Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

TỪ BỮA ĂN THƯỜNG NGÀY ĐẾN BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Thời sự Thần Học – Số 38, tháng 12/2004, tr. 30-54

Quốc Văn


Dẫn nhập


Cử hành Thánh lễ chính là cử hành bí tích cao trọng nhất của Kitô giáo, bí tích Thánh Thể. Bí tích này là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu (Hiến chế GH, số 11). Tiếc thay, nhiều người Kitô hữu hiểu biết rất ít về Thánh lễ. Có khi họ đi lễ hàng ngày, hằng tuần, suốt năm này qua năm nọ, riết rồi nên quen và chẳng cần thắc mắc hay tìm hiểu gì thêm nữa. Thiết tưởng, chúng ta dành chút thời gian để học hỏi về Thánh lễ, thật là việc làm bổ ích và ý nghĩa.
Giáo hội cho thấy Thánh lễ giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống đức tin của chúng ta. Xin trích dẫn một vài số trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo để chúng ta thấy rõ điều này.
  • GL số 1324: “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh đời sống Kitô hữu”.
  • GL số 1325: “Bí tích Thánh Thể biểu thị và thể hiện chính thực chất của Hội thánh là hiệp thông đời sống với Thiên Chúa và hiệp nhất với Dân Chúa. Việc Thiên Chúa thánh hoá trần gian trong Chúa Kitô cũng như con người trong Thánh Thần tôn thờ Chúa Kitô và nhờ Người tôn thờ Thiên Chúa Cha, cũng đạt tới tột đỉnh trong Bí tích Thánh Thể (Huấn thị Mầu Nhiệm Thánh Thể, số 6).
  • GL số 1326: “Nhờ cử hành Bí tích Thánh Thể, ngay từ bây giờ chúng ta được kết hợp với phụng vụ trên trời và tiền dự vào đời sống vĩnh cửu, khi Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi sự”…
Phụng vụ Thánh lễ vô cùng phong phú, khó lòng có thể diễn tả bằng một vài từ ngữ, một vài đoạn văn. Ngay cả danh xưng, Thánh lễ cũng được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau: Thánh lễ Tạ Ơn, Bữa Ăn Của Chúa, Lễ Bẻ Bánh, Lễ Đồng Bàn, Hy Lễ Thánh, Hy Tế Thánh Thể, Hy Lễ Ca Ngợi, Hy Lễ Thiêng Liêng, Phụng Vụ Thánh Thiện Và Thần Linh … Mỗi tên gọi diễn tả một khía cạnh trong muôn vàn khía cạnh phong phú của Thánh lễ.

Như vậy, việc hiểu thấu đáo về Thánh lễ không phải là việc làm trong vài tiếng đồng hồ, không phải chỉ là ngày một ngày hai, mà phải là nỗ lực liên lỷ, tìm kiếm, khám phá, và đặc biệt phải yêu mến và sống Thánh lễ nữa. 

Nói như vậy không phải chỉ sống thôi là được rồi, không cần tìm hiểu gì nữa. Ông bà ta dạy: “Vô tri bất mộ”, nếu không hiểu, hoặc hiểu sai, khó lòng chúng ta có thể sống và yêu mến được. Trong nhiều lối tiếp cận, thiết tưởng chúng ta nên đặt việc tìm hiểu Thánh lễ vào trong toàn bộ đời sống Kitô hữu. Đời sống ấy có thể tóm gọn trong ba khía cạnh: tin - sống - cử hành. 
  • Tin: Việc chúng ta cử hành Thánh lễ không phải là một việc làm mê tín, hay thuần tuý lễ hội, nhưng có nền tảng đức tin, diễn tả đức tin và nuôi dưỡng đức tin.
  • Sống: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Đức tin của chúng ta không phải là một mớ lý thuyết, nhưng phải được thể hiện trong cuộc sống.
  • Cử hành: Tất cả đức tin, những nỗ lực chứng tá, phải được kín múc từ bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể (việc cử hành Thánh lễ); Thánh lễ nuôi dưỡng, làm triển nỡ đức tin và trổ sinh hoa trái trong cuộc sống.
Với hướng đi này, trước tiên chúng ta tìm hiểu nền tảng mạc khải của Thánh lễ (để tin), kế đến là tìm hiểu ý nghĩa của Thánh lể (để sống), và cuối cùng là việc cử hành Thánh lễ.

I. Tìm lại nền tảng mạc khải của Thánh lễ


1. Từ mạc khải tự nhiên đến mạc khải Cựu ước


Chúng ta khởi đi từ mạc khải tự nhiên của loài người, tức là từ một khía cạnh thực tế của cuộc sống, của nền văn hoá để thấy rằng Thánh lễ hay những dấu chỉ chúng ta cử hành mang lại ơn cứu độ không phải là sản phẩm, là sáng kiến của con người, càng không phải là sự ngẫu hứng của Thiên Chúa, hay sự thêm thắt của Giáo hội; nhưng đó là kế hoạch yêu thương từ ngàn đời của Thiên Chúa. Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã nói với con người bằng chính ngôn ngữ bập bẹ của họ, và đã tỏ mình ra bằng những hình ảnh quen thuộc con người có thể lãnh hội. 

Từ một hình ảnh hết sức gần gũi: bữa ăn, chúng ta có thể nhìn Thánh lễ như một bữa ăn như thế. Trong bữa ăn này, mọi người cùng hiện diện, hiệp thông, chia sẻ với nhau, và có thể nói là cùng hy sinh cho nhau nữa. 

a. Bữa ăn trong văn hóa loài người

Mục đích bình thường và tự nhiên của bữa ăn là để nuôi sống, cung cấp cho cơ thể chất dinh dưỡng tạo ra những năng lực để chúng ta phát triển và làm việc. Tuy nhiên, ngoài chức năng dinh dưỡng, bữa ăn còn thể hiện những mối tương quan xã hội, tạo nên những mối giao hảo giúp con người ngày càng hiểu nhau, cảm thông và xích lại gần nhau hơn. Có thể nói đây là khía cạnh “hiệp thông” của bữa ăn.

Để có được sự hiệp thông này, thiết tưởng phải có sự góp mặt đông đủ thực khách. Đây là khía cạnh “hiện diện” trong bữa tiệc. Sự hiện diện này rất đa dạng, có thể đó là sự hiện diện thiêng liêng của những người đã khuất nếu đó là bữa ăn giỗ, có thể là sự hiện diện của những người bà con thân thuộc nếu là bữa cơm tạ ơn …

Trong bữa cơm này, mọi người cùng chia sẻ với nhau tâm sự vui buồn, chia sẻ với nhau những thức ăn đã được dọn. Có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, nhiều khi chỉ là thêm đũa thêm chén, nhiều no ít đủ. Khía cạnh chia sẻ này chúng ta thấy rõ trong mỗi bữa tiệc.

Và cuối cùng, bữa tiệc nào cũng vậy, đòi hỏi phải có sự hy sinh: hy sinh thời giờ để chuẩn bị, hy sinh tiền bạc, và ngay cả hy sinh thời giờ để đến dự tiệc nữa. Thiếu sự hy sinh này, khó lòng có được niềm vui trọn vẹn.

Từ bữa ăn tự nhiên, chúng ta tìm hiểu bữa ăn mang tính cánh tôn giáo.

b. Các bữa ăn mang tính tôn giáo

Không phải chỉ là những nền văn hoá mang tính tôn giáo rõ rệt như văn hóa Do Thái giáo, mà ngay cả những nền văn hoá bán khai, văn hoá nông nghiệp, tức là những nền văn hoá còn bị chi phối nhiều bởi những thế lực thiên nhiên, thì dấu vết tín ngưỡng trong các bữa ăn còn ghi đậm nét. Chúng ta thấy rõ điều này trong những bữa ăn giỗ người quá cố, cúng tạ ơn đầu năm hay cuối năm, cúng tạ ơn khi tai qua nạn khỏi hay trước một biến cố nào quan trọng như sinh con, dựng vợ gả chồng cho con cái, con cái thi cử đỗ đạt… Bữa ăn vượt qua cả sự hiệp thông giữa người với người, tiến đến sự hiệp thông với Trời và đất, với chư vị thần thiêng, và tin rằng sẽ được các vị nâng đỡ phù trì.

Trong Cựu ước, chúng ta cũng thấy những bữa ăn mang tính thần thiêng như thế. Dân tế lễ Thiên Chúa và cũng được chia sẻ một phần tế phẩm (1Sm 9, 12 tt; 1,4-18), Abraham khoản đãi các thần sứ Giavê (St 18,1-5)… và đặc biệt là bữa ăn Vượt qua của dân Do Thái.

c. Bữa ăn Vượt qua của dân Do Thái

Trong tất cả những bữa ăn tôn giáo của người Do Thái, quan trọng nhất là bữa ăn Vượt qua. Lúc đầu khi dân còn sống trong lối sống du mục, lễ Vượt qua (đúng ra phải gọi bằng tên riêng là “Pascha”) được cử hành vào ngày 14 tháng Abib (về sau mới đổi thành tháng Nisan, tức là khoảng tháng 3 hay tháng 4 của chúng ta) nghĩa là khi vừa hết mùa đông bước vào mùa xuân. Lễ này mang tính gia đình: mỗi nhà sẽ dâng cho Giavê một con chiên hay một con dê được một năm tuổi, để xin Ngài chúc lành cho đàn chiên của mình trước khi lùa chúng đến những đồng cỏ. Người ta lấy máu chiên hay đê đã sát tế bôi lên cửa để trừ tà.

Một biến cố khủng khiếp và vĩ đại xảy đến cho dân, sứ thần Giavê vượt qua các cửa nhà nào có dấu máu chiên, và sát hại tất cả các con trai đầu lòng của người Ai Cập (Xh 12,13). Để muôn đời ghi nhớ biến cố này, người Do Thái mỗi năm phải mừng lễ Vượt qua, và lễ này được mặc thêm một ý nghĩa mới: Thiên Chúa giải phóng dân. 

Khi dân định cư trên đất Canaan, để đánh dấu mùa đông kết thúc và mùa xuân đã đến, người ta dâng cho Giavê những hoa trái đầu mùa (thay cho chiên cừu, vì họ không còn sống chế độ du mục nữa) xin Ngài chúc phúc cho mùa màng bội thu. Người ta loại bỏ men cũ và làm men mới; trong khi chờ đợi men mới, người ta ăn bánh không men. Lễ Bánh không men bắt đầu mang ý nghĩa chay tịnh, liên kết với lễ Vượt qua, nhớ lại những khổ nhục hồi còn ở Aicập. Từ khuôn khổ một buổi lễ gia đình, lễ Vượt qua trở thành lễ của cả một dân tộc; người ta không sát tế chiên ở nhà nữa, mà phải đưa vào đền thờ cho các tư tế và các thầy Lêvi sát tế (Đnl 16, 5-7; 2 V 23, 21-23; 2 Sbn 25). Người ta ước tính, thời Đức Giêsu, dịp lễ Vượt qua có khoảng 200.000 người hành hương về Giêrusalem. Nếu căn cứ theo luật, 10 người có thể ăn chung một con chiên, thì vào dịp Đại lễ này cũng có khoảng mười mấy vạn con chiên được sát tế, và như vậy các thầy tư tế và Lêvi phải giết chiên từ 12 giờ trưa ngày thứ năm, thay vì theo luật phải là chập tối ngày thứ sáu.

Chúng ta cũng nên tìm hiểu diễn tiến của buổi tiệc này: 
  • Phần khai vị: gồm có lời nguyện khai mạc của gia chủ, uống chén rượu thứ nhất và ăn rau đắng chấm với một thứ nước chấm có màu gạch (để nhớ lại những khổ cực dân phải làm gạch bên Ai Cập). Sau đó một trẻ em sẽ đứng lên hỏi gia chủ về ý nghĩa của bữa ăn này. Sau khi gia chủ giải thích, cả nhà cùng hát Thánh vịnh 113 –114.
  • Phần thứ hai, phần chính của buổi tiệc: uống chén rượu thứ hai, gia chủ cầm bánh không men, đọc kinh rồi bẻ ra chia cho mọi người cùng ăn. Sau đó mọi người ăn chiên Vượt qua.
  • Phần thứ ba: người ta uống chén rượu thứ ba, quen gọi là “chén chúc tụng” vì gia chủ có đọc lời kinh chúc tụng trên chén ấy. 
  • Phần kết thúc: người ta uống chén rượu thứ tư và hát các Thánh vịnh 115 – 118.
Qua bữa ăn này, chúng ta thấy người Do Thái tưởng niệm lại biến cố Xuất Hành của cha ông mình ngày xưa, đồng thời bày tỏ lòng tin và trung thành với Giavê, xin Ngài nhớ đến Giao ước mà cứu giúp họ (khiá cạnh hiện tại của bữa ăn Vượt Qua), đồng thời họ cũng nghĩ đến ngày Giavê đích thân cai trị họ, cũng là ngày Vương quốc Thiên Chúa được hoàn thành mỹ mãn (khía cạnh tương lai của bữa tiệc).

Trong bữa tiệc Vượt qua, chúng ta thấy có đầy đủ những yếu tố: hiệp thông (với tổ tiên, với Giavê và với nhau), hiện diện (mọi người trong gia đình đều có mặt), chia sẻ (chiên Vượt qua, bánh không men, rau đắng…) và hy sinh (những ý nghĩa biểu trưng của các thức ăn). 

Sau khi đã khảo cứu bữa ăn Vượt qua thời Cựu ước, chúng ta bước sang thời Tân ước.

2. Bữa ăn Thánh Thể trong mạc khải Tân ước


a. Bữa Tiệc Ly của Đức Giêsu và các môn đệ

Đức Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình và yêu thương họ đến cùng. Khi biết giờ đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về cùng Cha, Người rửa chân cho họ trong bữa Tiệc Ly và ban cho họ giới răn yêu thương (Xc. Ga 13, 1-17). Để trao lại cho họ bảo chứng tình yêu này, và cho họ được tham dự vào cuộc Vượt qua của mình, Người thiết lập Bí tích Thánh Thể để tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh của Người và truyền lệnh cho các tông đồ mà “Người đã đặt làm tư tế của Giao ước mới, cử hành bí tích này cho tới khi Người lại đến” (Xc. CĐ Trentô: DS 1740).

Đức Giêsu đã chọn Lễ Vượt Qua để thực hiện điều Người báo trước ở Caphanaum là ban Mình Máu Người cho các môn đệ: 
“Đã đến ngày lễ Bánh không men, Đức Giêsu sai các ông Phêrô, Gioan đi và dặn: “Các anh hãy đi dọn cho chúng ta ăn lễ Vượt Qua …” Các ông ra đi … và dọn tiệc Vượt Qua. Khi tới giờ ăn tiệc Vượt Qua, Đức Giêsu vào bàn với các tông đồ. Người nói với các ông: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa” … Rồi Người cầm lấy tấm bánh dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các ông và nói: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm như Thầy vừa mới làm, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Rồi đến tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng Máu Thầy, Máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,7-8; 13-16; 19-20).
Trong bữa Tiệc Ly, khi Đức Giêsu cùng mừng lễ với các tông đồ, Người đã đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho lễ Vượt Qua của Người Do Thái. Tiệc Ly tiên trưng cho cuộc Vượt Qua mới: trong cuộc tử nạn và phục sinh, Đức Giêsu vượt qua để về cùng Chúa Cha. Cuộc Vượt Qua này được cử hành trong bí tích Thánh Thể, bí tích này hoàn tất lễ Vượt Qua của người Do Thái và tiên báo vuộc Vượt Qua cuối cùng của Hội thánh vào vinh quang Nước Trời (GLHTCG số 1340).

So sánh bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái với bữa Tiệc Ly của Đức Giêsu và các môn đệ có những điểm giống và khác nhau: 
  • Điểm giống nhau: cùng là bữa tiệc Vượt Qua được cử hành trong khung cảnh phụng vụ, với tất cả các nghi thức của một buổi lễ theo Truyền thống.
  • Điểm khác biệt: Tiệc Ly có ý nghĩa vượt qua cả ý nghĩa của của bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái. Một điểm khác biệt rất căn bản, trong bữa tiệc ly, rượu nho đã trở nên Máu Chúa; và chiên Vượt Qua là chính Chúa Giêsu, Người đã chịu sát tế, chịu đổ Máu mình để thiết lập giao ước mới, giao ước có giá trị tha thứ tội lỗi cho con người. Thánh Mátthêu nói rất rõ điều này: “Anh em hãy cầm lấy mà uống. Này là Máu Thầy, sẽ đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,27).
Trong bữa Tiệc Ly, một lần nữa chúng ta lại thấy đầy đủ những ý nghĩa: Hiệp thông, hiện diện, chia sẻ và hy sinh. Các môn đệ không chỉ hiệp thông với Đức Giêsu trên phương diện tình cảm, mà hiệp thông sâu sa trong ơn cứu độ, trong một giao ước mới. Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu hiện diện với các môn đệ không chỉ bằng xương bằng thịt, nhưng còn là một sự hiện diện thiêng liêng, “sự hiện diện bí tích. “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 13,19). Nếu con người đã chia sẻ cho Thiên Chúa nhân tính của mình (Mầu nhiệm nhập thể), thì từ nay Thiên Chúa chia sẻ cho con người Thiên tính của Ngài (mỗi khi rước lễ, chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa). Và đặc biệt, khía cạnh hy sinh trong bữa Tiệc Ly được nhấn mạnh: Thiên Chúa đã hy sinh mạng sống, trao banThịt Máu mình làm của ăn của uống cho con người. Chính với khía cạnh này, chúng ta càng tấy rõ: Thánh lễ là một bữa tiệc. “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Giờ đây chúng ta cùng tìm hiểu xem Giáo hội sơ khai đã hiểu vàsống lệnh truyền của Đức Giêsu như thế nào.

b. Giáo hội sơ khai hội họp cử hành Tiệc Bẻ bánh

Khi Đức Giêsu truyền lặp lại những cử chỉ và lời nói của mình “cho tới khi Người lại đến” (1Cr 11,26), Người đòi hỏi không những phải nhớ đến Người và những gì Người đã làm, nhưng còn muốn các tông đồ và những người kế nhiệm phải cử hành phụng vụ tưởng niệm cuộc sống, cái chết, việc phục sinh và lên trời về với Chúa Cha của Người; việc làm này không phải chỉ để nhớ đến Đức Giêsu, nhưng còn là ca tụng tình thương của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu và hiến tế thập giá của Người, Thiên Chúa đã ban cho con người ơn cứu độ.

Ngay từ đầu, Hội thánh đã trung thành tuân giữ mệnh lệnh của Chúa. Sách Công Vụ Tông Đồ tường trình về Hội thánh ở Giêrusalem như sau: 
“Họ chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng … ngày ngày siêng năng tới đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,42.46)
Đặc biệt các Kitô hữu họp nhau để “bẻ bánh” (Cv20,7) vào “ngày thứ nhất trong tuần”, nghĩa là Chúa nhật, ngày Chúa phục sinh. Sách thánh không cho thấy cụ thể nghi lễ Bẻ bánh diễn tiến thế nào, nhưng chúng ta có thể xem đây là những Thánh lễ thuở ban đầu Giáo hội đã xác tín và long trọng cử hành. Đó chính là nguồn mạch và sức sống của Giáo hội thời sơ khai.

Cũng nên biết, thuở đầu không có luật buộc phải giữ chay Thánh Thể như ngày nay, trước khi cử hành lễ bẻ bánh, các tín hữu tụ họp nhau chia sẻ bữa cơm huynh đệ gọi là Agape. 

Tuy nhiên, chẳng bao lâu, trong cộng đoàn xảy ra sự chia rẽ, lạm dụng. Thay vì là bữa ăn huynh đệ, người ta đã biến thành những cuộc nhậu nhẹt, quy tụ những người khá giả rồi “chén chú chén anh”, đến lúc cử hành Thánh lễ thì ai nấy đều say mèm, đã vậy còn tạo ra sự phân cánh giữa giàu và nghèo nữa. Thánh Phaolô đã phải lên tiếng mạnh mẽ khiển trách vấn đề này, cụ thể nơi giáo đoàn Côrintô: 
“Nhân lúc đưa ra các chỉ thị này, tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không mang lại lợi ích gì mà chỉ gây hại. Thật thế, trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau, và tôi tin là điều ấy có phần nào đúng … Khi anh em họp nhau thì không phải để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say. Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của? Tôi phải nói gì với anh em? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao? Về điểm này tôi chẳng khen đâu! …
Cho nên, thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau. Ai đói thì ăn ở nhà, kẻo anh em đến họp mà hóa ra bị kết án. Về các vấn đề khác, tôi sẽ liệu ki nào đến thăm anh em” (1 Cr 11, 17-34).
Về sau việc tụ họp Bẻ bánh tách khỏi bữa tiệc Agape, và mang những nghi thức phụng vụ rõ nét hơn. Chúng ta ghi nhận vài đặc điểm: 
  • Trước tiên Lễ Tạ Ơn không còn lồng trong một buổi tiệc nữa, nên chỉ còn là một bàn tiệc duy nhất dành cho vị chủ toạ đọc lời tạ ơn trên bánh rượu.
  • Ngày xưa, lễ bẻ bánh tại tư gia (Cv 2,46), mang tính cách gia đình; dần dà, giáo đoàn ngày càng đông, không gian cử hành cũng cần phải rộng lớn hơn, phụng vụ Thánh lễ thoát ra khỏi phạm vi gia đình.
  • Vì thoát ra khỏi gia đình, nên chỉ có một Thánh lễ duy nhất cho cả cộng đoàn theo thời gian quy định.
  • Thánh lễ thoát ra khỏi khung cảnh một lễ Vượt Qua (vì theo luật, mỗi năm chỉ cử hành lễ Vượt Qua một lần duy nhất). Cộng đoàn thường chọn buổi bình minh để cử hành Thánh lễ, vì ánh mặt trời rạng đông là hình ảnh của Chúa Phục Sinh. 
Sau khi đã tìm hiểu nền tảng mạc khải của Thánh lễ, chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của việc cử hành Thánh lễ. Thánh lễ là hy tế bí tích: tạ ơn, tưởng niệm và hiện diện.

II. Hy tế bí tích: tạ ơn, tưởng niệm và hiện diện


Việc cử hành Thánh lễ mang nhiều ý nghĩa: tạ ơn, hiện tại hóa hy tế cứu độ, hiện thực tình thương của Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể (lễ tạ ơn linh mục, ngân khánh khấn dòng, ngọc khánh hôn phối …), dưới đây chỉ xin nêu ra những khía cạnh chính yếu.

1. Tạ ơn và ca ngợi Chúa Cha


Thánh Thể là bí tích cứu độ được Đức Kitô hoàn tất trên thập giá, đồng thời cũng là hy tế tạ ơn và ca ngợi công trình của Đấng Sáng Tạo. Trong hy tế Thánh Thể, Đức Kitô dâng toàn thể công trình sáng tạo được Thiên Chúa yêu thương lên trước nhan Chúa Cha qua cái chết và sự phục sinh của mình. Nhờ Người, Hội thánh có thể dâng hy tế tạơn và ca ngợi vì tất cả những chân thiện mỹ Thiên Chúa đã làm cho vũ trụ và con người (GLHTCG số 1359).

Bí tích Thánh Thể là lời chúc tụng Hội thánh dâng lên Thiên Chúa để tỏ lòng tri ân vì mọi điều thiện hảo Người đã thực hiện qua công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Bí tích Thánh Thể trước hết là “hy tế tạ ơn” (GLHTCG số 1360).

Bí tích Thánh Thể còn là hy tế ca ngợi, nhờ đó Hội thánh dâng lên lời ca ngợi vinh quang Thiện Chúa nhân danh toàn thể thọ sinh. Hy tế ca ngợi này chỉ có thể thực hiện cách trọn hảo nhờ Đức Kitô: Người hiệp nhất mọi tín hữu với Người, với lời ca ngợi và chuyển cầu của Người; đến nỗi hy tế ca ngợi Chúa Cha phải được dâng lên nhờ Người, với Người để được chấp nhận trong Người (GLHTCG số 1361).

Vì thế chúng ta mới có thể hiểu được lời kinh tạ ơn, cao điểm nhất của Thánh lễ: “Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô, và trong Đức Kitô, mà mọi vinh quang và vinh dự đều thuộc về Chúa là Cha Toàn Năng đến muôn thuở muôn đời”.

Chúng ta bàn đến ý nghĩa thứ hai của Thánh lễ.

2. Tưởng niệm hy tế của Chúa Kitô và của thân thể Người là Hội thánh


Theo Thánh kinh, tưởng niệm không chỉ là nhớ lại những biến cố đã qua, mà còn là loan báo những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện. Khi cử hành phụng vụ, những biến cố này hiện diện sống động giữa cộng đoàn. 

Khi cử hành Thánh lễ, Hội thánh tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, lúc đó cuộc Vượt Qua này trở nên sống động giữa cộng đoàn, vì lễ tế của Đức Kitô trên thập giá chỉ dâng một lần là đủ và luôn luôn sống động để đem lại ơn cứu độ cho con người. 

Vì là lễ tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, Thánh lễ cũng là một hy tế. Tính chất hy tế thể hiện rõ trong lời truyền phép: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. “Này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội” (Mt 26,28).

Hy tế của Đức Giêsu trên thập giá và hy tế Thánh Thể chỉ là một, cũng vẫn Đức Giêsu là tư tế, là lễ vật và là bàn thờ; có khác chăng là hy tế Thánh Thể không còn đổ máu và Đức Giêsu dâng lễ qua thừa tác viên của Người là các linh mục. 

Thánh lễ cũng là hy tế của Hội thánh nữa. Là thân thể của Đức Kitô, Hội thánh tham dự vào hy tế của Đức Kitô là đầu. Cùng với Người, Hội thánh cũng được hiến tế trọn vẹn cho Chúa Cha. Hội thánh hiệp nhất với Đức Kitô để chuyển cầu cho toàn thể nhân loại.

Trong mầu nhiệm các thánh thông công, không phải chỉ có Giáo hội trần thế kết hiệp với hy tế của Đức Giêsu, nhưng cả Giáo hội vinh quang trên trời, và Giáo hội đang được thanh luyện cùng kết hợp hy tế ấy. Do vậy trong Thánh lễ có sự chuyển cầu của Đức Mẹ và các thánh, cùng cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện tội. Khi cử hành Thánh lễ là chúng ta được Tham dự trước việc cử hành phụng vụ trên trời (Xc. GLHTCG 1364-1372).

3. Đức Kitô hiện diện nhờ quyền năng Lời Người và Thánh Thần


Đức Giêsu hiện diện trong Hội thánh dưới nhiều hình thức khác nhau: trong Lời Chúa; trong kinh nguyện của Hội thánh, “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ” (Mt18,20); trong những người nghèo khổ, đau yếu, tù đầy (Mt 25, 31-46); trong các bí tích do Người thiết lập; trong hy tế Thánh lễ và nơi thừa tác viên; nhất là Người hiện diện dưới hai hình Thánh Thể” (GLHTCG 1373, SC 7).

Trong bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu hiện diện một cách thực sự và trọn vẹn nhân tính cùng Thiên tính nơi mỗi hình bánh, hình rượu (Giáo hội gọi đây là sự hiện diện bản thể). Người hiện diễn trong Thánh Thể từ lúc bắt đầu truyền phép và kéo dài bao lâu hình bánh, hình rượu còn tồn tại. Do vậy, ngoài Thánh lễ, Giáo hội còn cổ võ việc tôn sùng Thánh Thể bằng cách tổ chức chầu, viếng Thánh Thể. Trong bí tích này, Đức Giêsu hiện diện một cách mầu nhiệm giữa chúng ta, như “Đấng đã yêu thương và thí mạng vì chúng ta” (Gl2,20), Người hiện diện qua những dấu chỉ biểu lộ và thông ban tình yêu này.

Chúng ta đi vào phần cử hành, hay là khía cạnh sống Thánh lễ.

III. Cử hành phụng vụ Thánh lễ


1. Thánh lễ qua mọi thời đại


Từ thế kỷ II, chúng ta đã có chứng từ của thánh Giút-ti-nô tử đạo vể những diễn tiến chính của Thánh lễ. Cho đến nay, diễn tiến này vẫn không thay đổi trong các nghi lễ phụng vụ. Thánh Giút-ti-nô viết bản văn này vào năm 155, để giải thích cho hoàng đế La Mã Antonius Pius (136-161) về những gì người Kitô hữu đã cử hành: 

Vào ngày mặt trời, như người ta thường gọi, những người tín hữu trong thành phố hay ở nông thôn đều họp lại một nơi.

Tuỳ thời gian cho phép, người ta đọc bút tích của các tông đồ và sách các ngôn sứ.

Sau khi đọc xong, vị chủ sự lên tiếng nhắn nhủ và khuyến khích mọi người sống theo các giáo huấn và gương lành tốt đẹp này.

Sau đó chúng tôi đứng dậy, dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa cho chính chúng tôi … và cho mọi người khác trên thế giới, để xứng đáng trở thành những người công chính và trung thành tuân giữ lề luật ngay trong cuộc sống hầu đạt được hạnh phúc vĩnh cửu.

Sau lời nguyện, chúng tôi hôn và chúc bình an cho nhau. 

Tiếp đến, một tín hữu mang bánh và một chén rượu có pha nước đến cho vị chủ sự.

Vị chủ sự cầm lấy bánh rượu, nhân danh Chúa Con và Thánh Thần, dâng lời tán tụng tôn vinh Chúa Cha là Chúa tể càn khôn. Ông đọc một lời tạ ơn dài về việc Thiên Chúa cho cho chúng ta xứng đáng lãnh nhận các hồng ân.

Khi vị chủ sự kết thúc các lời nguyện và kinh tạ ơn, mọi người hiện diện đều đồng thanh đáp: Amen.

Sau khi vị chủ sự hoàn thất nghi thức tạ ơn và toàn dân thưa Amen, các vị mà chúng tôi gọi là phó tế, phân phát Bánh và Rượu có pha nước đã “trở thành Thánh Thể” cho mọi người hiện diện hưởng dùng và đem về cho những người vắng mặt (Xc. T. Giút-ti-nô, Hộ giáo, 1,65; GLHTCG trích lại, số 1345).

Như vậy Thánh lễ diễn tiến theo một cấu trúc cơ bản được duy trì từ nhiều thế kỷ cho đến nay. Thánh lễ chia làm hai phần nhưng là một thể thống nhất: 
  • Tập họp, phụng vụ Lời Chúa với các bài đọc, bài giảng và lời nguyện tín hữu.
  • Phụng vụ Thánh Thể với việc tiến dâng bánh rượu, truyền phép, lời kinh tạ ơn và hiệp lễ.
Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể là “một hành vi phụng thờ duy nhất”(SC 56). “Bàn tiệc Thánh Thể vừa là bàn tiệc Lời Chúa, vừa là bàn tiệc Mình Chúa Kitô” (DV 21).

2. Diễn tiến Thánh lễ 


a. Những nghi lễ khởi đầu
  • Cộng đoàn tụ họp, bắt đầu ca nhập lễ, linh mục tiến lên bàn thờ. 
  • Linh mục hôn kính bàn thờ (có thể tuy nghi xông hương), làm dấu thánh giá và chào chúc Cộng đoàn, nhắc cộng đoàn về việc quy tụ và sự hiện diện của Chúa. Việc cộng đoàn đáp lại lời chào của vị chủ tế nói lên mầu nhiệm Hội thánh tụ họp.
  • Việc sám hối: Sau những lời vắn tắt dẫn vào Thánh lễ, chủ sự mời gọi mọi người sám hối và kết thúc bằng công thức xá giải.
  • Kinh Chúa thương xót.
  • Kinh vinh danh (trừ mùa vọng và mùa chay): 
  • Lời nguyện nhập lễ: Linh mục mời gọi mọi người cầu nguyện, rồi thinh lặng giây lát giúp mọi người ý thức mình đang ở trước nhan Chúa, và để mỗi người có thể dâng lên ý nguyện riêng tư của mình. Sau lời tổng nguyện, cộng đoàn đáp: Amen, nói lên lời nguyện đó là của mình.
b. Phụng vụ Lời Chúa
  • Những bài đọc Sách thánh: Thiên Chúa nói với dân qua miệng các ngôn sứ, các thánh ký …
  • Thánh vịnh đáp ca: dân đáp lại lời của Chúa
  • Tung hô Tin mừng, công bố Tin mừng: Chúa trực tiếp nói với chúng ta qua lời Con Một của Người.
  • Bài giảng: giúp cộng đoàn hiểu và sống lời Chúa, những yêu sách của Lời Chúa trong hoàn cảnh cụ thể của cộng đoàn, của mỗi người.
  • Tuyên xưng đức tin.
  • Lời nguyện tín hữu.
c. Phụng vụ Thánh Thể

Chuẩn bị lễ vật: mang hoặc rước cách long trọng bánh rượu lên bàn thờ. Linh mục nhân danh Đức Kitô dâng lên Thiên Chúa những lễ vật sẽ trở thành Mình Máu Chúa Kitô. Đây chính là cử chỉ của Đức Kitô trong bữa Tiệc Ly, “cầm lấy bánh và chén rượu”. Giáo hội đang thi hành lệnh truyền của Thầy Chí Thánh: “Anh em hãy làm việc này mà nhở đến Thầy”.

Thuở ban đầu, khi mang bánh và rượu đến cử hành Thánh lễ, các Kitô hữu cũng mang theo tặng phẩm để giúp đỡ những người túng thiếu.

Kinh nguyện Thánh Thể: trung tâm và cao điểm của toàn bộ cử hành, là kinh nguyện Thánh Thể, gồm lời kinh tạ ơn và lời truyền phép. Lời kinh tạ ơn gồm có: 
  • Kinh tiền tụng: nhờ Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần, Hội thánh dâng lên Chúa Cha lời tạ ơn về tất cả công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hoá.
  • Kinh “xin ban Thánh Thần”: Hội thánh khẩn cầu Chúa Cha ban Thánh Thần xuống trên bánh rượu; đề nhờ quyền năng Thánh Thần, Bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa Giêsu, và để những người lãnh nhận Thánh Thể trở thành một thân thể và một tinh thần duy nhất.
  • Phần tường thuật: Thuật lại việc lập bí tích Thánh Thể, nhờ hiệu lực của Lời và cử chỉ của Đức Kitô, cũng như quyền năng của Thánh Thần, bánh rượu trở thành Mình và Máu Đức Kitô, lễ vật chính Người đã dâng trên thập giá.
  • Phần tưởng niệm: Hội thánh tưởng niệm đến cuộc khổ nạn, phục sinh và quang lâm vinh hiển của Đức Giêsu; Hội thánh dâng lên Chúa Cha lễ vật của Con Chí Ái, lễ vật giao hoà chúng ta với Người.
  • Các lời chuyển cầu: diễn tả sự hiệp thông của toàn thể Hội thánh, cả thiên quốc, nơi luyện ngục, lẫn trần gian. 
Phần Hiệp lễ: trong phần hiệp lễ, các tín hữu lãnh nhận “Bánh bởi trời” và “Chén cứu độ” là chính Mình Máu Đức Kitô, Đấng tự hiến “để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51).
  • Kinh lạy Cha. 
  • Chúc bình an.
  • Nghi thức bẻ bánh trước phần hiệp lễ: đây là cử chỉ Đức Giêsu đã làm trong bữa tối sau hết. Cử chỉ này nói lên rằng, chúng ta tham dự vào một bánh ban sự sống là Đức Kitô, thì cùng làm nên một thân thể (1 Cr 10,17).
  • Chủ tế bỏ một phần bánh thánh vào trong chén thánh, để nói lên sự hiệp nhất nên một giữa Mình và Máu Thánh Đức Giêsu, thể hiện sự hiệp thông và chia sẻ cùng một bánh và một chén thánh.
  • Kinh lạy Chiên Thiên Chúa.
  • Ca hiệp lễ.
  • Hiệp lễ.
Nghi thức kết lễ: gồm lời chúc và phép lành của linh mục chủ tế, và giải tán cộng đoàn.

3. Những giá trị biểu tượng


Về phương diện cử hành, cũng nên biết thêm về ý nghĩa các giá trị biểu tượng. Toàn bộ việc cử hành phụng vụ vận dụng dấu chỉ, đa số là những dấu chỉ Kinh thánh; trong tư cách là dấu chỉ Kinh thánh, các bí tích biểu thị ân sủng mà chúng chứa đựng.

Chúng ta bàn đến từng loại dấu chỉ biểu tượng: 

a. Những tư thế chính khi cử hành phụng vụ

Phụng vụ không đơn thuần là tâm niệm, lời cầu nguyện trong phụng vụ được diễn tả bằng môi miệng các tư tế và các cử chỉ của cơ thể con người. Sau đây là một số tư thế chính: 

* Đứng là tư thế của người phục vụ bàn thờ, đặc biệt là của thượng tế dâng lễ hiến sinh trong truyền thống Do Thái (Hc 50,13).

Với Kitô hữu, đứng là tư thế căn bản nhất trong phụng vụ: trước hết, theo nghĩa tự nhiên, đứng là dấu chỉ lòng kính trọng. Đứng còn là tư thế bình thường của người Do Thái khi cầu nguyện và là tư thế đặc trưng của Kitô hữu khi cầu nguyện Đứng còn là tư thế của người được thông phần vào sự sống lại; và cuối cùng, dứng là tư thế của người mong chờ ngày Chúa quang lâm, “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, giờ anh em được cứu thoát đã gần tới”.

* Quỳ gối là tư thế của người cầu nguyện khi ăn chay, là dấu chỉ biểu lộ lòng ăn năn sám hối. Theo thánh Basilê, “quỳ gối là hành động nói lên rằng tội lỗi đã quật ta ngã xuống đất”.

Quỳ gối còn là tư thế của người cầu nguyện riêng, quỳ gối khi suy gẫm một đoạn sách như các đan sĩ quen làm.

Cuối cùng, quỳ gối cũng nói lên lòng khiêm tốn, và cung kính đối Thiên Chúa.

* Ngồi là tư thế của bậc thầy khi giảng dạy, và của người đứng đầu cộng đoàn khi chủ toạ. 

Ngồi cũng còn là tư thế của người lắng nghe: trẻ Giêsu ngồi giữa các bậc thầy Do Thái, lắng nghe và đặt câu hỏi (Lc 2,46), cô Maria ngồi bên chân Chúa và lắng nghe Lời Người (Lc 10,39). Vì thế, các tín hữu ngồi khi lắng nghe Lời Chúa (trừ bài Tin Mừng), các đáp ca, nghe giảng; và sau khi rước lễ, họ ngồi xuống cám ơn trong thinh lặng.

* Đấm ngực là cử chỉ biểu lộ lòng sám hối: trong dụ ngôn, người thu thuế đấm ngực và cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, con là kẻ tội lỗi …” (Lc18,13), và trước cảnh tượng Đức Giêsu tắt thở, dân chúng kéo đến xem, đều đấm ngực ra về (Lc 23,48).

* Giơ tay lên và giang tay ra

Khi đọc các lời nguyện trong thánh lễ, hay các lời nguyện thánh hiến, chủ tế giơ tay lên. Tuy vậy, trong các thế kỷ đầu, cử chỉ này không phải chỉ dành riêng cho chủ tế mà là của cả cộng đoàn khi cầu nguyện. Có thể nói, các Kitô hữu đã làm theo tập quán Do Thái, nhưng thay đổi ý nghĩa của tập quán này: giơ tay hướng về Chúa, như Đức Kitô đã làm khi chịu đóng đinh vào thập giá. 

* Hôn bàn thờ và Sách thánh. Nụ hôn biểu hiện lòng yêu mến và quý trọng. Khi cử hành phụng vụ, bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô, Người là tư tế, là lễ phẩm, và cũng là bàn thờ. Hôn kính bàn thờ và Sách thánh là biểu lộ lòng mến yêu và kính trong Đức Giêsu đang hiện diện trong cộng đoàn phụng vụ.

* Làm dấu thánh giá. Từ đầu thế kỷ thứ III, tại Châu Phi và tại Rôma, khi cử hành nghi thức khai tâm, người ta làm dấu thánh giá trên trán các ứng viên để nói lên rằng từ nay họ thuộc về Đức Kitô và họ nhận được dấu ấn vô hình mà dấu thánh giá ghi trên trán họ. Các tín hữu có thói quen làm dấu thánh giá trên trán. Người ta cũng làm dấu thánh giá trên giác quan để trừ quỷ. Hình thức làm dấu thánh giá như hiện nay xuất hiện tương đối muộn thời.

Chúng ta cũng nên biết thêm ý nghĩa biểu tượng của các yếu tố vật chất được dùng trong phụng vụ.

b. Các yếu tố vật chất

* Ánh sáng tượng trưng cho Chúa Kitô, đặc biệt trong đêm vọng phục sinh, ánh sáng nói lên sự chiến thắng vinh quang của Người, ánh sáng ấy soi chiếu vào đêm đen tội lỗi của nhân loại, dẫn họ về nẻo chính đường ngay. Ánh sáng được thắp lên cũng là dấu chỉ của niềm vui, một sự hiện diện thánh thiêng, và cũng là biểu tượng của lời cầu nguyện ta dâng lên Thiên Chúa.

* Hương thơm. Trong phụng tự Do Thái, hương thơm là biểu tượng của lời cầu nguyện bay toả trước thánh nhan (Tv140,2). Sách Khải huyền cũng lấy lại ý tưởng này (Kh 8, 3-5).

Xông hương cũng còn là thể hiện sự cung kính: xông hương bàn thờ, Sách thánh, lễ phẩm, linh mục chủ sự và tín hữu, Thánh Thể, Thi hài người chết …

Ngày nay, trong chiều hướng hội nhập văn hóa, chúng ta có việc niệm hương, cử chỉ này cũng mang ý nghĩa tương tự như việc xông hương (tuy nhiên, trong văn hoá Việt Nam không có việc niệm hương cho người sống).

* Nước thánh. Từ thời Kitô giáo cổ cho đến nay, nước thánh được các tín hữu sử dụng như nước để thanh tẩy. Từ thế kỷ thứ 6, người cho cho chút muối vào nước (có lẽ bắt chước hành động của ngôn sứ Êlisa, 2V 2,20-22); thời Trung Cổ, người ta còn cho thêm một số hương liệu khác nữa vào nước, trong nghi thức cung hiến thánh đường. 

Tuy nhiên, trong phụng vụ, nước còn mang ý nghĩa nhắc nhớ mầu nhiệm Vượt Qua và phép Rửa tội. Đây chính là ý nghĩa của việc rảy nước thánh trên cộng đoàn ngày Chúa nhật. Trong nghi thức an táng, việc rảy nước thánh trên người quá cố nhắc nhở rằng: “chính phép rửa tội dẫn ta vào đời sống vĩnh cửu”.


Kết luận


Trước đây, chúng ta vẫn thường nghe nói “đi xem lễ”; thiết tưởng cách nói này rất thụ động, tín hữu chỉ là những người ngoài cuộc, đứng xem diễn “tuồng thánh lễ”. Trước Công đồng Vaticanô II, Thánh lễ buộc phải dâng bằng tiếng Latinh, linh mục đứng quay lên, do vậy giáo hữu chẳng hiểu gì, chỉ thấy vị chủ tế “xì xụp”.

Sau khi Công đồng Vaticanô II cải cách phụng vụ, Thánh lễ được dâng bằng tiếng bản xứ, linh mục quay xuống cộng đoàn, người tín hữu được học hỏi và tham dự Thánh lễ một cách tích cực hơn. Giờ đây, chúng ta không còn phải là những người “xem lễ” nữa, mà là dâng lễ, tham dự thánh lễ; vì Thánh lễ không phải là việc làm của riêng linh mục, nhưng là việc cử hành của cả Giáo hội với Chúa Kitô là đầu, mà chúng ta là thành phần của Giáo hội, là chính Giáo hội.

Chính nhờ Thánh lễ mà Giáo hội được quy tụ, và cũng chính nhờ Giáo hội quy tụ mà có Thánh lễ. Thánh Âutinh nói: “Thánh thể làm nên Giáo hội, và Giáo hội cũng làm nên Thánh Thể”. 

Thánh lễ không tách biệt khỏi cuộc sống, nhưng có thể nói, tất cả mọi vấn đề của cuộc sống, “những vui mừng và hy vọng, âu sầu và lo lắng” của con người, đều là chất liệu, đều là của lễ để tiến dâng Thiên Chúa. Người tín hữu thể hiện vai trò tư tế của mình bằng chính việc kết hợp và tiến hâng hy tế cuộc sống của mình, giữa trăm ngàn gian nan thử thách. Kết hợp lễ dâng này với hy tế của Đức Giêsu, Thánh lễ sẽ đem lại cho bản thân và mọi người ơn cứu độ đích thực.

Chúng ta đừng quên rằng, Thánh lễ là nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Kitô hữu. Chúng ta không chỉ dừng lại để chiêm ngắm, để tìm hiểu, để tin, nhưng còn phải sống Thánh lễ nữa.

Tài liệu tham khảo

  1. Giáo lý Hội thánh Công giáo (Nxb. Tp. HCM, 1997).
  2. Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành. Bí tích Thánh Thể. (Giáo trình, lưu hành nội bộ).
  3. Lm. Aug Nguyễn Văn Trinh. Thánh lễ. Tập I và 2. (Lưu hành nội bộ).
  4. Hãy làm việc này (Thánh Lễ).