Thời sự Thần học - số 1, tháng 01/2008, tr.
Jos. Đình Chiến 🙋
I. Lạc thuyết là gì ?
1. Nghĩa tiếng Việt của hạn từ lạc thuyết được hiểu là một giáo thuyết lệch lạc (sai chệch). Từ này được dịch từ danh từ Hy lạp hairesis (αἵρεσις) có nghĩa là một sự chọn lựa (tư tưởng, quan điểm nào đó). Dựa trên nghĩa căn bản này, người ta hiểu ý nghĩa của hairesis như sau: (1) lạc thuyết (một tư tưởng đi chệch khỏi giáo lý chính truyền); (2) giáo phái, trường phái; (3) sự chia rẽ [1].
Theo sử gia Do thái Flavius Josephus (37-105) [2], hạn từ lạc thuyết (lạc giáo) ám chỉ thuyết của ba giáo phái đang thịnh hành ở miền Giuđêa từ thời Macabê: phái Pharisêu, phái Sađucêô và phái Êsêniô. Trong những tác phẩm Tân Ước, các tác giả cũng đề cập đến các lạc thuyết. Thánh Phaolô cảnh báo các tín hữu Êphêsô về việc xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc và lôi cuốn các môn đệ đi theo (Cv 20,28-31). Tổng trấn Felix của Rôma coi Phaolô như vị lãnh đạo của phái Nadarét (Cv 24,5). Những người Do thái tại Rôma cũng đề cập đến giáo phái của thánh Tông đồ : “Vì chúng tôi biết rằng phái của ông đi đến đâu cũng bị chống đối” (Cv 28,22). Thánh Phêrô áp dụng từ ngữ hairesis cho các giáo phái trong Kitô giáo : “Trong dân cũng đã từng xuất hiện những ngôn sứ giả; giữa anh em cũng vậy, sẽ có những thầy dạy giả hiệu, đó là những kẻ lén lút đưa vào những tà thuyết dẫn tới diệt vọng” (2 Pr 2,1).
Vào thời giáo phụ, nhiều lạc giáo mới xuất hiện. Chúng đi chệnh khỏi đạo lý chính truyền, không phù hợp với Tin Mừng và truyền thống các tông đồ. Tuy rằng chúng giúp mở rộng kiến thức bằng việc chọn lựa một giáo thuyết mới lạ, nhưng đối với Kitô giáo, những kiến thức mới lạ này lại có nguy cơ bịa đặt, thêm thắt vào những mạc khải của Thiên Chúa. Và điều đó dẫn đến sự sai lệch đối với mạc khải Kitô giáo.
2. Có thể phân chia các cấp độ lạc giáo như sau [3] :
Cấp độ 1 : Những người ngoan cố tham gia vào chống lại một quan điểm giáo lý đức tin đã được Giáo hội định tín đều bị coi là lạc giáo.
Cấp độ 2 : Một điểm giáo lý đang còn bàn cãi mà chưa được Giáo quyền xác định rõ ràng hay chưa được công bố như một tín khoản, thì một quan điểm đi ngược với giáo lý ấy đều bị coi là có nguy cơ lạc giáo.
Cấp độ 3 : Một quan điểm giáo lý không đi ngược với một tín điều, và chưa đưa đến những hậu quả trái ngược với một chân lý mạc khải, thì đó không phải là lạc giáo, mà chỉ là một sự sai lầm về thần học thôi. Hơn nữa, một giáo thuyết đi ngược với một tín khoản có thể chưa được chứng minh cách chắc chắn, thì nó chỉ là một quan điểm còn bị nghi ngờ, có hơi hướng lạc giáo thôi.
3. Cần phân biệt lạc giáo với bội giáo và ly giáo [4] :
Khác với bội giáo, vốn là những người chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo hoặc theo Do thái giáo, Hồi giáo hay ngoại giáo qua việc nghiêng theo chủ nghĩa tự nhiên và phớt lờ tôn giáo của mình, lạc giáo vẫn luôn duy trì niềm tin vào đức Kitô.
Lạc giáo cũng khác với ly giáo vốn là những người có ý muốn tách mình ra khỏi sự hiệp thông của Giáo hội mà nó hệ tại ở sự liên kết các phần tử với nhau và với đầu là đức Kitô, Thượng tế Tối cao. Những người ly giáo thường không chấp nhận quyền tối cao của Giáo hoàng và tách lìa với các thành phần của Giáo hội, nhất là khi quyền bất khả ngộ của Giáo hoàng được định tín. Trong trường hợp này, ly giáo cũng chính là lạc giáo vì đã phủ nhận tín điều bất khả ngộ của Giáo hoàng. Do vậy, lạc giáo đi ngược với đức tin, còn ly giáo thì đi ngược với đức ái. Và không phải những ai là lạc giáo đều là ly giáo (do đánh mất niềm tin rồi đi đến tách khỏi Giáo hội), cũng không phải những ai ly giáo đều là lạc giáo (vì một người có thể tách khỏi Giáo hội nhưng vẫn còn tin những điều Giáo hội tuyên xưng).
Theo Giáo luật 1983 (số 751), một người bị coi là lạc giáo là người : (1) đã lãnh phép Rửa tội thành sự; (2) là Kitô hữu; (3) công khai phủ nhận một chân lý đức tin. Nếu xét lạc giáo theo quy định này, thì trong ba thế kỷ đầu không có lạc giáo nào, bởi vì lúc này các chân lý đức tin chưa được xác định rõ ràng. Nhưng các lạc thuyết xuất hiện trong thời kỳ này, tuy có khuynh hướng muốn thích nghi Kitô giáo với Do thái giáo (ngộ giáo hay các triết thuyết khác), nhưng chúng chỉ đạt được nửa vời mà không đi tới tận căn vấn đề. Và đây là điểm dễ nhận ra sự sai lạc của chúng.
II. Giáo hội tuyên tín về mầu nhiệm Chúa Kitô
1. Như đã nói, trong ba thế kỷ đầu, Giáo hội chưa xác định rõ những chân lý đức tin về mầu nhiệm Chúa Kitô, nên các lạc giáo xuất hiện không phải vì muốn phá hoại Giáo hội, nhưng tiên vàn vì chưa thể tìm được những khái niệm để diễn tả các mầu nhiệm ấy cho phù hợp và thấu đáo. Lẽ thường tình, người ta đều thấy ngay lạc giáo là xấu xa, là phá hoại. Nhưng xét cho cùng, lạc giáo xuất hiện là một dịp để Giáo hội có cơ hội nghiên cứu kỹ lưỡng và xác định các tín điều về mầu nhiệm Chúa Kitô. Một khi đã xác định rõ ràng các tín điều được xem như những nền tảng đức tin chính truyền, thì Giáo hội căn cứ vào đó để biện phân lạc giáo và chính đạo.
Trước khi đi vào xem xét các lạc thuyết về thiên tính của đức Kitô, chúng ta cần khẳng định ngay tín điều của Giáo hội về mầu nhiệm này. Kinh Tin kính của Công đồng Nicéa -Constantinopolis tuyên tín rằng : “… Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa. Ánh sáng bởi ánh. Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng tôi và để cứu độ chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng; ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nước Người sẽ không bao giờ cùng …”.
2. Trong ba thế kỷ đầu, có hai lạc thuyết chính phủ nhận thiên tính của đức Kitô: thuyết dưỡng tử (adoptionism) và thuyết của Arius (Arianism). Giáo hội phi bác hai lạc thuyết này trong các Công đồng và tuyên bố tín điều của mình.
a) Thuyết dưỡng tử (adoptionism)
Nguồn gốc sâu sa của thuyết dưỡng tử có thể nói là xuất phát từ quan niệm độc thần (monotheism) của Do thái giáo vốn chủ trương chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, không có Chúa nào khác nữa. Đối với họ, đức Giêsu chỉ là một con người bình thường bởi vì không thể chấp nhận rằng Người là Thiên Chúa mà phải chịu kết án tử cách nhục nhã trên thập giá (Gl 5,11; 1 Cr 1,23). Cũng trong luồng tư tưởng này, theo thánh Irênê [5], ngay từ thời các tông đồ (vào cuối thế kỷ I), có một nhân vật tên là Cérinthe (vốn chủ trương Thiên Chúa không phải là Đấng tạo dựng vũ trụ nhưng là một vị Hoá công khác) đã dạy rằng đức Giêsu không phải là Con Thiên Chúa; khi chịu phép rửa tại sông Giođan, Người được Thánh Thần ngự xuống và sai đi rao giảng Tin Mừng.[6] Cũng một quan niệm như vậy, vào thế kỷ II, thuyết Ebionism (tạm dịch là thuyết duy bần) - đang thịnh hành trong các cộng đoàn Kitô - Do thái giáo lúc đó - chỉ coi đức Giêsu là một con người bình thường, dù Người rất thánh thiện, nhưng không phải là Con sinh bởi Chúa Cha.[7]
Thuyết độc nhất thần vị (monarchianism) cho rằng chỉ có một ngôi vị độc nhất nơi Thiên Chúa (monarchianism, ghép bởi “monê” là duy nhất và “arch” là nguyên uỷ). Người có một Lời, nhưng Lời này không hiện hữu biệt lập như một ngôi vị. Lời này chỉ là một khía cạnh của Thiên Chúa như một phẩm tính đã tác động trên các vị ngôn sứ và trên đức Giêsu. Lời này không biến đức Giêsu thành Thiên Chúa, cũng không ban cho Người bản vị Ngôi Lời mà chỉ ban như một phẩm tính. Nên đức Giêsu không phải là Thiên Chúa mà chỉ là con Thiên Chúa.[8]
Dưỡng tử thuyết tiếp nối tư tưởng độc nhất thần vị. Thuyết này do ông Theodotus thành Elder [9] chủ xướng vào cuối thế kỷ thứ II. Đối với ông, đức Kitô hoàn toàn là một con người, được Thiên Chúa chọn và được nhận làm con nhờ ân sủng. Khi chủ trương như vậy, ông đã sai lầm cả về giáo lý Thiên Chúa Ba Ngôi và Kitô học. Về giáo lý Thiên Chúa Ba Ngôi vốn tin nhận có một Thiên Chúa trong ba ngôi vị khác biệt : ngôi Cha, ngôi Con, ngôi Thánh Thần, Theodotus vì muốn bảo vệ tính duy nhất của Thiên Chúa đã cho rằng không thể gán phẩm vị Con Thiên Chúa cho đức Kitô được (vì nếu thế sẽ có hai Thiên Chúa). Đức Kitô chỉ được Chúa Cha nhận làm con trổi vượt trên tất cả mọi người, vì đây là một con người có sức mạnh thần linh nhờ Thánh Thần. Về Kitô học, ông quan niệm một hình ảnh trái ngược với tiến trình Nhập thể : đúng ra Nhập thể là việc Chúa Kitô xuống thế làm người (Kitô học từ trên xuống), thì ông lại cho rằng đây là việc một con người được nâng lên hàng con Thiên Chúa. Chủ trương này hoàn toàn trái ngược với đức tin Kitô giáo.
Dưỡng tử thuyết được kế thừa bởi Paul de Samosata (thế kỷ III) mà sau này các giáo phụ (thuộc thế kỷ IV) thấy rằng nó là điềm báo trước cho thuyết của Nestôriô. Theo cha Ch. Duquoc[10], Paul de Samosata cũng sai lạc về giáo lý Thiên Chúa Ba Ngôi và Kitô học. Về Thiên Chúa Ba Ngôi, Paul đã chủ trương một loại hình thái thuyết (modalism) : Cha là một ngôi vị, Cha phát ra Lời để tạo dựng muôn vật. Lời “đồng bản thể” (homoousios) với Cha không phải theo bản thể (ousia) mà là theo cùng một ngôi vị (hypostasis). Bởi vì ở đây ông hiểu “bản thể” theo nghĩa “ngôi vị”. Đối với ông, Con và Thánh Thần chỉ là những cách thức thể hiện của thiên tính duy nhất. Còn về Kitô học, Paul cho rằng đức Giêsu Kitô - con của đức Maria - không phải là Ngôi Lời. Mẹ đã sinh hạ một con người như bao người nên Mẹ không phải là Mẹ Thiên Chúa (theotokos). Do vậy, đức Giêsu Kitô thì khác với Ngôi Lời. Có hai chủ thể khác biệt. Ngôi Lời ngự xuống đức Giêsu Kitô sung mãn hơn là ngự trên các ngôn sứ khác nên Người thánh thiện hơn hết. Ngôi Lời kết hiệp với đức Giêsu Kitô nhờ ân sủng và được tham dự vào thần tính, Người không phải là Thiên Chúa theo bản tính.
Các giáo phụ trong Công nghị Antiôkia năm 268 đã phi bác giáo thuyết của Paul và truất chức ông. Các ngài khẳng định rằng Ngôi Lời và đức Giêsu Kitô chỉ là một, là Con Một Thiên Chúa, Đấng được đức Maria sinh ra và đã chịu đau khổ. Sự hiệp nhất giữa Ngôi Lời và đức Giêsu Kitô là sự hiệp nhất của một hợp thể (un être composé). Đây không phải là một sự hiệp nhất của “bản tính”, nhưng là sự hiệp nhất của chủ thể. Đức Giêsu Kitô được kết hiệp (est composé) từ Ngôi Lời và từ một thân xác con người : nơi đức Kitô, sự kết hiệp của Ngôi Lời và Xác phàm làm nên một chủ thể.[11]
b) Thuyết của Arius (Arianism)
Người ta không biết Arius chịu ảnh hưởng của trường Alêxanđria hay của Antiôkia, bởi vì ông vừa được thụ huấn tại Alexanđria và ít nhiều cũng có theo học ở trường Antiôkia. Chỉ biết rằng ông được chịu phó tế bởi Peter là giám mục Alexandria, rồi sau đó chịu chức linh mục bởi giám mục Achillas, người kế vị Peter. Sau đó, ông được giao trông coi nhà thờ tại Baucalais ngoại thành Alêxanđria. Tại đây, ông giảng giải Thánh Kinh và lôi cuốn được nhiều người, nhưng đây cũng là lúc người ta nghi ngờ về giáo lý ông dạy. Ông đã tranh luận với giám mục Alexanđria về địa vị con Thiên Chúa và bản tính của Đức Giêsu.
Theo Arius, chỉ có một Thiên Chúa, Đấng không được sinh ra, Đấng vĩnh hằng và không có khởi đầu, Đấng chân thật và bất biến, Đấng sinh Con Một từ trước muôn đời. Nhưng Người Con Một này không được gán cho những phẩm tính của Thiên Chúa mà bị hạ thấp xuống cấp độ thụ tạo.[12] Vả lại, Con không vĩnh hằng bởi vì đã có lúc Con không hiện hữu. Tuy vậy, Con lại được coi là sự khởi đầu của thụ tạo.[13] Con được tạo dựng như một thọ tạo để làm trung gian tạo dựng muôn vật. Người được tạo dựng từ hư không. Ở điểm này, Arius chịu ảnh hưởng triết học Platon về đấng Hoá công (demiurge). Thiên Chúa “đã tạo dựng một hữu thể mà Người gọi là Lời, Đấng Khôn Ngoan, và Con để nhờ Người mà tạo dựng chúng ta.”[14] Con chỉ là một thụ tạo bất toàn, khả biến, trong khi Cha hoàn hảo và bất biến, do vậy mà Con không phải là Thiên Chúa, không đồng bản thể với Cha.
Người Con ở đây chính là đức Kitô : đức Kitô không phải là ngôi vị Thiên Chúa, mà là một thụ tạo đầu tiên của Thiên Chúa. Arius dựa vào câu Kinh Thánh : “Cha cao trọng hơn tôi” (Ga 14,28) để quả quyết đức Kitô thua kém Cha và lệ thuộc vào Cha. Từ đó đã sinh ra hạ phục thuyết (subordinationism) : Con ở dưới và suy phục Cha.
Công đồng Nicéa (325) kết án giáo thuyết của Arius. Qua đó, Công đồng tuyên xưng rằng : “Chúng tôi tin … một Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha, nghĩa là từ bản thể của Chúa Cha, Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha, nhờ Người mà muôn vật trên trời dưới đất được tạo thành …”[15] Như thế, Công đồng đã chỉnh sửa quan niệm sai trái của Arius : Con không phải được tạo dựng, mà sinh ra từ bản thể Chúa Cha, nên cũng là Thiên Chúa và đã hiện hữu từ trước muôn đời.
Công đồng đã sử dụng thuật ngữ Hy lạp để diễn tả chân lý này. Hạn từ “homoousios” (đồng bản thể) tuy không có trong Thánh Kinh, nhưng đã được sử dụng trước đây bởi Ngộ đạo thuyết, nhất là Paul Samosata mà chúng ta đã nói ở trên. Hạn từ này chỉ nhằm diễn tả sự giống nhau hoàn toàn của Con với Cha trong thiên tính và qua đó phản bác những lối giải thích mập mờ của Arius. Công đồng Nicéa chỉ nhằm chứng minh Con là Thiên Chúa hoàn toàn, giống như Cha về bản tính, bản tính Thiên Chúa và là bản tính duy nhất. Những ai không tin nhận như thế sẽ bị vạ tuyệt thông : “Ai nói rằng : đã có một thời, Con chưa hiện hữu và rồi mới được sinh ra và tạo thành từ hư vô; hoặc ai nói rằng : Con được làm bởi một bản thể (hypostasis) hoặc bản tính (ousia) khác, hoặc nói rằng : Con được tạo dựng, hay có thể biến đổi: những kẻ ấy sẽ bị loại ra khỏi Giáo hội”(DS 125-126).
III. Suy nghĩ về vai trò của lạc giáo trong lịch sử
1. Thiên Chúa siêu việt và vô hạn. Con người thấp kém và hữu hạn. Lý trí con người không sao hiểu biết tường tận về Thiên Chúa : cái hữu hạn làm sao chứa nổi cái vô hạn! Mặc dù được Thiên Chúa mạc khải về chính Người, nhưng con người chỉ có thể hiểu biết phần nào. Thế mới nói rằng Thiên Chúa là mầu nhiệm. Nếu con người hiểu hết về Thiên Chúa thì Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa nữa.
2. Thiên Chúa mạc khải chính mình cho con người cách tiệm tiến. Đi từ Cựu ước sang Tân ước, Người dần dần tỏ cho con người biết các mầu nhiệm : một Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người và cứu chuộc nhân loại. Dầu vậy, con người vẫn chưa lĩnh hội được chắc chắn. Dưới con mắt đức tin, Thiên Chúa vẫn quan phòng trù liệu để tiếp tục soi sáng cho con người hiểu biết về các mầu nhiệm Thiên Chúa qua dòng lịch sử cứu độ.
3. Có thể nói, đối với lý trí con người, các mầu nhiệm Thiên Chúa khó hiểu thấu, nhất là mầu nhiệm thiên tính nơi đức Giêsu lịch sử. Các lạc giáo về thiên tính của đức Giêsu trong ba thế kỷ đầu không dừng lại, nó vẫn còn ẩn hiện dưới nhiều hình thức khác trong lịch sử. Vào thế kỷ IV, thuyết dưỡng tử lại xuất hiện với Fotino : đức Giêsu chỉ là một người thường và đã không hiện hữu trước khi sinh bởi đức Maria … và đã bị Công đồng Constantinopolis I (381) luận phi. Đến thế kỷ XVI, Fausto và Lelio Socino chủ xướng một lạc thuyết tương tự như thuyết của Fotino. Lạc thuyết này đã chối thiên tính của đức Giêsu khi cho rằng Ngài là một con người đầy ân sủng và thánh thiện, sau khi chết Người được tôn vinh như là Thiên Chúa. Đức Phaolô VI đã kết án lạc thuyết này năm 1555. Khuynh hướng phủ nhận thiên tính của đức Giêsu vẫn tiếp diễn vào thế kỷ Ánh sáng (thế kỷ XVIII) với những nền triết học duy lý (Rationalism) và những khuôn mặt nổi bật như Voltaire, Diderot, Reimarus … Thuyết này khẳng định vị trí hàng đầu của lý trí con người và nhờ đó, nó có thể giải quyết mọi vấn đề tôn giáo và siêu hình mà tuyệt đối không cần quy chiếu đến mạc khải của Thiên Chúa, loại trừ mọi khái niệm siêu nhiên. Qua Hiến chế tín lý De Fide Catholica, Công đồng Vaticanô I (1870) đã phi bác lạc thuyết này. Đặc biệt vào thế kỷ XX, duy tân thuyết (Modernism) phủ nhận đức Giêsu lịch sử là Thiên Chúa khi cho rằng thiên tính của đức Giêsu lịch sử không tương xứng với đức Kitô của lòng tin, đức Kitô của lòng tin chẳng bao giờ tồn tại mà chỉ là sản phẩm của lòng sùng mộ. Lạc thuyết này bị đức Piô X kết án qua sắc lệnh Lamentabili năm 1907.[16]
Như vậy, vấn đề thiên tính của đức Kitô xem ra vẫn còn là điều khó chấp nhận đối với con người, thậm chí với cả người Công giáo. Nói theo Tôma Aquinô, khi đề cập về mầu nhiệm Thánh Thể, thì phải lấy đức tin mà bù lại.[17] Và dường như vì khó chấp nhận như vậy mà người ta chủ trương đủ mọi thứ lạc thuyết về thiên tính của đức Giêsu. Thiết nghĩ, vào những thế kỷ của khoa học kỹ thuật phát triển vào bậc nhất, con người không những đặt nhiều nghi vấn về các mầu nhiệm Thiên Chúa mà còn dần dần gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống của họ. Bởi họ chủ trương rằng khoa học có thể kiểm chứng và giải thích mọi vấn đề (đó là chưa nói đến việc cố ý giải thích sai lạc các mầu nhiệm hay chủ trương thái độ chống đối Thiên Chúa). Tuy nhiên, chúng ta biết rõ khoa học thuộc lãnh vực vật chất thì không thể áp dụng để kiểm chứng vấn đề thuộc siêu nhiên vốn cần đến niềm tin tôn giáo mới làm cho thoả lòng.
4. Vậy phải suy nghĩ thế nào về các lạc giáo này ? Trước hết, chúng ta tin rằng các định tín của Giáo hội về thiên tính của đức Kitô là bất biến về thời gian. Có thay đổi chăng là thay đổi về cách thức trình bày tín điều cho phù hợp với tâm thức thời đại hầu giúp con người dễ dàng đón nhận.
Theo tác giả J. Wilhelm[18], các lạc giáo xuất hiện nói chung là xấu vì phát xuất từ bản tính hư hoại của con người. Nó đã được đức Giêsu báo trước khi còn tại thế (Mt 23,11.23-26). Lạc giáo làm cho mối dây bác ái trong gia đình đứt đoạn, gây chia rẽ trong các quốc gia và gây ra sự nghéo đói và hư hoại. Do đó, người ta ngăn chặn lạc giáo và có những biện pháp trừng phạt (chém đầu, hoả thiêu, xử tử). Lạc giáo, được xem như một thế lực của sự dữ, tuy có đôi chút phá hoại, nhưng không thể thắng được Giáo hội và không thể phá huỷ sự hiện hữu của Thiên Chúa toàn năng.
Tuy nhiên, như đã nói, chúng ta chân nhận sự hữu ích và cần thiết của các lạc giáo. Quả thế, chúng ta thấy những nguỵ thư của Ngộ đạo thuyết (Gnosticism) chuẩn bị cho việc hình thành quy điển Thánh Kinh; việc hình thành kinh Tin Kính Nicéa-Constantinopolis mà Giáo hội có ngày hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của Arius và Maxêđonius; Nestôrius và Eutykes “giúp” Giáo hội khẳng tín điều về bản tính và ngôi vị của đức Kitô … Giữa những lúc “tranh tối tranh sáng” về việc giải thích và trình bày thiên tính của đức Kitô ở ba thế kỷ đầu, các lạc giáo đã dám can đảm nói lên xác tín của mình (cùng với sự nghiên cứu và dẫn chứng xác đáng). Chẳng hạn, Arius dám cho rằng đức Giêsu không phải là Thiên Chúa với những bằng chứng trong Thánh Kinh (Rm 8,29; Cl 1,15; Mc 13,23 …). Cái sai lầm của anh em lạc giáo lúc này một đàng là sự khó khăn trong việc diễn tả đức tin bằng các phạm trù triết học để dung hoà giữa đức tin và lý trí (với trường hợp của Paul Samosata chưa phân biệt được khái niệm bản tính và ngôi vị theo ngôn ngữ Hy lạp), đàng khác cũng do nhân tố phàm tục (cạnh tranh tư tưởng) hay sự đố kỵ cá nhân. Các lạc giáo không hẳn là muốn phá hoại Giáo hội, nhưng trái lại họ muốn làm rõ đức tin của Giáo hội về mầu nhiệm đức Kitô và vô tình tạo cơ hội để Giáo hội định tín cách chắc chắn. Một cách nào đó, rút ra từ kinh nghiệm với các lạc giáo, Giáo hội cũng cần đến những con người hay “nói ngược, nói ngang” với một thiện chí đóng góp xây dựng làm sáng tỏ các vấn đề về mầu nhiệm đức tin.
_______________________
[1] Maurice Carrez, Dictionaire Grec-Français du Nouveau Testament, Société Biblique Française, 1983, tr. 19. Xt. Phan Tấn Thành, Về nguồn – tập 3, Chân lý, 1999, tr. 219.
[2] Flavius Josephus, Bellum Judaicum, II, 8,1; Antiquitates Iudaicae, XIII, 5, 9. (Xc. http://www.newadvent.org/cathen/07256b.htm, truy cập ngày 25/3/2007).
[3] Xc. http://www.newadvent.org/cathen/07256b.htm.
[4] Ibid.
[5] Irênê, Adv. Haer., I, 26 và III, 3.
[6] Xc. Ch. Duquoc, Christologie, Les Éditions du Cerf, 1968, tr. 284.
[7] Xc. Jean Galot, Who is Christ ?, Gregorian University Press, 1980, tr. 216.
[8] Xc. Phan Tấn Thành, sđd, tr. 234.
[9] Xc. Jean Galot, sđd, tr. 216.
[10] Xc. Ch. Duquoc, sđd, tr. 286.
[11] Xc. Ch. Duquoc, sđd, tr. 287.
[12] Jean Galot, sđd, tr. 227.
[13] Athanasius, Oartio I contra Arianos, 5, PG 26, 21.
[14] Athanasius, De Synodis, 15, PG 26, 705-708.
[15] Kinh Tin kính Nicea (DS 125).
[16] Xc. Fernando Ocariz, Lucas F. Mateo Seco, José Antonio Riestra, Il mistero di Cristo, Roma, 2000. Bản Việt ngữ của Lâm Văn Sỹ, tr. 53-54.
[17] Thánh thi Kinh Chiều II, lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, tr. 1397, dẫn từ bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, ấn bản 1995.
[18] Xc. http://www.newadvent.org/cathen/07256b.htm, phần XII – Role of heresy in history.