Thời sự Thần học - số 1, tháng 01/2008, tr.
Trần Thơ ✍
Dẫn nhập
I. Ý nghĩa từ ngữ “thay thế”
Thay thế là đặt một yếu tố vào chỗ một yếu tố khác trong một cơ cấu nào đó, hay là đặt một người vào chỗ một người khác trong một chức năng nào đó. Nguyên tắc cơ bản là có một sự tương đồng giữa hai sự vật hoặc hai người, một sự tương đồng với nhau trong cùng một bản tính hay cùng một ưu phẩm. Trong một bộ máy, người ta có thể thay thế một yếu tố bằng một yếu tố khác giống như vậy. Việc đặt để một người vào chỗ một người khác giả thiết những đặc điểm giống nhau, một sự liên đới tự nhiên hoặc theo chức vụ.
Khi dùng khái niệm thay thế trong khoa cứu độ học, chúng ta phải chú ý đến hai ý nghĩa khác nhau của từ ngữ thay này : Trong trường hợp thứ nhất, người được thay thế có thể hoàn toàn bị loại đi (cũng giống như một yếu tố bị hỏng phải loại bỏ); Trường hợp thứ hai, người thay thế chỉ hành động nhân danh người kia để rồi thiết lập người kia lại trong chức vụ và quyền lợi, ở đây có thể gọi là thay mặt hay đại diện.
Như vậy, khi nói Đức Giêsu đền tội thay cho chúng ta, thì sự thay thế ở đây phải hiểu theo ý nghĩa thứ hai; nghĩa là, khi Đức Giêsu thế chỗ chúng ta để đền tội với Thiên Chúa, Ngài không loại bỏ chúng ta, nhưng qua đó, Ngài trả lại cho chúng ta địa vị làm con cái Thiên Chúa và cho chúng ta được thừa hưởng công nghiệp cứu độ mà Ngài mang lại.
II. Một vài hình ảnh trong Kinh thánh
Trước tiên chúng ta thử tìm hiểu một vài hình ảnh trong Kinh thánh có liên quan như là một hậu cảnh, hay là lịch sử của vấn đề. Thật ra, khái niệm thay thế hay đền tội thay không có trong Kinh thánh, nhưng một vài hình ảnh tương tự có thể là tiền đề cho các suy tư thần học sau này về việc đền tội thay.
- Con chim gánh tội : Chương 14 sách Lêvi có thuật lại một nghi thức tẩy uế dành cho những người bị bệnh phong hủi đã được sạch. Theo đó, sau khi kiểm tra vết thương của người phong hủi và thấy đà lành, vị tư tế truyền bắt hai con chim sống và sạch. Đoạn lấy một con giết trong một bình sành trên dòng nước chảy. Con còn sống đem nhúng vào máu của con chim đã bị giết rồi rẩy bản lần trên người lãnh phép tẩy uế. Cuối cùng, thả con chim còn sống ra ngoài đồng với ý nghĩa tội lỗi và sự ô uế của người bệnh được mang đi trên đôi cánh của con chim đó ( Xc. Lv 14,1-9).
- Con dê tế thần - “oan dương” : Cũng trong sách Lêvi chương 16 cho chúng ta thấy một hình ảnh rõ nét hơn đó là con dê tế thần mang tội cho toàn dân Ít-r-en.
- Người tôi trung : Sách ngôn sứ Isaia có nói đến hình ảnh Người Tôi Trung qua bốn bài ca. Trong đó, bài ca thứ bốn nói về người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa đã tự nguyện mang hết những khổ đau, bệnh tật, thương tích, tội vạ, của toàn dân vào thân mình; bằng một thái độ khiêm nhu, hiền lành, người tôi trung đã gánh chịu hình phạt của Thiên Chúa để đem lại bình an cho toàn dân ( Is 53). Hình ảnh người tôi trung được nhắc lại một lần nữa trong thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ trong một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ. Ơ đây, Người Tôi Trung của Thiên Chúa chính là Đức Giêsu Kitô : “ Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội, chẳng ai thấy miệng người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1Pr 2, 21- 24).
Tư tưởng của thánh Phaolô : Chúng ta cũng thấy những tư tưởng tương tự nơi các thư của thánh Phaolô : trong khi kêu gọi các tín hữu Côrintô làm hoà với Thiên Chúa, thánh nhân đã viết : “ Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,21). Hoặc trong thư Galat : “ Đức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì lề luật, khi vì chúng ta, chính người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép : đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ” (Gl 3,13).
Tiếp nối những tư tưởng trên, giám mục Mê-li-ton, giám mục Xác-đê trong bài giảng về mầu nhiệm vượt qua của đã đưa ra một sự nối kết rất khéo léo giữa những hình bóng trong cựu ước và thực tại công trình cứu độ của Đức Kitô : “Thật vậy, lề luật thì cũ còn Ngôi Lời thì mới; hình bóng chỉ tạm thời, còn ơn cứu độ mới vĩnh cửu; con chiên thì hư hoại, còn Chúa thì bất hoại; người đã chịu sát tế vì là con chiên, nhưng đã sống lại vì là Thiên Chúa. Người như con chiên bị đem đi làm thịt, nhưng Người lại không phải là con chiên; Người như con cừu câm nín chẳng mở miệng kêu ca, nhưng Người không phải là con cừu. Quả thế, hình bóng đã qua đi và thực tại đã xuất hiện : Thay vì con chiên thì là Thiên Chúa; thay vì con cừu thì là một người, mà con người đó chính là Đức Kitô, Đấng bao hàm mọi sự”[2]
Như vậy, với những gì đã nêu trên, cho thấy có một sự tiệm tiến về ý tưởng trong quan niệm “đền bù thay” trong truyền thống Thánh kinh. Từ hình ảnh con chim gánh tội, đến con dê tế thần, và đặc biệt hình ảnh người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa trong Cựu ước đã được các tác giả Tân ước trưng dẫn hay vận dụng một cách sáng tạo với một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ, khi trình bày về giá trị cứu chuộc của cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Tiếp nối truyền thống đó, các thần học gia sau này đã tiếp tục khai triển tư tưởng này với nhiều sắc thái ý nghĩa khác nhau.
III. Quan điểm của một số thần học gia
Ơ đây, cũng như trong thư của thánh Phêrô, chúng ta thấy có công thức “vì chúng ta”. Công thức này đã được một số nhà thần học giải thích theo nghĩa “thế chỗ cho chúng ta” khi trình bày quan điểm Đức Giêsu đền tội thay cho chúng ta, cụ thể với hai ý tưởng chính như sau :
1. Đức Kitô đã chịu phạt thay cho chúng ta
Quan điểm này được trình bày trước tiên bởi các anh em Thệ Phản và gây ảnh hưởng lớn không chỉ trong giáo hội Tin Lành mà cả trên một số nhà giảng thuyết và thần học gia Công Giáo từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Theo đó, Đức Kitô vô tội đã thay thế cho nhân loại tội lỗi, nên đã chịu những hình phạt mà loài người đáng phải chịu[3]. Calvin nghĩ rằng có một cuộc tố tụng hình sự chống loài người chúng ta, như Đức Kitô đã thay mặt, gánh lấy tội lỗi loài người và đã bị kết án. Đó là một cuộc trao đổi kỳ diệu : Đức Kitô bị kết án, loài người được trắng án. Giả thuyết này được gọi là “thay mặt hình sự”. Như vậy, nếu đã thay mặt tội nhân như là “kẻ bị kết án” thì Đức Kitô cũng phải chịu hình phạt thay. Trong chiều hướng ấy, Calvin đã giải thích việc Đức Giêsu xuống ngục tổ tông như là “xuống hoả ngục”. Luther thì cho rằng, trên thập giá, Đức Kitô đã phải chịu đọa hình của hoả ngục. Còn thần học gia công giáo H.U.von Balthasar nhận định rằng Đức Kitô đã hạ mình xuống đến nỗi Ngài chịu nếm nỗi cay đắng bị Thiên Chúa bỏ rơi, tựa như phải chịu “cái chết thứ hai”[4].
2. Đức Kitô đã “đền bù thay” cho chúng ta
Y tưởng này xuất hiện trong thế kỷ XIX. Có lẽ vị tu sĩ dòng Bênêđictô người Đức, M. Dobmayer (+1805) là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “satisfactio vicaria” ( có thể hiểu là “đền bù thay” hoặc “làm đủ thay”). Khác với quan niệm hình phạt thay của anh em Thệ Phản, quan điểm “đền bù thay” cho rằng : Đức Kitô không bị Đức Chúa Cha trừng phạt, nhưng vì yêu mến Cha và yêu thương anh em, Ngài đã làm cho Thiên Chúa hài lòng thay cho chúng ta hoặc thay chúng ta đền bù cho Thiên Chúa cái vinh dự mà chúng ta đã xúc phạm đến Ngài khi phạm tội. Điểm lưu ý trong quan điểm này là phải tránh hai thái độ thái quá : Một là nghĩ rằng Thiên Chúa đòi hỏi phải đền bù một điều gì đó một cách sòng phẳng theo luật công bằng giao hoán; Hai là cho rằng Đức Kitô đã làm tất cả rồi, cho nên chúng ta không cần phải làm gì hết.
3. Một Vài Nhận Định
- Đối với quan điểm cho rằng Đức Kitô bị trừng phạt thay cho chúng ta , các tác giả đã áp dụng từ ngữ thay thế theo nghĩa thứ nhất, tức là trong sự thay thế này, loài người hoàn toàn bị loại ra, không được hiệp thông hay liên đới với cái chết và phục sinh của Đức Kitô. Loài người chỉ được Thiên Chúa tuyên bố trắng án vì đã được Đức Kitô chịu án thay cho, nhưng tự bản chất con người vẫn còn tội lỗi. Tư tưởng này phù hợp với quan điểm công chính hoá không triệt để của anh em Thệ Phản. Chủ ý của các tác giả ở đây là muốn giải thích mầu nhiệm thập giá, và việc “trao đổi kỳ diệu” giữa Đấng vô tội phải gánh chịu án chết và những tội nhân được công chính hoá. Thế nhưng, nếu cho rằng Đức Kitô trở thành tội (hay tội nhân) và chịu sự trừng phạt của Thiên Chúa thì thật là quá đáng. Bởi vì thực sự Đức Kitô không trở thành tội hay tội nhân, nhưng vì để cứu độ chúng ta, Ngài sẵn sàng chấp nhận để bị đối xử như một tội nhân. Thiên Chúa cũng không hề trừng phạt Đức Kitô, nhưng vì yêu thương chúng ta, Ngài sẵn sàng để cho Con Một của Ngài là Đức Kitô chịu đau khổ vì chúng ta. Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế cũng đã lên tiếng cảnh cáo quan điểm này với những lời lẽ như sau : “ Nếu hiểu theo nghĩa đen và xét về mặt thuần tuý lý tính, thì khó mà nói là “xoá tội thay” hay là “đền tội thay”, hành động Thiên Chúa đã thực hiện để dứt khoát mang lại ơn cứu độ qua cuộc sống và cái chết của Đức Chúa cánh chung, cũng như qua sự sống lại của Ngài… không thể nghĩ rằng Thiên Chúa đã kết án hay trừng phạt Đức Kitô thay vì chúng ta”[5].
- Quan điểm Đức Kitô đền bù thay cho chúng ta xem ra hợp lý và có ý nghĩa hơn. Từ ngữ “thay thế” (vicaria) được hiểu là “thế chỗ cho chúng ta” diễn tả một chân lý : Đức Kitô qua sự chết của Ngài đã thực hiện công cuộc cứu độ mà con người, tự sức mình không thể làm được. Theo nghĩa đó thì đúng là Đức Kitô đã đến và đứng vào chỗ chúng ta.
Quan điểm này được trình bày theo ý nghĩa thứ hai của từ “thay thế”. Nghĩa là trong khi đứng vào chỗ của chúng ta, Đức Kitô không loại bỏ chúng ta. Nhưng Ngài đại diện chúng ta, mặc dầu chúng ta không có khả năng sai phái Ngài. Ngài cho chúng ta được tham dự vào cuộc khổ nạn và sự chết và phục sinh của Ngài, qua đó Ngài đã đặt để chúng ta trong tương quan hiệp thông với Thiên Chúa và trả lại cho chúng ta địa vị làm con Thiên Chúa. Như vậy sự thay thế chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn gắn liền với vai trò trung gian cứu độ của Đức Kitô. Đó là một sự thay thế mở đường. Đức Kitô đã mở đường vào nước trời và mời gọi chúng ta cùng tiếp bước với Ngài.
IV. Giáo huấn Giáo Hội
Sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo, khi trình bày về ý nghĩa cái chết cứu chuộc của Đức Kitô đã sử dụng công thức “vì tội lỗi chúng ta” trong tư tưởng của thánh Phaolô, đặc biệt hình ảnh “Người tôi trung đau khổ” trong Isaia gắn với thư thứ nhất của thánh Phêrô để trình bày Đức Giêsu Kitô chịu chết để thực hiện công trình cứu độ theo ý định yêu thương ngàn đời của Thiên Chúa. Các bản văn thánh kinh đã được trích dẫn một cách minh bạch và xác quyết : “Con người hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28); Toàn bộ cuộc đới Đức Kitô diễn tả sứ mạng của Người là “ hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45); “Thiên Chúa vì chúng ta , đã coi Đức Kitô , Đấng không hề biết tội là gì, như hiện thân của tội lỗi, để trong Người chúng ta được công chính trước mặt Thiên Chúa” (2Cr 5,21); “Tình yêu cốt ở điều này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa , nhưng chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và đã cử Con của Người đến hy sinh làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10) ; lễ hy sinh của Đức Kitô “đền bù tội lỗi cả thế gian” (1Ga 2,2)… từ đó, Hội Thánh nối gót cá tông đồ dạy rằng : Đức Kitô đã chết cho hết thảy mọi người không trừ một ai. Trước kia, hiện nay, cũng như sau này, không có một ai mà Đức Giêsu Kitô không chết cho họ (GLLHTCG, 605). Theo mạch văn, từ “cho” ở đây có thể hiểu là động từ ( give : cho, biếu, tặng…), cũng có thể hiểu là giới từ ( for : thay cho, đại diện cho, làm dùm…) [6].
V. Một Vài Vấn Nạn
1. Tại sao người thay thế phải là Đức Giêsu Kitô chứ không phải một ai khác ?
Để trả lời cho vấn nạn này, chúng ta phải liên hệ đến tư tưởng Đức Kitô là Đấng trung gian duy nhất. Đề tài này đã được bàn đến rất nhiều trong các giờ học trước, và cò được nhắc đến một lần nữa trong đề tài “ nhận định về tuyên ngôn Dominus Jesus” do thầy Đaminh Trần Bình Tiên trình vào tuần sau. Ơ đây chỉ xin nói vắn tắt thế này : trong số những con người sinh ra trong trần gian này, không một ai xứng đáng đứng vào vị trí ấy cho bằng Đức Giêsu, Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là con người. Ngài chính là trưởng tử của một đàn em đông đúc (là loài người chúng ta), vì vậy Ngài xung phong đi đầu để mở đường cho chúng ta là điều hợp lý nhất.
2. Tại sao một mình Đức Giêsu có thể đền tội thay cho muôn người ?
Để trả lời vấn nạn này, chúng ta nhất định phải nại đến tính liên đới của Đức Giêsu Kitô với toàn thể nhân loại trong mầu nhiệm nhập thể. Hiến chế Gaudium et Spes nhìn nhận rằng : “ khi nhập thể, Con Thiên Chúa, một cách nào đó, đã kết hợp với tất cả mọi người” (GS 22b). Mà một khi đã liên đới với một người, một nhóm thì cũng gánh nhận số phận của họ (1Cr 9,20-21). Đức Kitô đã chia sẻ thân phận với loài người, Ngài được “nhân hoá” để “thần hoá” con người. Ngài là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người; vì liên đới với hai bên, nên Ngài là đại diện của Thiên Chúa giữa loài người và đại diện của nhân loại trước nhan Chúa Cha. Vì Đức Kitô là Thiên Chúa, nên tính liên đới ấy mang chiều kích phổ quát vượt quá giới hạn không gian và thời gian. Chủ thể của biến cố chết và sống lại là Ngôi Lời Thiên Chúa, vì thế có sức ảnh hưởng trên tất cả. Là Ngôi Lời và cũng là “Con Người” đã tự do nhận lấy vận mệnh của anh em và liên kết họ vào trong vận mệnh của mình. Dù biết hay không biết, mỗi người đều có Đức Giêsu làm anh mình, làm Đầu của mình : vận mệnh của Ngài quyết định vận mệnh của tất cả[7].
3. Nếu Đức Giêsu đã đền tội thay cho nhân loại, thì việc ra việc đền tội cho các hối nhân khi lãnh nhận bí tích hoà giải có ý nghĩa gì ?
Chúng tìm thấy câu trả lời cho vấn nạn này trong phần trình bày về Bí tích thống hối và hoà giải của sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1459. Theo đó, bí tích này tha hết mọi tội lỗi nhưng không xoá bỏ những hậu quả xấu do tội gây nên. Vì thế sau khi được tha tội, tội nhân phải làm một việc gì để tỏ lòng sám hối và thiện chí sửa lại lỗi lầm của mình : phải “đền bù” cân xứng hoặc “đền tạ” tội lỗi mình. Tuy nhiên, những việc làm đó không phải tự nó có giá trị đền bù tội lỗi, nhưng nhờ kết hiệp với công nghiệp cứu chuộc của Đức Kitô, Đấng duy nhất đã đền bù dứt khoát tội lỗi chúng ta. Chính nhờ Đức Kitô mà chúng ta có thể đền bù tội lỗi đã phạm. Con người không có gì để tự phụ, nhưng tất cả vinh dự của chúng ta là Đức Kitô … trong Người, chúng ta “làm việc lành phúc đức để chứng tỏ lòng ăn năn thống hối”; Do Người, những việc lành phúc đức ấy có giá trị; nhờ Người được dâng lên Thiên Chúa Cha; và qua Người được Chúa Cha chấp nhận.
Kết : Đức Giêsu Kitô – Đấng hoà giải nhân loại với Thiên Chúa
Tất cả những gì trình bày trên đây như một cố gắng chứng minh rằng Đức Giêsu Kitô qua cái chết và phục sinh của Ngài đã đền tội, đền bù hay bồi hoàn thay cho chúng ta trước Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng quan niệm này cũng như các quan niệm đền tội, xá tội, thục tội, công chính hoá… chỉ là những cái nhìn phiến diện về toàn bộ công trình cứu chuộc mà Đức Kitô đã thực hiện cho loại người chúng ta theo thánh ý Chúa Cha. Sứ mạng duy nhất và cao cả nhất của Ngôi Lời khi nhập thể làm người là hoà giải loài người với Thiên Chúa. Công trình hoà giải đó mang những ý nghĩa, giá trị phong phú và nhiệm mầu hơn tất cả những gì con người chúng ta có thể nghĩ tưởng đến. Vì vậy, tất cả những quan niệm trình bày trên đây chỉ có thể được hiểu như một cách thức biểu đạt, những phương cách hay khía cạnh của công trình hoà giải duy nhất ấy. Bất kỳ một sự nhấn mạnh quá đáng nào, cũng có thể dẫn đến nguy cơ làm nghèo nàn ý nghĩa phong phú và nhiệm mầu trong công trình cứu chuộc của Đức Kitô Chúa chúng ta. Đó cũng chính là hướng suy tư phù hợp với nền tảng Thánh kinh mà các thần học gia hiện đại đang theo đuổi với sự cổ vũ nhiệt tình của huấn quyền [8].
__________
[1] Azazel là tên con quỷ mà người Hipri xưa và người Canaan tin là sống trong sa mạc, nơi đất cằn cỗi mà Thiên Chúa không phát huy hành động làm sinh sôi của Người. Xc. Kinh thánh trọn bộ, bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn, phần chú thích chương 16 sách Lêvi, số 8.
[2] Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Các Bài Đọc Kinh Sách Tập 1&2, Bài đọc hai, Thứ hai tuần bát nhật phục sinh.
[3] Norberto, Cuộc vượt qua của Đức Giêsu Kitô, bản việt ngữ (không rõ dịch giả), 2002, Tr. 109
[4] Felipe Gomez, Kitô học II, East Asian Pastoral Institute Manila, 2002, ( Việt ngữ do Antôn & Đuốc sáng), Tr. 378
[5] Doc. Cath. Số 1803 (1981) 228, 230.
[6] Xin xem thêm GLHTCG, bản Việt ngữ của Toà Tổng Giám Mục Sài gòn, 1997, các số từ 559 đến 609
[7] Xc. F. Gomez, Kitô học II, East Asian Pastoral Institute Manila, 2002, (Việt ngữ do Antôn & Đuốc sáng), Tr. 379
[8] Xc. nt, trang 80 – 81.