Thời sự Thần học - Số 56, tháng 5/2012, tr. 88-117
Renato Di Menna
Bài này được trích từ bộ “Từ điển Thần học Mục vụ Sức Khỏe” (Dizionario di Teologia Pastorale Sanitaria, a cura di G. Cinà – E. Locci – C. Rocchetta – L. Sandrin, Edizioni Camilliane, Torino 1997, trang 830-840)[1]. Lưu ý về từ ngữ. Tại Việt Nam, tên của cơ quan chính phủ phụ trách các người bệnh là “Bộ Y Tế”, nhưng được dịch sang tiếng Anh là “Ministry of Health” (Bộ Sức khỏe). Tương tự như vậy, tựa đề của bài viết là “Mục vụ sức khoẻ” (Pastorale sanitaria, pastorale della salute) mặc dù nói đến việc “chăm sóc người bệnh” (Y = chữa bệnh); vì thế tuỳ theo mạch văn sẽ được dịch là “y tế” hay “sức khoẻ”. Mục vụ sức khoẻ không chỉ là một ngành chuyên khoa của thần học mục vụ nhưng còn là một lãnh vực hoạt động mục vụ của Giáo hội.
Bài này được viết trong khung cảnh nước Ý, nơi mà bên cạnh các bệnh viện công còn có những bệnh viện tư, phần lớn do các tu sĩ đảm trách; hơn nữa, ngay tại các bệnh viện công cũng có sự hiện diện của các linh mục tuyên uý hoặc nữ tu y tá. Dù vậy thiết tưởng những suy tư về mục vụ y tế ở đây không phải là vô ích cho các độc giả ở Việt Nam, nơi mà vấn đề chưa được quan tâm đúng mức.
Chúng tôi viết về “Mục vụ sức khoẻ” đang khi cuộc tranh luận về bản chất của “Mục vụ” vẫn còn đang tiếp diễn. Người ta chưa nhất trí trong việc định nghĩa môn “Thần học mục vụ”, hoặc phân biệt giữa “việc mục vụ” và “thần học mục vụ”. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn dài dòng với nguồn gốc và bản tính của Thần học mục vụ, nhưng đi thẳng vào vấn đề mục vụ sức khoẻ, với thứ tự trình bày qua bốn điểm sau đây:
- Sự hiện diện của Hội thánh trong lãnh vực y tế, nêu bật vài khía cạnh mục vụ của nó.
- Quan niệm mới về sức khỏe và những hệ luận đối với mục vụ sức khoẻ. Trong bối cảnh này, chúng tôi sẽ đề cập đến các nhân viên mục vụ sức khoẻ.
- Những giai đoạn trong cuộc đời cần đến mục vụ sức khoẻ cách riêng.
- Sau cùng là vài suy tư về “tuyên uý bệnh viện” như là một trung tâm phối hợp mục vụ sức khoẻ.
1. Sự hiện diện của Hội thánh trong giới y tế
1.1 Những khía cạnh của một sự hiện diện chữa lành
Tôi xin mở đầu những suy tư với những lời của Chúa Giêsu khi sai các môn đệ: “dọc đường, các con hãy rao giảng rằng: Nước Thiên Chúa đã gần, hãy chữa lành người bệnh, hãy cho người chết chỗi dậy, hãy tẩy sạch những người phong, hãy khử trừ ma quỷ; các con đã được cho không thì cũng hãy cho không như vậy” (Mt l0,7‑8).
Mệnh lệnh này tiên vàn nhắm đến các thánh tông đồ, nhưng không thiếu những lời tương tự mà Chúa Giêsu nói với các tín hữu bình thường. Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng Marcô: “Đây là những phép lạ sẽ đi kèm theo những người có lòng tin: họ sẽ khử trừ ma quỷ nhân danh Thầy và giả như họ uống phải thuốc độc thì cũng không bị hại; họ sẽ đặt tay lên người bệnh và người bệnh sẽ được lành” (Mc 16,17). Thánh Phaolô đã củng cố những lời của Chúa Giêsu khi chứng nhận đặc sủng chữa bệnh tại Giáo hội Côrintô (1 Cr 12,9.28) và lá thư của thánh Giacôbê xác nhận khung cảnh cộng đồng của việc chữa bệnh trong Hội thánh tiên khởi và mạc khải về một bí tích dành cho người bệnh.
Hoạt động chữa trị của Hội thánh trong những thế kỷ đầu tiên. Truyền thống Kitô giáo đã ghi nhận hoạt động chữa lành kể cả sau thời các thánh tông đồ, chẳng hạn qua chứng tích của Irênêô, Giustinô, Clêmentê Alessandria, Origène, Hippolitô Rôma và Hilariô (Langella A, 1994, 86-137)[2]. Ngoài hoạt động chữa bệnh mang tính đặc sủng, truyền thống ấy cũng kể lại ơn gọi phục vụ, trợ giúp và chữa trị mang tính chuyên môn. Đức giáo hoàng Fabianô (lãnh đạo Giáo hội từ năm 236 đến năm 250) đã phân chia thành phố Rôma thành bảy hạt, và giao cho bảy trợ tá để họ phụ trách việc chăm sóc giúp đỡ những người túng thiếu. Năm 335, hoàng đế Costantinô đã nhìn nhận trách nhiệm của các giám mục và giao cho các ngài toàn quyền cai quản những nơi chữa trị và cứu trợ.
Từ thế kỷ thứ IV trở đi, các đan sĩ đã giữ một vai trò cơ bản trong việc phát triển công tác y tế. Những đan viện trở thành trung tâm văn hoá và y tế, không những đối với các anh em đau yếu được hiến pháp minh thị nhắc đến mà còn đối với các lữ khách. Nhiều đan viện được thiết lập nhằm tạo ra một nơi chữa trị dành cho các lữ khách hành hương thánh địa.
Hoạt động chữa trị của Giáo hội vào thời Trung cổ. Dưới thời phong kiến, các hiệp sĩ cũng góp phần vào việc phát triển công tác y tế. Thể chế các hiệp sĩ ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi của các lãnh chúa, nhưng đã được Giáo hội biến đổi thành dụng cụ phục vụ công lý và những kẻ yếu ớt bị chèn ép: người hiệp sĩ tuyên thệ bảo vệ nhà thờ và những người yếu ớt, che chở những người bệnh, những người phong hủi và những lữ hành. Từ đó ra đời các Dòng Hiệp sĩ và Đạo binh với mục tiêu cứu trợ.
Cuối thời Trung cổ, vào giai đoạn các công xã, chúng ta thấy một phần những tổ chức y tế được chuyển sang các cơ quan dân chính. Những tổ chức này, ít là vào buổi ban đầu, đã thiết lập các cơ sở y tế sát cánh với Giáo hội chứ không phải thay thế. Vào thời này, mối quan tâm đặc biệt được dành cho những nạn nhân bệnh dịch tễ và bệnh phong hủi. Những traị phong được thiết lập, và quy chế dự trù sự hiện diện của cha tuyên uý cũng như bổn phận của bệnh nhân phải đi xưng tội. Quy tắc này đặt trên giả thiết rằng sự bình an nội tâm giúp cho việc hồi phục sức khoẻ thể xác.
Hoạt động của Giáo hội từ thời Phục hưng đến thời sau công đồng Trentô. Sang thời Phục hưng, việc quản trị các bệnh viện dần dần được chuyển từ các cơ quan tôn giáo sang các cơ quan dân sự. Người ta xây cất nhiều bệnh viện đồ sộ, nhưng được quan niệm như là công trình nghệ thuật hơn là nơi chữa bệnh. Các kỹ sư và kiến trúc sư tìm cách thiết kế những cơ sở hoành tráng với mục đích lưu danh các ông hoàng tại địa phương. Tuy nhiên, sự tăng tiến về chiều kích bên ngoài không tương ứng với phẩm chất phục vụ bệnh nhân. Các dòng bệnh viện được thiết lập thời Trung Cổ dần dần rời bỏ các bệnh viện, và bệnh nhân không còn được nhìn như một người anh em trong Chúa Kitô nữa, nhưng như là một công dân có những quyền lợi. Việc phục vụ người bệnh trở thành một công tác không có tình nghĩa, một bổn phận công bằng hơn là một yêu sách bác ái.
Giáo hội đã phản ứng lại tình trạng này qua những con người mạnh dạn, nhiều sáng kiến, được đức tin và lòng mến thúc đẩy, đã dấn thân vào việc cải thiện các bệnh viện cả về tinh thần lẫn về kỹ thuật. Trong số những vị sáng lập Dòng phụ trách bệnh viện vào thời này, cần nhắc đến thánh Gioan Thiên Chúa (1495-1550), thánh Camillô de Lellis (1550‑1614), người đầu tiên đã mang biểu tượng chữ thập đỏ vào bệnh viện, và đã soạn những Quy luật phục vụ chu đáo những người bệnh; thánh Vinhsơn Phaolô (1575‑1660).
Phong trào đổi mới và mang tình người vào các bệnh viện đạt đến cao độ nhờ sự hiện diện đông đảo của các nữ tu trong các cơ sở y tế. Cho đến công đồng Trentô, hoạt động của nữ giới chỉ mang tính cách cá nhân hoặc giới hạn vào vài tổ chức tư nhân. Giờ đây, nhờ sáng kiến của thánh Vinh sơn Phaolô, nó mang một tầm mức rộng lớn. Để có một ý tưởng về điều này chỉ cần nghĩ đến sự bành trướng của Dòng Nữ tử bác ái của thánh Vinh-sơn, các nữ tu bác ái của thánh Jeanne Antide Touret.
Giới y tế ngày nay. Vào những thế kỷ gần đây, quan niệm về y tế, sức khoẻ đã thay đổi hoàn toàn. Một đàng, những tiến bộ về y khoa và kỹ thuật đã chú trọng đến sức khoẻ hơn là bệnh tật. Đàng khác, các công dân ý thức rằng mình có quyền được hưởng những tiện ích của bệnh viện. Như vậy, bệnh viện không còn là “nhà thương” (nơi thể hiện tình thương giúp đỡ), nhưng là nơi mà chính phủ phải thi hành nghĩa vụ đối với nhân dân. Bệnh viện được tổ chức và điều hành theo những nguyên tắc của quản trị xí nghiệp. Trong bối cảnh này, Giáo hội coi như đã ra khỏi bệnh viện.
Tuy nhiên, chính trong bối cảnh mới này mà Giáo hội phải nghĩ lại về mục vụ chăm sóc bệnh nhân.
1.2. Những khía cạnh mục vụ của hoạt động y tế của Hội thánh
Lẽ ra chúng tôi phải lồng mục vụ sức khoẻ trong toàn thể hoạt động của Hội thánh, nhưng, như đã nói ở nhập đề, chúng tôi chỉ đưa ra vài nhận định khái quát về các nhiệm vụ và thực hành của mục vụ sức khoẻ.
Trước hết, chúng ta hãy ôn lại những ý nghĩa của việc Chúa Giêsu chữa trị. Một cách tổng quát, chúng ta có thể nói rằng việc chữa trị biểu lộ sự hiện diện âu yếm của Thiên Chúa giữa loài thụ tạo, lòng ưu ái của Thiên Chúa đối với nhân loại khổ đau, sáng khởi của Ngài trong việc phục hồi toàn diện con người. Trong bối cảnh ấy, chúng ta không thể nào không chú ý đến ý nghĩa mà chính Đức Giêsu đã gán cho các cuộc chữa lành đó là: thời của Đấng Mêsia đã khởi đầu. Chúng ta hãy nhớ lại câu trả lời của Ngài cho các môn đệ của ông Gioan được cử đến để kiểm chứng xem Ngài có phải là Đấng Mêsia không. Chỉ tay về những cuộc chữa bệnh đang diễn ra chung quanh mình và đồng thời quy chiếu về những dấu hiệu mà các ngôn sứ loan báo về thời tương lai, Đức Giêsu nói: “Các ông hãy trở về kể cho ông Gioan những gì các ông đã nghe và thấy: những người mù nhìn thấy, những người què đi lại, những người phong được sạch, những người điếc nghe được, những người chết chỗi dậy, những người nghèo được loan báo tin mừng” (Mt 11,2‑3).
Tôi muốn nhấn mạnh đến hạn từ “dấu hiệu” được dùng để ám chỉ rằng các việc chữa bệnh của Đức Giêsu không phải là cùng đích, nhưng chỉ là những con đường, khởi sự cho một sự chữa lành diễn ra cho toàn thể con người. Với người bất toại ở Capharnaum, Đức Giêsu nói: “các tội lỗi của con được tha thứ”. Với người phong duy nhất trở lại để cám ơn vì đã được chữa lành thân xác, Chúa Giêsu mở rộng tầm nhìn về sự chữa trị và nói: “lòng tin đã cứu anh”. Như vậy, ý nghĩa hoạt động chữa bệnh của Đức Giêsu là: Thiên Chúa đang thực hiện công cuộc cứu độ nhờ việc làm và quyền năng tình thương của chính Đức Giêsu.
Chúng ta biết rằng sứ mạng của Hội thánh là tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu: làm cho đức Giêsu sống trong các chi thể của Ngài. Vì thế chúng ta có thể nói được rằng hoạt động của Hội thánh trong lãnh vực sức khoẻ - mục vụ y tế của Hội thánh – cần phải là diễn tả không những lòng ưu ái của Thiên Chúa đối với nhân loại khổ đau, nhưng còn là tháp tùng nhân loại khổ đau hướng về sự cứu độ, nghĩa là hướng đến việc thể hiện toàn diện về mặt tự nhiên và siêu nhiên, bất chấp tình trạng bệnh tật. Một tài liệu của Ủy ban Mục vụ Sức khoẻ của Hội đồng Giám mục Ý (CEI) đã viết: “Một con người là lành mạnh khi họ có thể thường xuyên có khả năng sống, qua việc sử dụng những quan năng và nghị lực trong tầm sở hữu của mình và thực sự có thể thi hành sứ mạng của mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khó khăn và đau đớn, và khi họ có khả năng phát triển trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, tình yêu hiến dâng trong Chúa Kitô đến mức tối ưu mà họ có thể thực hiện được vào lúc này” (CEI, 1982, 26). Quan niệm về sức khoẻ như vậy bao gồm một sự quân bình năng động giữa thân thể, tâm hồn và tinh thần, đồng thời bao hàm một sự hoà hợp giữa cá nhân với khung cảnh. Khái niệm này đề ra một cái nhìn tổng hợp về chiều rộng và tầm quan trọng của hoạt động mục vụ trong giới y tế.
Sau vài suy tư về những ý nghĩa của hoạt động chữa trị của Chúa Giêsu và về mục vụ sức khoẻ của Hội thánh, bây giờ tôi chuyển sang vài khía cạnh thực tiễn kể từ giai đoạn sau công đồng Trentô cho đến cuối thế kỷ XIX. Thiết nghĩ vấn đề “chăm sóc các linh hồn” vào giai đoạn ấy cần phải đặt trong khung cảnh đương thời của những dịch vụ mà bệnh viện có thể cung ứng cũng như điều kiện của các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Chúng ta biết rằng vào thời ấy những người được đưa vào bệnh viện thường lâm vào tình trạng sắp chết và cần được sự hỗ trợ cấp thời về tôn giáo. Tuy nhiên, chúng ta đừng bỏ qua sự hiện diện của những nhân vật như là Gioan Thiên Chúa, Camillô Lellis và Vinhsơn Phaolô, là những người theo gương Chúa Giêsu đã dùng việc giúp đỡ các bệnh nhân như là một phương thế để loan báo Tin Mừng và tìm cách cứu rỗi các linh hồn. Ngoài ra, chúng ta cũng nên nhắc đến vài tài liệu nổi tiếng về mục vụ y tế vào thời ấy và cũng cung cấp cho chúng ta một khái niệm về nếp văn hóa và thực hành chữa trị đương thời: Những tài liệu để giúp chết lành (Mansi, 1607); Adnotationes et decisiones morales, pro opportuno infirmis et muribundis auxilio praestando (Novati, 1636); Giúp bệnh nhân chết lành (Solfi, 1680). Tài liệu cuối cùng này trở thành cẩm nang phổ thông nhất về mục vụ y tế, được xuất bản 12 lần, lần cuối cùng tại Rôma năm 1880 (Sannazzaro P., 1986, 415-433).
Cũng vào thời này, trong lãnh vực thần học mục vụ tổng quát của Giáo hội, có nhiều sáng kiến đã ảnh hưởng đến phong cách và nội dung các giáo trình mục vụ về việc chăm sóc các bệnh nhân. Tôi muốn nói đến việc thành lập phân khoa thần học mục vụ ở Vienne năm 1774, do ý muốn của Nữ hoàng Maria Têrêsa Asburgo. Viện phụ Stêphanô Rautenstrauch dòng Biển đức (1734 ‑ 1785), người sáng lập phân khoa, quan niệm mục vụ như là: “việc truyền thụ cách hệ thống về những nghĩa vụ của mục tử và về cách thực hành”. Nói cách khác, đó là một môn học chuẩn bị cho các linh mục “coi sóc các linh hồn” (cura animarum), nặng về thực hành hơn là suy tư thần học, mặc dù mang tên là thần học mục vụ.
Kế đó Michael Sailer (1751‑1822) và Anton Graf (1817‑1867) tìm cách tăng thêm tính cách thần học trong việc dạy mục vụ, nhưng các cố gắng của họ không được hưởng ứng. Sau đó, giáo trình của Ignaz Schuch – với lập trường rất sát Rautenstrauch – trở thành cuốn sách cổ điển về thần học mục vụ, được phát hành lần đầu năm 1865 và được tái bản 20 lần (lần cuối vào năm 1924).
1.3. Những tiền đề cho một nền mục vụ mới
Vào những năm gần kề công đồng Vaticanô II, người ta cảm thấy cần phải tạo ra một nền tảng thần học mới để lồng môn mục vụ, kể cả mục vụ y tế. Franz Xavier Arnold († 1969), một chuyên gia về mục vụ ở Tubinga, mang lại cho mục vụ những suy tư về bản tính thần học và sứ mạng của nó. Đối với Arnold, hoạt động mục chỉ được thực hành đúng đắn khi lưu ý đến chiều kích thiên linh và nhân bản; nói cách khác, chỉ khi nào hoạt động mục vụ được đồng thời xây dựng trên mạc khải và thời đại (Seveso B., 1977, 94).
Karl Rahner cũng theo hướng đi của Arnold và phần nào làm sáng tỏ vấn đề hơn. Một trực giác độc đáo của Rahner là hoạt động của Hội thánh phải tuỳ thuộc vào thực trạng của thế giới. Dựa theo tư tưởng này, thần học mục vụ có thể định nghĩa như là: “suy tư thần học về toàn bộ những hoạt động mà Giáo hội thể hiện chính mình, ngõ hầu xác định phải thực thi các hoạt động ấy như thế nào chiếu theo bản chất của Giáo hội và tình hình hiện tại của Giáo hội và của thế giới” (Szentmártoni M., 1992, 9). Trong định nghĩa này, đối tượng mô hình của thần học mục vụ là cách thức thể hiện của Hội thánh dựa theo “tình trạng hiện tại”. Thực vậy “tình trạng hiện tại” chi phối sự thể hiện Hội thánh, và trở nên một yếu tố cấu thành của hoạt động mục vụ.
Tư tưởng của Arnold và Rahner đã gây ảnh hưởng sâu đậm, đặc biệt trong ngành mục vụ y tế, nơi mà tình trạng của bệnh tật và đau khổ bắt buộc Giáo hội phải suy xét về đường lối hoạt động, cách riêng nhằm đạt được sứ mạng trở nên hoàn thiện giống như Cha trên trời. Vì thế, vấn đề mục vụ trong ngành y tế được đặt lên từ nhiều góc độ: bản chất của việc mục vụ, việc phân chia thành những vùng hoạt động, dựa theo lãnh thổ cũng như dựa trên yếu tố nhân bản, về mục vụ y tế nhìn trong toàn bộ chương trình mục vụ của Giáo hội, việc đào tạo nhân viên chuyên môn.
Kể cả huấn quyền của Giáo hội cũng quan tâm đến vấn đề sức khoẻ và đau khổ. Công đồng Vaticanô II đã long trọng tái khẳng định rằng những công tác bác ái là thành phần của sứ mạng Hội thánh, và vì thế trở nên một quyền lợi không thể chuyển nhượng của Hội thánh (AA, 8). Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã thành lập “Hội đồng Toà thánh về mục vụ nhân viên y tế”, và quyết định lấy ngày 11 tháng 2 mỗi năm là “Ngày Quốc tế bệnh nhân”. Ngoài ra ngài còn ban hành tông thư Salvifici doloris vào ngày 11/2/ 1984 và tự sắc Dolentium hominum, ngày 11/2/1985 bàn về vấn đề đau khổ. Một văn kiện rất quan trọng đối với mục vụ y tế là tài liệu của Hội đồng Giám mục nước Ý năm 1989 mang tựa đề: Mục vụ sức khoẻ trong Giáo hội Ý. Những đường hướng mục vụ y tế.
2. Quan niệm mới về sức khoẻ và những viễn tượng cho một nền mục vụ mới về mục vụ sức khoẻ
Phần thứ hai của bài được coi như quảng diễn những điều nói trong “1.2.” e “1.3.” trên đây. Tôi muốn nêu bật những yếu tố có thể giúp chúng ta xác định những đặc tính nền tảng của mục vụ sức khoẻ, và những yêu sách ưu tiên của hành động. Nói khác đi, tôi muốn nêu bật những yếu tố có thể giúp chúng hiểu biết về bản chất và nhiệm vụ của mục vụ sức khoẻ. Ngoài ra, khi phân tích vấn đề, tôi cũng đề cập đến những nhân viên của ngành mục vụ này.
2.1. Quan niệm về sức khoẻ và ảnh hưởng đối với mục vụ sức khoẻ
Người ta bắt đầu nói đến một quan niệm mới về sức khoẻ kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (OMS: Organisation Mondiale de la Santé - WHO: World Health Organization) muốn định nghĩa sức khoẻ cách tích cực, chứ không dựa theo bệnh tật là một điều thiếu thốn. Theo quan niệm mới này, sức khỏe không chỉ được móc nối với các nhân tố thể lý và cơ quan mà còn với chiều kích tâm lý và tinh thần của con người; sự móc nối này liên quan đến khung cảnh vật lý, tình cảm, xã hội và luân lý nơi con người sinh sống và hoạt động, và tạo ra một sự hoà hợp sâu xa giữ sức khoẻ, phẩm chất của nếp sống và hạnh phúc.
Khi nói đến quan niệm mới về sức khỏe, ta không được phép bỏ qua bất cứ chiều kích nào vừa kể, bởi vì nếu chúng ta chỉ dừng lại ở chỗ thiếu sức khoẻ thể lý và ở chỗ thoải mái tâm lý xã hội, theo như định nghĩa của OMS, thì chúng ta sẽ mở cửa cho những quan niệm lệch lạc về sức khoẻ. Tôi muốn nói đến những cuộc phá thai với lý do là chúng gây ra sự bất ổn cho bà mẹ.
“Tương ứng với quan niệm mới về sức khoẻ, quan niệm về bệnh tật cũng thay đổi: bệnh tật không còn chỉ được xem như là bệnh hoạn có thể nhận thấy qua sự phân tích trong phòng thí nghiệm; bệnh tật có thể hiểu như là tình trạng phiền toái trong cuộc đời, do hậu quả của những lựa chọn nếp sống, thay đổi các giá trị, và quản lý sai trái về khung cảnh vật chất của con người” (Nota CEI, n. 7).
Đi từ những nhận định này, chúng ta thấy rõ rệt hơn định nghĩa về con người lành mạnh nói trong tiết “1.2” của phần thứ nhất: một con người gọi là lành mạnh khi thường xuyên có khả năng sống cách tích cực tình trạng hiện tại và những nguồn lực cụ thể hiện có. Khi tôi nói đến “cách tích cực” thì tôi hiểu như là thuận lợi cho sự tăng trưởng cá nhân xét như thụ tạo và xét như con cái Chúa nhờ ân sủng Ngài ban. Tôi muốn nhấn mạnh tới việc đối chiếu giữa người “lành mạnh” với người có khả năng thường xuyên “sống cách tích cực”, bởi vì điều này tạo nên một điểm cơ bản trong việc thiết lập những nhiệm vụ của mục vụ sức khoẻ.
Thực vậy, tương ứng với khả năng sống tích cực là ơn gọi căn bản của con người phải luôn trở nên tốt hơn, phải luôn trở nên người hơn; ơn gọi phải tăng trưởng bản thân dựa trên khả năng tăng tiến lòng yêu mến tự hiến trong mọi cuộc tiếp xúc với những con người cụ thể mà ta tiếp xúc và trong mọi hoàn cảnh xảy đến, kể cả những hoàn cảnh cam go và đau đớn nhất.
Dưới nhãn quan Kitô giáo, quan niệm về sức khoẻ như là khả năng thường xuyên sống tích cực ơn gọi của mình cũng bao hàm những sự cam kết của người đã được rửa tội; một cách tương tự như vậy, quan niệm về sức khoẻ cũng bao hàm việc sống trong Đức Kitô cách chân thực và trưởng thành: sống lành mạnh cũng là sống thánh thiện. Thực vậy, thánh thiện là người Kitô hữu lúc nào cũng sống hết mình cho tình yêu, sử dụng hết tất cả mọi nguồn lực của mình (Di Menna R., 1981, 233).Trong bối cảnh ấy, chúng ta hiểu rõ hơn định nghĩa của Hội đồng giám mục nước Ý về mục vụ y tế như là “sự hiện diện và hoạt động của Giáo hội nhằm mang lại ánh sáng và ân sủng của Chúa đến với những người đau khổ và những người chăm sóc họ” (CEI Nota, n. 19). Trong định nghĩa này, sự hiện diện và hoạt động của Giáo hội trong giới y tế bao trùm trong cùng một mối quan tâm và tương quan: người bệnh và các thân nhân của họ là những người cần được nâng đỡ để sống cuộc thử thách gây ra do cơn bệnh của người trong nhà; những nhân viên y tế là những người cần được huấn luyện về ý thức nghề nghiệp ngõ hầu có thể phục vụ tận tình và biết tôn trọng bệnh nhân. Nói cách khác, mục vụ y tế có nhiệm vụ kết nạp tất cả lực lượng chung quanh người bệnh để nâng đỡ họ về tinh thần và giúp họ chấp nhận và đánh giá tình trạng đau khổ của mình, kể cả bằng cách đồng hành nhờ lời cầu nguyện và ơn thánh của bí tích, ngõ hầu đương sự đáp ứng ơn gọi cơ bản của một con người và của một Kitô hữu.
Chúng ta quá biết rằng bệnh tật cũng có thể là một thách đố cho đời sống đạo của người bệnh. Thực vậy, khi đau ốm, nhất là cơn bệnh nặng, thì sự sợ chết và những lo âu cho những người thân của mình có thể gây ra những thử thách trầm trọng cho nếp sống đạo cá nhân của họ. Ít là trong những giờ phút đầu, họ có thể quy gán cho Thiên Chúa như là kẻ gây ra sự đau khổ, hoặc ít là kẻ hờ hững chẳng quan tâm gì đến nỗi khổ của thụ tạo. Do đó, việc chăm sóc tinh thần cần phải mang lại cho người bệnh một sứ điệp đức tin, và cung cấp cho họ một đường hướng khám phá ra ý nghĩa ngõ hầu sống cách tích cực sự đau khổ của mình.
2.2. Những yêu sách cho một nền mục vụ y tế được cụ thể và hữu hiệu
Từ những suy tư vừa rồi liên quan đến quan niệm về sức khoẻ và bệnh tật, ta thấy rằng Mục vụ y tế không thể nào chỉ giới hạn vào một hướng hành động. Tuy rằng việc loan báo Tin Mừng và cử hành bí tích vẫn là những trụ cột nền tảng của mục vụ y tế, nhưng trong số những chức năng của ngành này, chúng ta phải kể đến việc thăng tiến nhân bản,sức khoẻ và xã hội của các bệnh nhân. Trong một bài tổng hợp như thế này, chúng tôi không thể đi sâu vào việc phân tích tất cả mọi yêu sách của mục vụ y tế, nhưng chỉ dừng lại ở một vài điểm cơ bản (CEI Nota, n. 21).
Loan báo Tin Mừng và huấn giáo. Tiên vàn, cần thiết “việc loan báo Tin Mừng về ý nghĩa đời sống, ý nghĩa của bệnh tật, đau khổ, sự chết, được suy nghĩ và diễn tả trung thực với những dữ kiện của mạc khải và truyền thống của Giáo hội. Vì thế cần phải công bố sứ điệp Tin Mừng cách trọn vẹn về những gì liên quan đến ơn gọi và cứu cánh của con người; cuộc sống đời này, từ bí tích Rửa tội cho đến bí tích Xức dầu bệnh nhân, được gắn kết với mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô” (CEI, Evangelizzazione e sacramenti della penitenza e dell’unzione degli infermi, 1974, n. 125).
Việc cử hành các bí tích. Trong các giáo xứ cũng như trong các bệnh viện, việc cử hành các bí tích là một trong những trụ cột cơ bản của mục vụ y tế. Sách “Nghi thức bí tích Xức dầu bệnh nhân và chăm sóc mục vụ những người bệnh” đã nói rõ ràng về cuộc gặp gỡ giữa các bệnh nhân với Chúa Kitô trong các bí tích và lời cầu nguyện, và gợi lên nhiều đường hướng quý giá về mục vụ.
Việc nhân đạo hóa việc trị bệnh và chăm sóc bệnh nhân. Điều này cũng nằm trong chương trình loan báo Tin Mừng, vì thế cũng là một trong những chức năng của mục vụ y tế. Trong việc cổ võ những dự án nhằm giúp cho những nơi điều trị có tình người hơn, hoặc hợp tác với những tiến trình đã bắt đầu, các nhân viên y tế và mục vụ mang lại một sự đóng góp tiêu biểu của quan điểm về nhân vị theo Kitô giáo.
Chú trọng đến những vấn đề luân lý. Cũng trong lãnh vực nhân đạo hóa ngành y tế chúng ta có kể đến một chức năng của mục vụ là mang lại những giải đáp thỏa đáng trước những vấn đề quan trọng được đặt ra do những tiến bộ khoa học và công nghệ trong ngành y học. Một nhân viên mục vụ y tế cần được chuẩn bị để chu toàn trách vụ này.
Sau cùng, mở rộng tầm mục vụ y tế từ bệnh viện đến lãnh thổ. Thực vậy, bệnh viện không còn được quan niệm như là một nơi biệt lập và tách rời khỏi thực tại xã hội tại nơi tọa lạc, nhưng như là một dịch vụ được kết hợp với những cơ cấu y tế khác, trong đó người dân cũng được tham gia và kiểm soát.
2.3. Nhân viên mục vụ y tế
Câu chuyện mở rộng tầm mục vụ y tế từ bệnh viện sang đến lãnh thổ tạo cơ hội để chúng ta bàn đến các nhân viên mục vụ y tế. Nhưng trước đó, nên nói sơ qua về cộng đồng Kitô hữu như là chủ thể đầu tiên của công việc tông đồ trong giới y tế.
Cộng đồng Kitô hữu là chủ thể đầu tiên của việc tông đồ trong giới y tế. Công đồng Vaticanô II, đặc biệt trong sắc lệnh về tông đô giáo dân Apostolicam actuositatem, đã mở rộng bổn phận làm tông đồ từ các mục tử sang toàn thể Dân Thiên Chúa. Công đồng viết: “Hội thánh được thành lập với mục tiêu là làm cho hết mọi người được thông dự vào ơn cứu rỗi đã được thủ đắc nhờ việc cứu chuộc, bằng cách quảng bá Vương quốc Chúa Kitô, và nhờ vậy mà quy hướng toàn thế giới về với Đức Kitô. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể nhắm đến mục tiêu ấy được gọi là công tác tông đồ: công tác này do Hội thánh thi hành nhờ tất cả các phần tử, bằng những phương thế khác nhau” (AA 2).
Chính trong bối cảnh này mà các cộng đồng Kitô hữu cần nhận thức về ân huệ và trách nhiệm được Chúa trao đối với những tín hữu bệnh tật, và đem đến cho họ niềm an ủi, lời Chúa, các bí tích, mối quan tâm huynh đệ. Nếu tại một cộng đồng Kitô hữu mà cũng diễn ra cảnh tượng thờ ơ tẻ lạnh giống như tại các cộng đồng khác thì nó không còn đáng mang danh nghĩa Kitô hữu nữa. Chúa Kitô thực sự hiện diện nơi những người già lão, nơi những người bệnh, nơi những người đau khổ và những người thất vọng. Một cộng đồng mà không được sinh động nhờ sự hiện diện ấy, không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi những người nghèo, không tôn kính sự hiện diện bằng hoạt động xã hội và bác ái thì không còn là Hội thánh sống động của Chúa Kitô nữa.
Trong nhãn giới đức tin như vậy, việc thăm viếng những người bệnh, những người già là một trách vụ của tất cả cộng đồng các Kitô hữu, và cách riêng là của cộng đồng giáo xứ. Vì thế, ước mong sao cho điều này không chỉ được nhắc nhở chung chung, nhưng tại mỗi giáo xứ cần phải thiết lập một uỷ ban phục vụ những người bệnh tật già lão, với nhiệm vụ phối hợp những sáng kiến riêng tư hay cộng đồng của các tín hữu: linh mục, tu sĩ, giáo dân. Tuy dù hiện nay giáo xứ không còn được xem như một đơn vị xã hội cơ bản đi nữa, nhưng giáo xứ vẫn chưa lỗi thời. Vì là một cộng đồng hữu hình và gần gũi, cho nên giáo xứ làm hiện thực cộng đồng Hội thánh tại một địa phương cụ thể.
Các chủ thể khác của việc mục vụ y tế. Trong số các Kitô hữu được mời gọi tham gia mục vụ y tế, đứng đầu là chính các người bệnh. Tông huấn Christifideles laici không ngần ngại quả quyết rằng “cả những người bệnh cũng được Chúa phái vào làm việc trong vườn nho” (CfL số 53). Thực vậy, các người bệnh, nhờ sự kết hợp vào mầu nhiệm Vượt qua, có thể biến sự đau khổ của mình thành thời điểm của ân huệ cho mình và cho những người khác, khi nhận thấy nơi sự đau khổ và bệnh tật một ơn gọi yêu thương nhiều hơn, một lời mời gọi tham dự vào tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại (Đức Gioan Phaolô II, Osservatore Romano 124/1987, n. 125).
Một nhóm người khác vốn được nhìn nhận như là nhân viên mục vụ y tế đó là các thân nhân của người bệnh, các nhân viên tôn giáo tại các ngành y tế, các tu sĩ với đặc sủng phục vụ trong ngành y tế, các nhân viên y tế gia nhập những hiệp hội công giáo chuyên nghiệp, các giáo dân sáng lập hay quản lý các cơ sở y tế, và sau cùng các thiện nguyện viên tình nguyện phục vụ bệnh nhân. Lẽ ra tôi phải trình bày ý nghĩa của việc tham gia mục vụ riêng cho mỗi nhóm vừa kể, nhưng khuôn khổ bài này không cho phép. Tôi chỉ có thể dành riêng một tiết mục ở phần kết luận cho các vị tuyên uý bệnh viện, là những linh mục được đức Giám mục uỷ thác việc chăm sóc cách thường trực những người bệnh, thân nhân của họ và các nhân viên y tế trong bệnh viện.
3. Những giai đoạn trong cuộc đời cần đến mục vụ sức khoẻ cách riêng
Vào những thập niên gần đây, một vài giai đoạn trong cuộc đời được coi như thời điểm “chủ chốt” của công tác mục vụ, nghĩa là những thời điểm mà Hội thánh có thể “tới gần những kẻ xa lạ”, để loan báo Tin Mừng và trình bày giáo lý dựa theo những niềm mong đợi trong những hoàn cảnh cụ thể. Công cuộc loan báo Tin Mừng như thế sẽ làm cho con người cảm nghiệm được sự gần gũi của Hội thánh vào những giai đoạn then chốt của cuộc đời, và giúp họ gắn bó với Hội thánh một cách trưởng thành.
Những giai đoạn cuộc đời có liên quan đặc biệt với mục vụ y tế là: 1. sinh đẻ và nhi đồng; 2. đau ốm và chết; 3. già nua và tuổi già. Trong phần này, tôi sẽ nêu bật một vài khía cạnh của những giai đoạn ấy đối với mục vụ y tế.
3.1. Sinh đẻ và nhi đồng
Sinh đẻ. Trước đây việc sinh đẻ diễn ra tại nhà và không cần biện pháp đặc biệt nào ngoại trừ sự hiện diện của một người hộ sinh. Ngày nay, việc sinh một hài nhi là kết quả của một sự quyết định và một sự lựa chọn mà y khoa có thể hỗ trợ nhờ việc khám phá những tiến trình sinh sản. Ngoài ra, trước đây, việc chăm sóc hài nhi (xét về y khoa cũng như tôn giáo) bắt đầu từ lúc chào đời; còn ngày nay, nó bắt đầu từ lúc thụ thai. Thực vậy, kể từ khi biết rằng mình mang thai, thì người phụ nữ chọn lựa một bác sĩ hay một hộ sinh để theo dõi và cố vấn cho mình. Thời kỳ mang thai trở thành một giai đoạn chuẩn bị rất tế nhị đối với cha mẹ. Tiếc rằng thường Giáo hội còn vắng mặt trong giai đoạn này, nhưng đã đến lúc cần ý thức rằng đây là thời cơ thuận tiện cho mục vụ: có thể nói được rằng đời sống đôi lứa với con cái bắt đầu kể từ lúc ấy. Sự thán phục trước một sự sống mới và ý thức về tính siêu việt của sự sống là những giá trị rất cao quý và tế nhị, và cung cấp cho Hội thánh một cơ hội quý giá cho cuộc đối thoại.
Việc chăm sóc các nhi đồng bị bệnh và phải điều trị. Cho đến nay, bác sĩ và những ai làm việc tại các bệnh viện nhi đồng thường quan tâm đến bệnh của em bé và việc chữa trị thể lý, nhưng họ coi nhẹ sự tổn thương tâm lý do bệnh tật gây ra. Thế nhưng những cuộc nghiên cứu đều đồng thanh kết luận rằng cần phải tạo ra một sự chữa trị tâm lý nhi đồng biết quan tâm đến các yếu tố tâm lý và tình cảm của chúng, bên cạnh những khía cạnh cơ thể.
Kiến trúc hiện đại của các bệnh viện đã mang lại nhiều hiệu năng xét về mặt kỹ thuật, nhưng vẫn chưa giảm bớt bầu không khí tẻ lạnh. Vì thế, trong tầm mức mà ban điều hành bệnh viện đồng ý, thiết tưởng nên để cho các bà mẹ được chăm sóc các em bé, ít là những em dưới 6 tuổi. Sự hiện diện của bà mẹ sẽ giúp cho các em tránh được nỗi lo lắng hãi hùng khi xa cách khung cảnh gia đình, và sẽ mang lại sự trấn an khi gặp những hoàn cảnh trắc trở. Việc giảm bớt những khó khăn về cảm xúc sẽ giúp cho sự chữa trị được tiến hành tốt đẹp hơn.
3.2. Bệnh tật và chết chóc
Bệnh tật và những biến chứng. Ở đây bệnh tật được hiểu là bệnh nặng, nghĩa là cơn bệnh mà không chắc có thể chữa được không. Người bệnh nằm bất động trên giường, suy đi ngẫm lại về tình trạng của mình. Bao lâu thấy rằng bệnh sẽ qua đi thì người bệnh ít nghĩ đến thân phận mỏng dòn và những nguy cơ sẽ đến, nhưng đến khi cơn bệnh bắt đầu hạn chế sự tự lập và kết quả không chắc chắn thì ông ta mới bắt đầu suy nghĩ về điều gì mà tương lai sẽ dành cho mình.
Tình trạng căng thẳng này trở thành phức tạp hơn nữa hoặc do tầm mức trưởng thành nội tâm của người bệnh, hoặc do những cơ cấu của bệnh viện không tạo ra sự dễ dàng cho cuộc đối thoại. Các bệnh viện hiện đại chỉ có thể trấn an người bệnh một phần nào thôi, nhưng nhìn chung thì không phải là nơi đối thoại. Bệnh viện là một xí nghiệp tuân theo những định luật kinh tế, nhằm đến hiệu năng và lợi nhuận. Các nhân viên không có thời giờ nói chuyện với người bệnh, đang khi người bệnh lại rất cần một lời nói, một sự giải thích.
Đây chính là môi trường của mục vụ y tế. Mục vụ y tế trở nên cần thiết bởi vì người bệnh muốn được đối xử hợp với tình người vào lúc mình gặp khủng hoảng, điều mà bệnh viện không lưu tâm tới. Ngoài những nhu cầu về thể xác, người bệnh còn có những nhu cầu khác nữa: họ cần đến sự tin tưởng, niềm hy vọng; họ cần được đón nhận, yêu thương, và có thể nhìn vào cuộc sống nội tâm của mình cách bình thản. (Zulehner P.M., 1992, 74). Mục vụ y tế cần phải làm cho mọi người hiểu rằng sự hiện diện của Kitô giáo tại bệnh viện là một điều tốt đẹp và cần thiết.
Cũng liên quan đến những yêu sách của mục vụ vừa nói trên đây, mục vụ y tế cũng cần lưu tâm đến những ngành chuyên khoa mới. Chúng ta hãy nghĩ tới những người mắc bệnh tâm thần, thần kinh, SIDA, nghiện ngập xì ke.
Bệnh vào giai đoạn cuối đời. Nói đến bệnh cuối đời có nghĩa là một thứ bệnh chắc chắn đưa đến cái chết: sự chẩn đoán kết luận rằng bệnh nhân sắp chết, nhưng chưa nhất thiết là ngày một ngày hai: có thể là sáu tháng, một năm hoặc hơn nữa, và bệnh nhân biết rõ điều đó.
Dĩ nhiên là những trường hợp này đòi hỏi phải vận dụng một thứ mục vụ đặc biệt. Thực vậy, sống giai đoạn cuối đời một cách tích cực là một thách đố không những đối với bệnh nhân mà còn đối với mục vụ và thần học nữa. Nỗi cô đơn của những người bệnh cần được làm vơi nhẹ nhờ những mối tương quan liên đới đầy tình yêu. Đứng trước tình trạng này, không ai được phép không bày tỏ cảm tình của mình, cách riêng là về phía Giáo hội. Chúng ta biết rằng tình cảm được bày tỏ không chỉ bằng lời nói, mà kể cả bằng sự thinh lặng, những cái nhìn, những cái vuốt ve âu yếm.
Mục vụ về việc đồng hành với những bệnh nhân vào lúc cuối đời cần được biến đổi thành sứ điệp hy vọng; cần phải đồng hành với bệnh nhân đến chỗ xác tín rằng Thiên Chúa không cho phép nhìn sự hấp hối và sự chết như là kết liễu cuộc đời này. Quả thực, trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã thiết lập một mối tương quan vượt qua cái chết nữa.
Những bệnh viện như được mô tả trên đây và các nhà dưỡng lão cổ truyền không phải là nơi thích hợp để đồng hành những bệnh nhân cuối đời. Một hình thức mới được thiết kế để đồng hành với những bệnh nhân cuối đời và thân nhân của họ là “Hospice”. Tổ chức này gồm một nhóm nhân viên chuyên môn, các bác sĩ, y tá, cán sự xã hội, các nhà lãnh đạo tinh thần thuộc nhiều tôn giáo, và các người thiện nguyện. “Hospice” không nhằm chữa trị một bệnh nhưng là giúp người sắp chết biết sống cái chết của mình, và đồng thời cũng giúp đỡ các thân nhân của họ nữa. Thực vậy, các thân nhân cũng tham gia vào việc đồng hành các bệnh nhân cuối đời, và nếu cần thì họ cũng được đồng hành sau khi người thân đã qua đời (Zulehner P.M., 1992, 43-46). Hình thức này là kết quả do những kinh nghiệm của bà Cicely Saunders, một nữ y tá người Anh. Sau nhiều năm học hỏi về ngành cán sự xã hội và y khoa, bà đã lập St. Christopher Hospice tại Luân-đôn năm 1967, trở thành một khuôn mẫu cho việc chăm sóc những người bệnh cuối đời.
Tuy nhiên ngày nay, càng ngày người ta càng yêu cầu được chết tại nhà riêng. Ước mong rằng điều này sẽ trở thành một tập tục. Một sự nâng đỡ dành cho gia đình và người thân có thể làm vơi đi những khó khăn, và cỗ võ tình liên đới giữa các thế hệ.
3.3. Già lão và cao niên
Khía cạnh xã hội y tế. Vấn đề những người cao niên và mục vụ người cao niên rất bao la và phức tạp; tôi chỉ đưa ra vài đường hướng suy nghĩ. Khi bàn về đề tài này, nhiều người đã không biết phân biệt giữa người cao niên và người già lão, và tất cả đều được đồng hóa với những người mắc bệnh và thậm chí bệnh kinh niên. Xem ra những người già lão đều được đồng hóa với hạng người bị chứng xơ cứng động mạch, những người đáng thương hại, và cần đưa vào điều dưỡng ở viện bác ái.
Thế nhưng hiện tượng già lão hay cao niên không chỉ lệ thuộc vào tuổi. Một cuộc nghiên cứu năm 1987 của Phòng thí nghiệm chính sách xã hội (LABOS) nơi những người trên 75 tuổi cho thấy rằng 22% “cảm thấy mình già” sau một cơn bệnh hoặc một tai nạn làm cho liệt giường; 21% sau khi được đưa vào viện dưỡng lão hoặc phải thay đổi khung cảnh sống; 21,5% sau khi sự đoàn kết gia đình bị tan vỡ do cái chết của người phối ngẫu hay con cái đi lập nghiệp; 16% vì đã tới một lớp tuổi nào đó (thường là giữa 60 và 70 tuổi) và 22% sau khi về hưu hoặc mất vviệc làm.
Một cách tương tự, theo nhà xã hội học Giampaolo Fabris, người ta có thể phân biệt bốn hạng người cao niên: những người “không già” tương đương với 29% số người cao tuổi: đó là những ngoại lục tuần mà vẫn sống như những kẻ tráng niên còn hoạt động; những người “già hoạt động” (32%) chỉ khác với lớp vừa kể ở chỗ là họ ý thức rằng mình già vì một nguyên do tâm lý hay sức khoẻ;; những người “hưu trí” (9%) nghĩa là những người đã về hưu và họ hạnh phúc được hưu dưỡng; sau cùng là những người “lạc lõng” (30%), nghĩa là những người già khép kín, mang theo những vấn đề sức khoẻ, kinh tế hoặc gia đình.
Đàng sau những con số thống kê, chúng ta có thể thoáng thấy nhiều tình trạng của tuổi cao niên, từ mức khá đến mức tệ. Thực vậy, như đã được ghi nhận, 61% những người cao niên vẫn tiếp tục làm việc như là hồi còn tráng niên. Tuy nhiên chúng ta không thể bỏ qua con số 30% những người lạc lõng, bị gạt ra bên lề, mang theo những vấn đề kinh tế, sức khoẻ hay gia đình. Người nào cảm thấy mình bị gạt bỏ thì lại càng có khuynh hướng khép kín thay vì cởi mở ra bên ngoài. Đó là tình trạng của nhiều người cao niên rơi vào tình trạng “buông xuôi”, bởi vì họ không được nâng đỡ về mặt tâm lý, bởi vì họ đã bị mất đi vài giá trị mà họ cho là cơ bản. Ngoài ra, một sự kiện khác đáng chú ý: vào năm 1988, ở nước Ý trong số 3810 vụ tự tử thì khoảng 40% là những người trên 65 tuổi. Trong vòng 10 năm, số người cao niên tự tử tăng lên 60% (Fizzotti E, Romeo E, 1991, 129-161).
Những định hướng cho tuổi già. Vì thế, dựa theo những nghiên cứu trên đây, ta thấy có những người cao niên vẫn hoạt động và vui sống, có những người cao niên tiếp tục hoạt động nhưng gặp vài khó khăn, có những người cao niên về hưu và an vui, và sau cùng có những người cao niên gặp khó khăn tại nhà riêng hay tại viện dưỡng lão.
Đứng trước những tình cảnh khác biệt như thế, hiển nhiên là không thể nào vạch ra một đường hướng mục vụ tổng quát. Tuy vậy có vài quy tắc có thể áp dụng cho tất cả hình thức mục vụ trong lãnh vực này, đó là: 1) những người cao niên cần được tham gia chủ động vào việc tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề của họ; 2) trong việc nghiên cứu này, cần có tham gia của hết mọi lứa tuổi; nghĩa là không được phép gạt ra những người trẻ ra khỏi những cơ sở dành cho người già, hoặc gạt những người già ra khỏi khung cảnh của người trẻ; 3) sau cùng, sự tiếp tục một hoạt động nào đó, dù khi tuổi đã cao, phải được coi như là điều cần thiết để duy trì sức khoẻ thể lý và tâm thần của người cao tuổi. Vì lý do đó, một điều cơ bản là tìm cách để cho các người cao niên dấn thân và tham gia vào việc xây dựng ích chung.
Những dữ liệu thu thập được đã cho chúng ta hiểu rằng cần phải nghĩ đến tuổi già khi đang còn ở thời kỳ làm việc, bằng cách lợi dụng những thời khắc rãnh rỗi để chuẩn bị những công việc mà mình có thể làm khi về hưu.
Một người tiên phong trong ngành mục vụ người cao niên là cha Robert Svoboda, tu sĩ dòng Camillô người Áo (Zulehner P.M., 1992, 107). Vào thập niên 50 của thế kỷ trước, khi dư luận bắt đầu để ý đến những người ngoại lục tuần, thì cha đã bắt đầu làm nêu bật những yêu sách của tuổi già dựa trên nền tảng thần học, và cha đã xuất bản nhiều sách để bàn về vấn đề. Quyển Mục vụ người cao niên xuất bản năm 1961 đã chứng tỏ sự cần thiết của một nền mục vụ hệ thống về người già, trong đó phải đối thoại với các ngành y khoa, các khoa học nhân văn và những đòi hỏi tâm linh của tuổi già.
Dưới khía cạnh lịch sử, chưa bao giờ xã hội chịu ảnh hưởng bởi những người cao niên (xét về số lượng cũng như phẩm tính) như ngày nay. Điều này mời gọi chúng ta đặt lại vấn đề cách mới mẻ đối với người già: sự hiện diện của họ trong các giáo xứ cần được tiếp tục linh động qua những chương trình tôn giáo, văn hóa, giải trí, đối thoại giữa các thế hệ, và phục vụ.
Kết luận tiết mục này, tôi muốn nhắc đến sứ điệp mà những người cao niên truyền đạt cho chúng ta. Tuổi cao niên nhắc cho chúng ta biết rằng cuộc đời không chỉ có giá trị xét về phương diện kinh tế mà thôi. Còn có những giá trị căn bản được tích lũy và truyền đạt qua những kinh nghiệm, những đau khổ, những thăng bằng và tình nghĩa, cũng như đôi khi được thu tích qua những sai lầm. Phần chúng ta, chúng ta cần phải nỗ lực tăng tiến mãi, không chịu giới hạn về tuổi tác hay bệnh tật, để làm cho Đức Kitô được thể hiện trong cuộc đời của mình.
4. Kết luận: những viễn tượng của mục vụ sức khoẻ
Thế giới y khoa đang chuyển đổi các mục tiêu của mình, và đề ra những khuôn mẫu tổ chức mới. Vì thế mục vụ dành cho các bệnh nhân cần phải nghĩ đến sự phát triển trong tương lai bằng việc đối chiếu với những khuôn mẫu mới ấy. Tôi chỉ xin phác hoạ ba điểm: a) những hướng đi mới trong lãnh vực y tế; b) việc trợ giúp tinh thần và tôn giáo cho các người bệnh; c) “phòng tuyên uý bệnh viện”: dự án cho một cộng đồng mục vụ y tế trong tương lai.
4.1. Những hướng đi mới trong lãnh vực y tế
Tổ chức Y tế thế giới (OMS) đang cổ động một chiến dịch y tế đi từ chỗ chữa bệnh sang đến chỗ phát triển sức khoẻ. Nếu dự án trở thành hiện thực, thì ngay cả bệnh viện cũng phải thay đổi hình ảnh của mình, nghĩa là bệnh viện phải trở nên một cơ quan có khả năng cổ võ sức khỏe và nhân đạo. Điều đó đòi hỏi bệnh viện phải được trang bị để đáp ứng với những thay đổi diễn ra trong tiến trình lâm bệnh, cách riêng nơi những người già lão và những người mắc bệnh kinh niên. Bệnh viện cũng cần biết hợp tác với những phòng thuốc và bệnh xá đang hoạt động trong cùng lãnh thổ.
Trước những đòi hỏi như thế, mục vụ sức khoẻ phải tự chất vấn về sự đóng góp chuyên biệt của mình trong việc cổ võ sức khỏe, hoặc ít là trong việc tăng trưởng cá nhân của người bệnh. Hội thánh vốn đã đặt bệnh nhân xét như là con người làm trọng tâm của hoạt động của mình; bây giờ cần phải tìm cách đặt trọng tâm này trong bối cảnh của những tiến bộ khoa học kỹ thuật, với những vấn đề quan trọng về giá trị luân lý. Vì thế mục vụ sức khoẻ phải tìm cách phác họa một nền nhân học để giúp cho người bệnh tìm lại được các giá trị nhân bản, cách riêng để có thể dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa nhân lành và cứu độ.
4.2. Việc trợ giúp tinh thần và tôn giáo cho người bệnh
Khi bệnh tình trở thành nguy kịch hoặc kinh niên, thì nó không còn là một câu chuyện của thân xác nữa nhưng lan rộng sang chiều kích tâm lý và tinh thần. Người bệnh không chỉ cảm thấy cần được nâng đỡ về thể chất nhưng còn mong đợi một sự hỗ trợ về tinh thần và tâm linh, và sự chữa lành tuỳ thuộc phần lớn vào sự nâng đỡ tinh thần mà họ nhân được.
Trong tình hình như vậy, để có thể hoàn tất cuộc điều trị toàn diện, các nhân viên y tế cần ý thức rằng trong thâm tâm của người bệnh, có cái gì sâu xa cần được chữa lành, không kém gì những vết thương nhìn thấy được ở trên thân xác, đó là: những vấn đề tâm linh và tín ngưỡng, đặc biệt là cuộc tìm kiếm ý nghĩa của tình trạng đang xảy ra nơi bản thân, và nhu cầu muốn được tha thứ, được yêu thương, những điều gây ra những sự trằn trọc thâu đêm.
Trong hoàn cảnh này sự can thiệp của nhân viên mục vụ không nên diễn ra theo thói quen, nhưng phải đi từ những khó khăn cụ thể về đức tin mà người bệnh cảm thấy vào lúc này. Cuộc đồng hành tâm linh cần nhắm tới việc gợi lên những tiềm năng thể lý, tâm lý, tinh thần của người bệnh, ngõ hầu họ không chịu buông xuôi nhưng biết đón nhận niềm hy vọng do đức tin mang lại. Sự nâng đỡ tâm linh có thể được kèm theo việc cầu nguyện và các bí tích.
4.3. Phòng tuyên uý bệnh viện: một dự án cho một cộng đồng mục vụ y tế
Theo một văn kiện gần đây của Hội đồng giám mục nước Ý (CEI), phòng tuyên uý bệnh viện là hình thức biểu lộ sự phục vụ của cộng đồng Kitô hữu trong các cơ sở y tế. Phòng tuyên uý gồm một hoặc hai tuyên uý, và có thể kết nạp các phó tế, tu sĩ, giáo dân (Brusco A., 1991, 382).
Điều mới mẻ của định nghĩa này ở chỗ là có thể mở rộng cho các phó tế, tu sĩ và giáo dân. Theo cha A. Brusco, nếu hoạt động mục vụ muốn đạt đến yêu sách nhân đạo hóa bệnh viện thì cần sự tham gia của những nhân viên được đào tạo theo những chuyên ngành khác nhau. Vì thế, bên cạnh linh mục, cần có sự tham gia của những thành phần khác nữa. Và cha E. Sgreccia tiếp thêm: “Việc loan báo Tin Mừng, làm chứng cho tình yêu sẽ mang chiều kích Hội thánh rõ rệt hơn nếu có sự tham gia của linh mục, tu sĩ, giáo dân, chứ không nguyên chỉ có linh mục mà thôi” (Sgreccia E., 1990, 43). Thực ra, tại nhiều quốc gia ở Bắc Âu, cách riêng tại Đức, các phó tế, tu sĩ, giáo dân đã hiện diện từ lâu tại các phòng tuyên úy bệnh viện (Zulehner P.M., 1992, 77).
Theo mô hình mới, phòng tuyên uý bệnh viện biểu lộ sự hợp tác của nhiều thành phần trong công tác phục vụ các bệnh nhân, thân nhân của các bệnh nhân, và các nhân viên y tế, cụ thể qua vài sinh hoạt sau đây:
1) gặp gỡ giữa những nhân viên mục vụ với những người thiện nguyện, để làm quen với nhau, và huấn luyện về thần học và đời sống tâm linh;
2) gặp gỡ đại kết với những nhân viên mục vụ thuộc các Giáo hội khác;
3) gặp gỡ các nhân viên y tế. Cuộc gặp gỡ này nhằm phối hợp sự hỗ trợ tinh thần với toàn thể tiến trình trị liệu. Cần phải dàn xếp thời gian để ban tuyên uý có thể hợp tác với đội nhân viên y tế.
Ngoài những cuộc gặp gỡ giữa những người cùng làm việc trong cùng một bệnh viện, cũng nên dự liệu những cuộc gặp gỡ với các dịch vụ và thể chế bên ngoài bệnh viện. Phòng tuyên uý trở nên một địa điểm giao liên, cách riêng khi bệnh nhân phải thuyên chuyển từ một bệnh viện này sang một chỗ khác để điều trị.
Việc điều hợp giữa phòng tuyên uý với các nhân viên cùng làm việc để phục vụ các bệnh nhân không được phép bỏ qua một chức vụ quan trọng hàng đầu, đó là đồng hành với các người bệnh. Hình thức cổ điển của cuộc gặp gỡ các bệnh nhân vẫn luôn luôn cần thiết, qua những cuộc gặp gỡ thường xuyên, để nắm bắt những nhu cầu của người bệnh hay của các thân nhân, và nhờ đó làm hiện diện tình thương của Chúa Giêsu và của Giáo hội.
Tôi xin kết luận với những lời của cha Brusco: “Phòng tuyên uý không phải là cứu cánh cho chính mình, nhưng nó được thiết lập nhắm đến cộng đồng mà minh phục vụ. Thực vậy, nhiệm vụ của tuyên uý doàn là khám phá các đặc sủng hiện diện giữa cộng đoàn bệnh viện – bắt đầu từ những người bệnh bởi vì họ cũng có sứ mạng loan báo Tin Mừng (CfL 54) – và tìm cách để cho các đặc sủng được triển nở nhằm phục vụ cộng đồng bệnh viện, qua công tác linh hoạt, nhờ những cơ cấu hữu hiệu là hội đồng mục vụ của bệnh viện, các nhóm thiện nguyện, các hiệp hội y tế Công giáo, và mở rộng tầm hoạt động ra bên ngoài bệnh viện nữa” (Brusco A., 1991, 382).
Thư mục
Aa.Vv., I nuovi modelli organizzativi nella sanità, in “Anime e Corpi”, 177 (1995) 79‑99. Aa.Vv., Liturgia e terapia, Ed. Messaggero, Padova 1994. Brusco A. (a cura di), La pastorale della salute nella chiesa italiana, Ed. Camilliane, Torino 1990. Id., La cappellania ospedaliera: aspetti teologici e pastorali, in “Anime e Corpi”, 156 (1991). CEI, Evangelizzazione e sacramenti della penitenza e dell’unzione degli infermi, 1974. Id., La pastorale della salute nella chiesa Italiana, in “Anime e Corpi”, 143 (1989) 235‑351. Ciccone L., Salute e Malattia, Ed. Ares, Milano 1986. Consulta Nazionale per la Pastorale della Sanità della CEI, in Chiesa e riforma sanitaria, Brezzo di Bedero 1982. Di Menna R., L’unità personale dell’uomo, in Aa.Vv., La droga, la realtà ed altre, Ed. Orizzonte Medico, Roma 1981. Fizzotti E., Romeo E., Anziano peso sociale o protagonista?, in “Anime e Corpi”, 154 (1991)129‑161. Genre E., Nuovi itinerari di teologia pratica, Ed. Claudiana, Torino 1991. Grandi V., Accanto ai malati della parrocchia, Ed. Camilliane, Torino 1992. Langella A., La funzione terapeutica della Salvezza, in Aa.Vv., Liturgia e terapia, Edizioni Messaggero, Padova 1994. Marinelli F., La teologia pastorale (natura e compiti), EDB, Bologna 1990. Midali M., Teologia pastorale o pratica (cammino storico di una riflessione fondante e scientifica), LAS, Roma 1991. Monticelli I., Il cammino della pastorale sanitaria in Italia: i principali documenti ecclesiali del Periodo post‑conciliare, in “Anime e Corpi”, 151 (1990) 557‑583. Pacomio L., Teologia pastorale e azione pastorale, Ed. Piemme, Casale Monferrato 1992. Petrini M., Assistenza spirituale e assistenza religiosa, in “Anime e corpi”, 154 (1991) 201‑216. Pontificio Consiglio della Pastorale per gli Operatori Sanitari, “Curate infirmos” e la vita consacrata, Città del Vaticano 1994. Sannazzaro P., Storia dell’Ordine Camilliano, Edizioni Camilliane, Torino 1986. Schurr V., Pastorale, in Enciclopedia Teologica Sacramentum Mundi, vol. 6°, a cura di K. Rahner, Morcelliana, Brescia 1976, 176‑208. Seveso B., Teologia Pastorale, in Dizionario Teologico Interdisciplinare, a cura di Luciano Pacomio, Ed. Marietti, Casale Monferrato 1977. Id., Pastorale e Teologia pastorale, in Teologia, 1990. Sgreccia E., La cappellania ospedaliera, un progetto di comunità pastorale, in “Insieme per servire”, 4 (1990). Szentmártoni M., Introduzione alla Teologia Pastorale, Ed. Piemme, Casale Monferrato 1992. Zulehner P.M., Teologia Pastorale: Passaggi (Pastorale delle fasi della vita), Queriniana, Brescia 1992.
_______
[1] Chủ biên của bộ từ điển này là Học viện Camillianum tại Rôma, được thành lập từ năm 1987 như một ngành chuyên khoa cấp bằng cao học và tiến sĩ về Thần học Mục vụ Sức khoẻ (Teologia pastorale sanitaria).
[2] Các tác phẩm trích dẫn cách vắn tắt. Xem tựa đề đầy đủ trong thư mục ở cuối bài viết.