mình Máu Thánh. Từ đó, những cuộc kiệu rước Thánh Thể lại càng long trọng, linh đình và lộng lẫy hơn. Những đường kiệu được trang hoàng bằng nhiều hoa, và cờ xí được treo han bên. Một cuốn sách viết thời này có mô tả những cuộc rước ở nhà thờ Bamberg (Đức), có những trạm nghỉ. Ở những trạm nghỉ này, Mình Thánh được đặt trên một bàn thờ tạm và tại bàn thờ này người ta đọc những đoạn khởi đầu của bốn sách Tin Mừng. Một tài liệu khác còn mô tả Đức Inôcentê VII đã kiệu Mình Thánh trong ngày thứ năm Tuần thánh từ Vương cung thánh đường đến nhà nguyện thánh Phêrô. Đi trước Mình Thánh là sáu ngọn đuốc và đi sau là 8 giám mục và tổng giám mục, những vị này cầm phương du. Khi đến nhà thờ nhỏ, một vị giám mục đưa Mình Thánh lên bàn thờ cùng với Giáo hoàng. Đức Giáo hoàng quỳ gối xông hương và cửa nhà thờ được đóng lại.

Trong thế kỷ này, việc kính Mình Thánh Chúa ngoài Thánh lễ phát triển mạnh mẽ, vì thế nhiều nhà thờ xây những nhà chầu riêng để ở đó các tín hữu có thể viếng Mình Thánh. Nhà chầu được xây dựng bằng đá cẩm thạch, bằng gỗ quý, bằng kim loại tốt và được đặt cách xa bàn thờ, Mình Thánh được đặt trong các chén thánh hoặc mặt nhật. Tín hữu có thể nhìn thấy qua tấm lưới. Có thể nói nhà chầu trở thành phổ biến khắp châu Âu ở cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI.

Thế kỷ XVI - XVII : muôn dân phải thờ lạy Người


Thế kỷ XVI-XVII mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử Kitô giáo. Một kỷ nguyên vừa có hào quang vừa có bóng tối. Thế kỷ này, bí tích Thánh Thể bị tấn công nặng nề nhất. Người ta phủ nhận sự biến thể của bí tích. Thánh Thể bị xúc phạm, bị đưa cho súc vật ăn. Tuy vậy, lòng sùng mộ Thánh Thể vẫn không phai nhòa mà còn phát triển mạnh hơn nữa.

40 giờ cầu nguyện


Vào năm 1527, mười năm sau khi Martin Luther dán mười lăm luận đề ở của nhà thờ Witterberg (Đức), nhà thờ thành Milan có một hình thức cầu nguyện mới. Người ta cầu nguyện bốn mươi giờ liên tục tại nhà nguyện có đặt Mình Thánh Chúa. Thời hạn bốn mươi giờ được kết thúc vào ngày cuối cùng của tuần bát nhật lễ Thánh Thể. Nhờ vào sự đóng góp của các tu sĩ, bốn mươi giờ cầu nguyện phát triển không ngừng khắp châu Âu. Trong bốn mươi giờ cầu nguyện ấy, Mình Thánh được kiệu từ xứ đạo này sang xứ đạo khác. Khi đến xứ nào, Thánh Thể được đặt trên bàn thờ, hẳn nhiên không cứ phải ở trong mặt nhật. Người ta còn tổ chức 40 giờ cầu nguyện mỗi khi thành phố bị đe doạ xâm lăng, mỗi giờ cầu nguyện do một giáo xứ đảm trách.

Năm 1592, với sắc lệnh Graves et diuturnae, đức Clêmentê VII đề nghị Giáo phận Rôma phải cầu nguyện bốn mươi giờ. Sắc lệnh còn đề nghị Thánh Thể phải được đặt trong mặt nhật và để trên bàn thờ. Mặt nhật được phủ một chiếc khăn rộng cả sau lẫn trước, phải có sáu đèn và sáu cây nến. Bên cạnh đó, sắc lệnh còn đưa ra những lời cầu nguyện ngắn cho các tín hữu tham gia chương trình cầu nguyện này. Sau buổi cầu nguyện bốn mươi giờ này là một Thánh lễ. Trong bốn mươi giờ cầu nguyện này. Thánh đường được trang hoàng rực rỡ.

Thời đại Baroque


Hình ảnh của Đức Kitô là vua vũ trụ đã được đôi lần kể đến trong Thánh Kinh và nhất là chính Chúa Giêsu cũng đã tự xưng mình là Vua. Trong thời Trung cổ, Kitô hữu đã tôn sùng Chúa Giêsu là Vua hiện diện trong Mình Thánh. Và thời này, mọi hình thức nghệ thuật, văn chương, thi phú, hội hoạ kiến trúc đều mô tả một sự lộng lẫy, cao quang và đầy quyền uy của Thánh Thể.

Những cuộc rước lớn linh đình được tổ chức. Mỗi khi tổ chức rước Mình Thánh, người ta trang hoàng đường phố, treo cờ, phướn trước cửa nhà, đường phố được thu dọn, rửa sạch sẽ, có vải lụa che. Những chiếc kiệu rước làm bằng gỗ hoặc kim loại quý có giát ngọc, kim cương. Trước đoàn rước, có những người phụ nữ xức thuốc thơm và còn có những hội trắc, hội kèn, đội tung hoa. Khi đoàn rước đi qua, nhà nào cũng thắp đèn sáng trưng. Có những cuộc rước kéo dài từ chín giờ sáng tới ba giờ chiều. Trong đoàn rước không những có giới tu trì mà còn có cả những người lãnh đạo chính quyền. Tất cả như muốn tỏ lộ, Vua muôn nước đang được con dân cung nghinh.

Lòng mộ mến của tín hữu thời này cũng được tỏ lộ qua những chiếc mặt nhật. Thời này các nghệ nhân thể hiện mọi sự cố gắng, tài trí của mình để làm chiếc mặt nhật đẹp bao nhiêu có thể. Những mặt nhật bằng vàng, bằng cẩm thạch, được khắc chữ, thậm chí còn bài trí cả cảnh tiệc ly, biến hình. Mặt nhật của thành Seville chế tác năm 1587 cao tới 3,6 m, nặng gần nửa tấn…

Các vị truyền giáo trong những thế kỷ này cũng loan truyền lòng mộ mến với Thánh Thể của mình. Ở những cứ điểm truyền giáo cũng có những buổi kiệu rước Mình Thánh cách long trọng. Có những tân tòng đã sẵn lòng chịu chết không để người ta xúc phạm đến Thánh Thể. Những cuốn sách kêu gọi lòng sùng kính Thánh Thể bắt đầu xuất hiện, thậm chí có những cuốn được in ngay ở những nơi mà nếu lòng tin thể hiện sẽ bị lên án tử.

Năm 1600, lần đầu tiên sách lễ Rôma in những chỉ dẫn cho cuộc kiệu rước Mình Thánh. Những chỉ dẫn này cho biết việc chúc lành với Mình Thánh là dấu cho biết cuộc cung nghinh chấm dứt. Cách thức chúc lành được lưu giữ cho đến tận ngày nay. Năm 1614, cuốn sách này được in lại với những chỉ dẫn chi tiết hơn. Trong thế kỷ XVI, bộ Phượng tự có những sắc lệnh quy định chi tiết hơn cho những cuộc cung nghinh Mình Thánh.

Năm 1705, đức Clêmentê XI đã ban hành tài liệu Clementine instruction chỉ dẫn những cách thức cầu nguyện bốn mươi giờ cho giáo phận Rôma. Tài liệu này cũng đồng ý cho phép cầu nguyện trong ba ngày thay vì cầu nguyện 40 giờ liền. Tài liệu cũng đòi hỏi phải có ít nhất 12 cây nến đốt quanh mặt nhật và trước khi Mình Thánh được rước ra, phải có hồi chuông. Không những được áp dụng cho giáo phận Rôma, tài liệu này còn ảnh hưởng cho cả Giáo hội hoàn vũ.

Trong thời này, dưới sự cổ vũ, khích lệ của các tu sĩ dòng Tên, số người rước Mình Thánh hằng ngày càng gia tăng. Đầu thế kỷ XVII, ở Italia, xuất hiện dòng Passionist Order, một dòng cổ vũ những hình thức tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh lễ, đặc biệt vào buổi chiều, để những người đi làm đồng về có thể tham dự.

Từ thế kỷ XVIII cho đến nay


Cho đến thế kỷ này, lòng sùng kính Thánh Thể đã có chiều sâu hơn. Thánh Thể là nơi cầu nguyện, chuyện vãn thân tình –diện đối diện - với Chúa Giêsu Phục sinh. Cầu nguyện trước Thánh Thể là phương thuốc chữa lành nhiều tâm hồn. Thánh Alphongsô Liguori (1696-1787) cảm nhận được ơn gọi làm linh mục khi quỳ trước Thánh Thể. Chân phước John Henry Newman (1801-1890) đã trở lại sau một thời gian không thiện cảm với những người có niềm tin vì sau một lần quá cô đơn, anh đã cảm nhận nơi Thánh Thể một sự an ủi nào đó. Cha Gioan Vianey, hằng ngày quỳ gối trước Thánh Thể xin cho giáo dân của mình ăn năn sám hối trở lại, và coi nhà chầu như là nơi chỉ giáo của mình. Nhờ vậy, mà vốn là người dốt nát, thánh nhân đã đưa nhiều người về với Chúa và giáo xứ xa xôi hẻo lánh của người coi sóc trở thành nơi hành hương của biết bao nhiêu người. Ngay từ nhỏ, thánh Peter Eymard đã áp tai vào nhà Chầu để được nghe tiếng Chúa rõ hơn, để rồi lớn lên trở thành vị sáng lập Dòng Thánh Thể với những mong muốn : hết lòng tôn sùng Thánh Thể, vừa hoạt động vừa chiêm niệm, giữ cho đời sống nhẹ nhàng thư thái. Thánh nhân đã khuyến khích các linh mục nên cầu nguyện một giờ trước Thánh Thể.

Linh đạo yêu mến Thánh Thể của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã làm cho thánh nhân vốn là một nữ tu dòng kín được mọi người biết đến. Đức Kitô Thánh Thể không những được ban cho Giáo hội nhưng còn đặc biệt cho những ai chạy đến với Người. Theo thánh nhân, khi đến gần với Thánh Thể, chúng ta sẽ đến gần với nhau hơn. Và còn nhiều vị mục tử nữa đã không ngừng cổ võ lòng sùng kính Thánh Thể. Chân Phước John Baptist Scalabrini (1839-1905), giám mục giáo phận bắc Italia, đã có nhiều hoạt động cổ võ mọi tầng lớp : công nhân, nông dân, thiếu nhi, người lớn… sùng kính Thánh Thể mà chính bản thân người cũng không ngừng cầu nguyện trước Thánh Thể.

Ngày 25 tháng 1 năm 1959, đức Gioan XXIII, đã công bố triệu tập công đồng Vatican II. Và cũng năm đó, trong lá thư gửi cho hội đồng giám mục Pháp, vị giáo hoàng này đã mong muốn mọi tín hữu hãy chuyên tâm nhiều hơn với việc tôn sùng Thánh Thể. Tuy không sống được cho tới khi công đồng bế mạc, nhưng công trình mà ngài khởi sự được người kế vị là đức Phaolô VI hoàn tất. Tháng 1 năm 1964, vài tháng sau ngày đăng quang, đức Phaolô VI đã đi viếng đất thánh, đã quỳ trên đỉnh Sion, được coi là nơi Đức Giêsu dùng bữa cuối cùng.

Sáu tháng trước khi công đồng bế mạc, đức Phaolô VI đã ban hành tông thư Mysterium Fidei. Qua tông thư này, ngài muốn nhấn mạnh tầm quan trọng và giá trị của việc tôn sùng Thánh Thể.

Có điều hơi lạ là vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, Toà thánh phải thường xuyên xem xét lại những chỉ dẫn liên quan đến việc tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh lễ, trước những quan niệm cho rằng Thánh Thể là chuyện lỗi thời. Vì vậy tháng 6 năm 1973, bộ Phượng tự đã ban hành huấn thị “On Holy Communion and worship of the Euchariatic Mystery Outside of Masss” như một tuyên bố hùng hồn nhất về việc tôn sùng Thánh Thể.

Ba năm sau đó, các nghị phụ khắp nơi trên thế giới đã tụ tập về Philadelphia để tham dự hội nghị quốc tế Thánh Thể. Mẹ Têrêsa Calcuta, vị sáng lập hội dòng Nữ tử bác ái (Missionarey Sisters of Charity) đã minh chứng cho thấy việc tôn sùng Thánh Thể không đi ngược với việc phục vụ cho những nhu cầu của con người. Trong hội nghị này có Hồng y Karol Wojtila, sau là giáo hoàng Gioan Phaolô II, tham dự.

Tháng 1 năm 1980, Đức Gioan Phaolô II đã ban hành một tông thư về chủ đề Thánh Thể, Dominicae Cenae. Cũng giống như Mysterium fidei của đức PhaolôVI, văn kiện này nhằm chấn chỉnh những cách hiểu sai về việc tôn sùng Thánh Thể và khích lệ cả Giáo hội thi hành việc tôn sùng. Bộ giáo luật năm 1983, cũng có những quy định rõ ràng về việc tôn sùng và kiệu rước Thánh Thể. Hơn thế nữa, năm 1985, tài liệu Caeremonial Episcoporum của Toà thánh có những chỉ dẫn chi tiết về việc rước Thánh Thể.

Và đặc biệt là với tấm lòng mộ mến Thánh Thể, coi việc sùng kính Thánh Thể như là phương tiện hữu hiệu nhất để nói chuyện với Chúa, để nuôi dưỡng đời sống nội tâm, là nguồn mạch khích lệ người tín hữu sống tốt trong xã hội, và là con đường giúp người tín hữu phục vụ anh em trong công lý và tình yêu, đức Gioan Phaolô II đã không ngừng khích lệ cổ võ Dân Chúa tôn sùng Thánh Thể. Ngày 17 tháng 4 năm 2003, ngài đã ban hành thông điệp Ecclesia de Eucharistia và mới đây đã gửi tới hàng giám mục, giáo sĩ và các tín hữu của mình tông thư Mane Nobiscum Domine để chuẩn bị cho ngày khai mạc năm Thánh Thể.

Thiên Chúa vẫn ở với chúng ta và như vậy, lòng sùng kính Ngài vẫn mãi tiếp diễn.
________
[1] St. Optatus of Mileve, Corpus Scriptorum Ecclesiasticorum Latinorum, Vol. XXVI : S. Optati Milevitani Libri VII, ed. Carolus Ziwsa, 1893, p. 143.
[2] Enarratio in Ps. 98, Ch. 9.
[3] Patrologia Graeca, Vol. 12, col 391.
[4] Catechetical Lecture, XXIII, Nos, 21-22.
[5] Trích lại trong “Reservation in its Historical aspects,” Month, Sept. 1917, Vol. 130, p. 241.