Thời sự Thần học – số 32, tháng 6/2003, tr. 155-162
Bùi Minh Đức ☺
I. Từ ngữ
Từ pesah trong tiếng Hebrew và từ phasek trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là vượt qua. Về mặt từ nguyên, pesah còn là một bài toán chưa tìm được ẩn số thoả đáng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nó có nguồn gốc từ tiếng Akkad, pasahu nghĩa là “xoa dịu” hay vay mượn một từ của tiếng Ai Cập chỉ “cái chén” với nghĩa tai ương thứ mười. Phần đông các nhà nghiên cứu đều cho rằng nó là một từ phái sinh của động từ pasah có nghĩa là “đi khập khiễng” (2 Sm 4,4; 1V 18,21), “khiêu vũ”, “nhảy” (1V 18,26) và đôi khi cũng có nghĩa “dành riêng”, “giải thoát” (Is 31,5).[1]
Người Do Thái cử hành ngày lễ Vượt qua để tưởng nhớ cuộc Vượt qua bên Ai Cập. Lễ hội này ra đời khá muộn, mãi đến sau thời Lưu đày mới chính thức cử hành tại Đền Thờ.[2] Nguồn gốc của Lễ Vượt qua có từ xa xưa, nó chính là sự kết hợp của hai ngày lễ cổ truyền : một lễ của dân du mục cử hành vào mùa xuân, trong đó người ta người ta ăn thịt cừu (Xh 12,1-11) và một lễ của nhà nông tổ chức vào đầu mùa gặt, vào dịp này người ta dâng những bó lúa đầu mùa và ăn bánh lúa mới không men (Xh 13,3-10; 23,15; 34,18). Người Do Thái đã vay mượn nghi lễ này từ các nền văn minh cổ xưa ở Trung Đông và khoác cho nó ý nghĩa tôn giáo vượt hẳn các lễ hội khác. Họ cử hành lễ Vượt qua để tưởng nhớ hành động Thiên Chúa đã thực hiện để giải phóng dân khỏi ách nô lệ Ai Cập.
II. Nguồn gốc
Như đã nói, ban đầu lễ Vượt qua và lễ Bánh không men có nguồn gốc riêng biệt. Lễ Vượt qua trong sách Xuất hành (12,1-14) là một lễ hội của dân du mục Ả Rập thời xưa diễn ra vào mùa xuân nhằm mục đích cầu cho đàn gia súc “sinh năm đẻ bảy được vuông tròn”. Nghi lễ này không có đền thờ, không tư tế cũng chẳng có bàn thờ. Lễ vật là một con vật bắt từ đàn gia súc, sau đó nướng chín ăn với bánh không men của người Bédouin và rau cỏ hái trong sa mạc diễn tả tư thế sẵn sàng ra đi của người dân du mục. Lễ hội diễn ra ban đêm, dưới bóng trăng xuân, khi người ta không còn bận tâm về đàn gia súc nữa. Vào thời điểm này gia súc đẻ nhiều, người chăn súc vật chuẩn bị lên đường đưa đàn vật đến những đồng cỏ mùa hè. Người ta lấy máu con vật bôi lên khung cửa (thời đầu là cột lều) để tránh những tai ương của “thần Huỷ diệt” (Xh 12,13. 23). Lễ Vượt qua là dấu ấn xưa nhất chứng tỏ người Do Thái thuộc dân bán du mục. Nếu ngày lễ dân Israel cử hành trong sa mạc (Xh 3,8; 5,3) là lễ Vượt qua thì có thể nói lễ này có trước thời Xuất hành. Nhưng dù có trước hay sau, việc gắn liền với biến cố Xuất hành đã mặc cho nó một ý nghĩa đặc biệt.
Lễ Bánh không men, theo các lịch cổ xưa là ngày lễ Mùa gặt và Thu hoạch (Xh 23,14-27), có nguồn gốc từ nông nghiệp. Có lẽ nó là lễ hội của người Canaan nhưng được người Israel du nhập và mặc một ý nghĩa mới gắn liền với cuộc giải phóng khỏi đất Ai Cập.
Lễ Vượt qua và lễ Bánh không men đều diễn ra vào mùa xuân để tưởng nhớ cuộc Xuất hành. Cả hai dịp lễ này đều sử dụng bánh không men, hợp nhất vào thời điểm nào chưa xác định được nhưng chắc chắn sau cuộc canh tân theo truyền thống Đệ nhị luật và cử hành tại Jérusalem.
III. Lịch sử
a. Trước thời Lưu đày
Trước thời Lưu đày, trong các niên lịch cổ không thấy ghi lại ngày lễ Vượt qua, có lẽ vào thời đó, lễ này chưa cử hành tại Đền thờ mà còn mang tính gia đình (Xh 12,21.23). Những quy định trong Xuất hành 34,25 có lẽ chỉ áp dụng cho lễ Vượt qua khi lễ này trở thành ngày lễ hành hương. Đệ nhị luật và vua Josias (2 V 23,21-23) muốn tôn phong một tập tục có trước thời quân chủ nhưng lễ Vượt qua vẫn là ngày lễ gia đình và tách biệt với lễ Bánh không men.
Việc hợp nhất hai ngày lễ này có lẽ diễn ra sau thời canh tân của vua Josias. Đệ nhị luật 16,16 trưng dẫn ba ngày lễ lớn theo truyền thống được cử hành tại Jérusalem nhưng không có lễ Vượt qua. Trong khi đó những ghi chép của Josias về ngày lễ Vượt qua lại không hề đá động gì đến lễ Bánh không men. Đệ nhị luật 16,1-8 quy định lễ Vượt qua phải cử hành tại Đền Thờ, vào tháng avib (hay còn gọi là tháng nisân theo lịch của người người Babylon được dân Do Thái áp dụng từ sau thời Lưu đày) nhưng chỉ kéo dài một đêm. Ở đây không có nghi thức rảy máu, chỉ chú trọng đến lễ vật và cử hành tại Đền Thờ như lễ Bánh không men. Có lẽ đây là công cuộc chuẩn bị cho sự hiệp nhất hai ngày lễ trọng đại này.
b. Sau thời Lưu đày
c. Sau thời Tân Ước
Ngoài khảo luận Pesahim của Mishnah, những dữ kiện về lễ Vượt qua ít được nhắc đến. Sách về Năm Toàn xá quy định việc sát tế hiến vật và ăn uống tại Đền Thờ. Flavius Josèphe có nói đến việc dâng lễ vật hy sinh ở Đền Thờ nhưng không nói rõ người ta ăn uống ở đâu. Sách Mishnah quy định rất rõ về việc dâng lễ vật toàn thiêu : Người ta sát tế vật hy sinh dâng lễ ban chiều vào khoảng giữa 14 giờ 30 và 15 giờ 30. Vào ngày áp lễ Vượt qua, người ta sát tế chiên vào khoảng 13 giờ 30 và dâng lễ vào 14 giờ 30. Nếu ngày áp lễ Vượt qua trùng ngày thứ sáu (ngay trước ngày Sabbat), người ta sát tế lễ vật thường nhật sớm hơn, vào khoảng 12 giờ 30 và dâng lễ vào lúc 13 giờ 30 để sau đó dâng lễ Vượt qua[3]. Sau khi Đền thờ bị phá huỷ vào năm 70, lễ Vượt qua vẫn tiếp tục được cử hành tại tư gia và những nơi có cộng đồng người Do Thái sinh sống.
Cộng đoàn Qumrân cử hành lễ Vượt qua theo nghi thức riêng, không có lễ vật hy sinh như ở Đền Thờ và theo niên lịch đặc biệt, ngày 14 tháng nisân luôn đúng thứ Ba.
Thời Giáo hội sơ khai, ở Roma và miền Tiểu Á có nhiều điểm khác biệt trong việc cử hành lễ Vượt qua (Phục Sinh). Đến thời đức Giáo hoàng Victor I (189-199), những khác biệt ấy càng sâu đậm hơn. Ở Roma, lễ Phục sinh mừng vào Chúa nhật sau ngày 14 tháng nisân (thứ sáu và thứ bảy áp lễ là ngày ăn chay và canh thức vào đêm thứ bảy) trong khi ở Tiểu Á người ta lại mừng lễ Phục sinh vào đúng ngày 14 tháng nisân (đúng ngày lễ Vượt qua của người Do Thái). Vì theo Tin mừng Gioan, Đức Giê-su bị đóng đinh vào ngày 14 tháng nisân. Những khác biệt về truyền thống này gây nhiều căng thẳng khiến đức Giáo hoàng Victor I toan đoạn tuyệt với giáo đoàn bên Đông. Nhờ nỗ lực hoà giải của thánh Irénée, những khác biệt ấy bị xoá bỏ dần và đến năm 325, Công đồng Nicée quyết định mừng lễ Vượt qua vào Chúa nhật sau ngày xuân phân (21 tháng 3). Do đó, lễ Vượt qua không cố định vào một ngày nào mà diễn ra vào khoảng từ 22 tháng 3 đến 25 tháng tư.[4]
IV. Nghi thức
a. Lễ Vượt qua của người Do Thái
Theo luật, người Do Thái phải ăn lễ Vượt qua trong nội thành Jérusalem, mỗi nhóm phải có ít nhất 10 người được cắt bì. Việc hành hương về Đền Thờ vào dịp lễ này trở thành một điều luật buộc đến nỗi ai đã cắt bì mà không tham dự sẽ bị loại ra khỏi cộng đồng. Theo ước tính, số người ở Jérusalem vào dịp lễ này lên đến 200.000 người. Như vậy, người ta phải sát tế hàng ngàn con chiên để ăn lễ. Vì số lượng lớn như vậy nên buộc lòng các tư tế phải sát tế chiên từ 12 giờ trưa ngày thứ sáu mặc dù sách Mishnah quy định việc giết chiên vượt qua tại Đền Thờ vào khoảng từ 14 giờ 30 đến 17 giờ.
Giờ mừng lễ bắt đầu ngay sau khi mặt trời khuất bóng. Phần khai mạc gồm lời nguyện khai mạc của gia chủ, uống chén rượu thứ nhất với rau đắng chấm nước xốt màu gạch (nhắc nhớ lại những đắng cay, khổ ải mà tổ tiên họ phải chịu đựng khi còn ở Ai Cập). Lúc đó, một em bé đứng lên hỏi ý nghĩa của bữa tiệc. Sau khi chủ tiệc giải thích ý nghĩa tượng trưng của buổi lễ xong, cả nhà cùng hát hai Thánh vịnh đầu trong nhóm Thánh vịnh Hallel (113-114). Chủ tiệc thanh tẩy bàn tiệc và dọn lên bàn các món ăn truyền thống gồm cừu quay, rau đắng, bánh không men, nước trái cây… Gia chủ cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng rồi chia cho mọi người. Người ta uống tuần rượu thứ hai, ăn thịt cừu với bánh không men và nước xốt. Ăn các món chính xong, người ta uống chén rượu thứ ba, quen gọi là “chén chúc tụng” vì gia chủ đọc lời nguyện trước khi uống. Uống chén thứ tư xong, người ta hát phần cuối nhóm Thánh vịnh Hallel (115 - 118). Tiệc Vượt qua thường kéo dài cho đến nửa đêm.
Tin mừng theo thánh Gioan và Tin mừng theo thánh Mát-thêu đều xác nhận Đức Ki-tô chịu đóng đinh thập tự vào ngày thứ sáu (Ga 19,31; Mt 27,62) nên chắc chắn Người cùng các môn đệ ăn bữa tiệc ly trước lễ Vượt qua của người Do Thái (Ga 13,1; 18,28). Nhưng các Tin mừng Nhất lãm khác lại cho rằng, bữa Tiệc ly chính là tiệc Vượt qua (Mc 14,16-17; Lc 22,15). Cứ theo các Tin mừng Nhất lãm này, Đức Giê-su ăn tiệc Vượt qua, bị bắt, bị đóng đinh thập tự và an táng chỉ trong một ngày (từ chiều hôm trước đến chiều hôm sau). Điều này khó lòng xảy ra vì người Do Thái rất kỵ hành hình tử tội vào ngày Sabbat, hơn nữa ngày Sabbat ấy lại trùng với đại lễ Vượt qua. Để dung hoà những chênh lệch này, nhiều người cho rằng, các tác giả Tin mừng theo nhiều niên lịch khác nhau. Chẳng hạn ở cộng đoàn Qumrân, người ta dùng loại lịch riêng nên lễ Vượt qua luôn luôn rơi vào ngày thứ ba. Có người cho rằng, có lẽ Đức Giê-su theo niên lịch này và Người mừng lễ Vượt qua vào thứ ba nhưng không sát tế chiên. Đây cũng chỉ là giả thuyết vì Tin mừng không nói rõ Đức Ki-tô có dùng chiên vượt qua hay không. Dù có chiên hay không không quan trọng vì chính Đức Ki-tô là Chiên Vượt qua (1 Cr 5,7).
b. Lễ Vượt qua của Ki-tô giáo
V. Ý nghĩa
Lễ Vượt qua nhắc nhở dân Do Thái nhớ lại kỳ công Thiên Chúa đã làm để giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Ai Cập. Lễ Bánh không men nhắc lại kỷ niệm khi rời khỏi Ai Cập, cha ông họ đã ra đi vội vã nên phải mang theo bột chưa kịp dậy men. Trong lễ hội này có nghi thức huỷ bỏ men chỉ sự trong sạch và canh tân. Tóm lại, hàng năm dân Do Thái tổ chức long trọng những ngày lễ này để sống lại kinh nghiệm Xuất hành và giao ước Sinai. Vì vậy, dù lưu lạc khắp năm châu bốn biển, khi mừng tiệc Vượt qua, sau đọc lời chúc lành trên chén rượu thứ tư, người ta vẫn thường cầu chúc “năm sau về tái thiết Jérusalem”.
Ki-tô giáo mừng lễ Vượt qua tưởng niệm cuộc thương khó và phục sinh của Đức Ki-tô. Đây là biến cố quan trọng nhất trong mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc. Đức Ki-tô là Chiên Vượt qua chịu sát tế vào chiều ngày thứ sáu (Ga 19,31) đã sống lại và hiện ra với các môn đệ vào ngày thứ nhất. Ngày thứ nhất trở thành ngày trọng đại được các Ki-tô hữu gọi là Chúa nhật, nhắc nhở họ nhớ đến ngày Phục sinh của Đức Ki-tô và giúp tín hữu hướng đến niềm hy vọng mai sau.
Thư mục__________
Bogaert, Pierre-Maurice và các tác giả. Dictionnaire encyclopédique de la Bible, Brepols, Belgique, 2002.
Cousin, Hugues. Le monde où vivait Jesus. Édition du Cerf, Paris, 1998.
J. Dheilly. Từ điển Kinh thánh, T.4. Bản tiếng Việt.
Phan Tấn Thành. Về nguồn. Tập 3. Roma, 1999
______________
[1] Bogaert (Pierre-Maurice) và các tác giả, Dictionnaire encyclopédique de la Bible, Brepols, Belgique, 2002, từ Pâque, tr. 965.
[2] Cousin (Hugues), Le monde où vivait Jésus, Édition du Cerf, Paris, 1998, tr. 342.
[3] M Pesahim V,1. Xc. Hugues Cousin, sđd, tr. 344.
[4] X. Phan Tấn Thành, Về nguồn, T.3, Roma, 1999, tr. 125. J. Dheilly, Từ điển Kinh thánh, T. 4, Bản tiếng Việt, tr. 1846-1847.