Thời sự Thần học - số 1, tháng 01/2008, tr.
Duy Phạm 😐
I. Xét nơi ngôi vị Đấng Cứu Độ
Thánh Phaolô diễn tả sự phục sinh là một sự sinh ra mới của Đức Kitô trong phận vị làm Người Con chí thánh của Thiên Chúa. Thực thế, khởi đầu thư gửi Giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô viết rằng : Con Thiên Chúa “xét như một người phàm, Ngài xuất thân từ dòng dõi Đavid”, “xét như một Đấng từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Ngài đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng”(Rm 1:3-4).
Để tránh những khó khăn do bản văn đặt ra, bản dịch Kinh Thánh Vulgate viết rằng “Ngài đã được tiền định làm Con Thiên Chúa”, tuy nhiên, cách dịch đó không phù hợp với ý nghĩa của lời mà Phaolô sử dụng. Lối hiểu của Thánh Phaolô cũng không như lời giải thích của Thánh Gioan Kim Khẩu là : (Đức Kitô) “được công bố hay là được bày tỏ”(như là Con Thiên Chúa). Lời của Thánh Phaolô sử dụng có nghĩa là : (Đức Kitô) “được đặt hay được thiết lập”(làm Con Thiên Chúa). Bởi vậy, chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu sâu xa ý nghĩa của sự khẳng định minh thị mà Thánh Phaolô dùng, và cũng tìm hiểu xem vì lý do gì Đức Kitô được đặt làm Con Thiên Chúa sau cuộc phục sinh từ cái chết của Ngài.
Căn cứ vào cụm từ “với quyền năng”, chúng ta không nên kết luận rằng phải nhờ sự phục sinh, Đức Kitô mới giành được quyền năng thích đáng để trở nên Con Thiên Chúa. Điều đó sẽ làm cho ý nghĩa của bản văn bị giảm thiểu một cách đáng tiếc. Riêng với những lời “được đặt làm Con Thiên Chúa”, những lời này nhằm chỉ ra một sự thiết lập phận vị làm Con mới, một cuộc sinh ra mới. Rõ ràng, trong thư gửi Giáo đoàn Côlôsê, sau khi công bố Đức Kitô là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo”, Thánh Phaolô thêm rằng : Đức Kitô “Ngài là Trưởng Tử từ trong cõi chết sống lại” (Col 1,15-18). Bởi vậy, Thánh Phaolô hình dung cuộc Phục sinh của Đức Kitô như là một cuộc sinh ra mà trong cuộc sinh ra đó Đức Kitô được mặc khải là Người đứng đầu.
Vậy, đâu là bản chất của của sự sinh ra mới mẻ này hay của phận vị làm Con nơi Đức Kitô? Trước khi trình bày về sự sinh ra hữu hình của Đức Kitô và về tình trạng mới mà Ngài đạt được nhờ sự phục sinh, Thánh Phaolô từng khẳng định Phận vị làm Con vĩnh cửu của Đức Giêsu. Nếu Đức Giêsu là Con Thiên Chúa từ đời đời mà đã được thiết lập làm Con Thiên Chúa thì điều này hẳn phải được hiểu trong một ý nghĩa rất đặc biệt mà ý nghĩa đó không gây nghi ngờ gì về Thiên Tính của Đức Giêsu.
Khi thực hiện một trong những bài diễn thuyết được sách Công vụ Tông Đồ thuật lại, Thánh Phaolô cho thấy sự phục sinh của Đức Kitô là sự hoàn thành lời hứa như đã chép trong Thánh vịnh 2 : “Con là con của Ta, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Cv 13,33). Lúc này, việc công bố được ghi chép trong Thánh Vịnh 2,7 ám chỉ đến sự tôn phong của Đấng Mêsia. Vì thế, Đức Kitô được thiết lập là Con Thiên Chúa hiểu theo nghĩa thiên sai luận của hạn từ. Bởi sự phục sinh, Ngài được thiết lập trong phận vị làm Con Thiên Chúa, mà tình trạng này đã được tiền định để làm nên tính cách đặc trưng của Đấng Mêsia. Đó là lúc Ngài được sinh ra như một Đấng Mêsia, nghĩa là như Đấng Mêsia được tôn phong trong vinh quang và được Thiên Chúa nhìn nhận làm Con trong một ý nghĩa mới.
Địa vị làm Con mới này có ý nghĩa chỉ trong bối cảnh của nhiệm cục. Địa vị làm Con vĩnh cửu là mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con trong chốn thâm nội của Ba Ngôi. Thế còn, phận vị làm Con của Đức Kitô mà Ngài lãnh nhận qua sự phục sinh thì phải được hiểu trong mối tương quan của Ngài với con người. Như thế, điều mà phận vị làm Con mới này diễn tả cũng như minh định, đó chính là phẩm cách của Đấng Mêsia và do đó cũng là phẩm cách của Đấng Cứu Độ loài người.
Cả khi chỉ sự khác biệt này, chúng ta cũng cần nhớ rằng phận vị làm Con mới của Đức Kitô thực chất chỉ là sự nới rộng của phận vị làm Con từ đời đời. Thực vậy, Con Thiên Chúa giờ đây trong bản tính nhân loại của Ngài, trở nên điều mà Ngài vốn là từ thủơ đời đời.
Ngoài ra, sự nhập thể cũng đã từng liên quan đến một sự nới rộng tương tự : Con Thiên Chúa, “xét như một người phàm, xuất thân từ dòng dõi Đavid”(Rm 1,3). Khi nhập thể làm người, Chúa Con đã thông truyền địa vị làm Con Thiên Chúa cho bản tính xác thể của mình. Nhưng trước biến cố phục sinh, phận vị làm Con Thiên Chúa chưa thể thấm nhập hoàn toàn vào bản tính nhân lọai của Chúa Giêsu và cũng chưa thể gắn vào bản tính nhân lọai ấy những đặc quyền cũng như vinh quang thần thiêng của phận vị làm Con Thiên Chúa, là bởi vì thân phận tại thế được đặc trưng bằng sự tự hủy, tức là diễn tả tình trạng của “người tôi tớ”. Ngôi Con nhập thể không cho phép vinh quang thiên tính nơi Ngài chiếu rọi qua bản tính nhân loại hệ quả là phận vị làm Con Thiên Chúa vẫn còn ẩn giấu.
Do sự phục sinh, Đức Kitô trong nhân tính xác thể của mình, sở đắc tất cả vẻ huy hoàng của thiên tính nơi Ngài. Giờ đây, nhân tính tòan vẹn của Ngài chất chứa vinh quang của thần tính và diễn tả phận vị làm Con Thiên Chúa. Đây là sự hạ sinh của Con Thiên Chúa trong nhân tính của Ngài. Theo một nghĩa nào đó, Người Con chỉ đơn thuần biểu lộ ra những gì Ngài vẫn là từ thưở đời đời. Theo quan điểm khác, việc biểu lộ này tạo nên một sự mới mẻ thực sự và là một sự nối dài cốt yếu của thiên tính ở trong nhân tính. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể nói cùng với Thánh Hilary rằng nhờ bởi vinh quang của sự phục sinh, Đức Kitô “được vào trong cái mà Ngài vẫn là trước khi có thời gian, thế nhưng Ngài được sinh ra trong thời gian để trở thành cái trước đó mà Ngài không là.”
Đến đây, chúng ta có thể nhận thấy một giai đoạn thứ hai của việc nhập thể tức là sự hoàn thành của việc nhập thể đó. Lần này, Người Con đảm nhận thân xác đến mức thân xác ấy được tham dự vào vị thế thần tính của Ngài đồng thời được thần hóa trong khi vẫn là một thân xác nhân lọai đích thực.
Thánh Phaolô khơi lên sự biến đổi này của Chúa Giêsu theo hai khía cạnh. Về khía cạnh thứ nhất, Thánh nhân nói rằng Đức Kitô phục sinh sở đắc quyền làm Con Thiên Chúa trong bản tính nhân lọai của Ngài : Ngài được thiết lập làm “Con Thiên Chúa đầy quyền uy”; về khía cạnh thứ hai, việc hạ sinh mới của Ngài được thực hiện không còn chiếu theo xác thịt nữa “nhưng theo Thần Khí” (Rm 1:4). Cho nên, ở đây Thánh Phaolô đang nói về một sự sinh ra ở một trật tự cao hơn, trên bình diện thiêng liêng; đó là một sự sinh ra cho phép Người Con thi hành quyền năng thuộc về một mình Thiên Chúa.
Sự tôn vinh của Đức Kitô phục sinh là sự nhập thể đã đạt tới sự hoàn thành chung cuộc của nó, tức là sự nhập thể mà tất cả những đòi hỏi đi liền với nó đã được đáp ứng và là một sự nhập thể mà công hiệu của nó có thể được thi thố. Sự nhập thể này hoàn hảo cả trong lãnh vực của bản tính lẫn trong lãnh vực của cứu cánh. Sự nhập thể ấy hoàn hảo trong lãnh vực của bản tính bởi vì nhân tính được thần tính hòan toàn thấm nhập chỉ nhờ sự phục sinh, như Thánh Phaolô nói : “nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể”(Cl 2:9;cf 1:19). Cũng vậy, sự nhập thể ấy hoàn hảo trong địa hạt của cứu cánh bởi vì mục đích riêng biệt của sự nhập thể là ơn cứu độ con người cùng với việc thần hóa nhân lọai, và sự nhập thể ấy sẽ chỉ đạt được mục đích này nhờ sự tôn vinh của Chúa Giêsu.
II. Hiệu quả cứu độ của ơn cứu chuộc nơi nhân loại xét như một toàn thể.
1. Theo Kinh Thánh
a. Sự phục sinh của Đức Kitô là nguồn sống mới cho loài người.
Nội dung này xuất phát từ những Lời của Chúa Giêsu đã được Thánh Gioan ghi chép lại. Thật vậy, chúng ta có thể dựa vào phần mở đầu của lời cầu nguyện hiến tế của Chúa Giêsu, trong đó, Ngài xin Chúa Cha tôn vinh Ngài để Ngài có thể thực hiện quyền trao ban sự sống đời đời (Ga 17,1-2). Rõ ràng, “sự tôn vinh” mà Đức Kitô nói đến chính là đời sống thần linh mà Ngài muốn đổ tràn ra. Khi Đức Giêsu nói với các môn đệ là Ngài sẽ không còn xuất hiện trước mắt các ông nữa trong một thời gian ngắn, rồi sau đó họ sẽ lại được gặp Ngài, thì Đức Giêsu xác định thêm rằng : “Vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống”(Ga14,19). Với tính cách rất súc tích của Lời Chúa, công thức này cho thấy Đức Kitô phục sinh muốn truyền thông sự sống của Ngài thế nào.
Giáo lý của Thánh Phaolô cũng có những khẳng định tương tự như Thánh Gioan. Thánh Phaolô từng nói với chúng ta rằng khi chúng ta chết do tội lỗi chúng ta, thì Thiên Chúa đã “làm cho chúng ta được sống cùng với Đức Kitô…, và được cùng sống lại với Ngài…”(Ep 2,5-6; cf. Col 2,13). Rõ ràng, việc tham dự vào sự sống của Đức Kitô phục sinh là nhờ bởi Phép Rửa (Rm 6,1-11). Việc vượt qua từ sự chết cho tội lỗi để tiến đến sự sống mới, hàm ý hiệu quả của sự phục sinh là việc xóa bỏ tội lỗi, và việc tha thứ này được ban tặng trong sự truyền trao sự sống thần linh.
Cũng cần nhắc đến công thức của Thánh Phaolô: “Trong Đức Kitô”. Ngài đã thường xuyên sử dụng công thức này trong các thư của ngài với những biến thái khác nhau như “Trong Đức Giêsu Kitô,” “trong Chúa,” “trong Chúa Giêsu”. Công thức này diễn tả điều kiện nền tảng của đời sống Kitô giáo. Là một người Kitô hữu thì phải sống trong Đức Kitô. Lúc này, Thánh Phaolô đang nói về Đức Kitô trong hoàn cảnh hiện tại, tức là trong tình trạng vinh quang. Sống trong Đức Kitô và nhận được sự sống cũng như ơn cứu độ từ Ngài thì không đồng nghĩa với việc tiếp xúc, gắn bó với Đức Kitô xưa kia đã từng sống trên trần gian này và đã chịu đau khổ để cứu độ. Thánh Phaolô khẳng định mạnh mẽ hiệu quả của đau khổ và sự chết của Đức Kitô. Tuy nhiên, khi đặt đời sống Kitô giáo ở trong Đức Kitô, Thánh nhân như đang chiêm ngắm một Đức Kitô đã bước vào tình trạng vinh quang sau khi đã trải qua cái chết cứu độ. Thực thế, chính qua việc Đức Giêsu phục sinh mà hiệu quả của việc Ngài chịu khổ nạn mới tác động đến chúng ta.
Điều này giải thích tại sao trước khi Thánh Phaolô công bố “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới,” ngài đã nêu lên nguyên lý sau đây : “Cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm của loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa”(2Cr 5,16). Như thế Thánh Phaolô nhìn vào Đức Giêsu phục sinh như một Đấng tác sinh nên tạo thành mới.
Lúc này, chúng ta có thể thấy rõ là trong suy nghĩ của Thánh Phaolô, công thức “trong Đức Kitô” nhằm nói lên rằng chính Đức Kitô ở trong tình trạng được tôn vinh mới là Đấng mà giờ đây trở thành nguyên lý cho sự sống và ơn cứu độ của chúng ta. Như thế, chúng ta nhận thức được giá trị cứu thế luận của sự tôn vinh dành cho Đức Kitô không phải như một tác động trong diễn trình cứu độ nhưng là một tình trạng trong đó trình này đã thành sự, tức là một tình trạng vẫn tiếp tục diễn tiến cho đến ngày nay. Đức Kitô phục sinh thiết lập nên môi trường trao ban sự sống liên tục mà trong môi trường đó toàn bộ đời sống của người Kitô hữu được nẩy nở.
Đây là một sự sống theo Thần Khí, với tất cả những hệ luận luân lý phát sinh từ đó liên quan đến cung cách sống, cách ăn nết ở. Điều này dẫn đến kết quả là người ta chỉ có thể sống nhờ bởi Thần Khí bằng cách chết đi cho tội. (Rm 8,12-13).
b. Sự phục sinh của Đức Kitô là nguyên lý của quyền làm Con Thiên Chúa của loài người.
Sự sống theo Thần Khí xuất phát từ Đức Kitô vinh quang hàm ngụ phẩm cách làm con Thiên Chúa, như Phaolô nhấn mạnh : “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn đều là con cái Thiên Chúa”(Rm 8,14; 8,15-17; Ga 4,5-7).
Theo những chứng tá của kinh thánh, Chúa Giêsu đã muốn chỉ cho các môn đệ thấy rằng họ đã trở nên những người con của Chúa Cha. Bây giờ, lần đầu tiên, Ngài gọi họ là anh em và Ngài đã giải thích tình anh em này qua lời Ngài phán : “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em” (Ga 20,17, Mt 28,10).
Thánh Phêrô cũng khẳng định điều đó trong thư thứ nhất của mình rằng “Chúng ta được tái sinh… nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết”(1P 1,3). Những lời này diễn tả một sự hạ sinh mới và một đời sống mới.
c. Sự phục sinh của Đức Kitô là nền tảng cho sự phục sinh của thân xác nhân loại.
Theo đoạn tin mừng về Thánh Thể của Thánh Gioan (Ga 6,54), sự sống được thông truyền do bởi Mình và Máu của Người, đây chính là dấu chứng bảo đảm cho ơn phục sinh trong ngày sau hết.
Tuy nhiên, Thánh Phaolô tuyên bố có một sự liên kết giữa sự phục sinh của Chúa Giêsu và sự phục sinh của chúng ta. Rõ ràng là khi Thánh Phaolô bàn về sự sống theo Thần Khí, ngài muốn nhấn mạnh đến sự thành toàn của sự sống ấy ở nơi sự phục sinh của thân xác, Thánh nhân khẳng định : “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8,11)
Trong thư thứ nhất gửi Giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô cho thấy rằng niềm tin vào sự phục sinh phổ quát là thành phần của niềm tin vào sự phục sinh của Đức Kitô : “Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy”(1Cr 15,13; 15,16). Nói đúng ra, sự khẳng định như vậy có thể chỉ rõ Chúa Giêsu như là một trường hợp đặc biệt minh họa cho một quy luật phổ quát. Nhưng thánh Phaolô khai triển suy tư về niềm tin bằng việc xác định Đức Kitô là nguồn và là khởi nguồn duy nhất cho sự phục sinh của toàn thể mọi người, ngài viết : “Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống.” (1Cr 15, 20-22)
Cuối cùng, sự phục sinh của con người được mô phỏng theo sự phục sinh của Chúa Giêsu. Nó là một trong những hoa trái của sự chết, ở nơi chúng ta cũng như ở nơi Ngài. Thánh Phaolô công bố cho bất cứ ai còn nghi vấn về sự phục sinh của Đức Kitô rằng : “Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết đi mới được sống” (1Cr 15,36). Như vậy, hình ảnh này tương tự như hình ảnh Chúa Giêsu dùng để chỉ ra ý nghĩa của chính cái chết của Ngài : “Thật, thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”(Cr 12,24). Thật thế, những lời văn bóng bảy này bộc lộ cho thấy sự phục sinh là một sự cách tân trong sự liên tục của lịch sử. [1]
2. Theo truyền thống
Truyền thống các Giáo phụ cũng không đi ra ngoài quan điểm Kinh Thánh đã trình bầy. Theo Thánh Irênê, Đấng Emmanuel đã thực hiện ở nơi chính Ngài “những hoa quả đầu tiên của sự phục sinh nơi con người; điều này đưa đến kết quả là cũng như đầu được phục sinh từ giữa những người đã chết, cũng vậy, phần còn lại của thân thể huyền nhiệm sẽ được trỗi dậy, tức là hiểu về tất cả những ai đang sống.”[2] Với một lối diễn tả cách tổng quát hơn, Eusebiô thành Cêsarê đồng nhất sự phục sinh với ơn cứu độ, Ngài viết : “Ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại có ý nghĩa gì nếu không phải là chính sự phục sinh của Ngài từ kẻ chết, sự phục sinh mà qua đó Ngài cũng sẽ làm trỗi dậy tất cả những ai đã an giấc trước Ngài?” [3]
Sự phục sinh toàn diện này đạt được là do sự phục sinh của Chúa Giêsu; nó bao gồm sự trỗi dậy của linh hồn và sự phục sinh của thân xác.
Tuy nhiên, theo Thánh Augustino[4], có sự phân biệt giữa hai công hiệu trên đây xét về nguồn gốc của chúng. Ngài viết : “Sự phục sinh của linh hồn được thực hiện do bản thể bất biến và trường cửu của Chúa Cha và Chúa Con, nhưng sự phục sinh của thân xác được thực hiện nhờ bởi sự điều phối của nhân tính nơi Chúa Con, một nhân tính đã bắt đầu hiện hữu trong thời gian chứ không đồng vĩnh cửu với Chúa Cha.” [5] Bởi vậy, sự phục sinh của linh hồn được quy cho Đức Kitô xét như Thiên Chúa; nhưng ngược lại, sự phục sinh của thân xác thì lại xuất phát từ Đức Kitô xét như Con Người. “Kẻ chết nay được trỗi dậy trong đời sống thiêng liêng nhờ Ngôi Lời Thiên Chúa, tức Người Con của Thiên Chúa, trong khi thân xác họ sẽ được trỗi dậy (vào thời sau hết) nhờ bởi Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, tức là con của loài người.” [6]
Những điều trình bày trên rút ra từ bài chú giải của Augustinô về Tin mừng Gioan, chúng dễ dẫn đến hệ luận là nhân tính của Đức Kitô không đóng vai trò nào cho sự phục sinh của linh hồn. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, theo Augustinô, chẳng riêng gì sự phục sinh của thân xác mà cả sự phục sinh của linh hồn, đều là mục đích của việc giảng dạy và sứ vụ của Đức Kitô vì con người. [7] Bởi đó, không phải Ngôi Lời tiền hữu từ đời đời nhưng là Ngôi Lời nhập thể, mới là Đấng mang lại sự phục sinh cho linh hồn. Tuy vậy, Ngài thực hiện điều đó với tư cách là Thiên Chúa chứ không theo tư cách con người.
Có điều gì đó bất hợp lý xảy ra ở đây. Nếu Ngôi Lời nhập thể làm người là để mang lại cho chúng ta sự phục sinh song hiệu thì chính trong Ngôi vị nhập thể mà Đức Kitô ban ơn phục sinh cho linh hồn. Như vậy, sự song đối mà Augustinô đưa ra dường như là chưa hoàn hảo. Vấn đề đặt ra là tại sao linh hồn chúng ta được trỗi dậy bởi Đức Kitô xét như Thiên Chúa, còn thân xác chúng ta thì lại được phục sinh nhờ Đức Kitô xét như Con Người? [8] Rõ ràng, không có sự tương thích chặt chẽ giữa một bên là mối tương quan giữa Thiên Chúa và linh hồn, còn bên kia là mối tương quan giữa con người và thân xác. Chẳng phải là hợp lý hơn sao nếu cho rằng sự phục sinh của linh hồn được thực hiện nhờ Ngôi Lời Nhập Thể dựa trên sự vinh quang của linh hồn Ngài, thế còn sự phục sinh của thân xác thì cũng nhờ bởi Ngôi Lời Nhập Thể dựa theo sự phục sinh của thân xác Ngài?
Phải nhìn nhận trong nhãn giới của những phát biển trên đây của Augustinô, sự phục sinh của Đức Kitô chưa nổi bật lên như nguồn mạch của ơn cứu độ toàn diện. Một mặt, chính sự kiện phục sinh của Đức Kitô cũng như tình trạng vinh quang của Ngài đã không được xét đến như là nguồn mạch cho sự phục sinh của nhân loại. Những bản văn được nhắc đến ở trên chỉ bàn về Ngôi Lời nên xác phàm hay bàn về một Đức Kitô là Thiên Chúa và là con người, chứ chưa minh thị đề cập đến một Đấng Cứu Độ phục sinh. Như thế, giá trị cứu độ của sự phục sinh nơi Đức Kitô không được nhấn mạnh. Mặt khác, sự phục sinh quan trọng nhất tức sự phục sinh của linh hồn con người, lại bị loại trừ khỏi công hiệu của Đức Kitô xét như con người.
Nguyên tắc do Thánh Augustinô đề xướng đã được phục hồi trong trường phái Kinh Viện thời Trung cổ. Các công thức của Ngài, ít nhất trong dạng thức gần với nguyên bản, đã được trích dẫn trong bản Chú giải thường dụng[9] hay trong tác phẩm của Peter Lombard[10].
Tuy nhiên, cả khi những nhà thần học lớn thời Trung Cổ dùng lại những công thức ấy thì họ thường có khuynh hướng trở về với lối nhìn truyền thống, tức coi sự phục sinh của Đức Kitô là nguồn mạch của phục sinh song hiệu nơi chúng ta. Rõ ràng, thánh Bonaventura khẳng định rằng : “sự phục sinh của Đức Kitô là nguyên nhân đem lại sự phục sinh của linh hồn và thân xác con người.” [11] Hơn nữa, thánh nhân cũng bảo vệ cho quan điểm của mình dựa trên hai ý kiến rút ra từ sách Chú giải của Peter Lombard, trong đó có một ý kiến trình bày sự phục sinh của Đức Chúa như là “nguyên nhân hữu hiệu cho sự phục sinh của linh hồn ở hiện tại và sự phục sinh của thân xác trong tương lai.” [12] Khi phải lý giải về tính hữu hiệu này, Thánh Tiến Sĩ sốt mến chỉ khẳng định rằng âm giọng nhân loại của Đức Kitô vinh quang đóng vai trò nguyên nhân dụng cụ. Ngài còn xác định tác động đặc biệt của sự phục sinh nơi Đức Kitô xét như một nguyên nhân mẫu mực. Theo cách nhìn của Ngài, Chúa Kitô là mẫu mực, theo đúng như bản chất của kiểu mẫu, trong đó, sự phục sinh của chúng ta được khởi sự, tức là sự phục sinh của các chi thể nơi sự phục sinh của thủ lãnh (là Chúa Kitô). Theo Thánh Bonaventura, nguyên nhân mẫu mực phải được hiểu trong bối cảnh của giáo lý về thân thể huyền nhiệm. Thực vậy, ngài nới rộng quan niệm về nguyên nhân mẫu mực, và gán cho nó sắc thái của một nguyên nhân công hiệu. Vì thân thể huyền nhiệm thì hàm ngụ ảnh hưởng của đầu trên các chi thể.
Thánh Albertô Cả nhấn mạnh yếu tố công hiệu này theo một cách đặc biệt hơn. Theo ngài, sự tác động của Chúa Kitô đến sự phục sinh của chúng ta là “nguyên nhân bí tích”. Nguyên nhân bí tích này biểu thị một loại nguyên nhân mà một trật “vừa là nguyên nhân vừa là dấu chỉ” vì các bí tích vừa là “những sự tương tự vừa là những nguyên nhân”. Bởi vậy, đây là một nguyên nhân gắn kết với cả nguyên nhân công hiệu và nguyên nhân mẫu mực. Cho nên, nguyên nhân bí tích mang lại sự công chính hóa cho con người chính là Thần –Nhân, Đấng mà nhờ vào sự sống lại từ cõi chết, đã báo trước nơi mình sự sống của linh hồn và sự sống của thân xác. [13] Khi luận giải về nguyên nhân của sự phục sinh thân xác con người[14], Thánh Albetô giải thích rằng đó là nguyên nhân vừa mang tính công hiệu, vừa mang tính mẫu mực theo cách thế của một dấu chỉ bí tích. Thánh nhân giải thích rằng, nguyên nhân này không phải là “sự phục sinh của Chúa Kitô” nhưng đúng hơn đó là chính “Chúa Kitô, Đấng sống lại từ cõi chết,” “Christus resurgens.” Thánh Bonaventura đã rút lại quan điểm của mình khi có người đưa vấn nạn rằng một sự kiện trong quá khứ chẳng hạn như sự phục sinh thì không còn có thể tác động như là một nguyên nhân công hiệu đến hiện tại nữa. Nhưng Albetô trả lời rằng vấn đề ở đây liên quan đến “nguyên nhân công hiệu theo thường năng”, bởi Đức Kitô có quyền năng làm cho kẻ chết sống lại theo cách thức của một thường năng hay tập quán, tức là một quyền năng có thể chuyển biến thành hành động bất cứ khi nào Ngài muốn và theo như ý Ngài muốn.
Thánh Tôma từng trích dẫn câu nói của Thánh Augustinô.[15] Tuy nhiên, ngài đặt vấn đề Chúa Kitô xét như một con người, có tác động gì đến sự phục sinh linh hồn hay không. Theo ngài, phải hiểu nguyên tắc của Augustinô như một sự biệt ứng, [16] và ngay cả thân xác của Chúa Kitô, xét như khí cụ của Thiên Chúa, cũng mang lại công hiệu thực cho linh hồn con người. Như thế, theo quan điểm của Thánh Tôma, Ngôi-Lời-mặc-xác-phàm chính là nguyên nhân cho sự phục sinh của linh hồn con người.
Khi quy gán sự tác động này cho thân xác của Đức Kitô, Thánh Tôma đi xa hơn cả những gì mà sự song đối của Thánh Augustinô đòi hỏi. Như đã nói trên đây, tính hợp lý của sự song đối đòi hỏi rằng linh hồn Đức Kitô thì tác động đến sự phục sinh của linh hồn con người, còn thân xác của Ngài thì tác động đến sự phục sinh của thân xác con người. Thánh Tôma đã đi xa hơn thế, để rồi khẳng định công hiệu của thân xác Đức Kitô tác động đến sự phục sinh của linh hồn. Quan điểm này không đơn thuần dựa trên sự tương tự giữa nguyên nhân và công hiệu, nhưng xét đến vai trò dụng cụ của thân xác Đức Kitô trong tương quan với hành động của Thiên Chúa. Bởi thế, thân xác của Đức Giêsu đã can dự vào sự truyền thông ân sủng đến linh hồn con người, tức can dự đến sự cứu độ và sự phục sinh của linh hồn.
Chính bản văn của thư Rm 4,25, nói về Chúa Kitô sống lại để chúng ta được công chính hóa, thánh Tôma Aquinô đã tìm thấy ở đó bằng chứng về sự tác động của sự phục sinh xác thể nơi Đức Kitô đối với sự phục sinh của linh hồn chúng ta.
Sau cùng, thánh Tôma minh định nguyên nhân tính của sự phục sinh : “sự phục sinh của Đức Kitô là nguyên nhân công hiệu cho sự phục sinh con người, nhưng nguyên nhân ấy hoạt động như một dụng cụ; và sự phục sinh của Đức Kitô còn là nguyên nhân mẫu mực mang tính bí tích, nhưng đó không phải là nguyên nhân công trạng cho sự phục sinh của con người.” So sánh với nguyên nhân tính mà Tôma quy gán cho sự chết của Đức Kitô, thì có sự khác biệt này là sự phục sinh của Đức Kitô thì không phải là một nguyên nhân công trạng.
Bởi vậy, sự phục sinh là nguyên nhân công hiệu hoạt động như một dụng cụ trong việc tác sinh ân sủng và sự cứu độ, mang lại sự sống thiêng liêng cho linh hồn và sự phục sinh mai sau của thân xác. Sự phục sinh của Đức Kitô chỉ hoạt động theo tư cách nguyên nhân dụng cu, bởi vì nguyên nhân chính thuộc về một mình Thiên Chúa. Tuy nhiên, nguyên nhân đó hành động cách hiệu quả. Thật vậy, qua sự kiện Phục sinh, Thiên Chúa hành động bằng cách dùng nhân tính vinh quang của Đức Kitô để biến đổi con người.
Vấn đề đặt ra là theo thánh Tôma, nguyên nhân tính được quy cho chính tác động phục sinh, tức là sự phục sinh xét “như đang diễn tiến - in fieri” hay quy gán cho tình trạng trỗi dậy, tức là sự phục sinh xét “ như đã hoàn tất – in facto esse”)? Thánh Tiễn Sĩ Thiên Thần đã không đưa ra câu trả lời minh thị. Nhưng theo đường hướng của thầy mình là Thánh Alberto Cả, Thánh Tôma đã quy gán công hiệu của sự phục sinh cho “Đức Kitô trong hành động trỗi dậy từ cõi chết”. Như thế, ngài đồng tình với Albertô để chống lại quan điểm cho rằng một hành động trong quá khứ thì không thể gây nên một công hiệu xa xa nào đó đối với hiện tại. Câu trả lời này, dường như cho thấy Thánh Tiến Sĩ đã không nghiêng về lập trường cho rằng một sự kiện trong quá khứ lại là nguyên nhân trực tiếp tác động đến hiện tại. Để trả lời cho vấn nạn đặt ra, lẽ ra ngài đã phải nại đến một công hiệu hiện tại (từ một hành động trong quá khứ) như vậy. Vì quy chiếu vào Đức Kitô, thánh Tôma xem ra muốn nói về tình trạng Chúa Kitô đạt được qua sự phục sinh. Bởi thế, ngài nhắm đến sự phục sinh của Đức Kitô xét “như đã thành sự – in facto esse”, nhưng không tách rời khỏi sự phục sinh xét “ như một hành động đang diễn tiễn - in fieri”, là điều vẫn còn lưu tồn trong những công hiệu của nó.
Thế nhưng, có nhất thiết phải phân biệt giữa tình trạng và hành động như thế hay không? Và, phải chăng chúng ta không được phép nói rằng sự phục sinh “ in fieri” vẫn đang tiếp diễn ? Tất nhiên, sự phục sinh không tiếp tục diễn tiến như là sự dịch chuyển từ sự chết thể lý sang sự sống vinh quang, nhưng nó vẫn tiếp tục diễn tiến như một sự trào dâng không ngừng của sự sống thần linh từ trong thân thể Đức Kitô. Nhìn từ quan điểm này, việc tôn vinh là một hành động kéo dài mãi mãi. Nó là một hành động của quyền năng Thiên Chúa làm phát toả sự sống vinh quang nơi thân xác của Chúa Giêsu, và do đó tìm cách truyền thông cho con người một đời sống siêu nhiên, tức đời sống ân sủng và sau cùng là đời sống vinh quang – tất cả những điều ấy được thực hiện qua sự trung gian của Đức Kitô và qua vai trò nguyên nhân dụng cụ của thân xác vinh hiển Ngài.
Như thế, nhìn dưới ánh sáng này, sự phục sinh “in facto esse ” không gì khác hơn là sự phục sinh “in fieri”, xét dưới khía cạnh tồn lưu của nó trong thời gian. Và, sự tồn lưu này xảy ra chính trong hành động của sự phục sinh theo đúng nghĩa. Lý do là vì hành động làm cho sống lại của Thiên Chúa đã thiết lập thân thể Đức Kitô ở trong một trạng thái chung cuộc. Hành động đó thấm nhập vào thân thể của Ngài cách mãnh liệt đến độ không bao giờ ngừng hoạt động nơi đó.
Bởi vậy, mầu nhiệm phục sinh vẫn tiếp tục là mầu nhiệm đương thời trong mọi thời đại, và do đó trong lúc này và trong tương lai, mầu nhiệm phục sinh luôn có được sức mạnh tràn đầy công hiệu vốn làm nên nét đặc thù của sự kiện phục sinh đầu tiên. Nó là một sự trào dâng sự sống mà Đức Kitô truyền thông cho nhân loại ngày càng lan rộng.
Kết luận
Kinh Thánh và Thánh Truyền khẳng định cách minh thị giá trị cứu độ của sự phục sinh của Đức Kitô. Giá trị này liên quan đến sự kiện lịch sử của sự phục sinh xét vì sự phục sinh đưa Đức Kitô vào tình trạng vinh quang, vào một sự sống mới tức sự sống của Thần Khí. Bởi thế, không có lý gì để tách sự kiện phục sinh khỏi tình trạng vinh quang của Đức Kitô. Thực vậy, công hiệu cứu độ không đơn thuần bắt nguồn từ sự kiện xét trong tính chất tạm thời của nó, vào chính lúc có sự chuyển dịch từ sự chết đến sự sống diễn ra nơi Đức Kitô. Đàng khác, công hiệu của sự cứu độ không bắt nguồn từ tình trạng vinh quang mà lại không gắn với sự kiện. Nhưng, công hiệu cứu độ là do sự kiện phục sinh xét trong phẩm chất chung quyết và thường tồn của nó, tựa như một mạch sống khải thắng không ngừng tuôn chảy qua Đức Kitô vinh quang.
Thực vậy, sự phục sinh của Đức Kitô phát sinh công hiệu cứu độ nhắm đến linh hồn và thân xác của tất cả mọi người. Đối với linh hồn của con người, Đức Kitô phục sinh sẽ trao ban sự sống của ân sủng, còn với thân xác con người, ngay trong hiện tại, Ngài sẽ cho thông phần sự sống thật ấy như một bảo đảm cho sự phục sinh mai hậu. Chúng ta không thể cho rằng một mình linh hồn vinh quang của Đức Kitô tác sinh công hiệu cứu độ cho linh hồn người ta; và chúng ta cũng không thể cho rằng một mình thân xác vinh quang của Ngài làm phát sinh công hiệu cứu độ mà thân xác con người đã đạt được hay sẽ đạt đến. Vì thế, qua nhân tính vinh quang của mình, chính Đức Kitô cứu độ và thánh hóa chúng ta. Toàn bộ nhân tính của Ngài, bao gồm thân xác và linh hồn Ngài, tác động trên toàn bộ nhân tính con người, bao gồm cả thân xác và linh hồn. Bởi vậy, thân xác vinh quang của Đức Kitô góp phần vào sự thánh hóa các linh hồn cũng như linh hồn vinh quang của Ngài đóng vai trò thánh hóa thân xác con người.
Xét về nguyên nhân tính của sự phục sinh, nguyên nhân đó gồm cả nguyên nhân mẫu mực và nguyên nhân công hiệu. Đức Kitô phục sinh là một khuôn mẫu hoàn hảo cho nhân loại mới. Đặc biệt, Ngài là căn nguyên tuyệt hảo của sự thực hiện nhân loại mới này cách hữu hiệu. Tính hữu hiệu này được gọi là tính hữu hiệu dụng cụ cốt để dành riêng cho Thiên Chúa vai trò tiên quyết và chủ quyền tối cao trong việc thông ban ân sủng.
Nguyên nhân dụng cụ này nghĩa là gì ? Nó có nghĩa là toàn bộ hành động của Thiên Chúa diễn ra qua nhân tính vinh quang của Đức Kitô, tựa như đường truyền dẫn duy nhất qua đó Thiên Chúa thông truyền sự sống đến cho con người. Một khi được dẫn truyền qua nhân tính vinh quang của Đức Kitô, sự sống thần linh sẽ nhận được một dấu chứng, tức một ấn dấu sâu đậm đến độ dẫn đến kết quả là sự sống ân sủng mặc lấy dạng thức của chính sự sống không ngừng trào vọt lên từ sự phục sinh của Đức Kitô.
Sự sống ân sủng tuy vẫn chưa phải vinh quang thiên quốc nhưng nó đã mang chiều kích cánh chung rồi, và vì thế những người Kitô hữu là những người đã được tiền định sẽ phải trải qua sự chết, đồng thời là những người phải sống trong sự thông hiệp với cuộc khổ nạn của Đức Kitô, chính họ đã mang nơi mình một yếu tố mà yếu tố này sẽ vượt qua bên kia sự chết và cuộc khổ nạn của Người. Thật thế, đang khi những người Kitô hữu không được miễn chước khỏi tội thì chính nơi sự sống nhận được từ Đấng Phục Sinh, họ đã sở đắc được nguyên lý chiến thắng trên tất cả mọi tội lỗi.
Tuy nhiên, khi khẳng định vai trò nguyên nhân dụng cụ của sự phục sinh hay của nhân tính vinh quang nơi Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ phải nhìn nhận những giới hạn của quan điểm này. Dụng cụ là một phương tiện để đạt được một mục tiêu nào đó, nhưng dụng cụ ấy không phải là thành phần của cái mục đích mà con người đang cố gắng để đạt được. Vậy mà, sự phục sinh của Đức Kitô lại thuộc về cái cùng đích mà con người đang hướng đến. Nhân tính vinh quang của Ngài thuộc về cùng đích tối hậu của định mệnh con người và của vũ trụ. Nói chính xác hơn, sự phục sinh đã ấn định cùng đích này trong tiền đề cùa nó; sự phục sinh đã khai mào cùng đích ấy. Bởi thế sự phục sinh vượt xa một dụng cụ.
Thánh Phaolô nói rằng : “vì cho Người… tất cả mọi thứ được tạo thành”(Col 1,16). Qua những lời này, ngài ngụ ý rằng thế giới thụ tạo được tiền định để quy phục dưới quyền Đức Kitô vinh quang và sẽ chiếu toả ánh vinh quang của Ngài. Kế hoạch cao cả của Chúa Cha là : “qui tụ muôn loài trong trời đất”(Ep 1,10) để phục hồi và tái hợp tất cả mọi người dưới quyền của Đức Kitô vinh quang để đón nhận hành động trao ban sự sống của Ngài. Khi đó toàn bộ vũ trụ cũng sẽ được can dự vào ơn cứu độ cuả nhân loại. Bởi vậy, Chúa Kitô trong tình trạng vinh quang thì trổi vượt bội phần so với một phương tiện. Ngài là mục đích mà vũ trụ mới đang nỗ lực hướng đến. Mà, mục đích tối hậu là một thế giới hoàn toàn thấm nhập sự sống của Đức Kitô phục sinh.
Sự phục sinh sẽ làm sáng tỏ cách đặc biệt chiều kích vũ trụ của ơn cứu độ. Sự sống vinh quang được trao ban cho thân thể Đức Kitô sẽ đóng ấn một cách dứt khoát trên thân xác, trên chất thể, đó là dấu ấn cho thấy định mệnh đích thực của thế giới vật chất. Có nghĩa là thân xác con người sẽ chia sẻ sự cứu độ và sự thần hóa của linh hồn. Đó là lý do tại sao chúng ta vẫn canh cánh một niềm hy vọng vào “sự cứu độ của cả thân xác chúng ta”(Rm 8,23). Thân xác sẽ được hưởng trọn vẹn sự cứu độ. Định mệnh vinh quang được dành cho thân xác chứng tỏ rằng thân xác không chỉ là một dụng cụ hay là vật thêm vào để rồi sẽ bị loại ra sau khi xong việc, nhưng thân xác là một phần không thể thiếu của con người, thân xác cần thiết cho sự thành tòan chung cuộc của con người và bởi vậy, nó là một mục đích chẳng kém gì chính ngôi vị nhân loại.
Thế giới vật chất gắn liền với thân xác con người và cũng có một định mệnh tương tự như thân xác đó. Thân xác phục sinh của Đức Kitô theo nguyên tắc là sự phục sinh của toàn thể vũ trụ hữu hình. Theo thánh Phaolô, vật chất đã bị luỵ phục vào ảnh hưởng của tội lỗi và cần phải được thông phần vào ơn cứu độ. Thánh nhân nói rằng : “cho đến nay, nhân loại còn đang rên siết và quằn qoại như sắp sinh nở” và “sẽ có ngày sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang”(Rm 8,21). Tự do và vinh quang ấy, Con Thiên Chúa đã thông truyền cho chính thân thể Ngài và rồi sẽ được trải rộng ra cho toàn vũ trụ. Thế giới vật chất hiện hữu là vì con người, tức được tiền định để tham dự vào số phận của con người và vì vậy cũng được chia sẻ sự sống thần linh mà chính Đức Kitô phục sinh trao ban cho thân xác nhân loại của Ngài.
Thật vậy, hiện thời, sự phục sinh được mặc khải cho chúng ta như một sự chiến thắng dứt điểm; nó không cho phép bất kỳ điều gì thuộc thế giới tạo dựng được quyền nằm ngoài mục tiêu cứu độ hay nằm ngoài sự chiến thắng của Đức Kitô. Tất cả những gì đã từng bị ảnh hưởng, bị gây tổn hại bởi tội, kể cả những phân tử tầm thường nhất của thực tại vật chất vốn đã bị khuất phục bởi quy luật của sự xấu để rồi đi ngược lại bản chất đích thực của mình, thì giờ đây chúng đã được khôi phục bởi Đức Kitô vinh quang và được nâng lên đến một sự sống cao hơn.
___________
[1] Thánh Ciprianô (La risurrezione di Cristo e la nostra risurrezione nella prospettiva di 1Cr 15), Asprenas 23,1975,124-125.
[2] Irênê, Her. 3,19,3;SC 34,337 (SC 211,381-383)
[3] Eusebiô, Demonstr. Evang, IV, 16,13; GCS VI, 186.
[4] Studia Catholica 30 (1955) 1-34, 81-98, 161-184.
[5] Augustine, Tract. In Joan, 23,13,PL 35,1591
[6] Tract, in Joan., 19,16,PL 35,1591.
[7] Trac, in Joan., 23,6, PL 35,1585
[8] Spêkenbrink, art.cit., 4-11
[9] Glossa Ordinaria., PL 114,378-379
[10] Sent., IV, d. 48, c.3.
[11] IV Sent., d. 43,a.1, q.2, c.4.
[12] IV Sent., d. 43,a.1, q.6; Glossa P. Lombardi: in epist. Ad Rom. 1,4, PL 17, 50; in Ps. 29,6.
[13] III Sent., d. 19 A,a.1.
[14] IV Sent., d. 43, B a.5
[15] Xem thêm, Báo Speekenbrink, bài của F. Holtz,
[16] IV Sent., d. 48, q.1, a.1, ad 5.