Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

NHỮNG BỮA TIỆC DO THÁI GIÁO VÀ THÁNH THỂ

Thời sự Thần học - Số 40, tháng 06/2005, tr. 39-58

C. Perrot


Cựu ước cho chúng ta biết có nhiều những bữa tiệc thánh : bữa tiệc Giao ước (St 31,53 tt; Lv 24,6-9; Xh 24,1-11 và Ds 27,7), bữa tiệc hiến tế (1 V 9.18.24; 20,27), bữa tiệc kỳ an và đặc biệt là bữa tiệc tạ ơn (todôth) mà được biết qua sách Lêvi (7,12 tt); qua thánh vịnh 50 (14-23) và thánh vịnh 56 (13). Thật khó xác định ý nghĩa chính xác của những bữa tiệc này, nhưng một điều chắc chắn là chúng có vai trò quan trọng đối với người Do Thái, chẳng hạn trong những dịp lễ Vượt Qua, lễ Mùa hay lễ mừng chiến thắng, trong niềm mong chờ bữa tiệc cứu độ ngôn sứ Isaia nói tới (Is 25,6; xc. Is 55,1 và Mt 8,11).

Thời Chúa Giêsu, những bữa tiệc tôn giáo rất thịnh hành và đa dạng : bữa tiệc hiến tế tạ ơn (encarijtia) được nói trong sách Sử biên niên (2 Sb 29,31 và 33,16), bữa tiệc Giao ước, bữa tiệc Vượt qua, bữa tiệc dịp ma chay, tiệc đền ơn, tiệc đoàn hội thuộc hội đường và của những chức sắc Pharisêu. Nhiều giáo phái cũng tổ chức những bữa tiệc thánh, chẳng hạn nơi những nhà khổ tu Ai Cập, nhóm Essénô.

Sự tồn tại, và nhất là thể thức của những bữa tiệc thánh trong nhóm Thanh tẩy vẫn còn là điều chưa được rõ ràng : nhóm này tuân giữ tỉ mỉ luật lệ nghi lễ thanh tẩy, họ cầu nguyện trước bữa ăn và thực hành khổ chế nghiêm nhặt và không ăn thịt hiến tế, để phản đối những nghi thức của Đền thờ và việc thờ phượng vấy máu.

Những bữa tiệc ấy dường như có liên hệ với những bữa tiệc của Kitô giáo, nhất là bữa Tiệc ly, một khuôn mẫu của mọi bữa tiệc Kitô giáo. Chẳng hạn, những bữa tiệc Giao ước nhằm gợi nhớ lại sự kiện Giao ước mà sách Xuất hành mô tả trong chương 24. Và có một mối liên hệ giữa Xh 24,6 : “Đây là máu Giao ước” và Mc 14,24 : “Đây là máu Thầy, máu Giao ước”.

Phản ứng đầu tiên của chúng ta trước ảnh hưởng của những bữa tiệc Do thái giáo đối với bữa tiệc Kitô giáo là có một sự nghi ngờ nào đó đối với những bài thần học hoặc chú giải muốn đồng hoá bữa Tiệc ly với một loại bữa tiệc duy nhất nào đó của người Do Thái. Chẳng hạn, ông Joachim Jeremias đã đồng hóa bữa tiệc Thánh Thể với bữa tiệc Vượt qua, điều mà chúng ta không chấp nhận.

Nghi thức của Do Thái trong bữa tiệc tôn giáo, chẳng hạn nghi thức thanh tẩy, sẽ được Đức Giêsu và cộng đoàn các tín hữu tiên khởi sử dụng lại. Như vậy, nghi thức này được thêm giá trị do vai trò của Đức Giêsu. Bữa tiệc Kitô giáo như là điểm tổng hợp, một điểm mở (point d’aboutissement) của tất cả các bữa tiệc Do thái : bữa tiệc của nhóm Thanh tẩy theo Đức Giêsu với việc phân phát man-na mới (Mc 6,30), bữa tiệc của Giao ước mới trong bữa Tiệc ly, bữa tiệc với Đấng Phục sinh (Lc 24,22; Ga 21,12) và sau cùng, bữa tiệc của Đức Chúa (1Cr 11,20) hoặc cách đơn giản đó là việc bẻ bánh (Cv 2,42,…).[1]

Nếu bữa Tiệc ly là một điểm tới, chúng ta cần phải biết cách chính xác những bữa tiệc Do thái giáo, để tìm ra những tương đồng giữa chúng với những bữa tiệc Kitô giáo. Còn nếu bữa Tiệc ly là điểm vượt qua, thì cũng cần phải chỉ ra được những điểm khác biệt để thấy tính đặc thù của bữa tiệc Kitô giáo.

Như đã thấy, tiệc tôn giáo của người Do thái thì rất nhiều và rất đa dạng. Sau đây, chúng ta chỉ nghiên cứu cẩn thận ba loại : bữa tiệc cộng đoàn, bữa tiệc vượt qua và những bữa tiệc tạ ơn (todôthe : eucarijtia).

I. Những bữa tiệc cộng đoàn Do thái


1. Hội đường


Thời Đức Giêsu, theo như tập tục, trước một ngôi làng Palestin, thường có một khuôn viên và ở bìa khuôn viên đó có một ngôi nhà; nó chẳng có gì đặc biệt và cũng chẳng rực rỡ gì hơn một ngôi nhà bình thường. Trong sân nhỏ, ngay nơi lối vào, có một vài chum nước dành cho việc xá tội : nhúng đầu các ngón tay và ngón chân vào đó và sau đó chúng ta bước vào nhà.

Lúc này đây, chúng ta đang ở trong một căn phòng vuông vức không lớn lắm, một số băng ghế bằng đất làm dọc theo những bức tường, thêm vào một vài ghế dành riêng cho các vị kỳ mục và chức sắc. Ở một góc phòng có một chiếc thùng gỗ hoặc những chiếc thống dùng đựng những cuốn sách Luật, sách Thánh vịnh và hoặc sách Ngôn sứ Isaia (tuy cũng có những sách Ngôn sứ khác nếu như cộng đoàn ấy có điều kiện hơn). Những sách ấy được đọc trong ngày Sabát, vì Hội đường trước tiên là “ngôi nhà của ngày Sabát” như lời sử gia Flavius Josèphe đã nói.

Bên cạnh căn phòng đó, chúng ta còn có thấy một căn phòng nhỏ dùng để tiếp khách hay để ăn uống. Nó là một căn phòng phụ hoặc là một căn trên sân thượng; hoặc có thể, khi trong hoàn cảnh thiếu thốn, thì chính Hội đường được dùng làm nơi tiếp khách, ăn uống; Vào thế kỷ thứ II, vẫn còn chuyện các thầy rabbi mạnh mẽ phản đối người Do Thái lấy Hội đường làm nơi ăn uống và ngủ nghỉ.

Có rất nhiều chứng cớ về những điểm này, nhất là ở nơi những bản chép tay. Cụ thể, bản nghi chép vào năm 70 tr.cn của ông thầy tư tế Théodotos lưu đày sống ở Giêrusalem cho chúng ta biết chính ông đã thiết kế, xây dựng và làm phép cho một Hội đường dành cho những người lưu đày đi hành hương Giêrusalem. Và trong bản ghi chép đó, ông còn cho chúng ta biết về hệ thống dẫn nước dùng cho việc thanh tẩy, cũng như những phòng dành cho khách hành hương.

Những “hội đường–quán trọ–phòng khách” có ba chức năng :
  1. Dùng vào việc tiếp đón những khách du lịch hay khách hành hương
  2. Dùng làm văn phòng từ thiện. Những văn phòng từ thiện này không chỉ có ở Đền thờ, nơi có những phòng dành riêng cho việc phân phát “tô cháo bình dân” (soup populaire), mà còn có ở nơi mỗi hội đường. Tại đây, hàng ngày người ta phân phát những “tô cháo bình dân” cho những người nghèo trong vùng, còn hàng tuần là những cái sọt cho người nghèo (souffin des pauvres). Những hệ thống cứu trợ này được giám sát bởi những nhà chức trách cao nhất, bên đạo cũng như đời, của thị trấn hay thành phố (và cũng có khi bởi cả những “thẩm phán” thuộc những cộng đoàn Diaspora).
  3. Đó cũng là nơi dùng để hội họp hàng tuần vào chiều vọng ngày Sabát, hay tổ chức những bữa tiệc vọng trước ngày Sabát hay trước ngày lễ.
Vì các hội đường thường rất chật và chỉ chứa đựng được ít người, và vì chỉ có ít người trong những bữa tiệc như thế, cao nhất cũng không quá mười người, nên con số các hội đường là rất quan trọng vào thời Chúa Giêsu. Trong bản kinh Talmud Babylon có kể tới 480 hội đường nằm rải rác hầu khắp thành phố Giêrusalem, nơi mà dân cư chặt cứng như… nêm (30.000 dân).

2. Những kiểu tiệc khác nhau


Những bữa tiệc thường ngày diễn ra khoảng 10 hay 11 giờ, sau buổi làm việc, còn buổi tối thì trước lúc nửa đêm. Nhưng đây không phải là “bữa tiệc gia đình” thực sự. Đó chỉ là buổi tụ họp để đón tiếp một vị khách. Thường người ta ăn ngồi, dù càng ngày người ta càng có thói quen nằm dài trên đi-văng theo kiểu Hy Lạp : đó là cách thức của người rảnh rỗi. Người ta nằm dài trên đi-văng trong những dịp không trọng thể : trong tiệc cộng đoàn, trong tiệc hội hè hay dịp kỷ niệm. Chúa Giêsu đã bảo đám đông nằm xuống, khi Người hoá bánh ra nhiều và chính Người cũng nằm khi ăn ở nhà ông Lêvi (Mc 2,15).

Như vậy, trong cộng đoàn Do Thái ở Palestin hay lưu đày, có những bữa bình thường, bữa đón tiếp khách, bữa huynh đệ.

Tất cả các loại tiệc này đều có cùng một “nghi thức”. Người ta bắt đầu bằng việc rửa tay (nhất là với nhóm Pharisêu). Sau đó, chủ tiệc đọc lời chúc lành, thường là người cha trong gia đình, còn nếu có vị kỳ mục, thì người ấy chúc lành bằng không thì là người trưởng nhóm. Trước bữa ăn, người ta đọc lời chúc lành trên bánh và sau bữa ăn là trên rượu. Sau khi chúc lành trên bánh, bánh được bẻ ra và được phân phát cho mọi người. Sau đó, người ta ăn và thường là không uống. (Ở Palestin, người ta thường uống vào cuối bữa tiệc và chỉ uống nước, tuy nhiên, với những tiệc trong dịp lễ, khi có điều kiện, người ta cũng dùng rượu.)

Những lời chúc tụng này thay đổi theo thời gian. Lời cổ nhất mà chúng ta biết đến qua cuốn Mishna Berkhôth biên soạn vào quãng thế kỷ thứ II – nhưng những tư liệu được sử dụng thì hẳn là có trước đó. Trong đó chúng ta có thể đọc thấy những lời như sau : “Chúc tụng Ngài, Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa chúng con, Đấng đã ban bánh xuống trên mặt đất”, và mọi người đáp : “Amen”. Vào cuối bữa, lời chúc tụng được đọc trên “chén chúc tụng” như sau : “Chúc tụng Ngài lạy Đức Chúa là Thiên Chúa chúng con, Đấng đã tác tạo nên những trái nho,…” và tất cả cùng đáp lại “Amen”.

3. Bữa tiệc ngày lễ vọng


Đối với bữa tiệc lễ vọng ngày Sa-bát hay những ngày lễ khác, chúng ta nhận thấy một nghi thức hơi khác biệt. Tối thứ Sáu, lúc ngôi sao đầu tiên xuất hiện là thời điểm bắt đầu thời gian thánh của ngày Sa-bát (thứ Bảy), có một nghi thức đặc biệt, gọi là “Qiddush” : người ta sẽ uống “chén chúc tụng” để khắc ghi thời điểm tách biệt giữa thời gian phàm trần của ngày thứ Sáu với thời gian thiêng thánh của ngày Sa-bát. Và cũng cùng một cách thức, vào cuối ngày thứ Bảy, với nghi thức “Abdalla” người ta bước từ thời gian thiêng thánh sang thời gian phàm trần. Vào thời Chúa Giêsu, những nghi thức này vẫn được thực hành, nhưng liệu chúng có liên hệ gì đến bữa tiệc ? Chỉ liên hệ cách gián tiếp thôi, vì sau nghi thức này, không phải là một bữa tiệc, mà bữa tiệc diễn ra trước đó, và bữa tiệc kiểu người Do Thái này không phải ở gia đình mà là ở cộng đoàn.

Với bữa tiệc cộng đoàn đêm vọng lễ hay ngày Sa-bát, cần phải có ít nhất là 10 người, cùng với chủ tiệc. Người ta thường hội họp trong hội đường và khi quá đông, họ chia thành những nhóm nhỏ trong cùng một hội đường hoặc ở những khu nhà phụ phía sau. Nếu các nhóm này ăn gần với nhau, thì chỉ cần một vị chủ toạ đọc những lời chúc lành cho các nhóm.

Trong toàn lưu vực Địa Trung Hải, những bữa tiệc cộng đoàn kiểu này rất thịnh hành. Từ thế kỷ trước đến thế kỷ I công nguyên là thời gian mà loại tiệc này thịnh hành nhất : người ta nhóm họp khắp nơi, và tổ chức các kiểu rước kiệu cùng với những bữa tiệc tôn giáo, và ngay cả những người Do Thái lưu đày cũng rất dễ xin chính quyền cho phép hội họp để dùng bữa.

4. Những bữa tiệc ngày lễ


Phần này, chúng ta đề cập đến bữa tiệc Purim và bữa tiệc trong ngày lễ Mùa, còn tiệc Vượt qua xin coi phần II. Bữa tiệc Vượt Qua.

a. Bữa tiệc Purim

Vào thời Chúa Giêsu, Purim là một loại lễ dân tộc, diễn ra một tháng trước lễ Vượt qua. Thời gian lễ Vượt qua được chuẩn bị kéo dài suốt tháng Adar, và bán-lễ Purim là một loại “thứ ba béo”, trong đó người ta được phép ăn uống thoả thích… Trong suốt thời gian lễ mừng Mardoché, hay còn gọi là lễ mừng : “vinh quang Mardochée, và chết chóc Amman !” nhưng người ta có thể uống tới khi nói rằng : “vinh quang Amman và chết chóc Mardoché ! !”.

Tất nhiên, những người Thanh sạch, những người Pharisêu và cả những người theo phái Qumrâm, thường nhìn lễ này với con mắt ác cảm. Phải mãi tới thế kỷ thứ II hoặc III công nguyên, thì lễ Purim mới thực sự được chấp nhận như ngày lễ tôn giáo trong Hội đường.

b. Bữa tiệc trong ngày lễ Mùa (lễ Ngũ tuần _Pentecôte)

Ngày lễ Mùa (ngũ tuần) đặt ra nhiều vấn đề lớn, bởi vì mỗi nhóm hiểu lễ này mỗi kiểu : với người này thì đó là ngày lễ của mùa màng (một số người Pharisêu), với người khác thì đó là lễ Giao ước, xoay quanh những chủ đề trong Xh 14 và 19, và lễ được đánh dấu bằng một bữa tiệc. Bữa tiệc của lễ Mùa (Ngũ tuần) đã được nhắc tới trong Tb 2,1 : “Trong ngày đó cần phải mời những người nghèo khổ”, hoặc còn thấy trong tác phẩm Jubilés (22,10), và trong bản văn cổ đầu kỷ nguyên mà hiện chỉ còn bản latin, và trong tác phẩm Vie Comtemlative của Philon cũng nhắc đến lễ Ngũ tuần.

Dĩ nhiên, theo một thể thức nào đó, Giáo hội, một cộng đoàn của giao ước mới, được thành lập từ lễ Ngũ tuần, từ bàn tiệc của Chúa, nên việc tìm hiểu những bữa băn trong lễ Ngũ tuần là rất cần thiết dù rằng hiện chúng ta chỉ có bốn tài liệu được nêu trên đây.

5. Những bữa tiệc phường hội


a. Những “haburôth” Pharisêu


Ở đây, chúng ta bàn đến bữa tiệc “haburôth” của nhóm Pharisêu. Bữa tiệc này gồm có những “heberim”, những “đại biểu chức sắc nhóm Pharisêu”. Sử gia Flavius Josèphe cho biết có tới 5.000 người Pharisêu, một con số không nhiều lắm so với 800.000 dân Palestin. Có thể Flavius Josèphe chỉ nói tới một nhóm Pharisêu, vì hình như có tới ba nhóm Pharisêu khác nhau, được phân biệt theo mức độ thanh sạch và sự khổ hạnh. Những nhóm này rất thường tổ chức các bữa tiệc. Họ chỉ tụ họp, gặp gỡ nhau quanh bàn ăn. Như vậy, bữa ăn vừa để xích lại gần nhau, nhưng cũng vừa để tách biệt họ với người khác. Đó là những bữa tiệc cộng đoàn, trong đó mọi người cũng giữ một “nghi thức” như tất cả những bữa tiệc Do thái (chúc tụng trước và cảm tạ sau bữa tiệc). Sự khác biệt duy nhất là sự chọn lựa đồ ăn thanh sạch. Họ tuân thủ một cách nghiêm nhặt những cấm kỵ về đồ ăn.

b. Những phong trào “bên lề”

Sau cùng chúng ta cũng cần phải nói tới những bữa tiệc cộng đoàn nơi những phong trào “bên lề”, như nhóm Essenô, nhóm khổ tu (ở cộng đoàn Qurum) và nhóm Baptistes (nhóm Thanh tẩy).

b.1. Những nhóm Essenô

Sử gia F. Josèphe cho chúng ta biết về những nhóm Essenô trong tác phẩm Geurre Juive như sau :
“Vào mỗi buổi sáng và buổi chiều, người Essenô đến tắm nước lạnh trong những bể nước thanh tẩy. Nước trong các bể này không phải là nước suối, cũng chẳng phải nước từ sông Giođan (nơi mà nước bị coi là không trong sạch), nhưng là nước đã được người ta thanh lọc cách kỹ càng và đổ vào trong những chiếc bể nhỏ riêng biệt. Tắm xong, họ thắt lưng bằng một chiếc áo choàng trắng và vào trong phòng ăn (tất nhiên chỉ những thành viên chính thức, còn người tập sự thì không); và nơi đây được “coi như nơi thánh” (1,2, 129-131). 
Đó những gì sử gia Flavius kể lại, nhưng dầu sao chúng ta đừng tin rằng nhóm Essenô coi phòng ăn của họ như là đền thờ ! Trong phòng ăn, họ ngồi trong yên lặng, và sau đó người phục vụ sẽ đưa tới phần bánh cho mỗi người và sau đó người đầu bếp mang đĩa ăn ra với chỉ một món ăn duy nhất.

Nhưng tất cả mọi bữa tiệc của nhóm Essenô đều được chuẩn bị rất tỉ mỉ. Điều đặc biệt của nhóm này không phải là nghi thức, hay lời chúc lành mà là của ăn, là cách thức chuẩn bị của ăn. Không phải ai cũng chuẩn bị đồ ăn được; ở Qumrân, thì người ấy phải là một thầy tư tế, còn nếu tập sinh dọn đồ ăn, thì cả phòng ăn trở thành ô uế !... chính vị tư tế sẽ chúc lành trước và sau bữa ăn, và, bữa ăn rất thanh đạm.

Bây giờ chúng ta tìm hiểu qua cuốn Kỷ luật của cộng đoàn được tìm thấy ở Qumrân. Cuốn sách có đoạn viết : “Ở nơi lưu trú, có ít là 10 thành viên đến ăn mỗi ngày và khi ngồi vào bàn để ăn hay uống rượu nhẹ, thì trước nhất chính vị tư tế sẽ đọc lời chúc tụng trước hết trên bánh và sau đó trên rượu nhẹ”.

Bữa ăn thường ngày, bữa ăn cộng đoàn ít người, bữa ăn tiết chế, bữa ăn chỉ có bánh và rượu nhẹ (“xi-rô” chứ không phải rượu có men), đó là đặc tính của những cộng đoàn “bên lề” và cũng như của cộng đoàn Batipstes nơi mà người ta cổ võ chuyện trở về với thiên nhiên.

Có rất ít bản văn ở Qumrân đề cập tới bữa ăn, tuy nhiên chuyện này không quan trọng bằng chuyện người ta tin là có. Bản luật của Cộng đoàn (1 Qsa 2,17-21) quy định hằng ngày vào lúc cộng đoàn tập họp để dùng bữa thì “vị tư tế phải giơ tay ra” : đó là việc chúc phúc; tay giơ cao ngang vai, cánh duỗi thẳng, lòng bàn tay hướng xuống đất, mắt nhìn xuống thấp, bởi vì người ta không cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Vị tư tế chúc lành bánh trước tiên rồi tiếp theo là trên rượu. Và không hẳn chỉ mình vị kỳ mục, mà dường như tất cả mọi người tham dự đều làm như thế : “Vị kỳ mục giơ tay ra, và sau đó là Đấng Thánh của Israel, và tiếp đến là tất cả cộng đoàn tùy theo phẩm vị.”

Chúng ta gặp thấy điều tương tự trong Tu luật tiên khởi của Qumrân (1 Q 28A.2,11-22). Đó còn là một bản văn tiên báo về việc Đấng Messia tới. Sự hiện diện của Người không làm xáo trộn trong trật tự bữa ăn; và ở đây không nói về một bữa tiệc cứu độ, nhưng chỉ nói về vị trí của Đấng Messia, Đấng không phải là Mêssia–thượng phẩm, vì tư tế thì giữ ưu thế của mình : người “đứng đầu Cộng đoàn”, thày tư tế đứng đó và sau là các vị nguyên tư tế, Đấng Cứu Độ Irael chỉ đến sau đó để giơ tay, tức là chính Người sẽ chúc lành, và sau đó sẽ đến lượt những vị đứng đầu và những nguyên tư tế và tất cả những người khôn ngoan trong Cộng đoàn.

Một điều đáng lưu ý sau khi đọc những bản văn này. Đó là “nghi thức” của các nhóm này giống “nghi thức” bữa ăn Do thái. Tất nhiên, bữa ăn này trang trọng hơn và những quy định về việc thanh sạch được tuân giữ kỹ lưỡng (như việc thanh tẩy, việc tẩy uế thức ăn). Nhưng có điều mới đó là bữa ăn thường ngày chứ không phải là bữa tiệc trong những ngày lễ. Với việc chúc lành, thí có một sự khác biệt nữa đó là tất cả mọi người theo thứ tự đều đọc lời chúc tụng. Và hẳn nhiên còn một sự khác biệt khác nữa đó là trong các nhóm Essênô, người ta uống nước ép trái cây, hay nước “xi-rô”, trong khi đó trong những nhóm Do thái khác, người ta uống rượu (“oinos”) vào những dịp lễ hay trong những tiệc cưới.

b.2. Những cộng đoàn khổ tu bên Ai Cập

Chúng ta biết được nhóm này qua tác phẩm Đời sống chiêm niệm của Philon thành Alexandria. Đây là một nhóm tương đối kỳ dị, cư ngụ bên bờ hồ Maréotis thuộc Ai Cập. Nhóm này cũng có một vài điểm tương đồng nhóm Essenô. Họ tổ chức những bữa tiệc vào mỗi thứ bảy, vào những ngày Thứ Năm Mươi, và nhất là ngày lễ Ngũ tuần. Họ tập trung lại, trong trang phục trắng, mắt ngước về trời. Trong phòng ăn, họ ngồi rất có thứ bậc, tính theo ngày được thâu nhận vào cộng đoàn. Trong số họ cũng có cả những phụ nữ, điều chưa từng thấy trong những bữa tiệc cộng đoàn nơi người Do Thái, trừ những bữa tiệc gia đình như dịp lễ Phục Sinh; và thậm chí, một điều còn lạ lùng hơn nữa, là có cả những trinh nữ, và những trinh nữ đã lớn tuổi. Trong bữa tiệc, mọi người đều nằm dài trên thảm lá hay trên những chiếc chiếu cói. Người phục vụ được chọn lựa kỹ lưỡng, họ không phải là nô lệ nhưng là những người trẻ tự do. Bữa tiệc được đan kết bằng những bài hát, bài đọc Sách thánh và sách chú giải Thánh kinh.

Chúng ta thấy giá trị của đồ ăn được tăng lên qua việc lựa chọn người phục vụ : người làm bếp, thầy tư tế ở Qumrân, người phục vụ được chọn ở nơi những nhà khổ tu. Ý tưởng này nên được đào sâu thêm để tìm hiểu nguồn gốc văn hóa của chức vụ thừa tác nơi kitô giáo.

b.3. Những nhóm Thanh tẩy (Baptistes)

Với nhóm này, quả là chúng ta biết rất ít về họ, và có chăng cũng chỉ qua một vài thông tin từ tác phẩm Oracles Sybillins vào thế kỷ thứ III, từ những điều mà học được qua người Mandéens, từ những gì có thể suy luận qua những thực hành của người Samaritains, và từ những người này hay người khác như sử gia F. Josèphe… Chúng ta còn biết về họ qua các sinh hoạt canh thức tôn giáo, chẳng hạn như những hoạt động mà ngày nay nhóm Cơ đốc phục lâm (Pentecôtistes) vẫn tổ chức, như tất cả đều hướng về ngày đã gần kề và việc hoán cải triệt để. Đó là những hoạt động rất khắc khổ, được đánh dấu bởi nghi thức trong nước, qua sự ngụp lặn, qua việc chịu thanh tẩy trong dòng nước, và cả việc kiêng thịt, dù là thịt hiến tế hay thịt bình thường.

Điều này đặt ra nhiều vấn đề : họ làm thế nào để dùng những bữa tiệc hiến tế, mà chúng ta sắp nói tới, kể cả lễ Vượt qua ? Chúng ta ghi nhận rằng họ đọc những lời cầu nguyện, ít là theo hình thức bề ngoài, trước những bữa tiệc chứ không phải là sau, và rằng, ít là đối với một vài nhóm, họ không uống rượu, mà chỉ dùng nước trái cây, hay xi-rô. Trong nhóm Thanh tẩy, người ta không uống rượu, vậy phải chăng Đức Giêsu là một người thuộc nhóm này, một người Nazôréen (người Nazarét), có liên hệ tới Gioan Baotixita và nhóm Thanh tẩy ? Giải thích sao khi trong bữa Tiệc Ly có dùng rượu ? Chắc chắn, Đức Giêsu giữ một khoảng cách đối với nhóm Thanh tẩy khác, và, như chúng ta biết, Người cũng được biết tới như “một kẻ say sưa”. Tuy nhiên, liền ngay đó, trong cộng đoàn Kitô giáo, người ta cũng thấy những người không hề uống rượu, như Giacôbiê thành Giêrusalem : vậy thì họ đã làm thế nào đối với nghi thức tạ ơn ?

II. Bữa tiệc Vượt Qua


Vào thời điểm vọng lễ Vượt qua, thời điểm chuẩn bị bữa tiệc Vượt qua, thời điểm mà tất cả những cộng đoàn chúng ta đã nói trên đều bận rộn cho bữa tiệc, người ta thường chuẩn bị một căn phòng và đây cũng là lý do Đức Giêsu sai các môn đệ đi chuẩn bị phòng cho bữa tiệc ngày lễ. Tất cả những công việc chuẩn bị, việc trang hoàng và chi phí cho bữa tiệc đều được trích từ quỹ chung của cộng đoàn – Giuđa cũng trong trường hợp này – tương tự như nhóm Pharisêu.

Người ta chuẩn bị phòng tiệc sau đó chuẩn bị con chiên. Con chiên này phải được chọn vào khoảng ngày mồng 10 trong tháng Nissan, để sát tế vào ngày 14 cùng tháng, vì rằng ngày lễ Vượt qua sẽ diễn ra vào ngày 15 tới ngày 21 tháng Nissan. Theo như lý thuyết thì chiên cần phải được sát tế vào lúc chập tối [khi mà ngôi sao đầu tiên xuất hiện] và để có thể dùng được vào đúng giờ ăn.[2]

Chiên được sát tế, và dùng ngay sau đó, đây là bữa tiệc gia đình nên gồm có đàn ông, phụ nữ, trẻ em đã đủ 12 tuổi, bạn bè, người nghèo. Số người ăn có thể hơn 10 người, vì rằng bản Mishna đã dự phòng trước rằng, nhất thiết tất cả đều phải được ăn chiên vượt qua, ít là một miếng nhỏ…. Đó là một bữa tiệc của ngày lễ, nên khi đó người ta nằm để ăn, với tư thế của những người tự do, theo phong tục Hy Lạp.

Nghi lễ vượt qua chính xác diễn ra như thế nào ?


Trước tiên có một “nghi lễ khai mạc” : người ta uống chén thứ nhất, chén “qiddush” (chúc tụng) mà chúng ta đã nói ở trên, đó là nghi thức đánh dấu khởi điểm bước vào thời gian thánh. Tiếp theo, người ta rửa tay phải và ăn một vài món khai vị : như rau sống, rau đắng (nhằm gợi nhớ lại cảnh tù đầy) dầm trong nước sốt.

Tiếp đến là phần nghi lễ Vượt qua. Một người trẻ nhất trong gia đình rót cho mỗi vị khách một chén rượu; người ta nằm trên đi-văng, và đứa con nhỏ nhất sẽ hỏi người cha của gia đình : “Tại sao lại có buổi tổ chức này ? Những bánh này, những chén này và thịt chiên này có ý nghĩa gì ?”. Và người cha trả lời cho nó : “Đó là tưởng niệm lại cuộc giải phóng dân ra khỏi Ai Cập”. Đây là ý nghĩa của bữa tiệc này : đó là bằng chứng sự tự do của chúng ta hôm nay, và sẽ là chứng cớ cho việc giải phóng chúng ta ngày mai. Sau lời khai mạc trang trọng của người cha, mọi người cùng cất lời hát Hallel : người ta mở đầu bằng thánh vịnh 113 hoặc là 113-114 (tuỳ theo mỗi hội đường). Và rồi người ta uống chén thứ hai.

Tiếp đến là bữa tiệc được dùng như những bữa tiệc khác của người Do Thái, với chỉ duy một khác biệt là chiên. Trong bữa tiệc này, trước hết có lời chúc tụng trên bánh (không men : azyme), tiếp đến là việc ăn thịt chiên với rau đắng, và để kết thúc, là lời chúc tụng, nghi thức chúc lành trên chén thứ ba và người ta sẽ uống chén này vào cuối bữa tiệc.

Tiếp theo, người ta kết thúc việc hát Hallel bằng thánh vịnh 114-118 hoặc thánh vịnh 115-118, tùy theo họ thuộc trường phái Hillel hay trường phái Shammai. Thời điểm này, người ta không uống chén thứ tư, như là người ta sẽ làm sau này.

Theo ông Jeremias, có nhiều điểm gặp gỡ giữa bữa Tiệc ly với bữa tiệc Vượt qua và ông đã đưa ra mười điểm hiện còn được bàn cãi.

1 – Chúa Giêsu đã trở lại từ Bêtania để ăn mừng lễ Vượt qua ở thành Giêrusalem: đó là điều bình thường, vì người ta cần phải ăn mừng lễ Vượt qua trong thành phố, hoặc là ở những vùng phụ cận sát bên (và thậm chí về lý thuyết, ngay trong Đền thờ, nhưng đó là điều không thể vì có quá đông người).

2 – Bữa Tiệc ly đã diễn ra trong đêm (theo thánh Gioan, hẳn là như vậy), mà những bữa tiệc cộng đoàn Do thái thì diễn ra trước khi màn đêm buông xuống chứ không phải ban đêm. Tuy nhiên cũng có những trường hợp người ta dùng bữa vào ban đêm, khi có những bữa tiệc trang trọng hơn, như ngày lễ gia đình, ngày lễ cắt bì, lễ cưới…

3 – Trong những bữa tiệc Vượt qua, cần phải có ít nhất là 10 người, nhưng trên thực tế số người thường đông hơn : cả đàn ông, đàn bà và trẻ em. Nhưng mà, ở bữa Tiệc Ly, số người chỉ có 12, chắc chắn đó là những môn đệ chứ không có những người khác… điều đó dường như là một bữa tiệc theo kiểu cộng đoàn hơn là một bữa tiệc “mở ngỏ” như bữa tiệc vượt qua.

4 – Tiệc Vượt qua là một bữa tiệc thuộc ngày lễ nên người ta nằm ăn, điều mà người ta không làm thế trong những bữa tiệc khác. Tuy nhiên, nếu muốn được coi là hợp thời, người ta sẽ nằm, ngay cả trong những bữa tiệc khác.

5 – Một bữa tiệc Vượt qua, trước khi chúc lành trên bánh, thì có món khai vị : người ta dùng rau sống và rau đắng… thế mà trong bản văn Tin mừng Mc 14,22 lại nói rằng : “Đang khi họ ăn, Người cầm lấy bánh […]”. Nếu như dùng lần lượt thì “họ ăn” và tiếp theo “Người cầm lấy bánh”, như vậy đã có ăn những món “khai vị” rồi !... nhưng có lẽ không cần tách vụn bản văn ra…

6 – Trong tiệc Vượt qua, người ta uống rượu, còn trong những bữa khác người ta chỉ uống nước… Chắn chắn là như vậy, nhưng ở xứ Palestin có loại nho hảo hạng nhất, và như vậy, người ta sẽ uống rượu trong những dịp khác… ở Cana, người ta uống rượu khi mới khởi đầu bữa tiệc.

7 – Với tiệc Vượt qua, người ta thường có thói quen mời những người nghèo ăn : điều đó rất phù hợp với điều mà Gioan (13,29) đề cập tới : Giuđa ra đi để bố thí cho người nghèo. Không nghi ngờ gì, vì ở lễ Ngũ tuần người ta cũng mời những người nghèo, và cả những bữa tiệc ngày lễ khác cũng vậy, thậm chí cả những bữa tiệc thường ngày cũng thế, bởi vì ở Palestin người ta rất hiếu khách.

8 – Jeremias nói rằng đoạn Mc 14,26 cho chúng ta thấy họ hát thánh ca (thánh vịnh); người ta không có thói quen hát những thánh ca trong những bữa tiệc… nhưng chúng ta biết, hiện nay những nhà khổ tu bên Ai Cập, người ta vẫn hát những thánh ca vào những lúc họ dùng bữa, và đó không phải là bữa tiệc Vượt qua.

9 – Sau bữa tiệc, Chúa Giêsu đi ra vườn Ô-liu : Người đã không rời khỏi thành phố trong suốt đêm lễ Vượt qua, vì đó là phong tục… .

10 – Sau cùng, đang trong lúc ăn, Chúa Giêsu đã giải thích ý nghĩa của bánh và rượu, Người loan báo về cuộc thương khó : điều đó không tương hợp với ý nghĩa lễ tưởng niệm Vượt qua của người cha đưa ra… Và còn nữa, sự so sánh, có chút ít gượng ép.

Cha P. Benoit còn đưa ra hai luận chứng để khẳng quyết rằng bữa tiệc ly thực sự là một bữa tiệc vượt qua

11. Trong Ga 13,2-15 có nói tới việc thanh tẩy bằng nước. Trong thực tế, có nghi thức thanh tẩy vào lễ Vượt qua. Nhưng trong những bữa tiệc Do thái, người ta cũng rửa tay. Còn với những người Pharisêu và các nhóm thì có quá nhiều nghi thức thanh tẩy bằng nước, trong khi đó những người Sadducéens thì lại không hề thích nước.

12. Cuối cùng, có một ghi nhận khá thú vị của P. Benoit về câu nói của Đức Giêsu trao về Giuđa (Ga 13,21) : theo quan điểm của cha, đó không phải là tạ ơn mà là một sai lầm do rau đắng… !

Tóm lại, theo những lý luận trên đây, bữa Tiệc ly là một bữa tiệc Vượt qua.

Tuy nhiên những lý lẽ bác bẻ cũng khá nhiều, chúng ta đã đề cập tới một số, và đây là một vài lập luận khác nữa :

1. Trước hết, với Tin Mừng Gioan, việc sát tế chiên diễn ra vào tối hôm 14 tháng Nissan, tức là ngày hôm sau bữa Tiệc ly.

2. Còn Tin Mừng Máccô 14,1 cho chúng ta biết những thượng tế và kinh sư muốn bắt Đức Giêsu, nhưng không vào dịp lễ vì sợ điều đó sẽ gây náo loạn. Vậy theo bản văn này, hẳn là bữa Tiệc ly đã diễn ra trước ngày lễ 14-15 tháng Nissan.

3. Sự kiện xét xử của toà án Do Thái vào ngày lễ đặt ra một vấn đề nổi cộm : các thẩm phán không tập trung lại trong những ngày này. Tuy nhiên Jérémias cho rằng điều đó có thể, bởi vì người ta có sứ vụ ở đấy đối với một tiên tri giả.

4. Và ông Joseph thành Arimatthé không thể mua vải liệm vào ngày Sa-bát. Nhưng theo ông Jérémias thì người ta có thể vẫn tiến hành những công việc mua bán trong suốt những ngày lễ, miễn là đừng bàn tới việc giá cả…

5. Các bản văn không nói tới bánh không men.

6. Điều thực sự gây ra vấn đề trong liên hệ với bữa Tiệc ly, đó là người ta không nói gì tới việc ăn thịt chiên, đây là điều quan trọng nhất của tiệc Vượt qua. Và vấn đề là ở chỗ đó : phải chăng Đức Giêsu là xuất thân từ nhóm Thanh Tẩy ? Có nhiều yếu tố để minh chứng vấn đề này; nghi thức của nhóm thanh tẩy được nhóm Đức Giêsu cử hành trong sứ vụ của mình, và sau đó là Giáo hội tiên khởi; và những yếu tố khác cho phép chúng ta nhận ra chuyện này có liên hệ đến nhóm Nazarét, nhóm bảo thủ, nhóm thanh tẩy. Mà nhóm thanh tẩy không những thể hiện mình bằng việc khổ chế mà còn bằng việc tẩy trừ chuyện ăn thịt, nhất là những thịt hiến tế.

Nhóm Thanh tẩy rất đông. Vì năm 37, một trong những nhóm này, là nhóm Mandéens, có tới 60.000 người bị trục xuất khỏi Palestin. Như vậy, hẳn là nhóm này rất đông.

Vậy, một khi khi từ chối ăn thịt chiên thì nhóm người Thanh tẩy này có thể cử hành lễ Vượt qua như thế nào ? Tuy là thuộc nhóm người sống động, và có tinh thần nhất, sự có mặt của họ cũng đặt ra vấn đề về niên lịch : lịch riêng của họ là lịch nào, phải chăng họ cũng chấp nhận lịch tư tế cũ với việc cử hành lễ Vượt qua vào ngày thứ Tư ? Vẫn còn rất nhiều những tranh luận về niên lịch thời Đức Giêsu, chẳng hạn về ngày của lễ Ngũ tuần và về khởi đầu các tháng. Và chỉ cần xê xích ngày [lễ] trăng non (la néoménis) một ngày là tất cả thay đổi…

III. Những bữa tiệc tạ ơn


Đây là một vấn đề rất quan trọng, chúng ta dựa theo hướng nghiên cứu trong tác phẩm Lễ Tạ ơn Đông phương và Tây phương (Paris, 1970, tr.10 tt) của ông H. Cazelles. Người ta thường có xu hướng đồng hóa nghi lễ chúc tụng (berakhah : eulogia) với nghi thức tạ ơn (tôdah : encarijtia). Những nguyên cớ cho sự đồng hoá này xem ra khó tránh khỏi : thứ nhất, trong những tài liệu thời Do thái giáo, người ta không phân biệt hành động tạ ơn (tôdah-action de grâces) với nghi thức chúc tụng (berakha-bénédiction). Nhưng điều đó lại trở nên hoàn toàn bình thường vào thời sau này, bởi vì Đền Thờ không còn nữa, cũng không còn hiến tế tạ ơn; hành động tạ ơn được hòa nhập với hành động chúc tụng vốn rất sống động. Lập luận thứ nữa do chính nguồn tài liệu Tân ước cung cấp : theo vẻ bề ngoài, người ta đã đồng hoá tạ ơn với chúc tụng, encarijtia với eulogia. Chẳng hạn, Mt 26,26 nói : “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng (eulogia; xc. trên đây điều người ta nói về việc chúc tụng : “Xin chúc tụng Ngài, Lạy Chúa, Đấng đã ban cho bánh này”), rồi sau đó, Người cầm lấy chén dâng lời tạ ơn (encarijtia).” Nhưng nếu dựa vào bản văn 1Cr 11,24, chúng ta sẽ đọc thấy điều ngược lại : Chúa Giêsu đọc lời tạ ơn (encarijtia) trên bánh, và sau đó là lời chúc tụng (berakha : eulogia) trên chén, đó là sự đảo lộn trật tự. Hẳn là hai hạn từ đã được dùng thay thế nhau…

Nhưng không ! và ông H. Cazelles đã làm rõ vấn đề này và tìm ra sự khác biệt : trước năm 70, hai nghi thức chúc tụng (eulogia) và tạ ơn (encarijtia) không giống như nhau. Vì thế, nếu các chấp nhận sự phân biệt giữa tạ ơn (tôdah) và chúc tụng (berakha), giữa eulogià và encarijtia, thì có nhiều hướng nghiên cứu mẻ, chắc chắn và thú vị về ý nghĩa hành động Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly.

Chúng ta đã bàn tới nghi thức chúc tụng (berakha); còn với nghi thức tạ ơn (tôdah), thì có rất nhiều nghiên cứu khác nữa như : R. de Vaux, thể chế (institution) của Cựu ước, t.II, tr. 294 tt; H.H. Towley, Những hiến tế trong Cựu ước… Người ta phân biệt hai loại lễ hiến tế, những hy tế “olah”, lễ sát tế con vật, và loại lễ hiến tế “shelamim”, của cộng đoàn. Trong những lễ hiến tế súc vật, tư tế dùng con chiên, mang nó tới bàn thờ sát tế để thiêu, và ông không giữ lại tí gì, tất cả dành cho YHWH (Giavê).

Trong những lễ hiến tế “shelamim”[3], chúng ta thấy có những nghi thức tạ ơn. Những lễ hiến tế tạ ơn này diễn tiến như thế nào ? Con vật được mang tới Đền thờ sau khi mua ở núi Oliviers, hoặc ngay trong Đền thờ. Vị tư tế đặt tay trên con vật, sau đó nó được sát tế, máu được dựng trong những chiếc chậu. Con vật được cắt ra từng phần : nào là đuôi, mỡ, thận, gan, và tất cả được đưa lên bàn tới bàn thờ hiến tế và đốt ở đó : đó là phần dành cho Giavê. Sau đó, phần đùi phải cũng như phần ức của vật được dâng lên trước nhan Giavê, rồi các thầy tư tế sẽ ăn những thứ đó.

Phần còn lại dành cho những người dâng lễ, họ ăn ngay bên cạnh Đền thờ, trong một bữa tiệc cộng đoàn, trong một bữa tiệc tạ ơn (tôdah), trong một bữa tiệc tôn thờ. Người ta ăn những thứ đó, giữa những bạn bè với nhau, và cùng với gia đình : đó là một bữa tiệc vui vẻ, vì có thêm những bài hát. Lễ hiến sinh và bữa tiệc được đi kèm với những thánh vịnh tạ ơn (tôdah) (Tv 118…). Trong thánh vịnh này có nói tới những nhóm khác nhau, những tội nhân, những bệnh nhân, tiến về Đền thờ để “tạ ơn” Giavê vì khó khăn, những thử thách đã qua đi. Và nơi đền thờ, sau những tiếng tù và, những bài hát của các thầy Lêvi, tất cả đám đông cùng đáp lại bằng một điệp khúc có tính cách tạ ơn : “Hãy ca tụng Chúa vì Người là Đấng tốt lành, muôn ngàn đời Người vẫn trọn tình thương”.

Sau cùng, chúng ta nhận thấy lễ hiến sinh của cộng đoàn luôn kèm theo một lễ vật (“minhah”) là bánh ngọt, bánh đã dậy men, hay chưa dậy men, và một lễ vật khác là rượu, như được nói trong Lv 7 và Ds 15; đây chính là trường hợp duy nhất, trong đó có kèm theo lễ vật là bánh và rượu khi dâng lễ hiến sinh.

Đây là nghi lễ cổ xưa ? Cũng cổ xưa như trái đất vậy. Trong tất cả những tôn giáo, đều có những lễ hiến sinh cộng đoàn, trong đó người ta ăn với sự thánh thiêng, chẳng hạn như trong tôn giáo của người Canna. Và tập tục này đã du nhập vào Palestin, điều này chẳng có vấn đề gì, nhưng lễ hiến sinh này đã được nhắc tới trong sách ngôn sứ Amos. Và sau Lưu đầy, nghi lễ này đã rất thịnh hành. Trong Đền thờ, người ta đã chấp nhận ít nhiều nghi lễ hiến sinh này, và bữa tiệc kèm theo; và rồi cũng phải dung nạp nó vì đã trở nên quá thịnh hành trong giới dân chúng. Và tới năm 70, sau khi Đền thờ bị phá hủy, cách hiển nhiên, nghi lễ hiến tế cùng với bữa tiệc kèm theo không đặt ra vấn đề gì nữa.

Chắc chắn có những bữa tiệc tạ ơn (todôth) vào thời kỳ chuyển tiếp từ Cựu sang Tân ước. Điều này không chỉ dựa vào những chỉ dẫn rút ra từ những cuốn Sử biên niên, mà còn vào cuốn Macabé, Philon Alexandria, Flavius Josèphe (Ant. J. 3,228). Những bữa tiệc tạ ơn, tôn thờ được đề cập tới thường xuyên, trong đó người ta ca tụng và chờ đợi Thiên Chúa cứu chuộc. Tất nhiên, ngay thời Đức Giêsu, vẫn còn những thái độ mơ hồ. Bản dịch Bảy Mươi nói rất ít về bữa tiệc tạ ơn : còn phiên bản Hy Lạp Aquila thì lại nhắc tới nhiều hơn.

Ở Qumrân, nghi lễ hiến sinh này càng không được nhắc tới. Tách rời khỏi Đền thờ, những người ở Qumrân không chấp nhận vị thế quan trọng của giới tư tế ở Giêrusalem; họ cũng gạt bỏ luôn những bữa tiệc cộng đoàn, mà dân chúng rất mến chuộng. Nhưng nếu một khi họ từ chối nghi lễ này và việc ăn thịt hiến tế, thì họ đã biết cách cắt nghĩa lại những điều đó : họ nói nhiều đến việc “tạ ơn bằng môi miệng”, bằng tấm lòng, nghĩa là bằng những lời nguyện và những thánh vịnh. Lễ hiến sinh ở đây đã trở thành lời nói, nghi thức hiến tế đã trở thành hy tế trong lòng. Và vì thế ở đây có cả một tập thánh vịnh tạ ơn.

Vậy còn với nhóm Thanh tẩy thì sao ? Chắc chắn, nhóm này không chấp nhận việc ăn thịt hiến tế. Nhưng họ vẫn chấp nhận có những bữa tiệc nhưng với ý nghĩa của họ : đó là mong chờ ơn cứu độ. Vậy, phải chăng họ cũng chấp nhận những bữa tiệc chỉ với bánh và rượu ?

Dù sao đi nữa, từ “tạ ơn” (encarijtia) trong Tân ước không phải là không có liên hệ… Hạn từ này hàm ý rằng bữa tiệc của Đức Kitô như là một sự thay thế hiến tế tạ ơn (tôdah). Bánh và rượu có lẽ đã có trong bữa ăn của nhóm Thanh tẩy. Nhưng Đức Giêsu đã thêm vào : “Đây là mình Thầy, đây là máu Thầy”, đó là những thay thế mới mẻ và thực sự; “Mình Thầy và Máu Thầy”, bởi vì ở trong đó, người ta không còn nằm trong bóng tối, trong những bóng của tương lai, như được trình bày trong thư Do thái, nhưng là ở trong một thực tại : Đức Kitô là ơn cứu chuộc chúng ta. Ơn cứu chuộc được thành toàn và hiến tế của Đức Kitô là hiến lễ tạ ơn tuyệt vời nhất.

Tóm lại, giả thiết của chúng ta là : từ bữa tiệc của nhóm Thanh tẩy trong đó bánh và rượu được coi như cái thay thế hiến tế tạ ơn, Đức Giêsu đích danh chỉ rõ những sự thay thế như là chính bản thân của mình. Người thay thế thực sự cho lễ hy sinh cứu chuộc.

Đây cũng chỉ là một hướng nghiên cứu, và hẳn nhiên còn rất nhiều hướng khác cần được tiếp cận để đào sâu hơn về hiến tế tạ ơn. Và, tất nhiên, nếu giả thuyết có giá trị, điều đó sẽ làm nổi bật đặc tính hiến tế của nghi lễ tạ ơn.

IV. Bữa tiệc ly của Chúa Giêsu


Như đã nói, bữa tiệc tạ ơn (bữa tiệc Thánh Thể) thâu tóm mọi kiểu tiệc thông dụng nơi Do thái giáo, và khoác cho chúng một giá trị mới. Ba truyền thống khác nhau giúp chúng ta xác định được việc thiết lập bữa Tiệc ly : không thể quy gán tiên thiên truyền thống này hơn truyền thống kia. Ở đây, không tìm xem truyền thống nào được coi là nguồn gốc : truyền thống Maccô biên soạn theo kiểu Palestin; hay truyền thống Phaolô đã Hy-lạp hoá đôi chút, hoặc truyền thống Luca, song chỉ tổng hợp những điểm chung của ba truyền thống này :

1. Tiệc ly, trước tiên là một bữa tiệc : Trong bữa Tiệc ly có hai nghi thức chúc tụng : trên bánh và trên rượu vào cuối bữa tiệc (1Cr 11,25) và sau nghi thức tách biệt khỏi bữa ăn trở thành một nghi thức độc lập ( Cr 10,17). Buổi đầu, việc bẻ bánh cách cộng đoàn diễn ra hàng ngày (Cv 2,46; 6,1), nhưng vào khoảng từ năm 100, việc này chỉ diễn ra vào ngày Chúa Nhật (Cv 20,7.11; Pline, Lettre à Trajan, Ep 10,36).

2. Tiệc ly là một bữa tiệc cộng đoàn, bữa tiệc của Chúa Giêsu và nhóm mười hai khác với bữa tiệc gia đình. Việc mời gọi bẻ bánh và chia sẻ bánh và rượu nói lên chiều kích này.

3. Tiệc ly là một bữa tiệc từ biệt, như đã thấy trong Mc 14,25 (“Thầy sẽ không còn uống chén này nữa”), và trong 1Cr 11,23 (“trong đêm Người bị nộp”) và diễn từ từ biệt nơi Tin mừng Gioan. Bởi đó, bữa tiệc ly tương tự như những bữa tiệc từ biệt của các bậc Kỳ mục (St 27; Jubilés 22 và 31; Test. Nepht 1,1-11).

4. Tiệc ly là một bữa tiệc lễ hội : khách mời nằm trên đi-văng (Mc 14,18). Đó là một bữa tiệc tưởng nhớ (“zikkarôn”) như đã thấy trong 1Cr 11,25 và Lc 22,19. Bởi đó, bữa Tiệc ly tựa như những bữa tiệc lễ hội nơi Đền thờ, nơi Hội đường hay nơi những nhóm hội.

5. Tiệc ly là một bữa tiệc Giao ước, theo như mô tả của sách Xuất hành 24 (việc lập giao ước thường theo sau đó là một bữa tiệc), như thấy trong Mc 14,24 (“Máu Thầy là máu Giao ước”) và trong 1Cr 11,25 (“Chén của Giao ước mới bằng máu Thầy”). Bởi đó Tiệc ly tương tự như những bữa tiệc ngày lễ Ngũ tuần, là ngày lễ Giao ước trong một số địa hạt Do Thái.

6. Tiệc ly là một bữa tiệc vượt qua, hay chính xác hơn, là một bữa tiệc diễn ra trong bối cảnh vượt qua. Điều này thấy rõ nơi Lc 22,15 và trong trình thuật ở Mc 14,12-16. Và bên trên, đã có lần chúng ta minh chứng sự đồng hóa giữa Tiệc ly với bữa tiệc Vượt qua. Dĩ nhiên, yếu tố Vượt qua không bị giản hóa vào bữa tiệc ly. Vượt qua còn bao hàm nhiều chủ đề khác nữa : việc giải thoát, ơn cứu chuộc, việc chờ đợi đấng Cứu thế và tất nhiên cả hiến tế Isaac (St 22).

7. Tiệc ly là một bữa tiệc tạ ơn. Bữa tiệc của Chúa hẳn không phải là bữa tiệc bình thường. Đây là một bữa tiệc thánh hiến thay cho bữa tiệc tế tự trong Đền thờ. Bánh và rượu thực sự trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, và là dấu chỉ bí tích về Thân Thể của Người.

8. Bữa tiệc ly là một bữa tiệc hiến thánh. Có nhiều yếu tố nhấn mạnh tới đặc tính hiến thánh của bữa Tiệc ly; hiến tế tạ ơn (tôdah), hiến tế giao ước, hiến tế chiên vượt qua, ám chỉ tới Người Tôi Trung (Is 53,12); việc máu đã đổ ra (1Cr 11,24; Lc 22,20 Mc 14,24) rõ ràng nhắc nhớ về hiến tế xá tội (Mc 10,45). Sau cùng, sự chia sẻ bánh và rượu, mình và máu, gợi nhớ lại cái chết khổ nạn (xc. 1Cr 11,26 : “Anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.”)

9. Tiệc ly là một bữa tiệc Messia và cánh chung. Bối cảnh vượt qua gợi đến việc giải thoát của Đấng Mêsia; việc ban tặng bánh sự sống (Ga 6,1-58) gợi lại man-na của Thiên Chúa. Bữa tiệc ly của Chúa Giêsu là một cử chỉ cứu thế (geste messianique), mong đợi yến tiệc trong Vương Quốc (Mc 14,25; Lc 22,15 tt; 1Cr 11,26 : “Cho tới ngày Người lại đến.”)

10. Bữa tiệc ly là một bữa tiệc tưởng nhớ : “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ tới Thầy”. Lời của Chúa Kitô nối kết cách mật thiết tới tất cả những bữa tiệc Kitô giáo, mà bữa Tiệc ly trở thành nguyên mẫu : Cv 2,42; 20,27; 1Cr 10,14 và 11,2 tt. Bữa tiệc của Chúa trở thành việc tưởng nhớ hy tế của Người, trong đó Lời của Người vẫn giữ được nét uyên nguyên và vẫn thể hiện được chiều kích hiện tại. Một nghi lễ được hiện tại hóa.

Đinh Khắc Vịnh lược dịch 

Les Repas Juifs et l’Eucharistie, Faculté de Théologie de Lyon
______

[1] Người Do Thái có thói quen bẻ bánh, nhưng hạn từ “bẻ bánh” thì họ không quen và có vẻ xa lạ đối với họ. Hạn từ này có thể đã xuất hiện trong cộng đồng Kitô hữu.

[2] Khoản luật này thực khó thực hiện được; và những người Pharisêu đã sắp xếp lại. Những Pharisêu không phải là các giáo phái, họ lo lắng cho dân chúng và những “hoạt động mục vụ”. Vì rằng không thể sát tế cùng một lúc hàng chục ngàn con chiên ngay nơi những sân trước của đền thờ được, bởi đó những người Pharisêu mới cho phép việc sát tế này được bắt đầu từ khoảng hai giờ chiều; và thậm chí, khi ngày 15 tháng Nissan rơi vào ngày Thứ Bảy, người ta có thể sát tế chiên vào lúc một giờ chiều. Bởi đó ở Golgotha, đã không còn một người nào, nếu không kể một vài thành viên trong gia đình của Chúa Giêsu, tất cả mọi người, Kỳ mục, người Do Thái đều trở về Đền thờ; và bởi đó, trong cô đơn, Chúa Giêsu đã trút hơi thở cuối cùng, và người ta nghe thấy một tiếng động dữ dội : hàng ngàn con chiên bị sát tế chỉ cách đó vài trăm mét.

[3] “Shelamim” là số nhiều của shelam; hạn từ rất quen thuộc, xc. “Shalom”, tôi cầu chúc bạn tràn đầy những điều tốt đẹp ! Lễ hiến tế shelamim là lễ hiến tế đầy đủ và cộng đoàn (communion)